Tin khắp nơi – 18/03/2020
Bầu cử 2020: Joe Biden
nghiền nát cơ hội được đề cử của Sanders
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã đè bẹp đối thủ Bernie Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Arizona, Florida và Illinois, truyền thông của Hoa Kỳ đưa tin.
Đẩy nhanh đà tiến của mình trong cuộc đua, cựu phó tổng thống Mỹ dẫn đầu ông Sanders ở cả ba tiểu bang với tỷ số áp đảo.
Ông Biden trực tiếp ngỏ lời xin những người ủng hộ Sanders ủng hộ mình.
Với chiến thuật này, Biden đã có một bước tiến lớn khác trên đường trở thành ứng cử viên Dân chủ, người sẽ đối mặt với Tổng thống Donald Trump vào tháng 11.
Kết quả cho đến giờ
Với hầu hết các khu vực của tiểu bang Florida đã có kết quả, Biden thắng với tỷ số gần 62% so với khoảng 23% của Sanders, theo hãng tin Associated Press.
Tại Illinois, với hầu hết các khu vực báo cáo, ông Biden đã dẫn đầu thượng nghị sĩ bang Vermont từ 59% đến 36%.
Theo kết quả chưa đầy đủ từ Arizona, Biden cũng dẫn đầu Sanders với tỷ lệ lớn.
Liệu hồ sơ chính trị của Joe Biden có gây bất lợi cho ông?
Trong tiểu bang miền tây nam này, Biden dẫn Sanders trong giới cử tri da trắng, với tỷ số 51% so với 32%. Cử tri người gốc Latin được chia đều hơn, với Biden (45%) và Sanders (44%)..
Florida là giải lớn nhất trong đêm, với 219 trong số 1.991 đại biểu cần có để đảm bảo được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Ông Trump đã giành chiến thắng tại mặt trận truyền thống Florida với 1,2 điểm phần trăm trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Cựu phó tổng thống Mỹ đang hy vọng tạo một vị trí dẫn đầu không thể đánh bại sau khi giành chiến thắng tại 16 trong số 21 cuộc bầu cử sơ bộ gần đây nhất của các tiểu bang.
Chiến thắng của cựu phó tổng thống Mỹ tháng trước tại South Carolina – chiến thắng bầu cử sơ bộ đầu tiên trong ba chiến dịch tranh cử tổng thống – đã hồi sinh chiến dịch lung lay của ông lúc đó.
Điều gì quan trọng nhất với các cử tri?
Theo thăm dò ý kiến, hầu hết các cử tri ở tiểu bang Florida cho biết xác suất được bầu là ưu tiên hàng đầu của họ.
Khoảng ba phần tư cử tri tiểu bang Florida cho biết Biden sẽ có cơ hội đánh bại ông Trump, đảng Cộng hòa, tốt hơn. Chỉ một phần năm nói như vậy về ông Sanders.
Các ứng viên Dân chủ ‘thiên tả’ đến đâu?
Các cử tri lớn tuổi có nhiều khuynh hướng nói rằng họ ủng hộ ông Biden.
Gần một nửa số cử tri của Florida nói rằng lập trường của ông Sanders quá cấp tiến.
Hai ứng cử viên phản ứng ra sao?
Trong một bài phát biểu trên webcam từ tư gia ở Wilmington, tiểu bang Delaware, để tuân thủ lời khuyên dẹp các cuộc tụ họp công cộng, để chống vi-rút corona của Hoa Kỳ, ông Biden ngỏ lời với giới ủng hộ nhiệt tình của ông Sanders.
“Tôi muốn nói, đặc biệt là với các cử tri trẻ, những người đã được Thượng nghị sĩ Sanders truyền cảm hứng. Tôi hiểu nguyện vọng của các bạn, tôi biết những gì đang bị đe dọa, tôi biết chúng ta phải làm gì.”
Nhưng Biden tập trung phần lớn vào sự bùng phát của bệnh dịch đang càn quét qua Hoa Kỳ, tạo ra một thông điệp đoàn kết khi nói: “virus corona không quan tâm bạn là Dân chủ hay Cộng hòa … tất cả chúng ta đều cùng chung số phận.”
Ông Sanders nói chuyện với cử tri trực tuyến từ Washington DC, nhưng không đề cập đến các cuộc bầu cử sơ bộ, ông cũng không đưa ra bất kỳ gợi ý nào về chiến dịch tranh cửa của mình trong tương lai.
Thay vào đó, ông tập trung vào cuộc khủng hoảng coronavirus, phác thảo các đề xuất để giải quyết đại dịch, mà ông nói sẽ tiêu tốn khoảng 2 triệu đôla.
Trò chơi của Sanders đã kết thúc?
Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ
Cử tri đảng Dân chủ của ba tiểu bang vừa củng cố cơ hội được đề cử vào cuộc đua tổng thống cho Joe Biden.
Sanders bị đánh bại một cách rõ ràng ở Illinois và Arizona và chuyển đến Florida, nơi trong một quận, anh đứng thứ ba sau cả Michael Bloomberg, người đã bỏ cuộc vài tuần trước.
Ông sẽ còn tụt lại phía sau nhiều nữa về số lượng đại biểu quốc hội, vì mùa bầu cử sơ bộ dường như đang hướng tới tình trạng bị đình chỉ, với nhiều tiểu bang đã trì hoãn các cuộc bầu cử của họ cho đến tháng Sáu.
Sanders nên suy nghĩ rất kỹ về việc ông muốn ở lại cuộc đua này bao lâu, ngay cả khi ông còn nhiều nguồn tài chính để tiếp tục.
Ông sẽ phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng tăng từ đảng Dân chủ để bỏ cuộc một cách lịch thiệp – điều mà anh ta đã không làm cho đến trước thềm hội nghị bốn năm trước, trước sự phản đối mạnh mẽ của nhiều người ủng hộ Hillary Clinton.
Điểm mấu chốt của Mr Sanders có thể là đánh giá những gì tốt nhất cho phong trào mà ông tạo ra.
Liệu ở lại trong cuộc đua có sẽ cho ông một nền tảng tiếp tục để nói về các vấn đề ông quan tâm và mua thời gian cho sự có thể vực dậy?
Hay việc quanh quẩn kéo dài chỉ làm tăng cơ hội ông sẽ bị thua nặng hơn nữa?
Virus corona ảnh hưởng việc bỏ phiếu thế nào?
Ohio cũng dự định tổ chức bầu cử sơ bộ hôm thứ Ba, nhưng đã hủy bỏ vì sự bùng phát coronavirus trên toàn quốc.
Các cử tri ở ba tiểu bang đến các trạm bỏ phiếu hôm thứ Ba được đón chờ bởi những lọ thuốc khử trùng tay và người làm việc ở phòng phiếu đeo khẩu trang giải phẫu.
Một số tiểu bang khác như Georgia, Louisiana, Maryland và Kentucky đã hoãn cuộc bầu cử sơ bộ.
Ủy ban Quốc gia Dân chủ kêu gọi những tiểu bang còn lại không hoãn bỏ phiếu.
Giới kỳ cựu của đảng đang khuyến khích các tiểu bang mở rộng bỏ phiếu qua bưu điện và bỏ phiếu sớm để giảm việc công chúng phải tiếp xúc với virus gây bệnh hô hấp.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51923540
Ứng viên Biden vận động ủng hộ viên của đối thủ Sanders
Sau khi giành thắng lợi ở 3 tiểu bang Florida, Illinois và Arizona, ứng viên tổng thống hàng đầu của phe Dân chủ, ông Joe Biden, hôm 17/3 đã trực tiếp truyền thông điệp tới các ủng hộ viên trẻ tuổi của đối thủ Bernie Sanders.
Trong bài phát biểu được phát đi từ nhà ở Delaware, ông Biden nói rằng ông và đối thủ Sanders bất đồng về chiến thuật tranh cử nhưng cùng chia sẻ cam kết về chính sách chăm sóc y tế với giá cả phải chăng, giảm bớt sự bất bình đẳng về thu nhập và xử lý vấn đề biến đổi khí hậu.
“Tôi muốn nói, nhất là đối với các cử tri trẻ tuổi đã được Thượng nghị si Sanders truyền cảm hứng: Tôi lắng nghe các bạn. Tôi biết những gì thực sự quan trọng. Và tôi biết những gì chúng ta cần phải làm”, ông Biden nói.
Theo Reuters, ông Biden, 77 tuổi, vẫn cần phải nỗ lực để thuyết phục các ủng hộ viên của ông Sanders chuyển sang hậu thuẫn cho mình nhằm đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Hãng tin Anh nhận định rằng thượng nghị sĩ từ tiểu bang Vermont, ông Bernie Sanders, đã đẩy Đảng Dân chủ về hướng tả khuynh với tư tưởng chủ nghĩa xã hội.
Ông Trump nói
gọi ‘Virus Trung Quốc’ là cụm từ rất chính xác
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17-3 (giờ Mỹ) bảo vệ cách sử dụng ‘Virus Trung Quốc’ khi mô tả dịch bệnh COVID-19, giải thích rằng ông sử dụng cụm từ này bởi vì Trung Quốc đã vu khống cho quân đội Mỹ, theo đài CNN.
“Tôi không đánh giá cao việc Trung Quốc cho rằng quân đội Mỹ đưa virus vào Trung Quốc. Quân đội chúng tôi không đưa virus cho bất kỳ ai” – ông Trump nói trong một cuộc họp ở Nhà Trắng.
“Trung Quốc đã tung tin sai lệch rằng quân đội chúng tôi mang virus vào nước họ. Đây là thông tin sai. Tốt hơn là tranh luận với họ, tôi phải gọi virus này bằng cái tên mà nó có nguồn gốc. Nó xuất phát từ Trung Quốc. Do đó, tôi nghĩ đây là một cụm từ rất chính xác” – ông Trump nêu.
Tổng thống Trump cũng phản ứng với các ý kiến cho rằng sử dụng cụm từ “Virus Trung Quốc” là kỳ thị.
“Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng chính việc (Trung Quốc) nói quân đội Mỹ đưa virus vào Trung Quốc mới tạo ra sự kỳ thị” – ông Trump khẳng định.
Hôm 17-3, ông Trump viết trên Twitter, lần đầu tiên dùng cụm “Virus Trung Quốc” (Chinese Virus): “Nước Mỹ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các ngành như hàng không và các lĩnh vực khác đang bị ảnh hưởng đặc biệt do virus Trung Quốc. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết!”.
Trước đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) là một con “virus nước ngoài”.
Ngay sau bài đăng này, tài khoản Facebook của trang Nhân Dân Nhật Báo (People’s Daily) – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã đăng một bài bình luận phản bác. Dưới cùng bài viết có ghi tên tác giả là Curtis Stone.
“Rõ ràng cái tweet của ông ấy đã sai vì cái tweet này đánh đồng người dân Trung Quốc với một căn bệnh và xem Trung Quốc là một cái bao đấm boxing” – bài bình luận có đoạn.
Cũng trong ngày 17-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối tweet của ông Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng cách gọi “Virus Trung Quốc” của ông Trump là bôi nhọ Bắc Kinh. Ông nói rằng trước hết Mỹ nên quan tâm các vấn đề của Washington.
Mỹ ngưng phỏng vấn cấp visa vì đại dịch COVID-19
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM sẽ tạm dừng phỏng vấn visa từ ngày 19/3/2020. Đó là thông tin trên trang web của đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam (https://vn.usembassy.gov).
Cụ thể, toàn bộ lịch hẹn phỏng vấn từ ngày 19/3 đến ngày 10/4 đã bị hủy cho đến khi có thông báo mới được đăng tải tại trang web trên.
Với những trường hợp khẩn cấp như: điều trị y tế khẩn cấp tại Mỹ (phải có thư của bác sĩ giải thích rõ lý do); lễ tang đột xuất; công tác khẩn cấp…thì phải gọi điện thoại trực tiếp đến Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam và phải cung cấp số hộ chiếu để được giải đáp.
Cũng tin liên quan, Đài Loan cũng cấm nhập cảnh với mục đích phòng chống COVID-19.
Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 19/3/2020, tất cả người nước ngoài bị cấm nhập cảnh vào Đài Loan, trừ những người nước ngoài có thẻ cư trú Đài Loan (ARC), giấy tờ chứng minh ngoại giao, công vụ, giấy tờ chứng minh đang thực hiện thương vụ và giấy tờ chứng minh đặc biệt khác.
Lệnh cấm nhập cảnh kéo dài cho đến khi có thông báo tiếp theo của các cơ quan chức năng Đài Loan. Như vậy, lao động Việt Nam sẽ tạm thời không thể sang Đài Loan làm việc.
TT Trump:
Mỹ sẽ đóng biên giới với Canada để ngăn Covid-19
Tổng thống Donald Trump sáng thứ Tư 18/3 nói rằng Hoa Kỳ sẽ tạm thời đóng cửa biên giới với Canada đối với “giao thông không thiết yếu” để ngăn dịch Covid-19.
“Chúng tôi, với sự đồng ý của hai bên, sẽ tạm thời đóng Biên giới phía Bắc của Mỹ với Canada đối với giao thông không thiết yếu,” Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter.
“Thương mại sẽ không bị ảnh hưởng. Chi tiết [của lệnh này] sẽ được thông báo!”
Hôm thứ Hai, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói Canada sẽ đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài, trừ công dân Mỹ.
Hôm thứ ba, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đóng cửa biên giới vòng ngoài đối với những người không phải là công dân EU để chặn dịch Covid-19.
(Theo CNN, Reuters)
Trường học đóng cửa khắp nước Mỹ vì virus corona
Trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona ngày càng tăng, nhiều trường học ở khắp nước Mỹ đã quyết định đóng cửa hoặc đang có kế hoạch đóng cửa để bảo vệ sức khỏe của hàng triệu học sinh và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan rộng hơn.
Tính đến trưa ngày 17 tháng 3, có 38 trên 50 bang của Mỹ quyết định đóng cửa trường công, theo Education Week, hãng tin chuyên đưa tin về giáo dục từ bậc tiểu học đến lớp 12. Cộng thêm một số trường trong một số học khu ở những bang khác, ít nhất 74.000 trường học ở Mỹ đã đóng cửa, dự định đóng cửa, hoặc đã đóng cửa và sau đó mở cửa lại, ảnh hưởng tới 38.8 triệu học sinh trường công.
Thời gian đóng cửa trường học thay đổi theo từng bang và hầu hết nằm trong khoảng từ hai đến ba tuần.
Việc các trường học đóng cửa khắp toàn quốc khiến nhiều phụ huynh học sinh phải sắp xếp lại thời khóa biểu để có thể ở nhà chăm sóc con cái trong khi một số trường đang triển khai các kế hoạch cho học sinh học trên mạng trong tình hình dịch bệnh kéo dài.
Mã Tiểu Linh, cư dân ở thành phố Virginia Beach thuộc bang Virginia, có ba người con hiện đều đang nghỉ học ở nhà. Bà cho biết hai người con lớn đang học đại học được trường cho nghỉ thêm 10 ngày nghỉ xuân và sau đó sẽ học trên mạng từ ngày 23 tháng 3, trong khi người con út đang học trung học được cho nghỉ hai tuần vì trường đóng cửa.
Bà cho biết đây là lần đầu tiên bà thấy các con bà được nghỉ lâu như vậy, nhưng bà cảm thấy an tâm với quyết định này của nhà chức trách giữa dịch bệnh lan tràn.
[2:35] “Mình nghĩ rằng đi học thì con em của chúng ta, hay bất cứ một người nào, đều có nguyên một cuộc đời để đi học,” bà nói. “Trong lúc này nghỉ hai tuần để bảo vệ sức khỏe là điều nên làm.”
“Sau khi đi học lại rồi thì có thể học online hoặc học nhanh hơn một chút hoặc học thế vào những tuần nghỉ hè và nghỉ hè ngắn lại một chút thì các em vẫn bắt kịp được. Chứ còn thời điểm này bắt các em đi học để các em nhiễm bệnh rồi về nhà thì mối lo lắng nặng hơn rất nhiều.”
Bà Linh cho biết bà không gặp trở ngại nào với việc các con được nghỉ ở nhà vì cả ba đều đã lớn và có thể tự chăm sóc bản thân và cho nhau được.
Trong khi đó, Huỳnh Ngọc Uyên Dung, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Kĩ thuật Y sinh tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ (CUA) ở thủ đô Washington, cho biết trường của cô cũng đã thông báo đóng cửa và tất cả các lớp học đều sẽ được chuyển sang học online cho đến cuối tháng 3. Virus corona đã khiến hoạt động nghiên cứu của cô ít nhiều bị gián đoạn vì cô không thể tiếp cận được cơ sở vật chất tại trường.
1’20 “Đối với những sinh viên học cao học như mình thì hầu hết không học trên lớp nữa mà làm nghiên cứu,” cô cho biết. “Hiện tại các hoạt động trong phòng lab được khuyến khích hạn chế đến mức tối thiểu. Trong tình huống mà ai đang có những thí nghiệm tiến hành lở dở thì được khuyên nhanh chóng hoàn tất thí nghiệm đó hoặc tạm dừng trong một thời gian.”
Nghiên cứu sinh này cho biết sự gián đoạn này không ảnh hưởng quá lớn đến lịch trình của cô vì cô nói cô có thể linh hoạt thay thế nghiên cứu trong phòng lab bằng việc đọc sách hoặc viết bài. Nhưng cô không rõ với tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng ra sao tới ngày tốt nghiệp của cô vào tháng 5, có thể sẽ bị lùi lại vài tuần hoặc lâu hơn.
Khắp nước Mỹ hàng loạt trường đại học lớn đã hủy các lớp học trong khuôn viên trường, trong đó bao gồm các đại học danh tiếng như Harvard, Yale và Stanford.
Có 98.277 trường công ở Mỹ và gần 50,8 triệu học sinh trường công, theo số liệu của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia.
Tổng thống Donald Trump đầu tuần này yêu cầu mọi người giúp làm chậm lại sự lây lan của virus corona bằng cách tránh đi đến trường học.
“Chính quyền của tôi đang khuyến nghị tất cả người Mỹ, bao gồm cả những người trẻ và khỏe mạnh, nên tham gia hình thức học ở nhà khi có thể,” cũng như tránh tụ tập trong những nhóm quá 10 người, ông Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Virus corona, còn được biết đến với tên gọi COVID-19, đã lây nhiễm 5.890 người và làm thiệt mạng ít nhất 97 người tại Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/truong-hoc-dong-cua-khap-nuoc-my-vi-virus-corona/5332983.html
Hoa Kỳ có sự gia tăng đáng kể
trong việc xét nghiệm coronavirus
Trong thời gian gần đây, khả năng xét nghiệm coronavirus tại Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể, nhưng con số này vẫn thua xa các quốc gia khác. Vào hôm thứ hai (16 tháng 3), Thống Đốc New York Andrew Cuomo cho biết “tiểu bang đã có sự gia tăng đáng kể trong việc xét nghiệm coronavirus”, với số lượng người nhiễm bệnh lên tới 950 người. Khi bệnh nhân đầu tiên được xác định tại New York. Tiểu bang này đặt mục tiêu xét nghiệm 1,000 người mỗi ngày.
Cùng với sự gia tăng số lượng các cuộc xét nghiệm, các ca nhiễm được xác nhận tại Hoa Kỳ cũng sẽ tăng theo. Việc xác định người bệnh là một phần thiết yếu trong quá trình hạn chế lây lan của dịch bệnh. Cho đến nay, các viên chức y tế công cộng tại Hoa Kỳ vẫn chưa có khả năng tự do kiểm tra bất cứ ai có triệu chứng nhiễm COVID-19, bao gồm sốt, ho và khó thở. Nhiều viên chức tiểu bang đã bày tỏ sự thất vọng trước khả năng xét nghiệm căn bệnh, vì ban đầu các bộ dụng cụ xét nghiệm mà Trung tâm CDC gửi đến các phòng thí nghiệm y tế công cộng trên toàn quốc đều bị lỗi, khiến cho quá trình bị chậm lại. Khả năng xét nghiệm sau đó lại tiếp tục bị hạn chế vì có quá ít cơ quan được cho là đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm, và sự thiếu hụt một loại hóa chất cần thiết để tiến hành xét nghiệm, khiến cho vấn đề càng nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, số lượng xét nghiệm gia tăng không đồng nghĩa với việc người dân Hoa Kỳ có thể dễ dàng truy cập các cơ sở xét nghiệm. Thất vọng ngày càng tăng khi các quốc gia khác đã vượt qua một cách dễ dàng số lượng xét nghiệm được thực hiện tại Hoa Kỳ.
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-co-su-gia-tang-dang-ke-trong-viec-xet-nghiem-coronavirus/
Chính quyền TT Trump
muốn triển khai gói kích cầu nghìn tỷ đô
Chính quyền của Tổng thống Trump hôm 17/3 muốn triển khai gói kích cầu trị giá một nghìn tỷ đôla, trong đó có bao gồm cả khoản tặng công dân Mỹ mỗi người lên tới 1 nghìn đô, nhằm giảm tác động kinh tế của dịch virus Corona, theo Reuters.
Tin cho hay, hiện tất cả 50 bang của Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 với tổng số các ca vượt quá 6.400 người.
Tổng thống Trump nói rằng Mỹ đã đạt được tiến bộ trong chiến dịch chống COVID-19 đang lây lan nhanh.
Thượng viện Mỹ cân nhắc về quỹ khẩn cấp chống đại dịch
Theo Reuters, ông Trump dự đoán rằng kinh tế Mỹ sẽ “phục hồi chóng vánh” khi các ca lây nhiễm chậm lại.
Hãng tin Anh nói rằng sau nhiều ngày có tuyên bố giảm nhẹ mức độ tác động của COVID-19 và tập trung vào thị trường chứng khoán, chính quyền của ông Trump đã bắt đầu thúc đẩy các hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn các động về kinh tế lẫn nhân mạng.
Reuters nói rằng gói kích cầu trị giá một nghìn tỷ đôla bao gồm cả khoản 50 tỷ đôla dành cho các hãng hàng không đang đối mặt với khả năng bị phá sản.
Thượng viện Mỹ
cân nhắc về quỹ khẩn cấp chống đại dịch
Thượng viện Hoa Kỳ hôm 17/3 chuẩn bị xem xét một dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá hàng tỷ đô la đã được Hạ viện thông qua nhằm cứu trợ kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, giữa lúc chính quyền Trump yêu cầu thêm một gói cứu trợ 850 tỷ đô la, theo Reuters.
Cuối tuần qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói cứu trợ kinh tế dùng để trả lương cho các nhân công nghỉ bệnh và mở rộng cứu trợ thất nghiệp cùng một số các bước khác, bao gồm gần 1 tỷ đô la bổ sung để giúp nuôi trẻ em, người già ở nhà và những người cần trợ cấp khác.
Trước khi Quốc hội thông qua biện pháp thứ hai trong vòng vài ngày, chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn có nguồn chi tiêu bổ sung lớn để giúp giảm bớt tác động của dịch bệnh lây lan nhanh, vốn đang nhấn chìm thị trường tài chính toàn cầu và gây gián đoạn sâu rộng cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã lên kế hoạch thảo luận về gói kích thích trị giá 850 tỷ đô la mà chính quyền muốn khi có cuộc họp vào ngày 17/3 với các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện, Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức giấu tên trong chính phủ Hoa Kỳ.
Khoản tài trợ sẽ bao gồm một số viện trợ cho các hãng hàng không cùng với việc cắt giảm thuế lương trong số các điều khoản khác.
Các hãng hàng không Hoa Kỳ đang cần ít nhất 50 tỷ đô la tiền tài trợ và các khoản vay.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton nói rằng các nhà lập pháp có thể thông qua biện pháp hiện tại của Hạ viện và sau đó đưa ra một dự luật khác, bao gồm các bước kích thích kinh tế hơn nữa mà chính quyền mong muốn.
Đại dịch đã giết chết ít nhất 83 người ở Hoa Kỳ và khiến cho các trường học, nhà hàng và tất cả các loại hình tụ họp xã hội bị đình chỉ.
Sáng 14/3, Quốc hội đã thông qua và Tổng thống Trump đã ký một gói cứu trợ trị giá 8,3 tỷ đô la để chống virus corona.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết Thượng viện đang “nóng lòng” muốn thông qua dự luật mới nhất của Hạ viện và điều này có thể xảy ra vào cuối ngày 17/3.
Đảng Cộng hòa cho biết Thượng viện sẽ nỗ lực để thông qua biện pháp thứ ba trong tuần này, bao gồm gói kích thích lớn hơn rất nhiều, nhưng không chắc chắn về lịch trình của Thượng viện do ảnh hưởng của sự bùng phát virus corona. Điều này đòi hỏi Hạ viện phải soạn thảo dự luật khi trở lại làm việc vào tuần tới sau những ngày nghỉ.
Tuy nhiên, cả các giới chức hành chính lẫn lãnh đạo Thượng viện đều không chắc rằng một dự luật lớn như vậy có thể được thông qua nhanh chóng tại Thượng viện.
Tổng thống Trump muốn gửi 1.000 USD cho mỗi người Mỹ
Hương Thảo
Tổng thống Trump đang xem xét kế hoạch gửi chi phiếu 1.000 USD cho mỗi công dân Mỹ, trừ người có thu nhập cao, để hỗ trợ cuộc chiến chống virus Vũ Hán.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi gói kích cầu kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD, trong đó bao gồm khoản chi 1.000 USD cho mỗi người dân Mỹ nhằm hỗ trợ họ vượt qua khó khăn do virus
Vũ Hán. Trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 17/3, Tổng thống cho biết kế hoạch có thể diễn ra trong vòng hai tuần tới và các chi tiết đang được hoàn thiện.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết những người có thu nhập cao sẽ không được nhận hỗ trợ. Gói cứu trợ 1.000 tỷ USD sẽ bao gồm 50 tỷ USD cho các hãng hàng không chịu ảnh hưởng của đại dịch, cùng 250 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, theo Reuters.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết cơ quan này sẽ duyệt chi gói ngân sách khẩn cấp trị giá nhiều tỷ USD được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tuần trước, khẳng định Thượng viện Mỹ sẽ không nghỉ cho tới khi phê duyệt các khoản tiền giải cứu nền kinh tế.
Ngân sách khẩn cấp giúp chi trả tiền nghỉ ốm có lương cho người lao động, mở rộng khoản trợ cấp thất nghiệp và cung cấp gần một tỷ USD để bảo đảm lương thực cho trẻ em, người cao tuổi và nhiều nhóm dân cư trong quá trình ngăn chặn virus Vũ Hán.
“Chúng ta sẽ thắng [dịch bệnh], tôi nghĩ chúng ta sẽ thắng nhanh hơn người ta nghĩ, tôi hy vọng vậy”, Tổng thống Trump cho biết, theo VOA
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-muon-gui-1-000-usd-cho-moi-nguoi-my.html
Tòa Bạch Ốc gặp khó khăn chọn lựa viện trợ
ngành công nghiệp nào giữa khủng hoảng coronavirus
Chính quyền tổng thống Trump đang gặp khó khăn trong việc quyết định viện trợ cho ngành công nghiệp nào, khi hàng ngàn công ty ở Hoa Kỳ ngừng hoạt động do lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Theo CNBC, Hoa Kỳ có thể mất 8.2 triệu khách quốc tế trong năm nay. Không chỉ có các hãng hàng không và khách sạn mất doanh thu, mà các nhà hàng, nhà bán lẻ và phi trường cũng vậy.
Ở một số tiểu bang, trung tâm thương mại, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim phải đóng cửa và các chính quyền đang yêu cầu các nhà hàng chỉ bán đồ ăn mang đi. Cuối tuần trước, bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin xác nhận rằng nếu Tòa Bạch Ốc có giải pháp của họ, điều đó sẽ bao gồm viện trợ tài chính cho các hãng hàng không, du lịch và khách sạn. Hôm thứ Hai (17 tháng 03), ngành công nghiệp hàng không Hoa Kỳ xác nhận đang xin viện trợ của chính phủ hơn 50 tỷ Mỹ kim, bao gồm cả viện trợ tài chính trực tiếp và cho vay. Nhưng việc ra quyết định được nhiều người ủng hộ vốn đã khó khăn như mọi năm, thì trong năm bầu cử điều này lại càng khó khăn hơn.
Ngành công nghiệp hàng không có khả năng thu hút nhiều ủng hộ của lưỡng đảng nhất, vì ngành này rất quan trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Ngành hàng không cung cấp 750,000 việc làm và giúp đi lại khắp cả nước. Sự sụp đổ của ngành hàng không sẽ đè bẹp sự tự tin của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Mộc Miên
Amazon thuê 100,000 người để giải quyết
những đơn mua sắm trực tuyến
ngày càng gia tăng do coronavirus
Amazon dự kiến sẽ thuê 100,000 người trên khắp Hoa Kỳ để theo kịp các đơn đặt hàng trực tuyến ngày càng tăng do coronavirus lây lan và khiến nhiều người ở nhà hơn.
Nhà bán lẻ trực tuyến cho biết họ cũng sẽ tạm thời tăng lương thêm 2 mỹ kim/giờ cho đến cuối tháng 4 cho những nhân viên làm việc theo giờ đang làm việc tại các nhà kho, trung tâm giao hàng và cửa hàng tạp hóa Whole Food. Các nhân viên làm việc theo giờ ở Anh Quốc và các nước châu Âu khác sẽ được tăng lương tương tự.
Ông Dave Clark, người giám sát kho hàng và mạng lưới giao hàng của Amazon cho biết “công ty đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nhu cầu, đồng nghĩa với việc nhu cầu tuyển nhân viên của công ty cũng đang ở mức cao chưa từng có vào thời điểm này tròng năm.”
Amazon cho biết vào cuối tuần qua rằng việc các đơn đặt hàng gia tăng đang đặt áp lực lớn lên công ty. Công ty đã khuyến cáo người hàng rằng có thể mất nhiều thời gian hơn hai ngày để họ nhận được hàng, đồng thời cho biết thêm rằng đồ dùng vệ sinh gia đình tồn kho của họ đã bán hết hoàn toàn.
Amazon cho biết đợt tuyển dụng này sẽ có những vị trí toàn thời gian và bán giời gian và bao gồm các vị trí như tài xế giao hàng và nhân viên kho hàng. (BBT)
Cuộc thăm dò cho thấy người dân Hoa Kỳ
ngày càng lo lắng về coronavirus
và mất niềm tin vào chính phủ
Tin từ Washington, D.C. – Theo cuộc thăm dò ý kiến được công ty Gallup thực hiện, có đến 60% người dân Hoa Kỳ đang “lo lắng” hoặc “rất lo lắng” rằng họ hoặc gia đình của họ sẽ nhiễm coronavirus, tăng từ 36% vào tháng 2. Bên cạnh đó, cuộc thăm dò còn cho thấy người dân đang dần mất niềm tin vào chính phủ trong công cuộc đối phó với dịch bệnh, khi chỉ có 61% người “tin tưởng” hoặc “rất tin tưởng” vào khả năng của chính phủ Hoa Kỳ, giảm 16% so với tháng 2.
Gallup thực hiện cuộc thăm dò vào từ ngày 2 đến 13 tháng 3, không lâu sau khi trường hợp dương tính coronavirus đầu tiên xuất hiện tại Hoa Kỳ, và được công bố trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump gia tăng tốc độ ứng phó với đại dịch.
Tuần trước, Tổng Thống Trump đã uyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và vào thứ hai (ngày 16 tháng 3) đã kêu gọi người dân tránh các cuộc tụ tập hơn 10 người và tạm dừng hầu hết các hoạt động xã hội trong 15 ngày để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh. Hành động này được đưa ra khi thị trường chứng khoán lao dốc, mặc dù Quỹ Dự trữ Liên bang đã cắt giảm lãi suất khẩn cấp lần thứ hai và Tổng Thống Trump khuyến cáo về việc nền kinh tế Hoa Kỳ có thể rơi vào suy thoái do virus.
Cuộc thăm dò của Gallup cho thấy tất cả các nhóm dân số đều gia tăng lo lắng về về sự bùng phát của coronavirus, vượt qua những gì từng chứng kiến trong các căn bệnh trước đây như SARS, virus West Nile và bệnh than (anthrax). Hơn 85% người Hoa Kỳ hiện tin rằng coronavirus sẽ có tác động rất nghiêm trọng hoặc rất tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, tăng từ 65% trong cuộc thăm dò trước đó. (BBT)
Nhu cầu về khẩu trang, áo choàng và nước rửa tay
tăng cao tại các phòng khám cộng đồng tại quận Cam
Tin từ California – Các phòng khám cộng đồng ở phía Nam tiểu bang California chủ yếu phục vụ dân số thu nhập thấp hiện đang rất cần các thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế của họ, đặc biệt là khẩu trang phòng độc N-95.
Vào tuần trước, tại phòng khám Southland Integration Services ở thành phố Garden Grove, nguồn cung cấp khẩu trang giảm đáng kể xuống chỉ còn 10 cái. Phòng khám chủ yếu phục vụ cộng đồng người Mỹ gốc Việt quanh khu vực và một số lượng lớn người cao niên.
Cô Tricia Nguyễn, giám đốc phòng khám này cho biết, phòng khám chỉ có thể đặt hàng 3 hộp khẩu trang trực tuyến mỗi tuần, mỗi hộp gồm 50 cái. Họ đang sử dụng các khẩu trang trên như thể chúng quý như vàng.
Tờ Orange County Register dẫn lời cô Ellen Ahn, giám đốc điều hành của Trung tâm Cộng đồng Nam Hàn tại Buena Park cho biết, các phòng khám thậm chí còn đang tìm kiếm khẩu trang trong các cửa hàng bán đồ xây nhà, cửa hàng sơn, thậm chí là cửa hàng phụ tùng xe hơi. Phòng khám của cô chỉ còn 29 khẩu trang phòng độc, và mọi người đang tích trữ chúng. Các nhà sản xuất đang ưu tiên các bệnh viện và nhân viên cấp cứu.
Các tổ chức phi lợi nhuận địa phương như Giving Children Hope ở Buena Park cũng đã hành động và tặng khẩu trang phòng độc cho các phòng khám cộng đồng địa phương trong bối cảnh cơn sốt khẩu trang diễn ra. (BBT)
Cuộc chiến chống Covid-19,
mặt trận xung đột mới giữa Mỹ và TQ
Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, gây tổn thất nghiêm trọng và làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở hầu khắp thế giới, có một thứ hầu như không thay đổi là sự đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Đều là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát của virus corona chủng mới, cả Mỹ và Trung Quốc đều trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, tìm cách hạn chế di chuyển, nhập cảnh cũng như áp dụng các biện pháp tự cách ly để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, thay vì lãnh đạo thế giới đương đầu với đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.500 người, hai nước tiếp tục lún sâu vào một cuộc ganh đua quyền lực, nhất quyết đánh giá đối thủ qua lăng lính của những thuyết âm mưu và sự thù địch.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc hồi cuối năm ngoái, Washington và Bắc Kinh đã không ngừng khẩu chiến, chỉ trích lẫn nhau về mọi thứ, từ nguồn gốc của virus cho đến việc các chuyên gia y tế Mỹ có được phép đến thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc để tìm hiểu tình hình dịch bệnh hay ai đáng bị đổ lỗi về sự bùng phát đại dịch.
Trước đây, mối quan hệ Washington – Bắc Kinh vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt” vì một loạt vấn đề nóng như chiến tranh thương mại, biển Đông, Hong Kong, số phận của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei… Hai bên đáng lẽ có thể tận dụng việc bùng phát Covid-19 như cơ hội hiếm hoi để dẹp bỏ các khác biệt và hợp tác. Song, đáng tiếc, không bên nào dường như quan tâm đến việc đó, theo nhận định của An Gang, cựu quan chức ngoại giao chuyên về các vấn đề Mỹ hiện đang là chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược quốc tế và An ninh tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).
Với việc bỏ lỡ cơ hội, mối quan hệ song phương tiếp tục lún sâu vào một chu kỳ bất đồng mới, đầy nguy hiểm. Các trao đổi chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc gần như bị ngưng trệ, việc đi lại và giao lưu văn hóa bị hạn chế nghiêm trọng hoặc gián đoạn trong bối cảnh gia tăng đối đầu và sụt giảm niềm tin giữa chính phủ hai nước. Nhà nghiên cứu An nói trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng, thực trạng này là “đáng tiếc nhưng không hoàn toàn gây ngạc nhiên”.
Sự ngờ vực đó hiển hiện ngay sau khi nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu cho phong tỏa Vũ Hán, tâm chấn của dịch Covid-19 hôm 23/1. Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên đã đưa hàng trăm công dân của họ khỏi thành phố này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nâng cảnh báo về Trung Quốc lên mức cao nhất, kêu gọi các công dân Mỹ không đi du lịch quốc gia Đông Bắc Á này vì dịch bệnh bùng phát.
Trong những tuần sau đó, hơn 60 quốc gia cũng áp lệnh giới hạn đi lại với Trung Quốc và hơn 20 nước đã đưa các công dân khỏi Vũ Hán. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đặc biệt nổi giận vì “phản ứng thái quá” của Mỹ, nhấn mạnh rằng nước này đã “tạo gương xấu” cho các quốc gia khác noi theo.
Bộ Ngoại giao và các quan chức Trung Quốc đã lên án Mỹ. Bắc Kinh cáo buộc các động thái của Mỹ dựa trên sự kỳ thị và mang động cơ chính trị, “kích động sự hoảng loạn không cần thiết” như phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị an ninh Munich cách đây một tháng.
“Thành thật mà nói, tại thời điểm khủng hoảng như thế này, chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ cư xử cao thượng và thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn cho Trung Quốc. Nhưng hóa ra, Mỹ tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn lâu nay của họ với Trung Quốc”, Yun Sun, một chuyên gia tại Trung tâm Stimson ở Washington (Mỹ) bày tỏ.
Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa từng công khai đổ lỗi cho Trung Quốc. Tuần trước, ông thậm chí còn khen ngợi Bắc Kinh vì đã “chia sẻ dữ liệu”. Song, điều đó không chấm dứt việc các quan chức hàng đầu trong chính quyền Trump, kể cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien chỉ trích cách Bắc Kinh ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Khi tình hình kiểm soát dịch có dấu hiệu tiến triển tốt ở Trung Quốc (số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 ở đại lục có xu hướng giảm vài tuần trở lại đây), căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới lại leo thang. Các nhà phân tích nhận định, Bắc Kinh dường như muốn khắc phục sự tổn hại danh tiếng toàn cầu và đặc biệt nhạy cảm trước các phát biểu quy kết cách ứng phó dịch của nước này giai đoạn đầu với sự bùng nổ các ca lây nhiễm virus khắp thế giới trong vòng một tháng trở lại đây, cũng như việc các quan chức Mỹ cố tình gọi tên chủng virus mới này là “virus Vũ Hán”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng buộc tội các quan chức Mỹ đang chơi trò đổ lỗi. Một đồng nghiệp của ông – Zhao Lijian thậm chí nêu giả thuyết rằng, có thể chính binh lính Mỹ đã mang virus chết người đến Trung Quốc khi tham dự Thế vận hội quân sự (Đại hội thể thao quân sự quốc tế tổ chức 4 năm một lần) ở Vũ Hán vào tháng 10 năm ngoái, vài tuần trước khi thành phố xác nhận sự bùng phát của Covid-19 vào tháng 12/2019.
Trong một thông điệp chính thức đăng tải trên Twitter hôm 12/3, ông Zhao dẫn chứng một đoạn video quay Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) Robert Redfield dường như đang thừa nhận Mỹ có một vài ca tử vong từ virus corona chủng mới trước khi họ có thể xét nghiệm mầm bệnh, đồng thời kêu gọi CDC nên minh bạch. Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải tới để phản đối.
Các hãng thông tấn và phóng viên cũng trở thành nạn nhân của sự đối đầu giữa hai nước. Tháng trước, Trung Quốc đã trục xuất 3 nhà báo thuộc tờ Wall Street Journal của Mỹ khỏi văn phòng đại diện ở Bắc Kinh, với lí do họ đã cho đăng tải bài viết mô tả Trung Quốc là “bệnh nhân thực sự của châu Á” mà không xin lỗi. Động thái diễn ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ xếp 5 cơ quan báo chí lớn nhất Trung Quốc là những tổ chức, cơ quan chính phủ phải tuân thủ Đạo luật phái bộ nước ngoài.
Đáp trả, hồi đầu tháng này, Washington ra lệnh giới hạn số nhân viên làm việc cho 5 cơ quan báo chí lớn nhất Trung Quốc ở Mỹ xuống chỉ còn 60 người.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa hẹn hợp tác phòng chống virus corona chủng mới trong một cuộc điện đàm đầu tháng Hai, nhưng hầu hết các nhà quan sát đều tỏ ra hoài nghi. Theo George Magnus, một nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford (Anh), kỳ vọng mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn vì cuộc khủng hoảng Covid-19 là ý tưởng “hay nhưng thiếu thực tế”.
Bruno Macaes, cựu Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu ở Bồ Đào Nha cho rằng, đại dịch Covid-19 mở ra một chiến trường mới cho Mỹ và Trung Quốc. Thay vì cạnh tranh trong nền tảng thông thường, quen thuộc của hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu do Mỹ đứng đầu, mối đe dọa mới đang thay đổi cuộc chơi quyền lực địa chính trị bằng cách phơi bày nhược điểm của các hệ thống quản trị và chăm sóc y tế của mỗi nước.
“Mỹ hiện đối mặt với một mối đe dọa tinh vi và nguy hiểm hơn nhiều so với những đe dọa từ năng lực sản xuất hoặc các công nghệ kỹ thuật số quan trọng của Trung Quốc. Virus corona đang buộc Mỹ phải cạnh tranh với Trung Quốc trên nền tảng của một mối đe dọa chính trị và công nghệ mới, đầy bất ngờ đối với sự ổn định xã hội”, ông Macaes viết trong một bài xã luận đăng tải trên tạp chí National Review.
Ông Magnus và các chuyên gia khác cũng tin, những bất đồng đang kéo căng quan hệ Mỹ – Trung Quốc sẽ không thay đổi và vẫn tồn tại ở đó ngay cả khi thế giới ngăn chặn được đại dịch Covid-19. Một số học giả thậm chí lo lắng, Tổng thống Trump có thể theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc vào giai đoạn quan trọng này trong cuộc đua tái tranh cử ghế lãnh đạo Nhà Trắng.
Nhà nghiên cứu An lưu ý, những xung đột kéo dài cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến dư luận Mỹ mất đi thiện cảm với Trung Quốc. Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng trước của Gallup cho thấy, chỉ có 33% người Mỹ được hỏi nhìn nhận Trung Quốc một cách tích cực, thấp hơn 20% so với năm 2018 và rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.
Bất chấp điều đó, ông An tin rằng hiện vẫn còn cơ hội cho hai “ông lớn” xoay chuyển tình hình, cải thiện hợp tác song phương và quốc tế.
“Không thể giải quyết một cuộc khủng hoảng toàn cầu nếu không có sự hợp tác toàn cầu. Điều quan trọng với Trung Quốc là phải hành động trước tiên vì Mỹ đang ở giữa cuộc khủng hoảng. Hành động như một lãnh đạo và vạch ra một loạt các giải pháp chính là các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Việc đó sẽ giúp sửa chữa và khôi phục hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc, bất kể Mỹ chọn cách đáp trả như thế nào”, ông An nhấn mạnh.
Quan chức Mỹ, TQ căng thẳng trong điện đàm về Covid-19
Cuộc điện đàm giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc căng thẳng khi hai bên chỉ trích và đổ lỗi cho nhau về tình hình dịch bệnh Covid-19.
Theo hãng tinAFP, trong một cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 16/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ bức xúc khi Bắc Kinh dùng các kênh chính thức “để đổ lỗi cho Mỹ về Covid-19”.
AFPdẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Pompeo đã “nhấn mạnh rằng đây không phải là lúc lan truyền thông tin sai lệch và tin đồn, mà là lúc để tất cả các quốc gia cùng nhau chống lại mối đe dọa chung”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần trước đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải để chỉ trích việc Bắc Kinh ủng hộ thuyế âm mưu cho rằng Washington “mang dịch Covid-19 đến Vũ Hán”.
Đáp lại chỉ trích của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết nói rằng, những cáo buộc này là “vô căn cứ”.
Tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien chỉ trích Trung Quốc phản ứng chậm trễ và không minh bạch khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán cuối năm ngoái nên “khiến thế giới mất 2 tháng để ứng phó”.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng bình luận này của quan chức Mỹ là “thiếu trách nhiệm” và không giúp ích gì cho Mỹ trong nỗ lực ứng phó dịch hiện nay.
“Chúng tôi hy vọng rằng, lúc này một số quan chức của Mỹ nên tập trung nỗ lực ứng phó dịch, tăng cường hợp tác và đừng đổ lỗi cho Trung Quốc”, ông Cảnh Sảng nói.
Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái. Đến nay dịch đã lan ra ít nhất 162 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 7.000 người tử vong và khiến hàng loạt quốc gia phải ban bố lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới nhằm ngăn dịch lây lan.
http://biendong.net/bien-dong/33617-quan-chuc-my-tq-cang-thang-trong-dien-dam-ve-covid-19.html
Tổng thống Trump đang cho soạn thảo sắc lệnh
đưa các chuỗi cung ứng y tế của Hoa Kỳ về nước
Hương Thảo
Một vị quan chức Hoa Kỳ cho biết ông đang soạn thảo một sắc lệnh cho Tổng thống Donald Trump nhằm di dời các chuỗi cung ứng y tế của Hoa Kỳ ở nước ngoài về Mỹ.
Vào ngày 16/3, trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC, ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại Nhà Trắng, nói rằng Hoa Kỳ hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ là thuốc mà còn cả vật tư y tế và thiết bị y tế.
“Nội dung của sắc lệnh… là phải mang tất cả chuỗi cung ứng về nhà để chúng ta không phải lo lắng về sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài nữa”, ông nói và cho biết thêm rằng 70% các thành phần được sử dụng trong dược phẩm cao cấp tại Mỹ hiện nay là “đến từ nước ngoài”.
Ông Peter Navarro trong cuộc phỏng vấn với kênh CNBC hôm 16/3 (ảnh chụp màn hình từ video của CNBC).
Ông Navarro không cho biết cụ thể Hoa Kỳ hiện đang phụ thuộc vào nước nào, nhưng các chuyên gia từ lâu đã chỉ ra sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
Bà Rosemary Gibson, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Hastings, một viện nghiên cứu đạo đức sinh học, và đồng tác giả của cuốn sách “Trung Quốc Rx: Phơi bày những rủi ro phụ thuộc của Mỹ đối với Trung Quốc về dược phẩm”, đã nói với tờ The Epoch Times rằng đó là “một rủi ro đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.
“Đối với các loại thuốc theo toa, 90% các thành phần cốt lõi, hóa chất và các thành phần khác đều phụ thuộc vào Trung Quốc”, bà Gibson nói với The Epoch Times.
Bên cạnh đó, theo tờ The Hill, Tổng thống Donald Trump trong nhiều năm luôn khẳng định rằng, nước Mỹ đã quá phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, và cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay đã chứng minh điều đó.
Giờ đây, với sự bùng phát dịch COVID-19 trên toàn thế giới, có thể khiến quá trình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc được đẩy nhanh hơn nữa, khi các công ty bắt đầu nhận ra những nguy cơ đến từ quốc gia độc tài có quá nhiều quyền lực đối với chuỗi cung ứng của họ. Sau khi Bắc Kinh đặt hàng trăm triệu công dân của mình dưới sự cách ly, đóng cửa phần lớn nền kinh tế trong nhiều tuần, nhu cầu đa dạng hóa các địa điểm sản xuất đã trở nên rõ ràng đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Châu Mỹ Latin
thắt chặt các biện pháp kiểm soát coronavirus
Tin từ LIMA/ASUNCION/SAN SALVADOR – Vào hôm thứ Hai (16/3), các quốc gia quanh châu Mỹ Latin thắt chặt các hạn chế để làm chậm sự lây lan của coronavirus mới, với việc Peru đưa nhân viên quân sự ra đường, Costa Rica và Colombia đóng cửa biên giới và các quốc gia khác đưa ra lệnh giới nghiêm.
Dù khu vực này vẫn chưa bị ảnh hưởng nặng nề như châu Á hay châu Âu, nhưng các chính phủ ở châu Mỹ Latin tích cực hành động để ngăn chặn virus phong tỏa nhiều thành phố cùng trung tâm giao thông quốc tế và đánh sập nhiều thị trường tài chính.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều di chuyển ở cùng một nhịp độ. Một tranh chấp ngoại giao nổ ra khi tổng thống El Salvador cáo buộc Mexico cho phép những người nhiễm virus lên chuyến bay rời Mexico City tới San Salvador. Mexico phủ nhận điều đó.
Tại Colombia, các nhà chức trách vượt qua mối quan hệ căng thẳng với Venezuela để bắt đầu chia sẻ thông tin về coronavirus với nước láng giềng của họ, nhưng tuyên bố rằng điều đó không có nghĩa là họ công nhận chính phủ của ông Nicolas Maduro về mặt chính trị.
Tổng thống Colombia Ivan Duque cũng cho biết nước này sẽ đóng cửa biên giới trên biển, trên bộ và trên sông từ hôm thứ ba để ngăn chặn sự lây lan của bệnh hô hấp lan truyền nhanh và đôi khi gây tử vong, với kế hoạch đóng cửa biên giới cho đến ngày 30/5.
Hành động của ông Duque được nối tiếp bởi các biện pháp cứng rắn hơn từ ông Maduro, người ra lệnh mở rộng cách ly xã hội trên toàn bộ Venezuela, bắt đầu vào hôm thứ ba, sau khi tổng số ca bệnh tại quốc gia này tăng gấp đôi lên 33. (BBT)
https://www.sbtn.tv/chau-my-latin-that-chat-cac-bien-phap-kiem-soat-coronavirus/
Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ chối
cho Venezuela vay 5 tỉ USD để chống dịch COVID-19
Hải Lam
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 17/3 từ chối yêu cầu vay 5 tỉ USD từ phía Venezuela để chống dịch COVID-19 với lý do, không có sự rõ ràng trong việc các nước trên thế giới công nhận chính quyền Maduro.
Tổng thống Nicolas Maduro vào hôm 17/3 đã yêu cầu IMF cho nước này vay 5 tỉ USD, nhưng trong một tuyên bố vài giờ sau đó, tổ chức có trụ sở tại Washington cho biết: “Thật không may, IMF không thể xem xét yêu cầu này”.
Động thái của IMF đã gián tiếp bác bỏ chính quyền của ông Nicolas Maduro.
“Như chúng tôi đã đề cập trước đây, sự cam kết của IMF với các quốc gia thành viên được khẳng định dựa trên sự công nhận chính thức từ cộng đồng quốc tế, như được phản ảnh trong tư cách thành viên của IMF. Không có sự rõ ràng về một chính phủ được công nhận tại thời điểm này”, tuyên bố của IMF cho biết.
Hơn 50 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền ông Nicolas Maduro mà công nhận nhà lãnh đạo đối lập, ông Juan Guaido, là tổng thống lâm thời.
Hiện, ông Maduro vẫn được các chủ nợ của Venezuela là Trung Quốc và Nga hậu thuẫn.
Theo AFP
Hải Lam dịch và biên tập
Ngân hàng Thế giới nâng mức hỗ trợ
ứng phó với dịch COVID-19 lên 14 tỷ USD
Thiện Lan
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 17/3 thông báo nâng gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp thêm 2 tỷ USD lên thành 14 tỷ USD để hỗ trợ các nước thành viên để đối phó với dịch virus Vũ Hán.
Theo thông báo của WB, gói hỗ trợ này sẽ “cải thiện năng lực quốc gia ứng phó với các vấn đề y tế công cộng”, bao gồm chính sách ngăn chặn dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị, đồng thời cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp và người lao động để giảm bớt ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với tài chính và kinh tế.
Trước đó, vào ngày 3/3, WB thông báo cung cấp gói hỗ trợ ban đầu lên tới 12 tỷ USD, trong đó có 6 tỷ USD từ WB để cải thiện hệ thống y tế và giám sát dịch bệnh, 6 tỷ USD từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của WB, để hỗ trợ cho các công ty tư nhân và nhân viên của họ. Hiện IFC đã đồng ý bổ sung thêm 2 tỷ USD cho gói hỗ trợ nói trên.
IFC cho biết, phần lớn khoản tài trợ sẽ được sử dụng cho các tổ chức tài chính để họ có thể tiếp tục cung cấp nguồn tài chính cho hoạt động thương mại, vốn lưu động và vốn trung hạn cho các công ty tư nhân đang phải vật lộn với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Khoản tài trợ trên cũng sẽ giúp các khách hàng của IFC đang hoạt động trong ngành du lịch, sản xuất và các ngành bị ảnh hưởng nặng nề khác có thể tiếp tục thanh toán chi phí. Đồng thời IFC còn hỗ trợ ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe khi ngành này đang phải đối mặt với nhu cầu gia tăng về dịch vụ, thiết bị và thuốc men.
Giám đốc điều hành IFC, ông Philippe Le Houerou nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng khu vực tư nhân ở các quốc gia đang phát triển được trang bị tốt hơn để giúp nền kinh tế sớm phục hồi”.
Theo Reuters
Thiện Lan dịch và biên tập
Virus corona: Du khách gặp khó
khi EU tăng cường cấm nhập cảnh
Khách du lịch từ bên ngoài EU đang bị từ chối tại các sân bay và biên giới, sau khi khối 27 quốc gia áp đặt lệnh cấm 30 ngày để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Một nhóm bay đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị từ chối cho nhập cảnh tại sân bay lớn nhất của Đức ở Frankfurt vào cuối ngày thứ Ba, 17/02, theo hãng tin DPA.
Các nhà lãnh đạo EU đồng ý rằng các biên giới nội bộ được dựng lên trong những ngày gần đây cần được gỡ bỏ.
Nhiều người châu Âu làm việc xuyên biên giới.
Hơn 185.000 người đã bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Châu Âu đã được WHO xác định hiện là “tâm chấn của đại dịch”.
Số liệu mới nhất cho hay khoảng 3.400 người đã chết riêng ở châu Âu.
EU đã đồng ý những gì?
Lệnh cấm nhập cảnh 30 ngày sẽ không ảnh hưởng đến người châu Âu về nhà hoặc người lao động xuyên biên giới. Công dân Anh cũng không bị ảnh hưởng do một thỏa thuận Brexit tạm thời vẫn ràng buộc Anh với các quy tắc của EU.
Lệnh cấm đặc biệt bao gồm tất cả các quốc gia EU cũng như các quốc gia ở trong khu vực khối Schengen tự do qua lại không biên giới, bao gồm Iceland, Thụy Sĩ, Na Uy và Liechtenstein.
Tất cả công dân sẽ được giúp đỡ trở về nhà, và Đức hôm thứ Tư, 18/03, nói họ sẽ tiếp tục nỗ lực đưa về nhà hàng chục ngàn khách du lịch bị mắc kẹt ở nước ngoài, từ Ma-rốc và Ai-Cập đến Philippines và Argentina, hồi hương qua ngả hàng không.
Viện Robert Koch (RKI), cơ quan khoa học tư vấn cho chính phủ về các vấn đề sức khỏe, đã cảnh báo rằng Đức có thể chứng kiến tới 10 triệu trường hợp nhiễm virus corona trong vòng hai đến ba tháng tới, trừ khi các biện pháp ngăn chặn hiện hành được tuân thủ nghiêm ngặt.
Tại sao biên giới nội bộ là một vấn đề?
Các chính phủ cá nhân châu Âu đã bắt đầu thi triển các cuộc tuần tra để ngăn chặn công dân từ các quốc gia khác xâm nhập.
Tuần tra xuất hiện vào hôm thứ Ba trên biên giới Tây Ban Nha với Pháp và Ba Lan đã chứng kiến ùn tắc giao thông lên đến 50km (31 dặm) tại một số cửa khẩu của nước này như là một phần của các biện pháp đảm bảo sức khỏe.
“Một điều hết sức quan trọng là chúng ta gỡ bỏ tình trạng này, bởi vì chúng ta biết rằng có quá nhiều người bị mắc kẹt trong EU và gặp vấn đề trở về nhà,” chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Tình hình ở châu Âu xấu thế nào?
Tại Pháp, số trường hợp được xác nhận tại Pháp đã tăng hơn 16% vào thứ Ba, đạt 7.730, số người chết tăng lên 175, với 7% số người chết dưới 65 tuổi.
Ở Anh, số người chết đã lên tới 71 người.
Số trường hợp được xác nhận ở Tây Ban Nha đã tăng vọt lên tới 13.500.
Ý, nơi đã có hầu hết các trường hợp mắc, nhiễm bên ngoài Trung Quốc với hơn 31.500, đã công bố một đợt tăng vọt các ca tăng tử vong khác vào thứ Ba, từ 2.150 lên 2.503.
Bỉ công bố thêm bốn ca tử vong vào thứ Tư, đưa tổng số ca bị chết tăng lên 14, với 243 trường hợp mới.
Tại Đức, RKI đưa tin 8.198 trường hợp với 12 người chết. Thủ tướng Merkel sẽ có một động thái bất thường là nói chuyện với quốc dân trong một thông điệp trên truyền hình trong ngày thứ Tư. Bà được dự kiến sẽ không công bố các biện pháp mới, nhưng sẽ kêu gọi công dân Đức hợp sức hỗ trợ chống lại virus.
Tại Ba Lan, nhiều hàng dài xe cộ xếp hàng ở biên giới nước này, theo Adam Easton, phóng viên BBC News từ Warsar.
Nhiều xe tải bị kẹt cứng trong một vụ kẹt xe kéo dài trên một con đường ở Đức cách biên giới Ba Lan khoảng 50km.
Một số người phải chờ hơn 24 giờ từ sau khi các biện pháp kiểm tra mới được đưa ra vào nửa đêm ngày thứ Bảy, 14/3.
Người nước ngoài tạm thời bị cấm vào nước này và công dân Ba Lan trở về phải bị cách ly trong 14 ngày.
Binh sỹ biên phòng mặc bộ đồ bảo hộ và đeo khẩu trang tiến hành đo thân nhiệt của mọi người qua biên giới.
Hàng ngàn người nước ngoài đang rời Ba Lan để trở về nhà và hàng ngàn người Ba Lan đang cố gắng quay trở lại là những gì đang diễn ra.
Biên giới vẫn mở cửa cho hàng hóa, nhưng chính quyền không tạo làn đường đặc biệt cho tài xế xe tải đi qua, vì vậy mọi người bị kẹt trong một hàng dài, vẫn theo phóng viên của chúng tôi.
Riêng tại ngã tư ở Jedrzychowice ở biên giới Đức vào sáng thứ Tư, mọi người đã bị kẹt xe qua đêm, nhiều người không có gì để ăn, uống và không có nhà vệ sinh, Adam Easton tường trình thêm từ Warsaw.
Lãnh đạo Ủy ban châu Âu còn nói gì nữa?
Bà von der Leyen nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng bà hy vọng có thể có vắc-xin vào mùa thu. Những bình luận của bà không phù hợp với các quan chức y tế ở nơi khác, nhưng bà cho biết có những biện pháp để tăng tốc quá trình “quan lieu” thường chậm chạp và khó khăn.
Lãnh đạo Ủy ban cũng đã trả lời phỏng vấn của tờ báo lá cải Đức, tờ Bild, trong đó bà nói:
“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi, những người không phải là chuyên gia, đều đánh giá thấp virus corona.”
Bà chấp nhận đây là một “kẻ thù đáng lo ngại” nhưng nói rằng không xem cuộc tranh đấu chống lại virus là một cuộc chiến.
Các biện pháp tỏ ra “quyết liệt, hà khắc”, hai tuần trước, theo bà, hiện đã được chấp nhận khi cần thiết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51948085
Anh đánh lớn, tung gần 400 tỷ đô
vào trận chiến chống virus corona
Nguyễn Giangbbcvietnamese.com
Chiều 17/03, chính phủ Anh tung ra 330 tỷ bảng (398 tỷ USD) vào trận chiến chống dịch Covid-19, đánh dấu một bước ngoặt như nhà báo Nguyễn Giang viết:
Lúc Boris Johnson nổ phát súng bằng hàng trăm tỷ bắn con virus quái ác, tôi vừa xong ca làm việc tại nhà ngày đầu, nào thử các kiểu hệ thống họp từ xa, nào xem nội dung tin bài từ xa.
Vâng, thế giới đang tự dừng lại cách làm việc cũ, đi nhiều, đốt nhiều, ăn nhiều, yêu nhiều, thải nhiều, bỗng chốc nhìn – nghe – nói đều ở dạng remote hết. Cũng cần quen dần.
Đang định xem TV khi thấy thông báo trên iPhone về bước đi quyết liệt của Boris Johnson sau buổi họp báo quá tệ tuần trước, thì nhà có khách.
Kể ra chút để các bạn thấy dân Anh cũng lo chống dịch, chạy dịch chứ không thờ ơ như một số “ông trạng trên mạng” ở Việt Nam mô tả “từ xa” đâu.
Một cô đồng nghiệp của vợ tôi, cùng làm tại trường tiểu học, đến để hỏi thăm. Hai cô nói chuyện với nhau về việc bỏ họp toàn trường – school assembly, vào tuần tới, trước kỳ nghỉ Phục Sinh tháng 4. Từ mấy hôm, trường St Anselm’s Primary đã chuẩn bị bước II, là nghỉ học. Cho đến nay, họ chỉ báo cho nhân viên là “phòng ngừa lây lan” – học sinh ho, sốt thì cho về nhà, giảm hoặc huỷ các chuyến dã ngoại, tham quan trong nước Anh etc. Tuần qua, trường chuẩn bị bước I: các loại sách vở, giáo án online để chuẩn bị cho học sinh học từ nhà, chờ quyết định đó từ chính quyền địa phương.
Thực ra, Anh Quốc chậm đóng trường học là có lý do của họ: để học sinh ở nhà thì cha mẹ, một số đông làm trong ngành y tế, sẽ nghỉ phép trông con, gây thiếu quân ở tuyến đầu chống dịch. Mặt khác, một số không nhỏ trong hơn 4 triệu học sinh nhỏ tuổi sẽ được gửi ông bà ở độ tuổi rủi ro dễ mắc virus.
Chưa kể, sống ở Kent tôi biết nhiều nhân viên y tế ngay tại hai bệnh viện gần nhà là người nước ngoài, Đông Âu, Nam Âu, Philippines, CH Nam Phi…Nếu con họ phải nghỉ học, họ sẽ tìm cách đem con về nước nghỉ dài luôn, gây khủng hoảng nhân sự cho y tế Anh.
Tóm lại là trường sẽ đóng nhưng chưa phải bây giờ.
Tôi không tham gia câu chuyện, chỉ nghe loáng thoáng rồi vào phòng, xem đoạn video SkyNews phỏng vấn bác sĩ Jonathan Nguyen Van-Tam, người Mỹ gốc Việt hiện là quan chức cao cấp số hai của Y tế Anh Quốc.
Giải thích rõ hơn trước và làm từng bước
Có vẻ như chính phủ Anh đang làm một đợt ‘offensive’ về PR trên truyền thông hỗ trợ cho Boris Johnson bị tiếng là hay “chém lung tung”.
Ông Jonathan Nguyen Van-Tam, sinh ở Boston, Massachussetts, giáo sư dịch tễ học ĐH Nottingham, từ 2017 giữ chức rất to là England’s Deputy Chief Medical Officer, giải thích vì sao chính phủ Anh và ngành y tế làm từng bước việc kìm chân Covid-19 nhưng cảnh báo “các biện pháp sẽ tăng dần, và kéo dài ít nhất bốn tháng”.
Ngay từ đầu đại dịch Covid-19, và làm việc liên quan nhiều đến mảng planning ở BBC, tôi hiểu rằng Anh Quốc quan sát rất kỹ hành trình của con virus Vũ Hán.
Nói thẳng ra, ban đầu họ nghĩ virus này chỉ hoành hành ở Trung Quốc. GS John Oxford, trường Queen Mary nổi tiếng ở London thừa nhận sau này trên trang Sunday Times rằng “chúng tôi nghĩ virus này đánh vào người Trung Quốc chứ không gây hại cho “gene châu Âu”. Căn cứ vào diễn biến của dịch SARS phần nhiều tác oai tác quái ở Quảng Đông và Hong Kong, họ có cơ sở để tin như vậy.
Tôi để ý không thấy các báo khác, gồm cả trang web đài nhà là BBC News đăng câu của ông John Oxford, không rõ có phải sợ bị cho là ‘phân biệt chủng tộc’ nên chỉ ghi lại ở đây để các bạn biết.
Tóm lại là ngay từ đầu, Anh theo dõi rất sát, và rất cẩn thận, đón công dân của họ, hoặc công dân Trung Quốc học ở Anh về thăm thân quay lại, bằng chuyên cơ, đáp xuống căn cứ quân sự, cách ly ngay ở biệt khu The Wirral phía Bắc, chứ không đem về London.
Nhưng sau này, khi London – đô thị 10 triệu dân, nay là vùng lây nhiễm cao nhất nước – không thể ngăn cản triệu lượt người qua lại thì Anh Quốc chuyển sang một hướng chống dịch mới. Đó là không ngăn chặn nữa, mà làm chậm và giãn độ lây lan của dịch.
Trước nói quá thẳng nay tăng đồng cảm?
Tôi quan sát thấy chính phủ Anh có phạm sai lầm về chính sách thông tin tuần trước, khi cuộc họp báo quá thẳng thừng của Boris Johnson – “các bạn sẽ có thân nhân ra đi sớm hơn dự kiến” và các quan chức y tế tìm cách giải thích khái niệm “miễn dịch cộng đồng” rất khoa học nên thô thiển gây choáng cho khá nhiều người. Cùng lúc, đúng là trong dân chúng có khá nhiều thanh thiếu niên, và cụ già chủ quan “khinh địch”.
Tinh thần Blitz spirit giúp họ sống qua các đợt dội bom của Đức Quốc xã hồi Thế Chiến II được vài báo lá cải thổi lên. Đó cũng là chuyện có thật nhưng không đại diện cho đa số người có gia đình, phải lo cha mẹ già, trẻ con, và mọi diễn biến về virus đều có thể gây xáo trộn lớn cho cuộc sống họ phải tính đến.
Chính phủ Anh có chủ quan ban đầu hay không thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn là chỉ sau 1-2 tuần đầu tháng 3 và sau cuộc họp báo đầu tiên, họ họ đã điều chỉnh lại. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói “herd immunity” là khái niệm khoa học nhưng không phải là chủ trương của nhà nước để “dân lây nhiễm hàng loạt”.
Một lệnh vừa được ban ra để tất cả các bệnh viện ở England lùi các cuộc phẫu thuật không thiết yếu từ 15/04 nhằm giải phóng 30 nghìn giường bệnh cho người mắc virus corona nếu con số phải nhập viện tăng lên.
Boris đã tỏ vẻ đồng cảm hơn trong cuộc họp báo chiều thứ Hai.
Lúc đó, tôi đã rời sở đi bộ ra ga tàu, qua Leicester Square, rẽ về phía Charing Cross, thấy đường phố trước 18 giờ, bình thường ra là trước giờ ăn chơi buổi tối của dân London, mà phố thật vắng. Quán Bella Italia chơ vơ một anh chàng người Ý đứng mời khách, không đeo khẩu trang gì cả. Các quán bên thì như chẳng buồn kéo bàn ra, đóng luôn.
Có vẻ người dân đã tự lo trước khi Boris tuyên bố tăng cường các biện pháp siết chặt giao lưu đám đông, không cấm nhưng khuyến nghị giảm đi lại, không vào pub, đi nhà hát, xem phim…
Tuy thế, phải thừa nhận rằng chính phủ Anh có tính toán kỹ về các bước đi của họ, phối hợp cả bốn lĩnh vực: kinh tế, xã hội, y tế và an ninh để chống dịch Covid-19.
Trong trận đánh chống Covid-19 này, như quần hùng đọ chiêu đánh tà giáo trong truyện chưởng, mỗi nước ra đòn một kiểu.
Này nhé, Ý thì ca hát cho vui đời, Tây Ban Nha đánh đàn, Trung Quốc thì lùng,bắt, nhốt, Việt Nam hô hào “toàn dân ra trận”, còn Anh thì dùng đồng tiền.
Kinh tế, khoa học, y tế, xã hội hỗ trợ nhau
Cách làm của Anh tưởng thờ ơ nhưng thực ra khá bài bản, bình tĩnh và từng bước một, trải ra để quan sát, điều chỉnh, và quan trọng là để công chúng không hoảng loạn, thậm chí trong cơn lo virus còn vui “được tiền”.
Trước khi FED ở Mỹ làm cú cắt lãi suất vào ngày Chủ Nhật 15/03, sớm không cần thiết, gây choáng, khiến thị trường lao đao, thì Anh đã cắt lãi suất hôm 11/03.
Ngay lập tức vào sáng 12/03, tôi nhận được tin nhắn của ngân hàng thông báo tiền trả hàng tháng cho tín dụng mua nhà (mortgage) giảm đi một con số vui vẻ.
Hàng triệu gia đình khác ở Anh cũng vui như tôi nhờ được vuốt ve bởi “chiến tranh tâm lý” mà chính phủ và Bank of England tung ra.
Chưa hết, hôm 17/03 này, tân Bộ trưởng Tài chính, một anh chàng banker trẻ tuổi người Anh gốc Ấn là Rishi Sunak công bố̃ gói cứu trợ 330 tỷ và một loạt biện pháp giúp doanh nghiệp nhỏ, người thu nhập dưới trung bình.
Khoản tiền gần 400 tỷ USD, bằng 15% GDP của Anh gồm nhiều khoản cho vay để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thanh khoản, không suy sụp vì mất khách, và vì nợ ngân hàng.
Dư luận Anh đặc biệt chú ý đến lệnh “hoãn trả tín dụng địa ốc”, còn gọi là “mortgage holiday”. Bạn biết là ở Anh ít ai mua nhà mà không vay ngân hàng, và tiền vay gốc, cùng lãi suất lên tới hàng trăm nghìn bảng cho một căn nhà ở ngoại ô London. Hàng tháng, tiền mortgage có thể chiếm tới ½ hoặc 1/3 thu nhập sau thuế của hộ gia đình.
Cú ‘giãn nợ’ cho tín dụng địa ốc này quả không tệ, theo như bình luận của một đồng nghiệp tôi bên BBC Finance.
Đồng tiền chi đúng lúc còn giúp bình ổn thị trường lao động và̉ đảm bảo an ninh xã hội.
Nói ngắn gọn thì trong vòng ba tháng chống virus, nếu chẳng may bạn bị công ty sa thải, tạm nghỉ việc không lương, thì căn nhà không bị ngân hàng tịch thu vì thiếu nợ.
Xin nhắc Anh là nước có chế độ phúc lợi hơn cả xã hội chủ nghĩa, nhưng kinh tế là theo chủ nghĩa tư bản, chính phủ không thể bắt các công ty không sa thải người mà chỉ có thể giúp họ sau khi đã mất việc. Bạn thất nghiệp thì có trợ cấp của chính quyền để sống nhưng căn nhà nếu không trả đủ hạn lãi suất ngân hàng thì bị mất tờ ‘deed’ như sổ đỏ ở Việt Nam ngay.
Mortgage holiday cho phép bạn không phải trả trong ba tháng nếu thuộc diện khó khăn mà trả sau, phần trăm thấp, khoản nợ này.
Quyết định can thiệp “độc tài tư bản chủ nghĩa vì dân” của chính phủ Anh, hãm phanh bàn tay lông lá của thị trường sẽ giúp hàng triệu gia đình khỏi lo trở thành vô gia cư.
Và trên thực tế, bước đi sáng suốt này cũng giúp các hội đồng địa phương không bị khủng hoảng nhà council housing. Vì như tôi đã nói, dân ở Anh “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu không quá mức”, trời lạnh nên ai cũng phải có nhà, mất nhà thì council phải thuê khách sạn, nhà trọ cho bạn ở. Tiền do chính phủ chi từ quỹ khác, quỹ an sinh xã hội. Nếu hàng triệu người mất việc phải xin trợ cấp nhà cửa thì khủng hoảng virus sẽ lan nhanh sang thành khủng hoảng xã hội.
Tôi hiểu là Boris đã kéo đại bác ra bắn virus.
Trở lại câu chuyện chính là cách Anh Quốc phòng chống virus corona, tôi thấy bài trả lời phỏng vấn của GS Jonathan Nguyen Van-Tam đã làm dư luận Anh yên lòng.
Bình luận của các báo Anh đều khá tích cực khi ông Van-Tam giải thích rõ bốn bước đi của Anh.
Khi bị nhà báo của SkyNews chất vấn “Anh Quốc có quá chậm, có sai lầm hay không? WHO nói thế này, nước kia chê Anh thế nọ” vị giáo sư Mỹ gốc Việt cười mỉm theo cách tôi thấy là rất Việt Nam, dù ông nói tiếng Anh giọng sang trọng, ở đây gọi là posh.
Ông nói với vẻ điềm tĩnh của nhà khoa học nhưng hiểu các tác động xã hội của vấn đề: “Các nước có cách của họ, còn ở Anh, chúng ta chỉ đi theo kiến thức khoa học của chính chúng ta (we are led by our own science).
Luôn tính đến công nghệ
Kể thêm một chút để các bạn ở Anh không cần quá lo cho chúng tôi. Sau khi đài BBC công bố, qua email của tổng giám đốc BBC News lúc 10 giờ đêm 16/03, nói tổng hành dinh New Broadcasting House ở London đã có một ca virus corona, chừng 6.000 người bước vào giai đoạn dọn desk để đến đêm sẽ có đội xịt thuộc khử trùng.
Ngày hôm sau, các team leaders họp qua Skype, Zoom, phone để bàn cách giãn quân, giảm người vào tòa nhà theo yêu cầu của chính phủ. Tôi không thấy ai cố đi dò hỏi đồng nghiệp hay nhân viên kỹ thuật, phục vụ bị “mắc virus” là ai. Tuyệt nhiên không ai hỏi và ban giám đốc cũng chỉ nói “người đó đã ở nhà từ hai tuần qua và đang bình phục tốt”.
Công việc làm từ nhà sẽ có ban kỹ thuật hỗ trợ, ngày đầu bị quá tải thì những ngày sau sẽ đỡ, bạn cứ kiên nhẫn chờ. Ở tập đoàn 22 nghìn nhân viên, gồm chừng 5000 nhà báo, BBC cũng mở luôn thêm chừng 10 nghìn tài khoản kết nối từ xa, thừa đủ số người phải ‘working from home’.
Kể ra không phải để khoe BBC hay – như nhiều công ty public khác, tập đoàn này còn đầy vấn đề cần chỉnh sửa, thậm chí cần cải tổ rất nhiều – nhưng để các bạn hiểu như mọi nền kinh tế hiện đại, Anh Quốc luôn nhìn các vấn đề từ góc độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ trước hết và trên hết.
Từ đó, họ sẽ tìm giải pháp và luôn cố gắng có cách tiếp cận nhân văn hơn là hùng hục, để đạt mục tiêu chung.
Thế giới con người mùa virus
Nhân đây cũng phải nói rằng cuộc chiến chống virus corona làm lộ ra nhiều điều đáng quý, như phong trào thiện nguyện giúp người già, người cô đơn trong trường hợp bị cách ly, lockdown, nhưng cũng làm nổ ra các cuộc tranh cãi gay gắt, đôi khi đầy tính kỳ thị, thô bạo.
Tôi đã viết hồi cuối tháng 1, khi virus Vũ Hán hoành hành ở Trung Quốc thì có nạn phân biệt chủng tộc trong một số giới ít học ở Âu Mỹ nhắm vào người gốc Á.
Nay, khi mỗi nước có cách riêng chống virus, tùy vào khả năng, nguồn lực, nhận thức của họ, thì ở Việt Nam lại có làn sóng kỳ thị Anh Quốc, đổ cho các chuyến bay từ Anh “mang virus corona tới”, làm kế hoạch đang đẹp bị vỡ tung. Tới đây riêng Hà Nội sẽ phải đón hàng nghìn người từ vùng dịch châu Á về, thì biết trách ai?
Cần nói rõ người Anh không tạo ra, không làm nảy sinh ra virus corona, và ngay cả người dân Trung Quốc cũng chẳng muốn bị dính virus. Các chính phủ, gồm cả chính phủ Việt Nam, đều hết sức cố gắng chống trả Covid-19, vì “cuộc khủng hoảng này chẳng của riêng ai” nên những ý kiến đổ lỗi xét cho cùng chỉ đến từ thái độ nhỏ nhen, mang tư duy bộ lạc (tribal mindset), nặng cảm tính và thiếu sự điềm đạm cần thiết.
Hiện chưa thể nói ‘big, bold plan’ (kế hoạch lớn, táo bạo) của Boris Johnson sẽ có hiệu quả đến mức nào. Tất cả còn đầy những biến số. Trong những tuần và tháng tới, chắc chắn sinh hoạt của 66 triệu người dân ở Anh trong đó có tôi sẽ phải thay đổi để thích ứng.
Sau nỗi lo mua sắm tích trữ, thuốc men, các tips bổ phổi bổ thận, chắc hẳn cười, chia sẻ tiếu lâm mùa virus, kể cả nhiều tiếu lâm khá đen tối, là mechanism hiệu quả để vượt qua những ngày bất an.
Ở Anh hiện đang lưu truyền tiếu lâm về thủ tướng Boris Johnson.
“Đến thăm hiệp hội các nhà chế tạo dụng cụ y tế, Boris hô hào họ sản xuất nhiều hơn máy thở cho bệnh nhân suy phổi vì virus corona.
Khi được hỏi chính phủ làm gì để trợ giúp, Boris nói, “Chính phủ sẽ mở Operation Last Grasp – Chiến dịch Hơi thở Cuối cùng.”
Xin lỗi các bạn, tôi đùa.
Chuyện trên không phải là tiếu lâm, mà thật 100%. Ông Boris đã bị một số báo mắng về cách làm ‘thằng hề’ (clown) không phải chỗ.
Nước Anh là thế đấy các bạn ạ.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51939470
Quan tòa Pháp ra lệnh truy tố 20 người
trong vụ khủng bố Paris năm 2015
Tin từ Paris, Pháp – Các quan tòa Pháp xem xét vụ khủng bố Paris của Nhà nước Hồi giáo năm 2015 khiến 130 người thiệt mạng đã ra lệnh truy tố 20 người, trong đó có một người Bỉ bị buộc tội chủ mưu các vụ tấn công. Ba người trong nhóm, bao gồm kẻ chủ mưu là Oussama Atar, được cho là đã chết trong những tháng cuối cùng nhóm khủng bố chiến đấu ở Iraq và Syria.
Một người khác cũng bị buộc tội là người duy nhất còn sống sót của phòng giam Paris, Salah Abdeslam, đã bị bắt ở gần nhà ở Brussels sau nhiều tháng trốn chạy. Anh của Abdeslam, Brahim, đã đánh bom tự sát ở Paris. Trong số 20 người bị truy tố, 11 người đang bị bỏ tù, ba người đang bị quản thúc tại gia và sáu người phải đối mặt với lệnh bắt giữ quốc tế. Tất cả đều bị buộc tội tấn công khủng bố. Atar bị cáo buộc là người lãnh đạo. Các vụ khủng bố ở Paris hôm 13/11/2015 có liên quan đến vụ đánh bom tại Brussels hồi tháng 03/2016.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/quan-toa-phap-ra-lenh-truy-to-20-nguoi-trong-vu-khung-bo-paris-nam-2015/
Pháp áp đặt lệnh phong tỏa để chống lại virus
Tin từ PARIS, Pháp – Vào hôm thứ Hai (16/3), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra lệnh hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển của người dân nhằm làm chậm sự lây lan của coronavirus, và cho biết quân đội sẽ được giao nhiệm vụ giúp chuyển người bệnh đến bệnh viện.
Pháp đóng cửa các nhà hàng, quán bar, trường học và cấm ra vào các khu nghỉ mát trượt tuyết, nhưng ông Macron tuyên bố rằng các biện pháp chưa từng có trong thời bình là cần thiết vì số người nhiễm bệnh tăng gấp đôi sau mỗi ba ngày và số người tử vong tăng cao hơn.
Trong một bài phát biểu ảm đạm đến toàn quốc, tổng thống tuyên bố rằng từ giữa trưa hôm thứ ba (11:00 GMT) mọi người nên ở nhà trừ khi đi mua đồ tạp hóa, đi du lịch để làm việc, tập thể dục hoặc chăm sóc y tế. Bất cứ ai vi phạm các hạn chế, được áp dụng trong ít nhất hai tuần tới, sẽ bị phạt.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Christophe Castaner cho biết khoảng 100,000 cảnh sát sẽ được bố trí để thực thi việc phong tỏa. Ông cho biết các trạm kiểm soát sẽ được thiết lập trên toàn quốc và những người đang di chuyển sẽ phải chứng minh được hành trình của họ trên một tài liệu của cơ quan, bao gồm cả người đi bộ.
Ông Macron cho biết hành động cứng rắn hơn là cần thiết sau khi quá nhiều người phớt lờ các khuyến cáo trước đó và hòa mình vào dòng người trong các công viên và trên các góc phố vào cuối tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe của chính họ và phúc lợi của người khác. (BBT)
https://www.sbtn.tv/phap-ap-dat-lenh-phong-toa-de-chong-lai-virus/
Pháp mạnh tay
phạt 135 euro người vi phạm lệnh phong tỏa
Thu Hằng
Người dân Pháp đang tập thích nghi với nhịp sống mới. “Ở nhà” tối đa, trừ năm trường hợp ngoại lệ và phải có tờ khai lý do. Sau thời gian đầu nhắc nhở, mức phạt những người vi phạm sẽ lên thành 135 euro từ ngày 18/03/2020, thay vì 38 euro.
Năm trường hợp ngoại lệ gồm : đi làm, nếu công việc bắt buộc phải hiện diện (đài phát thanh, truyền hình, bác sĩ, lao công…), đi chợ mua nhu yếu phẩm, lý do gia đình hoặc giúp người cao tuổi, di chuyển trong phạm vi hẹp quanh nơi ở (mua thuốc, khám bệnh…) hoặc hoạt động thể thao cá nhân.
Trả lời đài Franceinfo sáng 18/03, ông Maddy Scheurer, phát ngôn viên của hiến binh, nhận xét : “Nhìn chung các quy định được tôn trọng trong ngày hôm qua (17/03)”. Tuy nhiên, các biện pháp sẽ được siết chặt hơn. Người vi phạm sẽ bị phạt theo quy định thay vì được giải thích, thông cảm như trong ngày đầu áp dụng. Pháp cũng có ý định cấm công dân Anh nhập cảnh nếu Luân Đôn không áp dụng biện pháp phong tỏa để ngăn dịch Covid-19.
Những biện pháp mạnh tay này được đưa ra trong bối cảnh số người nhiễm virus corona tại Pháp tiếp tục tăng nhanh, đã có thêm gần 1.100 ca mới chỉ trong vòng 24 giờ. Tính đến hết ngày 17/03, Pháp có 7.730 người bị nhiễm virus corona, trong đó có 699 ca nghiêm trọng và 175 người chết.
Theo khuyến cáo của bộ trưởng Y Tế Pháp, khi bị sốt, chỉ được uống thuốc paracétamol để hạ sốt, cấm uống thuốc giảm đau ibuprofène và cortisone. Do nhu cầu quá cao, các hiệu thuốc buộc phải hạn chế số lượng bán cho mỗi người.
Pháp không loại trừ khả năng quốc hữu hóa nhiều doanh nghiệp
Theo AFP, sau khi thông báo tăng trưởng của Pháp có thể đạt tăng trưởng -1% trong năm 2020, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire cho biết không loại trừ khả năng Nhà nước mua cổ phần, thậm chí “quốc hữu hóa, nếu cần thiết” một số doanh nghiệp để tránh tình trạng phá sản, sa thải hàng loạt. Đây là một trong những phương tiện để “bảo vệ các doanh nghiệp lớn của Pháp” được ông Bruno Le Maire nêu trong buổi họp báo qua video.
AFP nhắc lại giá trị cổ phiếu của một số tập đoàn, như Air France-KLM, bị mất giá nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, các tập đoàn sản xuất ô tô Pháp như Renault, PSA hoặc Michelin đã phải đóng cửa các nhà máy ở Pháp. Airbus đã phải ngừng sản xuất ở Pháp và Tây Ban Nha trong vòng bốn ngày.
Virus corona : Nước Pháp đã lâm bệnh như thế nào ?
Thụy My
Chỉ trong vòng một tuần lễ, tại Pháp số người bị dương tính với con virus xuất phát từ Vũ Hán đã tăng vọt từ vài chục người lên hơn 1.000 người, đến nay là trên 6.600 và tất nhiên là sẽ không dừng ở đây. Từ 12 giờ trưa ngày 17/03/2020, các sinh hoạt trên toàn nước Pháp ngưng đọng lại với những biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt. Vì đâu nên nỗi ?
Báo Le Figaro kể lại, chiếc trực thăng đang lao đi trên bầu trời vùng Picardie hôm 25/2 mang theo một tin xấu. Trong ca-bin, tiếng ồn của động cơ lấp đi những hơi thở của Dominique Varoteaux trên băng-ca, đang nguy kịch.
Người giáo viên 60 tuổi của trường trung học Crépy-en-Valois thuộc vùng Oise ban đầu chỉ có triệu chứng cúm thông thường, nhưng tình trạng bỗng trở nên tồi tệ. Tại Creil, các bác sĩ khám thấy bị viêm phổi nặng nên cho chuyển khẩn cấp đến bệnh viện Pitié-Salpêtrière. Bay với tốc độ 250 km/giờ, chiếc trực thăng đưa bệnh nhân đến bệnh viện ở Paris trong không đầy 15 phút. Khi đến nơi, Dominique Varoteaux được chẩn đoán dương tính với virus corona chủng mới.
Cho đến lúc ấy, con virus xuất hiện trước đó hai tháng trên những lối đi bẩn thỉu của chợ động vật Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tuy là một mối đe dọa nhưng vẫn còn xa vời. Nhập viện tại Pháp, chỉ có một nhúm du khách Trung Quốc, một thương gia rượu vang có đi qua Vũ Hán, và một bác sĩ thiếu may mắn bị lây nhiễm. Lời cảnh báo duy nhất đến từ một chùm 6 ca bệnh tại khu trượt tuyết Contamines-Montjoie.
Chỉ có một trường hợp tử vong là một du khách Trung Quốc đã 80 tuổi, ông cụ này vào bệnh viện Bichat, Paris và chết hôm 15/2. Ngày 24/2, bộ trưởng Y Tế Olivier Véran vừa nhậm chức được 9 ngày,
hài lòng khi tất cả các bệnh nhân bị virus corona được chữa trị đều đã khỏi bệnh, tuyên bố: « Không còn sự di chuyển của con virus Vũ Hán trên lãnh thổ Pháp ».
Vào sáng sớm thứ Tư 26/2, ông Dominique Varoteaux trút thở hơi cuối cùng ở bệnh viện Pitié-Salpêtrière. Cư dân vùng Oise một lần nữa hoảng hốt, tự hỏi không biết các học sinh Crépy-en-Valois có thể quay lại trường sau kỳ nghỉ hay không. Con virus corona không còn là « Cảnh báo vàng » như một tờ báo địa phương mô tả (và đã bị chỉ trích), mà đã làm cho người dân tại chỗ có cảm giác như bị xa lánh. Trên bản đồ, vùng Oise bị coi là ổ dịch đầu tiên của nước Pháp. Hôm 27/2, khoảng 20 ca được vùng này loan báo.
Con virus đi theo những người lính di tản công dân Pháp từ Vũ Hán ?
Con virus tai hại vào nước Pháp bằng cách nào ? Tất cả đều đặt câu hỏi, và mọi cái nhìn đều nhanh chóng hướng về căn cứ quân sự ở Creil, nơi có đơn vị công binh đã tham gia di tản 193 công dân Pháp từ Vũ Hán về. Trước những tin đồn dai dẳng, bộ Quân Lực cố thanh minh, nhưng chiến dịch truyền thông trở nên phức tạp khi một người có trách nhiệm của căn cứ này thú nhận các quân nhân sau khi từ Trung Quốc trở về không bị cách ly, mà vẫn được cử đi làm nhiệm vụ.
Không chỉ khu vực phía đông vùng Oise là ổ dịch. Ngày 25/2, vào lúc ông Dominique Varoteaux được trực thăng cấp cứu đưa về Paris, một người Pháp 63 tuổi sống ở Balme-de-Sillingy, thuộc Haute-Savoie, bị phát hiện dương tính sau khi từ Ý về. Đây là ca đầu tiên trong một chuỗi lây nhiễm, bệnh nhân và người thân trước đó 10 ngày có tham gia một buổi tối vận động tranh cử tại xã Mésigny bên cạnh cùng với 120 người khác.
Tối 29/2, xã trưởng François Daviet loan báo trên Facebook ông là người thứ 14 ở La Balme xét nghiệm dương tính. Tại Crépy-en-Valois, hôm sau xã trưởng Bruno Fortier thông báo trên mạng xã hội là ông cũng dính con virus « tồi tệ » này. Hàng ngày phải bắt tay bao nhiêu là người, các đại biểu dân cử và viên chức chịu đựng nhiều rủi ro. Ngày 2/3 tại Hauts-de-France, giám đốc cảnh sát vùng Oise, phó giám đốc Senlis, giám đốc y tế vùng và chánh văn phòng đều bị cách ly : hóa ra con virus corona Vũ Hán có thể lây nhiễm ngay trong thời gian ủ bệnh. Các cơ quan hành chính trong vùng hoạt động trong tình trạng cô lập.
Chỉ trong vài ngày, những người trở về từ các vùng có nguy cơ như Ai Cập và Ý gây lo ngại, khi những ca dương tính xuất hiện tại các khu vực mới như Bas-Rhin, Alpes-Maritimes, Hérault, Sarthe, đồng thời tái xuất ở Paris, nơi một linh mục xét nghiệm dương tính hôm 28/2. Đó là ngày thứ Bảy, tin đồn bắt đầu lan truyền tại Hội chợ Nông nghiệp và đến cuối ngày được xác nhận : Hội chợ truyền thống quy mô này phải kết thúc trước một ngày. Hôm sau, chính quyền cấm những cuộc tập họp trên 5.000 người trên toàn lãnh thổ, loan báo bước vào giai đoạn 2 của nạn dịch. Lúc đó đã có 100 ca dương tính.
Quả bom nổ chậm
Trong danh sách những từ bắt đầu bằng mẫu tự « C » năm 2020, những người làm tự điển Pháp sẽ phải thêm từ « cluster », chùm ca bệnh. Ngày 1/3, một ổ dịch khác xuất hiện tại Morbihan, và lây lan ra những ngày sau đó. Vùng Oise tiếp tục thu hút sự chú ý, những hình ảnh cho thấy một nước Pháp dừng hoạt động. Ở Crépy-en-Valois, bệnh viện không còn cho vào thăm, các nhà dưỡng lão tự phong tỏa. Giáo viên và tài xế xe buýt dựa vào luật để vận dụng quyền không làm việc vì nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Khoảng vài chục ca xuất hiện tại các vùng khác, có liên quan đến ổ dịch này. Ngày 3/3, một phần ba vùng này bị ảnh hưởng. Tổng cộng đã có hơn 200 ca.
Tuy nhiên một « cluster » mới đã làm lan rộng trên toàn quốc. Tại Mulhouse thuộc vùng Haut-Rhin, trên 2.000 tín đồ Phúc Âm (Tin Lành) đã tham dự ngày hội của Phong trào Ngũ Tuần, ăn chay cầu nguyện trong một tuần lễ từ 17 đến 24/2. Điều mỉa mai là đúng vào ngày bộ trưởng y tế Olivier Véran loan báo virus Vũ Hán không còn lan tràn tại Pháp, các tín đồ này đã ôm hôn nhau tạm biệt trước khi lên xe hơi, máy bay trở về nhà. Với khoảng thời gian ủ bệnh ước tính hai tuần lễ, quả bom nổ chậm này sẽ nổ tung trên khắp nước Pháp.
Ca đầu tiên được báo hiệu tại Mulhouse hôm 29/2. Những ngày tiếp theo, số lượng người dương tính bùng nổ ở vùng Haut-Rhin, Bas-Rhin, Doubs, Territoire de Belfort. Các khu vực khác nhanh chóng bị ảnh hưởng. Năm ca liên quan đến ngày hội ở Mulhouse phát hiện tại đảo Guyane hôm 4/3, ba ca ở Ajaccio ngày 5/3. Đến 7/3, hai phần ba nước Pháp bị ảnh hưởng. Ngày 9/3, báo Le Figaro đếm được ít nhất 26 tỉnh (département) có những ca liên quan đến sự kiện trên.
Phong tỏa để cố làm giảm tốc độ lây lan của virus
Tại vùng Grand Est, Bourgogne-Franche-Comté và Auvergne Rhône Alpes, số ca liên quan đến Mulhousa còn nhiều hơn số « cluster » ở Oise. Paris và vùng phụ cận cùng với Alsace trở thành các khu vực bị lây nhiễm nhiều nhất, mỗi nơi có gần 400 ca tính đến tối 10/3.
Nhưng đánh giá những con số này như thế nào ? Từ cuối tháng Hai, việc xét nghiệm chỉ còn dành cho những trường hợp bệnh nặng. Jean-Stéphane Dhersin, phó giám đốc khoa học của Viện Toán quốc gia chuyên về dịch bệnh thổ lộ : « Hồi đầu nạn dịch, có thể xử lý từng trường hợp một, còn coi trọng xem xét bệnh nhân bị lây nhiễm như thế nào và những ai trong số những người này tiếp xúc có nguy cơ bị lây. Điều này giúp nhận diện các ổ dịch. Nhưng kể từ khi con virus ngự trị, dịch bệnh tăng theo cấp số nhân, xét từng trường hợp không còn có nghĩa gì nữa. Thế nên nạn dịch tiếp tục hoành hành. Nó chỉ dừng lại khi nào đã có đủ số người miễn dịch trong dân chúng ».
Nay chiến lược của chính quyền là ngăn cản không cho hệ thống y tế bị quá tải. Giải pháp duy nhất là « kéo thẳng lại đường cong đồ thị » nạn dịch, thông qua việc phong tỏa để làm giảm số lượng trung bình mà một người dương tính có thể lây lan ra những người khác. Ông Dhersin kết luận : « Dịch bệnh sẽ kéo dài hơn, nhưng kém dữ dội hơn nếu chúng ta đạt được việc giảm bớt tốc độ lây lan của nó. Có ít nhất 15% dân số có thể bị lây nhiễm ».
Covid-19: Hãng Sanofi sẵn sàng cung cấp cho Pháp
thuốc đặc trị cho 300.000 bệnh nhân
Trọng Thành
Hãng dược phẩm Pháp Sanofi cho biết có khả năng cung cấp hàng triệu liều thuốc Plaquenil, có thể được dùng để điều trị cho khoảng 300.000 bệnh nhân Covid-19. Chính phủ Pháp đã bật đèn xanh, tuy nhiên, việc sử dụng đại trà còn phải chờ kết quả thẩm định khoa học chính thức.
Theo AFP, ngày 17/03/2020, một người phát ngôn của Sanofi cho biết, dựa trên một kết quả nghiên cứu về các tác dụng tích cực của dược phẩm vốn được dùng để chống sốt rét này đối với bệnh nhân Covid-19, hãng cam kết đưa biện pháp trị liệu này đến với đông đảo người cần tại Pháp. Dược phẩm Plaquenil, với tên gọi thương mại là hydroxychloroquine, cũng được sử dụng từ nhiều thập niên nay để điều trị các bệnh như ban đỏ hệ thống hay viêm khớp dạng thấp.
Thuốc này cũng bắt đầu được sử dụng trong phạm vi thí điểm tại Pháp, để điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là ở Marseille. Nhóm nghiên cứu do giáo sư Didier Raoul, giám đốc trung tâm Bệnh viện – Đại học Marseille đứng đầu, đã tiến hành điều trị 24 người bị nhiễm virus corona mới. Theo nghiên cứu nói trên, sau 6 ngày trị liệu bằng dược phẩm Plaquenil, virus đã biến mất với ba phần tư số bệnh nhân.
Cũng ngay đầu giờ sáng 17/03, sau cuộc họp nội các, người phát ngôn chính phủ Pháp, bà Sibeth Ndiaye, khẳng định các thử nghiệm lâm sàng « đầy hứa hẹn » nói trên cần được mở rộng cho tối đa người bệnh Covid-19. Tuy nhiên, người phát ngôn của chính phủ Pháp cũng lưu lý là cho đến nay, « chưa có bằng chứng khoa học nào » chính thức khẳng định hiệu quả của biện pháp trị liệu này.
Trong một cuộc họp báo qua điện thoại, bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran ghi nhận các kết quả khả quan ban đầu của dược phẩm Plaquenil, và thông báo đã cho phép mở rộng thử nghiệm, với sự tham gia của nhiều ê kíp, « trong thời hạn sớm nhất ». Tuy nhiên, bộ trưởng Y Tế cũng nhấn mạnh là mọi quyết định đưa thuốc ra sử dụng đại trà, đều phải dựa trên « các cứ liệu khoa học được thẩm định ».
Kể từ cuối tháng 2 đến nay, trong giới y khoa tại Pháp, có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau về tác dụng của thuốc Plaquenil. Dược phẩm này không nằm trong bốn trị liệu thí điểm của châu Âu, vừa khởi sự, với 3.200 bệnh nhân, trong đó có 800 người tại Pháp. Dược phẩm Plaquenil vốn đã được Trung Quốc và Hàn Quốc sử dụng cho bệnh nhân Covid-19. Theo Libération, bộ Y Tế Pháp thoạt tiên đã ngần ngại, trước khi cho phép nhóm của giáo sư Didier Raoul thực nghiệm trên 24 bệnh nhân đầu tiên.
Những người phản bác dược phẩm này nhấn mạnh đến các hậu quả phụ có thể là nghiêm trọng, nếu dùng quá liều. Ngược lại, theo giáo sư Raoul, thuốc Plaquenil đã được giới y tế quen thuộc từ hàng chục năm nay, vấn đề là sử dụng đúng liều lượng quy định. Các kết quả đầu tiên của nghiên cứu lâm sàng do nhóm giáo sư Raoul thực hiện được công bố hôm thứ Hai 16/03.
Tổng thống Đức chỉ trích Nga, Mỹ,TQ
làm thế giới nguy hiểm hơn
Đối với Trung Quốc, Tổng thống Đức cho rằng Trung Quốc chỉ chấp nhận luật quốc tế một cách có lựa chọn, khi nó không đi ngược lại lợi ích của họ.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua (14/2) đã có những chỉ trích gián tiếp nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cáo buộc Mỹ, Trung Quốc và Nga đang làm gia tăng sự mất lòng tin và bất ổn an ninh toàn cầu, với sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn, tạo ra nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị an ninh Munich, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã chỉ trích các tiếp cận của 3 cường quốc lớn đối với các vấn đề toàn cầu. Mặc dù không nhắc tên cụ thể Tổng thống Trump, nhưng Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh câu khẩu hiệu “ Hãy đưa nước Mỹ lớn mạnh trở lại” bất chấp tổn hại đến các nước láng giềng hay đồng minh. Ông cũng chỉ trích việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và đưa lực lượng quân sự đến gần biên giới châu Âu, tạo ra đối đầu và mất lòng tin.
Đối với Trung Quốc, Tổng thống Đức cho rằng Trung Quốc chỉ chấp nhận luật quốc tế một cách có lựa chọn, khi nó không đi ngược lại lợi ích của họ, đồng thời chỉ trích những hành động của Trung Quốc trên biển Đông.
“Thế giới đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về vấn đề an ninh cổ điển. Đó là việc mất lòng tin và trang bị nhiều vũ khí hơn. Sau đó sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn an ninh- Đây là những hậu quả không thể tránh khỏi”- Thủ tướng Frank-Walter Steinmeier nóiTổng thống Steinmeier cũng khẳng định chính sách đối ngoại của Đức ưu tiên “đoàn kết châu Âu lại với nhau”
Phiên tòa xét xử vụ MH17
sẽ không mở cửa cho công chúng để tránh dịch bệnh
Tin The Hague, Hòa Lan – Phiên tòa xét xử 3 người Nga và 1 người Ukraine liên quan đến vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia, dự kiến diễn ra trong tháng này tại Hòa Lan, sẽ không được mở cửa cho công chúng và truyền thông do lo ngại nguy cơ dịch bệnh. Quyết định này được đưa ra vào thứ Ba, 17 tháng 3, sau khi các tòa án Hòa Lan thông báo sẽ tạm đóng cửa đến hết ngày 6 tháng 4 và hoãn xét xử đối với gần như toàn bộ các vụ án, chỉ trừ các vụ khẩn cấp.
Phiên tòa về vụ MH17 đã khởi sự vào đầu tháng này, với sự chứng kiến của nhiều thân nhân của 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Các nghi can được xét xử vắng mặt do Nga không dẫn độ công dân của họ. Trong phiên điều trần kế tiếp, hội đồng 3 thẩm phán sẽ nghe các lập luận của công tố viên và luật sư biện hộ của 1 trong các nghi can. Phiên tòa sau đó sẽ tạm nghỉ cho đến ngày 8 tháng 6. Tuy công chúng và truyền thông không được tham dự phiên xét xử ngày 23 tháng 3, nhưng toàn bộ diễn biến phiên tòa sẽ được chiếu trực tiếp trên mạng. Chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia, đang bay từ Amsterdam, Hòa Lan, tới Kuala Lumpur, Malaysia, đã bị bắn rơi ngày 17 tháng 7, 2014, bởi một hỏa tiễn Buk bắn từ vùng lãnh thổ Ukraine bị kiểm soát bởi phe ly khai thân Nga. Công tố viên cáo buộc hỏa tiễn và giàn phóng được chở từ một căn cứ Nga vào Ukraine, và giàn phóng sau đó được chở về lại Nga sau khi MH17 bị bắn rơi. Moscow lâu nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/phien-toa-xet-xu-vu-mh17-se-khong-mo-cua-cho-cong-chung-de-tranh-dich-benh/
Virus corona : Hà Lan không sử dụng biện pháp phong tỏa
Mai Vân
Trong bối cảnh Pháp và Anh đều bắt đầu áp dụng các biện pháp mạnh kể từ ngày 17/03/2020 : hạn chế đi lại và tụ tập trên toàn quốc để ngăn dịch Covid-19 lan rộng, Hà Lan, một nước gần cả Pháp lẫn Anh,
đã không chọn phương thức của hai láng giềng, cho dù tính đến trưa 18/03, nước này đã có 1.710 ca nhiễm, trong đó có 43 người chết.
Thông tín viên RFI, Pierre Bénazet tường thuật từ Bruxelles :
Thủ tướng Mark Rutte thiên về giải pháp « miễn dịch cộng đồng » bằng cách từ chối áp dụng các biện pháp mạnh như cô lập, đóng cửa cơ sở, hạn chế đi lại. Đối với ông, cần phải có tối đa người phát triển loại kháng thể chống Covid-19.
Theo thủ tướng Mark Rutte, nhiều người Hà Lan sẽ bị nhiễm virus corona, sẽ tự tạo ra kháng thể chống virus và càng có nhiều người miễn dịch thì càng ít khả năng người sức khỏe yếu kém hay già yếu bị lây nhiễm.
Với chủ trương cứ để cho virus di chuyển, chính quyền đã không ban hành các biện pháp như cô lập, đóng cửa các cơ sở đông người, vì việc cô lập hoàn toàn Hà Lan, theo thủ tướng Rutte, có thể kéo dài từ nhiều tháng đến một năm mà không bảo đảm được là dịch Covid-19 sẽ không hoành hành trở lại một khi các biện pháp này được dở bỏ.
Tuy nhiên, việc miễn dịch tập thể phải mất hàng tháng trời mới có được và để tránh tình trạng bệnh viện quá tải, chính quyền Hà Lan cũng đã thông báo đóng cửa hàng loạt trường học, quán cà phê, nhà hàng, cũng như các cửa hiệu hút cần sa (gọi là coffee shop) và các nhà chứa.
Và cho dù người Hà Lan rất có kỷ luật, họ cũng đã tích trữ nhu yếu phẩm, và đặc biệt là đổ xô đến các coffee shop để mua cần sa về tích trữ. Do đó, chính quyền đã cho mở lại các coffee shop này – nhưng chỉ cho bán đem đi – để tránh tệ nạn buôn lậu ma túy.
Vì sao Ý chịu thiệt hại nặng nề
trong dịch viêm phổi Vũ Hán?
Trương Thanh
Có một suy luận về nguyên do nước Ý phải chịu thiệt hại nặng nề trong đại dịch viêm phổi mới, đáng tiếc rằng nó có thể sẽ mau chóng bị bỏ qua.
Khi tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán tiếp tục gia tăng, không nơi nào ở châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề hơn Ý và đặc biệt là miền Bắc nước này.
Sau khi chính phủ Ý công bố phong tỏa toàn quốc, cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây đã bị đình trệ trong khi các trường hợp nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này đã đặt ra câu hỏi tại sao Ý lại phải chịu đựng nhiều hơn các nước khác cho đến thời điểm này?
Mối liên hệ giữa miền Bắc nước Ý và Vũ Hán
Mới đây trang AltNewsMedia đã đưa ra một giả thuyết về những gì có thể ẩn sau điều này.
Theo đó, nhiều người Ý ở miền Bắc nước này đã bán các công ty dệt may của họ cho Trung Quốc. Chính phủ nước này sau đó đã cho phép 100.000 công nhân Trung Quốc từ Vũ Hán và Ôn Châu chuyển đến Ý làm việc trong các nhà máy này, họ di chuyển trên các chuyến bay trực tiếp giữa Vũ Hán và Bắc Ý. Vậy có phải chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên khi miền Bắc nước Ý hiện là điểm nóng của châu Âu về việc bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán hay không?
“Có một thực tế mờ ám là Liên minh châu Âu đã nhắm mắt làm ngơ trước số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp Trung Quốc tới làm việc trong các nhà máy của Ý”, AltNewsMedia tuyên bố. Với chính sách “Biên giới mở” giữa các nước trong Liên minh châu Âu, EU chắc hẳn đang cố gắng giữ bí mật này, nhưng thực tế là, Mafia Trung Quốc vận hành các nhà máy dệt của Ý với hàng chục ngàn người nhập cư bất hợp pháp đang chuyển hàng hóa sản xuất tại Ý vào Trung Quốc và các nơi khác, AltNewsMedia cho hay.
Đây là một cách tiếp cận hợp lý khi điều tra về cách thức virus lan sang châu Âu, nhưng AltNewsMedia cho rằng nó sẽ bị bỏ qua.
Hàng Ý không phải của Ý và câu chuyện về mafia Trung Quốc
Thành phố Prato liền kề Florence từ lâu đã là nơi sản xuất của các đơn vị dệt may thuộc sở hữu của Ý, nơi quần áo được sản xuất với giá rẻ. Tuy nhiên, người Trung Quốc đã “đánh bại người Ý trong trò chơi của riêng họ”, như cách BBC nói, bằng việc thành lập các nhà máy của mình và sử dụng các loại vải rẻ hơn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Vào thời điểm ông Marco Landi, chủ tịch của chi nhánh thương mại CNA của Tuscany trả lời phỏng vấn BBC (năm 2013), ông cho biết có 4.000 nhà máy sản xuất quần
áo do người Trung Quốc điều hành tại Prato sản xuất hàng may mặc cho các nhà bán lẻ bao gồm Primark, H & M và Topshop.
“Hiện nay có nhiều nhà sản xuất hàng may mặc của Trung Quốc hơn so với các nhà sản xuất dệt may của Ý”, ông Marco Landi cho biết.
Ống chỉ trong một xưởng may Trung Quốc ở Milan, Ý, tháng 5/2019 (ảnh: Eyesonmilan / Shutterstock).
Chủ đề “made in Italy” (sản xuất ở Ý) đã được nhiều người yêu thích thời trang đề cập tới với nỗi niềm hoài cổ, rằng hàng “made in Italy” giờ đây không còn là hàng Ý thực sự nữa, bởi phần lớn nó được làm bởi người Trung Quốc ở Ý. Tác giả Sam Louie đã viết trên Psychology Today rằng:
“…tôi cũng học được rằng, ‘made in Italy’ vẫn có thể đánh đồng với điều kiện làm việc gớm ghiếc ở Ý bằng cách thuê một nhóm lao động Trung Quốc. Một số người nhập cư hợp pháp, một số nhập cư bất hợp pháp, trong khi những người khác bị buôn bán (tức là họ không có lựa chọn nào trong vấn đề này) phải làm việc trong ngành may mặc hoặc mại dâm. Một phần lý do khiến các nhà sản xuất quần áo bao gồm Gucci, Prada và các thương hiệu xa xỉ khác có thể sử dụng nhãn hiệu ‘Made in Italy’ thông qua lao động Trung Quốc là do ‘luật xuất xứ’”.
Theo Luật thời trang của Liên minh châu Âu, nước ghi xuất xứ sản phẩm là nơi cuối cùng sản phẩm được sản xuất mà không quan tâm tới quốc tịch của các thợ thủ công.
Ông cho biết thêm, “ban đầu, các nhà máy may mặc thuộc sở hữu của Ý đã phát hiện ra lợi ích từ lực lượng lao động làm việc nhiều giờ (đôi khi từ 24-36 giờ không ngừng), không thể hiểu văn hóa bản địa (nghĩa là không biết cách nộp đơn khiếu nại), và đã sẵn sàng làm việc với mức lương thấp (chủ yếu là trốn thuế). Cuối cùng, các chủ doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào Ý và trở thành chủ sở hữu điều hành các nhà máy của riêng họ, phụ trách việc thầu phụ từ các thương hiệu lớn của Ý và sử dụng hàng ngàn người Trung Quốc thông qua một mạng lưới buôn người phức tạp, gắn liền với Mafia Trung Quốc”.
Sam Louie trích lại thông tin từ The New Yorker, năm 2014, một nghệ nhân người Ý đã nói chuyện với phóng viên điều tra Sabrina Giannini. Hãng thời trang Gucci đã đưa cho anh ta một hợp đồng lớn, nhưng giá rất thấp, 24 euro một cho một chiếc túi và anh ta đã ký hợp đồng với một nhà máy Trung Quốc, nơi các nhân viên làm việc 14 giờ một ngày và được trả một nửa số tiền anh ta kiếm được. Khi những chiếc túi được đưa đến các cửa hàng, chúng có giá từ 800 đến 2.000 đô la.
Tại Prato, một trong những trung tâm sản xuất thương mại của Tuscany, hơn 50.000 người Trung Quốc được ước tính làm việc trong ngành dệt may và nhiều người trong số đó là lao động bất hợp pháp tới Ý qua những kẻ buôn người, họ phải làm việc như nô lệ trong ngành may mặc.
Theo The Daily Beast, vào tháng 3/2013, thành phố Prato đã mở một cuộc điều tra rộng rãi về điều kiện làm việc trong các nhà máy sau khi một công nhân trẻ người Trung Quốc, được cho là khoảng 16 tuổi, đến phòng cấp cứu trong tình trạng suy dinh dưỡng và bị thương nặng khi máy móc bị trục trặc. Cậu nói với các nhà chức trách rằng mình phải làm việc 7 ngày một tuần với giá khoảng 1 euro/giờ. Ca làm việc của cậu thường bắt đầu lúc 7 giờ sáng và kết thúc lúc nửa đêm. Cậu ngủ trong nhà máy, và một phần tiền lương của cậu được trả cho tiền phòng.
Tháng 1/2018, SCMP đưa tin, “Ý đã ra lệnh bắt giữ 33 người vì nghi ngờ điều hành một nhóm mafia Trung Quốc liên quan đến cờ bạc, mại dâm, ma túy, và thống trị việc vận chuyển hàng hóa Trung Quốc trên khắp châu Âu”.
Cơ sở của nhóm ở tại Prato, gần Florence, một trung tâm của ngành dệt may nơi có nhiều nhà máy thuộc sở hữu của người Trung Quốc, cảnh sát Ý cho biết.
Ý có một lịch sử lâu dài về tội phạm có tổ chức và việc nhập cư vào châu Âu đã mở đường cho các nhóm tội phạm nước ngoài bắt rễ, bao gồm cả mafia Nigeria và Trung Quốc.
Ông Fed Federico Cafiero De Raho, công tố viên chống mafia của Ý, nói trong một cuộc họp báo liên quan tới vụ việc rằng: “Có khó khăn để có thể xác định được một tổ chức mafia Trung Quốc vốn phức tạp”.
Như vậy, lập luận của AltNewsMedia hoàn toàn có cơ sở, và cuối cùng, bài báo đã đặt ra câu hỏi: “Vì sao Liên minh châu Âu không hành động để ngăn chặn những người Ý tham nhũng kiếm lời từ mafia Trung Quốc?”
https://www.dkn.tv/the-gioi/vi-sao-y-chiu-thiet-hai-nang-ne-trong-dich-viem-phoi-vu-han.html
Virus corona : Hy Lạp cô lập các trại tị nạn trên các đảo
Mai Vân
Tại Hy Lạp, sinh hoạt đã chậm lại hẳn do dịch virus corona (Covid-19) hoành hành và vì những biện pháp giới hạn đã được ban hành. Tính đến trưa 18/03/2020, trên toàn quốc đã có 387 ca nhiễm, với 5 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, vấn đề ở Hy Lạp là số người tị nạn đông đảo, nên chính quyền đã quyết định cô lập các trại người xin tị nạn trên các đảo ở biển Aegean (Egée).
Biện pháp cô lập lúc ban đầu dự kiến kéo dài hai tuần, và liên quan đến khoảng 40.000 người trên 5 đảo gần Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có đảo Lesbos.
Thông tín viên RFI tại Athens, Joel Bronner, tường thuật :
Biện pháp cô lập lại có nguy cơ làm tăng cảm giác bị bỏ rơi đối với những người xin tị nạn ở vùng biển Aegean. Nhiều quan sát viên, đứng đầu là các tổ chức phi chính phủ, rất lo ngại về hậu quả của dịch Covid-19 do điều kiện sống đã rất tồi tệ tại đây.
Tuần qua, tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới đã kêu gọi chính quyền Hy Lạp cho di tản ngay người trong tất cả các trại ở các đảo Lesbos, Samos, Chios, Kos và Levros, để tránh bị virus lây nhiễm nhanh chóng.
Bên trong và chung quanh các trại quá tải này, điều kiện vệ sinh rất tồi tệ. Tất cả những lời khuyên như rửa tay đều đặn, không có ý nghĩa gì khi mà, như Y Sĩ Không Biên Giới đã nhấn mạnh, một số nơi ở trại Moria, lớn nhất châu Âu, chỉ có một vòi nước cho 1.300 người. Đó là chưa kể đến việc người tị nạn phải sống sát cạnh nhau.
Giờ đây mọi hoạt động trong các trại bị đình chỉ và không người ở ngoài nào được đến đấy. Việc ra khỏi trại để đến những cửa hàng hiếm hoi còn mở cửa, như nhà thuốc, siêu thị, chính thức được khuyến cáo là không nên.
Các biện pháp hiện tại có vẻ rất khó chịu đựng nổi, và làm dấy lo ngại rằng bạo đông sẽ lại bùng lên.
Nga tung tin sai,
‘reo rắc’ sợ hãi về Corona ở phương Tây
Truyền thông Nga đã mở “chiến dịch lớn, phát tán các thông tin sai” về virus Corona, gây sợ hãi và mất lòng tin lẫn nhau ở phương Tây, Reuters đưa tin, dẫn báo cáo của Liên minh châu Âu.
Báo cáo nói rằng chiến dịch của Nga đã dùng tin giả bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức và Pháp để gây nhiễu loạn cũng như làm cho EU khó có thể truyền tải phản ứng của tổ chức này về dịch bệnh.
Điện Kremlin hôm 18/3 đã bác bỏ các cáo buộc mà Nga nói là vô căn cứ này.
Nga: Người không tự cách ly vì COVID-19 có thể bị tống giam
Reuters dẫn báo cáo nội bộ dài 9 trang đề ngày 16/3, trong đó nói rằng “chiến dịch lớn, phát tán các thông tin sai của truyền thông nhà nước của Nga cũng như các cơ quan tin tức thân Kremlin vẫn tiếp diễn” nhằm “làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về y tế công ở các nước phương Tây”.
Dữ liệu của EU ghi nhận gần 90 trường hợp tung tin sai về virus Corona kể từ ngày 22/1.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, chỉ ra điều ông nói là việc thiếu dẫn chứng cụ thể cũng như đường dẫn tới các cơ quan báo chí cụ thể trong tài liệu của EU.
Virus Vũ Hán đang đe dọa châu Phi
Hải Lam
Đến nay, các quốc gia ở châu Phi là khu vực bị virus Vũ Hán tấn công sau cùng. Khi các trường hợp nhiễm bệnh đang gia tăng, nhiều quốc gia hiện đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh này.
Dưới đây là một số thông tin về tình hình dịch COVID-19 ở châu Phi, nơi có hệ thống y tế yếu kém và thiếu các y bác sĩ.
Virus “đến muộn” nhưng đang lan rộng
Trường hợp nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên ở châu Phi được ghi nhận ở Ai Cập vào ngày 14/2 và đến đầu tháng 3, chỉ có thêm hai ca bệnh nữa ở Algeria và Nigeria.
Các chuyên gia ban đầu tự hỏi tại sao lục địa này dường như có rất ít người nhiễm COVID-19 và có suy đoán rằng liệu có trường hợp nhiễm bệnh nhưng lại không được phát hiện hay không.
Sau đó, các ca nhiễm virus Vũ Hán tăng nhanh chóng và chỉ trong một tuần, hơn 20 quốc gia đã phát hiện người nhiễm. Đến nay, ít nhất 30 trong tổng số 54 nước ở châu Phi xuất hiện dịch COVID-19 với hàng trăm ca nhiễm.
Tính đến 16h25 (giờ Việt Nam) ngày 18/3, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất là ở khu vực Bắc Phi với 12 trường hợp tử vong đã được xác nhận.
Ai Cập đã ghi nhận 196 ca nhiễm bệnh và 4 người tử vong. Algeria báo cáo 67 trường hợp và có 5 trường hợp tử vong. Sudan và Morocco ghi nhận số người chết lần lượt là 1 và 2.
Senegal là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất ở Tây Phi với 31 trường hợp – hầu hết trong số họ bị lây bệnh từ một công dân từ Ý về nước.
Hạn chế đi lại
Theo dõi tình hình dịch bệnh ở châu Á và châu Âu, nhiều nước ở châu Phi đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của virus Vũ Hán.
Morocco đã dừng tất cả các chuyến bay quốc tế “cho đến khi có thông báo mới”, ngoại trừ các chuyến bay đặc biệt cho khách du lịch châu Âu hồi hương.
Somalia, một quốc gia phải đối mặt với nhiều thập niên xung đột, cũng đã cấm tất cả các chuyến bay quốc tế, bao gồm cả vận chuyển hàng không, sau khi nước này xác nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Tuy nhiên, các chuyến bay nhân đạo vẫn được phép tiến hành.
Chad, nơi chưa báo cáo ca nhiễm virus nào, cũng đã đóng cửa các sân bay và biên giới với Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Tương tự, nước láng giềng Mali, dù chưa có người nhiễm COVID-19, tuyên bố dừng tất cả các chuyến bay thương mại từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi virus.
Guinea-Bissau cũng quyết định dừng tất cả các chuyến bay trong và ngoài nước. Cape Verde dừng các chuyến bay từ các quốc gia châu Âu có người nhiễm virus, cũng như Senegal, Nigeria, Brasil và Hoa Kỳ.
Một số quốc gia khác cấm các chuyến bay và khách du lịch đến từ vùng dịch.
Senegal đã dừng các chuyến bay đến và đi từ 7 quốc gia châu Âu và khu vực Trung Đông. Togo và Madagascar thực hiện các biện pháp tương tự.
Những nước khác như Kenya, Ghana, Nam Phi và Bờ Biển Ngà đã cấm người nước ngoài đến từ vùng dịch, những người có giấy phép cư trú có thể được nhập cảnh.
Zambia, Nigeria, Ghana và Equatorial Guinea yêu cầu du khách đến từ vùng dịch tự cách ly.
Du lịch ở châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm cả ngành công nghiệp du thuyền, do nhiều quốc gia từ chối các tàu, trong đó có Madagascar, Senegal, Seychelles và Mauritius.
Đóng cửa trường học và hủy các sự kiện
Ít nhất 13 quốc gia ở châu Phi đã hoặc đang chuẩn bị đóng cửa hệ thống trường học, trong đó có Kenya, Rwanda, Morocco, Ai Cập, Sénégal, Nam Phi, Zambia, Guinea Xích đạo và Bờ biển Ngà.
Kenya khuyến khích người dân làm việc tại nhà.
Một số quốc gia thực hiện các biện pháp mạnh mẽ liên quan đến các cuộc tụ họp tôn giáo.
Tại Senegal, các tổ chức Hồi giáo đình chỉ các sự kiện trong tháng này. Chính quyền Tunisia đã tạm dừng hoạt động tập trung cầu nguyện, kể cả vào thứ Sáu.
Các sự kiện thể thao và văn hóa lớn cũng phải hoãn lại.
Lễ hội âm nhạc Bushfire hàng năm ở Eswatini bị hủy bỏ, trong khi ở Nam Phi, lễ hội AfrikaBurn nổi tiếng cũng sẽ không diễn ra, hàng loạt sự kiện thể thao cũng không được tổ chức.
Tunisia vẫn tiếp tục với các sự kiện thể thao nhưng không có khán giả.
Theo AFP
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/virus-vu-han-dang-de-doa-chau-phi.html
Nam Hàn tiến hành chương trình xét nghiệm
coronavirus mạnh nhất thế giới
Tính đến hôm thứ hai (16/3), Nam Hàn đã tiến hành xét nghiệm hơn 250,000 người, tương đương cứ 200 công dân nước này thì có 1 người được xét nghiệm. Con số trên lớn hơn nhiều so với các thử nghiệm ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Nam Hàn là một quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe đại chúng, và bộ luật về bệnh truyền nhiễm sâu rộng giúp đẩy nhanh hành động ứng phó trước dịch coronavirus.
Các xét nghiệm trên được thực hiện miễn phí nếu các bác sĩ đề nghị một cá nhân được kiểm tra, hoặc nếu các nhà điều tra phát hiện được một sự liên kết tiềm tàng có liên quan đến một trường hợp nhiễm bệnh.
Theo tờ The Wall Street Journal đưa tin, chính phủ nước này đã phê duyệt bộ thử nghiệm đầu tiên vào ngày 4 tháng 2, tại thời điểm chỉ có 16 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Bộ thử nghiệm trên được thực hiện bởi Công ty kỹ thuật sinh học Kogene có trụ sở tại Seoul.
Giám đốc điều hành của Kogene cho biết, việc phân phối các bộ dụng cụ thử nghiệm trên bắt đầu 3 ngày sau đó. Ba nhà cung cấp khác cũng sớm giành được quyền đẩy nhanh tốc độ để bắt đầu sản xuất, sau khi tiến hành quá trình xem xét kéo dài 10 ngày.
Nam Hàn hiện có khả năng xét nghiệm tới 20,000 người mỗi ngày tại 633 địa điểm thử nghiệm trên toàn quốc. Quá trình chẩn đoán mất 6 giờ, và bệnh nhân thường nhận được kết quả trong vòng một ngày. Hiệu quả của quá trình thử nghiệm tại Nam Hàn nổi bật hẳn so với sự phát triển chậm chạp ở Hoa Kỳ và Châu Âu.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nam-han-tien-hanh-chuong-trinh-xet-nghiem-coronavirus-manh-nhat-the-gioi/
Ngoại trưởng Đài Loan: Trung Quốc đang cố ‘đổ lỗi’
cho ai đó về nguồn gốc của virus Vũ Hán
Băng Thanh
Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Hugh Hewitt hôm 16/3, ông Ngô Chiêu Tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng, virus Vũ Hán có nguồn gốc từ quân đội Hoa Kỳ.
Trước đó, vào hôm 12/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) viết trên Twitter: “Biết đâu chính quân đội Mỹ đã mang dịch COVID-19 đến Vũ Hán?”.
Khi được đài phát thanh Hugh Hewitt hỏi trong cuộc phỏng vấn tại sao một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại đưa ra tuyên bố như vậy, ông Ngô nói rằng ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan đã cử các chuyên gia điều tra tình hình ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Ông Ngô nói rằng, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc hạ thấp số ca nhiễm bệnh và che đậy sự bùng phát của virus, các chuyên gia dịch bệnh của Đài Loan đã nhận thức được rằng “có gì đó không ổn ở nơi đó”. Và ông nói rằng cho đến hiện tại, “thế giới đã biết dịch bệnh bắt đầu từ đâu”.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Ngô nói rằng ở Đài Loan, căn bệnh do chủng mới của virus corona gây ra được gọi là “viêm phổi virus corona Vũ Hán” do nguồn gốc của nó là ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng do chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được rằng “danh tiếng quốc gia của họ đã bị ảnh hưởng rất lớn” bởi sự bùng phát của dịch bệnh, nên họ đang cố gắng đổ lỗi cho ai đó.
Ông Ngô nói rằng ngoài việc đổ lỗi cho quân đội Hoa Kỳ đã tạo ra virus, câu chuyện mới mà bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền Trung Quốc đang cố gắng tạo ra là, Trung Quốc hiện đang là “vị cứu tinh của thế giới”. Theo ông, Trung Quốc đang cố gắng “biến đen thành trắng” bằng cách tuyên bố họ có thể cung cấp hàng cứu trợ và bảo vệ các quốc gia khác.
Ông Ngô cho rằng chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc chắc chắn sẽ là điều mà “Hoa Kỳ không thể chấp nhận được”. Còn về quan điểm của Đài Loan, ông Ngô nói rằng Đài Loan sẽ cố gắng phớt lờ ‘sự ồn ào’ phát ra từ Trung Quốc và tập trung vào cuộc chiến chống lại đại dịch này.
Theo Taiwan News
Băng Thanh dịch và biên tập
‘Người trong giang hồ’ – diễn viên Hồng Kông
Huỳnh Thu Sinh: ‘Virus Vũ Hán là virus Vũ Hán’
Triệu Hằng
Ông Huỳnh Thu Sinh (Anthony Wong Chau Sang), diễn viên kỳ cựu Hồng Kông bày tỏ không đồng tình với việc WHO đặt tên cho virus corona chủng mới là COVID-19 và cho rằng nên gọi là “virus Vũ Hán”.
Vào ngày 11/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố rằng “virus corona chủng mới 2019” sẽ được gọi với cái tên chính thức là COVID-19 nhằm tránh tham chiếu đến một địa điểm cụ thể để ngăn ngừa kỳ thị. Trước đây, virus này được biết với cái tên “virus Vũ Hán” do nguồn gốc của nó là từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
Nhưng ông Huỳnh Thu Sinh, người được khán giả Việt Nam biết đến qua vai Đại Phi trong series “Cổ Hoặc Tử” (Tựa Việt: Người trong giang hồ) và các phim “Vô gian đạo”, “Diệp vấn”, … không nghĩ vậy.
Đúng một tháng sau, vào ngày 11/3, diễn viên Huỳnh Thu Sinh bày tỏ sự không đồng tình với quyết định của WHO trong một bài đăng trên Facebook cá nhân.
“Virus Vũ Hán là virus Vũ Hán. WHO không còn uy tín và chẳng ai nghe họ nữa. Họ đã bận tâm tới việc đổi tên dịch bệnh thành một cái gì đó rất khó nhớ”, ông Huỳnh Thu Sinh viết.
Nam diễn viên 58 tuổi thẳng thắn so sánh tên dịch bệnh virus corona chủng mới do WHO đề ra với tên các dịch bệnh khác được đặt theo tên các quốc gia, và cho rằng, không chấp nhận được việc gọi COVID-19 thay vì “virus Vũ Hán”, trừ khi: Bệnh nấm chân Hồng Kông là “Bệnh nấm chân Trung Quốc”, viêm não Nhật Bản là “viêm não Trung Quốc”, cúm Tây Ban Nha là “cúm nặng Trung Quốc” và sởi Đức được gọi là “bệnh sởi Trung Quốc mới”.
Ông Huỳnh Thu Sinh thậm chí đề xuất một cái tên theo tiếng Quảng Đông cho COVID-19 là: “Viêm phổi nhờ vào Trung Quốc” (All thanks to you [China] pneumonia).
Nhiều cư dân mạng đã khen ngợi và ủng hộ lời nhận xét của nam diễn viên, và có những ý kiến đồng tình rằng mọi người nên gọi chủng virus mới là “virus Vũ Hán”.
Ông Huỳnh Thu Sinh được biết là nam diễn viên từng nhiều lần bày tỏ ý kiến bất đồng với chính quyền Trung Quốc. Ông bị đưa vào danh sách đen thị trường lao động nước này kể từ khi lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông vào năm 2014 và năm 2019.
Theo 8days
Triệu Hằng dịch và biên tập
Trung Quốc trục xuất nhà báo
thuộc ba cơ quan báo chí Hoa Kỳ
Trung Quốc đã trục xuất các nhà báo từ ba tờ báo của Mỹ để trả đũa những hạn chế đối với các cơ quan báo chí của họ ở Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu các phóng viên thuộc ba tờ báo New York Times, Washington Post và Wall Street Journal trả lại thẻ nhà báo trong vòng 10 ngày.
Bộ này cũng yêu cầu các cơ quan báo chí này báo cáo về các hoạt động của họ tại Trung Quốc.
Các biện pháp này nhằm đáp trả những hạn chế không đáng có đối với các cơ quan truyền thông Trung Quốc, tại Hoa Kỳ.
Mỹ thêm quy định siết chặt với nhà báo Trung Quốc
Virus corona: TQ trục xuất ba nhà báo của Wall Street Journal
Trung Quốc cũng cấm các nhà báo của các cơ quan báo chí này làm việc tại các khu vực bán tự trị ở Hong Kong và Ma Cao – nơi có tự do báo chí lớn hơn trên đại lục.
Đầu tháng này, chính quyền Trump đã áp giới hạn số lượng công dân Trung Quốc có thể hoạt động báo chí tại Mỹ – động thái mới nhất trong cuộc tranh cãi về quyền tự do báo chí.
“Những động thái này của Hoa Kỳ nhắm vào các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, và bị thúc đẩy bởi tâm lý và khuynh hướng tư tưởng có từ thời Chiến tranh Lạnh”- Bộ Ngoại giao Nhật Bản Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ ba.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại quyết định của mình, kêu gọi hành động này là ‘đáng tiếc’.
“Hôm nay, tôi rất lấy làm tiếc về quyết định của Trung Quốc dẫn đến việc hạn chế khả năng hoạt động báo chí tự do của thế giới, dù điều này rất tốt với người dân Trung Quốc trong thời đại toàn cầu hoá đầy thách thức này; thời đại mà càng có nhiều thông tin hơn, càng minh bạch hơn sẽ cứu vãn được cuộc sống con người” – ông Pompeo nói.
Mất mát lớn cho báo chí Trung Quốc
Zhaoyin Feng, BBC tiếng Trung
Tất cả các phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc được yêu cầu gia hạn thẻ nhà báo hàng năm và điều này vẫn thường diễn ra vào cuối năm.
Quyết định mời này có nghĩa là hầu hết các phóng viên Mỹ của ba ấn phẩm lớn của Hoa Kỳ đều hết hạn visa và sẽ phải rời khỏi Trung Quốc. Chúng ta chưa biết chính xác con số các nhà báo sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này, nhưng ước tính là gần một chục.
Các vụ trục xuất này sẽ khiến ba tổ chức truyền thông lớn này mất đi phần lớn nhân sựđể hoạt động tại Trung Quốc, nhất là với Wall Street Journal – vốn đã có ba phóng viên bị trục xuất từ tháng trước.
Giới chỉ trích cho rằng, mất mát thậm chí còn lớn hơn với Trung Quốc, bởi các biện pháp hà khắc được áp dụng giữa vào lúc hơn bao giờ hết, người dân Hoa lục cũng như phần còn lại của thế giới đang cần nguồn thông tin báo chí chất lượng cao về Trung Quốc.
Vẫn chưa rõ liệu các tờ báo nói trên của Hoa Kỳ có thể gửi các phóng viên mới, các công dân Mỹ sang Trung Quốc thay thế vào các vị trí nói trên hay không.
Giữa một đại dịch toàn cầu đang diễn tiến nguy hiểm, hai siêu cường của thế giới lại đang bị nhốt trong một cuộc chiến, trên nhiều mặt trận và đang leo thang. Trận chiến truyền thông về nguồn gốc của virus corona, và cuộc chiến thương mại và công nghệ, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau nhằm chứng minh tính ưu việt của mô hình chính trị của mình.
Hồi đầu tháng 3 năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, gồm cả hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã, sẽ được yêu cầu giảm tổng số nhân viên của họ từ 160 xuống còn 100 người.
Động thái này được coi là sự trả đũa cho việc Trung Quốc trục xuất hai nhà báo Mỹ làm việc cho tờ Wall Street Journal liên quan đến một bài bình luận về virus corona hồi tháng Hai.
Trận chiến truyền thông là bước đi mới nhất trong những cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ.
Những bất đồng của hai nước liên quan đến thương mại, quyền sở hữu trí tuệ và mạng 5G đã ảnh hưởng đến quan hệ song phương trong những năm gần đây.
Đại dịch virus corona cũng gây căng thẳng, với cả Washington và Bắc Kinh, khi cả hai cáo buộc lẫn nhau về việc truyền bá thông tin sai lệch.
Hôm thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọc giận Trung Quốc bằng cách gọi virus corona là “virus Trung Quốc”.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ kỳ thị Trung Quốc- nơi các trường hợp nhiễm virus Coroan đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, tuần trước, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chia sẻ một thuyết âm mưu rằng Quân đội Hoa Kỳ đã đưa virus này đến Trung Quốc.
Cáo buộc vô căn cứ đó đã khiến ông Pompeo yêu cầu Trung Quốc ngừng lan truyền thông tin sai lệch khi cố gắng tìm cách đổ lỗi cho sự bùng phát của dịch bệnh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51940311
Tên lửa vệ tinh mới của TQ phóng thử thất bại
Một loại tên lửa mới của Trung Quốc đã thất bại trong lần phóng đầu tiên vào tối thứ Hai, đặt ra câu hỏi về nhiệm vụ không gian đầy tham vọng của đất nước này cho phần còn lại của năm 2020.
Tên lửa CZ-7A, hay Long March-7A (Trường Chinh -7A), đã gặp phải sự cố sau khi cất cánh lúc từ bãi phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Tân Hoa Xã đưa tin.
Nguyên nhân của vấn đề chưa được biết. Tân Hoa Xã đưa tin mà không tiết lộ thêm chi tiết.
Một video của nhân chứng chưa được xác minh xuất hiện trên nền tảng Weibo (tương tự Twitter) của Trung Quốc cho thấy tên lửa đột nhiên bùng cháy khoảng ba phút sau khi phóng, cho thấy một vụ nổ trong, hoặc ngay sau đó, tách ra ở giai đoạn thứ hai.
CZ-7A là tên lửa nhiên liệu lỏng, ba tầng, có sức nâng 7 tấn lên quỹ đạo địa tĩnh. Dự kiến nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ quỹ đạo cao của Trung Quốc.
Dài 60 mét và nặng 573 tấn, tên lửa được thiết kế chủ yếu để cung cấp vệ tinh địa tĩnh và có thể được phóng từ cả địa điểm Văn Xương và Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, nhà phát triển, Học viện công nghệ xe phóng Trung Quốc, cho biết.
Do CZ-7A sử dụng nhiều công nghệ giống như các tên lửa khác trong gia đình CZ, nên sự thất bại của nó có thể có một số tác động đối với các vụ phóng đã được lên kế hoạch, theo SCMP.
Chẳng hạn, chiếc CZ-7 hai tầng, đóng vai trò là tên lửa chính để đưa vật tư và phi hành đoàn đến trạm vũ trụ thường trực của Trung Quốc, sử dụng động cơ YF-100 và YF-115 cho giai đoạn đầu tiên và thứ hai, giống như CZ-7A.
Động cơ dầu hỏa / oxy YF-100 cũng được sử dụng trong tên lửa CZ-5 của Trung Quốc, có khả năng cung cấp trọng tải lên tới 33 tấn, dự kiến sẽ được sử dụng cho một số nhiệm vụ không gian quan trọng nhất của đất nước.
Động cơ YF-75D giai đoạn hai của CZ-5 là một phiên bản sửa đổi của động cơ hydro / oxy YF-75 được sử dụng trong giai đoạn thứ ba của CZ-7A.
Việc phát triển CZ-5 đã bị chậm tiến độ sau thất bại hồi tháng 7/2017 sau đó là một chuỗi các sự kiện bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Cuối cùng CZ-5 đã đưa một vệ tinh vào quỹ đạo.
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết năm 2020 sẽ là một cột mốc quan trọng trong kế hoạch dài hạn đầy tham vọng.
Các kế hoạch này bao gồm chuyến bay đầu tiên của tàu vũ trụ mới vào tháng 4, tàu thăm dò tới sao Hỏa vào tháng 7, tàu thăm dò mặt trăng Chang’e-5 vào cuối năm…
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33615-ten-lua-ve-tinh-moi-cua-tq-phong-thu-that-bai.html
TQ – Đài Loan căng thẳng đến bao giờ?
Biên đội máy bay Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, buộc lực lượng phòng vệ hòn đảo triển khai tiêm kích xua đuổi.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết không quân Trung Quốc triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 cùng các tiêm kích J-11 trong cuộc diễn tập vào khoảng 19h tối qua ở phía tây nam hòn đảo. Biên đội này đã vượt qua “đường trung tuyến”, ranh giới được ngầm hiểu là đường phân định eo biển Đài Loan.
Lực lượng vũ trang Đài Loan đã điều tiêm kích giám sát và phát tín hiệu xua đuổi chiến đấu cơ Trung Quốc qua sóng vô tuyến.
“Ngoài mục đích cải thiện khả năng chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết, biên đội máy bay Trung Quốc còn gửi thông điệp rằng họ vẫn hoạt động bình thường, bất chấp sự bùng phát của Covid-19”, Huang Chieh-cheng, giáo sư quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Đạm Giang, Đài Loan, đánh giá.
Ông cũng cho rằng cuộc diễn tập còn nhằm thử phản ứng của những lực lượng khác như Mỹ, đồng thời ngụ ý không quân Trung Quốc có thể thực hiện nhiệm vụ ban đêm. “Đương nhiên nó cũng nhằm cảnh cáo Đài Loan”, ông Huang nói thêm.
Đây là lần thứ 4 trong vòng hai tháng Đài Loan phải điều tiêm kích chặn máy bay Trung Quốc. Loạt động thái này dường như là nguyên nhân khiến Mỹ gần đây triển khai hai oanh tạc cơ B-52 tới vùng biển phía đông Đài Loan, sau đó điều vận tải cơ đa nhiệm MJ-130J bay qua eo biển.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, sẵn sàng thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết. Quan hệ hai bên căng thẳng hơn sau khi Thái Anh Văn, người không công nhận chính sách “Một Trung Quốc”, trở thành lãnh đạo hòn đảo hồi tháng 5/2016.
Kể từ đó, Bắc Kinh liên tục tiến hành hoạt động quân sự gần hòn đảo và được cho là gây áp lực lên các nước thiết lập quan hệ với Đài Bắc. Bất chấp việc Đài Loan mất 7 đồng minh ngoại giao, bà Thái hồi tháng một vẫn tái đắc cử nhiệm kỳ hai.
http://biendong.net/bi-n-nong/33608-tq-dai-loan-cang-thang-den-bao-gio.html
Truyền thông TQ bình luận sốc:
Nga đang “lừa đảo” về tên lửa S-400?
Một bài viết mới đây đăng trên tờ Guancha (Trung Quốc) đã chỉ trích hệ thống tên lửa S-400 và tuyên bố rằng hệ thống này không có những khả năng mà người Nga gán ghép cho nó.
Theo lời nhận định gây sốc của tác giả bài viết, trong quá trình nghiên cứu chế tạo các hệ thống tên lửa phòng không, Nga vẫn tiếp tục sử dụng các chương trình lỗi thời. Còn hệ thống được gọi là S-400 chẳng có gì khác một hệ thống tên lửa S-300 được hoàn thiện hơn đôi chút.
Tên gọi mới “S-400” chỉ là “ngón đòn tiếp thị”, mà nhằm mục đích tạo cảm giác cho những khách hàng tiềm năng rằng trước mắt họ là một sản phẩm vũ khí hoàn toàn mới.
Tác giả cũng đặt sự hoài nghi về khả năng của những quả tên lửa đánh chặn tầm xa được thiết kế chế tạo cho hệ thống S-400. Theo đó, nó gần như không hề khác so với những quả tên lửa thế hệ trước.
Tác giả khẳng định rằng, để diệt được những mục tiêu có khả năng thao diễn phức tạp và ở khoảng cách xa hơn, tên lửa cần phải có kích thước lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế tên lửa của S-400 thì lại nhỏ và tối ưu hơn nhiều. Điều đó cho thấy tác giả người Trung Quốc này không có kiến thức cần thiết về lĩnh vực phòng không.
Ngoài ra, tác giả còn bổ sung thêm rằng người Nga đơn giản chỉ tăng thêm nhiên liệu để giúp cho quả tên lửa bay xa hơn mà thôi. Còn lại, tác giả khẳng định, quả tên lửa là cũ.
Điều có thể thấy rõ trong bài viết này đó là tác gia cố né tránh việc hệ thống tên lửa S-400 đã được chính Trung Quốc mua của Nga, thậm chí với số lượng lớn.
Tác giả cũng không đưa ra câu trả lời tại sao hệ thống này hiện nay lại được nhiều nước khác quan tâm.
Do vậy, bài viết đăng trên tờ báo Trung Quốc của tác giả này là hết sức phiến diện, thể hiện sự thiếu hiểu biết và thậm chí là hằn học với vũ khí Nga mà cụ thể là hệ thống tên lửa S-400 đang được “bán chạy như tôm tươi” trên khắp thế giới.
TQ tích cực tuyên truyền, thể hiện vai trò quốc tế
trong ngăn ngừa đối phó với đại dịch Covid-19
Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 đạt đỉnh và được kiểm soát trong nước, Trung Quốc đã tích cực thông quan truyền thống và các cơ chế hợp tác để thể hiện vai trò quốc tế trong công tác ngăn ngừa, đối phó với đại dịch Covid-19 tại các nước.
Tranh thủ các tiếp xúc cấp cao để tuyên truyền cho cộng đồng cùng chung vận mệnh
Truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin về việc tại các buổi tiếp hoặc điện đàm với lãnh đạo nhiều nước, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đều nhấn mạnh quan điểm “cộng đồng cùng chung vận mệnh”, nhấn mạnh tăng cường hợp tác quốc tế. Ca ngợi những nỗ lực ngăn chặn dịch của Trung Quốc, bên cạnh đó cho rằng Trung Quốc đang chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh với các nước liên quan, hợp tác nghiên cứu và phát triển thuốc và vắc-xin, đồng thời cung cấp sự viện trợ theo khả năng của mình cho một số nước xuất hiện tình trạng dịch bệnh lây lan. Thông tin Trung Quốc đã quyên góp 20 triệu USD cho Tổ chức Y tế thế giới, ủng hộ Tổ chức Y tế thế giới triển khai hành động quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Đài quốc tế Trung Quốc ca ngợi rằng, nỗ lực phòng, chống dịch bệnh cũng như những kiến nghị và chủ trương của Trung Quốc đã cung cấp trí tuệ cho toàn cầu chung tay phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn tới, cũng bằng hành động thực tế thực hiện quan điểm “cộng đồng cùng chung vận mệnh” của nhân loại. Một bài báo của đài này có đoạn viết “Trong thời kỳ toàn cầu hóa kinh tế, các sự kiện đột xuất quan trọng như dịch bệnh sẽ không phải là lần cuối, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống vẫn sẽ không ngừng mang lại thử thách mới. Đối với nhân loại mà nói, bất kể đối mặt với thách thức như thế nào, đúng như điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, đoàn kết, hợp tác là vũ khí mạnh mẽ nhất”.
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi điện tới Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Italy, Tổng thống Iran, thay mặt Chính phủ và nhân dân Trung Quốc gửi lời thăm hỏi tới chính phủ và nhân dân các nước nói trên về dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh, “dịch bệnh không biên giới, các nước trên thế giới
là cộng đồng cùng chung vận mệnh vui buồn có nhau, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cảm nhận cảnh ngộ và khó khăn của các nước trước dịch bệnh hiện nay như cảnh ngộ của mình. Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp sự viện trợ theo khả năng của mình, ủng hộ các bên phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng chung tay hợp tác với các bên, sớm chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ an toàn tính mạng và sức khoẻ của nhân dân hai nước và nhân dân thế giới”.
Thông tin việc các nước đánh giá vai trò của TQ
Hãng tin Tân hoa xã đưa tin trước việc Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt về vấn đề dịch Covid-19 Trung Quốc – ASEAN, đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng quốc tế, trong đó, Ngoại trưởng một số nước ASEAN hoan nghênh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Trung Quốc. Trích dẫn lời của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng, “Trung Quốc sẵn sàng cùng các bên liên quan, trong đó có ASEAN góp phần xứng đáng cho sự nghiệp y tế công cộng của khu vực và quốc tế”. Cũng theo Tân hoa xã, hôm 21/2, Ngoại trưởng Philippines Lochen đã đăng nhiều bài viết trên mạng xã hội Twitter, cho biết “Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt lần này dựa trên khoa học và sự thật, mang tính gợi ý. Chúng ta sẽ càng có sức mạnh hơn sau khi trải qua mưa gió. Chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh trong phạm vi toàn cầu, công lao hoàn toàn thuộc về Trung Quốc”. Theo CRI, “dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Thâm Quyến như WalMart của Mỹ, Siemens của Đức đều đã khôi phục làm việc và sản xuất, tỷ lệ khôi phục làm việc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trọng điểm đạt 100%. Tỷ lệ khôi phục làm việc của ngành có vốn đầu tư nước ngoài ở Thượng Hải đạt 99,9%”. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, tháng 1, cả nước thành lập 3.485 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới, thực tế sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đạt 87 tỷ 570 triệu Nhân dân tệ, tăng 4% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định từ năm ngoái đến nay.
Đưa ra các sáng kiến, cơ chế hợp tác phòng chống dịch
Báo chí Trung Quốc thông tin về việc thành lập cơ chế hợp tác ứng phó dịch bệnh Trung Quốc – Hàn Quốc hôm 13/3. Trích thông cáo của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh “mong hai bên phát huy tốt vai trò của cơ chế này và kênh tiếp xúc giữa các cơ quan đồng cấp, tiếp tục tăng cường trao đổi và điều phối, trù tính chung công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh, chung tay sớm chiến thắng dịch bệnh, tăng cường khiến nhân dân hai nước được hưởng lợi về mặt sức khoẻ, giữ gìn và thúc đẩy giao lưu và hợp tác song phương. Ông Cảnh Sảng cho biết, từ khi bùng phát dịch Covid-19, là nước láng giềng, “Trung Quốc và Hàn Quốc tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan đồng cấp trong khi làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước mình, đã áp dụng một loạt biện pháp phối hợp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả”.
Chính quyền Trung Quốc tiếp tục phá hủy các ngôi chùa
Thiện Lan
Chính quyền Trung Quốc tiếp tục đóng cửa và phá hủy các ngôi chùa của tín đồ Phật giáo trên khắp đất nước, ngay cả những địa điểm vốn được chính phủ phê duyệt.
Đền Thanh Hải (Qingliang) ở quận Hoài Lai, do chính quyền thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc quản lý, được xây dựng dưới triều Minh Thần Tông (1563-1620), Hoàng đế thứ 14 của nhà Minh. Bên trong khu đền có một ngôi chùa 7 tầng, vốn rất quen thuộc với người dân địa phương.
Vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền địa phương đã phá hủy ngôi chùa này với lý do là “việc xây dựng không được phê duyệt”. Với một tiếng động lớn, tòa nhà biến thành đống đổ nát giữa làn khói dày. Cùng ngày, đền Thanh Hải bị phá hủy.
Theo một nhân chứng, các cảnh sát vũ trang dựng hàng rào tại ngã tư dẫn đến ngôi chùa để ngăn dân làng phản đối việc phá hủy. Chính quyền địa phương không cho phép mạng điện thoại di động vào toàn bộ khu vực để tránh rò rỉ thông tin. Một Phật tử đã cố vào trong để lấy đồ cá nhân nhưng cảnh sát đã ngăn lại và còn cảnh báo bất cứ ai cố gắng vào sẽ bị bắt giữ.
Một Phật tử nói với Bitter Winter rằng ngôi đền Thanh Hải từng bị phá hủy mấy năm trước đây, nhưng sau đó đã được xây dựng lại với sự đóng góp từ người dân địa phương vào năm 2014. Việc tái thiết đã được Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc địa phương cũng như chính quyền quận, thị trấn và làng xã phê duyệt. Ngôi chùa 7 tầng được xây dựng 3 năm sau đó.
Vào giữa tháng 8/2019, các quan chức địa phương đã ra lệnh cho trụ trì phải phá hủy ngôi đền, nếu không chính phủ sẽ làm điều đó. Người dân bất bình nói: “Ngôi đình và chùa là tài sản của làng, nhưng chính phủ đã phá hủy, mà không xem xét đến suy nghĩ của người dân”.
Một ngôi chùa Phật giáo ở phía Đông tỉnh Sơn Đông cũng nhiều lần bị đập phá. Theo một Phật tử địa phương, ngôi chùa có 13 tầng, được xây dựng vào năm 2018, có tổng cộng 75 bức tượng. Khi hoàn thành, các quan chức địa phương đã đến kiểm tra và tuyên bố rằng chính quyền chưa chấp thuận và ngôi chùa là một công trình xây dựng bất hợp pháp. Họ đe dọa sẽ phạt trụ trì chùa và phá hủy chùa nếu không gỡ bỏ các bức tượng. Tuy nhiên, các Phật tử đã từ chối.
Áp lực lên ngôi chùa này không hề giảm bớt. Vào tháng 5/2019, sư trụ trì đã phải di dời tất cả các bức tượng. Vào cuối tháng 6/2019, hàng chục nhân viên chính phủ và an ninh công cộng đã hợp lực để phá hủy ngôi chùa, nhưng họ đã không làm được điều đó. Các Phật tử địa phương lo lắng rằng cuối cùng ngôi chùa sẽ bị phá hủy.
Vào tháng 5/2019, Văn phòng Tôn giáo địa phương của thành phố Thái An ở Sơn Đông đã đóng cửa Đền Zengfu, đồng thời đuổi tất cả các nhà sư sống trong khuôn viên đền. Văn phòng Tôn giáo viện cớ ngôi đền không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Trong 2 tháng sau đó, các quan chức đã quay lại ngôi đền 2 lần để kiểm tra. Họ chỉ ngừng quấy rối cho tới khi sân đền mọc đầy cỏ dại và tất cả các bức tượng Phật đã biến mất.
Một người trong cuộc thuộc chính quyền địa phương nói với Bitter Winter rằng nhà nước sợ các thành viên của các nhóm tôn giáo có thể liên hệ với nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ. “Chính phủ muốn ngăn chặn những biến động nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2019”, người này cho biết.
Theo Bitter Winter
Thiện Lan dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-quyen-trung-quoc-tiep-tuc-pha-huy-cac-ngoi-chua.html
Campuchia
ngưng phát triển đập thủy điện trên sông Mekong
Campuchia sẽ không phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong vòng 10 năm tới, Reuters đưa tin, dẫn lời quan chức năng lượng của Campuchia nói hôm 18/3.
Tin cho hay, quyết định này đồng nghĩa với việc nước láng giềng Lào, vốn mới khánh thành hai đập trong vòng sáu tháng qua, là quốc gia duy nhất ở hạ nguồn sông Mekong có kế hoạch phát triển đập thủy điện trên sông này.
Trung Quốc thử đập thủy điện Cảnh Hồng, ảnh hưởng hạ lưu Mekong
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Khai mỏ và Năng lượng của Campuchia nói rằng chính quyền nước này đưa ra quyết định trên theo khuyến nghị của Nhật rằng Campuchia nên mưu tìm nguồn năng lượng ở nơi khác.
Quan chức này được trích lời nói rằng “trong kế hoạch 10 năm này, từ năm 2020 cho tới 2030, chúng tôi không có kế hoạch phát triển đập thủy điện” trên sông Mekong.
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cảnh báo rằng các đập thủy điện trên sông Mekong có thể tác động tới nguồn cá cũng như nông nghiệp ở hạ nguồn sông Mekong.
Hai quả bom phát nổ bên ngoài văn phòng
chính phủ Thái Lan ở Yala, khiến 18 người bị thương
Tin từ BANGKOK, Thái Lan – Một viên chức an ninh cho biết hai quả bom phát nổ trước một văn phòng chính phủ ở tỉnh Yala miền nam của Thái Lan vào hôm thứ ba, khiến 18 người bị thương. Vụ nổ xảy ra trước Trung tâm SBPAC, một cơ quan chính phủ Thái Lan giám sát chính quyền của ba tỉnh đa phần người Hồi giáo gốc Malay là Narathiwat, Pattani và Yala, nơi một cuộc nổi dậy từ năm 2004 giết chết khoảng 7,000 người.
SBPAC đang tổ chức một cuộc họp chính phủ về phản ứng của khu vực đối với sự bùng phát của coronavirus trước vụ nổ. Khi trả lời phỏng vấn với Reuters, Đại tá Pramote Prom-in, một phát ngôn viên an ninh khu vực, cho biết quả bom đầu tiên là một quả lựu đạn ném vào khu vực bên ngoài hàng rào văn phòng SBPAC để thu hút sự chú ý của mọi người. Sau đó, một quả bom xe cách khoảng 10 mét từ vụ nổ đầu tiên phát nổ. Quả bom này được giấu trong một chiếc xe vận tải nhỏ được các thủ phạm đậu gần hàng rào. Quả bom xe phát nổ mười phút sau vụ nổ đầu tiên. Ông Pramote cho biết trong số 18 người bị thương có năm phóng viên, năm cảnh sát, hai binh sĩ và những người ngoài cuộc khác.
Hiện vẫn chưa có ai tuyên bố nhận trách nhiệm. Dân số của các tỉnh, thuộc về một quốc gia Hồi giáo Malay độc lập trước khi Thái Lan sáp nhập họ vào năm 1909, với 80% Hồi giáo, trong khi phần còn lại của Thái Lan theo Phật giáo. Xung đột bùng phát trong nhiều thập niên khi các nhóm nổi dậy chiến đấu trong một cuộc chiến tranh du kích để đòi độc lập cho khu vực.
Mộc Miên
Virus corona :
Malaysia cảnh báo dịch “có thể lớn hơn sóng thần”
Thanh Phương
Theo hãng tin Reuters, chính phủ Malaysia vừa cảnh báo sẽ có một đợt lây lan mới, « lớn hơn cả sóng thần », nếu người dân nước này không tuân thủ nghiêm chỉnh lệnh cấm đi lại, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/03/2020.
Hiện giờ, Malaysia là quốc gia có số ca lây nhiễm nhiều nhất Đông Nam Á, với tổng cộng 673 người, trong đó có đến gần 2 phần 3 là bị lây nhiễm giữa các tín đồ Hồi Giáo trong một buổi tập hợp rất đông đảo tại một nhà thờ Hồi Giáo ở ngoại ô Kuala Lumpur ngày 28/02. Theo nhà chức trách Malaysia, đã có 14.500 người Malaysia và khoảng 1.500 người nước ngoài, trong đó có 90 tín đồ Hồi Giáo từ Việt Nam, tham dự sự kiện nói trên. Những người bị lây nhiễm tại đây sau đó đã trở về nước.
Ngày 18/03, bộ Y tế Việt Nam thông báo có ca lây nhiễm thứ hai liên quan đến cuộc tập hợp Hồi Giáo tại Kuala Lumpur, đó là bệnh nhân thứ 67 của Việt Nam. Người này đã từ Kuala Lumpur trở về Việt Nam hôm 04/03 trên chuyến bay VJ826 của hãng Vietjet. Ngày 17/03, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thông báo khẩn cấp yêu cầu những người có tham dự cuộc tập hợp ở Kuala Lumpur đi khai báo y tế.
Tính đến ngày 18/03, theo thông báo chính thức, Việt Nam có tổng cộng 68 người bị lây nhiễm Covid-19. Theo vnExpress, bệnh nhân thứ 68 là một người Mỹ đến Đà Nẵng ngày 14/03 sau khi đã đi qua 8 nước.
Tốc độ lây lan tiếp tục chậm lại ở Trung Quốc và Hàn Quốc
Về tình hình dịch Covid-19 tại châu Á, ngày 18/03, bộ Y Tế Trung Quốc thông báo chỉ có 1 ca lây nhiễm mới trong ngày thứ hai liên tiếp, nhưng vẫn có thêm 12 ca từ bên ngoài. Theo thống kê của bộ Y Tế Trung Quốc, hiện đã có 155 ca lây nhiễm từ bên ngoài vào nước này. Còn tại Hàn Quốc, ngày 18/03, trong ngày thứ tư liên tiếp, số ca lây nhiễm mới không vượt quá 100, cụ thể là chỉ có 93 người. Tuy nhiên, cơ quan y tế Hàn Quốc vẫn lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh trở lại, do có rất nhiều ổ dịch nhỏ trên toàn quốc.
Úc khuyên người dân không nên ra nước ngoài
Trong khi đó, chính phủ Úc ngày 18/03 khuyến cáo người dân nước này không nên ra nước ngoài, đồng thời thông báo những biện pháp chưa từng có để ngăn chận dịch Covid-19. Thủ tướng Scott Morrison ra lệnh cấm tập hợp hơn 100 người trong phòng, sau khi đã cấm tập hợp trên 500 người ngoài trời. Tuy nhiên, ông vẫn không làm theo những lời kêu gọi ngày càng khẩn thiết, yêu cầu đóng cửa các trường học, trung tâm thương mại, trung tâm y tế, dừng mọi phương tiện chuyên chở công cộng, như nhiều nước đang làm.