Tin Biển Đông – 04/03/2020
Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam:
Thông điệp kép gởi đến Trung Quốc
Trọng Nghĩa
Trong thời gian gần đây, thông tin về khả năng hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Theodore Roosevelt (CVN71) ghé thăm Việt Nam đã được báo chí nhiều lần gợi lên.
Theo trang tin của Học Viện Hải Quân Mỹ USNI, vào hôm qua, 03/03/2020, chính đô đốc Phil Davidson, tư lệnh lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã xác nhận tin này.
Theo kế hoạch, chiếc tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ sẽ ghé thăm Đà Nẵng kể từ ngày mai, 05/03 cho đến ngày 08/03. Đây là lần thứ hai một hàng không mẫu hạm Mỹ đến thăm Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Lần đầu tiên là vào năm 2018 với chiếc USS Carl Vinson.
Theo các nhà quan sát, chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quyết đoán hơn trong việc áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, không ngần ngại xâm phạm vùng biển của các láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng như sẵn sàng sách nhiễu tàu thuyền và máy bay Mỹ trong một chủ trương lâu dài là đuổi lực lượng Mỹ ra khỏi khu vực.
Trong tình hình đó giới quan sát cho rằng khi Hoa Kỳ cho tàu sân bay đến thăm Việt Nam, và khi Hà Nội chấp nhận đón tàu Mỹ, cả hai bên đều muốn gởi đi một thông điệp cứng rắn về phía Trung Quốc.
Trong một bài phân tích về chuyến thăm Việt Nam của chiếc hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt công bố hôm 02/03, giáo sư Carl Thayer chuyên gia về Việt Nam và Biển Đông thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc cho rằng về phía Mỹ, ý nghĩa của sự kiện này chính là bắn đi một tín hiệu theo đó Mỹ quyết tâm duy trì vị thế cường quốc Hải Quân hàng đầu tại khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.
Theo giáo sư Thayer, “Hoa Kỳ, trong nhiều tài liệu về đường lối chiến lược, đã xác định Trung Quốc là một đối thủ và kẻ cạnh tranh. Vào năm 2019, Mỹ đã gằn giọng và gọi Trung Quốc là kẻ bức hiếp và bắt nạt nước khác tại Biển Đông. Chuyến thăm Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt là một trong ba vế trong chiến lược quân sự của Mỹ: Hải Quân liên tục hiện diện tuần tra, oanh tạc cơ liên tục hiện diện tuần tra và các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải.”
Giáo sư Thayer nhận định: “Chính sách Mỹ cũng xác định Việt Nam là một đối tác chiến lược ưu tiên và chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với khu vực, và sự hiện diện của con tàu này trên Biển Đông được Việt Nam hoan nghênh.”
Về phía Việt Nam, giáo sư Thayer trước hết ghi nhận thái độ rõ ràng là dè dặt của Việt Nam khi được phía Mỹ đề nghị đón tiếp một chiếc tàu sân bay thứ hai vào tháng Tư năm 2019. Thái độ này đã biến mất sau khi Việt Nam bị Trung Quốc chèn ép trong nhiều tháng trời trong vụ Bãi Tư Chính.
Chuyên gia Thayer ghi nhận là đèn xanh cho chuyến thăm của chiếc USS Theodore Roosevelt đã được Việt Nam bật lên vào năm ngoái, sau cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng biển gần Bãi Tư Chính. Chuyến thăm minh họa cụ thể cho một chính sách quan trọng ghi trong Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 theo đó Việt Nam “sẽ xem xét phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng cần thiết, phù hợp với các quốc gia khác.”
Cũng theo ông Thayer, khi đón tàu sân bay Mỹ, Việt Nam muốn cho thấy thái độ ủng hộ sự hiện diện của Hải Quân Mỹ tại vùng Biển Đông, một quan điểm hoàn toàn đi ngược lại lập trường của Trung Quốc, không muốn Hoa Kỳ có mặt trong khu vực.
Đội hình tàu sân bay Mỹ rầm rộ vào Biển Đông
Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ đã đến Biển Đông.
Thông qua Twitter, hải quân Mỹ ngày 3.3 công bố một loạt hình ảnh ấn tượng nhất trong ngày ghi lại hoạt động của các hạm đội khắp toàn cầu. Đáng chú ý là hình ảnh một tiêm kích F/A-18E Super Hornet, trực thuộc phi đoàn tấn công số 31, đang bay trên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN 71).
Theo trang Navy.mil của hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) Theodore Roosevelt đang thực hiện sứ mệnh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Còn trang tin của Viện Hải quân Mỹ – USNI News ngày 2.3 đề cập rõ hơn khi cho biết tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang ở Biển Đông, với sự tháp tùng của Biên đội tàu khu trục số 23.
Đội hình hùng hậu
Dựa trên hình ảnh từ hải quân Mỹ, USS Theodore Roosevelt đang di chuyển trong đội hình hộ tống nhiều hơn thường lệ, với ít nhất một tuần dương hạm và 5 tàu khu trục. Tất cả tàu hộ tống đều được trang bị tên lửa dẫn đường, với mỗi tàu mang theo gần 100 tên lửa. Theo phân tích của trang Popular Mechanics, một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường bao gồm một hàng không mẫu hạm, một tàu tuần dương và 2 – 3 tàu khu trục. Trong đó, tuần dương hạm đóng vai trò chính trong việc hình thành lá chắn bảo vệ tàu sân bay, đặc biệt xử lý các mối đe dọa trên không. Di chuyển gần đó trong lòng biển là một tàu ngầm tấn công hạt nhân để bảo vệ CSG trước những mối đe dọa dưới nước.
Vì thế, số lượng đông đảo hơn hẳn của các chiến hạm xung quanh USS Theodore Roosevelt thu hút sự chú ý của giới quan sát và các nhà phân tích cục diện tại khu vực.
Trước đội hình hoành tráng trên, trang Popular Mechanics gọi USS Theodore Roosevelt là một trong những hàng không mẫu hạm Mỹ được bảo vệ chặt chẽ nhất, nếu không muốn nói là trước nay chưa từng có trong lịch sử hải quân Mỹ. Phát biểu tại lễ ra quân của CSG Theodore Roosevelt vào ngày 17.1 tại cảng nhà San Diego (bang California, Mỹ), giới chức căn cứ không – hải North Island nhấn mạnh: “Nhóm tác chiến tàu sân bay (Theodore Roosevelt) sẽ bảo vệ an ninh hàng hải, duy trì sự di chuyển tự do trên biển theo luật quốc tế, và phối hợp với các đối tác đồng minh để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của khu vực”.
Căng thẳng dâng cao
Sứ mệnh tại Biển Đông của CSG Theodore Roosevelt diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Tình trạng này bắt đầu khi tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 26.12.2019, hành động công khai phản ứng Mỹ liên tục tổ chức diễn tập hải quân tại khu vực. Kết quả là kể từ Tết Nguyên đán, không quân và hải quân Trung Quốc đã nâng mức sẵn sàng tác chiến tại vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Các phi công của chiến khu Đông và Nam bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được yêu cầu hủy bỏ kế hoạch nghỉ tết và liên tục bay tuần tra tại hai vùng biển trên, theo báo PLA Daily.
Hồi tuần trước, một nhóm tàu gồm 6 chiếc của hạm đội Nam Hải đã quay về cảng nhà Tam Sa, tỉnh Hải Nam sau khi hoàn tất hoạt động diễn tập bắn đạn thật suốt 41 ngày ở Tây Thái Bình Dương. Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn nhất và diễn ra dài nhất trong 2 năm trở lại đây. Khi quay về, khu trục hạm lớp Type 052D dẫn đầu đội tàu đã chiếu laser vào máy bay tuần tra quân sự Mỹ. Hải quân Mỹ đã gọi đây là hành động “không an toàn và không chuyên nghiệp”.
Báo chí Trung Quốc cũng đề cập đến sứ mệnh hiện tại của nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt tại Biển Đông, theo sau chiến dịch tương tự của nhóm tác chiến do tàu sân bay USS Abraham Lincoln dẫn đầu vào tháng 12.2019. Bắc Kinh cho rằng hải quân Mỹ sẽ sớm điều thêm nhóm tác chiến tàu sân bay thứ ba đến khu vực, theo nguồn thạo tin.
http://biendong.net/bi-n-nong/33332-doi-hinh-tau-san-bay-my-ram-ro-vao-bien-dong.html
Tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng: sức ép lên Việt Nam
trong việc thay đổi chính sách với các cường quốc
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt sẽ thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 3, đánh dấu lần thứ hai kể từ sau kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975 tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam. Chuyến thăm được đánh giá là một chỉ dấu cho thấy cam kết của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc, đồng thời cũng gây sức ép lên Việt Nam trong việc điều chỉnh chính sách cho phép tàu chiến nước ngoài đến thăm hữu nghị.
Theo trang tin của Học viện Hải quân Mỹ (USNI News), vào ngày 2/3, đội tàu tấn công Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông sau khi rời cảng ở San Diego, California hôm 17/1 vừa qua.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc trong bài phân tích của mình trên blog cá nhân viết:
“Hoa Kỳ trong các tài liệu về chính sách chiến lược khác nhau của mình đã xác định Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh. Trong năm 2019, Hoa Kỳ đã gia tăng mức độ trong các lời nói của mình và nêu thẳng tên Trung Quốc vì bắt nạt và đe dọa ở Biển Đông. Chuyến thăm tới Đà Nẵng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là một trong 3 mũi của chiến lược quân sự Mỹ. Đó là tiếp tục hiện diện tuần tra hải quân, tiếp tục hiện diện tuần tra của máy bay ném bom, và tuần tra tự do hàng hải”.
Hồi tháng 3 năm 2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã lần đầu tiên thực hiện chuyến thăm hữu nghị tới Đà Nẵng kể từ năm 1975.
Cho đến lúc này Việt Nam vẫn duy trì chính sách chỉ cho tàu hải quân của các nước đến thăm hữu nghị cảng của Việt Nam một năm một lần. Điều này không áp dụng với cảng Quốc tế Cam Ranh vì Việt Nam vẫn xác định cảng Cam Ranh là cảng dân sự.
Chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt đến Việt Nam lần này đã được phía Mỹ đề nghị với Việt Nam từ tháng 4 năm 2019. Theo Giáo sư Carl Thayer, phía Việt Nam đã miễn cưỡng chấp nhận vì lo ngại phản ứng từ phía Trung Quốc.
“Phía Hoa Kỳ đã vận động Việt Nam cho một chuyến thăm hàng năm của tàu sân bay từ tháng 4 năm 2019. Việt Nam đã miễn cưỡng chấp nhận chuyến thăm hàng năm của tàu hàng không mẫu hạm Mỹ vì sự nhạy cảm trong phản ứng tiêu cực có thể có từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên Việt Nam cũng quan ngại về Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ qua cấm vận (CAATSA) và Mỹ áp lực đòi Việt Nam giảm việc mua vũ khí quân sự từ phía Nga, nếu không sẽ phải chịu cấm vận”.
Hồi tháng 7 năm 2018, Ủy ban Quân vụ Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã đồng ý miễn trừ Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam khỏi luật CAATSA vì mua thiết bị quân sự từ Nga theo đề nghị từ phía Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, nhằm giúp xây dựng quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các nước trong khu vực.
Chuyến thăm của tàu Mỹ diễn ra vào khi quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Philippines đang căng thẳng với việc Manila dọa chấm dứt Hiệp định các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa hai nước. Hiệp định cho phép Mỹ triển khai quân tạm thời tới Philippines. Theo Hiệp định, các tàu sân bay và tàu chiến của mỹ thường xuyên tới Philippines. Nếu Hiệp định thực sự bị chấm dứt, Mỹ sẽ có thể phải đề nghị Việt Nam thay đổi chính sách chỉ cho tàu chiến nước ngoài đến thăm hữu nghị cảng 1 lần một năm.
“Nếu quan hệ với Mỹ xấu đi đến mức VFA bị chấm dứt, điều này sẽ làm tăng tầm quan trọng đối với việc tàu Mỹ đến các cảng Việt Nam thường xuyên. Điều này sẽ đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi chính sách cho tàu nước ngoài đến thăm cảng một lần một năm. Hoa Kỳ sẽ gia tăng các nỗ lực vận động Việt Nam để đạt được mục tiêu này”, Giáo sư Carl Thayer viết.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Các nước trong khu vực cũng đòi chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei, và Đài Loan.
Từ năm 2014 đến nay Trung Quốc đã gia tăng việc xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai vũ khí ra đây, bất chấp phản ứng từ các nước.
Trong nhiều tuần từ tháng 5 năm 2019 đến tháng 10 năm 2019, Trung Quốc cũng gia tăng sức ép lên các nước trong khu vực bao gồm Việt Nam, Malaysia bằng cách gửi nhiều tàu hải cảnh, dân quân biển đến các khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước, quấy nhiễu hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Hoa Kỳ đã gọi đây là hành động bắt nạt các nước khác của Trung Quốc.
Theo Giáo sư Carl Thayer, với việc gửi tàu USS Theodore Roosevelt tới Việt Nam, “Hoa Kỳ đang cho thấy rằng Mỹ sẽ cho máy bay và tàu chiến đi qua bất cứ khu vực nào ở Biển Đông được luật quốc tế cho phép. Đây là một thách thức trực tiếp với Trung Quốc, nước đang tìm cách ngăn cản các quốc gia khác vào vùng nước nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn”.