Tin Việt Nam – 14/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/03/2020

Vụ Đồng Tâm:

‘Cách hành xử nhẫn tâm, như thời Trung Cổ’

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng việc hành xử của chính quyền trong vụ tập kích Đồng Tâm và hạ sát ông Lê Đình Kình hôm 09/01/2020 là ‘nhẫn tâm’ và cách làm như vậy chỉ có trong ‘thời Trung Cổ’.

Bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 11/03 từ Sài Gòn, ông Thuận nói:

“Ở Việt Nam, chỉ có bạo loạn, cướp chính quyền thì may ra mới có thể xảy ra trường hợp (tập kích) đó, chứ còn bình thường không ai chấp nhận dùng lực lượng vũ trang như thế cả…

Bàn tròn BBC: Những khía cạnh chính trị VN qua vụ Covid-19

Luật sư Thuận: ‘Đảng CS vừa dẹp dịch vừa lo Đại hội’

Virus corona: Đảng Cộng sản chuẩn bị thế nào cho Đại hội 13?

Vang tiếng Thủ Thiêm, Đồng Tâm trong phim ‘VN: Tiếng gào thét từ bên trong’

“Tôi cho rằng đã đến lúc phải đưa ra trước Quốc hội và báo cáo cho toàn thể nhân dân người ta biết bên trong là gì? Nguyên thế nào? Cái nào đúng, cái nào không đúng, cái nào phù hợp?

“Đó là câu chuyện không thể để yên được, cho nên bây giờ mọi việc có thời gian để mà trầm tư lại.

“Người ta nói rằng qua vụ AVG, Tổng Bí thư hay nói rằng giải quyết như thế mới hay, giải quyết như thế mới nhân văn thế này, thế kia.

“Nhưng mà tại sao ông Lê Đình Kình lại đem ‘mổ bụng’ ông là thế nào? Tấn công vào ban đêm là thế nào?

“So với vụ AVG thì mấy ngàn tỷ đồng, có nhiều người gần như là tha bổng, thì như vậy là ‘nhân văn’.

“Nhưng vụ ông Kình giữa thủ đô, có cần tấn công ban đêm và có cần phải bắt người, rồi mổ bụng người ta ra như thế hay không?

“Đó là câu chuyện mà nghe nó, người Việt Nam dùng chữ là rất nhẫn tâm.”

‘Cảm thấy rùng rợn’

Bình luận về cái chết của ông Lê Đình Kình, một trong bốn người bị thiệt mạng trong vụ tập kích theo công bố tới nay từ nguồn của chính quyền và công an Việt Nam, Luật sư Thuận nói:

“Nhìn thấy ông Kình chết và nhìn thấy ông bị phanh thây, mổ bụng ra, người ta nhìn thấy, người ta cảm thấy rùng rợn,.

“Người ta nghĩ rằng chỉ có thời Trung Cổ thôi. Thời bây giờ không ai làm thế!”

Trong cuộc trao đổi với BBC nhân câu chuyện thời sự dịch Covid-19 đang diễn ra và đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho các đại hội cơ sở tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 ra sao, luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng vụ việc Đồng Tâm là một vấn đề cần phải được đem ra thảo luận và các câu hỏi phải được trả lời.

Ông cũng cho biết thêm rằng lẽ ra ông không muốn nói ra vì đã có nhiều người đề cập vụ việc rồi, nhưng tới nay đã hơn hai tháng, dư luận vẫn còn nhiều câu hỏi và chưa thỏa mãn với các lý giải, thông tin đưa ra của chính quyền, và lãnh đạo nhà nước và đảng Cộng sản, Quốc hội, chính phủ v.v…. chưa có ý kiến gì, nên ông ‘buộc lòng’ phải lên tiếng.

“Hai tháng, ba tháng rồi, đảng và nhà nước phải ra giải thích cho được tại sao lại sử dụng lực vũ trang như thế.

“Bản thân tôi không thấy thuyết phục, không thấy nghe theo được, đó là một câu chuyện đáng buồn,” nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc hội nói với Quốc Phương của BBC News Tiếng Việt.

https://www.bbc.com/vietnamese/media-51861598

 

Cựu binh Gạc Ma:

‘Vết dao lạnh của Trung Quốc mãi ám ảnh tôi’

Bùi ThưBBC News Tiếng Việt

Bãi san hô nhuộm đỏ máu những người con đất Việt. Gạc Ma rơi vào tay giặc. Vết cắt từ trận chiến đau thương không thôi cứa vào trái tim những cựu binh còn sống. Mỗi lần Trung Quốc đem tàu thuyền vờn quanh vùng biển Việt Nam, lòng họ lại cuộn trào nỗi hờn căm tột độ.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt hôm 13/3, những cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống, Lê Văn Đông, Lê Hữu Thảo và Lê Văn Thoa đã chia sẻ nỗi niềm của một người cựu chiến binh trong cuộc hải chiến đau thương Gạc Ma 14 tháng 3 năm 1988.

Đại tướng Lê Đức Anh ‘luôn vì quyền lợi quốc gia’

10 năm xung đột Việt – Trung (1979-89) đem lại điều gì?

Chiến tranh Biên giới 1979: Ý kiến nói ‘cảnh giác’ trong quan hệ với TQ

Báo chí VN ‘mạnh mẽ’ viết về Gạc Ma 1988

‘Trung Quốc là kẻ thù’

Cuộc giằng co và xả súng xảy ra vào buổi sáng 14 tháng 3 vẫn còn trong trí nhớ cựu binh Nguyễn Văn Thống. Khi ấy, trung sĩ Thống là tiểu đội trưởng thuộc đơn vị công binh E83 đang ở trên boong tàu HQ-604.

Từ chỗ đứng của mình, anh thấy rõ các đồng đội đang cầm cự với lính Trung Quốc. Pháo lớn bắt đầu nã vào chiếc HQ-604. Lực lượng Việt Nam trên tàu liền dồn vào ca bin rất đông, đạn địch vẫn không ngớt lia tới những con người hầu như không được vũ trang. Kết quả trận chiến, 64 chiến sĩ hy sinh, Thống cùng một vài người khác sống sót va bị cầm tù.

Trở về từ nhà tù Lôi Châu, Trung Quốc sau hơn 3 năm, Thống là thương binh bậc 1 với một phần cơ thể biến dạng, hàng chục mảnh đạn nằm trong thân thể anh. Cứ gần sát ngày kỷ niệm cuộc hải chiến Gạc Ma, anh lại đau đáu: “Tới ngày 14/3 là ký ức đau buồn lại về. Tôi nhớ đồng đội, bạn bè đã vì tổ quốc mà nằm lại nơi biển xa giá lạnh. Lòng tôi buồn đau lắm. Mỗi khi trở trời các vết thương trên mình lại hành hạ khiến tôi càng căm thù quân xâm lược đã giết hại đồng chí và cướp biển đảo”.

Đại tá Phạm Hữu Thắng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, nói về trận Gạc Ma và tưởng niệm.

Cùng với trung sĩ Thống, trung sĩ Lê Văn Đông cũng bị trói, bịt mắt và bỏ đói trong hầm tàu. Khi được đưa tới trại giam ở Trung Quốc, vết thương của Lê Văn Đông bắt đầu bốc mùi nặng. Những người bắt giữ liền đưa anh tới bệnh viện, trói chân tay lại và mổ.

Đông nhớ lại: “32 năm trôi qua mà tôi tưởng như mới ngày hôm qua, các đồng đội còn đó: người bị thương, người kêu khóc, người bị bắn và chiếc tàu chìm dần. Có lúc nằm mơ về cuộc chiến, tôi tưởng như đó là cuộc đời ai khác, không phải mình. Tôi tự hỏi sao Trung Quốc ác đến vậy, tôi bị thương ba ngày ba đêm mà không được băng bó, không được gây tê, chỉ mổ sống. Vết thương đã đau cộng hưởng vết dao sắc lạnh mãi ám ảnh tôi”.

Ngày về từ nhà tù, cựu binh Lê Văn Đông mang theo một kỷ vật: mảnh đạn được bác sĩ quân y Trung Quốc gắp ra từ ca mổ sống hôm nào. Anh đã lưu giữ nó như một chứng tích cho một thời đoạn đau thương của anh, và cũng của đất nước này. Dù đã mất mảnh đạn trong một trận lũ nhưng những mảnh đạn khác vẫn nằm trong thân thể người cựu chiến binh. “Với tôi Trung Quốc là kẻ thù, nhắc tới Trung Quốc, tôi chỉ thấy căm giận, không anh em láng giềng gì hết. Lúc bị mổ sống, tôi cảm thấy mình bị đối xử như con vật”, cựu binh Đông chia sẻ.

‘Cuộc thảm sát’

Những người lính công binh tuổi đôi mươi ra đi năm 1988 ấy không hề mảy may dự cảm chiến tranh sẽ ập đến. Rồi họ bị bủa vây bởi làn đạn thù. Và khi cuộc gió tanh mưa máu kết thúc, họ bị đẩy vào chốn lao ngục.

Ngày trung sĩ Lê Văn Đông lên đường làm nhiệm vụ cũng là ngày anh vừa kết hôn. Tâm trí người lính trẻ có phần day dứt với người vợ mới cưới, nhưng cũng hừng hực khí thế “ra đi để xây dựng biển đảo”.

Anh nói: “Đối với tôi đây là cuộc thảm sát vì lực lượng công binh chúng tôi có súng ống gì trong tay đâu. Tôi ra đi để xây dựng giàn khoan, trong tay chỉ có cuốc xẻng trong khi lính Trung Quốc được trang bị đầy vũ khí”.

“Là người lính thì chấp nhận thực hiện nhiệm vụ nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy vô lý. Nếu đầu hàng thì là kẻ phản quốc còn chiến đấu thì chỉ có cuốc xẻng, không có súng trong tay. Và tôi cùng đồng đội đã gắng hết sức có thể để bảo vệ biển đảo. Nhưng trong cuộc đụng độ, Trung Quốc không mất một sinh mạng nào còn bên mình mất đi 64 chiến sĩ. Những người còn lại người như tôi bị thương và bị cầm tù”. – cựu binh Đông lý giải.

Cựu binh Lê Hữu Thảo, tiểu đội trưởng của Lữ đoàn 146 cho rằng: “Tuy rằng lực lượng hai bên chênh lệch, vũ khí chúng ta có đơn sơ nhưng vẫn là vũ khí. Nhưng thông thường, cuộc chiến xảy ra khi hai bên tuyên bố chiến tranh còn sự kiện Gạc Ma nổ ra rất bất ngờ, các chiến sĩ chưa có sự chuẩn bị”.

Lê Văn Thoa, một thành viên của tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 vận tải chuyển hàng và là một trong số người sống sót trở về từ nhà tù Trung Quốc. Đối với anh, sự kiện Gạc Ma mãi là cuộc thảm sát. Anh chia sẻ: “Những ngày này buồn ghê lắm, tôi đi cùng con trai vào Cam Ranh để sáng mai kịp thắp cho đồng đội. Với tôi đây không phải cuộc chiến vì chúng tôi ra Gạc Ma để xây dựng đảo, không phải để tham chiến với ai nên ngoài đảo anh em rất vui vẻ phấn khởi”.

Trưa ngày 13/3, anh Thoa cùng con trai của mình chở nhau bằng xe máy từ Bình Định đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh để viếng vong linh đồng đội. Đối với anh, mảnh đạn còn sót ở trong đầu khiến anh giảm đi trí nhớ không phải là điều quan trọng. Anh Thoa canh cánh nhất là tro cốt của những đồng đội đã hy sinh: “Đồng đội hy sinh quá nhiều, chỉ mong ước làm sao nhà nước có thể đàm phán với Trung Quốc để tìm được xác đồng đội, những người nằm lại biển khơi đưa về đất liền. Nhưng giờ có thể không thực hiện được nữa…”.

Ôm niềm ấm ức

Nhiều người lính đã may mắn sống sót trở về sau cuộc thảm sát Gạc Ma 1988. Nhưng khi ấy, những lời ngợi ca, tôn vinh trong trang sách hay trên truyền thông để kêu gọi lòng yêu nước không có tên tuổi các anh. Dù 64 con người đã ngã xuống và bao nhiêu người bị thương tật, cầm tù trong một trận chiến bảo vệ mảnh đất Việt Nam trước sự xâm lấn của ngoại bang.

Đối với các chiến sĩ sống sót trở về, càng nhiều người biết đến Gạc Ma thì lòng họ và vong linh đồng đội càng cảm thấy được an ủi. Nhưng số phận cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, cuốn sách đầu tiên viết về sự kiện Gạc Ma gặp nhiều truân chuyên: đi qua 13 nhà xuất bản, mất 4 năm xin giấy phép. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử xuất bản của Việt Nam phải được thẩm định bởi một Hội đồng thẩm định cấp nhà nước.

Chia sẻ nỗi niềm, cựu binh Lê Văn Đông nói: “Tôi rất buồn khi cuốn sách bị tạm dừng. Nếu chiến tranh chống Mỹ, chống Pháp được ca ngợi thì cũng nên có những trang giấy cho Gạc Ma. Cầm súng cũng anh hùng thì cầm cuốc xẻng cũng là anh hùng. Chúng tôi cần được bảo vệ trong quá khứ, khi đối mặt với kẻ thù hùng mạnh như Trung Quốc”.

“Tôi đau xót vì mình là người trong cuộc đụng độ thảm sát đó mà giờ như vô nghĩa, không có giá trị với lịch sử. Nếu nhà nước nói rõ hơn thì người dân có thể chủ động hơn. Lớp người trước đã già nua, lớp người sau nếu không biết đến sự kiện lịch sử thì ai sẽ là người bảo vệ biển đảo. Mình đã không bảo vệ được Hoàng Sa nên đã mất, mình cũng đã không bảo vệ được Gạc Ma nên đã mất dù đó là biển đảo của mình”, cựu binh Lê Văn Đông bộc bạch.

Đối với cựu bình Lê Hữu Thảo, người đi tìm lại những đồng đội còn sống, anh cho rằng: “Giới trẻ không biết đến hay biết không cụ thể, mơ hồ là lỗi của những người làm sử sách, truyền thông. Quan trọng hơn có lỗi với lịch sử. Tuy không phải gần đây mới nhắc tới Gạc Ma nhưng vẫn còn rất hạn chế. Tôi là người chiến đấu trong cuộc chiến đó cảm thấy chạnh lòng, mất mát”.

Đi cùng con trai đến để tưởng niệm những đồng đội đã mất dù không có sự kiện họp mặt nào ở Cam Ranh, cựu binh Lê Văn Thoa chia sẻ: “Tôi muốn con mình biết những gì đã xảy ra, để sau này có đi ngang qua đài tưởng niệm cùng bè bạn, cũng biết đến thắp một nén nhang cho đồng đội bố. Tôi mong ước chính phủ quan tâm đến những gia đình các đồng chí đã hy sinh và những người từng chiến đấu như chúng tôi để bớt chạnh lòng. Có năm hỏi thăm, có năm thì không thấy nhắc gì”.

32 năm trôi qua, bãi Gạc Ma xâm xấp nước ngày xưa giờ đã bị ngoại bang bồi đắp thành đảo nhân tạo khổng lồ. Mỗi chuyến tàu chở quân nhân và người dân Việt đi qua đây để tới các điểm đảo ở Trường Sa, qua cái nơi từng chứng kiến một cuộc đau khôn cùng ấy, đều bị kẻ thù nhòm ngó.

Nhiều năm kể từ ngày đau thương ấy, tiếng đạn thù và những ngày ngục tù đã lùi xa nhưng trong lòng những người lính năm xưa vẫn còn bao day dứt khi nghĩ đến tro cốt đồng đội đã mất. Họ thả vòng hoa xuống biển xanh cùng lời nguyện cầu. Bởi lẽ, vẫn còn đâu đó trong lòng biển ngoài kia, hương hồn liệt sĩ đang lẫn vào muôn trùng sóng biếc.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51885517

 

Thảm sát Gạc Ma: Loan tin theo kiểu đu dây!

Diễm Thi, RFA

Vụ thảm sát do lực lượng Trung Quốc nhắm vào các chiến sĩ công binh Hải quân Việt Nam tại Đá Gạc Ma 32 năm trước là một biến cố lớn trong lịch sử Việt Nam. Trong một thời gian dài sự thật lịch sử này không được đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam công khai cho toàn dân. Mãi đến gần đây, thông tin về vụ thảm sát đẫm máu đó mới được truyền thông chính thống Nhà nước loan đi một cách dè dặt.

Báo chí đưa tin theo chỉ đạo

Những người có mặt trên chiếc HQ-604 thuật lại, vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đổ bộ lên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam và chiếm đảo. 56 người mãi mãi nằm lại biển khơi; 8 người được đồng đội mang xác về; 9 người sống sót.

Báo chí Trung Quốc hàng năm vẫn nhắc lại như một chiến thắng. Còn phía Việt Nam thì im lặng đến mấy chục năm sau mới dè dặt đề cập đến.

Tháng 7 năm 2018, khi cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” ra mắt, báo CAND có chụp tấm ảnh ông Võ Văn Thưởng đến thăm gian hàng Trí Việt và mua ủng hộ một cuốn. Cuốn sách này sau đó lại bị ngưng phát hành.

Ngày 12 tháng 3 năm 2016, VnExpress đăng một video “Gạc Ma – Trận hải chiến bị lãng quên” với nội dung tóm tắt: “Trận hải chiến bảo vệ chủ quyền cụm đảo chìm Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao, với 64 liệt sĩ ngã xuống giữa làn đạn của quân Trung Quốc xâm lược cách đây 28 năm, không được nhiều người biết đến”.

Tháng 3 năm 2013, chỉ duy nhất tờ Thanh Niên có bài viết “Ký ức về trận chiến Gạc Ma năm 1988”, trong khi Việt Nam có hàng trăm tờ báo chính thống. Phải chăng chính quyền, ban tuyên giáo…đã quên mất sự kiện này?

Sau Hội Nghị Thành Đô thì mọi việc phụ thuộc vào tình hình và ‘thời tiết’ chính trị trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. – Ông Đinh Đức Long

Trung tá quân đội Đinh Đức Long khẳng định họ không thể quên và nhấn mạnh đây là vụ quân đội Trung Quốc thảm sát lính hải quân Việt Nam. Ông nói:

“Phải nói đây là vụ thảm sát của quân Trung Quốc đối với bộ đội Việt Nam, trên vùng đảo của Việt Nam. Sau đó phía Trung Quốc chiếm trọn đảo đá Gạc Ma. Đây là vụ xâm lược. Tôi nhớ rõ tại thời điểm đấy (năm 1988) phía Việt Nam có tổ chức một buổi lễ truy điệu rất lớn, và người đứng đầu tỉnh Khánh Hòa nói một câu là “chúng ta khắc cốt ghi xương mối thù này”. Nghĩa là họ không thể quên được. Đó là điều chắc chắn.

Sau Hội Nghị Thành Đô (năm 1990) thì mọi việc phụ thuộc vào tình hình và ‘thời tiết’ chính trị trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Có những lúc ai lên tiếng về vụ này thì bị cho là ‘phản động’. Công an bắt, chặn đường. Có lúc thì họ thấy cần phải nhắc lại. Nó tùy thuộc vào nhu cầu chính trị của giới lãnh đạo Việt Nam.”

Ông Đinh Đức Long kết luận, phía chính quyền thấy có lợi thì tổ chức tưởng niệm, báo chí nhắc nhớ. Còn họ thấy không có lợi thì họ im. Việt Nam là như thế. Chính trị đu dây.

Theo những người trong cuộc, chiều 13 tháng 3 năm 1988, tàu HQ-604 vừa đến Gạc Ma và bị quân Trung Quốc dùng loa cảnh báo. Anh Dương Văn Dũng, người sống sót sau trận thảm sát, nói rõ lúc ấy Trung Quốc có 3 tàu chiến bao vây con tàu vận tải HQ-604 của hải quân Việt Nam. Anh kể lính Trung Quốc cầm loa thông báo rằng đây là lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu lính Việt Nam rời ngay. Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn bám đảo và sáng mai thì phía Trung Quốc tấn công. Anh kể:

“Chúng tôi biết rằng đã bị thua thế và mắc mưu Trung Quốc, cho nên chỉ làm bia đỡ đạn cho địch thôi chứ không biết nói sao. Họ là phía hành động tất cả. Khi họ tràn qua đánh thì chúng tôi biết rằng chỉ có chết thôi chứ làm sao sống được? Ở đó chỉ có nước và trời, không phải rừng núi, trốn vào đâu được? Khi hành động là họ vây mình hết rồi, nên mình chỉ có chết thôi. Tất cả các anh em đều bị bắn xối xả hết. Tôi vẫn nhớ kỹ mà. Tôi nhìn rõ hết mà. Dễ sợ lắm.”

Anh Lê Minh Thoa, một người lính sống sót nhớ lại, lính Việt Nam chết gần hết, xác họ trôi lơ lửng, máu tràn lan trên biển, máu của lính từ mạn tàu chảy xuống. Sau này khi anh xem lại đoạn phim về trận hải chiến này do Trung Quốc làm, anh vẫn nhớ như in cảnh tượng kinh hoàng ấy.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, vào năm 2018 đã đánh giá quyết định không nổ súng của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh trong trận Gạc Ma:

“Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc.”

Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ với RFA 30 năm sau sự kiện này:

“Trong lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam chưa có trận nào mà hải quân ta chỉ có mấy phút thôi chúng ta chết đến hơn nửa đại đội. Không có chuyện lịch sử Hải quân, lịch sử của các đơn vị chiến đấu bộ binh chỉ trong mấy phút mà tiêu như thế, trừ bom, nó bỏ trúng đội hình đang hành quân hoặc là nó thả trúng đội hình đang đóng quân còn trong đánh nhau ta cũng trong thế chủ động thì không có chuyện đó. Cho nên đó là cái nỗi đau mà nỗi đau này nó âm ỉ và nó sẽ đi với người lính cho tới khi kết thúc sứ mệnh trên cái đất này.”

Tuy nỗi đau là thế, nhưng báo chí trong nước chỉ lên tiếng trong hai năm rồi im bặt. Mãi đến những năm sau này mới nhắc lại cầm chừng.

Trước vụ giàn khoan là không dám hó hé gì hết. Nói thẳng là như thế. Đến cột mốc giàn khoan 981 tháng 5 năm 2014, chính quyền Việt Nam mới thấy rõ bộ mặt của Trung Quốc nên thả cho báo chí tố cáo dần dần. – Ông Võ Văn Tạo

Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng viết những bản tin liên quan đến vụ Gạc Ma, kể rằng ngày 20 tháng 12 năm 2008, khi nghe thông tin ngư dân Lý Sơn tình cờ tìm thấy di cốt liệt sĩ trong chiếc tàu đắm ở Gạc Ma, ông đã xác minh qua Trưởng Ban Chính sách Vùng 4 Hải quân, Trưởng Phòng Chính sách Quân chủng Hải quân, thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, rồi viết thành bản tin, gửi Tòa soạn báo Tuổi Trẻ và chia cho phóng viên Nguyễn Đình Quân của Tiền Phong, thường trú Nha Trang. Sau đó, biên tập viên báo Tuổi Trẻ là ông Đặng Đại, cho biết bản tin này “nhạy cảm” nên không thể đăng. Đến ngày 21 tháng 12 thì báo Tiền Phong đăng. Sau khi Tiền Phong đăng thì hôm sau, báo Tuổi Trẻ cũng đăng. Nhưng khuya cùng ngày (22 tháng 12), thì các bản tin online trên Tuổi Trẻ và Tiền Phong đều bị gỡ.

Trao đổi với RFA tối 13 tháng 3 năm 2020, nhà báo Võ Văn Tạo phân tích:

“Nói cho đúng là sau trận đánh đó, báo chí cả nước ồn ào đưa tin suốt hai năm (1988 – 1989). Đến sau Hội Nghị Thành Đô năm 1990 thì câm lặng luôn cho đến sự kiện giàn khoan HD 981 tháng 5 năm 2014 thì mới bắt đầu nhắc lại sự kiện này nhưng cũng chỉ ở mức độ cầm chừng.

Trước vụ giàn khoan là không dám hó hé gì hết. Nói thẳng là như thế. Không báo nào dám đăng. Đăng là chết liền. Đến cột mốc giàn khoan 981 tháng 5 năm 2014, chính quyền Việt Nam mới thấy rõ bộ mặt của Trung Quốc nên thả cho báo chí tố cáo dần dần.”

Hội nghị Thành Đô được tổ chức tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990. Lãnh đạo cao cấp phía Việt Nam có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Phạm Văn Đồng, cố vấn ban chấp hành Trung ương Đảng. Phía bên Trung Quốc là Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện.

Người dân Việt Nam cho đến nay vẫn không biết những nội dung gì được bàn thảo trong hội nghị dù ai cũng cũng biết nó liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/gacma-massacre-the-press-voiced-after-long-time-of-silence-dt-03132020124247.html

 

COVID – 19: Việt Nam có 53 trường hợp nhiễm bệnh

Chiều ngày 14/3, Bộ Y tế Việt Nam đã công bố thêm 4 ca nhiễm COVID – 19 mới nâng tổng số ca nhiễm bệnh từ đầu mùa dịch đến nay lên 53 người, trong số này 16 ca đã chữa khỏi.

Bệnh nhân thứ 50 là nam, 50 tuổi ở phố Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Bệnh nhân này được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 13/3 sau khi đi công tác tại Paris về.

Bệnh nhân thứ 51 là nữ, 22 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh về từ Châu Âu.

Bệnh nhân thứ 52 là nữ, 42 tuổi, địa chỉ tại Hạ Long. Bệnh nhân này được phát hiện bệnh sau khi bay về Việt Nam từ London, Anh.

Bệnh nhân thứ 53 là nam 53 tuổi, quốc tịch Cộng hoà Czech. Bệnh nhân trước đó đã có tiếp xúc với nhiều người Ý là quốc gia hiện có hơn chục ngàn ca nhiễm bệnh COVID – 19.

Trước dó, Bộ Y tế cũng công bố ca nhiễm thứ 48 và 49 bao gồm một người Anh.

Bệnh nhân số 48 là nam, 31 tuổi, trú tại phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân này ngồi chung xe với bệnh nhân số 45 cũng ở thành phố HCM và bị lây nhiễm virus từ bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận.

Ngày 14/3, sau khi có kết quả của bệnh nhân này, công an đã tổ chức cách ly chung cư Hoà Bình nơi bệnh nhân này sinh sống.

Bệnh nhân số 49 là người Anh, 71 tuổi, quốc tịch Anh. Người này là chồng, tiếp xúc gần với bệnh nhân số 30, 66 tuổi, quốc tịch Anh.

Dịch bệnh COVID-19 hiện đã xuất hiện ở tại 145 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 145.000 ca nhiễm bệnh và hơn 5.000 ca tử vong.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-reports-53-cases-covid-19-03142020074244.html

 

Khách từ vùng dịch về ho, khó thở muốn

được đưa đi cách ly nhưng phi trường Nội Bài cho về

Tin Vietnam.- Đài VOV của nhà nước cộng sản Việt Nam ngày 13 tháng 3 năm 2020 loan tin, một người đàn ông 37 tuổi, quê Nghệ An đi từ vùng dịch Nhật Bản về phi trường Nội Bài, Hà Nội với triệu chứng như ho, khó thở, tức ngực nhưng đã bị thất vọng vì nhà chức trách ở phi trường không cho anh đi cách ly.

Người đàn ông này cho biết, anh đi xuất cảng lao động ở Nhật Bản. Tại đây, anh ở cùng phòng với 3 người khác, và cả 3 người này đều có triệu chứng ho, khó thở, đau ngực và cách triệu chứng khác trong những ngày gần đây. Bên cạnh đó, gần nơi người đàn ông quê Nghệ An này ở đã có 5 người nhiễm dịch coronavirus. Vì vậy, anh đã được cơ sở y tế Nhật, và tòa Lãnh sự cộng sản Việt Nam khuyên về nước.

Vào ngày 11 tháng 3 vừa qua, anh từ Nhật Bản về nước với tâm lý sẽ được nhà chức trách mang đi cách ly ngay sau khi đáp xuống phi trường Nội Bài. Anh đã chủ động khai với an ninh phi trường là anh ở vùng dịch Nhật Bản về, và trong người có triệu chứng ho, khó thở, tức ngực nhiều ngày nay. Tuy nhiên, anh đã thất vọng vì nhà chức trách phi trường đã cho anh đi về quê.

Giải thích cho quyết định này, bác sĩ Khổng Minh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội nói, người đàn ông trên không nằm trong danh sách hành khách có đến 4 nước phải đưa đến khu vực cách ly tập trung mà nhà cầm quyền quy định đó là: Trung Cộng, Nam Hàn, Italy, và Iran. Tuy nhiên khi về tới tỉnh Nghệ An, người đàn ông trên được đưa đến khu vực cách ly tập trung trong tỉnh.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/nguoi-viet-lao-dong-bat-hop-phap-tai-nam-han-huong-loi-tu-dich-coronavirus-2/

 

Việt Nam cho kỹ sư Samsung nhập cảnh

mà không phải cách ly

Hàng trăm kỹ sư của tập đoàn Samsung đến từ Hàn Quốc đã được miễn các quy định kiểm dịch của Việt Nam với điều kiện họ phải làm việc riêng biệt để tránh tiếp xúc với các nhân viên khác.

Việt Nam đã ra quyết định cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả những người đến từ các vùng dịch, trong đó có Hàn quốc, từ ngày 27/2 vì dịch corona tăng mạnh tại nước này.

Hàn quốc là tâm của ổ dịch lớn thứ nhì Châu Á, sau Trung Quốc, với 7.979 ca nhiễm tính tới ngày hôm nay, 13/3, trong khi Việt Nam mới ghi nhận ca nhiễm thứ 47.

Hãng tin Yonhap dẫn lời Đại sứ Hàn quốc tại Hà Nội hôm 13/3 cho biết Việt Nam đã chấp nhận kiến nghị của sứ quán để miễn cách ly bắt buộc đối với các kỹ sư của công ty Samsung Display.

Đầu tuần này, đại sứ quán Hàn quốc yêu cầu Việt Nam miễn bắt buộc cách ly đối với 700 kỹ sư đến từ Hàn quốc để công ty Samsung Display có thể nhanh chóng chuẩn bị nâng cấp các đường dây sản xuất tại Việt Nam, sau khi Samsung tạm thời đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc và tại Hàn quốc vì diễn tiến dịch corona tăng mạnh tại những nơi này.

Theo Yonhap thì nhóm kỹ sư Samsung Display đầu tiên sẽ đến sân bay quốc tế Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh vào ngày 20/3, và sẽ di chuyển đến nhà máy của Samsung Display ở tỉnh Bắc Ninh, nơi họ sẽ ở tại một tòa nhà riêng biệt và hạn chế tiếp xúc với những người khác.

Nhưng một bản tin của Reuters hôm 13/3 tường thuật rằng khoảng 200 kỹ sư Samsung Display từ Hàn quốc đã đến và được nhập cảnh mà không phải cách ly.

Reuters dẫn lời một người phát ngôn của hãng hàng không Asiana, tường thuật rằng một phi cơ thuê bao của HHK Asiana chuyên chở 186 kỹ sư của Samsung Display đã bay từ Hàn quốc tới Việt Nam hôm thứ Sáu 13/3.

Reuters cho biết Samsung Display không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters, và các đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam không thể bình luận trong tức thời.

Người phát ngôn của Asiana Airlines cho biết sẽ có thêm nhiều chuyến bay để đưa thêm các kỹ sư Samsung Display tới Việt Nam, nhưng không cho biết chi tiết.

Samsung Display cung cấp màn hình cho các công ty sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, kể cả Apple, Samsung Electronics và Huawei.

Samsung đã dời phần lớn các cơ sở sản xuất điện thoại thông minh của công ty sang Việt Nam từ suốt thập niên qua. Chỉ riêng tập đoàn Samsung Electronics chiếm tới 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đầu tháng 3/2020, đại diện của Tập đoàn Samsung Electronics Hàn Quốc cho biết tập đoàn này bắt đầu xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển với kinh phí 220 triệu USD ở Việt Nam, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2022, nhưng lễ động thổ công trình này đã bị hủy vì dịch COVID-19 bùng phát khiến Việt Nam ra lệnh hạn chế du hành đối với người Hàn Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/vn-cho-ky-su-samsung-nhap-canh-ma-khong-phai-cach-ly/5327952.html

 

Công an triệu tập một số người đưa tin

 bệnh nhân COVID – 19 số 21 có bồ nhí

Bộ Công an Việt Nam hôm 13/3 cho truyền thông trong nước biết công an vừa triệu tập một số người đưa tin bệnh nhân nhiễm COVID – 19 thứ 21 là N.Q.T có bồ nhí và con riêng.

Bộ Công an xác định đây là thông tin thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc về bệnh nhân này, được kích động bởi các đối tượng phản động, chống đối chính trị trong và ngoài nước nhằm gây hoài nghi, làm xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Truyền thông trong nước cho biết, ngày 13/3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã phối hợp với Công an Hà Nội xác định một số đối tượng đăng tải và chia sẻ những thông tin này. Có 3 người được xác định là Võ Thị Thanh Thuỷ, Doãn Thị Kim Phượng và Nguyễn Thị Vân đều ở Hà Nội.

Truyền thông trong nước cho biết tại cơ quan Công an, các đối tượng này đã khai nhận do thiếu hiểu biết nên đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ những thông tin suy diễn.

Bệnh nhân N.Q.T, 61 tuổi ,được xác định dương tính với COVID – 19 sau khi bay về Hà Nội hồi đầu tháng này từ chuyến đi sang Ấn Độ và Anh. Ông này bay về Hà Nội theo vé máy bay hạng Thương gia. Lịch trình của bệnh nhân này sau khi về Hà Nội được xác định là đã dự hội nghị, đi ăn tiệc, và đi đánh golf.

Sau đó, các thông tin trên mạng xã hội xác định đây là ông Nguyễn Quang Thuấn, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng chính phủ, làm việc tại Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong những ngày qua, mạng xã hội dồn dập đưa tin bệnh nhân này đã đến khu chung cư Royal City gặp người quen khiến những người này phải đi cách ly. Từ các thông tin này, mạng xã hội lại có những đồn đãi rằng ông này đến Royal City để gặp bồ nhí.

Những thông tin trên mạng xã hội về ông Nguyễn Quang Thuấn dù không được chính phủ xác nhận nhưng lại khiến nhiều người bất bình vì cho rằng một người làm công tác lý luận cho đảng cộng sản mà lại đi vé máy bay hạng Thương gia (C), đánh golf ở nơi đắt tiền, ăn uống ở nhà hàng 5 sao.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-summons-fbker-spreading-news-about-covid-19-patient-no-21-03132020140340.html

 

Học trực tuyến:

phương pháp thay thế thời dịch COVID-19?

Tạp chí Fobes vào ngày 12/3 có đăng tải bài viết của tác giả Michael Horn với tiêu đề tạm dịch là “Hy vọng cho sự đổi mới giáo dục ở Việt Nam giữa sự lan truyền của COVID-19”.

Tác giả nhận định việc đóng cửa các trường học và tạm ngưng các hoạt động ngoại khóa vào đầu tháng 2 vừa qua tại Việt Nam đã khiến cho học sinh không được đến trường. Nếu hiểu theo nghĩa đen, việc này đã khiến học sinh trở thành những người ‘vô học’ do không được tiếp nhận kiến thức tại lớp học theo cách truyền thống.

Để giúp học sinh cập nhật kiến thức trong khoảng thời gian đóng cửa trường kéo dài như hiện nay, các thầy cô đã nỗ lực quay phim những bài giảng rồi đăng tải trên các trang web của trường, chia sẻ qua email, gửi tư liệu cho học sinh, sinh viên hoặc phụ huynh.

Chia sẻ chi tiết hơn, chị Đỗ Ngọc Linh, một phụ huynh có con đang học lớp 2 ở trường tiểu học thuộc quận Bình Thạnh cho biết:

“Trường học có cho 1 access vô trong app của trường. Trường nào sẽ có code của riêng trường đó. Mỗi ngày giáo viên sẽ post bài lên, có bài cứ down xuống rồi cho mấy đứa nhỏ làm. Nhưng vừa nãy cô giáo mới nhắn tin nói chắc nghỉ lâu nên cô giáo đưa thêm tên mấy cuốn sách để mua về cho tụi nhỏ học.”

Một sinh viên không muốn nêu tên hiện đang học Đại học Luật tại thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay:

“Trường em học trực tuyến là thầy cô quay clip bài giảng rồi gửi lên website, tụi em vô coi. Đến ngày thì thầy cô gửi bài kiểm tra rồi nộp. Em thấy cũng tiện, không phải đến trường nhưng vẫn có đầy đủ kiến thức.”

Dưới góc nhìn nhà giáo, thầy Đỗ Việt Khoa, hiện đang công tác tại Trường Phổ thông Trung học Thường Tín tại Hà Nội, cho hay hình thức học trực tuyến đang phổ biến ở Việt Nam trong lúc này thực ra đã có trước đây:

“Truyền hình Việt Nam hơn 10 năm trước cũng đã có những chương trình bồi dưỡng kiến thức thi đại học dạy trên truyền hình. Đây là một hình thức học online khá hiệu quả, miễn phí cho học sinh. Cách này không có gì mới mẻ và bất ngờ lắm. Đem lại nhiều hiệu quả: tiết kiệm thời gian công sức cho phụ huynh học sinh, cho các thầy cô cũng như góp phần chống dịch tốt hơn.”

Tuy nhiên, việc học trực tuyến này lại có một điểm hạn chế khiến chị Ngọc Linh không tán thành:

“Cá nhân chị thấy học sinh cấp 1 không rành máy tính. Ví dụ như cấp 2, cấp 3 thì chị tán thành việc học online vì học sinh có kỹ năng sử dụng máy tính. Còn học sinh cấp 1 thì chính xác là còn quá nhỏ để tiếp xúc những thứ này. Rất phiền vì ba mẹ vẫn phải đi làm mà con nít chẳng biết làm những thứ đó và cần người kế bên chỉ phím này, phím kia gõ thế nào nên chị thấy không có tác dụng. Tất cả mọi người đều biết con em mình nên tránh xa máy tính, laptop, ipad… vì những thứ đó không tốt. Chúng cần tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn là qua đồ điện tử. Nhưng thời thế như vậy nên ai sao mình vậy, chỉ tuyệt đối không được ra đường.”

Bên cạnh đó, vẫn còn có một số hạn chế nhất đinh trong chuyên môn, như lời thầy Khoa chia sẻ:

“Có một số môn không thể học online được vì có thí nghiệm, thực hành, học sinh sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận. Nhưng tạm thời lúc này những gì triển khai để học online được thì cứ làm, còn những bài nào bắt buộc thực hành biểu diễn sẽ khắc phục sau.”

Trong bài viết được Fobes đăng tải, tác giả giả Michael Horn trích lời ông Tony Ngo, Chủ tịch và đồng sáng lập của Everest Education, rằng học trực tuyến là một giải pháp tuyệt vời trong khi học sinh không được đến trường và về lâu dài, nó sẽ trở thành một công cụ quan trọng trong cách học của học sinh. Trong một vài trường hợp, học trực tuyến còn tốt hơn việc tiếp thu kiến thức ở trong lớp học.

Tuy nhiên, theo lời Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Everest Don Le, phần lớn việc học trực tuyến hiện nay liên quan đến việc xem video hoặc nghe các bài giảng, và sinh viên dễ dàng chán nản.

Tuy chưa hoàn thiện, nhưng cách học trực tuyến căn bản như hiện nay ở dải đất chữ S vẫn được các bạn sinh viên đánh giá cao và hy vọng các trường có thể mở thêm nhiều lớp học trực tuyến sau khi dịch bệnh qua đi, như nguyên nhân bạn sinh viên Đại học Luật đưa ra:

“Tiết kiệm được thời gian cho mình vì có thể sắp xếp được, có những hôm ngày bận nay giờ học trên trường nhưng vẫn xem được bài online để có được kiến thức.”

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát rộng rãi từ khi phát hiện bệnh nhân thứ 17 đến nay, các tỉnh thành phải tạm ra văn bản yêu cầu đóng cửa trường học, chưa biết khi nào mở cửa lại.

Vì vậy, theo tác giả Michael, trong những thách thức mà COVID-19 mang lại, ông hy vọng mọi người sẽ thấy những đổi mới giáo dục không chỉ mang lại trải nghiệm bằng cách thu hình những video bài giảng và đưa chúng lên mạng. Hình thức này chỉ làm cho việc tiếp thu kiến thức của học sinh trở nên tệ hơn. Thay vào đó, ngành giáo dục Việt Nam cần vượt qua mô hình bài giảng truyền thống để thúc đẩy công nghệ và về cơ bản chuyển đổi kinh nghiệm học tập thành một công cụ giúp sinh viên có khả năng thành công cao hơn.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/online-classes-new-replacement-amidst-covid-19s-spread-03132020144756.html

 

Người Việt lao động bất hợp pháp tại Nam Hàn

hưởng lợi từ dịch coronavirus

Tin từ Seoul, ngày 13/3: Hơn chục ngàn người Việt lao động không giấy phép ở Nam Hàn được hưởng lợi từ chính sách mới của Seoul đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp khi đất nước này đang phải vật lộn để chống chọi với dịch bệnh gây ra bởi coronavirus.

Theo đó, cuối năm 2019, Bộ Tư pháp Nam Hàn đã ban hành chính sách nhằm khuyến khích người ngoại quốc cư trú bất hợp pháp tại nước này quay về đất nước của mình. Lao động ngoại quốc cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn tự nguyện khai báo và về nước trong khoảng thời gian từ ngày 11/12/2019 đến hết ngày 30/6 sẽ không bị phạt tiền, được ở lại thêm tối đa 03 tháng. Họ còn có thể quay trở lại Nam Hàn với chiếu khán du lịch ngắn ngày sau từ 3 tháng đến 6 tháng kể từ ngày xuất cảnh.

Bên cạnh đó, nếu về nước trong thời gian này, lao động ngoại quốc sẽ được ghi danh dự thi tiếng Hàn để tiếp tục dự tuyển đi làm việc tại Nam Hàn theo Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động ngoại quốc (EPS).

Lao động bất hợp pháp tại Nam Hàn được khám và điều trị Covid-19 không phân biệt. Khi đến khám và điều trị bệnh, người cư trú hoặc làm việc bất hợp pháp tại Nam Hàn không bị truy cứu trách nhiệm cũng như truy cứu về vấn đề bất hợp pháp.

Theo dữ kiện của cộng sản Việt Nam, hiện có khoảng 38,000 người Việt đang lao động ở Nam Hàn, 12,000 trong số đó không có giấy phép lao động. Ban đầu, họ đến bằng chiếu khán lao động nhưng sau đó bỏ ra ngoài làm chui để có lương cao hơn, hoặc trốn ra ngoài khi hợp đồng gần hết hạn.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/nguoi-viet-lao-dong-bat-hop-phap-tai-nam-han-huong-loi-tu-dich-coronavirus/

 

COVID-19: Việt Nam có thể tạm dừng

cấp visa du lịch với khách từ một số bang của Mỹ

Để phòng chống dịch bệnh COVID – 19 lây lan, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 14/3 đã đề ra một số biện pháp mạnh bao gồm ngừng cấp visa tại cửa khẩu và xem xét việc dừng cấp visa du lịch với khách đến từ một số bang nước Mỹ căn cứ theo diễn biến dịch bệnh tại Hoa Kỳ.

Kết luận này được đưa ra sau phiên họp Chính phủ vào ngày 14/3 về dịch COVID – 19.

Theo kết luận mới, từ ngày 16/3, Việt Nam thực hiện việc bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có tập trung đông người như siêu thị, sân bay, bến xe, trên các phương tiện công cộng. Các hãng hàng không phát miễn phí khẩu trang cho khách trong trường hợp khách không có khẩu trang. Hành khách trên máy bay phải đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay và vào nhà ga.

Chính phủ Việt Nam cũng đồng ý với kiến nghị của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID – 19 về việc sử dụng ngân sách nhà nước chi trả chi phí điều trị cho người nhiễm COVID – 19 mà không có bảo hiểm. Người nước ngoài phải trả phí điều trị ở Việt Nam.

Từ ngày 15/3, Việt Nam sẽ dừng cấp thị thực tại cửa khẩu nhưng không áp dụng với người nhập cảnh vì mục đích công vụ, ngoại giao.

Việt Nam sẽ xem xét, quyết định cụ thể việc tạm dừng visa du lịch với người đến từ một số bang của Mỹ, tuỳ theo diễn biến dịch bệnh.

Đại sứ quán Việt Nam tại các nước khuyến cáo học sinh, sinh viên, người Việt ở nước ngoài không về nước trong thời gian có dịch. Trường hợp cần thiết phải về sẽ phải cách ly theo quy định.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-suspend-visa-to-tourists-from-the-us-03142020080141.html

 

Tin tổng hợp 14/3: Bộ Y tế công bố

ca nhiễm COVID-19 thứ 48; Việt Nam dừng nhập cảnh

công dân khối Schengen và Anh

Tâm Tuệ

Kính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 14/3 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay sẽ có những nội dung sau:

Bộ Y tế công bố ca thứ 48 nhiễm COVID-19

Báo Zing thông tin, 10h ngày 14/3, Bộ Y tế nhận được thông tin của Viện Pasteur TP. HCM thông báo kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 của một bệnh nhân nam, 31 tuổi, trú quán tại phường 14, quận 10. Bệnh nhân ngồi chung ôtô với bệnh nhân 45 và tiếp xúc với bệnh nhân 34 tại Bình Thuận.

Hôm qua ngày 13/3, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số người mắc virus corona lên con số 47. Đó là bệnh nhân nam 25 tuổi ở TP. HCM, có tiếp xúc gần với bệnh nhân 34 ở Bình Thuận.

Hai trường hợp còn lại ở Hà Nội: Bệnh nhân 46 là nữ, 30 tuổi, địa chỉ ở Khương Trung, Thanh Xuân làm tiếp viên hàng không trên chuyến bay VN54 từ London về Hà Nội ngày 9/3.

Bệnh nhân 47 là nữ, 43 tuổi, địa chỉ ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội là giúp việc trong tòa nhà của bệnh nhân số 17 – ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở thủ đô.

55/63 tỉnh, thành tiếp tục cho học sinh nghỉ học tránh dịch COVID-19

Báo Zing thông tin, tính đến 21h tối qua (13/3) đã có 55/63 tỉnh, thành thông báo thời gian nghỉ học kéo dài cho học sinh, sinh viên. Hầu hết đều kéo dài thời gian nghỉ của học sinh các cấp đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 hoặc chờ đến khi có thông báo tiếp theo khi Việt Nam ghi nhận 47 ca nhiễm COVID-19 tính đến ngày 13/3.

Trong khi học sinh cấp Mầm non, Tiểu học, THCS được kéo dài thời gian nghỉ, học sinh THPT ở nhiều nơi vẫn tiếp tục đi học như Kiên Giang, Trà Vinh, Thanh Hóa, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Hà Nam…

Riêng tại TP. HCM ngày 13/3,  nhà chức trách TP có thông báo cho học sinh, học viên các cơ sở giáo dục nghỉ học đến hết ngày 5/4. Tỉnh Đồng Nai hôm 12/3 đã có quyết định cho học sinh khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nghỉ học đến hết ngày 4/4.  Đối với TP. Hà Nội, học sinh THPT tạm thời nghỉ hết 22/3; học sinh các cấp còn lại nghỉ hết 29/3.

Bộ giáo dục đào tạo (BGDĐT) trong cùng ngày cũng đã có quyết định lùi thời gian kết thúc năm học và thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2020.

Theo đó, thời gian kết thúc năm học sẽ là 15/7/2020 và kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào các ngày 8 ,9, 10, 11/8/2020.

Đây là lần thứ 2 Bộ GD-ĐT điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020.

Trước đó, thời điểm kết thúc năm học được quyết định vào trước 30/06/2020 và thi THPT quốc gia vào ngày 23, 24, 25, 26 tháng 7 năm 2020.

Việt Nam dừng nhập cảnh công dân khối Schengen và Anh

Việt Nam tạm dừng nhập cảnh với khách du lịch đến từ hoặc đi qua các nước khu vực Schengen, Anh và Bắc Ireland trong 14 ngày, theo Tuổi trẻ.

Quyết định trên của Chính phủ có hiệu lực 30 ngày, từ 12h trưa 15/3; không áp dụng với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ đồng thời Việt Nam cũng tạm dừng cấp thị thực tại các cửa khẩu.

Việt Nam đã thông báo quyết định này tới các cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc tế.

Việc dừng nhập cảnh n\đồng nghĩa công dân từ khối Schengen, Anh và Bắc Ireland đã được cấp thị thực (visa) từ trước với mục đích đi du lịch cũng sẽ không được giải quyết nhập cảnh vào Việt Nam.

Ôtô nhập khẩu vào Việt Nam tăng 240%

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 2, lượng ôtô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu cao gấp 2,4 lần (tương ứng tăng 5.980 chiếc) so với lượng nhập khẩu trong tháng trước.

Theo đó, ôtô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 2 thị trường chính là Thái Lan (6.271 chiếc) và từ Indonesia (3.416 chiếc).

Số xe nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm tới 94% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng.

Lượng nhập khẩu xe trong tháng 2 là 10.261 chiếc, giá trị nhập khẩu tương ứng đạt 222 triệu USD. Trong khi đó, ôtô nguyên chiếc các loại nhập khẩu được Tổng cục Hải quan ghi nhận trong tháng 1 đạt 4.281 chiếc, trị giá 111 triệu USD.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-tong-hop-14-3-bo-y-te-cong-bo-ca-nhiem-covid-19-thu-48-viet-nam-dung-nhap-canh-cong-dan-khoi-schengen-va-anh.html