Hai bài viết với lập trường khác nhau về TT Trump nhân đại dịch bệnh Coronavirus

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hai bài viết với lập trường khác nhau về TT Trump nhân đại dịch bệnh Coronavirus

Hai bài viết với lập trường khác nhau về TT Trump nhân đại dịch bệnh Coronavirus. Bài viết không phản ảnh quan điểm của website TÐV.
BBT

1/ Bài thứ 1: (Ủng hộ nhưng không cuồng Trump)
Coronavirus cho thấy vấn đề của chính quyền Trump tập trung vào thị truờng chứng khoán
Lê Mạnh Hùng


Hình minh họa

Có một lý do cho thấy tại sao hầu hết các vị tổng thống Mỹ đều dè dặt khi nói đến thị truờng chứng khóan. Và đó là điều mà tổng thống Trump bắt đầu cảm thấy vào tuần này. Đó là vì ông đang phải chịu ảnh hưởng của việc thị trường chứng khoán đi xuống sau ba năm khoe khoang rằng sự gia tăng trị giá của thị trường chứng khóan là do tài quản lý kinh tế tài giỏi đặc biệt của ông và đưa nó vào trọng tâm của nghị trình tái tranh cử của ông vào tháng 11 này.

Hầu hết các tổng thống khác không khoe khoang khi thị trường chứng khoán đi lên vì họ biết sự lên này rất mong manh và thật sự họ không có khả năng ảnh hưởng đến giá cổ phần bao nhiêu cũng như là giá cổ phần có thể đột nhiên lên hoặc xuống vì những lý do ngoài tầm kiểm sóat của họ, và đôi khi không cần một lý do nào cả.

Cái giá phải trả, khi ta nhận việc tăng giá trong thị trường chứng khóan là công của mình, đến khi thị truờng tụt giá. Và giá phải trả càng cao khi chỉ số S&P500 giảm 7% kể từ lúc lên cao nhất vào thứ tư tuần trước, một phần là vì các tay mại bản tại Wall Street có vẻ bắt đầu nhận thức rằng sự lan truyền của dịch bệnh Covid-19 có thể tạo ra nhiều xáo trộn cho kinh tế toàn cầu.

Việc nổ ra một bệnh dịch mới tại Trung Quốc và việc nó lan truyền sang các quốc gia khác không phải là một cái gì mà ông Trump có thể cản trở được. Nhưng ngay cả khi các quan chức y tế công cộng bắt đầu báo động rằng Mỹ có thể cũng sẽ bị lây và nhiều người Mỹ có thể mắc bệnh, chính quyền Trump vẫn chỉ bỏ rất nhiều cố gắng để đẩy thị trường chứng khoán đi lên.

Chiều thứ hai, khi thị trường chứng khóan xuống 3.5%, ông Trump “tweet”:

“Thị trường chứng khóan bắt đầu trông có vẻ rất tốt đối với tôi!”

Thị truờng sau đó xuống thêm 3% vào thứ ba. Đến sáng thứ tư, ông Trump có vẻ như quy trách nhiệm cho các báo chí và truyền hình đã thổi phồng nguy cơ dịch bệnh và nói tình trạng nước Mỹ rất tốt. Nếu việc đổ cồ phần ra bán tiếp tục, nó có thể xói mòn và làm sập một cột trụ then chốt trong nghị trình tái cử của ông Trump. Và vấn đề này có thể không đặt ra nếu ông Trump không dùng thị trường chứng khóan như là thước đo bằng chứng thành công của ông.

Nguy hiểm ở đây không phải chỉ là vấn đề ông Trump có được tái cử hay không. Có nguy cơ rằng chính quyền ông Trump quá tập trung vào thị truờng chứng khóan làm họ bỏ bê trách nhiệm lớn hơn: tìm cách bảo vệ dân chúng Mỹ chống lại sự lan truyền của dịch bệnh và những mất mát về nhân mạng đi theo một trận dịch toàn cầu.

Trong tình trạng bình thường, ngay cả các quan chức kinh tế, không biết gì về vấn đề phòng bệnh chữa bệnh cũng sẽ phải bỏ thời gian để tìm hiểu ngành họat động kinh tế nào bị ảnh hưởng nhất và nghiên cứu chính phủ có thể làm những gì để giúp vượt qua những chướng ngại về xáo trộn đường dây cung cấp cũng như những hệ quả kinh tế của bệnh dịch.

Thế nhưng vào chiều thứ ba, cố vấn kinh tế chính của tòa Bạch Ốc, ông Larry Kudlow trả lời trên CNBC chỉ tập trung vào việc nói làm sao cho thị truờng khỏi đi xuống thêm nữa. Ông nói:

“Cái chuyện con siêu vi này sẽ không nói dài mãi. Đối với tôi, nếu bạn là một nhà đầu tư, và bạn có một cái nhìn dài hạn, tôi khuyên là nên nhìn một cách nghiêm túc vào thị trường, và thị trường nay rẻ hơn nhiều so với cách đây một hai tuần.”

Sau đó ông tiếp tục chỉ trích những e sợ rằng bệnh dịch sẽ lan truyền và tạo ra những thiệt hại quan trọng cho kinh tế Hoa Kỳ là sai lầm. Ông nói:
“Chúng ta đã chặn được nó, tôi không nói là hoàn toàn, nhưng cũng gần như là hoàn toàn.”

Và điều đó hoàn toàn ngược lại với những gì một quan chức của cơ quan phụ trách chống dịch bệnh CDC nói trong cùng một buổi chiều. Bác sỹ Nancy Messonnier, giám đốc Trung Tâm Quốc gia các Bệnh Hô Hấp và Miễn Nhiễm tuyên bố:

“Bây giờ không còn là một vấn đề có xảy ra hay không mà trở thành vấn đề lúc nào nó sẽ xảy ra. Chúng tôi kêu gọi dân chúng Mỹ hãy sửa sọan cho một tình trạng dự phóng là sẽ rất xấu”

Cố gắng đưa ra những luận điệu lạc quan cho thị trường rõ ràng là đi ngược lại với những gì mà các quan chức y tế công cộng coi như là cần thiết để giảm thiểu những thiệt hại về một trường hợp dịch bệnh toàn cầu khả dĩ.

Một vấn đề khác rộng lớn hơn là vấn đề tính khả tín của chính quyền. Trong cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu, cả tòa Bạch Ốc và bộ Tài Chánh đều biết rõ rằng nếu họ tỏ ra quá lạc quan trong những lời tuyện bố về cuộc khủng hoảng, thì chúng có thể xói mòn tính khả tín của của họ khiến cho người ta có cảm tưởng rằng họ không coi nguy cơ đó là quan trọng đủ. Và sau đó dù họ làm gì cũng bị người ta nghi ngờ.

Nguy cơ đối với nước Mỹ là chính quyền Trump có thể, vì năm nay là một năm bầu cử và vì bản tính của ông tổng thống là muốn tự khoe mình, có thể làm một cái gì khiến cho chính quyền mất hết niềm tin của quần chúng.

Lê Mạnh Hùng
Feb 2020  

2/ Bài của Nguyễn Lương: (Không thích Trump)

Ông Trump là một con buôn lên ngôi, may mắn thừa hưởng một nền kinh tến vững mạnh từ 8 năm Obama để lại . Chiến phí khổng lồ  ở Trung Đông dần giảm bớt và Mỹ bỏ chạy, lui về quá khứ thời chủ trương không can thiệp. Bên trong, bên ngoài bình yên, nền kinh tế trong 3 năm qua cứ thế mà tăng lên, không có điểm dừng. Ông chỉ chơi một cú liều là thương chiến với Tàu, nhưng rồi rút lại vì thấy khó nuốt quá do thiệt hại chính là dân Mỹ nghèo gánh chịu phần lớn. Ông vẫn tự hào và bơm bong bóng thổi cho công trạng mình lên đỉnh và tự nhận là vĩ nhân khi đưa Dow Jones lên gần 30 ngàn điểm.

Nhưng cái bong bóng ông tự bơm lên đấy nay chưa gì đã xẹp bởi con Virus Vũ Hán. Ông lo sốt vó vì từ nay đến ngày bầu cử không còn gì để tự ca tụng mình là vĩ nhân, là người quá tài giỏi đã làm nên kỳ tích.

Ông không nghĩ đến sức khỏe và mạng sống người dân mà chỉ nghĩ đến con số chứng khoán chỉ trong 4 ngày mất gần 4000 điểm, và sẽ còn mất nữa. Kinh tế thế giới trong hơn 10 năm qua phồn thịnh nay rơi vào suy thoái và không có đường thoát. Rơi không phanh, rơi tự do, rơi trở lại thời suy thoái của Bush con trước khi Obama chấp chánh. Không hiểu sao bao nhiêu vấn nạn trên nước Mỹ này đều bắt đầu từ những ngày đảng CH cầm quyền. Bush Cha khơi mào chiến tranh Trung Đông. Bush con sa lầy. Nay đến lược Trump phải “chiến đấu” với con virus đến từ Tàu. Nhiều người cứ tưởng ông Trump lên làm TT sẽ đánh cho Tàu tơi tả. Hãy chờ đấy, trong 3 tháng nữa thôi khi hàng Tàu không bán qua Mỹ vì ngưng sản xuất, ai sẽ thiệt hại.

Trong 3 năm qua, thành quả duy nhất ông Trump nghĩ mình làm được là cắt giảm thuế cho giới nhà giàu, tăng chi phí quốc phòng lên cao, cả hai cộng lại, gây thâm thủng ngân sách lên trên 1 ngàn tỉ đô trong năm nay và sẽ lên 2 ngàn tỉ trong vài năm tới. Thất nghiệp tiếp tục giảm kỷ lục vì ông lấy tiền thuế của dân tăng ngân sách và xây dựng quốc phòng, tạo nhiều công ăn việc làm cho các hãng sản xuất vũ khí. Kinh tế mạnh, thất nghiệp ở con số thấp nhất, mà không có lạm phát là nhờ hàng Tàu rẻ rót vào thị trường Mỹ, bán như cho, nên mãi lực đồng dollar vẫn cao. Ông áp lực Fed giảm lãi xuất tối đa để bơm thêm tiền rẻ cho thị trường thêm năng động và tạo phồn vinh giả tạo. Ông đi đâu cũng tự ca ngợi mình là Thánh. Dân ủng hộ luôn khen ông là một nhà có tài kinh bang tế thế.

Nay, khủng hoảng đến nơi, chờ xem ông lấy gì và làm gì để giải quyết các vấn nạn kinh tế. Đây là viễn ảnh những gì sẽ có thể xảy ra trong 6 tháng tới nếu nạn dịch tiếp tục hoành hành:

– Sản xuất ở Mỹ ngưng trệ vì không có đủ những nguyên vật liệu đến từ Tàu. Từ hóa chất chính cho sản xuất thuốc men, đến cái đinh, con ốc và những bộ phận điện tử rời…tất cả không nhập vào được vì bên Tàu và các nước Đông Á đã ngưng sản xuất do dịch cúm. Thất nghiệp sẽ bắt đầu áp lực.

– Lạm phát sẽ tăng vì hàng tiêu thụ bán ở các chợ Waltmart, KMart không còn đủ cho dân Mỹ tiêu dùng.

– Để kích cầu, lãi xuất đã xuống qúa thấp, không còn chỗ để hạ thấp hơn, nên Fed cũng đành bó tay.

– Sản phẩm chất lượng cao và hàng nông sản Mỹ sản xuất không có nơi tiêu thụ được vì các nước mùa hàng Mỹ đang bị kiệt quệ vì dịch cúm.

– Giá dầu thô xuống thấp, các hãng sản xuất thấy không lời nên ngưng và thất nghiệp ở các vùng sản xuất và lọc dầu sẽ gia tăng như Houston, Oklahoma. Sinh viên ra trường không có việc làm. Gánh nặng y tế để bảo vệ sức khỏe dân lên cao, nhiều công ty sẽ phá sản và tiền hưu bỗng cho những người đủ tuổi về hưu không còn đủ để chi phí.

– Người dân đang mất niềm tin về tài lãnh đạo khi kinh tế bị rơi vào khủng hoảng. Nay mọi người đang chờ sự “sáng suốt” của con buôn bất động sản Trump, người đã khai phá sản 9 lần, sẽ làm gì. Nhưng với nước Mỹ, phá sản là toàn dân gánh  chịu chứ đâu phải chỉ có riêng gia đình ông. Trump sẽ không còn gì để khoe nữa thì lấy đâu để người tin ông tiếp tục ủng hộ ông và bầu tiếp cho ông vào tháng 11. Nếu thực sự ông có tài như ông vẫn thường khoe, đây là lúc ông chứng tỏ tài năng đấy, và người dân Mỹ đang mong chờ.

“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả” như trong 3 năm qua thì “người anh hùng” Trump sẽ không ai biết thật sự ông có tài gì.

Đây là cơ hội để hào kiệt Trump cho mọi người thấy, cho những người ủng hộ ông còn ngẩng mặt cười với thiên hạ, rằng họ không chọn lầm người và ông thật sự là người có tài, tài thật, để cứu đất nước và thế giới này chứ không phải chỉ ngoa ngôn.

Giờ thì cơ hội đến rồi, ông ra tay đi. Còn không, thì nghe dân hát bài:

“Anh về là phải anh ơi
Về bây giờ để còn đời nhớ anh”

NL