Tin Biển Đông – 17/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

TQ lại đơn phương đưa ra các quy định được gọi là

 “lệnh cấm đánh bắt cá” trên Biển Đông và Biển Hoa Đông

Tương tự như các năm, Trung Quốc vừa thông báo áp dụng các lệnh “lệnh cấm đánh bắt cá” trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, những quy định hết sức phi lý mà nước này tự cho mình có quyền ban hành đối với các vùng biển thuộc nước khác.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm 10/3 thông báo bắt đầu đơn phương thực thi “lệnh cấm đánh bắt cá” trên Biển Đông và Biển Hoa Đông kéo dài bốn tháng từ 12h00 ngày 01/5 đến 12h00 ngày 01/9/2020. Trong phạm vi từ 120 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough từ 12h00 ngày 01/5 đến 12h00 ngày 16/8/2020. Như vậy so với “lệnh cấm” năm 2019, thời gian “lệnh cấm” năm nay kéo dài hơn 15 ngày. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết, gần 9.000 tàu cá của tỉnh Hải Nam cập bến để nghỉ ngơi, bảo dưỡng tàu trong thời gian này. Tuy nhiên những tàu thuyền “có giấy phép” tới đánh bắt ở khu vực đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn được phép hoạt động. Trung Quốc ngang nhiên áp dụng lệnh cấm này với ngư dân trong nước và ngư dân nước khác, tuyên bố sẽ tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp bị coi là vi phạm.

Cấm đánh bắt cá là một trong những chính sách phổ biến của nhiều quốc gia giáp biển. Lệnh cấm này nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, dựa trên các văn bản pháp luật quốc tế như: Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS); Hiệp định về các loài cá di cư của Liên hợp quốc 1995; Công ước bảo vệ đa dạng sinh học (CBD); Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật đang bị nguy cấp (CITES) và Công ước về các loài di cư (CMS). Theo các quy định trên, thì lệnh cấm đánh bắt cá được áp dụng trong 2 điều kiện là: Các quốc gia ven biển chỉ có quyền đánh bắt cá trong phạm vi vùng biển mà quốc gia đó chủ quyền và quyền tài phán, thường chủ yếu là vùng đặc quyền kinh tế; Lệnh cấm đánh bắt cá phải dựa trên các số liệu khoa học, trên cơ sở trao đổi thường xuyên với các tổ chức trong khu vực và quốc tế, ngoài ra phải có sự tham vấn của các quốc gia liên quan. Trước khi áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá, thì quốc gia đó phải thông báo công khai, thông tin đầy đủ khu vực, nội dung đánh bắt cá với ngư dân trong nước và tham vấn với các nước trong khu vực.

Việc tham vấn với các quốc gia có liên quan đặc biệt quan trọng và trở thành nghĩa vụ trong trường hợp quy định cấm đánh bắt cá được áp dụng với các loài cá có khả năng di cư xa hoặc sinh sống trên khu vực biển của nhiều quốc gia. Danh sách các loài cá có khả năng di cư xa, đang bị đe doạ hoặc sinh sống tại nhiều quốc gia được quy định rõ tại CBD, CMS và Hiệp định 1995. Ngoài ra, trước khi áp dụng, quốc gia ven biển có nghĩa vụ thông báo công khai, đầy đủ thông tin về quy định cấm đánh bắt cá với ngư dân của nước mình và ngư dân của các nước khác được phép đánh bắt cá trong EEZ của nước mình. Thực tiễn quốc tế cho thấy, EU và nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines … đều từng áp dụng các quy định cấm đánh bắt cá theo thời gian hoặc theo một số loài cá nhất định. Đây là một trong những biện pháp được đánh giá có tính hiệu quả cao giúp bảo tồn, quản lý, duy trì nguồn tài nguyên sinh vật biển và bảo vệ đa dạng sinh học, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ sở hữu hợp pháp 13% diện tích Biển Đông, tức là nếu áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá theo quy định quốc tế, thì nước này chỉ được cấm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Nhưng Bắc Kinh lại ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 90% khu vực của Biển Đông (hơn 3 triệu km2), vi phạm nghiêm trọng UNCLOS và xâm hại đến vùng đặc quyền kinh tế mà các nước trong khu vực đã tuyên bố chủ quyền.

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực. Với việc ban hành lệnh trên, Trung Quốc hy vọng sẽ giải quyết được “cơn khát” về thủy, hải sản đang ngày càng gia tăng của nước này. Theo đánh giá của ông Sébastien Colin – nhà địa lý học, giảng viên Viện Quốc gia ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Inalco) của Pháp, Trung Quốc hiện nay là nước đứng đầu thế giới về nuôi trồng (61%) và đánh bắt (27%) thủy, hải sản. Ngay từ những năm 1980, nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản của Trung Quốc đã tăng mạnh và nó sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi mức tiêu thụ loại thực phẩm trên mỗi năm tính theo đầu người tại nước này không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, Bắc Kinh không những muốn bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa 1,4 tỷ dân, mà còn muốn đẩy mạnh xuất khẩu thủy, hải sản ra thị trường thế giới, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Do đó những năm qua, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ nghề nuôi trồng thủy, hải sản

để cung cấp cho thị trường nội địa, đồng thời tìm cách giảm bớt đội ngư thuyền để bảo tồn các nguồn thủy, hải sản gần bờ.

Ý đồ của Trung Quốc khi đưa ra các “lệnh cấm” này là nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc áp dụng và phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để tìm cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Thông qua việc đưa ra “lệnh cấm”, Trung Quốc muốn phản biện lại phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) bằng cách chứng minh “Trung Quốc là nước đang kiểm soát hiện hữu, lâu dài ở Biển Đông” và các thực thể địa lý (bị Tòa tuyên bố không phải đảo) đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng”. Ngoài ra, Trung Quốc muốn thông qua “lệnh cấm” để mặc cả, răn đe, hăm dọa, mua chuộc các quốc gia, các công ty, các cá nhân đang thực hiện các dự án đầu tư khai thác tài nguyên trong phạm vi hoàn toàn nằm trong các vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.

Nhìn chung, quy chế của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Lệnh cấm đánh bắt mới của Trung Quốc cũng đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc.

http://biendong.net/bien-dong/33589-tq-lai-don-phuong-dua-ra-cac-quy-dinh-duoc-goi-la-lenh-cam-danh-bat-ca-tren-bien-dong-va-bien-hoa-dong.html

 

Trang bị UAV tự sát:

TQ đang mưu tính mới trên Biển Đông

Truyền thông Trung Quốc cho biết, quân đội nước này đang có kế hoạch mua hai loại máy bay không người lái (UAV) mang bom tự sát nhằm tăng cường khả năng răn đe trên biển.

UAV tự sát là gì

UAV này có thể bay ở nhiều độ cao, rất chính xác và gần như không bị các tổ hợp phòng không truyền thống ngăn chặn. Nó có khả năng đánh lừa phòng không kẻ thù bằng cách tạo ra những tín hiệu giả khiến đối phương không thể phân biệt được đâu là mục tiêu cần tấn công. Bên cạnh đó, UAV trên thường bay với vận tốc 80-130 km/h, mang theo tối đa 3 kg tải trọng và thời gian bay khoảng 30 phút. Tải trọng chính trên máy bay không người lái là trạm thu phát, camera và bom. Camera cung cấp một cái nhìn tổng quát về khu vực hoạt động và máy bay không người lái có thể được triển khai ở bất cứ đâu. Loại UAV này được lập trình bay trong chế độ tự động, theo hành trình định trước. Các chuyên gia sẽ theo dõi nó từ mặt đất qua hệ thống dẫn đường vệ tinh.

Tuy nhiên, đây là loại UAV giá rẻ, được chế tạo khá đơn giản, có chi phí sản xuất thấp. Nó hoạt động giống như một quả bom được điều khiển, lặng lẽ bay trong không trung và sau đó sà xuống tấn công mục tiêu. Tất cả các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, bao gồm Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc đều đang triển khai kế hoạch nghiên cứu, chế tạo loại UAV trên.

Mưu đồ của Trung Quốc

Theo thông tin trên, quân đội Trung Quốc được cho là đang có kế hoạch mua sắm hai loại “vũ khí có thể bay lảng vảng” trên không. Tuy nhiên, không có thêm thông tin chi tiết nào về việc mua sắm, bao gồm các chi tiết cụ thể về hiệu suất hoặc số lượng vũ khí sẽ mua, vì việc mua sắm được liệt kê là bí mật.

Theo giới chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc, thể loại vũ khí này được coi là kết hợp của một tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Sau khi cất cánh, nó có thể ở trên không trong một thời gian dài để trinh sát và giám sát chiến trường như máy bay không người lái, nhưng sau khi xác định được mục tiêu, nó có thể tiến hành một cuộc tấn công tự sát như tên lửa. Một số loại máy bay không người lái tự sát có thể quay trở lại căn cứ để triển khai trong tương lai nếu chúng không tìm thấy mục tiêu. Bên cạnh đó, máy bay không người lái tự sát có thể cung cấp nhiều chiến thuật khác nhau, trong đó hữu dụng nhất là tấn công các mục tiêu chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Vũ khí mới này có thể bay tới một khu vực nào đó, tìm kiếm mục tiêu trong khi bay chờ và tấn công ngay lập tức khi tìm thấy mục tiêu.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng một tên lửa sẽ cần thời gian để phóng và di chuyển, điều này có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội và máy bay không người lái tự sát cũng rẻ hơn máy bay trinh

sát vũ trang. Việc phóng máy bay không người lái tự sát trước cũng đồng nghĩa với việc kẻ thù sẽ gặp khó khăn hơn trong việc xác định vị trí nó được phóng từ đâu.

Bắc Kinh đang sở hữu CH-901 và WS-43

Các công ty vũ khí Trung Quốc đã phát triển nhiều loại máy bay không người lái tự sát, bao gồm CH-901 và WS-43.

Tại triển lãm quốc phòng châu Á năm 2017 tập đoàn Bảo Lợi của Trung Quốc đã chào hàng một loại tên lửa mới của quân đội nước này, khiến nhiều nước châu Á ghen tị và cũng có nhiều nước đề xuất ý định mua. Đó chính là tên lửa hành trình CH-901. Toàn bộ trọng lượng hệ thống tác chiến của CH-901 là 45kg, bao gồm 3 quả tên lửa hành trình, 1 ống phóng và 1 máy tính xách tay, dễ dàng mang theo, vận hành đơn giản. Qua 10 năm nghiên cứu, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã cho ra lò tên lửa hành trình tiên tiến này và chính thức được trang bị cho quân đội nước này. Công nghệ trọng tâm của tên lửa hành trình CH-901 Trung Quốc chính là công nghệ máy bay không người lái hàng đầu thế giới của nước này.

Trong lĩnh vực máy bay không người lái, Trung quốc là quốc gia duy nhất có thể sánh ngang với Mỹ, ngay cả cường quốc quân sự như Nga cũng phải thừa nhận là lạc hậu hơn rất nhiều so với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ UAV, mà CH-901 chính là sự chuyển đổi từ UAV.

Tiền thân của tên lửa CH-901 là một máy bay không người lái cỡ nhỏ, dài 1,2m, nặng 9 kg, tốc độ bay có thể đạt 150km/giờ, bán kính bay đạt 15km, điều này cho phép nó có thể thực hiện 20 nhiệm vụ bay, nó mang theo máy ảnh có thể trinh sát trong phạm vi 2000m. Sau khi được cải tiến, tên lửa hành trình có thể bay trên 12 tiếng, khi không phát hiện được mục tiêu, nó sẽ tự mở cánh bay lượn vòng trên không phận đối phương. Đối với phương thức tấn công của tên lửa hành trình CH-901, chính là cuộc tấn công tự sát, nó có thể thực hiện tấn công chính xác đối với mục tiêu, với sai số vòng tròn tâm mục tiêu dưới 5m.

Đối với đầu đạn gắn ở đầu tên lửa CH-901 thậm chí còn chưa được công bố thông tin và số liệu, nhưng ước tính ít nhất có thể phá hủy được radar cỡ vừa và nhỏ trên mặt đất, xe thiết giáp hạng nhẹ, các loại trực thăng quân sự. Một khi xác định được mục tiêu, tên lửa CH-901sẽ tiến hành khóa mục tiêu và khởi đầu một cuộc tấn công tự sát.

Đối với việc làm sao để đối phó với tên lửa hành trình CH-901, phía Mỹ cho biết hiện nay chưa có bất cứ phương án khả thi nào, vì công nghệ quân sự hiện tại rất khó phát hiện nó, CH-901 không có tính năng hồng ngoại, chỉ có tín hiệu radar rất nhỏ, có thể bay ở độ cao thấp, tiếng ồn nhỏ, hầu như không có âm thanh. Có thể nói rằng, bất kỳ hệ thống phòng không hiện có nào cũng bất lực trước nó. Tất nhiên, lực lượng phòng thủ có thế dùng súng máy để bắn nó, nhưng thậm chí nếu biết được CH-901 bay ngang qua đầu thì cũng chỉ có 3 giây để phản ứng. Và nếu hạ được mục tiêu này thì ngay sau đó sẽ là một quả cầu lửa bao trùm lên chính người bắn, hậy quả thật khôn lường. Đặc điểm của tên lửa hành trình này là có thể tiến hành bay tuần tra tại khu vực tấn công, nó có thể thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ như giám sát, trinh sát và một khi định vị được mục tiêu thì lao vào tấn công. Nhờ tính năng tàng hình lại có hệ thống định vị GPS chính xác và đầu dò quang ảnh rất tốt, có thể tấn công mang tính hủy diệt một cách bất ngờ mà đối phương không biết.

Trong khi WS-43 có thể được phóng từ máy phóng tên lửa, phạm vi 60 km và sau đó có thể ở trên mục tiêu trong 30 phút, trang web tin tức hàng không Trung Quốc cannews.com.cn đưa tin năm 2016.

http://biendong.net/bien-dong/33587-trang-bi-uav-tu-sat-tq-dang-muu-tinh-moi-tren-bien-dong.html

 

Trường Sa 1988: TQ tạo cớ xâm chiếm biển đảo

Trung Quốc đã mượn cớ dựng trạm quan sát hải dương toàn cầu trên Biển Đông để thực hiện âm mưu xâm chiếm Quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc vạch kế hoạch xâm chiếm Trường Sa

Ngay từ khi Trung Quốc chiếm đóng trái phép hầu hết Quần đảo Hoàng Sa từ tháng 01/1974, trong đầu những tướng lĩnh Bắc Kinh đã có ý định đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Tháng 9/1982, ngay sau khi nhậm chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân Trung Quốc, tướng Lưu Thanh Hoa đã đề xuất ý kiến là phải cho các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đến các đảo, đá, bãi cạn ở Trường Sa để dựng nhà giàn, giành chỗ đứng chân để chứng minh sự hiện diện của Trung Quốc ở

Trường Sa. Y cũng gấp rút cử các biên đội tàu xuống phía nam Biển Đông nhằm khảo sát và đo đạc luồng lạch của các đảo ở quần đảo Trường Sa, phục vụ cho mục đích chiếm đóng trái phép sau này.

Để phục vụ tiến hành cho cuộc chiến mà y cho là “có lợi ích lớn cho Trung Quốc”, cuối tháng 12 năm 1986, Lưu đã cho máy bay và tàu thuyền [gồm cả tàu chiến và tàu cá vũ trang] tiến hành hoạt động trinh sát, thăm dò từ khu vực đảo Song Tử Tây đến khu vực đảo Thuyền Chài.

Tháng 4/1987, Lưu Thanh Hoa giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Trần Minh Sơn của Hạm đội Nam Hải [phụ trách nhiệm vụ tác chiến trên Biển Đông], yêu cầu các tàu chiến nhận nhiệm vụ tuần tra Trường Sa phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho yêu cầu chiến tranh.

Xâm chiếm Trường Sa đội lốt kế hoạch xây dựng trạm quan trắc

Ngày 6/5/1987, Lưu Hoa Thanh hạ lệnh thành lập một biên đội tàu tuần tra 10 chiếc, gồm tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa và tàu tiếp tế khởi hành từ Trạm Giang [nơi đặt Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải]. Đây là lần đầu tiên sau 38 năm kể từ khi nước Trung Quốc được thành lập, hải quân nước này đã tổ chức một biên đội tàu chiến lớn nhất tuần tra trái phép ở quần đảo Trường Sa.

Biên đội tàu chiến của Hạm đội Nam Hải đã tổ chức một cuộc diễn tập lớn ở phía nam Biển Đông từ ngày 15/5 đến ngày 6/6/1987, nhằm thao luyện các phương án tác chiến phục vụ cho âm mưu xâm chiếm Trường Sa.

Ngày 8/7/1987, Lưu Hoa Thanh và Cục trưởng Cục hải dương quốc gia Trung Quốc Nghiêm Hoằng Mô trình lên Quốc vụ viện và quân ủy trung ương Trung Quốc báo cáo chung về vấn đề xây dựng trạm quan trắc ở Trường Sa.

Báo cáo đề ra hai phương án: Xây dựng trạm quan sát tự động hoặc xây dựng trạm có người điều khiển. Bản thân Lưu ủng hộ phương án thứ hai vì nó phục vụ cho âm mưu xâm lược Trường Sa của Trung Quốc. Chính y đã chủ động đề xuất xây dựng trạm quan sát ở đá Chữ Thập, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngày 6/11, Quốc vụ viện và Quân ủy trung ương Trung Quốc công bố bản phê chuẩn về đề xuất của Lưu.

Cũng trong tháng 11 năm 1987, Lưu Hoa Thanh trở thành Ủy viên Ủy ban Quân sự Trung ương (Quân ủy Trung ương) Trung Quốc và giữ chức Phó Tổng thư ký (một năm sau, đến tháng 11/1989, Lưu giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương).

Lưu nhân đó lập tức triệu tập cuộc họp để thực hiện kế hoạch và các công tác chuẩn bị cho xây dựng trạm, theo đó, trách nhiệm xây dựng trạm là được giao cho lực lượng Hải quân Trung Quốc, với sự hỗ trợ về nghiệp vụ của Cục Quản lý Hải dương Trung Quốc.

Giữa tháng 10 đến tháng 11 năm 1987, Hạm đội Nam Hải lại tiếp tục đưa tàu nghiên cứu Hải Dương 4 và một số tàu chiến đi qua các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây; có lúc các tàu này vào sát đảo của ta khoảng 1 hải lý.

Trong thời gian ngắn, Hải quân Trung Quốc đã hoàn thành một số công tác như khảo sát kỹ thuật và thiết kế, toàn bộ vật liệu xây dựng đều được đưa ra từ đất liền. Kế hoạch xây dựng trạm quan trắc đã trở thành cái cớ để Bắc Kinh đưa những người mà họ gọi là “các nhà khoa học” và vật liệu xây dựng ra Trường Sa.

Khoảng đầu năm 1988, Lưu Thanh Hoa cùng các lãnh đạo chủ chốt của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục hậu cần và hải quân tổ chức nhiều cuộc hội thảo nghiên cứu phương án tác chiến để đánh chiếm các đảo, đá. Sau đó, bản kiến nghị về kế hoạch tác chiến Trường Sa đã nhận được sự phê chuẩn.

Thực hiện kế hoạch xâm chiếm Trường Sa

Ngày 22/01/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đảo Chữ Thập. Sau đó, chúng đưa một lực lượng lớn gồm 8 tàu, trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm đậu xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền các nước qua lại khu vực đảo này.

Ngày 31/01/1988, Trung Quốc quyết định đưa thêm lực lượng củng cố đảo Chữ Thập thành căn cứ chủ chốt ở khu vực Trường Sa. 9 tàu của biên đội tàu thi công đã từ Trạm Giang xuống dá Chữ Thập vào ngày 07/02 để tiến hành công việc xây dựng trái phép.

Vào thời điểm này, Hải quân Trung Quốc tổ chức ba Cụm tác chiến lớn nhằm triển khai chiến dịch chiếm đoạt quần đảo Trường Sa, bao gồm:

Sở Chỉ huy Hậu phương đặt ở quần đảo Hoàng Sa. Sở chỉ huy này chỉ huy chung toàn chiến dịch, đồng thời chỉ huy lực lượng tàu tuần tiễu pháo, tàu hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa và các tàu ngầm, có nhiệm vụ ngăn cản, uy hiếp lực lượng tàu hải quân ta hoạt động ở vịnh Bắc Bộ, gây khó khăn cho ta trong việc triển khai hoạt động bảo vệ vùng biển phía Nam;

Ngoài ra, Trung Quốc còn thiết lập 2 Cụm Tác chiến Tiền phương. Cụm thứ nhất có nhiệm vụ ngăn chặn lực lượng hải quân ta ở đông bán đảo Cam Ranh, Cù Lao Thu; Cụm thứ hai là cụm chiến đấu thiết lập Sở chỉ huy tiền phương ở đảo Chữ Thập, chỉ huy lực lượng đánh chiếm đảo ở quần đảo Trường Sa [và nếu có thời cơ phát triển lực lượng sâu xuống khu vực phía Nam Biển Đông].

Tiếp theo, Trung Quốc điều số lượng lớn tàu chiến đến chiếm đóng đá Châu Viên (ngày 18/02), đá Ga Ven (26/02), đá Tư Nghĩa (tức Huy Gơ, ngày 28/02).

Đến đầu tháng 3, Trung Quốc tiếp tục huy động tàu chiến của hai hạm đội (Đông Hải và Nam Hải) xuống quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động thường xuyên ở đây lên 9 đến 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu tuần tiễu pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn với ý đồ chiếm giữ 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép Quần đảo Trường Sa bằng hành động quân sự

Ngày 14/3, Trung Quốc đã nổ súng tấn công lực lượng ta trên các tàu vận tải và chiếm đóng trái phép đá Gạc Ma, khiến 64 chiến sỹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh.

Sau đó, vào ngày 23/3, Trung Quốc đã tiếp tục đưa tàu chiến chiếm giữ trái phép đá Xu Bi.

Tính đến thời điểm đó, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép 6 đảo đá, gồm: Chữ Thập, Xu Bi, Gạc Ma, Ga Ven, Huy Gơ (Tư Nghĩa), Châu Viên, rồi tiến hành xây nhà và các công trình khác trên các đảo, đá này.

Mặc dù sau đó Trung Quốc vẫn muốn xâm chiếm thêm các đảo đá khác, nhưng lực lượng hải quân dù rất mỏng yếu của chúng ta vẫn kiên cường giữ vững được các đảo đã đóng giữ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước ở đại bộ phận các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và chủ động đóng giữ thêm ở nhiều đảo mới. Những hành động tỉnh táo, khôn ngoan nhưng cũng không kém phần kiên quyết của chúng ta đã chặn đứng âm mưu tiếp tục bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Trong các kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu những chủ trương và biện pháp của chúng ta trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền của đất nước ở Trường Sa năm 1988, mang tên “Chiến dịch CQ-88” (tức “Chủ quyền 88”).

http://biendong.net/bi-n-nong/33592-truong-sa-1988-tq-tao-co-xam-chiem-bien-dao.html

 

Sau 32 năm xâm chiếm, TQ đã tàn phá,

 biến đá Gạc Ma của Việt Nam

thành tiền đồn quân sự phi pháp trên Biển Đông

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14/3/1988, mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế, cán bộ và chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh, quyết tử đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Vị trị địa chiến lược trọng yếu của đá Gạc Ma

Đá Gạc Ma là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm cách đá Cô Lin hơn 3 km về phía Đông Nam và đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn.

Trung Quốc lựa chọn Gạc Ma vì Trung Quốc muốn có một pháo đài ở trung tâm Biển Đông. Bãi đá Gạc Ma gần như nằm ở giữa Việt Nam và Philippines, ở vị trí đó Việt Nam muốn lấy lại cũng rất khó khăn vì xa bờ. Trung Quốc muốn ở một vị trí an toàn và với việc chiếm được Hoàng Sa, họ có được thế gọng kìm tam giác, từ Hải Nam xuống Hoàng Sa và Gạc Ma để khống chế Biển Đông. Không những vậy, đá Gạc Ma cách đá Cô Lin 3,6 hải lý, cách đá Len Đao 6 hải lý giữ vị trí quan trọng, đánh dấu đầu mút phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn. Nếu để Trung Quốc chiếm được “sẽ khống chế đường qua lại của ta trong việc tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa”.

Ngoài ra, vị trí đá Gạc Ma rất hiểm yếu, nó gần bờ biển và thềm lục địa Việt Nam, gần nơi Việt Nam khai thác dầu khí và tiến hành các hoạt động kinh tế của mình. Việc Trung Quốc muốn xây dựng các “đảo nổi” nhân tạo nhằm mục tiêu pháp lý là muốn mở rộng vùng biển để tạo thành chồng lấn, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp. Đặc biệt, Trung Quốc muốn mở rộng tất cả các thực thể trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ra tới những vị trí xa nhất, thậm chí có những bãi cạn không nằm trong phạm vi quần đảo đó, Trung Quốc vẫn muốn xây dựng để sử dụng vạch đường cơ sở bao bọc

toàn bộ theo tiêu chuẩn quốc gia quần đảo. Chính vì thế, nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ  khống chế toàn bộ hàng hải đi qua khu vực này.

Việc Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Gạc Ma còn là một bước đi cụ thể cho dã tâm “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Gạc Ma nằm ở vị trí phía Tây của quần đảo Trường Sa và là một trong những bãi đá xung yếu. Chiếm được Gạc Ma sẽ quản lý được vùng biển phía Tây. Nếu chiếm được bãi đá này thì với tiềm lực mạnh, Trung Quốc sẽ dễ dàng khống chế được cả vùng biển xung quanh. Ngoài ra, chiến lược quân sự mà Trung Quốc đang đưa ra không chỉ ở quần đảo Hoàng Sa mà ngay ở Gạc Ma, là kiểu “gặm nhấm”. Thể hiện rõ nhất là sau khi chiếm đóng trái phép của Việt Nam, nước này không vội đánh chiếm các đảo khác, phần vì gặp phải sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đã lén lút cho bồi đắp, xây dựng những công trình nhân tạo và “khi Việt Nam phát hiện ra thì mọi việc đã rồi”.

Quá trình Trung Quốc quân sự hóa đá Gạc Ma

Ngay sau khi chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma, phía Trung Quốc xây dựng điểm đồn trú gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ. Đến đầu năm 1989, Trung Quốc đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng với tường chắn sóng, tháp canh, các thiết bị thông tin liên lạc. Từ đầu thập niên 1990, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện bồi lấp ở đá Gạc Ma và các thực thể khác nước này kiểm soát trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong giai đoạn này, chính quyền Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng xâm lấn ở quần đảo Trường Sa. Tháng 2/1995, quân Trung Quốc giành quyền kiểm soát đá Vành Khăn từ tay Philippines. Do lo ngại nguy cơ chiến tranh, phía Philippines đã chấp nhận buông xuôi, để mất đá Vành Khăn vào tay Trung Quốc. Biển Đông lúc lặng lúc nổi sóng, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ ngừng thực hiện âm mưu chiếm trọn vùng biển ở Đông Nam Á. Tháng 6/2012, Trung Quốc xua hàng loạt tàu hải giám và cả tàu chiến tới chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải tạo phi pháp đá Gạc Ma, biến khu vực này trở thành một trong những tiền đồn quân sự quan trọng hàng đầu của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ tháng 7.2013, lực lượng kỹ thuật hải quân và Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc đã ồ ạt đưa phương tiện, nhân lực xuống Trường Sa để xây dựng căn cứ, biến 7 bãi đá mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước thành đảo nhân tạo. Trong số này, Gạc Ma được họ tập trung xây dựng đầu tiên và đến nay đã hình thành căn cứ lớn của Trung Quốc. Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích hơn 13 ha ở đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng bắc – nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m, thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc; tiến hành đào đắp đất cát để xây đường băng tại đây, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Phần nền bê tông hiện trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400m.

Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện cải tạo phi pháp đá Gạc Ma và đưa vào sử dụng trái phép nhiều hạng mục công trình như: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76mm, pháo 30mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực. Ngoai ra, còn có các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp radar đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nạo vét luồng rạch theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000m, rộng khoảng 250 – 400m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc đá Gạc Ma. Trung Quốc cũng đã hoàn tất và đưa vào sử dụng 1 bãi đáp trực thăng ở phía đông nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của Gạc Ma với chiều dài khoảng 100 m và 1 bến nghiêng rộng 20 – 30 m, phục vụ việc cơ động của các loại xe vận tải, xe bánh xích từ tàu vận tải đổ bộ lên bãi.

Không những vậy, Bắc Kinh đã xây dựng nhiều hàng mục công trình phi pháp trên đá Gạc Ma như hải đăng đa năng cao 50m, đường kính 4,5m; Hệ thống điện gió cung cấp một phần năng lượng và một số xe cẩu, xe công trình vẫn đang thực hiện các công đoạn xây dựng công trình ngầm, nổi trên bãi đá; Cộng ăng ten thu phát sóng bao phủ cả khu vực cụm đảo Sinh Tồn; Các tổ hợp pháo hạm, pháo phòng không mọc lên ở các vị trí khác nhau trên đá Gạc Ma; 4 tổ hợp ra đa tầm xa làm nhiệm vụ quan sát và dẫn đường cho máy bay…

Đáng lo ngại hơn, những gì đang diễn ra ở Gạc Ma chỉ là một phần điển hình trong kế hoạch rộng lớn, tham vọng và phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông. Trung Quốc cũng đang tiến hành cải tạo, lấn chiếm quy mô lớn ở các đá Châu Viên, Huy Gơ, Gia Ven và Xu Bi… Đây thực sự là những nguy cơ đe dọa đối với hòa bình, ổn định của cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Những hoạt động ngang ngược trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), mà còn tạo ra một thực trạng mới hết sức nguy hiểm ở Trường Sa và Biển Đông. Một khi Trung Quốc hoàn thành việc mở rộng lấn chiếm và bố trí lại lực lượng của họ ở khu vực, sẽ tạo ra một tương quan lực lượng mới rất nguy hiểm với ưu thế vượt trội về mọi mặt thuộc về Trung Quốc.

Trước âm mưu, ý đồ và hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.

http://biendong.net/bien-dong/33586-sau-32-nam-xam-chiem-tq-da-tan-pha-bien-da-gac-ma-cua-viet-nam-thanh-tien-don-quan-su-phi-phap-tren-bien-dong.html

 

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ

và nguy cơ hủy hoại môi trường Biển Đông

Trong quá trình thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã hủy hoại môi trường đến đâu là câu hỏi được các nhà nghiên cứu quan tâm. Theo dõi những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong 10 năm qua, người ta đều nhận thấy Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn ở đâu đều gắn liền với việc phá hoại môi trường biển.

Các nghiên cứu cho thấy Trung Quốc có ý định bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở bất kỳ nơi nào thì trước đó đều có đội tàu khai thác ngao của Trung Quốc xuất hiện ở đó.

Bắt đầu từ những năm 2010, những ngư dân Trung Quốc khai thác ngao đã tỏa đi khắp Biển Đông trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ nhưng lại được sự hộ tống bởi những tàu cỡ lớn đóng vai trò là tàu mẹ. Họ đi xa hơn nhiều khỏi vùng biển của Trung Quốc, đến tất cả các vùng biển trong phạm vi “đường lưỡi bò” do họ tự vẽ ra một cách mơ hồ ở Biển Đông, thậm chí đến cả những vùng biển rõ ràng thuộc về các nước láng giềng.

Khi hạm đội tàu đánh cá của Trung Quốc tìm thấy một rạn san hô, ngư dân lên những chiếc thuyền nhỏ và sử dụng những cánh quạt máy bằng đồng khuấy nát các rạn san hô cho đến khi những con ngao lộ ra. Công việc tìm kiếm này không dễ nhưng lợi nhuận mang lại lớn đã khiến họ bất chấp tất cả. Những con ngao khổng lồ có thể rộng đến 1,2m, cân nặng lên tới 180kg, có giá lên đến hàng chục nghìn USD trên thị trường Hải Nam. Đặc biệt, những chiếc vỏ ngao khổng lồ sau khi được chế tác thành những tác phẩm điêu khắc tinh xảo còn có thể bán được cả triệu USD.

Giáo sư sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami, Mỹ, ông John McManus cho biết, có tới hơn 25.000 rạn san hô đã bị tàu thuyền Trung Quốc phá hủy theo cách này. Phát hiện của McManus là một trong những bằng chứng được Tòa Trọng tài xem xét khi đưa ra phán quyết trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc.

Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc ngày càng đông và hiện đại hơn và ảnh hưởng tồi tệ hơn đối với hệ sinh thái, sinh sản và sinh tồn của các loài cá.

Các đội tàu cá thường được Trung Quốc sử dụng như một đội quân tiên phong trong việc thực hiện tham vọng mở rộng quyền kiểm soát tuyến đường biển quan trọng bậc nhất thế giới ở Biển Đông với sự bảo vệ bởi các tàu vũ trang của lực lượng hải cảnh, kiểm ngư và dân quân biển của Trung Quốc … hòng đẩy ngư dân các nước láng giềng ra khỏi ngư trường truyền thống của họ.

Sau một thời gian các tàu cá chiếm lĩnh ngư trường thì động thái tiếp theo thường là quân đội Trung Quốc tiến hành nạo vét các bãi cạn, rạn san hô rồi bồi đắp, mở rộng và xây dựng các đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, cầu cảng cỡ lớn, bố trí trên đó các thiết bị quân sự, thậm chí là cả tên lửa

Đánh giá về cách làm của Trung Quốc, ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng, việc thu hoạch ngao khổng lồ phục vụ chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền kiểm soát biển, đáy biển và không phận phía trên vùng biển đó; bất kỳ nơi nào Trung Quốc có ý định bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép thì đội tàu khai thác ngao đều xuất hiện ở đó trước tiên.

Sau khi cơ bản hoàn tất việc quân sự hóa các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng tại Trường Sa thì mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới là biến bãi cạn Scarborough thành căn cứ quân sự để tạo thành tam giác chiến lược khống chế toàn bộ Biển Đông.

Năm 2012, rất nhiều tàu cá Trung Quốc đã đến khu vực bãi cạn Scarborough để khai thác ngao khổng lồ, để xua đuổi ngư dân Philippines và các nước khác ra khỏi khu vực này. Tiếp đó, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã khống chế và chiếm luôn bãi cạn Scarborough, đồng thời Trung Quốc lên kế hoạch bồi đắp, mở rộng bãi cạn này thành đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này.

Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc chưa thể thực hiện được ý đồ xây đảo và quân sự hóa ở khu vực này do gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của công luận và quyết liệt của Mỹ, đồng minh của Philippines. Mỹ đã mắc sai lầm khi tin vào cam kết của Trung Quốc khuyên Philippines rút tàu ra khỏi bãi cạn Scarborough năm 2012 để rồi Trung Quốc khống chế và chiếm luôn bãi cạn này từ đó. Đây là bài học để Mỹ phải có thái độ quyết liệt hơn khi Trung Quốc có ý đồ quân sự hóa Scarborough.

Qua vụ việc tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của tàu hải cảnh hoạt động đánh bắt trái phép trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia cuối tháng 12/2019, đầu tháng 1 vừa rồi là một biểu hiện cho thấy Trung Quốc đang lấn tới cả những vùng biển xa hơn ở phía Nam Biển Đông.

Câu chuyện ở đây không đơn thuần chỉ là bảo tồn loài ngao khổng lồ mà là việc cứu toàn bộ hệ sinh thái Biển Đông – nơi cung cấp khoảng 12% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu. Nếu đây vẫn tiếp tục là một phần trong chiến thuật của Trung Quốc để kiểm soát Biển Đông thì mục tiêu giữ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Mỹ, Nhật, Úc, Ấn đang thúc đẩy càng đối mặt với nhiều thách thức hơn. Rõ ràng Mỹ đã nhận thức rõ vấn đề nên ngày càng tỏ thái độ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trên vấn đề Biển Đông cả trong lời nói lẫn bằng hành động thực tế (FONOP).

Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye được cho là đòn giáng mạnh vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông khi bác bỏ hầu hết các đòi hỏi của Trung Quốc trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Toà Trong tài đã làm sáng tỏ các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc là vi phạm nghĩa vụ của nước này bảo vệ và bảo tồn môi trường biển bao gồm nghĩa vụ của nước này phải tiến hành đánh giá ảnh hưởng đến môi trường cho các hoạt động đã được lên kế hoạch phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và phải công bố kết quả của việc đánh giá đó; các hoạt động xây dựng của Trung Quốc cũng phá huỷ bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các thực thể ở Biển Đông.

Mặc dù vậy, Bắc Kinh đã phớt lờ tất cả, tiếp tục cho các tàu cá xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng, tiếp tục các hoạt động phá hoại môi trường biển ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán ở Biển Đông, các quốc gia ven Biển Đông cần cùng nhau góp tiếng nói chung, lên án hành vi hủy hoại môi trường của Trung Quốc, yêu cầu họ tuân thủ những quy định của luật pháp quốc tế về bảo tồn môi trường ở Biển Đông.

Cần phải nêu vấn đề môi trường mạnh mẽ hơn ở các diễn đàn quốc tế, kể cả Liên hợp quốc để cho những người cầm quyền ở Bắc Kinh biết rằng, họ đang hủy hoại những tài sản chung của cả nhân loại và để cả cộng đồng quốc tế thấy rõ bản chất bá quyền, bành trướng của Bắc Kinh.

http://biendong.net/bien-dong/33582-tham-vong-doc-chiem-bien-dong-cua-tq-va-nguy-co-huy-hoai-moi-truong-bien-dong.html