Tin Việt Nam – 01/03-2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 01/03-2020

Hà Nội là một trong những thành phố thủ đô

ô nhiễm nhất thế giới năm 2019

Hà Nội bị xếp vào một trong những thành phố thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2019, thậm chí còn tệ hơn Bắc Kinh, theo một báo cáo mới của IQ AirVisual, một tổ chức chuyên giám sát chất lượng không khí trên thế giới.

Theo báo cáo này, Hà Nội xếp thứ 7 trong danh sách các thành phố thủ đô bị ô nhiễm.

Bụi mịn PM2.5 trong không khí ở Hà Nội năm 2019 đã tăng lên 46.9 microgram một mét khối khí. Con số này năm 2018 là 40.8.

Báo cáo World Air Quality cho biết đây là lần đầu tiên Hà Nội vượt Bắc Kinh về tình trạng ô nhiễm. Bắc Kinh trước kia từng được coi là thành phố thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Lượng bụi mịn trong không khí của Bắc Kinh trong báo cáo mới ở mức trung bình 42.1 và Bắc Kinh đã cải thiện được thứ hạng của mình lên thứ 9.

Báo cáo đo lượng bụi mịn PM 2.5 trong năm 2019 ở 85 thành phố thủ đô dựa theo các số liệu của các chính phủ, công ty, nhóm xã hội dân sự và các trạm quan sát tại thực địa.

Bụi mịn PM2.5 được cho là phát sinh từ giao thông, công nghiệp và các nguôn thiên nhiên tạo bụi. Bụi mịn PM2.5 trong không khí cao gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, nhất là với người có bệnh về đường hô hấp.

Trong báo cáo mới, nếu xét về tổng thể tất cả các thành phố trên thế giới, Hà Nội xếp thứ 150 và xếp thứ 6 ở Đông Nam Á về mức độ ô nhiễm không khí. Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 609 trong danh sách hơn 3.000 thành phố.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-ranked-world-s-seventh-most-polluted-capital-city-in-2019-03012020080208.html

 

Thành triệu phú VN thời ‘lấy xẻng xúc vàng’ ở Đông Âu

Bình KhuêBBC News Tiếng Việt

“Thời của chúng tôi là ‘dùng xẻng xúc vàng’,” doanh nhân Trần Quốc Quân vui vẻ cười, nói đùa.

Ngồi trong văn phòng làm việc đặt tại Trung tâm Thương mại Á-Âu EACC ở ngoại vi thủ đô Warsaw của Ba Lan mà ông là đồng sở hữu chủ, ông Trần Quốc Quân hào hứng kể về thời “bắt đầu khởi nghiệp” của mình và nhiều ‘tướng’, ‘soái’ người Việt ở Đông Âu hồi cuối thập niên 1980 cho đến cuối thập niên 1990.

Đông Âu làm tôi đổi lý tưởng ‘từ cộng sản sang dân chủ’

Người Việt Đông Âu ‘được rất nhiều’

‘Biết ơn Gorbachev đã khiến Liên Xô sụp đổ’

“Lúc Ba Lan mới chuyển đổi sang kinh tế thị trường, đó là thời cơ ngàn vàng để chúng tôi làm giàu rất nhanh.”

“Có thể chia ra làm hai giai đoạn kinh doanh của người Việt tại Đông Âu và Liên Xô.”

“Thời kỳ đầu là khi cả Ba Lan và khối xã hội chủ nghĩa, gồm cả Việt Nam, vẫn đang là tập trung quan liêu bao cấp. Khi đó buôn lậu là chính, quy mô nhỏ.”

“Giai đoạn thứ hai là khi Việt Nam cũng như Ba Lan, sau đó là Liên Xô rồi Nga chuyển sang kinh tế thị trường, cởi mở tự do.”

Buôn lậu thời bao cấp

Sang Warsaw làm nghiên cứu sinh từ năm 1988, ông Quân nói ông “khởi nghiệp” bằng việc buôn lậu thuốc tây về Việt Nam, cách kiếm tiền đem về lợi nhuận “khủng” 200-300%.

Buôn lậu là cách kiếm tiền “phổ biến ở tất cả các thị trường” Đông Âu của người Việt thời đó, ông Quân cười, nói với BBC vào một chiều tháng 10/2019.

Nhiều người Việt trở nên giàu có, được gọi là ‘tướng’, ‘soái’ với số tiền kiếm được lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn đô la, tại thời điểm mà một căn hộ đắt tiền ở trung tâm thủ đô Warsaw chỉ có giá vài ngàn đô la.

Mọi chuyện thay đổi nhanh chóng khi Ba Lan chuyển đổi thể chế vào năm 1989, trở thành một thị trường cởi mở.

Image captionDoanh nhân Trần Quốc Quân nói người Việt trải qua hai giai đoạn kiếm tiền ở Đông Âu, ‘buôn lậu’ thời bao cấp và kinh doanh quy mô lớn thời mở cửa

Những người nhanh nhạy trong cộng đồng người Việt tại Đông Âu khi đó lập tức thích ứng hoàn cảnh.

“Lúc chuyển sang kinh tế cởi mở tự do thì không còn bị hạn chế về mặt số lượng. Lúc đó, từ quy mô buôn với khối lượng hàng ở mức ‘túi ba tầng’ (loại túi du lịch được người Việt dùng phổ biến để đóng gói hàng hóa từ Việt Nam sang Đông Âu) lên một khoang tàu hỏa đã là hàng trăm lần rồi, từ khoang tàu hỏa lên đến container lại là hàng trăm lần nữa,” ông Quân nói.

“Cho nên với một container, chỉ cần lãi vài chục phần trăm đã thu về gấp bao nhiêu lần những túi du lịch mình lén lút đi, dù đi buôn với túi du lịch thì đem lại tỷ suất lợi nhuận rất cao.”

Làm giàu nhờ thị trường Liên Xô

Năm 1989, Liên Xô vẫn đang trong mô hình xã hội chủ nghĩa, bị các nước phương Tây cấm vận.

Thời còn hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, mỗi năm từ Việt Nam có hàng chục sinh viên, còn gọi là ‘lưu học sinh’, và một số nhỏ hơn ‘nghiên cứu sinh tiến sĩ’ sang Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc, Romania và Bulgaria.

Số đi sang học tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô thì luôn đông hơn, lên tới hàng trăm mỗi năm.

Mạng lưới quan hệ của người Việt tại các quốc gia này còn gồm cả công nhân xuất khẩu lao động sang Liên Xô, Tiệp Khắc, Đông Đức, Bulgaria (không có Ba Lan).

Với cộng đồng người Việt, “du học sinh ở Ba Lan giống như cái nôi lan tỏa chuyện làm ăn kiếm tiền ra cả Đông Âu và Liên Xô”, ông Quân nhớ lại.

Vào buổi giao thời giữa hai mô hình, kinh tế tập trung, kế hoạch hóa XHCN, và kinh tế thị trường tư bản sơ khai, người Việt Nam nhờ mạng lưới bạn bè, đồng môn khắp Đông Âu, đã đóng vai trò trung gian cho kinh doanh ngoài luồng.

Mặt hàng đem lại lợi nhuận ‘khủng’ khi đó là đồ điện tử hiện đại do các nước tư bản sản xuất, như máy fax, máy tính cá nhân.

Người Việt trở thành người đảm nhiệm “nhiệm vụ trung chuyển từ thị trường tự do vào thị trường cấm vận”.

Việc đưa các mặt hàng điện tử, máy tính mà Ba Lan nhập ồ ạt từ Đài Loan, Nam Triều Tiên và Singapore sang Liên Xô cũng hình thành nên một thế hệ ‘tướng’, ‘soái’ mới với quy mô, tốc độ kiếm tiền mạnh hơn hẳn so với thế hệ ‘tướng’, ‘soái’ thời buôn lậu.

“Du học sinh Việt Nam tại Ba Lan, tại Nga và các nước khác có thể chỉ cần một chuyến [buôn đồ điện tử, máy tính] đã có 20 ngàn đô, 50 ngàn đô la tiền lãi.”

“Cái gọi là các ‘soái’ thời buôn lậu nếu không kịp thời chuyển đổi, thay đổi lối tư duy thì bị những người trẻ như tôi hoặc trẻ hơn tôi vượt qua chỉ bằng một cú nhích.”

Một thế hệ triệu phú người Việt ở Đông Âu dần được hình thành.

Kể từ đó, nhiều người sau khi đã rất thành công về mặt kinh tế ở nước ngoài đã quay trở về đầu tư vào nhiều dự án đình đám ở Việt trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng.

Hai ‘cú ngã’ khét tiếng của các doanh nhân người Việt

Nhìn lại quá trình kinh doanh thời đó, doanh nhân Trần Quốc Quân nói bản thân ông kiếm được tiền nhanh, nhưng mất cũng nhanh.

“Tôi đã ba lần phá sản,” ông nói, trong đó có hai lần hàng loạt các doanh nhân người Việt cùng chịu chung số phận như ông.

Đặc nhiệm OMON tấn công tòa nhà Dom 5 và Dom 11 ở Moscow, 5/1994

“Biến cố Dom 5 và Dom 11” là vụ mà theo ông Quân là “rất nhiều các đại gia, tỷ phú, các chủ ngân hàng, chủ doanh nghiệp, chủ kinh doanh bất động sản rất lớn ở Việt Nam ngày nay đều biết”.

Hai trung tâm buôn bán của người Việt tại Moscow khi đó đã bị Omon, lực lượng đặc nhiệm Nga thuộc cảnh sát Nga, bố ráp và tịch thu toàn bộ tiền, hàng.

“Có lệnh từ Thành phố Moscow là xóa sổ nơi được gọi là ‘ổ buôn lậu’ của người Việt ở hai tòa nhà, ở Dom 5 và Dom 11 phố Aminiev, Moscow. Vụ đó, các ‘soái’ Ba Lan, trong đó có tôi, gần như trắng tay hết,” ông Quân kể lại.

Áo da Trung Quốc và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, 1998

Vụ thứ hai xảy ra sau đó chỉ bốn năm, khi các ‘đại gia’ người Việt dính phải “khủng hoảng kép”, do thua lỗ trong thương vụ buôn áo giả da và bị tác động của cuộc ảnh hưởng tài chính châu Á 1998.

Mang tham vọng làm ăn lớn, nhiều người trong đó có ông Quân đã quyết định nhập các lô hàng áo giả da trị giá nhiều triệu đô la, chủ yếu là tiền vay mượn, từ Trung Quốc vào Đông Âu.

“Tôi lúc đó không có nhiều tiền nhưng ‘đánh’ rất lớn, vì tôi có nguồn hỗ trợ ‘chống lưng’ đằng sau,” ông Quân kể về vụ phá sản thứ ba của mình.

“40, 50 container hàng là bốn, năm triệu đô la Mỹ. Mà bốn triệu, năm triệu đô thời 1997, 1998, tôi đào đâu ra?”

Nói về cách huy động vốn thời đó của các doanh nhân người Việt tại Đông Âu, ông Quân cho biết, “chỉ có hai hình thức”.

“Một là được doanh nghiệp ở Việt Nam hỗ trợ, họ là bạn bè, cùng ‘đánh hàng’ chung, cùng chịu rủi ro chung.”

“Hai là có quan hệ tốt với công ty xuất nhập khẩu hoặc nhà máy tại Trung Quốc và được họ cho trả chậm.”

“Nguồn tín dụng trả chậm đó vừa là đòn bẩy, vừa là bệ phóng để mình trở thành triệu phú đô la rất nhanh, nhưng nó cũng chính là cái bẫy nhấn chìm tất cả các triệu phú mới nổi.”

Mùa đông và giấc mơ được diện áo giả da ở Đông Âu nhanh chóng qua đi khiến những lô hàng khổng lồ trở thành thứ không thể bán.

Cơn ác mộng thực sự ập xuống khi cuộc khủng hoảng châu Á hồi 1998 lan rộng khiến đồng nội tệ của Nga mất giá 300% so với đô la Mỹ, tạo cú đánh kép giáng xuống giới doanh nhân người Việt tại Đông Âu.

“Không ai là không thấm đòn,” ông Quân nhớ lại. Bản thân ông đã bị “nhấn xuống vực sâu” với những khoản nợ khổng lồ.

Không tiết lộ chi tiết quá trình thoát khỏi “vực sâu” một cách ngoạn mục để “tái xuất” thành một doanh nhân thành đạt vài năm sau đó, ông Quân chỉ nói vắn tắt đó là nhờ ông được sự giúp đỡ của bạn bè và việc ông chuyển sang kinh doanh bất động sản, lĩnh vực mà ông “luôn thành công rực rỡ và chưa thất bại lần nào” trong suốt gần 20 năm qua.

Trong một cuộc phỏng vấn khác, doanh nhân Trần Quốc Quân nói với BBC về hoạt động ở Trung tâm Thương mại Á-Âu (EACC), ngoại ô Warsaw.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51664542

 

Thành phố Hải Phòng chi gần 270 tỷ đồng

mua cờ và ấm chén tặng cho dân

Tin Vietnam.- Báo VTC ngày 28 tháng 2 năm 2020 loan tin, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng, nhà cầm quyền cộng sản thành phố dự trù sẽ chi ra 269 tỷ đồng để mua cờ đỏ, và ấm chén tặng cho các gia đình. Mỗi món quà trị giá không quá 500,000 đồng gồm 1 bộ ấm chén, và 1 lá cờ đỏ.

Những người được nhà cầm quyền thành phố tặng quà phải là người dân có hộ khẩu trường trú tại Hải Phòng tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2020. Thời gian mà nhà cầm quyền thực hiện tặng quà được bắt đầu từ tháng 5 năm 2020 đến tháng 6 năm 2020 thì hoàn thành. Tuy nhiên, riêng việc tặng cờ thì phải làm xong trước ngày 13 tháng 5.

Theo thống kê của nhà cầm quyền địa phương, tính đến ngày 20 tháng 2, Hải Phòng có 644,324 gia đình, trong đó có 587,888 gia đình có hộ khẩu thường trú tại thành phố này.

Việc lấy ngân sách nhà nước để mua cờ tặng cho dân của thành phố Hải Phòng đang gây bất mãn trong dư luận, bởi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam trẻ em phải ngồi học trong những căn lều rách nát, bụng thì đói, quần áo thì rách trước hở sau. Vì vậy, việc tặng cờ trên được xem là hành động vô cảm, thiếu nhân đạo đối với người dân của nhà cầm quyền Hải Phòng.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/thanh-pho-hai-phong-chi-gan-270-ty-dong-mua-co-va-am-chen-tang-cho-dan/

 

Phi cơ của Asiana Airlines phải quay lại Seoul

sau khi cấm hạ cánh xuống Hà Nội

Tin từ Seoul, ngày 29/2: Chuyến bay OZ729 của hãng hàng không Asiana Airlines phải quay trở lại phi trường quốc tế Seoul Incheon sau khi nhận được thông tin không được phép hạ cánh xuống phi trường quốc tế Nội Bài ở  Hà Nội vì lý do dịch Covid-19.

Theo Forbes, chuyến bay, với 40 hành khách trên phi cơ A330-300 cất cánh vào lúc 10 giờ 10 từ Seoul Incheon và dự kiến sẽ hạ cánh xuống Nội Bài sau 4.5 giờ bay. Tuy nhiên, 20 phút sau, nhà cầm quyền cộng sảnViệt Nam thông báo với Asiana Airlines rằng tất cả các phi cơ của Nam Hàn sẽ không còn được hạ cánh xuống Hà Nội. Phía Việt Nam đưa ra giải pháp thay thế là hạ cánh xuống phi trường Vân Đồn, cách Hà Nội khoảng 140 km.

Asiana Airlines thường không hạ cánh ở Vân Đồn nên quyết định hoãn chuyến bay và phi cơ quay lại Seoul, hạ cánh xuống Seoul Incheon sau 2 giờ ở không trung. Phi cơ đã đạt độ cao nhất và tới gần Thượng Hải trước khi quay trở lại Nam Hàn.

Theo Asiana Airlines, phía cộng sản Việt Nam không nói rõ lý do của việc cấm hạ cánh xuống Nội Bài nhưng lý do có lẽ là sợ lây nhiễm Covid-19.

Nam Hàn trở thành tâm điểm dịch mới thay thế Vũ Hán với tốc độ lây nhiễm cao hơn. Vào thứ Ba vừa qua, Việt Nam cấm người Hàn từng ở Daegu và Cheongdo nhập cảnh vào Việt Nam.  Trong khi đó, các chuyến bay Seoul-Hà Nội của Việt Nam Airlines và VietJet vẫn được hạ cánh như kế hoạch. Hầu hết các chuyến bay Nam Hàn-Việt Nam bị huỷ, đặc biệt là các chuyến bay của các hãng hàng không giá rẻ.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/phi-co-cua-asiana-airlines-phai-quay-lai-seoul-sau-khi-cam-ha-canh-xuong-ha-noi/

 

TP.HCM: Đề xuất học sinh nghỉ hết tháng 3;

lập bệnh viện dã chiến gần sân bay Tân Sơn Nhất

Hiểu Minh

Lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch TP.HCM tính làm bệnh viện dã chiến gần Tân Sơn Nhất. Học sinh, sinh viên được đề đề xuất cho nghỉ học đến hết tháng 3.

Theo bản tin trên báo Zing, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở TP.HCM chiều 29/2, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM, đã đề nghị Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp với Quân khu 7 và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lập bệnh viện dã chiến gần sân bay.

“Chúng ta không thể để họ lang thang trong sân bay. Sau khi xây dựng xong, người nhập cảnh sẽ được đưa về bệnh viện dã chiến trong lúc chờ địa phương tiếp nhận hoặc làm các bước kiểm dịch, giám sát”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu để xây dựng thêm bệnh viện dã chiến tại huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, tận dụng Bệnh viện 175 (quận Gò Vấp) làm nơi giám sát, cách ly. TP sẽ làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM để sử dụng khu ký túc xá sinh viên 40.000 chỗ trong trường hợp sinh viên tiếp tục nghỉ.

Trước đó, chiều 28/2, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, để đủ chỗ cách ly những người từ vùng dịch trở về, Hà Nội sẽ lập thêm khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến vào cuối tuần này.

Cũng tại cuộc họp, theo VnExpress, PGS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia đề xuất muốn tất cả sinh viên tại TP HCM nghỉ học hết tháng 3, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Môi trường học đường và ký túc xá sinh viên rất dễ lây lan dịch bệnh do tập trung đông người. “Sinh viên đến từ nhiều địa phương khác nhau nên việc kiểm soát dịch bệnh rất phức tạp”, ông Đạt nói.

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết “Muốn cho lớp 12 nghỉ hết tháng 3 cũng không có thời gian để học bù nữa. Muốn nghỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lùi thời gian thi THPT quốc gia”, ông Phong nói và cho hay sẽ làm việc với Đảng uỷ khối Đại học cao đẳng TP.HCM để thống nhất phương án cho sinh viên nghỉ hết tháng 3 như đề xuất của PGS Huỳnh Thành Đạt.

Sáng cùng ngày 29/2, TP.HCM có công văn thông báo kéo dài thời gian nghỉ của học sinh thành phố do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, học sinh lớp 12 (kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên) tiếp tục nghỉ đến hết ngày 8/3.

Học sinh mầm non và phổ thông (kể cả giáo dục thường xuyên) từ lớp 1 đến lớp 11, học viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm, giáo dục kỹ năng sống nghỉ đến hết ngày 15/3. Sinh viên, học sinh khối giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố nghỉ đến hết tháng 3.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tp-hcm-de-xuat-hoc-sinh-nghi-het-thang-3-lap-benh-vien-da-chien-gan-san-bay-tan-son-nhat.html

 

Dịch COVID – 19: Các tỉnh thành Việt Nam

quyết định cho học sinh đi học lại trong tháng 3

Đến tối ngày 28/2, toàn bộ 63 tỉnh thành ở Việt Nam đã quyết định cho học sinh đi học lại trong tháng 3 sau nhiều tuần nghỉ kéo dài sau Tết vì lo ngại dịch bệnh COVID – 19 lây lan.

Theo truyền thông trong nước, 60 tỉnh thành có quyết định cho học sinh bắt đầu học lại từ ngày 2/3. Trong khi đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thái Bình có quyết định cho học sinh nghỉ dài hơn đến ngày 8/3 và 15/3 tuỳ theo cấp học.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh cho học sinh mầm non và THCS nghỉ đến hết ngày 15/3. Riêng cấp THPT, khối 10, 11 nghỉ đến ngày 15/3 và khối 12 nghỉ đến ngày 8/3.

Hà Nội quyết định cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT nghỉ hết ngày 8/3.

Thái Bình cho toàn bộ học sinh mầm non và THCS nghỉ đến hết ngày 15/3, học sinh THPT đến hết ngày 8/3.

Việc quyết định có cho học sinh đi học lại hay không đã là đề tài gây tranh cãi gay gắt ở Việt Nam trong thời gian qua. Nhiều học sinh lo ngại việc đi học sẽ khiến bệnh dịch lây lan mạnh, trong khi một số chuyên gia y tế và giáo dục nhận định dịch bệnh đã được kiểm soát tốt và việc cho học sinh nghỉ dài sẽ ảnh hưởng đến việc học tập.

Bộ GD và ĐT hôm 24/2 đã có văn bản điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020. Dự kiến năm học này sẽ kết thúc vào trước ngày 30/6, hoàn thành tuyển sinh lớp 10 trước ngày 15/8 và thi THPT từ ngày 23/7 đến 26/7.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-vn-let-student-go-back-to-school-in-march-02292020085601.html

 

Nội Bài, Tân Sơn Nhất

ngừng đón các chuyến bay từ Hàn Quốc

Cục Hàng không Việt Nam hôm 1/3 thông báo tất cả các chuyến bay từ Hàn Quốc đến hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ phải chuyển hướng đến hai sân bay là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cần Thơ.

Đây là động thái của chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus gây dịch bệnh COVID – 19.

Hàn Quốc hiện là ổ dịch COVID – 19 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc với với hơn 3.500 ca nhiễm và 16 người tử vong tính đến ngày 1/3.

Trước đó, Việt Nam đã yêu cầu các chuyến bay đến từ các thành phố có dịch của Hàn Quốc chuyển hướng ra các sân bay Vân Đồn, Cần Thơ, và Phù Cát (Bình Định). Việt Nam cũng yêu cầu toàn bộ người Việt về từ Hàn Quốc phải bị cách ly 14 ngày. Kể từ ngày 29/2, Việt Nam cũng đã tạm dừng chế độ miến visa cho khách từ Hàn Quốc.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc vào tháng 1 năm nay, các chuyến bay từ các vùng có dịch vào Việt Nam đã giảm. Vào đầu tháng 2, Việt Nam đã dừng các chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc.

Truyền thông trong nước trích thông tin từ Tổng cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không đã cắt giảm 47% số chuyến bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cắt giảm 69% số chuyến bay với Đài Loan, giảm 25% chuyến bay với Hong Kong.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/noi-bai-tan-son-nhat-not-receive-any-flight-from-skorea-03012020074532.html

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

“Việt Nam có cách đi riêng trong chống dịch Covid-19”

“Việt Nam có cách đi riêng của mình trong chống dịch Covid-19. Cuộc chống dịch này như một cuộc chiến, đến giờ phút này, chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn đầu tiên nhưng chưa thắng cả cuộc chiến” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với hơn 700 đầu cầu trên toàn quốc vừa diễn ra sáng nay, 25/2.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cả 16 trường hợp nhiễm Covid- 19 tại Việt Nam đã điều trị phục hồi trong khi 12 ngày qua không ghi nhận thêm ca mới.

Việt Nam chỉ còn một trường hợp mắc Covid-19 đang được điều trị tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, thuộc Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên là bệnh nhân NVV (bố đẻ bệnh nhân NTD). Bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần. Theo quy định bệnh nhân đã đủ điều kiện để xuất viện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong thời gian qua, các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai hết sức quyết liệt, không có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Tuy nhiên, ông Tuyến nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như tại Hàn Quốc, Iran… Vì thế, Việt Nam không được chủ quan, không để tình trạng có người nhiễm bệnh mà không biết. Nếu có ca mắc thì cần nhanh chóng điều trị, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài.

Còn theo đánh giá Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã có một động thái chống dịch mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tới đây Việt Nam phải chuyển sang giai đoạn thách thức hơn, khó khăn hơn.

Thứ trưởng Long nhận định, với dịch xảy ra tại Trung Quốc, chúng ta đã ngăn chặn triệt để. Với dịch xảy ra tại Hàn Quốc, cần hạn chế việc đi lại, cách ly được người Hàn Quốc vào Việt Nam những ngày qua.

Ông Long cũng đề nghị người dân phải hết sức bình tĩnh, sàng lọc thông tin đúng đắn, không nên gây hoang mang, xáo trộn.

Có tình trạng thu gom thuốc phục vụ phòng dịch

Đáng chú ý, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo báo cáo của Cục Quản lý dược, hiện nay có tình trạng thu gom thuốc kháng sinh và các thuốc phục vụ phòng dịch Covid-19. Trước tình trạng này, Bộ Y tế sẽ tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch để tăng giá thuốc, xử lý thật nghiêm các cơ sở vi phạm.

Ông Cường cho biết, hiện đã có 39/63 tỉnh thành có báo cáo về chuẩn bị khá tốt trang thiết bị vật tư phòng chống dịch. Về vật tư trang thiết bị, Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Công thương, Bộ Tài chính, tìm nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất, đồng thời báo cáo Chính phủ xin miễn giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu vật liệu, mặt hàng, vật tư y tế trong đó có khẩu trang.

Đặc biệt, đối với khẩu trang y tế trong phòng chống dịch, ông Cường cho biết đây là mặt hàng hiện vẫn còn rất khan hiếm. Nhiều địa phương vẫn phản ánh khó mua, số lượng không đủ theo nhu cầu. Do vậy, Bộ Y tế đang triển khai gấp việc mua sắm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khẩu trang y tế, trong đó có khẩu trang N95 phục vụ cấp cứu cho các bệnh nhân, cùng với trang phục phòng chống dịch cấp cho các đơn vị địa phương khi có nhu cầu.

Bộ Y tế cũng đang thực hiện mua dự trữ một số trang thiết bị thiết yếu cho chẩn đoán và điều trị bệnh nhân như máy thở, máy X-quang di động, máy dung khí khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cảnh báo, nếu dịch tại Hàn Quốc lan rộng sẽ xảy ra tình trạng hạn chế xuất khẩu thuốc. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu gần 500 tỷ đồng thuốc từ thị trường Hàn Quốc. Ông Cường đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc cần kịp thời bảo đảm nguồn cung khi có nhu cầu.

Việt Nam có cách đi riêng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đến hiện tại, chúng ta kiểm soát tốt do chủ động và thực hiện những công việc cần thiết từ rất sớm.

“Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, Việt Nam nâng mức cảnh báo cao hơn mức của WHO là hết sức đúng đắn. Chúng ta luôn luôn phải lường đến tình hình xấu hơn để tình hình không xấu đi, tính đến tình huống xấu nhất để không bao giờ có tình huống xấu xảy ra”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã thực hiện tất cả các biện pháp kiểm soát tốt từ các sân bay, cửa khẩu. Sơn Lôi hôm nay đã sang ngày thứ 13 không có ca nhiễm mới. Với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, Việt Nam phải tiếp tục kiên trì chống dịch.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chống dịch không chỉ của ngành Y tế, của các lực lượng chức năng mà từng người dân phải tham gia.

“Việt Nam có cách đi riêng của mình trong chống dịch Covid-19. Cuộc chống dịch này như một cuộc chiến, đến giờ phút này, chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn đầu tiên nhưng chưa thắng cả cuộc chiến. Dịch còn diễn biến rất khó lường nhưng chúng ta có niềm tin, kiên quyết bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Bí thư không được phút nào lơi lỏng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục triển khai kiểm soát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch, trước đây là Trung Quốc và giờ là hai địa phương của Hàn Quốc. Chúng ta mềm dẻo và kiên quyết trong việc cách ly, không để lây nhiễm trong khu cách ly bệnh viện.

Phó Thủ tướng hoan nghênh TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã xử lý rất nhanh, chuyến bay đến từ ổ dịch của Hàn Quốc đến Việt Nam ngày hôm qua và đã khởi động quy trình cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Với một tinh thần hợp tác quốc tế, chúng ta phải thực hiện các biện pháp cách ly. Mặc dù gây bất tiện cho người bị cách ly, đặc biệt là khách quốc tế, nhưng với trách nhiệm công dân, trách nhiệm quốc tế, chúng ta phải thuyết phục. Trẻ em đến trường phải trên tinh thần an toàn, yên lòng, an tâm. Người dân phải tham gia cùng chính quyền phát hiện, cách ly, theo dõi các trường hợp nghi ngờ. Chúng ta phải có các biện pháp dứt khoát, có biện pháp mạnh để ngắt dịch sớm”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/33265-pho-thu-tuong-vu-duc-dam-viet-nam-co-cach-di-rieng-trong-chong-dich-covid-19.html