Tin khắp nơi – 14/03/2020
Tổng thống Mỹ công bố
tình trạng khẩn cấp quốc gia vì corona
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/3 công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì virus corona, mở đường cho việc cung cấp, theo lời Tổng thống, khoảng 50 tỷ đô la viện trợ từ chính phủ liên bang trong công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ông Trump đưa ra loan báo tại cuộc họp báo ở Vườn Hồng.
Tổng thống Trump nói ông công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để vận dụng toàn bộ quyền lực của chính phủ liên bang và thúc giục mỗi tiểu bang lập ra các trung tâm khẩn cấp để chống virus corona.
Việc Tổng thống Trump công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, một quyền lực hiếm khi dùng của Tổng thống, cho phép Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) hỗ trợ các chính quyền cấp tiểu bang và địa phương và điều phối cách đáp ứng với khủng hoảng.
Mỹ hiện có 41 ca tử vong vì virus corona.
Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát dự kiến thông qua gói viện trợ cho công tác chống dịch corona vào chiều 13/3 nhưng chưa rõ liệu Tổng thống và phe Cộng hòa có hậu thuẫn hay không. Gói viện trợ này sẽ cho phép dân Mỹ được xét nghiệm virus corona miễn phí và những ai bị ảnh hưởng bởi virus corona sẽ được nghỉ bệnh hoặc nghỉ để chăm sóc gia đình có lương trong 2 tuần.
Trong khi đó, cùng ngày 13/3, Bộ Ngoại giao Mỹ triệu đại sứ Trung Quốc tại Washington để phản đối bình luận của một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng có lẽ quân đội Mỹ đã mang virus corona tới Vũ Hán, nơi bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới.
Trump tiếp xúc với một người nữa
mà sau đó phát hiện có virus corona
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp xúc với một cá nhân thứ hai vào cuối tuần trước và người này sau đó đã xét nghiệm dương tính với virus corona, nhưng tổng thống không cần phải xét nghiệm virus hoặc cách li, bác sĩ của Nhà Trắng cho biết hôm thứ Sáu.
Ông Trump cuối tuần trước đã ăn tối với một nhóm người bao gồm thư ký truyền thông của văn phòng tổng thống Brazil, Fabio Wajngarten, người mà các quan chức Brazil cho biết hiện đã xét nghiệm dương tính với virus corona.
Bác sĩ Sean P. Conley của Nhà Trắng cho biết một vị khách khác trong bữa tối tại Mar-a-Lago, người mà tổng thống đã tiếp xúc trong một thời gian ngắn, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 ba ngày sau đó và đã được xác nhận nhiễm virus.
Ông Conley nói rằng sự tiếp xúc này mang “rủi ro thấp” và tổng thống không cần phải cách li tại nhà, ông Conley nói trong một phát biểu vào cuối ngày thứ Sáu.
“Sự tiếp xúc của Tổng thống với cá nhân đầu tiên là vô cùng hạn chế (chụp ảnh, bắt tay) và mặc dù ông tiếp xúc gần hơn và lâu hơn với trường hợp thứ hai, tất cả các tương tác xảy ra trước khi bất kì triệu chứng nào xuất hiện,” ông nói.
https://www.voatiengviet.com/a/5328917.html
Tổng Thống Trump sẽ xét nghiệm coronavirus
Tổng thống Trump cho biết hôm thứ Sáu, ông sẽ có nhiều khả năng phải trải qua xét nghiệm coronavirus, khá sớm, sau khi tiếp xúc với một số cá nhân đã tự cách ly hoặc xét nghiệm dương tính với virus.
Tổng thống Trump đã đưa ra thông báo trong một cuộc họp báo ở Vườn Hồng nơi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về sự bùng phát của coronavirus và tuyên bố hợp tác với các công ty lớn của Hoa Kỳ để mở rộng khả năng thử nghiệm.
Thông báo của tổng thống Trump hôm thứ Sáu cũng được đưa ra trong bối cảnh các báo cáo mâu thuẫn về việc liệu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro mà ông đã gặp gỡ tại khu nghĩ mát ở Florida có dương tính với Coronavirus hay không.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông không có bất kỳ triệu chứng nào của coronavirus, hoặc COVID-19. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-se-xet-nghiem-coronavirus/
Hoa Kỳ áp đặt lệnh hạn chế du lịch
nghiêm ngặt với Châu Âu vào thứ sáu 13/03/2020
Tin từ Washington, DC – Hoa Kỳ đang chuẩn bị áp đặt nhiều hạn chế du lịch nghiêm ngặt mới khi chính quyền tổng thống Trump cố gắng kiểm soát đại dịch coronavirus, bằng việc cấm du khách từ hàng chục quốc gia; định tuyến lại các chuyến bay và yêu cầu hàng ngàn hành khách kiểm tra y tế.
Vào lúc 11:59 tối thứ Sáu (13 tháng 03), hạn chế đi lại sẽ có hiệu lực đối với phần lớn châu Âu. Hầu hết các công dân ngoại quốc đã đến khối Schengen của châu Âu trong 14 ngày qua sẽ bị cấm vào Hoa Kỳ. Riêng công dân Hoa Kỳ, những người có thẻ xanh, một số thành viên gia đình và một số nhóm khác sẽ được miễn lệnh cấm đi lại, nhưng vẫn phải thực hiện kiểm tra sức khỏe và tuân thủ hạn chế bổ sung khi đặt chân đến Hoa Kỳ.
Du khách từ châu Âu sẽ được chuyển đến một trong 11 phi trường hiện được dùng để sàng lọc hành khách từ Trung Cộng và Iran. Chính phủ Hoa Kỳ coi một số quốc gia châu Âu là mối đe dọa coronavirus lớn nhất, nhưng chính quyền tổng thống Trump không hề lo lắng về Vương quốc Anh. Tuy nhiên vào chiều thứ Sáu, tổng thống Trump lại cho biết ông có thể đưa Anh Quốc vào danh sách hạn chế đi lại.
Vào đầu tháng 02/2020, Hoa Kỳ đã bắt đầu thực hiện các hạn chế đi lại nghiêm ngặt trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của coronavirus. Hầu hết các công dân ngoại quốc đi qua Trung Cộng trong 14 ngày trước khi đến Hoa Kỳ đều bị từ chối nhập cảnh. Đến đầu tháng này, lệnh được mở rộng để bổ sung Iran.
Hiện nay, mối lo lắng về du khách từ châu Âu đang tăng lên khi số ca nhiễm bệnh, đặc biệt là ở Ý tăng vọt. Theo Tòa Bạch Ốc, khối Schengen có số lượng ca xác nhận nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Cộng lớn nhất. (BBT)
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ gần đạt được
thỏa thuận hỗ trợ phòng ngừa coronavirus với Tòa Bạch Ốc
Tin từ Washington – Vào hôm thứ Năm (12 tháng 03), chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết các nhà lập pháp Hoa Kỳ và Tòa Bạch Ốc gần đạt được thỏa thuận hỗ trợ kinh tế để giúp người bệnh cũng như phòng bệnh coronavirus, và bà hy vọng có thể thông báo một thỏa thuận vào thứ Sáu tới đây (13 tháng 03).
Trước đó, Hạ viện và Thượng viện đã có nhiều bất đồng về dự luật. Hôm thứ Năm (12 tháng 03), bà Pelosi đã dành phần lớn thời gian để đàm phán với bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin, người giữ trách nhiệm giải quyết các cuộc đàm phán cho chính quyền Cộng hòa của tổng thống Trump.
Bà Pelosi nhiều lần nhấn mạnh rằng dự luật phải khuyến khích người dân Hoa Kỳ xét nghiệm coronavirus mà không phải lo lắng về chi phí. Tối thứ Tư (11 tháng 03), bà Pelosi cùng các thành viên Dân chủ đưa ra một bản đề nghị dài 124 trang để tăng lương nghỉ ốm, bảo hiểm thất nghiệp, tài trợ cho dinh dưỡng trẻ em và các chương trình thực phẩm khác, đồng thời giới thiệu các biện pháp để giải quyết những khó khăn kinh tế mà coronavirus có thể gây ra cho người dân Hoa Kỳ.
Vào sáng thứ năm, đảng Cộng hòa đã bác bỏ dự luật của đảng Dân chủ. Lãnh đạo đa số Thượng viện, Mitch McConnell nói rằng đề nghị của đảng Dân chủ sẽ tạo ra các chương trình và quy định cồng kềnh. Ông McConnell kêu gọi thông qua các bộ luật nhỏ hơn và không gây tranh cãi.
Nhưng khi nhiều ngày trôi qua và không có thỏa thuận nào xuất hiện từ các cuộc đàm phán qua điện thoại giữa bà Pelosi và ông Mnuchin, ông McConnell đã đóng cửa Thượng viện hết tuần này, và thông báo sẽ mở lại vào thứ Hai (16 tháng 03). Vì vậy cho dù Hạ viện có thông qua thỏa thuận vào thứ Sáu (13/03/2020), thì thỏa thuận vẫn sẽ không được Thượng viện xem xét cho đến tuần sau. (BBT)
Hạ viện Mỹ thông qua luật cấp ngân quỹ
xét nghiệm virus corona miễn phí
Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua với tỉ lệ áp đảo một gói hỗ trợ ứng phó dịch virus corona vào sáng sớm ngày thứ Bảy mà sẽ cung cấp các phúc lợi như xét nghiệm miễn phí và nghỉ bệnh có trả lương, nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế từ đại dịch đã khiến các trường học, các đấu trường thể thao và văn phòng đóng cửa.
Bằng một cuộc biểu quyết lưỡng đảng với tỉ lệ 363-40, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát thông qua một dự luật trị giá hàng tỉ đôla nhằm mở rộng các chương trình mạng lưới an sinh xã hội để giúp những người có thể bị cho nghỉ việc trong những tuần tới.
Các nhà kinh tế nói rằng dịch bệnh, vốn đã lây nhiễm 138.000 người trên toàn thế giới và giết chết hơn 5.000 người, có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Tổng thống Donald Trump cho biết ông ủng hộ gói hỗ trợ tài chính này, làm tăng thêm xác suất nó sẽ vượt qua được Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát vào tuần sau.
Dự luật dài 110 trang là sản phẩm của các cuộc thương thuyết kéo dài giữa Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người được ông Trump chỉ định tiến hành việc này. Ông Mnuchin yêu cầu cắt giảm thuế, trong khi bà Pelosi thúc đẩy mở rộng chi tiêu cho mạng lưới an sinh xã hội. Nó không bao gồm khoản cắt giảm thuế quỹ lương (payroll tax) 1 ngàn tỉ đôla mà ông Trump đã kêu gọi.
Dự luật sẽ cho những người bị ảnh hưởng bởi virus có được hai tuần nghỉ bệnh được trả lương và nghỉ vì lí do gia đình. Các doanh nghiệp sẽ có được một khoản tín dụng thuế để giúp trang trải chi phí.
Người lao động cũng có thể được nghỉ tới ba tháng không được trả lương nếu họ bị cách li hoặc cần chăm sóc người nhà bị bệnh.
Nó sẽ mở rộng các chương trình mạng lưới an sinh giúp người dân vượt qua suy thoái kinh tế, bao gồm cả người già ở nhà và học sinh trong gia đình thu nhập thấp có nguy cơ bị mất bữa sáng và bữa trưa miễn phí nếu trường học đóng cửa.
Nó cũng sẽ tăng cường hỗ trợ thất nghiệp, và chương trình “tem phiếu thực phẩm” hỗ trợ cho 34 triệu người thu nhập thấp mua thức ăn hàng ngày.
Hôm thứ Sáu, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, giải phóng 50 tỉ đôla ngân khoản liên bang để ứng phó với dịch bệnh.
Sóng ngầm sau gói kích thích kinh tế của Trump
Bất đồng giữa Trump và Fed, Nhà Trắng với Quốc hội, thậm chí nội bộ Nhà Trắng khiến Mỹ khó thống nhất chính sách xoa dịu tác động của Covid-19.
Vì Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết khía cạnh của hoạt động kinh doanh, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách gạt bỏ những mâu thuẫn để hợp tác hành động, làm dịu ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn cấp cao Nhà Trắng Larry Kudlow chịu trách nhiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, Mnuchin phải đối mặt với những bất đồng từ ngay bên trong Nhà Trắng. Tổng thống Trump liên tục chỉ trích Fed, kêu gọi cơ quan này cắt giảm thêm lãi suất. Trong khi đó, các nhân viên cấp cao của tổng thống bày tỏ quan điểm khác nhau về cách tốt nhất để bảo vệ tăng trưởng kinh tế.
Việc lập phương án hỗ trợ nền kinh tế trước dịch bệnh được Nhà Trắng bắt đầu vào cuối tuần trước. Khi Trump tiếp Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, các trợ lý của Bộ Tài chính đã hối hả hoàn thiện gói chính sách gồm 12-15 đề xuất để trình lên Tổng thống.
Trắng khiến Mỹ khó thống nhất chính sách xoa dịu tác động của Covid-19.
Vì Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết khía cạnh của hoạt động kinh doanh, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách gạt bỏ những mâu thuẫn để hợp tác hành động, làm dịu ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn cấp cao Nhà Trắng Larry Kudlow chịu trách nhiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, Mnuchin phải đối mặt với những bất đồng từ ngay bên trong Nhà Trắng. Tổng thống Trump liên tục chỉ trích Fed, kêu gọi cơ quan này cắt giảm thêm lãi suất. Trong khi đó, các nhân viên cấp cao của tổng thống bày tỏ quan điểm khác nhau về cách tốt nhất để bảo vệ tăng trưởng kinh tế.
Việc lập phương án hỗ trợ nền kinh tế trước dịch bệnh được Nhà Trắng bắt đầu vào cuối tuần trước. Khi Trump tiếp Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, các trợ lý của Bộ Tài chính đã hối hả hoàn thiện gói chính sách gồm 12-15 đề xuất để trình lên Tổng thống.
Đến thứ hai (9/3), thị trường chứng khoán lao dốc buộc Trump hành động. Trong một cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục, cố vấn thương mại Peter Navarro cho rằng nên cắt giảm thuế lương ngay lập tức nhằm thúc đẩy nhu cầu và hỗ trợ tăng trưởng. Cố vấn cấp cao Jared Kushner và Giám đốc các vấn đề lập pháp Eric Ueland ủng hộ.
Tuy nhiên, Mnuchin và Kudlow cho rằng việc này không ổn và nên tập trung vào biện pháp hẹp hơn, như chính sách nghỉ ốm kéo dài cho công nhân. Dù vậy, Tổng thống vẫn chốt quan điểm kêu gọi giảm thuế lương.
Hôm sau (10/3), cả đảng Dân chủ và Cộng hòa dội gáo nước lạnh vào Trump khi bác bỏ ý tưởng này trong cuộc họp với Tổng thống. Vài quan chức Nhà Trắng sau đó thừa nhận ý tưởng giảm thuế lương khó có tác dụng.
“Chúng tôi từng thấy Tổng thống làm vậy trước đây. Tức là chính sách được công bố trước cả khi nó được quyết định chính thức”, Cornerstone Macro, Nguyên cố vấn chính sách của Nhà Trắng bình luận.
Sáng ngày 11/3, Mnuchin nói chuyện với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và ông Trump. Sau đó, Nhà Trắng kêu gọi các nhà lập pháp phê duyệt một gói khiêm tốn hơn, bao gồm cứu trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
“Gói này không bao gồm tất cả mọi thứ”, ông Mnuchin nói với các phóng viên sau một phiên điều trần trước Ủy ban Thẩm định Nhà ở. “Đây mới là vòng một”, bộ trưởng này cho biết, nhấn mạnh sẽ còn những biện pháp tiếp theo.
Chính quyền đang nghiên cứu các biện pháp rộng hơn, bao gồm hỗ trợ cho công nhân và các ngành công nghiệp bị virus tấn công, chẳng hạn như các hãng hàng không, Mnuchin nói. Bộ Tài chính cũng đang lên kế hoạch gia hạn thời hạn nộp thuế cho hầu hết tất cả người Mỹ, trừ những người siêu giàu. Ông ước tính việc gia hạn sẽ bơm thêm khoảng 200 tỷ USD vào nền kinh tế.
“Tôi đảm bảo với công chúng Mỹ rằng chúng ta sẽ có một kế hoạch kinh tế đầy đủ để đối phó. Và tôi tin rằng sẽ có sự hỗ trợ của lưỡng đảng”, Mnuchin nói.
Tối hôm đó, từ Phòng Bầu dục, Trump ban bố lệnh cấm bay 30 ngày từ châu Âu đến Mỹ. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi giảm thuế lương và cho biết sẽ tìm thêm 50 tỷ USD phục vụ hoạt động cho vay lãi suất thấp.
Tại Hạ viện, đảng Dân chủ đã lên kế hoạch công bố chính sách xét nghiệm miễn phí bắt buộc đối với Covid-19, gia hạn bảo hiểm thất nghiệp và trả tiền nghỉ ốm cho những cá nhân nhiễm virus hay cần phải cách ly. Một số trong những ý tưởng đó có sự hỗ trợ của Nhà Trắng.
Để làm việc trơn tru hơn, giới quan sát cho biết giờ Mnuchin đã được giao nhiệm vụ đưa ra một biện pháp thỏa hiệp mà cả Tổng thống, nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện và nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện có thể chấp thuận.
Wall Street Journal bình luận rằng, những nỗ lực của Trump cho đến nay trái ngược với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Khi ấy, Tổng thống George W. Bush công bố gói giảm thuế trị giá 145 tỷ USD sau khi tham khảo ý kiến các lãnh đạo hai đảng. Hạ viện thông qua phiên bản riêng của gói kích thích chưa đầy hai tuần sau đó. Cả Hạ viện và Thượng viện cũng đồng ý về một thỏa thuận chỉ sau một tuần.
Thời điểm đó, Fed cắt giảm lãi suất hai lần, với tổng 1,25%. Trong những tháng tiếp theo, khi nền kinh tế tiếp tục lao dốc, Bộ Tài chính và Fed đứng chung mặt trận. Sự bất đồng giữa Fed và Nhà Trắng không bao giờ xuất hiện trước công chúng.
Ngược lại, ông Trump hôm thứ ba (10/4) tiếp tục chỉ trích Fed, gọi họ là “thảm hại” và phản ứng chậm chạp sau khi cắt giảm lãi suất khẩn cấp. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell – mục tiêu chỉ trích thường xuyên trên truyền thông xã hội của ông Trump – vẫn duy trì quan hệ làm việc vững chắc với Mnuchin.
Hai người liên lạc hàng ngày để kiểm soát tình hình thị trường tài chính gần đây. Về phía mình, Powell tránh lên tiếng về các cuộc tranh luận chính sách tài khóa cụ thể. Tuy nhiên, nếu lãi suất được hạ xuống 0, Fed có thể sẽ tìm đến Quốc hội và Nhà Trắng để thúc đẩy nền kinh tế theo cách khác.
“Dịch bệnh lây lan thì cần giải pháp trên nhiều phương diện”, Powell nói trong cuộc họp báo tuần trước, “Trong đó bao gồm chính sách tài khóa, nếu phù hợp”, ông nhận định.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33508-song-ngam-sau-goi-kich-thich-kinh-te-cua-trump.html
Thẩm Phán Liên Bang
ra lệnh thả tù nhân Chelsea Manning
Tin từ Washington – Vào hôm thứ Năm (12 tháng 03), cựu quân nhân Hoa Kỳ kiêm người cung cấp tin cho Wikileaks, Chelsea Manning được thả ra khỏi tù theo lệnh của thẩm phán liên bang, sau khi bị giam giữ từ tháng 05/2019 do từ chối điều trần trong cuộc điều tra Wikileaks của Hoa Kỳ.
Thẩm phán liên bang, Anthony Trenga ở Alexandria, Virginia đã ra lệnh thả bà Manning vì bồi thẩm đoàn xét xử vụ án đã đưa ra kết luận.
Cảnh sát trưởng thành phố Alexandria, Dana Lawhorne nói với các phóng viên rằng bà Manning đã được thả ra khỏi nhà tù Alexandria. Thẩm phán Trenga đã từ chối yêu cầu hủy khoản tiền phạt 256,000 Mỹ kim của bà Manning, mà trước đây ông đã ra lệnh vì bà từ chối điều trần.
Trước khi bị tống giam gần đây, bà Manning từng thụ án 7 năm trong nhà tù quân sự vì tiết lộ hàng trăm ngàn tin nhắn và quan hệ quân sự của Hoa Kỳ cho WikiLeaks, trước khi được thả theo lệnh của tổng thống Barack Obama.
WikiLeaks, một trang mạng tiết lộ những thông tin bí mật hoặc nhạy cảm đăng lên internet, được thành lập bởi công dân Úc Julian Assange vào năm 2006. Ông Assange đang bị giam giữ tại một nhà tù ở Luân Đôn, khi các tòa án của Anh đang xem xét yêu cầu của các công tố viên Hoa Kỳ về việc dẫn độ về Hoa Kỳ. Ông bị truy nã tội âm mưu với bà Manning để tấn công hệ thống máy tính chứa nhiều tài liệu mật của Ngũ Giác Đài. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tham-phan-lien-bang-ra-lenh-tha-tu-nhan-chelsea-manning/
Mỹ-Trung khẩu chiến vì corona
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/3 triệu đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ để phản đối phát biểu của Bắc Kinh cho rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang virus corona tới Vũ Hán.
David Stillwell, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách Đông Á, đã chuyển giao thông điệp hết sức nghiêm khắc của Mỹ tới đại sứ Thôi Thiên Khải và ông Thôi đã ‘rất phòng thủ,’ một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Giới chức ẩn danh nói thêm rằng Trung Quốc đang tìm cách đánh lạc hướng những chỉ trích về vai trò của Bắc Kinh trong việc ‘khởi phát một đại dịch toàn cầu và che giấu không cho thế giới biết.’
“Lan truyền thuyết âm mưu là điều nực cười và nguy hiểm. Chúng tôi muốn lưu ý chính quyền của quý vị rằng chúng tôi không dung chấp điều này vì lợi ích của nhân dân Trung Quốc và thế giới.”
Đại sứ quán Trung Quốc không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người trong bài diễn văn toàn quốc tuần này đã gọi đợt bùng phát dịch là ‘virus ngoại quốc’ khởi sự từ Trung Quốc, tuyên bố: “Họ biết virus này xuất xứ từ đâu, chúng ta đều biết nó xuất xứ từ đâu.”
Căng thẳng dâng cao sau khi phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, lên Twitter hôm 12/3 viết rằng: “Có lẽ quân đội Hoa Kỳ đã mang dịch bệnh tới Vũ Hán. Hãy minh bạch! Hãy công bố dữ liệu! Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích!”
Virus corona chủng mới khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã khiến hơn 127 ngàn người bị nhiễm trong đó gần 81 ngàn người là ở Hoa lục, và hơn 5 ngàn người chết.
Bắc Kinh bị chỉ trích vì ban đầu tìm cách bịt miệng một số bác sĩ trong nước muốn gióng lên cảnh báo về virus corona.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói những dữ kiện không đầy đủ từ Bắc Kinh làm cản trở sự đáp ứng của Mỹ trước dịch bệnh.
Ngoại trưởng Pompeo và một số chính trị gia Mỹ gọi đây là ‘virus Vũ Hán’ khiến Bắc Kinh nổi giận.
Truyền thông Brazil: Tổng thống Bolsonaro
sẽ xét nghiệm lại sau kết quả âm tính với COVID-19
Hải Lam
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người đã tuyên bố âm tính với nCov hôm 13/3, sẽ xét nghiệm lại để chắc chắn ông không bị nhiễm bệnh.
Tờ báo Estado de S.Paulo cho biết, ông Bolsonaro sẽ làm xét nghiệm lại vào đầu tuần tới, song không nêu nguồn tin. Đại diện văn phòng báo chí của Tổng thống Brazil từ chối bình luận.
Trước đó, một bài đăng trên Facebook của Tổng thống Brazil hôm 13/3 cho biết: “Bệnh viện Các lực lượng Vũ trang Sabin đã trả kết quả âm tính với COVID-19 cho Tổng thống Jair Bolsonaro”.
“Cuộc sống vẫn tiếp tục như thường lệ, chúng tôi có nhiều thách thức phía trước và nhiều vấn đề cần giải quyết”, ông Bolsonaro phát biểu.
Tổng thống Bolsonaro cùng đoàn tháp tùng, bao gồm các bộ trưởng nội các, đã gặp ông Trump và các quan chức cấp cao khác của Mỹ vào hôm 7/3 tại Mar-a-Lago. Một người trong đoàn là thư ký báo chí của ông Bolsonaro, Fabio Wajngarten, đã dương tính với nCov vào ngày 12/3 và đang được cách ly.
Ông Eduardo, con trai của Tổng thống Bolsonaro, đã thông báo trên Twitter rằng cha mình đã có kết quả âm tính với nCov. Trước đó, Fox News và một tờ báo địa phương Brazil đăng tin, kết quả xét nghiệm ban đầu của ông Bolsonaro là dương tính.
Kết quả xét nghiệm của những người khác trong phái đoàn Brazil, bao gồm cả vợ ông Bolsonaro và Ngoại trưởng Ernesto Araujo, vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, ông Karina Kufa, luật sư của Tổng thống Bolsonaro, đã nhiễm COVID-19, theo nhật báo O Globo của Brazil.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
Virus corona: Tự cách ly thế nào cho đúng
khi sống chung với người khác?
Tự cách ly là biện pháp tự tách mình ra khỏi thế giới xung quanh.
Theo hướng dẫn của hệ thống y tế Anh Quốc, bạn có thể cần phải tự cách ly nếu như bạn:
Đang chờ kết quả xét nghiệm virus corona
Có tiếp xúc gần gũi với người được xác nhận là đã nhiễm virus corona
Vừa trở về từ những nơi nhiễm virus
Có những biểu hiện nhiễm bệnh, như ho liên tục hoặc sốt từ 37 độ 8 trở lên
Được coi là tiếp xúc gần nếu như bạn ở gần người đã nhiễm virus trong thời gian 15 phút, với cự ly 2 mét trở lại, hoặc đối diện với người đó.
Virus corona: Ai, đang làm gì, ở đâu, để chặn dịch?
Virus corona: Mất năm ngày để thấy triệu chứng
Tiếp xúc gần được coi là tạo nguy cơ lây bệnh cao.
Bạn sẽ ở nhà trong 14 ngày (7 ngày nếu có các biểu hiện nhiễm bệnh nhẹ), không đi làm, đi học, hay tới các địa điểm công cộng khác, và tránh dùng giao thông công cộng hoặc xe taxi. Bạn cũng phải ở riêng, tách khỏi các thành viên khác trong gia đình.
Hãy nhờ trợ giúp nếu bạn cần thực phẩm, các đồ dùng khác hoặc thuốc men – bạn có thể yêu cầu người khác đem các món đồ đến cửa nhà, nhưng bạn không được tiếp khách.
Thậm chí bạn cần tránh tiếp xúc với các thú cưng, vật nuôi của mình, nếu có thể, và rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chạm vào chúng.
Tự cách ly thế nào nếu bạn ở chung nhà với người khác?
Tránh vào bếp khi có người khác đang ở đó, hãy đem đồ ăn về phòng riêng và ăn trong đó.
Hàng ngày, hãy làm vệ sinh mọi bề mặt trong nhà bằng chất tẩy gia dụng.
Tuy không thể tuyệt đối tránh tiếp xúc với người thân trong nhà, nhưng bạn hãy hạn chế tới mức tối đa.
Giữ khoảng cách 2m với người khác, và hãy ngủ riêng. Tránh tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương.
Những người khác sống cùng nhà với bạn nhớ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây mỗi lần, nhất là sau khi tiếp xúc gần với bạn.
Không được dùng chung khăn mặt, khăn tắm, các đồ dùng khác trong nhà.
Nếu được thì nên sử dụng nhà tắm riêng. Nếu không có điều kiện thì người cần cách ly hãy sử dụng nhà tắm sau cùng, rồi dùng xong thì nhớ lau chùi vệ sinh sạch sẽ nếu không quá yếu mệt.
Rác liên quan đến người tự cách ly cần phải cho vào túi rác hai lớp và giữ riêng. Nếu người tự cách ly có kết quả dương tính với virus Covid-19 thì gia đình bạn sẽ được giới chức thông báo cách xử lý chỗ rác đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51878337
Dữ liệu cho thấy bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán đầu tiên
có thể là vào tháng 11/2019
Tuệ Minh
Trường hợp đầu tiên tại Trung Quốc bị mắc cúm COVID-19 được cho là bắt nguồn từ ngày 17/11/2019, theo các số liệu của chính quyền Trung Quốc mà báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) có được.
Cho đến nay, giới chức Trung Quốc đã phát hiện ra ít nhất 266 người bị lây nhiễm cúm COVID-19 trong năm 2019. Một số trường hợp được phát hiện sau khi giới chức y tế xem xét lại các mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân có nghi ngờ.
Theo hồ sơ thông tin mà SCMP có được, một bệnh nhân 55 tuổi từ Hồ Bắc có thể là bệnh nhân đầu tiên mắc virus COVID-19 vào ngày 17/11/2019.
Từ ngày đó trở đi, cứ mỗi ngày lại có thêm từ 1 đến 5 ca nhiễm mới. Đến ngày 15/12/2019, tổng số ca lây nhiễm ở mức 27 trường hợp. Đến ngày 20/12/2019, tổng số ca lây nhiễm đã lên đến 60 trường hợp.
Đến ngày 27/12/2019, giám đốc bệnh viện tỉnh Hồ Bắc, bà Zhang Jixian, nói với giới chức y tế Trung Quốc rằng bệnh được gây ra bởi virus cúm corona mới. Tinh đến ngày đó, hơn 180 người đã bị lây nhiễm dù rằng các bác sĩ không nhận thức được về điều đó.
Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, ít nhất 8 bác sĩ tại bệnh viện ở Vũ Hán, bao gồm bác sĩ Lý Văn Lượng , đã lên tiếng cảnh báo về COVID-19 từ đầu tháng 12/2019 nhưng đều bị mời lên đồn cảnh sát làm việc. Trước đó, nhiều người dân bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội Weibo, lên án cách xử lý trì trệ và che đậy thông tin ban đầu của chính quyền tại thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát COVID-19.
Bác sĩ Ngải Phân (Ai Fen) chia sẻ với tạp chí People (Trung Quốc) rằng từng đăng tải một bức ảnh chụp bệnh án lên mạng xã hội WeChat vào ngày 30/12/2019 – cho thấy bệnh nhân bị viêm phổi do chủng
virus giống họ corona từng gây ra dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Các thành viên trong nhóm chat này gồm có cả bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng – người cũng cảnh báo sớm nCoV nhưng đã qua đời hôm 7/2.
Chia sẻ của bác sĩ Ngải trong bài phỏng vấn cũng làm sáng tỏ các quan điểm về nguồn dịch. Vào dịp Tết Nguyên đán, chợ bán buôn hải sản Hoa Nam gần bệnh viện của cô, được cho là nơi virus xuất hiện, đã bị đóng cửa. Tuy nhiên cô Ngải cho biết cô đã nhận thấy luồng bệnh nhân viêm phổi nhiều tuần trước khi giới chức xác nhận virus có thể lây từ người sang người.
Các tài khoản trên Wechat của các bác sĩ khác dường như cho thấy cộng đồng y tế ở Vũ Hán đã biết về virus này vào cuối tháng 12.
Mặc dù các bác sĩ trong thành phố đã thu thập các mẫu từ các trường hợp nghi ngờ vào cuối tháng 12/2019 , nhưng họ được lệnh không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về căn bệnh mới này cho công chúng.
Đến ngày cuối cùng của năm 2019, số lượng các ca lây nhiễm đã tăng lên 266. Ngày đầu tiên của năm 2020, số lượng các ca nhiễm ở mức 381.
Theo trang web của Tổ chức Y tế Thế giới có 199 trường hợp COVID-19 được xác nhận đầu tiên ở Trung Quốc là vào ngày 8 tháng 12, nhưng cơ quan toàn cầu không theo dõi bệnh mà chỉ dựa vào thông tin các quốc gia cung cấp.
Virus corona: Châu Âu giờ là ‘tâm điểm của đại dịch’
Châu Âu hiện giờ là ‘ổ dịch’ trong đại dịch virus corona toàn cầu, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus thúc giục các nước sử dụng các biện pháp quyết liệt hơn, huy động cộng đồng và thực hiện cách ly để cứu mạng người dân.
Virus corona: Covid-19 ‘có thể giúp Đảng Cộng sản Việt Nam cải tổ’
Virus corona: Vì sao phụ nữ và trẻ em ít bị nhiễm?
Covid-19: Nước Đức điềm tĩnh, người Việt vẫn hoang mang
Virus corona: Làm thế nào để tránh lây nhiễm
Covid-19: Tự cách ly thế nào khi sống chung với người khác?
“Đừng chỉ để ngọn lửa này bùng phát,” ông nói.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra bình luận này khi một số nước châu Âu báo cáo số người nhiễm và chết tăng mạnh.
Ý: Thêm 250 người chết chỉ trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết lên 1.266 với 17.660 người nhiễm.
Tây Ba Nha: Nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất chỉ sau Ý, với số người chết tăng 50%, lên 120, hôm thứ Sáu. Số người nhiễm tăng lên 4.231.
Thủ tướng Tây Ba Nha Pedro Sanchez cho hay tình trạng báo động sẽ có hiệu lực vào thứ Bảy và sẽ duy trì trong hai tuần.
Các biện pháp kiểm soát cũng được tăng cường tại khu vực viên giới nhiều nước châu Âu.
Tại sao châu Âu trở thành ‘tâm dịch’?
Hơn 132.500 người được chuẩn đoán nhiễm Covid-19 tại 123 nước trên toàn thế giới, theo WHO.
Tổng số người chết đã tới khoảng 5.000 – một con số mà ông Tedros mô tả như “cột mốc bi thảm”.
“Châu Âu giờ đã trở thành tâm điểm của đại dịch, với nhiều ca nhiễm và chết được ghi nhận hơn là ở các phần còn lại của thế giới, ngoài Trung Quốc,” ông nói.
“Hiện có nhiều ca bệnh ở châu Âu được ghi nhận hàng ngày hơn là đã từng ghi nhận ở Trung Quốc vào đỉnh dịch của nước này.”
Pháp công bố 2.876 ca nhiễm và 79 ca tử vong, tăng từ 61 ca tử vong hôm thứ Năm.
Đức có 3.062 ca nhiễm và 5 tử vong.
Anh có 798 ca nhiễm, 11 tử vong.
Các nước châu Âu làm gì để chống dịch?
Thông báo tình trạng báo động ở Tây Ban Nha, ông Sanchez nói chính phủ sẽ “huy động mọi nguồn lực của nhà nước để bảo vệ sức khỏe của mọi người dân.”
Tình trạng vừa ban bố sẽ cho phép Tây Ban Nha giới hạn lưu thông, ra lệnh sơ tán, cấm ra vào một số địa điểm và can thiệp vào một số lĩnh vực trong 15 ngày.
Anh quốc yêu cầu công dân cần tránh đi tới Tây Ba Nha trừ phi có việc ‘thiết yếu’.
Ý đóng cửa toàn bộ đất nước.
Trong khi đó, ít nhất 10 nước ở châu Âu đóng cửa biên giới, bao gồm:
Đan Mạch: Đóng cửa biên giới đối với khách du lịch nước ngoài từ thứ Bảy
Cộng hòa Séc: Cấm người nước ngoài nhập cảnh, trừ những người có quyền cư trú. Cấm hầu hết công dân xuất cảnh
Slovakia: Đóng cửa biên giới đối với người nước người trừ người có giấy phép cư trú
Áo: Đóng ba biên giới trên đất liền giáp Ý đối với người nước ngoài, trừ những người có giấy khám sức khỏe trong vòng 4 ngày. Không có lệnh cấm với công dân Áo.
Ukraine: Đóng cửa biên giới với người nước ngoài (trừ nhân viên ngoại giao) trong hai tuần
Hungary: Đóng cửa biên giới với Áo và Slovenia
Ba Lan: Đóng cửa biên giới từ thứ Bảy với mọi khách nước ngoài
Bỉ, Pháp, Thụy Sỹ và một phần của Đức nằm trong số những quốc gia mới nhất đóng cửa trường học.
Các cuộc hội họp lớn cũng bị hủy bỏ, nhà hát, nhà hàng và quán ba bị đóng cửa.
Bundesliga của Đức, giải bóng đá duy nhất trong số năm giải lớn nhất châu Âu vẫn đang diễn ra, sẽ hoãn một số trận từ thứ Ba.
Bảo tàng Louvre và tháp Eiffel ở Paris sẽ đóng cửa từ thứ Sáu.
Tại sao tình trạng bệnh dịch ở châu Âu tệ hơn Trung Quốc?
Số ca nhiễm virus corona mỗi ngày ở châu Âu đã vượt xa Trung Quốc thời điểm đỉnh dịch ở nước này.
Nhưng châu Âu hiện đang ở vào tình thế tồi tệ hơn.
Số lượng người nhiễm của Trung Quốc chủ yếu chỉ ở một khu vực, tỉnh Hồ Bắc, và chủ yếu tập trung ở một thành phố, Vũ Hán.
Và tình trạng này được chính quyền địa phương giải quyết bằng cách áp đặt một lệnh cách ly lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Trong khi ở các nơi khác ở châu Âu, dịch bùng phát khắp lục địa và mỗi nước lại có các biện pháp riêng để đối phó.
Mọi con số đều dựa trên các trường hợp được phát hiện, nhưng các nhà khoa học lo ngại rằng có thể dịch bệnh ở mức độ lớn hơn nhiều đang diễn ra mà không được nhận biết ở các nước hiện đang không có công cụ để phát hiện.
Tình trạng các nước khác
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép chính phủ liên bang tiếp cận với quỹ trợ giúp lên tới 50 tỷ đô la Mỹ.
Khi ông Trump thông báo điều này, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ tăng hơn 9%.
Cuối ngày thứ Sáu, ông Trump nói ông không cần tự cách ly, bất chấp việc ông từng gặp ít nhất một người nhiễm virus corona.
Ông Trump đã ban lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ với 26 quốc gia châu Âu, gây ra giận giữ và bối rối trong tuần này. Lệnh này sẽ có hiệu lực vào nửa đêm EDT (0400 GMT).
Pakistan đóng cửa mọi biên giới trên bộ và hạn chế các chuyến bay quốc tế trong 15 ngày.
Canada vừa bỏ phiếu để hoãn họp quốc hội và giới chức y tế nước này khuyên người dân không du lịch nước ngoài nếu không cần thiết.
Thủ tướng Canada Jusstin Trudeau bắt đầu tự cách ly 14 ngày hôm thứ Sáu sau khi vợ ông dương tính với virus.
Cũng trong ngày thứ Sáu, Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton được đưa vào bệnh viện sau khi xét nghiệm dương tính. Gần đây, ông đã tới Washington và gặp con gái của Tổng thống Trump, Ivanka.
Trong khi đó, Iran thông báo 85 ca tử vong mới, số tử vong trong 24 giờ cao nhất ở nước này, nâng tổng số người chết lên 514. Con số thực tế được cho là cao hơn nhiều.
Các trường hợp nhiễm virus đầu tiên được ghi nhận ở Đông Phi, ở Kenya, Ethiopia và Sudan, nơi đã có ca từ vong đầu tiên ở châu Phi.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51885518
Châu Âu thành ổ dịch,
Bruxelles chỉ trích các thành viên đóng cửa biên giới
Thu Hằng
Liên Hiệp Châu Âu soán ngôi Trung Quốc trở thành ổ dịch virus corona. Trước làn sóng dịch lan rộng ở bốn nước lớn Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, nhiều nước nhỏ đã đóng cửa biên giới để tránh dịch. Trong khi đó, Bruxelles quyết định tháo khoán 37 tỉ euro để giảm bớt tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế của các nước thành viên.
Ý vẫn là nước có số người tử vong và bị nhiễm virus corona nhiều nhất Liên Hiệp Châu Âu. Chỉ trong vòng 24 giờ, đã có thêm 250 người chết, nâng tổng số ca tử vong vì siêu vi viêm phổi lên thành 1.266 người, tính đến hết ngày 13/03/2020. Số người bị nhiễm là 17.660. Toàn nước Ý vẫn đang bị cách ly. Trong khi các nước láng giềng xoay sở đối phó dịch, Ý chỉ còn có thể trông cậy vào Trung Quốc. Chiếc máy bay A-350 của hãng hàng không China Eastern đã hạ cánh xuống Roma tối 12/03 với nhóm chuyên gia gồm 9 thành viên và nhiều tấn trang thiết bị y tế.
Tây Ban Nha bất ngờ vượt qua Pháp, với 4.231 ca nhiễm và 121 người chết, tính đến hết ngày 13/03 buộc chính phủ ban hành « tình trạng khẩn cấp » cho đến hết ngày 26/03. Người dân bị hạn chế đi lại. Toàn bộ cửa hàng, cửa hiệu không cần thiết (trừ trạm xăng, hiệu thuốc, siêu thị…) tại vùng Madrid, nơi bị tác động nghiêm trọng nhất, đã được lệnh đóng cửa. Các nhà máy sản xuất ô tô của Seat và Nissan tại Barcelona sẽ ngừng hoạt động từ thứ Hai 16/03 cho đến khi có lệnh mới do không được cung ứng vật tư.
Tại Đức, số ca nhiễm virus corona lên đến 2.300 người và có 7 người tử vong. Mười một trên 16 vùng ở Đức sẽ đóng cửa trường học từ thứ Hai 16/03.
Trước tình hình dịch trở nên căng thẳng hơn, nhiều nước thành viên khác cũng đưa ra những biện pháp hi hữu : Áo đóng cửa tất cả các cửa hàng không cần thiết, Hy Lạp đóng cửa phần lớn các cửa hàng và các khu di tích khảo cổ, Đan Mạch không đón người nước ngoài trong mùa dịch, thủ đô Dublin của Ai Len vắng lặng vì trường học các cấp và đại học đóng cửa trong vòng hai tuần, kể từ tối thứ Năm 12/03. Chính quyền khuyến khích làm việc tại nhà.
Khuyến nghị đóng cửa khối Schengen với một số vùng dịch
Tổng thống Pháp Macron đưa ra kiến nghị kiểm soát hoặc đóng cửa biên giới khối Schengen với một số vùng dịch. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, một số nước thành viên đã đóng cửa biên giới với một số nước khác.
Theo thông tín viên RFI Pierre Bénazet tại Bruxelles, biện pháp này bị Liên Hiệp Châu Âu phản đối :
« Ý không để bất kỳ phương tiện nào vào nước này này nếu không có lý do xác đáng. Đức thì kiểm tra dịch tễ ở biên giới với Pháp. Slovenia và Hungari kiểm tra tất cả những người đến từ Ý. Áo ngừng mọi chuyến bay đến Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Pháp. Tóm lại, rất nhiều biện pháp liên tục được áp dụng ngay trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu.
Một số nước còn thậm chí đóng cửa biên giới, như Cộng Hòa Séc cấm nhập cảnh đối với tất cả những người đến từ 15 nước Liên Hiệp Châu Âu, trong khi Slovakia cấm tất cả thành viên Liên Âu trừ người Ba Lan.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu gay gắt lên án tình trạng đơn phương cấm nhập cảnh của một số nước thành viên, đồng thời bà cũng khẳng định đã thuyết phục được Pháp và Đức tìm ra các biện pháp đối phó có phối hợp và phù hợp với tình hình tại châu Âu, nếu không các biện pháp đó sẽ không hiệu quả, gây xáo trộn cuộc sống của công dân, hoạt động kinh tế và việc cung cấp trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên, vẫn có thể kiểm soát biên giới bên ngoài của Liên Hiệp Châu Âu và cấm vào khối, cũng như việc kiểm soát dịch tễ tại biên giới giữa các thành viên khối Schengen. Nhưng đóng cửa biên giới là đi ngược lại với thực tế tất yếu hiện tại là cần phải thể thiện tình đoàn kết thực sự của Liên Hiệp Châu Âu ».
Virus corona : Số ca nhiễm mới tăng vọt,
Paris nhờ Seoul chia sẻ kinh nghiệm
Minh Anh
Virus corona tiếp tục hoành hành tại Pháp. Chỉ trong vòng 24 giờ, Pháp đã có thêm 800 người bị nhiễm mới và 18 ca tử vong, theo như số liệu bộ Y Tế công bố ngày 13/3/2020. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron gọi điện nhờ đồng nhiệm Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, và đề nghị lãnh đạo các nước thuộc khối G7 cùng với khối G20 họp hội nghị vidéo để cùng nhau đối phó với dịch bệnh.
Như vậy, tính đến ngày thứ Sáu 13/3/2020, tổng cộng tại nước Pháp đã có hơn 3.661 ca nhiễm virus corona, trong đó có 79 ca tử vong, và 154 người trong tình trạng nguy kịch. Bộ trưởng Y Tế Pháp, Olivier Véran cảnh báo « đà lây nhiễm đang tăng tốc, giờ khó có thể kềm hãm ».
Trong bối cảnh dịch bệnh lan nhanh, các bệnh viện có nguy cơ quá tải, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi điện cho đồng nhiệm Hàn Quốc, bày tỏ mong muốn Seoul chia sẻ kinh nghiệm để chống chọi với dịch bệnh. Lời đề nghị này đã được tổng thống Moon Jae-In nhiệt tình đáp trả, cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc và các dữ liệu y khoa có được về những phát đồ điều trị cho các bệnh nhân.
AFP dẫn nguồn tin từ điện Elysée khẳng định nguyên thủ Pháp đề nghị một cuộc họp qua vidéo với các lãnh đạo khối G7 và G20 nhằm tìm cách đối phó với dịch bệnh. Tổng thống Pháp và nguyên thủ Mỹ đã đồng ý về cuộc gặp này trong một cuộc trao đổi qua điện thoại. Nước Pháp còn đề nghị Ủy Ban Châu Âu nhắm đến khả năng tăng cường kiểm soát, thậm chí hạn chế việc nhập cảnh vào không gian Schengen. Biện pháp sẽ được các bên xem xét và thảo luận trong hai ngày cuối tuần này.
Còn tại Pháp, nhịp sống như đang chựng lại. Mọi lĩnh vực như việc làm, giáo dục, văn hóa, chuyên chở công cộng, thể thao đều bị chậm lại trước tình hình dịch virus corona đang lan rộng. Thủ tướng Edouard Philippe thông báo kể từ ngày thứ Bảy 14/3, mọi cuộc tụ tập trên 100 người đều bị cấm. Chính phủ kêu gọi toàn dân nên « thay đổi một cách nghiêm túc các hành vi nhằm bảo vệ bản thân và cho tất cả mọi người » trong cơn đại dịch.
Tuân thủ theo chỉ thị này, các điểm tham quan nổi tiếng như bảo tàng Louvre, tháp Eiffel, cung điện Versailles, và khu vui chơi giải trí Disneyland thông báo đóng cửa cho đến khi có lệnh mới.
Virus corona: Bác sỹ Ý phải chọn
bệnh nhân nào thì điều trị, bệnh nhân nào ‘buông’
Các bác sỹ tuyến đầu ở Ý trong cuộc chiến với virus corona nói họ phải chọn giữa việc ai thì được điều trị và ai thì không.
Với số ca nhiễm mới tăng lên hàng trăm mỗi ngày, Ý đang vật lộn để có đủ giường cho người ốm – một sự quá tải chưa có tiền lệ trong thời bình.
Virus corona: Làm thế nào để tránh lây nhiễm
Virus corona: Châu Âu giờ là ‘tâm điểm của đại dịch’
Virus corona: Vì sao phụ nữ và trẻ em ít bị nhiễm?
Virus corona: Covid-19 ‘có thể giúp Đảng Cộng sản Việt Nam cải tổ’
“Nếu một bệnh nhân khoảng 80 đến 95 tuổi suy hô hấp nặng, bạn không thể tiếp tục [việc điều trị],” giáo sư Christian Salaroli, người đứng đầu khoa chăm sóc tích cực (ICU) tại một bệnh vienj ở Bergamo, Lombardia, nói với tờ Corriere della Sera.
“Đây là những lời khủng khiếp, nhưng thật đáng tiếc chúng là sự thật. Chúng tôi không ở trong tình huống để cố đạt được cái mà bạn gọi là phép màu.”
Nhưng điều gì đang xảy ra trong đại dịch ở Ý khiến người ta phải có những lựa chọn sinh tử như vậy?
‘Những lựa chọn khó khăn’
Virus corona đặc biệt gây chết chóc ở Ý – 1.266 người đã chết trong số 17.660 người nhiễm cho tới thứ Sáu (12/3).
Ý có dân số già thứ hai trên thế giới sau Nhật Bản, theo Liên Hiệ Quốc, điều đó có nghĩa là họ đặc biệt có nguy cơ bị bệnh nặng nếu bị nhiễm virus.
Đầu tháng này, Hiệp hội Gây mê, Giảm đau, Hồi sức và Trị liệu Chuyên sâu của Ý (SIAARTI), đã đưa ra các khuyến nghị về đạo đức để khuyên các bác sĩ nên giành một giường chăm sóc đặc biệt “trong những điều kiện đặc biệt”, có nghĩa là sẽ không có chỗ cho tất cả mọi người.
Thay vì tiếp nhận bệnh nhân trên cơ sở ai đến trước được phục vụ trước, họ khuyên các bác sĩ và y tá đưa ra “lựa chọn khó khăn” để tập trung vào những bệnh nhân có cơ hội phục hồi cao hơn sau khi điều trị tích cực.
“Không phải SIAARTI đang đề xuất điều trị cho một số bệnh nhân và hạn chế điều trị cho những người khác. Ngược lại, đây là các tình huống khẩn cấp đang buộc các bác sĩ phải tập trung vào điều trị cho những người có thể hưởng lợi được nhiều nhất từ việc này.”
‘Sóng thần’
Ý có khoảng 5.200 giường chăm sóc đặc biệt, nhưng trong những tháng mùa đông, nhiều trong số này đã được giành cho các bệnh nhân có vấn đề về hô hấp.
Các khu vực Bologna và Veneto chỉ có 1.800 giường trong các cơ sở y tế công và tư.
Giáo sư Stefano Magnone, người làm việc tại một bệnh viện ở Lombardy, nói với BBC rằng họ đã chạm tới giới hạn về năng lực.
“Tình hình ngày càng tồi tệ, bởi vì chúng tôi đang đạt tới giới hạn về năng lực trong vấn đề giường ở khu chăm sóc tích cực, cũng như trong các khoa thông thường, để điều trị cho bệnh nhân corona,” ông nói.
“Ở địa phương, chúng tôi đã cạn kiệt nguồn lực, cả về con người và công nghệ, so đó chúng tôi đang chờ các máy thở mới, các thiết bị mới cho hệ thống hỗ trợ thở không xâm lấn.”
Đầu tuần này, tâm sự này của Giáo sư Daniele Macchini, một bác sỹ ở ICU, đã lan truyền trên Twitter.
Trong đó, ông mô tả nhóm của ông bị “choáng ngợp bởi một trận sóng thần”, và thiết bị y tế cho các vấn đề về hô hấp, như máy thở, đã trở nên vô cùng quý giá – “như vàng”.
“Các ca nhiễm bệnh đang nhân lên, [chúng tôi có] 15-20 ca mới nhập viện mỗi ngày, tất cả vì cùng một nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm hiện giờ nối tiếp nhau: dương tính, dương tính, dương tính. Thình lình ER [phòng cấp cứu] sụp đổ,” ông nói.
“Một số đồng nghiệp của chúng tôi bị nhiễm bẹnh và họ cũng có người thân bị nhiễm bệnh. Một vài người trong số người thân của họ đã phải vật lộn giữa sự sống và cái chết.”
Bác sỹ Salaroli nói với tờ Corriere rằng gánh nặng cảm xúc đối với nhân viên y tế mang tính “tàn phá” và một số bác sĩ trong đội của ông đã “tan nát” bởi những lựa chọn mà họ phải đưa ra.
“Nó có thể xảy ra với một bác sĩ trưởng cũng như một bác sĩ trẻ vừa mới đến và thấy mình phải quyết định số phận của một con người. Tôi nhắc lại, trên quy mô lớn”, ông nói.
“Tôi đã thấy các y tá với ba mươi năm kinh nghiệm khóc, những người bị khủng hoảng thần kinh, run rẩy, tất cả đều bất ngờ.”
“Lời cầu xin của Ý đến châu Âu”
Nói với BBC, Bộ trưởng Ngoại giao Ý, Luigi Di Maio, kêu gọi một cơ quan duy nhất ở châu Âu điều phối nguồn cung cho tất cả các bệnh viện và phòng khám trên khắp châu Âu.
Nhưng ông cũng có vẻ lạc quan, nói rằng không có trường hợp nhiễm bệnh nào được ghi nhận tại mười thị trấn ở miền bắc Italy, nơi đã được ban bố tình trạng ‘đỏ’.
“Ý là quốc gia đầu tiên ở châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Di Maio nói. “Nhưng tôi hy vọng nó cũng có nghĩa là Ý là nước đầu tiên bỏ lại tình trạng khẩn cấp phía sau.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51886937
Thông điệp của bác sĩ Ý từ tâm dịch COVID-19:
‘Thảm họa dịch tễ học đang diễn ra’
Triệu Hằng
Bác sĩ Daniele Macchini, một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong một bệnh viện nằm ở tâm dịch virus corona ở Ý, đã cho biết chi tiết về tình cảnh đau khổ mà ông đã chứng kiến và mối lo lắng sâu sắc của ông về sự lây lan của virus, theo Huff Post ngày 11/3.
Trong một bài đăng đang lan tỏa trên Facebook, hiện đã nhận được 45.000 lượt chia sẻ, bác sĩ Macchini đã truyền đạt tình hình ở Bergamo, một thành phố gần Milan ở miền Bắc nước Ý. Ông ví sự bùng phát dịch như một “cuộc chiến tranh” và như một “cơn sóng thần làm chúng ta choáng ngợp”, Huff Post dẫn lời.
“Sau khi suy nghĩ rất nhiều về việc có nên viết về những gì đang xảy ra với chúng tôi, tôi cảm thấy rằng sự im lặng không phải là cách nhận lấy trách nhiệm” thông điệp của bác sĩ Macchini mở đầu.
“Tôi hiểu rằng không cần phải tạo ra sự hoảng loạn, nhưng khi thông điệp về sự nguy hiểm của những gì đang xảy ra không đến được với mọi người, thì tôi rùng mình”, thông điệp có đoạn.
“Tất cả sự biến đổi chóng mặt này đã kéo vào hành lang bệnh viện một bầu không khí trống rỗng mà chúng tôi không hiểu nổi, và chờ đợi một cuộc chiến sắp sửa bùng nổ mà nhiều người (có cả tôi) không thể ngờ đến sức tàn phá dữ dội của nó”.
Vào tuần trước, bác sĩ Macchini thuật lại, các phòng cấp cứu trong bệnh viện bỗng ồ ạt các bệnh nhân nhiễm COVID-19. “Cuộc chiến đã chính thức mở màn theo nghĩa đen và các trận chiến ngày đêm với dịch bệnh”.
“Lần lượt những người không may đến phòng cấp cứu. Họ không có bất cứ điều gì ngoại trừ các biến chứng của bệnh cúm. Hãy ngừng nói rằng đó là một bệnh cúm nặng!”.
“Người bệnh đã nghiêm chỉnh chấp hành mọi lời khuyên: tự cách ly ở nhà từ một tuần đến mười ngày nếu có triệu chứng sốt và không đi ra ngoài, để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Nhưng bây giờ, họ không thể cố thêm được nữa. Họ không thở nổi, họ thiếu oxy”.
“Thảm họa dịch tễ học đang diễn ra. Và không còn phân biệt đâu là bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tiết niệu hay bác sĩ chỉnh hình nữa, những bác sĩ chúng tôi đột nhiên trở thành một đội duy nhất đối mặt với cơn sóng thần đang áp đảo chính chúng tôi”.
“Lý do dẫn đến nhập viện của bệnh nhân luôn giống nhau: sốt và khó thở, sốt và ho, suy hô hấp. Báo cáo chụp X- quang luôn cho cùng kết quả: viêm phổi kẽ hai bên, viêm phổi kẽ hai bên. Tất cả họ đều phải nhập viện”.
Bác sĩ Macchini cũng mô tả cuộc vật lộn của các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe, các bác sĩ và y tá kiệt sức và đau buồn khi chứng kiến những bệnh nhân mất đi sinh mệnh.
Ông cũng cho biết, cuộc sống riêng tư của các y bác sĩ giờ đây cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Họ không còn được gặp gia đình vì nỗi sợ lây nhiễm cho người thân.
“Đây là công việc của chúng tôi và chúng tôi không có lựa chọn. Chúng tôi cố gắng chữa cho càng nhiều người càng tốt, hoặc không thì có thể giúp họ bớt đi đau đớn khi ra đi”, vị bác sĩ nói.
Ông đề nghị những người mắc COVID-19 cân nhắc các hành động của mình sẽ tác động tới người khác như thế nào. Mặc dù tới 80% các ca nhiễm không nhất thiết phải chăm sóc tại bệnh viện và nhiều trong số đó có thể cảm thấy đủ khỏe để sinh hoạt bình thường, nhưng virus lây lan sẽ đặt người khác vào tình trạng nghiêm trọng hoặc gây tử vong cho những người lớn tuổi hoặc những người có tiểu sử bệnh tật.
“Vì vậy, hãy kiên nhẫn, bạn không nên tới nhà hát, đến bảo tàng hoặc phòng tập gym”, Macchini viết, “Hãy thương lấy vô số những người già mà có thể bạn sẽ là người mang bệnh đến cho họ”.
Theo Huff Post
Triệu Hằng dịch và biên tập
Sự chênh lệch về tử vong và cách phòng chống
dịch viêm phổi Vũ Hán ở Ý và Hàn Quốc
Hương Thảo
Tại Ý, hàng triệu người đã bị phong tỏa và hơn 1.000 người đã chết vì coronavirus. Ở Hàn Quốc, nơi bệnh tấn công cùng lúc, chỉ vài ngàn người bị cách ly và chỉ 67 người tử vong. Khi virus bùng lên trên toàn thế giới, câu chuyện về hai vụ dịch đã minh họa một vấn đề sắp tới cho các quốc gia hiện đang vật lộn với sự bùng nổ virus, Reuters bình luận ngày 12/3.
Rất khó để kiểm tra tất cả người có tiềm năng mang virus, nên trước khi chính quyền có thể tìm ra cách để xem mức độ lây nhiễm lan rộng như thế nào, thì cách tốt nhất họ đã làm là phong tỏa. Ý lẽ ra nên cho xét nghiệm rộng rãi từ đầu, rồi dần dần mới thu hẹp trọng tâm, thì giờ đây họ đã không phải xử lý hàng trăm ngàn xét nghiệm. Nhưng họ không thể nhìn thấy những gì sắp tới và đang cố gắng kiềm chế sự di chuyển của toàn bộ đất nước với dân số 60 triệu người để ngăn chặn căn bệnh này. Ngay cả Giáo hoàng Francis, người bị cảm lạnh khi ban phước vào Chủ nhật qua internet từ bên trong Vatican, nói rằng ông cảm thấy như bị nhốt trong thư viện.
Ở Hàn Quốc, cách hàng ngàn dặm từ Italy, cơ quan chức năng có một phản ứng khác đối phó với sự bùng nổ với quy mô tương tự. Họ đang xét nghiệm hàng trăm ngàn người và theo dấu vết những người có tiềm năng mang virus như thám tử, sử dụng điện thoại di động và công nghệ vệ tinh.
Cả hai quốc gia đã chứng kiến những ca bệnh đầu tiên của họ có tên COVID-19 vào cuối tháng 1. Hàn Quốc kể từ đó đã báo cáo 67 trường hợp tử vong trong số gần 8.000 trường hợp được xác nhận, sau khi thử nghiệm hơn 222.000 người. Ngược lại, Ý đã có 1.016 người chết và xác định được hơn 15.000 trường hợp sau khi thực hiện hơn 73.000 xét nghiệm trên một số lượng người không xác định.
Các nhà dịch tễ học nói rằng không thể so sánh các con số trực tiếp. Nhưng một số người nói rằng các kết quả khác nhau đáng kể chỉ ra một cái nhìn sâu sắc: “Tiến hành xét nghiệm một cách chủ động trên diện rộng, kiên quyết và duy trì là một công cụ mạnh mẽ để chống lại virus.”
Jeremy Konyndyk, một thành viên chính sách cao cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, cho biết xét nghiệm rộng rãi có thể cho các quốc gia một bức tranh tốt hơn về mức độ bùng phát. Ông nói, khi xét nghiệm ở một quốc gia bị hạn chế, chính quyền phải có những hành động táo bạo hơn để hạn chế sự di chuyển của người dân. Ông nói “Tôi cảm thấy khó chịu với những hạn chế di chuyển kiểu khóa cứng được thực thi như ở Trung Quốc”
Các nền dân chủ của Ý và Hàn Quốc là những trường hợp nghiên cứu hữu ích cho các quốc gia như Mỹ, nơi đã gặp vấn đề chậm chạp trong việc thiết lập các hệ thống xét nghiệm. Cho đến nay, đặc biệt ở Nhật Bản và Hoa Kỳ, quy mô đầy đủ của dịch vẫn chưa thể nhìn thấy. Tại Đức, thủ tướng Angela Merkel đã cảnh báo người dân của bà vào thứ Tư rằng vì 60% đến 70% dân số có khả năng bị nhiễm bệnh, lựa chọn duy nhất là ngăn chặn.
Hàn Quốc, nơi có dân số nhỏ hơn một chút so với Ý với khoảng 50 triệu người, có khoảng 29.000 người tự cách ly. Chính quyền đã áp đặt lệnh đóng cửa đối với một số cơ sở và ít nhất một khu chung cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Nhưng cho đến nay không có phong tỏa toàn bộ khu vực. Seoul cho biết họ đang rút ra bài học từ sự bùng phát của Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2015 và làm việc để cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt cho công chúng. Họ đã bắt tay vào một chương trình xét nghiệm lớn, bao gồm cả những người bị bệnh rất nhẹ, hoặc có lẽ thậm chí không có triệu chứng, nhưng có thể lây nhiễm cho người khác.
Điều này bao gồm thực thi luật cho phép cơ quan có thẩm quyền trên toàn chính phủ truy cập dữ liệu: cảnh quay camera quan sát, dữ liệu theo dõi GPS từ điện thoại và xe hơi, giao dịch thẻ tín dụng, thông tin nhập cảnh và các chi tiết cá nhân khác của những người được xác nhận mắc bệnh truyền nhiễm. Chính quyền sau đó có thể công khai một số điều này, vì vậy bất kỳ ai có thể bị phơi nhiễm đều có thể tự mình – hoặc bạn bè và thành viên gia đình của họ – được kiểm tra.
Ngoài việc giúp tìm ra người cần kiểm tra, hệ thống điều khiển dữ liệu của Hàn Quốc còn giúp các bệnh viện quản lý các trường hợp của họ. Những người xét nghiệm dương tính được tự cách ly kiểm dịch và theo dõi từ xa thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh hoặc được kiểm tra thường xuyên trong các cuộc gọi điện thoại, cho đến khi có sẵn giường bệnh viện. Khi có sẵn giường, xe cứu thương đón người lên và đưa bệnh nhân đến bệnh viện có phòng cách ly kín khí. Tất cả điều này, bao gồm cả nhập viện, là miễn phí.
Phản ứng của Hàn Quốc không hoàn hảo. Trong khi hơn 209.000 người đã thử nghiệm âm tính ở đó, vẫn đang chờ xử lý kết quả trên khoảng 18.000 người khác – một lỗ hổng thông tin có nghĩa là có nhiều trường hợp hơn. Tỷ lệ các trường hợp mới được xác nhận đã giảm kể từ mức cao nhất vào giữa tháng 2, nhưng xét nghiệm lớn nhất của hệ thống vẫn có thể ở phía trước khi các nhà chức trách cố gắng theo dõi và lưu chứa các cụm mới. Hàn Quốc không có đủ khẩu trang phòng hộ – họ đã bắt đầu phân phối chúng – và họ đang cố gắng thuê thêm nhân viên được đào tạo để xử lý các kiểm tra và bản đồ các ca.
Cách tiếp cận này sẽ vi phạm một số quyền riêng tư. Hệ thống của Hàn Quốc là một biện pháp xâm phạm bắt buộc phụ thuộc vào sự quy phục của người dân, mà đối với nhiều người ở châu Âu và châu Mỹ, sẽ là vi phạm quyền cơ bản về riêng tư. Không giống như Trung Quốc và quốc đảo Singapore, nơi đã sử dụng các phương pháp tương tự, Hàn Quốc là một nền dân chủ lớn và người dân sẽ nhanh chóng phản đối các chính sách mà họ không thích.
Choi Jaewook, giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Hàn Quốc và là quan chức cấp cao của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cho biết, “thông tin về bệnh nhân luôn đi kèm với các vấn đề xâm phạm quyền riêng tư”. Tiết lộ thông tin “nên được giới hạn nghiêm ngặt” đối với các di chuyển của bệnh nhân, và “không nên nói về tuổi tác, giới tính của họ hoặc ông chủ của họ.”
Kim Gang-lip, Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kim Gang-lip cho biết, các phản ứng truyền thống như phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng và cách ly bệnh nhân chỉ có thể có hiệu quả khiêm tốn và có thể gây ra vấn đề trong các xã hội mở. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông nói với các phóng viên vào thứ Hai, phong tỏa có nghĩa là mọi người tham gia ít hơn trong việc truy tìm các liên hệ mà họ có thể có. Một cách tiếp cận như vậy, theo ông nói, là hoàn toàn thiển cận, ép buộc và không linh hoạt.
Hạn chế của Ỷ
Ý và Hàn Quốc cách xa nhau hơn 5.000 dặm, nhưng có một số điểm tương đồng khi nói đến corona virus. Cả hai quốc gia, dịch bệnh bùng phát ban đầu được tập trung ở các thành phố hoặc thị trấn nhỏ thay vì là ở một đô thị lớn – điều này có nghĩa là căn bệnh này nhanh chóng đe dọa các dịch vụ y tế địa phương. Và cả hai đều liên quan đến việc các bác sỹ quyết định bỏ qua hướng dẫn kiểm tra.
Dịch bệnh ở Ý đã khởi động vào tháng trước. Một người đàn ông địa phương có triệu chứng cúm đã bị bỏ qua sau khi anh ta nói với nhân viên y tế rằng anh ta đã không đến Trung Quốc, Massimo Lombardo, giám đốc dịch vụ bệnh viện địa phương ở Lodi, cho biết. Xét nghiệm chỉ được thực hiện sau khi người đàn ông 38 tuổi này, tên được đặt là Mattia, trở lại bệnh viện. Hướng dẫn kiểm tra tại thời điểm đó cho biết không cần phải xét nghiệm những người không có liên kết với Trung Quốc hoặc những khu vực bị ảnh hưởng khác. Nhưng một bác sĩ gây mê đã quyết định phải thử nghiệm COVID-19 bằng mọi cách, Oliverardo nói. Bây giờ, một số chuyên gia ở Ý tin rằng Mattia có thể đã bị lây nhiễm từ Đức, chứ không phải Trung Quốc.
Ở Ý lúc đầu, chính quyền khu vực đã thử nghiệm rộng rãi và đếm tất cả các kết quả tích cực trong tổng số được công bố, ngay cả khi mọi người không có triệu chứng. Sau đó, vài ngày sau khi bệnh nhân được gọi là Mattia được phát hiện có COVID-19, Ý đã thay đổi chiến thuật, chỉ xét nghiệm và thông báo các trường hợp người có triệu chứng. Các nhà chức trách cho biết đây là cách sử dụng tài nguyên hiệu quả nhất: Nguy cơ lây nhiễm dường như thấp hơn từ những bệnh nhân không có triệu chứng và các xét nghiệm hạn chế giúp tạo ra kết quả đáng tin cậy nhanh hơn. Cách tiếp cận nay mang theo rủi ro: Những người không có triệu chứng vẫn có thể bị nhiễm và lây lan virus. Mặt khác, khi càng xét nghiệm nhiều hơn, số lượng lớn các xét nghiệm có thể khiến hệ thống bệnh viện bị căng thẳng, Massimo Antonelli, giám đốc chăm sóc đặc biệt tại Fondazione Policlinico Universitario Agostino Gemelli IRCCS ở Rome cho biết. Kiểm tra bao gồm các quy trình y tế phức tạp và phải theo dõi. “Vấn đề đang được tích cực tìm kiếm,” ông nói. “chỉ là các con số rất lớn”.
Ý có một hệ thống y tế nói chung hiệu quả, theo các nghiên cứu quốc tế. Hệ thống y tế của họ nhận được tài trợ dưới mức trung bình của Liên minh châu Âu nhưng có thể so sánh với Hàn Quốc, ở mức 8,9% GDP so với 7,3% ở Hàn Quốc, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên bây giờ, hệ thống đó đã bị mất cân bằng. Các nhân viên đang được đưa vào các phòng cấp cứu, ngày nghỉ đã bị hủy bỏ và các bác sĩ nói rằng họ đang trì hoãn các hoạt động không khẩn cấp để tập trung vào các ca chăm sóc đặc biệt.
Pier Luigi Viale, người đứng đầu phòng bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Sant ở Orsola-Malpighi ở Bologna, đang làm việc suốt ngày đêm – trong ba công việc. Bệnh viện của ông đang xử lý nhiều trường hợp corona virus. Các bác sĩ của ông đang đưa đến các bệnh viện và phòng khám khác trong khu vực để hỗ trợ chuyên môn và giúp đỡ trong các trường hợp. Ngoài ra, các bác sĩ của ông cũng phải đối phó với các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác đang phải vật lộn để sống sót. “Nếu tình trạng kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, chúng tôi sẽ cần thêm quân tiếp viện,” ông nói với Reuters.
Tuần trước, thị trưởng của Castiglione d’Adda, một thị trấn có khoảng 5.000 người ở vùng lân cận “vùng đỏ” của Lombardy, nơi đầu tiên bị phong tỏa, đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp trực tuyến để được giúp đỡ. Ông cho biết thị trấn nhỏ của ông đã phải đóng cửa bệnh viện và chỉ còn một bác sĩ điều trị cho hơn 100 bệnh nhân corona virus. Ba trong số bốn bác sĩ của thị trấn đã bị bệnh hoặc tự cách ly. “Các bác sĩ và y tá đang ở giới hạn,” một y tá từ bệnh viện nơi Mattia được đưa vào, cho biết. “Nếu bạn chăm sóc những bệnh nhân đang hô hấp nhân tạo, bạn phải theo dõi họ liên tục, bạn không còn có thể chăm sóc những trường hợp mới vào.”
Các nghiên cứu cho thấy rằng mọi trường hợp dương tính với corona virus đều có thể lây nhiễm cho hai người khác, vì vậy chính quyền địa phương ở Bologna đã cảnh báo rằng các bệnh viện trong khu vực phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nếu sự lây lan vẫn tiếp diễn – không chỉ đối với bệnh nhân COVID-19 mà cả những người khác mà việc điều trị đang bị trì hoãn hoặc gián đoạn. Khi cuộc khủng hoảng lan sang miền Nam nước Ý ít thịnh vượng hơn, các vấn đề sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Các cơ sở chăm sóc chuyên sâu phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ nhất. Chúng yêu cầu nhân viên chuyên môn và thiết bị đắt tiền mà nơi đây chưa có để đối phó với dịch bệnh hàng loạt. Tổng cộng, Ý có khoảng 5.000 giường chăm sóc đặc biệt. Trong những tháng mùa đông, một phần trong số giường này đã đang điều trị các bệnh nhân có vấn đề về hô hấp khác. Lombardy và Veneto chỉ có hơn 1.800 giường chăm sóc đặc biệt trong các hệ thống công cộng và tư nhân, chỉ một phần trong số đó có thể được dành cho bệnh nhân COVID-19.
Chính phủ đã yêu cầu chính quyền khu vực tăng 50% số giường chăm sóc đặc biệt và tăng gấp đôi số giường cho các bệnh về đường hô hấp và truyền nhiễm, đồng thời tổ chức lại đội ngũ nhân viên để đảm bảo đủ biên chế. Khoảng 5.000 mặt nạ đã được mua cho các trạm chăm sóc đặc biệt, lô đầu tiên trong số đó sẽ đến vào thứ Sáu, thứ trưởng Bộ Kinh tế Laura Castelli cho biết. Khu vực này đã yêu cầu các viện điều dưỡng cho phép tuyển sinh viên tốt nghiệp để sớm có thêm y tá vào hệ thống. Các nhóm chuyên gia chăm sóc chuyên sâu và bác sĩ gây mê sẽ được thành lập, bao gồm cả nhân viên từ bên ngoài các khu vực bị ảnh hưởng xấu nhất.
Thêm vào gánh nặng của họ, các bệnh viện ở Ý phụ thuộc vào nhân viên y tế theo dõi các liên hệ mà những người có kết quả xét nghiệm dương tính với người khác. Một bác sĩ ở Bologna, người được yêu cầu giấu tên, cho biết ông đã dành 12 giờ để truy tìm những người đã tiếp xúc với chỉ một bệnh nhân dương tính, để đảm bảo những người cần xét nghiệm tiếp theo được tìm thấy. “Chúng tôi có thể làm điều đó nếu chỉ có vài ba trường hợp,” bác sĩ nói. “Nhưng khi con số đó nhân lên, cần có ai đó đảm nhiệm việc này. Hệ thống y tế sẽ nổ tung nếu chúng tôi tiếp tục kiểm tra mọi người một cách tích cực và sau đó phải làm tất cả điều này.”
“Công suất tối đa”
Ở Hàn Quốc cũng như ở Ý, một trường hợp phát hiện sớm của COVID-19 đã được xác định khi một nhân viên y tế tuân theo trực giác của họ, thay vì các hướng dẫn chính thức, về thử nghiệm. Trường hợp đầu tiên của nước này là một phụ nữ Trung Quốc 35 tuổi, cho kết quả dương tính vào ngày 20/1. Nhưng bùng phát dịch lớn nhất được phát hiện sau khi bệnh nhân thứ 31, một phụ nữ 61 tuổi ở thành phố phía đông nam của Hàn Quốc, được chẩn đoán ngày 18/2.
Giống như bệnh nhân tên Mattia ở Ý, người phụ nữ này không có mối liên hệ nào với Vũ Hán, Trung Quốc nơi căn bệnh này lần đầu tiên được xác định. Và như ở Ý, các bác sĩ quyết định đề nghị xét nghiệm ngược lại các hướng dẫn vào thời điểm đó là chỉ xét nghiệm những người đã đến Trung Quốc hoặc tiếp xúc với một trường hợp nhiễm đã được xác nhận, ông Choi Jaewook, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, cho biết.
Bệnh nhân 31 tuổi là một thành viên của Tân Thiên Địa, một tổ chức tôn giáo đã liên quan đến 61% trường hợp ở Hàn Quốc. Lây nhiễm lan ra ngoài sau đám tang của một người họ hàng của người sáng lập tổ chức tôn giáo, và tạo thành một số cụm nhỏ khác trên khắp đất nước.
Khi cụm lây nhiễm từ nhóm tôn giáo này được xác định, Hàn Quốc đã mở khoảng 50 cơ sở thử nghiệm di động trên khắp đất nước. Trong các bãi đậu xe trống, nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ dựa vào xe ô tô để kiểm tra những người bị sốt hoặc khó thở, và nếu cần, thu thập mẫu. Quá trình này thường mất khoảng 10 phút và mọi người thường nhận được kết quả trong một văn bản nhắc nhở họ rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.
Tổng cộng có 117 tổ chức ở Hàn Quốc có thiết bị để tiến hành các xét nghiệm, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC). Các con số dao động hàng ngày, nhưng trung bình là 12.000 xét nghiệm mỗi ngày, và công suất tối đa là 20.000 xét nghiệm mỗi ngày. Chính phủ trả tiền cho các xét nghiệm của những người có triệu chứng, nếu được bác sĩ giới thiệu. Mặt khác, những người muốn xét nghiệm có thể trả tới 170.000 won (140 đô la), một quan chức tại một công ty tên là Seegene Inc, nơi cung cấp 80% bộ dụng cụ xét nghiệm trên đất nước, cho biết họ có thể kiểm tra 96 mẫu cùng một lúc.
Ngoài ra còn có 130 nhân viên kiểm dịch như Kim Jeong-hwan, người tập trung vào các chi tiết nhỏ để theo dõi các bệnh nhân tiềm năng. Bác sĩ y tế công cộng 28 tuổi dành toàn bộ ngày làm việc của mình để kiểm tra từ xa những người đã thử nghiệm dương tính với COVID-19, căn bệnh do virus gây ra.
Kim, người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong một đội quân nhỏ của các sĩ quan kiểm dịch, theo dõi lịch sử di chuyển của bất kỳ người mang mầm bệnh tiềm tàng nào bằng điện thoại, ứng dụng hoặc tín hiệu được gửi từ điện thoại di động hoặc hộp đen trong ô tô. Mục tiêu của họ: Theo dõi tất cả các liên hệ mà mọi người có thể đã có, vì vậy họ cũng có thể được kiểm tra. “Tôi chưa thấy bất cứ ai nói dối. Tuy nhiên, rất nhiều người thường không nhớ chính xác những gì họ đã làm,” Kim nói.
Hiểu rõ quyết tâm của họ, các nhân viên kiểm dịch nói với Reuters rằng họ đã tìm thấy năm trường hợp sau khi một công nhân ở một thị trấn nhỏ bị nhiễm virus và đi làm trong một quán karaoke, một quán bar nơi mỗi chiếc máy cho phép mọi người hát một vài bài hát để kiếm được một đô la. Lúc đầu, người phụ nữ đang có triệu chứng không nói với cảnh sát nơi cô làm việc, các quan chức địa phương nói với Reuters. Nhưng họ đã giải được bài toán sau khi đặt câu hỏi cho những người quen của cô và có được vị trí GPS trên thiết bị di động của cô.
“Bây giờ, các sĩ quan kiểm dịch có quyền lực và thẩm quyền tối đa,” Kim Jun-geun, một quan chức tại huyện Changnyeong, người thu thập thông tin từ các nhân viên kiểm dịch, cho biết. Chính phủ Hàn Quốc cũng sử dụng dữ liệu vị trí để tùy chỉnh các tin nhắn hàng loạt được gửi đến điện thoại di động, thông báo cho mọi cư dân khi nào và nơi một trường hợp gần đó được xác nhận.
Lee Hee-young, một chuyên gia y tế dự phòng, cũng đang điều hành nhóm phản ứng corona virus ở tỉnh Gang Gyeonggi, cho biết Hàn Quốc đã học được một số kinh nghiệm sau dịch MERS, tăng cơ sở hạ tầng để đối phó với các bệnh truyền nhiễm. Nhưng bà nói chỉ có 30% những thay đổi mà đất nước cần được đáp ứng. Ví dụ, bà nói, việc duy trì một lực lượng lao động được đào tạo và cơ sở hạ tầng hiện đại tại các bệnh viện nhỏ hơn là không dễ dàng. “Cho đến khi chúng tôi khắc phục được nó, thì những vụ bùng phát như thế này có thể tiếp tục nổ tung ở bất cứ đâu.”, Lee nói
Theo Reuters
Hương Thảo dịch và biên tập
Ý báo cáo số người tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục
Hải Lam
Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý hôm 13/3 cho biết nước này ghi nhận thêm 250 người chết vì COVID-19 trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất được báo cáo, nâng tổng số ca tử vong lên 1.266.
Số ca nhiễm nCoV tại nước này là 17.660, tăng 2.547 so với hôm trước, 1.439 người đã hồi phục.
Tỷ lệ tử vong ở Ý ở mức khoảng 7%, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. Giới chức y tế nước này cho biết một trong những nguyên nhân là tình trạng dân số già, phần lớn các ca tử vong vì nCoV từ 80 tuổi trở lên với bệnh lý nền.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng cũng có những nguyên nhân khác lý giải cho tỷ lệ tử vong cao ở Ý.
Ilaria Capua, một nhà virus học tại Đại học Florida, tuần này cho biết rằng nhiều bệnh nhân có thể tử vong do tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh gây nhiễm trùng cho những người mắc nCoV. Ngoài ra, Lombardy, vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khi lượng lớn bệnh nhân cần điều trị đặc biệt.
Bộ Y tế Ý thông báo có thể tăng 50% số đơn vị chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc, song một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng “có khả năng không đáp ứng được yêu cầu tại các địa phương như vùng Lombardy nếu không ngăn nổi nCoV lây lan”.
Lombardy hiện ghi nhận 7.732 ca bệnh, 890 ca tử vong và 1.198 người đã hồi phục. Quan chức vùng này yêu cầu đóng cửa tất cả các nhà máy và văn phòng nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/y-bao-cao-so-nguoi-tu-vong-vi-covid-19-cao-ky-luc.html
Hy Lạp: Thêm 2 ca tử vong vì COVID-19,
đình chỉ tất cả chuyến bay đến Ý
Triệu Hằng
Hy Lạp trong hôm thứ Bảy (14/3) cho biết sẽ đình chỉ tất cả chuyến bay đến và đi từ Ý, sau khi báo cáo thêm 2 người chết vì virus corona, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 3.
Hai người đàn ông đã qua đời ở độ tuổi 67 và 90, họ đều có những vấn đề sức khỏe trước đó, Bộ Y tế Hy Lạp cho biết.
Cuối ngày thứ Sáu (13/3), Hy Lạp ghi nhận 190 ca nhiễm virus corona. Giới chức nước này ra lệnh đóng cửa các trường học, quán bar, quán cà phê và trung tâm mua sắm cũng như đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ miền Bắc nước Ý cho đến ngày 23/3 để chống lại sự lây lan của virus corona.
Tuy nhiên, vào ngày 14/3, Hy Lạp thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Ý, đồng thời đóng cửa tất cả các bảo tàng và địa điểm khảo cổ, bao gồm quần thể đồi Acropolis, nơi có thể quan sát bao trùm Athens cho đến cuối tháng. Tuy nhiên, chính quyền nước này chưa công bố khi nào quy định này có hiệu lực.
Theo Reuters
Triệu Hằng dịch và biên tập
‘Sát thủ săn ngầm’ Nga quần thảo trên tàu ngầm Mỹ
Biên đội máy bay Tu-142 lượn nhiều vòng ở độ cao nhỏ bên trên hai tàu ngầm Mỹ trong lúc các tiêm kích F-22 kèm sát.
Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) hôm qua công bố video biên đội máy bay săn ngầm Tu-142 Nga quần thảo trên căn cứ Seadragon ngoài khơi bang Alaska, nơi tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut và USS Toledo đang tham gia cuộc diễn tập phá băng (ICEX).
Tư lệnh NORAD Terrence O’Shaughnessy cho biết sự việc xảy ra hôm 9/3, khi phi cơ Nga bay vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Alaska. Hiện chưa rõ video được quay bởi thủy thủ trên tàu ngầm nào của hải quân Mỹ.
Hai chiếc Tu-142 bay nhiều vòng ở độ cao khoảng 760 m, ngay phía trên hai tàu ngầm Mỹ, trong khi tiêm kích F-22 Mỹ và CF-18 Canada kèm sát. Quan chức Mỹ không tiết lộ thời gian biên đội Nga quần thảo trên căn cứ Seadragon, nhưng cho biết những chiếc Tu-142 hoạt động trong ADIZ Alaska khoảng 4 tiếng.
ADIZ Alaska kéo dài khoảng 200 hải lý ngoài khơi bờ biển phía tây bang này. Tướng O’Shaughnessy cho biết máy bay Mỹ và Nga từng nhiều lần chạm mặt tại khu vực, nhưng phi cơ Nga chưa từng xâm phạm không phận Mỹ. Hai bên thường tiến hành hoạt động tiếp cận, áp sát một cách chuyên nghiệp và an toàn.
Tu-142 là dòng máy bay săn ngầm và tuần thám biển tầm xa ra đời từ thời Liên Xô, dựa trên nền tảng oanh tạc cơ chiến lược Tu-95. Biến thể nâng cấp sâu Tu-142MK trang bị nhiều hệ thống cảm biến hiện đại để phát hiện tàu ngầm dưới biển, cùng hệ thống radar cảnh giới và dẫn bắn cho tên lửa hành trình.
Mỗi máy bay Tu-142MK có bán kính chiến đấu 6.500 km, mang được tối đa 9 tấn vũ khí trang bị gồm phao thủy âm, thủy lôi, ngư lôi và tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35. Khả năng phát hiện, tiêu diệt nhiều loại tàu ngầm khiến nó được mệnh danh là “sát thủ săn ngầm” hàng đầu của không quân hải quân Nga.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33509-sat-thu-san-ngam-nga-quan-thao-tren-tau-ngam-my.html
Iraq lên án các cuộc không kích của Hoa Kỳ
Tin từ BAGHDAD, Iraq – Vào hôm thứ Sáu (13/3), chính quyền Iraq lên án các cuộc không kích của Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố rằng đợt tấn công này giết chết sáu người và mô tả sự việc là một hành động vi phạm chủ quyền và một cuộc xâm lược có mục tiêu chống lại lực lượng quân sự thường trực của quốc gia.
Phía quân đội Iraq khuyến cáo rằng các cuộc không kích sẽ mang đến hậu quả, trong khi Bộ Ngoại giao Iraq cho biết họ triệu tập các đại sứ Hoa Kỳ và Anh Quốc về “vụ tấn công gần đây của Hoa Kỳ” và tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để xác định hành động mà họ sẽ đưa ra.
Hoa Kỳ cho biết họ thực hiện một loạt các cuộc tấn công vào hôm thứ Năm chống lại một lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq. Hoa Kỳ cho rằng nhóm dân quân này tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn một ngày trước đó, khiến hai binh sĩ Mỹ và một binh sĩ Anh Quốc thiệt mạng.
Cuộc đối đầu lâu dài giữa Hoa Kỳ và Iran chủ yếu diễn ra trên đất Iraq trong những tháng gần đây. Bộ chỉ huy tác chiến chung của Iraq tuyên bố rằng ngoài sáu người thiệt mạng còn có 12 người bị thương
trong các cuộc không kích của Hoa Kỳ, và cơ sở hạ tầng, vũ khí và thiết bị tại các địa điểm quân sự mục tiêu đều bị phá hủy.
Ngũ Giác Đài cho biết các cuộc tấn công nhắm vào năm kho vũ khí được sử dụng bởi lực lượng dân quân Kataib Hezbollah, bao gồm các cơ sở chứa những vũ khí được sử dụng trong các cuộc tấn công trước đây nhằm vào quân đội liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo. (BBT)
https://www.sbtn.tv/iraq-len-an-cac-cuoc-khong-kich-cua-hoa-ky/
Tướng cấp cao Vệ binh Cách mạng Iran
tử vong vì COVID-19
Hải Lam
Hãng tin bán nhà nước Fars cho biết tướng Nasser Shabani, chỉ huy cấp cao thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, đã qua đời hôm 13/3 vì COVID-19.
Anadolu Agency dẫn tin từ Fars cho biết, chuẩn tướng Shabani đã bắt đầu sự nghiệp quân sự vào năm 1982 từ cuộc chiến tranh Iran – Iraq.
Theo News Straits Times, ông Shabani là một trong những chính trị gia, quan chức quân sự cấp cao ở Iran đã nhiễm bệnh hoặc qua đời vì nCov.
Theo cập nhật của worldometer lúc 15h51 (giờ Việt Nam) ngày 14/3, Iran ghi nhận tổng cộng 11.364 ca nhiễm và 514 người đã tử vong. Nước này hiện là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ý.
AP cho biết, gần đây ngân hàng Trung ương Iran đã đề nghị vay khẩn cấp 5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm đối phó với dịch COVID-19.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tuong-cap-cao-ve-binh-cach-mang-iran-tu-vong-vi-covid-19.html
Covid-19 : Ổ dịch lớn tại Trung Đông,
Iran huy động quân đội kiểm soát lưu thông
Tại Trung Đông, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran thành ổ dịch virus corona lớn nhất. Bộ Y Tế Iran hôm nay, 14/3/2020, cho biết có thêm 97 trường hợp tử vong và 1.365 ca nhiễm mới. Chính quyền Teheran kêu gọi quân đội can thiệp nhằm kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển của người dân trong các thành phố và trên toàn quốc.
Từ thủ đô Iran, thông tín viên đài RFI, Siavosh Ghazi cho biết thêm chi tiết :
« Theo tổng tư lệnh các lực lượng quân đội, chiến dịch hạn chế sự hiện diện của người dân trên đường phố, tại các cửa hàng và trên các con lộ của đất nước sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vài giờ sắp tới. Quyết định này là do chính quyền đưa ra nhằm kiểm soát tình hình lây lan dịch virus corona trên khắp cả nước, nhất là gần đến kỳ nghỉ đón năm mới của Iran, bắt đầu từ ngày 20/3 và sẽ kéo dài trong vòng hai tuần.
Hàng năm, hàng chục triệu người dân lên đường đi nghỉ. Điều này có thể làm gia tăng tốc độ lây nhiễm virus corona. Hiện tại, chưa có một thông báo cụ thể nào về biện pháp vừa được đưa ra. Việc ra vào ở một số thành phố hay vùng ổ dịch giờ đã bị kiểm soát.
Iran là nước bị ảnh hưởng nặng nhất sau Trung Quốc và Ý. Tướng Mohammad Hossein Baqeri cũng cho biết là toàn bộ người dân Iran sẽ bị kiểm tra bằng điện thoại hay qua mạng xã hội để xác định những người bị nghi ngờ nhiễm bệnh.
Các biện pháp nghiêm ngặt này đã được đưa ra sau khi lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, ra lệnh cho các lực lượng quân đội tham gia vào cuộc chiến chống dịch virus corona chủng mới.
Nhiều nghị sĩ và một số quan chức tỉnh khẳng định những ngày gần đây, số người nhiễm virus corona cao hơn con số được công bố ».
Iran lần đầu tiên cầu cứu IMF
Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh, chính quyền Teheran cách nay hai hôm, ngày 12/3/2020 đã lên tiếng yêu cầu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) trợ giúp 5 tỷ đô la và đòi gỡ bỏ ngay lập tức tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ gần 60 năm qua Iran có yêu cầu này đối với IMF. Tuy nhiên, thông tín viên Siavosh Ghazi lưu ý, không một quyết định nào do IMF đưa ra mà không có ý kiến của Washington.
Virus corona :
Đông Nam Á tăng cường biện pháp ngăn chặn lây lan
Khu vực Đông Nam Á vừa có một “ổ phát tán” virus corona: Một cuộc tập họp gần Kuala Lumpur của hơn một chục ngàn tín đồ Hồi Giáo đến từ nhiều nước, đã làm virus lây lan không những cho người Malaysia mà cho cả người Singapore và Brunei. Các quốc gia này buộc phải tăng cường biện pháp để chặn đà lan rộng của virus.
Thông tín viên RFI tại Kuala Lumpur, Gabrielle Maréchaux tường thuật :
Việc lây nhiễm khởi đầu từ đền thờ Hồi Giáo Sri Petaling, ngoại ô Kuala Lumpur. Đã có đến 16.000 người tập hợp về đây từ ngày 27/02 đến 1/03, theo sự huy động của một phong trào Hồi Giáo mới mang tên Tabligh.
15 ngày sau, 2 người Singapore hiện diện trong cuộc tập hợp đã được xét nghiệm dương tính với virus corona, trong lúc 11 người trở về Brunei đã trở thành những ca nhiễm đầu tiên tại quốc gia này mà số người bị nhiễm đã lên 37 người.
Tại Malaysia, trong số 9 ca nhiễm tính trong ngày thứ Năm, 12/03, ít nhất 3 người có liên quan đến vụ tập hợp này, và chính quyền đang tìm kiếm tất cả các tín đồ tham gia cuộc tập hợp để xét nghiệm.
Để ngăn chặn virus lây nhiễm trong cộng đồng Hồi Giáo của mình, Singapore đã đóng cửa tổng cộng 66 đền thờ.
Tại Malaysia, nơi mà đàn ông Hồi Giáo không đi cầu nguyện ngày thứ Sáu có thể bị truy tố, thì chỉ có một bang ở miền bắc là theo gương Singapore.
Bộ trưởng đặc trách vấn đề tôn giáo Malaysia tuy nhiên đã khuyên giáo sĩ ở các đền thờ là nên rút ngắn bài giảng, phân phát khẩu trang và gel rửa tay. Tín đồ cũng được khuyên tắm rửa ở nhà.
Singapore cấm nhập cảnh người đến từ 4 nước Châu Âu
Trong những biện pháp chặn đà lây nhiễm Covid-19, bộ Y tế Singapore vào ngày 13/03 thông báo là kể từ thứ Hai 16/03, Singapore sẽ cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với những hành khách đã đến Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Đức trong vòng 14 ngày qua.
Singapore cũng khuyên các công dân không đến 4 quốc gia nói trên nếu không cần thiết. Ngoài ra, quốc gia này còn quyết định chặn ngay, không cho các du thuyền cập bến.
Theo số liệu tính đến hết ngày 13/03, Singapore đã có tổng cộng 200 ca nhiễm virus corona, không có trường hợp tử vong nào. Malaysia cũng bị 197 ca lây nhiễm, không có người chết. Tình hình Brunei nhẹ hơn, có 37 trường hợp nhiễm bệnh.
Trung Quốc chi 550 tỉ nhân dân tệ để vực kinh tế sau Covid-19
Trong bối cảnh tình hình dịch virus corona có chiều hướng giảm xuống, Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo ngày 13/03/2020 sẽ chi 550 tỉ nhân dân tệ (tương đương với 70,6 tỉ euro) để hỗ trợ nền kinh tế.
Cụ thể, lãi suất các khoản tiền mà các ngân hàng Trung Quốc gửi trong Ngân hàng Trung ương sẽ giảm từ 0,5 đến 1% ngay từ thứ Hai 16/03. Với biện pháp này, Ngân hàng Trung ương buộc các ngân hàng thương mại phải cho các doanh nghiệp vay nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế, vốn đã bị tác động vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và bị đình trệ từ tháng Giêng 2020 do dịch Covid-19.
Trong khi dịch Covid-19 hoành hành tại các nước phương Tây, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm xuống mức kỷ lục : chỉ có thêm 11 người bị nhiễm virus corona trong 24 giờ qua, chủ yếu là từ nước ngoài đến. Tuy nhiên, số người chết trong một ngày lại cao hơn số người bị nhiễm mới, với 13 ca tử vong, theo thông báo của bộ Y Tế Trung Quốc ngày 14/03.
Hàn Quốc : Số ca nhiễm mới tiếp tục giảm
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới cũng giảm liên tục trong ba ngày liên tiếp, với 107 ca mới trong vòng 24 giờ, chủ yếu là ở thành phố Daegu, theo thống kê ngày 14/03 của Trung tâm Kiểm tra và Phòng ngừa Dịch bệnh (KCDC). Hiện tại, Hàn Quốc phát hiện 8.086 ca nhiễm virus corona. Trang Yonhap cho biết có khoảng 127 nước và vùng lãnh thổ hạn chế tiếp nhận công dân Hàn Quốc kể từ ngày 13/03 vì do lo ngại dịch Covid-19 ở nước này.
Tăng cường hơn nữa
quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản
Tại cuộc họp Ủy ban hợp tác ASEAN-Nhật Bản, hai bên cùng đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua và định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Ngày 11/3, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia, diễn ra Cuộc họp lần thứ 14 Ủy ban hợp tác chung ASEAN-Nhật Bản (AJJCC) do Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại ASEAN, và ông Chiba Akira, Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN, đồng chủ trì.
Tại cuộc họp, hai bên đánh giá những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và định hướng hợp tác ASEAN – Nhật Bản trong thời gian tới.
Những kết quả đạt được trong hợp tác ASEAN-Nhật Bản
Tại cuộc họp, hai bên đánh giá cao những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội giữa ASEAN và Nhật Bản.
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN với thương mại hai chiều năm 2018 đạt 231.7 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào ASEAN đạt 21 tỷ USD năm 2018, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 của ASEAN.
Các nước ghi nhận kết quả tích cực trong thực hiện Kế hoạch sửa đổi 2017 triển khai Tuyên bố tầm nhìn ASEAN-Nhật Bản, với 71/75 dòng hành động đã được triển khai, tăng 3 dòng hành động so với năm 2019.
Các nước ASEAN đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Nhật Bản dành cho ASEAN trong nhiều năm thông qua Quỹ Liên kết ASEAN-Nhật Bản (JAIF) với tổng số tiền tài trợ đạt 84.565.949 USD tính đến 31/12/2019.
Hiệp định Hợp tác kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản (TCA) ký tháng 5/2019 cũng bắt đầu được triển khai thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ngay trong năm tài khóa 2019-2020 với 1 khóa đào tạo về tăng cường năng lực an ninh mạng, và 3 khóa đào tạo dự kiến trong năm 2020 về phát triển hệ thống liên vận bền vững khu vực, quản lý cảng biển chiến lược và xử lý rác thải biển.
Nhật Bản là nước tham gia hỗ trợ tích cực cho ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo về công nghệ thông tin, y tế sức khỏe; thúc đẩy giao lưu hiểu biết giữa người dân hai khu vực thông qua nhiều dự án, chương trình như JENESYS, Dự án WA và Trung tâm Châu Á.
Các hoạt động hợp tác, giao lưu thể thao ASEAN-Nhật Bản cũng được tăng cường thông qua sáng kiến chung Hành động ASEAN-Nhật Bản về Thể thao 2019-2020.
Nhật Bản tích cực hợp tác, hỗ trợ ASEAN thực hiện Hiệp định ASEAN về Quản lý Thiên tai và Ứng phó Khẩn cấp (AADMER) Chương trình Công tác 2016-2020; dành nhiều hỗ trợ tài chính cho các chương trình của Trung tâm Điều phối ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (AHA).
Định hướng hợp tác ASEAN-Nhật Bản
Về định hướng cho hợp tác, ASEAN và Nhật Bản khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản, thực hiện hiệu quả các Tuyên bố chung của Lãnh đạo Cấp cao, trong đó có Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 45 năm Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản (năm 2018) và Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 22 về Kết nối (năm 2019).
Theo đó, ASEAN và Nhật Bản sẽ ưu tiên tăng cường hợp tác về kết nối, phát triển hạ tầng, thông qua thực hiện Đối tác Giao thông ASEAN-Nhật Bản (AJTP), đàm phán Hiệp định Dịch vụ Hàng không ASEAN-Nhật Bản, và tạo sự gắn kết giữa việc triển khai Sáng kiến của Nhật Bản về Đối tác mở rộng về hạ tầng chất lượng cao với Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025).
Tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản – 2
Hai bên cũng sẽ tập trung nguồn lực cho việc thực hiện toàn diện các dòng hành động trong Kế hoạch sửa đổi 2017 thực hiện Tuyên bố tầm nhìn ASEAN-Nhật Bản và Lộ trình chiến lược về hợp tác kinh tế 10 năm.
Đặc biệt là các hoạt động và dự án hỗ trợ ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu về xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác phát triển nguồn nhân lực, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), thành phố thông minh, sáng tạo, kinh tế số và hỗ trợ thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0, năng lượng, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu…
Các nước cũng nhấn mạnh cần sớm hoàn tất các thủ tục để Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản có hiệu lực, qua đó giúp gia tăng hơn nữa đầu tư và thương mại dịch vụ giữa hai bên, cũng như thúc đẩy việc ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) trong năm 2020.
Nhật Bản đánh giá cao và ủng hộ các ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, cũng như nhấn mạnh triển khai 3 định hướng phát triển quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác ASEAN-Nhật Bản về “phát triển con người”, “xây dựng thể chế” và “tích lũy trí tuệ” như Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu nêu trong bài phát biểu chính sách quan trọng tại Ban Thư ký ASEAN ngày 10/01/2020, trên nền tảng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và ưu tiên triển khai Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản quyết định cấp bổ sung 1,045 tỷ Yên (tương đương 9,5 triệu USD) cho Quỹ Liên kết ASEAN-Nhật Bản (JAIF) năm 2020, và 562.477.000 Yên (tương đương 5,11 triệu USD) cho Chương trình Giao lưu Thanh niên và Sinh viên Nhật Bản và Đông Á 2020 (JENESYS 2020), cũng như kế hoạch huy động 3 tỷ USD từ khu vực công tư từ năm 2020-2021, bao gồm 1,2 tỷ USD dành cho các khoản vay và đầu tư ở nước ngoài cho ASEAN thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Lãnh đạo phong trào Ô dù Chan Kin-man
đã ra tù và nói ‘Không hối hận’
Hải Lam
Ông Chan Kin-man, nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, đã ra tù hôm nay (14/3) và nói rằng ông không hối hận về vai trò lãnh đạo của mình trong phong trào Ô dù năm 2014.
“Cuộc sống trong tù rất khó khăn, nhưng tôi không hề hối hận chút nào … vì đây là cái giá cần thiết cho việc đấu tranh cho dân chủ”, ông Chan cho biết và hô vang: “Tôi muốn được bầu cử phổ quát”
“Tôi nghĩ sau vài tháng qua, người Hồng Kông hiểu thêm lý do tại sao chúng tôi phải sử dụng sự bất tuân dân sự để đấu tranh cho tự do”, ông Chan nói thêm.
Ông Chan Kin-man, 61 tuổi, một nhà xã hội học đã nghỉ hưu và là một trong ba nhà lãnh đạo của phong trào Ô dù năm 2014, đã bị chính quyền kết án vào năm ngoái vì gây rối trật tự công cộng.
Phong trào Ô dù kéo dài 79 ngày, gồm các cuộc biểu tình dân chủ ôn hòa, kêu gọi quyền bầu cử phổ quát nhưng không giành được sự nhượng bộ từ chính quyền Bắc Kinh. Phong trào có tên như vậy bởi các nhà hoạt động đã sử dụng ô để che chắn hơi cay của cảnh sát.
“Chiến thuật ô” đã xuất hiện trở lại vào mùa hè năm ngoái trong phong trào biểu tình yêu cầu nền dân chủ lớn hơn cho Hồng Kông, bắt đầu từ việc phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc.
Ông Chan nói rằng, ông hiểu lý do tại sao những người biểu tình trẻ tuổi phải dùng đến “biện pháp mạnh” vì họ cảm thấy chính phủ không còn công bằng.
Nhà hoạt động Chan Kin-man cho biết ông có kế hoạch đến thăm những người biểu tình trẻ bị bắt trong thời gian gần đây và chia sẻ với họ kinh nghiệm về cách đối phó với những cáo buộc mà họ phải đối mặt.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/lanh-dao-phong-trao-o-du-chan-kin-man-da-ra-tu-va-noi-khong-hoi-han.html
TQ ‘viết lại lịch sử’ về virus COVID-19
Khi các trường hợp nhiễm mới COVID-19 ở Trung Quốc đang có xu hướng giảm xuống, chính quyền Trung Quốc tung chiến dịch tuyên truyền nhằm viết lại lịch sử về virus COVID-19, chuyển sang hướng Trung Quốc là quốc gia quyền lực, có trách nhiệm trong việc chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn và thiết bị y tế với các quốc gia đang bị dịch bệnh bùng phát.
Chính quyền Trung Quốc đã thiết lập bộ máy tuyên truyền khổng lồ nhằm xóa đi ký ức tập thể về nguồn gốc của virus COVID-19 ở trong nước và ngoài nước, đồng thời chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra một thông điệp rằng họ có thể kiểm soát dịch bệnh và kêu gọi các nước giảm bớt lệnh cấm du lịch đối với người dân Trung Quốc. Theo Bộ ngoại giao Trung Quốc, họ đã thực hiện hơn 400 cuộc phỏng vấn truyền thông và xuất bản hơn 300 bài báo để thực hiện chiến dịch tuyên truyền này.
Chính quyền Trung Quốc dùng biện pháp quyên góp thiết bị y tế nhằm nỗ lực viết lại lịch sử về virus COVID-19, sau khi Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì cố tình che giấu tình hình dịch bệnh ban đầu ở Vũ Hán, dẫn đến tình trạng lây lan virus nghiêm trọng tại đất nước này và sau đó lây lan ra toàn cầu.
Ông Alfred Wu, phó giáo sư tại trường Lee Kuan Yew của Chính sách công tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, nhờ bộ máy tuyên truyền, Trung Quốc đã giành được sự khen ngợi vì thành công khi dùng các biện pháp ngăn chặn độc tài, bao gồm cả biện pháp phong tỏa cực đoan cả tỉnh Hồ Bắc, nơi có 60 triệu người, làm chậm đáng kể sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm mới ngay cả khi dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu.
Ông Alfred cho biết thêm, Trung Quốc đang cẩn thận chỉnh sửa lại hình ảnh tệ hại của chính phủ do trì hoãn phản ứng và che dấu tình trạng dịch bệnh dẫn đến khủng hoảng toàn cầu.
Một phần trong nỗ lực chỉnh sửa của Bắc Kinh, cho rằng virus COVID-19 chưa hẳn bắt đầu từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi nó được truy tìm đến một khu chợ bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Zhao Lijian cho biết trên Twitter hôm thứ Năm tuần trước (dù mạng xã hội này bị cấm tại Trung Quốc): tuy virus COVID19 lần đầu tiên được tìm thấy ở Trung Quốc, nhưng nguồn gốc của nó không nhất thiết phải ở Trung Quốc. Chúng tôi đang tìm kiếm xem con virus này xuất phát từ đâu.
David Ho, một nhà nghiên cứu AIDS nổi tiếng của Đại học Columbia, cho biết virus COVID19 gần như chắc chắn bắt đầu ở Trung Quốc. Về những gì chúng ta biết về SARS và virus này và những gì chúng ta biết về tất cả các loại coronavirus có trong các loài động vật khác, tôi rất ít nghi ngờ rằng nguồn gốc là Trung Quốc, anh nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Voice of America. Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) cũng do một loại coronavirus gây ra. Nó bùng phát ở Trung Quốc và giết chết 774 người vào năm 2002, 2003.
Hơn 120,000 người đã bị nhiễm coronavirus mới trên toàn cầu và hơn 4.600 người đã chết, hầu hết ở Trung Quốc.
Cũng trong chiến dịch tuyên truyền, một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc tuyên bố gần đây, trong lúc vẫn tiếp tục công việc phòng dịch tại Đại Lục: “chúng tôi sẽ cung cấp trong phạm vi khả năng của mình sự hỗ trợ cho các nước”.
Trong khi liên tục cáo buộc Hoa Kỳ lan truyền sự hoảng loạn về virus COVID-19, Trung Quốc cũng hợp thức hóa việc chỉnh sửa hình ảnh của mình bằng cách cung cấp trợ giúp cho các quốc gia khó khăn như Iran, Ý và Hàn Quốc các thiết bị y tế.
Tuần trước nữa, Trung Quốc đã gửi một đội ngũ y tế đến Iran cùng với 250.000 mặt nạ và 5.000 bộ dụng cụ thử nghiệm.
Thành phố Thượng Hải đã gửi nửa triệu khẩu trang đến thành phố Daegu, Hàn Quốc, trung tâm bùng phát dịch COVID-19. Một hiệp hội thương mại ở tỉnh Chiết Giang đã tặng 2.600 cặp kính bảo hộ cho thành phố Torino của Ý.
Tuần vừa rồi, nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Trung Quốc, Wang Yi, cho biết, việc này là cần thiết cho “Con đường tơ lụa” toàn cầu của Công ty Y tế, liên quan đến “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013.
Natasha Kassam, một nhà nghiên cứu tại Viện Lowy ở Úc cho biết, tình hình các quốc gia khác đang vật lộn với sự bùng phát của virus COVID-19 đã mang đến cho bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc một cơ hội “rất tốt và hiệu quả”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33510-tq-viet-lai-lich-su-ve-virus-covid-19.html
Hàng không TQ thiệt hại nặng nề:
giảm 84,5% khách trong tháng 2
Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) ngày 12-3 thông báo tổng số hành khách của ngành đã giảm 84,5% còn 8,34 triệu người trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái vì dịch bệnh từ virus corona chủng mới (COVID-19).
Trong buổi họp báo ngày 12-3, CAAC cho biết các hãng hàng không Trung Quốc đã thiệt hại 20,96 tỉ NDT (tương đương 3 tỉ USD) trong tháng 2 vì dịch COVID-19 lan rộng làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.
Nhìn chung, toàn ngành hàng không của Trung Quốc đã mất 24,59 tỉ NDT (khoảng 3,53 tỉ USD) trong vòng 1 tháng vừa qua.
Tuy nhiên, CAAC cho biết số chuyến bay trong tuần trước đã tăng và đạt 40% của mức trước khi dịch bệnh bùng nổ kéo theo nhiều nước trên thế giới ban hành lệnh cấm đi lại. Cơ quan này kỳ vọng nhu cầu đối với hàng không sẽ nhanh chóng khôi phục trong tháng 3.
Trước đó, CAAC đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết hậu quả của COVID-19. Ngoài hỗ trợ về tài chính, CAAC cũng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho hàng không Trung Quốc. Tổng cộng CAAC đã công bố 16 biện pháp hỗ trợ, tất cả đều nhằm “thúc đẩy sự phát triển ổn định” của ngành, theo trang Flight Global ngày 11-3.
Về hỗ trợ tài chính, CAAC sẽ trợ cấp cho các hãng hàng không, kèm theo gói hỗ trợ thêm đối với các dịch vụ quốc tế. Trong giai đoạn này, CAAC cũng sẽ miễn trách nhiệm đóng quỹ phát triển hàng không, phí sân bãi tại sân bay và điều khiển không lưu cho các hãng.
Trung Quốc đồng thời sẽ tăng gấp đôi đầu tư cơ sở hạ tầng của ngành với mục tiêu đầu tư tài sản cố định lên đến 100 tỉ NDT (14,4 tỉ USD) trong phần còn lại của năm 2020.
Không chỉ có Trung Quốc chịu thiệt hại, hoạt động hàng không quốc tế của Mỹ cũng liên tục giảm trong năm 2020 so với 1 năm trước, theo số liệu từ Trung tâm Hàng không CAPA của Úc.
Dù tăng trưởng ngành đã được dự đoán cho đến tháng 5-2020, CAPA cho rằng Mỹ sẽ sớm hạ mức kỳ vọng trong tình hình hiện nay.
TQ chuyển trọng tâm
sang phòng chống Covid-19 “ngoại nhập”
Trọng tâm công tác phòng chống dịch Covid 19 của Trung Quốc thời gian tới sẽ tập trung vào việc ngăn chặn các ca bệnh “ngoại nhập” vào nước này.
Ông Chung Nam Sơn – chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc đánh giá, thời gian gần đây, trong khi Trung Quốc từng bước khống chế được tình hình dịch bệnh trong nước thì hàng loạt các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông… xuất hiện các ca mắc Covid- 19 từ bên ngoài nhập ngược trở lại nước này. Đây được coi là một trong những nguy cơ lớn đối với công tác phòng chống dịch của Trung Quốc. Do đó, trọng tâm của công tác phòng chống dịch của nước này thời gian tới sẽ là kiểm soát tốt nhằm ngăn ngừa các ca bệnh từ nước ngoài xâm nhập ngược trở lại.
“Nhiệm vụ cần chú ý hiện nay đó là kiểm soát tốt các ca bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào Trung Quốc”- Ông Chung Nam Sơn nói.
Cùng với việc triển khai công tác đồng bộ trên cả nước thì một số thành phố lớn của Trung Quốc cũng đưa ra hàng loạt các quy định kiểm soát chặt chẽ đối với du khách nước ngoài cũng như công dân Trung Quốc khi từ các vùng trọng điểm dịch quay trở lại hoặc quá cảnh Trung Quốc. Mới đây, chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng yêu cầu tất cả hành khách đến từ nước ngoài đều phải cách ly 14 ngày tại nhà hoặc các cơ sở y tế chỉ định. Sân bay quốc tế Bắc Kinh cũng bố trí riêng một khu vực để sàng lọc, đăng ký thông tin hành khách của tất cả các chuyến bay quốc tế, đồng thời bố trí đội xe chuyên dụng để chở hành khách.
Số liệu mới nhất cho thấy, hiện Trung Quốc đã phát hiện 85 ca bệnh “ngoại nhập” từ các nước: Iran, Italy, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ và một số trường hợp quá cảnh tại các vùng dịch nghiêm trọng trên thế giới
Anh hưởng của TQ đến Đông Nam Á như thế nào?
Bên cạnh sự giảm sút về trao đổi thương mại, nhiều cam kết đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là tại Đông Nam Á, khó có thể thực hiện được.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu lớn nhất đối với 9 trong số 10 quốc gia tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, đây cũng là một thị trường xuất khẩu ngày càng quan trọng đối với khu vực. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về sự phụ thuộc của một số quốc gia Đông Nam Á vào Trung Quốc, nhưng dịch bệnh đang làm thay đổi tình hình.
Sụt giảm hoạt động giao thương
Với lượng khách du lịch sụt giảm mạnh, đặc biệt là từ Trung Quốc, nhiều chủ doanh nghiệp tại Đông Nam Á đang cảm thấy lo âu.
“Tôi không có bất cứ khách hàng nào, trong khi đó tôi phải chi tiêu tổng cộng 20.000 USD mỗi tháng vì tôi thuê 35 nhân công. Tôi vẫn giữ lại các nhân viên vì họ rất tốt. Chúng tôi đã chuẩn bị cho một giai đoạn gián đoạn dài hơn trong việc hoạt động”, một doanh nhân Hàn Quốc – người điều hành chuỗi khách sạn tại Đà Nẵng cho biết.
Hiện nay, nhiều bãi biển của Thái Lan và Malaysia gần như bị bỏ hoang do sụt giảm lượng du khách. Các nhà phân tích dự đoán rằng, nhu cầu giảm sút chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy thoái kinh tế đối với toàn khu vực. Lấy ví dụ, các tỉnh phía Bắc của Lào vốn phụ thuộc vào thương mại với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đang phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do hoạt động giao thương giữa hai bên tạm dừng trong thời gian qua.
“Cứ vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm, người Trung Quốc đổ về các ngôi làng để mua một số lượng lớn sản phẩm nông nghệp theo đơn đặt hàng. Bây giờ cửa khẩu biên giới với Trung Quốc bị đóng cửa, cao su và dưa hấu của chúng tôi không tìm được nguồn tiêu thụ”, những người dân từ tỉnh Luang Namtha cho biết.
Lệnh phong tỏa cũng làm gián đoạn việc vận hành tuyến đường sắt kết nối Lào-Trung Quốc và các hoạt động tại Đặc khu kinh tế Boten ở biên giới phía bắc Lào. Tình trạng tương tự đang diễn ra với nhiều dự án xây dựng mà các công ty Trung Quốc đảm nhận trên khắp khu vực.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tăng cường đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, nhằm tránh phải chịu sự gia tăng chi phí hoạt động ở Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi không phụ thuộc vào nguồn tiền hay lao động của Trung Quốc, nhiều nhà máy trên khắp khu vực vẫn rơi vào tình trạng tê liệt vì không đủ nguyên liệu đầu vào. Tại Campuchia, 200 nhà máy có nguy cơ dừng hoạt động sản xuất do thiếu nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến hơn 100.000 công nhân trong ngành may mặc.
Nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc có nguy cơ bị hủy bỏ
Bên cạnh sự giảm sút về hoạt động giao thương, nhiều cam kết đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là tại Đông Nam Á, khó có thể thực hiện được. Nguy cơ tăng trưởng chậm, thậm chí là suy thoái kinh tế do dịch bệnh Covid-19 dễ khiến Trung Quốc thiếu hụt nguồn vốn. Giới phân tích cho rằng, hầu hết các dự án chiến lược trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ không bị nhiễu loạn, nhưng những khoản đầu tư được cho là có nguy cơ rủi ro lớn sẽ nằm trong danh sách bị loại bỏ đầu tiên.
Giai đoạn hoàng kim của việc chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài của Trung Quốc có thể không còn nữa nếu các nhà lãnh đạo nước này chuyển sự tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng trong nước. Trung Quốc có thể sửa đổi khẩu hiệu của mình bằng cách nhấn mạnh rằng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” cần phải được thực hiện bằng nỗ lực của một tập thể thay vì bằng hành động từ một phía. Nếu kịch bản này xảy ra, việc thu hút đầu tư nước ngoài có thể trở thành vấn đề đau đầu của nhiều chính phủ Đông Nam Á.
Đông Nam Á vẫn có khả năng tự phục hồi
Xem xét một cách kỹ lưỡng, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu từ các nền kinh tế mới nổi như Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam sang Trung Quốc đã vượt xa tốc độ nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, các nước như Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan lại rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại với Bắc Kinh.
Nếu các nhà máy duy trì đóng cửa trong thời gian dài, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế khá mạnh, hơn 7% vào năm 2019, Việt Nam có thể sớm vượt qua giai đoạn này. Trong khi đó, tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế của Singapore
sẽ nghiêm trọng hơn vì quốc gia này đã phải chịu sự tăng trưởng chậm trước thời điểm dịch bệnh diễn ra.
Trong tình thế khó khăn hiện nay, Tham Siew Yean, giáo sư danh dự tại Đại học Kebangsaan Malaysia cho biết, các nhà sản xuất Đông Nam Á có thể đa dạng hóa nguồn cung, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí vì các nguồn thay thế khác có thể đắt đỏ hơn.
Một số nước Đông Nam Á hy vọng việc cắt giảm lãi suất sẽ mang lại hiệu quả. Indonesia – nhà cung cấp than, khí đốt và cao su, đã giảm lãi suất xuống 4,75% vào tháng 2/2020. Thái Lan đã hạ thấp lãi suất xuống còn 1% – mức thấp kỷ lục, bởi nước này phụ thuộc khá nhiều vào ngành du lịch cũng như ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc. Malaysia và Indonesia đã ban hành các gói kích thích kinh tế để chống lại tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Cây bút Robert Bociaga của tờ The Diplomat cho rằng, Covid-19 nên được coi là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với các quốc gia đang phấn đấu để bắt kịp tốc độ tăng trưởng của phần còn lại của thế giới. Thực tế cho thấy môi trường chính trị trên phạm vi toàn cầu không có lợi cho một sự đảo ngược, nhưng đã đến lúc Đông Nam Á cần thức tỉnh và điều hướng sự chuyển đổi của chính mình. Khu vực này vẫn có thể tìm thấy sự lạc quan trong giai đoạn bất ổn nếu ASEAN – với vai trò là một khối thống nhất, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong bối cảnh Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang bị trì hoãn, các chính trị gia và các doanh nghiệp có cơ hội sửa đổi chiến lược của họ. Theo Robert Bociaga, ngoài việc cắt giảm lãi suất, Đông Nam Á nên cải cách các chính sách của khu vực về lâu về dài, xây dựng thêm nhiều trung tâm sản xuất hàng hóa và dịch vụ để đóng vai trò to lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáng chú ý Trung Quốc cũng đang nỗ lực hành động ngăn không để dịch bệnh Covid-19 gây tổn hại lâu dài đến chiến lược Đông Nam Á của nước này. Vào cuối tháng 2/2020, Bắc Kinh đã thảo luận về ảnh hưởng của Covid-19 với các đối tác Đông Nam Á ở Vientiane, Lào, nhằm củng cố sự đoàn kết trong khu vực trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
http://biendong.net/dam-luan/33505-anh-huong-cua-tq-den-dong-nam-a-nhu-the-nao.html
Vũ Hán sa thải nhiều cán bộ cao cấp
sau khi thịt lợn được vận chuyển bằng xe rác
Tin từ Vũ Hán. – Chính quyền địa phương cho biết hai cán bộ ở thành phố Vũ Hán bị cách chức và một người khác đang bị điều tra, sau khi nhân viên chính quyền sử dụng xe chở rác để vận chuyển một lô hàng thịt lợn cho người dân tiêu thụ.
Cư dân trong cộng đồng Yuanlin của quận Qingshan phẫn nộ khi thịt lợn họ mua từ các cửa hàng chính phủ được chuyển đến trong xe chở rác vào hôm thứ Tư (11/3). Theo những người dân phàn nàn trên mạng xã hội Weibo, thì 1,000 phần thịt này được đóng gói trong túi nhựa, được đổ xuống đất và sau đó trao cho khách hàng.
Trong một bức ảnh được chia sẻ rộng rãi, những chiếc túi được đổ xuống từ một chiếc xe rác cũ kỹ và bẩn thỉu lên một tấm nhựa lớn trên mặt đất. Trong một bức ảnh khác, một số công nhân bước lên tấm nhựa để đếm các túi thịt.
Nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu được kiểm soát bởi chính quyền kể từ khi Vũ Hán, thành phố ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của vụ dịch coronavirus, bị phong tỏa vào cuối tháng 1. Cư dân vẫn bị cách ly và các trường hợp mới, đạt gần 4,000 trong một ngày vào giữa tháng Hai, giảm xuống còn tám ca vào hôm thứ Tư (11/3).
Vào hôm thứ Năm (12/3), ủy ban kỷ luật của thành phố cho biết ông Luo Rong, phó lãnh đạo quận Qingshan, người chịu trách nhiệm về khâu hậu cần trong dịch bệnh, đang bị điều tra. Vào hôm thứ Tư (11/3), các nhà chức trách cho biết hai cán bộ cao cấp của chính quyền cấp dưới ở Qingshan bị cách chức. (BBT)
Chiến dịch ‘cảm ơn’ Tập Cận Bình của chính phủ
bị người dân Vũ Hán thẳng thừng từ chối
Tuệ Minh
Ngày 10/03, lần đầu tiên Ông Tập Cận Bình thị sát thành phố Vũ Hán kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Theo giới quan sát, chuyến thăm Vũ Hán của ông Tập có hai mục tiêu, vừa để thị uy người dân trong nước, vừa để “ra oai” với quốc tế, cho thấy là Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch virus COVID-19.
Mặc dù giảm mạnh các trường hợp nhiễm bệnh mới, nhưng người dân Vũ Hán đã rất tức giận trước một bài phát biểu được đưa ra bởi Vương Trung Lâm, bí thư Thành ủy Vũ Hán, 4 ngày trước khi ông Tập đi thị sát. Trong bài phát biểu đã kêu gọi một “chiến dịch giáo dục lòng biết ơn”, theo đó, người dân Vũ Hán sẽ được dạy để bày tỏ lời cảm ơn tới ông Tập và ĐCSTQ vì những nỗ lực trong việc khắc phục dịch bệnh.
Có rất nhiều bài đăng trực tuyến đến nỗi các cơ quan kiểm duyệt thông tin của ĐCSTQ không kịp để xóa tất cả. “Chúng tôi vẫn đang ở giữa cuộc chiến chống lại virus chết người”, “Mọi người đang chết mỗi ngày,” “Giá thực phẩm đang tiếp tục tăng”, cư dân mạng viết.
Vương đến Vũ Hán vào tháng 2/2020 theo lệnh của ông Tập để thay thế cho Mã Quốc Cường, người đã bị cách chức vì phản ứng ban đầu không thành công với COVID-19. Lòng trung thành quá mức của Vương với ông Tập được thực hiện bởi chiến dịch cảm ông Tập, là một chiến dịch lố bịch đã chà đạp lên 11 triệu người dân Vũ Hán
Một trong những nhà phê bình hàng đầu của chiến dịch là Fang Fang ở Vũ Hán viết, “chính quyền TQ nên chấm dứt chiến dịch bày tỏ lòng biết ơn và sự kiêu ngạo của nó”, “ Bí thư đảng ủy và giám đốc Bệnh viện Trung ương Vũ Hán phải là người đầu tiên ra đi”. Bệnh viện đó là nơi bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng làm việc. Bác sĩ Lượng là một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh này và đã bị chính quyền trừng phạt vì truyền thông tin vào cuối năm ngoái. Sau đó bác sĩ Lượng đã nhiễm virus COVID-19 và chết, trở thành một người tử vì đạo. Thêm vào thảm kịch, một bác sĩ nhãn khoa khác tại bệnh viện này đã qua đời hôm 08/03, nâng tổng số bác sĩ đã chết vì nhiễm COVID-19 ở đó lên 4. Nhiều bác sĩ được cho là đang trong tình trạng nghiêm trọng tại bệnh viện. Fang giận dữ kêu gọi các giám đốc bệnh viện chuộc lại tội lỗi của họ bằng cách từ chức. Bài viết nhật ký của Fang đôi khi bị xóa bởi các cơ quan kiểm duyệt của ĐCSTQ do tính thẳng thắn và trung thực. Nhưng họ không không đủ táo bạo để cấm blog của cô hoàn toàn.
Cùng thời điểm với chiến dịch “giáo dục lòng biết ơn” đã bị phá hỏng, một sự cố khác đã diễn ra trên đường phố ở Vũ Hán.
Theo AFP, một đoạn video ghi lại cuộc thăm viếng của phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, phụ nữ duy nhất trong số 25 ủy viên Bộ Chính Trị, khi đến Vũ Hán đã bị dân la ó đả đảo.Người dân tập trung trong nhà một cách tuyệt vọng hét lên với một nhóm các nhà lãnh đạo chính quyền trung ương đi bộ dưới một cụm các khu nhà ở. “Đó là giả, là giả, mọi thứ đều là giả”.
Bằng thuyết âm mưu, chính quyền Bắc Kinh đã không xóa các video trên vì nó khá hữu ích cho chính quyền trung ương, người dân Vũ Hán đã khiếu nại trực tiếp với chính quyền trung ương về các quan chức địa phương.
Khi Bắc Kinh cố gắng thao túng dư luận để tránh cơn giận dữ bùng phát cho thấy chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ đang trở nên rõ ràng.
Một thời gian ngắn trước đó, một cuốn sách nói về những thành tựu to lớn của lãnh đạo Trung Quốc trong việc chống lại virus đã được xuất bản, “Trận chiến chống lại dịch bệnh vĩ đại” thể hiện tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo xuất sắc của ông Tập được Đài truyền hình trung ương nhà nước Trung Quốc tuyên truyền.
Nhưng trong vài ngày, cuốn sách này đã bị vứt từ các nhà sách xuống đất sau khi nó phải đối mặt với một loạt các chỉ trích vì ca ngợi ông Tập ngay cả khi sự bùng phát virus COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát.
ĐCSTQ cũng đang thực hiện chiến dịch truyền thông ở nước ngoài . Đầu tháng 3, Tân Hoa Xã đã xuất bản một bình luận về hiệu ứng “Thế giới nên cảm ơn Trung Quốc” vì những đóng góp của họ trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Họ tuyên truyền rằng Trung Quốc đã hy sinh rất lớn bằng cách phong tỏa các Thành phố và các biện pháp khác nhau, trì hoãn thời gian để thế giới phản ứng.
Đó là chiến dịch lố bịch. Loại virus chết người này đã lan truyền khắp thế giới bởi vì khách du lịch Trung Quốc vô tình mang theo nó, trong khi thực tế kinh hoàng của dịch bệnh đang được che dấu ở Trung Quốc.
Trung Quốc không thể thực hiện một chiến dịch giáo dục lòng biết ơn đối với khán giả quốc tế tại thời điểm Hoa Kỳ cũng như các nước ở Châu Á, Trung Đông và Châu u đấu tranh để ngăn chặn khủng hoảng, đã giết chết hơn 4.300 người trên khắp thế giới.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị. Thoạt nhìn, có vẻ như Trung Quốc đã vượt qua đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 . Nhưng liệu phản ứng của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng có thể đứng vững trước thử thách của thời gian và lịch sử hay không.
Theo Nikkei
Tuệ Minh dịch và biên tập
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng
tố quân đội mỹ đem coronavirus tới Vũ Hán
Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Phát ngôn viên Zhao Lijian của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng vào thứ Sáu, 13 tháng 3, nhắc lại một tuyên bố chưa được chứng minh trước đây, nói rằng quân đội Hoa Kỳ đã đem coronavirus tới thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh bắt đầu.
Trong 2 dòng tweet, ông Zhao cũng kêu gọi hơn 287,000 người theo dõi trang Twitter của ông nên chia sẻ lại cáo buộc của một trang web theo thuyết âm mưu đặt tại Canada, vốn cho rằng coronavirus bắt nguồn từ Hoa Kỳ thay vì chợ động vật Vũ Hán như các chuyên gia tuyên bố trước đây.
covidTheo trang web Canada, coronavirus có liên quan đến việc quân đội Hoa Kỳ có mặt tại giải thi đấu quân sự quốc tế Military World Game, diễn ra tại Vũ Hán vào tháng 10 năm ngoái, với hơn 100 quốc gia tham gia. Việc ông Zhao trích dẫn thuyết âm mưu để đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã gây ra làn sóng chỉ trích vào cuối ngày thứ Năm. Tuy nhiên, đến sáng thứ Sáu, vị phát ngôn viên này vẫn tiếp tục nhắc lại cáo buộc. Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh từ chối bình luận của ông Zhao.
Viên chức này là một người hoạt động khá nhiều trên mạng xã hội Twitter, và mới được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc ban thông tin thuộc Bộ Ngoại Giao Trung Cộng vào tháng 2 năm nay.
Bắc Kinh trong những ngày gần đây đã bắt đầu tìm cách chối bỏ ý kiến cho rằng dịch Covid-19 bắt nguồn từ Trung Cộng, dù các ca bệnh đầu tiên được báo cáo tại đây vào tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, nhiều viên chức Hoa Kỳ, bao gồm cả Tổng Thống Trump, đã gọi dịch bệnh mới là một loại virus nước ngoài.
Ngoại Trưởng Mike Pompeo và các lãnh đạo Cộng Hòa thậm chí đi xa hơn, gọi thẳng đây là virus Vũ Hán hoặc coronavirus Trung Cộng. (BBT)
Các nạn nhân của nạn buôn người
mắc kẹt tại Trung Cộng do dịch coronavirus
Tin từ Phnom Penh, Cambodia – Việc hạn chế đi lại dưới tác động của dịch coronavirus đã buộc các nhóm chống nạn buôn người, tạm ngừng hoạt động giải cứu các cô dâu người Việt và Cambodia từ Trung Cộng. Một trong số các cô dâu này đã trốn thoát khỏi nhà của những người đàn ông đang giữ họ và hiện đang lẩn trốn.
Trong thập niên vừa qua, hàng chục ngàn phụ nữ Đông Nam Á đã bị dụ dỗ đến Trung Cộng bởi các mạng lưới tội phạm. Họ hứa hẹn mang đến cho những phụ nữ này công việc tốt nhưng lại bán họ đi làm cô dâu, do Trung Cộng đang phải đối diện với sự mất cân bằng giới tính vì chính sách một con.
Các tổ chức từ thiện ở Việt Nam và Cambodia cho biết, một số phụ nữ bỏ trốn trong năm nay đã bị giam giữ và cắt đứt mọi liên lạc. Bên cạnh đó, những người không bị đe dọa thì được khuyên không nên làm gì cả.
Trong năm 2019, tổ chức Blue Dragon trung bình cứ 3 ngày là giải cứu được 1 một phụ nữ từ Trung Cộng vào năm 2019. Tuy nhiên, họ buộc phải ngừng các hoạt động vào cuối tháng 1/2020, do việc hạn chế đi lại dưới tác động của dịch coronavirus.
Thomson Reuters Foundation News dẫn lời ông Michael Brosowski, người đứng đầu Tổ chức Blue Dragon Children cho hay, hiện tại, việc đi đến những khu xa xôi là không thể thực hiện, dù cho được đi chăng nữa biên giới cũng không mở cửa. Blue Dragon vẫn liên lạc với 27 phụ nữ đã kêu gọi giúp đỡ vào năm 2020. Tuy nhiên, tổ chức Chab Dai ở Phnom Penh cho biết, họ đã mất liên lạc với một số người trốn khỏi những kẻ lạm dụng trong bối cảnh dịch như hiện nay. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-nan-nhan-cua-nan-buon-nguoi-mac-ket-tai-trung-cong-do-dich-coronavirus/