Tin khắp nơi – 11/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 11/03/2020

Ông Joe Biden kêu gọi đoàn kết sau khi thắng lớn

Ông Joe Biden hôm 10/3 giành thắng lợi mang tính quyết định trong cuộc bầu cử sơ bộ ở các tiểu bang Michigan, Missouri, Mississippi và Idaho, theo Reuters.

Hãng tin Anh cho rằng thắng lợi lớn này mở đường cho ông Biden, 77 tuổi, thẳng tiến trong hành trình trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ ra đối đầu với ông Trump, thành viên Đảng Cộng hòa, vào ngày 3/11.

Sau các chiến thắng trên, cựu phó tổng thống Mỹ đã kêu gọi đoàn kết trong Đảng Dân chủ, một động thái mà Reuters nói là nhắm tới các ủng hộ viên của ông Bernie Sanders.

“Chúng ta chia sẻ một mục tiêu chung, và chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại Donald Trump”, ông Biden nói tại Philadelphia, đồng thời gửi lời cám ơn ông Sanders và các ủng hộ viên của thượng nghị sĩ này vì sự nhiệt huyết của họ.

Reuters dẫn hãng nghiên cứu Edison Research nói rằng ông Biden giành chiến thắng ở Michigan, Missouri, Mississippi và Idaho nhờ sự ủng hộ của nhiều tầng lớp, trong đó có phụ nữ, người Mỹ gốc Phi, những cử tri có tuổi, các thành viên công đoàn cũng như những người không có bằng cấp.

XEM THÊM:

Mỹ: Ứng viên Joe Biden trỗi dậy trong ngày ‘Siêu Thứ Ba’

Tại hai bang khác là Washington và North Dakota, hiện chưa có kết quả chung cuộc, nhưng cánh cửa đối với ông Sanders, theo Reuters, dường như đã hẹp lại.

Theo hãng tin này, ông Sanders, 78 tuổi, từng hy vọng giành thắng lợi ở Michigan, nhưng bất thành.

Việc thất bại ở tiểu bang mà ông Sanders từng giành chiến thắng trong chiến dịch tranh cử năm 2016 sẽ gây thêm áp lực rời bỏ cuộc đua năm nay của thượng nghị sĩ theo chủ nghĩa xã hội để dốc sức giúp phe Dân chủ đánh bại ông Trump.

Theo Reuters, theo đề xuất của các quan chức y tế, cả ông Biden và ông Sanders đều hủy các sự kiện vận động tranh cử tối ngày 10/3 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Ông Biden cũng dự kiến sẽ hủy một sự kiện ở Florida vào ngày 12/3, và thay vào đó, ông sẽ có bài phát biểu về virus Corona tại bang nhà Delaware.

Ông được Reuters dẫn lời nói rằng việc xử lý virus Corona thể hiện “sự lãnh đạo của tổng thống”.

https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-joe-biden-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-%C4%91o%C3%A0n-k%E1%BA%BFt-sau-khi-th%E1%BA%AFng-l%E1%BB%9Bn/5324143.html

 

Bầu cử 2020: Đây có phải là khởi đầu

của kết thúc cho Sanders?

Anthony ZurcherPhóng viên Bắc Mỹ

Gọi nó là Mini Siêu Thứ Ba, hay Siêu Thứ Ba: Phần hai. Bất kể tên là gì, một tuần sau khi Joe Biden vươn lên vị trí á quân, ông đã củng cố vị trí dẫn đầu của mình.

Kết quả là cuộc đua bây giờ dường như nằm trong tầm kiểm soát của Biden.

Thứ Ba 10/3 vừa qua, sáu tiểu bang đã tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ để chọn người sẽ được đảng Dân chủ đề cử. Cựu phó tổng thống giành được Mississippi, Missouri và Michigan.

Kết quả từ Washington, Idaho và North Dakota hiện chưa có, và Bernie Sanders hy vọng sẽ có kết quả tốt hơn ở những tiểu bang này.

Bầu cử 2020: Ứng cử viên Bernie Sanders là ai?

Có thể sẽ là Bernie Sanders đối đầu Donald Trump?

Nhưng thượng nghị sĩ Vermont hiện đã tụt lại sau trong cuộc đua quyết định ai sẽ đối đầu với Donald Trump vào tháng 11.

Dưới đây là những điểm đáng chú ý trong đêm bầu cử 10/3.

Bắt đầu của kết thúc?

Bốn năm trước, Michigan mang lại cho Bernie Sanders một chiến thắng bất ngờ – mặc dù chỉ 1%, 49-48 – mang hơi thở mới vào cuộc vận động đang gặp khó khăn sau khi Hillary Clinton thống trị Siêu Thứ Ba.Nhưng lần này, những tiểu bang miền Trung Tây có thể đánh dấu khởi đầu sự kết thúc cho chiến dịch tranh cử của Sanders

Sự khác biệt, theo các cuộc thăm dò ý kiến, là cử tri da trắng, cử tri công đoàn và sinh viên tốt nghiệp đại học.

Sanders được cả ba nhóm này ủng hộ năm 2016. Nhưng tối thứ Ba, Biden đã đưa được họ vào cột của mình. Tỷ số sinh viên tốt nghiệp đại học ủng hộ ông là 51-44, người da trắng 51-45, thành viên công đoàn – 54% so với 42% của Sanders.

Cộng kết quả này vào thành quả rực rỡ của Biden với các cử tri da đen, cử tri quyết định giờ chót và cử tri muốn chọn người có thể đánh bại Donald Trump, và đó là công thức giành chiến thắng thoải mái cho phó tổng thống.

Sự đạt thành quả dễ dàng của Biden sẽ đặt ra những câu hỏi mới là liệu kết quả bầu cử sơ bộ của tiểu bang Michigan năm 2016 có phản ánh nhược điểm của bà Clinton nhiều hơn là sức mạnh của Sanders không. Ít nhất, đó là bằng chứng cho thấy thay vì cải thiện thành tích năm 2016 của mình, thượng nghị sĩ bang Vermont đang bị lùi lại.

Và nếu Sanders thất bại ở Michigan, thì con đường đến với đề cử của đảng Dân chủ đang thu hẹp rất nhanh.

Biden thắng ở miền Nam

Mississippi là tiểu bang đầu tiên dồn phiếu cho Biden hôm thứ Ba, và đó chỉ là ví dụ mới nhất về sức mạnh chiến dịch tranh cử của ông – cũng là một lý do khác khiến cựu phó tổng thống dường như đang là người làm chủ tình hình trong mùa bầu cử sơ bộ.

Giống South Carolina, tiểu bang khởi đầu sự phục hưng chính trị của Biden, hơn 60% cử tri của Mississippi là người da đen. Và, giống South Carolina, cựu phó tổng thống đã thống trị thành phần cử tri da đen này, ở mức 86-11. Điệp khúc ứng cử viên đảng Dân chủ không thể giành được đề cử mà không có sự ủng hộ của cử tri da đen, phần nào bị nghi ngờ sau chiến thắng thống trị của Sanders ở Nevada, giờ đây dường như lại là một quy tắc sắt.

Kết quả Mississippi cũng rất quan trọng vì số phiếu đại biểu đạt được sẽ quyết định việc đề cử của mỗi ứng cử viên. Biden không chỉ thắng tiểu bang này, mà là thống trị tiểu bang. Biden sẽ giành được phần khổng lồ của số 36 phiếu đại biểu tiểu bang, đẩy xa vị trí dẫn đầu. Vì số phiếu đại biểu được trao theo tỷ lệ tương ứng, để bắt kịp Biden, Sanders sẽ phải thắng lớn ở một số tiểu bang bằng tỷ số tương đương.

Siêu Thứ Ba: Joe Biden và Bernie Sanders thắng lớn, Michael Bloomberg bỏ cuộc

Người thắng kẻ thua trong bầu cử Siêu Thứ Ba

Trừ khi có những thay đổi lớn trong cuộc đua, điều này dường như khó có thể xảy ra. Với mỗi tiểu bang bị thua, Sanders sẽ tụt xa hơn về phía sau – và sự dẫn đầu của ông càng không thể xảy ra.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-51829683

 

Tổng thống Trump vẫn chưa được

xét nghiệm coronavirus dù phụ tá cao cấp đã cách ly

Tin từ Washington, DC – Hiện nay, tổng thống Trump vẫn chưa được xét nghiệm coronavirus, cho dù chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc mới của ông, và ít nhất bốn nhà lập pháp đảng Cộng hòa khác phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh tại một sự kiện chính trị.

Dân biểu Mark Meadows, người chuẩn bị tiếp nhận vị trí chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, đã tiếp gót dân biểu Cộng hòa Doug Collins và Matt Gaetz tuyên bố việc tự cách ly. Trước đó, thượng nghị sĩ Ted Cruz và dân biểu Paul Gosar cũng tuyên bố việc họ tự cách ly sau khi tham gia sự kiện diễn ra vào hôm 29/02/2020.

Theo tờ Bloomberg, tổng thống Trump cũng tham dự cùng sự kiện này và gần đây đã gặp gỡ cả ông Collins và ông Gaetz. Không rõ liệu tổng thống có tiếp xúc với người bệnh khi tổng thống phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở ngoại ô Maryland được tổ chức từ ngày 26-29/02/2020 hay không.

Mặc dù ông Meadows đã xét nghiệm coronavirus và cho kết quả âm tính và cũng không có triệu chứng gì, nhưng ông vẫn ở nhà cho đến hết thứ Tư (11/03/2020), khi thời hạn cách ly 14 ngày kết thúc.

Ông Collins đã gặp tổng thống Trump tại phi trường vào thứ Sáu tuần trước (06 tháng 03) khi đến thăm Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở Atlanta. Ông Gaetz đã bay từ Orlando tới Washington cùng với tổng thống Trump trên chiếc Air Force One vào hôm thứ Hai (09 tháng 03). (BBT)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-van-chua-duoc-xet-nghiem-coronavirus-du-phu-ta-cao-cap-da-cach-ly/

 

Virus corona: Mỹ bị hơn 1.000 ca nhiễm,

New York huy động Vệ Binh Quốc Gia chống dịch

Trọng Nghĩa

Tính đến hôm qua, 10/03/2020, tổng số ca nhiễm trên đất Mỹ đã vượt ngưỡng 1.000 người. Trong bối cảnh bang New York đã trở thành một ổ dịch quan trọng, với 173 ca nhiễm, thống đốc bang này đã quyết định áp dụng kể từ ngày 12/03 một biện pháp chống dịch chưa từng thấy: huy động lực lượng Vệ Binh Quốc Gia để hỗ trợ lệnh cách ly đối với một vùng ngoại ô thành phố New York.

Đó là vùng New Rochelle, thuộc hạt Westchester nằm ở phía bắc New York. Tại vùng ngoại ô khá giả này, sau khi xét nghiệm được 108 ca nhiễm virus corona, chính quyền đã lập tức ban hành lệnh cách ly trên một khu vực có bán kính khoảng 1,6 km quanh một nhà thờ Do Thái Giáo ở New Rochelle, bị coi là nơi phát tán dịch bệnh. Ba trường học và nhiều cơ sở tôn giáo bị đóng cửa, và thống đốc bang New York đã cho triển khai lực lượng Vệ Binh Quốc Gia đến nơi để tham gia chống dịch.

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten phân tích:

Tình huống đặc biệt đòi hỏi cách đối phó quyết liệt. Đây chính là thông điệp mà ông Cuomo, thống đốc bang New York muốn đưa ra vào hôm qua cho thấy thái độ quan ngại trước sự kiện New Rochelle, một thị trấn chỉ 80.000 cư dân, lại có số ca nhiễm virus corona cao hơn gấp đôi so với thành phố New York cực kỳ đông dân.

Ông đã cho triển khai Lực lượng Vệ Binh Quốc Gia đến nơi để phân phát thực phẩm cho những người bị bệnh, cũng như khử trùng các trường học. Việc điều động Vệ Binh Quốc Gia đã gây ấn tượng mạnh trong trí tưởng tượng của mọi người, nhưng theo anh Tanguy Hubert, đang sống cùng vợ và ba đứa con ở New Rochelle, thì trong thực tế, người ta vẫn có thể tự do di chuyển và các biện pháp giới hạn đi lại rất kín đáo.

Đối với anh Hubert, khi gắn liền hai khái niệm Vệ Binh Quốc Gia với Vùng cách ly, người ta thường có cảm tưởng rằng ngày tận thế đã đến nơi, với xe tăng, trực thăng, với việc cấm rời khỏi nhà. Thế nhưng lúc này, mọi người vẫn có thể ra ngoài, cho dù đôi khi cũng gặp vài người đeo khẩu trang. Người ta vẫn vào các cửa hàng, và không nhất thiết là ai cũng có xe đẩy đầy gạo.

Đối với dân sống trong vùng bị cách ly, vấn đề nan giải nhất là làm sao giữ con cái khi trường học bị đóng cửa, và khi toàn bộ các gia đình trong thành phố đều lâm vào hoàn cảnh này.

Trên phạm vi toàn nước Mỹ, tính đến hết ngày hôm qua, 10/03, đã có 1001 người nhiễm bệnh Covid-19, một con số đã tăng gấp đôi so với 550 ca nhiễm một hôm trước. Những bang có số ca nhiễm cao nhất là Washington (271 trường hợp), kế đến là New York (173 ca), California (159 ca ) và Massachusetts (92 ca). Số trường hợp tử vong cũng tiếp tục gia tăng, đã lên đến 30 người chết.

Theo giới chuyên gia y tế, số ca nhiễm sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trước khi chính phủ Mỹ có thể khống chế được dịch bệnh. Nhiều chuyên gia đã phê phán chính quyền Liên bang là đã cố tình giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cũng như là đã chậm trễ trong việc hoàn thiện các xét nghiệm nhằm phát hiện dịch bệnh.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200311-covid-19-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9-%C4%91%C3%A3-c%C3%B3-h%C6%A1n-1000-ca-nhi%E1%BB%85m-new-york-huy-%C4%91%E1%BB%99ng-v%E1%BB%87-binh-qu%E1%BB%91c-gia-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch

 

Tòa án yêu cầu Bộ Tư Pháp giao nộp lời khai

 của nhân chứng trong cuộc điều tra Mueller

Tin Washington DC – Phe Dân Chủ Hạ Viện vừa có chiến thắng lớn trong cuộc chiến pháp lý đòi quyền tiếp cận các hồ sơ của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, liên quan đến cuộc điều tra dài 22 tháng về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử 2016.

Tòa kháng án liên bang tại Washington vào thứ Ba, 10 tháng 3, phán quyết rằng thủ tục luận tội của Quốc Hội đáp ứng đủ tiêu chuẩn để tiếp cận các hồ sơ mật liên quan đến cuộc điều tra. Các hồ sơ bị tranh chấp là các thông tin được nhóm điều tra của ông Muller thu thập trong quá trình thẩm vấn. Các thông tin này đến nay vẫn được bảo mật nhằm bảo vệ danh tính của những người bị điều tra nhưng không bị truy tố, và chi tiết của các cuộc điều tra đang diễn ra.

Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã khởi kiện để buộc chính phủ phải giao nộp các hồ sơ này vào tháng 7 năm nay, với lý do rằng Ủy Ban này muốn hiểu rõ hơn về vai trò của Tổng Thống Trump trong các sự kiện có liên quan đến cuộc điều tra của ông Mueller. Thẩm phán liên bang Beryl Howell vào tháng 10 năm ngoái đã phán quyết rằng các thủ tục của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đáp ứng tiêu chuẩn để được tiếp cận các thông tin điều tra.

Vào thứ Ba, tòa kháng án đã bỏ phiếu 2-1, đồng ý với phán quyết của tòa cấp dưới. Thẩm Phán Judith Rogers của phe đa số cho rằng, vì báo cáo Mueller không có kết luận rõ ràng, ủy ban Hạ Viện sẽ không thể đưa ra kết luận của họ về hành động của Tổng Thống Trump, nếu không được tiếp cận với các nội dung thẩm vấn.

Trong khi đó, vị thẩm phán bỏ phiếu chống Neomi Rao cho rằng, việc ủy ban Hạ Viện đòi xem hồ sơ điều tra là không còn cần thiết, sau khi Tổng Thống Trump đã được Thượng Viện xóa mọi cáo trạng luận tội. (BBT)

https://www.sbtn.tv/toa-an-yeu-cau-bo-tu-phap-giao-nop-loi-khai-cua-nhan-chung-trong-cuoc-dieu-tra-mueller/

 

Cổ phiếu Boeing giảm mạnh

vì dịch coronavirus bùng phát

Vào hôm thứ hai (9 tháng 3), cổ phiếu của Boeing giảm hơn 12% trong bối cảnh thị trường sụt giảm mạnh vì coronavirus tiếp tục gây áp lực lên ngành hàng không toàn cầu. Bên cạnh đó, các nhà quản trị Hoa Kỳ cho biết họ không đồng ý với lập luận của Boeing về sự an toàn của các bó dây điện trên máy bay phản lực 737 MAX.

Nhấn mạnh những rủi ro toàn cầu nếu máy bay 737 MAX được phép bay trở lại, trong một báo cáo mới, cảnh sát điều tra Ethiopia cho biết các hệ thống 737 MAX bị lỗi chính là nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay chết người đã khiến Boeing rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất mà công ty từng phải trải qua.

Cổ phiếu Boeing đã giảm còn 229.12 mỹ kim trong phiên giao dịch buổi chiều thứ Hai, một mức độ chưa từng thấy kể từ năm 2017. Các nguồn tin trong ngành cho biết các hãng hàng không, đối mặt với nhu cầu đi lại giảm mạnh do sự bùng phát của coronavirus, đã bắt đầu yêu cầu hoãn giao hàng máy bay và trả tiền mặt cho Boeing và đối thủ cạnh tranh đến từ châu Âu, công ty Airbus.

Thêm vào cảm giác lo lắng, Giám đốc điều hành mới của Boeing Dave Calhoun đã buộc phải xin lỗi các nhân viên cao cấp sau khi chỉ trích người tiền nhiệm và lãnh đạo công ty. Lời xin lỗi của ông Calhoun được đưa ra khi Cơ quan Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) nói với Boeing vào hôm thứ Sáu rằng họ không đồng ý với lập luận của công ty rằng các bó dây điện của 737 MAX áp ứng các tiêu chuẩn an toàn. (BBT)

https://www.sbtn.tv/co-phieu-boeing-giam-manh-vi-dich-coronavirus-bung-phat/

 

Hành khách từ du thuyền Grand Princess

vui mừng khi được trở về California

Tin từ Oakland, California – Vào hôm thứ hai (9 tháng 3), những hành khách của du thuyền Grand Princess đã mừng vui reo hò khi tàu của họ được cập bến San Francisco Bay và trên đường hướng về Cảng Oakland.

Trước đó, du thuyền Grand Princess phải neo ngoài biển trong nhiều ngày bởi đợt bùng phát dịch coronavirus. 2,400 hành khách trên du thuyền, những người phải tự cách ly trong phòng trên tàu kể từ thứ Năm (ngày 5 tháng 3), sẽ được vận chuyển đến các trạm kiểm dịch hoặc bệnh viện, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của họ. Trong khi đó, 1,100 thủy thủ đoàn – trừ những người bệnh nặng – sẽ tiếp tục ở lại trên tàu.

Sau khi rời khỏi Cảng Oakland trong thời gian sớm nhất có thể, tàu Grand Princess sẽ bị cách ly trong vòng 2 tuần tại một vị trí chưa được xác định ở ngoài khơi San Francisco Bay.

Đoạn video được quay trên tàu cho thấy những hành khách vui mừng reo hò từ phòng khách và cửa sổ, một số người hét lên “Về nhà rồi!” khi con tàu đi qua Golden Gate Bridge vào vịnh.

Trong đợt chẩn đoán ban đầu được thực hiện trên khoảng 45 người có triệu chứng nhiễm coronavirus vào hôm thứ Sáu (6 tháng 3), 21 người trên tàu, chủ yếu là thủy thủ đoàn, đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây ra bệnh hô hấp COVID-19. Các hành khách còn lại sẽ được kiểm tra và theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh khi họ đến địa điểm kiểm dịch được chỉ định.

Princess Cruise, chủ sở hữu và nhà điều hành tàu Grand Princess, tuyên bố rằng hành khách sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền của chuyến hành trình, bao gồm vé máy bay, tiền khách sạn, và lệ phí du ngoạn trả trước.  (BBT)

https://www.sbtn.tv/hanh-khach-tu-du-thuyen-grand-princess-vui-mung-khi-duoc-tro-ve-california/

 

Hai hãng hàng không lớn nhất Hoa Kỳ

 cắt giảm các chuyến bay vì coronavirus

Tin từ New York – Vào sáng thứ ba (ngày 10 tháng 3), coronavirus lại một lần nữa gây ảnh hưởng đến ngành hàng không Hoa Kỳ khi American Airlines và Delta Airlines đồng loạt công bố cắt giảm các chuyến bay quốc tế cũng như nội địa.

American Airline, hãng hàng không lớn nhất thế giới, cho biết họ sẽ cắt giảm 10% chuyến bay quốc tế vào mùa hè này so với lịch trình hiện tại, cũng như giảm 7.5% các chuyến bay nội địa vào tháng Tư. Trong khi đó, Delta Air Lines cho biết họ sẽ cắt giảm các chuyến bay quốc tế từ 20% đến 25% và cắt giảm các chuyến bay nội địa từ 10% đến 15%. Công ty cũng cho biết họ sẽ ngừng mướn thêm nhân viên và thiết lập chính sách để nhân viên ghi danh nghỉ phép không lương.

Theo Delta Air Lines, họ không còn mong đợi đạt được mức thu nhập kỳ vọng cho năm 2020. Trong một dấu hiệu khác cho thấy các hãng hàng không đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ coronavirus, Giám đốc điều hành của Southwest Airlines đã thông báo trong email cho nhân viên rằng công ty buộc phải cắt giảm 10% tiền lương của họ.

Tin tốt duy nhất cho các hãng hàng không từ cuộc khủng hoảng là chi phí nhiên liệu máy bay giảm mạnh. American Airlines cho biết họ sẽ tiết kiệm được 3 tỷ mỹ kim chi phí trong năm nay so với dự tính trước đó, trong khi Delta Air Lines sẽ tiết kiệm được 2 tỷ mỹ kim.  (BBT)

https://www.sbtn.tv/hai-hang-hang-khong-lon-nhat-hoa-ky-cat-giam-cac-chuyen-bay-vi-coronavirus/

 

Mật vụ Mỹ cảnh báo lừa gạt ‘ăn theo’ virus corona

Megan Duzor

Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ cảnh báo dân Mỹ nên coi chừng những vụ lừa gạt liên hệ đến virus corona và nói rằng “bất cứ những tin tức quan trọng nào cũng có thể trở thành cơ hội cho những nhóm hay cá nhân có ý đồ xấu xa.”

Trong tuyên bố ngày 9/3, Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết tội phạm đã bắt đầu tận dụng sự sợ hãi xung quanh virus corona để thủ lợi trên cảm xúc của người dân.

Cơ quan này cho hay có một trường hợp, các nạn nhân nhận được email giả dạng được gởi tới từ một tổ chức y tế chứa đựng tin quan trọng về virus. Một văn bản đính kèm, khi mở ra, buộc nạn nhân phải điền các mật mã truy cập email để rồi sau đó bị đánh cắp hay máy vi tính sẽ bị lây nhiễm phần mềm độc hại.

Cơ quan Mật vụ Mỹ nói có những vụ khác, các trang mạng xã hội được dùng để kêu gọi đóng góp vào những tài khoản từ thiện giả mạo có liên hệ đến virus bùng phát, trong khi những âm mưu khác dùng quảng cáo về nhu cầu cung cấp vật phẩm y tế để nạn nhân trả tiền cho những vật phẩm này nhưng không bao giờ được gởi đến họ.

“Lo sợ có thể khiến cho những cá nhân, bình thường cẩn thận, mất cảnh giác và trở thành nạn nhân của những vụ gian lận xã hội, giả mạo để lấy tin tức của nạn nhân, giả mạo bán hàng nhưng không giao hàng, giả mạo về đấu giá,” Cơ quan Mật vụ Mỹ nói.

Cơ quan này thúc đẩy mọi người cảnh giáo cao độ và nói thêm là những vụ như vậy sẽ càng ngày càng nhiều.

Tuần trước, cảnh sát tại Anh cho hay các nạn nhân tại nước này mất hơn một triệu đô la vì những vụ giả mạo có liên hệ đến virus corona. Cảnh sát Anh cho biết nhiều người có liên hệ đến những vụ lừa gạt về khẩu trang, trong đó có một nạn nhân trả gần 20.000 đô la tiền mua khẩu trang nhưng không bao giờ nhận được.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BA%ADt-v%E1%BB%A5-m%E1%BB%B9-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-l%E1%BB%ABa-g%E1%BA%A1t-%C4%83n-theo-virus-corona-/5323885.html

 

Ai nên ‘tích trữ’ nhu yếu phẩm giữa mùa dịch corona?

Những người lớn tuổi, đặc biệt là những người đã có các vấn đề về sức khỏe, nên dự trữ nhu yếu phẩm và tránh những việc đi lại không cần thiết, một quan chức hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo hôm 9 tháng 3.

Hầu hết người Mỹ có nguy cơ mắc phải chủng virus corona mới, Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm Quốc gia về Chủng ngừa và các Bệnh Hô hấp thuộc CDC, nói. Người Mỹ lớn tuổi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Khi dịch bệnh tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng hiện nay, nhiều người ở Mỹ vào một thời điểm nào đó trong năm nay hoặc năm sau sẽ phơi nhiễm với virus này và có phần chắc là nhiều người sẽ ngã bệnh,” bà Messonnier nói. “Lí do để tích trữ đồ bây giờ là để không phải ra khỏi nhà.”

Bà Messonnier cho biết dữ liệu toàn cầu từ Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy những người dưới 60 tuổi thường có kết cục tốt hơn nếu họ nhiễm virus.

Tuy nhiên, những người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn, đặc biệt là nếu họ có bệnh sẵn như bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc bệnh phổi, bà Messonnier nói.

Những người trẻ tuổi có vấn đề về sức khỏe cũng có nguy cơ, nhưng người cao tuổi có bệnh sử là những người dễ bị tổn thương nhất.

“Đây có vẻ là bệnh ảnh hưởng đến người lớn và nặng nhất là người cao niên,” bà nói. “Bắt đầu ở tuổi 60, nguy cơ mắc bệnh tăng lên và nguy cơ tăng theo tuổi tác.”

Cảnh báo của bà Messonnier được đưa ra sau chỉ dẫn mới từ CDC nhấn mạnh rằng người lớn tuổi và người có các vấn đề về sức khỏe là đối tượng có nguy cơ bị bệnh nặng nhất do virus corona gây ra, và nên tránh những nơi đông người, những chuyến đi dài bằng máy bay và tàu, đặc biệt là du thuyền.

Bác sĩ Đỗ Văn Hội ở bang Florida, một trong những nơi tập trung nhiều người cao tuổi nhất ở Mỹ và cũng là nơi ghi nhận ít nhất 20 ca nhiễm virus corona, giải thích việc tích trữ là cần thiết nếu một người được đưa vào diện cách ly, nhất là khi người này có các vấn đề về sức khỏe.

“Khi mà bị cách ly hoặc là khu vực đó bị cách ly hoặc thành phố đó bị cách ly thì chúng ta cần phải có thuốc do toa bác sĩ cung cấp trong thời gian tối thiểu là một tháng, và nếu có thể thì thêm hai tháng cũng được,” ông khuyến cáo.

“Và các loại thuốc bán tự do tại quầy, chúng ta cũng cần phải có sử dụng trong thời gian một tháng hay hai tháng.”

Bác sĩ Hội nói thêm rằng với những người bình thường cũng nên bắt đầu tích trữ nhu yếu phẩm nếu như khu vực họ sinh sống xuất hiện những ca “lây lan nhiều” và nhà chức trách bắt đầu tiến hành cách ly triệt để khiến việc đi lại trở nên khó khăn.

Bác sĩ Hội cho biết diễn biến của dịch bệnh đã khơi lên lo ngại từ cư dân gốc Việt ở Florida, nhiều người trong số này là người cao tuổi. Ông nói đã có sự nhận thức cao hơn trong cộng đồng về nguy cơ nhiễm virus từ sinh họat hàng ngày.

“Cách đây hai, ba ngày có lễ Hai Bà Trưng ở Orlando, cũng đông người lắm, và họ cũng có ý thức là không bắt tay nhau, chỉ chào nhau bằng cách gật đầu hoặc giơ tay thôi,” ông cho biết.

Số ca nhiễm virus corona, có tên chính thức là COVID-19, đang tăng lên từng ngày ở Mỹ. Khoảng ba phần tư các bang của Mỹ giờ đã xác nhận hơn 800 ca nhiễm virus, với 29 người tử vong, đa số là ở bang Washington.

Hơn 116.00 người bị nhiễm COVID-19 trên khắp thế giới, trên 4000 người tử vong vì virus này kể từ khi nó xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Virus corona đã lan ra hơn 100 quốc gia. Ý, nước có số người tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc, đã đặt toàn bộ dân số 60 triệu người vào tình trạng gần như phong tỏa.

https://www.voatiengviet.com/a/ai-nen-tich-tru-nhu-yeu-pham-giua-mua-dich-corona/5323477.html

 

Chế độ bảo hiểm y tế và xã hội Mỹ

có giúp kháng được virus corona không ?

Thu Hằng

Sau cuộc khủng hoảng máy bay Boeing 737 MAX, dịch virus corona có nguy cơ tác động đến thành tích nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Donald Trump. Hơn 1.000 người bị nhiễm virus corona và dịch tiếp tục lan rộng trên khắp nước Mỹ.

Cuộc khủng hoảng dịch tễ bắt đầu cho thấy một số bất cập trong hệ thống an sinh xã hội Mỹ, có thể khiến một bộ phận cử tri của tổng thống Trump lung lay, nếu các vấn đề này không được giải quyết hợp lý.

Mỹ có hệ thống y tế vững chắc, với mạng lưới trung tâm y tế rộng khắp, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên đông đảo, gần 15.000 người. Mạng lưới theo dõi nguy cơ dịch bệnh phối hợp chặt chẽ với nhau, cũng như với chính quyền liên bang. Khi có dịch bệnh, toàn bộ hệ thống sẵn sàng ứng chiến.

Tuy nhiên, một hệ thống hoàn hảo như vậy liệu có đủ để ngăn được đà lây lan của virus corona hay không, trong khi quyền lợi của bệnh nhân và người lao động tại Mỹ vẫn còn nhiều thiếu sót, theo phân tích của Sarah Rozenblum, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và khoa học chính trị tại đại học Michigan, được Le Monde trích đăng ngày 06/03/2020.

Chế độ nghỉ ốm không phổ biến

Chế độ nghỉ ốm không được quy định trong luật liên bang Mỹ. Tuy nhiên, tại một số bang (New York, Washington), người lao động vẫn có quyền nghỉ ốm hưởng lương trong vòng 9 ngày. Tuy nhiên, tỉ lệ rất chênh lệch giữa người lao động phổ thông (chỉ khoảng 63%) và viên chức quản lý – cán bộ (90%), theo Phòng Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistics).

Người lao động có thu nhập thấp tại Mỹ thường được trả lương theo giờ hoặc theo ngày, trong đó có vài triệu người không được hưởng bảo hiểm y tế. Trong trường hợp bị nhiễm virus corona và được yêu cầu cách ly 14 ngày, họ buộc phải nghỉ làm và như vậy sẽ không có thu nhập. Vì không có nguồn tài chính dồi dào để « cầm cự », và vẫn phải thanh toán các khoản chi cố định hàng tháng như tiền thuê nhà, điện, nước… nhiều người sẽ vi phạm quy định cách ly, giấu bệnh để tiếp tục đi làm. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, nghỉ việc dài ngày cũng có thể là một lý do để giới chủ sa thải.

Người nhập cư « ngại » đi xét nghiệm virus corona

Đối tượng thứ hai được nhà nghiên cứu Mỹ nêu lên là người nhập cư bất hợp pháp, thậm chí kể cả hợp pháp (thẻ xanh). Từ khi lên nắm quyền, tổng thống Trump đã siết chặt chính sách nhập cư. Từ tháng 02/2020, Tòa Án Tối Cao Mỹ đã ra lệnh cho chính phủ liên bang từ chối cấp thẻ di trú và đơn xin nhập quốc tịch cho người nước ngoài hưởng trợ cấp xã hội, vì cho rằng họ trở thành « gánh nặng » của cộng đồng. Trong trường hợp bị nhiễm virus corona, có rất nhiều người sẽ « ngại » đến các trung tâm y tế vì sợ ảnh hưởng tới hồ sơ di dân. Riêng đối với người nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ không đi xét nghiệm, dù chắc chắn có triệu chứng nhiễm virus corona.

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Sarah Rozenblum, việc xử lý khủng hoảng dịch virus corona bước đầu vẫn thiếu tình liên đới. Ví dụ, các công dân Mỹ được hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã phải thanh toán toàn bộ viện phí lên đến 3.000 đô la, một số tiền rất lớn đối với người có thu nhập thấp.

Mỹ khẩn cấp tháo khoán 8,3 tỷ đô la để chống dịch

Để đối phó với dịch Covid-19 đang lan rộng trên khắp lãnh thổ, Quốc Hội Mỹ đã khẩn cấp thông qua khoản ngân sách 8,3 tỷ đô la để « phòng ngừa, chuẩn bị và đối phó với dịch bệnh ».

Người lao động không có thu nhập cao là một bộ phận cử tri được tổng thống Donald Trump luôn tìm cách thuyết phục và được nhắc đến trong các cuộc vận động tranh cử của ông. Ngày 09/03, phó tổng thống Mike Pence trấn an « những người lao động được trả theo giờ, những công nhân Mỹ làm việc nặng nhọc và những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ » rằng chính phủ « sẽ tìm ra được những nguồn tài chính để họ có thể nghỉ phép mà vẫn được hưởng lương, để không một ai bị bắt đi làm khi họ bị nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm virus corona ».

Hiện người dân Mỹ vẫn chờ những biện pháp được tổng thống Trump ca ngợi là « quan trọng » và có « quy mô lớn » để giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình. Một số hãng bảo hiểm đã chấp nhận hoàn trả chi phí xét nghiệm và điều trị virus corona.

Hãng tin AFP nhận định thời gian không còn nhiều để chính quyền liên bang tái lập niềm tin với người dân. Ngoài ra, hai đảng đối lập cũng nên gác bất đồng để thông qua những biện pháp của Nhà Trắng trong thời điểm khủng hoảng này.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200311-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%99-b%E1%BA%A3o-hi%E1%BB%83m-y-t%E1%BA%BF-v%C3%A0-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-m%E1%BB%B9-c%C3%B3-gi%C3%BAp-kh%C3%A1ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-virus-corona-kh%C3%B4ng

 

Thượng nghị sỹ Mỹ yêu cầu các công ty

ngừng tiếp tay cho cưỡng bức lao động ở Trung Quốc

Minh Hòa

Một thượng nghị sỹ cấp cao của Hoa Kỳ yêu cầu Bộ Thương mại nước này ngăn chặn các công ty tiếp tay cho hoạt động cưỡng bức lao động tại khu vực Tân Cương, Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, thượng nghị sỹ Bob Menendez thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã gửi một lá thư ngày 10/3 tới Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross để bày tỏ vấn đề này.

Ông Menendez chỉ rõ các công ty Mỹ hàng đầu như Apple, Coca-Cola, Kraft Heinz, và The Gap “đã lấy nguồn cung cấp hoặc tiếp tục lấy nguồn cung cấp” từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi có lượng lớn những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ (Turk) theo đạo Hồi sinh sống.

RFE trích dẫn lá thư của ông Menendez nhận định rằng “các công ty này có thể đồng lõa vào việc đàn áp hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan, người Slovak và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác”.

Trong lá thư ngày 10/3, thượng nghị sỹ Menendez viết rằng Trung Quốc đã ép buộc một lượng những người Duy Ngô Nhĩ (một sắc tộc người Turk) phải làm việc trong các công xưởng ở gần các trại tập trung.

Ông Menendez kêu gọi Bộ Thương mại “thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng và minh bạch” cho việc mua các sản phẩm được sản xuất tại Tân Cương, nhằm buộc các công ty Mỹ ngừng mua các sản phẩm liên quan đến cưỡng bức lao động ở Trung Quốc.

Động thái của ông Menendez xuất hiện trong khi Bắc Kinh bị lên án nhiều năm qua về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo ở Tân Cương.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 8/2018 cho biết, chính quyền Trung Quốc đã tống giam hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đang “giáo dục lại” những người này và chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Chính quyền Trung Quốc còn thu thập hàng loạt mẫu DNA và quét mống mắt của những người Duy Ngô Nhĩ. Hoạt động bất thường này khiến các nhà quan sát lo ngại về khả năng chính quyền Trung Quốc có ý định mở rộng mạng lưới thu hoạch nội tạng cưỡng bức tới cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ. Các báo cáo trước đó cho biết một số người Duy Ngô Nhĩ đã bị mổ lấy nội tạng, dù họ chưa phải là nhóm nạn nhân chính như những người tập Pháp Luân Công, môn khí công phổ biến tại nhiều quốc gia nhưng bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.

Video: Lời thú tội của bác sỹ Trung Quốc mổ cướp nội tạng

https://www.dkn.tv/the-gioi/thuong-nghi-sy-my-yeu-cau-cac-cong-ty-ngung-tiep-tay-cho-cuong-buc-lao-dong-o-trung-quoc.html

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án

tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2019

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 11/3 công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2019, lên án tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2019 trên một loạt các lĩnh vực.

Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc tài được cai trị bởi một đảng duy nhất, Đảng Cộng Sản Việt Nam dẫn đầu bởi Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Cuộc bầu cử Quốc hội gàn đây nhất vào năm 2016 không tự do và công bằng, dù có sự cạnh tranh một cách hạn chế của các ứng viên được Đảng chọn”, phần mở đầu về Việt Nam của báo cáo viết.

Báo cáo mới của Hoa Kỳ xác định các vi phạm của chính quyền Việt Nam trong các vấn đề bao gồm: bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị. Hạn chế nghiêm trọng nhất ở Việt Nam theo báo cáo chính là hạn chế các quyền tự do bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, và tự do tôn giáo. Hoa Kỳ cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện những người dám lên tiếng chỉ trích chính phủ.

Báo cáo gồm 7 phần bao gồm: tôn trọng con người, tôn trọng các quyền tự do dân sự, bầu cử tự do, tham nhũng và minh bạch, phản ứng của chính phủ Việt Nam với các cáo buộc và điều tra của quốc tế về vi phạm nhân quyền, phân biệt đối xử và buôn người, quyền của người lao động. Trong tất cả các phần này, Việt Nam đều bị chỉ trích có những vi phạm, mức độ nghiêm trọng tùy theo từng phần.

Đối với phần tôn trọng con người, các quyền tự do dân sự, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu lên những trường hợp nạn nhân chết trong đồn công an và vụ blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do bị bắt cóc khi đang xin quy chế tị nạn ở Thái Lan hồi tháng 1 năm 2019. Blogger Trương Duy Nhất đã bị giam giữ và không được có bất cứ tiếp xúc nào với người thân và luật sư trong nhiều ngày, trái với quy định cua rphaps luật.

Báo cáo cũng lên án tình hình đối xử với tù nhân nói chung và tù chính trị nói riêng ở Việt Nam. Tù nhân ở Việt Nam thường phải nhận thức ăn có chất lượng thấp, điều kiện giam giữ chật chội. Thậm chí, có tù nhân không được chăm sóc y tế khi có bệnh. Giới chức nhà tù cũng không kiểm soát được tình trạng tù nhân đánh tù nhân. Các tù chính trị thường bị chuyển đi các trại giam xa gia đình với các ví dụ điển hình là ông Lê Đình Lượng, Nguyễn Trung Trực. Ngoài ra họ còn bị hạn chế gặp gia đình, người thân.

Đối với các quyền tự do dân sự, báo cáo viết “Hiến pháp và luật cho phép quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do báo chí, tuy nhiên, trên thực tế, chính phủ không tôn trọng các quyền này và nhiều luật còn vi phạm quyền tự do biểu đạt. Chính phủ tiếp tục sử dụng các điều khoản về an ninh mạng và chống bôi nhọ để hạn chế tự do biểu đạt”.

Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam đã hạn chế tự do internet, chặn các website tiếng Việt của Đài Á Châu Tự Do, VOA và BBC. Chính phủ ép các công ty như Google và Facebook phải gỡ các link và video chỉ trích chính phủ. Báo cáo trích nguồn từ chính phủ Việt Nam hồi tháng 7 năm ngoái cho biết Google đã gỡ gần 6.700 video từ YouTube, Facebook chặn 1.000 đường dẫn, 137 tài khoản nói xấu đảng và chính phủ.

Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam hiện không cho phép các tổ chức nhân quyền trong nước và độc lập được thành lập và hoạt động. Việt Nam cũng không chấp nhận những chỉ trích của các tổ chức hay cá nhân liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Trong phần cuối cùng nói về quyền của người lao động, báo cáo đề cập đến luật lao động sửa đổi mới đây của Việt Nam, trong đó cho phép người lao động thành lập công đoàn độc lập. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích các điều khoản trong luật đã hạn chế quyền này của người lao động, hạn chế quyền đình công của họ.

Mỗi năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều ra báo cáo nhân quyền về các nước trên thế giới. Việt Nam thường bị Hoa Kỳ lên án về tình trạng đàn áp nhân quyền qua các năm dù chính phủ Hoa Kỳ nhìn nhận Việt Nam có lúc đã có những điều chỉnh nhỏ vì bị chỉ trích nhưng thường không đủ.

Báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ trích thống kê từ các tổ chức nhân quyền ước tính đến tháng 11 năm ngoái Việt Nam đã giam giữ khoảng từ 100 đến 260 người vì các lý do chính trị và tôn giáo.

Việt Nam các năm trước đều lên tiếng phản bác các cáo buộc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền Việt Nam và cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-critical-of-vn-human-right-record-in-2019-03112020113550.html

 

Mỹ điều oanh tạc cơ tàng hình đến châu Âu

Không quân Mỹ lần thứ hai trong hai năm triển khai phi đội oanh tạc cơ B-2 đến châu Âu để tham gia diễn tập Defender Europe 2020.

“Oanh tạc cơ B-2 sẽ hoạt động tại nhiều căn cứ quân sự trong khu vực quản lý của Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu (EUCOM). Các chuyến triển khai máy bay ném bom chiến lược đến châu Âu giúp tổ lái làm quen chiến trường, cũng như thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác”, EUCOM hôm qua ra thông cáo cho biết.

EUCOM không cho biết số lượng máy bay B-2 được điều đến châu Âu, cũng như thời gian và địa điểm triển khai của chúng trong đợt diễn tập Defender Europe 2020. EUCOM phụ trách khu vực địa lý từ đảo Greenland ở phía tây đến vùng Viễn Đông của Nga, cũng như từ Bắc Cực đến Địa Trung Hải ở phía nam.

Phi đội B-2 trước đó đáp xuống sân bay quân sự Lajes tại quần đảo Azores của Bồ Đào Nha. Chúng thuộc biên chế Không đoàn ném bom số 509 và 13, đóng quân tại căn cứ không quân Whiteman, bang Missouri. Đây là lần thứ hai Mỹ triển khai oanh tạc cơ B-2 đến châu Âu tham gia diễn tập kể từ năm 2019, khi một phi đội B-2 thuộc Không đoàn 509 hạ cánh xuống căn cứ không quân Fairford của Anh.

Mỹ và các nước châu Âu khởi động cuộc diễn tập Defender Europe 2020 từ cuối tháng 2, trong khi các nội dung chính dự kiến được tổ chức trong tháng 4 và 5. Cuộc diễn tập có sự tham gia của 37.000 binh sĩ, trong đó có 20.000 lính Mỹ và diễn ra trên lãnh thổ nhiều nước châu Âu.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov hồi tháng 2 cảnh báo hành động tăng cường lực lượng của NATO gần biên giới Nga là “vấn đề đáng lo ngại”, khẳng định các động thái phô trương sức mạnh của phương Tây sẽ không làm Moskva thay đổi chính sách đối ngoại mà chỉ gây thêm căng thẳng.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33454-my-dieu-oanh-tac-co-tang-hinh-den-chau-au.html

 

Nghị sĩ Mỹ: Không tổ chức Olympic 2022 tại Trung Quốc

vì Bắc Kinh ‘phạm tội ác chống lại loài người’

Lục Du

Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng ở Hoa Kỳ gần đây đã đưa ra một yêu cầu đối với Ủy ban Olympic thế giới (IOC) rằng, cần chuyển địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022 từ Trung Quốc sang một quốc gia khác, vì lực lượng lãnh đạo ở nước này “vi phạm tội ác chống lại loài người”.

Căn cứ trên hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Bắc Kinh, Thế vận hội Olympic mùa đông không nên tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2022. Không có lý do gì để thế giới ủng hộ chính quyền Trung Quốc bằng cách tạo nhiều cơ hội hơn cho họ kiếm tiền và tuyên truyền, nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đề nghị.

Thượng nghị sĩ Rick Scott cùng với Thượng nghị sĩ Ed Markey là hai người khởi xướng việc đưa ra đề nghị này. Hôm 4/3, ông Scott đã trình bày một báo cáo thuyết minh về đề nghị này tại nghị viện. Lập luận cho sự cần thiết của đề nghị này, báo cáo trích dẫn dữ liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về những số phận bi thảm của “hơn một triệu” tù nhân Hồi giáo của các sắc tộc thiểu số ở Tân Cương, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và người Slovak, bị giam giữ trong 1.200 trại cải tạo.

Tuy nhiên Bitter Winter cho rằng, số liệu tù nhân mà hai thượng nghị sĩ tham khảo từ Bộ Ngoại giao Mỹ không đầy đủ. Theo các nhà nghiên cứu độc lập, con số thực tế là 3 triệu người Hồi giáo ở Tân Cương đã bị chính quyền Bắc Kinh bắt giam để tẩy não trong các trại cải tạo, bao gồm trong đó hàng ngàn người Hồi giáo Turkic.

Cũng theo Bitter Winter, hồ sơ nhân quyền tệ hại của chính quyền Trung Quốc không chỉ có như vậy, Bắc Kinh còn đàn áp hàng loạt các tôn giáo khác như Tin lành, Công giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Do thái giáo, và môn khí công theo trường phái Phật gia, Pháp Luân Công.

Điều này cũng được nhấn mạnh trong báo cáo của nhóm Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rick Scott và Ed Markey. “Chính phủ Trung Quốc đã buộc các Cơ Đốc nhân và thành viên của các nhóm tôn giáo khác phải làm việc trong các lò gạch, trong các trung tâm chế biến thực phẩm, và các nhà máy như một phần của kế hoạch giam giữ vì mục đích tẩy não”, báo cáo viết. “Việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được thực hiện trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô lớn, và nạn nhân chủ yếu là những người tập Pháp Luân Công”. Báo cáo kết luận: “Chính phủ Trung Quốc đã phạm tội ác chống lại loài người đối với người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công”.

Tất cả những việc này cần được xem xét, làm sao lại có thể để một sự kiện tôn vinh hòa bình và tình hữu nghị giữa các quốc gia như Olympic tổ chức tại một quốc gia chuyên chế, làm khổ chính công dân của mình, nhóm nghị sĩ thượng viện Mỹ đặt vấn đề.

Theo Bitter Winter, chính quyền Trung Quốc không tôn trọng phẩm giá con người, và thậm chí là an toàn của người dân. Lực lượng này cố gắng duy trì quyền lực của mình bằng cách không ngừng tuyên truyền, cho lan truyền tin giả, và thao túng sự thật. Thế giới không thể tin vào những gì họ nói. Các nhóm nhân quyền phi chính phủ biết rõ sự thật này từ hàng thập niên trước, nhưng cộng đồng thế giới hiện nay mới nhận ra điều này.

Thế giới vẫn chưa biết toàn bộ sự thật về virus bắt nguồn từ Vũ Hán, theo các tài liệu mà Bitter Winter tiếp cận được, chính quyền Trung Quốc muốn lợi dụng đại dịch COVID-19 làm lá chắn để tiếp tục thực hiện các cuộc đàn áp mạnh tay hơn đối với các nhóm tôn giáo và những người bất đồng chính kiến. Không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Trung Quốc vì bận xử lý dịch bệnh mà dừng việc đàn áp.

Các nhóm sắc dân thiểu số bị đàn áp, những người bất đồng chính kiến, nhà thờ, các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng và các công dân Trung Quốc đã lặp đi lặp lại nhiều lần lời kêu gọi một phản ứng quốc tế đối với những hành động sai trái của chính quyền Trung Quốc. Hầu hết những lời kêu gọi của họ không được đáp lại. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hoa Kỳ là một trong số ít các nước trên thế giới có những động thái cứng rắn để kiềm chế Bắc Kinh không đi quá xa trong các cuộc đàn áp đối với những người không chung niềm tin với họ.

Bitter Winter đánh giá, lời kêu gọi của các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đối với IOC là một điều cần thiết vì thông qua đó đã chính thức cho thấy một thực tế rằng, nhà cầm quyền Trung Quốc phạm tội ác chống lại loài người. Bitter Winter đề nghị, IOC nên hành động ngay theo những yêu cầu của các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia tự do trên thế giới cũng như các tổ chức quốc tế nên ủng hộ yêu cầu của nhóm thượng nghị sĩ Mỹ.

https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-si-my-khong-to-chuc-olympic-2022-tai-trung-quoc-vi-bac-kinh-pham-toi-ac-chong-lai-loai-nguoi.html

 

Chính quyền Trump thắng lớn

 với cuộc bầu cử có Trung Quốc tham gia

Hương Thảo

Cuộc bầu cử lãnh đạo một tổ chức của Liên Hợp Quốc vào tuần trước được coi là sự khởi đầu cho một cuộc tranh cãi lớn giữa Trung Quốc và phương Tây về kiểu thế giới mà chúng ta muốn hướng đến.

Chiến thắng của Hoa Kỳ và các đồng minh trong cuộc bầu cử Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) được coi là một cuộc đua marathon và là một trường hợp điển hình cho những nỗ lực mà phương Tây cần có để giành được những vị trí chủ chốt tương tự như vậy.

Các tổ chức đa phương thường sẽ thiết lập các tiêu chuẩn trên thế giới. Do đó ai điều hành các tổ chức này là vô cùng quan trọng. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO là ủy ban toàn cầu bảo vệ các bằng sáng chế và bí mật thương mại. Khi một người đăng ký bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, bằng sáng chế đó cũng được gửi đến WIPO ở Geneva – vì vậy việc bảo vệ bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ là chức năng chính của WIPO. Với tiếng tăm của Trung Quốc về đánh cắp tài sản trí tuệ, nếu WIPO có một Tổng giám đốc người Trung Quốc, nó sẽ giống như để một con cáo hoạt ngôn bảo vệ chuồng gà. Và vì vậy, vào ngày 4/3/2020, Ủy ban WIPO đã đề cử một Tổng Giám đốc mới, ông Daren Tang, đến từ Singapore.

Với châm ngôn “nhân sự là chính sách” của cố Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, châm ngôn này hoàn toàn có giá trị trong các tổ chức đa phương. Nếu được lãnh đạo đúng đắn, các thể chế này sẽ là một cấp số nhân của các chuẩn mực phương Tây và thiết lập một hình thức toàn cầu hóa theo mẫu mực phương Tây. Nếu không được lãnh đạo đúng đắn, họ là lực lượng cấp số nhân cho các lợi ích khác.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã nhận ra rằng, Trung Quốc có thể giành chiến thắng và họ hiểu được sự rủi ro đó. Các tổ chức mà Trung Quốc đứng đầu đã đem lại nhiều rủi ro cho những nước khác. Ví như, sau khi Trung Quốc giành được ghế lãnh đạo tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), nơi quyết định đường bay toàn cầu và kiểm soát không phận, ICAO đã loại bỏ Đài Loan ra khỏi tổ chức.

Trung Quốc cũng giành chiến thắng tại Tổ chức Lương thực Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). FAO nắm rõ nơi nào có vùng đất nông nghiệp tốt nhất thế giới và là một trong những ông chủ của Chương trình Lương thực Thế giới. Chương trình Lương thực Thế giới quản lý lực lượng không quân của Liên Hợp Quốc và dính líu tới các cuộc xung đột mang đầy tính chính trị với viện trợ lương thực.

Nếu Trung Quốc giành được vị trí lãnh đạo ở WIPO, đó sẽ là cơ quan lớn thứ 5 của Liên Hợp Quốc do Trung Quốc điều hành. Có phải những hành động của Trung Quốc trong các diễn đàn đa phương khác đã khiến một số nước phải lo ngại? Và sự bùng phát của chủng virus corona mới ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến thương hiệu của nước này?

Hương Thảo

Tham khảo The Hill

https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-quyen-trump-thang-lon-voi-cuoc-bau-cu-co-trung-quoc-tham-gia.html

 

Tổng biên tập Vogue tự cách ly

sau khi dự tuần lễ thời trang ở Ý

Triệu Hằng

Anna Wintour, tổng biên tập thời trang danh tiếng của ấn bản Vogue Mỹ, đã tự cách ly và làm việc tại nhà riêng sau khi trở về từ tuần lễ thời trang Milan ở Ý, theo New York Post ngày 8/3.

Giám đốc nghệ thuật của Condé Nast không có dấu hiệu nào của virus, phát ngôn viên của Condé Nast, chủ sở hữu Vogue cho biết với tờ New York Post.

Thậm chí, bà còn là một trong những biên tập viên thời trang “rất thận trọng” sau khi đến Milan, một kinh đô thời trang toàn cầu, nhưng cũng nằm trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát dịch COVID-19 do chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Tuần lễ thời trang Milan diễn ra từ ngày 18 đến 24/2.

Milan là thành phố lớn nhất vùng Lombardy – nơi chiếm phần lớn trong tổng số 2.263 ca nhiễm Covid-19 của Ý vào thời điểm đó, theo ấn bản The Local của Ý.

Cũng theo New York Post, các nhân vật nổi tiếng trong làng báo thời trang khác cũng tự cách ly sau tuần lễ thời trang Milan, gồm tổng biên tập Nina Garcia của Elle, nhà xuất bản Carol Smith của Harper’s Bazaar, tổng biên tập Aya Kanai của Marie Claire, và tổng biên tập Laura Brown của InStyle. Không ai trong số họ cho thấy bất kỳ triệu chứng nào.

Khoảng 16 triệu người ở miền bắc nước Ý, bao gồm vùng Lombardy đã trong tình trạng phong tỏa.

Theo thống kê của worldometers, tính đến 9h50 sáng nay (giờ Hà Nội) ngày 11/3, virus corona chủng mới (COVID-19)  đã xuất hiện ở 119 quốc gia. Italy ghi nhận 10.149 ca nhiễm, 631 ca tử vong.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-bien-tap-vogue-tu-cach-ly-sau-khi-du-tuan-le-thoi-trang-milan.html

 

Virus corona : Liên Hiệp Châu Âu phối hợp hành động

Thanh Phương

Hôm qua, 10/03/2020, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã họp bàn đối phó với dịch Covid-19, dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra. Cuộc họp chỉ được thông báo vào tối thứ Hai, nên lần đầu tiên các lãnh đạo 27 nước châu Âu họp từ xa qua video.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gởi về bài tường trình :

« Để đối phó với sự lây lan của virus corona, 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định sẽ phối hợp các biện pháp cách ly hoặc cấm tập hợp, mà hiện chỉ được mỗi nước đơn phương ban hành.

Bộ trưởng Y Tế của 27 nước châu Âu mỗi ngày sẽ trao đổi với Ủy Ban Châu Âu. Ủy ban này sẽ có sự hỗ trợ của các nhà virus học và dịch tễ học để quyết định các biện pháp y tế tốt nhất.

Các nước Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ phối hợp với nhau trong việc bào chế một vác-xin cũng như huy động thuốc men và các thiết bị bảo hộ y tế.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tuyên bố : Đối với các nhân viên y tế, để đẩy lùi dịch bệnh, họ cần phải biết rõ kho dự trữ hiện nay ra sao, khả năng có đến đâu, nhu cầu hiện nay và nhu cầu trong những tuần tới là như thế nào, cụ thể là nhu cầu về khẩu trang, về máy trợ thở, về các phương tiện để xét nghiệm và điều trị, nói chung là toàn bộ những thứ mà chúng ta sẽ cần trong những tuần tới.

Để đối phó với những hậu quả kinh tế của dịch bệnh, một quỹ đầu tư 25 tỉ euro sẽ được huy động để hỗ trợ cho ngành y tế, cho các công ty vừa và nhỏ, cho thị trường lao động. »

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200311-virus-corona-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-ch%C3%A2u-%C3%A2u-ph%E1%BB%91i-h%E1%BB%A3p-h%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%99ng

 

Covid-19: Quan sát của người Việt ở London

 về cách Anh đối phó với dịch virus

Thái TrầnBài đã đăng trên trang Facebook cá nhân

Người Anh có xu hướng làm mọi thứ sau khi nghiên cứu kỹ, và nghiên cứu dựa trên số liệu cũng như tình hình thực tế.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hai lần họp COBRA về virus corona.

Anh Quốc chống Covid-19: Cẩn thận hay cẩu thả?

6 ‘mẹo’ chữa Covid-19 phản khoa học nên tránh

Virus corona: Vì sao phụ nữ và trẻ em ít bị nhiễm?

Họp COBRA tức là họp về những vấn đề khẩn cấp, cực kỳ nghiêm trọng của đất nước như khủng bố, khủng hoảng kinh tế, an ninh quốc gia… và dịch bệnh lây lan tất nhiên rồi. Điều này chứng tỏ chính phủ Anh không hề coi nhẹ Covid-19.

Sau mỗi cuộc họp, ông béo như Bao Công (mỗi cái là không đen) đều ra cập nhật tình hình và trả lời báo chí.

Quan trọng nhất, luôn có Triển Chiêu và Công Tôn Sách đứng ở hai bên. Triển Chiêu là Chief Medical Officer Chris Whitty (cố vấn về các vấn đề y tế) và Công Tôn Sách là Chief Scientific Adviser Patrick Vallance (cố vấn về các vấn đề khoa học). Các câu hỏi của báo giới đều do hai người này trả lời vì họ có chuyên môn.

Về phương pháp luận: Họ quan sát, thu thập số liệu, lập mô hình và nghiên cứu để ra kết luận. Họ cũng tập trung không chỉ các nhà khoa học, chuyên gia y tế công, chuyên gia về dịch mà còn các nhà toán học và thống kê.

Vậy kết luận là gì:

(1) Coronavirus là không thể tránh được, mức độ lây lan rất nhanh -> xác định sống chung với lũ thôi nhất là trong hoàn cảnh nước Anh đang giao lưu rộng rãi với thế giới.

(2) Nhưng dù sao đây là ‘lũ nhẹ’ với tỷ lệ tử vong thấp, chủ yếu ở nhóm người có sức đề kháng yếu như người già + có tiền sử bệnh. Điều này cũng phù hợp với số liệu “81% bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Chỉ 14% có thể bị viêm phổi nặng và 5% có thể nguy kịch hoặc tử vong.” do nhà vi trùng học Ignacio López-Goñi từ Đại học Navarra, Tây Ban Nha, nhận định.

Thực ra có muốn kiểm soát cũng không kiểm soát nổi. Hôm qua Boris Johnson có kết luận cực kỳ đanh thép: “Dựa vào những gì đang diễn ra trên thế giới, các nhà khoa học của chúng ta nghĩ rằng chỉ dùng mỗi các biện pháp ngăn chặn lây lan thì sẽ gần như chắc chắn là không có tác dụng.” (Watching what has been happening around the world, our scientists think containment is extremely unlikely to work on its own).

Vậy họ xác định làm gì?

1) Các cơ quan y tế công ở Anh vẫn sẽ cố gắng hết sức có thể để ngăn chặn sự lây lan vì virus này ảnh hưởng đến người già và người có tiền sử bệnh và muốn đẩy đỉnh dịch sang tháng 4 (xem ý 3 ở dưới). Nhưng họ không cố gắng bằng mọi giá vì các biện pháp bế quan tỏa cảng, đóng cửa… rất tốn kém và thiệt hại kinh tế.

Việt Nam học được gì từ khủng hoảng Covid-19 ở Ý?

Covid-19: Mạng xã hội Việt Nam, những ngày nóng dịch

Covid-19: Bệnh nhân 21 thu hút bình luận bức xúc ở VN

Họ sẽ chỉ dùng các biện pháp mềm là khuyến khích mọi người hạn chế di chuyển, làm việc ở nhà nếu được, rửa tay thường xuyên… và đáng chú ý là nếu nghĩ mình có bệnh thì không nên đến bệnh viện để tránh lây nhiễm chéo. Lý do: Kết luận (1) và (2) ở trên.

2) Họ ưu tiên nguồn lực cho người già và có tiền sử bệnh. Hệ thống y tế quốc gia (NHS) của UK cũng đang rất là quá tải vì tháng 1-3 là tháng cao điểm về bệnh tật ở Anh trong năm.

Một lượng người ồ ạt kéo đến các bệnh viện NHS sẽ chỉ làm trầm trọng hơn vấn đề, dịch bệnh lây lan nhanh hơn, chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Những người trẻ tuổi, khỏe mạnh mà bị nhiễm coronavirus thì nên tự ở nhà để nhường chỗ cho những người có sức đề kháng yếu.

Lý do: Kết luận (1) và (2) ở trên.

3) Các nhà khoa học dự báo đỉnh dịch ở Anh sẽ là trong 1-2 tuần tới, tức là Anh sắp ‘toang’ như Ý.

Nhưng chính phủ họ đang cố gắng hết sức đẩy đỉnh dịch sang tháng 4 hoặc tốt nhất là mùa hè khi NHS có nhiều nguồn lực hơn để đối phó với tình hình.

Không tránh được thì phải giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể. Đây là phase 4 (mitigating) trong kế hoạch hành động của Chính phủ Anh. Trong lúc này CP cũng đang âm thầm tuyển người, mua sắm trang thiết bị, đầu tư cho cơ sở vật chất để ứng phó với đỉnh dịch.

4) Chính phủ Anh hiện đang tập trung rất nhiều vào nghiên cứu để cho ra vắc-xin (để phòng) và kháng virus (để chữa).

Thấy bảo các nhà khoa học Anh rất quyết tâm cạnh tranh với các phòng thí nghiệm khác trên thế giới để về nhất nội dung chạy marathon này.

Một số phòng thí nghiệm đã bắt đầu tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm sau khi đã và đang thử nghiệm trên động vật từ tháng 2 đến nay. Cơ chế chính sách duyệt nhanh vắc xin thì đã có từ hồi Ebola cách đây bốn năm, chứ không còn lê thê như trước đây.

5) Kiểm soát thông tin. Google, Facebook, Twitter đã phải chỉnh thuật toán theo yêu cầu của chính phủ Anh. Tìm từ khóa liên quan đến coronavirus sẽ ra hiện kết quả từ NHS hoặc WHO trước để người dân được tiếp xúc với thông tin chính thống trước. Tin fake cũng đang bị thanh lọc.

Việc cần làm khi có bệnh là?

Bình tĩnh. Theo dõi các triệu chứng. Nếu thấy khớp với các triệu chứng thì gọi 111. Gọi 111 xong thì họ sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi để chốt lại xem có cần test không.

Covid-19: ‘Bộ Y tế Việt Nam rất minh bạch’

Covid-19: Xét nghiệm của VN đã thực sự chính xác?

Hà Nội lo phải ‘đón người từ vùng dịch Hàn Quốc’

Bôm nhà mình tuần trước sốt hôm thứ Tư, ngày hôm sau đỡ hơn, thứ Sáu đỡ hơn nữa. Thứ Bảy ok đi sinh nhật bạn. Chủ Nhật ổn, đi bơi trở lại. Thứ Hai đi học lại bình thường và lúc mình đang viết bài này hôm nay thứ Ba 10.03.2020 cu cậu cũng đang ở trường.

Hôm thứ Sáu mình có gọi cho 111, nói các triệu chứng, họ bảo đừng panic (hoảng hốt), con mày có các triệu chứng của sốt bình thường ở trẻ con, cứ theo dõi tiếp, nếu tình hình xấu đi thì gọi lại, nếu tốt lên thì cứ yên tâm.

Kết luận

Mỗi nước có một đặc thù về kinh tế, chính trị, xã hội nên các nhà quản lý, khoa học, dịch tễ học sẽ có phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và chiến lược hành động khác nhau. Nước Anh đang giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, có tình có lý (dựa trên sức mạnh tổng hợp của nghiên cứu khoa học).

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một người hiện đang sống và làm việc tại London. Bài được đăng trên trang Facebook cá nhân, và được đăng lại theo sự đồng ý của tác giả.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51835276

 

Virus corona: Ca nhiễm mới ở Pháp tăng mạnh,

chính quyền cảnh báo dịch chỉ ở bước đầu

Trọng Nghĩa

Pháp ngày hôm qua 10/03/2020 đã ghi nhận thêm 372 ca nhiễm virus corona mới trong 1 ngày, đưa tổng số trường hợp lên thành 1.784 ca, trong đó có 33 ca tử vong.

Trước số ca nhiễm mới mỗi ngày mỗi tăng mạnh trong những ngày gần đây, chính quyền Pháp, đi đầu là tổng thống Emmanuel Macron, vừa chuẩn bị dư luận bình tĩnh trước đà tăng tốc sắp tới của dịch Covid-19 tại Pháp, vừa nỗ lực trấn an người dân về năng lực ứng phó của guồng máy y tế.

Phát biểu vào hôm qua, tổng thống Macron đã xác định rõ là nước Pháp hiện chỉ mới ở “giai đoạn đầu” của dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi người dân không hoảng loạn, nhắc lại rằng 85% những người bị nhiễm virus sẽ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, đồng thời khẳng định rằng chính quyền Pháp đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với khủng hoảng.

Trước mắt, tổng thống Pháp cho rằng việc áp dụng các biện pháp cách ly cực mạnh như Ý đã làm là điều chưa cần thiết, nhưng ông không loại trừ khả năng viện đến các biện pháp này nếu cần thiết.

Tại một số địa phương ở Pháp, nơi có những ổ dịch đang trên đà lây lan mạnh, như tại tỉnh Oise ở phía bắc, vùng Haut-Rhin ở phía đông bắc và thành phố Ajaccio trên đảo Corse, nhiều biện pháp mạnh đã được áp dụng như đóng cửa các trường học chẳng hạn.

Trên phạm vi cả nước, các lệnh cấm tụ tập quá 1.000 người đã được ban hành, dẫn tới việc đóng cửa các bảo tàng, hủy bỏ các buổi trình diễn ca nhạc, các sự kiện thể thao… Riêng đối với bộ môn bóng đá, toàn bộ các trận đấu sẽ diễn ra không khán giả.

Pháp hiện là nước có số ca tử vong và nhiễm virus corona nhiều thứ nhì châu Âu, chỉ đứng sau Ý.

Ý ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm, hơn 600 ca tử vong

Về tình hình tại Ý, 60 triệu người dân nước này vào hôm nay đã phải trải qua ngày “quản chế” thứ hai, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành.

Tính đến hết ngày hôm qua 10/03, số người nhiễm virus corona tại Ý đã vượt ngưỡng tâm lý là 10.000 ca (chính xác là 10.149 ca), trong lúc số người chết đã tăng vọt lên mức 631 người, tăng thêm 168 ca trong vỏn vẹn 24 tiếng đông hồ.

Mọi người dân ở Ý đều được khuyến cáo tránh đi ra đường trừ những trường hợp bất khả kháng như đi làm, đi mua lương thực hay đi khám bệnh. Trên toàn lãnh thổ, cảnh sát Ý đã thường xuyên đi tuần và đến nhắc nhở các chủ quán cà phê là phải buộc khách hàng ngồi cách nhau ít ra là một mét, đồng thời phải đóng cửa trước 18 giờ.

Một ví dụ đầy ý nghĩa biểu tượng : tại Vatican, du khách sẽ không còn được vào tham quan nhà thờ và quảng trường Thánh Phê Rô cho đến ngày 03/04.

Hy Lạp đóng cửa toàn bộ trường học, nhà trẻ

Nước láng giềng của Ý là Hy Lạp vào hôm qua cũng loan báo đóng cửa tất cả các trường học, nhà trẻ và trường đại học trong hai tuần để “làm chậm đà lây lan” của virus corona.

Trước đó, Hy Lạp đã từng đóng cửa khoảng 40 trường học và trường đại học ở khu vực thủ đô Athens, khoảng 10 trường ở thành phố Thessaloniki, lớn thứ hai tại Hy Lạp, nơi xuất hiện trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên, cũng như tất cả các cơ sở ở ba khu vực miền tây của đất nước nơi có phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh.

Chính quyền Athens đã ban hành những biện pháp mạnh như trên cho dù tính đến hôm qua, nước này “mới” có 89 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong nào.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200311-covid-19-ca-nhi%E1%BB%85m-m%E1%BB%9Bi-%E1%BB%9F-ph%C3%A1p-t%C4%83ng-m%E1%BA%A1nh-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-d%E1%BB%8Bch-ch%E1%BB%89-%E1%BB%9F-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%E1%BA%A7u

 

Virus corona – Pháp: Người Trung Quốc

bị cảnh sát “giả” phạt vì đeo khẩu trang

Thu Hằng

Mùa nào thì khách du lịch Trung Quốc nói riêng, và khách châu Á nói chung, cũng trở thành đối tượng bị lừa đảo ở Paris. Chiêu mới nhất là một số kẻ tự xưng là cảnh sát phạt tiền một số sinh viên Trung Quốc vì họ đeo khẩu trang.

Trong thông cáo ngày 08/03/2020 được AFP trích dẫn, đại sứ quán Trung Quốc ở Paris cảnh báo : « Những sinh viên này bị một số « cảnh sát » bắt nộp phạt 150 euro vì vi phạm luật cấm che mặt ở nơi công cộng. Nhưng sau khi kiểm tra với phía cảnh sát và tư pháp của Pháp, thì đó là kẻ gian đóng giả cảnh sát. Đeo khẩu trang vì lý do sức khỏe không có gì là vi phạm pháp luật ».

Đại sứ quán Trung Quốc cũng cảnh báo nhiều kẻ gian giả danh cảnh sát để thâm nhập bất hợp pháp vào nơi ở của người Hoa sống tại Pháp và ăn trộm. Cộng đồng người Hoa được kêu gọi hết sức thận trọng.

Nếu như đeo khẩu trang là việc hết sức bình thường tại nhiều thành phố ở Trung Quốc đề phòng nhiễm virus corona, Pháp và nhiều nước phương Tây khuyến cáo chỉ người bệnh mới đeo khẩu trang. Vì thế, rất ít người đeo khẩu trang ở Pháp.

Pháp là nước đầu tiên ở châu Âu cấm đeo khăn trùm hết đầu tại nơi công cộng, với đạo luật được công bố tháng 10/2010, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, và chính thức được áp dụng từ tháng 04/2011.

Người châu Á vẫn thường là đối tượng bị tấn công, cướp giật tại Paris và vùng Ile-de-France. Gần đây, họ còn bị phân biệt đối xử vì dịch Covid-19, xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200310-covid-19-phap-nguoi-trung-quoc-bi-canh-sat-gia-phat-vi-deo-khau-trang

 

Phong tỏa tại Ý khác với phong tỏa tại TQ thế nào?

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte vào tối Chủ Nhật (8/3) đã ký lệnh phong tỏa toàn vùng Lombardy và hơn chục tỉnh lân cận, ảnh hưởng tới 16 triệu dân, có hiệu lực từ 9/3 tới 3/4. Chưa đầy 24 giờ sau, Thủ tướng Conte đã mở rộng lệnh phong tỏa ra toàn nước Ý. Cùng là để kiềm chế dịch viêm phổi Vũ Hán (WHO gọi là COVID-19) lây lan, phong tỏa tại Ý khác với phong tỏa tại Trung Quốc thế nào?

Phát biểu trong một cuộc họp báo vào tối Chủ Nhật (8/3), Thủ tướng Conte cho hay: “Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia. Từ đầu, chúng ta lựa chọn sự thật và minh bạch và bây giờ chúng ta chuyển tiếp với sự sáng suốt và can đảm, với sự kiên định và quyết tâm”.

Ở một chừng mực nào đó, các biện pháp mà Thủ tướng Conte đang thực hiện tại Ý là mô phỏng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt tại Vũ Hán của chính quyền Trung Quốc.

Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc chính thức bị phong tỏa từ ngày 23/1. Biên giới của thành phố này bị đóng lại hoàn toàn, tất cả các chuyến bay đến và đi bị hủy, hoạt động giao thông công cộng phải tạm dừng và hoạt động di chuyển của người dân trong nội bộ thành phố bị hạn chế tối đa.

Tuy nhiên, lệnh phong tỏa của Thủ tướng Conte không sâu rộng như cách chính quyền Trung Quốc áp đặt lên Vũ Hán và các biện pháp thực thi của chính phủ Ý cũng không rõ ràng.

Lệnh phong tỏa của Ý sẽ giới hạn tụ họp đông người nơi công cộng và kiềm chế hoạt động di chuyển của người dân. Chỉ những người có lý do liên quan đến công việc được chứng minh, hoặc có vấn đề sức khỏe mới được phép đi vào và đi ra khỏi các vùng phong tỏa.

Các cơ sở thể thao, quán bar và nhà hàng được lệnh đóng cửa hoặc hạn chế người vào và duy trì khoảng cách ít nhất một mét giữa mọi người có mặt trong các địa điểm này.

Tuy nhiên, chính phủ Ý không dừng các hoạt động kinh doanh thường nhật hoặc ngăn chặn vận chuyển cung cấp thực phẩm miễn là các hoạt động này tuân thủ các biện pháp bảo hộ phù hợp. Cũng không rõ các hạn chế về di chuyển nếu có sẽ được thi hành như thế nào.

Thủ tướng Conte dường như đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa việc ngăn chặn dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan với việc tránh đưa ra các quyết định khắc nghiệt, kìm kẹp như tại Trung Quốc.

Một khác biệt lớn giữa các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc và Ý là mức độ ảnh hưởng đối với người bên ngoài khu vực phong tỏa và người nước ngoài.

Tại Trung Quốc, tất cả người nước ngoài bị cấm rời Hồ Bắc, trừ những người được chính phủ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ điều phi cơ tới sơ tán về nước như Mỹ, Đức, Anh và Hồng Kông. Trong khi tại Ý, người bên ngoài khu vực phong tỏa và người nước ngoài vẫn có thể đến và đi ra ngoài.

Một khác biệt nữa là về cách vận hành hệ thống. Các chính sách của Thủ tướng Conte trao cho các quan chức địa phương và khu vực nhiều không gian để tự quyết định sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế ra sao. Khác với tại Trung Quốc, các biện pháp được thực thi theo chỉ đạo từ trên xuống, tức là chính quyền trung ương ra lệnh và điều phối các quan chức địa phương thực thi các phương án thống nhất.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/33456-phong-toa-tai-y-khac-voi-phong-toa-tai-tq-the-nao.html

 

Nga có thể chế tạo tàu ngầm lớn nhất thế giới

chạy bằng năng lượng hạt nhân

Các kỹ sư Nga đã đề xuất việc chế tạo tàu ngầm có kích thước lớn nhất thế giới chuyên để chở nhiên liệu. Phương tiện này dự kiến sẽ có sức chứa gấp 6 lần tàu ngầm đang giữ kỷ lục hiện tại.

Theo Forbes, tàu ngầm lớn nhất thế giới hiện tại là các tàu lớp Typhoon mang tên lửa đạn đạo của Nga. Những tàu này có kích thước lớn, nhưng nó sẽ trở nên nhỏ bé nếu như dự án xây tàu ngầm Pilgrim được thông qua. Các kỹ sư Nga đang đề xuất đóng Pilgrim để vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Bắc Cực, bằng cách để tàu di chuyển dưới các lớp băng.

Forbes cho biết, Cục thiết kế Malachite ở St. Petersburg đã hé lộ một thiết kế tàu ngầm có thể chở theo 170.000-180.000 tấn LNG. Kích thước này lớn vượt trội so với bất cứ tàu ngầm nào từng được chế tạo. Các tàu lớp Typhoon dài 175 m và rộng 23 m, nhưng tàu Pilgrim có thể dài tới 360 m và rộng 70 m. Theo Forbes, sức chứa của Pilgrim sẽ lớn hơn 6 lần so với Typhoon.

Để con tàu khổng lồ có thể di chuyển, nó sẽ cần ít nhất 3 lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò có công suất 30 megawatt. Con tàu dự kiến sẽ di chuyển chậm hơn 1 vài hải lý so với các tàu chở nhiên liệu thông thường. Mặt khác, vì đây không phải là tàu ngầm chiến đấu nên Pilgrim sẽ có thủy thủ đoàn số lượng ít, vào khoảng 25-28 người.

Cục thiết kế Malachite đã đơn vị đứng đằng sau hàng loạt các tàu ngầm nổi tiếng của Nga như tàu ngầm tên lửa hành trình lớp Severodvinsk, tàu ngầm do thám Losharik hay tàu ngầm chiến đấu thế hệ mới của Nga – Laika.

Hiện tại, bản thiết kế của Pilgrim mới chỉ dừng ở dạng đề xuất. Nếu được thông qua và chế tạo thành công, nó sẽ là tàu ngầm chở nhiên liệu đầu tiên trên thế giới.

Theo Forbes, tàu ngầm chở nhiên liệu có thể tác động rõ rệt tới ngành thương mại quốc tế. Những tàu này được cho sẽ có khả năng “miễn dịch” cao với mối đe dọa từ cướp biển và mang tới cách vận chuyển nhiêu liệu khác biệt so với hiện tại.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/33453-nga-co-the-che-tao-tau-ngam-lon-nhat-the-gioi-chay-bang-nang-luong-hat-nhan.html

 

Quốc hội Nga mở đường

cho ông Putin tái tranh cử tổng thống

Hạ viện Nga hôm 11/3 đã bỏ phiếu thông qua thay đổi hiến pháp, mở đường cho ông Putin tái tranh cử vào năm 2024, và nhiều khả năng ông sẽ tại vị cho tới năm 2036, theo Reuters.

Tin cho hay, 383 nhà lập pháp của Hạ viện Nga với 450 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ.

Không có ai bỏ phiếu chống, nhưng 43 nhà lập pháp bỏ phiếu trắng và 24 người vắng mặt.
Ông Putin, 67 tuổi, đã thống trị chính trường Nga trong hai thập kỷ, trên cả cương vị tổng thống lẫn thủ tướng.

Theo Reuters, ông đã xuất hiện đầy kịch tính tại Quốc hội Nga một ngày trước đó để lập luận rằng giới hạn nhiệm kỳ không còn quá quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng.

XEM THÊM:

Putin đề xuất thay đổi hiến pháp, cho phép duy trì quyền lực đến năm 2036

Nếu như theo đúng những gì những người chỉ trích ông Putin dự đoán, tòa hiến pháp giờ sẽ ủng hộ sửa đổi trên và nó sẽ được hậu thuẫn trong một cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc vào tháng Tư.

Sau đó, ông Putin sẽ có lựa chọn là tái tranh cử vào năm 2024. Và với tiềm lực như hiện nay, theo Reuters, ông Putin có thể sẽ tại vị thêm hai nhiệm kỳ với tổng cộng 12 năm nữa cho tới năm 2036.

Khi đó, ông sẽ 83 tuổi và đứng đầu chính trường Nga trong 36 năm.

Chính trị gia đối lập Alexei Navalny nói ông tin rằng ông Putin giờ muốn làm tổng thống trọn đời.

https://www.voatiengviet.com/a/qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-nga-m%E1%BB%9F-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-cho-%C3%B4ng-putin-t%C3%A1i-tranh-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng/5324286.html

 

Afghanistan sắp phóng thích hàng ngàn tù nhân Taliban

Hương Thảo

Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, sắp phóng thích 1.500 tù nhân Taliban trong những ngày tới để mở đường cho các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 18 năm ở nước này.

Theo thỏa thuận hòa bình được ký giữa Hoa Kỳ và Taliban gần đây, chính phủ Afghanistan sẽ trả tự do cho khoảng 5.000 phiến quân Taliban.

Và vào ngày 11/3, Tổng thống Afghanistan đã ra sắc lệnh, tù nhân Taliban sẽ bắt đầu được phóng thích trong 4 ngày tới.

“Tiến trình phóng thích 1.500 tù nhân Taliban sẽ hoàn tất trong 15 ngày, mỗi ngày có 100 tù nhân bước ra khỏi nhà tù Afghanistan”, sắc lệnh cho biết.

Tuy nhiên, theo sắc lệnh, 1.500 phiến quân Taliban đầu tiên được thả sẽ dựa trên tuổi tác, sức khỏe và thời hạn thi hành án của họ. Các tù nhân được thả sẽ phải ký kết một văn bản đảm bảo rằng, họ sẽ không quay trở lại chiến trường. 3.500 tù nhân còn lại sẽ được thả sau khi các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan bắt đầu với 500 người sẽ được thả sau mỗi hai tuần, cùng điều kiện Taliban phải giảm bạo lực trên chiến trường.

Sắc lệnh của Tổng thống Ashraf Ghani được đưa ra khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng mức độ bạo lực ở Afghanistan vẫn trong tình trạng “không thể chấp nhận được”, và trong khi Taliban đã ngừng các cuộc tấn công chống lại lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo tại các thành phố của Afghanistan, thì tình hình bạo lực ở nông thôn của nước này vẫn còn ở mức cao.

Bất chấp sự hỗn loạn chính trị ở thủ đô Kabul và bạo lực gia tăng trên chiến trường, Hoa Kỳ đã bắt đầu rút quân để tuân thủ thỏa thuận đã ký vào ngày 29/2 với Taliban. Trong giai đoạn đầu tiên, Washington sẽ giảm quân số của mình xuống còn 8.600, từ mức 13.000 ở hiện tại. Nếu Taliban tuân thủ các cam kết của họ là từ chối cung cấp cho những kẻ khủng bố nơi trú ẩn an toàn ở Afghanistan, Washington sẽ rút phần còn lại của quân đội trong hơn 14 tháng, theo thỏa thuận.

Khi được ký kết, thỏa thuận Hoa Kỳ – Taliban được cho là cơ hội tốt nhất để tìm kiếm hòa bình sau 40 năm chiến tranh không ngừng nghỉ, đồng thời đưa Hoa Kỳ thoát khỏi một cuộc chiến dài nhất.

https://www.dkn.tv/the-gioi/afghanistan-sap-phong-thich-hang-ngan-tu-nhan-taliban.html

 

Cựu tổng thống Iran gửi thư cho Liên Hiệp Quốc

nói về nguồn gốc SARS-CoV-2

Thiện Lan

Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã gửi thư cho Liên Hiệp Quốc khẳng định thêm giả thuyết COVID-19 là vũ khí sinh học được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Cựu lãnh đạo Iran đã đăng một bản sao bức thư của ông gửi cho Tổng thư ký U.N. Antonio Guterres hôm thứ 2. Trong thư, ông tuyên bố COVID-19 là “vũ khí mới được thiết lập để duy trì một ưu thế chính trị và kinh tế trên toàn cầu”.

Ông tiếp tục nói rằng căn bệnh lây nhiễm hàng chục ngàn người này “được sản xuất tại các phòng thí nghiệm” bởi các “ nhà máy phục vụ cho chiến tranh sinh học làm bá chủ thế giới”. Ahmadinejad người trong nhiệm kỳ làm tổng thống đã ủng hộ sự hủy diệt Israel, nói rằng căn bệnh này có sức tàn phá lớn hơn vũ khí hạt nhân và hóa học.

Virus corona đã ảnh hưởng đặc biệt đến Iran, nơi có hơn 8.000 người bị nhiễm bệnh và ít nhất 291 người đã chết. Tuy nhiên con số đã gây ra tranh cãi từ các học giả và các nhóm bất đồng chính kiến, những người tuyên bố có thể có hàng chục nếu không phải là hàng trăm ngàn ca nhiễm.

Căn bệnh đã giết chết một cố vấn hàng đầu của Ayatollah Ali Khamenei và đã lây nhiễm cho Thứ trưởng Bộ Y tế của Iran, ông Margarj Harirchi và cả Masoumeh Ebtekar, một phó tổng thống.

Tính đến tuần trước, khoảng 10% quốc hội Iran đã nhiễm COVID-19, một con số đã làm dấy lên nhiều câu hỏi. Trong một trích dẫn dữ liệu nội bộ của Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Iran, một nhóm kháng chiến ủng hộ thay đổi chế độ đã tuyên bố hơn 2.000 người đã chết.

Hiện có hơn 1000 trường hợp dương tính và 31 trường hợp tử vong trên khắp Hoa Kỳ. Sự bùng phát dịch, kết hợp với việc giảm giá dầu, khiến các công cụ tạm dừng giao dịch trên thị trường chứng khoán đã được kích hoạt vào ngày thứ 2, với sự sụt giảm chỉ số công nghiệp Dow Jones là khoảng 8%.

https://www.dkn.tv/the-gioi/cuu-tong-thong-iran-gui-thu-cho-lien-hiep-quoc-noi-ve-nguon-goc-sars-cov-2.html

 

Ai Cập tăng cường chống dịch COVID-19

 sau khi du khách Đức tử vong

Triệu Hằng

Ai Cập, với dân số 100 triệu người, đang nỗ lực khống chế virus corona trong khi vẫn phải trấn an dân chúng đồng thời bảo vệ ngành du lịch mới hồi phục sau nhiều năm.

Theo The National, Ai Cập hôm Chủ nhật (8/3) đã công bố ca đầu tiên tử vong vì COVID-19 là một nam du khách người Đức, 60 tuổi, đã chết ở thành phố nghỉ mát Hurghada ở Biển Đỏ sau một chuyến thăm ngắn tới Luxor.

Ai Cập đã công bố gần 60 ca nhiễm virus corona, hầu hết trong số họ là du khách trên một tàu du lịch sông Nile di chuyển giữa các thành phố phía Nam Aswan và Luxor. Con tàu đã được cách ly trên sông, cách trung tâm đô thị một khoảng an toàn.

Thủ tướng Mustafa Madbouli đã cấm vô thời hạn các sự kiện tụ tập và du lịch theo nhóm lớn trên khắp đất nước nhằm khống chế dịch bệnh.

Bộ Nội vụ Ai Cập tuyên bố đình chỉ 10 ngày các chuyến thăm tù nhân. Chính phủ đang xem xét các đề nghị đóng cửa các trường học. Các cơ quan giáo dục của Ai Cập đình chỉ các hoạt động ngoại khóa như hội thảo, hay cắm trại.

Nhà chức trách cũng công bố số điện thoại và địa chỉ email nhằm thu xếp cho công dân Ai Cập mắc kẹt ở nước ngoài hồi hương. Khoảng 5.000 người Ai Cập tới Ả-rập Xê-út để thực hiện chuyến hành hương Umrah tới các thành phố thánh địa Madinah và Makkah, đang mắc kẹt vì Riyadh đình chỉ các chuyến bay từ 9 quốc gia, bao gồm Ai Cập.

Nhằm cứu vãn mùa du lịch, chính quyền Ai Cập đã thống nhất các biện pháp bảo vệ du khách, bao gồm thuê chuyên gia kiểm tra thực phẩm tại các khách sạn và các thiết bị xét nghiệm virus cho du khách.

Bộ trưởng Y tế Hala Zayed cho biết trong hôm thứ Ba (10/3) rằng, Ai Cập đã mua thiết bị xét nghiệm virus corona tiên tiến sử dụng tại các điểm nhập cảnh hàng không, đường biển và đường bộ để kiểm tra khách đến.

Tờ Aljazeera dẫn lời bộ trưởng Hala cho biết trong hôm thứ Sáu (6/3), một du khách Đài Loan là nguồn lây nhiễm cho 12 thuyền viên trên tàu du lịch Ai Cập.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ai-cap-tang-cuong-chong-dich-covid-19-sau-khi-du-khach-tu-vong.html

 

Báo Hàn Quốc:

 Gần 200 binh sĩ Triều Tiên tử vong vì COVID-19

Hương Thảo

Gần 200 binh sĩ Triều Tiên đã tử vong vì COVID-19, căn bệnh chết người do chủng virus corona mới gây ra đang ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới.

Theo tờ Daily NK của Hàn Quốc, 180 binh sĩ Triều Tiên đã tử vong do COVID-19 trong tháng một và tháng hai, trong khi 3.700 người khác đã bị cách ly.

Daily NK trích dẫn một nguồn tin, được cho là từ quân đội Triều Tiên, người vào ngày 6/3 đã trích dẫn số liệu từ một báo cáo mô tả chi tiết về tác động của virus đối với các binh sĩ của Triều Tiên. Tuy nhiên, The Epoch Times không thể xác minh độc lập tính chính xác của các báo cáo.

Các binh sĩ Triều Tiên thiệt mạng được cho là chủ yếu đóng quân trên hoặc xung quanh biên giới Trung – Triều ở các tỉnh Bắc Pyongan, Chagang, Ryanggang và Bắc Hamgyong, theo nguồn tin.

Báo cáo này đã được gửi cho các nhà lãnh đạo quân đội Triều Tiên, và nguồn tin cho rằng quân đội Triều Tiên đang vật lộn để hỏa táng “rất nhiều xác chết” của những người lính bị thiệt mạng bởi COVID-19.

“Tôi chưa nghe tin về xác chết được hỏa táng tại các bệnh viện quân đội”, nguồn tin cho biết. “Ban lãnh đạo quân đội cho rằng việc đột nhiên yêu cầu các bệnh viện hỏa táng tất cả các thi thể sẽ gây áp lực lớn cho các nhân viên y tế”.

Theo các báo cáo, vào tuần trước, Triều Tiên đã cách ly ít nhất 7.000 người nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Bên cạnh đó, nước này còn cấm khách du lịch nước ngoài, tăng cường kiểm tra biên giới và đình chỉ hầu hết các chuyến du lịch hàng không và đường sắt trong và ngoài nước. KCNA, hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết, thời gian cách ly kéo dài một tháng đã được áp dụng đối với những người có triệu chứng nhiễm virus.

Tuy nhiên, Triều Tiên chưa xác nhận bất kỳ trường hợp tử vong do COVID-19 ở nước này khiến các chuyên gia ngày càng lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang che đậy các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong.

Theo The Epoch Times

Hương Thảo dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/gan-200-binh-si-trieu-tien-tu-vong-vi-covid-19.html

 

Virus corona: Hàn Quốc phát hiện ổ dịch ở Seoul

Thu Hằng

Sau sáu ngày có số ca mới nhiễm virus corona ở mức thấp, tình hình dịch Covid-19 tại Hàn Quốc trở nên căng thẳng hơn sau khi phát hiện một nhóm lây nhiễm lớn tại thủ đô Seoul ngày 11/03/2020. Hiện tại, Hàn Quốc có 7.755 ca, trong đó khoảng 63% là thành viên nhóm Tân Thiên Địa ở Daegu.

Anh Trần Công, nghiên cứu sinh tại Seoul, cho biết thêm :

« Theo thông tin tôi được biết từ Trung tâm Phòng và Kiểm sát Dịch bệnh Hàn Quốc (Korea CDC), từ 0 giờ ngày 10/03 đến 16 giờ ngày 10/03 thì không có nhiễm mới nào. Tuy nhiên, trong đêm cho tới sáng ngày 11/03, số ca nhiễm mắc mới đã lên đến 242 người, trong đó 131 người được phát hiện ở Daegu, 18 người ở tỉnh Gyeongbuk.

Điều đáng chú ý ở đây là cụm lây nhiễm mới, được phát hiện ở Seoul, tại khu trung tâm chăm sóc khách hàng. Có ít nhất 90 người liên quan đến khu vực này, trong đó có 52 người sống ở Seoul. Tới 10 giờ sáng 11/03 (giờ địa phương), số người nhiễm ở tòa nhà này đã lên đến 93 người và toàn bộ tòa nhà đã bị phong tỏa. Gần 1.000 người sẽ bị cách ly và được xét nghiệm. Có hai nhân viên tại đây được điều tra vì là tín đồ Tân Thiên Địa nhưng cho kết quả âm tính với virus corona.

Môi trường làm việc ở tòa nhà này có nguy cơ lây nhiễm rất cao bởi vì tòa nhà này có nhiều trung tâm tư vấn khách hàng qua điện thoại, cho nên, nếu không áp dụng các biện pháp bảo hộ, thì chắc chắn việc lây lan giữa nhân viên là rất cao ».

Hàn Quốc tạo điều kiện cho lao động nước ngoài bất hợp pháp về nước tránh dịch

« Trước đây, người nước ngoài sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc, khi muốn về nước họ, phải trình diện công an, do có một trường hợp trước đây là vào năm 2019, một lao động bất hợp pháp nguời Pakistan, sau khi gây tai nạn giao thông cho một bé gái, vì sợ bị truy tố nên đã ra sân bay xin về nước ngay lập tức.

Việc này làm cho chính phủ yêu cầu thắt chặt hơn các thủ tục để người nước ngoài sống bất hợp pháp hồi hương. Họ sẽ phải báo trước tại trung tâm cảnh sát từ một tuần đến nửa tháng. Sau đó họ sẽ được kiểm tra xem có tiền án hoặc nợ xấu gì không.

Nhưng hiện tại, vì lý do có quá nhiều người sống bất hợp pháp sợ dịch và muốn về nước, nên chính phủ cho phép đăng ký online trên trang Hi Korea trước từ 7 đến 15 ngày. Sau đó, tới hôm họ muốn về nước, họ phải ra sân bay để kiểm tra liệu có được phép về không.

Vì họ sống bất hợp pháp, nhưng tự nguyện về nước, do đó, họ sẽ được hưởng những chính sách, như sau nửa năm, có thể xin visa quay lại. Khi rất nhiều người sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc hồi hương, sẽ có một lỗ hổng về lao động rất lớn nên nhu cầu về lao động nước ngoài tại Hàn Quốc sẽ tăng lên rất cao. Và tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội để Việt Nam xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc ».

Trung Quốc cho phép một số doanh nghiệp ở Vũ Hán hoạt động trở lại

Một ngày sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm thành phố Vũ Hán, một số doanh nghiệp tại đây đã được phép hoạt động trở lại, chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp nhu yếu phẩm, y tế và các ngành dịch vụ công (điện, gaz, thu gom rác…).

Số ca nhiễm mới virus corona hàng ngày tại Trung Quốc tiếp tục tăng ở mức rất thấp. Ngày 11/03/2020, bộ Y Tế Trung Quốc cho biết có thêm 22 người bị chết trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 13 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc. Theo AFP, số ca mới bị nhiễm virus corona là 24 người, trong đó chỉ riêng Bắc Kinh có 6 trường hợp trở về từ Ý và Hoa Kỳ. Vì vậy, chính quyền thành phố Bắc Kinh vừa ra lệnh cách ly 14 ngày đối với bất kỳ ai từ nước ngoài trở về.

Trong khi đó, Nhật Bản lại vừa ghi nhận số ca nhiễm mới virus corona cao nhất trong một ngày, có đến 59 người được phát hiện chỉ trong ngày 10/03, nâng tổng số người bị nhiễm virus corona lên thàng 1.278 người, trong đó có 696 trường hợp trên du thuyền Diamond Princess.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200311-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-ph%C3%A1t-hi%E1%BB%87n-%E1%BB%95-d%E1%BB%8Bch-virus-corona-%E1%BB%9F-seoul

 

Vì sao Triều Tiên phóng vật thể liên tiếp?

Những cuộc tập trận và phóng vật thể được thực hiện liên tiếp đầu năm 2020 được xem là cách Triều Tiên hâm nóng tình hình.

Triều Tiên ngày 9-3 được cho đã phóng ít nhất 3 vật thể nghi tên lửa tầm ngắn ra khu vực nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Đáp trả sự chỉ trích

Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), các vật thể không xác định trên được phóng ra từ khu vực gần thành phố Sondok, tỉnh Nam Hamgyong, miền đông Triều Tiên. Các vật thể được phát hiện khoảng 7h36 sáng 9-3, bay được tầm 200km và đạt độ cao cực đại 50km.

Đây là lần phóng vật thể thứ hai của Triều Tiên trong vòng một tuần, và JCS cho rằng rất có thể nó là một phần trong cuộc tập trận tác chiến của quân đội Triều Tiên. Báo cáo của JCS viết: “Lần phóng hôm nay có vẻ là một phần trong cuộc tập trận pháo binh có sự tham gia của nhiều loại rocket trong đợt tập trận mùa đông, sau những lần phóng trước đó từ ngày 28-2 tới 2-3”.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ lại nói rằng Triều Tiên phóng 4 vật thể không xác định. Đài CNN dẫn lời hai quan chức nói đây không phải động thái bất ngờ của Triều Tiên. Trong vòng 10 ngày trở lại đây, Triều Tiên cho hay Chủ tịch Kim Jong Un đã giám sát hai vòng tập trận bắn đạn thật. Đây là màn thử vũ khí đầu tiên của quân đội Triều Tiên kể từ tháng 11 năm ngoái.

Politico lưu ý hành động của Triều Tiên diễn ra chỉ hai ngày sau khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ có hành động “trọng yếu” nhằm đáp trả việc một số nước lên án Triều Tiên tập trận bắn đạn thật nêu trên.

Kéo Mỹ trở lại bàn đàm phán?

Lần phóng vật thể mới nhất này diễn ra sau giai đoạn hai tháng Triều Tiên không có bất kỳ động thái nào tương tự. Đã xuất hiện vài phân tích về động cơ của Bình Nhưỡng lúc này.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn phân tích từ chuyên gia cho rằng các đợt thử nghiệm gần đây có thể nhằm tăng cường năng lực của Triều Tiên, bằng cách rút ngắn khoảng cách thời gian giữa các lần bắn của tên lửa/vật thể, từ đó khiến chúng khó bị phát hiện và ngăn chặn hơn. Trên thực tế thời gian bắn của tên lửa vừa qua đã được rút ngắn đáng kể. JCS cho biết hai vật thể đầu được phóng cách nhau 20 giây, nhưng vật thể thứ ba được phóng ra một phút sau đó.

Hãng tin AP trong khi đó phân tích thông điệp của Triều Tiên theo góc độ ngoại giao. Tuần trước, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã phản đối mạnh mẽ với Hàn Quốc khi Seoul chỉ trích đợt tập trận bắn đạn thật của Triều Tiên, nhưng Chủ tịch Kim khi ấy lại có hành động gửi lời chia buồn trước đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Hàn Quốc.

Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể muốn tác động tới Hàn Quốc trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ về kinh tế, trong bối cảnh Mỹ khẳng định lệnh cấm vận sẽ được duy trì tới khi Bình Nhưỡng có hành động thiện chí đối với tiến trình phi hạt nhân hóa theo hướng Washington mong muốn.

“COVID-19 gần như sẽ vượt quá khả năng y tế của Triều Tiên, vì vậy ông Kim Jong Un đang chơi một ván cờ song hành. Về đối nội, chính quyền của ông tuyên bố bảo vệ nhân dân bằng các biện pháp kiểm dịch quyết đoán và các bài tập trận chống lại mối đe dọa từ bên ngoài. Bình Nhưỡng có thể đang tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế, nhưng vẫn ám ảnh với việc không để mình đứng ở vị trí thấp hơn so với Seoul” – Leif-Eric Easley, phó giáo sư tại ĐH Seoul Ewha Womans nói.

Trong lần phóng vật thể trước đó của Triều Tiên, Hãng thông tấn Kyodo của Nhật phân tích rằng động cơ của Triều Tiên rất có thể nhằm thu hút sự chú ý của Mỹ trở lại, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây giảm bớt quan tâm đối với đàm phán Mỹ – Triều vì dịch COVID-19.

http://biendong.net/bi-n-nong/33447-vi-sao-trieu-tien-phong-vat-the-lien-tiep.html

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un

thị sát vụ phóng tên lửa mới nhất

Đài KCNA hôm 10.3 đưa tin nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đích thân giám sát “vụ diễn tập tấn công hỏa lực” hôm 9.3, mà theo các nhà quan sát bao gồm các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng nhiều vật thể về hướng biển vào hôm 9.3, buộc Mỹ và Trung Quốc đồng loạt lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng quay về bàn đàm phán để chấm dứt các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Theo Đài KCNA, các tư lệnh của quân đội Nhân dân Triều Tiên đã tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un, và ông Kim đã bày tỏ “sự hài lòng sâu sắc với kết quả thu

“Mục tiêu của vụ diễn tập tấn công hỏa lực là nhằm kiểm tra năng lực phản công tức thời của các đơn vị pháo binh tầm xa ở tuyến đầu”, theo KCNA.

Những hình ảnh do KCNA công bố cho thấy các đơn vị pháo binh của Triều Tiên khai hỏa nhiều loại pháo, cũng như tên lửa từ các hệ thống phóng đa nòng (MLRS) với 4 ống phóng.

Các tên lửa bay qua quãng đường đến 200 km và đạt độ cao 50 km, theo Reuters dẫn thông tin của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ thông tin về các loại vũ khí và địa điểm diễn tập.

http://biendong.net/bi-n-nong/33428-nha-lanh-dao-kim-jong-un-thi-sat-vu-phong-ten-lua-moi-nhat.html

 

Chủ tịch TACC: ‘Nếu Tổng thống Trump

 muốn mua một hòn đảo, ông nên mua Đài Loan’

Thiện Lan

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ – Đài Loan (TACC) đang đề nghị Tổng thống Trump mua Đài Loan, nếu ông thực sự quan tâm nghiêm túc đến việc mua một hòn đảo.

Trong một bài bình luận dài 700 từ có tiêu đề “Nếu Tổng thống Trump muốn mua một hòn đảo, ông nên mua Đài Loan”, ông Neil Hare, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ – Đài Loan (TACC) đã đề nghị Tổng thống Trump nghĩ về quan hệ Mỹ – Đài từ quan điểm của một doanh nhân và thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan vì lợi ích của mình.

Ông Hare đưa ra ý tưởng mua hoặc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do với Đài Loan vài tháng sau khi Tổng thống Trump bày tỏ quan tâm đến việc mua quốc đảo Greenland của Đan Mạch. Ông Hare giải thích rằng, không giống như Greenland, lãnh thổ tự trị băng giá của Đan Mạch, Hoa Kỳ có quyền hợp pháp đối với Đài Loan khi nước này đánh bại sự chiếm giữ của Nhật Bản trong Thế chiến II.

Hơn nữa, theo ông Hare, vào năm 1979, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó cho phép Mỹ có hành động quân sự nếu Đài Loan bị tấn công.

Ngoài ra, theo ông, Đài Loan và Mỹ đều có chung các giá trị dân chủ và Tổng thống hiện tại của Đài Loan, bà Thái Anh Văn là người có quan điểm ủng hộ Hoa Kỳ.Ông Hare cho rằng, vai trò hàng đầu của Đài Loan trong các lĩnh vực công nghệ, công nghệ sinh học, hóa học và kỹ thuật sẽ khiến việc mua bán trở thành một thỏa thuận thậm chí còn lớn hơn.

“Vì vậy, Tổng thống Trump, tăng giá gấp đôi và mua Đài Loan”, ông Hare viết và thêm rằng nếu Đài Loan không phải để bán, thì bước đi thông minh sẽ là nhanh chóng ký kết một thỏa thuận thương mại tự do và cấp tình trạng nhập cư đặc biệt cho công dân Đài Loan.

Trước đó, vào tháng 8/2019, một kiến ​​nghị kêu gọi Hoa Kỳ mua Đài Loan nổi lên trên trang web kiến ​​nghị của Nhà Trắng sau khi Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn mua quốc đảo Greenland của Đan Mạch, nhưng Bộ Ngoại giao Đài Loan trả lời rằng, nước này không phải để bán.

Theo Taiwan News

Thiện Lan dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/chu-tich-tacc-neu-tong-thong-trump-muon-mua-mot-hon-dao-ong-nen-mua-dai-loan.html

 

Chuyên gia TQ tung dư luận về việc Việt Nam

đưa tàu cá xâm lấn xuống vùng biển của Bắc Kinh

ở Biển Đông khi nước này đáng chống dịch Covid-19

Những thông tin được báo chí và một số chuyên gia Trung Quốc đưa ra cho rằng Việt Nam đã điều hàng trăm tàu cá xuống khu vực vùng biển thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, nơi có các căn cứ quân sự nhạy cảm. Giới quan sát ngay lập tức nhận thấy rõ ý đồ tuyên truyền, hướng lái dư luận của Bắc Kinh.

Vị Tiến sĩ Yan Yan là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Luật và Chính sách Đại dương, Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông (NISCSS) của Trung Quốc đã có bài phân tích trên tờ “The Diplomat”, trong đó đưa nghi vấn “Có phải Việt Nam đang gửi dân quân biển đến bờ biển của Trung Quốc?”.

Chuyên gia này trích thông tin được cho là từ tổ chức Sáng kiến ​​Khai thác Biển Đông (SCSPI), một dự án của Viện Nghiên cứu Đại dương Bắc Kinh, vừa công bố dữ liệu Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) cho thấy hơn 300 tàu đánh cá Việt Nam tập trung tại vùng biển gần các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam của Trung Quốc vào tháng 2/2020, trong khi Trung Quốc đang bận rộn chiến đấu với dịch Covid-19. Cho rằng đánh bắt cá bất hợp pháp từ Việt Nam là một vấn đề lâu dài. Ngay cả với đường bờ biển dài gần 3.500 km, nguồn cá ở Việt Nam gần biển đang cạn kiệt và ngư dân của họ đã cố gắng mạo hiểm đi xa hơn để bắt cá trong những năm qua. Vị chuyên gia này dẫn chứng việc Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản từ Việt Nam vào năm 2017 do không thể ngăn chặn việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Cảnh báo được đưa ra đặc biệt là sau khi một số đội tàu đánh cá của Việt Nam bị đánh bắt trái phép trong vùng biển của các nước khác.

Theo đánh giá thiếu khách quan của chuyên gia Trung Quốc, mặc dù Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng yêu cầu tất cả các bên liên quan ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển của các quốc gia khác sau khi EC quyết định gia hạn thẻ vàng vào năm 2019, tình hình vẫn không thay đổi nhiều. Theo đó, các quan chức Chính phủ Việt Nam đã đề cập trong quá khứ rằng rất khó để bắt những tàu giã cào bất hợp pháp hoạt động trên biển vì có quá nhiều người trong số họ và công suất động cơ của họ đạt tới 500-800 mã lực.

Chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng gần đây, Malaysia cũng báo cáo sự gia tăng số lượng tàu cá Việt Nam xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), ngoài khơi bờ biển phía đông của đất nước, trong vài tháng qua. Malaysia đã phản đối Việt Nam và hiện đang tìm kiếm một thỏa thuận song phương để giải quyết vấn đề. Năm ngoái 141 ngư dân Việt Nam đã bị chính quyền Malaysia bắt giữ.

Chuyên gia Trung Quốc viện dẫn việc Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở của mình vào ngày 15/5/1996, dựa trên Luật Lãnh thổ và Vùng tiếp giáp năm 1992. Lãnh hải 12 hải lý quanh đảo Hải Nam cũng như các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây là không có tranh chấp giữa hai nước láng giềng. Trung Quốc và Việt Nam đã giải quyết một ranh giới trên biển ở Vịnh Bắc Bộ và một thỏa thuận hợp tác nghề cá vào ngày 25/12/2000. Tuy nhiên, hình ảnh AIS từ SCSPI cho thấy hai phần ba tàu cá Việt Nam nằm ở phía Trung Quốc của tuyến biên giới (rắn) đường trắng trong bản đồ bên dưới). Một số người trong số họ có thể có giấy phép đánh bắt cá trong khu vực đánh cá chung, nhưng hơn một nửa số thuyền nằm ngoài khu vực (được biểu thị bằng đường màu vàng đứt nét).

Theo Trung Quốc, từ các bản đồ của tổ chức Sáng kiến ​​Khai thác Biển Đông, mỗi dấu chấm màu xanh lá cây đại diện cho một tàu đánh cá Việt Nam đã đăng ký trong AIS trong tháng 2/2020. Theo đó, chuyên gia Trung Quốc suy diễn rằng thông tin của AIS cho thấy có khoảng 200 tàu cá Việt Nam bao quanh bờ biển phía đông của tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, nhiều tàu trong số đó hoạt động trong phạm vi 12 hải lý của thành phố Tam Á và Qionghai (được mô tả bởi đường đứt nét màu trắng trong bản đồ trên). Nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng bên cạnh việc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, các tàu cá Việt Nam đang thu thập thông tin tình báo về các căn cứ quân sự của Trung Quốc cũng như các hoạt động quân sự của hải quân và không quân.

SCSPI tiết lộ rằng một số tàu cá nghi ngờ đã thay đổi trạng thái của họ từ tàu câu cá thành một tàu buôn khác trên tàu AIS, dường như là một nỗ lực để che giấu danh tính của họ. Xem xét Việt Nam đang xây dựng một lực lượng dân quân hàng hải mạnh mẽ, thật hợp lý khi nghĩ rằng nhiều trong số 200 tàu này có thể là dân quân hàng hải. Vị chuyên gia Trung Quốc cũng không bỏ qua việc trích dẫn ý kiến được gắn là của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tá Phan Văn Giang, vào tháng 12/2019 cho biết, Việt Nam đang thành lập lực lượng dân quân hàng hải, bắt đầu với sáu tỉnh phía Nam và mở rộng ra 14 tỉnh trên cả nước. Mục tiêu có hai mặt là bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế. Hà Nội cũng đã sửa đổi Luật Dân quân và Lực lượng Tự vệ năm 2009 để cung cấp một cơ sở pháp lý cho dân quân hàng hải. Phiên bản mới sẽ được ban hành vào tháng 7/2020.

Vì hầu hết các dân quân hàng hải của Việt Nam bao gồm các ngư dân địa phương, các nước láng giềng rất khó phân biệt giữa hai nước này. Được biết, các ngân hàng Việt Nam đã cho ngư dân vay 176 triệu USD để nâng cấp khoảng 400 tàu. Hơn 10.000 ngư dân đã nhận được ống nhòm tầm nhìn hồng ngoại và súng, theo tin từ chuyên gia Trung Quốc đưa ra.

Để theo đuổi giấc mơ hàng hải của mình, Việt Nam không nên nhắm mắt làm ngơ trước các tàu cá của mình đánh bắt trái phép hoặc thu thập thông tin tình báo ở vùng lãnh hải của một nước láng giềng. Tháng 7/2019, Luật mới về Cảnh sát biển của Việt Nam đã có hiệu lực. Nhiều biện pháp đã được thực hiện trong nước để tăng cường vai trò và sự linh hoạt trong hoạt động của Lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam trong suốt những năm qua. Đã đến lúc họ phải đối phó với những chiếc thuyền Việt Nam đánh bắt trái phép ở vùng biển của nước khác. Vị chuyên gia Trung Quốc rêu rao rằng là chủ tịch ASEAN vào năm 2020, thực tiễn hàng hải của Việt Nam sẽ được tất cả các nước trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia có chung biên giới Biển Đông theo dõi chặt chẽ. Niềm tin vào vai trò Chủ tịch của Việt Nam sẽ được xây dựng không chỉ về cách nó có thể dẫn dắt ASEAN đến những phát triển mới, mà còn là cách họ xử lý ngư dân và tàu cá của mình.

http://biendong.net/bien-dong/33469-chuyen-gia-tq-tung-du-luan-ve-viec-viet-nam-dua-tau-ca-xam-lan-xuong-vung-bien-cua-bac-kinh-o-bien-dong-khi-nuoc-nay-dang-chong-dich-covid-19.html

 

Nữ hành khách Trung Cộng bị khống chếtrên máy bay

do cố tình ho vào mặt tiếp viên hàng không

Tin Thượng Hải, Trung Cộng – Trong một chuyến bay từ Bangkok đến Thượng Hải vào cuối tuần trước, các nhân viên phi hành đoàn của hãng Thai Airways đã phải khống chế một phụ nữ Trung Cộng, sau khi cô ta cố tình ho vào một mặt tiếp viên hàng không, do bất mãn vì việc các hành khách phải chờ nhiều giờ trên phi đạo để được kiểm tra coronavirus.

Trong sự việc khi đó, các hành khách đã phải chờ 7 tiếng để được kiểm tra dịch bệnh tại phi trường quốc tế Shanghai Pudong. Hãng Thai Airways cho biết sau khi người hành khách ho vào nữ tiếp viên hàng không, các nhân viên khác trên máy bay đã đến gần để ngăn cản hành động không phù hợp này. Các nhân viên đã cố gắng giải thích và trấn an người phụ nữ Trung Cộng. Tuy nhiên, do không hợp tác, nữ hành khách sau cùng đã bị khống chế.

Trong các hình ảnh lan truyền trên mạng, người phụ nữ Trung Cộng bị ít nhất 1 nam nhân viên nắm cổ và nhấn xuống ghế, trong khi 2 nam nhân viên khác dùng tiếng Anh yêu cầu cô ta ngồi xuống.

Theo hãng Thai Airways, mọi hành khách trên các máy bay đến Thượng Hải từ các nước có số ca nhiễm coronavirus cao đều phải được kiểm tra sức khỏe. Theo quy định, các máy bay chưa kiểm tra y tế sẽ không được phép mở cửa để hành khách ra ngoài. Hãng hàng không cho biết thời gian kiểm tra phụ thuộc vào số lượng hành khách đến từ các nước có nguy cơ cao.

Theo cơ quan Quan thuế Thượng Hải, các hành khách trên chuyến bay của Thai Airways phải được kiểm tra y tế do có một số người đến từ Iran. (BBT)

https://www.sbtn.tv/nu-hanh-khach-trung-cong-bi-khong-che-tren-may-bay-do-co-tinh-ho-vao-mat-tiep-vien-hang-khong/

 

Trung Quốc cho phép

nhiều công ty ở Vũ Hán hoạt động trở lại

Hải Lam

AFP cho biết, giới chức tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm nay (11/3) thông báo nhiều doanh nghiệp ở tâm dịch Vũ Hán có thể trở lại hoạt động ngay lập tức.

Các doanh nghiệp sản xuất nhu yếu phẩm hàng ngày và doanh nghiệp chủ chốt trong chuỗi công nghiệp toàn cầu có thể tiếp tục hoạt động ngay lập tức. Các công ty khác dự kiến ​​được phép hoạt động trở lại sau ngày 20/3.

Quy định trên cũng được áp dụng cho các khu vực ngoài Vũ Hán có nguy cơ nhiễm bệnh cao, các công ty về tiện ích công cộng và cung cấp nhu yếu phẩm có thể tiếp tục công việc.

Còn ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình hoặc thấp, có nhiều công ty hơn được phép quay trở lại làm việc.

Các chuyến bay, xe lửa, xe hơi, tàu điện và xe buýt chạy trong tỉnh thuộc các khu vực nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình và thấp, ngoại trừ Vũ Hán, sẽ dần quay lại hoạt động, nhưng các nhà chức trách chưa thông báo thời gian cụ thể.

Theo Reuters, cũng trong hôm nay, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Nissan cho biết họ có kế hoạch khôi phục một phần hoạt động sản xuất tại hai nhà máy ở Trung Quốc, trong đó có một cơ sở ở Hồ Bắc. Đối thủ cạnh tranh của Nissan là Honda cho biết nhiều nhân viên đã quay trở lại làm việc tại nhà máy ở Vũ Hán và sẽ khởi động lại việc sản xuất từ ​​hôm nay.

Trong khi nới lỏng một số hạn chế, chính quyền Hồ Bắc cho hay việc hạn chế giao thông ở Vũ Hán vẫn được duy trì và các trường học trong tỉnh vẫn đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-cho-phep-nhieu-cong-ty-o-vu-han-hoat-dong-tro-lai.html

 

Trẻ em Duy Ngô Nhĩ bị ngược đãi và suy sụp tinh thần

Băng Thanh

Sau khi những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc phải vào các ‘trại giáo dục’, con của họ sẽ thuộc sự quản lý của chính phủ. Chúng bị ngược đãi, suy dinh dưỡng và suy sụp tinh thần.

Cô bé người Duy Ngô Nhĩ Gulina (không phải tên thật), 9 tuổi, đến từ phía nam Tân Cương, từng luôn vui vẻ, giờ thường khóc một cách buồn tủi. Nụ cười đã biến mất khỏi khuôn mặt bé kể từ khi em được gửi đến một trường nội trú địa phương.

“Con bé rất nhớ ba mẹ, những người đã bị bắt đi cải tạo ở các trại giáo dục và con bé đã được gửi đến đây”, một cựu giáo viên trong trường nói với Bitter Winter.

“Con bé từng là một học sinh giỏi, khỏe mạnh và vui vẻ. Nhưng tâm trạng của bé giờ đây trở nên buồn chán, con bé gầy và bé không thể tập trung trong lớp cũng như khi làm bài tập về nhà. Bé có tâm trạng không tốt. Khi tôi hỏi con có bị bệnh không, bé chỉ lắc đầu”, cựu giáo viên cho biết.

Hơn 40 trẻ em người Duy Ngô Nhĩ sống và học tập tại trường nội trú cùng với Gulina vì cha mẹ của các em đang bị giam giữ tại các ‘trại giáo dục’ ở Tân Cương. Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, gần nửa triệu trẻ em Duy Ngô Nhĩ đã được gửi đến các trường nội trú đặc biệt, và chính quyền nước này đặt mục tiêu xây dựng một hoặc hai ngôi trường như vậy trong hơn 800 thị trấn của Tân Cương vào cuối năm tới.

“Học sinh ở trường nội trú có nhiều thời gian hơn để học, nhưng điều này không có nghĩa là các bé sẽ đạt điểm cao hơn. Ngược lại, kết quả học tập của các bé trở nên tệ hơn”, cựu giáo viên giải thích. “Các em sống trong sợ hãi và không có tâm trạng để học”.

Điều duy nhất khiến Gulina hạnh phúc là bé sẽ được đến nhà người thân hai tuần một lần.

“Khi ngày đó đến, con bé thường lơ đãng, và không thể chờ đợi để rời khỏi trường”, giáo viên cho biết. “Việc đầu tiên bé làm vào ngày hôm đó là đưa tôi ký đơn xin nghỉ phép vào cuối tuần”.

Theo quy định của trường, học sinh muốn rời khỏi trường phải được giáo viên chủ nhiệm ký giấy nghỉ phép và chụp ảnh cùng nhau. Đối với những học sinh không đi thăm người thân, nhà trường sẽ sắp xếp để các em xem những bộ phim truyền hình có nội dung nhằm xóa bỏ bản sắc dân tộc của các em và ca ngợi chính quyền.

“Các bé thường chỉ được cho một muôi cơm và rau cho bữa ăn, các bé luôn đói”, giáo viên cho biết, và nói rằng khi cô hỏi các bé có cảm thấy no và ngon miệng không, những đứa trẻ sẽ cúi đầu xuống và nói thì thầm “không”.

Theo giáo viên, nhà trường cho mỗi đứa trẻ một tuýp kem đánh răng và một bánh xà phòng trong nửa năm. Các em chỉ được uống nước máy, và nước nóng chỉ được cung cấp với số lượng hạn chế khi trời lạnh.

Một giáo viên tiểu học ở trung tâm của Tân Cương nói với Bitter Winter rằng, có gần 50 học sinh người Duy Ngô Nhĩ trong lớp anh dạy, với hầu hết ba của các em đều ở trong các trại và gia đình của các em chỉ sống với khoản trợ cấp sinh hoạt của chính phủ là 300 RMB (khoảng 43 USD) một tháng. Khi nhà trường yêu cầu học sinh phải trả hơn 80 RMB (khoảng 11 USD) tiền mua đồng phục, mẹ của một số học sinh gọi và nói rằng họ không thể mua được.

“Một người mẹ gọi cho tôi và nói rằng chồng cô không có nhà và gia đình thậm chí không còn tiền để mua thức ăn, vì vậy mua đồng phục là điều không thể”, giáo viên cho biết. “Người mẹ phải rời nhà sớm mỗi ngày và trở về muộn để làm những công việc lặt vặt để kiếm đủ tiền. Cô không còn thời gian để chăm sóc con gái 8 tuổi của mình, vốn tự nấu ăn và đi học một mình. Tôi thấy con bé mặc quần áo bẩn, bị căng thẳng, ít nói và hầu như không cười trong lớp”.

Ở Korla, thành phố lớn thứ hai Tân Cương, thường thấy một cảnh sát đưa một nhóm trẻ em người Duy Ngô Nhĩ, từ 3 đến 6 tuổi đến một nhà phúc lợi. Cha mẹ các bé đang ở trong các ‘trại giáo dục’, vì vậy các bé phải đến nhà phúc lợi sau giờ học chứ không phải ở nhà, nơi được ba mẹ yêu thương và chăm sóc.

Theo Xiang Yi / Bitter Winter

Băng Thanh dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/tre-em-duy-ngo-nhi-bi-nguoc-dai-va-suy-sup-tinh-than.html

 

Trung Quốc: Virus corona

có thể tồn tại trong không khí nửa tiếng

Virus corona gây bệnh COVID-19 có thể sống dai dẳng trong không khí ít nhất 30 phút và di chuyển đến 4 mét rưỡi-xa hơn là”khoảng cách an toàn” do nhà cầm quyền y tế trên toàn thế giới khuyến cáo, theo một cuộc nghiên cứu của một toán dịch tễ học của chính phủ Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện là virus có thể tồn tại nhiều ngày trên những bề mặt nơi những giọt nhỏ li ti từ hệ thống hô hấp người bệnh rơi xuống, nâng cao nguy cơ lây nhiễm nếu một người nào đó tình cờ chạm vào và sau đó xoa mặt và tay.

Chiều dài của thời gian virus tồn tại trên bề mặt tuỳ thuộc vào những yếu tố như nhiệt độ và loại bề mặt, chẳng hạn như ở khoảng 37 độ C, virus có thể sống từ hai đến 3 ngày trên kính, vải, kim loại, nhựa hay giấy.

Những khám phá này, từ một nhóm các nhà nghiên cứu chính thức thuộc tỉnh Hồ Nam điều tra về những ca lây nhiễm, thách thức khuyến nghị của nhà cầm quyền y tế trên toàn thế giới là mọi người nên giữ “một khoảng cách an toàn” từ một đến hai mét.

“Có thể xác nhận được rằng một môi trường khép kín với máy điều hoà không khí, khoảng cách lây nhiễm virus corona chủng mới sẽ vượt quá khoảng cách an toàn thường được công nhận” các nhà nghiên cứu viết trong một bài báo được Tạp chí Practical Preventive Medicine đăng tải vào ngày 6/3.

Bài báo cũng nhấn mạnh đến nguy cơ virus có thể vẫn lơ lửng trong không khí ngay cả khi người bệnh đã rời khỏi xe buýt.

Các nhà khoa học cảnh báo là virus corona có thể sống hơn 5 ngày trong phân người hay dịch thủy của thân thể.

Các nhà khoa học nói là cuộc nghiên cứu chứng tỏ tầm quan trọng của việc rửa tay và mang khẩu trang tại những nơi công cộng vì virus có thể sống dai dẳng trong không khí liên hệ đến những phân tử nhỏ li ti do ho hay hắt hơi bắn ra.

“Khuyến cáo của chúng tôi là luôn luôn mang khẩu trang (khi đi xe buýt),” các nhà nghiên cứu nói thêm.

Cuộc nghiên cứu căn cứ vào một vụ bùng phát địa phương ngày 22/1 trong mùa du hành cao điểm Tết Âm lịch. Một hành khách, được gọi là “A” lên một xe khách đường dài đầy người và ngồi hàng ghế thứ hai ở phía sau.

Hàng khách này đã ngã bệnh tại thời điểm đó nhưng trước khi Trung Quốc công bố virus corona bùng phát là một cuộc khủng hoảng quốc gia, do đó “A” không mang khẩu trang, cũng như những hành khác khác và tài xế của chiếc xe buýt 48 chỗ ngồi.

Trung Quốc yêu cầu phải có máy ảnh truyền hình lắp đặt trên các xe buýt đường dài, cung cấp những đoạn phim quý giá cho các nhà nghiên cứu dựng lại việc lây lan của virus trên xe buýt mà các cửa sổ đều đóng.

Ông Hu Shixiong, tác giả đứng đầu cuộc nghiên cứu, làm việc cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Nam, nói máy thu hình an ninh cho thấy bệnh nhân “A” không giao tiếp với những người khác suốt trong cuộc hành trình kéo dài 4 giờ.

Tuy nhiên vào lúc xe buýt ngừng ở thành phố kế tiếp, virus đã lây sang 7 hành khách khác.

Những người này bao gồm không những những người ngồi tương đối gần với “bệnh nhân Zero”, nhưng cũng lây sang một cặp nạn nhân ngồi cách xa 6 hàng ghế-tức cách xa khoảng 4,5 mét.

Tất cả những người này sau đó xét nhiệm dương tính, trong đó có một hành khách không có triệu chứng lâm bệnh.

Sau khi những hành khách này rời khỏi xe, một nhóm khác lên xe buýt sau đó khoảng 30 phút. Một hành khách ngồi hàng đầu phía bên kia cũng bị lây nhiễm.

Ông Hu nói bệnh nhân không mang khẩu trang, dễ hít aerosol, hay những phân tử nhỏ li ti, do những hành khách bị lây nhiễm thuộc nhóm trước thở ra.

Aerosol là những phân tử nhẹ tạo thành từ những giọt li ti của dịch thủy từ con người.

Sau khi rời khỏi xe buýt, người mang bệnh đầu tiên lên một xe mini-buýt và đi khoảng 1 giờ. Virus lây sang hai hành khách khác, một người ngồi cách bệnh nhân “A” 4,5 mét.

Vào lúc cuộc nghiên cứu kết thúc vào giữa tháng 2, bệnh nhân “A” đã lây sang ít nhất 13 người.

Nhiều người thường tin rằng việc lây lan COVID-19 trong không khí bị hạn chế vì những hạt nhỏ do bệnh nhân tạo ra sẽ nhanh chóng chìm xuống đất.

Tin tưởng này đã khiến nhà cầm quyền y tế Trung Quốc khuyến cáo là mọi người nên đứng cách nhau một mét tại nơi công cộng và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đề nghị một khoảng cách an toàn vào khoảng 1,8 mét.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện là không có người nào trong số hành khách mang khẩu trang bị lây nhiễm.

Do đó họ ủng hộ quyết định yêu cầu người dân mang khẩu trang tại những nơi công cộng.

Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị cải thiện vệ sinh tại những nơi vận chuyển công cộng và điều chỉnh máy điều hòa không khí để gia tăng tối đa khối lượng không khí trong lành.

Họ cũng nói bên trong những nơi này nên được dọn sạch và khử trùng một hay hai lần một ngày, đặc biệt sau khi hành khách đến nơi.

Một bác sĩ tại Bắc Kinh có liên hệ đến việc chẩn đoán và chữa trị các bệnh nhân COVID-19 nói cuộc nghiên cứu vẫn còn những câu hỏi chưa trả lời.

Chẳng hạn như hành khách ngồi sát cạnh bệnh nhân không bị lây nhiễm dù họ cũng bị phơi nhiễm aerosol ở mức độ cao.

Ông nói “hiểu biết của chúng ta về sự lây lan của virus vẫn còn hạn chế.”

(Nguồn Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Nam, Trung quốc/Tạp chí Practical Preventive Medicine)

https://www.voatiengviet.com/a/nh%C3%B3m-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-tq-virus-corona-c%C3%B3-th%E1%BB%83-t%E1%BB%93n-t%E1%BA%A1i-trong-kh%C3%B4ng-kh%C3%AD-n%E1%BB%ADa-ti%E1%BA%BFng/5323925.html

 

Trung Quốc đã viết lại lịch sử về con virus Vũ Hán

Thụy My

La Croix ghi nhận từ hơn một tuần qua, bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc bắt đầu tăng tốc. Hai tháng sau khi dịch bệnh virus corona chủng mới khởi phát, và nay đã lan tràn đến trên 90 quốc gia trên thế giới, chính quyền Bắc Kinh muốn xóa đi ký ức tập thể về nguồn gốc của con virus Vũ Hán, ở trong nước cũng như ngoài nước.

Một chiến dịch ngoại giao và truyền thông đã được tung ra, trước hết nhằm tung hỏa mù về thời điểm khởi đầu chính xác nạn dịch. Sự che giấu này kéo dài đến gần hai tháng : ca đầu tiên xuất hiện từ đầu tháng 12/2019, nhưng chính quyền chỉ công khai vào ngày 20/01/2020. Nhờ đó con virus đã lan rộng trên cả nước Trung Quốc trong dịp Tết âm lịch, với số lượng người khổng lồ về quê ăn Tết, và sau đó gây tai họa cho cả thế giới.

Phi tang dấu vết chợ Vũ Hán

Đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, việc bị điểm mặt chỉ tên là nguồn gốc của con virus corona chủng mới là không thể chấp nhận được. Tất cả những gì chỉ ra mối liên quan giữa Trung Quốc và con virus này cần phải được đặt dấu hỏi, và biến mất trong tất cả sách sử.

Tất cả các đại sứ Trung Quốc tại nước ngoài được lệnh cho lan truyền trên Twitter (dù mạng xã hội này bị cấm tại Hoa lục) và báo chí ngoại quốc một thông điệp như sau : « Tuy con virus corona đã lan ra từ Vũ Hán, nhưng xuất xứ thực sự của nó vẫn chưa rõ. Chúng tôi đang tìm kiếm xem con virus này xuất phát từ đâu ».

Tương tự, các nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh đến việc « chợ bán thú hoang Hoa Nam ở Vũ Hán, mà ban đầu được cho là nơi xuất phát nạn dịch, nay không còn là tâm dịch ». La Croix ghi nhận, ngôi chợ này đã được dọn dẹp toàn bộ và có thể sẽ bị phá hủy, không còn để lại một dấu vết nào.

Phao tin virus corona Vũ Hán xuất xứ từ Mỹ, Nhật

Gieo rắc nghi ngờ trong đầu mọi người là giai đoạn đầu tiên để giúp nuôi dưỡng đủ loại thuyết âm mưu đang được lan truyền hiện nay, rằng con virus Vũ Hán có nguồn gốc từ…Mỹ !

Thậm chí đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo tuần trước còn gởi cho tất cả các Hoa kiều tại Nhật một số chỉ thị cần áp dụng, nếu phải đối phó với « virus corona Nhật Bản ». Cứ như là con virus Vũ Hán sau khi tràn sang Nhật đã nhập quốc tịch Nhật Bản.

Về phía Tokyo không đòi hỏi phải sửa sai, nhưng cách dùng từ này rõ ràng không ổn. Trước tầm cỡ của bệnh dịch, Tokyo đã cho hoãn lại chuyến thăm chính thức Nhật Bản của ông Tập Cận Bình dự kiến vào tháng Tư, và cấm tất cả các công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Nhật, hai tháng sau khi khởi đầu khủng hoảng.

Libération cũng nhắc lại sự kiện hôm 5/3 đại sứ Trung Quốc tại Tokyo gởi thư cho các công dân về « virus Nhật », và có cùng nhận định : đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục viết lại lịch sử, tô vẽ Tập Cận Bình thành người chiến thắng trong « cuộc chiến tranh nhân dân chống virus ». Hôm 27/2, nhà dịch tễ học nổi tiếng Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) tuyên bố « virus corona có thể không phải từ Trung Quốc ».

Trong những ngày gần đây, báo chí nhà nước ở Hoa lục đăng rất nhiều thông tin về khoảng vài chục trường hợp con virus độc hại này từ nước ngoài « nhập khẩu » vào Trung Quốc, từ Iran hay Ý, nói bóng gió rằng nay thì những người ngoại quốc đã làm lây nhiễm cho Trung Quốc, trong khi thực tế đó chính là các Hoa kiều trở về nước.

« Thế giới phải cám ơn Trung Quốc »

Cuối cùng, nhiều thông điệp chính thức kêu gọi « thế giới phải cám ơn Trung Quốc » vì đã hy sinh, chiến đấu với con virus, và nay Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nước nào cần đến. Một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : « Trong lúc vẫn tiếp tục công việc phòng dịch tại Hoa lục, chúng tôi sẽ cung cấp – trong phạm vi khả năng của mình – sự hỗ trợ cho các nước ».

Mục tiêu là để người ta quên đi chế độ cai trị đã làm mất ít nhất ba tuần lễ quý giá để ngăn chận dịch bệnh, qua việc tổ chức buổi tiệc khổng lồ với 40.000 gia đình tham gia hôm 18/1 tại Vũ Hán nhằm đoạt kỷ lục thế giới, và để cho 5 triệu người Vũ Hán ra đi trong khi nạn dịch đang tiến triển nhanh.

Báo chí chính thức đăng vô số hình ảnh những bệnh nhân cám ơn các bác sĩ, nhấn mạnh rằng việc con virus corona lan tràn trên khắp hành tinh và những khó khăn mà các nước dân chủ đang gặp phải. Tuy nhiên không hề nhắc đến các hậu quả xã hội thảm thương đối với những người dân bị cách ly ở Hồ Bắc, trong đó khốn khổ nhất là những người nghèo.

The Diplomat nhắc lại một ngạn ngữ Trung Hoa « Chỉ hươu, bảo ngựa » và nhận định của một chuyên gia, cứ nhắc đi nhắc lại mãi thì rốt cuộc đa số người nghe cũng thụ động chấp nhận là đúng.

Anthon Saich, chuyên gia của trường đại học Havard ghi nhận : « Các bác sĩ được giới thiệu như những người hùng, không phải vì họ tận tụy với chức trách, có y đức, mà vì họ là đảng viên ». Theo ông, cuộc khủng hoảng đã làm lung lay lòng tin về sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, nhưng tác động của nó sẽ không kéo dài.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc độc quyền sự thật, độc quyền lịch sử

La Croix nhận xét, cũng như thường lệ, luận điệu được đưa ra là « nhờ có đảng Cộng Sản Trung Quốc » mà dịch bệnh virus corona đã được kiểm soát, còn các nước khác thì đang vất vả chống dịch. Tờ báo hung hăng nhất của đảng là Global Times tuần rồi nhấn mạnh « các nước châu Âu không thể nào áp dụng được những biện pháp triệt để như Trung Quốc », nhằm chứng tỏ rằng chế độ cai trị của Bắc Kinh là ưu việt hơn các chế độ dân chủ phương Tây. Nhưng những biện pháp cô lập được Ý đưa ra đã chứng minh ngược lại.

Về từ ngữ « chiến tranh nhân dân chống virus » mà Tập Cận Bình thích dùng, The Diplomat trích lời chuyên gia David Bandurski, thuộc China Media Project, trường đại học Hồng Kông cho rằng : « Những cuộc chiến tranh tạo ra những anh hùng, và những người hùng giúp cho tuyên truyền nở rộ ». Các chiến dịch truyền thông đậm tính dân tộc chủ nghĩa đã phát huy tác dụng : làm chuyển hướng sự phẫn nộ của người dân về dịch bệnh SARS trước đây sang tranh chấp lãnh thổ với Nhật, đánh lạc hướng về phong trào biểu tình ở Hồng Kông và cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.

Trước các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ của Bắc Kinh, nhà Trung Quốc học Steve Tsang, giáo sư Viện Trung Quốc ở Luân Đôn giải thích : « Đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn muốn độc quyền sự thật, độc quyền lịch sử, và họ chối phăng việc che giấu nạn dịch ngay từ đầu. Các quan chức đảng luôn nghĩ rằng mình có lý, ngay cả khi họ sai rành rành. Nhưng « sự thật » theo kiểu Trung Quốc cần phải được đặt lại vấn đề ở phương Tây. Chính là chúng ta, trong thế giới dân chủ, phải vạch trần luận điệu tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc ».

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200311-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%C3%A3-vi%E1%BA%BFt-l%E1%BA%A1i-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-con-virus-v%C5%A9-h%C3%A1n

 

Yếu tố TQ tác động, ảnh hưởng đến chính sách

 của tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin

Ngay sau khi tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin tuyên thệ nhâm chức, Chính quyền mới của Malaysia được cho là sẽ có những điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực kinh tế, tìm cách giảm lạm phát, giảm chi phí sinh hoạt để nâng cao đời sống người dân, duy trì niềm tin của người tiêu dùng; đồng thời thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những bước điều chỉnh chính sách của Malaysia sẽ không thoát khỏi “hình bóng” của Trung Quốc.

Yếu tố Trung Quốc

Trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường”, các doanh nghiệp Trung Quốc, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, đều đang tiến vào các nước ASEAN với quy mô lớn, khiến Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư quan trọng nhất của ASEAN. Trong số các quốc gia ASEAN mà Trung Quốc đầu tư, Malaysia là một điểm sáng lớn hơn. Năm 2016, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Mỹ, trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Malaysia. Năm 2017, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này. Ngoài ngành sản xuất chế tạo, đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia chủ yếu là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, cần nhiều vốn.

Nhìn chung, Malaysia hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc và trên thực tế Malaysia cũng thực sự rất cần nguồn vốn của Trung Quốc để lấp khoảng trống trong đầu tư cơ sở hạ tầng của nước này. Trung Quốc đã trở thành nước đầu tư lớn nhất vào Malaysia, điều đó thể hiện thái độ tích cực của Trung Quốc và cũng chứng minh một số thành tựu quan trọng mà Trung Quốc đã giành được. Tuy nhiên, một số dự án đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia gặp trắc trở lớn, một số trong đó trên thực tế đã gặp phải khó khăn không dễ khắc phục, gây ra thiệt hại lớn.

Một trong những dự án có hiệu quả đầu tư tốt là dự án mở rộng cảng Kuantan. Cảng này nằm cách thành phố Kuantan 25 km về phía Bắc thuộc bang Pahang, là cảng đầu tiên ở bờ biển phía Đông Malaysia có thể cho phép tàu thuyền ra vào quanh năm. Cảng này hướng ra Biển Đông, là một điểm nút quan trọng của tuyến đường biển gần nhất giữa Trung Quốc và Malaysia. Cảng Kuantan được điều hành bởi Công ty Kuantan Port Consortium thuộc sở hữu tư nhân, trong đó Tập đoàn cảng khẩu biển quốc tế Vịnh Bắc Bộ của Trung Quốc chiếm 40% cổ phần. Năm 2013, dự án mở rộng cảng biển này bắt đầu thông qua việc huy động vốn trong nội bộ ngân hàng để sửa chữa lại cầu cảng mới và các cơ sở hạ tầng khác với diện tích 30 km2. Cùng với việc hoàn thành dần dần dự án mở rộng, cảng Kuantan đã được nâng cấp từ một cảng nhỏ trước kia thành cảng nước sâu, tàu chở hàng container của cảng Huệ Châu của Trung Quốc sẽ cập cảng Kuantan, Kuantan dựa vào mạng lưới logistic của cảng Huệ Châu mà được nâng cấp thành một trong những cảng quan trọng nhất trong khu vực.

Năm 2015, hai chỉ số chủ yếu là lượng hàng hóa thông qua cảng biển và thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cảng Kuatan tăng mạnh, lượng hàng hóa thông qua cảng biển này lần đầu tiên lên tới 40 triệu tấn, tăng gấp đôi, trong đó 90% của lượng tăng hàng hóa đến từ Trung Quốc; hoàn thành xếp dỡ hơn

140.000 container, tốc độ tăng trưởng lên tới hai con số. Ngoài việc xây dựng khá thuận lợi, cảng Kuantan còn có ý nghĩa quan trọng vượt trên ý nghĩa của nó, bởi vì dự án cảng Kuantan có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của khu công nghiệp Kuantan giữa Trung Quốc và Malaysia. Khu công nghiệp này nằm ở bờ biển phía Đông bán đảo Mã Lai, gần Kuantan, do Trung Quốc và Malaysia cùng khai thác, là một trong những kế hoạch “hai nước, hai khu công nghiệp” nổi tiếng nhất. Việc thúc đẩy thuận lợi dự án mở rộng cảng Kuantan sẽ hỗ trợ tốt hơn cho kế hoạch “hai nước hai khu công nghiệp”. Cần phải nói rằng việc mở rộng cảng Kuantan là một dự án khá thành công khi Trung Quốc đầu tư vào Malaysia.

Ngược lại, dự án đường sắt bờ biển phía Đông đã gặp nhiều trắc trở. Dự án này có thời điểm bị ép phải đình chỉ, tuy đã được khôi phục, nhưng dự báo lợi nhuận sẽ giảm mạnh. Nếu đơn thuần xem xét từ khía cạnh đầu tư thương mại thì khó khẳng định là thành công. Dự án này ban đầu do Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Malaysia dưới thời Najib Razak ký kết, Trung Quốc cung cấp khoản vay trị giá 55 tỷ ringgit (khoảng 89 tỷ nhân dân tệ hoặc 12,9 tỷ USD), là dự án đường sắt lớn nhất ở Đông Nam Á hiện nay, cũng là dự án mang tính cột mốc lớn nhất để sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc tiến ra biển.

Tuyến đường sắt ở bờ biển phía Đông kết nối một số thành phố trọng điểm của Malaysia với tổng chiều dài 688,3 km, ban đầu dự định xây dựng trong khoảng 5 đến 6 năm và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Tuy nhiên, sau khi chính phủ mới lên nắm quyền ở Malaysia vào tháng 5/2018, họ đã tuyên bố phải đình chỉ và đánh giá lại một số dự án đầu tư của Trung Quốc, trong đó bao gồm dự án đường sắt này. Tháng 4/2019, Văn phòng Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad xác nhận Trung Quốc và Malaysia đã ký hợp đồng bổ sung về tuyến đường sắt bờ biển phía Đông, giá trị của công trình này từ giảm 65,5 tỷ ringgit xuống còn 44 tỷ ringgit. Trung Quốc đã có sự nhượng bộ tương đối lớn để khôi phục dự án này, chuyên gia đánh giá lợi nhuận của dự án này là rất nhỏ. Trung Quốc đã xem xét đến mối quan hệ hai nước và tầm quan trọng của tuyến đường sắt phía Đông trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” mới đưa ra quyết định dựa trên tình hình chung.

Trước cuộc bầu cử năm 2018, các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia nhìn chung thuận lợi, nhưng cùng với chính phủ cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lên nắm quyền, tình hình đầu tư trở nên phức tạp, trong đó một số dự án bị đánh giá lại trong khi những dự án khác bị đình trệ, gây thiệt hại lớn cho Trung Quốc. Theo các quan chức Malaysia, lý do quan trọng nhất khiến chính phủ cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad hủy bỏ hoặc đình chỉ rất nhiều dự án đầu tư lớn của Trung Quốc, là vì cho rằng nó có thể gây ra khoản nợ lớn cho chính phủ nước này. Nhưng lý do đó có công bằng hay không thì giữa chính phủ mới và cũ của Malaysia cũng như Trung Quốc lại có quan điểm khác nhau. Trong khi đó, quan điểm của Trung Quốc cho rằng, trên thực tế rất nhiều dự án ở Malaysia đều do các tổ chức tư nhân của Trung Quốc và Malaysia tài trợ vốn chẳng hạn như dự án Forest City thuộc Country Garden, không liên quan đến nợ của chính phủ. Cho dù là dự án liên quan đến nợ chính phủ, Trung Quốc cũng hiếm khi yêu cầu Chính phủ Malaysia bảo lãnh. Hơn nữa, trước khi thay đổi đảng cầm quyền, theo thống kê của chính phủ, mức nợ của Malaysia không cao. Tuy nhiên, sau khi chính phủ mới lên nắm quyền, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng cho biết tính đến cuối năm 2018, quy mô nợ phải trả và nợ do chính phủ bảo lãnh của Chính phủ liên bang Malaysia đã tương đương với 80,3% GDP; nếu xóa bỏ những dự án ngoài sổ sách, tỷ lệ nợ so với GDP là 65,4%. Con số nợ này cao hơn nhiều so với mức mà cựu Thủ tướng Najib Razak tiết lộ.

Ngoài những đánh giá về mặt nợ, một lý do quan trọng khác mà chính phủ mới đưa ra là đầu tư của Trung Quốc có thể đem theo dân nhập cư, từ đó mở rộng quy mô cộng đồng người Hoa ở Malaysia và cuối cùng có tác động lớn đến xã hội và bầu cử Malaysia.

Một nguyên nhân quan trọng khác tác động đến đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia chính là ý nghĩa địa chính trị của các dự án đầu tư. Ý nghĩa địa chính trị của tuyến đường sắt bờ biển phía Đông là sau khi được xây dựng, tuyến đường sắt này sẽ kết nối chặt chẽ hơn với Malaysia sau khi tuyến đường sắt xuyên Á hoàn thành, thậm chí toàn bộ Đông Nam Á, có thể kết nối cảng Kuantan ở bờ biển phía Đông với tuyến đường sắt Trung Quốc-Thái Lan sẽ làm tăng đáng kể năng lực thương mại quốc tế của Malaysia, nâng cao địa vị của Malaysia trong ASEAN.

Ngoài ra, Malaysia có mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2020, nhưng vẫn không thể tự mình đưa ra bất kỳ dự án vĩ đại có tầm nhìn toàn cầu, càng muốn cùng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, hợp tác cùng xây dựng. Trong quy hoạch ban đầu, Malaysia đã xem xét phải kết nối dự án này với tuyến đường sắt Trung Quốc-Thái Lan, xây dựng tuyến đường vận chuyển trên đất liền từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đến Malaysia. Tuyến đường sắt này có thể là trung tâm của tuyến đường sắt

xuyên Á, sau khi hoàn thành sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến Malaysia, thậm chí toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Từ góc độ đó, dự án tuyến đường sắt bờ biển phía Đông phù hợp với triển vọng địa chính trị và mục tiêu phát triển quốc gia trong tương lai của Mahathir Mohamad.

Giải pháp nào cho tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin

Trên thực tế, Malaysia rất cần đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong một số dự án quan trọng, địa vị của Trung Quốc dường như là không thể thay thế được; bên cạnh đó, cục diện chính trị ở Malaysia phức tạp, để làm suy yếu ảnh hưởng của chính phủ tiền nhiệm…

Để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, Chính quyền của tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin cần phải triển khai đồng loạt nhiều chính sách kích cầu kinh tế. Bên cạnh đó, Malaysia cần tiến hành hàng loạt cải cách về vấn đề phân quyền trong việc ra quyết định, nhằm xây dựng một nền kinh tế trí thức và đưa nước này bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo. Theo đó, để đáp ứng những yêu cầu mới, Malaysia cần cấp thiết tiến hành cải cách trong ba lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Cả ba lĩnh vực này đều liên quan đến sự phân quyền trong việc ra quyết định. Thứ nhất, cơ cấu hành chính của cấp bang như hiện nay đã hạn chế tính sáng tạo trong việc ra chính sách và cản trở việc giám sát một cách hiệu quả. Chính phủ liên bang lớn và cồng kềnh hơn nhiều so với các chính phủ cấp bang, đồng thời có quyền lực không cân xứng. Sự tương phản trong quyền sử dụng ngân sách phản ánh sự thiếu cân bằng giữa chính phủ liên bang và bang. Chính phủ liên bang có quyền áp đặt thuế thu nhập và bán hàng. Trong khi đó, chính phủ cấp bang chỉ có thể dựa vào những giao dịch liên quan đến đất đai và phí đánh vào những hạng mục nhỏ, như giấy phép bán hàng rong chẳng hạn, để có thể có ngân sách tự chủ. Việc cung cấp hầu hết các dịch vụ công được thực hiện thông qua các chi nhánh của các bộ liên bang hoạt động tại cấp bang. Chi tiêu của cấp bang có được nhờ vào những khoản phân bổ tài chính của chính phủ liên bang và số lượng được phân bổ phụ thuộc vào những tính toán chính trị. Điều này có nghĩa rằng các chính phủ cấp bang không có khả năng tạo quỹ để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết giúp giải quyết các nút thắt trong sản xuất tại địa phương. Muốn tăng trưởng, các chính phủ cấp bang nên được trao quyền lên kế hoạch và thực hiện các chiến lược phát triển của chính mình. Sự phân quyền hiệu quả đòi hỏi mỗi chính phủ cấp bang phải có bộ máy dịch vụ dân sự của chính mình. Các bang cũng cần nhận được “miếng bánh” lớn hơn từ ngân sách thuế, căn cứ trên các yếu tố như giai đoạn phát triển và đóng góp về thuế cho liên bang. Các bang cần được cho phép vay mượn để cấp vốn cho các dự án hạ tầng tại địa phương, với cam kết rằng sẽ không có sự cứu trợ của liên bang. Họ cũng cần được trao cho những trách nhiệm trọng yếu vốn đang do các bộ ngành cấp liên bang nắm giữ.

Thứ hai, cải cách các tập đoàn liên quan đến chính phủ (GLC). GLC hiện đang lấn át khu vực tư nhân, làm giảm động lực kinh tế. Các tập đoàn này cũng khiến tình trạng tham nhũng diễn ra, làm tăng thêm sự bất bình đẳng về thu nhập. Về mặt lý thuyết, các GLC có thể hoạt động tốt, song trên thực tế không phải như vậy. Các quan chức có thể sử dụng các GLC như một sự bảo trợ về chính trị và làm bình phong cho tham nhũng cá nhân. GLC là sản phẩm mang tính chính trị chứ không phải là các công cụ kinh tế của đất nước. Cạnh tranh giữa các GLC và các công ty tư nhân về bản chất là không công bằng và có hại cho sự phát triển nói chung của nền kinh tế đất nước. Bất chấp việc các GLC có hoạt động kém hiệu quả như thế nào, chúng vẫn luôn được chính phủ cứu trợ. Các GLC phá hoại động lực kinh tế bằng cách mua luôn những đối thủ cạnh tranh tư nhân hoạt động hiệu quả hơn. Tệ hơn nữa, các GLC này còn ngăn cản sự phát triển của một cộng đồng doanh nghiệp Mã Lai năng động bằng cách lôi kéo các doanh nhân người Mã Lai có năng lực ra khỏi khu vực kinh tế tư nhân và đưa họ vào các vị trí công việc dễ chịu và lâu dài trong các GLC.

Thứ ba, cải cách kinh tế, đa dạng hóa và mở rộng hệ thống ngân hàng. Cơ cấu độc quyền của lĩnh vực tài chính phá hoại hoạt động kinh tế và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về thu nhập thông qua việc ngăn cản hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

http://biendong.net/bien-dong/33464-yeu-to-tq-tac-dong-anh-huong-den-chinh-sach-cua-tan-thu-tuong-muhyiddin-yassin.html

 

Indonesia ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19

Hải Lam

Một quan chức ngành y tế Indonesia hôm nay (11/3) xác nhận một phụ nữ 53 tuổi đã qua đời vì COVID-19, đánh dấu ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh tại nước này.

Reuters dẫn tin từ ông Achmad Yurianto, quan chức ngành y tế Indonesia cho biết, nạn nhân là nữ giới, mang quốc tịch nước ngoài, đã ở trong tình trạng nguy kịch khi được đưa vào bệnh viện.

Ông Yurianto không tiết lộ người phụ nữ này đến từ đâu hoặc qua đời ở bệnh viện hay thành phố nào. Tuy nhiên, giới chức y tế Indonesia cho biết, đại sứ quán quốc gia của nạn nhân và Indonesia đang sắp xếp để đưa người này hồi hương.

Theo cập nhật của worldometer lúc 14h45 (giờ Việt Nam) ngày 11/3, Indonesia ghi nhận 27 ca nhiễm COVID-19.

https://www.dkn.tv/the-gioi/indonesia-ghi-nhan-ca-tu-vong-dau-tien-vi-covid-19.html

 

Tư lệnh Lục quân Ấn Độ : Các hành động của TQ

ở Biển Đông cho thấy thực tế địa chính trị đang thay đổi

Báo chí Ấn Độ dẫn đánh giá của Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Tướng Manoj Naravane hôm 4/3 cho rằng bản chất của chiến tranh đã thay đổi, với thực tế địa chính trị chiến lược bị thay đổi mà không cần phải nổ súng, trong đó việc cải tạo, bồ đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

Phát biểu tại một hội thảo về “Thay đổi đặc điểm của chiến tranh và tác động của nó đối với quân đội” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh tổ chức, Tướng Manoj Naravane, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ cho rằng bản chất của chiến tranh đã thay đổi, không một phát súng nào được bắn. Thay vào đó, việc cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là một ví dụ điển hình cho thấy những nhân tố khác tác động đến tình hình an ninh, cấu trúc khu vực.

Sự thống trị của Trung Quốc và việc nước này chiếm lấy các đảo trên Biển Đông là một ví dụ điển hình cho việc này. Với những bước đi từ nhỏ, tăng dần, không ai trong số họ đủ nghiêm túc để đảm bảo bất kỳ hành động hay phản ứng nào, nhưng tích lũy họ đã đạt được mục đích của mình mà không bắn một phát súng. Họ ở đấy chính là Trung Quốc, tướng Naravane ám chỉ. Ông cũng cho biết có một hiện tượng mới, đó là có đủ không gian để thể hiện sức mạnh quân sự/leo thang dưới ngưỡng của một cuộc xung đột toàn diện, tương tự như vụ tấn công của phiến quân Houthi vào sân bay Riyadh và các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Ả Rập và cuộc không kích Balakot của Không quân Ấn Độ. Ông cho biết những sự cố này cho thấy các chu kỳ leo thang, ngắn, dữ dội, hoạt động quân sự, được phản ánh chớp nhoáng trên phương tiện truyền thông. Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ nói thêm trong nhiều năm, nếu và khi không quân vượt qua biên giới, nó sẽ leo thang thành chiến tranh toàn diện.

Phát biểu trên của Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Tướng Manoj Naravanec cho thấy mức độ quan tâm của Ấn Độ đối với tình hình Biển Đông hiện nay. Đối với quốc gia này, Biển Đông nằm trong một khu vực có lợi ích địa chiến lược quan trọng. Về mặt địa lý, Biển Đông nối liền Ấn Độ Dương và Biển Hoa Đông qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến đường biển, đường hàng không nhộn nhịp nhất trên thế giới. Đường thủy quan trọng này đóng vai trò như một huyết mạch kinh tế quan trọng cho Ấn Độ. Theo thống kê, có đến 97% tổng khối lượng thương mại quốc tế của Ấn Độ đi qua đường biển, trong đó một nửa đi qua eo biển Malacca. Ngoài ra, ASEAN là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Trong lĩnh vực năng lượng, Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu trên thế giới với 80% là nhập khẩu, trong khi mức tiêu thụ năng lượng của nước này sẽ tiếp tục tăng 4,2% mỗi năm. Vì vậy, một Biển Đông hòa bình, ổn định sẽ có lợi cho hoạt động hợp tác, khai thác dầu khí giữa Ấn Độ và các nước nói riêng và thị trường dầu mỏ thế giới nói chung.

Trong những năm qua, Ấn Độ đã tích cực nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ấn Độ cũng thường xuyên thể hiện sự ủng hộ đối với ASEAN và các bên liên quan trong việc đoàn kết, giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác hàng hải với các nước. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo pháp luật quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới đàm phán ký kết Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Trong 6 năm (2014 – 2020), Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đi thăm trên 50 quốc gia, đón nhiều nguyên thủ các nước. Trong các cuộc gặp song phương và đa phương, Ấn Độ đều đề cập đến vấn đề Biển Đông. Ấn Độ và các nước đã ký kết nhiều thỏa thuận, đưa ra nhiềutuyên  bố, cam kết về đảm bảo an ninh trên biển, tự do hàng hải, an toàn hàng không dân dụng quốc tế và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.

http://biendong.net/bi-n-nong/33461-tu-lenh-luc-quan-an-do-an-do-cac-hanh-dong-cua-tq-o-bien-dong-cho-thay-thuc-te-dia-chinh-tri-dang-thay-doi.html