Đọc báo Pháp – 04/03/2020
Bắc Triều Tiên :
Kim Jong Un trước mối đe dọa vô hình virus corona
Tú Anh
Virus corona là con siêu vi dân chủ ? Thế giới người lo chống dịch, kẻ sợ tác động chính trị. Putin đưa Chúa Trời vào Hiến Pháp Nga. Châu Âu đối phó áp lực bắt chẹt của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những chủ đề nóng của báo chí Pháp hôm nay.
Chống dịch như chống khủng hoảng tài chính
Virus corona chủng mới đe dọa kinh tế toàn cầu. Nguy cơ suy thoái tăng theo tỷ lệ thuận với tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại châu Á và châu Âu. Kinh tế Pháp có thể bị tác hại nhiều hơn là dự báo, bộ trưởng Kinh Tế Pháp nhìn nhận. Các chính phủ và ngân hàng quốc gia huy động các biện pháp đối phó. Những tựa lớn của Le Monde mang màu sắc thế giới chuẩn bị chiến tranh chống dịch phát xuất từ Hoa lục.
Đối phó như thế nào ? Theo Les Echos, không khí ở các định chế tài chính sôi động như đang chữa cháy : Ngân hàng liên bang Mỹ giảm lãi suất chỉ đạo. Châu Âu bàn thảo kế hoạch kích cầu. Tuy nhiên, trở lực lớn vẫn là Trung Quốc : Bắc Kinh liên tiếp tung ra các biện pháp kích cầu từ bơm 200 tỷ đô la vào thị trường, giảm thuế doanh nghiệp nhưng hiệu quả rất chậm.
Tạp trung vào tình hình chống dịch tại Pháp, bốn trang báo của Liberation gửi đến độc giả các biện pháp chuẩn bị giai đoạn ba : trưng dụng các nhà máy sản xuất khẩu trang, phân công các bệnh viện, từng bước thi hành để tránh tình trạng quá tải và gây hoảng hốt…
Dịch Covid-19 : siêu vi dân chủ, không chừa một ai
Với góc nhìn xã hội, La Croix đưa lên trang nhất tựa đậm : Đối phó với khủng hoảng siêu vi, các nền dân chủ hành động ra sao ? Theo nhật báo Công giáo, dịch Covid-19 làm chao đảo xã hội , bắt buộc các chính phủ phải hòa hợp giữa hai nhu cầu : đó là có các biện pháp hiệu quả nhưng không được vi phạm các quyền tự do. Để tạo được lòng tin trong dân chúng, chế độ dân chủ dựa lên sự minh bạch và các thế lực đối trọng. Cụ thể là chính quyền lo phần bảo vệ trật tự còn thẩm phán thì bảo vệ các quyền tự do của người dân.
Thế còn những chế độ bị cô lập, như Iran, thì sao ?
Tại Iran, bản chất chểnh mảng của chế độ góp phần cho dịch lây lan đến cả thành phần lãnh đạo.
Nhận định thẳng thắn của Le Monde là tựa của bài báo phê phán thái độ thiếu trách nhiệm của chính quyền Iran trước một thảm họa y tế đã lan đến đất nước. Vì để « cứu » cuộc bầu cử Quốc Hội và kỷ niệm Cách Mạng Hồi Giáo trong tháng Hai mà từ tổng thống cho đến giáo chủ cáo buộc Mỹ « tung tin giả để phá hoại ». Thế nhưng lần lượt kẻ trước người sau, 15 quan chức trong guồng máy chính quyền ngã bệnh trong đó có phó tổng thống Masoumeh Ebtekar và 5 người chết, trong đó có Mohammed Mirmohammad, thành viên Hội đồng cố vấn của Ayatollah Khamenei. Thái độ vô trách nhiệm của chính quyền Iran bị giới y tế tố cáo : một bác sĩ Iran cho biết thống kê 523 ca lây nhiễm công bố chính thức hôm thứ Hai không có danh sách số bệnh nhân tại bệnh viện nơi ông làm việc. Toàn bộ lãnh thổ Iran bị dịch lây lan. Vì nhu cầu chính trị « không tuyên bố có Covid-19 trước ngày bầu cử 21/02 ». Một sinh viên nội trú cho biết nhận được chỉ thị từ « bên trên » ban xuống mọi cấp trong ngành y tế. Khẩu trang cũng bị cấm dùng.
Theo các bác sĩ Iran, lẽ ra phải « phong tỏa thánh địa Qom ngay từ ngày đầu khi phát hiện nơi này là tâm dịch » nhưng vì giới giáo sĩ phản đối làm chậm thi hành các biện pháp phòng chống đến 10 ngày, 10 ngày quý báu.
Số liệu của Nhà nước cũng bị các dân biểu châm chọc là « trò đùa » bởi vì bệnh viện trên toàn quốc đều bị quá tải. Vào thời điểm mà bộ Y Tế Iran đưa con số 43 trường hợp, một nghiên cứu của đại học y khoa Toronto, dựa trên số ca lây nhiễm từ Iran qua Canada trong ba ngày từ 19 đến 23/02, cho biết phải có ít nhất 18.000 bệnh nhân ở Iran.
Ngày 25/02/2020, tổng thống Hassan Rohani còn khẳng định chỉ trong vòng một tuần, dịch virus corona sẽ biến mất.
Cuối cùng Iran phải nhìn nhận bị dịch nghiêm trọng và chấp nhận viện trợ.
Kim Jong Un và mối đe dọa vô hình
Tại Bắc Triều Tiên, chế độ khép kín khẳng định không có ai bị nhiễm bệnh nhưng báo đảng Rodong nhìn nhận khoảng « 7000 người có triệu chứng đáng ngờ đang được theo dõi ». Đối nội, bị dịch Covid-19 đe dọa, đối ngoại, Bình Nhưỡng phô trương cơ bắp. Le Figaro phân tích vì sao nhà độc tài Kim Jong Un lo sợ.
Mũ nỉ, mặt đằng đằng sát khí, Kim Jong Un là người duy nhất không đeo khẩu trang trong bức ảnh thị sát một cuộc « tác xạ đại pháo tầm xa » theo bản tin của KCNA mà Le Figaro dùng để minh họa cho hành động phô trương sức mạnh của Bắc Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo một ngày trước. Trong bối cảnh Nam Hàn vất vả chống dịch Coronavirus, tổng thống Moon Jae In, người chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng bị phe bảo thủ công kích thì tại sao Bắc Triều Tiên khiêu khích Seoul ? Theo nhật báo thiên hữu, nhà độc tài Kim Jong Un phô trương cơ bắp với bên ngoài trong lúc bản thân chế độ bị dịch Covid-19 đe dọa. Báo chí chính thức không còn im lặng 100% như trong các vụ thiên tai hay dịch bệnh trước đây. Đích thân Kim Jong Un chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính Trị để tổ chức chống dịch. Chính thức, Bắc Triều Tiên khẳng định không có người bệnh nhưng « có 7000 người » đang được theo dõi sức khỏe. Thông tin « giấu đầu lòi đuôi » này của báo đảng Rodong cho phép suy đoán thực tế rất nghiêm trọng. Một nguồn tin tình báo cho biết « có hàng chục người bị nhiễm ».
Thật ra Bình Nhưỡng không xem nhẹ nguy cơ này. Từ tháng Giêng, Bắc Triều Tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc và cách ly 380 nhân viên ngoại giao quốc tế trong suốt 30 ngày tại Bình Nhưỡng .Theo một nguồn tin thiện nguyện, biện pháp đóng cửa biên giới đã từng được ban hành tại Bắc Triều Tiên lúc xảy ra dịch Ebola ở châu Phi và viêm phổi Mers ở Ả Rập Xê Út. Bởi vì cơ thể người dân Bắc Triều Tiên, do thiếu ăn, nên rất yếu ớt trước sự tấn công của các loại siêu vi : « Dịch lây lan sẽ là một đại họa, với tỷ lệ tử vong cao hơn Trung Quốc, như dịch cúm xảy ra trong một nhà dưỡng lão ». Báo chí chính thức cũng nói nhiều về chiến dịch tẩy trùng… chứng tỏ chính quyền ngồi không yên. Lee Min Young, một nhà phân tích ở Seoul dự báo : « Nếu dịch bệnh vượt tầm kiểm soát thì sẽ là một đòn đau cho ông Kim, có thể làm hỏng các mục tiêu chính trị và ngoại giao ».
Virus corona là một « siêu vi dân chủ » vì nó không chừa một ai, kể cả gia đình họ Kim và các lãnh đạo khác.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một chế độ khép kín và thường xuyên bị cô lập, Bình Nhưỡng vẫn có thể huy động an ninh để theo dõi dân chúng và cách ly tập thể dân chúng.
Trong bối cảnh này, vụ thử tên lửa chỉ là động thái tuyên truyền đánh lạc hướng nhằm chứng tỏ dịch Covid-19 không làm suy yếu quyết tâm chống « đế quốc » của lãnh đạo tối cao.
Di dân, tị nạn : con tin của bàn cờ địa chính trị
Thủ đoạn của Ankara dùng người tị nạn làm con tin gây áp lực buộc châu Âu ủng hộ trong cuộc chiến tại Syria gây bất bình và lo ngại. Nhưng theo Le Monde, ông Erdogan chỉ muốn đòi tiền.
Cùng chiều hướng này, La Croix cho rằng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng làn sóng di dân làm công cụ để « tháu cáy» châu Âu. Vấn đề là châu Âu không thể khoanh tay đứng nhìn vì tình hình chắc chắn sẽ suy thoái thêm nhất là giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Theo nhật báo Công giáo, trước hết không thể bỏ Hy Lạp một mình đối phó với cuộc khủng hoảng này. Vừa thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính với các giá hy sinh rất lớn, từ những năm gần đây, thành viên phía nam của Liên Hiệp Châu Âu còn phải cưu mang gánh nặng di dân, tị nạn trong các trại tạm cư. Đương nhiên châu Âu không quên Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đất tạm dung thân của hàng triệu người Syria. Tuy nhiên, lời đe dọa của Ankara mở cửa biên giới cho « hàng chục triệu di dân » chạy sang châu Âu đúng là chiến thuật bắt chẹt thô bạo . Dụng ý của Erdogan là buộc châu Âu ủng hộ ông ta trong cuộc chiến tại Syria mà mục đích tối hậu là « tiêu diệt người Kurdistan » đồng minh của Tây phương trong cuộc chiến chống thánh chiến. Để tránh chiếc bẫy của Erdogan, theo La Croix, châu Âu cần can dự trực tiếp bảo vệ người tị nạn tại miền đông Syria thay vì chi tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Liberation nhấn mạnh đến tội ác của Nga tại Syria. Trong bài Liên Hiệp Quốc cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh, nhật báo thiên tả cho biết Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc đã thu thập được dữ liệu tại hiện trường và hình ảnh đủ để kết luận là hồi tháng 07/2019, oanh tạc cơ của Nga đã cố ý ném bom vào thường dân, vào nhà cửa , chợ búa, trường học ở Maarat al Norman, tỉnh Idleb, trong suốt ngày 22 giết chết 43 người và gây thương tích cho 109 người khác. Một tháng sau, đến lượt một trại tị nạn ở Haas bị ném bom, 20 người chết trong đó có 8 phụ nữ và 6 trẻ em. Dĩ nhiên, ngoại trưởng Nga phủ nhận các thông tin này.
Nga : Chúa Trời trong Hiến Pháp
Về thời sự nước Nga, theo sáng kiến của tổng thống Putin, Chúa Trời sẽ xuất hiện trong bản Hiến Pháp tu chính. Đừng xem đây là chuyện giễu cợt, một nhà phân tích chính trị Nga cảnh cáo.
Một trong những chi tiết khác với văn bản 1993 và đập vào mắt là từ « Chúa Trời » được đưa vào một điều khoản khẳng định « Liên bang Nga là hậu thân của Liên bang Xô-viết », và là tiếp nối của « ngàn năm lịch sử, ký ức của tiền nhân lưu truyền lý tưởng và đức tin Thiên Chúa ».
Chuyên gia chính trị Gueorgui Satarov, một trong những tác giả bản Hiến Pháp 1993 bình luận về các điểm tu chính như sau : « Đi từ khôi hài, lố lăng cho đến kinh khiếp ».
Xếp vào loại kinh khiếp là điều khoản « cấm chuyển nhượng lãnh thổ ». Điều này mở đường cho các đạo luật trong nay mai dùng để truy bức những người từ chối chuyện sáp nhập quần đảo Crimée năm 2014. Và làm cuộc đàm phán với Nhật Bản, nếu có trong tương lai, về quần đảo Kuril, trở thành phức tạp hơn (cho những người có thiện chí).
Mẹ : thần tượng của trẻ em Pháp
Cuối cùng, La Croix tổ chức thăm dò giới trẻ vị thành niên Pháp xem ai là người phụ nữ số một trong năm 2019. Đại đa số các em từ 11 đến 14 tuổi bầu cho « mẹ yêu dấu». Người được ái mộ thứ hai là thần tượng Thụy Điển bảo vệ môi trường Greta Thunberg. Đệ nhất phu nhân của Pháp đứng hàng thứ tư sau nữ ca sĩ Angèle.
Tin tổng hợp
AFP) – Pháp : 140 hiệp hội kêu gọi tuần hành vì khí hậu ngày 14/03, trước bầu cử địa phương.
Hôm nay, 4/3/2020, mạng Mediapart đăng tải một lời kêu gọi, hối thúc người dân xuống đường đông đảo ngày thứ Bảy, 14/03, để ”yêu cầu chính phủ có các biện pháp cần thiết” chống biến đổi khí hậu. Trong số các hiệp hội ký tên, có nhiều tổ chức xã hội, tổ chức môi trường, nghiệp đoàn…, như 350.org, Attac, Liên minh Nông dân, Emmaus, Greenpeace, Extinction Rebeillon ở Lyon. Kêu gọi của 140 hiệp hội phê phán chính quyền đang án binh bất động, thậm chí còn lùi bước trong cuộc chiến vì khí hậu. Các hiệp hội cho biết họ sẽ không chờ đợi.
(Reuters) – Trung Quốc tố CIA Mỹ đánh cắp dữ liệu suốt 11 năm qua.
Công ty an ninh mạng Qihoo của Trung Quốc, trụ sở tại Bắc Kinh, hôm thứ Hai 02/03/2020 cho biết CIA Mỹ đã đột nhập vào cơ sở dữ liệu của ngành Hàng không nước này nhằm tìm kiếm thông tin về các chuyến đi của những nhân vật chính trị quan trọng của Trung Quốc. Ngành năng lượng, các tổ chức nghiên cứu, công ty internet và nhiều cơ quan chính phủ Trung Quốc cũng là mục tiêu nhắm tới của CIA. Cả CIA Mỹ và đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đều chưa bình luận về thông tin nói trên.
(Reuters) – Đài Loan tố cáo Trung Quốc khiêu khích.
Nhiều nguồn tin an ninh và chính quyền Đài Loan ngày 03/03/2020 cho biết là trong thời gian gần đây Trung Quốc đã gây sức ép đối với Đài Loan bằng các cuộc diễn tập Không Quân mang tính “khiêu khích” và phát tán tin giả để gây bất hòa trong dân chúng Đài Loan về dịch virus corona. Dịch bệnh đã làm căng thẳng mối quan hệ vốn đã không tốt giữa Đài Bắc và Bắc Kinh, Đài Loan đặc biệt tức giận khi Trung Quốc bằng mọi cách ngăn cản Đài Loan gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Hai chính phủ cũng tranh cãi về số phận của khoảng 1.000 người Đài Loan bị mắc kẹt ở Vũ Hán, tâm chấn của ổ dịch.
(Reuters) – Virus corona : Ngân Hàng Thế Giới giải ngân 12 tỉ đô la.
Hôm qua 03/03/2020 Ngân Hàng Thế Giới thông báo cấp ngay lập tức cho các quốc gia 12 tỉ đô la, chủ yếu dưới dạng viện trợ cho các nước đang pháp triển, để đối phó với các hệ quả của dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và kinh tế. Theo định chế ngân hàng này, đây mới là hành động bước đầu và sẽ điều chỉnh biện pháp, tiền hỗ trợ sau này nếu thấy cần thiết.
(AFP) – Nga : Tài khoản ngân hàng của nhà đối lập Navalny bị chặn.
Trên mạng xã hội Twitter, nhà đối lập Navalny hôm qua 03/03/2020 cho biết tất cả các tài khoản của ông, của vợ, hai con gái và cha mẹ ông đã bị phong tỏa. Thứ Năm tuần trước, Navalny tố cáo chính quyền có ý đồ gây khó khăn về tài chính cho ông. Tổ chức FBK của Navalny nổi tiếng vì những đoạn băng vidéo tố cáo việc các lãnh đạo chính trị Nga tranh thủ vị thế để làm giàu cho bản thân. Vidéo tố cáo cựu thủ tướng Dmitri Medvedev thu hút 34 triệu lượt người xem trên Youtube.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200304-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 4/3:
Dịch COVID-19 đã lan tới 80 quốc gia,
92.880 người nhiễm bệnh
Lục Du
Sáng nay, thứ Tư (4/3), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin thế giới nổi bật đêm qua:
Cập nhật thông tin dịch COVID-19
Theo thống kê của Worldometers, tính tới 00:40 GMT, ngày 4/3, thế giới có 3.168 ca tử vong vì nCoV, 92.880 người nhiễm bệnh, trong đó 2.422 trường hợp nhiễm mới, 48.542 người hồi phục và 7.162 bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch. Hiện đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có người nhiễm nCoV.
Tình hình COVID-19 ở Trung Quốc có diễn biến tích cực, với chỉ 1 trường hợp nhiễm bệnh mới, và 2 ca tử vong.
Tuy nhiên, COVID-19 ở các nước khác trên thế giới lại đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Ở cả 3 nước Hàn Quốc, Iran và Ý đều có số ca nhiễm mới và số người chết tăng cao. Hàn Quốc có: 5.186 nhiễm bệnh (tăng 851 ca nhiễm mới), 34 người chết (tăng 6 ca); Iran: 2.336 nhiễm bệnh (tăng 835 ca nhiễm mới), 77 người chết (tăng 11 ca); Ý: 2.502 người nhiễm bệnh (tăng 466 ca nhiễm mới), 77 người chết (tăng thêm 27).
Mỹ, Pháp và Tây Ban Nha đều có thêm người nhiễm mới và tử vong vì nCoV. Cụ thể, Mỹ có 109 người nhiễm bệnh (tăng 9), chết 9 (tăng 3); Pháp có 212 người bệnh (tăng 21), số người chết là: 4 (tăng 1); Tây Ban Nha có 165 người bệnh (tăng 45) và có trường hợp đầu tiên tử vong.
Ông Trump ‘không phản ứng’ với vụ bắn tên lửa của Triều Tiên
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, hôm thứ Ba (3/3), nói rằng ông “không có phản ứng” với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong tuần này, và cho rằng đó là các vụ thử “tên lửa tầm ngắn”, theo Yonhap.
“Không, tôi không có phản ứng gì”, ông Trump nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo về virus nCoV tại Viện Y tế Quốc gia ở Bethesda, Maryland. “Tên lửa tầm ngắn. Không. Không. Không có gì”.
Theo quân đội Hàn Quốc, vào ngày thứ Hai (1/3), Triều Tiên đã cho phóng 2 đầu đạn nghi là các tên lửa tầm ngắn ra biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 3 tháng, Bình Nhưỡng tiếp tục có hành động bắn đầu đạn ra biển.
Hai người đàn ông liếm đền ở Iran có thể bị phạt tù
Hai người đàn ông Iran liếm đền được ghi hình trong một video lan truyền rộng rãi trên Internet ít ngày trước có thể đối mặt với án tù, khi dịch COVID-19 đang bùng phát ở quốc gia Trung Đông, Fox News đưa tin hôm thứ Ba (3/3).
Trong một video, 2 người đàn ông này nói rằng mình không sợ COVID-19 và không ngần ngại liếm lên khung kim loại ở một ngôi đền theo một tục lệ phổ biến ở Iran. Một người trong đó nói rằng, anh ta liếm như vậy thì virus sẽ chết, sau đó lấy tay xoa lên những chỗ đã liếm và vuốt lên mặt của mình.
Hiện Iran là quốc gia có tỷ lện người chết/người nhiễm virus cao nhất thế giới. Truyền thông Iran đưa tin hôm thứ Ba rằng 23 nghị viên, cùng với một quan chức đứng đầu cơ quan phản ứng khẩn cấp ở nước này đã nhiễm virus nCoV. Hôm thứ Hai, các quan chức đã xác nhận rằng một cố vấn cho Tổng thống Khamenei đã chết vì COVID-19.
Nhân viên nhiễm nCoV, công ty Ford ra thông báo hạn chế đi lại
Công ty Ford Motor của Mỹ, hôm thứ Ba (3/3), đã yêu cầu các nhân viên của mình hạn chế đi lại cho tới ngày 27/3, trong bối cảnh công ty này có 2 nhân viên người Trung Quốc dương tính với nCoV, và dịch COVID-19 đang gia tăng tại Hoa Kỳ, theo Reuters.
Giám đốc điều hành của Ford, Jim Hackett, nói với các nhân viên của mình rằng, công ty “đã hạn chế tất cả các chuyến công tác bằng đường hàng không, [các chuyến công tác] quốc tế và trong nước. Hiện tại, lệnh cấm này có hiệu lực cho đến ngày 27 tháng 3 và chúng tôi sẽ xem xét lại quyết định [hạn chế đi lại] hàng tuần”.
Tuy nhiên, Ford vẫn sẽ vẫn duyệt cho các trường hợp đi công tác để giải quyết các công việc thiết yếu, nhưng với điều kiện người được duyệt đi phải tới trình diện và không tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe.
EU hứa giúp Hy Lạp đối phó với người di cư
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU), hôm thứ Ba (3/3), hứa hẹn sẽ hỗ trợ thêm tài chính để Athens xử lý tình trạng hàng chục ngàn người di cư đang tràn vào Hy Lạp sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới để người tị nạn Syria tự do tới châu Âu, theo Reuters.
Các quan chức EU đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ một thỏa thuận ký năm 2016 trong đó có điều khoản họ phải giữ người di cư trên đất của mình để đổi lấy viện trợ. Sau một cuộc xung đột trong cuộc chiến ở Syria tuần trước, Ankara nói rằng họ sẽ không còn ngăn chặn những người di cư Syria muốn đến châu Âu.
Cảnh sát chống bạo động Hy Lạp đã sử dụng hơi cay để đẩy lùi những người di cư tại đồn biên phòng Kastanies giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi lực lượng bảo vệ bờ biển đã cố gắng ngăn chặn những chiếc thuyền vận chuyển người di cư đến đảo Aegean của Hy Lạp. Một cậu bé Syria đã chết hôm thứ Hai sau một vụ lật thuyền trong vùng biển gần hòn đảo này.
Điểm tin thế giới chiều 4/3:
Iran tạm thả 54.000 tù nhân vì dịch COVID-19;
17 du khách Ý ở Ấn Độ nhiễm bệnh
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (4/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Iran tạm thả 54.000 tù nhân vì dịch COVID-19
Cơ quan tư pháp Iran hôm 3/3 cho phép hơn 54.000 phạm nhân nộp tiền bảo lãnh để rời nhà tù nhằm ngăn COVID-19 lây lan.
Theo CNN, phát ngôn viên cơ quan tư pháp Iran Gholamhossein Esmaili hôm qua cho biết tù nhân sẽ tạm thời được thả nếu xét nghiệm âm tính với nCov và nộp tiền bảo lãnh. Việc phóng thích tù nhân nằm dưới sự giám sát của Bộ Y tế Iran.
“Sức khỏe của các tù nhân rất quan trọng đối với chúng tôi, bất kể họ là tù nhân chính trị hay tù nhân thông thường. Các tù nhân bị kết án trên 5 năm liên quan đến an ninh sẽ không được thả”, ông Esmaili nói.
17 du khách Ý ở Ấn Độ nhiễm COVID-19
Một nguồn tin hôm nay nói với AFP, trong một nhóm du khách Ý đang bị cách ly tại Ấn Độ, 17 người đã dương tính với nCov.
Sau khi hai thành viên trong nhóm được xác nhận nhiễm COVID-19, 21 thành viên còn lại được cách ly tại một cơ sở đặc biệt ở New Delhi từ hôm qua để xét nghiệm.
“Trong số 21 du khách này, 15 người dương tính nCoV. Chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm của những người khác”, một nguồn tin cho biết thêm.
Tân Thủ tướng Malaysia trì hoãn bỏ phiếu bất tín nhiệm
Bloomberg cho biết, tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin hoãn họp Quốc hội Malaysia đến tháng 5, giúp ông không phải đối mặt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay lập tức.
Chủ tịch quốc hội Malaysia cho biết sự thay đổi dựa trên quyết định hôm 3/3 của Thủ tướng Muhyiddin. Theo đó, kỳ họp đầu tiên trong năm 2020 của quốc hội Malaysia sẽ bắt đầu từ ngày 18/5, thay vì ngày 9/3 như dự kiến.
Với quyết định này, đối thủ chính trị của ông là cựu thủ tướng Mahathir Mohamad sẽ phải đợi đến giữa tháng 5 mới tổ chức được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội chống lại người kế nhiệm.
Cựu Thủ tướng Mahathir, 94 tuổi, bất ngờ nộp đơn xin từ chức hôm 24/2, châm ngòi cho cuộc đua quyết liệt vào ghế thủ tướng. Hôm 29/2, Quốc vương Malaysia bổ nhiệm ông Muhyiddin làm tân thủ tướng. Ngay sau đó, ông Mahathir đã kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm ngay lập tức tại quốc hội để chứng minh ông có đủ thành viên thành lập chính phủ.
Tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông
USNI đưa tin, Hải quân Mỹ hôm 3/3 đăng ảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt di chuyển trên Thái Bình Dương hôm 1/3, cho biết nhóm tác chiến do hàng không mẫu hạm này dẫn đầu đang thực hiện chuyến triển khai tới khu vực quản lý của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM).
Ứng dụng theo dõi triển khai lực lượng của Viện Hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông hôm 2/3, sau khi hoàn thành đợt diễn tập cùng tàu đổ bộ tấn công USS America ở vùng biển ngoài khơi Philippines.
Em gái Kim Jong Un lần đầu ra tuyên bố
AFP cho biết, Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, hôm 3/3 chỉ trích Hàn Quốc vì chính quyền Seoul lên án Bình Nhưỡng, đánh dấu lần đầu tiên cô ra một tuyên bố chính trị.
Triều Tiên hôm 2/3 lần đầu tiên thử tên lửa trong năm nay. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái này, nói rằng Bình Nhưỡng làm gia tăng căng thẳng.
Sau đó, Kim Yo Jong hôm 3/3 ra tuyên bố, nói rằng Hàn Quốc không có tư cách chỉ trích Triều Tiên khi chính họ đã tập trận riêng hay chung với Mỹ. Cô cáo buộc việc Seoul lên án Bình Nhưỡng là một “hành động thực sự vô nghĩa” và “hoàn toàn ngu ngốc”.
Video: Chính quyền Trung Quốc ưu tiên ‘ổn định xã hội’, ‘còn cuộc sống của người dân không quá quan trọng’
Tạp chí xã hội
Người Việt ở Hàn Quốc :
Đi hay ở trong mùa dịch virus corona ?
Thu Hằng
Daegu, thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc có hơn 2,5 triệu dân, bỗng trở thành tâm dịch virus corona (Covid-19), với 3.601 ca nhiễm trên tổng số 5.186 ca tính đến ngày 03/03/2020. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Daegu còn cao hơn cả tại tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc.
Từ khi dịch Covid-19 trở nên nghiêm trọng ở Hàn Quốc, chị Thanh Hoài, một phụ nữ Việt, sống cách nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa tại Daegu chỉ hơn một cây số nơi « bệnh nhân số 31 » vẫn đi lễ, thường xuyên cập nhật thông tin trên trang Facebook cá nhân về tình hình dịch tại Daegu và để trấn an người thân, bạn bè.
« Là một người sống tại Daegu, ngay lúc này mình hiểu hơn bất cứ ai hết những gì Daegu đang trải qua. Mình cố gắng mọi cách để an tâm, nhưng một tiếng có 5 đến 6 xe cứu thương chạy quanh nhà, mình rất đau lòng. Khi mình sợ hãi và trốn biệt trong nhà, cách ly cả người thân, thì những bác sĩ, y tá, những nhân viên cứu hộ… đang ngày đêm chống lại căn bệnh quái ác này ».
Giống như đa số người dân Hàn Quốc, ban đầu chị sợ, « hai hôm đầu tiên sau khi bùng dịch thì cả nhà cũng cuống và quá sốc, mất ăn mất ngủ », hạn chế tối đa ra khỏi nhà. Nhưng sau đó chị đã lấy lại tinh thần, « thay vì ngồi than và khóc như hai hôm trước thì cả nhà mở cửa thông thoáng, cùng dọn nhà », « tuy trong một gia đình nhưng mọi người cũng cố gắng không tiếp xúc quá gần nhau », « chỉ nghe thời sự lúc 10 giờ sáng và 4 giờ chiều thay vì cả ngày như trước ». Và điều quan trọng là « cả nhà đang cùng lạc quan qua cơn dịch, thay vì nói chuyện tiêu cực và lo sợ ».
Về Việt Nam « tránh dịch » ?
Có khoảng 200.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, trong đó có 8.285 người sống tại thành phố Daegu. Đợt dịch này khiến rất nhiều người đặt câu hỏi : Ở lại Hàn Quốc hay về Việt Nam « tránh dịch » ?
Anh Trần Công, nghiên cứu sinh tại Đại học Khoa học Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, giải thích với RFI Tiếng Việt :
« Cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc sẽ được chia ra làm nhiều nhóm, như nhóm cô dâu người Việt, hầu như họ xác định rằng họ cưới chồng, thì họ ở theo chồng. Và những người đã có quốc tịch rồi thì chắc chắn họ sẽ ở lại để chung lưng đấu cật với người Hàn Quốc.
Đối với nhóm lao động, được xuất khẩu lao động sang đây, thì lại chia thành hai nhóm. Thứ nhất là nhóm lao động bình thường, đi sang đây theo visa E7 hoặc visa E9 thì chắc chắn họ sẽ ở lại. Còn về nhóm lao động bất hợp pháp, một số người lao động bất hợp pháp lâu năm thì họ muốn về đợt này, bởi vì về đợt này sẽ rất là dễ. Còn nhóm bất hợp pháp mới ở lại chưa được lâu năm, chắc chắn họ sẽ ở lại Hàn Quốc để họ lao động và kiếm thêm tiền cho tới khi nào họ đủ tiền trả nợ thì họ mới về.
Về sinh viên, thì có hai nhóm sinh viên. Nhóm sinh viên học tiếng được bố mẹ cho sang đây và họ đóng tiền để đi học, cho nên tâm lý của nhóm này là bất ổn hơn là các nhóm khác. Và có một số bạn đã về rồi, còn một số bạn chưa về bởi vì nhóm này, sau khi về thì các bạn sẽ bị hủy visa. Nếu họ muốn quay trở lại đây học tiếng, thì phải làm lại visa B4 từ đầu.
Trong nhóm đại học, cao học và tiến sĩ, có sinh viên được học bổng và có sinh viên đi làm thêm để trang trải cuộc sống, thì hầu như chắc chắn họ sẽ ở lại bởi vì họ còn có công việc ở bên này và các dự án của giáo sư vẫn còn đang dang dở, cho nên có lẽ những sinh viên đang học cao học và tiến sĩ sẽ không trở về ».
Đối với những người có ý định về Việt Nam, thì có rất nhiều lý do thôi thúc họ, như bố mẹ ở Việt Nam lo lắng, muốn con về nước cho an toàn, cũng có người « mượn cớ » dịch Covid-19 để về thăm gia đình hoặc sợ bị trầm cảm nếu cứ tiếp tục phải ở nhà suốt một tháng…
Nhưng chính ý định về Việt Nam « tránh dịch » lại trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Một số người tại Việt Nam tỏ ra lo sợ trước « khả năng lây nhiễm » rất cao từ kiều bào trở về từ Hàn Quốc nên « nhắn nhủ » : « Nếu các bạn suy nghĩ cho đất nước thì nên ở lại Hàn Quốc ». Họ sợ Việt Nam vỡ trận. Điều này từng được ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ : « Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần có 1.000 người bị nhiễm bệnh thì không thể tìm đủ bác sĩ, y tá để phục vụ, chữa bệnh. Một nghìn người bệnh là giới hạn đỏ của thành phố Hồ Chí Minh. Vượt qua giới hạn này là vỡ trận ».
Từ ngày 23 đến 29/02, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã có gần 8.000 người trở về từ Hàn Quốc. Con số này có thể sẽ còn tăng trong những ngày tới và tạm ngừng khi Vietnam Airlines tạm ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ ngày 05/03. Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị phối hợp với Quân khu 7 và Cảng Hàng Không Việt Nam để lập hai bệnh viện dã chiến ngay cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếp theo, khu cách ly quy mô khoảng 1.000 giường ở Trường Quân sự Quân khu 7 đã sẵn sàng tiếp nhận hành khách cần cách ly từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Thành phố Hà Nội cũng có ý định lập thêm hai bệnh viện dã chiến, mỗi bệnh viện có quy mô 600 giường bệnh, dự phòng phương án dịch bệnh lan rộng có thể đáp ứng 3.000 bệnh nhân.
Người Việt « cải chính » thông tín thất thiệt về Covid-19 tại Hàn Quốc
Dịch Covid-19 lây lan ở Hàn Quốc cũng khiến thông tin sai lệch lan truyền với tốc độ nhanh, gây hoang mang trong cộng đồng. Rất nhiều người dân Hàn Quốc không chấp nhận bị coi là « ổ dịch » lớn thứ hai, sau Vũ Hán (Trung Quốc). Ngay cả trang thông tin về dịch Covid-19 của Hàn Quốc, cũng được đặt tên là wuhanvirus.kr, chỉ đích danh nguồn gốc xuất phát của virus corona là từ Vũ Hán. Anh Trần Công, nghiên cứu sinh tại Seoul, giải thích :
« Thực ra, người Hàn Quốc, theo những bạn làm cùng Lab với tôi, cũng như ý kiến của những người dân đưa lên mạng xã hội, đương nhiên Hàn Quốc là một nước mạnh, và khi họ bị cách ly như vậy và họ bị coi như là một Vũ Hán, đương nhiên là họ tức giận. Tuy nhiên, họ hiểu được vấn đề là đất nước họ đang gặp phải như thế nào, cách mà các nước khác đối xử với mình như thế nào. Đương nhiên là chính họ cũng đang rất sợ và cũng đang rất lo lắng.
Còn một bộ phận không nhỏ, đương nhiên họ tức giận. Nhưng những người tức giận, phản đối thường là ở tầng lớp lớn tuổi, khi mà họ gần như không hiểu được quá nhiều về bệnh dịch và họ cũng không có những biện pháp để đối mặt với sự thật như này ».
Chị Thanh Hoài là một trong những người tích cực cập nhật thông tin hàng ngày và cải chính tin thất thiệt như « cả thành phố Daegu đang chìm trong đen tối », « siêu thị hết sạch đồ ăn, trống trơn » hay « mọi công việc bị ngừng trệ, hàng quán đóng cửa, trường học phong tỏa ». Ngoài ra, chị còn khuyến khích bạn bè, người thân ủng hộ quỹ của Hội Chữ Thập Đỏ Hàn Quốc dành cho nạn nhân của dịch tại thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk.
Hiện tại, chị đang phải sống cách xa chồng do chồng làm việc ở một thành phố khác và rời Daegu trước khi xảy ra dịch nên không thể trở về. Điều đáng quý là vì lợi ích chung của cộng đồng, chị đã từ chối đến đoàn tụ với chồng trong căn hộ thuê gần nơi làm việc vì nếu chẳng may bị nhiễm và lây cho chồng thì hoạt động sản xuất của công ty sẽ bị đình trệ.
Đối với những người Việt ở lại Hàn Quốc trong thời điểm này, đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc lập một đường dây nóng riêng để cung cấp thông tin và trấn an tinh thần công dân. Nhưng theo anh Trần Công, nghiên cứu sinh tại Seoul,đó chỉ là những thông tin khá chung chung, trong khi hai tổng đài « 1339 hoặc 1345 đều có người Việt trực nên khi cần thiết, người Việt có thói quen gọi trực tiếp đến các tổng đài của Hàn Quốc hơn. Ngoài việc đưa ra một số đường dây nóng, thì hiện tại, đại sứ quán Việt Nam chưa thấy có một biện pháp gì như là gợi ý đưa công dân về nước ».
Trang Thông tin Hàn Quốc, có rất đông độc giả, đưa ra nhận định : Dù bạn chọn cách ở lại Hàn hay về Việt Nam, chúng ta vẫn phải có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm thể hiện ý thức của một công dân vì cộng đồng. Riêng với Trần Công, anh sẽ ở lại :
« Bản thân tôi, tôi nghĩ rằng người Hàn Quốc trước đây hay có câu nói với sinh viên du học là « ăn rồi chuồn », có nghĩa là chúng tôi đến đây học và sử dụng các cơ sở vật chất của họ. Sau đó, học xong, chúng tôi đi và chúng tôi chưa hề có cống hiến gì tại đất nước Hàn Quốc. Cho nên, nếu như lúc này mà về, thì mình sẽ thể hiện rằng mình là một người sợ chết và nhát gan. Cho nên, câu nói đó rất là đúng !
Tuy nhiên, bản thân tôi, tôi nghĩ là mình sẽ ở lại Hàn Quốc, ở lại cũng với những người Hàn Quốc, để sau này mình cũng không phải hổ thẹn khi mà nhận tấm bằng, hay là không phải hổ thẹn khi mà mình quyết định định cư ở Hàn Quốc, hoặc suy nghĩ đến tương lai ở Hàn Quốc ».
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200304-nguoi-viet-o-han-quoc-di-hay-o-trong-dich-covid-19