Tin Biển Đông – 25/02/2020
Tàu sân bay Mỹ dự kiến thăm Việt Nam
lần hai vào đầu tháng 3 tới
Một tàu sân bay Mỹ dự kiến sẽ ghé thăm thành phố Đà Nẵng của Việt Nam trong đầu tháng 3 tới, một nguồn tin ngoại giao phương Tây không muốn nêu danh tính cho VOA biết.
Hiện Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đang làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến thăm, và còn chờ quyết định cuối cùng từ phía nước chủ nhà, nguồn tin cho hay.
Chưa rõ tàu sân bay Mỹ sắp thực hiện chuyến thăm có tên và số hiệu là gì. Nếu hai nước đạt thỏa thuận, đây sẽ là lần thứ hai một tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam sau khi hai nước chấm dứt chiến tranh vào giữa thập niên 1970.
Cách đây gần 2 năm, tàu sân bay USS Carl Vinson đã có chuyến thăm “lịch sử” lần đầu tiên đến cảng Đà Nẵng kể từ năm 1975, kéo dài trong 4 ngày, từ 5 đến 9/3/2018.
Ở thời điểm đó, Thiếu tá Tim Hawkins, sỹ quan chuyên trách truyền thông của tàu USS Carl Vinson, nói với VOA rằng chuyến thăm đánh dấu một “cột mốc quan trọng” trong mối quan hệ Mỹ-Việt và cũng “thể hiện sự hậu thuẫn của Mỹ” đối với một Việt Nam độc lập, mạnh mẽ và phồn vinh.
Giới phân tích và quan sát cho rằng sự hiện diện của siêu chiếm hạm Mỹ đầy uy lực ở cảng của Việt Nam trong vùng Biển Đông có nhiều tranh chấp là một tín hiệu gửi tới Trung Quốc.
Đưa ra nhận xét chung về hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực, Thiếu tá Tim Hawkins nói với báo chí quốc tế khi tàu USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng rằng Hải quân Mỹ đã thường xuyên hoạt động ở Thái Bình Dương, “giúp duy trì hòa bình trong hơn 70 năm qua”.
“Chúng tôi hoạt động trong khu vực để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi, duy trì ổn định khu vực và duy trì sự rộng mở của các tuyến hàng hải quan trọng cho sự thịnh vượng toàn cầu”, viên thiếu tá Hải quân Mỹ nói thêm.
Dự kiến khi tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam lần thứ hai tại cảng Đà Nẵng, cũng sẽ diễn ra các hoạt động tương tự như khi tàu USS Carl Vinson đến, bao gồm các cuộc gặp gỡ, huấn luyện chung giữa các quân nhân hai nước, và các hoạt động giúp đỡ cộng đồng, giao lưu văn hóa giữa thủy thủ đoàn với người dân địa phương.
Theo mô tả của báo chí trong nước, người dân Đà Nẵng nói riêng và người Việt Nam nói chung rất hào hứng và có ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson hồi đầu năm 2018.
Tháng 4/2019, ông Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ chuyên trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được báo chí dẫn lời cho hay rằng tiếp sau chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson, Mỹ “hy vọng có thể đạt được thỏa thuận” với Việt Nam về tàu sân bay thứ hai đến thăm trong cuối năm 2019.
Tuy nhiên, theo VOA được biết, do có bão lớn ở Biển Đông, một kế hoạch điều tàu hải quân Mỹ thăm Việt Nam vào tháng 11/2019 đã bị hủy.
Hiện chưa rõ tình hình dịch virus corona đang lây lan ở nhiều nước sẽ ảnh hưởng ra sao đối với việc Mỹ dự kiến đưa tàu sân bay thăm Việt Nam vào tháng 3 tới. Hà Nội luôn khẳng định vẫn đang kiểm soát tốt dịch, không có ca nhiễm mới và 16 ca nhiễm trước đây nay đều đã khỏi.
Sự thật về các “thành phố biển” và “điểm du lịch”
mà TQ tuyên bố sẽ xây dựng ở Biển Đông
Truyền thông nhà nước Trung Quốc như CCTV từng nhiều lần tuyên bố các hoạt động bồi đắp, cải tạo của nước này trên các đảo, đá ở Biển Đông là nhằm xây dựng những thực thể này trở thành các “thành phố biển” và “điểm du lịch” của khu vực. Tuy nhiên, thực tế những gì mà người dân các nước có thể nhận biết là việc Bắc Kinh đang tìm mọi cách để xây dựng các tiền đồn quân sự án ngữ ở Biển Đông.
“Điểm du lịch” trang bị bằng ụ pháo, tên lửa hay sân bay quân sự
Kênh CCTV khoe rằng Trung Quốc đã “phủ xanh” các đảo nhân tạo này để biến chúng thành các “điểm du lịch” hấp dẫn, thậm chí còn so sánh đảo quốc Maldives với đảo chính có diện tích chỉ 1,5 km2 mà với hơn 100.000 cư dân sinh sống, trong khi đá Chữ Thập có diện tích gấp đôi (2,8 km2, đường băng dài 3 km), đá Vành Khăn còn lớn hơn (5,6 km2), đá Xu Bi là 4,3 km2…
Thực tế từ chính những gì do Trung Quốc công bố và theo dõi của các nước đã cho thấy những hình ảnh tràn ngập là các khí tài, phương tiện quân sự mà chỉ dành cho sự chiếm đóng và chiến tranh. Tổ chức “Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á” (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS/Mỹ) công bố những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống vũ khí trên cả 7 đảo nhân tạo mà nước này xây đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trên đá Tư Nghĩa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, hình ảnh cho thấy các loại vũ khí bố trí trên pháo đài hình lục giác của cơ sở này là súng phòng không 76 mm, pháo đài bên phải có thể là hệ thống pháo cận chiến tầm gần. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy những cụm khí tài nhiều khả năng là súng chống máy bay và hệ thống pháo – tên lửa phòng thủ tầm gần (CIWS) có thể chống tên lửa hành trình và máy bay. Tương tự trên đá Gạc Ma, Trung Quốc đã lắp đặt hơn 20 tổ hợp súng pháo hiện đại đã và đang được lắp đặt trên những nóc, tầng nhà, gồm pháo hạm 76 mm trên nóc các nhà thấp tầng; pháo phòng không AK-176 trên các tầng cao và các ụ pháo pháo phòng không cỡ nhỏ đặt san sát ngoài lan can khu nhà trung tâm cao 8 tầng. Trên nhiều thực thể, Trung Quốc còn triển khai các máy bay chiến đấu như J-10, J-11, H-6K, JH-7 và hệ thống tên lửa chống hạm YJ-62, tên lửa phòng không HQ-9. Mới đây, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang lắp đặt trái phép một trạm radar mảng pha cao tần trên đá Châu Viên, một trong những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp nằm ở khu vực trung tâm phía nam Biển Đông. Loại radar kiểu này được cho là có thể phát hiện máy bay và tàu thuyền từ khoảng cách xa vượt đường chân trời và trên lý thuyết có khả năng phát hiện một số máy bay tàng hình trong một số trường hợp nhất định.
Thực chất TQ đang tìm mọi cách để xây dựng các tiền đồn quân sự, chiếm đóng và kiểm soát Biển Đông
Theo giới quan sát, rõ ràng mục đích sâu xa từ những hoạt động triển khai, bố trí trang bị vũ khí của Trung Quốc ở các hòn đảo, bãi đá chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông là nhằm hiện thực hóa mưu đồ khống chế tiến tới độc chiếm Biển Đông. Đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông nhằm giành ưu thế vượt trội, Trung Quốc đã leo lên nấc thang mới nguy hiểm, sẵn sàng dùng vũ lực để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Những hành động gây hấn liên tiếp gia tăng căng thẳng cũng như ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã bị dư luận thế giới vạch rõ và lên án.Những hành động gần đây cho thấy, Trung Quốc đang thể hiện ý định nâng cao an ninh của họ bằng cách cạnh tranh với các bên yêu sách khác về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kiểm soát đối với Biển Đông. Theo giới quan sát, Trung Quốc đã hợp nhất các mục tiêu chiến lược gồm hợp tác khu vực, hợp tác tài nguyên sang cạnh tranh về chủ quyền và an ninh. Trung Quốc đã “phớt lờ” lợi ích của các nước khác.
Việc Trung Quốc chiếm đóng, rồi quân sự hoá một cách bất hợp pháp một số đảo đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa mới chính là một trong những nguyên nhân đe doạ hoà bình và ổn định tại Biển Đông và trong khu vực. Những hành động gây hấn liên tiếp gia tăng căng thẳng cũng như ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã bị dư luận thế giới vạch rõ và lên án.