Đọc báo Pháp – 11/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 11/03/2020

Virus corona :

Chính phủ và người dân Trung Quốc, ai phải biết ơn ai ?

Thùy Dương

Trong bối cảnh số người nhiễm virus corona và chết vì dịch bệnh vẫn không ngừng tăng nhanh chóng, virus đã lan rộng ra 117 quốc gia trên toàn thế giới, báo chí Pháp hôm nay đều tập trung vào Covid-19, nhưng dàn trải trên nhiều khía cạnh.

Cú sốc kinh tế, những thách thức với Liên Hiệp Châu Âu, những biện pháp hà khắc ở Ý, nguy cơ nước Pháp sa vào con đường của Ý, khó khăn của các nước xuất khẩu dầu lửa, cuộc chiến chống tin giả trên các mạng xã hội, ý đồ viết lại lịch sử của chính quyền Bắc Kinh … Tất cả đều xoay quanh con virus mà mắt thường không nhìn thấy được.

Tập Cận Bình : Người giải phóng thành phố Vũ Hán ?

Hướng về Trung Quốc, qua bài viết « Đối với Tập Cận Bình, tình hình ở Trung Quốc đã được kiểm soát », Le Monde giải mã ý đồ của chủ tịch Tập trong chuyến thăm ổ dịch Vũ Hán hôm qua 10/03. Chuyến đi Vũ Hán đầu tiên của Tập Cận Bình từ khi thành phố này biến thành ổ dịch Covid-19 chứng tỏ Bắc Kinh cho rằng đã khống chế được sự lây lan của virus corona. Đây là một chuyến đi mang tính biểu tượng cao.

Ban đầu, Tập Cận Bình rất kín đáo trong công tác chỉ đạo quản lý dịch bệnh, đến giữa tháng Hai, ông Tập lên tuyến đầu, sau khi một tạp chí vốn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản, Cầu Thị (Qiushi), cho đăng một bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc, theo đó ông Tập khẳng định ngay từ ngày 07/01 đã yêu cầu thực hiện các biện pháp để « phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ». Một nhà ngoại giao châu Âu tại Bắc Kinh xin ẩn danh giải thích với Le Monde là việc này « cứ như thể bộ máy tuyên truyền muốn nhấn mạnh đến việc Tập Cận Bình đã cảnh báo tất cả mọi người về điều sắp xảy ra nhưng không ai nghe theo. »

Ban đầu, Bắc Kinh muốn là một hình mẫu trong việc kết hợp kiểm soát và phòng ngừa dich bệnh đồng thời đảm bảo sự vận hành hết công suất của nền kinh tế. Kể từ khi dịch bệnh có chiều hướng suy giảm vào nửa cuối tháng Hai, giới lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh đến ý chí : cuộc chiến sắp thắng lợi và Trung Quốc từ nay sẽ gánh trách nhiệm của một siêu cường. Chính phủ Trung Quốc chuyển sang hỗ trợ các nước đang phải đối phó với virus, cấp cho các nước láng giềng, các nước đang phát triển các bộ dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang, bộ đồ bảo hộ. Hôm 09/03, bài xã luận của nhật báo Hoàn Cầu thời báo, vốn nổi tiếng với lập trường dân tộc, nhận định Trung Quốc phải khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế và cho thấy là một siêu cường kinh tế đáng tin cậy và duy trì sự hấp dẫn đối với phần còn lại của thế giới.

Chính phủ và người dân Trung Quốc, ai phải biết ơn ai ?

Trở lại với Vũ Hán, Le Monde cho rằng tình hình được kiểm soát chặt chẽ khi ông Tập đến thành phố này, để tránh mọi hình thức phản kháng. Ông Tập muốn xuất hiện như một người đến để giải quyết các vấn đề và giải phóng thành phố khỏi những nỗi thống khổ mà người dân phải gánh chịu khi bị cách ly. Hồi tuần trước, nhà chức trách địa phương đã phạm nhiều sai lầm. Khi phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) đến Vũ Hán, bà đã bị người dân một khu phố đón chào bằng câu « Tất cả đều là giả dối ». Báo chí Nhà nước đã nhân sự kiện này chỉ trích chính quyền địa phương.

Còn cuối tuần qua, sau khi tân bí thư Vũ Hán tung ra chiến dịch « giáo dục về lòng biết ơn » cho người dân thành phố với phát biểu : « Chúng ta phải biết ơn tổng bí thư (Tập Cận Bình) và đảng Cộng Sản », ngay lập tức trên các mạng xã hội, dân chúng bày tỏ nỗi phẫn nộ. Lời đáp trả của nhà văn nữ Phương Phương (Fang Fang) đã được chia sẻ rộng rãi : « Chính phủ phải ngưng thái độ ngạo nghễ và biết khiêm nhường tỏ lòng biết ơn các chủ nhân : hàng triệu cư dân Vũ Hán ». Kể từ đó, chính quyền địa phương đã phải lui bước. Những câu nói về chiến dịch giáo dục nói trên đã biến mất trên báo chí Nhà nước nhưng những phát biểu phê phán trên các mạng xã hội đã bị kiểm duyệt ồ ạt.

Còn Le Figaro, trong bài viết« Virus corona : Trung Quốc đang tiến gần đến thắng lợi », nhận xét Trung Quốc « cuối cùng đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm ». Giờ là lúc để bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản tung ra những lời ngợi ca đầy thi vị :« Dưới sự chỉ đạo của cá nhân tổng bí thư Tập Cận Bình, chiến thắng chưa từng có chống Covid-19 đang đến gần, cùng với thanh âm của mùa xuân đang về ».

Tập Cận Bình muốn « viết lại lịch sử » ?

Còn báo Libération nhận định đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể tiếp tục viết lại lịch sử, với Tập Cận Bình là người chiến thắng trong cuộc chiến của nhân dân chống lại con virus. Ngay từ hôm 27/02, nhà dịch tễ học tiếng tăm Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) tuyên bố :« Virus corona có thể không phải đến từ Trung Quốc ». Quan điểm này sau đó được bộ Ngoại Giao và các đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài nhắc lại. Thậm chí đại sứ quán Trung Quốc, trong một lá thư ngỏ gửi Hoa kiều ở Nhật hôm 05/03, còn gọi virus corona là « virus Nhật Bản ».

Cơ quan kiểm duyệt của Bắc Kinh nhân dịp này còn cho phát tán các thuyết âm mưu theo đó virus đến từ Mỹ. Một người dẫn chương trình truyền hình còn đòi « phần còn lại của thế giới phải xin lỗi Trung Quốc cho những sự hy sinh » mà họ đang gánh chịu. Theo Libération, mục tiêu của Bắc Kinh là khiến mọi người quên đi rằng chế độ Trung Quốc đã để lãng phí 3 tuần lễ quý báu trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Liên Hiệp Châu Âu và cuộc trắc nghiệm tình đoàn kết

Liên Âu là một ổ dịch lớn, tất cả các nước thành viên đều đã bị ảnh hưởng, nhất là Ý, Pháp, Đức. Le Monde, Le Figaro và Les Echos hôm nay tập trung vào những thách thức và biện pháp của Liên Âu trong cuộc chiến chống Covid-19. Báo kinh tế Les Echos cho biết « 27 nước thành viên Liên Hiệp đang nỗ lực phối hợp hành động để đối phó với virus corona ». Cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia thành viên tối hôm qua là nhằm đánh giá kho dự trữ, nhu cầu và khả năng sản xuất trang thiết bị bảo hộ.

Trước cuộc họp, phủ tổng thống Pháp cho biết mục tiêu là các nước chia sẻ thông tin, tăng cường phối hợp về vệ sinh y tế và kinh tế. Hiện nay, châu Âu đang hành động theo kiểu « mạnh ai nấy làm », từ công tác kiểm soát biên giới, đình chỉ các tuyến hàng không, nhất là với Trung Quốc và Iran, đóng cửa trường học, hạn chế tập trung nơi công cộng … Chính sự thiếu thống nhất này khiến công chúng lo ngại.

Les Echos nhấn mạnh đây chính là lúc trắc nghiệm nguyên tắc đoàn kết, vốn là cơ sở để thành lập Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay, vẫn chưa có thành viên nào có biện pháp hỗ trợ cụ thể dành cho Ý, ổ dịch lớn nhất châu Âu. Ý đã đề nghị được cung cấp các kit xét nghiệm nhưng chưa có nước nào hồi đáp. Bỉ đề nghị Đức hỗ trợ khẩu trang, nhưng Berlin thì cấm xuất khẩu mặt hàng này, còn Pháp trưng thu toàn bộ khẩu trang trong nước.

Liên Hiệp Châu Âu phải hành động nhanh và mạnh

Ra sớm từ chiều hôm qua, Le Monde nhận định « Chống virus corona, Liên Hiệp Châu Âu phải hành động nhanh và mạnh ». Tờ báo nhấn mạnh trong những cuộc khủng hoảng trong quá khứ, chính thái độ do dự, lưỡng lự đã khiến Liên Âu phải trả giá đắt. Về kinh tế, giờ không phải lúc để trì hoãn, khất lần. Liên Hiệp Châu Âu phải khẩn trương đối phó với cơn bão lớn có khả năng quét sạch mọi thứ trên đường nó quét qua, trong bối cảnh giá dầu mỏ đã giảm sút mạnh, thị trường chứng khoán bất ngờ suy sụp, thương mại thế giới sụt giảm, nhu cầu hàng hóa trong mọi lĩnh vực trên thế giới đột ngột tiêu biến.

Le Monde nhấn mạnh Liên Âu không được phép lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và khủng hoảng nợ 2011, khu vực đồng tiền chung châu Âu đã phải trả giá đắt khi do dự trong việc can thiệp ồ ạt và khẩn cấp để « dập tắt đám cháy ». Lần này, Liên Âu bắt buộc phải suy ngẫm về câu nói của tướng MacArthur : « Những trận thua đều có thể được tóm tắt bằng hai từ : quá muộn ».

« Cơn bão đang nổi lên » không có liên hệ gì với cuộc khủng hoảng hồi năm 2008, vốn đã tấn công vào tâm hệ thống tài chính. Lần này, điều quan trọng là chúng ta tự tìm ra phương tiện để vượt qua một thử khách khó khăn nhưng không phải là không thể vượt qua, với điều kiện là các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu phối hợp và đoàn kết với nhau. Các biện pháp hỗ trợ mà các nước quyết định cho đến nay là khác nhau và được xem như là một liệu pháp vi lượng đồng căn, trong khi châu Âu cần được điều trị bằng liệu pháp sốc.

Liệu pháp nói trên bao gồm việc nới lỏng các quy tắc quản lý viện trợ Nhà nước, loại trừ các biện pháp về coronavirus khỏi những phép tính mức thâm hụt quốc gia, các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ECB và Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu áp dụng (EIB). Điều thiết yếu là nhằm duy trì sự liên tục trong hoạt động của các doanh nghiệp và việc làm trong khi chờ đợi tình trạng an toàn vệ sinh được cải thiện.

Le Monde kết luận trong bối cảnh sự hoảng loạn đang xâm chiếm thị trường tài chính, các phản ứng chính trị ở giai đoạn này dường như chưa đạt tầm mức cần thiết. Nếu châu Âu không thể cho thấy sự quyết đoán và phối hợp nhiều hơn, hậu quả của dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ rất nặng nề và gây nhiều đau đớn.

Trong khi đó, báo Libération cho biết trong cuộc họp hôm qua, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hứa thành lập một quỹ với 25 tỉ euro để chống dịch Covid-19, trong đó 7,5 tỉ euro sẽ được trích từ ngân sách Liên Hiệp ngay từ tuần này. Số tiền này chủ yếu dành để cải thiện các hệ thống chăm sóc y tế, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường lao động, và đặc biệt là các nước kinh tế kém phát triển nhất trong khối.

Hãy phát huy tính kỷ luật, cho dù chỉ một lần !

« Hãy phát huy tính kỷ luật, cho dù chỉ một lần ! » là lời kêu gọi trong bài xã luận của báo Le Figaro. Trong khi chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn nhắn gửi « thông điệp chiến thắng virus », thì châu Âu lại đang đối đầu với sự lây lân mạnh của virus. Nước Ý đang tiến bước theo con đường của Trung Quốc, nhưng Le Figaro nói một cách hình ảnh, vấn đề nằm ở chỗ Roma không được trang bị « những loại vũ khí » giống như Trung Quốc.

Biện pháp cách ly được chính quyền Roma ban hành cho toàn quốc, nhưng việc áp dụng trên thực tế lại chỉ ở mức tương đối : các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động, dòng người xếp hàng dài ở quầy thu ngân trong các siêu thị, người dân vẫn có thể đi làm. Và rất khó để châu Âu có thể triển khai các biện pháp vệ sinh y tế như chính quyền Trung Quốc đã cho áp dụng với hàng trăm triệu người dân. Covid-19 cho phép tiết lộ tính cách của cả một dân tộc và chính phủ một nước. Nếu Trung Quốc độc đoán, chuyên quyền, người Ý nổi tiếng với niềm đam mê, thì theo Le Figaro, đặc trưng của người Nhật Bản và Hàn Quốc là tính kỷ luật …

Sự lây lan dịch bệnh ở Pháp cũng sẽ tương tự ở Ý, chỉ là chậm hơn một vài ngày. Le Figaro nhận định các biện pháp nghiêm khắc hơn sẽ sớm trở nên cần thiết. Thế nhưng, do ý thức được về tác động của những biện pháp này đối với nhân dân Pháp, vốn luôn muốn tự do, chính phủ luôn nhấn mạnh chỉ đưa ra các quyết định tùy theo mức độ tình hình. Thế nhưng, chính điều này lại có thể khiến công chúng lo sợ về khả năng dịch bệnh lây lan là không thể tránh khỏi.

Cách duy nhất là dân chúng thể hiện ý thức kỷ luật ngay từ bây giờ : giữ gìn vệ sinh (rửa tay), hạn chế di chuyển và tập hợp đông người … Le Figaro để ngỏ câu hỏi : Liệu virus corona có thể cho thấy nét mới về lý tính và ý thức kỷ luật trong tính cách của người Pháp hay không ? Hay là người Pháp muốn đợi đến khi quá muộn mới « nổi dậy » chống lại virus ?

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200311-virus-corona-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-v%C3%A0-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n-trung-qu%E1%BB%91c-ai-ph%E1%BA%A3i-bi%E1%BA%BFt-%C6%A1n-ai

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân sóng thần 11/03/2011 gây thảm họa hạt nhân Fukishima. 

Tuy nhiên, vì lễ tưởng niệm trước công chúng bị hủy do dịch virus corona, thủ tướng Shinzo Abe tưởng niệm nạn nhân trong khu vực làm việc của chính phủ. Người dân được kêu gọi dành một phút mặc niệm vào lúc 14 giờ 46 (giờ địa phương) ngày 11/03, đúng thời điểm trận động đất ngầm 9° Richter xảy ra ở vùng đông bắc Nhật Bản, cách đây đúng 9 năm. Khoảng 18.500 người chết và mất tích trong thảm họa này.

(AFP) – Colombia sẽ cách ly người đến từ Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp và Ý. 

Quyết định được tổng thống Ivan Duque thông báo ngày 11/03/2020 nhằm hạn chế đà lây lan của virus corona và « bảo vệ sức khỏe cộng đồng », trong khi quốc gia Nam Mỹ này có 3 trường hợp bị nhiễm.  Panama đã có một ca tử vong đầu tiên vì virus corona ngày 08/03. Nạn nhân bị mắc bệnh tiểu đường.

(AFP) – Chính phủ Afghanistan sẵn sàng thả tù binh Taliban. 

Hôm nay, 11/03/2020, chính phủ Kaboul tuyên bố sẵn sàng trả tự do dần dần cho 5.000 tù binh Taliban, đổi lấy việc giảm đáng kể các vụ bạo động ở Afghanistan. Biện pháp này được dự trù trong thỏa thuận mà Hoa Kỳ và phe Taliban đã ký tại Doha ngày 29/02, nhưng chính quyền Kaboul chưa phê chuẩn. Hôm qua, Washington đã kêu gọi chính phủ Afghanistan và phe Taliban mở ngay hòa đàm ở Doha về vấn đề trao đổi tù binh. Cũng hôm qua, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua thỏa thuận giữa Mỹ với taliban.

(AFP) – Trung Quốc tố cáo Mỹ có hành động « khiêu khích » ở Biển Đông. 

Hôm nay, 11/03/2020, một phát ngôn viên của Bộ tư lệnh Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc lên án Hoa Kỳ có hành động « khiêu khích » qua việc đưa khu trục hạm USS McCampell đến gần quần đảo Hoàng Sa hôm qua, mà « không có sự cho phép » của Bắc Kinh. Về phần mình, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ xác nhận đã đưa khu trục hạm nói trên đến khu vực Hoàng Sa tiến hành chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, để chứng tỏ đây không phải là vùng biển mà Trung Quốc có thể khẳng định chủ quyền một cách hợp pháp chiếu theo luật quốc tế.

(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ để mở biên giới cho đến khi EU đáp ứng các yêu cầu. 

Hôm nay, 11/03/2020, tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ để mở biên giới với châu Âu để di dân đi qua, cho đến khi nào nhận được câu trả lời « cụ thể » của Liên Hiệp Châu Âu về những yêu cầu của Ankara. Ông Erdogan nhắc lại các yêu cầu đó là nối lại đàm phán về việc miễn thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn đến châu Âu, khởi động lại tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, tăng thêm hỗ trợ tài chính.

(Reuters) – Việt Nam: Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt kết thúc chuyến thăm 5 ngày tại Đà Nẵng. 

Trong một thông cáo công bố hôm 11/03/2020, Đại Sư Quán Mỹ tại Hà Nội nhấn mạnh: “Chuyến thăm không những củng cố quan hệ đối tác Mỹ-Việt, mà còn giúp duy trì hoà bình, ổn định và tự do thương mại trong vùng”. Cùng với một chiếc tuần dương hạm hộ tống, tàu sân bay Theodore Roosevelt đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam hôm 09/03 vừa qua, một chuyến thăm thứ hai của một hàng không mẫu hạm 2018.

(Breibart) – Trung Quốc: Luật gia ly khai Hứa Chí Vĩnh có nguy cơ bị kết án 15 năm tù vì kêu gọi Tập Cận Bình từ chức vì bất tài. 

Bạn bè ông Hứa Chí Vĩnh đã tiết lộ hôm 09/03/2020 là chính quyền Trung Quốc chuẩn bị truy tố ông về tội “khích động lật đổ nhà nước”. Ông Hứa Chí Vĩnh đã bị bắt từ hôm 15/02 ở Quảng Châu, sau một thời gian bị truy nã vì tham gia một cuộc họp với khoảng 20 luật gia và nhà đấu tranh nhân quyền ở Hạ Môn. Ngay trong thời gian trốn tránh, ông cũng đã tố cáo cách xử lý khủng hoảng Covid-19 của chính quyền, đồng thời kêu gọi chủ tịch Tập Cận Bình từ chức.

(AFP) – Pháp tổ chức Ngày Tưởng Niệm Nạn Nhân Khủng Bố.

Tổng thống Macron cùng với Quốc Vương Tây Ban Nha đồng chủ trì một buổi lễ tưởng niệm vào hôm nay 11/03/2020 tại Paris trong khuôn khổ Ngày Toàn Quốc vì Nạn Nhân Khủng Bố lần thứ nhất, tưởng niệm không chỉ các nạn nhân khủng bố ở Pháp, mà cả những người Pháp là nạn nhân các vụ khủng bố ở ngoài nước. Vì nước Pháp đang bị dịch Covid 19, số người rất đông được dự kiến tham gia lễ tưởng niệm hôm nay đã được giảm xuống còn 900 người.

http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200311-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 11/3:

Mỹ có chính sách kinh tế ‘táo bạo’

đối phó với COVID-19

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (11/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược những tin sau:

Mỹ có chính sách kinh tế ‘táo bạo’ đối phó với COVID-19

Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, ông Larry Kudlow, hôm thứ Ba (10/3) cho biết, chính phủ Hoa Kỳ đã lên kế hoạch về một gói kích thích kinh tế bao gồm một chính sách thuế mới để khỏa lấp những thiệt hại do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 đang bùng phát trên phạm vi thế giới, theo SCMP.

Không cung cấp nhiều thông tin chi tiết, ông Kudlow mô tả chính sách kích thích kinh tế này sẽ tạo ra một bước đột phá lớn và táo bạo, và nó được ủng hộ bởi một tổng thống táo bạo.

Ông cho biết thêm, gói kích thích kinh tế mà Tổng thống Trump đề cập lần đầu vào thứ Hai, cũng bao gồm các biện pháp để đảm bảo người lao động được trả lương khi nghỉ ốm cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các biện pháp điều hành.

Quan chức Bộ Y tế Anh nhiễm COVID-19

Thứ trưởng Y tế Anh, Nghị sĩ Nadine Dorries của đảng Bảo thủ cầm quyền xác nhận bà có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19. Bà cho biết đã tự cách ly ở nhà ngay khi nhận được kết quả này, theo bản tin hôm thứ Ba (11/3) của SBS News.

Bộ trưởng Sức khỏe và Phúc lợi xã hội Matt Hancock nói rằng ông rất buồn khi nhận được thông tin này và cho rằng bà Nadine đã làm điều rất đúng đắn là tự cách ly tại nhà riêng.

Tờ The Times thông tin, bà Dorries thấy không khỏe từ ngày 6/3 và được xác nhận dương tính với virus vào ngày 10/3.

Tờ BBC thông tin, trước đó bà đã gặp hàng trăm người trong quốc hội.

Cảnh sát bắt hơi cay giải tán người biểu tình Venezuela

Hôm thứ Ba (10/3), cảnh sát chống bạo động Venezuela đã bắn hơi cay để giải tán đoàn người biểu tình hàng ngàn người của phe đối lập ở thủ đô Caracas, SBS News đưa tin.

Hàng ngàn người biểu tình bắt đầu cuộc tuần hành phản đối sự tồn tại của chính phủ Maduro ở phía đông của Caracas, họ hướng về tòa nhà Quốc hội nhưng sau đó bị chặn bởi một hàng rào cảnh sát.

Tham gia trong đoàn người biểu tình, lãnh đạo phe đối lập Guaido đã cố gắng đàm phán với cảnh sát, tuy nhiên không thành công, theo AFP.

“Cảnh sát không làm việc vì người dân, họ làm việc cho chế độ độc tài”, ông Guaido nói.

Afghanistan sắp thả 1500 tù nhân Taliban

Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, chuẩn bị cho phóng thích 1500 tù nhân thuộc lực lượng Taliban để mở đường cho các cuộc đàm phán trực tiếp với nhóm nổi dậy này nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm ở Afghanistan, theo bản tin hôm thứ Ba (10/3) của Reuters.

Tiến trình phóng thích 1.500 tù nhân Taliban sẽ được hoàn thành trong vòng 15 ngày, với 100 tù nhân được trả tự do ở các nhà tù mỗi ngày”, theo sắc lệnh mà Reuters tiếp cận được.

Sắc lệnh cũng cho hay, việc đàm phán chấm dứt chiến tranh giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban sẽ được thực hiện song song với tiến trình trao trả tù nhân này.

Ông Trump không tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng ở Nga

Điện Kremlin hôm thứ Ba (10/3) nói rằng phía Mỹ thông báo Tổng thống Trump sẽ không tới tham dự lễ mừng chiến thắng của Nga vào ngày 9/5.

Theo Reuters, Tổng thống Putin thường tổ chức các lễ duyệt binh lớn vào ngày 9/5 hàng năm để kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức, đồng thời cũng nhân dịp này phô diễn sức mạnh quân sự của Nga.

Người phát ngôn của điện Kremlin Dmitri Peskov nói với các phóng viên rằng Moscow hiện chưa biết ai sẽ thay ông Trump tham dự lễ kỷ niệm này.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-11-3-my-co-chinh-sach-kinh-te-tao-bao-doi-pho-voi-covid-19.html

 

Điểm tin thế giới chiều 11/3:

Ý báo cáo số ca tử vong vì COVID-19

cao kỷ lục trong ngày

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (11/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Ý báo cáo số ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục trong ngày

AFP đưa tin, Ý ghi nhận thêm 168 ca nhiễm COVID-19 tử vong trong hôm qua, con số cao nhất trong một ngày. Hiện số ca bệnh ở nước này là 10.149, trong đó 631 người đã tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh, chính phủ Ý hôm 10/3 quyết định áp lệnh phong tỏa toàn quốc, yêu cầu người dân ở nhà đến ngày 3/4. Không ai được di chuyển trừ khi có lý do khẩn cấp hoặc vấn đề sức khỏe. Mọi hoạt động tập trung đông người cũng bị cấm.

Hơn 1.000 người nhiễm COVID-19 ở Mỹ

Theo số liệu từ wordometer chiều 11/3, Mỹ ghi nhận thêm 312 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 1.010. Số ca tử vong là 31, phần lớn ở bang Washington.

36 trong số 50 bang của Mỹ đã xuất hiện dịch bệnh.

26 người chết trong vụ sập khách sạn cách ly COVID-19 ở Trung Quốc

26 người đã chết sau vụ sập khách sạn Xinjia Express cách ly người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến hôm 7/3.

AFP dẫn tin từ truyền thông Trung Quốc hôm nay cho biết có thêm 6 trường hợp tử vong trong vụ sập khách sạn Xinjia. Tính đến nay, 26 người đã chết tại hiện trường hoặc trong bệnh viện do bị thương quá nặng.

Khách sạn Xinjia là một trong hai điểm cách ly COVID-19 của quận Lịch Thành. Vào lúc khách sạn bị sập, 58 người đang được cách ly bên trong. Ngoài ra còn có 16 nhân viên khách sạn và 6 nhân viên đại lý ô tô.

Disneyland Tokyo tiếp tục đóng cửa cho đến đầu tháng 4

Reuters cho biết, công ty Oriental Land hôm nay thông báo Disneyland Tokyo sẽ đóng cửa đến đầu tháng 4 vì lo ngại dịch COVID-19. Oriental Land là nhà điều hành khu Disneyland Tokyo.

Trước đó, công ty cho biết họ sẽ đóng cửa các công viên từ ngày 29/2 đến ngày 15/3, sau khi chính phủ Nhật Bản kêu gọi hạn chế hoặc hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Tiêm kích Pakistan lao xuống đất

RT đưa tin, một tiêm kích F-16 của không quân Pakistan gặp nạn lúc sáng nay khi huấn luyện cho lễ duyệt binh diễn ra vào cuối tháng này ở ngoại ô thủ đô Islamabad, hiện chưa rõ tình trạng phi công.

Video do nhân chứng quay cho thấy một tiêm kích thực hiện động tác cơ động trước khi lao thẳng xuống đất, tạo ra cột khói lớn. Không quân Pakistan sau đó xác nhận máy bay gặp nạn là một tiêm kích F-16.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-11-3-y-bao-cao-so-ca-tu-vong-vi-covid-19-cao-ky-luc-trong-ngay.html