Đọc báo Pháp – 18/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 18/03/2020

Chống dịch virus corona :

Ý thức công dân, bổn phận Nhà nước

Tú Anh

Nước Pháp tuyên chiến với kẻ thù vô hình, toàn quốc bị phong tỏa, Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa biên giới trong vòng một tháng, kinh tế châu Âu đình trệ, mỗi quốc gia một chiến lươc đối phó… siêu vi corona tiếp tục tràn ngập các trang báo Pháp.

Tổng động viên chống dịch

Macron ban hành tổng động viên, nước Pháp bị phong tỏa, một kế hoạch 45 tỷ euro giúp doanh nghiệp trong cơn khốn khó, đình hoãn dự luật cải cách hưu trí, dịch lan chậm lại tại Ý…

Từ Le Monde, Libération cho đến Le Figaro, tất cả đều chọn những bức ảnh đường phố Paris hoang vắng đưa lên trang nhất để gây ấn tượng. Cuốn phim De Gaulle vừa ra mắt khán giả trước khi các rạp xi-nê phải tạm đóng cửa cũng được cây bút hí họa của Le Monde cho vào thời sự để minh họa cho sự kiện chiều thứ Hai, tổng thống Pháp loan báo các biện pháp triệt để chống dịch : “Đây, người bị cách ly nói với người bị cách ly” (nguyên văn : Đây, người Pháp nói với người Pháp). Tranh vui thứ nhì vẽ một cậu bé mặc áo siêu nhân (superman) ngạc nhiên hỏi một nhóm người lớn buồn rầu đeo khẩu trang : Bộ không chơi nữa hay sao?

Với các tựa và hí họa trên đây, Le Monde tóm lược những chuyển biến trong 24 giờ qua trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và hệ quả.

Trong bài xã luận “Kỳ vọng vào ý thức công dân”, nhật báo độc lập nhận định là tổng thống Pháp bắt buộc phải ban hành biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại của người dân như Ý và Tây Ban Nha đã làm. Bởi vì đây là cách khả thi nhất theo sự cố vấn của hội đồng các nhà khoa học. Chúng ta đang có chiến tranh Ông nhấn mạnh đến sáu lần câu nói bất hủ của Georges Clémenceau, vị thủ tướng Pháp biết kích động tinh thần dân Pháp để thắng cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918.

Phong tỏa ra sao ? Tổng thống để cho bộ trưởng Nội Vụ Pháp, chức vụ có biệt danh là “ông cò số một” nói rõ chi tiết “ngăn đường giặc siêu vi” : Huy động 100.000 cảnh sát, hiến binh, kiểm soát các tụ điểm then chốt. Còn công dân ra đường trong giai đoạn 14 ngày này phải có sẵn một tờ cam kết danh dự là đi đâu, có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt trong một hai ngày đầu là 38 euro, mấy ngày sau 135 euro.

Lệnh của chính phủ rất rõ ràng : Mọi người phải ở trong nhà. Ở nhà mới bảo vệ được sức khỏe, mạng sống của mình và cho người khác trong tinh thần “tập thể công dân”.

Không chơi nữa sao ?

Thái độ “vô tâm” của dân Pháp cũng bị tổng thống lưu ý. Trong lúc dịch Covid-19 lây lan, hơn 100 nạn nhân qua đời tại Pháp, học sinh ở nhà học qua internet, mà dân chúng vẫn tấp nập mua sắm hay ra công viên, bờ sông tắm nắng. Từ nay, phải dùng biện pháp nghiêm ngặt hơn, bắt ở nhà. Cuộc chay đua tranh thủ thời gian chống bệnh và cái chết đã bắt đầu mà mục đích là làm sao cắt đứt con đường lây qua tiếp xúc để bệnh viện và nhân viên y tế có thời giờ và phương tiện y khoa chăm sóc cho từng bệnh nhân thay vì phải chọn kịch bản bỏ mặc người già như La Croix, trong bài mỗi nước một chiến lược, nói đến.

Virus corona phục hồi vai trò Nhà nước

Cũng Le Monde, bài phân tích “Corona phục hồi vai trò Nhà nước” nhấn mạnh đến bổn phận chính trị của chế độ và nhà lãnh đạo.

Covid-19 không chỉ mà một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần. Nó còn là cơ hội để đánh giá chính xác tinh thần đề kháng, tinh thần đoàn kết tương thân tương trợ. Trong bình diện quốc gia, tinh thần tương thân tương trợ thường khi xung khắc với tâm lý ích kỷ, co cụm. Chưa chi mà không gian tự do đi lại Schengen, một trong những thành tựu quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu, đã bị khoanh lại.

Trước nguy cơ dân chúng tử vong vì virus ngày càng nhiều cũng như kinh tế đình trệ, vai trò của Nhà nước, hiện đang thất thế trước xu hướng toàn cầu hóa và thế lực áp đảo của các tập đoàn đa quốc gia, sẽ được hồi phục, tăng cường.

Đại dịch virus corona là cơ hội ngàn năm có một để chứng minh được tính vững chắc của giới lãnh đạo chính trị châu Âu và xa hơn nữa là thế bền vững của các chế độ chính trị dân chủ, minh bạch và quyết tâm hy sinh quyền lợi cá nhân để cứu sinh mạng đồng bào.

Theo tác giả, còn quá sớm để có thể kết luận chế độ dân chủ có chuẩn bị tốt hơn chế độ độc tài hay không bởi vì chúng ta chưa qua đỉnh khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, có thể đưa ra một số nhận xét như sau : – Che dấu sự thật đã làm mất nhiều thời giờ quý báu ; – Chế độ Trung Quốc với tập quán quan liêu từ gốc, sau khi phủ nhận sự thật đã quay sang phản ứng cực đoan thái quá ; – Tại Iran, cách thức ứng phó tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp đã làm cho bộ máy quyền lực tiêu hao nhân sự. Tuyên truyền quy kết, gọi hiểm họa dịch Covid-19 là âm mưu khuynh đảo của ngoại bang, thay vì kêu cứu chống dịch, đã làm hàng loạt quan chức chết oan mạng ; – Chính quyền Donald Trump cũng phủ nhận thảm họa virus corona chủng mới cho nên giờ đây Mỹ phải đối phó với một thử thách nghiêm trọng và bất trắc.

Tại Mỹ cũng như tại châu Âu, dịch virus corona đặt vấn đề về vai trò của bệnh viện công và nhân phẩm con người cho dù là nghèo hay giàu. Giáo dục, y tế, an toàn cho dân là ba chức năng cơ bản của một Nhà nước cần phải được định nghĩa lại sau con biến động này.

Cứu nguy kinh tế

Libération chê trách tổng thống Mỹ Donald Trump vì muốn tái đắc cử nên chỉ lo cho sức khỏe của thị trường hơn là sức khỏe của dân chúng.

Tham vọng chính trị của chủ nhân Nhà Trắng khiến ông phủ nhận sự thật trong nhiều tuần lễ, cuối cùng sàn chứng khoán cũng rơi tự do và còn tiếp tục. Bây giờ, chính phủ Mỹ mới thông báo chi ra 1.000 tỷ đôla chống dịch khẩn cấp.

Trên góc nhìn y tế, cũng như Le Monde, nhật báo Les Echos lo ngại cho Ấn Độ, một nước đông dân nhất địa cầu mà chỉ có hơn 100 ca bệnh. Một trong những lý do biện giải là Ấn Độ không có phương tiện xét nghiệm đại trà như Hàn Quốc. Chính nhờ biện pháp này và chính sách tận lực cứu chữa thật sớm cho từng công dân mà Hàn Quốc đã làm giảm đà lây lan cũng như giới hạn số người chết.

Cứu nhà bị cháy không hà tiện nước

Trên góc nhìn kinh tế, Les Echos chào mừng quyết định của Pháp chi ra 45 tỷ euro, một kế hoạch vô tiền khoáng hậu hỗ trợ cho các hãng xưởng lớn nhỏ bị khó khăn. Tuyên bố của bộ trưởng Tài Chính được lấy làm tựa lớn : Khi nhà bị cháy thì ai lại đếm số lít nước ? Phương án quốc hữu hóa các hãng thu lỗ nhiều cũng được dự kiến.

Tuy nhiên, điều mà Les Echos cảm thấy cần kíp phải thay đổi qua bài học Covid-19 là phải tránh tình trạng lệ thuộc vào sản xuất giá rẻ của Trung Quốc mà tổng thống Macron lưu ý. Les Echos hy vọng tuyên bố của tổng thống Macron sẽ sớm được thực hiện.

La Croix cũng góp tiếng vào kinh tế với tựa báo động : Chiến tranh kinh tế khai màn. Về dịch tễ, nhật báo Công Giáo trình bày ba liệu pháp chống dịch : Để siêu vi lây lan khắp nước để toàn dân sau đó được miễn dịch như chủ trương, nay đã bỏ, của Anh Quốc và cũng là dự án của Hà Lan. Chiến lược thứ hai là “cách ly” triệt để như Ý hay tương đối nhẹ hơn như ở Pháp. Và thứ ba là “thông tin để dân chúng ý thức tích cực tham gia” như trường hợp Hàn Quốc.

http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200318-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-virus-corona-%C3%BD-th%E1%BB%A9c-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-b%E1%BB%95n-ph%E1%BA%ADn-nh%C3%A0-n%C6%B0%E1%BB%9Bc

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Hoa Kỳ : Donald Trump chính thức làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. 

Ngày 17/03/2020, tổng thống Mỹ đã có đủ số đại biểu cần thiết để được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. Đây chỉ là một thủ tục trong cuộc vận đông tranh cử của ông. Do việc ông không có đối thủ trong đảng, nhiều tiểu bang đã không tổ chức bầu cử sơ bộ, chỉ có Florida và Illinois là đã cố tổ chức vào hôm 17/03. Trong một tin nhắn trên Twitter, chủ tịch đảng Cộng Hòa Ronna McDaniel khen ngợi ông Trump là ứng viên đảng đề cử để tranh ghế tổng thống, và cho biết thêm là bang Florida đã cho tổng thống số đại biểu mà ông cần.

(AFP) – Tranh cử sơ bộ bầu tổng thống Mỹ : Cựu phó tổng thống Joe Biden giành thắng lợi tại ba tiểu bang Florida, Arizona và Illinois. 

Ngày 17/03/2020, cựu phó tổng thống Biden, ứng cử viên tranh cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ, đã khẳng định được vị thế dẫn đầu, trong cuộc đọ sức với ứng cử viên Bernie Sanders. Tại Florida, ông Biden giành được 61% phiếu, so với 22% của đối thủ, theo kết quả kiểm 87% số phiếu. Thắng lợi của ứng cử viên Biden tại ba tiểu bang này đặt đối thủ Bernie Sanders trong tình thế hết sức khó khăn. Hiện tại, do dịch Covid-19, cả hai ứng cử viên, và cả tổng thống Trump, đều không tổ chức mít tinh tranh cử.

(AFP) – Thêm 147 người chết tại Iran vì Covid-19. 

Thứ trưởng Y Tế Alireza Raisi Iran ngày 18/03/2020 cho biết đã có thêm hơn 1.000 ca dương tính với virus corona trong 24 giờ qua. Tới nay, tại Iran có 17.161 người nhiễm. Với 231 người nhiễm siêu vi chủng mới, khu vực thủ đô Teheran có số người bệnh nhân cao nhất trên toàn quốc.

(AFP) – Tây Ban Nha thông báo số ca nhiễm tăng tới mức “chóng mặt”. 

Tính đến trưa 18/03/2020, trên toàn quốc có 13.700 người nhiễm virus corona, gần 600 người chết. Thống kê của bộ Y Tế nước này nói rõ khu vực gần thủ đô Madrid là ổ dịch lớn nhất. Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố với Quốc Hội : “thách thức đang ở trước mặt chúng ta”, số ca lây nhiễm sẽ còn tăng mạnh trọng những ngày tới.

(AFP) – Virus Corona có thể sống nhiều giờ trong không khí. 

Theo một nghiên cứu được chuyên san y khoa New England Journal of Medicine (NEJM), công bố ngày 17/03/2020, virus corona chủng mới, có khả năng như virus Sars, sống nhiều giờ ngoài cơ thể con người, trên những mặt bằng khác nhau, bằng nhựa hay thép không gỉ (inox), carton (đến cả 24 tiếng) hay cả trong không khí. Theo các tác giả công trình nghiên cứu, đặc tính đó của con virus có thể giải thích quy mô rộng lớn của dịch Covid-19 hiện nay, với con virus có khả năng lây nhiễm nhanh chóng từ người sang người.

(AFP) – Bất chấp Covid-19, Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế khẳng định tiếp tục chuẩn bị cho Thế Vận mùa hè tại Nhật. 

Ngày 17/03/2020, CIO nhấn mạnh hiện thời chưa cần thiết phải đưa ra một quyết định triệt để. Thông báo của Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế được đưa ra sau một cuộc họp qua điện thoại của ban điều hành CIO. Thế Vận mùa hè dự kiến diễn ra từ ngày 24/07 đến 09/08/2020.

(AFP) – Pháp : Giải tennis Roland Garros bị dời qua mùa thu vì Covid-19. 

Ban tổ chức giải quần vợt mở rộng Roland Garros tại Pháp đã quyết định vào ngày 17/03/2020 là giải đấu, thường diễn ra vào đầu mùa xuân (24/05 – 07/06), sẽ được tổ chức từ ngày 20/09 đến 04/10/2020. Vòng loại dự kiến vào ngày 18/05 ải dời lại vì không thể biết được tình hình virus lây nhiễm như thế nào, và liệu các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập hiện hành có được dỡ bỏ trước đó hay không.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200318-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 18/3:

Mỹ phản đối

Trung Quốc hạn chế truyền thông quốc tế

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (18/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Mỹ phản đối Trung Quốc hạn chế truyền thông quốc tế

Hãng tin Fox News cho biết, chính quyền Tổng thống Trump hôm thứ Ba (17/3) đã phản đối mạnh mẽ việc Bắc Kinh hạn chế hoạt động của 3 tập đoàn truyền thông lớn của Mỹ tại Trung Quốc, nói rằng hành động này của Bắc Kinh đã tước đi cơ hội tiếp cận với sự thât của người dân Trung Quốc và thế giới.

“Quyết định của chính quyền Trung Quốc về việc trục xuất các nhà báo [quốc tế] khỏi Trung Quốc và Hồng Kông là một bước đi nữa để ngăn cản người dân Trung Quốc và thế giới tiếp cận thông tin chân thực về Trung Quốc”, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ viết trên Twitter. “Hoa Kỳ kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thu hồi quyết định trục xuất các nhà báo và dừng việc truyền bá thông tin sai sự thật về virus Vũ Hán”.

Trước đó chính quyền Trung Quốc trong một tuyên bố nói rằng họ hạn chế hoạt động của 3 hãng truyền thông của Mỹ, bao gồm The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal, tại Đại Lục và Hồng Kông. Đây được xem là hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với việc Washington chế tài hoạt động của 5 hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ, và sau khi Hoa Kỳ gay gắt phản đối việc Trung Quốc “vu” cho họ phát tán virus nCoV, cũng như việc Tổng thống Trump gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”.

Tướng Mỹ nói về lực lượng tên lửa Triều Tiên trong đại dịch

Hoa Kỳ đã không phát hiện thấy hoạt động bất thường nào bên trong lực lượng tên lửa của Triều Tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Ba (17/3), theo Yonhap.

Trong một cuộc họp báo qua điện thoại với các phóng viên, tướng Mỹ Charles Richard đã nhận được câu hỏi về lực lượng tên lửa của Triều Tiên và tác động của virus đối với lực lượng này.

“Xem xét từng mối đe dọa đối với quốc gia chúng ta. Đó là điều mà chúng tôi quan sát mỗi ngày”, ông trả lời. “Tới nay, chúng tôi chưa thấy bất kể điều gì bất thường ngoài những gì mà tôi cho là các hoạt động bình thường hàng ngày của bất kể lực lượng nào”.

Hiện Triều Tiên vẫn chưa thông báo có ca nhiễm nCoV nào. Tuy nhiên, quốc gia bí ẩn này có nguy cơ cao khi nằm giữa Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch, và Hàn Quốc, một trong những tâm dịch COVID-19 của Thế giới.

Truyền thông Iran cảnh báo người dân về thảm họa COVID-19

Truyền thông nhà nước Iran hôm thứ Ba (17/3) cảnh báo rằng dịch COVID-19 có thể giết chết hàng triệu người nếu người dân tiếp tục phớt lờ lời khuyên về sức khỏe và an toàn, theo Fox News.

Phóng viên truyền hình nhà nước, và cũng là một bác sĩ y khoa, bà Afruz Eslamik, đã đưa ra cảnh báo nặng nề này ngay sau khi những người biểu tình Shiite tập trung ở sân của hai ngôi đền lớn đã bị đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Bà Afruz Eslami nói rằng nếu người dân không tuân theo các hướng dẫn phòng chống dịch, thì có thể làm sập hệ thống y tế vốn đã rất khó khăn của Iran. Nếu chúng ta “không có đủ các cơ sở y tế phục vụ [đại dịch], sẽ có 4 triệu ca nhiễm và 3,5 triệu người sẽ chết”, bà Eslami nói.

Iran hiện là quốc gia có số người nhiễm và tử vong vì nCoV cao thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ý. Theo Worldometers, tính tới sáng ngày 18/3, Iran có 16.169 người nhiễm bệnh (tăng 1.178) và 988 người chết (tăng 135).

Sinh viên ngành y ở Ý sẽ tham gia chống dịch COVID-19

Ý sẽ đưa 10.000 sinh viên ngành y sắp tốt nghiệp tham gia chống dịch COVID-19 nhằm giảm bớt khó khăn cho các nhân viên y tế của nước này, theo Reuters.

Bộ trưởng Bộ Đại học Ý, Gaetano Manfredi, cho biết, chính phủ cho phép sinh viên sắp tốt nghiệp ngành y bắt đầu công việc của mình sớm hơn tám hoặc chín tháng so với dự kiến và họ sẽ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp bắt buộc như mọi năm.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Ý đã đẩy các bệnh viện đến chỗ quá tải. Các cơ sở ý tế ở nước này đang tìm mọi cách để củng cố hệ thống của mình, kể cả phải tranh giành nguồn lực với các cơ sở y tế khác, trong bối cảnh số người nhiễm bệnh trên toàn quốc tăng nhanh chóng.

Số người chết vì COVID-19 ở Ý đã tăng lên 2.503 trong 24 giờ qua, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết, trong khi tổng số trường hợp được xác nhận dương tính với nCoV tăng lên 31.506 so với con số 27.980 một ngày trước.

Brazil bắt tù nhân trốn thoát trước lệnh phong tỏa chống COVID-19

Brazil đã bắt trở lại gần 600 tù nhân trốn khỏi 4 nhà tù trước khi phong tỏa tất cả các cơ sở giam giữ tội phạm để chống dịch COVID-19, trong khi đó, vẫn còn khoảng 800 tù nhân đang lẩn trốn, chính quyền nhà tù bang Sao Paulo cho biết trong một thông báo hôm thứ Ba (17/3), theo Reuters.

Vào thứ Hai (16/3), có tổng cộng 1.389 người đã trốn thoát khỏi bốn nhà tù ở bang Sao Paulo sau khi họ rời nơi giam giữ để đi lao động hoặc học tập.

Để tránh sự lây lan của nCoV, chính quyền bang Sao Paulo có kế hoạch dừng các hoạt động lao động và học tập của tù nhân ở bên ngoài khuôn viên nhà tù. Theo một quan chức nhà tù, việc phong tỏa chống dịch COVID-19 như vậy sẽ mang lại lợi ích cho 34.000 ngàn tù nhân và các quản giáo cũng như nhân viên phục vụ trong các nhà tù.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-18-3-my-phan-doi-trung-quoc-han-che-truyen-thong-quoc-te.html

 

Điểm tin thế giới chiều 18/3:

EU đóng biên giới,

Malaysia cảnh báo ‘sóng thần’ COVID-19

Hải Lam

Europe/Flick/flickr.com/photos/reneweuropegroup/49059761697/).

Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (18/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Liên minh châu Âu (EU) đóng biên giới

Lãnh đạo các nước EU hôm 17/3 nhất trí đóng biên giới toàn khối trong 30 ngày nhằm ngăn virus Vũ Hán lây lan.

Biện pháp đóng biên giới EU sẽ có hiệu lực ngay khi chính phủ các nước thành viên hoàn tất bước chuẩn bị nội bộ. Biện pháp không áp dụng cho nhân viên và thiết bị y tế, cũng như nhu yếu phẩm. Các lãnh đạo EU cũng nhất trí thành lập tuyến thông quan nhanh ở biên giới nhằm bảo đảm khả năng vận chuyển hàng hóa.

Lệnh phong tỏa áp dụng cho 30 nước, gồm toàn bộ các quốc gia thành viên EU trừ Ireland, cùng 4 nước không thuộc EU nhưng nằm trong khối Schengen. Những người được miễn trừ gồm công dân EU và thân nhân, thường trú nhân, các nhà ngoại giao, bác sĩ và các nhà nghiên cứu tham gia công tác kiểm soát virus Vũ Hán.

Malaysia cảnh báo ‘sóng thần’ COVID-19

Malay Mail cho hay, Tổng giám đốc cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah hôm nay cảnh báo trên Facebook rằng nước này có thể hứng chịu một đợt “sóng thần” COVID-19 nếu không tuân thủ các biện pháp ứng phó.

“Thất bại không phải là lựa chọn ở đây, thậm chí, Malaysia sẽ phải hứng chịu một đợt COVID-19 thứ ba, với thiệt hại ngang sóng thần, có khi hơn, nếu chúng ta thiếu quyết đoán”, ông Abdullah cho biết.

Ông cũng kêu gọi người dân Malaysia nên ở nhà “càng nhiều càng tốt”, thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa để giữ gìn cho bản thân và gia đình, góp phần vào nỗ lực của ngành y tế đất nước chống lại virus Vũ Hán.

Singapore cảnh báo ‘khủng hoảng kép’ vì virus Vũ Hán

Bộ trưởng Phát triển Singapore Lawrence Wong hôm nay phát biểu rằng COVID-19 có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng và gây suy thoái kinh tế cho các nước trên thế giới.

“Thách thức là khi chúng ta càng cố làm giảm đường cong của biểu đồ nhiễm bệnh, chúng ta lại khiến đường cong của biểu đồ suy thoái kinh tế tăng lên. Khi chúng ta thực hiện những biện pháp đúng đắn để bảo vệ mọi người, các hoạt động kinh tế sẽ chững lại và làm tăng nguy cơ suy thoái”, ông Wong hôm nay nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC.

“Cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy trong lịch sử hiện đại”, vị quan chức Singapore bày tỏ.

Đài Loan cấm người nước ngoài

Taiwan News đưa tin, Đài Loan cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài kể từ ngày mai trong bối cảnh số ca nhiễm virus Vũ Hán ngoại nhập ở hòn đảo tiếp tục tăng.

Trong cuộc họp báo sáng nay, ông Chen Shih-chung, người đứng đầu cơ quan Y tế Đài Loan và Trung tâm Dịch bệnh Đài Loan (CECC), cho biết, kể từ ngày mai, tất cả những người đến hòn đảo phải cách ly 14 ngày.

Ông Ngô Chiêu Tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan sau đó tuyên bố tất cả các công dân nước ngoài sẽ bị cấm nhập cảnh Đài Loan, trừ những người có giấy chứng nhận cư trú dành cho người nước ngoài (ARC), các quan chức ngoại giao và doanh nhân có giấy phép nhập cảnh đặc biệt.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-18-3-eu-dong-bien-gioi-malaysia-canh-bao-song-than-covid-19.html

 

Tạp chí đặc biệt

 

Virus Corona : Châu Âu

và những biện pháp phòng ngừa khác nhau

Thanh Hà

Ý là quốc gia đầu tiên tại châu Âu ban hành lệnh “phong tỏa” toàn quốc và đang lo ngại dịch tràn xuống miền nam. Tây Ban Nha và Pháp noi gương Roma. Đức từng bước đóng cửa với các nước láng giềng và tuyên chiến với virus corona trên mặt trận kinh tế. Anh Quốc bình tĩnh xử lý khủng hoảng. Còn tại Budapest, chính quyền vẫn cho rằng “người nhập cư mang bệnh đến cho Hungary”.

Anh Quốc bình tĩnh xử lý khủng hoảng

Tính đến ngày 17/03/2020, Anh Quốc có hơn 1.500 ca nhiễm, 53 người tử vong. Vào lúc nhiều quốc gia tại châu Âu đóng cửa biên giới, đóng cửa trường học cũng như các địa điểm công cộng, cấm các cuộc tụ họp, chính quyền Anh mới chỉ đưa ra các khuyến cáo tránh tụ tập và lui tới những nơi đông người. Luân Đôn vẫn cho phép tổ chức một số sự kiện thể thao.

Luật sư Hoàng Đức Thắng sống tại Anh Quốc cho biết, đến nay, phương pháp chống dịch của thủ tướng Boris Johnson và chính phủ được phần lớn công luận và giới khoa học ủng hộ. Trong cuộc sống hàng ngày, không có sự hốt hoảng hay dân chúng đua nhau đi mua nhu yếu phẩm tích trữ. Bài phỏng vấn thực hiện hôm 16/03/2020.

LS Hoàng Đức Thắng- Luân Đôn 18032020

 Dân Ý làm quen với cảnh phải “xếp hàng”

Nhìn sang Ý, với hơn 2.000 người thiệt mạng và 28.000 ca nhiễm virus corona, từ hôm 11/03/2020, từ bắc chí nam đã bị đặt trong tình trạng “phong tỏa”. Mọi di chuyển đều bị giới hạn tối đa. Anh Phạm Hoàng Dũng từ Romacho biết tình hình vẫn rất căng. Có thêm những vùng bị nhiễm và chính phủ đang lo dịch tràn xuống miền nam. Đây là vùng đất nông nghiệp nghèo, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Một điểm khác khiến Roma lo ngại đó chính là “tác phong lè phè” của dân ở miền nam nước Ý.

Phạm Hoàng Dũng- Roma, ngày 18/03/2020

 Budapest : Covid-19, “bệnh người nước ngoài đem vào cho Hungary” 

Tại Hungary, đến nay có hơn 50 ca lây nhiễm, và một bệnh nhân thiệt mạng. Budapest đã rất sớm ban hành tình trạng khẩn cấp chống dịch nhưng các biện pháp ngăn ngừa không triệt để như tại nhiều nước ở Tây Âu. Thông tín viên Hoàng Nguyễn giải thích.

Hoàng Nguyễn-Budapest, ngày 18/03/2020

Hungary có lẽ là nước đầu tiên trong khu vực Trung Âu ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 11/3, tức là cùng lúc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu”. Đây là điều mà như chính giới Hung khẳng định, chưa từng có trong lịch sử 30 năm nay, kể từ khi nước này thay đổi thể chế.

Cho tới nay, Hungary đã có 50 trường hợp lây nhiễm Covid-19, trong đó có 39 công dân Hungary, và 1 ca tử vong vì Coronavirus. Lãnh đạo nước này tuyên bố nước Hung chuyển sang giai đoạn thứ hai của dịch bệnh – giai đoạn lây nhiễm tập thể và nhiều khi sẽ không thể xác định chính xác ai gây nhiễm cho ai.

Từ 11/3 tới giờ, nội các Hungary cho thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống Coronavirus, hoạt động gần như 24/24h hàng ngày, và mỗi buổi chiều lại có họp báo rất được công luận theo dõi. Nước này cũng đang gấp rút cho xây dựng một bệnh viện dã chiến, thiết lập các khoa Truyền nhiễm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Mặc dù “vào cuộc” sớm như vậy nhưng các biện pháp của Hungary lại mang tính “nhẹ nhàng”: nước này chưa ban lệnh giới nghiêm (mà mới chỉ khuyến cáo các vị cao niên chớ ra đường), chưa đóng cửa các hàng quán, cửa hàng không thiết yếu (mà mởi chỉ hạn chế giờ mở cửa tới 15h), và mới hôm qua mới chỉ thị đóng biên giới.

Người dân Hungary, trong nhiều trường hợp cũng lao vào mua sắm các mặt hàng cần dùng cho đời sống thường nhật như gạo, thịt, bột, đường, giấy toilet… Khẩu trang và nước rửa tay đã hết từ lâu, cho dù chưa mấy người đeo khẩu trang. Đường sá vắng ngắt, nhưng hiện tượng hoảng loạn chưa thấy phổ biến.

Mục tiêu chính trị của Hungary

Cũng như ở một số nước Châu Âu, phân biệt đối xử, kỳ thị, hoặc ở mức nhẹ hơn là những hành động bất lịch sự, ác cảm với người Châu Á đã xảy ra tại Hungary hàng tháng trước, khi căn bệnh Covid-19 còn chưa xâm nhập vào Hung. Không có những trường hợp quá lớn, nhưng nhiều người Việt cho hay họ đã gặp phải.

Nhiều doanh nghiệp phải trương biển “Chúng tôi là người Việt Nam” để tránh sự phân biệt, kỳ thị dành cho người Hoa. Chính cộng đồng người Hoa tại Hungary cũng phải dấy lên một phong trào vận động những người Hoa có uy tín trong xã hội Hung, hãy lên tiếng để giải tỏa niều hiểu nhầm, tin thất thiệt và sự kỳ thị vô căn cứ.

Đồng thời, chính phủ của Thủ tướng Orbán Viktor, trong một số phát biểu, vẫn tiếp tục coi là có mối quan hệ giữa dân nhập cư và dịch bệnh, và rằng “người nhập cư đã mang bệnh tới Hungary”. Ám chỉ việc một số bệnh nhân đầu tiên của dịch Covid-19 là các sinh viên Iran theo học tại Hungary. Nhiều sinh viên Iran đã bị trục xuất, vì bị coi là không hợp tác với các biện pháp của chính quyền.

Đại diện của Tổ chức Ân xá Thế giới tại Hungary nhận xét: với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ Hung tiếp tục thâu tóm trong tay một quyền hành vô biên, mà thật ra không cần phải đến thế cũng có thể xử lý được tình trạng bệnh dịch. Đây rất có thể là một con bài trong tay nội các Hung, đê tiếp tục thi hành những bước đi phi dân chủ ở xứ này…

Người Việt tin tưởng vào hệ thống y tế của Đức

Sát cạnh với Pháp là Đức, nơi số ca nhiễm tăng nhanh trong những ngày gần đây : hơn 6.000 bệnh nhân dương tính với virus corona. Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp cấm lui tới các nơi công cộng. Cộng đồng người Việt tin tưởng vào hệ thống y tế rất tốt của Đức. Các hoạt động tại khu chợ Đồng Xuân ở Berlin suy giảm nhưng các doanh nghiệp vững tin vào chính sách hỗ trợ kinh tế của chính quyền Angela Merkel như trình bày của thông tín viên Lê Trung Khoa từ Berlin.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200318-virus-corona-ch%C3%A2u-%C3%A2u-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-ph%C3%B2ng-ng%E1%BB%ABa-kh%C3%A1c-nhau