Tin Việt Nam – 07/03/2020
Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca nhiễm COVID-19
trong 24 giờ qua
Việt Nam loan báo ghi nhận thêm ba ca nhiễm virus corona mới ở Hà Nội và Ninh Bình trong khoảng thời gian 24 giờ kể từ khi ca nhiễm thứ 17 ở Việt Nam được phát hiện vào tối ngày thứ Sáu.
Trước đó Việt Nam có tổng cộng 16 trường hợp nhiễm virus có tên chính thức là COVID-19 và nhà chức trách cho biết tất cả các trường hợp đều đã được chữa khỏi.
Trường hợp thứ 17 là một người phụ nữ 26 tuổi cư ngụ tại Hà Nội sau khi trở về từ chuyến du lịch ở Ý, quốc gia Châu Âu hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19. Bệnh nhân xét nghiệm dương tính với virus vào ngày 5 tháng 3 và hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bộ Y tế Việt Nam ngày 7 tháng 3 cho biết thêm hai người nữa được xác nhận đã nhiễm virus do tiếp xúc gần nữ bệnh nhân này. Một người là tài xế riêng, 27 tuổi, và người còn lại là bác gái, 64 tuổi, và cả hai hiện đang được điều trị và cách li tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Nhà chức trách đã xác định 25 người tiếp xúc gần nữ bệnh nhân số 17 và những người này đã được lấy mẫu xét nghiệm, sáng ngày 7 tháng 3 cho kết quả âm tính, theo VnExpress. Trang tin này dẫn lời giám đốc bệnh viện nơi cô gái đang được chữa trị cho biết cô đã hết sốt và sức khỏe “tạm ổn.”
Một trường hợp khác nhiễm COVID-19 là nam giới 27 tuổi ở Ninh Bình sau khi trở về từ thành phố Daegu của Hàn Quốc, nơi hiện là một trong những ổ dịch virus corona nghiêm trọng nhất bên ngoài Trung Quốc, nước khởi phát dịch bệnh.
Bệnh nhân này được nói là đã được đưa vào khu cách li tập trung ở thành phố Tam Điệp sau khi nhập cảnh Việt Nam vào ngày 4 tháng 3. Anh ta được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình để theo dõi và điều trị vào ngày 7 tháng 3.
Trang tin điện tử của đài VTV nói bệnh nhân này được theo dõi sát sao, cách li nghiêm ngặt nên “không có lí do để lo lắng.”
‘Vẫn nằm trong tầm kiểm soát’
Những ca nhiễm COVID-19 mới được báo cáo chỉ vài ngày sau khi Việt Nam hôm 4 tháng 3 tỏ dấu hiệu sẵn sàng tuyên bố hết dịch nếu không ghi nhận thêm ca nhiễm nào trong những ngày tới.
Một bản tin đăng trên cổng thông tin chính phủ Việt Nam ngày thứ Bảy nói những ca nhiễm mới không nằm dự đoán của nhà chức trách và các chuyên gia y tế. Bản tin cho biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tổ chức một cuộc họp với các chuyên gia y tế để ứng phó với diễn biến mới.
“Trên cơ sở làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội và kiểm tra khu vực cách li, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia y tế nhận định đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát,” Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long được dẫn lời nói trong cuộc họp. “Người dân không nên hoang mang, lo lắng, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng để chung tay ngăn chặn dịch bệnh.”
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến chỉ trích gay gắt nhắm vào nữ bệnh nhân trong khi những hình ảnh chụp tại các siêu thị cho thấy các kệ hàng trống trơn và người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ đề phòng dịch bệnh lây lan.
Sự hoang mang của người dân khiến nhà chức trách liên tục lên tiếng trấn an trên các cơ quan truyền thông nhà nước, trong khi Văn phòng Chính phủ ngày thứ Bảy gửi văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm ở Hà Nội.
“Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cập nhật và cung cấp đầy đủ thông tin về diễn biến dịch COVID-19 và nguồn cung hàng hóa trên địa bàn để ổn định tâm lý cho người dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng mua gom hàng hóa để dự trữ, gây bất ổn thị trường,” văn bản viết.
Bộ Y tế cho biết hiện có 101 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 đang được cách li trong khi 23.228 người khác đang được theo dõi.
Dịch COVID-19 đã lan rộng khắp 90 nước khắp thế giới, làm hơn 100.000 người nhiễm bệnh và khiến hơn 3400 ngưởi tử vong. Thiệt hại kinh tế mỗi ngày mỗi tăng khi các khu vực kinh doanh trở nên vắng lặng và các thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm.
Việt Nam xác nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới
Vào đêm ngày 6 tháng 3, Bộ Y tế Việt Nam chính thức xác nhận ca dương tính với SARS-CoV- 2 mới ngay tại thủ đô Hà Nội.
Cụ thể kết quả xét nghiệm dương tính được Viện Vệ Sinh Dịch Tể Trung ương đưa ra đối với bệnh nhân có tên N.H.N., 26 tuổi. Cô này đã đi Anh thăm người chị rồi sang Italia, Pháp du lịch và về lại Hà Nội vào ngày 1 tháng 3 vừa qua.
Lịch trình di chuyển của bệnh nhân N.H.N. được công khai cụ thể. Vào ngày 15/2, cô này bay sang London; ngày 18/2 bay sang Milan, Italia; ngày 25/2 sang Paris, Pháp. Tin nói tại Pháp, cô này có tiếp xúc với một người chị bị nhiễm COVID-19. Ngày hôm sau 26/2, cô N.H.N bay về lại London. Đến ngày 29 tháng 2, cô bắt đầu có biểu hiện ho và sang ngày 1 tháng 3 thêm đau mỏi người, không rõ sốt. Trong cùng ngày cô lên máy bay và về đến sân bay Nội Bài vào sáng ngày 2 tháng 3 nhưng không khai báo y tế.
Do bị sốt liên tục, kèm theo ho nhiều có đờm, mệt mỏi nên ngày 5 tháng 3 cô N.H.N. được đưa đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc, cơ sở 55 Yên Định, Ba Đình, Hà Nội. Chiều tối cùng ngày cô được đưa vào Bệnh Viện Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Kim Chung.
Bệnh nhân N.H.N thường trú tại Phường Trúc Bạch, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Trong gia đình có 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này gồm có người cha, ông bác, 5 người giúp việc nhà, 1 lái xe.
Chuyến bay mà bệnh nhân N.H.N. đi từ Italia về Hà Nội mang số hiệu VN0054 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Trên đó có tổng cộng 201 hành khách, 4 phi công, và 12 tiếp viên.
Vào ngày 4 tháng 3 vừa qua, tại cuộc diễn tập toàn quân phòng, chống dịch COVID-19, phó thủ tướng Vũ Đức Đam lên tiếng rằng nếu 1 tuần nữa không có ca nhiễm mới ở Vĩnh Phúc thì sẽ công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Trước đó, Việt Nam khẳng định 16 ca nhiễm COVID-19 phát hiện được đều đã khỏi bệnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-covid-hanoi-03062020133110.html
Việt Nam xác nhận ca nhiễm COVID-19 mới ở Hà Nội
Nhà chức trách Việt Nam tối thứ Sáu loan báo một ca nhiễm virus corona mới được phát hiện ở Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam sẵn sàng tuyên bố hết dịch nếu không có trường hợp nào được ghi nhận thêm nữa.
Truyền thông trong nước đưa tin Bộ Y tế ngày 6 tháng 3 cho biết Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19, tên gọi chính thức của virus corona chủng mới, đối với một người phụ nữ 26 tuổi ngụ tại quận Ba Đình.
Trong một cuộc họp khẩn cấp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cung cấp thêm chi tiết ca nhiễm mới này, nói rằng bệnh nhân đã đi thăm chị gái tại Anh và cùng chị gái qua Ý du lịch. Cô này về Hà Nội vào ngày 2 tháng 3 trên một chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam Airlines.
Bệnh nhân được nói là bị sốt 38 độ vào ngày 5 tháng 3. Cô được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để theo dõi điều trị trong cùng ngày và đã được bệnh viện làm xét nghiệm COVID-19, kết quả dương tính.
Hiện bệnh nhân đang được cách li theo dõi sức khỏe “nghiêm ngặt,” nhà chức trách nói.
Hình ảnh đăng trên truyền thông trong nước cho thấy khu phố được nói là nơi bệnh nhân cư ngụ ở quận Ba Đình đã bị phong tỏa với nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đứng túc trực.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin những người tiếp xúc với bệnh nhân tại nhà hiện sức khỏe “bình thường” và không có ai có biểu hiện ho sốt.
Báo này cho biết Hà Nội cũng đã phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại nhà bệnh nhân và khu vực nhà bệnh nhân, bệnh viện Hồng Ngọc nơi bệnh nhân đến đầu tiên sau khi phát bệnh, và nhà những người tiếp xúc gần.
Ngoài ra những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng đã được đưa đi cách li tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, Tuổi Trẻ cho biết. Những người có tiếp xúc với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thì được yêu cầu cách li y tế tại gia đình theo quy định.
Trước khi có ca nhiễm mới, Việt Nam có 16 bệnh nhân COVID-19 và tất cả đều đã được chữa khỏi, nhà chức trách cho biết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hôm 4 tháng 3 nói nếu trong vòng tuần tới mà không có thêm ca nhiễm bệnh nào thì Việt Nam sẽ chính thức công bố “hết dịch”.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận chưa thể nói Việt Nam đã “thành công” trong việc phòng chống dịch vì những diễn biến “rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường” của dịch bệnh.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-xac-nhan-ca-nhiem-covid-19-o-hanoi/5318274.html
Trường Đại Học Y Khoa muốn cho sinh viên đi học lại
để có lực lượng “dự bị” chống coronavirus
Tin Saigon.- Báo Tuổi trẻ loan tin, tại cuộc họp về phòng chống coronavirus 19 ở Sài Gòn vào ngày 6 tháng 3 năm 2020, đại diện một số trường đại học trên địa bàn cho rằng, sinh viên y khoa nên đi học lại ngay trong tuần tới. Nguyên nhân được ông Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng trường đại học Y dược tại Sài Gòn giải thích, sinh viên y khoa có kiến thức trong việc phòng chống dịch, nên đây là nhóm dự bị khi Sài Gòn thiếu hụt nguồn y bác sĩ nếu dịch coronavirus 19 bùng phát.
Vì vậy, nhà cầm quyền nên để cho sinh viên y khoa đi học lại ngay tuần sau. Đây cũng là thử nghiệm, nếu các sinh viên y khoa đi học lại không có vấn đề gì phát sinh thì sẽ là cơ sở để cho sinh viên các trường khác đi học lại. Còn ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khẳng định, các sinh viên y khoa có quyết tâm cao, mong muốn được đồng hành cùng nhà cầm quyền để phòng chống dịch. Nên ông Xuân mong thành phố cho sinh viên ngành y được sớm đi học lại, và được tham gia thực tập. Ý kiến của 2 vị Hiệu trưởng trên được nhiều Hiệu trưởng trường khác ủng hộ. Theo báo Tuổi trẻ, việc cho sinh viên đi học trở lại cũng khiến nhiều lãnh đạo nhà trường nửa muốn, nửa lo sợ, vì vậy họ vẫn đang “canh chừng” lẫn nhau.
Trước các ý kiến trên, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố nói rằng, việc đi học lại của học sinh, sinh viên căn cứ vào diễn biến tình hình dịch chứ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người.
Mộc Miên
Virus corona: Ca ”số 17” soi tỏ
nhiều lỗ hổng của phòng dịch Việt Nam
Trọng Thành
Đêm 06/03/2020, chính quyền Hà Nội họp khẩn. Bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 17 làm rung chuyển bầu không khí lạc quan tại Hà Nội, vốn được coi là một ốc đảo bình an, miễn nhiễm với virus, nhờ nỗ lực của chính quyền kể từ đầu mùa dịch. Nhưng ca bệnh ”số 17” cũng làm lộ ra hàng loạt lỗ hổng của hệ thống phòng dịch Việt Nam.
Bệnh nhân N.H.N., 26 tuổi, cư trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, làm nghề quản lý khách sạn, sau chuyến đi châu Âu trở về nước ngày 02/03, đã bị ho, sốt…, nhập viện ngày 05/03. Tại châu Âu, bệnh nhân đã từng có mặt tại vùng Lombardi (Ý), Luân Đôn và Paris. Theo báo chí Nhà nước, đầu giờ tối ngày 06/03, Bệnh Viện Nhiệt Đới Trung Ương thông báo với Ban chỉ đạo chống Covid-19 của Hà Nội về kết quả xét nghiệm dương tính với virus của nữ bệnh nhân. Nhà ở của cô N.H.N. tại phố Trúc Bạch và một số nhà xung quanh bị phong tỏa. 22 giờ 30 phút, chính quyền Hà Nội họp phiên bất thường về bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 17.
Việt Nam vốn được coi là điểm đến ”an toàn”, trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc, đã lan rộng khắp thế giới, với khoảng 90 quốc gia, khoảng 100.000 người chính thức được công nhận nhiễm virus, gần 3.500 người thiệt mạng. Riêng tại Việt Nam, từ ba tuần qua, không có thêm ca nhiễm mới nào. Người cuối cùng rời bệnh viện cách nay hơn một tuần. Về mặt chính thức, đã không có ai chết vì Covid-19. Nằm ngay sát tâm dịch Trung Quốc, sự bình an của Việt Nam trở thành một bất ngờ đối với thế giới, nhưng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi.
Hàng trăm trang Facebook giả mạo
Đối với một bộ phận dân chúng, bệnh nhân thứ 17 thực sự là một tai họa. Theo mạng zing.vn, ngay sau khi có tin chính quyền Hà Nội ghi nhận trường hợp người Hà Nội đầu tiên mắc Covid-19, ”hàng trăm
trang Facebook giả mạo cô gái nhiễm virus corona” đã được lập ra, để thu hút những phẫn uất của dân mạng. Một số tài khoản còn giả danh cô gái lên tiếng xin tha lỗi, vì đã không tự ý thức phải cách ly, khi từ vùng dịch trở về. Nhiều người tưởng rằng đây là các tài khoản thật và đưa ra hàng loạt bình luận, chửi rủa, kêu gọi trả thù (theo zing.vn, mục đích chủ yếu của việc tạo ra nhiều trang giả mạo trong số đó thực ra là để câu like và tăng tương tác để bán lại tài khoản). Tuy nhiên, các thông điệp nổi giận không chỉ xuất hiện trên những trang Facebook giả mạo. Trên các trang Facebook thật, người ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những lời lẽ đầy oán giận, lên án ”Kẻ chơi bời giữa mùa dịch bệnh – Kẻ phá hoại công sức phòng chống dịch của cả dân tộc Việt Nam – Kẻ gieo rắc nỗi hoang mang cho dân tộc Việt Nam”…
Tuy nhiên, không khí bình an, trước tai họa, mà nhiều người dân mường tượng không hẳn đã là cảm nhận từ phía bộ máy chính quyền.
Giới cầm quyền như ngồi trên lửa
Trên thực tế, từ khoảng một tuần nay, hệ thống chính trị Việt Nam dường như đã cảm thấy rất lo âu trước nguy cơ dịch Covid-19 một lần nữa đến gần. Một phần do tình hình dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng hơn ở nhiều nơi trên thế giới, một phần khác có thể nhiều người trong bộ máy chính quyền hiểu rằng bản thân dịch bệnh trong nước cũng không hẳn đã bình ổn, như các số liệu chính thức mà chính quyền đưa ra để chứng minh. Ngày 04/03, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 quốc gia phối hợp với bộ Quốc Phòng tổ chức diễn tập đối phó, với kịch bản cao nhất có đến ”30 000 người nhiễm virus” (thông tin đã được cải chính sau đó).
Đọc thêm : Covid-19: Việt Nam thật sự đã khống chế được dịch?
Ngay từ cuối tháng 2/2020, chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhiều lần cảnh báo đây là thời điểm ‘‘có nguy cơ lây nhiễm cao nhất” và yêu cầu nâng mức cảnh báo.
”Kịch bản hoàn hảo” bị vỡ
Đối với khá nhiều người thì bệnh nhân thứ 17 đã phá vỡ một kịch bản hoàn hảo về một hệ thống y tế tuyệt vời, mà chính quyền Việt Nam cố gắng tạo dựng, khi chứng minh là chính quyền đã làm tất cả để phòng ngừa, khống chế dịch, và điều trị tốt nhất cho người không may mắc bệnh.
Nhưng ngược lại, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng chính bệnh nhân số 17 đã cho thấy rõ nhiều kẽ hở và khuyết tật của hệ thống phòng dịch Việt Nam, ít nhất xét về mặt chính thức, hay nói một cách hình tượng là về ”phần nổi của tảng băng”, bởi phần chìm cần có những điều tra.
Lỗ hổng thứ nhất: Lọt lưới hàng rào kiểm soát y tế cửa khẩu sân bay. Kể từ ngày 29/02/2020, toàn bộ khách đã từng đi qua Iran và Ý phải khai báo y tế. Bệnh nhân số 17 trở về Việt Nam sáng sớm ngày 02/03, với triệu chứng ho, đau mỏi người từ trước đó.
Lỗ hổng thứ hai: Chính quyền đã không yêu cầu công dân Việt Nam trở về từ châu Âu, nơi có một số vùng dịch, từ nhiều tuần qua, khai báo với cơ quan y tế. Trong cuộc họp chiều ngày 06/03, chủ tịch Hà Nội đã chính thức yêu cầu các ”quận, huyện, phường, xã tuyên truyền tới từng tổ dân phố… tới từng hộ dân, chủ động kê khai thông tin về học sinh, sinh viên, người thân đi các nước châu Âu đang có dịch, về từ ngày 20/2 đến nay” (báo Tuổi Trẻ).
Lỗ hổng thứ ba: Nhân viên y tế không thực hiện đúng quy trình bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân trong mùa dịch. Theo chủ tịch Hà Nội, tổng cộng đã có 18 nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân số 17, mà không áp dụng biện pháp bảo hộ nào (việc không thực hiện đúng quy trình bảo hộ rất có thể diễn ra trong bầu không khí lạc quan chung, trong bối cảnh nhiều người coi dịch bệnh Covid-19 đang trên đà được dập tắt hoàn toàn).
Lộ trình ở Hà Nội: Một số nghi vấn
Về mặt chính thức, có ít nhất 25 người tiếp xúc với bệnh nhân số 17, theo báo cáo nhanh của sở Y Tế (bao gồm 18 nhân viên y tế, 2 người thân, 5 người giúp việc và lái xe). Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn khá nhiều bí ẩn xung quanh các di chuyển của cô gái nhiễm virus tại Hà Nội.
Theo một báo cáo của sở Y Tế (ngày 06/03), ”từ khi về nước, bệnh nhân đã tự cách ly tại phòng riêng, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, và không ra khỏi nhà”. Trong cuộc họp đặc biệt đêm 06/03, bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bảo đảm là bệnh nhân N.H.N. ”tự biết có khả năng lây bệnh nên chủ động không tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là người nhà của mình, nhưng lại không chủ động khai báo với nhà chức trách”.
Tuy nhiên, trên một số mạng xã hội, có thông tin cho rằng bệnh nhân đã xuất hiện ở khu nhà T18 Time City và khu vực này hiện đang được tẩy trùng. Cũng có một số thông tin khác chưa được kiểm chứng cho thấy người bệnh còn đến một số nơi khác trong thành phố. Nhiều người lên án cô gái reo rắc thảm họa.
Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên theo dự đoán ?
Đối với nhiều người, ca bệnh ”số 17” là một tai họa hoàn toàn không đáng có, do hành động vô trách nhiệm của một cá nhân. Nhưng với nhiều người khác, thì điều gì đến ắt sẽ phải đến. Dù có là bệnh nhân N.H.N. hay ai khác, Việt Nam chắc chắn sớm muộn cũng sẽ phải đối diện với những ca nhiễm virus mới, do nhiều lỗ hổng trong hệ thống phòng dịch. Vẫn theo cách nhìn này, thì cho đến nay, sở dĩ mọi sự đều có vẻ diễn ra suôn sẻ, có lẽ là do chính quyền đã nắm hoàn toàn bộ máy xét nghiệm, chẩn đoán, truyền thông… Việc công nhận một trường hợp nhiễm Covid-19 hay không do giới chính trị quyết định.
Một số người đặt giả thiết, nếu N.H.N không phải là con nhà gia thế, hay có nhân thân đặc biệt, thì dù có nhiễm virus corona cũng rất có thể sẽ bị coi như là không. Đổi trắng thay đen vốn là chuyện dễ dàng đối với những người nắm trọn quyền lực trong tay.
Tuy nhiên, cũng có thể có một lô-gic hoàn toàn khác. Con số 17 có lẽ là điều không thể tránh khỏi, khi Việt Nam ”đang phải chuyển sang trạng thái phòng chống ở mức độ cao hơn, quyết liệt hơn, toàn diện hơn“, theo nhận định của thứ trưởng bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long, bên lề lễ ra mắt Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán điều trị Covid-19, sáng ngày 05/03. Tân thứ trưởng Y Tế dự đoán sẽ có ”ca Covid-19 mới”.
Cũng đúng ngày 05/03, bệnh nhân N.H.N. nhập viện. Kết quả dương tính với Covid-19. Theo chính quyền, Việt Nam đã sở hữu bộ xét nghiệm cho phép xác định virus ”chỉ sau hơn một giờ”, với ”kết quả chính xác 100%”. Bệnh nhân số 17 chính là ca Covid-19 đầu tiên, theo dự đoán của ông thứ trưởng.
Loại bỏ độc quyền ngành điện: Điểm nghẽn ở đâu?
Trong Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngoài khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, Bộ Chính trị nêu rõ cần loại bỏ bao cấp, độc quyền, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng mà cụ thể là ngành điện.
Luật điện lực sửa đổi từ năm 2013 đã quy định, điện lực cùa Việt Nam sẽ chuyển sang 3 giai đoạn: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện và bán lẻ điện theo thị trường cạnh tranh hoàn hảo từ năm 2022 trở đi. Tuy nhiên cho đến nay, ngay cả giai đoạn chuyển đổi đầu tiên cũng bị cho là chưa hoàn toàn được thực hiện.
Điểm nghẽn ở đâu?
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 06/3, nhận định:
Phải tách truyền tải điện, là nhà nước quản lý chứ không phải EVN quản lý, cái đó nước nào cũng vậy, gọi là độc quyền nhà nước vì ảnh hưởng an ninh quốc gia. Nhưng đến bây giờ EVN vẫn nắm cơ quan truyền tải đó.
-TS. Ngô Đức Lâm
“Luật điện lực mới sửa đổi đã quy định, điện lực cùa Việt Nam sẽ chuyển sang 3 giai đoạn: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện và bán lẻ điện theo thị trường cạnh tranh hoàn hảo từ năm 2022 trở đi. Tuy nhiên tiến độ đó cho đến hiện nay là chậm, nên trung ương muốn tiến độ nhanh lên, để người dân mua muốn mua điện ở đâu cũng được, mua theo giá cạnh tranh… Nhưng bây giờ thì chỉ gọi là phát điện cạnh tranh, nhưng cũng chưa hoàn hảo vì chưa phải các loại đem vào cạnh tranh. Ví dụ điện BOT vẫn nằm ngoài khu vực cạnh tranh.”
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, khi việc bán buôn điện nếu thật sự cạnh tranh, thì sẽ có nhiều người tham gia mua đi bán lại điện. Nhưng hiện nay, theo ông, chỉ có một mình EVN làm chuyện đó, không có công ty tư nhân đi buôn điện bán lại, mà chỉ là những công ty con của EVN buôn điện từ Tổng công ty để bán lại với giá cao hơn.
Vì vậy, hiện cạnh tranh ngành điện không có, vẫn độc quyền. Thị trường điện lực chưa có. Khi thị trường điện lực không có thì sẽ còn nhiều khuất tất bên trong. Cạnh tranh là biện pháp tốt nhất trong quản lý.
Trao đổi với RFA hôm 06/3 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định:
“Để khắc phục được bao cấp thì theo tôi phải vận dụng được đầy đủ các yếu tố về cơ chế thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, xem xét việc công khai giá cả và hình thành giá cạnh tranh trên thị trường, phải có đối tác cạnh tranh với nhau, để tránh độc quyền. Hiện nay đã có nguồn phát điện của tư nhân, nhưng mạnh lưới phân phối điện vẫn do EVN độc quyền. Vì vậy tình trạng độc quyền vẫn đang tiếp diễn, chúng ta cần phải bước thêm bước nữa, là có cạnh tranh về việc phân phối lưới điện. Nhưng đó là vấn đề khó khăn, vì lưới điện phải được quản lý thống nhất và liên tiếp với nhau.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ví dụ, điện mặt trời và điện gió của Việt Nam hiện nay có tiềm năng, nhưng vấn đề là sự kết nối và chi phí của việc kết nối hiện chỉ do EVN quản lý. Theo ông, đây là điểm nghẽn cần giải quyết để có thể khai thác đầy đủ. Bởi vì tiềm năng điện mặt trời của miền Nam và miền Trung là rất lớn.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm đưa ra giải thích rõ hơn về việc phải tách truyền tải điện:
“Phải tách truyền tải điện, là nhà nước quản lý chứ không phải EVN quản lý, cái đó nước nào cũng vậy, gọi là độc quyền nhà nước vì ảnh hưởng an ninh quốc gia. Nhưng đến bây giờ EVN vẫn nắm cơ quan truyền tải đó. Một vấn đề nữa là điều độ điện lực, là cơ quan điều phối các nhà máy điện về mặt kỹ thuật, phải tách khỏi EVN để đảm bảo công bằng khách quan. Nhưng hiên nay hệ thống này vẫn nằm trong EVN. Cho nên nói tóm lại tính độc quyền của EVN còn rất cao.”
Nhà nước chiếm trên 90% tỷ suất điện
Cơ quan đầu não của Việt Nam trong Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhìn nhận, ngành năng lượng vẫn còn nhiều hạn chế, không đảm bảo mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn…
Trước thực trạng này, Bộ Chính trị nhấn mạnh, phải khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Tư nhân thì rất nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, điện gió, mặt trời… nhưng công suất quá nhỏ. Vì vậy có rất nhiều nhà đầu tư vào rồi, nhưng vì tỷ lệ quá nhỏ, về công suất chỉ khoảng 10% thôi. Nên cán cân vẫn nghiên về EVN là chính.
-TS. Ngô Đức Lâm
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, tỷ lệ tư nhân sản xuất điện trong nước hiện nay vẫn quá thấp. Ông nói thêm về các hình thức đầu điện hiện nay ở Việt Nam:
“Một là hoàn toàn của EVN đầu tư, thứ hai là TKV – Tập đoàn than khoáng sản VN, thứ ba là bên Dầu khí Việt Nam đầu tư. Vẫn là các tập đoàn nhà nước nhưng không phải chỉ có điện lực của EVN. Ba tập đoàn nhà nước này chiếm tỷ lệ sản xuất điện trên 90%, trong đó EVN từ 50 đến 55%. Còn tư nhân thì rất nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, điện gió, mặt trời… nhưng công suất quá nhỏ. Vì vậy có rất nhiều nhà đầu tư vào rồi, nhưng vì tỷ lệ quá nhỏ, về công suất chỉ khoảng 10% thôi. Nên cán cân vẫn nghiên về EVN là chính.”
Liệu với tỷ lệ tư nhân đầu tư buôn bán sản xuất điện quá thấp như hiện nay, thì khi hoàn tất quy hoạch ngành điện theo Luật điện lực, có thể loại bỏ bao cấp, độc quyền?
Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm nhận định:
“Lúc đó EVN cũng cổ phần hóa, không phải của EVN nữa, tư nhân tham gia đầu tư vào điện lực cùng EVN, tức là EVN không còn độc quyền nữa, hội đồng quản trị do nhiều cơ quan đầu tư vào, chứ không phải chỉ EVN. Hội đồng quản trị sẽ bầu người lãnh đạo khác chứ không phải người của EVN. Hiên nay EVN là thống soái.”
Trong Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngoài kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền ngành năng lượng, Bộ Chính trị còn nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng phải tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường… và những vấn đề này phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.
Cần tuân thủ luật mới xử lý dứt điểm được
việc sử dụng đất quốc phòng sai quy định!
Sử dụng sai mục đích
Báo trong nước vào ngày 6/3 loan tin cho biết Bộ Quốc phòng vừa gửi văn bản cho các đơn vị trực thuộc yêu cầu triển khai Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/12/2019. Chỉ thị 32 có nội dung về việc đẩy mạnh triển khai thi hành luật Quản lý sử dụng tài sản công và các văn bản liên quan.
Trong văn bản Bộ Quốc phòng gửi ra có giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo toàn quân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy định pháp luật về quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần phải xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng đất quốc phòng không đúng quy định như cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở… sai mục đích.
Đất không thuộc phạm vi đất quốc phòng nhưng hiện nay vẫn do các đơn vị lực lượng vũ trang quản lý, sử dụng và theo pháp luật thì đất đó phải chuyển giao cho địa phương quản lý. Đấy được coi là chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về đất đai của Việt Nam hiện nay. – GS. Đặng Hùng Võ
Trao đổi với RFA vào tối ngày 6/3, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nói rõ Luật Đất đai 2003 đã có định nghĩa rất rõ đất quốc phòng và cách sử dụng đất quốc phòng:
“Theo đúng pháp luật đất đai của Việt Nam được quy định đất được gọi là đất quốc phòng bao gồm những đất phục vụ trực tiếp cho mục đích quốc phòng ví dụ như nơi đóng quân, trụ sở các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, nơi huấn luyện, trường bắn… Còn lại nếu sử dụng cho mục đích khác phải chuyển giao đất đó cho địa phương quản lý, đơn vị sử dụng vẫn có thể là đơn vị quân đội. Ngoài ra lực lượng vũ trang của quân đội hiện nay vẫn đang nắm giữ khá nhiều đất sản xuất kinh doanh. Hoặc một số đơn vị sử dụng cho thuê để kinh doanh dịch vụ chẳng hạn, đấy cũng bị gọi là sai.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra một ví dụ cụ thể về sự nhập nhằng trong quản lý đất và sử dụng đất quốc phòng là sân golf tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ông nói rõ:
“Đấy là đất không thuộc phạm vi đất quốc phòng nhưng hiện nay vẫn do các đơn vị lực lượng vũ trang quản lý, sử dụng và theo pháp luật thì đất đó phải chuyển giao cho địa phương quản lý. Đấy được coi là chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về đất đai của Việt Nam hiện nay.”
Trong khi đó, căng thẳng tranh chấp đất đai quốc phòng được đẩy lên cao trào nhất phải kể đến sự việc xảy ra tại Đồng Tâm vào đầu tháng 1 vừa qua.
Người dân trong cuộc thì nói họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp. Họ mong được cơ quan chức năng đối thoại giải quyết thấu tình, đạt lý trong vụ tranh chấp đất đai này.
Phía Quân đội cho rằng người dân Đồng Tâm chống đối việc xây dựng tại đất quốc phòng Sân bay Miếu Môn. Do đó lực lượng chức năng huy động hơn 3.000 quân vào rạng sáng ngày 9/1 đến tấn công vào thôn Hoành, Xã Đồng Tâm với mục tiêu được nói là để tiêu diệt các phần tử phản động.
Hệ quả cuộc tấn công khiến cụ Lê Đình Kình, vị thủ lĩnh tinh thần của dân Đồng Tâm bị bắn chết, 3 chiến sĩ công an thiệt mạng, 27 người dân đang bị bắt giam.
Trước thực trạng này, Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn đưa ra nhận định:
“Rõ ràng là sự không minh bạch, nhập nhằng giữa dân sự và quân sự gây ra sự tranh chấp, dẫn đến việc xảy ra sự bạo sát người dân mà ngay cả 3 chiến sĩ công an bị mất, còn phía dân bị mất một người lãnh đạo tinh thần. Lẽ ra sự minh bạch có ngay từ đầu sẽ không có việc này. Sự nhập nhằng, khuất tất là nguyên nhân xảy ra câu chuyện.”
Một người dân không muốn nêu tên ở Đồng Tâm có người nhà đang bị chính quyền giam giữ khẳng định lại họ không lấn chiếm mà chỉ kiên quyết yêu cầu giải quyết thỏa đáng về khu đất nông nghiệp mà họ canh tác từ trước:
“Đất chúng tôi canh tác bao đời nay bây giờ người ta lấy, lấn chiếm. Đất cánh đồng Sênh có nhiều hang sân bay ngày xưa, hang núi người ta đào xuyên qua cả Trung Quốc. Nếu dân không giữ nay mai Trung Quốc nhảy vào thì chỉ thiệt cho dân, dân phải cố giữ lấy đất, không muốn bị mất đất.”
Hướng giải quyết
Theo quan sát từ góc độ kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đất quốc phòng đóng vai trò rất quan trọng; đặc biệt Bộ Quốc phòng quản lý những vùng đất đai và địa điểm mang tính chiến lược về mặt quân sự và cả kinh tế.
Vì thế, Giáo sư Đặng Hùng Võ gợi ra phương hướng giải quyết những sai phạm trong đất quốc phòng bằng cách cương quyết thanh tra đất quốc phòng và gửi báo cáo cho Bộ Quốc phòng rồi trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Giáo sư Võ cho rằng đây không phải là điều dễ dàng:
Phía chính quyền dân sự chắc chắn có sự kiêng dè, nể và không xử lý kiên quyết, bên phía quốc phòng rõ ràng không có sự gương mẫu cần thiết để thực hiện những quy định pháp luật vốn có. – LS. Đặng Đình Mạnh
“Bởi vì vào các đơn vị quốc phòng thường phải đảm báo bí mật, khó khăn, lực lượng thanh tra bình thường vào cũng khó. Lực lượng thanh tra của quân đội phải làm trực tiếp việc này, kiểm soát tất cả cơ sở bên dưới đang sử dụng đất quốc phòng xem đang sử dụng mục đích gì, tình trạng ra sao. Giống cuộc thnah tra, kiểm tra đất đai nhưng thuộc lực lượng vũ trang.”
Với kinh nghiệm làm luật lâu năm, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng việc Bộ Quốc phòng kiên quyết xử lý sai phạm đất công là việc hết sức cần thiết và cần phải triển khai từ lâu. Luật sư Mạnh cho biết do luật pháp Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nên chưa hoàn hảo, cần thêm thời gian. Mặc dù vậy, ông cho rằng các bộ ngành liên quan nên gương mẫu hơn nữa trong việc tuân thủ luật pháp:
“Theo tôi tìm hiểu, đến thời điểm này đã có khá nhiều quy định quản lý đất quốc phòng khó tiến bộ, vấn đề là không được thực thi một cách đầy đủ. Việc này cả hai phía, phía chính quyền dân sự chắc chắn có sự kiêng dè, nể và không xử lý kiên quyết, bên phía quốc phòng rõ ràng không có sự gương mẫu cần thiết để thực hiện những quy định pháp luật vốn có. Trong bối cảnh hiện nay tôi nghĩ một mặt cần chờ sửa đổi những quy định pháp luật cho tốt hơn, mặt khác là đối với những quy định pháp luật đang có, các bên liên quan phải tôn trọng nó.”
Vẫn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, theo nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền, tất cả mọi hành xử đều phải dựa trên cơ sở pháp luật. Cho dù có nguồn gốc là quốc phòng hay gì chăng nữa vẫn phải thực thi những điều luật định.
Cố làm sai lệch hồ sơ vụ án:
Tình trạng cá biệt hay phổ biến?
Diễm Thi, RFA
Cựu trung tá công an Nguyễn Việt Cường vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”, theo khoản 2 Điều 300 Bộ Luật Hình Sự năm 1999. Nếu bị kết tội, mức phạt tù sẽ từ ba năm đến mười năm.
Theo cáo trạng, năm 2012, ông Cường với vai trò là Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên được giao điều tra vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy liên quan đến bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh. Khi bị tòa phạt 7 năm tù, bà Anh kháng cáo cho rằng không liên quan đến việc mua bán ma túy. Tòa án Phú Yên tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Quá trình điều tra lại đã phát hiện Trung tá Nguyễn Việt Cường tự ý viết thêm vào các biên bản hỏi cung để buộc tội bị can.
Cựu Tù nhân Nhân quyền Nguyễn Ngọc Già nhận định về trường hợp này:
Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là trường hợp đầu tiên vụ án ‘làm sai lệch hồ sơ vụ án’ được đưa lên báo chí. Việc đưa lên báo chí như vậy là để chứng minh với thế giới rằng họ cũng có pháp luật… – Ông Nguyễn Ngọc Già
“Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là trường hợp đầu tiên vụ án ‘làm sai lệch hồ sơ vụ án’ được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam công khai đưa lên mặt báo. Việc đưa lên báo chí như vậy là để chứng minh với thế giới rằng họ cũng có pháp luật bởi họ đang bị lên án là một nhà nước vô pháp, chà đạp nhân quyền. Nhưng theo tôi nghĩ thì họ không che mắt được thế giới cũng như không che mắt được người dân trong nước đâu.”
Ông Nguyễn Ngọc Già cũng cho hay, hồi ông bị giam ở trại giam Chí Hòa với đủ loại tội phạm thì chuyện làm sai lệch hồ sơ vụ án, chuyện ép cung, bức cung, dụ cung và chạy án xảy ra rất thường xuyên.
Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng làm Hội thẩm Nhân dân nhiều năm trước đây cho rằng chuyện như vậy là có nhưng không nhiều. Ông nêu nguyên nhân:
“Vô tư mà nói thì chuyện đó có nhưng ít thôi. Không phổ biến. Nguyên nhân là khi khởi tố vụ án mà không khởi tố được bị can là coi như thất bại, mất điểm thi đua. Khởi tố bị can nhưng không buộc tội được, tức Viện kiểm sát không phê chuẩn để bắt và đưa ra tòa truy tố hoặc tòa phủ nhận hổ sơ truy tố thì công an cũng bị trừ điểm thi đua, bị chậm lên lương, bị đánh giá kém năng lực.”
Trong khi đó, Luật sư Phạm Công Út lại cho rằng việc viết thêm vào biên bản hỏi cung xảy ra rất nhiều. Phần viết thêm đó gọi là phần bất lợi nhất trong toàn bộ bản cung khi tòa dựa vào phần cuối của bản cung để kết tội. Ông và các đồng sự từng chứng kiến một số vụ án mà khi ra tòa, bị cáo nói là phần này họ không khai nhưng chữ ký thì đúng là chữ ký của họ. Ông nói:
“Khi lấy lời khai của bị can, người bị tình nghi hay người bị tố giác thì phần cuối cùng của bản cung thường để trống. Cảnh sát điều tra kêu bị can, người bị tình nghi hay người bị tố giác ký tên vào. Những người bị điều tra thường lâm vào tình trạng mệt mỏi do làm việc mấy tiếng đồng hồ liên tục, mà đa số họ không để ý phần cuối cùng để trống còn lại là phải gạch chéo, phải khóa đuôi do đó sau khi ký tên rồi thì phía điều tra viên có thể thêm, bớt. Thậm chí có những bản cung không có chữ mà bị can vẫn phải ký tên vô vì người ta sợ hãi mà ký vào.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng thời là cựu tù nhân chính trị thì cho rằng chuyện điền thêm hay viết thêm vào biên bản hỏi cung là chuyện bình thường ở các trại tạm giam. Thậm chí phía công an viết sẵn biên bản rồi ép phạm nhân ký vào. Vì sợ hãi mà họ phải ký. Ông kể lại chuyện ông bị tạm giam với tất cả những thường phạm tại Trại giam số 1 Thành phố Hà Nội, từ ngày 6 tháng 3 năm 2017 đến ngày 4 tháng 1 năm 2018:
“Sau khi họ (những người bị giam chung) gặp công an để thẩm vấn về thì đa số họ cho hay công an, điều tra viên đã viết sẵn lời khai, viết sẵn câu trả lời. Khi ra thì họ đưa cho đọc hoặc họ đọc rồi ép ký tên.
Theo nguyên tắc của các nước dân chủ thì họ phải điều tra theo dõi thật kỹ. Có tang chứng vật chứng đầy đủ họ mới bắt. Nhưng ở Việt Nam thì họ bắt rất là nhanh. Bắt xong mới đi tìm chứng cứ buộc tội.”
Cựu Tù nhân Nhân quyền Nguyễn Ngọc Già nói về trường hợp của ông:
“Đối với trường hợp riêng tôi thì nói một cách công bằng, họ không dám viết thêm bất cứ cái gì vào. Tôi nói sao thì viết y như vậy. Đó là sự thật. Nhưng kết tội tôi Điều 88 thì tôi đã có rất nhiều bài trên RFA rồi. Đó là một cách kết tội vớ vẩn. Không chứng minh được động cơ. Không chứng minh được mục đích. Không chứng minh được hậu quả thì làm sao mà ra tội hình sự được?”
Theo nguyên tắc của các nước dân chủ thì họ phải điều tra theo dõi thật kỹ. Có tang chứng vật chứng đầy đủ họ mới bắt. Nhưng ở Việt Nam thì họ bắt rất là nhanh. Bắt xong mới đi tìm chứng cứ buộc tội. – LS. Nguyễn Văn Đài
Ngoài việc làm sai lệch hồ sơ vụ án bằng cách viết thêm. Phía an ninh, cơ quan điều tra còn làm sai lệch hồ sơ các vụ án chính trị bằng cách ép theo hướng mà họ muốn. Ví dụ ép người dân vào tội chống nhà nước dù người dân chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp. Trong luật hình sự Việt Nam thì phải thỏa mãn 4 yếu tố chủ thể; khách thể; chủ quan và khách quan mới cấu thành tội phạm. Đối với tội chính trị thì nó chỉ thỏa mãn ba yếu tố là chủ thể; khách thể và khách quan, tức là hành vi. Còn yếu tố chủ quan thì không bao giờ đáp ứng.
Điều này từng xảy ra với các nhà báo độc lập, các bloggers. Luật sư Đài phân tích:
“Một người có những bài viết bày tỏ nỗi bức xúc của họ về đất nước hay thời cuộc thì đó chỉ là bức xúc cá nhân. Về mặt nguyên tắc thì đó là quyền tự do ngôn luận của họ. Nhưng trong luật hình sự của cộng sản Việt Nam thì họ có hai Điều để trừng trị những người hực thi quyền tự do ngôn luận, là Điều 117 và Điều 331. Những người này họ hoàn toàn không có ý thức chống Nhà nước nhưng họ luôn bị làm sai lệch hồ sơ theo hướng bị ép buộc có ý thức chống Nhà nước.”
Việc cơ quan cảnh sát điều tra làm sai lệch hồ sơ vụ án hay dùng nhục hình, bức cung để buộc nghi phạm nhận tội dẫn đến những vụ án oan. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn là một ví dụ. Ông Chấn đã bị kết án chung thân về tội giết người. Ông chỉ được trả tự do sau hơn 10 năm ngồi tù khi hung thủ thực sự của vụ án ra đầu thú.
Hay như vụ cả gia đình ở Tây Ninh bị bắt oan, bị tù oan rồi được thả đã không thể kêu oan suốt 40 năm qua vì luật lúc bấy giờ không quy định phải cấp giấy trả tự do cho người bị tạm giam.
Tin tổng hợp 7/3: 25 người tiếp xúc gần cô gái nCoV
xét nghiệm âm tính; Dân Hà Nội đổ xô đi mua hàng tích trữ
Trúc Bạc
Kính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 7/3 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay sẽ có những nội dung sau.
Cô gái nhiễm nCoV ở Hà Nội không khai báo y tế
Tại cuộc họp khẩn về dịch Covid-19 diễn ra trong đêm 6/3, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, nữ bệnh nhân vừa được xác định dương tính với nCoV tên Nhung, 26 tuổi, làm nghề quản lý khách sạn. Bệnh nhân này tự biết có khả năng đã nhiễm bệnh nên chủ động không tiếp xúc với nhiều người nhưng lại không chủ động khai báo với nhà chức trách để có các biện pháp theo dõi cách ly kịp thời.
Theo VnExpress, Hà Nội đã cách ly một lái xe và 5 người là phục vụ, nhân viên của khách sạn do gia đình Nhung quản lý nhưng chưa đưa vào sử dụng.
Cách đó 100 km, 6h sáng 7/3, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng bà Phạm Thu Xanh cho biết, 23h đêm qua, giới chức đã đưa người đàn ông họ Nguyễn (trú tại xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên) cùng lái xe riêng vào Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng cách ly y tế. Việc khử khuẩn nơi ở của gia đình ông Nguyễn được thực hiện trong đêm.
Sở Y tế xác định, ngày 2/3, lái xe riêng đưa ông Nguyễn đến 125 Trúc Bạch (Hà Nội) thăm con gái 26 tuổi trở về từ chuyến du lịch châu Âu dài ngày, có qua vùng dịch Italy. Nhung từng đi chơi ở nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Italy từ hôm 15/2, trước khi trở lại Việt Nam trên chuyến bay số hiệu VN0054 của Vietnam Airlines hôm 1/3. Chuyến bay chở 201 hành khách cùng 16 thành viên tổ bay.
Ngoài ra, 17 người là y tá và bác sĩ của Bệnh viện Hồng Ngọc, tiếp viên và phi hành đoàn trên chuyến bay VN0054 cùng toàn bộ người dân ở từ số nhà 25 đến 139 phố Trúc Bạch cũng trong diện cách ly theo dõi.
Trong khi đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, giới chức thành phố đang phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh xác định tất cả hành khách ngồi cùng trên chuyến bay VN0054 với bệnh nhân Nhung để có các biện pháp cách ly. Sau đó, Hà Nội sẽ tiếp tục xác định hành trình của họ xem đã tiếp xúc những ai.
25 người tiếp xúc gần cô gái nCoV xét nghiệm âm tính
Báo VnExpress thông tin, Sở Y tế Hà Nội sáng 7/3 công bố 25 người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm virus corona ở Hà Nội, kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, sáng nay đã lập danh sách 33 người tiếp xúc gần với cô Nhung và 90 người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần. Trong đó 27 người được lấy mẫu xét nghiệm, 25 mẫu đã có kết quả âm tính. Hai trường hợp nghi nhiễm còn lại gồm lái xe và bác gái bệnh nhân, chưa có kết quả xét nghiệm. 6 người khác đang được lấy mẫu xét nghiệm.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, 25 đội phản ứng nhanh điều tra tối đa để tìm những người nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc F1, F2, F3. Xấp xỉ 200 người đã được điều tra, nắm danh sách và đưa đi cách ly.
TP. Hà Nội quyết định nâng một bậc cách ly, tức người trong diện cách ly tại nhà vẫn đưa đi cách ly tập trung, người cần giám sát theo dõi y tế thì tiến hành cách ly tại nhà, người tiếp xúc gần với bệnh nhân phải cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm như một ca Covid-19. Tiếp tục điều tra giám sát mở rộng vì các đối tượng có thể phát bệnh bất cứ lúc nào.
Hiện Bệnh viện Hồng Ngọc đã được yêu cầu dừng hoạt động, các bệnh nhân đang điều trị tại đây được khuyến cáo không ra viện. Hơn 500 người của bệnh viện này đã được tổ chức cách ly riêng tại một địa điểm ở Long Biên để giảm nguy cơ lây bệnh.
Dân Hà Nội đổ xô đi mua hàng tích trữ
Sau thông tin Hà Nội có ca nhiễm Covid-19, ngay trong đêm 6/3 và rạng sáng 7/3, nhiều người dân Hà Nội đã đi siêu thị mua thực phẩm, nhu yếu phẩm tích trữ.
Theo ghi nhận của PV Đại Kỷ Nguyên, lúc 6h30 sáng nay tại một số siêu thị ở Hà Nội đã có rất đông người đi mua thực phẩm tích trữ. Tại các tuyến phố, các siêu thị mở sớm, xe máy xếp tràn xuống lòng đường, người dân lũ lượt đi vơ vét các các mặt hàng nhu yếu phẩm như nước đóng chai, mì ăn liền, giấy vệ sinh,… Ngoài chợ, người dân mua hàng rất đông, đến nỗi không chen nổi.
Trước tình hình trên, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho báo Giao Thông biết, “thành phố đã liên hệ với các đơn vị, đảm bảo đủ nguồn hàng, đủ nguồn lực đảm bảo đủ nhu yếu phẩm cho người dân, không phải mua tích trữ.”
“Chính việc tập trung đông người, không đảm bảo vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế lại là yếu tố lây nhiễm, có khi nguy cơ lây nhiễm ngay tại siêu thị cũng rất lớn nếu không thực hiện tự bảo vệ đúng cách”, ông Huệ nói.
Xem xét cách ly vận động viên và du khách của giải đua F1
Báo Zing đưa tin, chiều 6/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đang cố gắng hết sức, chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức giải đua F1 (diễn ra từ 3-5/4).
Theo ông Chung, ban tổ chức giải đua F1 vẫn thông báo chặng đua ngày 15-16/3 tại diễn ra Australia; chặng ngày 24-25/3 tại Bahrain và chặng đầu tháng 4 tại Việt Nam diễn ra bình thường.
“Hà Nội sẽ phải báo cáo Chính phủ. Những người này khi đến Việt Nam cũng phải thực hiện các biện pháp cách ly. Nếu cần thiết thì đến trước 14 ngày cách ly nghiêm túc”, ông Chung nói.
Ông Chung cũng cho biết, công dân Anh đăng ký xem giải này ở Việt Nam là khoảng 40.000 người. Tuy nhiên, “trong trường hợp tình hình dịch bệnh có diễn biến xấu, TP sẵn sàng cho dừng để đảm bảo sự an toàn”.
Đầu tháng 2, Trung Quốc đưa ra thông báo tạm dừng chặng đua F1 dự kiến diễn ra từ ngày 17-19/4 tại Thượng Hải. Liên đoàn ôtô quốc tế (FIA) đã ra thông báo sẽ hoãn hoặc sắp xếp lại lịch đấu các chặng đua F1 mùa giải 2020, nếu dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong thời gian tới.
Theo VnExpress, sau hơn ba tháng xác minh đơn tố cáo, chiều 6/3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ 83 giáo viên dạy lái xe ở TP.HCM dùng bằng giả
Giao thông Vận tải) công bố kết luận, 83 giáo viên dạy thực hành ở 5 trung tâm đào tạo lái ôtô trên địa bàn TP.HCM sử dụng bằng mua trên mạng.
Năm trung tâm đó là: Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát (3 cơ sở ở quận 11, Bình Tân và Phú Nhuận), Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế giới (5 cơ sở tại các quận 5,7, 8, Bình Tân, Tân Bình), Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn (4 cơ sở tại các quận Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận), Trường dạy lái xe Thống Nhất (5 cơ sở tại quận 5 và 10).
Tổng cục Đường bộ yêu cầu Sở Giao thông Vận tải thành phố xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở đào tạo lái xe sai phạm; đình chỉ tuyển sinh từ 1/3 tháng, rà soát lại các bài kiểm tra cấp bằng lái có giáo viên dùng bằng giả tham dự; chuyển công an thành phố xử lý các trường hợp mua bán, sử dụng bằng giả.
Các cơ sở đào tạo lái xe phải thu hồi văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; cho thôi việc những giáo viên đã sử dụng bằng giả; đồng thời rà soát các văn bằng, chứng chỉ của tất cả giáo viên đang dạy tại cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn TP.HCM.
Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ và FOIP
TS. Đinh Hoàng Thắng
Chủ công chiến lược “Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) là Hoa Kỳ, nhưng triển khai chiến lược hẳn nhiên cần tới Bộ tứ (Quad). Đến lượt nó, Quad lại cần sự chống lưng của các đồng minh và đối tác mới nổi. Trên tương quan ấy, một trong những ý nghĩa nổi bật của chuyến thăm Đà Nẵng của mẫu hạm Theodore Roosevelt là sự hội tụ lợi ích về Biển Đông giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Truyền thông Việt Nam dường như nhận được chủ trương thống nhất là hạ thấp tầm quan trọng của sự kiện tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt thăm cảng Đà Nẵng từ 5 – 9/3. Cho đến hết đêm 6/3 (giờ Việt Nam), một vài trang mạng chủ chốt có đưa tin nhưng tránh bình luận. Đặc biệt chương trình Truyền hình trung ương về lễ đón nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam chiều 5/3 khá sơ sài. Phía dưới chương trình có dòng chữ “Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!” nhưng khi cho con trỏ vào đấy, ta nhận được một chương trình khác (?) Điều này không hoàn toàn khó hiểu, vì chẳng ai dại gì đi “chọc tức” Trung Quốc những ngày này…
Cách đây hai năm, lúc mẫu hạm USS Carl Vinson vào Đà Nẵng, thì bốn ngày sau, khi chiếc mẫu hạm ấy rời Đà Nẵng, Ngoại trưởng Vương Nghị mới tố cáo “các thế lực bên ngoài tìm cách khuấy động tình hình yên ổn của khu vực”. Ông Vương tuyên bố: “Việc phái một chiến hạm với đầy đủ vũ khí và phi cơ đến để phô trương sức mạnh đã trở thành nguyên do lớn nhất gây xáo trộn cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Còn lần này, USS Theodore Roosevelt mới vào, chưa kịp tổ chức lễ đón, thì ngay ngày đầu tiên, Giám đốc Trung tâm An ninh Hàng hải Trung Quốc – ASEAN tại Đại học Dân tộc Quảng Tây Ge Junliang đã nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik: “Mỹ hy vọng Việt Nam có thể trở thành một thành phần quan trọng của chiến lược Ấn Thái Dương”. Theo trang Sputnik, việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực khiến Trung Quốc lo lắng như một mối nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và Trung Quốc có thể tính đến việc đáp trả.
Khác với chuyến cập cảng Đà Nẵng lần đầu tiên của mẫu hạm Carl Vinson (ngày 5/3/2018), lần này tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) cùng với tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52) tháp tùng, ghé thăm Đà Nẵng có nhiều ý nghĩa thời sự nóng hổi hơn trong quan hệ song phương lẫn đa phương của Việt Nam. “Cuộc hôn nhân vì lợi” Việt – Mỹ diễn ra giữa lúc Hoa Kỳ đang cần Biển Đông để vừa kiềm chế Trung Quốc, vừa khẳng định cam kết của mình đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực, trong khi Việt Nam cần sức mạnh của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. Ý nghĩa song phương, đa phương cùng hội tụ trong sự giao thoa giữa những lợi ích chiến lược này. Ngoài ra, chuyến thăm của hải quân Mỹ phần nào cũng nói lên triển vọng của các mối bang giao “gắn kết” và “ thích ứng”. Quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam từ nay có thể dẫn đến các ý nghĩa và hệ quả:
Ý nghĩa đầu tiên và quan trọng nhất, bang giao Việt – Mỹ có thể đi vào khúc quanh mới. Nói như thế này không phải để thổi phồng, mà là để thấy rõ hơn bối cảnh của chuyến thăm giữa những biến động địa chính trị trong khu vực, trên toàn cầu và những biến động đã/đang xẩy ra trong bang giao Việt – Trung, đặc biệt là những tiến triển bất định và bất toàn về mọi mặt từ nay đến cuối năm. Quả thật, chuyến thăm của mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có thể mở ra một giai đoạn “đột phá”, nếu hai nước tiếp tục giữ được nhịp độ cải thiện quan hệ như hiện nay. Đặc biệt, hai bên Việt Mỹ bắt đầu coi trọng hơn những lợi ích sát sườn cũng như những ưu tiên chiến lược của nhau. Không chỉ trên ngôn ngữ ngoại giao mà quan hệ sẽ ngày càng đi vào thực chất hơn. Mỹ cần triển khai mạnh mẽ sự hiện diện trên Biển Đông thông qua các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP), còn Việt Nam cần giữ cho tình hình Biển Đông đừng xấu hơn những năm qua. Mỹ có chiều hướng giảm nhẹ phê phán Việt Nam, không như tinh thần ban đầu của Tổng thống Trump, còn Việt Nam đã tích cực hơn trong quá trình làm cân bằng cán cân thương mại…
Ý nghĩa thứ hai nằm ở sự khác nhau trong chuyến thăm kỳ này của Hải quân Mỹ so với lần 2018. Lần trước, Mỹ và Bộ tứ chỉ mới ra tuyên bố về chiến lược Ấn Thái Dương (IPS), và chiến lược ấy được khai sinh tại Đà Nẵng (ngày nay được đổi tên thành FOIP). Giờ đây FOIP đã được 28 tháng tuổi, và các đối tác ASEAN đã thống nhất với nhau về nhận thức chung đối với cấu trúc liên khu vực này thông qua AOIP (Quan niệm của ASEAN về FOIP) để hình thành bộ khung về hội nhập. Lần trước, chưa có cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung (chỉ mới manh nha), chưa có tình hình hậu–Tư Chính và đặc biệt là chưa diễn ra Covid 19 ở TQ cũng như trên toàn cầu. Tất cả những nhân tố này làm cho cái vạc dầu ở khu vực đặc biệt trên Biển Đông tăng thêm độ sôi. Vừa qua, do Covid 19 nên báo chí và dư luận hơi bị lơ là về Biển Đông, trong khi tình hình ở đây rất đáng lo ngại. Không rõ là chính quyền Trump đã đưa công hàm phản đối chính phủ Trung Quốc về vụ Trung Quốc chiếu la-de vào máy bay của Mỹ trên vùng biển quốc tế chưa, nhưng đây là dấu hiệu nguy hiểm trong quan hệ Trung – Mỹ.
Sau một thời gian dàn xếp, chuyến thăm lần này của mẫu hạm Roosevelt đến Đà Nẵng gửi đi một thông điệp kép. Như giới nghiên cứu đã thống nhất với nhau, đối với người Mỹ, thông điệp rõ ràng là Hà Nội không chỉ coi trọng quan hệ song phương mà còn nghiêm túc trong việc phát triển quan hệ chiến lược lâu dài với Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà chuyến thăm trùng vào dịp đánh dấu kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Hà Nội – Washington. Đối với Trung Quốc, sau hơn ba tháng căng thẳng trong quan hệ Trung – Việt trên khu vực Bãi Tư Chính vào mùa hè năm ngoái, Hà Nội lần này biểu thị một quyết tâm cao trong việc giữ vững lập trường về Biển Đông. Nếu Trung Quốc tiếp tục áp đặt yêu sách của mình một cách hung hăng, coi thường lợi ích của Việt Nam, thì Việt Nam sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn, ngay cả khi điều này phải trả giá bằng mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc.
Với hai ý nghĩa sát sườn như vừa phân tích ở trên, việc Việt Nam chấp thuận đón đội tàu Hải quân Mỹ, phát lộ ra ý nghĩa thứ ba, đó là Hà Nội đã có một động thái khá nhuẫn nhuyễn trong việc kết hợp giữa ngoại giao song phương với đa phương. Một mặt, chuyến thăm lần này đã tạo được dấu ấn nổi bật sau một phần tư thế kỷ (25 năm) trong mối quan hệ vừa duyên vừa nợ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Mặt khác, trên bình diện khu vực, thậm chí liên khu vực, so với các thành viên ASEAN khác, Việt Nam đã có bước đi khá ngoạn mục. Bước đi chủ động này càng có ý nghĩa trong bối cảnh quan hệ Mỹ – ASEAN, Việt Nam – ASEAN vừa qua không phải lúc nào “cơm cũng lành canh cũng ngọt”. Philippines đang tính chuyện rút khỏi Hiệp định Lực lượng Viếng thăm với Hoa Kỳ (VFA), Việt Nam và Malaysia tranh chấp nhau ở vùng chồng lấn trên Biển Đông. Rồi chuyện chỉ có 3 nước ASEAN gặp đoàn Mỹ ở Thái Lan, việc đình hoãn gặp cấp cao Mỹ – ASEAN tại Las Vegas (Trước đó, chỉ có 5 nước trong khối cam kết qua Mỹ)…
Ý nghĩa thứ tư, nếu như rồi đây Bộ Ngoại giao Việt Nam có kế hoạch thúc đẩy ý tưởng xây dựng đất nước thành một cường quốc bậc trung, thì những động thái song phương và đa phương quyện trong nhau như chuyến thăm Hải quân Mỹ hiện nay sẽ mở ra viễn cảnh ngoại giao sáng sủa cho đất nước. Chữ “nếu” ở đầu mệnh đề này muốn đề cập đến tính thận trọng của dự báo lạc quan này. Bởi vì sự thành công của khung khổ quan hệ, cái pe-rơ-đam này không chỉ tuỳ thuộc vào ngoại giao, mà nó còn được quyết định bởi nhiều chiều kích khác. Trong các nhân tố ấy, tính tự cường, ý chí độc lập trong quyết sách, “độ giãn Trung” của elite lãnh đạo, tư thế “đồng dẫn dắt” các chuyển động tích cực trong khu vực (cùng trên tuyến đầu với các thành viên ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Mã Lai) có ý nghĩa quyết định. Nhất là trong tình hình khủng hoảng nội bộ ở Mã Lai, Thái Lan, Campuchia gia tăng, Việt Nam hy vọng nổi lên như một đối tác ổn định tương đối.
Và ý nghĩa thứ năm: Mỹ, Bộ tứ và ASEAN thấy rõ hơn chuyển biến bước đầu của Việt Nam trong việc đáp ứng cái đón đợi của Bộ tứ, để rồi đây, khi các điều kiện khác hội đủ, Việt Nam có cơ để trở thành một “thành viên theo sát” (shadow member) của FOIP. Vào thời điểm hiện tại, nhiều người có thể vẫn nghĩ điều này chỉ là ảo tưởng. Nhưng nếu ta nhìn lại 25 qua, thì đúng như các nhà ngoại giao Việt Mỹ từng khẳng định nhiều lần qua các hội thảo khoa học, nếu một khi cục diện địa-chiến lược đòi hỏi, không gì là không thể trong quan hệ Mỹ – Việt. Trước đây, khi chưa có khoa học vũ trụ, loài người đã từng có giấc mơ bay lên mặt trăng… Kết luận lại một câu, chuyến thăm của tàu sân bay Theodore Roosevelt có thể là quả ngọt đầu tiên trong năm nay của nền ngoại giao “gắn kết” và “thích ứng”. Một bước tiến nữa trên con đường dài lâu “nối vòng tay lớn”… Hẳn nhiên, nếu không có những vị chua và vị chát từ các sự kiện ở Việt Nam vừa qua như vụ Đồng Tâm, vụ Thủ Thiêm hay những vấn đề liên quan đến đám tang của Hoà thượng Thích Quảng Độ, thì quả ngọt của nền ngoại giao “gắn kết” và “thích ứng” ấy sẽ còn phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc.
Mời tham khảo thêm tại:
Tàu hải quân Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng: Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
https://vtv.vn/trong-nuoc/tau-hai-quan-hoa-ky-tham-da-nang-2020030516593912.htm
TQ ‘không thích thú gì’ về tàu chiến Mỹ thăm Việt Nam: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51770024
Tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng: Bắc Kinh tuyên bố Hà Nội phản bội, TQ sẽ đáp trả?
Tàu sân bay Mỹ rời Việt Nam, Bắc Kinh tỏ ý bực tức về chuyến thăm:
Việt – Mỹ được gì khi tàu USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng?
http://nghiencuuquocte.org/2020/03/06/viet-my-duoc-gi-khi-tau-uss-theodore-roosevelt-tham-da-nang/
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vn-china-us-foip-03062020135026.html