Tin Việt Nam – 06/03/2020
Việt Nam vẫn bị Freedom House xếp hạng
nước không có tự do
Thanh Trúc, RFA
“Nỗ lực thăng tiến dân chủ của lãnh đạo mỗi lúc mỗi kém trong một thế giới càng ngày càng thiếu tụ do” là nhận định của tác giả Sarah Repucci thuộc tổ chức Freedom House nhân dịp công bố báo cáo 2020 về tự do trên thế giới hôm ngày 4 tháng 3 vừa qua.
Thực tế đối với Việt Nam trong lĩnh vực này có gì chuyển biến?
Freedom House là tổ chức phi chính phủ quốc tế, có chức năng theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu về tình hình tự do chính trị và các quyền tự do cơ bản của công dân các quốc gia trên thế giới.
Trong trình bày của mình, tác giả Sarah Repucci khẳng định dân chủ và đa nguyên đang cùng lúc bị xâm hại, rằng các chính thể độc tài trên thế giới tìm cách dập tắt phong trào dân chủ, bóp nghẹt mọi tiếng nói bất đồng chính kiến nơi người hoạt động.
Những hành vi mạnh bạo đó, theo bà Sarah Repucci, khiến Freedom House nhận thấy 2019 là năm thứ 14 liên tiếp suy giảm tự do toàn cầu, khoảng cách giữa thiếu tự do với phần nào tự do hay có tự do càng ngày càng xa hơn so với năm 2018.
Bằng chứng của thực trạng này là trong lúc 37 quốc gia trên thế giới có dấu hiệu tiến bộ, thì quyền chính trị và quyền dân sự của rất nhiều cá nhân tại 64 nước khác bị tước đoạt dần.
Tình trạng tiêu cực như vậy, theo tác giả, lan tràn đến mọi hình thức thế chế, nhưng dễ nhìn ra nhất là ảnh hưởng của nó bén rễ từ trên xuống dưới một bộ máy cầm quyền.
Tự do dân chủ của hơn một nửa các nước trên bảng xếp hạng của Freedom House, dù là “Free: có tự do”, “ Partly Free: phần nào tự do”, hoặc “Not Free: không có tự do” đều ít nhiều bị suy thoái suốt một thập niên qua, tác giả kết luận.
Nhận định của bà Sarah Repucci khiến người ta liên tưởng và áp dụng cho Việt Nam bất kỳ lúc nào, là ý kiến của nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam:
“Tôi thấy tác giả Sarah Repucci hiểu rất rõ mà hiểu như người ở Việt Nam hiểu luôn. Tác giả nói đúng, họ không có ý thức đem lại, tạo ra quyền tự do của con người Việt Nam, họ không có ý thức tạo dân chủ cho dân. Sự đàn áp của họ đối với dân chủ nhân quyền ở mức độ tồi tệ như vậy rồi. Cho nên bao giờ nhân quyền Việt Nam cũng ở Top thấp nhất thế giới”
Luật sư, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài, hiện đang ở Đức, đồng tình với ý tưởng là dân chủ và đa nguyên đang bị xâm hại, rằng không có sự chỉ đạo từ giới cầm quyền chuyên chế để phát huy tự do cho dân:
“Rất chính xác! Tôi lấy thí dụ để chúng ta cùng nhìn thấy. Cách đây hơn 20 năm, từ thời chủ tịch nước Trần Lương, ông đã bắt đầu khởi động tiến trình cải cách tư pháp. Khi đó ông là chủ tịch nước kiêm luôn chủ tịch Ủy Ban Cải Cách Tư Pháp”
“Nhưng 20 năm sau, đời ông Nguyễn Phú Trọng hiện tại, ông vẫn là chủ tịch Ủy Ban Cải Cách Tư Pháp để đảm bảo công bằng, công lý cho người dân trong vấn đề xét xử cũng như trong vấn đề thực thi pháp luật, thì Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa thực hiện được cái gì cả, vẫn chưa có chút tiến bộ nào. Cần hiểu bản chất của chế độ cộng sản là chuyên chế, họ không bao giờ nhân nhượng đối với quyền tự do dân chủ của người dân. Cho nên không hy vọng Nhà Nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do dân chủ của người dân”.
Việt Nam cũng bị liệt vào danh sách những quốc gia không có tự do Internet theo báo cáo của Freedom House ngày 5/11/2019.
Với nhan đề “Khủng Hoảng Mạng Xã Hội “ Freedom House cho biết tiến trình khảo sát tự do mạng ở 65 quốc gia cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có điểm số từ 0 đến 39, là quốc gia không có tự do Internet.
Dưới mắt Freedom House, Việt Nam là quốc gia độc đảng, bị chi phối trong nhiều thập kỷ bởi một đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền, chưa kể Luật An Ninh Mạng nhằm hạn chế tự do Internet. Bà Amy Slipowitz, chuyên gia nghiên cứu và phân tích trong Freedom House:
Có thể nói như vậy, Luật An ninh Mạng được đặc biệt quan tâm bởi dưới nhãn quan toàn cầu thì đây là thí dụ điển hình của một chế đô toàn trị không chỉ thấy ở Việt Nam mà cả một vài nước trên thế giới.
Việt Nam ngay lập tức bác bỏ thông tin này trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại Giao ngày 7/11/2019. Phát ngôn nhân Ngô Toàn Thắng nói rằng Việt Nam hoàn toàn bác bỏ những đánh giá về Internet ở Việt Nam trong báo cáo ngày 5/11/2019 của tổ chức Freedom use, rằng việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp”.
Là người tận dụng Internet để có thể phổ biến trang mạng của Hội Nhà Báo Độc Lập ở trong nước, nhà báo Nguyễn Tường Thụy bày tỏ:
“Bao giờ họ cũng cãi trắng, cãi bay biến luôn. Khi mà tôi đang trả lời RFA như thế này thì an ninh đang canh ở cửa nhà tôi. Nếu như tôi ra khỏi nhà có việc gì thì lập tức họ ngăn cản họ không cho đi. Tình trạng như thế này từ nhiều năm rồi. Nói thế để biết ở Việt Nam có tự do có nhân quyền hay không, còn chuyện họ cãi lem lẻm đi là việc của họ.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm:
“Freedom House dựa trên kỹ thuật để đo lường được mức độ kiểm soát Internet cũng như các trang mạng xã hội ở Việt Nam, xem Nhà Nước kiểm duyệt đến mức độ nào.”
“Những người dùng mạng xã hội để chỉ trích chính phủ hay là đưa ra những đòi hỏi cải cách chính trị riêng 2019 không thì đã 20 người bị bắt và gần 60 người bị xét xử về các tội danh liên quan đến việc sử dụng Internet. Số lượng người bị sách nhiễu có thể lên đến hàng trăm người. Tất cả những chỉ số đấy người ta hoàn toàn có thể đo lường được, vậy thì những con số đưa ra phản ánh là Việt Nam có tự do Internet hay là không”.
Chia sẻ về tự do mạng ở Việt Nam, một facebooker ở Hà Nội, yêu cầu đừng nêu tên vì an ninh bản thân, viết cho RFA như sau:
“ Internet ở Việt Nam bị kiểm duyệt rất chặt chẽ bằng cách họ tung một lực lượng rất lớn AK47(quân đội), các dư luận viên (đảng viên, đoàn viên, sinh viên) tham gia “chiến sự mạng”, đánh phá, báo cáo bất cứ bài viết, status nào đi ngược ý đảng, đặc biệt theo dõi chặt chẽ những trang cá nhân có tay bút phản biện cao. Họ không chỉ đánh sập trang/ khóa trang từ 3 đến 7 đến một tháng mà còn mời lên đồn công an làm việc. Sách nhiễu không được thì họ đang báo, bôi nhọ, bêu xấu… Nói chung tiếng nói tự do trên Internet cũng như ngoài cuộc sống đều bị bóp nghẹt”
Trở lại với tác giả Sarah Repucci, tự do, trong đó có quyền chính trị và quyền dân sự, là giá trị đầu tiên, cơ bản và phổ quát của nhân loại mà không một quốc gia, một chính thể nào, dù hùng mạnh hay yếu kém , có thể phủ nhận.
Thay vì bỏ qua hoặc làm ngơ trước sự quan tâm của quốc tế mà chỉ chú trọng và hưởng thụ nền tự do ở đất nước mình, công dân tự do và những nhà phục vụ nhân bản trên thế giới nên tận dụng sự thông tuệ và lòng yêu tự do, dồn mọi nỗ lực nhằm kêu gọi ý thức và sự thay đổi, phát huy dân chủ, đa nguyên và nhân quyền cho từng quốc gia và từng con người trên địa cầu, tác giả nhận định.
Trong bảng báo cáo mới nhất Việt Nam chỉ được 20 điểm trên thang 100 nên bị xếp vào loại không có tự do.
Tình cảnh khốn khó của một tù nhân
tôn giáo người Thượng vừa mãn án
Nhiều bệnh tật sau bản án 18 năm tù
Đài RFA liên lạc viễn liên với ông Y Ngũn Knul vào tối ngày 5/3 và được ông chia sẻ về nguyên nhân vì sao ông bị đi tù:
“Nhóm của tôi biểu tình hai lần trong năm 2004 để đòi lại nhà thờ. Hồi xưa đi lễ thờ phượng Chúa khó khăn lắm, bị chính quyền cấm. Một số người thì đất đai tổ tiên ngày xưa để lại cũng mất hết nên đòi lại đất đai của dân. Thứ ba nữa là đòi lại quyền con người được sống, được ăn, được mặc, được nói. Tất cả quyền đó không còn nữa cho nên người ta bức xúc. Lúc đó, tôi đứng lên kêu gọi ai có hoàn cảnh như thế thì đi biểu tình.”
Theo trình bày của chính bản thân ông Y Ngũn Knul, hậu quả của việc đứng lên kêu gọi biểu tình là ông bị Tòa án tỉnh Đắk Lắk tuyên án tù:
“Trong nhóm, tôi bị xử nặng nhất, 18 năm tù, bị ghép tội ‘phá hoại chính sách đoàn kết’ cùng với tội ‘phá hoại tài sản nhà nước’. Họ gán ghép những tội như thế! Thực sự, tôi là người không rượu chè, tin Chúa, theo đạo Tin lành thì làm gì mà đi phá hoại, rồi phá, rồi cướp? Tôi cay đắng lắm, nhưng bị như thế thì biết nói với ai, kêu với ai? Thành ra phải chấp nhận đi tù hết bản án rồi về trong đau đớn.”
Bây giờ tôi bị đau rất nặng, bị suy thận và huyết áp cao. Tôi bị xuất huyết dạ dày một lần rồi. Bây giờ chỉ ăn cơm được 1 chén. Cái bụng bị trương to, khó thở. Người tôi thì to nhưng tôi bị mệt mỏi lắm do cơ thể bị tích nước nên đi lại cũng khó khăn. Chân bị phù. Tôi cũng muốn đi khám bệnh nhưng tiền bạc lại không có
-Cựu tù nhân Y Ngũn Knul
Ông Y Ngũn Knul cho RFA biết ông được 6 lần giảm án, tổng cộng là 2 năm 6 tháng. Trong suốt gần 16 năm tù, ông Knul đã ở qua hai trại giam Nam Hà và Thanh Chương, Nghệ An. Ông được gia đình đi thăm 4 lần trong ngần ấy thời gian, nhưng không được tiếp tế đồ ăn hay tiền bạc gì do gia đình rất nghèo khó.
Ông Knul bày tỏ rằng được sum họp với gia đình là một niềm hạnh phúc, nhưng ông không biết cuộc sống của ông sẽ thế nào khi mang trong người nhiều bệnh tật:
“Bây giờ tôi bị đau rất nặng, bị suy thận và huyết áp cao. Tôi bị xuất huyết dạ dày một lần rồi. Bây giờ chỉ ăn cơm được 1 chén. Cái bụng bị trương to, khó thở. Người tôi thì to nhưng tôi bị mệt mỏi lắm do cơ thể bị tích nước nên đi lại cũng khó khăn. Chân bị phù. Tôi cũng muốn đi khám bệnh nhưng tiền bạc lại không có.”
Kêu gọi sự giúp đỡ
Lời kêu gọi giúp đỡ cho tù nhân tôn giáo Y Ngũn Knul, vừa mãn án 18 năm tù giam vào ngày 28/2/20, được khởi nguồn từ bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức.
Qua trang Facebook cá nhân, vào ngày 4/3, bà Thanh cho biết ông Y Ngũn Knul ở chung Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An cùng với chồng bà trước khi được mãn án tù trở về quê nhà ở Đắk Lắk.
Ông Y Ngũn Knul tâm tình với bà Thanh rằng ông rất vui được đoàn tụ với gia đình cùng bà con và bạn bè sau thời gian dài ở trong tù. Tuy nhiên, hiện tình trạng sức khỏe của ông rất yếu dù hình hài to mập. Bên cạnh đó, gia đình đang rất khổ vì không còn nhà cửa, đất đai, luôn bị chính quyền địa phương trù dập và còn có một cháu gái bị tâm thần, hay bị động kinh co giật.
Trước tình cảnh thương tâm đó, bà Thanh kêu gọi sự hỗ trợ về y tế cho ông Y Ngũn Knul cũng như giúp đỡ cho ông được hòa nhập với gia đình và cộng đồng sau thời gian gần 16 năm nơi chốn lao tù.
Không chỉ là trường hợp cá biệt
Cựu tù nhân lương tâm-Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa chia sẻ trên tài khoản Facebook của ông về người bạn tù, tên Y Ngũn Knul. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhấn mạnh rằng những người Thượng bị hoàn cảnh tù đày thường được gọi là tù “mồ côi” vì họ không có thân nhân thăm nuôi. Thời gian ở chung tại Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An, một số tù nhân chính trị như Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, Kỹ sư Phạm Văn Trội thường chia sẻ đồ ăn với các tù nhân người Thượng, trong đó có ông Knul, mỗi khi được gia đình thăm nuôi.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cũng nhắc lại một lần ông Knul bị biệt giam 10 ngày do đã phản ứng lại với quản giáo trại giam. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa viết trong status:
“Anh Knul bị cùm 1 chân 24/24h vào song ngang cuối bệ xi măng, không được nhận thăm nuôi, giúp đỡ… của tù nhân khác và chỉ được một chai nước đựng trong vỏ cocacola/ngày để dùng cho tất tần tật mọi nhu cầu, từ uống đến vệ sinh. Đây cũng là nguyên nhân ban đầu để anh Hải Điếu Cày, vì bênh vực Knul, bật lên phản đối ban giám thị, rồi bị kỷ luật giam riêng, dẫn đến vụ tuyệt thực 33 ngày chấn động dư luận”.
Từ Hoa Kỳ, Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải kể lại vụ việc ông Knul bị biệt giam 10 ngày với RFA:
“Anh Knul bị đưa đi cùm 10 ngày. Lúc bị cùm thì Knul đã không tháo cái quần tù ra cho nên khi đi vệ sinh bị vướng. Muốn tháo ra thì không được do cái chân bị cùm, thế là Knul xé đường chỉ may của ống quần để tháo cái ống quần ra. Trại giam bảo anh phá hoại tài sản của trại và đã cùm anh Knul thêm ít ngày vì việc này.”
Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải còn kể lại ông Knul từng bị tra tấn trong thời gian đầu mới bị bắt:
“Anh Knul lúc bị bắt thì anh bị đánh rất dã man. Anh Knul bị treo như hình chữ thập và bị đánh, bị đá vào bụng nhiều nhất, dẫn đến hậu quả là anh bị thủng dạ dày. Bị đánh như thế đến khi vào trong trại trên người anh còn nhiều vết sẹo.”
Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, người bị Chính quyền Việt Nam tống xuất hồi năm 2014, cho biết trường hợp ông Y Ngũn Knul không phải là cá biệt mà hầu như các tù nhân người Thượng đều cùng chung cảnh ngộ, từ cuộc sống đời thường cho đến trong 4 bức tường nhà giam.
Những người đã bị đi tù và trở về rồi thì nhiều lúc có một số người chỉ sống một vài tuần thôi rồi bị chết. Đặc biệt những tù nhân lương tâm về vấn đề tôn giáo thì sức khỏe của họ không được tốt. Như vừa rồi có trường hợp ở tại huyện Chu Puh (Gia Lai), có một người vừa về từ trại cải tạo được khỏang hơn 2 tuần thì bị bệnh rồi chết luôn. Những người đi tù về thì thứ nhất là họ bị quản chế vô thời hạn, thứ hai nữa thì khi họ về lại và không có hy vọng gì để được sống lâu
-Mục sư A Ga
“Anh em Tây nguyên sống rất khó khăn vì gia đình đi thăm nuôi một năm một lần và chỉ tiếp tế được 300 ngàn đồng. Tiền đó do nhà thờ Tin lành giúp. Có những chuyến đi do người thân của họ kết hợp nhau lại, thuê nguyên chuyến xe đi từ Tây Nguyên ra đến Yên Bái, vòng về Nam Hà, rồi vòng về Trại 5, Trại 6 ở Nghệ An, lần lượt ghé thăm như vậy. Anh em cũng kể lại có chuyến đi mà khi gia đình trên đường về ở đoạn dọc đường Trường Sơn, xe bị lật khiến 2 người bị chết và bị thương cả chục người.”
Mặc dù nhiều người con của núi rừng Tây Nguyên là những tù nhân “mồ côi” vẫn chịu đựng được hoàn cảnh khắc nghiệt ở các trại giam tại Việt Nam và vẫn sống sót trở về nhà sau các bản án quá dài; thế nhưng:
“Những người đã bị đi tù và trở về rồi thì nhiều lúc có một số người chỉ sống một vài tuần thôi rồi bị chết. Đặc biệt những tù nhân lương tâm về vấn đề tôn giáo thì sức khỏe của họ không được tốt. Như vừa rồi có trường hợp ở tại huyện Chu Puh (Gia Lai), có một người vừa về từ trại cải tạo được khỏang hơn 2 tuần thì bị bệnh rồi chết luôn. Những người đi tù về thì thứ nhất là họ bị quản chế vô thời hạn, thứ hai nữa thì khi họ về lại và không có hy vọng gì để được sống lâu.”
Đây là ghi nhận của Mục sư A Ga và ông đã trình bày với Quốc hội Hoa Kỳ hồi năm 2019, liên quan vấn đề vừa nêu cũng như tình hình Chính quyền Việt Nam bách hại tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Thượng Tây Nguyên.
Trở lại với ông Y Ngũn Knul, ông kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng thế giới vì quyền con người và quyền tự do tín ngưỡng của người Thượng ở Việt Nam, mà trong đó ông là một nạn nhân:
“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế phải bảo vệ cho chúng tôi có quyền con người được nói và được nghe. Chúng tôi bị cấm khẩu đâu khác gì như con thú đâu? Vừa nói vừa chạy! Vừa nghĩ vừa sợ! Chúng tôi mong các tổ chức có thẩm quyền bảo vệ, còn nếu không thì chúng tôi còn rất nhiều khó khăn lắm.”
Time: nhà báo Phạm Đoan Trang bị sách nhiễu
là minh chứng tự do báo chí bị đe dọa
Trong bài viết đăng tải ngày 2/3 của báo Time ở Hoa Kỳ, tác giả có nhắc đến việc nhà báo tự do Phạm Đoan Trang đang phải lẩn trốn sau khi cảnh sát Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8/2018 đã đánh đập cô một cách tàn nhẫn, tịch thu căn cước của cô, tiếp tục thẩm vấn, theo dõi, truy bắt, cắt điện, Internet… Dù đang bị truy đuổi, cô Phạm Đoan Trang vẫn thực hiện công việc của một nhà báo.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do vào tối muộn ngày 5/3, nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết cảm nhận của cô khi được một tờ báo quốc tế nhắc đến:
Từ khi tôi trở về nước vào năm 2015, về được 3 tháng thì tôi bị công an tấn công trong một cuộc tuần hành cây xanh, chấn thương 2 chân. Sau liveshow ca sĩ Nguyễn Tín năm 2018 thì tôi bị chấn thương ở tay. Sức khỏe của tôi gần như xuống dốc không phanh nên tôi không biết còn chịu được bao lâu. – Phạm Đoan Trang
“Hơi ngạc nhiên vì không hiểu sao Time lại biết chuyện này vì tôi không nói nhiều, nới rộng về hoàn cảnh của mình. Tôi cũng cảm động vì dù sao Time cũng là tờ báo quốc tế lên tiếng vì một đồng nghiệp ở một nước nhỏ bé như Việt Nam là điều làm cho mình thấy xúc động.”
Đóng góp
Cô Phạm Đoan Trang là một blogger, nhà báo, và nhà hoạt động dân chủ người Việt Nam. Cô xuất thân là một nhà báo mạng của tờ VnExpress và vào năm 2017 cô cho xuất bản sách Chính trị Bình dân ở Việt Nam và thường xuyên là mục tiêu bị sách nhiễu của chính quyền. Ngoài ra, nhà báo Đoan Trang cũng cho xuất bản một vài quyên sách ở Việt Nam không qua kiểm duyệt của nhà nước như: Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực…
Cô đã nhận được giải thưởng Homo Homini 2017 từ tổ chức People In Need, và cô được gọi là “một trong những nhân vật hàng đầu của bất đồng chính kiến Việt Nam đương đại”.
Vào ngày 30/8/2019, nhà báo Phạm Đoan Trang được Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF đề cử nhận giải về tự do báo chí năm 2019, ở hạng mục Impact (Ảnh hưởng). Đây là giải thưởng dành cho dành cho người có những tác phẩm gây ảnh hưởng đến nhận thức của xã hội về tự do báo chí.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 2 vừa qua, cô đã cập nhật Báo cáo Đồng Tâm nhằm tổng hợp tư liệu từ cả hai nguồn chính thống và người dân về vụ tấn công Đồng Tâm nhằm đưa ra những thông tin xác thực và đầy đủ nhất cho những người quan tâm.
Nhận xét về những đóng góp của nhà báo Phạm Đoan Trang, anh Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động xã hội cho rằng những việc nhà báo Phạm Đoan Trang đã và đang thực hiện cho quá trình đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam là không thể đánh giá được hết, đặc biệt với những cuốn sách cô Trang đã xuất bản giúp nâng cao nhận thức người dân, kể cả anh:
“Qua những cuốn sách đó có rất nhiều kinh nghiệm, thông tin bổ ích giúp chúng tôi hiểu tình hình chính trị Việt Nam và có những phương thức đấu tranh trong ôn hòa, không bạo lực. Gần đây nhất, đóng góp của Nhà Xuất bản Tự do cùng chị Đoan Trang cho ra ấn phẩm là Báo cáo Đồng Tâm. Tôi cho đó đã đưa được sự thật về Đồng Tâm đến với dư luận trong nước và quốc tế. Từ đó để mọi người có thể hiểu được tội ác chính quyền Cộng sản Việt Nam đã gây ra ở Đồng Tâm.”
Còn theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, những đóng góp của cô Phạm Đoan Trang là rất lớn mà không phải ai cũng làm được trong thời gian vừa qua vì cô Trang là người có kiến thức, năng lực và tinh thần quả cảm. Mặc dù bị sách nhiễu nặng nề nhưng cô vẫn thường xuyên viết sách, cẩm nang, tài liệu rất quý cho giới đấu tranh ở Việt Nam. Theo anh, điều này đem đến những kết quả tích cực:
“Kết quả đầu tiên là sự khai trí rất lớn cho rất nhiều người. Ví dụ như cuốn Cẩm Nang Nuôi Tù mình thấy gần như tất cả gia đình tù nhân lương tâm, gia đình anh em đấu tranh, thậm chí gia đình tù nhân bình thường cũng đã tiếp xúc, đã đọc. Thậm chí bọn mình hay đùa là hội Đinh La Thăng hay Nguyễn Bắc Son chắc gia đình cũng đã đọc rồi. Thứ hai là tinh thần kiên cường của Phạm Đoan Trang giúp nhiều người tan đi nỗi sợ hãi chính quyền cộng sản.”
Khó khăn
Theo thông tin từ nhà báo Phạm Đoan Trang chia sẻ, cô đã không ở nhà ở Hà Nội đến nay đã 3 năm. Trong thời gian đó, cô phải đi lang thang ở khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Vẫn theo cô Trang, lí do khiến cô bỏ đi vì cô gần như bị giam lỏng và không thể làm gì trong suốt thời gian ở Hà Nội:
“Công an suốt ngày theo dõi đủ kiểu: qua bạn bè, đồng đội, hàng xóm láng giềng rồi họ rình mò cắt internet. Trò tôi ghét nhất là họ thich thì họ ập vào nhà bắt đi, lôi cổ lên đồn, nếu không đi thì họ có thể phá cửa, làm nhiều trò rất thô bạo nên buộc lòng phải lên đồn. Nhưng ngày nào cũng về đồn như vậy, cũng bị quấy phá, không làm được gì, cảm giác sách nhiễu nặng quá nên giữa năm 2017 tôi quyết định rời khỏi Hà Nội, rời khỏi nhà. Nói chung những tín hiệu từ phía công an đối với Nhà Xuất bản Tự Do và đối với tôi rất thô bạo và chưa bao giờ có dấu hiệu xuống thang, chỉ có leo thang không ngừng. Nên tôi phải tránh mặt nhiều khi không phải vì mình mà còn vì sợ ảnh hưởng đến những người liên quan.”
Dưới góc nhìn cá nhân, nhà hoạt động Lã Việt Dũng đưa ra nguyên nhân vì sao nhà báo Phạm Đoan Trang thường xuyên bị tấn công:
“Cũng từ lâu rồi công an tìm cách sách nhiễu, cản trở hoạt động của chị Trang bởi vì mình cho rằng chị Trang từ lâu đã là cái gai trong mắt chính quyền. Có vẻ chính quyền đang không có cơ sở pháp luật để bắt chị nên tìm cách cản trở, sách nhiễu chị.”
Đồng quan điểm nêu trên, anh Trịnh Bá Phương cho rằng:
“Tôi thấy việc đó không quá lạ lẫm ở Việt Nam. Qua những cuốn sách cũng như hình thức đấu tranh của chị Đoan Trang hầu như phơi bày sự xấu xa của họ trước toàn dân Việt Nam và quốc tế nên họ sử dụng những hành vi như thế không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam đến hiến pháp Việt Nam mà vi phạm cả các tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, nhân sự và chính trị.”
Vẫn theo thông tin từ nhà báo Phạm Đoan Trang cung cấp, trong 3 năm qua, cô liên tục bị chính quyền quấy nhiễu, bắt bớ mỗi khi thấy mặt, như trong lúc xem liveshow ca sĩ Trần Tín năm 2018.
Cũng từ lâu rồi công an tìm cách sách nhiễu, cản trở hoạt động của chị Trang bởi vì mình cho rằng chị Trang từ lâu đã là cái gai trong mắt chính quyền. Có vẻ chính quyền đang không có cơ sở pháp luật để bắt chị nên tìm cách cản trở, sách nhiễu chị. – Lã Việt Dũng
Bên cạnh đó, những người làm chung với cô trong Nhà Xuất bản Tự Do cũng bị bắt bớ, quấy rối. Đáng quan tâm hơn hết, phía công an sau này đã quay sang bắt cả những người giao hàng cho nhà xuất bản và khá nhiều độc giả, tịch thu sách, chửi rủa, đe doạ và còn ‘cướp’ thêm cả tiền.
Nhiều người trong giới hoạt động xã hội dân sự đánh giá rằng những hoạt động đấu tranh của nhà báo Phạm Đoan Trang cũng như kiến thức cô cung cấp để nâng cao nhận thức người dân đã trở thành sự đe dọa đến an nguy và sự tồn vong đối với chính quyền Cộng sản Việt Nam. Vậy nên chính quyền không ngừng tấn công cô từ rất nhiều năm nay.
Tuy nhiên, những biện pháp tấn công của nhà cầm quyền không những không làm cô chùn bước trong quá trình đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam mà còn giúp cô tôi luyện bản thân. Dẫu vậy, sức khỏe vẫn đang là nỗi lo ngại của nữ nhà báo:
“Về mặt tinh thần tôi không có gì thay đổi, chẳng sợ cũng chẳng chán vì tôi luôn nghĩ rằng những thử thách lớn đối với người hoạt động nhân quyền trong nước không chỉ vượt qua nỗi sợ mà còn vượt qua nỗi chán, cảm giác thất vọng, nản, tuyệt vọng… Nhưng về thể chất tôi thấy xuống rất nhiều, sức khỏe xuống quá nhiều so với 3-5 năm qua. Từ khi tôi trở về nước vào năm 2015, về được 3 tháng thì tôi bị công an tấn công trong một cuộc tuần hành cây xanh, chấn thương 2 chân. Sau liveshow ca sĩ Nguyễn Tín năm 2018 thì tôi bị chấn thương ở tay. Sức khỏe của tôi gần như xuống dốc không phanh nên tôi không biết còn chịu được bao lâu.”
Dân biểu Liên bang Úc lên tiếng về kháng cáo
của công dân Châu Văn Khảm bị Việt Nam bác.
Kháng án bất thành của công dân Úc gốc Việt, Châu Văn Khảm, được dân biểu liên bang Úc- ông Chirs Hayes, nêu ra với Bộ Trưởng Ngoại Giao Marise Payne vào ngày 6 tháng 3.
Trong thư gửi cho bà Bộ trưởng ngoại giao nước Úc, dân biểu Chris Hayes tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về trường hợp của ông Châu Văn Khảm. Ông này bị tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 3 y án sơ thẩm 12 năm tù giam với cáo buộc hoạt động khủng bố nhằm chống chính quyền Hà Nội theo Điều 113 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Theo dân biểu Chris Hayes, trường hợp của ông Châu Văn Khảm đáng quan ngại vì ông này đã 70 tuổi. Sức khỏe suy kiệt và từ khi bị bắt giam tại Việt Nam từ tháng 1 năm ngoái đến nay, ông đã phải hai lần nhập viện.
Dân biểu Chirs Hayes nhắc lại ông được thông tin trong thời gian giam giữ, cơ quan chức năng Việt Nam từ chối không cho ông Châu Văn Khảm được tư vấn với luật sư. Mãi đến khi thời gian điều tra được kết thúc và hầu như ngay trước khi bị đưa ra xét xử, cơ quan chức năng Việt Nam mới cho thực hiện qui trình pháp lý này.
Theo vị dân biểu Liên bang Úc Châu, Chris Hayes, thì những cáo buộc nặng nề đối với ông Châu Văn Khảm có tác động hết sức bất lợi cho việc bào chữa. Trong cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm những cáo buộc như thế cũng tác động đáng kể đến khả năng ông Châu Văn Khảm được xét xử công bằng.
Dân biểu Chris Hayes kêu gọi cần phải tiếp tục gây áp lực đối với chính phủ Hà Nội thượng tôn pháp luật, giữ những cam kết mà Úc mong muốn những đối tác thương mại đưa ra.
Vị dân biểu này cũng nhân danh cộng đồng người Úc gốc Việt mà ông đại diện yêu cầu chính phủ Canberra có những bước cần thiết nhằm bảo đảm sự an nguy cũng như việc trả tự do cho ông Châu Văn Khảm.
Vào sáng ngày 2 tháng 3 vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành xử phúc thẩm vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và tuyên y án đối với ông Châu Văn Khảm 12 năm tù giam, hai ông Nguyễn Văn Viễn 11 năm và Trần Văn Quyền 10 năm tù giam. Ông Châu Văn Khảm, người Úc gốc Việt và là thành viên đảng Việt Tân tại Úc sẽ bị trục xuất sau khi chấp hành xong bản án.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/aus-par-kham-03062020081624.html
Chuẩn bị khai trương
cửa khẩu quốc tế Tân Nam–Mơn Chây
Tỉnh Tây Ninh và tỉnh Prey Veng, Campuchia vừa tổ chức Cuộc họp song phương tại cửa khẩu Tân Nam hôm 5/3/2020, để trao đổi về việc chuẩn bị tổ chức Lễ công bố khai trương cửa khẩu quốc tế Tân Nam thuộc tỉnh Tây Ninh và Mơn Chây thuộc tỉnh Prey Veng.
Tin vào ngày 6/3 và cho biết, phía Việt Nam do ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh làm Trưởng đoàn, cùng các ông Thái Xuân Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia; ông Đỗ Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Cửa khẩu, Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng…
Phía Campuchia cho ông Sot Seth Tha, Quốc vụ khanh Thường trực Bộ Nội vụ làm Trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của ộng Sok Phal, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ; ông Chea So Me Thy, Tỉnh trưởng tỉnh Prey Veng và đại diện các đơn vị liên quan…
Tại cuộc họp, hai bên phấn đấu tổ chức Lễ công bố khai trương cửa khẩu trong năm 2020 với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao hai nước… Thời gian, địa điểm và các nội dung cụ thể liên quan buổi lễ sẽ được hai bên tiếp tục trao đổi và thống nhất qua đường ngoại giao.
Kiên Giang gỡ bỏ lệnh cấm phân lô, tách thửa ở Phú Quốc
Tỉnh ủy Kiên Giang vừa có thông báo chấp thuận chủ trương chấm dứt việc tạm dừng hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc.
Theo tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 6 tháng 3, Tỉnh ủy Kiên Giang giao UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương vừa nêu.
Vào đầu năm 2018, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang nhận định tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật.
Trước diễn biến đó, vào giữa tháng 5/2018, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đã ký công văn số 651/UBND-KTCN yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND huyện Phú Quốc tạm dừng cho phép các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn Phú Quốc. Việc tạm dừng này được thực hiện từ ngày 15/5/2018.
Trong một diễn biến khác, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản thống nhất với kiến nghị của UBND tỉnh Kiên Giang về việc tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, nhằm định hướng phát triển không gian đảo Phú Quốc trong giai đoạn tới, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Hơn 30 tỉnh, thành không còn dịch tả lợn Châu Phi
Tính đến ngày 6 tháng 3 năm 2020 đã có 35 tỉnh, thành phố tại Việt Nam được báo cáo đã qua 30 ngày không phát sinh các trường hợp mới nhiễm dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT được báo chí trong nước loan tải hôm 6 tháng 3.
Cũng theo thống kê này, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước phát sinh thêm 24 ổ dịch tả lợn châu Phi, làm gần 19.500 con lợn bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy. Đến nay, cả nước còn 206 xã thuộc 29 huyện của 28 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày.
Tuy có 35 tỉnh, thành không phát sinh trường hợp nhiễm dịch bệnh mới nhưng Bộ NN&PTNT vẫn cảnh báo nguy cơ bùng phát trở lại của dịch tả lợn châu Phi do bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng chống. Thêm vào đó là sự gia tăng vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn của những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ cũng là những lý do khiến nguy cơ bùng phát dịch.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long có hai tỉnh công bố hết dịch là Đồng tháp và An Giang. Dịch tả lợn châu phi xuất hiện ở Đồng Tháp từ cuối tháng 5 năm 2019. Địa phương đã phải tiêu hủy trên 120.000 con, chiếm gần 50% tổng đàn lợn của tỉnh.
Vào dịp Tết vừa qua, nhiều địa phương tái phát dịch tả lợn châu Phi mà nguyên nhân được cho là có thể do bà con chung nhau mua lợn về mổ thịt dịp Tết, không may mua phải con lợn bị nhiễm dịch nên đó là cơ hội cho dịch bùng phát.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi có tên quốc tế là ASF xuất hiện lần đầu tại quốc gia Kenya, Châu Phi vào năm 1921. Đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh.
Việt Nam nhích về Mỹ, nhưng không quá gần
Hoa Kỳ trong tuần này điều tàu sân bay đến thăm Việt Nam lần thứ hai trong hàng chục năm qua. Các nhà phân tích nhìn nhận rằng hai nước đang ngày càng trở nên thân thiết hơn, bất chấp từng có cuộc chiến khốc liệt giữa họ cách đây 50 năm, và nay cả hai đều mong ngăn chặn việc Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, hệ thống chính trị cộng sản Việt Nam và việc quốc gia này nhất quán với chính sách đối ngoại đa phương thay vì chỉ thân phương Tây có thể làm cho Washington khó tiến đến quá gần.
Sean King, phó chủ tịch của tổ chức tư vấn chính trị Park Strategies có trụ sở tại New York, nói với VOA: “Bộ máy quan liêu Washington chắc chắn xem Hà Nội như là một đối tác trong việc đẩy lùi các yêu sách chủ quyền và hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhưng Việt Nam không phải là một đồng minh, cũng không phải là một nền dân chủ, do đó, có những giới hạn trong sự hợp tác này”.
“Tôi cảm nhận thấy Việt Nam muốn [Hoa Kỳ] là đối trọng trong khu vực với Bắc Kinh nhưng không muốn trở thành một phần trong bất kỳ chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc đại lục”, ông King nói.
Hôm 5/3, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã cập cảng Đà Nẵng ở miền trung Việt Nam, trang web tin tức quân sự Stars and Stripes đưa tin.
Một tàu tuần dương mang tên lửa điều hướng hộ tống cho tàu sân bay trong chuyến thăm mang tính nghi lễ.
Trước đó 2 năm, USS Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Mỹ đến thăm cảng kể từ sau Chiến tranh Việt Nam.
Hai chuyến thăm cho thấy cả hai bên đều có ý định tăng cường quan hệ quốc phòng. Việt Nam muốn có sự hỗ trợ từ bên ngoài trong việc ngăn các tàu Trung Quốc đi vào những thực thể ở Biển Đông mà Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc, nước có quân đội mạnh hơn.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA: “Tôi nghĩ rằng trong tương lai Việt Nam sẽ chào đón hơn nữa đối với các tàu hải quân của Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, ông cho rằng “Một số người bảo thủ trong chính phủ Việt Nam không muốn mối quan hệ với Hoa Kỳ phát triển quá nhanh”.
Ngoài Việt Nam, Hoa Kỳ thường xuyên điều tàu chiến đi vào Biển Đông thực hiện tuần tra vì tự do hàng hải, và cũng để cảnh báo Trung Quốc, nước mà Washington coi là một siêu cường đối thủ.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-nhich-ve-my-nhung-khong-qua-gan/5317934.html
Việt Nam xác nhận ca nhiễm COVID-19 mới ở Hà Nội
Nhà chức trách Việt Nam tối thứ Sáu loan báo một ca nhiễm virus corona mới được phát hiện ở Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam sẵn sàng tuyên bố hết dịch nếu không có trường hợp nào được ghi nhận thêm nữa.
Truyền thông trong nước đưa tin Bộ Y tế ngày 6 tháng 3 cho biết Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19, tên gọi chính thức của virus corona chủng mới, đối với một người phụ nữ 26 tuổi ngụ tại quận Ba Đình.
Trong một cuộc họp khẩn cấp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cung cấp thêm chi tiết ca nhiễm mới này, nói rằng bệnh nhân đã đi thăm chị gái tại Anh và cùng chị gái qua Ý du lịch. Cô này về Hà Nội vào ngày 2 tháng 3 trên một chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam Airlines.
Bệnh nhân được nói là bị sốt 38 độ vào ngày 5 tháng 3. Cô được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để theo dõi điều trị trong cùng ngày và đã được bệnh viện làm xét nghiệm COVID-19, kết quả dương tính.
Hiện bệnh nhân đang được cách li theo dõi sức khỏe “nghiêm ngặt,” nhà chức trách nói.
Hình ảnh đăng trên truyền thông trong nước cho thấy khu phố được nói là nơi bệnh nhân cư ngụ ở quận Ba Đình đã bị phong tỏa với nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đứng túc trực.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin những người tiếp xúc với bệnh nhân tại nhà hiện sức khỏe “bình thường” và không có ai có biểu hiện ho sốt.
Báo này cho biết Hà Nội cũng đã phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại nhà bệnh nhân và khu vực nhà bệnh nhân, bệnh viện Hồng Ngọc nơi bệnh nhân đến đầu tiên sau khi phát bệnh, và nhà những người tiếp xúc gần.
Ngoài ra những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng đã được đưa đi cách li tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, Tuổi Trẻ cho biết. Những người có tiếp xúc với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thì được yêu cầu cách li y tế tại gia đình theo quy định.
Trước khi có ca nhiễm mới, Việt Nam có 16 bệnh nhân COVID-19 và tất cả đều đã được chữa khỏi, nhà chức trách cho biết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hôm 4 tháng 3 nói nếu trong vòng tuần tới mà không có thêm ca nhiễm bệnh nào thì Việt Nam sẽ chính thức công bố “hết dịch”.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận chưa thể nói Việt Nam đã “thành công” trong việc phòng chống dịch vì những diễn biến “rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường” của dịch bệnh.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-xac-nhan-ca-nhiem-covid-19-o-hanoi/5318274.html
4 người Trung Cộng nhập lậu vào Việt Nam
để trốn dịch coronavirus
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 5 tháng 3 năm 2020 loan tin, vào tối ngày 4 tháng 3, nhà chức trách tỉnh Thừa Thiên- Huế đã kiểm tra hành chính xe hơi chỏ khách mang bảng kiểm soát 14B-03451 thì phát hiện có 4 người Trung Cộng ở trên xe.
4 người Trung Cộng gồm: Wang Xiao Ming, 26 tuổi, quê tỉnh Phúc Kiến; Shu Chan Nan 37 tuổi, quê tỉnh Quảng Đông; Wang Xiao Chao 24 tuổi, quê Phúc Kiến và Wang Shi Sen, 23 tuổi, quê Phúc Kiến.
Tất cả những người này đều vào Việt Nam bằng con đường phi pháp nên không có hồ sơ nhập cảng, sổ thông hành cũng không có đóng dấu nhập cảng. Nhóm người này đã thuê chiếc xe trên để chở đi từ tỉnh Quảng Ninh và điểm đến là thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi đoàn người vào một nhà hàng ở Huế để ăn tối thì bị nhà chức trách đến kiểm tra.
Tại cơ quan công an, 4 người Trung Cộng khai là đến Việt Nam để tránh dịch coronavirus. Sau đó, nhà chức trách tỉnh Thừa Thiên- Huế đã kiểm tra sức khoẻ 4 người Trung Cộng, và 2 tài xế người Việt Nam, rồi đưa vào cách ly tại trường quân sự của tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Bách, Phó chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế nói, hiện công an tỉnh đang xin ý kiến của cơ quan Xuất nhập cảng, và có thể cách ly 14 ngày đối với 4 người trên rồi sau đó mới trục xuất họ về nước, hoặc sẽ trục xuất họ về nước sau khi có kết quả âm tính với coronavirus.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/4-nguoi-trung-cong-nhap-lau-vao-viet-nam-de-tron-dich-coronavirus/
Virus corona: Việt Nam chế xét nghiệm phát hiện nhanh
Trọng Thành
Hôm qua, 05/03/2020, bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam chính thức giới thiệu bộ sinh phẩm (bộ Kit) dùng để phát hiện virus corona chủng mới (SARS-Cov-2). Sản phẩm vừa được bộ Y Tế công nhận hôm trước. Cùng ngày, thủ tướng Việt Nam yêu cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án ”cách ly trên diện rộng”, để đối phó với dịch virus corona (Covid-19) bùng phát.
Sinh phẩm xét nghiệm virus corona mới do công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, phối hợp với Học viện Quân y sản xuất. Theo bộ Khoa Học và Công Nghệ, xét nghiệm cho kết quả chỉ sau hơn một giờ. Công ty Việt Á có thể sản xuất 10 000 bộ kit/ngày, và khi cần có thể tăng công suất lên gấp ba lần.
Thông tin nói trên được đưa ra đúng vào lúc chính quyền Việt Nam hôm 04/03, vừa tổ chức rầm rộ đợt diễn tập quân sự, để đối phó với 5 cấp độ, hay 5 kịch bản dịch bệnh, trong đó kịch bản xấu nhất, được thông báo là có từ 3000 đến ”30 000 người nhiễm virus” (hôm qua, 05/03, theo một phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong một cuộc họp chính phủ, thì kịch bản diễn tập nói trên chỉ liên quan đến tình huống 30 000 người phải cách ly, chứ không phải 30 000 ca nhiễm bệnh như truyền thông trong nước loan tải).
Về phương án đối phó với tình huống xấu, nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, người đứng đầu chính phủ yêu cầu tất cả các đô thị đông dân ”đều phải lên kế hoạch cách ly trên diện rộng”, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Vậy phải chăng Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng đối phó với kịch bản phong tỏa nhiều khu vực dân cư lớn tại các thành phố. Việc xét nghiệm trên quy mô lớn, còn gọi là ”tầm soát” là một biện pháp hỗ trợ cần thiết cho quyết định phong tỏa, để giúp cho tiến trình phong tỏa được hiệu quả hơn, tránh tình trạng ”phong tỏa mò”, khi ngành y tế không có được đủ thông số về tình trạng và nguy cơ cụ thể tại khu vực dân cư dự kiến phong tỏa, như trường hợp tại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian vừa qua.
Trả lời RFI Tiếng Việt, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (Thành phố Hồ Chí Minh) giải thích:
”Việt Nam hiện nay là xét nghiệm để tìm chẩn đoán dương tính. Vì ở Việt Nam, người ta đánh giá là ngoài cộng đồng không có nhiều, cho nên người ta chỉ chọn những người nào có nguy cơ, cộng thêm có triệu chứng, thì người ta mới làm. Còn như Hàn Quốc, và sau này, có khả năng như Ý, hay những vùng nào bị nhiều quá, bị hồi nào không hay, không biết là ở ngoài môi trường có bao nhiêu, thì gọi là xét nghiệm để ‘tầm soát’. ‘Tầm soát’ có nghĩa là để biết xem trong 100 người có mối liên quan thì có bao nhiêu người bị. Nếu độ lây lan ngoài cộng đồng không nhiều thì không ai làm xét nghiệm ‘tầm soát’ làm gì cho phí.
Việc sử dụng xét nghiệm và việc phong tỏa, hai việc này hỗ trợ cho nhau. Thí dụ trong khu phố bị nghi ngờ có sự lan rộng, và ở mức độ nào, thì chỉ có xét nghiệm mới trả lời được câu hỏi đó. Lúc đó người ta dùng cái xét nghiệm nhanh đó, người ta tìm trong khu phố đó, trong một nhóm, người bệnh là bao nhiêu, để người ta cách ly thêm một đợt (một vòng) nữa. Đó là sự hỗ trợ. Còn nếu phong tỏa, khi cần mà không có đủ xét nghiệm, thì lúc đó là phong tỏa mò. Nếu có xét nghiệm, thì sẽ sàng lọc ra. Rõ ràng
là nếu có trong tay đủ lực làm xét nghiệm thì sẽ làm nhanh hơn, lọc ra được nhóm nào cần cách ly tuyệt đối, nhóm nào cần hạn chế đi lại”.
Hôm nay, chính quyền Việt Nam có thêm nhiều biện pháp đối phó với dịch bệnh Covid-19. Kể từ 6 giờ sáng mai 7/3, mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Theo thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam phải chuyển sang trạng thái phòng chống ở mức độ cao hơn, và có khả năng ”xuất hiện ca Covid-19 mới’‘.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra rất hoài nghi về thông báo không có trường hợp nào mắc virus hiện nay ở Việt Nam, do chính quyền đưa ra, khi tại Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng các giám sát độc lập về y tế, và lo ngại chính quyền có toàn quyền thao túng các kết quả xét nghiệm theo hướng nào có lợi cho bộ mặt của chế độ.
Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế
Bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 7/3 mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc.
Đó là yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra tại cuộc họp hôm 6/3 về diễn biến dịch Covid-19 và được truyền thông trong nước loan tin.
Theo tin, bên cạnh hình thức khai giấy, hành khách có thể khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức điện tử ngay trước khi thực hiện chuyến đi đến Việt Nam tại website http://suckhoetoandan.vn/khaiyte.
Tính đến 17h ngày 5/3, Việt Nam không ghi nhận các trường hợp mắc mới; hiện đang theo dõi, cách ly 68 người; tổng số người nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ là hơn 14.200 người, trong đó có 407 người cách ly tập trung tại bệnh viện, hơn 8.800 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và hơn 5.000 người cách ly tại nhà, nơi cư trú…
Cũng liên quan dịch bệnh COVID-19, tin cho hay 26 tỉnh, thành tại Việt Nam đã thông báo cho học sinh tiếp tục nghỉ học phòng tránh dịch Covid-19 đến hết ngày 15/3. Riêng học sinh lớp 12 đi học bình thường.
Tại TPHCM, Sở Giáo dục Đào tạo trong ngày 6/3 cho biết, theo dự kiến ban đầu của UBND TPHCM, khoảng 73.000 học sinh lớp 12 sẽ quay trở lại trường học từ ngày 9-3, học sinh các khối khác nghỉ đến hết ngày 15/3.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thành phố cho biết lãnh đạo sẽ bàn về thời gian trở lại trường học của học sinh trong cuộc họp cuối ngày 6/3.
Tuy vậy, trong cùng ngày Sở cũng đã cho biết sẽ phát miễn phí 170 ngàn khẩu trang vải kháng khuẩn cho học sinh lớp 12, đảm bảo mỗi học sinh, giáo viên sẽ nhận được 2 chiếc khẩu trang.
Cửa khẩu Cốc Nam chính thức thông quan hàng hóa
Tỉnh Lạng Sơn và phía Trung Quốc đã thống nhất chính thức thông quan trở lại hàng hoá tại cửa khẩu Cốc Nam, kể từ ngày 6/3/2020.
Thông tin vừa nêu được truyền thông trong nước loan tải sau buồi Hội đàm giữa Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Chính phủ nhân dân Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, hôm 5/3/2020.
Cụ thể sau Hội đàm, cả 2 bên đã đi đến thống nhất, cho phép thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu trở lại qua cặp cửa khẩu Cốc Nam – Lũng Vài từ 10 giờ 30 phút ngày 6/3/2020 trên cơ sở đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch Covid-19.
Trong thời gian này, sẽ khôi phục thông quan các mặt hàng nông sản, trái cây. Nhưng các mặt hàng thuỷ hải sản vẫn chưa được thông quan. Ngoài ra, việc phân luồng phương tiện xe Trung Quốc sang bến bãi phía Cốc Nam nhận hàng cũng được thực hiện tại buổi Hội đàm.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn cũng giao Sở Y tế tỉnh thực hiện nghiêm túc quy trình phòng chống dịch bệnh, đối với xe và người lái thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu, kiểm tra điều kiện khu vực cách ly tại các bến bãi.
Dịch COVID-19:
TP.HCM lên phương án cách ly khu vực rộng
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, TP.HCM đang lên phương án cách ly các khu vực trong thành phố với mức độ lên tới quy mô quận, huyện nếu dịch COVID-19 bùng phát.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đưa ra tại buổi làm việc với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học vào sáng 6/3.
Người đứng đầu Sở Y tế TP.HCM cho biết trong tuần vừa qua, Sở Y tế thành phố đã họp bàn để đưa ra các phương án cách ly một phường, một xã, thậm chí một quận.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói kế hoạch thực hiện sẽ khá khó khăn đối với các phường trong trung tâm thành phố, còn những địa bàn xa trung tâm thì dễ hơn. Một trong những kịch bản xấu nhất được nêu ra là phải mượn ký túc xá sinh viên để làm nơi cách ly.
Theo thông tin tại buổi họp, TP.HCM đang tiếp tục chuẩn bị các khu cách ly tập trung mở rộng ở huyện Củ Chi và dự kiến thực hiện thêm khu cách ly tập trung ở huyện Cần Giờ.
Huyện Cần Giờ được khẳng định thích hợp để làm nơi cách ly, điều trị vì có dân số ít và có điều kiện địa lý phù hợp.
Người đứng đầu Sở Y tế TP.HCM nêu bài học chống dịch của Trung Quốc là phải cách ly triệt để kể cả những người có tiếp xúc với bệnh nhân. Ông Bỉnh nhấn mạnh đối với dịch COVID-19 thì “chủ quan là tự sát”.
Tính đến ngày 6/3, TP.HCM xác nhận chỉ có 3 trường hợp nhiễm COVID-19, tất cả đã được chữa trị khỏi bệnh và xuất viện.
Số liệu hôm 6/3 của giới chức TP.HCM công bố cho biết hiện đang có 222 người đang được theo dõi tại các cơ sở cách ly tập trung ở thành phố, và 526 trường hợp đang được theo dõi tại nhà.
Trước đó, Bộ Y tế Việt Nam nói đã chuẩn bị tình huống có khoảng từ 1 ngàn đến 10 ngàn người nhiễm bệnh ở Việt Nam.
Tin tổng hợp 6/3: Đô thị lớn lên phương án
cách ly diện rộng, 5 tỉnh miền Tây công bố
hạn mặn khẩn cấp
Trúc Bạch
Kính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 6/3 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay sẽ có những nội dung sau.
Đô thị lớn lên phương án cách ly trên diện rộng
Theo Dân Trí, ngày 5/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong trường hợp xấu nếu dịch bùng phát trên diện rộng, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM phải lên kế hoạch cách ly diện rộng.
Đồng thời, cần lập kế hoạch dự phòng, về vị trí, chỗ ở và nguồn cung ứng nhu yếu phẩm nếu phải cách ly trên diện rộng. Các ngành cần lên kế hoạch chi tiết, điều chuyển nhân lực y tế và nguồn lực hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả đến các nơi trong tình huống ổ dịch xảy ra.
Thủ tướng giao Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu trang dự trữ (cộng với 10 triệu chiếc ban đầu là 30 triệu chiếc) và một số khẩu trang N95, trang phục chống dịch.
Ông Phúc đồng ý với các kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch như dừng hiệu lực của giấy miễn thị thực cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng với dừng miễn thị thực đơn phương đối với quốc gia đó.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố chuẩn bị phương án huy động một số khách sạn, cơ sở lưu trú để tổ chức cách ly (khi đã hết cơ sở cách ly do quân đội bố trí).
Người đàn ông tử vong sau khi trở về từ Hàn Quốc, âm tính với nCoV
Sau khi từ Hàn Quốc về đến Cần Thơ, chiều 4/3, ông L.V.D. (65 tuổi) có biểu hiện choáng, ngất xỉu. Người đàn ông này được đưa từ sân bay đến khu tiếp nhận cách ly của bệnh viện tại Cần Thơ.
Chiều 5/3, Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ Cao Minh Chu cho Zing biết, Viện Pasteur TP.HCM thông báo kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân 65 tuổi này âm tính với Covid-19.
Các bác sĩ nhận định bệnh nhân tử vong do sốc nhiễm trùng trên nền đợt cấp của suy thận mãn, đái tháo đường type II, hôn mê do nhiễm ceton máu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế đến 22h00 ngày 5/3, Việt Nam đã xét nghiệm 1.924 ca, trong đó 1.908 trường hợp âm tính với nCoV. Cả nước có 68 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi để không lây nhiễm ra cộng đồng; 14.241 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
5 tỉnh miền Tây công bố hạn mặn khẩn cấp
Theo VnExpress, 5 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang và Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp, tập trung ứng phó do hạn mặn vượt mốc lịch sử 2016.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm (59 tuổi) – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, “năm nay mặn gay gắt chưa từng thấy. Diện đất bị nhiễm mặn phải mất 2-6 năm, thậm chí 10 năm mới rửa hết, tùy theo mức độ, biện pháp phục hồi”.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, trong tháng 3, dòng chảy sông Mekong từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng vẫn ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Từ ngày 7 đến 15/3, ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu 100-110 km trên sông Vàm Cỏ; 60 km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại. Trên sông Hàm Luông, nước mặn 4 phần nghìn xâm nhập 78 km; 70 km trên sông Cổ Chiên và sông Hậu; 62-65 km tại sông Cái Lớn. Chỉ riêng sông Cái Lớn có mức xâm nhập mặn tương đương với đợt thiên tai năm 2016; các sông còn lại đều cao hơn 3-8 km.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin, đến nay miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử 4 năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.
Lên phương án tiếp nhận lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam
Bộ LĐTB&XH vừa có báo cáo thống kê số lao động của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy,… đang làm việc tại Việt Nam.
Số liệu gần nhất của các tỉnh, thành cho thấy cả nước hiện có hơn 15.300 lao động Trung Quốc đang làm việc, trong đó 2.600 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, doanh nghiệp, nơi cư trú.
Theo Zing, so với một tuần trước, số lao động Trung Quốc bị cách ly đã giảm khoảng 7.000 người do các trường hợp đã đủ thời hạn cách ly 14 ngày và được các cơ sở y tế kiểm tra theo quy định phòng chống dịch.
Căn cứ vào tình hình dịch COVID-19, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo lên phương án tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc theo hướng chọn lọc, trình tự.
Việc tiếp nhận những người này phải có lộ trình với một số chuyên gia, lao động thuộc những ngành nghề, lĩnh vực nhất định và phải xuất phát từ yêu cầu thực tế của công việc. Tất cả các trường hợp quay lại làm việc vẫn phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về kiểm tra sức khỏe, cách ly.
FIFA và AFC muốn hoãn vòng loại World Cup khu vực châu Á
Trong thông cáo phát đi tối 5/3, trang chủ của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) thông tin, bước đầu họ muốn đề xuất hoãn đợt trận vòng loại World Cup, chỉ chờ quyết định chính thức.
Thông cáo của AFC có đoạn: “Đối với cả FIFA lẫn AFC, sức khoẻ của từng cá nhân tham gia hoạt động bóng đá vẫn là ưu tiên cao nhất. Do đó, một đề nghị chính thức về việc hoãn các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 và Asian Cup 2023 sẽ được gửi đến các thành viên.
FIFA và AFC sẽ thông tin cập nhật về lịch thi đấu mới, trong ít ngày tới, sau cuộc họp với đại diện các liên đoàn thành viên của AFC”.
Theo Dân Trí, với thông báo vừa nêu, khả năng trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia, dự kiến diễn ra ở sân Bukit Jalil tại Kuala Lumpur (Malaysia), vào ngày 31/3, bị hoãn là rất cao.
Trước đó, nhiều tờ báo tại châu Á đưa tin đợt trận vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, diễn ra vào tháng 3 và tháng 6, có thể được dời đến sau tháng 10.