Tập San Tân Ðại Việt Số 2/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Ðại Việt Số 2/2020

Mục lục

Trần Nguyên: Đại Dịch Virus Corona (COVID-19) Thêm một cơ hội hiếm có cho VN “thoát Trung”?
Nguyễn Bá Lộc: Vận dụng hiệp định thương mại Âu Châu – Việt Nam tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ
Trần Gia Phụng: Cây Cộng Sản Nguồn gốc nCoV và số phận của Tập Cận Bình
Nguyễn Ngọc Sẵng: Việt Nam Trước Gọng Kềm Trung Cộng
Cao Tuấn: Nghi vấn lịch sử về quan hệ giữa Chủ tịch Đảng Cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh và “Lưỡng quốc Tướng quân” Nguyễn Sơn Thầy trò hay đối thủ chính trị?
Trọng Đạt: Con hùm xám Nguyễn Chí Thanh
Thanh Thủy: Tham luận 146 Hồi Kết Của Những Kẻ Trung Thành  Với Đảng Cộng Sản Việt Nam
Nguyễn Hữu Thống: 4 Tội Phản Bội Tổ Quốc Của Đảng CS Việt Nam
William Jasper: Trung cộng mối đe dọa to lớn
Trần Phá Không: 7 năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã mang lại gì cho Trung Quốc?
Nguyễn thị Cỏ May:
– Ngày nay có nhiều người hiểu cộng sản Tàu hơn?
– Virus Xi
– “Tôi không phải virus Corona”
Lý Thiên Tiếu: Nguồn gốc nCoV và số phận của Tập Cận Bình
Ngụy Kính Sinh: Viêm phổi Vũ Hán vượt ngoài tầm kiểm soát, ĐCSTQ cần “hạ đài” để tạ lỗi thiên hạ?
Lê Đình Thông:
– Covid-19 xét về luật hình sự quốc  tế 
– Ðịa lý chính trị của dịch Tầu Ô
Ridvan Bari Urcosta: Hậu quả địa chính trị của dịch nCoV
Nguyễn thị Cỏ May: Qua với Bậu Hôm qua, qua hứa qua qua
Hồ Trường An: Tết Này Anh Trở Về
Nguyễn Thị Thanh Dương: Câu Chuyện Phiếm : “Hoa Cẩm Chướng”

 

Đại Dịch Virus Corona (COVID-19): Thêm một cơ hội hiếm có cho VN “thoát Trung”? – Trần Nguyên

Vừa qua nhà độc tài Tập Cận Bình cuối cùng phải thú nhận Đại Dịch Virus Corona (COVID-19) là một khủng hoảng y tế khủng khiếp nhứt đối với lịch sử dài 70 năm vừa qua của chế độ cộng sản Trung Hoa. Những cao ngạo có tính cách “nổ” tuyên truyền trước đây phải nhường bước cho sự thực phủ phàng khi Tập Cận Bình phải bắt buộc cùng 7 ủy viên thường trực Bộ Chính Trị xuất hiện một cách hiếm có trong lịch sử Trung Cộng trong dịp họp báo khẩn cấp.

Về phần VN chúng ta thì đã quá rõ vì có nhiều kinh nghiệm đối với đế quốc Trung Hoa. Rõ ràng nhứt luôn luôn xảy ra khi Trung Hoa mạnh thì họ tính chuyện xâm lăng hòng đô hộ VN. Vì vậy tính ra đã 18 lần Trung Hoa mang quân qua đánh và xâm lược trong dòng lịch sử VN. Bất cứ triều đại nào Trung Hoa cũng tìm cách mang quân đánh và xâm lược VN chúng ta . Kể cả khi Trung Cộng và CSVN có cùng chung tình đồng chí cộng sản cũng không tránh nổi chiến tranh tàn khốc. 

Lý do rất đơn giản & thực tế cho thấy giới lãnh đạo & tinh hoa Trung Hoa được rèn luyện hun đúc từ hồi nhỏ với tư tưởng lúc nào cũng có giấc mộng “bình thiên hạ” trong quan niệm “tu thân tề gia trị nước bình thiên hạ” . Cho nên khi họ nắm quyền phải đi xâm lăng láng giềng để mở mang bờ cỏi. Chính vì thế các láng giềng của Hán tộc lần lượt lọt vào tay Đế quốc Trung Hoa. Chỉ còn VN chúng ta sau bao nhiêu lần bị đô hộ mà vẫn quật cường thoát khỏi nạn Hán hoá diệt chủng.

Cuộc chiến tranh năm 1979 là một bài học và kinh nghiệm lớn để dân tộc VN chúng ta trước mưu đồ xâm lăng của Trung Cộng và dân tộc VN phải tìm ra phương thức hữu hiệu để tránh được Đại Hoạ Mất Nước. 

Chính vì thế không gì vui mừng hơn khi Trung Cộng đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh khủng Đại Dịch Virus Corona (COVID-19) mà rất có thể sẽ làm họ suy yếu rất nhiều và dẫn tới tranh chấp quyền lực trong nội bộ như đã thường xảy ra trong các chế độ độc tài đảng trị để đưa đến sụp đỗ. 

Đây quả là cơ hội hiếm có trời đã cho VN để có thể “thoát Trung” và là một lý do vững chắc để dân tộc VN phá được vòng kềm kẹp của Trung Cộng & đám tay sai bán nước.

Bên cạnh đó ai cũng thấy rõ từ 3 năm qua siêu cường Mỹ đã xoay đổi hoàn toàn chánh sách đối phó với Trung Cộng. Thay vì nhu nhược chỉ muốn làm ăn đối tác kinh tế với Trung Cộng để giúp cho quốc gia này trỗi dậy trong 24 năm qua trở thành siêu cường đe dọa thế giới -trong đó có VN chúng ta- nay Mỹ coi Trung Cộng như một kẻ thù thực sự

và có chánh sách đối phó hữu hiệu để ngăn chận quốc gia này muốn thành bá chủ hoàn cầu. 

 

 

Trong đó chánh phủ Mỹ thực thi những mưu kế sau khiến cho Trung Cộng càng lấn sâu vào khủng hoảng:

a) Khiêu khích gây ra tranh chấp toàn diện trên mọi lãnh vực – trong đó nổi bật với cuộc chiến thương mại – đưa tới kết quả thị trường chứng khoán Trung Cộng “tụt dốc” không ngoi lên nổi và giá trị chỉ còn khoảng 50 % so với lúc cao điểm. 

b) Mỹ quyết tâm bảo vệ Đài Loan với bằng chứng rõ rệt là cho chiến hạm tuần tiểu rất thường xuyên & khác thường qua eo biển Đài Loan. Song song đó họ bán cho quốc gia này số lượng khổng lồ về võ khí cực kỳ tối tân và giúp nhân sự có trình độ kỹ thuật đến giúp để tự sản xuất võ khí cấp cao.

c) Công khai ủng hộ Nữ Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn & Đảng Dân Tiến với chủ trương chống Trung Cộng làm cho thắng cử lớn và tiến hành kế hoạch cho Đài Loan từng bước một được chính thức độc lập 

d) Mỹ ra luật về dân chủ và nhân quyền nhằm bảo vệ Phong trào Hồng Kông đòi hỏi dân chủ được tồn tại và được dân chúng ủng hộ tranh đấu chống Trung Cộng . 

e) Tương tự Mỹ cũng dùng lá bài Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu để ra những đạo luật ngăn cản Trung Cộng đàn áp làn sóng bất mãn tại đó. Một thành công lớn là các tài liệu mật đầy chi tiết về  đàn áp giam giữ hàng triệu người tại Tân Cương và hoạt động tình báo tại Hồng Kông & Đài Loan bị tiết lộ từ ngay nội bộ lãnh đạo Trung Cộng.

f) Có lẽ quan trọng hơn nữa là thành lập được liên minh vững chắc với quốc gia Ấn Độ qua chuyến công du hôm qua của Tổng Thống Mỹ. Từ nay Hoa Kỳ đã có đồng minh khổng lồ ở sát bên cạnh Trung Cộng và hoạt động mạnh mẽ tại vùng Ấn Dộ Thái Bình Dương để có thể thường trực chia đôi phân tán sức mạnh của Trung Cộng.

Kết luận 

Như vậy có thể nói chưa bao giờ tình thế lại thuận lợi như vậy cho viễn ảnh VN chúng ta có thể “thoát Trung” được. Quan trọng nhứt là lực lượng ái quốc VN biết hành động thực tế và hữu hiệu cho mục tiêu “thoát Trung” mà có thể cụ thể như sau:

a) Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 30 năm tập đoàn lãnh đạo CSVN ký kết Thoả Ước bí mật bán nước cho Trung Cộng tại Thành Đô vào năm 1990. Tính chất bán nước này đã được chính Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Phó Ngoại trưởng Trần Quang Cơ xác nhận & tố cáo qua lời tuyên bố và qua hồi ký được phổ biến. Nhân dịp kỷ niệm này tất cả phải cùng nhau tích cực hâm nóng nhắc nhở cho toàn dân rõ Đại Hoạ Mất Nước sẽ tới nếu còn tiếp tục cho Trung Cộng vào thao túng.

b) Năm 2020 là năm bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội Mỹ . Thực tế ai cũng biết chỉ có siêu cường Mỹ mới đủ can đảm và khả năng chống lại được thế lực cầm đầu cộng sản. Điều này đã chứng minh rõ ràng khi TT Reagan & PTT Bush thay đổi chánh sách quay ra tích cực “đánh & diệt” Liên Sô thì đưa đến kết quả cả vùng Đông Âu cuối cùng thoát ách cộng sản. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã sáng suốt nhận định & ủng hộ và hợp tác làm việc chung với chánh phủ TT Reagan & PTT Bush. Nhờ vậy Gs Huy đã nhận được sự giúp đỡ tận tình để thành lập được Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ VN Tự Do hùng mạnh với rất nhiều thành viên nổi tiếng trên các quốc gia Tây Phương. Cho nên đến khi qua đời, Gs Huy là người VN duy nhất được một Tổng Thống Mỹ đương nhiệm chia buồn và vinh danh Giáo sư Huy “ là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt và dân tộc Mỹ với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau “. 

Đây là bài học quý giá cho thấy cử tri gốc VN phải sáng suốt chọn lựa bỏ phiếu cho chính đảng có chánh sách “trị” được Trung Cộng và song song đó các đoàn thể tranh đấu làm công tác vận động để cử tri gốc VN thấu rõ tầm quan trọng của lá phiếu bầu đúng ứng cử viên có khuynh hướng mang lợi cho sự sinh tồn dân tộc VN.

c) Năm 2020 còn đánh dấu một khủng hoảng sinh tử cho Trung Cộng với quốc nạn đại dịch Virus Corona (COVID-19). Đến nay một phần lớn dư luận đều nhìn thấy rất có thể chế độ cộng sản Trung Hoa sẽ suy yếu nhiều hoặc sẽ sụp đỗ vì tê liệt gần như toàn diện bởi tai họa này. Hậu quả trực tiếp là cả thế giới nhìn thấy rõ những xấu xa & nhược điểm mà Trung Cộng cho tới nay che dấu lường gạt dư luận và chúng ta phải góp tay vạch rõ thêm cho dư luận quen biết hiểu được bề trái tội ác của Trung Cộng trong đại nạn này. 

Như vậy tất cả những yếu tố bao quanh Thiên Thời, Địa Lợi và Nhân Hoà đó cho thấy năm 2020 đánh dấu khúc quanh lịch sử có thể “thoát Trung” cho dân tộc VN.

Trần Nguyên –  25.02/2020

 

 

Vui cười

Đứa con suýt xoa:

-Cái áo mới đẹp quá! Bộ ba mua tặng má ngày sinh nhật hả?

Bà mẹ nguýt:

-Ở đó mà ba mày mua. Cứ nằm đó mà đợi ổng thì ngay cả mày cũng còn chưa có, huống gì là mua áo.

Vận dụng hiệp định thương mại Âu Châu – Việt Nam tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ  –  Nguyễn Bá Lộc 

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên Hiệp Âu châu (European Union,EU) và Việt Nam là một Thỏa hiệp Mậu dịch và Đầu tư quốc tế rất quan trọng cho cả hai bên (gọi tắt là EVFTA, European  Viêt nam Free Trade Agreement). Đây là Hiệp định (HĐ) toàn diện và tiến bộ, vừa giúp phát triển kinh tế vừa phát triển xã hội. EVFTA cùng HĐ Xuyên Thái bình dương, CPTPP là mô hình mới đầy đủ về hợp tác kinh tế thế giới hiện nay.

Dù cả hai bên cùng muốn thực hiện, nhưng HĐ bị kéo dài gần 8 năm. Lý do chánh là vấn đề Nhân quyền tại VN. Một vấn đề EU quan tâm nhứt trong thương mại quốc tế. Cuối cùng thì Nghị viện Âu châu cũng đã chuẩn phê vào ngày 12 tháng hai năm 2020.

Có lẽ đây là một HĐ bị phản đối nhiều nhứt từ trước tới nay. Và nó sẽ còn nhiều khó khăn , thử thách lớn trong giai đọan thi hành. Vì đây là sự hợp tác một bên là 28 quốc gia Âu châu mà đa số đã có mức phát triển kinh tế cao vừa cao một xã hội có đầy đũ tự do dân chủ và nhân quyền. Còn bên đối tác, Việt nam, một nước Cộng sản độc tài toàn trị với những định chế khác hoàn toàn các nước Âu châu tư bản tự do. VN sẽ phải cải sửa rất nhiều không những trên bình diện mậu dịch đầu tư mà cả trên mặt thể chế, xã hội và đạo đức chánh trị.

Cho nên công cuộc tranh đấu cho Nhân quyền và Dân chủ dựa trên qui định của HĐ EVFTA hãy còn phải tiếp tục và gây go hơn.

I. Khái lược mậu dịch tự do và nhân quyền

Phong trào Toàn cầu hóa (TCH, Globalization ) phát triển mạnh mẽ từ khoảng 50 năm nay. Theo  Ngân hàng thế giới (World Bank ) nhờ phong trào nầy mà kinh tế thế giới phát triển tốt hơn và ổn định hơn. Nhờ TCH hàng hóa giao dịch trên toàn cầu từ 1955 tới nay tăng hơn 100 lần (theo Financial times). Và cũng nhờ phong trào nầy mà dân chúng tại nhiều nước nghèo và chưa mở mang có đời sống khá hơn, tiếp thu khoa học kỹ thuật nhiều hơn. Tuy nhiên, TCH cũng có một số điều không tốt trên phương diện đạo đức chánh trị và xã hội học. Suốt quá trình dài của TCH có những bổ sung và biến cải về lý thuyết cũng như về nguyên tắc. Từ cuối thế kỹ 20 những HĐ về TCH đều có đi kèm theo những ràng buộc về dân chủ nhân quyền và dân quyền. Đó là những thỏa ước mậu dịch của thế hệ mới (New Generation Free Trade).

Bởi vì trên thực tế có nhiều xung đột trong khi khi thành mậu dịch tự do kiểu cũ. Trong đó một số thành phần dân chúng bị thiệt thòi vì sự mở rộng quá tự do mậu dịch hay bị chánh sách bảo hộ mậu dịch của một số nước. Cũng như có một số quốc gia lạm dụng ”qui chế quốc gia đang phát triển”. Nhứt là thành phần nông dân và tiểu doanh nghiệp, vì phải cạnh tranh khó khăn với đầu tư và sản phẩm ngoại quốc. Sự hơp tác kinh tế làm kinh tế thế giới tăng trưởng tốt, nhưng đồng thời làm cho sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới càng ngày càng lớn hơn. Vì vậy , để cải thiện, các Tổ chức quốc tế , nhiều chánh khách , nhà nghiên cứu của các nước Âu châu và Hoa kỳ đã đóng góp một số cải sửa về điều kiện ,hay ràng buộc về Nhân quyền, về Tự do dân chủ trong các Hiệp định Thương mại quốc tế.

Mục tiêu chánh yếu của FTA (Fee Trade Agreement) là Mậu dịch và Đầu tư ngoại quốc. Các điều khoảng về Dân chủ, Dân quyền và Nhân quyền mặc dù không quan trọng bằng , nhưng có qui định thành luật và các bên của HĐ phải tuân thủ, nếu vi phạm sẽ bị chế tài.

Các HĐ về Mậu dịch tự do đều dựa trên nguyên tắc của Kinh tế thị trường tự do (Fee market Economy). Chánh quyền can thiệp vào hoạt động kinh tế rất giới hạn.  Dân chúng có quyền tham dự và đóng góp vào các giai đoạn từ việc làm luật đến thi hành kế hoạch.

EU chú trọng nhứt vế sự bảo vệ Nhân quyền và Tự do trong Mậu dịch quốc tế. Cũng như Hoa kỳ, EU chủ trương phát triển kinh tế phải có công bằng và bền vững. Con người là chủ thể quan trọng nhứt trong phát triển kinh tế.

Trong hơn 20 năm qua, các HĐ Mậu dịch quốc tế có tiến bộ lần lần , kể từ Tổ chức Mậu dịch toàn cầu (WTO) ra đời cho tới gần đây, nhứt là HĐ TPP (Xuyên Thái bình dương) và giờ là EVFTA. Trong khung cảnh thế giới những năm gần đây đã chuyển biển với một số thay đổi. Mà EVFTA và EVIPA có được thiên thời và địa lợi. Nhưng chắc chắn không có nhân hòa ở VN. Hiểu theo nghĩa cái hòa hợp giữa người dân và đảng CS, sự hòa hợp giữa VNCS và các nước tư bản.

Đối với VN Hội nhập toàn cầu là điều bắt buộc và là một ý muốn rất mạnh, là vấn đề sanh tử. Vì kinh tế trong nước quá yếu kém, nhứt là khu vực quốc doanh.  VN đã Hội nhâp toàn cầu rất sớm sau khi đổi mới kinh tế. VN đã ký nhiều Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều quốc gia.  Chánh sách kinh tế đối ngoại VN chủ trương hợp tác với mọi nước, không kể thể chế.

II. Tóm tắt HĐ thương mại Âu Châu – Việt Nam (EVFTA)

Hiệp định Thương mại VN- Âu châu có tên là Europe-Viet nam Free Trade Agreement (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ đầu tư (EVIPA). Hai bên, Việt Nam và Liên hiệp Âu châu ( với 28 quốc gia) bắt đầu thương thảo từ 2012, và hy vọng sẽ ký kết vào 2016. Nhưng rồi cứ lùi lại mãi tới tới tháng tháng 2 – 2020 EVFTA mới được Nghị viện Âu châu chuẩn thuận. Vấn đề Nhân quyền của VN là nguyên nhân chánh của trở ngại.

1/Tiến trình và Đặc điểm của EVFTA &EVIPA

EU và VN đã đưa ra bàn thảo Thỏa hiệp Thương mại tự do (EVFTA), từ 2012. Dự thảo đã xong vào tháng 8/2015. Nhưng lịch trình không thực hiện đươc, vì trong hai năm qua tình trạng Nhân quyền ở VN càng tồi tệ hơn. Ủy Ban EU bị nhiều phản đối từ các Nghị sĩ cũng như từ các cơ quan và Tổ chức nhân quyền quốc tế và của người Việt.  Mãi đến ngày 17 tháng 10,  2018  Ủy ban Mậu dịch EU biểu quyết chấp thuận, sau khi VN dự các buổi điều trần để trả lời về Nhân quyền và VN phải cam kết rõ ràng sẽ cải sửa Nhân quyền và một số điều khoản khác về luật lệ cũng như về việc thi hành luật.

Sau đó Hội đồng Âu châu (European Council) và Chánh quyền VN kỳ chánh thức thỏa hiệp vào tháng sáu năm 2019.

Và ngày 12 tháng 2 năm 2020 vừa qua Nghị hội Âu châu (European Parliament) chuẩn phê với 401 phiếu thuận và 192 phiếu chống. Lý do mà các Nghị sĩ chống và yêu cầu hoản chấp thuận là vì  VNCS chưa có cam kết rõ ràng trong một lộ trình thực hiện luật Quyền người Lao động theo như luật quốc tế và tình trạng đàn áp giam cầm những người bất đồng chánh kiến xảy ra nhiều hơn trong hai năm qua. Lý do mà các Nghị sĩ muốn thông qua HĐ nầy là về mặt kinh tế VN có nhiều điều thuận lợi cho sự phát triển xuất cảng hàng và đầu tư ở VN. Thứ hai là trong vài năm gần đây Âu châu cũng phải chuyển trục qua Á châu Thái bình dương trong kế hoạch TCH. Đối với Cộng đồng Âu châu đây là Thỏa hiệp mậu dịch thứ tư sau Âu châu với Nhựt, Singapore và Nam Hàn.

Nguyên thủy HĐ EVFTA có hai Thỏa ước, và sau nầy tách ra làm hai HĐ. Một là mậu dịch khi Nghị viên Âu châu và Quốc Hội VN chuẩn phê là có hiệu lực. Còn thỏa ước Bảo vệ đầu tư thì sau khi Nghị viện Âu châu thông qua thì phải qua bước nữa là Quốc hội từng nước của Liên hiệp Âu châu Âu châu (28 quốc gia) chấp thuận mới có hiệu lực.

Dự kiến Quốc hội VN sẽ phê chuẩn vào tháng 5 năm nay.

Đặc diểm của EVFTA và EVIPA:

Một mô hình hợp tác kinh tế mới (new generation) và có chất lương cao (high quality)

Cơ bản HĐ theo nguyên tắc kinh tế thị trường, và theo WTO (Tổ chức mậu dịch thế giới)

Sự phát triển có tính cách toàn diện, vừa kinh tế vừa xã hội.

Hợp tác Kinh tế phải đi kèm với nhân quyền, quyền người lao dộng và môi trường.

Nguyên tắc vận hành nền kinh tế là : công bằng, minh bạch và tuân thủ luật pháp, nhứt là luật pháp quốc tế.

Có sự bảo đảm có sự tham gia của dân chúng và Hội đoàn dân sự vào các giai đoạn chánh yếu của việc thi hành HĐ.

2/.Tóm tắt nội dung EVFTA

Về nội dung EVFTA tương tợ như HĐ CPTPP.  Phần chánh nội dung là hợp tác phát triển kinh tế. Và phần qui định ngoài kinh tế là sự hợp tác để phát triển xã hội và bảo vệ nhân quyền và dân chủ. Sau đây là một số diểm chánh qui định trong EVFTA.

EVFTA có 20 chương. Ngoài chương mở đầu (chương 1) đến chương kết luận là các chương chánh. Có hai phần:

Những qui định trực tiếp liên quan đến mậu dịch và đầu tư

Những qui định gián tiếp có liên quan đến nhân quyền và quyền lợi người công nhân, và môi trường.

Các qui định trực tiếp có tính cách kinh tế chánh yếu:

Chương 2: Về Thương mãi hóa. Có các cam kết:

Xóa bỏ thuế quan và bỏ các hạn chế. Ví dụ trong vòng 10 năm hàng xuất cảng VN vào Âu châu sẽ có 99% có mức quan thuế biểu là 0%. Ngay trong ngày đầu có hiệu lực, 71% hàng VN vào thị trừơng Âu châu có thuế quan 0%.

Trong chương nầy còn qui định việc chống phá giá. Nguyên tắc chứng chỉ xuất xứ, hàng hóa xuất cảng phải ghi rõ nước sản xuất.

Chương 3: Qui định về Dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, chuyển vận, tư vấn thương mại). Và qui định về Bảo vệ và sự công bằng trong đầu tư. Nâng cao năng suất công nhân.

Chương 9: Về Mua sắm của chánh phủ. Buộc phải có đấu thầu công khai theo nguyên tắc quốc tế. VN từ trức tới nay sai phạm điều nầy nhứt là giao thầu cho Trung quốc.

Chương 10: Về Sản phẩm trí tuệ. Phải bảo vệ tác quyền của sản phẩm sáng tạo, nghiên cứu kỹ thuật cao. Đây là vấn đề then chốt cho mọi tiến bộ.

Chương 11 Về Doanh nghiệp nhà nước. Phải có sự canh tranh công bằng giữa quốc doanh và tư doanh. Chánh quyền không được trợ cấp cho quốc doanh cách sai trái.

Các Qui định gián tiếp cho phát triển kinh tế

Chương 13: Có tựa là Mậu dịch và Phát triển bền vững Có các qui định về: Quyền lợi công nhân. Quyền thành lập công đoàn độc lập. Bảo vệ môi trường trong phát triển.

Qui định về trách nhiệm và quyền người dân và Hội đoàn dân sự tham gia vào các giai đoạn hoạch định và thi hành kế hoạch kinh tế quốc gia.

Qui định về nguyên tắc minh bạch của chánh quyền trong quản lý kinh tế.

Chương 16: Qui định về giải quyết các tranh tranh trong mậu dịch và đầu tư. Qua hai bước hòa giải và giải quyết qua Tòa án quốc tế.

3/. Tầm mức quan trọng và thuận lợi của EVFTA

Cách tổng quát EVFTA và EVIPA rấn quan trọng cho cả VN và EU. Cũng như TPP trước kia, theo ước tính VN có nhiều lợi hơn. Dưới đây là ước tính có hơi lạc quan, nhứt là phía bên VN. Thực tế còn rất nhiều khó khăn và thử thách, (tôi trình ở phần sau).

Về phương diện kinh tế EVFTA là HĐ mậu địch đa phương lớn nhứt cho VN hiện nay,( khi TPP không có Hoa kỳ). Âu châu là thị trừng xuất cảng lớn thứ nhì của VN. Năm 2018, VN xuất qua Âu châu 42 tỷ euro.  Và nhập hàng từ Âu châu 27 tỷ.

Hàng hóa qua EU chánh yếu là đa dụng nhân công và không cần kỹ thuật rất cao đó là hàng may mâc, giầy dép, linh kiện điện tử, thủy sản, nông sản.Theo ước lượng đến 2035, hàng xuất cảng của VN sẽ tăng lên thêm 15 tỷ và hàng xuất từ EU qua VN sẽ tăng thêm 8.3 tỷ.

Ngược lại, VN là thị thường mới lên, dân số gần 100 triệu, lợi tức trung bình thấp và có triển vọng trong tương lai. Mà hàng hóa EU thông thường có phẩm chất cao, người VN ưa thích hơn hàng TQ. VN rất cần hàng EU như máy móc trang bị tốt, xe hơi, dược phẩm, thực phẩm.

Về đầu tư EU hy vọng sẽ gia tăng ở VN. Và EU coi VN như một nơi có thể từ đó xuất qua các nước Á châu Thái bình dương và Úc châu. Nhứt là từ vài năm nay, EU đi theo con đường của Hoa kỳ là chuyển sự hơp tác kinh tế qua khu vực Á châu Thái bình dương, một khu vực mà các nền kinh tế phát triển khá tốt, có lợi cho các nước phát triển như EU.

Về mặt hội nhập, VN có cái lợi khác là sẽ được cải tiến kỹ thuật, quản lý, tay nghề qua các công ty dầu tư từ Âu châu. Các định chế tài chánh và dịch vụ thế giới và của EU sẽ dễ dàng hơn mở rộng ở VN. Nhờ đó VN đi vào thế giới vững vàng hơn, có tiêu chuẩn quốc tế hơn hiện nay.

Còn về những cái lợi không trực tiếp về mặt kinh tế cho VN mà một số nghị sĩ EU nói rằng cuộc sống dân chúng VN sẽ khá hơn. Cũng như nhà kinh doanh EU cho đây là cơ hội tốt cho VN để đạt sự phát triển bền vững hơn, khu vực tư doanh VN sẽ khá hơn, mà hiện nay bị quốc doanh chèn ép quá nhiều, và tình trạng tham nhũng sẽ bớt đi.

Về phương diện chánh trị và thể chế, về tôn trọng nhân quyền, tôn trọng quyền công nhân.. có một số nhà nghiên cứu cho rằng khi VN có mức sống khá hơn, dân chúng sẽ hiểu bíêt nhiều hơn về quyền lợi của mình. Khi đó VN tương lai sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Nhưng một số nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng khi kinh tế phát triển tốt nhứt là theo mô hình kinh tế tự do thì chánh trị sẽ khá hơn, độc tài sẽ giảm đi. Tuy nhiên, khi khảo sát thực tế TQ thì quan niệm cho là chánh trị sẽ cải thiện khi kinh tế có cải thiện, thì không đúng. Nhưng với EVFTAQ thì họ cho là có khác , VN vẫn là nước yếu kém trên bình diện tòa cầu, bắt buộc phải theo nguyên tắc quốc tế và thế giới tự do khi muốn có lợi kinh tế. Các người ủng hộ EVFTA còn cho rằng khi VN đi sâu với Hoa kỳ với EU và các nước tư bản khác, thi VN có cơ hội bớt lệ thuộc TQ.Tuy nhiên nhiều người hiểu CS thì rất dè dặt về quan điểm và nhận xét trên. Vì bản chất của CS thì không đổi và sự lệ thuộc đảng CS Trung quốc thì quá lớn quá sâu.

III. Thử thách cho VN

Cách tổng quát cả hai bên, VN và EU đều có lợi nhiều qua HĐ EVFTA và EVIPA. Nhưng VN thì có nhiều thử thách hơn. Những khó khăn của chánh quyền có nhiều thứ khác biệt hơn khó khăn của dân chúng. Trong bài nầy chỉ nói phía bên VN mà thôi.

1.Thử thách về phía chánh quyền VN

Đối với một HĐ Thương mại toàn diện như EVFTA, cũng như với CPTPP, việc thi hành có kết quả

tốt là một thử thách lớn cho chánh quyền VN. Chánh quyền VN đã cam kết sửa đổi nhiều thứ về

nhân quyền, về Hành chánh công quyền, cũng như nhiều lảnh vực khác.

Ủy Ban EU yêu cầu VN phải cải sửa nhiều điều liên hệ Lao động. ( theo qui định củ ILO):

Hoàn tất luật Lao động. Chuẩn phê ba công ước của Chuẩn phê ba qui định của ILO

Cho phép thành lập công đoàn độc lập là quan trong nhứt.

Đó là sự thực thi quyền tư do dân chủ và nhân quyền.

VN cũng phải sửa lại nhiều luật trong đó luật Hiệp hội, luật Biêu tình, luật hình sư,

Luật đánh cá, và luật vế Môi trường theo như luật quốc tế.

VN phải sửa đổi luật lệ để có công bằng cạnh tranh giữa công ty quốc doanh và công ty

ngoại quốc, giữa quốc doanh và tư doanh trong nước.

VN phải cương quyết hơn về chống tham nhũng, nhứt là trong các dự án ngoại quốc

viện trợ và thực hiện, từ EU.

VN còn phải cải sửa Bộ máy công quyền đơn giản hơn, minh bạch hơn.

Về phía người dân :

Nói chung, người dân , nhứt là công nhân cần vận dụng HĐ EVFTA cho sự thành hình các công đoàn độc lập. Yêu cầu chánh quyền và chủ nhân. Các nhà kinh doanh ở VN thì phải tự cải tiến rất nhiều, ngay cả tinh thần bớt lệ thuộc nhà nước. Phải học hỏi thêm về kỹ thuật, về luật lệ quốc tế về thị trường EU.

Về phía người dân. Dân chúng nói chung và các Hội đoàn dân sự trước hết cần hiểu rõ hơn loại mậu dịch tự do kiểu mới. Cần hiểu hơn quyền lợi và quyền hạn của mỗi thành phần dân chúng trong một quốc gia đang cố vươn lên từ một chế độ độc tài. Những thử thách đó không phải nhỏ. Vấn đề là có đủ tự tin để đi tới.

Ví dụ thử thách và khó khăn đầu tiên là thành lập các công đoàn độc lập, hay biểu tình chống sự xâm lăng kinh tế của TQ, chắc chắn sẽ có sự khó dễ và lừa dối của các cơ quan chánh quyền, có khi bị chụp mũ và bị tù đày.

Dưới chế độ độc tài CS thì mọi sự tranh đấu cho quyền lợi chánh đáng của người dân đều có thể bị dẹp tan, dù CSVN đã có ký ước với quốc tế.

IV. Tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ qua EVFTA

VN rất mong có được EVFTA như nói ở trên. Nhưng dưới chế độ dộc tài toàn trị, VN phải cải sử rất nhiều mới có thể đáp ứng những qui định những đỏi hỏi của Cộng đồng Âu châu.

Vào chơi ở sân quốc tế quan trọng, VN phải theo những qui tắc của trò chơi nầy. Một trò chơi  gần như hoàn toàn khác với suy nghĩ, đường hướng và vận hành  kiểu VN. Muốn có nhiều quyền lợi kinh tế VN phải theo các qui định không những về mậu dịch và đầu tư mà phải theo những qui định và yêu cầu về các mặt xã hội, môi trường, nhân quyền và dân quyền nữa. Vấn đề còn phải tranh đấu.

Vì món lợi lớn, chánh quyền VN gần đây đã cải sửa một số điều và hứa rất nhiều. Nhưng CSVN thường không thi hành đúng những điều đã ký, đã hứa. Chính cũng đã có nhiều Nghị sĩ đã chống đối sự tồi tệ nhân quyền VN. Và còn nhiều Tổ chức quốc tế nừa. Sự lừa dối quốc tế chưa hẳn là điều khôn ngoan.

1.Vận dụng và tranh đấu qua các lảnh vực     

Cho tới nay, EVFTA cũng chỉ là bước đầu. Vấn đề còn phải tiếp tục phải tranh đấu trên các lảnh vực chánh:

Về Nhân quyền. Nhân quyền trong kinh tế nói chung rất tổng quát. Đó là quyền mưu cầu cuộc sống. Quyền có sự công bằng trong cơ hội kinh doanh. Ví dụ bất công giữa quốc doanh và tư doanh. Quyền được bả vệ tài sản chung của người dân. Như chống loại tham nhũng lớn của viên chức chánh quyền tự vẽ dự án đề tham nhũng, hay giao cho các công ty quốc doanh TQ thầu các dự án lớn. Hoặc lấy đất dân nghèo rồi bán lại cho tư sản đỏ với giá rất cao. Lấy tiền thuế của dân chi cho các dự án cầu cống xây dựng không đúng tiêu chuẩn bị sụp đỗ…Và nhiều nữa như chúng ta biết trong nhiều năm qua.

Về Quyền công nhân. VN phải thi hành đúng theo luật của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Vừa qua VN đã chuẩn phê điều “không được cưởng bách lao động”. Nhưng còn hai điều luật quan trong là “quyền thành lập công đoàn độc lập” và “quyền thương lương lượng tập thể”. VN hứa sẽ phê chuẩn vào năm 2020 và 2023.Đây là lảnh vực rất quan trọng. Chính EU cũng rất quan tâm điều nầy.

Về môi trường. Đây là yêu cầu chung của quốc tế trong TCH hiện nay.Cho tới hiện nay VN đã làm được rất ít. Nhứt là trong lảnh vực đánh bắt cá tôm trên biển cũng như trong sông VN vi phạm nhiều lần và bị phạt nhiều lần.

Về các mặt khác như:

Nền kinh tế có cạnh tranh công bằng và lương thiện.  Sự ưu đãi quốc doanh quá đáng để nuôi chế độ và tham nhũng. Theo EVFTA chánh phủ sẽ không thể trợ cấp sai nguyên tắc chung cho quốc doanh để gây bất công trong kinh doanh.

Chánh quyền phải minh bạch và thông tin đầy đủ tới người dân và đối tác kinh doanh. Đặc biệt vấn đề hối xuất mà Hoa kỳ đã cảnh cáo. Vấn đề chứng chỉ xuất xứ cũng rất quan trong trong HĐ , điềumà VN đã làm trong năm qua khi cho hàng TQ chứng chỉ xuất xứ VN để lọt vào Mỹ.

Chánh quyền phải tôn trọng luật pháp và công lý theo tiêu chuẩn nước văn minh bình thường

Dân chúng và Hội đoàn dân sự được quyền có ý kiến cho công cuộc kinh doanh trong nước và quốc tế. Chính nhiều nghị sĩ EU cũng yêu cầu VN phải để dân chúng,  Hội đoàn dân sự tham gia vào một số Ủy ban mà EVFTA có qui định. Nhưng VN thì lương lẹo cho “gà nhà” vào các Tổ chức dân sự do cộng sản lập ra, là chuyện rất có thể, kể cả Công đoàn độc lập.

2.Phương hướng và phương cách vận dụng 

Như chúng ta biết công cuộc tranh đấu nhân danh quyền lợi chánh đáng của dất nước và dân tộc trong chế độ CS như VN thì có nhiều khó khăn, nhiều hy sinh và phải kiên trì.

Trong hiện tình, CSVN phải nhương bộ vì quyền lợi kinh tế. Nhưng nếu chì có dân chúng tranh đấu thì kết quả rất ít, như hàng chục năm qua. Ngày nay phải cần đến áp lực từ bên ngoài, nhứt là từ các nức ký HĐ Mậu dịch tự do với VN, trong đó EVFTA và EVIPA là phần rất trọng. Người dân có thể tin cậy những nhà tranh đấu cho nhân quyền hiện nay.

Cần có sự kết hợp từ các thành phần:

Dân chúng VN trong và ngoải nước. Nhứt là thành phần dân chúng có liên hệ. Theo dõi và xúc  tiến thành lập Công đoàn độc lập khởi đầu từ các xí nghiệp nhỏ và có làm ăn với doanh nhân EU cũng như nước tư bản khác.

Các Hội đoàn dân sự lập Tổ tư vấn cho EVFTA và CPTPP.

Truyền thông trong nước yều cầu chánh quyền phô biến rộng rải luật lệ, hợp đồng kinh doanh, các vụ thầu của chánh phủ, các trợ cấp và ưu đải của quốc doanh, các thiệt hại của các công trình do TQ thầu, các vụ tham nhũng lớn.

Người Việt hải ngoại nhứt là Tổ chức đấu tranh , truyền thông cần theo dõi việc thi hành HĐ mậu dịch quốc tế với sự phân tích đầy đủ và cung cấp cho các cơ quan chánh phủ sở tại và quốc tế để yểm trợ công cuộc đấu tranh.

Vấn đề phức tạp, khó khăn, thành quả đến không dễ dàng, nhưng vẫn có hy vọng và cần giữ vững niềm tin.

Cali,  20 tháng 2- 2020

Cây Cộng Sản – Trần Gia Phụng

“Cây cộng sản” là tên một truyện ngắn của Phan Khôi trong tập bản thảo Nắng chiều. Ông xin xuất bản năm 1957 ở Hà Nội, nhưng không được CS cấp phép. Trong truyện “Cây cộng sản”. Phan Khôi kể rằng một người Thổ (miền núi) giải thích với ông về lai lịch cây CS như sau: “Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thấy thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lâu mà đầy cả đường xá đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thì gọi nó như vậy.”(Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Sài Gòn: Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, 1959, tr. 90.) “Cụ Hồ” chỉ Hồ Chí Minh.

1. Hồ Chí Minh du nhập Cây Cộng Sản

Hồ Chí Minh (HCM) tên là Nguyễn Sinh Cung (NSC), làm phụ bếp trên tàu biển, đến Pháp năm 1911, Lúc đó, HCM có tên là Nguyễn Tất Thành (NTT), viết đơn đề ngày 15-9-1911 xin vào học Trường Thuộc Địa Paris, nhưng bị từ chối. Tiếp tục theo tàu biển một thời gian, NTT đến Anh năm 1915, rồi qua Paris năm 1919. (Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ‘Indochine au Vietnam, Paris: Nxb. Gallimard, 1990, tr. 42.) Tại đây, NTT hoạt động trong nhóm các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền. Nhóm có bút hiệu chung là Nguyễn Ái Quốc.

Trong bốn người dùng chung bút hiệu Nguyễn Ái Quốc (NAQ), thì ba vị Trinh, Trường, Truyền không tiện ra mặt công khai chống Pháp. Chỉ có NTT là người mới đến, chưa bị mật thám Pháp chú ý, thường đại diện nhóm, dùng tên NAQ để liên lạc với báo giới và chính giới. Dần dần NTT dùng bút hiệu NAQ làm tên riêng của mình. (Lữ Phương, “Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh”, báo điện tử Talawas ngày 26-1-2007.)

Năm 1920, NAQ gia nhập đảng Xã Hội Pháp. Khi đảng Xã Hội họp tại Tours từ 26 đến 31-12-1920, đặt vấn đề nên theo Đệ nhị hay Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS), thì NAQ bỏ phiếu theo ĐTQTCS. (Đệ tam QTCS do đảng CS Nga thành lập 1919.) Sau hội nghị Tours, đảng CS Pháp được thành lập. Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng nầy.

Tháng 10-1922, đảng CS Pháp họp đại hội II tại Paris. Đại diện ĐTQTCS là Dmitry Manuilsky đến dự họp, chọn NAQ để đưa qua Nga huấn luyện. (Nga đổi thành Liên Xô năm 1923.) Được công việc mới để sinh sống, NAQ đến Liên Xô giữa năm 1923, vào học Trường Đại học Lao động CS Phương Đông (Communist University of the Toilers of the East). Cuối năm 1924, ĐTQTCS gởi NAQ qua hoạt động gián điệp cho Liên Xô ở Quảng Châu (Trung Hoa). Năm 1930, NAQ có tên là Lý Thụy, thành lập đảng CS Việt Nam tại Hồng Kông. Năm 1945, NAQ có tên là HCM cùng đảng CS cướp chính quyền và thành lập nhà nước CS đầu tiên ở Á Châu.

2. Ý kiến của những người lớn tuổi

Khi được tin con mình là NSC tức NAQ (sau nầy là HCM) vào đảng CS, phụ thân NAQ là Nguyễn Sinh Huy (tên cũ là Sắc) (1868-1901) rất bực mình, “không muốn nghe nói đến “đứa con hư” của mình mà các chủ thuyết chẳng những đả phá uy quyền của nhà vua mà còn đả phá luôn uy quyền của người gia trưởng.” (Daniel Hémery, sđd. tr. 134.)

Phan Châu Trinh (1872-1926) là bạn đồng khoa phó bảng năm 1901 với Nguyễn Sinh Huy, thân phụ của NAQ. Được tin NAQ gia nhập đảng CS Pháp, tại Paris Phan Châu Trinh viết thư gởi NAQ, cho rằng NAQ theo ĐTQTCS để chống Pháp, “thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi.” (Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945, Amarillo TX: Nxb. Chuông Rè, 2000, tt. 39-40.) Như thế, theo Phan Châu Trinh, NAQ vào đảng CS tranh đấu, sẽ chỉ thay thực dân Pháp bằng ĐTQTCS, còn dân Việt Nam vẫn sẽ bị làm nô lệ.

Do Phan Châu Trinh không đồng tình về việc NAQ gia nhập đảng CS Pháp, và do chủ trương dân chủ, dân quyền của Phan Châu Trinh, mà đảng CSVN đả kích Phan Châu Trinh. Văn công CS là Tố Hữu đã mỉa mai Phan Châu Trinh như sau: “Muôn dặm đường xa biết đến đâu?/ Phan Châu Trinh lạc lối trời Âu…” (Tố Hữu, “Theo chân Bác”, viết năm 1970.) Phan Châu Trinh giữ vững lập trường dân tộc, không bao giờ lạc lối; chỉ những kẻ xin làm tay sai mới lạc lối mà thôi.

Một nhà cách mạng khác có kinh nghiệm cá nhân với ĐTCSQT là Phan Bội Châu (1867-1940). Trong hồi ký của mình, Phan Bội Châu kể rằng năm 1920 tại Bắc Kinh (Trung Hoa), Phan Bội Châu gặp hai người Nga: một là Grigorij Voitinski và hai là một viên tham tán tòa đại sứ Nga tại Bắc Kinh. Khi Phan Bội Châu ngỏ ý muốn nhờ người Nga giúp đỡ, đưa học sinh sang Nga du học, viên tham tán Nga chỉ vẽ cặn kẽ, và hứa rằng Nga sẽ giúp đỡ tận tình, với điều kiện là phải chấp nhận “tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản, học thành rồi về nước tất phải gánh lấy những việc tuyên truyền chủ nghĩa Lao Nông… ra sức làm những sự nghiệp cách mạng.” Viên tham tán Nga còn yêu cầu Phan Bội Châu dùng tiếng Anh viết sách, kể hết chân tướng người Pháp.

Phan Bội Châu cho biết ông không viết được tiếng Anh, nên ông “không lấy gì trả lại thịnh ý ấy” (Phan Bội Châu, Tự phán hay Phan Bội Châu niên biểu, trong Phan Bội Châu toàn tập tập 6, Chương Thâu, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 272.) Từ đó, Phan Bội Châu tránh mặt người Nga. Có thể những yêu cầu của người Nga về “tín ngưỡng Lao Nông”, tức chủ nghĩa cộng sản, làm cho Phan Bội Châu e ngại, nên ông từ chối khéo, vì nếu cần thì Phan Bội Châu nhờ thông ngôn tiếng Trung Hoa ở tòa đại sứ Nga tại Bắc Kinh, có thể bút đàm với Phan Bội Châu.

Nếu viên tham tán Nga tại Bắc Kinh đưa ra cho Phan Bội Châu những điều kiện như thế, thì Dmitry Manuilsky hẳn cũng đã đưa cho NAQ những điều kiện như thế, và NAQ phải đồng ý, mới được đại diện Nga lo giấy tờ, đưa NAQ rời đất Pháp đi qua Nga. Năm 1924, ĐTQTCS gởi NAQ qua Trung Hoa làm gián điệp cho Liên Xô với tên là Lý Thụy.

Đến Quảng Châu, biết được Phan Bội Châu đã đổi tên tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, thành Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lý Thụy nhiều lần liên lạc và viết thư đề nghị Phan Bội Châu sửa đổi cương lĩnh và chương trình của VNQDĐ, nhưng ông không chịu. Lý Thụy liền âm thầm bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu khi ông vửa từ Hàng Châu đến ga Thượng Hải trưa ngày 1-7-1925. (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, Paris, 1962, tr. 38). Phải chăng Lý Thụy bán Phan Bội theo lệnh ĐTQTCS để trả thù vụ Phan Bội Châu từ chối năm 1920, đồng thời tiêu diệt một người không theo CS để trừ hậu hoạn, và kiếm tiền sinh sống? Pháp đem Phan Bội Châu về Việt Nam, đưa ra xét xử trước Hội đồng đề hình Hà Nội, và tuyên án khổ sai chung thân. Trước phản ứng mạnh mẽ của dân chúng Việt Nam, Pháp ân xá Phan Bội Châu và chỉ định cư trú tại Huế.

Về sau, trong cuộc phỏng vấn tại Huế năm 1938 của ký giả Maurice Detour, báo L’Effort, Hà Nội, đề tài là “Về vấn đề giai cấp đấu tranh”, Phan Bội Châu trả lời như sau: “Hô hào giai cấp đấu tranh ở xứ nầy là một việc cực ngu! Những người thức thời không bao giờ làm như thế. Thế nào là “Tư bản”? Một người có năm, mười mẫu ruộng, một anh chủ tiệm may gọi là tư bản ư? Cứ xem bảng tổng kê ở các nước khác, thì đã có người Việt Nam nào đáng gọi là tư bản chưa? Tôi đã nói ở nước nầy chưa có sự phân biệt rõ ràng của hai giai cấp tư bản và lao động: người Việt Nam chúng ta đều là hạng người mất quyền, hạng người mất nước cả. Cùng một tai nạn, đã không chung sức để tùy theo cảnh ngộ mà lần hồi thu phục lại những quyền đã mất để gây dựng lại nền tảng quốc gia, lại còn kiếm cách tương tàn tương phấn, làm giảm mất lực lượng tranh đấu, thật là một điều thất sách!…Tóm lại là người ta lợi dụng phong trào xã hội để chia rẽ lực lượng trong nước, để phá hủy sự đoàn kết và để làm tiêu diệt tinh thần quốc gia của dân ta…” (Báo Tràng An số ra ngày 7 tháng Mười năm 1938) (Chương Thâu trích lại, Phan Bội Châu toàn tập, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990. tt. 368-371.)

Xin thêm ở đây, Phan Bội Châu từ trần tại Huế năm 1940. Ông gốc người Nghệ An, được con cháu thờ ở nha thờ tộc Phan tại Nghệ An. Sau hiệp định Genève năm 1954, đất nước bị chia hai. Bắc Vệt Nam tổ chức cải cách ruộng đất (CCRĐ). Ở Nghệ An năm 1955, đội CCRĐ đem Phan Bội Châu ra đấu tố và ảnh của Phan Bội Châu bị quăng vào chuồng trâu. (Lời kể của cháu nội Phan Bội Châu trên báo Kiến thức ngày nay, số 50, Tp. HCM ngày 15-12-1990, và thư của Lê Nhân gởi Phan Văn Khải, trên báo Đàn

Chim Việt ngày 5-12-2005.) (Trong CCRD, có các cách đấu tố là: đấu lý, đấu lực, đấu pháp và đấu ảnh. Đấu ảnh là dùng ảnh người vắng mặt để đấu tố.)

3. Ý kiến của một người đồng thời

Nhà văn Phan Khôi (1887-1959), hiệu là Chương Dân, cháu ngoại Hoàng Diệu, sinh ở Quảng Nam, lớn hơn HCM vài tuổi, kể như đồng thời. Trong cuộc mít-tin do CS tổ chức sau ngày 2-9-1945 tại Quảng Nam, Phan Khôi nói rằng ông hoan nghênh nền độc lập dân tộc, nhưng ông không đồng tình với con đường chủ nghĩa CS. (Phan Cừ, Phan An, “Phan Khôi niên biểu”, đăng trong Chương Dân thi thoại của Phan Khôi, Nxb. Đà Nẵng tái bản, 1996, tr. 161.)

Năm sau, Phan Khôi từ Quảng Nam ra Hà Nội. Tối 20-10-1946, CS tấn công tòa soạn báo Việt Nam, số 80 đường Quan Thánh (tên cũ Bouddha), Hà Nội. Phan Khôi có mặt ở đó, và bị CS bắt cùng với Khái Hưng và một số thân hữu. Cộng sản quản thúc Phan Khôi và bắt ông di tản lên chiến khu của CS khi chiến tranh bùng nổ ngày 19-12-1946. Sau hiệp định Genève (20-7-1954), Phan Khôi bị đưa về sống ở Hà Nội. Tại đây, ông tham gia vụ Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956. Nhà nước CS bắt giam các nhà văn trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, nhưng CS chỉ cô lập Phan Khôi mà không bắt giam, vì uy tín của ông quá lớn, sợ gây dư luận bất lợi cho CS.

Năm 1957, tại Hà Nội, Phan Khôi tập họp một số truyện ngắn, bút ký của ông từ năm 1946 trở về sau, thành một quyển sách, mà ông đặt tựa đề là Nắng chiều. Chẳng những nhà cầm quyền CS không cấp phép xuất bản, mà còn mở chiến dịch đả kích Phan Khôi. Trong số những bài báo chống Phan Khôi, có bài của Đoàn Giỏi, trên báo Văn Nghệ (Hà Nội) số 15, tháng 8-1958, tựa đề là “Tư tưởng phản động trong sáng tác của Phan Khôi”. Bài báo nầy cho biết tập Nắng chiều của Phan Khôi gồm 2 phần: phần truyện ngắn và phần tạp văn. Phần đầu gồm 3 truyện ngắn là “Cầm vịt”, “Tiếng chim”, và “Cây cộng sản”. Phần thứ hai gồm 4 tạp văn, mà theo Phan Khôi là sự thực chứ không phải tiểu thuyết. Đó là “Thái Văn Thu”, “Ông Năm Chuột”, “Chuyện ba ông vua Kiền Long, Quang Trung và Chiêu Thống”, và “Nguyễn Trường Tộ”. Theo bài báo nầy, trong truyện ngắn “Cây cộng sản”, có đoạn Phan Khôi viết như sau:

“Có một thứ thực vật cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, ở Bắc Việt không chỗ nào là không có… Không mấy lâu rồi nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong những năm 1930-1931, đồng thời với Đông Dương Cộng Sản Đảng hoạt động, phong trào cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy, cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là “herbe communiste”, đáng lẽ dịch là cỏ cộng sản, nhưng nhiều người gọi là cây cộng sản… Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thứ cỏ ấy mọc lên…”

Phan Khôi còn viết rằng nhiều người gọi cây nầy là “cỏ bù xít”, vì nó hôi như con bọ xít, hoặc gọi là “cây cứt lợn”, hoặc “”cây chó đẻ”. Ông cho rằng gọi như thế là thiếu nhã nhặn, người có học không nên gọi như vậy, và ông chỉ gọi là “cây cộng sản”. (Hoàng Văn Chí, sđd. tt. 89-96.)

Bài báo của Đoàn Giỏi trên tạp chí Văn Nghệ Hà Nội số 15, tháng 8-1958, trích dẫn nguyên văn những đoạn trên của Phan Khôi trong truyện ngắn “Cây cộng sản”. Nhờ đó dân chúng mới biết, chứ chẳng ai được đọc tập Nắng chiều của Phan Khôi. Chính vì vậy, Đoàn Giỏi bị nhà cầm quyền CS kết tội mượn cớ phê bình Phan Khôi để giới thiệu tập Nắng chiều và đưa ra những đoạn văn đả kích chế độ. (Hoàng Văn Chí, sđd. tt. 89-96.)

Kết luận

Những ý kiến trên đây của những nhà hoạt động chính trị và văn học trước và đồng thời với HCM, chứng tỏ ngay từ đầu, đã có nguời hiểu rõ chủ nghĩa CS không phải là giải pháp tốt đẹp cho tương lai Việt Nam.

Bản thân HCM sinh sống ở Liên Xô nhiều năm, tận mắt thấy được nền chính trị và sinh hoạt xã hội CS không thích hợp với nền văn hóa dân tộc Việt Nam, xã hội Việt Nam. Hồ Chí Minh còn chứng kiến nạn độc tài đảng trị, chứng kiến nạn đại khủng bố thời Stalin. Thế mà HCM vẫn quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa CS, tổ chức đảng CS, đưa về cướp chính quyền, và cai trị Việt Nam theo kiểu độc tài Stalin, và thực hành xã hội chủ nghĩa viễn vông, không tưởng.

Kết quả là nước Việt Nam bị cây CS bao phủ, tối tăm, suy sụp, lại còn thụt lùi so với các nước lân bang, để rồi từ năm 1985, CSVN phải cải tổ, nhưng vẫn giữ cái cơ chế độc tài đảng trị làm vỏ bọc bên ngoài, để duy trì địa vị và quyền lợi. Dùng chữ “cải tổ” cho hoa mỹ, đỡ mất mặt, chứ thực sự là đảng CSVN chuyển trở lại chủ nghĩa tư bản theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Chủ nghĩa CS hay chủ nghĩa xã hội đã bị quăng vào sọt rác từ lâu rồi và đã bị Quốc hội Âu Châu lên án nặng nề ngày 25-1-2006 bằng nghị quyết 1481, tựa đề là “Quốc tế cần lên án những tội ác của các chế

độ toàn trị cộng sản”. Thế mà viên tổng bí thư đảng CS vẫn còn mộng du trước quốc hội Hà Nội ngày 23-10-2013 rằng: “Đến hết thế kỷ nầy không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” (Thanh Niên Online 26-3-2013). Nói chuyện hoàn thiện một thứ chủ nghĩa không còn nữa, đã bị vùi dập trong sọt rác, thật là quái đản! Hãy vứt đi cái cơ chế độc tài đảng trị, hãy đốn bỏ cây cộng sản, cho bầu trời Việt Nam quang đãng trở lại!

22.02.2020

https://baotiengdan.com/2020/02/21/cay-cong-san/

 

Việt Nam Trước Gọng Kềm Trung Cộng  –   Nguyễn Ngọc Sẵng

Việt Nam đang đối diện nhiều vấn nạn sinh tử cho chế độ Cộng Sản và những nguy cơ có thể mất nước về tay giặc Tàu.  Sau đây là vài sự kiện chết sống của dân tộc.

A- Áp lực từ phía Trung Cộng

1-Trung Cộng mua đất, thuê đất ở Campuchia, khu vực giáp biên giới với Việt Nam.

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7 cho biết nhiều doanh nghiệp Trung Cộng mua đất, thuê đất ở Campuchia, khu vực giáp biên giới với Việt Nam.

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7, thông tin tình hình biên giới Tây Nam tại Hội nghị Quân chính Bộ Tư lệnh TP.HCM, doanh nghiệp Trung Cộng mua, thuê đất dọc biên giới

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7, đánh giá năm 2019 có 2 điểm đáng chú ý là sự xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam của Trung Cộng và giữ ổn định được nội địa mà TP/HCM là trọng tâm.

Thiếu tướng Hùng cho biết hiện trên tuyến biên giới Tây nam giữa Việt Nam và Campuchia người Trung Quốc mua đất và thuê đất với diện tích lớn ở khu vực này.

2- Trung Cộng xây sân bay trong rừng ở Campuchia nhằm mục đích gì?

Một đường băng giữa rừng đang khơi dậy nhiều nghi ngờ về ý đồ của Trung Cộng đối với Campuchia và tham vọng quân sự của nước này trong khu vực. Theo một bài báo đăng trên báo New York Times thì phi đạo chạy dài ‘như một vết sẹo’ qua nơi từng là một khu rừng già hoang sơ ở vùng tây nam Campuchia.

Một khi hoàn tất vào năm tới trên một dải bờ biển hẻo lánh, Sân bay Quốc tế Dara Sakor sẽ có đường băng dài nhất nước. Cách đó không xa, các công nhân đang đốn cây trong một công viên quốc gia để mở đường cho một cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu chiến. Theo VOA ngày 24 tháng 12/19

3- Trung Cộng cung cấp Campuchia 100 xe tăng và xe bọc thép

Theo tờ Khmer Times, ông Banh nói rằng Trung Cộng sẽ cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) các xe tăng và xe bọc thép. Các thiết bị này dự kiến được chuyển đến đúng thời điểm tổ chức tập trận chung “Rồng Vàng” vào tháng Ba (2018)

Theo tờ Diplomat, ông Banh không xác nhận chính xác số lượng thiết bị được giao hoặc cho, thông tin cụ thể hơn về việc này. Tuy nhiên, một phóng sự trên kênh BTV cho hay Trung Cộng sẽ viện trợ khoảng 100 xe tăng và xe bọc thép cho Lữ đoàn 70 của Bộ Quốc phòng Campuchia. ( 4 tháng 2/2018)

4-Hàng Không Mẫu Hạn Sơn Đông trên Biển Đông

Truyền thông nhà nước Trung Cộng hôm 18/12 nói chiếc tàu sân bay đầu tiên do nước này chế tạo,  Hàng Không Mẫu Hạm Sơn Đông,  có nhiệm vụ tập trung vào Biển Đông và đối đầu trực diện với các tàu nước ngoài, theo South China Morning Post (SCMP).

Theo đó, chiếc chiến hạm mới được đưa vào hoạt động hôm 17/12 sẽ được sử dụng cho việc giao chiến, chủ yếu để giành quyền kiểm soát trên các vùng biển mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền, thay vì chỉ tập trung vào các nhiệm vụ huấn luyện như tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Cộng.

B- Nỗi lo ngày càng tăng về chủ quyền của lãnh đạo Cộng Sản

Dù cố gắng trấn an người dân bằng cách tỏ ra lạc quan về sức mạnh bảo vệ chủ quyền quốc gia, mặc dù không dám nêu đích danh bọn giặc Tàu, nhưng khi đánh giá tình hình đất nước, ông Nguyễn Phú Trọng nói “hiện nay có những nước vẫn nhòm ngó, tranh chấp chủ quyền, muốn xâm phạm độc lập chủ quyền của chúng ta”.

Ông Nguyễn Phú Trọng thấy rõ sự đe dọa chủ quyền, mầm móng trực tiếp gây tổn hại nghiêm trọng quyền lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Và Trung Cộng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại tham vọng chiếm Biển Đông. Theo vanews.org tháng 12/2019.

Nỗi lo này phù hợp với nhận định của học giả Richard Heydarian về những gì đã và đang diễn ra tại Biển Đông năm 2019.  Các quốc gia trong vùng càng chứng kiến sự đe dọa liên tục của Bắc Kinh lên chủ quyền lãnh thổ của họ hơn là một động thái thân thiện

Tháng 12/2018, nhân dịp lễ kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Cộng tại Đại Sảnh Đường Nhân dân Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình tuyên bố rõ ràng: “Trung Quốc sẽ không bao giờ phát triển trên sự tổn thất lợi ích của quốc gia khác nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Trung Cộng khẳng định quyết tâm này vào những ngày cuối năm 2019 trên vùng Biển Đông, khi nhóm tàu hải cảnh của Bắc Kinh lởn vởn trong khu vực lục địa phía Nam Việt Nam.

C- Con đường nào cho Việt Nam?

Trong thập niên nầy, Việt Nam cố găng canh tân quân đội, tân trang vũ khí.  Hằng năm họ chi cho ngân sách quốc phòng khoảng 2,23% tổng sản phẩm nội địa (GPD)  trong năm 2010 và đã tăng lên 2,36% vào năm 2018 (tương đương khoảng 5,8 tỷ đô la).

Theo đánh giá của giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc trong một lần trả lời phỏng vấn về Sách Trắng Quốc Phòng Việt Nam, việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam trong các năm qua thể hiện trong Sách Trắng chủ yếu là để đối phó với những thách thức từ Trung Cộng ở Biển Đông.

Trong Sách Trắng Quốc Phòng, Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, từ chính sách “ba không” có thể được hiểu một cách đầy đủ và chính xác hơn thành “bốn không” là: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chánh sách quốc phòng Việt Nam thể hiện cung cách “Tự Nguyện Làm Đệ Tử” với ước mong được yên thân trước con hổ dữ đang đói mồi.  Và do một Tướng Lãnh thân Tàu Nguyễn Chí Vịnh vẽ ra.

Trước  tình huống đó, một số nhân sĩ, trí thức, tướng lãnh, những người yêu nước kêu gọi Đảng Cộng Sản thay đổi chính sách quốc phòng, thân thiện với Mỹ để từ đó họ giúp bảo vệ chủ quyền đất nước.  Đáp lại lãnh đạo Đảng Cộng Sản thà Chiụ Mất Nước, chớ không để mất đảng.  Và những nhà tranh đấu bị kết án với những bản án thật nặng nề.

Việt Nam phải thay đổi chính sách quốc phòng thụ động, khiếp nhược, và phải Liên Minh với Mỹ, quốc gia duy nhất có thể giúp Việt Nam bảo vể chủ quyền quốc gia.  Rút bài học từ Nhật, Đức, họ đầu hàng Mỹ và Đồng Minh trong Thế Chiến thứ 2, nhưng ngày nay được hùng cường phần lớn do Mỹ.  Họ cho Mỹ đóng quân trên lãnh thổ, giao thương với Mỹ để phát triển kinh tế.  Họ biết Mỹ chưa hề chiếm một tấc đất của quốc gia nào khi họ đến và ra đi.  Phi Luật Tân cũng là bài học về giao thương với Mỹ.

Kể từ khi Đức đã nhận được 1,3 tỷ USD hỗ trợ tái thiết từ Kế hoạch Marshall của Mỹ, những công ty như Volkswagen, Siemens và Thyssen hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phương tiện tự động, điện tử và kỹ thuật đều được coi là những trụ cột của tăng trưởng kinh tế.  Nhờ giao thương với Mỹ và các nước tư bản Châu Âu mà họ được thịnh vượng như hôm nay.

Phải nhanh chóng dân chủ hoá đất nước để tận dụng tài nguyên trí tuệ của người dân, tạo cơ hội đồng đều cho mọi đóng góp, nhất là mặt khoa học, kỹ thuật.  Chỉ giao cho con cháu đảng viên những nhiệm vụ lãnh đạo, trong lúc những phó tiến sĩ mưu sinh bằng chạy xe ôm thì đất nước bao giờ phát triển? Và nhà nước luôn muốn có nhân tài phục vụ đất nước, mà nhân tài đang nằm co ro đói lạnh, bị hành hạ trong nhà tù vì không cùng quan điểm với nhà nước.

Trong những năn gần đầy, những phản kháng xã hội gia tăng, một số công khai chống nhà nước, bất ổn ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển.  Đàn áp không phải là đáp số.  Một nhà nước thông minh, nhân bản giải quyết những vấn nạn xã hội bằng giải pháp phi bạo lực.  Làm được việc nầy sẽ tạo được sự đoàn kết trong đại khối dân tộc, đó là một trong những nhân tố thúc đầy phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Một số các bạn trẻ Việt Nam sống ở nước ngoài, có khả năng cao trong lĩnh vực y tế, khoa học, họ muốn cống hiến khả năng cho quê hương, nhưng đất nước phải thật sự dân chủ.  Đừng quên một số khoa học gia trẻ ở hải ngoại cũng là chất xám mà quê hương cần.  Chính chế độ Cộng Sản đã ngăn cản sự đóng góp của họ.

Việt Nam cần mạnh dạn thay đổi thể chế, lấy tư doanh làm động lực phát triển, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh, đồng thời với cải cách hành chính, gỡ bỏ các rào cản, chấn chỉnh thực thi công vụ của bộ máy.

Trên hết, phải thả toàn bộ những người bất đồng chinh kiến, tổ chức bầu cử tự do, có sự giám sát quốc tế.  Làm được việc nầy, các ông tự tạo cơ hội để hoà nhập vào đại khối dân tộc.  Ngược lại, không có cánh tay độ lượng khi đảng Cộng Sản sụp đổ.

 

Vui cười

Sau khi thi trượt vì bị điểm F, anh sinh viên Luật Khoa tìm gặp Giáo Sư để chất vấn:

– Em muốn hỏi thầy một câu. Nếu thầy trả lời chính xác, em sẽ chấp nhận điểm F của mình. Nếu thầy không biết câu trả lời, em muốn thầy cho em điểm A.

– Câu hỏi là gì?

– Cái gì hợp pháp nhưng không hợp lý, hợp lý nhưng lại không hợp pháp, và cái gì chẳng hợp lý cũng như hợp pháp?
Suy đi nghĩ lại mà giáo sư vẫn không tìm được câu trả lời, vì thế phải đổi điểm A cho sinh viên như đã thỏa thuận.
Sau đó, Giáo Sư đưa câu hỏi đó ra trước các sinh viên của mình, tưởng đâu là ai cũng không biết, nào dè cả lớp đều giơ tay xin trả lời.

Ngạc nhiên quá, giáo sư liền gọi cậu sinh viên lên.

Không ngập ngừng chút nào cậu ta đáp:

– Thưa thầy! Thầy đã 63 tuổi rồi và cưới một người phụ nữ 19 tuổi, điều này hợp pháp nhưng không hợp lý. Vợ thầy có một người tình mới 25 tuổi, điều này hợp lý nhưng không hợp pháp. Sự thực là thầy vừa cho bồ của vợ thầy điểm A, mặc dù lẽ ra anh này phải bị đánh trượt vì bị điểm F, như vậy là chẳng hợp pháp cũng chẳng hợp lý gì cả.

 

 

Nghi vấn lịch sử về quan hệ giữa Chủ tịch Đảng Cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh và “Lưỡng quốc Tướng quân” Nguyễn Sơn – Thầy trò hay đối thủ chính trị?  –  Cao Tuấn

Bài 1: Về một người cộng sản «không giống ai»

Chủ tịch Đảng Cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh (1890-1969) và “Lưỡng Quốc Tướng Quân” Nguyễn Sơn (1908-1956) là hai nhân vật lịch sử quan trọng của một thời đại và họ có mối quan hệ đặc biệt với nhau. Tìm hiểu thực chất mối quan hệ này không nhằm mục đích phê phán mà là hàm ý muốn tiếp cận sự thực lịch sử, cái sự thực lịch sử rắc rối, phức tạp, không giống như những huyền thoại lưu truyền.Hành trình đi tìm sự thực bắt đầu bằng sự phân tích, đãi lọc, lượng giá và tổng hợp những tài liệu bán chính thức và chính thức có nguồn gốc từ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã được tìm thấy trên trên một số websites như sau:

www.tuongnguyenson.com

www.quansuvn.net

www.vnmilitaryhistory.net

Và nguồn tài liệu đáng kể nhất là cuốn sách Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương, mang khá nhiều thông tin mới mẻ rất có ý nghĩa.

Đây là quyển sách dịch, được Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội in và lưu hành rộng rãi từ năm 2001 từ nguyên bản chữ Hán Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình do Nhà Xuất bản Thế Giới Đương đại, Bắc Kinh, ấn hành năm 2000. Dịch giả là Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Tác giả là Trần Kiếm Qua, 86 tuổi, đảng viên trung kiên của Đảng Cộng sản Tầu, người vợ Trung Hoa, nay đã mất, của Lưỡng Quốc Tướng Quân. Tuy nhiên nội dung sách gồm cả những tài liệu “bí mật quốc gia” mới được giải mật lần đầu tiên cho thấy thực ra tác phẩm là một công trình tổng hợp của 3 tác giả chính: Trần Kiếm Qua kể lại cuộc đời vợ chồng 7 năm với Nguyễn Sơn, hai tác giả còn lại là Cơ quan Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Tầu và Cơ quan Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt.

Mục đích và đối tượng của cuốn sách này hiện rõ ngay trong lá thư trang trọng ngày 22 tháng 9 năm 2001,được nói là của Trần Kiếm Qua, kèm cả thủ bút và chân dung. Bản dịch của lá thư được in ngay ở phần đầu sách Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương có nội dung chính như sau:

“Thư gửi Nhà Xuất bản Văn học và bạn đọc Việt Nam:

… Hoàng Hà là dòng sông mẹ của Trung Quốc. Hồng Hà là dòng sông mẹ của Việt Nam. Cuốn sách nói về một câu chuyện có thực, ghi lại những thực tế về cuộc chiến đấu kề vai sát cánh giữa hai quân đội, hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam, phản ảnh thực tế nhất về tình hữu nghị truyền thống của nhân dân hai nước Trung-Việt. Gia đình chúng tôi chính là tượng trưng cho tình hữu nghị đó. Hoàng Hà và Hồng Hà sẽ mãi mãi chẩy xuôi, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt cũng sẽ mãi bền vững với thời gian…

Kính thư!

Phu nhân tướng Nguyễn Sơn

Trần Kiếm Qua”

Có tên như một truyện tình lãng mạn nhưng thực ra cuốn sách lại có bản chất và mục đích chính trị. Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương như thế phải được hiểu là một cố gắng bài bản của cả 2 Đảng Cộng sản Việt và Tầu, nhằm lật ngược tinh thần bài Hoa, chống Tầu trong xã hội Việt từ Nam ra Bắc, hậu quả của những hành động bá quyền lấn hiếp lân bang đang diễn ra trên biển Đông của nhà cầm quyền Trung Cộng và quan trọng hơn nữa, hậu quả của hơn một thập niên Trung-Việt thù nghịch vừa mới “chính thức chấm dứt” trong hội nghị Thành Đô tháng 9/1990.

Độ tận kiếp ba huynh đệ tại

Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu

(Qua cơn sóng gió anh em còn đó

Gặp nhau cười một tiếng quên hết oán thù)

Các lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, theo hồi ký của Thủ tướng Trung Cộng Lý Bằng kể lại, đã rất vui mừng được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tầu – Giang Trạch Dân đọc tặng 2 câu thơ trên sau khi đặt bút ký biên bản gọi là “hoà giải”.

Các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam rất có lý do để vui mừng.

Trước Hội nghị Thành Đô chừng một năm, họ đã kinh hãi trông thấy trận bão “diễn biến hoà bình” có thể sắp ập tới Việt Nam chính là trận bão 1989-1990 đang càn quét và làm tan tành các chế độ Cộng sản ở Ba Lan, Hungaria, Tiệp, Đông Đức, Albania, Bulgaria, Romania, Nam Tư …với cao điểm là vợ chồng bạo chúa Ceaucescu bị xử tử trong khi đó thì lãnh tụ Xô Viết Gorbachev không những khoanh tay đứng nhìn mà còn cắt các khoản viện trợ thiết yếu dành cho các nước Cộng sản đàn em, kể cả Việt Nam.

Họ cũng nhìn thấy chế độ Cộng sản Trung Hoa sẽ sụp đổ về vụ Thiên An Môn nếu Đặng Tiểu Bình không nghiến răng ra lệnh tàn sát dù máu có chảy thành sông. Trong bối cảnh nguy nan, bất trắc và tâm trạng lo lắng ấy, họ đã nhận chân rằng Đảng Cộng sản Tầu là chỗ dựa duy nhất, chỗ nương tựa duy nhất của Đảng Cộng sản Việt.

Hội nghị Thành Đô được mô tả là hội nghị của “hoà giải” Việt-Trung, thực chất là đàn em tìm đến đàn anh xin tha thứ “lỗi lầm” cũ và xin được bao bọc, che chở – trước khi chính thức ký cái biên bản bị chính trong nội bộ, được coi là bắt đầu một thời kỳ “Bắc thuộc” mới.

Nhưng làm sao chiến tranh với bao nhiêu tàn phá, chết chóc, làm sao thù nghịch ròng rã cả một thập niên (1980’s), bao nhiêu tuyên truyền, giáo dục vo tròn bóp méo trong nhân dân hai nước, thậm chí ra cả bạch thư, ghi trong Hiến pháp Việt Nam, chỉ đích danh “kẻ thù truyền kiếp” mà nay có thể chỉ “cười một tiếng quên hết oán thù”?!

Rất thất sách và phản tác dụng nếu Bộ Chính trị của Đảng CSVN ra lệnh hay ra nghị quyết “vì quyền lợi sinh tồn tối thượng của… Đảng, kể từ ngày hôm nay trở đi cụm từ “kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta” phải được thay bằng “tình hữu nghị truyền thống của nhân dân hai nước Trung – Việt” và bất cứ ai nói hay làm ngược lại sẽ bị trừng phạt đích đáng”.

Đảng Cộng sản Việt và cả Đảng Cộng sản Tầu đã không “vô chính trị” như thế.

Gieo Độc cần “nghệ thuật tuyên giáo” thì Giải Độc còn cần “nghệ thuật tuyên giáo” nhiều hơn nữa! Phải có kế hoạch khôn khéo, phải mở những chiến dịch “tâm công”, tích cực nhưng từ tốn như “mưa dầm thấm đất” và rất tự nhiên như chuyện giải trí, văn chương, học hỏi nghiên cứu bình thường, có nghĩa… như là Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương!

Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương nói riêng và các “chiến dịch” tưởng niệm – nhằm, nói chung, “làm sống lại” nhân vật Nguyễn Sơn liên tục từ nhiều năm nay, mặt khác, vô hình trung lại là cơ hội “đốt lò hương cũ” để biết Nguyễn Sơn đến thế nào, đi thế nào, đã viết gì, nói gì, làm gì, đã sống thế nào, chết thế nào… trong những năm tháng sôi động ấy… Một khi đã hiểu Lưỡng Quốc Tướng Quân thực sự là ai thì sẽ hiểu được thực chất mối quan hệ giữa hai nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh và Nguyễn Sơn cũng như ý nghĩa và hậu quả của mối quan hệ ấy đối với chính lịch sử của nước Việt Nam.

▪ Bối cảnh một cuộc hồi hương

Đầu tháng 8/1945 Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử trên thành phố Hiroshima và Nagasaki cùng lúc với đội quân Quan Đông hơn một triệu người của Nhật Bản ở Mãn Châu bị gần 100 sư đoàn cơ giới của Liên Xô đánh tan một cách bất ngờ trong vòng 2 tuần lễ.

Ngày 15/08/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh.

Ngày 19/08/1945, Việt Minh tổ chức biểu tình cướp chính quyền tại Hà Nội trước sự bất lực và mất tinh thần của chính quyền thân Nhật Trần Trọng Kim. Quốc vương Bảo Đại thoái vị, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn.

Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng không được cường quốc nào công nhận. Riêng Tổng thống Mỹ Harry Truman hoàn toàn làm ngơ trước những công hàm liên tiếp và khẩn thiết của Hồ Chí Minh yêu cầu Mỹ công nhận nền độc lập của Việt Nam và công nhận chính quyền Việt Minh. Lý do chính là Truman đã biết cá nhân Hồ Chí Minh và chính quyền do ông Hồ đứng đầu là Cộng sản, có liên lạc mật thiết với Đảng Cộng sản Nga và Đảng Cộng sản Tầu. Mặt khác, có thể Mỹ cũng không muốn gặp khó khăn rắc rối với đồng minh Pháp và Trung Hoa Dân quốc một cách không cần thiết.

Vào lúc Nhật đầu hàng đồng minh, Mao đã có trong tay 1 triệu quân, 100 triệu dân, kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn ở vùng Hoa Bắc, lại có Liên Xô, cường quốc đang tập trung đạo lục quân mạnh nhất thế giới ngay sau lưng tại Mãn Châu. Nếu Mỹ không có bom nguyên tử, Mao và Stalin có thể phối hợp đánh bại Tưởng Giới Thạch trong vòng 6 tháng mà Mỹ không kịp trở tay. Trong trường hợp này, chính quyền Hồ Chí Minh không cần nài nỉ Mỹ công nhận, chỉ cần chạy vào rừng cố gắng cầm cự cho qua 6 tháng ấy là thoát nạn. Nhưng thực tế Mỹ đang độc quyền vũ khí nguyên tử, không quân, hải quân mạnh nhất thế giới, căn cứ khắp nơi, kinh tế không bị tàn phá lại đang hết sức phát triển… Được Mỹ công nhận là chính quyền hợp hiến, hợp pháp của nước Việt Nam độc lập có hiệu quả hoá giải ngay mối đe doạ từ

Trung Hoa Dân quốc và từ đế quốc Pháp đối với Hồ Chí Minh và đảng CSVN. Tuy nhiên việc này đã không xẩy ra.

Hoàng Văn Hoan trong hồi ký “Giọt nước trong Biển cả”, tả tình cảnh chính quyền Hồ Chí Minh cuối năm 1945 là “ngàn cân treo sợi tóc”. Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập thì 3 tuần sau Pháp đã đổ bộ mấy chục ngàn quân tinh nhuệ, tái lập chế độ bảo hộ ở Lào, Miên và miền Nam VN một cách dễ dàng. Chính quyền Việt Minh địa phương chống cự yếu ớt. Thêm 2 tuần nữa thì 200 ngàn quân Tầu Quốc Dân Đảng tràn vào Miền Bắc, vừa giải giới quân Nhật, vừa hăm he “diệt Cộng, cầm Hồ” mưu đồ lập một chính quyền phiên thuộc, ít nhất ở Bắc Việt Nam.

Cả nước mới chỉ có 5 ngàn tay súng, không có kinh nghiệm chiến trận, trấn áp đám quốc gia “phản động” như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, Duy Dân… thì tạm đủ nhưng đánh nhau với Pháp hay với Tầu Quốc Dân Đảng là “trứng chọi đá”. Ông Hồ Chí Minh dĩ nhiên phải cân nhắc, toan tính đủ đường. Không dám chống cự quân Tầu Tưởng. Làm “Tuần lễ Vàng” để quyên vàng hối lộ Tiêu Văn, Lư Hán, rất nhún nhường trước các “thượng quan“; Giả vờ giải tán Đảng Cộng sản; Tổ chức bầu cử Quốc hội; Sao chép Hiến pháp Mỹ để làm Hiến pháp Việt Nam; Lập chính phủ Liên hiệp… Bí mật cầu cứu Mao, nhưng Mao đang đứng bên bờ cuộc nội chiến sắp bùng nổ toàn diện ở Tầu, lực lượng chỉ tập trung ở vùng Hoa Bắc lại phải đối phó với hơn 3 triệu quân của Tưởng đang hình thành một thế bao vây. Trong hoàn cảnh ấy, Mao chỉ có thể phái người tin cẩn đến đến Việt Nam, giúp Đảng Cộng sản Việt triển khai thế trận “chiến tranh nhân dân kiểu Mao” để đối phó với đế quốc Pháp và có thể cả Tầu Quốc Dân Đảng.

Ông Hồ và Đảng Cộng sản Việt có lẽ đủ thực tế để biết không thể tự mình thắng Pháp mà chỉ mong kéo dài cuộc chiến cho đến ngày Mao thắng Tưởng. Mối lo trước mắt là làm sao sống sót, làm sao thoát khỏi tình trạng nguy ngập “một cổ 2 tròng”, “tứ bề thọ địch”!?

Đúng lúc ấy, tháng 11/1945 Nguyễn Sơn xuất hiện tại Hà Nội – mang dáng dấp của một cứu tinh.

▪ Đúng người đúng việc

Ở bên Tầu tên ông là Hồng Thuỷ, khi bí mật trở về Việt Nam hoạt động để che giấu bớt thân thế, nhất là đối với tình báo Trung Hoa Dân Quốc, tình báo Pháp và tình báo Mỹ, ông đổi tên là Nguyễn Sơn.

Nguyễn Sơn, tên thật là Vũ Nguyên Bác, sinh năm 1908 tại Hà Nội, gia đình tư sản, nguyên học viên trường sư phạm tức là được giáo dục theo lối Pháp, kém ông Hồ Chí Minh 18 tuổi nên thuộc thế hệ cùng trang lứa với các nhân vật Cộng sản Việt nổi tiếng làm việc bên cạnh ông Hồ trong thời kỳ đầu như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Chu Văn Tấn, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Tử Bình, Lê Thiết Hùng, Trần Đăng Ninh, Phùng Chí Kiên, Hoàng Sâm, Nguyễn Chí Thanh… Chẳng hạn Nguyễn Sơn cùng tuổi với Lê Thiết Hùng nhưng kém Hoàng Văn Hoan 3 tuổi, kém Phạm Văn Đồng 2 tuổi, kém Trường Chinh và Lê Duẩn một tuổi, hơn Chu Văn Tấn 1 tuổi, hơn Trần Tử Bình 2 tuổi, hơn Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ 3 tuổi.

Tuy nhiên Nguyễn Sơn độc đáo, khác biệt hẳn những người này:

1. Kể từ 1925 đến 1945, Nguyễn Sơn đi làm Cách mạng Cộng sản nhưng là Cách mạng Cộng sản Tầu chứ không phải là Cách mạng Cộng sản Việt, chỉ hoạt động với Đảng Cộng sản Tầu, không hoạt động với Đảng Cộng sản Việt.

2. Nguyễn Sơn về Việt Nam, sau 20 năm hoàn toàn vắng bóng, với tư cách là một đảng viên Đảng Cộng sản Tầu, do Mao Trạch Đông đích thân chọn để giúp Đảng Cộng sản Việt đối phó với tình trạng dầu sôi, lửa bỏng lúc bấy giờ. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, Hồng Thuỷ / Nguyễn Sơn đã được Mao tiếp kiến dặn dò trước sự hiện diện của cả Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh tại thủ phủ Diên An (sách Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương, trang 225 ). Sau 5 năm làm nhiệm vụ ở Việt Nam, trở lại Trung Cộng năm 1950 Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn được bố trí cư trú ngay ở Trung Nam Hải – là một thứ “Tử Cấm Thành” của Đảng Cộng sản Tầu tại thủ đô Bắc Kinh…

Mao Trạch Đông biệt phái Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn giúp Đảng CSVN đánh Pháp trong thời gian 1945-1950, không khác gì biệt phái Vi Quốc Thanh, La Quy Ba làm công tác tương tự trong thời gian 1950-1954, hay biệt phái Trần Canh đến Việt Nam làm một công tác đặc biệt có tầm quan trọng chiến lược là thiết kế và hướng dẫn một lực lượng Việt Minh – vừa được Trung Cộng bí mật huấn luyện và trang bị trên đất Tầu – mở chiến dịch Biên giới tháng 9/ 1950 nối liền thành một giải “đại hậu phương Trung Quốc” với “khu Giải Phóng” ở Miền Bắc Việt Nam sau khi đã tiêu diệt quân Pháp ở Đông Khê và Thất Khê. Dĩ nhiên Mao căn cứ vào mỗi tình thế cụ thể để chọn người thích hợp theo nguyên tắc “đúng người, đúng việc”.

3. Theo lời của Trung Tướng Trần Độ trong bài hồi ký “tướng Nguyễn Sơn và tôi” thì ông Hồ Chí Minh trong buổi đầu đã giới thiệu Nguyễn Sơn với các đồng chí Trung ương Đảng Cộng sản Việt – là một người “thân kinh bách chiến” và hiển nhiên vào thời điểm lịch sử đó chính ông Hồ không thấy có cộng

sự viên nào khác có thể bì kịp với người vừa mới trở về. Không ai có bề dầy kinh nghiệm về các hoạt động chính trị và quân sự như Nguyễn Sơn. Người có ít nhiều kinh nghiệm về hoạt động chính trị như Tổng Bí thư Trường Chinh thì lại không có kinh nghiệm về quân sự, người có ít nhiều kinh nghiệm quân sự như Bộ trưởng Quốc phòng Chu Văn Tấn lại không có kinh nghiệm về hoạt động chính trị. Nguyễn Sơn, vào thời điểm lịch sử 1945-1950, là con người Cộng sản Việt Nam “văn võ song toàn”.

Một người Việt Nam khác dưới trướng của ông Hồ cũng được coi là “văn võ song toàn” nhưng là về sau này chứ không phải trong giai đoạn 5 năm đầu khó khăn ấy và người đó là Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp có bằng cấp đại học, có kiến thức kinh điển nhưng đối chiếu với Nguyễn Sơn thì kinh nghiệm chính trị của ông chỉ giới hạn trong giới học thức và hơn 1 năm trong nhà tù Thực dân Pháp. Thành tích quân sự của Võ Nguyên Giáp còn mỏng manh hơn nữa – ông Giáp chuẩn bị nhưng chưa kịp đi thụ huấn quân chính ở Diên An thì đã được gọi về để chỉ huy đội quân du kích võ trang tuyên truyền năm 1944. Kinh nghiệm chiến đấu gọi là chống Pháp, chống Nhật vào thời điểm lịch sử đặc biệt ấy của ông Giáp thực ra chỉ gồm trên dưới một năm “đánh võ” trong cái “khoảng trống” ngẫu nhiên được tạo ra trong buổi giao thời (1944-1945) do các thế lực đối nghịch triệt hạ lẫn nhau, trung hoà lẫn nhau trên đất nước Việt Nam – Nhật lật đổ Pháp nhưng chưa kịp làm chủ hẳn Đông Dương thì đã phải buông súng đầu hàng Đồng Minh…

Võ Nguyên Giáp chỉ kém Nguyễn Sơn 3 tuổi nhưng kinh nghiệm làm cách mạng Cộng sản, nhất là kinh nghiệm thực tiễn về các khía cạnh của “chiến tranh nhân dân” thì kém hơn Nguyễn Sơn gần 20 năm!

4. Ông Hồ Chí Minh lúc về sau có thể thấy lời ca ngợi “thân kinh bách chiến” dành cho Nguyễn Sơn có hậu quả bất lợi nhưng “thân kinh bách chiến” đúng ra vẫn chỉ phản ảnh một phần cuộc đời tranh đấu của Nguyễn Sơn trên đất Trung Hoa.

Nguyễn Sơn đến Trung Hoa năm 1925 lúc 17 tuổi, tốt nghiệp khoá 4 trường quân sự nổi tiếng Hoàng Phố năm 1926 và là một trong 15 tướng lãnh của Trung Cộng xuất thân từ ngôi trường này như Lâm Bưu, Từ Hướng Tiền, Trần Canh, Lưu Chí Đan… Trường Hoàng Phố là biểu tượng 2 Đảng Quốc-Cộng Trung Hoa hợp tác lần đầu theo chủ trương “Liên Nga, dung Cộng” của lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Đảng Tôn Dật Tiên. Hoàng Phố là nơi Tưởng Giới Thạch làm Hiệu Trưởng / Tư lệnh, Liêu Trung Khải làm Chính uỷ, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ làm giảng viên, Chu Ân Lai làm Giám đốc học vụ, Mikhail Borodin phái viên cao cấp của Stalin làm cố vấn.

Năm 1927 bùng nổ tranh chấp Quốc-Cộng ở Trung Hoa, Nguyễn Sơn gia nhập Đảng Cộng sản Tầu và tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu dưới sự chỉ huy trực tiếp của Diệp Kiếm Anh. Đảng Cộng sản Tầu, ở thế yếu hơn, bị chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị đàn áp khốc liệt, phải bỏ thành thị chạy về các vùng rừng núi, nông thôn, phát động chiến tranh nhân dân theo sách lược của Mao, kết hợp du kích chiến với vận động chiến, rồi tuyên bố thành lập Cộng Hoà Xô Viết Trung Hoa năm 1931, tạo tình trạng một quốc gia trong một quốc gia.

Thời kỳ 1929-1931, Nguyễn Sơn nằm gai, nếm mật, chiến đấu trong hàng ngũ Hồng Quân Công Nông ở vùng Xô Viết Trung ương thuộc tỉnh Giang Tây và Phúc Kiến, lần lượt trải qua các chức vụ Chính trị viên đại đội, Chính uỷ trung đoàn, Chủ nhiệm chính trị sư đoàn, góp phần đẩy lui nhiều cuộc tấn công vây quét quan trọng của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc.

1932: Nguyễn Sơn làm giảng viên chính trị Trường Quân chính Trung ương cùng lúc với La Quy Ba. Hoàn toàn hoà nhập vào môi trường Trung Hoa về mọi khía cạnh kể cả văn hoá, ngôn ngữ như ứng khẩu diễn thuyết trước các đám đông, làm báo, viết văn, làm thơ, sinh hoạt, chiến đấu… không khác gì một cán bộ Cộng sản bản lĩnh người Tầu chính hiệu. Năm 1933 Nguyễn Sơn sáng lập đoàn kinh kịch đầu tiên của Đảng Cộng Sản Tầu, phục vụ cổ vũ chiến đấu, tự mình viết kịch, làm đạo diễn và diễn xuất.

Nhiệt tình, trung thành, tận tuỵ, xông xáo, nóng tính nhưng phóng khoáng, vui nhộn, trình độ trí thức ngang bằng hay còn cao hơn các cán bộ lãnh đạo Cộng sản Tầu khác, lại thông minh, hiếu học, ham đọc sách, có tư duy chiến lược, thích nghi dễ dàng với mọi hoàn cảnh cộng với các tài năng thiên phú đã khiến Hồng Thuỷ sớm lọt vào mắt xanh và trở nên gần gũi, thân thiết với các lãnh tụ cao cấp nhất như Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Nhiếp Vĩnh Trăn, Trần Nghị, Lưu Bá Thừa, Đặng Tiểu Bình, Bành Đức Hoài, Nhậm Bật Thời, Lý Phú Xuân, Thái Xương… Những người này thường gọi Nguyễn Sơn là “Tiểu Hồng” một cách thân mật, tự nhiên. Không một người Cộng Sản Việt Nam nào khác lại có quan hệ “người nhà” đối với Đảng Cộng sản Tầu như trường hợp của Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn.

Tháng 1/1934 Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn được bầu làm Uỷ viên Trung ương của Hội nghị Đại biểu Toàn Quốc lần thứ hai của Cộng Hoà Xô Viết Trung Hoa, với tư cách là đại biểu của “dân tộc thiểu số” (dân tộc Việt!). Cùng với Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn còn có thêm một người thứ hai gốc Triều Tiên cũng được chọn và cũng với tư cách là đại biểu của dân tộc thiểu số (dân tộc Triều Tiên!). Đây là một tiết lộ quan trọng của Đảng Cộng sản Tầu – được tìm thấy ở trang số 113-114 sách Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương, rất cần lưu ý.

Cuối năm 1934 Hồng Thuỷ/ Nguyễn Sơn tham gia cuộc Trường chinh hay Vạn Lý trường chinh nổi tiếng của Đảng Cộng sản Tầu, trực tiếp dưới quyền Chu Đức – lãnh tụ số 1 của Hồng Quân lúc ấy đang điều khiển một trong 2 cánh quân chính. Trước đó, Hồng Thuỷ chiến đấu trong đoàn cán bộ trung ương do Trần Canh chỉ huy và cũng phải luôn luôn xung trận như các đơn vị khác (Trần Canh sau này là danh tướng từng đánh nhau với đại quân của Nhật trong cuộc chiến Trung-Nhật, từng thống lãnh mấy chục vạn quân trong nội chiến Quốc-Cộng trước khi bí mật sang Việt Nam điều khiển chiến dịch khai thông biên giới, rồi làm Phó Tổng tư lệnh quân đội Cộng sản Tầu đánh nhau với Mỹ tại chiến trường Triều Tiên, cuối cùng là Bộ Trưởng Quốc phòng của Trung Cộng).

Trường chinh là cái tên văn vẻ của cuộc hành quân triệt thoái khỏi căn cứ chính ở Giang Tây vì không chịu nổi áp lực “vây và diệt” của chính quyền Trung Hoa Dân quốc. Cuộc Trường chinh kéo dài hơn một năm trời (1934-1935), theo lộ trình hơn 12 ngàn cây số quanh co rất khó định trước, lúc rẽ về Tây, lúc phải đi vòng quanh như kiến bò trong miệng chén, lúc Bắc tiến, lúc tấn công các đồn bốt, thành trì để lấy đường đi, lúc chạy trốn, lúc bị phục kích, đánh chặn, bị săn đuổi từ trên trời, dưới đất, lúc ngày nghỉ, đêm di hành, vượt bao sông lớn, sông nhỏ, rừng rậm, núi tuyết, đầm lầy, thảo nguyên, các địa hình hiểm trở… xuyên qua 11 tỉnh của nước Tầu mênh mông như Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên, Cam Túc, Ninh Hạ… Khởi đầu, quân số khoảng 100 ngàn, khi đến được căn cứ Diên An của Lưu Chí Đan trong vùng cao nguyên hoàng thổ phía Bắc của tỉnh Thiểm Tây, gần với lãnh thổ Nội Mông thì chỉ còn khoảng 5 ngàn. Đại đa số đã chết trận, chết bệnh, chết đói, chết khát, mất tích, đào ngũ … Những người sống sót sau những gian khổ tận cùng đã trở nên thành phần kiên định nhất, bản lĩnh nhất, cố kết với nhau nhất trong Đảng Cộng sản Tầu và nhờ thế họ chiếm được toàn cõi nước Tầu 15 năm sau.

Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn là một trong những chiến sĩ làm nên “kỳ tích” thiên “anh hùng ca” này của Đảng Cộng sản Tầu, tức là thuộc “một giai cấp quý tộc đỏ” trong nước Trung Hoa mới – giai cấp của những người Trường chinh (The Long Marchers)!

(Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt – tên thật Đặng Xuân Khu nhưng được biết đến nhiều hơn bằng tên hiệu Trường Chinh, cái tên biểu lộ sự khâm phục, ngưỡng mộ cuộc Trường chinh “made in China” này – chắc phải có một cảm giác rất đặc biệt, khi lần đầu giáp mặt người Việt Nam duy nhất, bằng xương bằng thịt, đã tham dự, chiến đấu và sống sót sau cuộc Trường chinh thay đổi lịch sử. Rất tiếc không ai được biết cái cảm giác đặc biệt ấy của “đồng chí Trường Chinh” thực sự thế nào bởi vì giống như hầu hết các cộng sự viên thân cận nói trên của ông Hồ, Trường Chinh cũng tránh né việc công khai đề cập đến nhân vật Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn trong suốt cuộc đời. Người ta tất nhiên không khỏi thắc mắc tại sao Trường Chinh lại phải “kín tiếng” như thế?)

Năm 1936 Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn là một trong 40 học viên khoa đầu tiên của Trường Đại học Hồng Quân Công Nông Trung Quốc vừa chính thức khai giảng. Các học viên là cán bộ cấp trung đoàn và sư đoàn, Mao Trạch Đông đích thân làm Chính uỷ kiêm thầy giáo, Lâm Bưu làm Hiệu trưởng kiêm học viên. Mao dậy về “các vấn đề chiến lược của chiến tranh cách mạng Trung Quốc”, Hồng Thuỷ và các học viên khác tiếp thu, nghiên cứu, thảo luận, phát biểu sôi nổi, cùng trao đổi các bài học kinh nghiệm đấu tranh chính trị, quân sự trong 10 năm qua. Hoạt động ngoại khoá còn có diễn kịch (Hồng Thuỷ dĩ nhiên có lúc là kịch sĩ) và chơi thể thao. Vợ chồng Chu Đức, Tổng Tư lệnh Hồng quân, sếp cũ của Hồng Thuỷ cũng thường đến trường chơi bóng rổ cùng đội Hồng Thuỷ và các học viên khác, rất là “huynh đệ chi binh”. (Hồng Thuỷ thân với Chu Đức đến độ thời gian làm việc và cư trú ở Bắc Kinh từ mùa hè 1954 trở đi, buổi tối ăn cơm xong Hồng Thuỷ thường đi bách bộ rẽ vào nhà Chu Đức hàn huyên chuyện cũ vì hai gia đình ở chung trong một khu phố (trang 358, sách Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương)).

Tháng 1/1937 Hồng Thuỷ tốt nghiệp Đại học Hồng Quân và về làm việc ở Tổng bộ Chính trị Hồng Quân Công Nông, giữ chức Chủ nhiệm Hội đồng động viên khu 4 thuộc Quân khu Tấn Sát Ký gồm 3 tỉnh Sơn Tây, Sát Cáp Nhĩ, Hà Bắc (mỗi tỉnh ở bên Tầu thường lớn suýt soát với cả nước Việt Nam). Hồng Thuỷ cũng làm chủ nhiệm nhật báo Tấn Sát Ký, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng uỷ biên khu. Lúc này hai Đảng Cộng sản và Quốc Dân Đảng Trung Hoa, sau sự biến Tây An (Tưởng Giới Thạch bị tướng thuộc hạ bắt cóc, được trả tự do nhưng bị ép phải ngưng nội chiến để “đoàn kết kháng Nhật”). Mao cũng đành phải chấp nhận trên nguyên tắc sự lãnh đạo của Tưởng, bãi bỏ cái gọi là “Cộng Hoà Xô Viết Trung Hoa”, đổi tên Hồng Quân Công Nông thành Bát Lộ Quân và đoàn quân Cộng sản này đã phát triển cực kỳ nhanh chóng trong những năm “đoàn kết kháng Nhật”. Dưới cờ của Bát Lộ Quân,

Hồng Thuỷ viết chính luận trên báo, viết văn, thơ, kịch thơ, trường thi… tích cực tuyên truyền “Kháng Nhật… cứu quốc”… gây được ảnh hưởng lớn, nâng cao tinh thần quân dân trong suốt 8 năm chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945). Cũng trong thời gian này Hồng Thuỷ đảm nhiệm cả việc giảng dạy tại Đại học Kháng Nhật (là tên mới của Đại học Hồng Quân Công Nông Trung Quốc đã nói ở trên) trong quân khu Tấn Sát Ký để bồi dưỡng nhân tài chỉ huy cho Bát Lộ Quân. Không phải là giảng dạy bình thường mà là vừa giảng dạy, vừa di chuyển, vừa chạy giặc, vừa đánh giặc, rất vất vả, căng thẳng.

Năm 1938, ở tuổi 30, tại vùng căn cứ Kháng Nhật Tấn Sát Ký, Hồng Thuỷ kết hôn với Trần Kiếm Qua 24 tuổi (sinh năm 1914), một đảng viên tích cực của Đảng Cộng sản Tầu, Chủ tịch Hội Phụ nữ của huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây (sau làm Viện trưởng một Viện Giáo dục Mẫu giáo và chức vụ sau cùng trước khi nghỉ hưu là Phó Giám đốc Sở Giáo dục Bắc Kinh). Một cuộc hôn nhân trong thời loạn, trai tài gái sắc, chung lý tưởng Cộng sản – “yêu nhau là cùng nhìn về một hướng”, nhiệm vụ vẫn là trên hết. Tình thâm nghĩa trọng nhưng tương đối ngắn ngủi – 2 mặt con, 7 năm vợ chồng (1938-1945). Hồng Thuỷ về Việt Nam công tác, lấy người khác. Người vợ, người đồng chí trong đảng Cộng sản Tầu không tái hôn, dù cảm thấy rất cay đắng vì bị phụ tình.

5. Trung Tướng Trần Độ, sinh năm 1923, kém Nguyễn Sơn 15 tuổi, kể lại những ngày đầu tiếp xúc với Nguyễn Sơn (nguyên văn): “…Tôi thấy ngay rằng ông là bậc đàn anh, một đàn anh có tham dự cuộc Trường chinh bên Trung Quốc. Còn ông thì xem xét cái này cái kia, không nói gì, song qua thái độ biểu hiện xem chừng ông có ý xem thường”.

Một lần khác, cuối năm 1947, lúc Nguyễn Sơn đang làm Tư lệnh Khu 4 (tức Liên khu 4), Trần Độ, nguyên Chính uỷ mặt trận Hà Nội, làm Trưởng đoàn hướng dẫn một số cán bộ văn nghê sĩ có tên tuổi như Nguyễn Xuân Khoát, Mai Văn Hiến, Nguyễn Công Hoan…đến làm công tác văn hoá, kể tiếp (nguyên văn): “…Khi tôi tới trình giấy tờ, ông Sơn thấy danh sách có mấy tên nhà văn liền hẹn mời đích danh các ông, còn cán bộ chính trị ông không nhắc tới. Tôi liền dẫn mấy ông nhà văn vào phòng khách, là gian đầu của cái nhà tranh vách đất, có bộ ghế mây cũng tươm tất, tôi kéo ghế ngồi lại, ông Sơn chào khách:

– Hôm nay thấy có các anh văn nghệ sĩ, tôi mời mấy anh lại nói chuyện văn nghệ chơi.

Thấy tôi cũng ngồi lại, ông chỉ vào mặt bảo:

– Mày ngồi đây làm gì? Mày biết chó gì văn nghệ.

Ông bổ báng như vậy, nhưng tôi cũng hiểu là lời nói thân tình theo phong cách của ông.

Tôi đáp:

– Tôi muốn ngồi nghe các anh nói chuyện để học tập.

Ông ấy liền bảo:

– Ừ, thì cứ ngồi đấy….”

Phong cách rất đặc biệt nhưng đồng thời cho thấy Nguyễn Sơn là một người rất tự tin, rất kẻ cả!

6. Tháng 2/1946 chính quyền Tưởng phải tập trung lực lượng đối phó với với Mao nên ký hiệp định với Pháp thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Đông Dương đổi lại việc Pháp trả lại các tô giới ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Châu và nhường lại đường sắt ở Vân Nam. Ngày 6/03/1946 Hồ Chí Minh ký thoả thuận với Pháp đồng ý cho Pháp đưa quân vào Miền Bắc Việt Nam thay thế quân Tưởng để… giải giới quân Nhật. Thực ra, chính quyền Việt Minh ở thế yếu, không ký cũng không cản được Pháp đổ bộ. Ông Hồ tạm mừng thoát nạn Tầu Tưởng và loại trừ được các đảng phái quốc gia “phản động”, chỉ còn phải đối phó với một địch thủ là Thực dân Pháp. Dù vậy, lực lượng quân sự của Pháp vẫn mạnh hơn Việt Minh mấy chục lần. Việc ký kết chỉ có nghĩa Đảng Cộng sản Việt mua thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mà họ biết sớm muộn sẽ bùng nổ lớn hơn và lan tràn khắp miền Bắc.

Trước đó, chưa kịp ngồi nóng chỗ ở Hà Nội, tháng 12/1945, Nguyễn Sơn, không phải Võ Nguyên Giáp, được tức tốc điều động ra ngay tuyến đầu chống đại quân của Pháp đang đánh phá dữ dội để “bình định” phần lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 16 – với tư cách Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Với chức vụ này, Nguyễn Sơn nghiễm nhiên là nhân vật số 1 của của một nửa nước Việt Nam cho đến tháng 12/1946. Ngược lại chính Nguyễn Sơn, với một quân số ít ỏi, vũ khí thiếu thốn, ngân khố trống rỗng phải đối phó với gần như toàn bộ binh lực của Pháp, vào cuối năm 1946 đã lên tới con số 90,000.

Sắc lệnh 183 bổ túc thành phần Uỷ ban Kháng chiến Miền Nam do Chủ tịch Chính phủ nước VNDCCH ký ngày 24/09/1946 có nội dung như sau:

“Chiếu đề nghị của Chủ tịch Quân sự Uỷ viên Hội và Bộ trưởng Quốc phòng, cử:

Ô. Nguyễn Sơn: Chủ Tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam

Nguyễn Văn Tây: Phó Chủ tịch

Phạm Văn Bạch: Uỷ viên

Cao Hồng Lĩnh: –

Lê Duẩn: –

Nguyễn Chánh: –

Huỳnh Văn Tiểng: –

Chủ Tịch Chính Phủ Việt Nam

(ký tên: Huỳnh Thúc Kháng)”

Sắc lệnh – do ông Huỳnh Thúc Kháng ký theo đề nghị của Võ Nguyên Giáp (Chủ tịch quân sự uỷ viên

hội) và chắc là theo chỉ thị của ông Hồ Chí Minh đang bận thương thuyết một giải pháp hoãn xung với Chính phủ Pháp ở Paris – cho thấy ngay cả Lê Duẩn cũng là thuộc cấp của Nguyễn Sơn vào những năm tháng ấy.

Cuối năm 1946 ông Hồ còn ký một sắc lệnh khác cử Nguyễn Sơn làm Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng (lúc đó không có ai là Tổng Tham mưu trưởng hay là không có chức Tổng Tham mưu trưởng).

Trong khi làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Miền Nam Việt Nam, Nguyễn Sơn còn làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ khu 5 và 6 thuộc miền Nam Trung Bộ gồm nhiều tỉnh Cao Nguyên như Công Tum, Đắc Lắc, Gia Lai và các tỉnh duyên hải như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận… đang bị quân Pháp tấn công ác liệt. Từ giữa 1947 đến cuối 1949 Nguyễn Sơn làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ khu 4 là vùng đất chiến lược hiểm yếu nhất nhì của Việt Nam gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.

Tất cả đều là những trách nhiệm trọng yếu, nặng nề nơi đầu sóng, ngọn gió.

7. Ở tất cả mọi nơi, Nguyễn Sơn đều nắm toàn quyền, thực thi sáng kiến của chính mình, hành xử một cách rất độc lập, ảnh hưởng đến các chính sách của Trung ương Đảng Cộng sản Việt chứ không phải ngược lại. Trong 5 năm đầu tiên trong lịch sử kháng chiến chống Pháp (1945-1950) sự đóng góp nói chung của Nguyễn Sơn rất lớn, rất quan trọng – lớn hơn, quan trọng hơn là đã được Đảng Cộng sản Việt công nhận và ghi nhận. Vậy, Nguyễn Sơn đã thực sự đóng góp cho cho cuộc kháng chiến chống Pháp như thế nào?

Khi rời Diên An để về Việt Nam, hành lý quan trọng nhất được nhắc đến của Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn là các tác phẩm thuộc loại cẩm nang chiến lược của Mao Trạch Đông mà Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn đã cặm cụi dịch ra tiếng Việt từ mấy tháng trước, chẳng hạn như “Bàn về cách đánh lâu dài”, “Cách mạng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc”… (trang 224, Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương). Chỉ riêng điểm này cũng có thể hình dung và cảm nhận được cái vai trò, sứ mạng mà “hoàng đế kiêm giáo chủ” Mao Trạch Đông giao cho “tướng quân kiêm đệ tử” Hồng Thuỷ thi hành ở vùng đất phương Nam hết sức thiết yếu đối với Trung Quốc: Rút tỉa những bài học từ Cách mạng CS Tầu để áp dụng uyển chuyển, thích nghi vào Cách mạng CS Việt, Hồng Thuỷ sẽ là lý thuyết gia, chiến lược gia, kiến trúc sư chính thi triển phép mầu “chiến tranh nhân dân kiểu Mao” chống lại các thế lực thù địch.

“Vạn sự khởi đầu nan”, Nguyễn Sơn đáng gọi là nhà lý luận quân sự cách mạng Cộng sản đầu tiên của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Ông Phạm Xanh, thuộc Trường Khoa học Xã hội Việt Nam, tin rằng chỉ trong 5 năm ngắn ngủi công tác ở Việt Nam Nguyễn Sơn viết rất nhiều, báo và sách, nhưng ông mới chỉ tìm thấy 3 cuốn sách (không kể các sách dịch) là các cuốn “Chiến thuật”, “Dân Quân, một lực lượng chiến lược”, “Chủ nghĩa Lenin” trình bày các nguyên tắc căn bản một cách sáng sủa, thực tiễn, lôi cuốn. (Ông không cho biết tại sao những tác phẩm của tác giả Nguyễn Sơn đã không được bảo quản đúng mức để bị thất lạc.)

Áp dụng lý thuyết vào thực tế trên căn bản tri hành hợp nhất và 20 năm kinh nghiệm học tập, chiến đấu trong nội chiến Quốc-Cộng Trung Hoa, trong chiến tranh Trung-Nhật – lấy yếu đánh mạnh, trường kỳ kháng chiến, toàn dân đánh giặc… Nguyễn Sơn làm được rất nhiều việc trong nửa đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam:

– Mở trường Thiếu sinh quân đầu tiên.

– Mở trường Văn hoá Kháng chiến đầu tiên.

– Mở trường Lục quân tại Quảng Ngãi để gấp rút đào tạo cán bộ quân chính chỉ huy, tự mình làm Hiệu trưởng kiêm giảng viên.

– Làm Hiệu trưởng kiêm giảng viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn là trường đại học quân sự ở miền Bắc Việt Nam.

– Thành lập các lực lượng dân quân song song với việc tạo dựng các lực lượng du kích, lực lượng chính quy cấp tiểu đoàn, trung đoàn.

– Sử dụng văn hoá, văn nghệ làm vũ khí tranh đấu, đãi ngộ các văn nghệ sĩ, một cách rất đặc biệt thân tình, cho họ nhiều tự do sáng tác và thường xuyên giao lưu với họ. Nguyễn Sơn từng làm chủ hôn cho

Phạm Duy lấy Thái Hằng ở Thanh Hoá trong chiến khu 4 và những bài hát Kháng chiến nổi tiếng của Phạm Duy như “ bà mẹ Gio Linh” đã được sáng tác trong “lãnh địa” của Nguyễn Sơn. Các văn nghệ sĩ, trí thức đổ về khu 4 nhiều vô số kể. Trong “hồi ký Phạm Duy tập 2”, nhạc sĩ Phạm Duy viết: “Tướng Sơn ra đi là tôi thành một người bị bỏ quên ở chợ Neo. Vị Tư Lệnh hiện nay là Hoàng Minh Thảo và Uỷ viên Chính trị Trần Văn Quang không phải là người biết dùng văn nghệ sĩ…”

– Thân dân, gần dân, hoà mình với dân, chan hoà với binh sĩ, cán bộ, tác phong rất dân dã (không tiền hô, hậu ủng, quần áo xuề xoà, ra vào nơi chợ búa, đi uống cà phê, đánh cờ tướng, chơi đá banh, vào nhà nông dân lăn ra ngủ, mặc quần đùi tập chạy với bộ đội, cong mình đạp xe đạp xông xáo khắp nơi, đăng đàn diễn thuyết tự biên, tự diễn, hùng biện, lôi cuốn).

– Thường xuyên tổ chức tập trận và tổ chức đánh trận thật theo các nguyên tắc của du kích chiến (địch tiến thì ta lùi, địch đóng quân thì ta quấy nhiễu, địch rút lui thì ta truy kích; nghiên cứu cẩn thận, chuẩn bị kỹ, tập trung lực lượng áp đảo, đánh bất ngờ vào chỗ yếu nhất của địch v.v… )

– Tổ chức các Đại hội tập tức là những khoá rèn Cán, chỉnh Quân, hội thảo quân chính, thi điền kinh, thi bắn, đánh trận giả… dẫn đến các phong trào thi đua như chiến sĩ lập công, nông dân thi đua sản xuất, văn nghệ sĩ thi đua sáng tác…

– “Đổi không gian lấy thời gian” tức là chấp nhận mất đất lúc đầu để bảo toàn và phát triển lực lượng. Lui quân mà không loạn, vẫn tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Chỉ giữ những nơi quan trọng, hiểm yếu, thiết lập các căn cứ địa, các vùng giải phóng, các mạng lưới an ninh, tình báo nhân dân, tổ chức các hoạt động kinh tế, sản xuất, phân phối tự túc, tự cường.

– Vùng đất lịch sử “địa linh nhân kiệt”, nơi có đồng bằng sông Mã, sông Cả, dân đông, núi rừng hiểm trở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc quân khu 4, “vương quốc” của Tư Lệnh kiêm Chính uỷ Nguyễn Sơn đã được củng cố thành một căn cứ địa quan trọng của Kháng chiến chống Pháp, song song với căn cứ Việt Bắc – còn an toàn và bất khả xâm phạm hơn cả Việt Bắc, có khả năng chi viện mọi mặt cho các chiến trường khác, làm kiểu mẫu cho cả nước noi theo, góp phần vô hiệu hoá chiến lược đánh mạnh, thắng nhanh/ tốc chiến, tốc thắng của quân viễn chinh Pháp…

Ông Võ Nguyên Giáp trong bài phát biểu muộn màng về “lưỡng quốc tướng quân” vào tháng 6 năm 2000 đã nói rất đúng: “… Năm 1949 có một tài liệu của Pháp công bố, Pháp đã buộc phải thừa nhận: dùng lực lượng quân sự không thể thắng nổi Việt Minh” nhưng ông Giáp, không biết vô tình hay cố ý đã quên rằng “ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm” nên đã không xác nhận sự đóng góp quan trọng bậc nhất vào thành quả kháng chiến chống Pháp này của Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn. Ngoài ra, cũng có thể ông Giáp đã cố ý quên rằng mặc dù gốc gác người Việt, Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn là một đảng viên cốt cán của đảng Cộng sản Tầu trở về Việt Nam công tác theo mệnh lệnh và sứ mạng giao phó của Mao Trạch Đông, chớ không phải của ai khác. Và nếu đúng cái sứ mạng giao phó là “cầm chân” đế quốc Pháp tại Việt Nam càng lâu càng tốt đợi ngày Mao thắng Tưởng, chiếm xong Hoa Lục, khai thông biên giới Trung-Việt (9/1950) thì cái sứ mạng ấy đã được Hồng Thuỷ/Nguyễn Sơn căn bản chu toàn.

C.T.

http://www.boxitvn.net/bai/68391

 

Vui cười

Người Nam khi hỏi giá cả thường dùng chữ “Ăn”.

Thí dụ hỏi ông xích lô:
-Đây đi chợ Bến Thành ông ăn bao nhiêu?

Hoặc:
-Làm căn nhà như vầy ông ăn nhiêu?

Bữa đó có một bà khăn rằn quấn cổ, dẫn 1 đứa bé hai ba tuổi, mặt nhăn nhó, na cái bụng giun chống ngóc như cái trống chầu vô phòng mạch…
Bác sĩ hỏi bịnh ra sao. Bà mẹ nói:
-Cả tuần nay nó không đi cầu được bác sĩ ơi. Coi nó khổ sở quá chừng chừng. Bác sĩ coi cho nó uống thuốc gì mà nó ỉa ra được, rồi ông muốn ăn bao nhiêu đó thì ăn.

 

 

Con hùm xám Nguyễn Chí Thanh –  Trọng Đạt

Năm 1983, hồi còn ở Việt Nam tôi có dịp nói truyện với một sĩ quan công binh Quân đội nhân dân, cấp bậc trung úy, hôm ấy anh nói về tình báo địch ngụy tại miền Bắc. Trước hết anh nói về vụ đột kích Sơn Tây của biệt kích Mỹ để giải cứu tù binh tháng 11-1970. Lời kể của anh có nhiều điểm lạ: hồi ấy bộ đội ta cũng thường hay tập trận gần trại tù này, cũng có xử dụng máy bay lên thẳng, Mỹ lợi dụng tình trạng đó để đưa các máy bay lên thẳng lớn vào giải cứu tù binh. Địch dùng biệt kích Việt giả làm bộ đội, ăn mặc y như bộ đội nhẩy xuống bắn loạn xạ (1), tay trong của nó (nằm vùng) cắt hết đây điện thoại nên không liên lạc được bên ngoài. Anh nói cuộc tập kích thất bại vì tù binh đã được chuyển đi từ mấy ngày trước, đây chỉ là thuyên chuyển thông thường, biệt kích Mỹ rút ngay sau đó.

Tôi tò mò hỏi: “Ngoài Bắc cũng có tình báo gian điệp của Mỹ à?”

Anh cho biết các khẩu phòng không tại Hà Nội cứ vài ngày lại phải thay đổi vị trí vì đóng lâu một chỗ bọn gián điệp của chúng sẽ báo cho máy bay Mỹ tới ném bom. Ông Nguyễn Chí Thanh, con hùm xám vừa về thăm quê nhà, có đứa báo cho máy bay Mỹ biết tới ném bom khiến ông ấy phải chui xuống hầm ngay và thoát chết.

Hồi xưa sau 1954 khi Việt Minh về tiếp thu Hà Đông Hà Nội tôi chỉ nghe nói đến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu Tướng Văn Tiến Dũng, Thiếu Tướng Chu Văn Tấn, Đại Tá Vương Thừa Vũ… trên báo chí, đài phát thanh…. Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh ít được nghe nói đến, giữa thập niên 60 tôi có thấy báo đăng hình ông ta đánh võng tại chiến khu.

Sau 1975 và tại Hải ngoại Nguyễn Chí Thanh cũng không thấy được nhắc đến nhưng ông ta có ít nhiều huyền thoại, có vẻ như một Tướng lãnh, một nhân vật lịch sử đáng gườm của CSVN. Nguyễn Chí Thanh chết năm 1967 mà người ta cho là bị trúng bom B-52 của Mỹ, phía CS nói là ông bị chết vì đau tim tại Hà Nội

Sau này tại Hải ngoại tôi có tham khảo các sách báo Mỹ, Pháp, VNCH … để tìm hiểu chiến tranh Đông Dương nhưng nhân vật Nguyễn Chí Thanh ít được đề cập tới kể cả phía Mỹ, VNCH và phía CSVN. Phía CSVN nói về tiểu sử Nguyễn Chí Thanh trong Wikipedia Tiếng Việt như sau:

Tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914 tại làng Niệm Phò, Quảng Điền, Thừa Thiên, thuộc gia đình trung nông, thuở nhỏ cũng được học hành (nguyên văn), 14 tuổi cha chết, ông bỏ học đi làm kiếm sống và nuôi gia đình.

Năm 1934 tham gia cách mạng, năm 1937 gia nhập đảng CS Đông Dương lên tơi Bí thư Tỉnh Ủy Thừa Thiên. Bị Pháp bắt giam từ 1938 tới 1943, khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945 được ra tù tiếp tục hoạt động, được bầu làm Bí thư khu ủy khu IV được đi dự Quốc dân đaị hội Tân Trào (miền Bắc). Ông được đặt bí danh Nguyễn Chí Thanh và được bầu vào Ban chấp hành Trung ương đảng, được chỉ định làm Bí thư xứ ủy Trung kỳ, theo dõi và tổ chức cướp chính quyền trong Cách mạng tháng 8.

Từ 1948 tới 1950 được cử làm Bí thư Liên khu ủy IV, cuối 1950 được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân, năm 1951 ông được vào Bộ chính trị

Năm 1959 ông được phong quân hàm Đại tướng

Phần tiểu sử họ nói nguyên văn về tài năng của Nguyễn Chí Thanh như sau:

“Ông từng công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đều có khả năng phát triển lĩnh vực đó nên còn được gọi là “vị tướng phong trào”….

Nghĩa là ông có tài năng ở mọi lãnh vực nên Bác phong cho ông lên hàng Đại tướng 4 sao mặc dù chưa tập ắc ê ngày nào !!!

Xem ra Con hùm xám chả đi lính ngày nào, ông là đảng viên cao cấp nên khi sang quân đội phải có cấp bậc tương đương. Ngoài Bắc hồi đó có hai Đại tướng 4 sao là Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh. Cả hai ông Đại tướng không học qua trường lớp quân sự nào đều được phong quân hàm Đại tướng nhưng Võ Nguyên Giáp những năm 1950, 51.. có được Cố vấn Trung Cộng huấn luyện tại biên giới, còn Nguyễn Chí Thanh có được đi học chả biết hết tiểu học hay chưa, không những không qua trường lớp quân sự mà còn chưa đi lính ngày nào

Nhân kỷ niệm 50 năm Nguyễn Chí Thanh (1967-2017), báo mạng của CSVN có bài “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngày cuối cùng ở Hà Nội” trang mạng Dân Việt (2017). Họ nói : Ông được cử đi B (vào Nam) từ 1964, cuối tháng 10-1966 ông được Hò Chí Minh triệu tập ra Trung ương báo cáo tình hình miền Nam và nhận chỉ thị mới, hôm 5-7-1967 chuẩn bị mai (6-7) lên đường, ăn cơm chia tay với bác Hồ.

Nửa đêm 6-7 trước giờ lên đường NC Thanh bị tức ngực vào nhà thương chết tại bệnh viện vì đau tim

Theo tin tức phía Mỹ thì NC Thanh chết vì trúng bom B-52

Trong bài “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bài học về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội” đăng trên trang Báo Mới (2018) ca ngợi vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Nguyễn Chí Thanh là nhà chính trị viên, một đại diện của Đảng trong quân đội. Không thấy bài nào nói về vai trò quân sự của ông tại chiến trường Nam bộ chỉ thấy người ta ca ngợi ông Tướng của nông dân, được người dân yêu quí nhất.

Tình hình chính trị miền Bắc những năm giữa thập niên 60 xuất hiện một tập đoàn mới, thực sự lãnh đạo miền Bắc. Trước đây người ta cứ tưởng họ Hồ là nhà lãnh đạo CSVN nhưng khoảng hơn 10 năm trở lại đây các nhà nghiên cứu Tây phương mới biết vai trò của ông Hồ từ thập niên 60 trở đi chỉ có tính nghi lễ (2).

Năm 1954-1957 Duẩn được giao lãnh đạo miền Nam, Lê Đức Thọ làm phó cho Duẩn, tới 1957 Duẩn được Hồ Chí Minh gọi ra Hà Nội gấp để giữ chức quyền Tổng bí thư thay thế Trường Chinh từ chức vì Cải cách ruộng đất. Tháng 9-1960 tại Đại hội đảng, ông được bầu vào Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất. Từ 1960 Lê Duẩn được người phụ tá đắc lực Lê Đức Thọ (Trưởng ban tổ chức đảng) cài đặt dần dần tay chân bộ hạ vào bộ máy quyền lực của phe chủ chiến, đàn áp và bắt giam phe chủ hòa. Từ đó Duẩn trở thành người có quyền lực cao nhất miền Bắc.

Theo các nhà nghiên cứu Tây phương Lê Duẩn tiếm quyền của Hồ Chí Minh trong khi phía CS cho biết ông Hồ vì đau yếu nên đã giao quyền cho Lê Duẩn (họ đưa lên mạng). Giữa thập niên 60, họ Hồ thường sang Tầu chữa bệnh, Lê Duẩn nắm toàn quyền và là người có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc chiến VN. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy cũng nghĩ là Hồ Chí Minh vì tin tưởng Lê Duẩn nên đã đề cử y vào chức Tổng bí thư nhưng không ngờ từ 1963 ộng đã bị Duẩn phản, loại bỏ ông già, để cho ông ngồi chơi xơi nước (Trần Khải Thanh Thủy: Tướng Giáp tiết lộ 4 bí mật chiến tranh VN)

Trên BBC Tiếng Việt (từ ngày 2-5-2006) có đăng một loạt 4 bài tham luận giá trị về Lê Duẩn, trong đó bài 4- Một di sản gây tranh cãi (19-5-2006) có nói về cuộc tranh luận giữa Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh.

Nhà nghiên cứu Douglas Pike ghi nhận cuộc tranh cãi về chiến lược đánh Mỹ giữa hai Đại tướng bốn sao Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh. Năm 1966 Võ Nguyên Giáp viết một bài nói về cuộc chiến miền Nam có thể kéo dài mất nhiều năm, ông không tin vào “các trận đánh sử dụng đơn vị chính quy lớn vì điều này có lợi cho chiến lược của kẻ thù. Tướng Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục chính trị) bèn phản ứng, ông này viết bài đăng ở Tạp chí Học Tập nói ông tin tưởng vào chiến lược tấn công ở miền Nam (đánh chính qui) là đúng, những người chỉ trích (tức Võ Nguyên Giáp) là không logic.

Khi Lê Duẩn ra Bắc năm 1957 và đưa kế hoạch phát động cuộc chiến giải phóng miền Nam, Bộ chính trị chỉ chấp nhận tạm chủ trương của Lê Duẩn, đa số chủ trương hòa bình, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước đã, trong số này có Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh. Khi Duẩn thâu tóm được nhiều quyền lực từ những năm đầu thập niên 60, cuộc chiến tranh ngày càng tàn khốc hơn. Tại miền Bắc hồi ấy phe ôn hòa gồm có Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và cả Hổ Chí Minh không chủ trương đánh Mỹ vì đất nước sẽ bị tàn phá trước sức mạnh hỏa lực của đối phương nhưng họ không còn quyền hành, phe hiếu chiến gồm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, bọn này đã năm được bộ máy quyền lực

Wikipedia tiếng Việt (Bách khoa toàn thư) có bài “Vụ Án Xét Lại Chống Đảng”. Đây là vụ án chính trị do Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn (bộ trưởng Công an) chỉ đạo đã bắt giam lâu năm nhiều đảng viên quan trọng từ 1967-1973. Vụ án thể hiện tranh chấp quyền lực nội bộ đảng. Bài viết nói một phe là Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, phe kia là Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp. Nhóm chủ hòa cho là phải xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc trước, giai đoạn 1954-59, Hồ và Giáp ủng hộ ý kiến này. Nguyễn Chí Thanh chỉ trích nhóm chủ hòa. Hội nghị Trung ương năm 1963 chính thức công nhận đấu tranh vũ trang là chủ yếu nhưng chỉ viện trợ, không đưa quân chính qui vào,

Lê Duẩn đề cao Nguyễn Chí Thanh, y muốn tạo ra hình ảnh một thần tượng quân sự mới để thay thế Võ Nguyên Giáp

Tác giả Robert Brigham trong bài “Why the South won the American war in Vietnam” cho biết đã từ lâu Võ Nguyên Giáp công khai nghi ngờ chiến lược của Tướng Nguyễn Chí Thanh. Lê Duẩn tạo cơ hội cho Tướng NC Thanh, ông ta thành công khi tạo một thần tượng mới trong Quân đội nhân dân. Nguyễn Chí Thanh qua đời đột ngột năm 1967, quan điểm của ông cho rằng cuộc chiến không thể thắng lợi nếu thiếu hỗ trợ của các đơn vị chính quy lớn, quan điểm tiếp tục giữ ảnh hưởng ở Hà Nội. Từ cuối 1965 đến 1975, ngày càng nhiều các sư đoàn bộ binh chính quy được đưa từ miền Bắc vào Nam. Lê Duẩn làm giảm uy tín của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp và đưa những người trung thành lên để tạo quyền lực tối cao.

Nguyễn Chí Thanh cùng một chủ trương như Duẩn, đẩy thanh niên vào tử địa để đổ dầu vào phong trào phản chiến Mỹ. Phần tiểu sử họ nói

“Nguyễn Chí Thanh là người đề ra chiến thuật đánh áp sát của Quân giải phóng với phương chấm “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Trong phim The Vietnam War, Tập ba từ tháng 1-1964 tới tháng 12-1965 cũng có nói về đểm này:

“ TT Johnson gửi 50,000 quân cho Tướng Westmoreland, ông này xin thêm 50,000 người cho tới cuối 1965. Những trận đụng độ giữa Mỹ và BV thường ở trong rừng. Trong tập này một sĩ quan Mỹ nói địch đông hơn, nhưng chúng tôi có pháo binh, không quân yểm trợ, địch không có. Chúng tôi tiêu diệt địch theo tỷ lệ 10 đổi một, chúng bị tổn thất nặng

Chúng đổi chiến thuật, bám sát Mỹ để họ không dám pháo yểm trợ, cái đó gọi là chiến thuật của Nguyễn Chí Thanh. Dù đổi chiến thuật, CSBV vẫn chết như rạ.

Thượng nghị sĩ Hollings tới Sài Gòn, Tướng Westmoreland nói chúng tôi giết địch theo tỷ lệ mười đổi một (We were killing people in the rate ot ten to one), khi ấy ông TNS Hollings cảnh báo Tướng Westmoreland hãy coi chừng, người Mỹ không cần biết anh giết được mười tên địch mà họ chỉ quan tâm một người lính (Mỹ) bị giết thôi (Westy, the American people don’t care about the ten, they care about the one).

CSBV biết rõ tâm lý của người Mỹ quí sinh mạng con người như vàng nên Lê Duẩn cũng như Nguyễn Chí Thanh không ngần ngại lấy 10 mạng, thậm chí 15 mạng để đổi một lính Mỹ

Duẩn và Thanh chấp nhận hy sinh và họ đã thành công ở chỗ lấy máu của thanh niên đẩy mạnh phong trào phản chiến, họ tiếp tục đẩy hàng vạn thanh niên vô tội vào chỗ chết, đó là cái huyền thoại Nguyễn Chí Thanh

Tiến sĩ Pierre Asselin trong bài “Tướng Giáp người phản đối chiến tranh” đăng trên BBC ngày 29-10-2013 cho rằng ông Giáp từ sau Hiệp định Geneve là người phản đối chiến tranh, tin tưởng vào thống nhất trong hòa bình. TS cũng cho biết ông Giáp không có công trạng gì trong cuộc chiến từ thập nhiên 60. Tôi nghĩ ông Giáp chống cuộc chiến tranh với Mỹ cũng như Trường Chinh và Hồ Chí Minh, chính phía CS cũng công nhận như vậy, nhưng nếu nói ông ta không có công trạng gì trong cuộc chiến thật là không đúng.

Năm 1968, Tướng Giáp không liên hệ gì tới trận Mậu Thân nhưng trận tổng tấn công mùa hè đỏ lửa năm 1972 do ông chỉ huy (3), chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân 1975 cũng do ông chỉ huy (4) và cả trận chiến tranh tại biên giới Việt Hoa năm 1979 cũng do ông điều binh khiển Tướng

Mặc dù Lê Duẩn thù ghét Võ Nguyễn Giáp nhưng từ năm 1967 Nguyễn Chí Thanh chết đột ngột, Duẩn vẫn phải dùng Võ Nguyên Giáp như một nhà quân sự lão thành. Duẩn không ưa nhưng không dám triệt hạ Giáp vì ông ta vẫn còn là thần tượng của đám đệ tử trong Quân đội. Trong các trận đánh lớn 1972, 1975, 1979 Duẩn vẫn là người lãnh đạo cuộc chiến, Giáp chỉ là kẻ thừa hành.

Cho dù Nguyễn Chí Thanh còn sống, Lê Duẩn vẫn phải dùng Tướng Giap Giáp vì NC Thanh mặc dù là Tướng được mọi người yêu quí nhưng i tờ về chiến thuật, điều binh khiển tương, đúng như tư duy của Võ Nguyên Giáp: xử dụng những đại đơn vị chỉ có lợi cho Mỹ, TT Nixon nói

“Bắc Việt chọn đánh (qui ước) theo lối chiến tranh mà chúng ta quá rành…”

“… nay Hà Nội đánh theo chiến tranh qui ước với những đại đơn vị. Các sư đoàn bộ binh của chúng cùng hàng đoàn chiến xe, hệ thống tiếp liệu thành mục tiêu tuyệt hảo cho không lực của ta…”(5)

Tuy nhiên, điều không ai ngờ tới, chiến dịch thí quân của NC Thanh và Duẩn lại thành công lớn, nó đẩy mạnh phong trào phản chiến để rồi sau 1972 Mỹ phải rút bỏ Đông Dương, địch bất chiến tự nhiên thành

Nếu không nhờ phong trào phản chiến dù Lê Duẩn có đẩy thêm hàng triệu thanh niên vào tử địa cũng chỉ làm mồi cho B-52 một cách vô ích

Phản chiến đã cứu sống hàng triệu thanh niên miền Bắc.

Cước chú

(1) Điểm này anh nói sai, thực ra là biệt kích người Mỹ chứ không phải VN (coi Vụ tập kích Sơn Tây- Wikipedia Tiếng Việt)

(2) Về vấn đề này tôi đã nói kỹ trong hai bài: “Lê Duẩn và cuộc chiến tranh Việt Nam”, “Đề cương cách mạng miền nam, sự hình thành của tội ác”, ở đây tôi chỉ nhắc sơ qua

(3) Ông đã kể lại trong bài “Tướng Giáp tiết lộ 4 bí mật về chiến tranh VN” của Trần Khải Thanh Thủy

(4) Văn Tiến Dũng kể lại trong Đại Thắng Mùa Xuân

(5) No More Vietnams, trang 144, 145, nguyên văn …

”The North Vietnamese had chosen to fight the kind of war we fought best…”

“…Its infantry divisons, tank columns, and logistics system all made perfect targets for our air power…”

 

Vui cười

Bố mẹ nàng mở cuộc thi tuyển con rể.

Chàng A nói: -Trong bank con có một triệu đô.

Chàng B khoe: -Con có biệt thự hai triệu đô.

Bố mẹ nàng có vẻ ưng lắm.

Chàng C nói nhỏ vào tai bà già: -Cháu chả có gì cả, thưa các bác. Cháu chỉ có mỗi một đứa con, hiện đang nằm trong bụng của con gái hai bác!

Kết luận: Muốn cạnh tranh với đối thủ, cần có tay trong!

 

 

Tham luận 146: Hồi Kết Của Những Kẻ Trung Thành Với Đảng Cộng Sản Việt Nam –  Thanh Thủy (08/02/2020)

Có một độc giả đề tên là Nguyen Dung, gởi Email cho tôi, có nêu ra câu hỏi:” Bai viet cua LMN ve Dong Tam,co noi:Tu ban khong phai la mot chu nghia,co dung khong?Chu nghia Tu Ban:Capitalism.Thuc su lau nay nhieu nguoi khong phan tich ro rang ve 2 chu nghia Cong san va Tu ban”.

Nhân dịp nầy, tôi xin có vài lời góp ý:

1.- Sự đối đầu tương xứng

Thực tế, trên thế giới ngày nay có hai chủ nghĩa đối đầu với nhau rất kịch liệt, một bên là Xã Hội Chủ Nghĩa (tức là Cộng sản) chủ trương chuyên chính vô sản, một bên là Tư Bản Chủ Nghĩa chủ trương dân chủ, tự do.

Nhiều người cho rằng Tư Bản là một chủ nghĩa, điều nầy có thể mang ý nghĩa cho sự tương xứng giữa hai bên trong sự đối đầu với nhau.

2.- Những điều cần quan tâm hơn

Tuy nhiên, sự đúng sai ở đây còn tùy thuộc vào quan niệm của nhiều giới người. Có những việc mà tuy đông đảo người cho rằng đúng, nhưng cũng còn có người cho rằng không đúng và ngược lại cũng vậy. Nhưng dầu sao thì những việc định nghĩa như vậy thấy cũng không có gì quan trọng để đặt ra trong lúc nầy vì nếu không dung hòa được thì sẽ dễ xãy ra những tranh luận, có thể tạo nên những xung khắc trong anh em cùng một chiến tuyến với nhau, không ích lợi gì trong giai đoạn đấu tranh đầy dẫy những khó khăn như hiện nay.

Điều quan trọng là sự phân tách nội dung của sự việc đang được nêu ra để định hình vấn đề của anh Lê Minh Nguyên trên diễn đàn có thật sự hữu ích cho anh chị em trong sinh hoạt nội bộ và sinh hoạt ra bên ngoài với các cộng đồng bạn không? Đó mới là điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm.

3.- Những hình thức bên ngoài

Trên thực tế thì các nước theo chủ nghĩa Cộng sản, tuy độc tài toàn trị, nhưng việc vận hành theo chủ nghĩa Cộng sản trên nước của họ cũng chưa chắc gì giống nhau. Ví dụ như Cộng sản Liên Sô thì chọn thành phần Công nhân làm gốc, cho nên trên lá cờ của họ chỉ có cái búa, trong khi Cộng sản Tàu thì lại chọn Nông dân làm gốc, lẽ ra trên lá cờ của họ chỉ có cái liềm, nhưng để tránh sự xung khắc bất lợi, trên lá cờ của Cộng sản Tàu ghép hình cái búa và cái liềm liên kết với nhau, quyện chặt vào nhau, tượng trưng cho hai giai cấp vô sản Công Nông cùng đứng chung nhau.

4.- Sự khác biệt của hai Chủ nghĩa

a.- Chủ nghĩa Cộng sản: Tuy là dấu hiệu biểu tượng cho sự hòa hợp, nhưng hai nước anh em cùng chung một chiến tuyến nầy lúc nào cũng thường có những xung khắc âm ỉ với nhau, có lúc hai bên còn đứng bên bờ vực thẩm, suýt xãy ra chiến tranh nguyên tử nếu họ không kềm chế kịp thời. Một khác nữa là Cộng sản Nam Tư của ông Tito cũng chưa chắc gì thuận thảo với cả hai nước Liên Sô và Trung Cộng. Những nước Cộng sản Đông Âu cũng đã nhiều lần chống lại Liên Sô, nhưng không thoát ra được vì đã bị Liên Sô đàn áp vô cùng thô bạo như Hungary năm nào chẳng hạn. Nhưng điểm giống nhau của họ là không có Quyền Tư Hữu, mọi thứ tài sản quốc gia đều tập trung vào đảng, của đảng chớ không phải của dân, nên đảng thụ hưởng trọn gói chớ không chia cho dân như những lời mà họ rêu rao, tuyên bố.

b.- Chủ nghĩa Tư bản: Những nước theo chủ nghĩa Tư Bản đi theo thể chế Dân Chủ Tự Do, vì Tự Do cho nên mọi sự vận hành cho chủ nghĩa Tư Bản trên đất nước của họ càng rất dễ có những điểm khác nhau. Ví dụ điển hình như nước Mỹ là nước theo chủ nghĩa Dân Chủ Tự Do, nhưng hai đảng luân phiên nhau cầm quyền vẫn có những chủ trương khác nhau, đảng Dân Chủ nghiêng về phúc lợi xã hội trong khi đảng Cộng Hòa nghiêng về sức mạnh Tài phiệt và Ngoại giao, nhưng điểm giống nhau của họ là Quyền Tư Hữu là quyền của người dân, người dân làm được bao nhiêu đều được hưởng trọn bấy nhiêu, chánh quyền không thể xâm phạm được, các nước trên thế giới đi theo thể chế đúng nghĩa nầy cũng đều làm như vậy.

5.- Tất cả chỉ là tương đối

Bởi vậy, nếu hiểu theo nghĩa rộng, mọi sự vận hành của cả hai bên đều tương đối, tùy thuộc vào quan niệm của nhân sự vận hành, đúng hay sai trong sự vận hành nầy là kết quả ra sao đã đem lại cho đất nước và nhân dân của họ. So sánh sự vận hành đất nước giữa hai bên của ông Tổng thống Mỹ Donald Trump và những nước đi theo thể chế Dân Chủ Tự Do trên thế giới như Nhựt, Đại Hàn, Singapore,v.v…và của Chủ tịch Tàu Tập Cận Bình và những nước đi theo thể chế Độc tài Cộng sản trên thế giới như Bắc Hàn, như Campuchia, Lào, Việt Nam,v.v… đã mang lại phúc lợi cho đất nước của họ ra sao đã minh chứng đủ rõ ràng mà tất cả mọi người đều đã nhìn thấy tường tận, không cần thiết phải nói lên chi tiết gì thêm ở đây nữa.

6.- Bài Thảm Sát Đồng Tâm của anh Lê Minh Nguyên:

Trở lại bài phân tách của anh Lê Minh Nguyên, theo tôi, bài viết rất có giá trị vì anh  đã phân tách rõ về 2 vấn đề nầy trong bài viết của anh (trích nguyên bài viết của anh Lê Minh Nguyên dưới cuối bài nầy để tất cả mọi người cùng tham khảo). Riêng Thanh Thủy có những nhận xét về phần mình như sau:

Anh Nguyên viết bài này thật hay, thật đúng với vị trí của Chủ tịch đảng. Từ lâu, rất hiếm hoi thấy được những bài hay như vậy để mọi ACE có thể tự “thao luyện ” bản thân và TB. Tuyên Huấn làm tài liệu để tuyên truyền và huấn luyện trong nội bộ và sinh hoạt với cộng đồng bên ngoài. Rất chân thành khi viết những dòng chữ này, Thanh Thủy hoàn toàn không có ý gì khác, hy vọng quý ACE cùng góp ý và nếu có gì không đúng, Thanh Thủy cũng xin được quý ACE góp ý luôn. Rất mong luôn nhận được những bài viết hay như vậy.  

Trân trọng “

Đặc biệt còn để cho những kẻ cuồng tín, trung thành tuyệt đối với Cộng sản và bọn Việt cộng, Việt gian thấy được số phận của họ trong tương lai sẽ không có gì khác với những cảnh ngộ chết thê thảm của cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, như Đại tướng Trần Đại Quang, như Thượng tướng Công an Lê Quý Ngọ, như Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẳng, và những cảnh ngộ bị tù tội nặng nề như Vũ Nhôm, như Đinh La Thăng, như Trịnh Xuân Thanh, v.v…một khi bị lãnh đạo tối cao của họ, một ngày nào đó chắc chắn sẽ dùng vũ lực công khai đánh cướp tài sản của họ mà dám lên tiếng chống đối.

Tôi dùng chữ chắc chắn ở đây vì những vụ cướp đất, cướp của và tài sản nầy của dân và bất kể của đồng bọn nào của họ vẫn đã xảy ra liên tục, nhan nhản hàng ngày, hàng tháng, hàng năm tại Miền Nam từ sau ngày 30/4/1975 cho đến nay.

7.- Thái độ duy nhứt phải chọn của những người Cộng sản

Những kẻ lớn quyền và trung thành tuyệt đối với Chủ nghĩa Xã Hội Cộng sản như vậy mà khi lãnh đạo tối cao của họ muốn cướp tài sản còn xem họ chẳng ra gì thì số phận của của những người hiện nay vẫn còn đang nuôi giấc mộng được sống an lành và dù hiện thời còn đang được ưu đãi trong Xã Hội Chủ Nghĩa Cộng sản đã đến lúc cần nhìn lại thân phận mình trước những tấm gương thảm hại của những kẻ đi trước như đã đề cập trên để sáng mắt ra và nếu muốn sống còn thì phải nhanh chân quay về với dân tộc, cùng góp tay với nhân dân tranh đấu để quang phục lại quê hương, càng quang phục lại quê hương sớm được chừng nào thì dân tộc và tất cả mọi người dân kể cả quý vị sẽ càng sớm được hưởng những phúc lợi cá nhân như người dân của những nước theo chế độ Dân Chủ Tự Do trên thế giới đã được hưởng.

8.- Kết luận

Có điều đáng lưu ý là tuy bạo quyền Việt cộng luôn miệng tuyên bố: “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, không phải họ nói như vậy là để buông tha cho người dân được tự do buôn bán, làm ăn mà mục đích là để kêu gọi đầu tư để đô la nước ngoài tràn vào hầu có của để hốt bỏ vào túi riêng, trong khi trong nước thì xí nghiệp quốc doanh vẫn tồn tại, quân đội và công an vẫn được đặc quyền làm kinh tế, mục đích tạo cho những giới chức cao cấp của những tổ chức nầy ngày càng lún sâu vào tham  nhũng để buộc họ phải trung thành với đảng, bảo vệ đảng tới cùng, trường hợp gia đình cụ Lê Văn Kình là một trong muôn ngàn tiêu biểu, dầu cho mỗi năm đảng phải lấy tiền của dân để bù lỗ cho những xí nghiệp nầy bao nhiêu cũng không đáng kể.

Phá chùa, phá nhà thờ, san bằng ruộng vườn cày cấy, đất đai trồng hoa màu của dân như vườn rau Lộc Hưng, đất Thủ Thiêm hay Dương Nội để cướp đất của những tôn giáo và của dân để bán lấy tiền, thu lợi riêng là những vụ trơ trẻn hết sức điễn hình trong khi người dân vẫn trắng tay vì mất của, công nhân làm việc cật lực nhưng không đủ ăn, nông dân không có đủ ruộng đề cày bừa nên tự nhiên vẫn là bần cố nông mãn đời mà đảng không cần gì phải lặp lại chủ trương của họ.

Bởi vậy, một lần nữa, xin lặp lại câu nói của đảng và bạo quyền Việt cộng:” Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ là câu nói đầu môi chót lưỡi, thực chất người dân vẫn trắng tay, chánh sách bần cùng hóa nhân dân của họ vẫn không có gì thay đổi, vẫn định hướng theo xã hội chủ nghĩa, có khác chăng là các cấp đảng viên càng có chức lớn càng giàu, càng có nhiều phương tiện để đè đầu, bóp cổ nhân dân một cách tinh vi hơn mà thôi.

 

Vui cười

Cô giáo hỏi:  -Tại sao hôm qua em không đi học?

Cu Đơ đáp: -Tại hôm qua con heo nái nhà em nó động, ba em kêu đi mượn con heo nọc nên em phải nghỉ học một bữa.

-Sao ba em không làm chuyện đó?

Cu Đơ gãi đầu gãi tai: -Dạ thưa cô, em nghĩ để con heo nọc nó làm chuyện đó đúng hơn.

 

 

4 Tội Phản Bội Tổ Quốc Của Đảng CS Việt Nam –  Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

http://nguyenhuuthong.blogspot.com

“… Bằng kế hoạch thôn tính 4 bước, đế quốc Bắc Kinh buộc Hà Nội hiến dâng toàn thể hải phận Việt Nam từ Vịnh Bắc Việt đến vùng biển Hoàng Sa Trường Sa …”

– Năm 1999 Đảng Cộng Sản Việt Nam ký Hiệp Định Biên Giới Việt Trung để nhượng đất biên giới cho Trung Quốc.

– Năm 2000, Đảng Cộng Sản Việt Nam ký Hiệp Định Phân Định Vịnh BắcBộ để bán nước Biển Đông cho Trung Quốc.

– Cũng trong năm này Đảng Cộng Sản Việt Nam ký Hiệp Định Hợp Tác Nghề Cá để dâng cá dâng dầu cho Trung Quốc.

– Và năm 1958, bằng văn thư của Phạm Văn Đồng, Đảng Cộng Sản Việt Nam đồng ý chuyển nhượng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

cho Trung Quốc.

Những hành vi này cấu thành 4 tội phản bội tổ quốc bằng cách “cấu kết với nước ngoài nhằm xâm phạm chủ quyền của quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc và xâm phạm quyền của quốc dân được sử dụng đầy đủ những tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước”.

Đây là bản đồ nguyên gốc từ…. phương bắc:

I. Tội nhượng đất biên giới cho nước ngoài

Năm 1949, sau khi thôn tính lục địa Trung Hoa, mục tiêu chiến lược của  Quốc Tế Cộng Sản là nhuộm đỏ hai bán đảo Đông Dương và Triều Tiên.

Qua năm sau, 1950, với sự yểm trợ của các chiến xa Liên Xô và đại pháoTrung Quốc, Bắc Hàn kéo quân xâm lăng Nam Hàn. Mục đích để giành yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên âm mưu thôn tính không thành do sự phản kích của quân lực Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.

Từ 1951 cuộc chiến bất phân thắng bại đưa đến hòa đàm. Hai năm sau Chiến Tranh Triều Tiên kết thúc bởi Hiệp Định Đình Chiến Bàn Môn Điếm tháng 7, 1953.

Thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, Trung Cộng tập trung hỏa lực và kéo các đại pháo từ mặt trận Bắc Hàn xuống mặt trận Bắc Việt.

Để tiếp tế võ khí, quân trang, quân dụng, cung cấp cố vấn và cán bộ huấn luyện cho Bắc Việt, các xe vận tải và xe lửa Trung Cộng đã chạy sâu vào nội địa Việt Nam để lập các căn cứ chỉ huy, trung tâm huấn luyện, tiếp viện và chôn giấu võ khí. Thừa dịp này một số dân công và sắc dân thiểu số Trung Quốc kéo sang Việt Nam định cư lập bản bất hợp pháp để lấn chiếm đất đai.

Trong Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai khởi sự từ 1956, với các chiến dịch Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân (1968) và Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Bắc Việt huy động toàn bộ các sư đoàn chính quy vào chiến trường Miền Nam. Thời gian này để bảo vệ an ninh quốc ngoại chống sự phản kích của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ (như trong Chiến Tranh Triều Tiên), Bắc Việt nhờ 300 ngàn binh sĩ Trung Quốc mặc quân phục Việt Nam đến trú đóng tại 6 tỉnh biên giới Bắc Việt. Trong dịp này các binh sĩ, dân công và sắc dân thiểu số Trung Hoa đã di chuyển những cột ranh mốc về phía nam dọc theo lằn biên giới để lấn chiếm đất đai.

Trong Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba khởi sự từ 1979, để giành giật ngôi vị bá quyền, Trung Quốc đem quân tàn phá 6 tỉnh biên giới Bắc Việt. Và khi rút lui đã gài mìn tại nhiều khu vực rộng tới vài chục cây số vuông để lấn chiếm đất đai.

Ngày nay, dưới áp lực của Bắc Kinh, Hà Nội xin hợp thức hóa tình trạng đã rồi, nói là thể theo lời yêu cầu của các sắc dân thiểu số Trung Hoa đã định cư lập bản tại Việt Nam.

Năm 1999 họ đã ký Hiệp Ước Biên Giới Việt Trung để nhượng cho Trung Quốc khoảng 800 km2 dọc theo lằn biên giới, trong đó có các quặng mỏ và các địa danh như Ải Nam Quan, Suối Phi Khanh tại Lạng Sơn và Thác Bản Giốc tại Cao Bằng…

II. Tội bán Biển Đông cho nước ngoài

Kinh nghiệm cho biết các quốc gia láng giềng chỉ ký hiệp ước phân định lãnh thổ hay lãnh hải sau khi có chiến tranh võ trang, xung đột biên giới hay tranh chấp hải phận.

Trong cuốn Biên Thùy Việt Nam (Les Frontières du Vietnam), sử gia Pierre Bernard Lafont có viết bài “Ranh Giới Hải Phận của Việt Nam” (La Frontière Maritime du Vietnam). Theo tác giả, năm 1887, Việt Nam và Trung Hoa đã ký Hiệp Ước Bắc Kinh để phân chia hải phận Vịnh Bắc Việt theo đường kinh tuyến 108 Đông, chạy từ Trà Cổ Móng Cáy xuống vùng Cửa Vịnh (Quảng Bình, Quảng Trị). Đó là đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa tại Vịnh Bắc Việt. Vì đã có sự phân định Vịnh Bắc Việt theo Hiệp Ước Bắc Kinh, nên “từ đó hai bên không cần ký kết một hiệp ước nào khác.” Do những yếu tố địa lý đặc thù về mật độ dân số, số hải đảo, và chiều dài bờ biểnViệt Nam được 63% và Trung Hoa được 37% hải phận.

Năm 2000, mặc dầu không có chiến tranh võ trang, không có xung đột hải phận, bỗng dưng vô cớ, phe Cộng Sản đã ký Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ để hủy bãi Hiệp Ước Bắc Kinh 1887.

Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ là một hiệp ước bất công, vi phạm pháp lý và vi phạm đạo lý.

Bất công và vi phạm pháp lý vì nó không tuân theo những tiêu chuẩn của Tòa Án Quốc Tế, theo đó sự phân ranh hải phận phải căn cứ vào các yếu tố địa lý, như số các hải đảo, mật độ dân số và chiều dài bờ biển. Ngày nay dân số Bắc Việt đông gấp 6 lần dân số đảo Hải Nam, và bờ biển Bắc Việt dài gấp 3 lần bờ đảo Hải Nam phía đối diện Việt Nam. Ngoài ra Việt Nam có hàng ngàn hòn đảo trong khi Hải Nam chỉ có 5 hay 6 hòn. Tại miền bờ biển hễ đã có đất thì phải có nước; có nhiều đất hơn thì được nhiều nước hơn; có nhiều dân hơn thì cần nhiều nước hơn. Vì vậy hải phận Việt Nam phải lớn hơn hải phận Trung Hoa (63% và 37% theo Hiệp Ước Bắc Kinh). Và cũng vì vậy vùng biển này có tên là Vịnh Bắc Việt.

Ngày nay phe Cộng Sản viện dẫn đường trung tuyến để phân ranh hải phận với tỉ lệ lý thuyết 53% cho Việt Nam. Như vậy Việt Nam đã mất ít nhất 10% hải phận, khoảng 12.000 km2. Tuy nhiên trên thực tế phe Cộng Sản đã không áp dụng nghiêm chỉnh đường trung tuyến. Họ đưa ra 21 điểm tiêu chuẩn phân định Vịnh Bắc Việt theo đó Việt Nam chỉ còn 45% hải phận so với 55% của Trung Quốc. Và Việt Nam đã mất 21.000 km2.

Bất công hơn nữa là vì nó không căn cứ vào những điều kiện đặc thù để phân định Vịnh Bắc Việt. Tại vĩ tuyến 20 (Ninh Bình, Thanh Hóa), biển rộng chừng 170 hải lý, theo đường trung tuyến Việt Nam được 85 hải lý để đánh cá và khai thác dầu khí (thay vì 200 hải lý theo Công Ước về Luật Biển). Trong khi đó, ngoài 85 hải lý về phía tây, đảo Hải Nam còn được thêm 200 hải lý về phía đông thông sang Thái Bình Dương. Theo án lệ của Tòa Án Quốc Tế, hải đảo không thể đồng hóa hay được coi trọng như lục địa. Vậy mà với số dân chừng 7 triệu người, đảo Hải Nam, một tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc, đã được hưởng 285 hải lý để đánh cá và khai thác dầu khí. Trong khi đó 42 triệu dân Bắc Việt chỉ được 85 hải lý. Đây rõ rệt là bất công quá đáng. Bị án ngữ bởi một hải đảo (Hải Nam) người dân Bắc Việt bỗng dưng mất đi 115 hải lý vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá và thềm lục địa để khai thác dầu khí. .

Hơn nữa, Hiệp Ước này còn vi phạm đạo lý vì nó đi trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền như Công Lý, Bình Đẳng, Hữu Nghị, không cưỡng ép, không thôn tính và không lấn chiếm.

III. Tội dâng các tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên cho nước ngoài

Cùng ngày với Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ, Đảng Cộng Sản Việt Nam còn ký Hiệp Ước Hợp Tác Nghề Cá. Ngày 15-6-2004, Quốc Hội phê chuẩn Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, trái với Điều 84 Hiến Pháp, Hiệp Ước Đánh Cá không được Quồc Hội phê chuẩn, chỉ được Chính Phủ “phê duyệt”.

Theo Hiệp Ước sau này, hai bên sẽ thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 60 hải lý, mỗi bên 30 hải lý, từ đường trung tuyến biển sâu nhiều cá, khởi sự từ vĩ tuyến 20 (Ninh Bình, Thanh Hóa) đến vùng Cửa Vịnh tại vĩ tuyến 17 (Quảng Bình, Quảng Trị).

Tại Quảng Bình biển rộng chừng 120 hải lý, theo đường trung tuyến Việt Nam được 60 hải lý. Trừ 30 hải lý cho vùng đánh cá chung, ngư dân chỉ còn 30 hải lý gần bờ. Trong khi đó Hải Nam được 290 hải lý để đánh cá.

Tại Ninh Bình, Thanh Hóa, biển rộng chừng 170 hải lý, theo đường trung tuyến, Việt Nam được 85 hải lý. Trừ 30 hải lý cho vùng đánh cá chung, ngư dân chỉ còn 55 hải lý gần bờ. Trong khi đó Hải Nam được 315 hải lý.

Hơn nữa, theo nguyên tắc hùn hiệp, căn cứ vào số vốn, số tàu, số chuyên viên kỹ thuật gia và ngư dân chuyên nghiệp, Trung Quốc sẽ là chủ nhân ông được toàn quyền đánh cá ở cả hai vùng, vùng đánh cá chung và vùng hải phận Trung Hoa.

Ngày nay Trung Quốc là quốc gia ngư nghiệp phát triển nhất thế giới. Trên mặt đại dương, trong số 10 tàu đánh cá xuyên dương trọng tải trên 100 tấn, ít nhất có 4 tàu mang hiệu kỳ Trung Quốc. Như vậy trong cuộc hợp tác đánh cá với Trung Quốc, Việt Nam chỉ là cá rô, cá riếc sánh với cá mập, cá kình:

a) Trong số 17 quốc gia ngư nghiệp phát triển trên thế giới có tàu đánh cá lớn trọng tải trên 100 tấn, một mình Trung Quốc chiếm hơn 40 % số tàu, so với 5% của Hoa Kỳ, 3% của Nhật Bản và 2% của Đại Hàn, (Việt Nam không có mặt trong số 17 quốc gia này).

b) Các tàu đánh cá lớn này có trang bị các lưới cá dài với tầm hoạt

động 60 dặm hay 50 hải lý. Do đó đoàn ngư thuyền Trung Quốc không cần ra khỏi khu vực đánh cá chung cũng vẫn có thể chăng lưới về phía tây sát bờ biển Việt Nam để đánh bắt hết tôm cá, hải sản, từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tới Quảng Bình, Quảng Trị. Chăng lưới đánh cá tại khu vực Việt Nam là vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên các đội tuần cảnh duyên hải Việt Nam sẽ ngoảnh mặt làm ngơ. Là cơ quan kinh tài của Đảng, họ sẽ triệt để thi hành chính sách thực dụng làm giàu với bất cứ giá nào, kể cả bằng sự cấu kết với ngoại bang vi phạm luật pháp và hiệp ước.

Trong cuộc hùn hiệp hợp tác này không có bình đẳng và đồng đẳng. Việt Nam chỉ là kẻ đánh ké, môi giới mại bản, giúp cho Trung Quốc mặc sức vơ vét tôm cá hải sản Biển Đông, để xin hoa hồng (giỏi lắm là 10%, vì Trung Quốc có 100% tàu, 100% lưới và 95% công nhân viên).

c) Rồi đây Trung Quốc sẽ công nhiên vi phạm Hiệp Ước Hợp Tác Đánh Cá cũng như họ đã thường xuyên vi phạm Công Ước về Luật Biển. Chiếu Công Ước này các quốc gia duyên hải có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý để đánh cá. Nhưng cũng có nghĩa vụ phải bảo toàn và dinh dưỡng ngư sinh để dành hải sản cho biển cả và các thế hệ tương lai. Trung Quốc đã trắng trợn và thường xuyên vi phạm Công Ước về Luật Biển trong chính sách “tận thâu, vét sạch và cạn tàu ráo máng” áp dụng từ thời Đặng Tiểu Bình. Đó là chính sách thực dụng mèo đen mèo trắng, làm giàu là vinh quang, làm giàu với bất cứ giá nào.

Từ hơn 1/4 thế kỷ theo kinh tế thị trường, với sự phát triển công kỹ nghệ, thương mại, đánh cá và khai thác dầu khí, ngày nay tại vùng duyên hải Trung Hoa, các tài nguyên, hải sản và nguồn lợi thiên nhiên như tôm cá, dầu khí đã cạn kiệt. Trong khi đó nhu cầu canh tân kỹ nghệ hóa và nạn nhân mãn (của 1 tỉ 380 triệu người) đòi hỏi Trung Quốc phải mở rộng khu vực đánh cá và khai thác dầu khí xuống Miền Nam.

d) Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề cá, Trung Quốc đã huấn luyện được một đội ngũ công nhân viên đông đảo gồm các kỹ thuật gia, chuyên viên điện tử, và ngư dân có tay nghề. Trong khi đó về phía Việt Nam chỉ có một số công nhân không chuyên môn để sai phái trong các công tác tạp dịch hay công tác vệ sinh như rửa cá, rửa tàu v…v… Và rồi đây, bên cạnh các lao động nô lệ xuất khẩu tại Đông Nam Á , chúng ta sẽ có thêm một số lao động nô lệ tại Biển Đông trên các tàu đánh cá xuyên dương Trung Quốc.

IV. Tội chuyển nhượng các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa cho nước ngoài

Với đà này Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ nhượng nốt các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng. Họ đã nhiều lần công bố ý định này:

1) Ngày 15-6-1956, ngoại trưởng Ung Văn Khiêm minh thị tuyên bố: “Hà Nội nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa”.

2) Ngày 14-9-1958 qua lời Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch Nước, xác nhận chủ quyền hải phận của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

3) Để biện minh cho lập trường của Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng, sau khi Trung Cộng tiến chiếm Trường Sa hồi tháng 3-1988, báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của Đảng Cộng Sản trong số ra ngày

26-4-1988 đã viết: “Trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược thì Việt Nam phải tranh thủ sự gắn bó của Trung Quốc, và ngăn chặn Hoa Kỳ sử dụng 2 quần đảo nói trên”. Đây chỉ là lời ngụy biện. Vì tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có Đệ Thất Hạm Đội nên không cần đến các hải đảo Trường Sa và Hoàng Sa để làm căn cứ xuất phát hay địa điểm chỉ huy.

4) Và hồi tháng 5-1976, báo Saigon Giải Phóng trong bài bình luận việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng võ lực đầu năm 1974, đã viết: “Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi”.

Từ 1956, mục tiêu chiến lược của Đảng Cộng Sản Việt Nam là “giải phóng Miền Nam” bằng võ lực. Để chống lại Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và Đồng Minh, Hà Nội hoàn toàn trông cậy vào sự cưu mang nhiệt tình của người thầy phương Bắc. Vì sau cái chết của Stalin năm 1953, Lien Xô chủ trương chung sống hòa bình với Tây Phương, trong khi Mao Trạch Đông vẫn tuyên bố “sẽ giải phóng một ngàn triệu con người Á Châu khỏi ách Đế Quốc Tư Bản”.

Mà muốn được cưu mang phải cam kết đền ơn trả nghĩa. Ngày 14-9-1958, qua Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch Nước cam kết chuyển nhượng cho Trung Quốc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua năm 1959, Đảng Cộng Sản phát động chiến tranh Giải Phóng Miền Nam.

Có 3 lý do được viện dẫn trong cam kết này:

a) Vì Hoàng Sa, Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 17-7 (Quảng Trị-

Cà Mâu) nên thuộc hải phận Việt Nam Cộng Hòa. Đối với Hà Nội nhượng Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc trong thời điểm này chỉ là bán da gấu! (không phải tài sản của mình).

b) Sau này do những tình cờ lịch sử, nếu Bắc Việt thôn tính được Miền Nam thì mấy hòn đảo san hô tại Biển Đông đâu có ăn nhằm gì so với toàn thể lãnh thổ Việt Nam?

c) Giả sử cuộc “giải phóng Miền Nam” không thành, thì việc Trung

Cộng chiếm Hoàng Sa Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa cũng có tác dụng làm suy yếu phe quốc gia về kinh tế, chính trị, chiến lược và an ninh quốc phòng.

Kế hoạch thôn tính Biển Đông của Trung Cộng

Năm 1982, với tư cách ngũ cường thuộc Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết, Trung Cộng hoan hỷ ký Công Ước về Luật Biển. Ký xong Công Ước, Bắc Kinh mới thấy lo! Theo Công Ước các quốc gia duyên hải chỉ có 200 hải lý, vừa là vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá, vừa là thềm lục địa để khai thác dầu khí. Trong khi đó Hoàng Sa tọa lạc ngoài lục địa Trung Hoa 270 hải lý, và Trường Sa cách Hoa Lục 750 hải lý, nên không thuộc hải phận (thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đánh cá) của Trung Quốc.

Vì vậy, cuối năm 1982, Bắc Kinh tập hợp 400 học giả Trung Hoa ngày đêm nghiên cứu thảo luận ròng rã trong suốt 10 năm, để kết luận rằng “Nam Hải là Biển Lịch Sử của Trung Quốc từ thời Hán Vũ Đế“.

Đây là thái độ trịch thượng võ đoán của phe đế quốc, cũng như Đế Quốc La Mã thời xưa coi Địa Trung Hải là “biển lịch sử của chúng tôi!”

Biển Lịch Sử hay Lưỡi Rồng Trung Quốc nằm sát bờ biển, cách Quảng Ngãi 40 hải lý, cách Nam Dương 30 hải lý, cách Mã Lai và Phi Luật Tân 25 hải lý. Nó bao gồm toàn thể vùng biển Hoàng Sa Trường Sa và chiếm trọn 3 túi dầu khí đang khai thác là Tứ Chính (Vanguard) của Việt Nam, Natuna của Nam Dương và Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi Luật Tân.

Tuy nhiên về mặt pháp lý, nếu Ấn Độ Dương không phải là đại dương của Ấn Độ, thì Nam Hải cũng không phải là biển của Trung Hoa về phía Nam.

Vả lại theo Tòa Án Quốc Tế La Haye, biển lịch sử chỉ là nội hải. Hơn nữa Thuyết Biển Lịch Sử của Trung Quốc cũng bị Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển bác bỏ trong Điều 8: “Biển lịch sử hay nội hải của một quốc gia tọa lạc trong lục địa hay đất liền, bên trong bờ biển hay đường căn bản” (đường căn bản là lằn mực thủy triều xuống thấp).

Do đó Biển Nam Hoa hay Nam Hải không phải là Biển Lịch Sử của Trung Quốc vì nó là ngoại hải và cách lục địa Trung Hoa hơn 2000 cây số.

Và công trình 10 năm nghiên cứu của 400 học giả Trung Hoa chỉ là công “dã tràng xe cát Biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”!

Thất bại trong thuyết Biển Lịch Sử, Trung Cộng đề ra kế hoạch 4 bước để xâm chiếm Biển Đông về kinh tế:

1) Ký kết Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ năm 2000 để hủy bãi Hiệp Ước Bắc Kinh 1887 (theo đó Việt Nam được 63% và Trung Hoa được 37%. Nếu theo đường trung tuyến, hai bên được chia đều 50%. Tuy nhiên trên thực tế, Trung Cộng không theo đường trung tuyến và đã đề ra 21 điểm tiêu chuẩn phân định theo đó Việt Nam chỉ còn 45% so với 55% của Trung Hoa.

2) Ký kết Hiệp Ước Hợp Tác Nghề Cá năm 2000 để thiết lập Vùng

Đánh Cá Chung 60 hải lý. Và Việt Nam chỉ còn 25% tại vĩ tuyến 17, và 32% tại vĩ tuyến 20. Với các tàu đánh cá viễn duyên, với các lưới cá dài 50 hải lý, và nhất là với sự cấu kết đồng lõa của đội tuần cảnh duyên hải Việt Nam, toàn thể Vịnh Bắc Việt sẽ biến thành khu đánh cá tự do cho đội kình ngư Trung Quốc mặc sức tận thu, vét sạch, và cạn tàu ráo máng.

3) Từ đánh cá chung đến hợp tác khai thác dầu khí chỉ còn một bước. Trong Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt có điều khoản quy định rằng, khi dầu khí được phát hiện, hai bên sẽ khởi sự hợp tác khai thác dầu khí. Dầu khí là do các chất hữu cơ kết tụ trong các thủy tra thạch kết tầng dưới đáy biển. Các chất hữu cơ này được nước phù sa Sông Hồng Hà từ Vân Nam và Sông Cửu Long, con sông dài nhất Đông Nam Á, từ cao nguyên Tây Tạng đổ ra Biển Đông từ cả triệu năm nay. Do đó dầu khí nếu có, là do các chất hữu cơ từ lục địa Việt Nam, chứ không phải từ Hoa Lục. Mặc dầu vậy, tại Vịnh Bắc Việt, Trung Quốc đã đề ra nhiều dự án thăm dò và khai thác dầu khí, như “Dự Án Quỳnh Hải” bên bờ đảo Hải Nam và “Dự Án Vịnh Bắc Bộ” phía Bắc vĩ tuyến 20. (Khi dùng danh xưng “Vịnh Bắc Bộ”, Trung Quốc mặc nhiên nhìn nhận rằng đó là Vịnh của Việt Nam về phía Bắc. Vì nếu là củaTrung Hoa thì phải gọi là Vịnh Nam Bộ mới đúng địa lý).

4) Với chính sách vết dầu loang, sau khi thành tựu kế hoạch đánh cá và khai thác dầu khí chung tại Bắc Việt, hai bên sẽ tiến tới việc hợp tác đánh cá và khai thác dầu khí chung tại miền duyên hải Trung và Nam Việt. Điều đáng lưu ý là vùng lãnh hải này thuộc thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế đánh cá 200 hải lý của Việt Nam nên thuộc chủ quyền tuyệt đối của Việt Nam. Ở đây không có sự trùng điệp hay chồng lấn hải phận như trường hợp Vịnh Bắc Việt.

Không ai ngu dại gì cho người nước ngoài đến đánh cá và khai thác dầu khí chung tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế riêng của nước mình. Chiếu Điều 77 Luật Biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền tuyệt đối của quốc gia duyên hải. Mọi sự chiếm cứ bất cứ từ đâu tới cũng đều vô hiệu, nhất là chiếm cứ võ trang (trường hợp Trung Cộng dùng võ trang chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa từ năm 1988).

Bằng kế hoạch thôn tính 4 bước, đế quốc Bắc Kinh buộc Hà Nội hiến dâng toàn thể hải phận Việt Nam từ Vịnh Bắc Việt đến vùng biển Hoàng Sa Trường Sa theo lời cam kết của Hồ Chí Minh (Phạm

Văn Đồng chỉ là kẻ thừa sai, bất lực, vô quyền, không có cả quyền bổ nhiệm một thứ trưởng theo lời tự thú của đương sự).

Như vậy, Thuyết Biển Lịch Sử hay Lưỡi Rồng Trung Quốc từng bị Công Ước về Luật Biển và Tòa Án Quốc Tế bác bỏ, nay sẽ trở thành hiện thực do kế hoạch 4 bước thôn tính Biển Đông của Trung Cộng. Vì quyền lợi riêng tư, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã táng tận lương tâm nhượng đất, bán nước, dâng cá dâng dầu và dâng các hải đảo cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.

Hành động như vậy Đảng Cộng Sản Việt Nam đã 4 lần phản bội Tổ Quốc.

Vì những lý do nêu trên:

Thay mặt đồng bào trong nước không còn quyền được nói

Trước Tòa Án Quốc Dân và Tòa Án Lịch Sử

ỦY BAN LUẬT GIA BẢO VỆ DÂN QUYỀN

KẾT ÁN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ

4 TỘI PHẢN BỘI TỔ QUỐC

Luật sư Nguyễn Hữu Thống

https://hoangquang.wordpress.com/2009/06/28/4-t%E1%BB%99i-ph%E1%BA%A3n-b%E1%BB%99i-t%E1%BB%95-qu%E1%BB%91c-c%E1%BB%A7a-d%E1%BA%A3ng-cs-vi%E1%BB%87t-nam/

 

 

Vui cười

– Bí mật khủng khiếp đây! Đã có năm mươi nạn nhân! Mua báo không ông? Khách qua đường mua một tờ, xem lướt qua:

– Này, thằng nhóc kia, làm gì có bí mật với nạnnhân nào?

 – Đó chính là bí mật khủng khiếp mà ông là nạn nhân.

– !?

– Báo đây! Bí mật khủng khiếp, đã có năm mươi mốt nạn nhân… Báo đây…

 

 

Trung cộng mối đe dọa to lớn  –  William Jasper

Thật vinh dự cho tôi khi được Hội của quý vị mời trở lại nói chuyện một lần nữa, và có mặt cùng một nhóm diễn giả ưu tú. Tôi không là chuyên gia về Trung Quốc, nhưng, là một ký giả 45 năm qua đã dành nhiều thì giờ chú trọng viết về Trung Cộng và sự trổi dậy của nó, để thống trị nền kinh tế và quân sự toàn cầu. Tôi cũng chú trọng viết về cácchính sách tai hại của chính quyền Hoa Kỳ — ở cả hai chính phủ Dân Chủ và Cộng Hòa. Họ đã tiếp tay xây dựng chế độ Cộng Sản Bắc Kinh, thành một mối đe dọa to lớn cho nền Hòa Bình, An Ninh và Tự Do ngày nay

Khi tôi còn là học sinh trung học và sinh viên đại học, thì Trung Cộng đã diễn ra cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” dưới tay Mao Trạch Đông, giết chết nhiều triệu người Trung Hoa dưới chế độ của ông ta. Hơn 100 triệu người bị chấn thương vì bị giam tù và/hoặc ở các trại “cải tạo”.

Tôi nhớ rất rõ những “nhà cách mạng” cộng sản Mỹ, như Bill Ayers và Bernadine Dohrn. Họ đã đi qua Trung Cộng vào thời điểm đó, và họ tôn thờ Mao. Sự thể này đã xảy ra cùng lúc với việc cộng sản Trung Cộng và cộng sản Nga tiếp sức cho chế độ cộng sản Hồ Chí Minh để tàn khốc giết dân Việt Nam và cũng như các lính Mỹ, trong Chiến tranh Việt Nam. Bây giờ thì hai tên Ayers, Dohrn và những kẻ phản bội, đồng nghiệp của họ còn chễm chệ ở vị trí các giáo sư đại học, làm nhiễm độc các sinh viên thế hệ mới, với mớ lý tuyết chết người của họ.

Ngoài ra, với tư cách là một ký giả/phóng viên tại Liên Hiệp Quốc trong hơn 30 năm qua, tôi đã quan sát với sự hoảng hốt tột độ. Trung Cộng đã có những bước tiến vĩ đại, để kiểm soát được nhiều cơ quan và các chi nhánh của Liên Hiệp Quốc. Thật khó mà phóng đại những mối đe dọa vô cùng to lớn của Trung Cộng, đe dọa Hoa Kỳ trong các lãnh vực: kinh tế, an ninh quốc gia, sản xuất, kỹ thuật, thực phẩm và dụng cụ y tế, giáo dục. Kể cả lãnh vực giải trí, và còn nhiều hơn nữa. Điển hình, tại Liên Hiệp Quốc, chúng tôi thấy có những đặc công cộng sản  Bắc Kinh đã được giao trách nhiệm ở (những tổ chức sau đây):

* Tổ Chức Hàng Không Dân Sự Quốc Tế của LHQ

UN International Civil Aviation Organization (ICAO)

* Tổ Chức Phát Triển Kỹ Nghệ của LHQ

UN Industrial Development Organization (IDO)

* Công Đoàn Viễn Thông Quốc Tế của LHQ

UN International Telecommunications Union (ITU)

* Bộ Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc

UN Department of Economic and Social Affairs (DESA)

* Tổ Chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc

UN Educational, Scientific, and Cultural Organization (UNESCO)

* Tổ Chức Y tế Thế giới của Liên Hiệp Quốc

UN World Health Organization (WHO)

* Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp của Liên Hiệp Quốc

UN Food and Agriculture Organization (FAO)

* Hội Nghị về Phát Triển Bền Vững của Liên Hiệp Quốc

UN Conference on Sustainable Development (Rio+20)

* Cơ Quan Cảnh Sát Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (Interpol)

UN International Police agency – Interpol

Với sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ và rất nhiều tập đoàn thương mại lớn nhất của chúng ta, với những tên tuổi danh tiếng nhất của Wall Street, Trung Cộng đã đi những con đường nội địa xâm nhập nguy hiểm, vào tất cả mọi lãnh vực kinh tế và xã hội Hoa Kỳ chúng ta. Chúng ta chỉ có chút thời giờ ngắn ngủi ở đây để ngắn gọn duyệt qua vài thứ:

 Dược phẩm ( thuốc tây)

Thí dụ, trong một số báo chủ đề gần đây của chúng tôi (www.thenewamerican.com) là “China: Making Your Medicine” (Trung Cộng: Bào Chế Thuốc của Quý Vị). Số báo này phân tích chi tiết về những bước tiến to lớn mà Trung Quốc thực hiện, để chiếm ưu thế đối với nhiều loại dược phẩm cần thiết cho y học hiện đại, khiến chúng ta phụ thuộc vào chúng, một cách nguy hiểm. Các thành phần dược chất chính yếu trong 90 phần trăm toa thuốc tây và thuốc không cần toa (over-the-counter) mà người Mỹ dùng là đến từ Trung Cộng! Là một quốc gia mà Bộ Quốc Phòng của chúng ta xem là một đối thủ lớn!

KỸ THUẬT –  “MADE IN CHINA 2025” tại Trung Cộng – Bắc Kinh công bố hồi năm 2016 rằng hàng “Made in China 2025” sẽ chú trọng khống chế các lãnh vực về kỹ thuật then chốt:

Semiconductors (chip điện toán chất bán dẫn),

Kỹ thuật rô-bô, điện toán trên không (cloud),

Trí thông minh nhân tạo,

Dược phẩm, các sản phẩm y khoa cao cấp,

Hàng không, thiết bị vận tải hoả xa, vận tải hàng hải tân kỳ, xe hơi dùng năng lượng mới và máy móc khác.

Còn nhiều thứ khác nữa.

Google, Facebook, Microsoft, Apple, Oracle và hàng trăm công ty khác của Hoa Kỳ đã giúp biến chuyển Trung Cộng thành một siêu cường tân tiến. Và họ còn tiếp tục giúp Trung Cộng phát triển hệ thống trí thông minh nhân tạo, kỹ thuật rô-bô, và những kỹ thuật tân kỳ khác.Hầu hết người Mỹ vẫn chưa nghe nói gì về những mối đe dọa này. Nếu họ thành công, thì những thứ đó sẽ có tác động khổng lồ, áp đảo tất cả mọi phúc lợi kinh tế lành mạnh của người Mỹ — mà còn áp đảo đe dọa cả nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ của chúng ta nữa.

Thực phẩm

Trung Cộng xuất cảng thực phẩm sang Hoa Kỳ trong suốt mười năm qua, với số lượng hàng hóa tăng trưởng nhảy vọt vượt bực. Điều này không chỉ gây hoảng hốt, vì nó làm suy yếu tính độc lập và tự túc của Hoa Kỳ chúng ta. Mà rõ ràng, chúng ta còn cung cấp cho chúng nó cơ hội tuồn qua Mỹ những mầm mống bệnh hoạn và chất độc, đưa vào nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta. Đây là một lợi thế có tính cách sinh tử trong chiến tranh!

Tuyên truyền ở các đại học

Trung Cộng đang gia tăng hoạt động, gây hoảng hốt cho nền giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Tôi sẽ chỉ đề cập đến hai phương pháp then chốt đang được sử dụng: Học viện Khổng Tử (Confucius Institutes) được thiết lập ở nhiều đại học chính là những cơ sở tình báo đích thực hoạt động và tuyên truyền cho Bắc Kinh.

Trung Cộng tài trợ dồi dào cho các phân khoa và các chương trình giáo khoa, tại nhiều trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ chúng ta. Có thể tìm thấy những tấn công song hành này tại các đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ như Yale, Harvard, MIT, Stanford,  New York…. Và hàng trăm học viện khác ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Trong những hệ quả nảy sinh từ các mối liên hệ này, là các viên chức trường đại học. Họ đã ngó lơ, phó mặc cho các đặc công cộng sản Trung Cộng bắt nạt các sinh viên và giáo sư, về thể xác và tâm lý. Chúng ức hiếp những ai dám chỉ trích Bắc Kinh vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, kiểm duyệt, hoặc là nhà nước công an trị.

Nhưng rõ ràng Trung Cộng có chính sách kiểm duyệt khét tiếng – trong lãnh vực truyền thông, internet và ngôn luận, dù công khai hay riêng tư. Hiện nay, cái chính sách kiểm duyệt này đã trở nên chính thức tại nhiều học viện Mỹ. Một thí dụ điển hình là hình thức “tự kiểm” một cách xấu hổ ô nhục. Nó chính yếu đẻ ra từ tinh thần nô lệ phục tòng Trung Cộng. Tại nhiều đại học Mỹ, có một không khí hoàn toàn im lặng, không bàn tán phê bình về việc đàn áp sinh viên Hồng Kông hiện nay, và trù dập các quyền tự do ở đó.

« Town Hall » về trung cộng ở Hoa Kỳ

Ủy Ban Quốc Gia về Quan Hệ Mỹ-Hoa (National Committee on US-China Relations/NCUSCR) và Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations/CFR) liên tục bảo trợ các chương trình cao cấp, để trình bày những suy nghĩ ủng hộ Bắc Kinh, trước các khán thính giả có khả năng gây ảnh hưởng trên toàn quốc Hoa Kỳ. Họ mời các “chuyên gia” như Condoleezza Rice, Susan Rice, Henry Kissinger và nhiều nhân vật khác.

« Quyền lực mềm » của trung cộng tấn công Châu Mỹ La Tinh, Châu Á, Châu Úc, Châu Phi, Trung Đông và Châu Âu

“Cộng hòa nhân dân Trung Cộng” (People Republic of China) đang ồ ạt sử dụng những nguồn tài chánh khổng lồ của chúng, để đầu tư thật nhiều vào các nguồn tài nguyên hệ trọng, bất động sản, hạ tầng cơ sở, và các cơ sở kinh doanh, trong hết thảy mọi khu vực, ở các lục địa kể trên.

Một vành đai, một con đường

(One Belt One Road/OBOR)

Trung Cộng đổ hàng ngàn tỷ đô-la cho các dự án liên doanh đầu tư lớn, còn có tên là “Con Đường Tơ Lụa Mới”  (the New Silk Road). Hãy hình dung là con đường này đang liên kết, và khống chế toàn thể lục địa châu Á, chằng chịt xây lên những đường xá, điện lực, hải cảng, công xưởng và hạ tầng cơ sở.

Nếu Mỹ yểm trợ dự án OBOR to lớn kinh khủng này? Ấy chính là tự sát! Như chúng tôi đã báo cáo từ nhiều năm qua, các tỷ phú của Wall Street và những nhân vật ưu tú về chính sách đối ngoại của chúng ta (Hoa Kỳ) lại cất tiếng ca ngợi cái dự án kinh khủng này. Như chúng tôi đã báo cáo trong một bài viết hồi năm 2016, Tổng thống Obama, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton và các nhà lãnh đạo lỗi lạc hàng đầu “Who’s Who” về thương mại, ngân hàng và chính trị đã hăng hái ủng hộ cái dự án Tàu vĩ đại đó.

Nội tuyến và ăn cắp tài sản trí tuệ

Trung Cộng đã sử dụng các chính sách “mở cửa” tự sát của Hoa Kỳ chúng ta, cho Bắc Kinh tha hồ ăn cắp các bí mật về kỹ thuật và bí mật của chính quyền Mỹ. Chúng nó khiến chúng ta bị tổn thất nhiều tỷ đô la, cũng như bị thất thế trầm trọng, mất đi những lợi thế quan trọng trong các lãnh vực kinh tế và quân sự.

Trục Nga-Hoa

Các phương tiện truyền thông “Fake News” (tin tức giả dối)  khiến cho dân Mỹ mù mờ trong bóng tối, về mức độ hợp tác và liên minh giữa Nga và Trung Quốc. Trong Chiến tranh Lạnh, chúng ta đã được cho biết sai trật rằng có rạn nứt chia rẽ giữa Xô-viết và Tàu (Sino-Soviet Split). Điều này được dùng như một lý cớ để được phuơng tây ồ ạt tài trợ chọ họ. Trước tiên là Bắc Kinh, rồi tới Moscow.  Chúng ta được các “chuyên gia” cho biết là tiền viện trợ của Hoa Kỳ chúng ta là để giúp chia rẽ hai quyền lực cộng sản này.

Té ra không phải vậy! Như chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần trong mấy chục năm nay: đó là một mưu mẹo của cộng sản!  Hai chế độ cộng sản Nga Tàu luôn cộng tác trong bóng tối,ở đằng sau hậu trường! Bây giờ thì họ công khai cộng tác trong một liên minh chiến lược. Nhưng cũng cái đám “chuyên gia” đó lại tiếp tục yêu cầu chúng ta (người Mỹ) hãy nên tài trợ và tiếp tục “tham gia” để tách chúng ra!

William Jasper

ngày 3.11.2019

Spokane, Hoa Kỳ

(Bài phát biểu của William Jasper trong phần Video Part 2 đính kèm bên dưới)

https://youtu.be/9FX6j9h4Qp4

7 năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã mang lại gì cho Trung Quốc?  –  Trần Phá Không

Dịch viêm phổi SARS bùng phát vào năm 2003, viêm phổi Vũ Hán (virus corona mới) bùng phát năm 2019-2020, chỉ trong thời gian 17 năm, Trung Quốc còn lần lượt nổ ra dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, dịch hạch… với mức độ liên tục, không khỏi khiến nhiều người phải tự hỏi: Rốt cuộc Trung Quốc đang bị sao vậy? Trong 7 năm cầm quyền, rốt cuộc ông Tập Cận Bình đã mang lại gì cho Trung Quốc? Dưới đây là bài viết của nhà bình luận chính trị Trung Quốc Trần Phá Không.

Trong vòng 7 năm từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, mọi việc dường như đều không suôn sẻ. Chỉ cần nhìn vào các sự kiện lớn có thể thấy được điều này: Kinh tế đại suy thoái, chiến tranh thương mại Mỹ-Trungbiểu tình Hồng Kôngtrại cải tạo Tân Cương và hiện nay lại thêm dịch bệnh trên toàn quốc.

Xem thêm: Mỹ – Trung và cuộc đối đầu định mệnh

Nhìn nhận lại toàn bộ quá trình bùng phát của dịch bệnh từ lúc che giấu, lây lan thậm chí tới mức độ khẩn cấp toàn cầu, những công dân xã hội chủ nghĩa và chính quyền địa phương đã bị Tập Cận Bình làm cho suy yếu và tan rã, không cách nào phát huy vai trò của tự thân, không thể khởi tác dụng tối thiểu. Đây là một trong những lý do quan trọng làm ôn dịch lây lan tới mức, một khi lan ra thì không cách nào vãn hồi.

Ở một đất nước bình thường, khi xuất hiện thiên tai nhân họa, người dân có thể thể hiện khả năng tự cứu, chính quyền địa phương phát huy khả năng tự quản, chính quyền trung ương tham gia cuối cùng để có thể giảm thiểu tối đa mức độ thiệt hại và tử vong. Tuy nhiên, trong vòng 7 năm khi Tập Cận Bình nhậm chức, theo khẩu hiệu thụt lùi “Đảng lãnh đạo mọi thứ” do ‘quân sư’ Vương Hộ Ninh chủ trương lãnh đạo, chuyên môn đả kích các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và loại bỏ tất cả các tổ chức trong dân bao gồm cả tổ chức công ích. Do đó, khi đại họa ập lên đầu, người dân không cách nào tự chủ cứu mình.

Xem thêm: Virus corona có thể nghiền nát “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình

Dưới sự nhấn mạnh “bốn loại ý thức” (bao gồm ý thức làm gương, và ý thực nòng cốt) và “hai hình thức duy hộ” (bao gồm duy hộ vị trí cốt lõi của Tập Cận Bình và duy hộ quyền lực của trung ương Đảng), chính quyền địa phương mất đi vai trò tự trị và khả năng tự chủ tối thiểu. Đối với tất cả mọi việc xảy ra, đều phải ngồi đợi quyết định của trung ương, đợi ông Tập “quyết định nhất tôn” (tức sự quyết định của người cao nhất là tiêu chuẩn nhất). Chờ đợi từng người từng người một quyết định, nên bỏ lỡ cơ hội vàng đối phó với khủng hoảng.

Xã hội nhân loại vốn là trưởng thành tự nhiên, cũng giống như trăng đến rằm sẽ tròn, dưa chín thì cuống rụng, trẻ con khi lớn sẽ tự biết cư xử đúng mực. Tuy nhiên, chính quyền của ông Tập chỉ muốn tìm cách cản trở và chia rẽ. Điều này cũng đồng nghĩa với phản tự nhiên, phản xã hội. Sự tự trị của chính quyền địa phương ban đầu vốn là hợp lý và cần thiết, nếu không, việc thiết lập chính quyền các cấp tại địa phương có tác dụng gì? Việc tăng cường tập trung củng cố quyền lực vô hạn vào trung ương cũng tương đương với việc đất nước đang tự phế bỏ tay chân mình.

Trong 7 năm cầm quyền, Tập Cận Bình còn thực hiện hàng loạt những việc tàn nhẫn không có tính người:

Theo các phương tiện truyền thông nước ngoài, các nhà chức trách Trung Quốc thực hiện kiểm tra nghiêm mật về bối cảnh tôn giáo, một khi người dân bị phát hiện là có theo tín ngưỡng nào đó, liền có nguy cơ bị mất việc, thậm chí những người thân cũng bị liên lụy. Bức ảnh cho thấy chính quyền Hà Nam đã đốt cháy Thập tự giá của một nhà thờ địa phương (Ảnh: VOA)

– Đàn áp tàn khốc khắc nghiệt Thiên Chúa giáo, Kitô giáo. Thường xuyên bắt giữ linh mục, giáo đồ, phá hủy nhà thờ, thánh giá với quy mô lớn. Đặc biệt ở Chiết Giang nơi ông trở nên phát tài thậm chí còn ở mức cực đoan và thực hiện hoàn toàn triệt để.

– Phá hủy các ngôi chùa Phật giáo ở Tây Tạng và các học viện Phật giáo. Thậm chí treo chân dung của ông ta lên các ngôi đền Phật giáo Tây Tạng, đến nhà của người Tây Tạng bình thường để thay thế chân dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma (người đứng đầu cao nhất của tôn giáo Tây Tạng). Là Đảng của một tập đoàn vô thần, ông Tập chính là lãnh đạo chính của nhóm vô thần đó. Hành động này của ông không chỉ là việc làm đi quá giới hạn một cách nghiêm trọng, mà còn là sự khinh nhờn báng bổ ngông cuồng.

– Những ngôi chùa ở các vùng khác trong tại Trung Quốc đều phải treo cờ đỏ, hát bài hát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nghiên cứu tài liệu của Đảng, không những vậy còn dung túng cho vấn đề tiền bạc và tội gian dâm.

Ngày 10/6/1999, lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã ra lệnh thành lập “Văn phòng 610” nhằm trấn áp toàn diện đối với người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Từ đó cuộc bức hại kéo dài chưa chấm dứt suốt 21 năm qua. (Ảnh từ internet)

Về việc đàn áp học viên Pháp Luân Công, chính quyền Tập tiếp tục bước theo con đường của Giang Trạch Dân mà không buông tay hay khoan dung nới lỏng.

Trại tập trung, giáo dục cải tạo ở Tân Cương

– Tại Tân Cương, chính quyền Tập yêu cầu phá hủy các nhà thờ Hồi giáo và xóa bỏ biểu tượng hình trăng lưỡi liềm; độc ác hơn nữa là việc cố tình ép người Hồi giáo ăn thịt lợn, uống rượu và hút thuốc. Đáng chú ý nhất là việc đưa hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan vào các trại tập trung. Tội ác tàn bạo ngang với của chủ nghĩa phát xít gây chấn động thế giới.

Một số tín đồ bày tỏ, ông Tập Cận Bình đã mạo phạm đến Thần linh, nên thế nhân rất khó để giải thích những hiện tượng kỳ lạ tương ứng dưới đây:

Cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông, đeo khẩu trang, đeo mặt nạ. ĐCSTQ xúi giục Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo kế hoạch áp dụng luật cấm người dân đeo khẩu trang tại những nơi tụ tập đông người. Hiện nay toàn bộ người dân Trung Quốc đều phải đeo khẩu trang, mặt nạ.

Xem thêm: Biểu tình Hồng Kông:“Tự do hay là chết?”

Trung cộng thiết lập trại tập trung ở Tân Cương để giam giữ hàng triệu người dân tộc thiểu số. Thì hiện nay, tất cả người dân Trung Quốc đều phải vào trại tập trung, ở đâu cũng bị phong tỏa thành trại tập trung.

Một số người ngày nào cũng hô lớn ‘Vũ Thống Đài Loan” (nghĩa là: Dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan) thì hiện hay, quả nhiên “Vũ Thống” rồi, dịch viêm phổi Vũ Hán đã thống trị toàn quốc; Các phương tiện thông tin của chính quyền Trung cộng ngày ngày đòi phản độc lập, chỉ trích độc lập biên giới Tân Cương, độc lập Tây Tạng, độc lập Hồng Kông, độc lập Đài Loan và lên án các thế lực thù địch thì đến nay, toàn bộ Trung Quốc đều đã độc lập, các nơi đều đã cách ly với nhau, tự coi nhau là thù địch, tự thành một thể độc lập.

Đối mặt với tất cả những điều này, người ta không thể không hỏi: Chính xác thì chế độ độc tài, chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc và “quyết định nhất tôn” của ông Tập mang đến cho người dân Trung Quốc cái gì?

(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm và ý kiến ​​cá nhân của tác giả)

https://trithucvn.net/trung-quoc/7-nam-cam-quyen-tap-can-binh-da-mang-lai-gi-cho-trung-quoc.html

Ngày nay có nhiều người hiểu cộng sản Tàu hơn?  –  Nguyễn thị Cỏ May

Qua nạn dịch chết người hằng loạt do virus Corona gây ra ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, thế giới mới bắt đầu thấy bản chất của chế độ độc tài Tập Cận-bình. Dối trá và coi thường sanh mạng nhơn dân. Tới hôm 05/02/2020 đã có ít lắm là 490 người chết và hơn 24 000 trường hợp bị nhiểm, có 200 trường hợp ở bên ngoài nước Tàu (AFP, 5/2/2020)

Dối trá vì nhà cầm quyền cộng sản Bắc kinh vào cuối tháng 12/2019 tuyên bố là họ mới phát hiện một căn bịnh nguy hiểm do virus corona gây ra. Thật ra họ đã biết dịch corona từ tháng 11/2019. Tới giữa tháng 1/2020, Bắc kinh chánh thức nhìn nhận hiện tượng bịnh dịch đang hoành hành Vũ Hán và thông báo Tổ chức Y tế Thế giới. Và Y tế Thế giới xác nhận dịch Vũ Hán do virus corona gây ra. Tập đã phải phản ứng thích hợp vì nếu không thì dân tàu sẽ chết nhiều vô số kể và còn tác hại tới an nguy của cả thế giới nữa.

Trước dịch corona hiện nay, nhiều người nhớ lại năm 2002, một loài virus cùng loại corona đã gây bệnh dịch viêm phổi SARS khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mất 2%. Cũng như lần này, đã biết “đúng hắn” rồi mà nhà cầm quyền cộng sản tàu vẫn còn giữ kín! Chắc họ nghĩ dư sức khắc phục nhanh loài virus ác độc này ?

Cộng sản tàu không nghĩ vì họ bưng bít thông tin kéo dài hàng tháng trời nên nhơn viên trong nhà thương cũng không cần phải lo đề phòng. Một bệnh nhơn ở Vũ Hán đã truyền bệnh cho 14 người khác kể cả các bác sĩ, y tá. Vì tin tức được đưa ra quá trễ, chỉ trong một tuần lễ sau khi nhà cầm quyền công nhận có bệnh dịch thì số bệnh nhơn đã tăng gấp mười lần.

Nếu không phải vì Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản của ông ta chủ trương dối trá, thì không có nhiều người chết oan như vậy. Ở nước dân chủ tự do, chắc chắn tầm nguy hại chết người sẽ nhẹ hơn nhiều nhờ hệ thống thông tin tự do nên nhanh chóng và chính xác. Bưng bít thông tin về bịnh dịch có thể coi là một thứ tội diệt chủng.

Trước thảm nạn dân tàu bị dịch corona, Tập Cận Bình vẫn kiên trì kiểm soát thông tin chỉ để bảo vệ uy quyền của chính mình và của đảng Cộng Sản.

Hơn nữa, khi độc quyền công bố tin bịnh dịch, Tập còn muốn lợi dụng dịch corona để chứng minh với thế giới thấy khả năng của chánh phủ quản lý khủng hoảng và tuân hành sự lãnh đạo và chịu ảnh hưởng của Tập. Đồng thời Tập khoe khoang hệ thống đảng duy nhứt thành công cai trị và phát triển nước Tàu vĩ đại, vẫn lấy quyết định về mọi vấn đề kịp lúc tuy mọi việc đã không có kế hoạch trước. Đồng thời Bắc kinh cũng muốn sử dụng việc đối phó dịch corona để Y tế Thế giới phải nhìn nhận Tàu là nước gương mẫu vì hành động mau lẹ. Tập còn lợi dụng trường hợp này để chỉnh huấn chánh quyền địa phương, cho truyền thông phê bình.

Thật ra xưa nay các nước cộng sản không nơi nào có truyền thông tư nhân, độc lập. Vì tất cả chỉ để phục vụ đảng Cộng Sản. Bắc Kinh không cho phái đoàn y tế Đài Loan tới dự hội nghị tìm cách ngăn chặn căn bệnh mới của Tổ Chức Y Tế Thế Giới chỉ vì vấn đề xung đột giữa 2 nước và Tập hảy còn tức vụ Bà Thái đắc cử Tổng thống vẻ vang ! Cộng sản luôn hẹp hòi vì chỉ biết có mình là trên hết.

Trong chế độ cộng sản độc tài, không riêng người ta mới là nạn nhơn bị diệt chủng, mà cả thú vật cũng không sống an toàn được. Năm ngoái, bệnh «dịch Phi Châu” đã giết chết một nửa số heo trong nước Tàu, bằng 1/4 heo thế giới. Tất cả chỉ vì nhà cầm quyền không thể báo động kịp thời và không chuẩn bị các phương pháp ngăn ngừa. Khi dịch lan tràn, để ngăn chận dịch, cán bộ cộng sản phát tiền cho nông dân bảo phải giết cả đàn heo đem chôn nếu có một con heo trong bầy bị bệnh. Vì biết các quan đã ăn bớt tiền bồi thường, dân bèn âm thầm làm thịt heo đem ra chợ bán, kiếm được bốn lần hơn giá bồi thường.

Tất cả chỉ vì đảng cộng sản tàu muốn kiểm soát toàn thể xã hội để giữ quyền lực. Tới đâu ? Chưa ai biết.

Tuy vậy, lần này, Trung Cộng đã phản ứng tương đối có nhanh hơn vì biết họ sẽ phải cần thế giới giúp đở.

Nhận định tình trạng hiện nay về dịch corona phát ra từ Vũ Hán, vị đặc trách Y tế Thế giới tuyên bố «Tình trạng hiện nay không có nghĩa là sẽ không đi đến nghiêm trọng hơn », ông vừa lên án một vài nước giàu quá chậm trong vấn đề thông tin về dịch và ông cũng lên tiếng đòi hỏi thêm nhiều khả năng hợp tác tương trợ.

Tàu tiếp tục siết mạnh sự kiểm soát dân chúng để ngăn ngừa sự lây lan, giới hạn dân chúng các thành phố gần Hồ bắc di chuyển. Trước những biện pháp cứng rắn của nhà cầm quyền Bắc kinh ngăn chận tầm ảnh hưởng của dịch, Tổ chức Y tế Thế giới hi vọng tránh được dịch lan ra.

Theo Y tế Thế giới, dịch corona kỳ này làm chết 2, 1% bịnh nhơn, nạn nhơn là những người lớn tuổi và đã có bịnh rồi nên bị biến chứng do bị nhiểm virus corona. Cho tới nay, ngoài nước Tàu, chỉ mới có 1 người chết, đó là người Tàu Vũ Hán tới Phi-luật-tân.

Một số viên chức Y tế Thế giới không đồng ý biện pháp an ninh là đóng cửa biên giới với nước Tàu. Trong lúc đó, Chủ tịch xứ Bắc Hàn biết dịch ở Vũ Hán sớm và vội cho lịnh đóng cửa ngay biên giới với Tàu tuy nguồn lợi túc quan trọng hiện nay đối với Bắc Hàn là khối du khách tàu. Tại sao Kim Jong Un có quyết định nhanh và gọn như vậy ?

Có dư luận nói rằng Tổng cục Trinh sát RGB của Bắc Hàn đã biết rõ virus corona Vũ Hán phát tán ra bên ngoài là từ Phòng thí nghiệm Sinh học Vũ Hán vì Tàu cộng âm muu sản xuất vũ khí sinh học để chuẩn bị sát hại kẻ thù, chẳng may bị thoát ra ngoài, chớ không phải phát xuất từ chợ động vật Vũ Hán như những nguồn tin khác nói.

Có thiệt Tập Cận-bình âm mưu sát hại thế lực thù địch bằng vũ khí sinh học ?

Trì Hạo Điền nói rỏ chủ trương của đảng cộng sản tàu là hiện nay cần có  nơi để di dân lập quốc, giải quyết tình trạng quá đông dân của Tàu mà các nước như Mỹ, Canada và Úc là ba nơi có đất đai rộng lớn đủ để thoả mãn nhu cầu thuộc địa lớn lao của Tàu. Mà giải quyết vấn đề nước Mỹ là căn bản và uu tiên. Chiếm được Mỹ và lập ngay ở đó một nước Trung Hoa khác dưới cùng sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Hoa. Vả lại nên nhớ nước Mỹ trước tiên được nhà hàng hải Trịnh Hòa, tổ tiên của dân tàu ngày nay, khám phá nhưng sau đó lại trở thành đất nước của người da trắng. Một khi ta làm chủ nước Mỹ rồi thì cả Âu Châu sẽ cúi đầu trước chúng ta, không kể Ðài Loan, Nhật và những nước nhỏ khác. Vì vậy, giải quyết «vấn đề đất Mỹ là «sứ mạng lịch sử của đảng  Cộng Trung Quốc”.

Nhưng làm sao để “giải quyết vấn đề Mỹ” ? Trì Hạo Điền đòi hỏi phải tàn bạo, phải sử dụng vũ khí sinh học để quét sạch dân Mỹ ra khỏi nước Mỹ.

Nếu không, chúng ta  không thể đưa nhiều người Trung Quốc tới đó sinh sống. Ðây là chọn lựa duy nhất của chúng ta.

Nên hiểu nếu chúng ta sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Mỹ thì chẳng khác nào chúng ta tự sát. Chỉ có vũ khí sinh học mới giúp chúng ta thực hiện được sứ mạng lịch sử của chúng ta.

Trong những năm qua, chúng ta đã làm chủ những loại vũ khí sinh hóa này. Chúng ta có khả năng quét sạch nước Mỹ một cách bất ngờ. Lúc đồng chí Ðặng Tiểu Bình còn sống, Trung Ương Ðảng đã sáng suốt thực hiện ngay quyết định đúng đắn là không phát triển các hàng không mẫu hạm mà thay vào đó tập trung vào việc phát triển các vũ khí có khả năng hủy diệt hằng loạt kẻ thù.

Vũ khí sinh học là tàn độc. Nhưng nếu không chiếm được Mỹ thì Trung quốc phải chết vì đất đai hiện nay của chúng ta chỉ nuôi được 500 triệu người mà dân số đã hơn 1.3 tỷ, đạt tới giới hạn tột cùng của nó. Một ngày nào đó, ai biết được nước Tàu sẽ bị xóa sổ (Phạm Đức Đồng Hùng, Việt Luận, 31/1/2020, Sydney).

Đánh chiếm các nước khác, phải làm, chỉ vì vấn đề sanh tồn của nhơn dân trung quốc mà thôi. Cũng là qui luật tự nhiên của muôn loài sanh vật !

Vì dịch Vũ Hán mới thấy tấm lòng của người không cộng sản

Tập Cận bình vẫn nuôi giấc mộng làm bá chủ thế giới nên không ngừng tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra thế giới. Vẫn khống chế khu vực biển Đông bằng vũ lực. Vẫn giữ lập trường đảo Kenku là của Tàu. Vẫn coi Mỹ, Nhựt, Đại Hàn, Úc, Âu châu, tức các nước dân chủ tự do là những thế lực thù địch phải thanh toán khi có cơ hội. Thế mà khi thấy Tàu bị dịch corona giết hại nhiều người, chánh phủ Nhựt vôi lên tiếng giúp dở không có điều kiện. Chỉ vì lòng nhơn ái, người đối với người, ngoài ý thức chánh trị.

Chánh phủ Nhựt công bố chữa trị 100% cho người nhiễm bệnh không phân biệt quốc tịch, chủng loại visa, cũng sẽ không công bố quốc tịch của người nhiễm virus. Với người Nhật, trước dịch bệnh, quốc tịch và chữa trị không liên quan đến nhau.

Trung tâm y tế quốc tế của Nhật Bổn cũng ra thông báo Nhựt Bổn đã cử 1000 nhân viên y tế đến tuyến đầu Vũ Hán để hỗ trợ, ngoài ra các nhà máy và công xưởng của Nhựt cũng đang ra sức làm việc để cung cấp dụng cụ y tế, khẩu trang gấp cho Trung Quốc.

Nhựt sẽ đưa máy bay đến đón người Nhựt về nước. Chiều đi, máy bay sẽ đầy ắp hàng cứu trợ Vũ Hán. Trên khắp thành phố Osaka và Tokyo đều nhìn thấy những dòng chữ “Trung Quốc cố lên, Vũ Hán cố lên”. Những dòng chữ này đã khiến người dân Trung Quốc bình thường cảm kích rơi nước mắt…

Một sinh viên du học ở Nhựt đã thốt lên khi thấy cách ứng sử của Chánh phủ Nhựt với Trung quốc lúc này „Cho tôi xin được cúi đầu trước nước Nhật. Không phải nước Nhật không có những mâu thuẫn lịch sử với Trung Quốc, nhưng lúc cần sinh tử họ đã ứng xử khác biệt“.

Ai cũng biết Nhựt Bổn là đảo quốc thường chịu nhiều thiên tai, thảm họa, nên hơn ai hết, họ hiểu lúc hoạn nạn cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng thế giới như thế nào. Nhưng, cái cách mà họ giúp đỡ người ta đúng tinh thần cao thượng “của cho không bằng cách cho”(Cuộc sống du học).

Với Mỹ. Mỹ vẫn là thế lực thù địch không khoang nhượng của Tập Cận-bình. Và Tập chỉ chờ cơ hội là thanh toán gọn Mỹ. Úc và Canada chỉ trong tầm tay. Mỹ đã biết thân phận mình trước cái nhìn háo hức của đảng cộng sản tàu nhưng nay thấy Tàu bị hoạn nạn, Công ty Gilead Sciences Inc vừa chế tạo thành công thuốc Remdesivir chửa dịch corona, Mỹ liền đem thuốc mới cho Tàu. Bệnh nhân ở Mỹ đầu tiên bị nhiểm Corona được chữa lành tại Bệnh Viện Providence thuộc Thành Phố  Everett, Washington. Khi thuốc mới chữa bệnh nhân đầu tiên hết bịnh, Stock của Cty này đã vượt cao trong cuộc trao đổi chứng khoán ngày hôm nay (Theo South China Post) .

Riêng ở Việt nam, trong lúc dịch corona đang lan rộng và ở Sài gòn có người bị nhiểm dịch chửa trị trong nhà thương Chợ Rẩy, dân chúng sợ hãi, đi tìm mua khẩu trang tuy bình thường có mang khẩu trang chống ô nhiểm rồi. Khẩu trang vì nhu cầu tăng cao nên trở thành khan hiếm. Có nhiều nơi sản xuất nhiều hơn.

Ở Sài gòn, nhiều người mang cả bao khẩu trang, trên đường đi, đón người chưa có khẩu trang đưa cho họ xài, không lấy tiền. Còn có thêm nhiều nơi bày cả bao khẩu trang để sẵn đó để ai cần, cứ ghé qua lấy mà dùng. Trong lúc đó, ở Hà nôi, quê hương cộng sản, dân chúng nhờ có…lý luận « nên bán khẫu trang, tranh nhau làm giá cả, chặt chém thẳng tay những người có nhu cầu. »

Cùng là người của…Nước Việt nam là một, dân tộc Việt nam là một. Sông có cạn, núi có mòn, song chơn lý ấy không bao giờ thay đổi mà lại khác nhau một trời, một vực chỉ vì có cộng sản hay thiếu cộng sản trong người !

 

 

Virus Xi

Siêu vi khuẩn gây ra dịch sưng phổi ở Vũ Hán làm chết hơn 2000 người và hơn 74000 bị nhiễm (tin ngày 19/02/2020) có tên là Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới chọn, cho ngắn gọn, dễ đọc hơn, thay thế tên gọi trước. Thật ra cũng hãy còn dài, còn khó đọc và khó nhớ, nhất là đối với những người Trung Quốc không biết chữ Tây.

Nay nếu gọi con virus Covid-19 là “virus Xi” thì rõ ràng là vô cùng dễ đọc cho cả thế giới, không riêng gì chỉ với những người Trung Quốc không biết chữ Tây ở bên Tàu. Hơn nữa virus Xi còn làm toát lên bản chất hiểm ác của con người Xi Jinping – Tập Cận Bình chỉ biết lo bảo vệ tham vọng quyền lực và nuôi dưỡng giấc mơ làm bá chủ thế giới, coi nhẹ sinh mạng người dân nên dịch mới lan rộng ngăn chận không kịp. Virus Xi lại cũng là loại vi trùng cực độc gây ra thứ bệnh thâm căn cố đế: “Trung Quốc bệnh phu”!

Để nói lên đặc tính của virus Xi, tưởng không có gì rõ ràng hơn là lược lại những nạn nhân của virus Xi xảy ra từ cuối năm 2019 đang làm điêu đứng cả nước Tàu cho đến nay chưa biết chắc bao giờ sẽ khắc phục được.

Chống virus vừa truy lùng “thế lực thù địch”

Ông Xu Zhiyong, cựu Giáo sư Đại học, bị công an bắt hôm thứ Bảy 15/02/2020 tại khu phố Panyu ở Canton, miền Nam nước Tàu. Ông lẫn trốn từ Noel năm rồi vì bị công an lùng bắt do ông tranh đấu chống sự phân biệt đối xử và những lời phê phán thẳng thắn của ông về chính sách độc tài toàn trị của Xi Jinping. Hôm đầu tháng 2 vừa qua, trên mạng, ông kêu gọi Xi Jinping hãy từ chức. Thế là Xi lợi dụng chống dịch virus Corona ra lệnh đàn áp trên cả nước, bắt những ai công kích đảng và nhà nước qua những tuyên bố về dịch virus. Cách đây vài hôm Xi còn ra lệnh kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thông tin xấu trên mạng xuyên tạc chính phủ.

Ngoài trường hợp phản kháng của Giáo sư Xu Zhiyong trong vụ dịch virus còn xuất hiện nhiều trường hợp khác cũng làm cho đảng cộng sản Bắc Kinh khó chịu và phải đàn áp mạnh. Hôm 6 tháng 2, ông Chen Qiushi, Luật sư Nhân quyền vừa là chủ blog ở Bắc Kinh đã không còn trả lời điện thoại nữa. Qua hôm sau, cha mẹ của ông được công an báo tin ông Chen đã được chính phủ cô lập nhằm bảo vệ sức khỏe cho ông vì ông đã thăm viếng “nhiều bệnh viện” sợ ông bị nhiễm virus. Ông đã tới Vũ Hán sớm, trước khi nhà cầm quyền chính thức loan báo có dịch virus Corona và ra lệnh cô lập Vũ Hán, đó là thái độ bị hiểu là coi thường nhà cầm quyền.

Hôm 14/02/2020, Bác sĩ nhãn khoa Li chết, Giáo sư Xu có phổ biến một thông điệp để tưởng niệm người anh hùng quá cố,  người trước đó một tuần đã báo động nạn dịch cho đồng nghiệp ở nhà thương trong lúc nhà cầm quyền Xi chưa cho lệnh thông tin. Đó là lời cuối cùng của ông. Theo Giáo sư Xu “cái thiên tai trên cả nước này chỉ có thể xảy ra do không có dân chủ và không có tự do diễn đạt. Trong lúc quần chúng đang xúc động vì cái chết oan ức của Bs Li và hốt hoảng trước tình trạng đau thương của đất nước, đảng cộng sản lại ẩn mình để dễ nhìn theo dõi và nghe ngóng nhân dân phản ứng tiêu cực đối với chính phủ. Trong lòng họ không có điều gì tốt xấu, phải trái, hay dỡ. Không có một ý thức nào dấy lên. Không có một giới hạn nào. Không có một nhân cách nào cả”.

Cái chết của Bs Li đã làm xúc động nhân dân cả nước và họ đều hướng về ông để tưởng niệm. Một điều như vậy chưa từng xảy ra ở đất nước này. Đồng thời, dân chúng không hết lời chỉ trích nhà cầm quyền, lên án đảng cộng sản đã làm cho tình hình nghiêm trọng hơn bằng cách giấu giếm sự thật.

Giáo sư Xu Zhiyong đã bị công an truy lùng từ cuối tháng 12 năm rồi vì một vụ không liên hệ gì với dịch virus. Theo những người bạn gần gũi với ông thì tất cả những người bạn hoạt động với ông gặp nhau trong bữa ăn tối ở Xiamen, miền đông nam Trung Quốc, đều đã bị bắt vào cuối năm rồi, chỉ có một mình ông thoát khỏi. Nhà cầm quyền buộc tội ông và các bạn của ông đã thảo luận về sự “diễn tiến Dân chủ ở Trung Quốc”, nghĩa là âm muu chống lại nhà nước. Nhà hoạt động Nữ quyền Li Qiaochu, bạn của Giáo sư Xu, cũng mất tích hôm chủ nhật. Ông Patrick Poon, chuyên viên nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế khi được tin Giáo sư Xu và các bạn của ông đều bị bắt giam đã tuyên bố trong một bản tin phát hành hôm 17/02/2020 – “Ông Xu và những người cùng bị giam giữ với ông, họ không làm một điều gì phạm tội hết cả”. Thật ra đó chỉ là bắt nhốt người một cách ngang ngược vì lý do hoàn toàn chính trị của một chế độ độc tài ác ôn mà thôi.

Tôi không sợ cái đảng này

“Tại sao tao phải sợ mày. Đảng cộng sản?” – nhà hoạt động Nhân quyền Chen Quishi uất nghẹn hét lên. Những video của ông cho thấy tình trạng thật của bệnh viện và lò thiêu thành phố vô cùng thảm hại. Nó hoàn toàn không như những thông cáo chính thức của nhà nước đưa ra. Trong một video cuối cùng, ông Chen khóc ngất: “Tôi sợ. Trước mặt tôi là dịch bệnh chết người. Và ở phía sau tôi là đảng và nhà nước Trung Quốc. Nhưng ngày nào tôi còn sống là tôi sẽ nói lên điều gì tôi đã trông thấy và đã nghe được. Tôi không sợ chết đâu! Tại sao tao phải sợ mày, đảng cộng sản? Thứ chính phủ khốn nạn”.

Chủ blog Xu Xiaodong, bạn của Chen, báo tin trên mạng Chen mất tích, đó không phải do nhà cầm quyến cô lập để bảo vệ ông không bị nhiễm bệnh, mà là cách “cô lập cưỡng bách”, nói cách khác, đó là bắt nhốt người vô tội theo kiểu ngang ngược của cộng sản vì lý do chính trị.

Nhiều bệnh nhân đang nằm trong nhà thương Vũ Hán, chụp hình chính mình, đưa lên mạng kèm theo lời nói về chế độ đang cai trị – “Tôi không tin tưởng gì nữa ở cái chính phủ này”. Trong một video kế đó, bệnh nhân này báo động – “Ai đã cắt oxy của mình. Có lẽ để trả thù lời tuyên bố kia chăng?”. Kế đó là một sự thay đổi thái độ lạ lùng. Cũng bệnh nhân đó kêu gọi “mọi người hãy tin tưởng nhà cầm quyền”. Đó là video cuối cùng. Sau đó, không thấy bệnh nhân đó đưa gì lên mạng nữa cả. Hay đã hết bệnh, ra về rồi!

Một người đàn ông chụp hình cảnh thành phố bị cô lập, với lời phê bình – “Dịch virus xảy ra vì chúng nó che giấu dự thật!”. Người ta thấy tài khoản của ông ấy trên Weibo bị xóa và chính ông bị ngất xỉu ngoài đường ngày 9/2/2020. Sau cùng, một giới chức Đại học ký tên một bản kêu gọi cho Tự do biểu đạt thì bị chỉ định cư trú và bị cấm dùng internet. (Theo Jérémy Andréđặc phái viên của Tuần báo Le Point ở Hồng Kông, 18/2/2020).

Đảng cộng sản Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh tăng cường kiểm soát

Hôm 16/02/2020, Tập Cận Bình ra lệnh cơ quan an ninh từ nay phải xiết chặt hơn nữa việc kiểm soát thông tin, nhất là trên mạng, không để “chỉ trích chính phủ, xuyên tạc sự thật, gây hoang mang trong nhân dân làm xáo trộn đời sống xã hội trong lúc đang có bệnh dịch”.

Ông Nicolas Bequelin, Giám đốc Ân xá Quốc tế Á châu, lấy làm tiếc nói – “Bệnh dịch, trước tiên, thấy như nó là một hiểm họa cho sự ổn định xã hội và kinh tế. Những tự do căn bản có thể bị giới hạn khi bị dịch, nhưng những giới hạn này nên chừng mực và chính đáng”. Ông nói tiếp: “Tất cả những người hoạt động mà ông gặp và thảo luận, sau đó, họ đều bị công an mời làm việc. Thế mới biết dịch virus này là một đề tài vô cùng nhạy cảm”.

Tổ chức Nhân quyền nhận xét đảng cộng sản lợi dụng vụ bệnh dịch để xiết chặt thêm việc kiểm soát xã hội, tăng cường đàn áp và thanh lọc dân chúng. Mỗi gia đình gắn liền với một văn phòng của đảng để được xếp theo thành phần “nguy hiểm” hay “nhân dân tốt”. Nhân vụ bệnh dịch, công an theo dõi phản ứng của thân nhân bệnh nhân vì những người này có thái độ khi nhìn thấy cảnh người thân bệnh và điều kiện chữa trị tệ hại ở nhà thương.

Thông thường, một nhà nước độc tài khi xảy ra tình trạng nghiêm trọng, như khủng bố, thiên tai, bệnh dịch thì họ luôn luôn tìm cách khai thác cho có lợi tối đa về phía họ. Dân chúng có sao là chuyện khác. Trong lúc đó, chuyện buồn cười là giới y tế thế giới lại nhiều lần giới thiệu Trung Quốc như là một nhà nước mẫu mực. Không ai thắc mắc hỏi quyền của bệnh nhân ở đâu? Tại sao Tập Cận Bình không cho chương trình hợp tác ngoại quốc hay Hoa Kỳ tới? Và cũng không ai hỏi về số phận của hằng triệu người, nhất là công nhân từ các nơi khác tới làm việc, nay thành phố bị cô lập.

Lịch sử nước Tàu là lịch sử các đế chế thay phiên nhau độc tài cai trị. Tàu không có văn hóa chính trị dân chủ nên trong ngôn ngữ tàu không có chữ Tự do. Từ Nhà Châu, tức từ khi Trung hoa có nhà cầm quyền cho tới năm 1949, Trung Hoa vẫn là nước quân chủ chuyên chế. Năm 1949, cách mạng vô sản kết thúc đế chế, Mao Trạch Đông lên nắm quyền, lập chế độ nhân dân nhưng Mao là hoàng đế đỏ. Nước Tàu vẫn chia thành hai tầng lớp: lớp trên là lớp cai trị và lớp dưới gồm thứ dân là lớp bị trị. Lớp bị trị biết vâng lời ngoan ngoãn thì sống yên ổn. Có thái độ bất mãn, chống đối chế độ thì bị trừng phạt không nương tay.

Nay Tập Cận Bình tiếp nối vẫn giữ văn hóa chính trị độc tài đó nhưng ác ôn hơn do lo sợ bị dân đứng lên cướp lại chính quyền. Sự lo sợ chiếm não trạng của Tập và của cả bộ máy cầm quyền. Nó trở thành cái bệnh, có thể gọi là “Trung Quốc bệnh phu”, căn bệnh chính trị chuyên chế xuyên suốt từ thời Nhà Châu. Người mang bệnh như đảng cộng sản Tàu hiện nay luôn luôn coi nhân dân là kẻ thù, luôn luôn theo dõi kiểm soát. Vì vậy Tập cho thiết lập hệ thống AI nhận diện dân chúng để kịp thời phản ứng và can thiệp. Giáo sư Xu bị bắt ở tận miền nam là trường hợp điển hình.

“Trung Quốc bệnh phu” là muốn dựa theo lời người phương tây nói Nhà Thanh “Đông Á bệnh phu” nhưng không nhằm phê phán con người hay văn hóa Trung Hoa mà là nói hệ thống tập quyền nhà Thanh

thối nát. Người Trung Quốc từ đó, cả thế kỷ trôi qua, vẫn chưa cải thiện được để có một chế độ thật sự do dân và vì dân như các nước Tây Phương nên cơ chế công quyền yếu kém bất lực khi phải quản lý một khủng hoảng xảy ra. Dịch Corona cho thấy rõ thực tế đó.

Tập Cận Bình có xiết chặc bộ máy kiểm soát dân chúng và thông tin trên mạng thì chỉ làm cho dân chúng bất mãn thêm, càng oán hận chế độ hơn nữa mà không giúp nhà cầm quyền sớm khắc phục bệnh dịch.

Hậu quả của virus Corona sẽ vô cùng thảm hại không riêng cho nước Tàu mà còn cả thế giới. Về mặt kinh tế xã hội dễ thấy rõ. Còn về vận mệnh cầm quyền của Tập?

Lòng dân, cả những người phụ nữ bình thường, cũng đều muốn Tập đi chỗ khác chơi.

21.02.2020

 

 

“Tôi không phải virus Corona”

Paris từ cuối năm rồi đến nay vẫn còn sôi nổi chuyện biểu tình, đình công. Lại thêm, mấy hôm nay, trên đường phố Paris, ở khu phố chợ Tàu – Paris 13, nhiều cô cậu trẻ người Á châu mang khẩu trang hoặc tay cầm tấm bảng cạt-tông với hàng chữ hiền lành “Tôi không phải virus Corona ” để phản ứng lại, mà cũng vừa để trấn an một ít người Pháp đang bày tỏ một cách gay gắt nỗi lo sợ bị lây nhiễm “dịch Tập Cận Bình” bằng những lời xô đuổi “Mầy hãy về xứ của mầy đi. Thứ đồ con xẩm ở dơ” hoặc “Mày hãy về xứ mầy. Mang luôn bệnh dịch theo mầy đi”!

Báo chí, truyền thông mạng đều nói tới kỳ thị chủng tộc. Cả Tường An, ký giả đài SBTN và RFA ở Hoa Kỳ cũng làm một phóng sự cộng đồng đặt vấn đề: “Dịch coronavirus tại Pháp – Lo sợ lây nhiễm hay kỳ thị chủng tộc?”

Một tờ báo nhỏ địa phương, Le Courrier Picard, đăng trên trang nhất hình một phụ nữ Á châu đeo khẩu trang có 2 hàng chữ “Corona Trung quốc” và “Báo động vàng”. Chữ “vàng” chắc tác giả bức ảnh muốn ngụ ý nhắc tới cuốn sách “Hiểm họa (dân) da vàng” của Jacques Novicow (Le péril jaune)?

Dĩ nhiên ai cũng hiểu “Hiểm họa da vàng” ám chỉ đế quốc Tàu là tai vạ của người Âu châu về mặt kinh tế lẫn quân sự. Về kinh tế, người Pháp, và cả công nhân các nước khác ở Pháp đều sợ Tàu, công nhân Tàu chỉ cần lương 5 xu/ngày là đủ (công nhân da trắng phải 5 frs)! Về quân sự, người ta không sợ hàng không mẫu hạm, hỏa tiển nguyên tử, mà sợ Tàu sẵn sàng xua 30 triệu quân xung chiến, có chết hết cũng được vì còn lại gần 400 triệu (vào lúc đó). Một buổi sáng đẹp trời nào đó, Tàu xô quân tràn qua chiếm trọn Âu châu, giết sạch dân, tiêu hủy nền văn minh Tây phương. Điều này như một giấc mơ mà Tàu không buông bỏ. Cuốn sách này viết đã lâu, vào cuối thế kỷ XIX, nhưng trong tình hình hiện nay, nó bỗng đánh thức nhiều người Pháp về hiểm họa Tàu như là thực tế trước mắt! Nhưng sau đó, tờ Le Courrier Picard đã xin lỗi độc giả.

Cũng về hiểm họa da vàng, năm 1991, có một cuốn tiểu thuyết chính trị giả tưởng cùng tít “Hiểm họa da vàng” (Le Péril jaune), xuất bản ở Toronto, Mirror Books Canada, tác giả là người Tàu, tên Wang Lixiong. Chỉ ít lâu, sách đã trở thành best-seller nhưng bị cấm phổ biến trong lục địa. Tác giả tưởng tượng một cuộc nội chiến xảy ra ở Hoa lục đưa đến đảng cộng sản Trung quốc tiêu vong nhưng sau đó, biến thành thế chiến hạt nhân – Thế chiến thứ 3. Tác giả có cái nhìn là nước Tàu đang bên bờ vực thẳm!

Vậy hiện người Pháp bài ngoại, xua đuổi người Á châu hiện nay khi gặp nhau trên đường phố, thật sự là do nỗi sợ lây nhiễm bệnh dịch Corona mà người Tàu đang là mầm lây bệnh hay vì tinh thần kỳ thị chủng tộc? Và bị ảnh hưởng từ những chuyện “Hiểm họa da vàng”?

Vũ Hán, đâu là sự thật?

Hôm thứ ba 11/02/2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, tại Trụ sở ở Genève, loan báo tên chính thức của virus Corona từ nay là Covid-19 (Co=Corona, Vi=virus, D=desease=bệnh, 19=năm 2019). Cho dễ đọc. Bỏ tên cũ chỉ dùng tạm thời.

Cùng lúc, có 400 nhà khoa học gặp nhau tại trụ sở Y tế Thế giới trong 2 ngày để trao đổi tìm cách chống bệnh dịch Covid-19 đã làm chết hơn 1113 người và 44653 người bệnh, với hơn 400 trường hợp bị nhiễm trên nhiếu nước. Nên “Nếu chúng ta đầu tư vào ngay bây giờ thì chúng ta có cơ may ngăn chận được con bệnh”, ông Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới nói trong cuộc họp báo. Ông cũng luu ý dịch Covid-19 là một hiểm họa rất nghiêm trọng vì nó có thể lây lan tới 60% dân chúng thế giới.

Một trường hợp lây nhiễm ngoài nước Tàu làm thế giới lo ngại. Một người Anh bị nhiễm Corona ở Singapore, sau đó, người này lây qua nhiều người Anh khác nhân lúc ghé qua Pháp, trước khi ông được chẩn đoán ở Anh. Như vậy người này không biết mình đã vô tình gây bệnh 11 người, 5 vào bệnh viện ở Pháp, 5 người khác nhập viện ở Anh và 1 người ở đảo Majorque.

Theo chuyên gia Y tế Thế giới thì hiện tại có lối 82% trường hợp bệnh nhẹ, 15% nặng và 3% nguy hiểm tính mạng (AFP).

Trong lúc đó, cũng nói về sự thiệt hại do virus Corona gây ra ở nước Tàu, ông Quách Văn Quí, nhà tỷ phú Mỹ gốc Hoa, trên TV, ông dẫn nguồn tin bằng tiếng Tàu, nói rằng số tử vong ở Tàu lục địa là hơn 30000 người và số bệnh nhân hơn 1,3 triệu. Một sự sai biệt quá lớn so với con số được Bắc Kinh công bố chính thức!

Vẫn theo ông Quách Văn Quí, Trung quốc thừa nhận virus Corona này không phải từ động vật hoang dả và không liên quan gì đến chợ hải sản, mà được con người phát triển và nhân vật trọng yếu trong vụ virus Corona chính là ông Quách Đức Ngân, Viện trưởng Học viện Y học thuộc Đại học Trung Sơn Trung quốc. Trang mạng Tây Lục của Quân đội Trung quốc thừa nhận chủng mới virus Corona là sản phẩm công nghệ nhân tạo, nhưng họ nói rằng, đây là do Mỹ phát triển.

Ông Quách Văn Quí thuật một nguồn tin Trung quốc đã dự tính số người tử vong trong trận đại dịch này có thể lên tới từ 10 đến 100 triệu (?).

Nghe ông Quách Văn Quý nói, cựu chiến lược gia trưởng của Tòa Bạch ốc, ông Steve Bannon, hy vọng và cầu nguyện con số của Quách Văn Quý là không chính xác, bởi điều đó sẽ trở thành thảm kịch cho nhân loại. Ông Bannon còn nhấn mạnh người dân Mỹ là người bạn tốt nhất của người dân Trung quốc. Ông mong muốn Mỹ tiếp tục giúp đỡ người dân Trung quốc cho đến khi bệnh dịch không còn nữa (Thiên Thảo’s Blog biên dịch bản tin tường thuật đăng ngày 05/02/2020 của Phóng viên ET Trần Tuấn Thôn).

Cũng về nguyên nhân phát ra dịch Corona ở Vũ Hán, giới làm khoa học ở Pháp, cho rằng Tàu đang chuẩn bị chiến tranh vi trùng chống Mỹ nhưng chẳng may virus xổng ra khỏi viện nghiên cứu, điều mà chính phủ Bắc Kinh muốn giấu kín nên mới có chuyện thông tin trễ và gây thiệt hại như vậy.

Viện nghiên cứu (Labo) ở Vũ Hán nơi xảy ra tai vạ là do Pháp dưới thời Tổng thống Hollande (phe XHCN) thành lập, cựu Thủ tướng Cazeneuve (XHCN) qua cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình khánh thành, đã bán lại.

Bác sĩ Li chết vì virus Xi trở thành thánh tử đạo cho sự thậtĐảng cộng sản Trung quốc tự cho mình có quyền tuyệt đối làm chủ sự thật. Nhưng cái chết của bác sĩ nhãn khoa Li Wenliang đêm 6 qua ngày 7 tháng 2/2020 đã cực lực phủ nhận cái quyền toàn trị ấy. Ông là một trong 8 người thấy thuốc bị bắt hôm 1/1 vì đã dám loan báo – trước khi đảng cộng sản loan tin – có bệnh dịch đang lây lan cho đồng nghiệp trong bệnh viện đề phòng.

Cái chết oan ức của bác sĩ Li Wenliang đã biến ngay ông trở thành thánh tử đạo vì sự thật, dấy lên một làn sóng thương tiếc ông, vừa câm hận đảng cộng sản. Hiện tượng quần chúng này chưa từng xảy ra trước đây. Nhà cầm quyền Bắc Kinh không đủ sức dập tắt. Công an bất lực ngăn chận hơn 1, 5 tỷ lượt thông tin trên mạng Weibo.

Như một điềm báo trước vế cái chết? Năm 2012, bác sĩ Li Wenliang đưa lên mạng Weibo một bài viết và được hằng trăm ngàn ý kiến trao đổi: “Các bạn thân, từ hôm nay, có thể các bạn sẽ không liên lạc tôi được vì tôi sắp đi cứu thiên hạ. Nếu ngày mai, mặt trời còn soi sáng thì có nghĩa là tôi thành công. Các bạn đừng cảm ơn tôi vì tôi chỉ làm bổn phận của tôi mà thôi”. Sáng sớm ngày 7 tháng 2, mặt trời chưa kịp mọc, nhưng bác sĩ Li Wenliang vẫn là ánh sáng làm bạo quyền Xi phải kinh sợ.

Sợ lây nhiễm virus hay kỳ thị chủng tộc?

Những lời nói, cách ứng xử của ít người Pháp đối với người Á châu trên xe lửa, métro, bus hay trên đường phố thật sự khó tránh bị hiểu ngay là thái độ kỳ thị từ khi xảy ra dịch Corona ở Vũ Hán và lan rộng ra nhiều nước mà Pháp là một nạn nhân. Trên báo Pháp, trên mạng xuất hiện những câu “Rentre chez toi” (Mày hãy về xứ của mày đi) hay “Garde ton virus” (Mày hãy giữ lấy con virus cho mày – đừng đem tới đây). Những lời này thể hiện rõ sự kỳ thị ở người phát biểu. Nhưng kỳ thị mà có nhằm kỳ thị chủng tộc không?

Kỳ thị, theo Liên Hiệp Quốc giải nghĩa, là “Những hành vi phân biệt đối xử có nhiều hình thức, nhưng tất cả chúng đều có liên quan đến một số hình thức loại trừ và từ chối”. Vì vậy chủ đề của phân biệt đối xử trong xã hội rất đa dạng, như giới tính, tuổi tác, trình độ, địa vị, giàu nghèo… Thực tế, trong xã hội có tới hàng trăm yếu tố hay khía cạnh tạo ra sự kỳ thị. Để chống phân biệt đối xử, người ta mới lồng ghép các quy định về chống phân biệt đối xử trong từng bộ luật chuyên ngành. Thí dụ như Luật người cao tuổi sẽ quy định cấm phân biệt đối xử về tuổi tác, Luật giáo dục sẽ quy định cấm phân biệt đối xử về học vấn… Còn kỳ thị chủng tộc không dựa trên yếu tố xã hội mà chỉ căn cứ trên huyết thống. Người không cùng huyết thống thì dứt khoát không chấp nhận, dù có địa vị cao sang.

Kỳ thị chủng tộc của Hitler dựa trên dòng huyết thống tinh ròng. Ông quan niệm chủng tộc về căn bản là không bình đẳng vì đời sống là một cuộc tranh đấu trong đó kẻ mạnh tự nhiên phải khuất phục kẻ yếu. Ý thức hệ của ông là người Đức thừa hưởng di sản từ một chủng tộc chúa tể nên sứ mạng của họ là thống trị những chủng tộc khác thấp kém để không làm tổn thương đến huyết thống tinh ròng của họ. Người Á châu, Phi châu và người Slaves đều đáng khinh bỉ vì họ là những thứ “dưới-người” (sous-homme).

Trong kỳ thị chủng tộc, người ta không chấp nhận đối tượng không cùng huyết thống mặc dầu giàu sang hơn, quyền uy lớn hơn. Nữ hoàng Anh đã từ chối nhà triệu phú Mohamed Al-Fayed nhập tịch Anh quốc, cả con trai của ông là tình nhân của Công chúa Diana, tuy ông là chủ của hàng Harrods lớn sang trọng tại Luân Đôn, vừa là chủ Club Fulham của Anh.

Ngày xưa, Luật sư Gandhi học ở Anh về đã không được ngồi cùng toa xe lửa dành riêng cho người da trắng ngay trên quê hương của ông vì Ấn Độ bị Anh đô hộ. Ngay trong xã hội Ấn Độ cũng kỳ thị.

Ngày xưa, ở Việt Nam dưới thời thuộc địa, một bà Việt Nam nhà quê tới một cửa hàng của Tây ở Sài gòn tìm mua món đồ mà phải ở đó mới có. Bà đi tìm, nhìn hết chỗ này tới chỗ kia. Bà đầm bán hàng, tức làm công, đi tới gần bà khách Việt Nam, nói lớn “Đi ra đi. Tao không phải tới đây để phục vụ con nhà quê như mày!”.

Thái độ ứng xử của người phụ nữ Pháp ở Việt Nam cách nay cả trăm năm nay nhắc cho chúng ta thấy nó gần gũi hay không khác gì những câu nói của người Pháp tại Paris trong vừa rồi nói với người Á châu nhân vụ virus Corona. Sự phân biệt đối xử đầy ý coi thường, khi dể.

Nhưng ngày nay, tại sao khi nói tới người Tàu, người Pháp vẫn không quên – gần như phản xạ tự nhiên – nói “người Tàu ở dơ” trong lúc người Tàu tới đây làm lao công từ thế kỷ XIX kia mà?

Thật ra người Tàu không lắm quan tâm về vệ sinh. Có ăn no bụng trước đã. Có bệnh do ở dơ cũng không chết ngay như đói. Từ đó, người Tàu đi tới đâu là lo kiếm bạc cắc trước đã.

Tới những năm 90, ngoại ô của nhiều thành phố lớn bên Tàu không phải nhà nào cũng có nước, có phòng tắm và người Tàu nào cũng tắm hết cả.

Cả Mao Trạch Đông chắc gì một năm tắm được 3 lần? Còn đánh răng, thì suốt đời ông chưa bao giờ đánh răng. Chỉ hớp nước trà nguội súc miệng rồi phun ra.

Vả lại, lịch Tàu chỉ ghi ngày tắm gội là 30 tháng chạp. Năm nào nhuần, năm đó người Tàu chờ qua năm sau tắm!

Tại sao không nghe ai có thái độ như vậy đối với người Nhật? Người Nhật mua nhiều cửa hàng ở Quận 8 Paris và kiều dân lối 30000. Chưa thấy có vấn đề với dân bản xứ.

Người Pháp, cả người Âu châu, họ đều khó phân biệt người Tàu với người Việt Nam hay người Nhật. Cứ thấy mặt là đặc tên chinois. Khi giận lại “sale chinois” (ba tàu ở dơ). Hay“chinetoque”! Nhiều người Việt vốn thích đánh lộn vì xứ cứ liên miên chiến tranh, khi nghe Tây kêu mình là “chinois” hay “chinetoque”, tuy Tây lớn con hơn, là nhào vô đánh liền. Tây chạy và la làng “thằng Nhật Bản đánh tôi”!

Chính sách của Tây là hòa nhập nhưng người Tàu vẫn sống theo bang hội của họ. Họ lấn đất dần. Ngày nay, ở Paris, café, bán thuốc lá, loto, cá ngựa, gần như đều do người Tàu mua lại khi chủ cũ bán. Mà nơi này là “nhà thứ hai” của dân ở chung cư vì ngày nghỉ hay sau ngày làm việc, họ tấp vào đây, uống tách café, uống vài ly rượu, chai bia, đấu láo về thời sự như trận banh, độ ngựa… Hẹn bạn cũng nơi đây nên người chủ café là người bạn của họ. Nay người Tàu làm chủ, họ ngỡ ngàng. Họ thấy khó chịu vì người Tàu chỉ biết kiếm tiền, không giữ được cái thân thiện của café nữa.

Người Tàu tới Pháp theo diện di dân lập nghiệp, tức đem vốn tới tạo công ăn việc làm cho người bản xứ. Nhưng mọi thứ đều được đem từ bên Tàu qua. Khi làm ăn, thì từ ngoài vào trong đều người Tàu. Lâu ngày khó tránh khỏi bị Tây ghét trong lúc chính dân Tây bị thất nghiệp đầy rẫy.

Tàu Bắc Kinh theo văn hóa du mục nên chỉ biết chiếm đoạt. Nho và rượu nho là sản phẩm quốc hồn quốc túy của Pháp. Nông dân Pháp không có người nối nghiệp nên phải bán đất và vườn nho. Tàu tới mua giá cao hơn đến 5/7 lần. Với cam kết chỉ thu lợi nhuận, giữ nguyên nhân sự và cơ sở cũ. Hiện họ mua hết 154 cơ sở, phần lớn ở Bordeaux. Và nay, họ bắt đầu thay thế nhân sự và cả bảng hiệu bằng tiếng Tàu. Điều này đang làm cho nông dân Tây vô cùng bất mãn. Không chỉ mất công ăn việc làm mà họ còn mất cái gì khác nữa. Tây có chửi người Tàu như ta thấy là vì ghét cái cách ăn ở của họ thiếu văn hóa ứng xử đẹp, chỉ biết lượm bạc cắc là trên hết!

14.02.2020

 

Nguồn gốc nCoV và số phận của Tập Cận Bình  –   Lý Thiên Tiếu 12/02/2020

Sự bùng phát của virus corona chủng mới (2019-nCoV) ở Trung Quốc là rất nghiêm trọng, nhưng vấn đề đáng quan tâm là nguồn gốc nCov bắt nguồn từ đâu? Do tự nhiên hay là nhân tạo? Làm rõ điều này có liên quan đến tương lai của Trung Quốc và số phận của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình. Sau đây là bài bình luận của Tiến sĩ Chính trị học Đại học Columbia (Mỹ), ông Lý Thiên Tiếu.

Lý Thiên Tiếu (Li Tianxiao) – Tiến sĩ Chính trị học Đại học Columbia (Mỹ) bình luận về nguồn gốc nCoVLý Thiên Tiếu (Li Tianxiao) – Tiến sĩ Chính trị học Đại học Columbia (Mỹ) bình luận về nguồn gốc nCoV

Vũ Hán Trung Quốc chỉ là khu vực bùng phát dịch bệnh, còn thị trường thủy sản Hoa Nam ở Vũ Hán cũng không phải là nguồn duy nhất gây dịch bệnh. Ngày càng có nhiều bằng chứng nghiên cứu chỉ ra nguồn gốc của dịch bệnh này là virus do con người tạo ra và đã làm chúng rò rỉ ra ngoài. Vì điều này liên quan đến phạm tội nghiêm trọng nên việc xác định nguồn gốc của dịch bệnh đã trở thành mối quan tâm của đông đảo những người có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Chúng ta hãy xem xét hai bằng chứng quan trọng và suy luận hợp logic:

Vào ngày 21/1, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công bố nghiên cứu trên phiên bản tiếng Anh của tờ “Khoa học Trung Quốc: Khoa học sinh mệnh” (Scientia Sinica – Science China), chứng minh rằng sự khác biệt lớn nhất giữa virus corona chủng mới (nCoV) và virus SARS là sự thay thế của 4 protein chủ chốt, nếu việc thay thế này là quá trình tự nhiên thì ít nhất phải có từ 10.000 biến dị trở lên mới có thể đạt được, xác suất để có thể xảy ra gần như bằng không. Nói cách khác, virus mới này là hệ quả từ sự can thiệp của con người.Năm 2015, Thạch Chính Lệ (Shizheng Li) thuộc Phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus học Vũ Hán (P4 Vũ Hán) đã cùng nhóm nghiên cứu công bố bài báo trên tạp chí Y học Tự nhiên (Nature Medicine) cho biết, đã dùng công nghệ tái tổ hợp gen virus để tạo thành virus corona chủng mới dựa trên sự kết hợp giữa virus SARS và virus trên cơ thể dơi, loại virus này có thể lây lan giữa người. Điều này cho thấy tồn tại khả năng Thạch Chính Lệ và nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm tạo ra virus gây bệnh dịch.

Xem thêm: 3 điểm nghi vấn mới về nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán

Hai luận chứng này chứng minh nCoV không phải là kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên, mà là nhân tạo. Biến thể của virus trong môi trường tự nhiên, chẳng hạn như đột biến từ virus corona trên dơi trở thành nCoV đang lây nhiễm hiện nay thì cần nhiều thời gian và cần có vật chủ trung gian (ký sinh trên động vật), trong khi điều này có thể thực hiện được nhanh chóng trong phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán là một trong số ít các phòng thí nghiệm có khả năng này. Sự thật là như đã biết, người bị nhiễm bệnh đầu tiên được biết đến ở Trung Quốc chưa từng đến chợ hải sản Hoa Nam – Trung Quốc. Trong số 41 trường hợp bệnh đầu tiên thì có 14 trường hợp không bị cảm nhiễm từ thị trường hải sản. Điều này chứng tỏ rằng thị trường hải sản không phải là nguồn duy nhất, và khả năng cao virus nhân tạo là nguồn gốc của dịch bệnh này.

Xem thêm: Người đứng sau Phòng thí nghiệm P4 là thuộc hạ của Giang Miên Hằng?

Từ góc nhìn khác cho thấy khả năng cao nguyên nhân gây dịch bệnh là do rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán: góc độ của công nghệ tiên tiến (tại P4 Vũ Hán) và phạm vi địa lý của khu vực dịch bệnh virus lây lan sớm nhất. Đáng sợ hơn nữa là phòng thí nghiệm P4 có khả năng đã làm rò rỉ virus thuộc dạng vũ khí sinh hóa. Tiến sĩ Francis Boyle thuộc Đại học Harvard (Mỹ) là người đã viết “Luật vũ khí sinh học”, đã xác định rõ ràng rằng nCoV là vũ khí chiến tranh sinh học, chúng bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán. Do đó, chỉ cần lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình có thể tìm thấy loại virus corona chủng mới này trong phòng thí nghiệm P4, về cơ bản có thể kết luận rằng phòng thí nghiệm P4 là nơi tạo ra và làm rò rỉ virus này.

Câu hỏi quan trọng tiếp theo là: Nếu đó là vụ rò rỉ từ Phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán thì ông Tập Cận Bình sẽ làm gì?

Câu hỏi quan trọng tiếp theo là: Nếu đó là vụ rò rỉ từ Phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán thì câu chuyện xảy ra như thế nào? Có khả năng này không? Tôi tạm kết luận là: khả năng cao là nhóm người của thế lực Giang Trạch Dân đã gây rò rỉ virus nhân tạo, là nguồn gốc của đại dịch này.

Việc xây dựng, vận hành và quản lý Phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán nằm dưới sự kiểm soát của thế lực phái Giang Trạch Dân. P4 Vũ Hán được Giang Trạch Dân trực tiếp cho xây dựng vào năm 2003. Vào tháng 2/2003, khi Giang Trạch Dân còn là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã ra lệnh cho ông Phó viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (được Giang đề nghị bổ nhiệm) là Trần Trúc (Chen Zhu) thành lập Phòng thí nghiệm P4 thuộc Viện Virus học Vũ Hán. Trần Trúc đã thông qua quan hệ trong thời gian học tập tại Pháp để có được sự hợp tác của Pháp, và P4 Vũ Hán bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2015. Như vậy ngay từ đầu, quá trình xây dựng và quản lý dự án P4 đã nằm trong kiểm soát của phe Giang. Hiện nay đã có người vạch trần các vấn đề thiết kế kỹ thuật của P4 trong quá trình xây dựng và tình trạng rối loạn trong hoạt động quản lý sau khi hoàn thành (các động vật dùng cho thí nghiệm được nhận nuôi, giết mổ, mua bán, và thậm chí ăn…). Vấn đề quan trọng là: chính điều này có thể là căn nguyên gây rò rỉ virus.

Dưới chế độ tà ác của ĐCSTQ thì hoàn toàn có khả năng việc làm rò rỉ virus là do con người. Dưới thể chế tàn ác này, chỉ có những điều bạn không thể tưởng tượng được chứ không có điều gì mà chúng không dám làm. Hơn nữa, Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng là những kẻ tàn ác tiêu biểu nhất trong ĐCSTQ, chúng có thể thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công trên quy mô lớn, đẩy hàng trăm học viên Pháp Luân Công vào lò luyện thép sôi sùng sục, chúng còn sử dụng bom hạt nhân loại nhỏ để gây vụ nổ Thiên Tân nhằm ám sát Tập Cận Bình, chúng cũng tạo ra vụ thảm sát Thiên An Môn gây chấn động thế kỷ 20, còn có những điều tồi tệ nào chúng không dám làm, có những thủ đoạn nào mà chúng không dám lên kế hoạch?

Từ góc độ cuộc chiến một mất một còn giữa Tập Cận Bình với phe Giang Trạch Dân, hoàn toàn có khả năng là phe Giang đã tạo ra đại dịch hạch này để giá họa cho Tập Cận Bình và khiến Tập Cận Bình rơi vào đường cùng. Trong thời gian cầm quyền, Tập Cận Bình đã loại bỏ một số lượng lớn thành viên quan trọng phe phái Giang Trạch Dân, vì vậy phe Giang nuôi mộng lật ngược thế cờ là không thể tránh khỏi. Trong những năm qua, phái Giang đã liên tục thực hiện nhiều thủ đoạn để đào hố bẫy Tập Cận Bình.  Đại dịch virus lần này không ngoài khả năng do phái Giang gây ra để lật ngược thế cờ.

Thời điểm xảy ra đại dịch này cũng rất kỳ lạ, ngay khi phe Giang mới thất bại trong sử dụng chiến tranh thương mại và sự kiện Hồng Kông để lật đổ Tập Cận Bình. Hiện nay Tập Cận Bình vẫn còn một số ảo tưởng về ĐCSTQ, chính là thời điểm mà phe Giang tranh thủ ra tay nhân lúc Tập đang còn nhiều do dự không dám quyết.

Tóm lại, rất đáng ngờ nCoV là virus nhân tạo, trong đó khả năng cao là chính phe Giang gây rò rỉ virus, tạo ra dịch bệnh. Mục đích ở đây, như Trump đã chỉ ra rằng ông và Tập Cận Bình đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác trong công tác phòng chống virus, một quan chức y tế cấp cao của Mỹ là thành viên của Văn phòng Chống Vũ khí thảm sát quy mô lớn sẽ hỗ trợ ông Tập Cận Bình giải quyết dịch bệnh này. Bản thân Tập Cận Bình cũng đã bắt đầu hành động, đã tổ chức ban điều tra của Ủy ban Giám sát nhà nước và Ban chuyên gia quân sự Phòng chống vũ khí sinh hóa để đến Vũ Hán tiếp quản và chủ trì công việc của phòng thí nghiệm P4. Hãy xem liệu Tập Cận Bình có thể điều tra đến cùng vụ rò rỉ virus nhân tạo kinh khủng này hay không, có dám bắt giữ thủ phạm Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cùng việc cho giải tán ĐCSTQ hay không. Tất cả lựa chọn ở đây đều nằm trong tay Tập Cận Bình.

https://trithucvn.net/blog/ly-thien-tieu-nguon-goc-ncov-va-so-phan-cua-tap-can-binh.html

 

 

Vui cười

Ngày tận thế, thiên đàng và địa ngục tranh chấp lãnh thổ trên mặt đất. Bên bàn đàm phán, Satan – đại diện địa ngục- đề nghị sẽ có một trận đá bóng để giải quyết vấn đề này. Trợ lýcủa Satan nói nhỏ: – Như thế sẽ rất bất lợi cho chúng ta, bởi tất cả các cầu thủ giỏi đã lên thiên đàng.

– Đừng lo, ngươi không nhớ là tất cả các trọng tài đều đã xuống địa ngục sao?

 

Có một bà đỡ khá lành nghề nhưng hay mất bình tĩnh. Người ta gọi bà đến đỡ một ca đẻ con so, tới với hòm dụng cụ trong tay, bà nói với người chồng:

– Mời anh ra ngoài, cần gì tôi sẽ gọi.

Sản phụ đã bắt đầu la hét. Khoảng 10 phút sau, bà thò đầu ra cửa và nói: – Anh có kìm không?

– Hả?! Anh chồng tròn mắt hỏi.

– Vâng, kìm, nhanh lên! Không hả hở gì hết, tôi biết việc tôi phải làm.

Có kìm rồi, khoảng 5 phút sau, bà lại xuất hiện ở cửa:

– Anh có cái cờ lê to không?

– Cờ lê à? Lạy chúa, điều gì đã xảy ra với vợ tôi?

– À… không sao, nhưng tôi cần một cái cờ lê.

Người chồng bâng khuâng ngắm cái cờ lê rồi miễn cưỡng đưa nó cho bà ta. Cửa khép lại, tiếng kim loại va chạm nhau xủng xoảng, két… két. Anh chồng ở ngoài nghiến chặt răng, mặt tái dại, chân tay run bần bật. Được một lát, thở hổn hển, mặt nhễ nhại mồ hôi, bà thò đầu ra cửa quát:

– Hãy nghe đây, tìm ngay một cái búa tạ, nếu chậm thì không kịp mất!

Đến nước này, anh chồng không chịu nổi nữa, xô cửa xông vào, trước mắt anh là nền nhà ngổn ngang kìm, búa… và hòm dụng cụ chưa mở được.

 

Viêm phổi Vũ Hán vượt ngoài tầm kiểm soát, ĐCSTQ cần “hạ đài” để tạ lỗi thiên hạ?

21/02/2020

Sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán đang uy hiếp tới sinh mạng hàng triệu người Trung Quốc. Tuy vậy, Trung ương đảng lại chỉ đạo kéo dài, làm lỡ thời cơ tốt nhất để phòng ngừa kiểm soát dịch bệnh. Gần đây có không ít học giả lên tiếng yêu cầu Tập Cận Bình và ĐCSTQ hạ đài để tạ lỗi với thiên hạ.

Từ khi dịch viêm phổi COVID-19 bùng phát đến nay, dư luận cả trong và ngoài nước đều theo dõi 2 vấn đề: (1) Nguồn gốc virus là từ đâu? (2) Trung ương ĐCSTQ chỉ đạo kéo dài, làm lỡ thời cơ tốt nhất để phòng ngừa kiểm soát dịch bệnh, từ đó dẫn đến dịch bệnh mất kiểm soát toàn diện. Ngoài truy trách nhiệm cho người liên quan ở Hồ Bắc, ông Tập Cận Bình sao lại không bị truy trách nhiệm?

Gần đây Tập Cận Bình đã thừa nhận rằng, họ sớm đã biết sự nguy hiểm của căn bệnh truyền nhiễm này. Nhưng để duy trì sự ổn định trong hệ thống thống trị của mình, họ đã trì hoãn trong vài tuần mà không đưa ra bất kỳ lời cảnh báo nào. Thậm chí còn tung tin giả rằng, bệnh sẽ không lây từ người sang người, thật dễ dàng để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh… Có thể nói rằng họ đã cố ý tạo ra một trận dịch với quy mô lớn, gây ra thảm họa cho hàng ngàn người.

Nhiều người bây giờ bắt đầu nhận ra bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và niềm tin của họ đối với đảng đã giảm xuống mức rất thấp. Trong đợt dịch bệnh bùng phát này, hành động của ĐCSTQ đã cho thấy sự coi thường tính mạng của người dân thường, mà chỉ quan tâm đến bộ máy cai trị của họ.

Trong quá khứ, khi so sánh thực tế với những nhận xét hay ngôn luận riêng của ĐCSTQ, sẽ thấy rõ bản chất của ĐCSTQ là “sống chết mặc bay”, không quan tâm đến sự sống chết của người dân thường. Tuy nhiên, nhiều người đã bị ĐCSTQ tẩy não nghiêm trọng và tỏ ra hờ hững. Họ nghĩ rằng đó chỉ là “hù doạ” người nước ngoài, thậm chí vỗ tay khen hay. Lần này, hành động của ĐCSTQ đe dọa đến cuộc sống của từng cá nhân, nhiều người mới bắt đầu thức tỉnh và nhận ra bản chất vô nhân tính của ĐCSTQ.

ĐCSTQ luôn tự hào rằng chế độ độc tài chuyên chế ổn định thế nào, có hiệu quả, anh minh vĩ đại ra sao. Nhưng lần này nhiều người đã phải bỏ mạng, và số người chết vẫn tiếp tục gia tăng.

Mặc dù thực tế là dịch bệnh vẫn đang tồn tại và tình hình đang chuyển biến phức tạp, thì ĐCSTQ lại hạ lệnh bắt các nhà máy xí nghiệp bắt đầu làm việc trở lại, tiếp tục để các đám đông lớn tập trung khiến khả năng lây nhiễm càng gia tăng. Tại thời điểm này, có thể thấy rằng họ vẫn không coi mạng sống của dân chúng là ưu tiên hàng đầu, vẫn chỉ nghĩ đến việc duy trì sự ổn định và chỉ xem xét liệu chính quyền có nằm trong tay họ hay không.

ĐCSTQ không coi mạng sống của dân chúng là ưu tiên hàng đầu, vẫn chỉ nghĩ đến việc duy trì sự ổn định. (Ảnh: Head Topics)

Từ các bằng chứng thu được từ các nhà khoa học ở nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm bằng chứng được cung cấp bởi nhiều chuyên gia Trung Quốc, tất cả đều cho thấy ĐCSTQ biết rõ tính chất của virus này hơn bất kỳ ai. Vậy đáng ra phải công khai tin tức, để dễ dàng hơn trong việc ngăn chặn bệnh dịch lan rộng và điều trị cho bệnh nhân, đây mới là cách chính xác để kiểm soát dịch bệnh không ngừng lây lan bùng phát.

Nhưng ĐCSTQ có tật giật mình, không chỉ không dám công khai thông tin, còn ngăn cản cộng đồng quốc tế điều tra, mà chỉ cho phép có chọn lọc nhân viên của Tổ chức Y tế Thế giới – những người mà ĐCSTQ nghĩ rằng có thể dễ dàng “bịt miệng”, vào Trung Quốc để điều tra. ĐCSTQ tiếp tục che đậy tình hình dịch bệnh, tiếp tục để dịch bệnh lan rộng, động thái che đậy tội ác là rất rõ ràng.

Tuy nhiên, lần này khác với quá khứ. Các biện pháp ổn định dựa vào bạo lực kèm hù dọa chắc chắn sẽ không hiệu quả. Bởi lần này mạng sống của tất cả mọi người bị đe dọa, và mọi người đã mất niềm tin vào chế độ ĐCSTQ.

Về cơ bản, không ai bị lừa ngoại trừ những kẻ ngốc. Nhiều người cũng không sợ chết, bày tỏ sự tức giận trên các phương tiện truyền thông. Dân đã không sợ chết, dùng cái chết để uy hiếp cũng vô ích. Sự căm giận ngùn ngụt của dân chúng ngày càng chồng chất theo thời gian, có thể không chỉ là bạo lực bằng lời nói, mà còn là các hình thức bạo lực khác.

Do đó, các biện pháp ổn định của ĐCSTQ lần này ngược lại đã tạo ra sự bất ổn. Có thể nói rằng giống như “đổ thêm dầu vào lửa”, e là thiên hạ sẽ đại loạn.

Đã có nhiều bệnh dịch trong lịch sử gây ra sự sụp đổ của chế độ, trong đó quan trọng nhất là sự xử lý không đúng đắn của chính quyền. Lần này, cách xử lý của Tập Cận Bình đã bộc lộ sự không thỏa đáng. Từ đầu đến nay, Tập đã che giấu thông tin, điều này không chỉ làm tăng khó khăn trong việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh và điều trị mà còn châm ngòi cho sự phẫn nộ của người dân.

Có cách nào để giải quyết không? Ít nhất, cần công bố thông tin chính xác và hợp tác với cộng đồng quốc tế để đẩy nhanh tốc độ phòng ngừa, kiểm soát và điều trị, cố gắng đạt được hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh càng sớm càng tốt. Hợp tác với cộng đồng quốc tế ít nhất có thể làm tăng lòng tin của mọi người.

Chỉ trừng phạt một số quan chức cấp thấp là không đủ. Ít nhất là các cơ quan có thẩm quyền cao nhất phải chịu trách nhiệm và từ chức để tạ lỗi với dân chúng. Nếu vẫn không đủ, chế độ độc tài độc đảng của ĐCSTQ phải “hạ đài” trong hòa bình, “thay trời đổi đất” để xoa dịu sự phẫn nộ của người dân. Nếu không, những thảm họa thậm chí còn lớn hơn sẽ giáng xuống đầu tất cả các thành viên của ĐCSTQ.

Tác giả: Ngụy Kinh Sinh – Theo Secretchina

 

Vui cười

Noi theo gương tốt

Cô giáo lớp 1 dạy học sinh:

– Chúng ta cần phải phát động phong trào làm việc tốt. Từ mai trở đi, khi đến lớp mỗi em phải kể cho cô nghe một việc tốt nhé!

– Thưa cô vâng ạ!

Ngày hôm sau:

– Em nào có việc tốt kể cho cô nghe.

– Dạ thưa cô – một em đứng lên – Hôm nay em dẫn một bà già qua đường ạ!

– Tốt, tất cả lớp phát huy học tập theo bạn nhé!

Ngày hôm sau:

– Nào, thế hôm nay những ai đã làm việc tốt?

– Dạ thưa cô, hôm nay chúng em học tập bạn hôm qua và đều đã làm việc tốt ạ! – cả lớp đứng lên đồng thanh nói.

– Vậy là rất tốt. Các em đã làm những việc gìnào?

– Chúng em cùng dẫn một bà già qua đường ạ.

– Tốt lắm! Nhưng tại sao có một bà già mà cả lớp cùng dẫn qua đường hả?

– Dạ thưa cô, vì bà ấy… không thích qua đường ạ.

 

Nỗi lo “nặng ký”

Một thanh niên tìm đến địa chỉ rao vặt “Cơ hội nghìn năm có một”, được diện kiến một nhân vật đầy ưu tư. Người ấy giải thích:

– Công việc của anh sẽ là gánh vác mọi lo toan của tôi.

– Việc này không dễ! Ông sẽ trả tôi baonhiêu?

– 20.000 USD để làm mọi nỗi lo của tôi thành nỗilo của chính anh.

– Tôi sẽ bắt đầu lo cho ông việc gì?

– Kiếm 40.000 USD!

 

  Trong lúc xưng tội, cô gái nghiêng sát vào tấm lưới và nói:
– Xin cha hãy tha cho con tội tự đắc, vì hằng ngày con đều soi gương và tự nhủ rằng mình thật quá xinh đẹp.

Vị Linh Mục nghiêng mình về phía tấm lưới để quan sát kỹ cô gái, rồi nói:

– Cha cho con biết một tin vui: Đây không phải là hành vi phạm tội, mà chỉ là một sự nhầm lẫn.

 

 

Covid-19 xét về luật hình sự quốc  tế  – Lê Đình Thông

Truyền thông quốc tế vừa đưa tin Viện Vi khuẩn học Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology – Laboratoire P4) vừa được Bắc Kinh quân sự hóa với việc bổ nhiệm nữ thiếu tướng Chen Wei chỉ huy. Sự việc này được suy đoán là COVID 19 phát xuất từ P4 của quân đội, hiện lan tràn đến nhiều quốc gia trên thế giới. Theo nguồn tin từ Bắc Kinh, thiếu tướng Chen Wei, chuyên gia phòng thủ vũ khí sinh hóa của hồng quân, được coi là nữ thần chiến tranh (goddess of war).

Trong tạp chí ‘‘Nature Medecine’’, Xing-Yi Ge và Zhengli-Li Shi (làm việc tại Wuhan Institute of Virology) đã xác nhận việc chế tạo vi khuẩn nhân tạo, ngày nay được biết là COVID-19. GS Simon Wain-Hobson của Viện Pasteur Paris đã cảnh báo nếu vi khuẩn nhân tạo này thoát ra sẽ lây lan với quy mô rộng lớn. ‘‘China Science Daily’’ cũng vừa phổ biến cuộc phỏng vấn ‘‘nữ thần chiến tranh’’, theo đó tuy dịch bệnh có giảm bớt, nhưng sau đó lại tái phát ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Vào năm 1981, dự ngôn của Dean Koontz, trong tác phẩm ‘‘The Eyes of Darkness’’, ngày nay đã trở thành sự thật : ‘‘Một nhà khoa học tên Li Chen làm việc tại trung tâm vũ khí sinh học ở ngoại ô Vũ Hán trốn sang Mỹ, mang theo đĩa mềm về vũ khí sinh học cực kỳ nguy hiểm của Tầu cộng, được đặt tên là Wuhan-400.’’

Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton nói về P4 nguyên văn như sau : ‘‘Wuhan has China’only biosafety level 4 super laboratory that works with the worlds most deadly pathogens that include the coronavirus’’ (Squawk Box – CNBC, Feb 11. 2020). Theo tuyên bố này, COVID 19 là mầm bệnh gây tử vong tệ hại nhất với quy mô toàn cầu. Trong khuôn khổ hội nghị Munich về an ninh, ngày 17/02/2020, TGĐ Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo rằng việc lây lan COVID 19 là không thể tiên liệu được.

I – Quy mô toàn cầu của Covid – 19

Sau đây là bảng liệt kê số quốc gia bị nhiễm dịch bệnh, tính đến ngày 18/02/2020:

– 73 300 nhiễm bệnh

– 1 875 tử vong

Ngày 18/02/2020, BS Lưu Trí Minh (Liu Zhiming), giám đốc một bệnh viện ở Vũ Hán qua đời. Ngày 31/12/2019 : Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận có nhiều người bị viêm phổi (pneumonie) ở Vũ Hán. Ngày 07/01/2020, Bắc Kinh mới loan báo chậm trễ dịch coronavirus.

Số TT

Tên quốc gia Số người Số tử vong

1

2

3

4

5

 

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

 

16

 

17

18

 

19

20

21

22

23

24

25

26

27

 

28

29Á Châu

Hoa Lục(1)

Nam Hàn

Nhật Bản

Tầu Diamond Princess

Đài Loan

Kampuchia

Mã Lai

Phi Luật Tân

Singapour

Thái Lan

Việt Nam (thứ 10 trên thế giới)

Ấn Độ

Népal

Sri Lanka

Châu Đại Dương

Úc

Mỹ Châu

Canada

Hoa Kỳ

Âu Châu

Pháp (400 trường hợp khả nghi)

Đức

Bỉ

Tây Ban Nha

Phần Lan

Ý

Thụy Điển

Anh

Nga

Trung Đông & Phi Châu

Vương quốc Ả rập Thống nhất

Ai Cập

1770

 

 

 

1

 

1

 

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

(1)          không kể Hồng Kông, Ma Cao

II – Covid-19 xét về luật hình sự quốc  tế :

Trên đây, ta đã nhắc lại một số tài liệu cho thấy COVID 19 là nhân tạo do Phòng thí nghiệm P4 của quân đội do thiếu tướng Chen Wei chỉ huy sản xuất, bị rỏ rỉ, lan tràn đến 29 nước trên thế giới, gây nhiều tử vong.

Trong luật quốc tế, tội phạm này là hành vi gây thương vong. Tội phạm chống nhân loại (crime contre l’humanité) vốn là tội danh được ấn định trong quy chế Tòa án quân sự Nuremberg vào năm 1945 và Hiến chương Luân Đôn trong cùng năm 1945. Mặt khác, điều 7 quy chế Rome còn quy định việc giết hại vì mục đích quân sự (persécution pour des motifs d’ordre militaire), như trường hợp dịch COVID 19, là tội ác chống nhân loại.

Các tội phạm này do đảng cộng sản và Nhà nước Trung cộng gây ra, đứng đầu là Tập Cận Bình.

Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court), trụ sở ở La Haye (Hòa Lan) có thẩm quyền xét xử y can.

Tuy Trung cộng và Ấn độ không ký vào Quy chế Rome năm 1998, nhưng theo định nghĩa, Tòa án Hình sự Quốc tế có thẩm quyền xử các cá nhân phạm tội, hoặc ở một nước thành viên, hoặc tội phạm có quy mô quốc tế xảy ra tại một hoặc nhiều nước thành viên, hoặc nếu phạm nhân do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chuyển giao. Từ khi thành lập đến nay, Tòa án Hình sự Quốc tế đã thụ lý 11 trường hợp.

Vì số nạn nhân hoặc nhiều trường hợp tử vong vì COVID 19 được ghi nhận tại nhiều nước thành viên nên Tập Cận Bình có thể sẽ bị Tòa án Hình sự Quốc tế thụ lý.

Tòa án Hình sự Quốc tế gồm 18 thẩm phán, chia ra ra làm ba pháp viện (chambres), một công tố viện phụ trách điều tra và truy tố và một lục sự.

Trong trường hợp Tập Cận Bình bị truy tố, Interpol sẽ ra lệnh bắt giam y và giải giao cho Tòa án Hình sự Quốc tế.

Kết luận:

Bản tin từ Vũ Hán cho biết ‘‘nơi đây có quá nhiều oan hồn dã quỷ, đêm đến đâu đâu cũng đều nghe thấy tiếng khóc than của họ.’’ Các oan hồn chết vì COVID 19 ở Trung cộng và các nơi khác có quyền đòi công lý : Tập Cận Bình phải bị phế chuất khỏi chức vụ tự phong và bị truy tố như một tên tội phạm hình sự.

(18/02/2020)

 

 

Ðịa lý chính trị của dịch Tầu Ô

Tin tức sáng 11/02/2020 cho biết chỉ riêng nước Tầu đã có 42.638 người bị nhiễm dịch bệnh, 1.016 người thiệt mạng, vượt quá  ngưỡng 1 ngàn người. Trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận ở Vũ Hán vào tháng 12/2019. Chỉ trong 24 giờ qua, có thêm 108 người. Cũng trong cùng ngày, trong khi Tập Cận Bình tuyên bố ở Thành Đô, nơi cộng sản Tầu mở hội nghị cho Việt cộng bán nước vào năm 1990 : ‘‘Gương cao ngọn cờ của đảng đối phó với dịch bệnh’’. Trong cùng ngày, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng : ‘‘Với 99% trường hợp được ghi nhận ở nước Tầu sẽ đe dọa đến toàn thế giới.’’

Trong khi đó, một ca khúc trên đài phát thanh số 10 của Hòa Lan đã quy trách nạn dịch là vì người Tầu ở bẩn ; đồng thời hô hào bà con đừng bén bảng đến tiệm ăn Tầu. Cũng ngày 11/02/2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã đặt tên cho dịch 2010-Corona-nCoV là Covid-19.

Sở dĩ các nhà khoa học đặt tên cho nạn dịch này là ‘‘coronavirus’’ vì khi quan sát qua kính hiển vi, virus  có dạng cầu u (coronne/protubérance). Vì vậy mới lấy tên latinh là corona.

Tấm hình biếm họa cờ máu Tầu cộng nhiễm virus trên đây là của nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten. Tờ báo thay ngôi sao vàng lớn và bốn ngôi sau nhỏ kề bên bằng 5 con virus Covid-19.

15 năm trước  đây, cũng họa sĩ Niels Bo Bojessen của tờ báo này đăng biếm họa giáo chủ Mahomet. Nữ thủ tướng Mette Frederiksen tuyên bố Đan Mạch tôn trọng quyền tự do báo chí, trong đó gồm cả quyền tự do minh họa, nên việc việc đăng tải này là chính đáng.

Bài viết của chúng tôi mệnh danh dịch Corona là Dịch Tầu Ô : Ô là quạ đen. Dịch Tầu Ô làm ta nhớ đến giặc Cờ Đen xuất phát từ Quảng Tây vào năm 1857, tràn qua nước ta cướp bóc dân lành. Trên lá cờ Tầu Ô in trên có hình họ Tập, là hiện thân của quạ đen, đang reo rắc đại họa cho toàn nhân loại.

Có thể đề cập dịch Tầu ô trong khuôn khổ địa lý chính trị. Theo GS Yves Lacoste, địa lý chính trị trước hết là nói đến phát động chiến tranh.

Tạp chí Geopolitics and Empire công bố ý kiến của tiến sĩ Francis Boyle : virus corona là vũ khí chiến tranh sinh học, do phòng thí nghiệm ở Vũ Hán sản xuất, đã bị rò rỉ. Ngày 30/01, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Cotton lên tiếng bác bỏ thông tin của Tầu Cộng cho rằng virus phát xuất từ chợ thịt sống ở Vũ Hán.

Virus Tầu Ô không chỉ gieo rắc nạn dịch trên khắp thế giới, mà còn có khả năng triệt hạ đảng cộng sản Tầu. Trước dây, hơn 100 triệu người bị Tầu cộng giết hại qua các đợt ‘‘Tam phản’’, ‘‘Ngũ phản’’, ‘‘Đại nhảy vọt’’, ‘‘Cách mạng văn hóa’’, ‘‘Thiên An Môn’’ nhưng Tầu cộng vẫn tiếp tục áp đặt ách thống trị trên toàn lục địa. Ngày nay, hơn một ngàn người Tầu bị chết vì dịch Tầu Ô do Tập Cận Bình bưng bít thông tin. Sự việc này đủ khiến cho ngai vàng của Tập Cận Bình lung lay, vị trí của đảng cộng sản sụy đổ. Cũng cần ghi nhận : tính tới tháng 12/2018, hơn 320 triệu người Tầu đã xé bỏ thẻ đảng.

Sự sụp đổ của chế độ cộng sản được tổng thống Donald Trump cảnh báo vào tháng 9/2018 : ‘‘Hầu như ở khắp nơi mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản áp đặt đều đem lại sự đau khổ, tham nhũng và đổ nát. Sự thèm khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội sẽ dẫn tới bành trướng, xâm lược và áp bức.Tất cả quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa cộng sản. Chế độ này chỉ gieo rắc đau khổ và chết chóc mà thôi.’’

Tháng 10/2019, Đại học Johns Hopkins dự đoán sau 6 tháng kể từ ngày được phát hiện, tất cả các quốc gia trên thế giới đều lây nhiễm dịch bệnh. Trong vòng 18 tháng, sẽ có 65 triệu người chết trên toàn thế giới.
Nếu lời dự đoán này là đúng, hiện nay đã sang tháng thứ 3. Nếu không kịp thời chận đứng dịch bệnh, phải chăng đại họa có thể sẽ xảy ra ?

Sau đây là bản đồ dịch Tầu ô do Đại học Johns Hopkins công bố : Hoa lục bị nhuộm đỏ bẳng dịch họa, virus có khả năng lan tràn đi khắp thế giới.

Mặt khác, sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã cáo giác trước dư luận sự bưng bít thông tin của Tập Cận Bình, virus chính trị bắt đầu làm vật ngã chế độ cộng sản, dân chúng lên tiếng đòi tự do ngôn luận. Năm 1989, bức tường Bá Linh sụp đổ sau khi người dân có tiếng nói, sự việc này đã kéo theo sự sụp đổ của Liên Xô và toàn bộ các nước cộng sản Đông Âu. Cùng một kịch bản đang xảy ra, sau khi bức tường bưng bít thông tin tại Vũ Hán trước sau sẽ sụp đổ. Phải chăng đây là tiền đề cho việc đế quốc Tầu Cộng tiêu vong ?

(11/02/2020)

https://thunhan.org/p142a2395/dia-ly-chinh-tri-cua-dich-tau-o

 

 

Vui cười

Bạn tù hỏi nhau:

– Tại sao anh phải vào đây?

– Tôi bỏ vợ…

– Thế thôi sao? Chuyện nhỏ mà!

– … từ trên lầu ba xuống.

 

Pat vừa tỉnh khỏi thuốc mê. Anh ta rên rỉ:

– Lạy Chúa, thế là xong rồi!

– Đừng tưởng bở – Người bệnh nằm cạnh nói – Họ đã để quên cả gạc trong bụng tôi và tôi đã bị mổ toang ra một lần nữa đấy!

Một người bệnh ở giường phía trước uất hận:– Còn với bụng tôi thì một lần quên kéo, một lần quên chai cồn!

Đúng lúc đó, bác sĩ phẫu thuật – người vừa mổ cho Pat – gọi vọng xuống phòng: – Có ai nhìn thấy chiếc mũ của tôi đâu không?

Pat: | / _

 

 

Hậu quả địa chính trị của dịch nCoV –  Ridvan Bari Urcosta  – Geopolitical Futures

Điều gì sẽ xảy ra nếu các kịch bản tồi tệ nhất về nCoV trở thành hiện thực và dịch bệnh này phát triển nhanh hơn so với các biện pháp phòng ngừa mà cộng đồng quốc tế và Trung Quốc đang triển khai? Dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra ở Trung Quốc có thể sẽ đạt đỉnh vào tháng này. Trong bối cảnh đó, hãy cùng nhau xem xét các hậu quả địa chính trị và kinh tế của dịch bệnh này.

Hậu quả địa chính trị của dịch nCoV

Dịch nCoV bùng phát vào thời điểm đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, nợ công tăng lên, nhu cầu nội địa suy giảm và cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn tiếp diễn. Tỷ lệ tăng trưởng GDP 6,1% trong năm 2019 gần chạm mức thấp nhất trong ngưỡng mục tiêu mà Bắc Kinh đặt ra và giảm mạnh so với con số 6,6% của năm 2018. Hôm 15/1, Trung Quốc và Mỹ đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, bước đầu cho việc kết thúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng thì chỉ vài ngày sau đó, dịch nCoV đã bắt đầu trở nên nghiêm trọng.

Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, là trung tâm của ngành công nghiệp Trung Quốc. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc phải chứng kiến sự suy giảm, thành phố này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 7,8% trong năm 2019. Triển vọng của Vũ Hán trong năm 2020 cũng rất tươi sáng. Theo chính quyền tỉnh Hồ Bắc, có tới hơn 300 trong tổng số 500 tập đoàn hàng đầu thế giới đã có mặt ở Vũ Hán. Số lượng công ty công nghệ cao mới thành lập đã đạt mức kỷ lục là 900.

Bắc Kinh đã chứng tỏ họ có thể huy động hàng triệu người cho mục tiêu kiềm chế nCoV, đồng thời cách ly hàng triệu người khác khỏi gia đình và bạn bè của họ. Với dân số 58 triệu người, tỉnh Hồ Bắc đã bị cô lập với cả nước. Hãy so sánh Vũ Hán với bang California hoặc chính xác hơn là với thung lũng Silicon của Mỹ, và hình dung những thiệt hại mà virus nguy hiểm này gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung nếu không được kiểm soát một cách hiệu quả trong vài tuần tới.

Trong kịch bản ít bi đát hơn, khi Bắc Kinh có thể sớm ngăn chặn nCoV, thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ không quá lớn. Chẳng hạn, khi dịch SARS xảy ra vào năm 2003, tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm xuống mức đáy 4,3% nhưng sau đó đã nhanh chóng tăng trở lại và đạt mức tăng trưởng 9,7% vào quý III. Tương tự, vận tải hành khách trong các tháng 5 và 6/2003 giảm ở mức tương ứng là 42% và 22% trước khi tăng trở lại vào tháng 9 năm đó.

Tuy nhiên, dịch viêm đường hô hấp cấp lần này có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng tới nền kinh tế Trung Quốc và từ đó tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Theo chuyên gia chiến lược toàn cầu Andrew Milligan của công ty Aberdeen Standard Investments, ngay cả khi Chính quyền Trung Quốc có thể dập tắt được dịch bệnh này thì họ vẫn sẽ vấp phải một cú sốc kinh tế ngắn hạn. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá triển vọng của thị trường toàn cầu.

Mặc dù vậy, quan điểm chung của nhiều chuyên gia tài chính là các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chịu tác động tiêu cực của các ảnh hưởng chính trị và kinh tế từ nCoV. Cơ quan tình báo kinh tế (EIU) ước tính sự bùng phát dịch bệnh do nCoV gây ra có thể làm giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong năm 2020. Các nạn nhân đầu tiên của nCoV là các hãng hàng không và công ty lữ hành; do vậy, ngành du lịch và vận tải sẽ bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, một số lĩnh vực khác như dược phẩm, thương mại điện tử và ô tô có thể sẽ hưởng lợi. EIU dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 là 5,9% và nếu dịch viêm đường hô hấp cấp đạt tới mức nguy hiểm như SARS, thì tăng trưởng GDP của nước này có thể sẽ giảm xuống còn 4,9%.

Cần phải lưu ý rằng GDP của Trung Quốc chỉ là 1.600 tỷ USD vào năm 2003, thấp hơn nhiều so với con số 14.300 tỷ USD năm 2019. Năm 2003, Trung Quốc mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Giờ đây, nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trung Quốc giữ vai trò không thể thiếu trên thị trường toàn cầu.

Cùng với những động cơ nhân đạo thuần túy, Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn các hậu quả nguy hiểm nhất của dịch bệnh này để tránh những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế như những gì đã thấy vào năm 2003. Các con số thống kê cho thấy hậu quả nghiêm trọng có thể có của dịch bệnh này. Năm 2019, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lợi nhuận của các hãng bán lẻ và nhà hàng đã vượt ngưỡng 148 tỷ USD, trong khi doanh thu của ngành du lịch cũng đạt trên 76 tỷ USD.

Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh lần này sẽ lớn hơn rất nhiều so với những thiệt hại về mặt doanh thu. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã bắt đầu nghĩ tới uy tín quốc tế ở khía cạnh quyền lực mềm, nhất là

trong lĩnh vực giáo dục và thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để thay đổi hình ảnh của nước này và mời nhiều nhất có thể các du học sinh nước ngoài và chuyên gia giỏi đến nước này. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, riêng tỉnh Hồ Bắc đã có tới 21.371 du học sinh nước ngoài.

Giờ đây mọi thành công của Trung Quốc trong việc thu hút nhân tài từ những quốc gia khác trong thập kỷ qua có thể sẽ bị nCoV hủy hoại. Các nước châu Âu và Mỹ Latinh đã bắt đầu quá trình sơ tán công dân của mình ở Vũ Hán. Nếu nCoV bùng phát trên quy mô lớn sang các tỉnh khác, thì chúng ta sẽ chứng kiến nhiều chuyến bay từ Trung Quốc tới các nước phương Tây với quy mô chưa từng thấy.

Dịch nCoV đang lây lan trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang suy giảm. Để đối phó với một thách thức lớn như vậy, Trung Quốc cần phải huy động nguồn lực của cả nước và 1,4 tỷ dân của nước này. Mặc dù vậy, các nguồn lực đó cần phải tập trung vào việc chống lại dịch bệnh nCoV, nền kinh tế Trung Quốc có thể bước vào trạng thái “ngủ đông” và thậm chí phải tạm thời rút khỏi chính trường thế giới. Các hậu quả địa chính trị và kinh tế có thể rất lớn trong tương lai gần nếu Bắc Kinh quyết định rằng tạm thời ẩn dật là biện pháp tốt nhất.

Trái ngược với Trung Quốc, Mỹ là nước hưởng lợi lớn nhất từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm và vẫn chưa rõ tác động của cuộc khủng hoảng này sẽ lớn đến mức nào. Cán cân quyền lực có thể tạm thời biến đổi theo hướng có lợi cho Mỹ. Hiện nay, nhiều nhóm quốc gia có chủ quyền đang cố gắng đấu tranh cho các chính sách ngoại giao độc lập và các chính sách này thường mâu thuẫn với quan điểm của Mỹ. Đáng chú ý, Iran, Trung Quốc, Nga và giờ đây là Thổ Nhĩ Kỳ đều chắc chắn rằng khi họ đứng về một trục, thì tất cả họ sẽ có thể đối chọi lại nước Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung. Tuy nhiên, nếu một quốc gia bị loại, đặc biệt là từ trục ba bên Trung Quốc-Nga-Iran, thì cán cân quyền lực toàn cầu sẽ biến đổi theo hướng có lợi cho phương Tây.

Đã xuất hiện những ý kiến cho rằng nCoV do con người tạo ra nhằm gây tổn hại cho Trung Quốc, và các thuyết âm mưu sẽ tiếp tục gia tăng. Chẳng hạn, chính trị gia người Nga Vladimir Zhirinovsky đã tuyên bố rằng virus nguy hiểm này chắc chắn do người Mỹ tạo ra để chống lại Trung Quốc. Các thuyết âm mưu tương tự như vậy không có gì là mới. Một đại tá Không quân Trung Quốc cáo buộc Chính phủ Mỹ đã phát tán virus cúm gia cầm H7N9 vào Trung Quốc để tiến hành chiến tranh sinh học. Một phiên bản khác của thuyết âm mưu này đang được lan truyền trên mạng xã hội – nCoV do một “chương trình vũ khí sinh học bí mật” của Trung Quốc hay Viện virus học Vũ Hán tạo ra.

Những thuyết âm mưu như vậy nghe có vẻ lố bịch nhưng nếu nCoV gây hại chủ yếu cho Trung Quốc, thì Bắc Kinh có lẽ sẽ không chấp nhận rằng đó là một sự kiện ngẫu nhiên. Nếu Nga đã phải chịu đựng cảm giác bất an trong nhiều thập kỷ, thì chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một cường quốc mới với cảm giác tương tự. Nếu Trung Quốc vượt qua thách thức lần này, thì họ sẽ phát triển mạnh hơn và vững chắc hơn trước đây.

Trong khi đó, phần còn lại của thế giới đang đối phó với làn sóng bài Trung Quốc cũng như các nước Đông Á khác bởi nhiều người trên thế giới không phân biệt được các quốc gia châu Á. Các phương tiện truyền thông đưa rất nhiều thông tin về phản ứng quyết liệt (của người dân các nước khác) đối với người Trung Quốc và người nước ngoài gốc Trung Quốc (người Canada, Pháp, Mỹ…).

Đặc biệt, các công dân Pháp gốc châu Á đang phàn nàn về những hành vi ngược đãi trên các phương tiện giao thông công cộng. Rõ ràng là giờ đây, nếu nCoV không được ngăn chặn, thì chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng bài Trung Quốc mạnh mẽ hơn và điều này sẽ thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa và oán giận ở Trung Quốc.

Sẽ không có ai vô sự khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị chững lại.. Thậm chí, ngay cả khi nCoV được ngăn chặn thành công ở phần còn lại của thế giới thì nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị “hắt hơi” và “sổ mũi” cùng với Trung Quốc./.

Ridvan Bari Urcosta

Giới thiệu: Minh Anh

* Ridvan Bari Urcosta, chuyên gia phân tích của tổ chức tư vấn chiến lược Geopolitical Futures. Bài viết được đăng trên Japan Times.

23 tháng 2, 2020

http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/7389-hau-qua-dia-chinh-tri-cua-dich-ncov

Vui cười

Một ông luật sư vừa mở cửa chiếc xe BMW bước xuống đường thì bổng đâu có một xe khác phóng nhanh qua và quạt mất cái cửa xe của chiếc BMW . Khi cảnh sát đến hiện trường thì thấy ông ta đang nhảy nhỏm có vẻ tức giận lắm, thấy vị cảnh sát ông ta gằn giọng phàn nàn:

– Ông xem, chúng làm thiệt hại nặng nề cho cái xe BMW mới của tôi đến thế này này.

Vị cảnh sát quan sát hiện trường rồi nói: – Bọn luật sư các ông chỉ coi vật chất là trên hết! Ông chỉ quan tâm đến cái xe BMW mắc dịch này mà chẳng biết rằng cái cánh tay trái của ông cũng đã bị quật rụng mất tiêu rồi!

Ông luật sư kinh hoảng khi nhìn thấy cánh tay mình đã cụt mất, và kêu toáng lên: – Tôi phải tìm nó ngay. Tôi đeo cái đồng hồ Rolex ở cổ tay đó , mau mau tìm giùm tôi đi, mau lên mau lên!!!

 

Chồng bàn với vợ:

– Anh đặt lên bàn ba thứ để xem con mình sẽ lấythứ gì. Nếu nó lấy tờ 100 USD, tương lai nó sẽ là nhà tài chính.Nếu lấy cây viết, nó sẽ là nhà văn, còn nếu cầm quyển kinh thì nó sẽ làm linh mục.

Lát sau, cậu con vào phòng vớ cả ba thứ rồi chạy ra ngoài. Trong khi vợ còn đần mặt trước tình huống bất ngờ, chồng lẩm bẩm:– Phương án thứ tư…

Vợ sốt ruột hỏi:– Là sao hở anh?

– Là ăn cướp chứ còn sao nữa!

Qua với Bậu Hôm qua, qua hứa qua qua ….  –  Nguyễn thị Cỏ May

Nhơn ngày Tết, ông Nguyễn văn Tương (*) tới thăm và mừng tuổi Cụ Trần văn Hương tại tư thất của Cụ. Bắt tay khách, Cụ Trần văn Hương vui vẻ nói :

-Em còn trẻ quá, chắc em không có học với qua. Mà nay, qua không còn làm việc chánh quyền nữa, được em tới thăm  như vầy, thật cảm động. Qua mời em ở lại ăn cơm với qua. An cơm cá kho, canh chua, …(*)

Chữ « qua » còn được thông dụng với Cụ Trần văn Hương, người gốc Nam kỳ ở lớp tuổi 60, năm 1965 tại Sài gòn.

Cụ Trần văn Hương xưng « qua » nhưng lại gọi ông Nguyễn văn Tương bằng « em » chớ không phải « bậu » như trong ngôn ngữ giao tiếp rất phô thông ở Nam kỳ trước kia.

Hai chữ «qua» và «bậu» được người có địa vị cao và có học trong xã hội dùng trong sanh hoạt hằng ngày chớ không riêng gì chỉ giới bình dân. Nhưng có lẽ tới thời Cụ Trần văn Hương, người ta không dùng « bậu » nữa mà dùng tiếng «em» để chỉ người đối thoại nhỏ tuổi hơn.

Chữ “bậu” có nghĩa là “bạn, là em” cả khi nói với người con trai, và cũng có nghĩa “em” trong nghĩa “vợ”, trong quan hệ vợ chồng.

Như trong Truyện Lục Vân Tiên, Lý Thông nói với Thạch Sanh khi gặp nhau lần đầu tiên, thấy Thạch Sanh trẻ tuổi hơn mình :

Chẳng hay chú bậu (chú em) ở đâu,

Áo quần chẳng có dãi dầu khá thương ? 

Thường thì người ta vẫn hiểu lầm là tiếng bậu chỉ dùng để chỉ người con gái, người phụ nữ. Như trong bài hát dân gian châm biếm, trêu chọc người con gái lớn tuổi mà còn ế chồng :

Ống tre khô người ta còn chuộng

Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang

Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy

Bậu lỡ thời như giấy trôi sông

Giấy trôi sông người ta còn vớt

Bậu lỡ thời như ớt chín cây 

 ……

Bậu lỡ thời như muốn người ta

Muốn người ta người ta không muốn

Xách cây dù đi xuống đi lên.

Ghi chú thêm – Theo  Gíao sư Âm nhạc học Trần văn Khê, bài hát trên đây là bài “rap”, một thể loại hát dân gian ở Việt nam xưa, như một cách nói chuyện nhanh, lời tiếp nối nhau nên không có chấm câu, ngụ ý chọc ghẹo một đối tượng nào đó trong xóm, trong làng. Rất dễ hát nên trẻ con nghe qua là có thể hát theo. Nhờ đó, dễ phổ biến rộng rải và chỉ trong thời gian ngắn, đối tượng có thể nghe được. Ngày nay, “rap”, thanh niên phi châu thường hát, nhứt là hát để khiêu khích cảnh sát.

Cũng tiếng  «bậu » còn lưu hành ngày nay nhưng chỉ trong thi ca (Luân Hoán và Phan NiTấn, Phải lòng người con gái Bến Tre  ) :

«Bậu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre 

Về Cái Mơn, Lương Hòa hay là, Về Sơn Đốc, Ba Tri ? 

 Guốc bậu rụng tiếng lá (ơ hơ), thoang thoảng mùi làm duyên 

Thoáng mùi thương quá đỗi; mùi tình Lục Vân Tiên ». 

« Qua» và «Bậu»

Theo Giáo sư Hán nôm Nguyễn văn Sâm (Đại Học Văn Khoa Sài gòn), chữ qua  là tiếng biến âm từ tiếng quá (hóa) giọng Triều Châu của chữ ngã 我 (tôi). Dùng tiếng «tôi, anh» bình thường, người ta thấy không sang, không thân mật, và quan trọng nhứt là hơi mất tự nhiên nên người ta dùng tiếng qua.  Chuyện nầy cũng tương tợ như người Việt Nam thời còn nặng mùi Tây hay dùng toi, moi (tutoyer) khi nói với bạn hay với cả người mình yêu khi mới bắt đầu tấn công ái tình. Ngày nay, ở Mỹ, tuổi trẻ Việt Nam  có một chút học vấn khi bắt đầu tán tỉnh cũng thích dùng hai từ me, you hơn là anh em, em anh vì quá quen thuộc.

Chữ qua với nghĩa tôi, anh thân mật cũng thấy trong văn chương thế kỷ 19, như Lý Thông nói chuyện với Thạch Sanh (Truyện Thạch Sanh Lý Thông). :.

« Lý Thông thấy nói, sầu bi :

Qua xin kết nghĩa vậy thì đệ huynh »

…Qua thời vốn có một mình, 

Mẹ thời già cả kết chưng bạn mày».

Điều đáng để ý, qua lời của Lý Thông nói với Thạch Sanh, người ta hiểu tiếng qua của Lý Thông dùng có nghĩa là anh, là ta, là kẻ lớn hơn, vai vế là bực đàn anh của Thạch Sanh và tiếp theo, đã không ngại gọi Thạch Sanh bằng mày.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn văn Sâm, chữ bậu có nghĩa là em, dùng trong cách nói thân mật. Người Nùng có tiếng bậu nghĩa là em.. Người Thái có tiếng phậu cũng có nghĩa tương tợ (Tự điển Nguồn Gốc Tiếng Việt của BS Nguyễn Hy Vọng).

Người Nam kỳ nói bậu bạn, trong cách nói thân mật. Nên khi nói nó «làm bạn với…» có nghĩa là cưới vợ lấy chồng. Văn thơ Nam Kỳ dùng chữ bậu chỉ người mình thương khi nói trực diện.

Bậu nói với qua bậu không bẻ mận hái đào,

Mận đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay ?

Nguồn gốc qua và bậu

Theo Giáo sư Nguyễn văn Sâm, như trên đây, hai tiếng qua và bậu có nguồn gốc từ tiếng Triều châu và Nùng, Thái, Miên. Có người lại quả quyết một cách chắc nịch hai tiếng qua và bậu hoàn toàn là sản phẩm trong ngôn ngữ đặc sệt của dân Nam kỳ Lục tỉnh và cà cách sử dụng hai tiếng đó trong nói chuyện hằng ngày.

Nhưng có người khác (Trang « Ngày Ngày viết văn », internet) lại dẩn chứng Từ điển Lê Ngọc Trụ để tìm về nguồn gốc của chữ qua và bậu và cho rằng cách lý giải của Học giả Lê Ngọc Trụ là dễ hiểu, logic, có cơ sở hơn hết. Theo đó, xin trích :

Qua là cách phát âm của người Triều Châu của chữ “ngã” mà âm đọc phổ thông là ““. Người Triều Châu đọc chữ này là “wá“. Người ta giải thích thêm là khi xưa, ở miền Nam, nhất là khu vực Bạc Liêu, người Triều Châu di dân đến sanh sống rất đông. Cái tên Bạc Liêu cũng được cho là từ gốc Triều Châu mà ra.

– Tuy Từ điển Lê Ngọc Trụ không giải thích chữ “bậu” nhưng nếu “qua” là gốc Triều Châu thì cũng có thể suy ra “bậu” cũng từ gốc ấy mà ra. Người Triều Châu gọi vợ hay em bằng “pau”, “bấu” hoặc “bô” tùy theo từng vùng.

Nếu đúng “qua” và “bậu” đều là gốc Triều Châu, thì người ta có thể nghĩ rằng trong ngôn ngữ gốc, hai tiếng này không nặng tính chất tình cảm, không có ý nghĩa thân mật chi hết, cũng bình thường như tôi với anh hay như tao với mày vậy thôi. Trái lại trong tiếng việt, 2 tiếng ấy lại chứa chan tình cảm mỗi khi nghe nói, tuy ngày nay không còn dùng trong giao tiếp, chỉ còn thấy trong thơ ca, trong văn chương mà thôi. Hai tiếng quabậu luôn thắm đượm nghĩa tình. Có ai mà không cảm thấy thắt lòng khi đọc những câu ca dao này:

« Trách mẹ với cha chứ qua không trách bậu,

Cha mẹ ham giàu gả bậu đi xa »

“Bậu có chồng chưa, bậu thưa cho thiệt,

Kẻo anh lầm tội nghiệp cho anh

Hay đau khổ, trách hờn người yêu:

“Trách lòng bậu cứ đẩy đưa,

Gạt anh dãi nắng, dầm mưa nhọc nhằn”

Hoặc thể hiện nỗi da diết, nhớ mong:

Bướm xa hoa, bướm dật, bướm dờ,

Anh đây xa bậu, đêm chờ ngày trông”

Và có đứt ruột không khi xa nhà, bổng nghe văng vẳng tiếng hát “Ầu ơ ….” ( không phài giọng “À ơi …” của Bắc kỳ) :

….” Chim chiều lẻ bạn ngoài song

Em còn mong đợi người dưng.

Qua không thương bậu, bậu còn buồn ai!”.

Có người (trên báo Tuổi Trẻ gần đây) giải thích một cách quả quyết: “Nhiều người lầm tưởng “qua” là một từ mới nhưng thật ra đây là một từ địa phương Nam Bộ giàu sắc thái biểu cảm, đã hình thành từ thời người dân nước Việt đi xuống phương Nam mở cõi”.

Có thật đó “là một từ địa phương Nam Bộ”? 

Năm 1602, Nguyễn Hoàng  sai lập dinh trấn, xây kho tàng chứa lương thực, vũ khí rồi sai con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên (sau là Chúa Sãi) trấn giữ. Ban đầu dinh trấn được dựng ở Cần Húc, huyện Duy Xuyên, ít lâu sau dời sang Thanh Chiêm, rồi năm 1833, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở Quảng Nam qua làng La Qua,Điện Bàn. Từ đó, ca dao địa phương có câu:

“Tỉnh thành đóng tại La Qua, 

  Hội An tòa sứ vốn là việc quan”.

Và La Qua đã đi vào câu đối với cách chơi chữ tuyệt vời, lấy chữ qua với chữ đồng âm:

“Con gái La Qua, 

qua hôn, 

qua hít, 

qua vít, 

qua véo, 

qua chọc, 

qua ghẹo, 

qua biểu em đừng có la qua” (la nghĩa là rầy mắn, qua là anh, tôi).

Có câu đối lại cũng sát sàn sạt về chữ nghĩa, ý tứ:

“Đàn bà Phước Chỉ, 

chỉ xấu, 

chỉ xa, chỉ lười, 

chỉ nhác, 

chỉ bài, 

chỉ bạc, 

chỉ có chồng là may phước chỉ” (chỉ là chị ấy) 

Không riêng gì Quảng Nam, vượt qua đèo Hải Vân ngược ra Bắc, nếu dừng chân tại Quảng Bình, người ta còn nghe câu hát huê tình đầy tiếng qua:

Răng chừ đá nổi lắc lư 

Lạch Ròn kia cạn, qua mới từ nghĩa em”.

(Theo Lê Minh Quốc)

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi từ Quảng Nam đi xuôi về phương Nam, người ta sẽ nghe nói thường hơn 2 tiếng qua và bậu :

“Xa xôi chưa kịp nói năng 

 Từ qua với bậu như trăng xế chiều” 

Và khi tới xứ Nam kỳ Lục tỉnh, 2 tiếng qua và bậu dường như cũng dừng bước và đóng đô luôn ở miền đất lành chim đậu này :

« Bảng treo tại chợ Mỹ Lồng:

Chữ đề tên bậu, không chồng có con »

Khi qua và bậu đã bén rể ở đất Nam kỳ, thì cách nói năng cũng bộc trực, nghĩ sao, nói vậy như dân Nam kỳ :

«Bậu đừng lên xuống đèo bồng

Chồng con hay đặng sanh lòng nghi nan ».

 Nguồn gốc qua, bậu là Nam kỳ, là từ tiếng Triều châu, tiếng Nùng, Thái… ?

Nói 2 tiếng qua và bậu là tiếng của địa phương xứ Nam kỳ hay do bắt chước theo cách phát âm của tiếng triều châu vì người triều châu sanh sống ở vùng đất mới này khá đông đảo, lẩn lộn với người việt nam nên ảnh hưởng qua lại là bình thường.

Nhưng người ta bắt gặp rất phổ biến 2 tiếng qua và bậu trong nói chuyện, trong câu hát của người dân miền Trung, từ Quảng Nam trở ra tới Quảng Bình và từ thời Chúa Nguyễn (1602), nghĩa là trước khi người Triều châu từ bên Tàu qua và xuống Bạc liêu lập nghiệp, làm rẩy, « dưới sông cá chốt, trên bờ Triều châu ». Như câu ca dao sau đây mang rất đậm nét địa phương và thời điểm :

« Ngó lên hòn Kẽm, đá Dừng 

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi…  

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng ! »

Hòn Kẽm, đá Dừng là hai địa danh đèo heo, hút gió tận thượng nguồn sông Thu Bồn của Quảng Nam. Ngày trước, để ngược dòng lên đây, từ Hội An là nơi đô thị trên bến, dưới thuyền, nếu đi thuyền, người ta phải mất cả tháng trời chèo chống. Và người Quảng Nam có lẽ ít có ai mà không biết vùng đất hẻo lánh kia cùng câu ca dao buồn tênh này (Theo Lê Minh Quốc).

Như vậy, nếu nói 2 tiếng qua và bậu là 2 tiếng địa phương của Nam kỳ Lục tỉnh có thể đúng trong sự chấp nhận 2 tiếng đó từ Miền Trung đi theo người Miền Trung vào đất Nam kỳ. Trong trường hợp này thì 2 tiếng qua và bậu hoàn toàn không có liên hệ họ hàng xa gần gì với chú ba triều châu hết cả.

Còn do ảnh hưởng tiếng nùng, thái, miên ? Người ta có thể hiểu được cũng từ miền Cao nguyên theo bước di dân mà vào Nam và ở lại trở thành tiếng địa phương chăng ?

Nhưng theo cách diển giải, suy diển thế nào đi nữa thì 2 tiếng qua và bậu, tuy xưa, nhưng khi thốt lên, vẫn dễ làm rung động lòng người vì sức nặng ý nghĩa thân thương, đặc tính nam kỳ của nó :

«Hôm qua qua hứa qua qua mà qua không qua. Nay qua không nói qua qua mà qua qua !»

(*) Hồi ký của Nguyễn văn Tương, Paris. Ông Nguyễn văn Tương làm Tổng Thư ký Văn phòng Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giáo sư Công pháp Trường Luật và Học Viện Quốc gia Hành chánh. Tỵ nạn ở Pháp, ông dạy ô Đại học Brest, Poitiers, …Nay huu trí, ở ngoại ô Paris.

 

 

Vui cười

Một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra ngoài phố. Mọi người tò mò chen lấn vòng trong vòng ngoài để xem. Một anh línhđến chậm không tài nào vào xem được. Tức quá, anh ta liền hét toáng lên:

– Tôi là bố kẻ bị nạn đây!

Mọi người kinh ngạc quay lại nhìn và vội vã giãn ra cho hết.

 

Tết Này Anh Trở Về  –  Hồ Trường An

Cô Hai Nguyện săm soi mớ dưa giá trắng phau phau trong chiếc thau nhôm.. Cọng giá mập mạp thấy thương hết sức! Ðiểm vào đó là những cọng hẹ xanh biếc. Tui có biệt tài nấu bất cứ món rau cải nào cũng giữ được màu xanh. Rau lang luộc, rau cải trời luộc, rau giền, mồng tơi, bồ ngót, cao kỷ nấu canh xanh tươi ngăn ngắt. Còn tui mà xào cải bẹ với thịt gà thì màu cải khi chưa vô chảo chỉ xanh có bảy, đến khi ra dĩa nó xanh tới mười, vừa xanh vừa trong, đẹp dễ sợ!

Năm nay cô Hai Nguyện tính ăn Tết tươm tất hơn năm ngoái. Cô đã lựa con cá lóc vừa bự vừa mập để kho chung với thịt bắp đùi, nước kho phải bằng nước dừa xiêm tươi thì cô mới bằng bụng. Có nồi thit cá kho chung đệm trứng luộc để dành ăn với bánh tét hoặc bánh chưng của cô Ký người Bắc thì phải điệu quá rồi, ăn lai rai, ăn hoài hoài tới hạ nêu cũng không ngán. Bánh tét ăn với món kho phải đệm thêm dưa giá, dưa cải hoặc củ kiệu, củ hành ngâm giấm thì mới nổi vị mà không ngán. Bởi vậy cô Hai Nguyện cùng hai đứa con gái lớn, Trang và Hiền, làm đủ thứ dưa. Trang trổ tài làm khéo, mua củ cải trắng, cà rốt, đu đủ xanh để tỉa bông huê, chim bướm trước khi ngâm giấm, coi vừa đẹp lại vừa ngon!

Sáng ba mươi tháng chạp ta, cô Hai Nguyện thở một cái phào, khoan khoái hết sức. Nồi cá thịt cùng trứng luộc kho chung đã xong. Cô còn làm thêm nồi giò heo hầm với măng, nồi khổ qua dồn thịt bằm với bún tàu, nấm mèo nước trong leo lẻo, niêu tôm kho tàu nước gạch đỏ ối…Chiều nay cô mới mổ gà nấu cháo kèm gỏi gà trộn bắp chuối, rau răm để cúng rước ông bà.

Cô Hai Nguyện đã lau chùi, quét tước nhà cửa, bàn thờ ông bà. Lư hương, chân đèn, mâm cổ bồng đã đánh sáng loáng. Trên vách, cô treo bộ tranh tứ quí màu sắc tươi rói. Trên các cột hàng ba, cô dán liễn bằng giấy hồng đơn, chữ thảo mực tàu đen lánh. Năm nay cô chỉ mua một cặp cúc vạn thọ màu hoàng yến, một cặp mồng gà lưỡi búa đỏ để bày trong sân. Bánh phồng, bánh tráng, bánh tét thì đã có má cô là bà Hương kiểm Thiện ở chợ Trường an cho ê hề. Còn mứt thì cô mua ở chợ Vĩnh Long. Hai hộp mứt hình trái tim gói giấy trang kim lấp lánh cài cái nơ sa-teng hường coi mê quá! Trong hộp, mứt củ cải và mứt bí như giồi phấn, mứt khổ qua tươi nước cốt cỏ rồng chầu xanh như cẩm thạch, mứt cà-rốt màu gạch mới, mứt cà-chua đỏ như son tàu, mứt nào cũng khéo ơi là khéo, bỏ tiền ra mua giá phải chăng, tội gì mà làm cho mệt để lãnh cái thua sút, thô kém!

Dữ ác! Năm nay không hiểu ông ứng bà hành gì mà cô Hai Nguyện phấn khởi đón xuân như vậy? Năm năm qua, thằng bảy Huỳnh Kim Báu, thằng chồng trời đánh thánh đâm của cô đã bỏ nhà theo vợ bé, trôi nổi ở chơn trời góc biển nào rồi. Hễ cở mười năm mà nó không về, hoặc cô không tìm được tung tích nó, thì cô đành lấy cái ngày nó ra đi để làm đám giỗ. Thây kệ, ai quấy ai sai có trời cao đất dày, có nước mây cây cỏ chứng giám. Thằng Bảy kia dù gì cũng là tía của lũ con cô. Bên chồng cô kể từ khi biết nó ăn ở tệ bạc với cô, họ đâm ra thương mến cô. Bởi đó tuy giận nó, cô vẫn không nỡ để lũ con cô quên nguồn cội, tổ tông.

Năm năm qua, một thân đàn bà yếu đuối, cô Hai Nguyện vẫn phải đảm đương mọi việc mưu sinh. Cô mua lúa đem tới nhà máy chà gạo rồi đem gạo ra bán ngoài chợ. Con Trang vừa học xong đệ lục phải bỏ học ngồi trước rạp hát bóng Lạc Thanh bán quà vặt như cốc, ổi, xoài dầm chua, me ngào đường…Con Hiền thì ở nhà coi việc bếp núc, dọn dẹp. Chỉ có thằng Ðức được đi học. Nhờ trời thương Phật độ, má con cô lần hồi đủ ăn. Tối tối Trang đi xuống cầu Cái Cá học nghề luôn áo vắt sổ nơi cô Tám Kim Chi, em kế ba nó. Tới năm ngoái, bà nội nó mua cho nó cái máy vắt sổ để nó trả góp. Nhờ luôn áo khéo, vắt sổ tính giá phải chăng nên nó có khá nhiều khách hàng.

Năm nay con Trang mười tám, sáng đẹp như trăng rằm. Con nầy lanh lợi, biết phải quấy, ăn nói mực thước, lớp lang nên được lối xóm mến yêu, bạn bè trang lứa nể nang. Còn con Hiền mười lăm tuổi mà khờ khạo lắm! Nước da nó trắng hơn con Trang, vóc vạc thanh cảnh, thân hình đã bắt đầu dậy mẩy. Chiều chiều nó ưa mượn cái quần xăng-đầm của cô Hai Nguyện mặc vào rồi kéo quần lên tới ngực buộc chặt, nhảy xuống cái đìa bên hông nhà tắm lội đùng đùng như cù dậy. Một hôm ngủ đêm sáng dậy, nó thấy máu từ quần loang ra ướt mền, ướt chiếu, nó hoảng hồn gọi cô Hai Nguyện, mếu máo kể lể:” Má ơi, con hay tắm đìa nên chắc đĩa chui vô người con làm ổ, máu me nhểu tùm lum đây nè!” Cô Hai an ủi: “Hễ làm đờn bà con gái, tới tuổi dậy thì là mỗi tháng máu tuôn ra rỉ rả như vậy đó, không sao đâu con”.

Nhìn hai đứa con gái, cô Hai Nguyện tự hào, nhủ thầm: “Tui không được đẹp nên không giữ nổi thằng chồng mắc dịch, bị nó phụ bạc bỏ lăn bỏ lóc. Bù lại, tui được bầy con hiếu hạnh, ngoan ngoãn. Con Trang sắc sảo, con Hiền đoan trang, thằng Ðức siêng năng, tuy giống ông già nó như đúc nhưng thằng tía nó mặt mày dúc dắc, lẳng lơ bao nhiêu thì thằng con nghiêm trang, đằm thắm bấy nhiêu.

° ° °

Từ ngoài đầu ngõ, Trang và Hiền la chói lói:

– Má ơi, ba dìa! Ba dìa má ơi!

Cô Hai Nguyện đang ngồi xắt su hào, vụt đứng dậy, mặt xanh dờn như đờn bà xảo thai. Nhưng cô không nhúc nhích, chơn cẳng như chôn chặt trong đất. Thằng Ðức tưởng má nó chưa nghe kịp, nhắc:

– Ba dìa má à. Ba dìa thiệt mà!

Cô Hai Nguyện vụt tỉnh cơn bàng hoàng, ngây ngất. Thằng chồng ôn dịch của tui về? Nó còn dám vác cái bản mặt chai mày đá về đây làm gì? Tưởng nó chết bờ chết bụi, không bỏ xương trong miệng cọp thì cũng gởi thịt trong bụng sấu rồi chớ! Ai dè nó còn xách đít về đây để tui tức thiếu điều trào máu hoè ra khỏi họng. Cô rít lên:

– Thây kệ mồ nó!

Cô ngoe nguẩy ra ngoài vườn, ngồi trên cây sung gie ra mặt ao. Hừ, thằng khốn nạn Bảy Báu, thằng chồng oan gia của cô, năm năm nay đi theo con Tư Mỹ Huệ, chẳng hiểu nó có phỉ chí trong thú yêư đương, hay bị con dâm nương kia hành thân hoại thể? Hồi nó gây gổ, bỏ cô đi theo con Tư, cô hăm he:

– Mầy đành đoạn bỏ tao mà đi theo bợ đít mấy con thúi thây lầy cốt, mai sau mầy vác mặt về đây là chổi nhúng đường mương, chổi dọn chuồng heo tao sẽ quét mầy ra khỏi nhà, biết chưa?

Tên Huỳnh Kim Báu đã mặt trơ trán bóng, bảo:

Con cá buôi quạt đuôi ra biển Bắc,

Bơi dọc lội ngang, không chắc trở về.

Ôi năm năm qua, ngày ngày cô làm lụng đầu tắt mặt tối để kiếm miếng ăn. Ðêm đêm, càng nghĩ tới thằng chồng lòng lang dạ thú kia mà tay chân cô lạnh ngắt, ngực cô nặng trĩu, châu lụy cô tuôn rơi đồm độp:

Cu kêu từng cặp trên cây

Tào khương nghĩa nặng, sao mầy bỏ tao?

Ngồi trên cành sung, cô Hai Nguyện lắng tai nghe tiếng lao xao từ trên nhà vọng tới. Có lẽ chòm xóm tới chào hỏi thằng chồng đi hoang của cô đó mà. Xời ơi, họ chỉ biết nó là thằng hàng xóm dễ thương chớ đâu thèm biết tới cái tánh bạc bẽo, ưa thay đào đổi mận của nó! Còn lũ con cô đó, bởi sợi dây huyết thống thiêng liêng, thấy tía nó về là mừng rối rít. Lá rụng về cội mà! Tụi nó quên tưốt luốt cái thói vô trách nhiệm của tía tụi nó, quên lúc tên Bảy Báu bỏ nhà ra đi, bốn mẹ con đổ mồ hôi hột ra vật lộn kiếm miếng ăn, chơn chạy không bén đất. Ðã bao phen đi bán gạo về, thay vì nghỉ ngơi, cô hăng hái ra sở rẩy sau nhà để săn sóc mười luống dưa gang. Tháng bảy âm lịch vừa rồi, cô trúng mùa dưa. Cô bán mớ dưa chín mềm, còn kỳ dư loại dưa cứng cạy, cô bán cho các vựa mắm để họ gài mắm. Vốn là dân làng Tân Ngãi nên cô rất mát tay trồng dưa:

Dưa Tân Ngãi, bự trái dầy cơm,

Dẫu mình không nợ, không duơn,

Tháng bảy, tháng tám mau chơn trở về

Té ra, Tết nầy chồng cô trở về! Cơn giận làm trái tim cô nhảy ạch đụi trong lồng ngực. Thiệt tình cô Hai Nguyện không oán cô Tư Mỹ Huệ. Cô có bao giờ gặp mặt con tình địch nầy đâu! Nhiều lần cô suy nghĩ, biết Bảy Báu là thứ tham thanh chưộng lạ, hết đèo con nọ tới xọ con kia. Cô đã từng nhiều phen trách ai tham giấy bỏ bìa; khi thương, thương vội, khi lìa, lìa xa.. Chồng của cô nếu không dính con Tư Mỹ Huệ vốn là gái điếm chợ Lách, thì cũng rượn theo con Bảy Kim Hoàng ở Cái Nhum, cũng lẹo tẹo với con Mít con Xoài, cũng mê say con Ổi con Lựu nào đó…Trước con Tư Mỹ Huệ, Bảy Báu cũng đã từng cặp xách hết con ngựa bà nầy lại du dương mùi mẫn với con đĩ chó khác. Cô Hai Nguyện đã từng ốm o so bại, mình mẩy mỏng lét, da dẻ xanh chành vì ghen. Ngày tối cô đâu có làm ăn gì cho an ổn được! Cô cứ rình rập để bắt gian phu. Cô hết ghịt tóc lột quần tình đình lại đè đầu đè cổ chồng ngắt véo, đánh vả. Cô phung phí hơi sức chửi bới la rầy chồng tới mỏi miệng rát cổ, ran ngực thốn tim. Chồng cô lúc nào cũng nhịn cô, mặt mày lấm la lấm lét, mắt mũi dớn dác, lơ láo… Vậy mà đời nào nó chừa thói ngoại tình, bỏ tật phong nguyệt cho cô nhờ! Mà cắc cớ thay, ông trời ổng sanh chi cho cô cái tánh lạc lòng. Chồng cô mỗi khi chán mèo hoặc bị mèo đá đít là quay về với cô, dùng giọng kèn tiếng quyển lung lạc khiếng cô xiêu lòng ăn ở với nó, để nó bơm cho cô một cái bầu bự chình ình. Hễ cô vừa đẻ xong là nó đánh lừa đánh đảo cô để đi ve vãn, tò tí mấy con khác rồi quất ngựa chuối bôn đào..

° ° °

Bảy Báu xách chiếc valise bự tổ chảng, tay kia bồng một thằng nhỏ cỡ hơn một tuổi đứng tần ngần trước ngõ. Trang vồn vã:

– Ba vô nhà đi ba, kẻo nắng. Không sao đâu!

Bảy Báu gượng làm tỉnh:

– Ừ, có sao đâu! Nhưng ba nhờ tụi bây năn nỉ má tụi bây dùm ba một tiếng.

Hiền rụt rè hỏi:

– Con của ai đây ba?

Bảy Báu tỉnh tuồng:

– Em của bây đó đa. Ba đặt tên nó là thằng Phước. Má nó chết rồi. Ba vừa làm tuần bách nhật cho cổ hôm qua.

Ðứa nhỏ thiệt dễ thương, mập mạp trắng trẻo. Nó giuơng cặp mắt đen huyền như hai hột nhãn, nhìn hai cô gái rồi cười hịch hạc, thấy thương đứt rưột. Trang sốt sắng:

– Ba đưa em cho con bồng. Vô nhà mau đi ba.

Khi bốn cha con vô nhà thì Hiền đòi bồng em lấy hên rồi hun thằng nhỏ chùn chụt. Trang giằng lấy thằng nhỏ, hun ngay cái nọng của nó, đả đớt:

– Mèn ơi, cưng của chị “Chang” thơm “xữa” quá “chời” quá đất!

Hiền xía vô nựng đứa nhỏ, miệng tía lia:

– “Chắng” gì mà “chắng” như dừa nạo, như bông bưởi vậy nè “chời”!

Thằng Phước nhột quá cười sằng sặc. Chu choa ơi, hoàn cảnh côi cút của đứa nhỏ cùng sợi giây huyết thống đã làm hai cô gái yêu thương đứa em khác mẹ của mình tức thời. Hai cô gái giống mẹ ở chỗ ưa con nít.. Ba mẹ con hễ rảnh rang là dạo xóm, thấy con ai cũng bồng, cũng hun hít, cũng nựng nịu. Cô Hai Nguyện ưa làm bánh chuối, kẹo chuối để kêu tụi con nít lối xóm lại ăn.

Thằng Ðức lỏn lẻn nhìn cha rồi nhìn thằng Phước. Vì nhút nhát, nó không dám tới gần để rờ rẫm hun hít, nhưng nó nhìn em nó bằng cặp mắt sáng quắc vì thèm thuồng coi thiệt tức cười. Bảy Báu buông valise ở góc nhà một cái xạch rồi dựa ngửa người trên ghế, hỏi:

– Má tụi bây đâu rồi?

Ðức xớt trả lời:

– Nghe tin ba dìa, má bỏ ra vườn sau rồi. Má cứ bụm mặt khóc ào ào…

Bảy Báu nhìn đứa con trai, ứa nước mắt:

– Ðức lại đây!

Ðức ngoan ngoãn bước lại gần cha. Bảy Báu vuốt ve con trai, ngậm ngùi:

– Thiệt thằng con tui mau lớn quá! Năm nay con ngồi lớp mấy?

Ðức thỏ thẻ:

– Dạ con học lớp đệ thất rồi ba. Con thi nhảy lớp hồi năm ngoái, nghĩa là từ lớp nhứt con thi thẳng một lèo vô đệ thất chớ không cần ngồi lớp tiếp liên.

Bảy Báu đỏ mặt vì ăn năn, hổ thẹn, nước mắt chảy ròng ròng. Sau cùng, anh ta nói vắn tắt:

– Con học giỏi là ba mừng.

Vừa thấy Bảy Báu cà rà trước ngõ, bà Năm Thẹo ở gần bên, cách hàng rào xương rồng, đã lập lờ lập lượn sau cánh cổng để nghe ngóng. Rồi kế đó bà chạy qua nhà thím Năm Én, nhà cô Bảy Ơn rủ họ nhập bọn qua nhà cô Hai Nguyện. Liền sau đó, bà Chín Ích ở đối diện nhà bà Năm Thẹo cũng lạch bạch bước qua, miệng ong óng:

– Bây chờ tao đi với chớ!

Bà Năm Thẹo tuôn vô nhà cô Hai Nguyện trước hết, cười ỏn ẻn:

– Nghe thằng Bảy mầy dìa nên tao rủ chị Chín với mấy con lủng, con lành qua thăm.

Bà Chín Ích nhìn thằng Phước trầm trồ:

– Chèn ơi, thằng nhỏ giống cháu Bảy quá chừng chừng!

Cô Bảy Ơn nói:

– Thiệt tình, chị Bảy khi khổng khi không có thằng con dễ thương quá!

Thím Năm suýt soa:

– Tui nghĩ rằng ông trời thương chị Bảy nên Tết nầy ông lì xì cho chỉ đứa con trai nầy. Con Trang, con Hiền, thằng Ðức đều thua nó màu da trắng.

Phút chốc chòm xóm bu tới, ồn ào bàn tán. Cô Hai Nguyện từ ngoài vườn bước vào, mặt trắng bệch như sáp, mắt chau quảu ngút lửa. Cô hét:

– Ai vào đây làm giặc, nổi loạn đó vậy?

Bảy Báu làm tỉnh, đứng dậy:

– Qua đây, em Hai. Bảy Báu, chồng của em dìa ăn Tết với vợ con đây!

Cô Hai Nguyện xáng cho chồng một cái nhìn sấm sét:

– Báu nào? Báo đời, báo hại chớ quí báu gì nà! Mà thôi, nhà tui là nhà mần ăn, không chứa cái phường mèo mả gà đồng, cái quân mèo đàng chó điếm, thầy nghe chưa? Thầy làm ơn xách gói đi chỗ khác, chỗ nào có mấy con dâm phụ chuyên môn cướp giựt chồng người. Thầy còn nấn ná chần chờ thì tui sẽ lấy chổi quét cứt gà, chổi tẩm cứt heo quét thầy xuống đường mương cho thầy coi.

Bảy Báu nhăn nhó:

– Tội nghiệp qua lắm mình ôi. Mình hãy cho qua phân giải đôi lời.

Cô Hai Nguyện nhảy đong đỏng:

– Thầy đã phân giải nhiều lần rồi. Tui cũng đã lạt lòng nhiều quá rồi. Không mình không đầu gì nữa hết! Thầy hãy cuốn gói cho lẹ để mẹ con tui ăn Tết.

Nói được những tiếng thô nhám như đá ong, cứng nặng như đá xanh đó, cơn giận cô hạ xuống, rút biệt một cái rột như nước lọt qua miệng cống.

Bà Năm Thẹo tằng hắng can:

– Thôi cho tao can đi! Mầy cũng để cho thằng chồng mầy phân bua phải quấy đôi lời chớ! Hễ nó vừa mở miệng là mầy nạt nhào thì còn non nước gì!

Thím Năm Én khuyên:

– Hai, em phải nghe lời bác Năm, bác Chín. Chị cũng can em. Bổn phận làm vợ là phải nể nang, ngọt dịu với chồng. Nó dẫu ăn ở quấy với em thì có trời cao chứng giám, có bà con láng giềng chê cười nó. Nhưng nếu em mà gay gắt với nó quá thì té ra em cũng quấy theo nó hay sao? Gắt quá thì nó nổ đa em! Hễ mọi sự nổ tanh banh tét bét thì mụ nội ai mà hàn gắn lành lặn như xưa?

Cô Hai Nguyện quét mắt qua khắp bà con hàng xóm láng giềng. Coi bộ ai cũng có ý binh vực thằng chồng dâm bôn bạc bẽo của cô. Cô nhìn con Hiền bồng đứa nhỏ. Mèn đéc ơi, thằng nhỏ coi giống hịt thằng Bảy Huỳnh Kim Báu quá trời quá đất! Nó ngó cô, hả miệng chim dòng dọc ra cười hịch hạc, bày cái nướu màu hồng tươi vừa nhú mấy cái răng sữa lùn tịt. Chèn ơi, nụ cười nó giống nụ cười tía nó quá chừng chừng! Bởi nụ cười đó mà hồi mười tám năm về trước, cô lén ăn cắp tiền bạc vòng vàng của tía má cô để đi theo tiếng gọi của trái tim. Trái tim cô lúc nào mà chẳng dại dột! Nụ cười đó đã từng hóa giải tủi hờn, căm tức nơi cô mỗi khi thằng Bảy Báu bị mèo đá xất bất xang bang bò về. Cô Hai Nguyện hét:

– Con cái ai đây?

Bảy Báu ấp úng:

– Thì…nó là con của…qua. Qua bồng nó về đây cho em nuôi làm phước.

– Ê, đùng có giỡn nghe cha nội! Cây không trồng, lòng không tiếc; con không đẻ, mẹ ghẻ không thương

Cô Bảy Ơn khuyên lơn:

– Chị Bảy, em khuyên chị bớt nóng. Thiệt tình chị nóng cũng phải, chẳng ai dám trách chị chút nào. Anh Bảy bậy quá, sái quấy lung lắm. Em mà ở vô hoàn cảnh chị, em cũng giống như chị vậy, cũng tức bể ngực rồi hộc máu cả chậu cả vịm chớ không vừa. Nhưng mà xin chị suy cho cùng, nghĩ cho cạn. Nếu chị nóng quá mất khôn, làm cho gia cang xào xáo thì tụi nhỏ khốn đốn, gẫm có ích lợi gì đâu! Xin chị cho ảnh ăn năn chuộc tội.

Cô Hai Nguyện rống lên khóc:

– Ðây đâu có phải lần đầu nó vác mặt mo mặt thớt về đâu? Tui nuôi nó lúc nó thất cơ lỡ vận để rồi khi sung sức mập thây, nó xách đít đi đép bậy cho ốm o so bại, thân tàn ma dại rồi mới trở về. Một lần, hai lần thì còn bỏ qua được, chớ lần nầy thì nhứt quá cửu, quá thập rồi chớ đâu phải quá tam! Nó đội vàng cả thúng, hột xoàn cả tráp về đây tui không ham nữa là!

Bà Chín Ích xía vô ỉ ôi:

– Con vợ thằng Bảy nè. Con phải nghe lời má Chín lần nầy. Chồng con trở về đây tốt tươi phi mỹ chớ không te tua bèo nhèo, không rách rưới đói khát. Nó ăn bận như thầy thông thầy ký ở đất thầy-gòn đó con. Nó về đây chắc có duyên cớ gì đó chớ không phải mong nhờ hột cơm của con đâu! Vợ chồng bây có thể hiểu nhau, chớ người ngoài làm sao tỏ tường trong đục! Vậy con gắng nuốt giận, nghe nó cạn phân bày giải. Má Chín khuyên con đùng tỏ ra lấn lướt với kẻ lép vế, thất thế hơn mình. Không nên đâu con!

Thấy chưa? Chỉ vừa thấy thằng nhỏ mà coi bộ bà con lối xóm đều ngã rạp về phía tên Bảy Báu hết trọi. Họ thấy đứa nhỏ mồ côi mồ cút chớ họ làm sao thấy lúc cô canh khuya trằn trọc, tủi phận bị chồng chán, chồng chê, não nề lo gánh mưu sinh cho bầy con dại? Té ra tên Bảy ó đâm nầy sanh ra để được thương

yêu dung thứ. Còn cô sanh ra để làm nạn nhơn của nó cho tới tim bảy lỗ héo khô, gan bảy lá héo hắt mà người ngoại cuộc đương thèm biết tới.

Bỗng đứa nhỏ bị con Hiền ôm chặt khóc ré lên. Thằng Ðức vụt chạy lại ôm tía nó, khóc rống:

– Ba ơi, ba đừng đi đâu hết! Má ơi, má đừng để ba bồng em cho bà phước xóm đạo nghe má! Em con dễ thương quá má à!

Mấy bà lối xóm cùng khóc ngon khóc ngọt theo thằng Ðức.

° ° °

Khi lối xóm về hết, cô Hai Nguyện xuống bếp bắt con cá lóc rọng trong vịm ra cạo vẩy. Cô hỏi Trang:

– Tía mầy đâu rồi?

– Ông Năm Thẹo mời tía qua cụng ly bên bển rồi.

– Còn con Hiền đâu?

– Nó bồng thằng Phước qua nhà thím Năm Én mượn cái bình sữa và núm vú cao su.

Cô Hai Nguyện trề môi:

– Tía mầy là thứ đờn ông hư thúi. Vừa về tới nhà là liệng va-ly cái xạch nên bình sữa mới bể hai bể ba như vầy….

Bảy Báu chỉ dám nhậu sương sương với ông Năm Thẹo rồi lật đật trở về nhà kẻo vợ quở, vợ rầy. Cô Hai Nguyện và Trang lo nấu, dọn cơm trưa. Cô dặn cô trưởng nữ của minh:

– Con lên nhà trên mời tía con rửa mặt, thay đồ mát đi. Cơm nước xong, con nhớ gói bánh tét, bánh dừa để tối nay má luộc. Chút nữa má ra chợ Vãng mua bình sữa, xà bông, khăn lau,thau chậu cho thằng Phước.

Hiền mượn được bình sữa, bồng em về nhà. Cơm canh chưa xong nhưng cô Hai Nguyện đã dọn chén, bày bàn sẵn. Cô rửa tay sạch sẽ, bồng đứa nhỏ. Thằng nầy dễ thương thiệt mà. Cô vừa bồng nó là nó rúc đầu vô ngực cô làm cô bồi hồi xúc động. Nó lại cười tít toát, thấy ghét hết sức! Nhưng cô Hai Nguyện chưa hun nó liền đâu. Cô tự hỏi mình có thể yêu thương nó thiệt tình không? Cô chưa biết mặt má nó lần nào. Cô chỉ có thể hình dung má nó qua khuôn mặt của những tình địch khác: mắt con nầy, mũi con kia, tóc tai con nọ, hình vóc con khác nữa…Mà lạ dữ! Thiệt tình cô chẳng ghét con nào hết. Bao nhiêu việc oan trái cũng do cái tánh chuộng trăng hoa, ưa đào đĩ của tên Bảy Báu mà ra. Nếu nó không có tâm địa uốn éo ruột rồng, lòng vòng ruột rắn, lắn quắn ruột dê thì chẳng có con nào có thể nhảy vào cuộc sống lứa đôi của cô để ăn mót hoặc cướp giựt hạnh phúc của cô được hết. Bởi chồng cô già không bỏ, nhỏ không tha, tươi như hoa nó liền mê lú, xấu như ục cú nó cũng say sưa…như vậy thì con đờn bà nào cũng có thể để nó dê, nó nịch ái ráo trọi. Nhưng mà trời ơi, dù cô đã khóc cả thùng, cả thau, cả xô nước mắt vì sự bạc bẽo của chồng, nhưng lòng cô vẫn sẵn sàng dọn một chỗ tha thứ đợi ngày nó trở về.

Trang làm bình sữa xong, đem lại mẹ. Cô Hai Nguyện cho thằng Phước bú. Và khi bình sữa chưa cạn thì nó đã ngủ khò, miệng thỉnh thoảng mỉm cười. Cô Hai Nguyện đặt nó lên vạt tre trải chiếu đậu, rồi đắp mền mỏng lên tận ngực nó. Thằng Ðức cứ cà rà bên em ngắm nghía, lâu lâu hun lên đôi má măng sữa của nó.

Bảy Báu rửa mặt chải đầu, thay đồ mát xong. Biết là vợ bớt cơn thịnh nộ, anh ta giả bộ ra sàn nước rủa chơn rồi mang guốc lóc cóc tới bên vợ nói nhỏ:

– Mình! Bảy Huỳnh Kim Báu, chồng mình dìa với mình đây nè, mình.

Cô Hai Nguyện quắc mắt khi thấy Bảy Báu chờn vờn muốn ôm mình:

– Anh chớ rớ tới tui. Anh mà xáp lại gần là tui tri hô anh muốn ám sát tui, nói cho anh biết.

Bảy Báu tha thiết:

– Mình ôi, anh dìa đây là quyết lòng trụ luôn bên mình cho tới mãn đời suốt kiếp. Anh đã chán ngán việc mèo đàng chó điếm rồi. Khi má thằng Phước lâm chung có dặn anh quay về với mình và bắt anh thề dứt bỏ chuyện én anh, ong bướm để tạo dựng nghiệp nhà.

Cô Hai Nguyện trề môi:

– Nói dóc! Con Tư Mỹ Huệ đó mà kể số gì tới tui. Ðừng có xạo nghe cha nội! Con này ăn cơm bảy phủ, dạo đủ khắp nơi, nó đâu có khờ như anh tưởng!

Bảy Báu giọt dài giọt vắn:

– Má thằng Phước không phải là cô Tư Mỹ Huệ đâu!

Cô Hai Nguyện chưng hững:

– Ủa! Vậy chớ con nào?

Bảy Báu kể vắn tắt:

– Khi qua đưa cô Tư Mỹ Huệ lên Tân Châu lập nghiệp thì cổ tình cờ gặp lại thằng chồng cũ. Ông bà mình thường nói: “Vợ chồng cũ không rũ cũng tới” nên cổ đành đoạn bỏ qua để về với thằng cha đó.

Cả hai dắt nhau qua Hồng Ngự mần ăn. Riêng qua thì dẫu gặp cảnh xất bất xang bang thì cũng không còn mặt mũi nào về với mình. Qua nhờ nghề chích dạo kiếm ăn rồi gặp má thằng Phước tức cô Hai Lành con gái thầy Hương quản Nên…Cổ làm cô mụ vườn mát tay lắm, tiền kiếm bộn bàng nhưng duyên số hẩm hiu nên mãi ba mươi ngoài mà cổ còn ở vá. Cùi mít trôi lên gặp cùi thơm trôi xuống, cả hai gá nghĩa bậy với nhau mà ăn nên làm ra. Bởi qua xử tệ với mình nên trời không cho qua hưởng trọn cảnh êm ấm với cô Hai Lành cho tới mãn kiếp. Ðẻ thằng Phước xong một tháng là cô Hai đau dây dưa gần một năm rồi nhắm mắt qua đời…

Món canh chua cá lóc với bạc hà do Trang nấu ngon dễ sợ. Trong bữa cơm trưa hôm đó, Bảy Báu hỏi han vợ con đủ thứ.

Hiền mặc cái áo lụa màu hoàng yến, đeo sợi giây chuyền bướm lóng lánh, dịu dàng bảo mẹ:

– Má cứ ở nhà hủ hỉ với ba, con đón xe ngựa ra chợ Vãng mua sắm vật dụng cho thằng Phước. Con có nấu nước bồ kết và hái chanh cho má gội đầu.

Cô Hai Nguyện ôn tồn:

– Con nhớ mua phấn trị sảy, xà bông thơm, rượu chổi cho em con. Về sữa, con nhớ mua sữa hiệu Con chim chớ đừng mua hiệu khác. Nhớ mau về nghe con. Má cần đủ thứ bộ vận để tắm rửa cho nó.

Khi thằng Phước thức dậy, thằng Ðức giành bồng em đi dạo xóm. Cô Hai dặn dò:

– Nhớ đừng bồng em ra chỗ nắng nôi, gíó máy mà nó ấm đầu sổ mũi nghe hôn con!

Rồi cô dặn Trang:

– Con Trang nhớ làm gà nấu cháo và trộn gỏi bắp chuối để ba con rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Tối nay con nhớ ủi quần áo cho cả nhà. Cúng tất, hạ nêu xong, má sẽ đi chuộc bùa trừ tà tróc quái cho em con ăn chơi, mau lớn.

Tết nầy cô Hai Nguyện mua xấp lụa cẩm vân màu cánh sen, xấp lụa hồng đào để may áo dài cho Trang. Cô mua xấp cẩm nhung màu hoàng yến và xấp nhiễu tím may áo dài cho Hiền. Còn thằng Ðức, cô sắm cho nó chiếc quần tây bằng nỉ xám, áo sơ-mi trắng bằng tít-so và đôi giày xăng-đan.

Sực thấy chồng cứ theo tò tò bên mình, cô hỏi:

– Còn ông tía non nầy, ông uống trà hay ưống cà-phê thì nói một tiếng cho tui biết để tui làm?

Bảy Báu cười mơn:

– Mình cho gì thì uống nấy.

Cô Hai Nguyện nguýt chồng rồi lủi xuống bếp, lầu bầu lẩm bẩm:

– Cái thứ trời đánh thánh đâm như anh, uống nước cống, nước đường mương mới đáng, ở đó mà uống cà phê, uống trà…

Nói vậy, nhưng cô vẫn pha một tách cà phê cho chồng và không quên pha thêm một bình trà Xiểu Chủng.

Xế xế, cô Hai Nguyện gội đầu bằng nước bồ kết và nước cốt chanh tươi. Hôm nay là ngày ba mươi tháng chạp, cô Hai Nguyện theo thường lệ, tắm rửa và gội đầu để xả xui.

Bữa cơm chiều, vì để mừng ngày phu thê tái hiệp, cô Hai Nguyện làm thêm vài món nhậu tươm tất cho chồng như nem cá cơm ăn với thịt phay, bún, rau sống; như gỏi sứa tôm thịt…

Tối hôm đó, Trang và Hiền tình nguyện thức canh nồi bánh tét, bánh dừa cùng nồi luộc đầu heo, lòng heo.

Vợ chồng lâu ngày tái hiệp, ân ái thiệt mặn nồng. Thằng Ðức nằm ngủ ở vạt tre kê giáp tấm vách ngăn buồng cô Hai, nửa đêm thức giấc, nghe tiếng lào xào của cha mẹ.

Tối hôm nay, cô Hai Nguyện mặc chiếc áo bà ba lụa tím, quần lãnh trơn cặp lưng bằng nhiễu màu hường cánh sen, chơn đi guốc sơn đen. Khi cô ra ngoài trung đường thắpnhang, cúng nước trở vào thì thấy Bảy Báu mở valise lôi ra một cái gói vuông bọc mo cau. Anh ta mở gói, bày những phiến vàng lá, bảo vợ:

– Bốn chục lượng vàng đó. Xứ Tân Châu dễ làm ăn hơn ở đây nhiều. Qua tặng mình hết để làm vốn, đặng cho hai đứa con gái mình rảnh rang kiếm cách học thêm.

Cô Hai Nguyện nhìn sững chồng rồi gói vàng lại, cẩn thận cất vô tủ. Cô nhỏ nhẹ:

– Mình cứ ngủ đi. Em sửa soạn cúng giao thừa đây.

Giao thừa tới. Pháo chuột, pháo tre hàng xóm nổ vang. Thằng Phước giật mình khóc ré. Cô Hai Nguyện cúng kiếng xong, lại bồng nó, dỗ nó ngủ lại. Bảy Báu ăn mặc chỉnh tề, bước ra phòng khách, bảo vợ:

– Mình kêu sắp nhỏ ăn mặc đàng hoàng để mừng tuổi vợ chồng mình.

Bảy Báu lì xì cho Trang chiếc kiềng chạm, cho Hiền chiếc kiềng trơn kèm chiếc nhẫn nhận hột cẩm thạch hình hột dưa. Thằng Ðức thì được chiếc đồng hồ đeo tay.

Trước khi xuống bếp vớt bánh tét dừa đặt vào rổ cho ráo nước, Trang hỏi mẹ:

– Năm nay con gì ra đời vậy má?

Cô Hai Nguyện trầm ngâm:

– Má chẳng nghe con gì ra đời hết! À, lúc giao thừa, em con giựt mình khóc om sòm. Vậy là con trống ra đời đó. Con trống nầy tên Phước, tức nhiên nó đem phước tới cho nhà mình.

Khi trở về buồng, Bảy Báu ôm chặt vợ vào lòng. Anh ta thấy giờ đây vợ mình mặn mòi quá cỡ, môi má đỏ au chớ không xanh xao như chầu xưa. Anh ta ứa nước mắt:

– Kiếp trước chắc anh tu kỹ nên kiếp nầy được trời ban thưởng cho một người vợ hiền như mình.

Cô Hai Nguyện nguýt:

– Xạo vừa vừa chớ! Em đã bao phen bầm dập bởi lời ỏn thót của mình rồi. Mình về đây được…

Cô toan nói rằng mình về đây được ngày nào là em mừng ngày đó, nhưng cô ngưng ngang vì đó là câu nói gở, gây điềm xuì xẻo. Cô nằm bên chồng, cất giọng ngọt lìm lịm:

– Ra giêng, mình nhớ đem hình má thằng Phước hoạ lớn để thờ. Em muốn vong linh má nó theo phù hộ cho nó mạnh khoẻ, ăn chơi….

Hồ Trường An

Câu Chuyện Phiếm: “Hoa Cẩm Chướng” –  Nguyễn Thị Thanh Dương

Lời mở đầu 

Hạnh phúc là thứ chính mình phải tạo lấy chứ không ai mang lại cho mình . Ai cũng cần phải hiểu như vậy !  Tuổi già lẽ ra con người phải càng trở nên dễ tính hơn và hai vợ chồng nên cư xử với nhau đẹp hơn lúc còn trẻ vì già thì suy nghĩ cặn kẻ chín chắn hơn và vì cái Ta trong mỗi người đã bị vứt đi rồi… sự nhẫn nhịn và chiều chuộng cũng gia tăng nhiều hơn rồi… có lý nào về già lại tệ hơn hồi còn trẻ ? Nếu không thương được nhau mà suốt ngày hằn học vì những ý nghĩ riêng tư thì ai sẽ khổ hơn hay hạnh phúc hơn đây? Càng già thì càng ph̉ải thương nhau nhiều hơn vì lúc trẻ quá bận rộn cho cuộc sống đến nỗi không có đủ thì giờ để thương chiều nhau .Bây giờ mới thực sự có đủ thì giờ để thương chiều nhau và làm đẹp lòng nhau trước khi lìa đời. Tiếc thay càng già thì người ta lại càng tìm đủ mọi cách để tổn thương nhau thay vì yêu quý nhau, cái đó gọi là thiếu suy nghĩ , ấu trĩ và không sợ trẻ con nó cười cho. Thử hỏi trong đời này có ai chịu đi chung với chúng ta và hết lòng lo lắng cho chúng ta suốt kiếp người dài đăng đẳng như vợ chồng đâu ? Phải cẩn thận vì có thể ngày mai Ta không còn thấy nhau nữa rồi ! Hãy yêu nhau đi dù chỉ còn trong giây phút trần gian…..NHẬT-NGUYÊT

 

“Hoa Cẩm Chướng” nở trong nhà

Hoa gì rộ nở trong nhà,

Chướng tai gai mắt, tuổi già dở hơi?

Vợ chồng chị Bông đến nhà chị Phú chơi nhân dịp họ don vào nhà mới, họ bán căn nhà cũ to rộng hơn 3,000 Sqf. để mua căn nhà mới 1,800 Sqf. với 3 phòng ngủ gọn gàng vừa đủ cho hai vợ chồng vì các con đã trưởng thành và ở nơi khác.

Chị Phú hớn hở khi mở cửa cho bạn:

– Mời mãi mà hôm nay anh chị mới đến, ở cùng thành phố chứ cách trở núi non gì….

Trong khi anh Phú tiếp chuyện anh Bông thì chị Phú đưa chị Bông đi xem nhà, nhà Texas rẻ nên nhiều người Việt có điều kiện đều trả tiền mặt và mua nhà mới dễ dàng. Anh chị Phú cũng thế, căn nhà của builder D-R- Horton xây kiểu cọ khá sang và đẹp gía chỉ khoảng 100 đồng mỗi Sqf.

– Đây là phòng ngủ cuả ông Phú.

Thì ra vợ chồng nhà này ngủ riêng. Chị Bông nghĩ thầm trong khi chị Phú tiếp nửa đùa nửa thật:

– Bàn computer là thế giới riêng cuả ông ấy, nếu tôi mà bước vào đây khi ông ấy đang ngồi computer thì tôi là… nhân vật thứ ba thừa đấy chị; ánh mắt khó chịu của ông ấy như nói rằng: ”Bà chẳng nghĩa lý gì trong lúc này”.

Sang phòng bên chị Phú hớn hở tiếp:

– Và đây là phòng ngủ của tôi, tôi muốn xem ti vi đến bất cứ giờ nào, muốn treo hình ảnh, bày biện gì thì tha hồ, không làm… chướng tai gai mắt ông ấy. Bởi thế vợ chồng già ngủ riêng giường, riêng phòng là sung sướng nhất.

Hai gia đình quá thân nhau nên chị Bông không ngại ngần nói:

– Thế mà hai ông bà ra ngoài vẫn sánh đôi chung bóng tưởng như nưả bước không rời nhau cơ đấy

– Thì ai chẳng cần bề ngoài! Đi chợ, đi nhà thờ hay đi bất cứ đâu đều chung đôi đã đành,mà… đến chết vẫn chung đôi luôn.

Chị Bông hết hồn và ngạc nhiên:

– Sao? Hai ông bà định… chết chung một ngày à?

Chị Phú bật cười:

– Có vợ chồng già nào còn luỵ tình nhau đến cuối đời thế chứ! Nghiã trang “Mây trời xanh” trong thành phố này đăng quảng cáo bán những phần đất giá rẻ, thế là hai vợ chồng mình bèn đến xem và mua ngay 2 mộ phần song song nằm cạnh nhau. Đã xây bia mộ hình ảnh sẵn sàng rồi, ai chết trước thì vào nằm trước và ghi thêm ngày từ trần vào bia mộ đợi người đến sau. Thế là sớm muộn gì vợ chồng cũng chung đôi trong giấc ngủ cuối cùng. Trông vừa đẹp tình đẹp ý với cuộc đời vừa thuận tiện cho con cháu đến thăm viếng đặt hoa thắp nhang.

Chị Bông tấm tắc khen:

– Anh chị tính toán chu đáo và tuyệt vời quá.

Chị Phú thản nhiên:

– Vợ chồng chị và vợ chồng tôi là chỗ quen biết nhau thân nên chẳng có gì phải che dấu, vợ chồng tôi xung khắc cãi nhau như cơm bữa nhưng ở đời người ta vẫn phải sống như một vở kịch, được cái là cả ông Phú và tôi đều giống nhau ở chỗ cần bề ngoài, thích bề ngoài,nhìn vào ai chẳng thấy chúng tôi là cặp vợ chồng già lý tưởng…

– Nhưng anh chị cũng có cùng sở thích đấy, phòng ngủ riêng cuả mỗi người đều có một smart tivi hiệu Samsung 28 inches…

Chị Phú kêu lên:

– Là bất đồng lớn đấy chứ sở thích gì! Hai vợ chồng xem chung ti vi ngoài phòng khách thế nào cũng cãi nhau, dù bất cứ đề tài gì, nên quyết định mua mỗi người một cái trong phòng ngủ, ai về phòng nấy mà xem, còn tivi ngoài phòng khách nếu xem chung thì cấm không ai được phát biểu ý kiến là yên chuyện. Giao kèo hẳn hòi…

– Vậy là nhà có 2 vợ chồng mà 3 cái tivi. Hãng Samsung trúng mối nhờ những cặp vợ chồng bất đồng đấy chị nhỉ?

Chị Phú kể:

– Tôi quen vợ chồng người bạn, cũng bề ngoài chung đôi như vợ chồng tôi. Chị ấy đã qua đời và an táng trong nghiã trang “Mây trời xanh”. Hai năm sau người chồng ốm đau thập tử nhất sinh, khi chưa vào hôn mê ông ấy cố gắng lấy sức tỉnh táo ngắn ngủi cuối cùng để dặn dò các con rằng: “Các con muốn hoả táng hay chôn cất bố kiểu nào cũng được nhưng tuyệt đối đừng cho bố nằm cạnh mẹ con. Bao nhiêu năm chung đôi với bà ấy rồi, lúc bố lìa đời hãy… trả tự do cho bố!”

Chị Bông cười:

– Chắc các con phải an táng ông bố trong một nghiã trang khác, chứ cùng nghiã trang “Mây trời xanh” bà vợ lại lò mò ra thăm ông ấy và trách mắng sao chúng mình không chung đôi thì hai hồn ma lại… cãi nhau, làm phiền những hồn ma khác.

– Lúc nào riêng tư được thì cứ riêng tư chị Bông ạ. Tôi với ông Phú lúc trước đi bộ thể dục quanh khu phố nhà mình, nói chuyện một lúc thể nào cũng bất đồng ý kiến và cãi nhau, thế là tôi bèn nghĩ cách đi thể dục một mình với lý do chính đáng không ai hiểu được là tôi né ông chồng. Tôi bắt chước mấy bà bạn gìa chuyên đi bộ trong mall, cái mall gần nhà tôi lái xe 10 phút là đến, chân đi giày bẹt như khi ta đi ra phi trường vậy đó, tha hồ thoải mái đi dạo trong mall, lên tầng xuống tầng bằng thang bộ, mùa hè mát mẻ, mùa Đông ấm áp, vừa đi vừa ngắm đủ loại quần áo và hàng hóa quên cả giờ về. Khỏe người, có khi lại mua được món hàng gía rẻ.

À, tôi còn tha hồ mặc thử các loại quần áo và ngắm nghía mình trong gương cho… qua cơn ghiền shopping chứ tiền đâu mà mua hết những gì mình thích…

Chị Bông thán phục và hí hửng:

– Thì ra thế, người ta cứ tưởng chị vào mall mua sắm, cái điều mà chẳng ông nào thích “chung đôi” với vợ nơi chốn này. Hèn gì đi mall ngày thường tôi thấy nhiều… bà gìa ghê, cứ tưởng họ về hưu buồn chán nên đi shopping cho vui. Hẹn chị Phú một ngày nào đó chúng mình sẽ gặp nhau trong mall và đi bộ vài giờ liền chị nhé.

Chị Phú cao hứng kể thêm:

– Vợ chồng tôi khác nhau cả những điều nhỏ nhặt, ở thành phố này có 3 hàng B.B.Q. bán vịt quay gần nhà, nhưng sở thích chúng tôi cũng… không đụng hàng, ông Phú thích ăn vịt của tiệm A. còn tôi thì thích vịt tiệm B. ai cũng cho là vịt quay của tiệm mình chọn là ngon, là nhất. Mỗi lần nhà cần ăn món vịt quay là hai vợ chồng lại tranh cãi, sau cùng tôi phải… tôi phải….

Chị Bông tranh lời và đoán gìa đoán non:

– Chị phải mua vịt quay tiệm thứ ba, là huề cả đôi bên chứ gì? Hay là chị chiều chồng, nhịn chồng, đi mua vịt quay tiệm A cho anh vừa lòng ?

Chị Phú nở nụ cười mỉm, nụ cười bí ẩn như nàng Mona Lisa trong tranh:

– Không, tôi vẫn mua vịt quay tại cửa hàng B tôi yêu thích đấy chứ.

Trong khi chị Bông đang ngơ ngác ngạc nhiên thì chị Phú bèn giải thích:

– Nhưng tôi tỉnh bơ nói với ông Phú là tôi mua vịt của tiệm A. Ông ấy ăn và nức nở khen là ngon, là đúng gu của ông ấy. Nói dối mà vui vẻ cửa nhà chắc trời Phật cũng thông cảm phải không chị Bông?

Chị Phú kết luận:

– Chị Bông ơi, sở dĩ vợ chồng về già “xung khắc” vì ai cũng trở nên chướng. Coi như “ hoa Cẩm Chướng” nở trong nhà quanh năm. Ngày xưa tôi yêu hoa Cẩm Chướng lắm, bây giờ thì không, cứ nghe đến tên hoa Cẩm Chướng là… hình ảnh ông Phú lù lù hiện ra.

– Ôi, hoa Cẩm Chướng đẹp thế mà lại là hình ảnh của các vợ chồng già trái tính trái nết, tội nghiệp cho hoa qúa!

Hai bà xem nhà và nói chuyện xong cùng ra ngoài phòng khách nói chuyện chung với hai ông. Chiếc Smart Tivi Samsung 50 mấy inches được mở lên đang có cảnh đẹp ở một đất nước nào đó, anh Bông rồi đến chị Bông vừa nói chuyện vừa khen cảnh trong phim trong khi hai vợ chồng anh Phú chỉ nói chuyện, tuyệt nhiên không ý kiến gì với cảnh trong tivi.

Chị Bông hiểu là bản hợp đồng của vợ chồng chị Phú đã được tôn trọng.

Khi anh chị Bông đứng dậy cáo từ hai vợ chồng anh Phú, hai… đoá hoa Cẩm Chướng của đời nhau cùng tươi tắn, cùng sánh đôi ra tận cửa tiễn bạn và ríu rít như chim hót:

– Hôm nay anh chị đến chúng tôi bất ngờ mà vui quá.

– Hôm nào anh chị rảnh đến ăn với chúng tôi một bữa cơm tối nhé. Chúng tôi cùng mong đợi đấy.

Anh Bông có vẻ ngạc nhiên trước sự hòa hợp của vợ chồng chị Phú. Còn chị Bông thì bỗng… nghi ngờ tất cả những cặp vợ chồng gìa từng khoe là đồng cảm, trên thuận dưới hòa và hạnh phúc bên nhau suốt cuộc hành trình dài cuộc hôn nhân của họ.

**************

Buổi chiều ở nhà chị Bông mở tivi lại thấy quảng cáo của nghiã trang “Mây trời xanh”, quang cảnh thanh tịnh mát mẻ đúng là nơi yên nghỉ ngàn thu, chị Bông hối hả gọi chồng:

– Anh Bông ơi, anh có thích cái này không?

Anh Bông từ trong phòng trong vọng ra:

– Bà thích gì thì cứ việc xem đừng réo tên tôi. Bà biết rồi mà những gì bà thích là tôi không thích.

– Nhanh lên, cái này phải có anh cùng quyết định.

Anh Bông tò mò đi nhanh ra ngoài còn kịp thấy cảnh những ngôi mộ trong nghĩa trang và lời quảng cáo vưà lập lại, anh khó chịu:

– Bà bảo tôi xem cái này để quyết định cái gì? Nhà mình đang yên đang lành lại bàn chuyện nhà quàn nghĩa địa là sao? Bà dở hơi từ lúc nào thế?

Chị Bông giật mình, chẳng lẽ dưới mắt anh Bông chị đang là kẻ dở hơi, là “đóa hoa Cẩm Chướng” vô duyên?

– Dĩ nhiên là không phải bây giờ. Mua mộ phần cho… tương lai anh và em.

Anh Bông bắt bẻ:

– Lại càng dở hơi. Chữ “tương lai” dùng cho cảnh đời hi vọng tươi sáng phiá trước nghe hào hứng hơn là đem dùng cho một ngày buồn tang tóc chẳng ai đợi ai mong.

– Vậy thì em sửa lại đây, cho ngày sau chúng ta lià đời. Hai mộ phần song song bên nhau thì được bớt 20% mà nếu trả tiền mặt từ bây giờ thì bớt đến 50%.

– Bà đến chết vẫn còn tính toán đắt rẻ như đi chợ. Tôi biết rồi bà muốn mua chỉ vì ham rẻ, cũng như khi đi shopping bà mua cả món đồ không thích nhưng vì giá rẻ. Nhưng xưa nay tôi và bà có mấy khi hợp nhau đâu, chung đôi làm gì hả?

– Biết rồi, nhưng lúc ấy mình chết ngắc chung đôi hay riêng lẻ cũng thế thôi. Trước mắt là tiết kiệm được tiền, mình lo trước thì con cái đỡ phải lo.

Anh Bông cương quyết:

– Không, tôi và bà đã từng khác nhau trong ý nghĩ cho viễn cảnh này, tôi muốn được an táng trong nghiã trang và có người hương khói còn bà muốn hoả táng và thảy tung tro bụi ra gió ra biển cho một kiếp người tản mạn bay đi khắp thế gian và trôi đi khắp những biển rộng sông dài.

Chị Bông thở dài:

– Ừ nhỉ, trong lúc cao hứng nghe quảng cáo và nhất là lúc nãy nghe chuyện chị Phú nên em bất chợt nói thế thôi. Đến chết anh và em cũng không cùng suy nghĩ mà, mỗi người thích yên nghỉ một kiểu…

Giọng chị Bông bỗng như một nốt nhạc trầm:

– Anh này…

– Sao bà cứ lải nhải mãi thế? Bà muốn gì?

Chị Bông trách:

– Ngày xưa quen em anh đến nhà em chỉ mong được nói chuyện cùng em. Bây giờ em muốn nói anh chẳng muốn nghe.

– Mấy chục năm nay rồi bà ơi, vật đổi sao dời, huống hồ hai người trần gian chúng ta! Bà muốn gì thì nói ngay đi, tôi không có thì giờ nghe bà nũng nịu!

– Tự nhiên em buồn, em chỉ muốn chia sẻ cảm xúc là đời người thường có hai chuyến xe hoa, chuyến đầu là hoa cưới vui vẻ bên nhau, chuyến sau là hoa tang buồn bã, là chia lìa nhau, thế thôi.

Anh Bông gạt phăng:

– Sự đời nó thế, ai cũng thế, hơi đâu mà bà cảm xúc dư thừa vớ vẩn…

Chị Bông đành chịu thua chồng.

Hôm anh Sơn bạn cùng hãng anh Bông đến chơi nhà, chị Bông cùng chồng tiếp chuyện bạn, hỏi thăm anh chuyện sắp về hưu thì anh Sơn tâm sự:

– Ai đi làm đến tuổi gìa chẳng muốn về hưu vui hưởng cảnh an nhàn, tôi cũng thế, nhưng bây giờ tôi đổi ý định rồi, thà đi làm có mệt mỏi còn hơn là về hưu; vợ ở nhà, chồng ở nhà,mỗi ngày 24 tiếng có nhau, ra vào chạm mặt nhau, không… ly dị sớm cũng… chết sớm.

Chị Bông giả bộ ngây thơ:

– Sao vậy anh Sơn? Ngày xưa thuở đang yêu các anh chẳng từng mong muốn được gặp nàng, được nhìn thấy mặt nàng là đã sung sướng biết bao.

– Nhưng chị ơi, nàng bây giờ là bà gìa khó tính nói dai nói nhiều. Hai vợ chồng cãi nhau căng thẳng thần kinh lắm, không li dị thì cũng chết sớm chứ còn gì nữa.

Chẳng lẽ anh Sơn nói đúng? chẳng lẽ “hoa Cẩm Chướng” nở khắp mọi nhà của những đôi vợ chồng ở ngưỡng cửa tuổi già?

Về gìa ai cũng thay tính đổi nết, các ông cũng chẳng vừa, nói chi các bà!

Những cặp vợ chồng đã đi với nhau suốt quãng đường dài, từ thuở tinh khôi mới lấy nhau đến lúc con đàn cháu đống nhìn mặt nhau bao nhiêu năm, thấy những thực tế đời thường của nhau bao nhiêu ngày tháng, chán chường nhau đã đành.

Có những cặp giữa đường gặp gỡ, anh li dị, chị thôi chồng tưởng đôi ta bỗng tìm được một nửa mong ước đời nhau, cùng nhau đi nốt quãng đường còn lại, thời gian đầu cả hai đều lịch sự nhã nhặn như cặp đôi lý tưởng trong phim truyện, trong tiểu thuyết, cả hai đều sống như người trong mộng của nhau, nhưng một thời gian sau đã quen mặt quen người thì họ lại hiện ra đúng cái tôi đời thường của họ, chàng và nàng cũng biết nói dối, nói ngang như cua bò, cũng… ”hoa Cẩm Chướng” như ai, và thế là “hoa Cẩm Chướng” lại nở trong nhà, lại nở quanh năm…

Họ chướng tai gai mắt nhau, bất đồng nhau có khi còn nhiều hơn người chồng cũ, người vợ cũ mà họ đã chia tay.

Và có những cố nhân thương hoài ngàn năm của thời xuân xanh ai đó biết đâu cố nhân ấy đang là người chồng, người vợ dở hơi chán mớ đời, đang là “hoa Cẩm Chướng” không trồng mà mọc trong nhà của kẻ khác.

Cầu cho kiếp sau họ không gặp lại cố nhân.

Cầu cho kiếp sau những lời hẹn thề chung đôi không thành sự thật để họ sẽ mãi là cố nhân của nhau, cho cuộc sống trần trụi đời thường có chỗ thăng hoa niềm mộng mơ lãng mạn, cho ân tình không trọn vẹn sẽ đẹp mãi đến ngàn sau.

Chị Bông lại lên tiếng với anh Bông:

– Em chợt nhớ ra bài báo mới đọc trên net hôm qua làm em chạnh lòng…

– Bà lại thương vay khóc mướn gì thế?

– Lần này em không dở hơi đâu, em thương và khóc cho mình đó anh. Bài báo nói về nỗi cô đơn của người gìa trong nursing home. Em sợ cô đơn và sợ… ma nữa, không dám ở trong nursing home một mình…

Chị Bông nài nỉ:

– Bất cứ ông già bà cả nào dù có nhà riêng, có tiền của trong tay cũng không thể tự chăm sóc bản thân mình khi gìa khi bệnh, con cháu thì có cuộc sống riêng và bận rộn riêng của chúng nó nên nursing home là mái nhà sau cùng cho tuổi gìa khi ta sức tàn lực cạn. Về gìa vợ chồng mình cùng vào nursing home anh nhé, hai vợ chồng sẽ ở chung một phòng…

– Trời! Tới lúc ấy bà cũng… chưa buông tha tôi hả?

Chị Bông vội vàng xuống giọng:

– Em hứa sẽ hay đổi tính nết, không… ngang tàng như bây giờ. Em sẽ không đòi để đèn sáng khi đi ngủ vì sợ ma, làm cho anh chói mắt bực mình và trằn trọc cả đêm, em sẽ không mở nhạc tình cảm êm dịu để ru em ngủ nhưng lại làm anh điếc tai và mất ngủ, em sẽ không…

Anh Bông có vẻ thương cảm ngần ngừ:

– Thôi đủ rồi, để tới lúc đó hãy tính, với lại lúc đó bà đã gìa khú đế, đã lú lẫn thì biết gì đèn sáng hay đèn tắt, biết gì nhạc tình cảm du dương nữa chứ…

Chị Bông hỏi tiếp:

– Thế còn chuyện… về bên kia thế giới anh có chịu nằm cạnh em không?

– Nhất định là không…

– Vậy em sẽ không đặt mua hai lô mộ phần gía rẻ, phải không?

– Nhất định là không.

Chị Bông khẽ thở dài, không vì trách chồng từ chối chung đôi nơi suối vàng mà vì… tiếc món hàng rẻ không được mua.

Chị tự an ủi là biết đâu sau này anh Bông sẽ cùng chị vào ở nursing home cho đỡ tủi cái thân gìa…

Chị ra ghế sofa ngồi. Chẳng biết làm gì, chị liền lấy tờ báo Việt ngữ nằm chơ vơ trên bàn ra đọc.

Một mục Cảm tạ đập ngay vào mắt chị Bông: ”Gia đình chúng tôi xin cảm tạ các chú bác họ hàng, các bạn hữu đã tiễn đưa linh cữu mẹ chúng tôi là bà qủa phụ Nguyễn thị Hoa Hòe đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang… “

Như vậy là người chồng đã mãn phần rồi, bây giờ đến lượt bà vợ.

Chị bỗng bâng khuâng và tò mò tự hỏi không biết bà Nguyễn Thị Hoa Hòe có từng là “hoa Cẩm Chướng” trong nhà không? Và ông chồng có là “hoa Cẩm Chướng” của đời bà không? Hai vợ chồng nhà này có bất đồng nhau không? Mỗi người sẽ yên nghỉ một cách hay họ vẫn kiên nhẫn nằm song song chung đôi hai mộ phần cho đẹp mặt với thiên hạ và vừa lòng con cháu ?

https://hongoccan2015.wordpress.com/2016/12/14/truyen-ngan-hoa-cam-chuong/

 

 

Vui cười

Một gã trẻ tuổi gặp một ông già. Đang huênh hoang muốn khoe trình độ mình hơn người, gã bèn rủ:

– Tôi với ông so kiến thức bằng cách đố nhau nhé!

Ông già đắn đo, gã bèn đặt thêm điều kiện:

– Nếu thắng ông được 10 đồng, nếu thua ông chỉ mất 1 đồng thôi!

– Nhất trí, anh đố trước đi.

– Thế tay nào lên vũ trụ đầu tiên?

Ông già không trả lời, lẳng lặng rút tờ 1 đồngtrả cho gã trẻ tuổi. Được thể, hắn hỏi tiếp:

– Thế ai phát minh ra định luật bảo toàn khối lượng?

Chịu. Lại 1 tờ nữa.

– Thôi, anh đố nhiều rồi. Để tôi đố anh 1 câu được không?

– Đồng ý!

– Con gì lên đồi bằng 2 chân, còn xuống đồi bằng 3 chân?

Sau một hồi lâu suy nghĩ, gã thanh niên quyết định rút tờ 10 đồng ra, đưa cho đối thủ và hỏi lại:

– Không biết! Thế con gì đấy hả ông?

Ông già lẳng lặng rút tiếp tờ 1 đồng đưa cho gã trẻ.