Đọc báo Pháp – 13/03/2020
Chống Covid-19:
Nước Pháp cương quyết, nhưng mềm dẻo
Trọng Thành
Dịch Covid-19, từ Trung Quốc, đã bùng lên khắp nơi. Ngay tại châu Âu. Pháp quyết định có biện pháp mạnh hơn. Quyết định mới của Paris là tựa lớn trang nhất của đa số nhật báo Pháp hôm nay 13/03/2020. ”Chống Covid-19 với bất cứ giá nào”, tựa của Libération. ”Virus corona: Tổng thống Macron kêu gọi dân Pháp ‘kháng chiến’ “, tựa Le Figaro.
Với 2.500 trường hợp nhiễm virus, 48 người chết do virus, nước Pháp bước sang một giai đoạn mới. Tối hôm qua, tổng thống Pháp đã có bài nói chuyện long trọng trước toàn thể người Pháp, cuộc nói chuyện đầu tiên kể từ khi dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 xuất hiện. Đối diện với các phản ứng đơn phương, co cụm hiện nay, La Croix có bài xã luận nhấn mạnh đến việc nguyên thủ Pháp kêu gọi toàn thể người dân sáng tạo ra ”những hình thức đoàn kết mới” để vượt qua thử thách. Cũng như nhiều báo khác, bài xã luận của La Croix, mang tựa đề ”Thay đổi thang độ”, giới thiệu trước hết các biện pháp chính của chính quyền, đặc biệt là việc đóng cửa tất cả các trường học, nhà trẻ trên cả nước, và bảo vệ ”những người dễ tổn thương nhất”, người bệnh, người cao tuổi.
”Nâng cấp phản ứng dần dần”
Tuy nhiên, La Croix đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục duy trì một tiếp cận ”nâng cấp phản ứng dần dần”, tương thích với nguy cơ, hoàn toàn tương phản với các biện pháp mạnh hơn rất nhiều ở nhiều nơi khác, như cô lập các khu dân cư, đóng cửa biên giới. Như vậy, tại Pháp, các biện pháp quyết liệt nhất sẽ chỉ được ”áp dụng một cách có trọng điểm, cho từng trường hợp một”, với mục tiêu để làm sao ”gây ảnh hưởng ít nhất đến đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước”.
Đọc thêm : Covid-19 – Tổng thống Pháp lên tuyến đầu chống đại họa
Để chống dịch, ”nghỉ học nhưng không bỏ bầu cử”, tựa trang nhất của La Croix. Cuộc bầu cử ”cấp xã”, thành phố, trong hai vòng – vòng một (15/03) và vòng hai (22/03) – vẫn được duy trì, các phương tiện giao thông công cộng vẫn được bảo đảm. Dựa trên tư vấn của giới chuyên gia về dịch tễ học, tổng thống Macron hiểu rằng hiện vẫn còn có khả năng không để cho dịch bùng phát quá tầm kiểm soát, và chưa cần thiết đưa ra các biện pháp khiến toàn quốc bị tê liệt.
Cần các biện pháp mạnh, ‘‘sớm và kéo dài hơn’’
Về các biện pháp được coi là cần thiết để đối phó với dịch hiện nay, Le Figaro giới thiệu quan điểm của một chuyên gia về dịch tễ học hàng đầu tại Pháp, Antoine Flahault. Giáo sư Antoine Flahault nhận định: cần có ”các biện pháp mạnh ngay lập tức, và duy trì cho đến hè”. Theo ông, dịch bệnh trên thế giới (ngoài Trung Quốc) hiện nay mới chỉ ở thời điểm khởi đầu, với 9 quốc gia, mỗi nước có hơn 100 ca mới mỗi ngày. Ông dự đoán dịch bệnh sẽ còn kéo dài, và cần phải đề phòng việc dịch sẽ trở đi trở lại thành nhiều đợt.
Về phía chính sách của chính quyền, giáo sư Antoine Flahault tóm lược bốn biện pháp mạnh: Đóng cửa trường học, giới hạn đi lại, giới hạn các cuộc tập hợp đông người và có biện pháp phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Giáo sư Antoine Flahault tỏ ra không thỏa mãn với các biện pháp chính phủ vừa đưa ra, cho dù ông không trực tiếp chỉ trích.
Bí quyết của chống dịch: ”Giảm tiếp xúc xuống 4 lần”
Le Figaro cũng giới thiệu một quan điểm khác, của chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Samuel Alizon, nhà nghiên cứu CNRS (ở Montepellier). Nhà truyền nhiễm học nhấn mạnh là, đứng từ quan điểm dịch tễ học, trong giai đoạn hiện nay, không có gì loại trừ một kịch bản lạc quan là dịch bệnh có thể được khống chế, bởi điều cơ bản để hãm lại sự lan truyền của virus là giảm mạnh số lượng các tiếp xúc. Nói một cách hình tượng là ”giảm xuống bốn lần” số lượng các tiếp xúc, khi mức độ lây lan của virus corona mới là theo tốc độ một nhân ba, tức là trong điều kiện bình thường, một người có thể truyền virus cho ba người.
Nếu một mặt, các biện pháp và khuyến cáo (giới hạn đi lại, cấm các cuộc tập hợp hơn 1000 người, và hơn 50 người tại các vùng bị dịch nặng nhất, làm việc tại nhà) mà chính quyền đề ra được tuân thủ, và mỗi người cố gắng tối đa giảm đi lại, giảm các tiếp xúc với người khác, với người thân, bè bạn, thì hoàn toàn có khả năng dịch bệnh được khống chế. Theo Le Figaro, đây là một điều rất khó thực hiện trong xã hội, vì đi ngược lại với các thói quen thường nhật của mọi người. Le Figaro cũng đặt câu hỏi: ”Làm thế nào để các khuyến cáo nói trên được tuân thủ nghiêm ngặt bởi mọi người Pháp ?” mà không gây ra tình trạng hoang mang ? Không dễ, tuy nhiên không có cách nào khác là phải nỗ lực hành động khẩn cấp.
2.500 người nhiễm chỉ là ”phần nổi của tảng băng”
Le Figaro cũng chia sẻ với quan điểm với nhận định của nhà dịch tễ học Antoine Flahault là quy mô của dịch bệnh hiện tại có thể lớn hơn rất nhiều so với con số 2.500 ca nhiễm virus. Rất có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi virus không hoặc gần như không gây ra triệu chứng gì ở khoảng 80% người bị nhiễm, tuy nhiên chính những người đó lại có thể đưa virus sang người khác. Vì vậy hoàn toàn rất có thể hiện nay, đã có hàng chục ngàn người tại Pháp đã và đang đưa virus đi đến khắp nơi, mà thường là chính họ cũng không tự biết. Không có cách nào khác hơn là phải hành động khẩn cấp, nói một cách hình ảnh là phải chạy đua với thời gian !
Dưới tựa đề ”Chống Covid-19: Với bất cứ giá nào”, Libération tập trung mô tả các biện pháp đối phó chính mà chính quyền vừa đưa ra. Từ đóng cửa trường học, duy trì bầu cử ”cấp xã”, hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng. Cũng như La Croix, bài xã luận của Libération, mang tựa đề ”Ngủ đông”, đặc biệt nhấn mạnh đến các phản ứng mang tính mềm dẻo của chính phủ Pháp.
Trước tình hình các quốc gia láng giềng, số lượng nạn nhân của Covid-19 không ngừng gia tăng, có vẻ như trong con mắt công luận, nước Pháp tỏ ra không đánh giá đúng mức nguy cơ. Theo Libération, các biện pháp mà tổng thống Pháp đưa ra hôm qua, về cơ bản là đúng đắn. Libération đặc biệt nhấn mạnh đến việc các biện pháp hỗ trợ cần trước hết hướng đến những người dễ tổn thương nhất, những người cao tuổi.
Khoa hồi sức cấp cứu: ”Khoảng khắc bình yên trước cơn bão lớn”
Một trong những điểm tập trung lo ngại nhiều là các bệnh viện, vốn đã trong tình trạng quá tải. Libération có bài ”Các bệnh viện đang chuẩn bị cho tình trạng tồi tệ nhất”. Tình hình đặc biệt căng thẳng tại các khoa hồi sức cấp cứu. Về chủ đề này, Le Figaro có bài ”Các bệnh viện Pháp tăng cường tổ chức để củng cố các khoa hồi sức cấp cứu”.
Khoa hồi sức cấp cứu chính là lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo Cục phụ trách điều trị (DGOS), nước Pháp có tổng cộng 5.065 giường hồi sức cấp cứu, và 7.364 giường thuộc đơn vị điều trị tăng cường (so với nước Ý, có tổng cộng 5.090 giường, và hiện đã phải đối mặt với tình trạng không có đủ phương tiện điều trị cho các bệnh nhân cần cấp cứu khẩn).
Theo thông tin tối thứ Tư 11/03 của bộ Y Tế, Pháp có 105 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực, nhưng số lượng người cần điều trị tích cực chắc chắn sẽ tăng mạnh trong những ngày tới. Trong hiện tại, Pháp rõ ràng đang trong tình trạng chưa phải quá tải, nhưng có thể coi đây là một ”khoảng khắc bình yên trước cơn bão lớn”.
Kinh tế: Tập trung bảo vệ người đi làm và doanh nghiệp
Trên lĩnh vực kinh tế, đối phó với dịch Covid-19 đang chuyển sang một giai đoạn mới, tổng thống Pháp ban hành một loạt biện pháp kinh tế mạnh, để trấn an giới doanh nhân, giới làm công, cũng như các thị trường. Le Figaro chú ý đến việc, trong phát biểu hôm qua, tổng thống đã khẳng định chính quyền sẽ có các biện pháp rất rộng rãi, không tính toán để mang đến sự hỗ trợ cho tất cả những bên bị thiệt hại trong dịch bệnh chưa từng có kể từ một thế kỷ nay.
Nhà nước sẽ bồi hoàn cho tất cả những ai bị buộc phải ở nhà không đi làm, dù với giá nào. Các doanh nghiệp sẽ được hoãn nộp thuế, của tháng 3, không cần bất cứ điều kiện nào. Bảo vệ các doanh nghiệp, bảo vệ người lao động, dù là doanh nghiệp nhỏ, vừa hay lớn là hứa hẹn của tổng thống. Việc tuân thủ chi tiêu theo quy định về tài chính công hay về nợ sẽ tạm được gạt sang một bên. Cùng với chương trình hỗ trợ trực tiếp người làm công ăn lương bị thiệt hại do Covid-19, tổng thống Macron cũng hứa hẹn, cùng với các đối tác châu Âu xây dựng một kế hoạch chấn hưng kinh tế sau dịch.
”Con virus ích kỷ”
Đối diện với dịch Covid-19 hiện nay, điều cần chú ý là phải tránh rơi vào ngõ cụt, không lối thoát, với quan điểm mỗi người vì mình. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài ” Con virus ích kỷ”, nhận định là cho đến nay, thiệt hại cho virus corona mới gây ra với tiến trình toàn cầu hóa còn tồi tệ hơn những gì mà các thế lực dân tộc chủ nghĩa đã cố sức mà không làm được trong hàng thập niên qua. Trong những ngày qua, những tuần qua, tại nhiều nơi, với danh nghĩa là để bảo vệ người dân, chính quyền đã liên tục có các biện pháp đơn phương thô bạo, như đóng cửa biên giới. Các biện pháp cực đoan, mà kết quả không được chứng minh về mặt khoa học. Quyết định mới đây nhất cách nay hai hôm của tổng thống Mỹ đơn phương đình chỉ giao thông hàng không với châu Âu là một ví dụ.
Covid-19: Thử thách cho hai mô hình độc tài và dân chủ
Le Monde có bài phân tích đáng chú ý về ”Dịch bệnh Covid và các chế độ chính trị”. Nhà phân tích của Le Monde đặt rõ vấn đề: cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 là một cuộc cạnh tranh về tính hiệu quả. ”Ai hiệu quả hơn ai, chế độ độc tài hay nền dân chủ tự do?”. Đối với nước Pháp, những biện pháp mới của tổng thống vừa đưa ra liệu có đủ hay không ? Hiện tại khó có thể đưa ra nhận định. Tuy nhiên, đối với cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có này, hơn bao giờ hết, nước Pháp cùng các đối tác châu Âu phải tăng cường đoàn kết, một lý tưởng mà chính châu Âu đã chủ trương. Đây chính là điều đã làm nên sức mạnh của Liên Âu. Hai thử thách trước hết của Liên Âu, theo Le Monde, là không được bỏ rơi nước Ý, quốc gia thiệt hại nặng nề nhất trong dịch này, trong cơn hoạn nạn, và thứ hai là không được để nền kinh tế rơi vào tình trạng ngưng trệ, trước hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tin tổng hợp
(Yonhap) – Kim Yong Un giám sát diễn tập pháo binh.
Cuộc diễn tập diễn ra ngày hôm qua 12/3/2020, sau đợt bắn thử 3 tên lửa tầm ngắn từ bờ biển phía đông của đất nước hôm thứ Hai 09/3, đợt thử vũ khí thứ hai trong vòng một tuần. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhấn mạnh chiến tranh hiện đại sẽ là một « trận chiến pháo binh ». Hãng tin KCNA của Bắc Triều Tiên loan báo sự việc nhưng không cho biết địa điểm cụ thể.
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên dỡ lệnh cách ly đối với 70 công dân nước ngoài.
Theo KCNA ngày 13/3/2020, 71 công dân đã được trả tự do sau khi bị cách ly nhằm ngăn ngừa dịch virus corona. Tuần trước, Bình Nhưỡng cũng dỡ lệnh cách ly cho 221 công dân nước ngoài khác. Hiện còn 88 người nước ngoài vẫn còn bị giữ cách ly ở trong nước. Bắc Triều Tiên không bao giờ công bố chính thức cho biết có bao nhiêu ca nhiễm bệnh bị cách ly trên toàn quốc. Tuy nhiên theo các ước tính, các biện pháp cô lập đã được dỡ bỏ đối với 5.600 người, tức chiếm khoảng 57% so với 10.000 người bị cách ly.
(AFP) – Syria : Ibrahim và những vết tích chiến tranh.
Hãng thông tấn Pháp bầu chọn Ibrahim làm nhân chứng sống cho thấy rõ sự tàn khốc của cuộc chiến tại Syria. Mỗi lần Ibrahim al-Ali chạy trốn các cuộc chiến dữ dội là mỗi lần thân xác anh lại hằn vết tích chiến tranh. Ba ngón tay bị mất, một bên tại bị điếc, mắt bị mù và giờ thì mất cả đôi chân.
(Reuters) – Cuba: Thương nhân cá thể biểu tình.
Ngày 12/03/2020, mấy chục người buôn bán nhỏ, trong một cuộc biểu tình hiếm hoi, đã tuần hành ở trung tâm thành phố Santa Clara để phản đối những quy tắc bị cho là quá nghiêm khắc đối với lãnh vực tư nhân. Santa Clara là thành phố xuất thân của đương kim lãnh đạo Cuba Miguel Diaz-Canel. Những người xuống đường rất tức giận vì chính quyền địa phương tăng cường việc cấm những người buôn bán tư nhân bán hàng mua từ nước ngoài, trong lúc do trừng phạt của Mỹ, việc nhập và bán hàng nhập là độc quyền của nhà nước. Các thương nhân nhỏ này bị tố cáo trục lợi trong lúc cửa hàng nhà nước thiếu hàng.
(AFP) – Căng thẳng Iran – Mỹ có nguy cơ leo thang trở lại.
Trong đêm thứ Năm 12 rạng sáng thứ Sáu 13/3/2020, không quân Mỹ đã oanh kích vào 5 điểm cất trữ vũ khí các Lữ đoàn Hezbollah (Kataeb Hezbollah), một trong những nhánh dân quân tự vệ thân Iran cực đoan nhất đang hoạt động tại Irak. Lầu Năm Góc trong một thông cáo giải thích các vụ oanh kích này là nhằm trả đũa vụ tấn công bằng rốc-kết của phe dân quân này nhắm vào căn cứ của liên quân quốc tế làm thiệt mạng hai binh sĩ Mỹ hôm thứ Tư 11/3 vừa qua. Phía Irak cho biết đợt oanh kích của Mỹ đã làm thiệt mạng 5 binh sĩ nước này và một thường dân. Iran lên tiếng cảnh cáo Donald Trump một « hành động nguy hiểm » sau chiến dịch quân sự của Mỹ.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200313-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 13/3:
Iran đào hai hố lớn
nghi dùng chôn bệnh nhân nhiễm COVID-19 tử vong
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (13/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Iran đào hai hố lớn nghi dùng chôn bệnh nhân nhiễm COVID-19 tử vong
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Iran đã đào hai hố lớn, mỗi cái có kích thước bằng sân bóng đá, ở thời điểm vài tuần sau khi nước này công bố ca nhiễm nCoV đầu tiên, theo bản tin hôm thứ Năm (12/3) của Fox News.
Hai hố này bị nghi ngờ được Iran dùng cho việc chôn cất người chết vì COVID-19. Theo The Washington Post, việc đào hai hố lớn này được bắt đầu vào ngày 21/2 tại một địa điểm cách thủ đô Teheran 80 dặm.
Theo cập nhật của Worldometers, tính đến sáng ngày 13/3, Iran có 10.075 người nhiễm nCoV (tăng 1.075), và có thêm 75 ca tử vong, nâng tổng số người chết do nCoV ở nước này lên 429, đứng thứ ba thế giới (sau Trung Quốc, Ý) về số ca nhiễm cũng như số người chết vì dịch COVID-19.
Nhiều nước Latinh gia tăng các biện pháp mạnh chống COVID-19
Hôm 12/3, một số quốc gia Mỹ Latinh đã tăng cường các biện pháp để làm chậm sự lây lan của nCoV, bao gồm tạm dừng đón các chuyến bay đến và từ châu Âu, cấm các cuộc tụ họp công cộng và đóng cửa trường học, theo Reuters.
Các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với nCoV đã được chính phủ Argentina, Bolivia, Peru, Costa Rica và Honduras triển khai, một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch.
Tính tới thứ Năm, Honduras đã phát hiện 2 ca nhiễm nCoV, Argentina ghi nhận 31 ca nhiễm bệnh, tăng 10 ca so với một ngày trước, trong khi đó, Bolivia có 3 bệnh nhân COVID-19, Peru có 2 ca nhiễm bệnh, và Costa Rica có 23 ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các nước này chưa có bệnh nhân COVID-19 nào tử vong.
Tống thống Brazil đang chờ kết quả xét nghiệm nCOV
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã được xét nghiệm nCoV và đang chờ kết quả, mặc dù ông không cho thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh COVID-19, ông Eduardo, con trai của tổng thống Bolsonaro, thông báo trên Twitter.
Reuters cho hay, ông Bolsonaro đã đến thăm Mỹ và có cuộc gặp với Tổng thống Trump vào cuối tuần qua tại bang Florida. Trong khi đó, ông Fabio Wajngarten, thư ký báo chí của Tổng thống Brazil, người đi cùng ông Bolsonaro trong chuyến thăm Mỹ, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.
Trong chuyến thăm Mỹ, ông Fabio Wajngarten đã đứng gần Tổng thống Trump để chụp ảnh. Ông Trump nói rằng không cảm thấy lo lắng khi nhận tin ông Fabio nhiễm nCoV.
Nghi nhiễm nCoV, Thủ tướng Canada và vợ tự cách ly ở nhà
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và vợ của ông, bà Sophie, đã tự cách ly ở nhà sau khi bà Sophie bị sốt và được xét nghiệm nCoV, theo Reuters.
Các trường học ở bang Ontario của Canada đã được lệnh đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, ngành thể thao của nước này cũng đã quyết định dừng các trận đấu còn lại của mùa giải khúc côn cầu.
Hiện Thủ tướng Justin Trudeau, 48 tuổi, không có triệu chứng của người mắc nCoV. Ông đang làm việc tại nhà. Ông Trudeau đã nói chuyện với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris
Johnson, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte và tham gia một cuộc họp nội các đặc biệt về dịch COVID-19 qua điện thoại, người phát ngôn của ông Trudeau thông báo trên Twitter.
Tướng Mỹ tiết lộ Triều Tiên có thể sắp thử tên lửa tầm xa
Tướng Mỹ Terrence O’Shaughnessy hôm thứ Năm (12/3) cho biết, Triều Tiên có thể đã sẵn sàng cho vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tiên tiến, sau một loạt các vụ bắn các đầu đạn được cho là các tên lửa tầm ngắn ra biển Hoa Đông thời gian gần đây, theo Yonhap.
“Kim Jong Un đã cho thấy khả năng đe dọa Hoa Kỳ bằng các ICBM vũ trang hạt nhân”, ông O’Shaughnessy nói. “Năm 2017, Triều Tiên rõ ràng đã thử nghiệm thành công vũ khí nhiệt hạch cũng như hai thiết kế ICBM có khả năng vươn tới hầu hết hoặc toàn bộ Bắc Mỹ”.
Điểm tin thế giới chiều 13/3:
Hầm trú ẩn COVID-19 được giới siêu giàu săn đón
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (13/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Hầm trú ẩn COVID-19 được giới siêu giàu săn đón
Đại dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp đang chứng kiến sự gia tăng nhu cầu về boongke trú ẩn ngày tận thế của giới siêu giàu, theo The Sun ngày 6/3.
“Nhu cầu tăng mạnh theo cấp số nhân. Mọi người đang thức tỉnh với thực tế rằng họ phải chuẩn bị trước khi quá muộn”, người sáng lập kiêm CEO của Vios Group, Robert Vicino nói với Daily Star. Công ty của ông cho thuê các boongke – ban đầu được thiết kế để lưu trữ đạn dược và bom trong Chiến tranh lạnh – ở Nam Dakota với tiền cọc là 35.000 USD/người.
Từ 5.000 đến 10.000 người Anh có thể đã nhiễm COVID-19
Thủ tướng Boris Johnson mô tả dịch virus corona là “cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất đối với một thế hệ”, theo Standard ngày 12/3. Cảnh báo ảm đạm của ông đưa ra sau tin tức cho rằng có đến 5.000 đến 10.000 người Anh nhiễm virus corona.
“Một số người so sánh nó với cúm mùa. Điều đó không đúng. Do thiếu khả năng miễn dịch, căn bệnh này nguy hiểm hơn. Nó sẽ còn lây lan hơn nữa và tôi cần cảnh báo với các bạn, với công chúng Anh, rằng nhiều gia đình có thể sẽ mất người thân do dịch bệnh”, tờ Guardian dẫn lời ông Boris Johnson sau cuộc họp khẩn hôm 12/3 với các cố vấn y tế và khoa học của chính phủ Anh.
Chính phủ Anh đã ban hành một loạt biện pháp ứng phó COVID-19, trong đó cấm học sinh ra nước ngoài, ngăn người già và người dễ tổn thương lên du thuyền, các gia đình tự cách ly nếu phát hiện một thành viên trong nhà bị ốm và quan tâm chăm sóc những người cao tuổi.
Giới siêu giàu mất gần 1.000 tỷ USD vì dịch COVID-19
Theo Bloomberg, từ New York đến Paris, Sao Paulo đến Hồng Kông, giới siêu giàu đã gặp tổn thất lớn. Dữ liệu của Bloomberg Billionaires Index ngày 12/3 cho thấy, tài sản nhóm 500 người giàu nhất thế giới giảm 331 tỷ USD, mức kỷ lục trong vòng 8 năm.
Chưa đến 2 tháng trước, thị trường tăng vọt và tiền lãi suất thấp giúp giới siêu giàu bỏ túi 6.100 tỷ USD. Nhưng số tiền này đã “bốc hơi” trong 4 ngày qua vì lo sợ đại dịch COVID-19 và giá dầu lao dốc.
Một số người sau khi khỏi bệnh COVID-19 bị suy giảm chức năng phổi
Cơ quan quản lý các bệnh viện ở Hồng Kông cho biết, một số bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh đã suy giảm chức năng phổi và gặp phải các vấn đề như thở gấp khi đi nhanh, theo South China Morning Post ngày 13/3.
Cơ quan này hôm 12/3 đã công bố kết luận trên sau khi theo dõi nhóm bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên được xuất viện. Bác sĩ Owen Tsang Tak-yin, giám đốc y khoa của Trung tâm Bệnh Truyền nhiễm thuộc cơ quan trên cho biết, các bác sĩ đã thăm khám cho 10 bệnh nhân sau khi họ ra viện. Hai đến ba người không thể làm những việc như họ từng làm trước đây.
Huấn luyện viên Arsenal lên tiếng sau khi dương tính với COVID-19
Tờ Daily Mail ngày 13/3 đưa tin, nhà cầm quân người Tây Ban Nha Mikel Arteta của đội Arsenal và cầu thủ Callum Hudson-Odoi của đội Chelsea đều đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 chỉ vài giờ
sau khi Premier League công bố giải đấu cuối tuần vẫn diễn ra. Huấn luyện viên 37 tuổi cảm thấy thất vọng sau khi trở thành trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona tại Premier League.
“Đây là điều rất thất vọng, nhưng tôi đã làm xét nghiệm khi cơ thể thấy mệt mỏi. Tôi sẽ trở lại làm việc ngay khi được cho phép”, trang chủ Arsenal dẫn lời huấn luyện viên Mikel Arteta.
Arsenal cũng thông báo trung tâm huấn luyện London Colney đã bị đóng cửa sau kết quả xét nghiệm dương tính vào chiều 12/3 của HLV trưởng Mikel Arteta. Toàn thể thành viên đội bóng, những người tiếp xúc gần với Mikel sẽ bị cách ly.