Tin Việt Nam – 05/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt  Nam – 05/03/2020

Vợ góa cụ Lê Đình Kình

chính thức gửi đơn tố giác vụ giết chồng bà

Diễm Thi, RFA

Chính thức tố giác

Vào ngày 3 tháng 3 năm 2020, bà Dư Thị Thành, vợ góa của ông Lê Đình Kình chính thức làm Đơn Tố Giác Tội Phạm gửi đến một số cơ quan chức năng yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi giết người theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với chồng bà là ông Lê Đình Kình.

Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã bị bắn chết vào ngày 9 tháng 1 năm 2020, khi hàng ngàn cảnh sát cơ động được điều đến làng Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ các mục tiêu khi xây dựng hàng rào sân bay Miếu Môn cách đó khoảng hơn 3 km.

Trong đơn, bà tả chi tiết những vết tích trên thân thể mà bà gọi là ‘tan nát’ của ông Lê Đình Kình khi gia đình nhận xác về, như: “Đầu bị bắn một viên đạn, ngực bị bắn một viên đạn, đầu gối bị bắn rất nhiều viên đạn khiến chân như gần đứt lìa, bụng và ngực ông bị mổ toang như để khám nghiệm dù không ai trong gia đình tôi được chứng kiến việc đó…”. Bà cũng trình bày rõ mọi việc diễn ra từ lúc 3 giờ sáng ngày 9 tháng 1 như thế nào ngay tại nhà bà.

RFA trò chuyện với bà qua điện thoại vào tối ngày 4 tháng 3 năm 2020 thì được bà cho biết bà đã gởi đơn hôm 3 tháng 3 năm 2020 với mong muốn minh oan cho chồng bà, ông Lê Đình Kình. Bà nói:

Chính mắt tôi chứng kiến mọi chuyện lúc 3 giờ sáng. Tôi chỉ muốn yêu cầu các cơ quan chức năng minh oan cho ông Kình chồng tôi, từ đó giải quyết cho các cháu đang trong trại giam. – Cụ bà Dư Thị  Thành

“Chính mắt tôi chứng kiến mọi chuyện lúc 3 giờ sáng. Tôi chỉ muốn yêu cầu các cơ quan chức năng minh oan cho ông Kình chồng tôi, từ đó giải quyết cho các cháu đang trong trại giam. Các cháu bị thương nặng quá mà giam ở trại thì tôi lo ngại lắm. Ông Hiểu với cháu Chức bị nặng quá mà mang về trại thì không biết có sống nổi không.

Đơn tố giác về hành vi giết cụ Kình tôi không biết họ sẽ giải quyết như thế nào. Tôi mong trước hết họ cho các cháu đi viện chăm sóc sức khỏe chứ nguy hiểm quá. Tôi chỉ biết gửi bưu điện thôi chứ chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong minh bạch mọi chuyện cho gia đình không bị oan. Minh oan cho ông Kình. Oan ức quá!”

Bà Thành nói thêm rằng, bà chỉ mong các cơ quan chức năng cũng như truyền thông trong, ngoài nước lên tiếng để mọi chuyện được sáng tỏ chứ hiện nay bà không được tiếp xúc với con, cháu bà trong trại giam, mà phía công an cũng không nghe trình bày của bà.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, một người trợ giúp pháp lý cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai, nói với RFA về lá đơn của bà Dư Thị Thành:

“Đích thân bà Dư Thị Thành, vợ người bị hại làm và nộp đơn thì chắc chắn họ phải phản hồi. Đơn được gửi cho ba cơ quan là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công An; Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an. Nếu không có sự phản hồi nào thì đại diện cho người bị hại, chúng tôi có quyền khiếu nại đi các nơi.”

Theo nhận định của Luật sư Ngô Anh Tuấn thì tuy đơn được gửi đến ba nơi, nhưng ông hy vọng cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có khả năng phản hồi cao nhất, bởi đây là cơ quan độc lập hơn hai nơi kia (đều là phía công an) trong trường hợp này.

Trong buổi trò chuyện với RFA tối 4 tháng 3 năm 2020, bà Dư Thị Thành nhiều lần xót xa, nghẹn lời khi nhắc đến những người con, cháu của bà đang bị bắt giam với tình hình sức khỏe tồi tệ qua những thông tin từ luật sư mà bà được biết.

“Họ không thể im lặng được!”

Luật sư Lê Văn Hòa, một trong số các luật sư tham dự buổi hỏi cung của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội đối với hai bị can Lê Đình Công, Lê Đình Chức viết trên facebook cá nhân của ông rằng, ông Chức vẫn sống chứ không chết như tin đồn. Vết thương vỡ đầu trong rạng sáng 9/1/2020 đã gây hiện tượng có lúc nhớ lúc quên và nửa người bên trái vẫn bị liệt. Ông Lê Đình Công đi lại và trí nhớ bình thường, các vết thâm trên mặt khi xuất hiện trên VTV tháng trước nay không còn nữa.

Luật sư Lê Văn Hòa gợi ý gia đình có thể viết đơn gửi Cơ quan Điều tra xin phép gửi thuốc men để nhờ Trại tạm giam chuyển cho người thân để trị bệnh và bồi dưỡng sức khỏe.

Tôi nghĩ họ sẽ không im lặng được trong trường hợp này, bởi đối với một cái chết thì phải có nguyên nhân, phải có lý do. Do đó họ phải có văn bản phản hồi rõ ràng. – LS. NGô Anh Tuấn

Luật sư Hà Huy Sơn cho RFA biết tình trạng ông Bùi Viết Hiểu và bà Trần Thị Phượng vào tối 4 tháng 3 năm 2020:

“Ngày hôm qua tôi có gặp ông Bùi Viết Hiểu sinh năm 1943, là thương binh. Tôi gặp khi tham dự buổi hỏi cung với điều tra viên. Tại buổi hỏi cung ông Hiểu cho biết từ khi bị bắt là ngày 9 tháng 1, họ đưa ông vào viện mổ. Đến ngày 17 tháng 1 thì đưa Bệnh xá Trại tạm giam 02 CA Hà Nội cho đến nay. Mổ nội soi hành tá tràng, thủng 3 lỗ; đứt 2 đoạn đại tràng; mổ bó bột bàn chân bị vỡ xương. Hiện ông đang phải đeo túi hậu môn nhân tạo. Đó là tình trạng sức khỏe mà ông Hiểu cho tôi biết.

Người thứ hai là chị Trần Thị Phượng sinh năm 1984. Chị Phượng ra đầu thú ngày 11 tháng 1. Sức khỏe chị Phượng hiện bình thường. Chị cho biết trước có bị đánh vào đầu. Thời gian đầu chị bị đau không gội đầu được. Đến ngày hôm qua tôi gặp thì tình trạng này đã đỡ rồi.”

Luật sư Hà Huy Sơn cho biết nhìn bên ngoài thì ông Hiểu và bà Phượng làm việc minh mẫn, còn tình trạng đau đớn thì ông không thấy thể hiện ra nên ông không khẳng định được họ có đau đớn gì không.

Bà Dư Thị Thành cho RFA biết bà không được vào thăm con, cháu, cũng không ai trong chính quyền nghe bà nói nên cách duy nhất bà có thể làm là gởi đơn qua đường bưu điện. Nếu không nhận được phản hồi thì bà gửi lại.

Luật sư Ngô Anh Tuấn bày tỏ hy vọng:

“Tôi nghĩ họ sẽ không im lặng được trong trường hợp này, bởi đối với một cái chết thì phải có nguyên nhân, phải có lý do. Do đó họ phải có văn bản phản hồi rõ ràng. Chúng tôi sẽ dựa trên văn bản đó để có những yêu cầu tiếp theo. Họ không thể im lặng được!”

Ngoài đơn tố giác tội phạm của cụ bà Dư Thị Thành, một đơn tố giác khác cũng được công khai hôm 20 tháng 1 năm 2020. Đơn này do các nhân sĩ trí thức cũng nhiều người quan tâm ký tên. Tính đến hôm nay đã có khoảng 100 chữ ký.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ms-duthithanh-officially-apply-form-accuse-for-her-husband-killed-dt-03042020122334.html

 

Hai cựu cán bộ cao cấp TP.HCM

liên quan vụ Thủ Thiêm bị đề nghị kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 43 đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban bí thư xem xét kỷ luật ông Lê Thanh Hải (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy) và ông Lê Hoàng Quân (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM), vì có liên quan đến những sai phạm xảy ra ở khu đô thị Thủ Thiêm ở Quận 2.

Truyền thông trong nước loan tin hôm 5/3 cho biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã quyết định thi hành kỷ luật dưới hình thức khiển trách bà Nguyễn Thị Hồng (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM).

Những vi phạm của ông Nguyễn Văn Đua (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy) và ông Vũ Hùng Việt (nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Bán cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) bị đánh giá đến mức phải kỷ luật khiển trách, nhưng đã hết thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định đảng.

Trước đó vào tháng 1 tại kỳ họp lần thứ 42, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng TP.HCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án Thủ Thiêm.

Những vi phạm của các cựu cán bộ TP.HCM bị xác định gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của một bộ phận người dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội.

Ông Lê Thanh Hải bị xác định chịu trách nhiệm chính liên quan những sai phạm ở Thủ Thiêm.

Việc giải tỏa lấy đất làm Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm ở Quận 2, TP.HCM được chính quyền thực hiện từ năm 2002. Hơn 15 ngàn hộ dân ở địa phương đã bị di dời nhưng đến hiện nay vẫn còn hàng trăm hộ vẫn tiếp tục làm đơn khiếu kiện vì việc đền bù không thỏa đáng.

Những bất cập và mập mờ trong việc sắp xếp tái định cư đã đẩy hàng ngàn hộ dân Thủ Thiêm lâm vào cảnh sống khổ cực vì kế sinh nhai bị ảnh hưởng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-ho-chi-minh-city-officials-involved-in-the-thu-thiem-case-proposed-to-be-disciplined-03052020072609.html

 

Ông Lê Thanh Hải chờ kỷ luật,

ông Nguyễn Văn Đua ‘được tha’

Cơ quan kiểm tra của Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM.

Bàn Tròn Đặc Biệt: Đồng Tâm điểm nóng đầu năm 2020 của VN

Kỷ luật em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải

Con trai ông Lê Thanh Hải bị khiển trách

VN: Thông điệp năm mới 2020 – ‘đột phá’ thể chế

Thông báo ngày 5/3 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cập nhật mới nhất, sau một thông báo của cơ quan này hồi tháng Giêng.

Ủy ban này cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM.

Hồi tháng Giêng, thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói một loạt lãnh đạo cao cấp của TPHCM giai đoạn 2010-2016 đã có vi phạm trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuy vậy, hôm 5/3, cơ quan này nói vi phạm của hai ông, Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Vũ Hùng Việt, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, song đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.

Người còn lại, bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố, bị ủy ban kỷ luật khiển trách.

Ông Lê Thanh Hải, từng là một trong những chính khách nổi tiếng và quyền lực nhất Việt Nam, đã nghỉ hưu sau Đại hội Đảng 12 năm 2016.

Từ sau khi được bầu lại tại Đại hội Đảng 12 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đẩy mạnh công cuộc kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng.

Trong hai năm 2017 và 2018, có 56 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật của Đảng, trong đó có 11 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ 01 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.

Thanh tra Chính phủ nói về Thủ Thiêm

Vào tháng Sáu 2019, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra Thủ Thiêm đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý kỷ luật Đảng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nói về các nguyên nhân, trách nhiệm chủ yếu dẫn đến khuyết điểm, vi phạm ở dự án Thủ Thiêm.

Họ cho rằng Nguyên nhân khách quan là:

Những khó khăn, biến động khó lường về kinh tế, xã hội trong và ngoài nước; nhất là thị trường bất động sản có nhiều diễn biến xấu bất thường, thay đổi liên tục, có lúc có chiều hướng đi xuống, khó thu hút các nhà đầu tư;

Cơ chế thực hiện quản lý đầu tư KĐTM Thủ Thiêm cũng như cơ chế thanh toán bằng quỹ đất sạch cho các dự án BT không rõ ràng, có nhiều hạn chế, khó thực hiện.

Thanh tra Chính phủ nói Nguyên nhân chủ quan là:

Việc nhận thức, chấp hành các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành cũng như các quy định của pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, có lúc chưa nghiêm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố và các sở, ngành tham mưu; sự phối hợp giữa các sở, ngành của Thành phố còn chậm trễ, chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ;

Một số nơi còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhiều vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Hậu quả là đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây lãng phí, nguy cơ gây thất thoát tiền của nhà nước với giá trị lớn; xét tổng thể đến thời điểm thanh tra, việc đầu tư KĐTM Thủ Thiêm là chưa có hiệu quả, mất cân đối về tài chính.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51738508

 

11 lãnh đạo các công ty con

của Công ty địa ốc Alibaba bị bắt tạm giam

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM ngày 5/3 đã khởi tố 14 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan vụ công ty địa ốc Alibaba bán dự án ma.

Theo tin Mạng báo Zing.vn loan vào cùng ngày trong số 13 người bị bắt tạm giam có 11 người là giám đốc và tổng giám đốc các công ty con của Công ty địa ốc Alibaba.

Riêng bà Võ Thị Thanh Mai – vợ của Ông Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Alibaba) cũng nằm trong danh sách 14 người bị khởi tố nhưng bị can này được cơ quan điều tra cho tại ngoại.

Liên quan đến vụ án này, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch tập đoàn Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, em trai Luyện), Nguyễn Thái Lực (21 tuổi, em trai Luyện) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng bị cáo Lực còn bị khởi tố thêm hành vi Rửa tiền.

Được biết, vào tháng 9/2019, Công an TPHCM đã tiếp nhận đơn của hơn 900 cá nhân tố giác công ty Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Tập đoàn Alibaba được nói đã thu mua 600 hecta đất nông nghiệp để lãnh đạo và người thân đứng tên, sau đó tự vẽ ra 40 dự án không có thật tại các tỉnh Đồng Nai (29 dự án), Bà Rịa-Vũng Tàu (9 dự án), Bình Thuận (2 dự án).

Các dự án trên được cho biết chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép nhưng được Công ty Alibaba quảng cáo là đất nền nhà ở để lừa bán cho khách hàng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định ông Nguyễn Thái Luyện giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo cùng với người em Nguyễn Thái Lĩnh thành lập Công ty Alibaba và các công ty con có tổng quy mô hơn 2600 nhân viên.

Cơ quan Điều tra bước đầu xác định Công ty Alibaba núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hình thức đa cấp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/11-directors-vice-directors-of-alibaba-subsidiary-companies-arrested-03052020072624.html

 

Nhà thầu TQ chịu trách nhiệm chính

trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là đơn vị tổng thầu chịu trách nhiệm chính trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị đội vốn và chậm tiến độ.

Đây là nội dung Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) về việc xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan việc chậm tiến độ, đội vốn của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông.

Theo văn bản trả lời cử tri TP.HCM được truyền thông trong nước trưng dẫn vào ngày 3/3, Bộ GTVT cho biết bộ này là chủ đầu tư của dự án đường sắt Cắt Linh-Hà Đông và một số cơ quan trực thuộc bộ này chịu trách nhiệm về công tác quản lý điều hành dự án, chất lượng lập dự án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, giám sát tiến độ thi công, chất lượng, giá thành xây dựng…

Bộ GTVT cho biết thêm hiện đang tiến hành rà soát các điều khoản trong hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc để xác định rõ trách nhiệm của các bên và đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, dài khoảng 13km, được dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu đô la Mỹ (USD) và đến năm 2019, dự án đã đội vốn lên đến 886 triệu USD.

Bộ GTVT cho biết đến thời điểm hiện tại, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa được đưa vào khai thác là do một số hạng mục thiết bị cần được hoàn thành xử lý trước khi nhà thầu bàn giao và vẫn đang hoàn thiện đánh giá an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, các nhân viên của nhà thầu Trung Quốc chưa thể quay lại Việt Nam làm việc sau đợt nghỉ tết nguyên đán vì bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cũng tin liên quan đến đường sắt đô thị tại Việt Nam, truyền thông trong nước trong cùng ngày 3/3 dẫn nguồn từ Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên sắp chạy thử nghiệm và dự kiến sẽ khai thác thương mại vào cuối năm 2021.

Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết dự án đạt tiến độ khoảng 71% khối lượng và đoàn tàu của Metro sẽ được nhập khẩu về nước trong tháng 6/2020. Dự kiến, quý III năm 2020, đoạn trên cao từ Bình Thái về Depot Long Bình (quận 9, TP.HCM và Bình Dương) sẽ được tiến hành chạy thử.

http://biendong.net/bi-n-nong/33343-nha-thau-tq-chiu-trach-nhiem-chinh-trong-du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong.html

 

Đuổi viên chức, cảnh sát vòi tiền người vi phạm,

được hay không, ai xử?

Thanh Trúc, RFA

Qui định đuổi việc công chức, viên chức nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng, có hành vi lợi dụng chức quyền để sách nhiễu, đòi, nhận tiền hay tài sản hối lộ từ người vi phạm, sẽ đi vào hiệu lực ngày 31/3/2020.

Mức độ khả thi và hiệu quả nhằm chống tham nhũng vặt của biện pháp này đến đâu?

Sai  phạm của người đứng ra xử lý vi phạm hành chính hay vi phạm giao thông, dẫn đến mức bị đuổi việc,  được ghi rõ trong Điều 28 và Điều 29 của Nghị Định Chính Phủ số 19/2020. Nghị định này sẽ  có hiệu lực ngày 31/3 tới đây:

Xưa nay Luật hình sự của Việt Nam đã có qui định  về tội tham nhũng rồi, là giải  thích của luật gia Hoàng Việt:

“ Qui định này nằm ở mặt chính trị, nó làm rõ thêm công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng thôi. Thực ra ở Việt Nam thì khó lắm, Luật qui định như vậy nhưng mà ai diễn giải Luật? Diễn giải như thế nào?  Nếu như ở Hoa Kỳ chẳng hạn thì câu chuyện diễn ra ở tòa án thì nó lại khác. Còn ở Việt Nam, cái này có thể tìm trên báo, một ông thiếu  tướng công an phụ trách giao thông mà bảo là cảnh sát  giao thông  đâu có tham nhũng, nhận của người ta dăm ba chục thì đâu thể gọi là tham nhũng, ông trả lời trên báo đàng hoàng thế”

”Thực ra vấn đề khó khăn của Việt Nam là thực sự không có một động lực về tư pháp hoàn toàn. Ở Việt Nam thì cơ quan công an rất mạnh, làm sao để công an khởi tố là một chuyện khó khăn, việc diễn giải luật nằm trong tay cơ quan hành pháp. Trong Luật Việt Nam phòng chống tham nhũng cũng đều có hết nhưng quan trọng nhất là thi hành luật như thế nào, ai có quyền sử dụng và diễn giải luật đó cũng như thi hành cho nó tử tế. Và trong cuộc sống gọi là tham nhũng quá nhiều thì người dân họ quen họ chấp nhận đấy là một phần trong cuộc sống. Đấy là cái  yếu của Việt Nam”

Về câu hỏi liệu có khả thi với qui định đuổi việc công chức hành chính mà nhũng nhiễu, vòi tiền, nhận tiền người vi phạm, hoặc cảnh sát giao thông khảo tiền người đi đường, thạc sĩ luật Hoàng Việt trả lời rằng đừng quên là theo luật thì người vi phạm mà đút lót hay đòi chia đôi tiền phạt cho qua cũng chính là đang phạm luật:

”Thực ra vấn đề khó khăn của Việt Nam là thực sự không có một động lực về tư pháp hoàn toàn. Ở Việt Nam thì cơ quan công an rất mạnh, làm sao để công an khởi tố là một chuyện khó khăn, việc diễn giải luật nằm trong tay cơ quan hành pháp. Trong Luật Việt Nam phòng chống tham nhũng cũng đều có hết nhưng quan trọng nhất là thi hành luật như thế nào, ai có quyền sử dụng và diễn giải luật đó cũng như thi hành cho nó tử tế. Và trong cuộc sống gọi là tham nhũng quá nhiều thì người dân họ quen họ chấp nhận đấy là một phần trong cuộc sống. Đấy là cái  yếu của Việt Nam”, Luật gia Hoàng Việt

“  Ngay cả những quốc gia có thể chế dân chủ khá tốt như Philippines thì lực lượng cảnh sát giao thông Philippines cũng nổi tiếng là tham nhũng. Nhưng mà như Đài Loan chẳng hạn thì lực lượng cảnh sát tương đối tốt hơn.”

“Vậy thì cũng không phụ thuộc vào cái việc thể chế hay không mà quan trọng là có giữ được một hệ thống pháp luật nghiêm minh hay không. Và khi người cảnh sát có lương đủ sống và nếu vi phạm thì anh phải trả giá rất lớn thì chắc chắn cảnh sát đó không dại gì mà vi phạm. Nếu cảnh sát không làm khó dân thìchắc chắn người dân chả dại gì mà vi phạm. Chỉ có điều cơ quan chấp pháp ở Việt Nam và hệ thống pháp luật rất yếu, cho nên người ta phải đi tìm cách khác, hệ thống khác…”

Chuyện công chức, viên chức hay cảnh sát giao thông mà nhũng nhiễu, vòi tiền người vi phạm được ghi nhận xảy ra hằng ngày ở Việt Nam.

Theo blogger Lã Việt Dũng, có 2 khía cạnh của một vấn đề,  đầu tiên là từ cán bộ và công nhân viên chức, và thứ hai là phía người dân. Hối lộ và đưa tiền đút lót là chuyện thường ngày ở huyện, anh nói tiếp, thành thử người dân chọn cách thôi thì hối lộ một chút để khỏi lằng nhằng. Đó là bất cập của Việt Nam hiện nay.

“Không hối lộ thì bị làm khó dễ, góc độ đó vô hình chung tạo khó khăn cho người dân, không hối lộ thì bị phiền toái rất nhiều”.

Đối với  quyết định có hiệu lực trong tháng Ba này như báo chí trong nước loan tin, người quan tâm mà nhất là cộng đồng mạng, không chỉ tỏ ra hoài nghi mà còn kháo nhau hay nhắc lại với nhau về những tai tiếng đã qua mà chừng như sự ngăn chận hay xử lý về phía các cơ quan công quyền không mấy hiệu quả.

Thí dụ một trong những vụ đưa và nhận tiền được cho là quá lộ liễu hồi tháng 3/2018, qua một video clip lan truyền trên mạng, thu được trên một tuyến đường liên tỉnh giữa thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây, cho thấy một người vi phạm giao thông đã rút trong ví ra các tờ giấy có hình thù, màu sắc giống các tờ tiền mệnh giá 100.000 hay 200.000 Đồng. Chính người vi phạm này đã trực tiếp nhét những tờ tiền đó vào tập hồ sơ của cảnh sát giao thông chận xe ông ta lại.

Video còn cho thấy cảnh sát giao thông trong clip đứng yên cho người vi phạm nhét những tờ tiền vào tập hồ sơ của mình, sau đó dùng tay rút các tờ tiền ra khỏi tập hồ sơ rồi mang cất đi.

Vụ việc quá rõ như vậy khiến 26 cán bộ tỉnh thành từ cấp chỉ huy trở xuống trong lực lượng Cảnh Sát Giao Thông bị đình chỉ công tác để điều tra.

Trả lời qua ứng dụng Messenger, ông Đức, một cư dân Sài Gòn, kể rằng công an ngoài đường khó mà  lấy được tiền của ông vì ông không bao giờ vi phạm, nhưng rồi vẫn bị họ moi tiền bằng cách:

“Tôi bị rồi, ban đêm tôi đi về, đường vắng nó ngoắc vô. Tôi hỏi có vấn đề gì không, nó nói ‘xin tiền uống cà phê thôi’. Tôi móc 50 ngàn hoặc 100 ngàn cho nó. Mở miệng xin tiền uống cà phê tôi sẵn sàng cho!”

Trao đổi về chuyện này, một độc giả dấu tên viết cho RFA như sau:

“Có lẽ chưa ở một quốc gia nào có chuyện CSGT nhận và vòi tiền mãi lộ trắng trợn như ở Việt Nam, cũng có lẽ chưa ở đâu mà người ta coi chuyện CSGT lấy tiền và không đưa biên lai phạt là chuyện bình thường như ở Việt Nam. Tệ nạn ăn bẩn này có lẽ các vị lãnh đạo không thể nói là không biết được. Nhưng chưa từng có bất cứ biện pháp hữu hiệu nào được thực thi triệt để. Có chăng chỉ là vài vụ nhỏ lẻ không thể bưng bít nổi buộc phải làm cho ra lẽ, và hình thức thì cũng “giơ cao đánh khẽ”, thiệt thòi vẫn là người dân, XH ngày càng nhiễu nhương bởi chính cái lực lượng này. Nếu không mau chóng cải tổ đám sâu mọt này thì chính chúng khiến mọi người dân mất lòng tin vào Đảng, vào chính quyền”

Anh Thiện, cư dân Sài Gòn, nói rằng làm sao xử phạt khi mà nguyên nhân của việc nhũng nhiễu, vòi tiền người vi phạm xuất phát từ một lý do đã ăn sâu bén rễ lâu nay:

“Căn nguyên phải xử lý là chuyện chạy chức chạy quyền. Em quen nhiều trong ngành công an, em biết xin vô ngành công an giao thông tốn cả tỷ bạc mới vô được, nếu không lấy tiền thì tìm đâu ra? Còn những ngành như là ủy ban muốn vô đâu phải dễ, cũng phải tốn cả tỷ bạc. Đó là cái nguyên tắc của xã hội này. Nó ăn nhậu, nó đá gà, chơi cờ bạc búa sua hết, nó phải lấy tiền!”.

“ Cái đó là trống đánh xuôi kèn thổi ngược thôi. Chẳng hạn ông thủ tướng ra cái đó cho hoành tráng, ông có hiểu nguồn gốc căn nguyên của nó không? Rồi như ông Thanh Hải ở quận Nhất đó, cũng ra lớn tiếng đòi  dẹp lòng lề đường giống như “sport” vậy, rốt cuộc có dẹp được đâu, cũng y chang như vậy lại thôi. Anh là cấp lãnh đạo, anh ra tuyên bố  đó nhưng người ở dưới có theo anh có nghe lời anh không? Ô dù một đám, người ta sẽ chơi cho  anh mất chức luôn”, Anh Thiện, cư dân Sài Gòn 

“ Cái đó là trống đánh xuôi kèn thổi ngược thôi. Chẳng hạn ông thủ tướng ra cái đó cho hoành tráng, ông có hiểu nguồn gốc căn nguyên của nó không? Rồi như ông Thanh Hải ở quận Nhất đó, cũng ra lớn tiếng đòi  dẹp lòng lề đường giống như “sport” vậy, rốt cuộc có dẹp được đâu, cũng y chang như vậy lại thôi. Anh là cấp lãnh đạo, anh ra tuyên bố  đó nhưng người ở dưới có theo anh có nghe lời anh không? Ô dù một đám, người ta sẽ chơi cho  anh mất chức luôn”.

Đuổi việc cán bộ viên chức, cảnh sát công an ăn hối lộ, vòi tiền đút lót là biện pháp tất yếu không thể không thực hiện, là nhận định của anh Tuấn ở Hà Nội:

“Một cách khách quan và nhìn nhận theo góc độ tổng quan thì đó là biện pháp tất yếu phải đưa ra để xử lý cái thực tế tồn tại rõ ràng và không thể phú nhận. Nếu không có thực tế tồn tại đó thì người ta không cần phải ban hành chính sách này. Đó là một chính sách tốt và cần thiết”

“Tuy nhiên để nói rằng có khả thi hay không thì lại phải xem xét trong bối cảnh môi trường chính trị ở Việt Nam thì rất là chuyên chính,chỉ còn sự giám sát rất là mong manh nơi người dân, mà bản thân người dân lại không có hội đoàn, không có truyền thông riêng mà chỉ là những tiếng nói yếu ớt trên các trang cá nhân Facebook. Thực tế là hiệu quả của chính sách này vẫn là câu chuyện tham nhũng của nội bộ, giống như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng chống tham nhũng tức là ta đánh ta. Nên là về tổng quan tôi nghĩ nó chỉ hạn chế phần nào tiêu cực, rồi để bảo vệ tốt hình ảnh cán bộ trước con mắt người dân. iệc thực thi pháp luật ở Việt Nam trở nên nghiêm túc hơn, hạn chế hơn hành vi nhũng nhiễu dân. Tuy nhiên hiệu quả của nó thì tôi thật sự nghi ngờ vì nó giống như câu chuyện tự mình đánh mình thôi”

Tưởng cần nhắc từ lúc lên nhậm chức tổng  bí thư, về sau kiêm luôn chức chủ tịch nước, ông  Nguyễn Phú Trọng nhiều lần tuyên bố quyết tâm chống tệ nạn nhũng nhiễu, tham ô mà ông cho là đã lây lan từ thượng tầng đến cấp thừa hành trong bộ máy Nhà Nước.

Người dân thì cho rằng lò đốt củi của ông Trọng khói nhiều mà củi  ít nên tro than còn lại không được bao nhiêu.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/corrupt-police-tobe-fired-03042020132332.html

 

5 tỉnh miền Tây

công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn

Tính đến ngày 4 tháng 3, đã có 5 tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Báo trong nước đưa tin cùng ngày.

Ở hạ nguồn ba nhánh sông Mekong gồm sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, tỉnh Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng sớm nhất của tình huống nước mặn xâm nhập.

Tại Sóc Trăng, xâm nhập mặn đã làm khoảng 1.000ha lúa đông xuân của huyện Trần Đề bị ảnh hưởng năng suất và trên 1.500ha lúa vụ 3 của huyện Long Phú bị thiệt hại.

Tại Bến Tre, dự kiến hơn 5.000ha lúa vụ 3 cũng sẽ bị mất trắng. Còn ở Tiền Giang, ngay trong vùng ngọt hóa, cây lúa cũng đang điêu đứng vì không có nước ngọt, nguy cơ giảm năng suất rất cao…

Báo trong nước nêu so sánh, đợt xâm nhập mặn năm 2016 được xem là đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới lặp lại thì mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập trước đó.

Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, vào giữa tháng 1 năm 2020, xâm nhập mặn trên các sông chính tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016.

Cũng tin liên quan, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 5 tháng 3, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng: “Là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích lũy không chỉ của riêng công trình thủy điện Luang Prabang mà tất cả công trình thủy điện khác trên dòng chảy chính của sông Mekong”.

Bà Hằng nói thêm rằng, việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đời sống kinh tế – xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của ủy hội sông Mekong.

Đập thủy điện Luang Prabang được lên kế hoạch xây dựng vào tháng 4 tới là đập thứ 3 và lớn nhất của Lào trên tuyến đường thủy quan trọng nhất Đông Nam Á, sau đập Xayaburi và Don Sahong.

Việc xây dựng dự án Luang Prabang dự kiến bắt đầu vào cuối năm nay. Năm vừa qua, hạ lưu sông Mekong đoạn dài 2.390 km, nơi sinh kế của 60 triệu người đã bị thiệt hại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/5-western-provinces-declared-emergency-situation-of-drought-n-salinity-03052020072154.html

 

“Cán bộ nguồn” có thực sự

đủ năng lực dù được đánh giá giỏi, xuất sắc?

100% đạt giỏi, xuất sắc

Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho 86 cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Khóa XIII (lớp thứ 3 và lớp thứ 4) được khai giảng vào sáng ngày 5/11/2019 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Khóa học bế giảng vào ngày 2/3/2020, với kết quả 100% đạt giỏi và xuất sắc.

Trước đó, hồi tháng 10/2018, Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Khóa XIII (lớp thứ 1 và lớp thứ 2), với sự tham gia của 95 học viên cũng được thông báo đạt 100% giỏi và xuất sắc.

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo lên tiếng với RFA rằng thông tin về kết quả các khóa đào tạo cán bộ chiến lược, hay còn gọi là cán bộ nguồn từ trước đến nay luôn đạt kết quả tốt đẹp tuyệt đối. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh:

“Những khóa học gọi là công tác chính trị thì thường có những kết quả kiểu như vậy, tức là 100% đều đạt kết quả xuất sắc, khá giỏi. Bởi vì những kiến thức về chính trị rất là chung chung, có tính chất tuyên truyền nhồi sọ một chiều, đơn giản và dễ dàng, không đòi hỏi tư duy gì cả. Những người thông minh cũng như người đần độn đều có thể làm được hết. Đấy là một lý do dẫn đến chuyện 100% đều xuất sắc.”

Ông Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được báo chí dẫn lời cho biết chi tiết về chương trình học tập của khóa học (lớp thứ 3 và lớp thứ 4) gồm 6 học phần với 44 chuyên đề và 4 báo cáo thực tế địa phương. Kết thúc khóa học, các học viên làm đề án tốt nghiệp và phải bảo vệ đề án trước hội đồng có 5 thành viên là các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài học viện.

Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định với RFA rằng dù chương trình học được cụ thể hóa và thay đổi, được cho là phù hợp với thực tiễn như thế nào đi chăng nữa thì bệnh thành tích ở khối Cộng sản và Việt Nam vẫn còn rất nặng. Do đó, kết quả đạt 100% giỏi và xuất sắc của các khóa học bồi dưỡng cán bộ nguồn không có gì đáng ngạc nhiên.

Những khóa học gọi là công tác chính trị thì thường có những kết quả kiểu như vậy, tức là 100% đều đạt kết quả xuất sắc, khá giỏi. Bởi vì những kiến thức về chính trị rất là chung chung, có tính chất tuyên truyền nhồi sọ một chiều, đơn giản và dễ dàng, không đòi hỏi tư duy gì cả. Những người thông minh cũng như người đần độn đều có thể làm được hết. Đấy là một lý do dẫn đến chuyện 100% đều xuất sắc
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Phó Giáo sư-Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, bày tỏ đồng quan điểm với Nhà báo Võ Văn Tạo. Tiến sĩ Mạc Văn Trang cũng xác quyết kết quả 100% cán bộ chiến lược đạt giỏi và xuất sắc là “không có gì đặc biệt”. Tiến sĩ Mạc Văn Trang tiếp lời:

“Thực ra những lớp bồi dưỡng tại chức, nhất là học chính trị thì thầy dạy xong, thầy lại ra bài và thầy chấm điểm rồi kết quả thường rất là cao. Người ta muốn đẹp thì người ta cho 100% giỏi với xuất sắc thì đều được thôi. Nói vui ở Việt Nam do có thành tích thi đua thì 100% các cháu mẫu giáo đều được được tặng một phiếu ‘Bé ngoan’. Ở Việt Nam thì bệnh thành tích rất phổ biến, vì vậy tự ra bài thi, tự chấm rồi có thành tích đẹp vậy thôi.”

Không tin tưởng vào cán bộ lãnh đạo tương lai

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, tại buổi lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Khóa XIII (lớp thứ 3 và lớp thứ 4), cho biết 86 học viên của khóa học này là những người được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó có cán bộ được quy hoạch chức danh cấp trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương giai đoạn 2020-2025; quy hoạch chức danh bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2026.

Đài RFA ghi nhận một số nhà quan sát tình hình Việt Nam ở trong nước đều cho rằng họ không có chút niềm tin nào đối với những cán bộ chiến lược được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo trong thời gian tới. Nhà báo Võ Văn Tạo lý giải vì sao ông không thể lạc quan:

“Tôi không hy vọng gì những quy hoạch nguồn cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở mọi cấp độ; ví dụ cán bộ cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh rồi đến cấp trung ương. Tôi nghĩ rằng, nói xin lỗi hầu hết là bất tài, vô dụng mà chỉ giỏi lấy lòng chạy vại, mua chức, luồn lót để theo phe đang mạnh ở Đảng bộ hoặc địa phương hay ngành nào đó…Những người đứng đầu mà thế lực người ta đang mạnh thì người nào được lòng người mạnh nhất đó sẽ được đưa vào cơ cấu.”

Một trường hợp mới nhất có thể trưng dẫn liên quan đến cán bộ nguồn là thành phố Hải Phòng vừa ra quyết định chi 269 tỉ đồng để mua tặng mỗi hộ dân 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng. Vụ việc này đang dấy lên sự quan tâm đặc biệt trong xã hội Việt Nam mấy ngày qua.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại cuộc họp báo Chính phủ, diễn ra vào tối 3/3, cho biết xét về thẩm quyền, việc quyết định chi khoản tiền này (tiền ngân sách địa phương) thuộc Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng. Ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm rằng Chính phủ cũng sẽ có ý kiến với Hải Phòng, đề nghị rà soát lại việc này để chi sao cho hợp lý.

Mặc dù vậy, dư luận xã hội vẫn chỉ trích mạnh mẽ rằng quyết định đó của lãnh đạo thành phố Hải Phòng là không hợp lý, lãng phí và không cần thiết.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, qua trang Facebook cá nhân, đăng tải một bài viết vào hôm 3/3 với nhan đề “Hải phòng: Minh chứng cho sự thất bại của công tác bồi dưỡng cán bộ nguồn”. Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu cho rằng lãnh đạo Hải Phòng muốn làm cho nhân dân được hài lòng là phải làm cho Hải Phòng giàu có, chứ không phải tặng quà kỷ niệm mà thất thoát tốn kém. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nhận định và chúng tôi xin được trích nguyên văn:

“Tập thể cán bộ nguồn của Đảng ở Hải Phòng cho những 3 nhiệm kỳ mà có một quyết định lạ lùng đến như vậy, thì không hy vọng gì vào các cán bộ nguồn này. Hải Phòng sẽ chẳng có cửa giàu mạnh nhanh, nếu tập thể cán bộ nguồn này kế tiếp thay nhau lãnh đạo Hải phòng.”

Không những thế, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu còn cho là “Qua Hải Phòng nhìn thấy bức tranh bồi dưỡng cán bộ nguồn trên toàn quốcVì Tỉnh Thành nào thì cán bộ nguồn cũng có trình độ y hệt Hải Phòng. Bởi tất cả họ được đúc ra từ một khuôn theo cùng một cách thức”.

Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói với RFA rằng theo ghi nhận của ông thì:

Thậm chí tôi thấy cán bộ càng về sau lại càng ngu hơn, lại càng gian manh hơn. Tôi cứ nhìn vào Bộ Giáo dục thôi. Đầu tiên những ông Tạ Quang Bửu, ông Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng. Sau đó đến bà Nguyễn Thị Bình, ông Trần Hồng Quân. Rồi sau này là ông Nguyễn Minh Hiển, ông Phạm Vũ Luận đã kém đi rồi. Bây giờ thì ông Nhạ-ông Bộ trưởng nói ngọng. Chỉ mỗi Bộ Giáo dục thì cũng thấy càng ngày càng kém đi, càng dốt đi. Đấy là quy hoạch đào tạo đấy! Các ngành khác cũng thế thôi
-Tiến sĩ Mạc Văn Trang

“Thậm chí tôi thấy cán bộ càng về sau lại càng ngu hơn, lại càng gian manh hơn. Tôi cứ nhìn vào Bộ Giáo dục thôi. Đầu tiên những ông Tạ Quang Bửu, ông Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng. Sau đó đến bà Nguyễn Thị Bình, ông Trần Hồng Quân. Rồi sau này là ông Nguyễn Minh Hiển, ông Phạm Vũ Luận đã kém đi rồi. Bây giờ thì ông Nhạ-ông Bộ trưởng nói ngọng. Chỉ mỗi Bộ Giáo dục thì cũng thấy càng ngày càng kém đi, càng dốt đi. Đấy là quy hoạch đào tạo đấy! Các ngành khác cũng thế thôi.”

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam từng khẳng định với RFA rằng bộ máy của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam là một bộ máy không phương cứu chữa, bởi vì đó là một bộ máy không “vì dân-vì nước” mà là một bộ máy tham nhũng từ trên xuống dưới.

Báo cáo mới của tổ chức Minh bạch Quốc tế về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng toàn cầu năm 2018, công bố hôm 29/1/19, đã xếp Việt Nam hạng 117, xuống 10 hạng so với năm trước đó.

Mới đây nhất, Ủy viên Bộ Chính trị- Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, diễn ra vào ngày 10/1/2020 cho biết đã thi hành kỷ luật hàng ngàn tổ chức đảng, hàng vạn cấp ủy viên các cấp và xấp xỉ 55 ngàn đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Một vài nhà quan sát tình Việt Nam Đài RFA tiếp xúc đồng quả quyết kết quả các khóa học bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ nguồn càng đạt 100% giỏi và xuất sắc thì công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động sẽ không có hồi kết, hay như theo như quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thể hiện trong bài viết của ông rằng chống tham nhũng với kết quả không ngoài “Dã tràng xe cát biển Đông”.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-people-not-trust-in-future-chosen-leaders-03042020125812.html

 

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng,

Việt – Mỹ ‘thêm thân thiết’

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục thắt chặt với chuyến thăm ngày 5/3 của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và tàu USS Bunker Hill (CG 52) đến Đà Nẵng.

USS Carl Vinson tới Đà Nẵng vào tuần tới

USS Hue City: Chiến hạm Mỹ mang tên TP Huế

TQ ‘không vui’ với chuyến thăm VN của USS Carl Vinson?

Quan hệ quân sự Mỹ – Việt đang ‘trưởng thành’

Chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ trước nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng chủ trì lễ đón nhóm tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ.

Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink phát biểu: “Chuyến thăm này tiếp nối chuyến thăm lịch sử năm 2018 của tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70), chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Hoa Kỳ đến Việt Nam trong hơn 40 năm.”

“Chỉ 25 năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương của chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”

Tham gia các hoạt động của Đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ tại Đà Nẵng có Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ.

Chỉ huy trưởng nhóm tàu sân bay tác chiến (CSG) 9 Chuẩn Đô đốc Stu Baker, nói: “Chuyến thăm này cũng là bằng chứng cho cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi các quốc gia hùng mạnh và độc lập tôn trọng chủ quyền của quốc gia khác và thượng tôn pháp luật.”

Theodore Roosevelt là tàu sân bay thứ 4 thuộc lớp Nimitz của Hoa Kỳ với thủy thủ đoàn gồm 5.000 người tham gia hỗ trợ và thực hiện các hoạt động không quân trên biển.

Nhóm tàu sân bay tác chiến bao gồm tổng cộng 6.500 thủy thủ, một tàu sân bay, một không đoàn, một tàu tuần dương và sáu tàu khu trục.

Trong thời gian thăm Đà Nẵng, phía Mỹ sẽ tham gia các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, giao lưu thể thao (bóng đá, bóng chuyền), giao lưu tiếng Anh; trao đổi chuyên môn về hỗ trợ ứng phó thảm họa, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tin từ các báo Việt Nam cho hay đoàn tham quan gồm cả báo chí mà nhà nước Việt Nam cho phép vào chiều ngày 5 tháng 3 đã không ra tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ngoài khơi Việt Nam vì biển động.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51738510

 

Một hành khách tử vong sau khi từ Hàn Quốc trở về

Một người đàn ông 65 tuổi ở Đồng Tháp sau khi đáp sân bay Cần Thơ từ Hàn Quốc trở về đã tử vong. Giám đốc Sở y tế Cần Thơ cho biết sẽ có kết quả xét nghiệm của bệnh nhân trước 17 giờ chiều ngày 5/3. Bản tin của mạng báo Tuổi Trẻ phát đi vào lúc 17 giờ 18 phút dẫn kết luận của bác sĩ Cao Minh Chu, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.

Tin từ trong nước cho biết, vào chiều ngày 4/3, ông L.V.D khi xuống Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đã bị choáng và xỉu. Ngay sau đó ông D. được đưa đến Bệnh viện Lao và Phổi Cần Thơ rồi chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, nhưng đến 3 giờ sáng ngày 5/3 ông D. đã tử xong.

Trước đó 1 tiếng, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ đã hội chuẩn và ghi nhận ông D. bị sốc nhiễm trùng do viêm phổi, suy thận cấp, bệnh thận mạn, hôn mê nhiễm ceton acid, đái tháo đường tuýp 2. Dù có đưa ra hướng hồi sức nhưng các bác sĩ vẫn tiên lượng bệnh nhân sẽ tử vong.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cho biết bệnh viện đã bảo đảm điều kiện tiêu độc khử trùng cũng như cách ly y tế đúng theo quy định phòng chống dịch Covid-19 khi chuyển viện bệnh nhân D. Những nhân viên chăm sóc ông D. vẫn đang được cách ly tại khu vực cách ly riêng của bệnh viện.

Được biết, ông D. cùng vợ sang Hàn Quốc thăm con nhưng nơi đến không phải là hai tỉnh vùng dịch của Nam Hàn. Mặc dù vậy, do ông D. trở về từ nơi có dịch nên vẫn lấy mẫu xét nghiệm xem ông D. có nhiễm coronavirus hay không.

Vẫn tin liên quan, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng về hiện tượng hành khách từ các nước có dịch Covid-19 sang nước trung gian thứ ba 14 ngày, tức vừa hết thời gian giám sát, để đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, một số lớn hành khách Trung Quốc đã quan Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và những nước khác trước khi vào Việt Nam.

Vì vậy, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề nghị lập tờ khai y tế đối với những hành khách này gửi cho các Trung tâm Y tế quận, huyện để tiếp tục giám sát.

Trong cùng ngày, trả lời thông tin về hành khách xác định dương tính với Covid-19 trên chuyến bay của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đi từ Siem Reap, Campuchia về Thành phố Hồ Chí Minh, và chuyển tiếp chuyến bay đi Nagoya, Nhật Bản, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết đã phối hợp với các bên liên quan để rà soát và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phối hợp với Nhật Bản để thu thập thông tin lịch sử di chuyển trong 14 ngày cũng như cập nhật tình trạng sức khở của hành khách vừa nêu.

Chiếc máy bay Vietnam Airlines chở hành khách dương tính với Covid-19 đã được khử trùng.

Cảng Hàng Không Tân Sơn Nhất cũng đã cách ly 2 nhân viên an ninh và 6 nhân viên phục vụ tại phòng thương gia vì có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Một nhân viên phục vụ mặt đất cũng phải cách ly vì mở cửa chiếc máy bay VN341 để nhận tài liệu mà không thực hiện các biện pháp bảo hộ.

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết những hành khách trên cùng chuyến bay VN341 đang ở Việt Nam hiện được giám sát y tế phù hợp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/1-passenger-died-after-returning-from-korea-03052020071540.html

 

Đề nghị dừng miễn thị thực

cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Ban chỉ dạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona tại cuộc họp của chính phủ vào ngày 5/3, đề nghị tạm dừng miễn thị thực đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia, dịch bệnh COVID 19 hiện nay diễn biến hết sức phức tạp và lan rộng với 82 quốc gia, hàng chục ngàn người bị lây nhiễm nhưng kết quả phòng chống dịch của Việt Nam mới chỉ là những bước đầu nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát lây lân vào Việt Nam rất lớn. Do đó, ban chỉ đạo quốc gia đề nghị chính phủ tạm dừng miễn thị thực đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài song song dừng miễn thị thực đối với quốc gia đó.

Trong cùng ngày, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân 25 tỉnh, thành phố đề nghị rà soát, lựa chọn một số cơ sở lưu trú du lịch phục vụ cho việc cách ly người Việt Nam và người nước ngoài từ các nước có dịch nhập cảnh vào Việt Nam và lưu trú theo hình thức trả phí.

Lãnh đạo các tỉnh, thành chỉ đạo Sở quán lý du lịch gửi danh sách các cơ sở lưu trú du lịch theo các hạng sao kèm bảng giá phòng ngủ và giá dịch vụ thiết yếu, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch được lựa chọn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ cách ly theo chỉ đạo.

Cũng liên quan đến dịch bệnh COVID-19, vào ngày 5/3 cục quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế vừa ra mắt Trung tâm quản lý điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19. Trung tâm này có khả năng kết nối đến 23 điểm trọng điểm chống dịch và hơn 1400 bệnh viện trên khắp cả nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/proposal-to-stop-visa-exemption-for-vietnamese-residing-abroad-03052020084145.html

 

Ông chủ gốc Việt tặng 100 Pizza mỗi ngày

trong ‘cơn sốt’ mua sắm phòng COVID-19

Băng Thanh

Bác Sĩ Jonathan Bảo Huỳnh, chủ nhân tiệm FV Pizza D’Z, tại thành phố Fountain Valley, tiểu bang California, Mỹ sẽ dành tặng 100 bánh pizza lớn từ ngày 3/3 cho đến hết ngày 6/3 cho tất cả những ai cần, mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì từ phía người nhận.

“Trong mấy ngày qua, hình ảnh nhiều người đi Costco, Sam’s để mua sắm vì lo sợ dịch COVID-19. Họ lo sợ không có đủ đồ ăn, nước uống, giấy đi vệ sinh, không có đủ đồ dùng cần thiết hằng ngày, khiến tôi suy nghĩ. Tôi nói chuyện với bạn bè, với những người làm chung, nói mình có tiệm pizza thì tại sao mình không góp một bàn tay để giúp cho những người bạn, những người quen, những người trong cộng đồng của mình”, anh Bảo Huỳnh chia sẻ.

“Việc nhỏ mà tôi làm là từ hôm nay cho đến ngày Thứ Sáu, 6/3, tiệm Fountain Valley Pizza D’Z sẽ tặng mỗi ngày 100 cái pizza. Đây là những chiếc pizza đã được nướng chín, chỉ cần mang về hâm lại là có đồ ăn ngay”.

Anh Jonathan Bảo Huỳnh, tên Việt Nam đầy đủ là Huỳnh Gia Bảo, là người không hề xa lạ đối với cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon, Mỹ, nhất là với giới trẻ. Từng là chủ tịch Hội Sinh Viên Việt Nam của trường đại học danh tiếng UCLA, hiện là bác sĩ điều hành Trung Tâm Chỉnh Hình Alliance Rehab, đồng thời là chủ nhân nhà hàng Phở Licious tại thành phố Fountain Valley, Bảo Huỳnh còn được người ta biết đến bởi sự dấn thân vào những hoạt động xã hội.

“Lý do tôi và bạn bè của mình cùng làm chuyện này là để mọi người hiểu là nếu như có chuyện gì xảy ra, ví dụ như khi đi ra ngoài không có gạo mua, thì chúng ta góp một bàn tay chia sẻ, giúp đỡ, ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no,’ một chút gì dù nhỏ trong cơn hoạn nạn cũng khiến mình nhớ cả đời”, anh nói.

Bánh pizza gửi tặng mọi người là một bánh lớn, nhân xúc xích hun khói hoặc khóm và phô mai, “có thể cắt ra thành 12 miếng, có thể ăn được từ bốn đến sáu người trong lúc tình hình ‘bâng khuâng’… Lý do làm pizza xúc xích hun khói là vì dễ ăn nhất, còn khóm và phô mai thì dành cho những người ăn chay. Mình muốn khi cho đi cái gì thì người ta phải dùng được”, anh chia sẻ.

Theo chủ nhân, những chiếc pizza này đã được nướng chín 95%, vì “nếu nướng chín 100% khi mang về quý vị lại nướng thêm nữa thì bớt ngon, nên tiệm chỉ nướng đến 95%, sau đó bỏ vào ngăn lạnh, mọi người mang về chỉ cần bỏ vào lò vi sóng hay lò nướng là ăn được liền. Trong trường hợp cúp điện, không có nước, không có giấy, ai cũng trong tâm trạng hoang mang thì ít ra những chiếc bánh pizza này đã được nấu sẵn rồi, được cắt sẵn rồi, chỉ việc ăn thôi”.

Những chiếc pizza được nướng chín 95% chờ nguội cho vào tủ đá để dành tặng mọi người (ảnh chụp màn hình từ báo Người Việt).

Ngoài nghĩa cử tặng 100 bánh pizza từ ngày 3/3 đến ngày 6/3, thì các em học sinh có thể ghé tiệm pizza của anh Bảo Huỳnh từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, 1 giờ trưa đến 4 giờ chiều, mua một miếng pizza chỉ với giá 1 USD.

“Một lần cách đây mấy tháng, khi một nhóm học sinh vào tiệm mua đồ ăn thì có một em không mua. Hỏi thì em nói em chỉ có 1USD. Thế là tôi hình thành nên ý tưởng này để giúp đỡ cho chính cộng đồng mình ở đây, trong tinh thần ‘không có đứa trẻ nào đói’”, anh chia sẻ.

Theo Ngọc Lan / Người Việt

Băng Thanh biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-chu-goc-viet-tang-100-pizza-moi-ngay-trong-con-sot-mua-sam-phong-covid-19.html

 

Việt Nam sản xuất đại trà

bộ sinh phẩm thử nghiệm Covid-19

Việt Nam vừa chính thức công bố nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm thử nghiệm Covid-19 với thời gian phát hiện chủng virus conona mới chỉ trong vòng 2 giờ. Theo Bộ Khoa học-Công nghệ, Việt Nam sẽ bắt đầu sản xuất 10.000 bộ/ngày, với giá thành từ 400.000 – 600.000 đồng/bộ để phục vụ nhu cầu hiện nay ở trong nước và cả bên ngoài nếu cần.

Bộ sinh phẩm do Học viện Quân Y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu thực hiện trong khoảng 1 tháng, sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và real-time RT-PCR) được cho là đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và bước đầu cho kết quả thử nghiệm chính xác 100%.

Theo Bộ KH-CN, với năng lực sản xuất 10.000 bộ/ngày, sản phẩm thử nghiệm của Việt Nam đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu, hỗ trợ các nước khác khi cần, với công suất có thể tăng lên gấp ba.

Với việc sản xuất đại trà bộ thử nghiệm này, Việt Nam trở thành một điểm sản xuất mới, bên cạnh WHO, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, đối với dòng sản phẩm đang có nhu cầu cấp thiết hiện nay khi tình hình dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát mạnh trên thế giới.

Tính cho đến tối 5/3, toàn thế giới đã ghi nhận 96.945 trường hợp nhiễm bệnh tại 87 quốc gia/vùng lãnh thổ, với 3.310 người tử vong.

Tại Việt Nam, kể từ khi 16 trường hợp bị lây nhiễm được chữa trị, đến nay chưa có báo cáo chính thức ghi nhận thêm ca nhiễm nào.

Trước đó, vào ngày 4/3, Việt Nam tổ chức cuộc diễn tập quân sự phòng chống dịch Covid-19 với quy mô được xem là “lớn chưa từng có”, với sự tham gia của tất cả các quân khu, binh chủng, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Tư lệnh TPHCM và Bộ chỉ huy quân sự ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với nội dung diễn tập theo 5 cấp độ lây lan của dịch bệnh, với mức cao nhất là trên 30.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Phát biểu tại cuộc diễn tập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 – nói kết quả mà Việt Nam đạt được cho đến nay là do “chủ động làm sớm và cao hơn mức khuyến nghị của WHO”.

Theo lời ông Vũ Đức Đam, nếu trong vòng tuần tới mà không có thêm ca nhiễm bệnh nào thì Việt Nam sẽ chính thức công bố “hết dịch”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Việt Nam cũng thừa nhận chưa thể nói Việt Nam đã “thành công” trong việc phòng chống dịch Covid-19 vì những diễn biến “rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường” của dịch bệnh.

Hiện Việt Nam vẫn đang thực hiện cách ly và theo dõi y tế đối với hàng chục ngàn người nhập cảnh từ các khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy…

https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BA%A1i-tr%C3%A0-b%E1%BB%99-sinh-ph%E1%BA%A9m-th%E1%BB%AD-nghi%E1%BB%87m-covid-19/5316574.html

 

Covid-19: Xét nghiệm của VN đã thực sự chính xác?

Ngô Trường Anh VũDoanh nhân, blogger ở TPHCM

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, các khu cách ly của Việt Nam đang có dấu hiệu quá tải.

Bên cạnh đó, tính chính xác của việc xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Việt Nam vẫn là mối lo ngại của nhiều người dân.

Đã có trường hợp xét nghiệm 4 lần mới ra kết quả dương tính tại Thiên Tân, Trung Quốc [1]. Mới đây ngày 27/2, một nữ bệnh nhân 27 tuổi đã tử vong tại bệnh viện 115 khi có đầy đủ các triệu chứng của viêm phổi virus corona chủng mới như: sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, ARDS (suy hô hấp cấp tính), viêm cơ tim, suy đa cơ quan, chưa loại trừ cúm (xem giấy báo tử 1). Sau đó ngày 28/2, một nam thanh

niên tử vong ở Hà Nội. Cả 2 trường hợp này đều đã được lấy mẫu dịch từ đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản) để xét nghiệm và cho về kết quả âm tính [2][3].

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Trung Quốc được đứng đầu bởi Thạch Chính Lệ – trưởng phòng nghiên cứu Virus học Vũ Hán, thì chỉ xét nghiệm bằng dịch đường hô hấp là chưa đủ mà còn phải xét nghiệm cả mẫu phân (phết hậu môn)[4].

Những điều cần biết về virus corona

Virus corona: Những triệu chứng và cách phòng tránh cần biết

Covid-19: Tự cách ly khi nào, thế nào cho đúng?

Đeo khẩu trang có chống được virus corona không?

Covid-19: Quan hệ tình dục có lây không?

Nghiên cứu này có thể dùng để giải thích các trường hợp dương tính lần 2 với loại virus chủng mới, đồng thời là một tài liệu quý để các nước học hỏi trong công tác phòng dịch.

Nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành theo dõi 2 nhóm bệnh nhân, thuộc tất cả các nhóm tuổi và giới tính. Họ kết luận như sau (lược dịch):

– Trong một nhóm 16 người được theo dõi, ngày đầu tiên (Day zero) chúng tôi nhận được kết quả 8 ca dương tính từ dịch đường hô hấp và 4 kết quả dương tính từ dịch hậu môn. Tuy nhiên, vào ngày thứ 5, chúng tôi chỉ xét nghiệm thấy 4 mẫu dương tính từ dịch hô hấp và đến 6 mẫu dương tính từ dịch hậu môn.

– Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng cách phát hiện virus trong mẫu dịch đường hô hấp đối với nCoV-2019 là không hoàn hảo. Virus có thể có trong phết hậu môn hoặc máu của bệnh nhân ngay cả khi xét nghiệm dịch đường hô hấp cho kết quả âm tính.

– Bệnh nhân bị nhiễm nCoV-2019 có thể chứa virus trong ống tiêu hoá ở giai đoạn sớm hoặc muộn của bệnh.

– Đáng lưu ý rằng không có bệnh nhân nào có máu nhiễm virus cho ra kết quả dương tính. Những bệnh nhân này (xét nghiệm bằng dịch đường hô hấp và máu) có thể sẽ được coi là âm tính với nCoV-2019 bằng các quy trình xét nghiệm thông thường, từ đó gây ra mối đe dọa về truyền nhiễm cho những người khác.

– Chúng tôi quan sát thấy sự thay đổi từ dương tính với virus trong đường hô hấp ở những ca mới nhiễm bệnh sẽ dần chuyển thành dương tính qua xét nghiệm phết hậu môn trong thời kì sau.

– Quan sát này cho thấy rằng chúng ta không thể để xuất viện một bệnh nhân mà chỉ dựa trên bệnh phẩm âm tính của đường hô hấp, người này vẫn có thể dùng tiếp tục lây lan virus bằng đường phân hoặc đường hô hấp. Trên hết, chúng tôi đặc biệt khuyến cáo nên sử dụng xét nghiệm virus trong huyết thanh IgM và IgG để xác nhận, xét đến việc các kết quả từ bệnh phẩm đường hô hấp là không đáng tin cậy.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy gì?

Điều có thể thấy qua nghiên cứu này là: Các xét nghiệm bằng bệnh phẩm đường hô hấp được đánh giá có độ tin cậy thấp, nhóm khoa học Trung Quốc khuyến cáo dùng thêm xét nghiệm huyết thanh để xác nhận người bệnh có thực sự âm tính với virus hay không.

Theo như thông tin từ một số bác sĩ cũng như trên các phương tiện truyền thông, thì đối với COVID-19 Việt Nam đang sử dụng xét nghiệm dịch đường hô hấp (thấy rõ qua hai bài báo về hai thanh niên tử vong) mà không xét nghiệm bằng phết hậu môn hay huyết thanh.

Như vậy kết quả xét nghiệm của Việt Nam có thể không chính xác theo quy trình hiện tại. Đây là một vấn đề Bộ Y Tế cần thảo luận và nghiên cứu kĩ.

Đồng thời, để nhân dân an tâm trong mùa dịch, đặc biệt trong thời điểm học sinh sắp đi học lại vào tháng 3, Bộ Y Tế nên công khai, minh bạch về các số liệu xét nghiệm. Ví dụ như: một ngày xét nghiệm bao nhiêu mẫu, bao nhiêu ca là dương tính và âm tính, số người nghi nhiễm và chưa được xét nghiệm, vv… Việc này CDC Hàn Quốc đang làm rất tốt, cập nhật định kỳ mỗi ngày 3 lần cho dân chúng được biết [5].

WHO đã nâng cảnh báo toàn cầu đối với COVID-19 lên mức cao nhất, Việt Nam là nơi sát vùng tâm dịch Trung Quốc, công tác xét nghiệm rất cần chính xác, minh bạch để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân.

Rất mong kiến nghị này được giới chuyên môn và các chuyên gia dịch tễ đầu ngành thảo luận và giải đáp.

1. [https://thanhnien.vn/…/xet-nghiem-lan-thu-4-moi-xac-dinh-du…]

2. [https://vietnamnet.vn/…/benh-nhan-tu-vong-o-bv-nhan-dan-115…]

3. [https://thanhnien.vn/…/nguoi-dan-ong-tu-vong-chua-ro-nguyen…]

4. [Wei Zhang, Rong-Hui Du, Bei Li, Xiao-Shuang Zheng, Xing-Lou Yang, Ben Hu, Yan-Yi Wang, Geng-Fu Xiao, Bing Yan, Zheng-Li Shi & Peng Zhou (2020) Molecular and serological investigation of 2019-nCoV infected patients: implication of multiple shedding routes, Emerging Microbes & Infections, 9:1, 386-389, DOI: 10.1080/22221751.2020.1729071] – [https://www.tandfonline.com/…/10.1080/22221751.2020.1729071…]

5. [http://www.cdc.go.kr/board.es?mid=a30402000000&bid=0030

*Bài đã đăng trên Facebook cá nhân của tác giả, một doanh nhân, blogger đang làm việc tại Sài Gòn.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51757773

 

Hàn Quốc đưa ‘nhóm phản ứng nhanh’

tới giúp công dân bị Việt Nam cách ly

Hàn Quốc thông báo triển khai ba “nhóm phản ứng nhanh” tới Việt Nam để hỗ trợ gần 300 công dân nước này đang bị giữ trong các trung tâm cách ly, phòng dịch virus Corona mới (COVID-19).

Trang web của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 5/3 đưa tin, Ngoại trưởng nước này, bà Kang Kyung-wha, tới sân bay để tiễn 12 thành viên của các “nhóm phản ứng nhanh” thuộc Bộ Ngoại giao và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc.

Một tấm ảnh đăng kèm cho thấy, bà Kang và thành viên của “nhóm phản ứng nhanh” dùng nắm đấm để chạm vào nhau, thay vì bắt tay, để tránh sự lây lan của COVID-19. Tất cả những người trong bức ảnh đều đeo khẩu trang.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo rằng các nhóm này sẽ tới ba cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng trong ít nhất một tuần để cùng hỗ trợ 270 người Hàn Quốc đang bị cách ly ở Việt Nam.

Hiện chưa có thông báo chính thức của Việt Nam về con số công dân Hàn Quốc bị đưa vào các trung tâm cách ly COVID-19 ở trong nước.

Tuy nhiên, theo báo Tuổi Trẻ, có 276 người Hàn Quốc hiện đang bị cách ly ở các cơ sở quân sự và bệnh viện ở Việt Nam, trong đó có 142 người ở Hà Nội, 112 người tại TP HCM và 22 người ở Đà Nẵng.

Sau khi bùng phát dịch virus Corona, mà hiện đã làm gần 6 nghìn người nhiễm và ít nhất 30 ca tử vong ở Hàn Quốc, chính phủ Việt Nam cuối tháng trước thông báo “cách ly 14 ngày toàn bộ người Việt về từ Hàn Quốc”. Tin cho hay, người nước ngoài tới từ vùng dịch như Hàn Quốc cũng bị “bắt buộc phải cách ly”.

XEM THÊM:

Việt Nam xác nhận hơn 8 nghìn người Việt trong tâm dịch Corona ở Hàn Quốc

Hiện chưa rõ ngay là các nhóm nhân viên “phản ứng nhanh” của Hàn Quốc này có bị cách ly khi đặt chân tới Việt Nam hay không.

Theo báo chí trong nước, Việt Nam đầu tháng này thông báo “tạm dừng giải quyết nhập cảnh” cho công dân Hàn Quốc và người nước ngoài đi qua lãnh thổ Hàn Quốc, nhất là qua vùng dịch, trong đó có Daegu.

Trả lời báo chí hôm 5/3 liên quan tới ba nhóm “phản ứng nhanh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “các yêu cầu của phía Hàn Quốc do các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam trực tiếp trao đổi và xử lý”.

“Việt Nam vẫn thường xuyên chia sẻ thông tin và sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện để Hàn Quốc thực hiện bảo hộ công dân trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các quy định pháp luật và thực tiễn quốc tế”, bà Hằng nói, theo thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao.

XEM THÊM:

Bác sĩ Việt chia sẻ với thế giới thông tin chữa trị người Trung Quốc nhiễm Corona

Hiện cũng chưa rõ là chính phủ Việt Nam có triển khai các “nhóm phản ứng nhanh” của mình tới Hàn Quốc để hỗ trợ hàng nghìn người Việt đang sinh sống ở đó, nhất là tại tâm dịch Daegu, hay không.

Bộ Ngoại giao Việt Nam từng cho biết rằng Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc “đã chủ động thiết lập kênh liên lạc với các đầu mối cộng đồng ở các khu vực dịch bệnh để thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời hỗ trợ công dân”.

“Công tác bảo hộ công dân tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói thêm hôm 5/3.

Trong một diễn biến liên quan, trang tin Zing News dẫn lời quan chức y tế trong nước nói rằng một công dân Việt Nam 65 tuổi đã tử vong sau khi trở về từ Hàn Quốc hôm 4/3, nhưng tin cho hay, người đàn ông này có xét nghiệm âm tính với COVID-19.

XEM THÊM:

Mỹ và Anh ra khuyến cáo về virus Corona ở Việt Nam

Bộ Y tế Việt Nam thông báo rằng tới ngày 5/3, Việt Nam không ghi nhận bất kỳ một ca nhiễm COVID-19 mới nào, sau khi 16 bệnh nhân nhiễm virus Corona trước đó đã “bình phục”. Bộ này cũng nói thêm rằng chưa có ca tử vong nào vì COVID-19 ở Việt Nam.

Giữa tháng trước, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát mạnh ở Hàn Quốc như hiện nay, quốc gia nằm trên bán đảo Triều Tiên này đã khuyến cáo công dân không tới Việt Nam vì tình trạng lây nhiễm virus trong cộng đồng.

Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng sau đó nói với VOA tiếng Việt rằng Hà Nội “tôn trọng” bước đi của Hàn Quốc “trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh do virus COVID-19 gây ra”.

https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-%C4%91%C6%B0a-nh%C3%B3m-ph%E1%BA%A3n-%E1%BB%A9ng-nhanh-t%E1%BB%9Bi-gi%C3%BAp-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-b%E1%BB%8B-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%A1ch-ly/5316141.html

 

11 tỉnh, thành của Việt Nam có dịch cúm gia cầm

11 tỉnh, thành phố của Việt Nam hiện đang có 37 ổ dịch cúm gia cầm.

Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 5/3 và cho biết, tính từ đầu năm 2020 đến nay Việt Nam đã tiêu hủy hơn 137.000 con gia cầm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gia cầm tại tất cả các ổ dịch đều chưa được tiêm phòng; đặc biệt là các đàn vịt bị bệnh tại trang trại trước đó nuôi heo.

Cơ quan chức năng đã xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm bị bệnh, dương tính với virus cúm gia cầm, sát trùng ổ dịch bằng hóa chất; khoanh vùng và lập các chốt kiểm dịch tạm thời để chống dịch.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phòng, chống dịch bệnh còn nhiều bất cập do hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện  nhiều nơi không còn, hoặc đã sáp nhập thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp… đã không nắm được tình hình, không báo cáo đến cơ quan chuyên môn cấp trên để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

Ngoài ra, việc tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp, nhiều tỉnh, thành tỷ lệ tiêm chỉ đạt khoảng 10-20%, thậm chí chỉ khi xuất hiện dịch mới làm thủ tục xin kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng.

Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng ban hành Chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/11-provinces-and-cities-of-vn-have-avian-influenza-03052020074645.html

 

Tin tổng hợp 5/3:

Truy tìm những người đi cùng khách nhiễm nCoV;

Hàng trăm hộ dân hiến ‘đất vàng’ trăm tỷ

Trúc Bạch

Kính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 5/3 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay sẽ có những nội dung sau.

Đề nghị Bộ Công an, TP.HCM truy tìm những người đi cùng khách nhiễm nCoV

Theo TTXVN, tối 4/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã gửi Công điện tới Bộ Công an và UBND TP.HCM về việc điều tra dịch tễ, xác định những người tiếp xúc, đi cùng với hành khách Nhật Bản mắc Covid-19 trên chuyến bay quá cảnh Việt Nam.

Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rà soát danh sách người nhập cảnh đi trên chuyến bay số VN814 của Vietnam Airlines ngày 3/3 từ Siem Reap (Campuchia) về sân bay Tân Sơn Nhất và chuyến bay số VN341 của Vietnam Airlines ngày 4/3 từ Nhật Bản về sân bay Tân Sơn Nhất, xác định địa chỉ nơi lưu trú của những người nêu trên để thông báo ngay cho Chính quyền địa phương thực hiện cách ly và theo dõi sức khỏe kịp thời theo quy định.

UBND TP.HCM phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an tổ chức điều tra xác định những người đã tiếp xúc (kể cả phi hành đoàn, tiếp viên và nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất), người đi cùng với hành khách Nhật Bản nhiễm nCoV trên các chuyến bay.

Cũng trong tối 4/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đơn vị này đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh thông tin của 5 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, cùng đi trên chuyến bay VN814 của Vietnam Airlines có một hành khách nhiễm Covid-19.

Trước đó, ngày 3/3, chuyến bay VN814 có vận chuyển 67 hành khách, trong đó có một hành khách người Nhật Bản ngồi ghế 33D. Người này quá cảnh tại TP.HCM, sau đó bay về Nhật Bản và được Cơ quan Y tế Nhật Bản xác định dương tính với virus corona.

Gần 500 người Trung Quốc đến Tân Sơn Nhất từ nước trung gian trong một ngày

Báo Zing cho biết, ngày 4/3, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về trường hợp nhóm hành khách gồm 491 người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất. Những người này đã rời Trung Quốc trên 14 ngày và đi qua nước thứ 3 như Campuchia, Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Sở Y tế TP.HCM nhận định, dù đã qua thời hạn cách ly nhưng chưa thể xác định những du khách trên có tiếp xúc với người còn trong thời hạn cách ly trước khi nhập cảnh, quy trình cách ly của nước bạn có đảm bảo chặt chẽ hay không.

Do đó, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế TP.HCM lập tờ khai y tế đối với những hành khách từ vùng dịch đã đi qua nước trung gian, gửi về các quận, huyện theo lịch trình để tiếp tục giám sát. Nhưng rất khó để xác minh những hành khách này có được cách ly đúng quy định sau khi rời vùng dịch hay chưa.

Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất Bộ Y tế xem xét liên lạc với nước trung gian để xác minh việc giám sát đảm bảo an toàn. Sở cho rằng nếu không được giám sát, cách ly chặt chẽ, nhóm người này sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiến dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam.

Hàng trăm hộ dân ở Hà Tĩnh hiến gần 60.000 m2 “đất vàng” trị giá hơn 100 tỷ

Trong 10 năm qua, người dân xã Thạch Hạ đã hiến gần 60.000m2 đất với giá trị khoảng 107 tỷ đồng để mở rộng đường cho phong trào nông thôn mới.

Là một xã ven đô trực thuộc thành phố Hà Tĩnh, những năm qua giá đất tại Thạch Hạ luôn “sốt”. Tuy nhiên, các hộ dân tại đây vẫn không ngại hiến chục hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng làm đường. Đặc biệt, trong năm 2017, hơn 20 hộ giáo dân thôn Trung đã hiến gần 1.000 m2 để mở rộng đường từ 3m lên 5-7m.

“Cùng với sự chung tay của nhân dân, xã Thạch Hạ đã đầu tư xây dựng trên 41km đường trục xã, gần 88km đường trục thôn, hơn 139km đường ngõ xóm và 102km đường giao thông nội đồng. Các tuyến đường đều được bê tông hóa và trải nhựa”, báo Dân Trí dẫn lời ông Nguyễn Sông Hàn, Chủ tịch xã Thạch Hạ cho biết.

Về xã ven đô Thạch Hạ, mọi người sẽ thấy những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp cùng với hàng rào xanh cắt tỉa gọn gàng đã thay thế cho những ngõ nhỏ với bùn đất lầy lội. Điều này đã giúp diện mạo và kinh tế địa phương khởi sắc.

60 tỉnh, thành dự kiến cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ hết ngày 16/3

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại cuộc họp ngày 4/3 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, 60/63 tỉnh, thành quyết thời gian chính thức học sinh THPT đi học trở lại từ ngày 2/3 và dự kiến vào ngày 17/3 đối với học sinh từ mầm non đến THCS.

“Đến nay, qua theo dõi và báo cáo của ngành giáo dục, tỷ lệ học sinh quay trở lại trường học đạt 97% trong ngày 2/3 và 98% trong ngày 3/3”, ông Độ thông tin.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 9h30 ngày 5/3, Việt Nam có 92 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng; 16.191 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

Triển khai nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng

Theo Zing, từ ngày 12/3, 5 tỉnh thành là Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Bình Thuận sẽ triển khai thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng.

Thượng tá Hoàng Tiến Sỹ (Phó phòng CSGT, Công an TP. Đà Nẵng) cho hay, việc tập huấn và phần mềm nộp phạt sẽ hoàn tất trước ngày 10/3. Theo đó, thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, người dân có thể tra cứu biên bản vi phạm, số tiền phải nộp và đóng phạt online qua tài khoản ngân hàng điện tử. Sau khi đóng phạt, người dân sẽ có một biên lai đã nộp phạt điện tử.

Dự kiến đến quý III/2020, việc nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng sẽ được triển khai toàn quốc.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-tong-hop-5-3-truy-tim-nhung-nguoi-di-cung-khach-nhiem-ncov-hang-tram-ho-dan-hien-dat-vang-tram-ty.html