Tin Việt Nam – 24/02/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/02/2020

Covid-19: Việt Nam thật sự đã khống chế được dịch?

Thanh Phương

Theo tin báo chí trong nước, tính đến ngày 21/02/2020, trên tổng số 16 bệnh nhân lây nhiễm virus corona mới Covid-19, 15 người đã khỏi bệnh và được xuất viện, chỉ còn một bệnh nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh nhân thứ 16 này cũng có thể sẽ xuất viện trong vài ngày tới, sau khi hôm 23/02, giám đốc Sở Y Tế Vĩnh Phúc thông báo với báo chí là người này đã cho kết quả âm tính lần đầu tiên. Như vậy, nếu trong những ngày tới ở Việt Nam không phát hiện một trường hợp lây nhiễm nào mới, phải chăng là Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch?

Sau khi bị chỉ trích là phản ứng chậm trước nguy cơ dịch bệnh cho virus corona mới gây ra, chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp mạnh. Ngay từ ngày 01/02, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết công bố dịch virus corona ở Việt Nam, thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục hô hào « chống dịch như chống giặc ».

Theo lời thứ trưởng bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long, được tờ Tuổi Trẻ trích dẫn ngày 22/02, Việt Nam đã sử dụng những biện pháp « chưa có tiền lệ » để phòng chống dịch Covid-19 : Cách ly đủ 14 ngày với những người nghi nhiễm, những người đến hoặc đi qua vùng dịch, thậm chí xem toàn bộ những người từ Hồ Bắc (Trung Quốc) đến Việt Nam là những người bệnh, phải bị cách ly.

Tuy không đóng cửa toàn biên giới với Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã tạm ngưng các chuyến bay giữa Việt Nam với Trung Quốc, tạm ngưng cấp visa cho du khách Trung Quốc. Việt Nam cũng đã là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc cách ly cả một xã hơn 10 ngàn dân tại tỉnh Vĩnh Phúc kể từ ngày 14/02, với thời gian cách ly dự kiến là 20 ngày. Lo ngại dịch bệnh lan rộng, Việt Nam cũng đã chuẩn bị nhiều bệnh viện dã chiến ở nhiều nơi.

Cho tới nay, tuy là quốc gia có đường biên giới dài với Trung Quốc, tiếp nhận rất nhiều du khách Trung Quốc và làm ăn buôn bán rất nhiều với láng giềng phương Bắc này, Việt Nam chỉ thông báo có 4 tỉnh thành có bệnh nhân là Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Sài Gòn.

Theo quy định hiện hành ở Việt Nam, địa phương có thể công bố khống chế dịch sau 28 ngày kể từ khi ngành y tế quản lý được nguồn lây nhiễm, tính từ khi bệnh nhân cuối cùng được cách ly tại bệnh viện. Như thế, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Sài Gòn là ba nơi được xem là hội đủ điều kiện để công bố hết dịch. Trước mắt, tỉnh Thanh Hóa, nơi có một ca bệnh được phát hiện ngày 24/01 và đã khỏi bệnh ngày 03/02, đang xin phép chính phủ cho công bố hết dịch.

Trước hết, chúng ta hãy xem các bệnh nhân ở Việt Nam được điều trị như thế nào, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng I, Sài Gòn, giải thích:

« Thật ra phương pháp điều trị viêm phỗi do virus là phương pháp rất là kinh điển, bởi vì virus corona là virus chưa có thuốc đặc trị chính thống. Ở Việt Nam, bệnh nhân nhẹ thì mình điều trị triệu chứng và bệnh nhân nặng thì mình hỗ trợ hô hấp và dùng thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm. Thứ ba là mình phải điều trị các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh lý về phổi mãn tính, để giữ cho những bệnh nền đó không bị nặng thêm trong thời gian trong thời gian họ bị nhiễm virus Covid-19. Phác đồ điều trị ở Việt Nam hiện là như vậy, chứ chưa có sử dụng loại thuốc kháng virus nào đặc biệt cả ».

Như vậy, Việt Nam dùng những phương pháp xét nghiệm nào để có thể khẳng định là các bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi ? Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết :

« Thật ra xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (Realtime Polymerase chain reaction)không phải là phương pháp gì mới lạ, bởi vì nguyên tắc chung của phương pháp xét nghiệm đó là chúng ra chỉ cần sử dụng một cái mồi đặc hiệu cho con virus, thì chúng ta có thể xét nghiệm được các bệnh tương đương. Quan trọng là cái mồi, chứ còn các máy xét nghiệm thì nơi nào cũng có hết. Xét nghiệm bằng phương pháp PCR thì độ dương tính thật và âm tính thật của nó rất cao, còn tỷ lệ dương tính « giả » hay âm tính « giả » thì rất thấp.

Về tiêu chuẩn xuất viện của Việt Nam thì đây là một loại virus mới, mình cũng không nghiên cứu được là sau bao lâu mình có thể phết vào cái họng âm tính, rồi sau bao lâu dù là dương tính nhưng vẫn không lây. Những bệnh khác thì mình đã nghiên cứu rồi, ví dụ như cúm, sởi, dù là phết dương, nhưng vẫn không lây được, tại vì nồng độ quá thấp.

Còn đây là virus mới, thành ra Việt Nam quyết định là muốn cho bệnh nhân xuất viện thì phải có hai điều kiện : Thứ nhất là sự an toàn cho bệnh nhân, tức là bệnh nhân đó thật sự khỏi bệnh, kết quả các xét nghiệm phải trở lại chỉ số bình thường, dù là có các bệnh nền thì cũng phải chữa cho xong. Thứ hai là bệnh nhân đó phải trở lại cộng đồng một cách an toàn.

Cho nên ở Việt Nam, người ta dùng phương pháp PCR : phết hai lần cách nhau một ngày và khi phết thì bệnh nhân không được làm cái gì có thể làm sai lệch các kết quả, ví dụ như trước khi phết thì lại súc miệng bằng dung dịch sát trùng thì sẽ cho kết quả không đúng. Thành ra phải nghiêm ngặt về điều đó. Nếu phết hai lần cách nhau một ngày mà đều cho kết quả âm tính thì mới có thể xem là bệnh nhân này không có khả năng lây bệnh. Nếu một trong hai lần đó mà dương tính thì bắt buộc phải làm lại từ đầu.»

Nhưng trong bối cảnh mà dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành ở Trung Quốc và ngày càng lan rộng ra thế giới, hãy còn quá sớm để khẳng định là Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh này. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng tỏ ra thận trọng:

« Ở Việt Nam kể từ khi bệnh nhân cuối cùng mắc bệnh tới bây giờ đã khá là lâu rồi, mà bệnh nhân mới thì không có và mình vẫn tiếp tục cách ly những đối tượng nghi ngờ để làm sao không có ca mới xâm

nhập ra ngoài, thì khả năng khống chế bệnh là tốt. Còn nói Việt Nam là nước đầu tiên khống chế dịch, thì có thể nói là cho tới lúc này thôi, chứ còn luồng du nhập vẫn tiếp tục đi vào thì chắc chắn là phải tiếp tục ngăn ngừa đối với những người từ nước ngoài trở về, chứ còn lây trong nội tại Việt Nam hiện nay khống chế được rồi.

Theo tôi, vẫn phải tiếp tục phòng chống dịch cho tới khi nào Trung Quốc và các nước khác có giao thương với Việt Nam cùng hết dịch bệnh, cho tới khi nào toàn thế giới tuyên bố không còn ca bệnh nữa. Điều này có lẽ bất cứ nước nào cũng phải làm như vậy thôi, chứ không riêng gì Việt Nam ».

Có thể nói Việt Nam hiện đang chịu hai áp lực cùng một lúc, một mặt phải thi hành các biện pháp chặt chẽ để phòng chống dịch, nhưng mặt khác phải làm sao giảm thiểu tác hại của dịch bệnh đối với thương mại và kinh tế, nhất là kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Chính áp lực thứ hai khiến Việt Nam không thể nào đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc như một số nước khác, mà phải cho thông quan các cửa khẩu ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai để giải tỏa hàng trăm xe nông sản, hàng hóa đang kẹt ở biên giới.

Vấn đề là ngoài Trung Quốc, Việt Nam nay lại có thêm một mối quan ngại khác, đó là Hàn Quốc, quốc gia vừa được đặt trong tình trạng báo động tối đa cao, sau khi có hơn 760 người bị lây nhiễm Covid-19, và tổng cộng 7 người chết vì dịch bệnh này (đứng hàng thứ hai về số bệnh nhân và số tử vong chỉ sau

Trung Quốc), mà Hàn Quốc cũng là một quốc gia giao thương rất nhiều với Việt Nam và cũng là nơi có đến 48 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc, trong đó có 4.000 người ở Deagu và Gyeongbuk, hai ổ dịch Covid-19 ở Hàn Quốc.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chưa xem Hàn Quốc là vùng dịch giống như Trung Quốc, nhưng theo báo chí trong nước, chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị phải cách ly những người Hàn Quốc đến từ những vùng có dịch, cũng như cách ly tập trung 14 ngày đối với những người Việt Nam từ vùng dịch của Hàn Quốc trở về Hà Nội.

Ngày 23/02, Sở Y Tế TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản kiến nghị bộ Y Tế cho phép áp dụng khai báo y tế đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc hoặc đi qua Hàn Quốc, đồng thời hướng dẫn việc cách ly kiểm dịch đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc hoặc đi qua Hàn Quốc.

Hiện giờ, bộ Giao Thông Việt Nam chưa quyết định tạm ngưng các chuyến bay giữa Việt Nam với Hàn Quốc, theo lời thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói với Thông tấn xã Việt Nam hôm 23/02, nhưng có lẽ không thể loại khả năng này nếu tình hình dịch Covid -19 ở Hàn Quốc trở nên trầm trọng hơn. Dầu sao, cũng theo lời ông Lê Anh Tuấn, do mối lo ngại dịch bệnh, hiện tại giao thông hàng không giữa hai nước đã bị giảm chung khoảng 65% và hiện giờ các chuyến bay từ Việt Nam chỉ chở khách trả về Hàn Quốc.

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200224-covid-19-viet-nam-co-that-su-da-khong-che-duoc-dich

 

Việt Nam tăng cường kiểm soát

người đến từ Hàn Quốc vì dịch bệnh COVID – 19

Trước tình hình dịch bệnh COVID – 19 diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, Bộ Y tế Việt Nam hôm 23/2 đã yêu cầu tất cả những hành khách đến Việt Nam đều phải khai báo tình hình sức khỏe. Những người có các triệu chứng bao gồm sốt, ho, khó thở phải bị cách ly 14 ngày.

Giới chức y tế Đà Nẵng cho báo chí biết thành phố đang cách ly toàn bộ hành khách là 80 người bao gồm 20 người Hàn Quốc và 60 người Việt từ thành phố Daegu về hôm 24/2. Ngoài ra, Sở Y tế thành phố cho biết còn có 3 người Việt Nam khác đang được cách ly tại bệnh viện Phổi ở thành phố.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng có kế hoạch kiểm tra và cách ly toàn bộ những khách Hàn Quốc nào có triệu chứng giống với người nhiễm COVID – 19.

Hôm 23/2, TP. HCM đã tiếp nhận 38 người Việt Nam về từ Trung Quốc. Tất cả đều đã được cách ly.

Truyền thông trong nước hôm 24/2 cho biết Hà Nội hiện đang cách ly 4 người về từ Hàn Quốc.  Trong số này có hai người về từ thành phố Daegu, nơi phát sinh dịch bệnh ở Hàn Quốc. 2 trường hợp khác là một du học sinh từ Hàn Quốc về và tài xế đón người này từ sân bay Nội Bài. Đây là du học sinh về nước từ tỉnh Bắc Gyeongsang – nơi dịch bệnh đang bùng phát. Hiện du học sinh này đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Hà Nội cũng có chỉ đạo cách ly 14 ngày tại nơi cư trú đối với toàn bộ du khách Hàn Quốc đến Hà Nội từ 2 vùng có dịch là Daegu và Bắc Gyeongsang.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-cities-monitor-south-korea-arrivals-for-coronavirus-02242020075304.html

 

Dịch COVID – 19: Việt Nam chuẩn bị kế hoạch

đón 20.000 lao động từ vùng dịch về nước

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) hôm 24/2 cho biết bộ này đang lên kế hoạch ứng phó, hỗ trợ khoảng 20.000 lao động Việt Nam tại các nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19 về nước. Truyền thông trong nước loan tin vào cùng ngày.

Theo Bộ LĐTB&XH, những lao động này hiện ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những nước đang có những diễn biến phức tạp về dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án hỗ trợ lao động Việt Nam tại ba quốc gia vừa nói về nước, cách ly, chữa bệnh, đồng thời có phương án cách ly cho lao động nước ngoài.

Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất phương án hỗ trợ cho các trường hợp dưới 1.000 người, từ 1.000 đến 5.000 người và từ 5.000 đến 20.000 người.

Truyền thông trong nước hôm 24/2 trích thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, riêng tại thành phố  Daegu – tâm dịch là hơn 8.000 người.  Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân, sẵn sang tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho báo chí trong nước biết cho đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp người Việt Nam nào tại Hàn Quốc bị nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID – 19.

Thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hàn  Quốc tính đến chiều ngày 24/2 cho thấy số ca nhiễm COVID – 19 tại nước này là 833 ca với 7 ca tử vong. Hàn Quốc hiện được coi là ổ dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc đại lục. Thành phố Daegu là nơi dịch bệnh bùng phát.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-vietnam-plans-to-bring-back-20000-laborers-from-affected-areas-02242020074810.html

 

Huế: Nữ sinh tử vong có kết quả âm tính

với COVID-19 ở Viện Pasteur Nha Trang

Sáng 24-2-2020, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thừa Thiên- Huế họp báo cho hay, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang đối với mẫu bệnh phẩm của nữ sinh lớp 12 tử vong hôm 21-2 là âm tính với virus Corona chủng mới xuất phát từ Vũ Hán.

Theo kết quả xét nghiệm được báo chí đăng tải, mẫu dịch ngoáy họng của cô T.H.X.N được lấy 6 giờ sau khi bệnh nhân qua đời hôm 21-2, đến 8 giờ sáng 23-2 Viện Pasteur Nha Trang nhận mẫu và có kết quả 4 giờ sau đó.

Bệnh viện Trung ương Huế xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của nữ sinh vào hôm 21-2 và cũng cho ra kết quả âm tính với COVID-19.

Mạng báo Thanh niên dẫn lời bác sĩ Nguyễn Hoài An, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, nhân viên của trung tâm đã đến hiện trường khám nghiệm tử thi ngay ngày hôm đó và cho kết quả bệnh nhân chết do viêm não, nhưng không được phát hiện để chữa trị kịp thời.

Các triệu chứng bệnh dẫn đến tử vong hoàn toàn khác xa với các triệu chứng của bệnh cúm nói chung và dịch COVID-19. Với trách nhiệm của người làm công tác pháp y, tôi xin khẳng định cái chết của bệnh nhân không liên quan gì đến dịch COVID-19” – bác sĩ Nguyễn Hoài An nói trong buổi họp báo.

Trước đó, vào tối 21-2, báo chí trong nước thông tin cho hay nữ sinh lớp 12 ở Thừa Thiên – Huế vừa tử vong sau 1 tuần có các biểu hiện của viêm đường hô hấp như khó thở, ho, sốt và dẫn lời từ cơ quan chức năng khẳng định bệnh nhân chết do bệnh lý về não.

Mặc dù vậy, để đảm bảo chắc chắn cơ quan chức năng vẫn lấy mẫu bệnh phẩm của nữ sinh gửi đến Bệnh viện Trung ương Huế và Viện Pasteur Nha Trang đồng thời tẩy trùng, tiêu độc nhà của nữ sinh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/person-died-in-hue-confirmed-negative-to-covid-19-02242020075707.html

 

Bệnh nhân thứ 16 nhiễm COVID-19 ở Việt Nam

có xét nghiệm âm tính

Bệnh nhân thứ 16 và cũng là bệnh nhân cuối cùng ở Việt Nam hiện được công bố nhiễm COVID-19 đang điều trị tại Vĩnh Phúc đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu tiên.

Đó là thông tin do ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho báo giới trong nước biết vào hôm 24/2.

Theo đó, ông NVV được nói là bệnh nhân nhiễm COVID-19 cuối cùng được điều trị ở Việt Nam. 15 trường hợp trước được được xác định đã chữa trị thành công và được xuất viện.

Bệnh nhân NVV là bố ruột đã ở cùng nhà với bệnh nhân NTD, một trong tám người được báo cáo đã đi từ Vũ Hán về nước trước đó. Mẹ và em gái của NTD cũng bị xác định nhiễm COVID-19 và đã được điều trị tại cơ sở y tế.

Báo trong nước cho biết ông NVV đã bị cách ly sau khi vợ và các con bị xác định nhiễm bệnh, tuy nhiên đến ngày 11/2 ông này mới có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Kết quả xét nghiệm do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết ông ngày bị nhiễm COVID-19.

Ông V hiện đang được điều trị tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và đang được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lần 2.

Trước đó vào ngày 20/2, mẹ và em gái của bệnh nhân NTD được nói đã khỏi bệnh và chuyển sang khu vực điều trị tích cực sau nhiều lần kết quả xét nghiệm cho âm tính với COVID-19.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-16th-patient-infected-with-covid-19-in-vietnam-had-a-negative-test-02242020080152.html

 

Học sinh quay lại trường từ ngày 2 tháng 3?

Bộ Giáo Dục và Đào Tạo vừa có công văn gửi các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Báo trong nước đưa tin hôm 24 tháng 2.

Theo đó, thời gian bắt đầu đi học trở lại sẽ là ngày 2 tháng 3 năm 2020; kết thúc năm học trước ngày 30 tháng 6 năm 2020; thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 7 năm 2020.

Học sinh các tỉnh thành của Việt Nam đã nghỉ học kéo dài sau Tết vì dịch bệnh COVID – 19.

Cũng theo công văn này, sở dĩ cho học sinh đi học trở lại là do nhà trường đã thực hiện việc vệ sinh, tẩy trùng trường lớp, học sinh đã được hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh bên cạnh việc tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.

VietNamNet dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học rằng, “Bộ GD-ĐT chỉ đề ra khung chung, có điểm đầu và điểm cuối, còn việc xây dựng kế hoạch cụ thể do địa phương quyết định. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định thời gian nghỉ học và thời gian kéo dài năm học trong trường hợp đặc biệt”.

Tuy nhiên, trong phiên họp Chính phủ vào chiều ngày 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hôm nay sẽ chưa chốt việc cho học sinh đi học trở lại vào 2/3 mà phải chờ đến ngày 27-28/2, xem tình hình dịch diễn biến, bùng phát ra sao mới đưa ra quyết định.

Hôm 20 tháng 2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản kiến nghị Chính phủ cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 3 do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, cần đảm bảo sự an toàn, sức khoẻ cho học sinh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/adjust-the-school-year-time-2019-2020-02242020083744.html

 

Dịch corona: Người Việt muốn học sinh vẫn nghỉ,

tạm dừng đón người Hàn

Trong cuộc họp của chính phủ Việt Nam hôm 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng hiện chính phủ “chưa chốt” việc cho học sinh đi học trở lại vào 2/3 mà phải chờ đến ngày 27-28/2, xem tình hình dịch virus corona diễn biến, bùng phát ra sao “mới đưa ra quyết định”.

Theo tường thuật của Tuổi Trẻ, Zing và các báo trong nước, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết tại cuộc họp rằng bộ của ông đề nghị các địa phương “xem xét, quyết định” cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ 2/3.

Đề nghị kể trên được đưa ra sau khi bộ đã phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương làm vệ sinh, khử trùng lớp học và “thực hiện nghiêm” các biện pháp phòng, chống dịch, ông Nhạ nói.

“Dịch diễn biến rất phức tạp nhưng không thể ngồi chờ đến khi nào hết dịch thì học sinh mới đi học lại”, ông Nhạ phát biểu, theo trích dẫn trên các báo.

Tuy nhiên, sau báo cáo của vị bộ trưởng giáo dục-đào tạo, Thủ tướng Phúc đề nghị “phải cân nhắc để đảm bảo an toàn” và nhấn mạnh “còn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh đến hết tuần này”, báo chí Việt Nam cho biết.

VOA quan sát thấy chỉ đạo của Thủ tướng Phúc cũng trùng hợp với kiến nghị của nhiều người Việt nêu lên qua mạng xã hội.

Họ cho rằng vẫn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến dịch virus corona chủng mới, đang diễn ra ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, vì vậy chưa nên mở cửa trở lại các trường học.

Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh có nhiều ảnh hưởng trên Facebook chia sẻ quan điểm của bà với VOA:

“Trong môi trường học sinh của Việt Nam, học sinh ngồi rất gần nhau cho nên chưa nên cho học sinh trở lại. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và rất nhanh cho nên tôi hoàn toàn không muốn các học sinh phải đi học vào thời điểm này. Tôi nghĩ rất nhiều bậc cha mẹ cũng tính như thế”.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy năm học 2019-2020, Việt Nam có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên.

Bà Hoài Anh bày tỏ lo ngại rằng trong bối cảnh còn nhiều bất trắc như hiện nay, dù chỉ một, hai ngôi trường có học sinh nhiễm virus cũng có thể ảnh hưởng đến cả một thành phố. Hoặc đáng sợ hơn, nếu xảy ra lây lan virus trong học sinh, dịch bệnh có thể nhanh chóng ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình, nữ doanh nhân có hàng trăm ngàn người theo dõi qua Facebook nói với VOA.

Trước cuộc họp của chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ký một văn bản hôm 20/2 kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên đến hết tháng 3.

Vị lãnh đạo của thành phố lớn nhất Việt Nam dẫn ra những quan ngại về dịch bệnh diễn biến “phức tạp, khó lường” và tiềm ẩn “nhiều nguy cơ” cũng như “chưa có dấu hiệu ổn định”.

Phó giáo sư-tiến sĩ Bùi Quang Vinh, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM, bày tỏ quan điểm ủng hộ kiến nghị của lãnh đạo thành phố trong một bài phỏng vấn với báo Phụ Nữ hôm 24/2.

Ông Vinh, người cũng là chuyên gia dịch tễ, chỉ ra rằng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy rõ rằng loại virus chết chóc có thể lây qua đường lây không khí.

“Đây là cơ chế lây lan nguy hiểm nhất”, phó giáo sư-tiến sĩ Bùi Quang Vinh nói với Phụ Nữ.

Theo chuyên gia này, hiện tại tình hình ở TP.HCM “đang tốt”, nhưng nếu giảm bớt công tác cách ly vào tháng 3, tức cho học sinh đi học lại, chỉ cần một trường hợp nhiễm virus nào đó xảy ra, hậu quả sẽ lâu dài.

“Nếu sắp tới tựu trường, cùng với hoạt động giao thông, giao thương, du lịch của một thành phố có đầy đủ cảng biển, cảng hàng không thì khả năng ‘vỡ trận’ khó tránh khỏi”, ông Vinh nói thêm.

Lúc này, theo quan sát của VOA, nhiều người Việt cũng đang đề nghị chính quyền xem xét các biện pháp “mạnh hơn” để đề phòng và ngăn chặn tình trạng lây lan virus từ Hàn Quốc sang Việt Nam, bao gồm cả tạm cấm nhập cảnh người Hàn Quốc.

Các hãng tin quốc tế cho biết tính đến 24/2, Hàn Quốc có 833 người dương tính với virus corona chủng mới, trong đó có 7 người đã chết.

Con số người lây nhiễm ở Hàn Quốc tăng theo cấp số nhân chỉ trong ít ngày sau khi một phụ nữ 61 tuổi bị quy là “người gây ra siêu lây lan” ở thành phố Daegu lớn thứ tư Hàn Quốc.

Người dân Việt Nam lo ngại về dịch bệnh lan sang từ Hàn Quốc do giữa hai nước có nhiều giao thương, giao lưu nhộn nhịp.

Số liệu từ Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết đến cuối năm 2018 có khoảng 150.000 người Hàn đang sinh sống tại Việt Nam. Trong khi đó, phía Việt Nam ước tính có hơn 200.000 người Việt sinh sống, học tập và làm việc ở Hàn Quốc, bao gồm hơn 50.000 người lao động.

Việt Nam là nước mà y tế hãy còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa có đủ. Ngay kể cả giường bệnh nhiều khi cũng không đủ cho những bệnh tật bình thường, chưa nói đến là bây giờ dịch bệnh như thế này.

Bà Lê Hoài Anh
Trong những tuần gần đây, nhiều người Hàn, Việt đi lại giữa hai nước để về quê hương đón năm mới hoặc đi du lịch. Giờ đây, việc đi lại của họ làm dấy lên mối lo cho người dân Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, Facebooker có gần 48.000 người theo dõi, viết trên trang cá nhân hôm 24/2 dẫn lại các tin quốc tế nói đã có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân Hàn Quốc.

Trên cơ sở đó, một mặt ông nêu đề xuất rằng hai chính phủ của Việt Nam và Hàn Quốc cần đạt thỏa thuận để đảm bảo quyền lợi và quan hệ hai nước êm đẹp, song mặt khác ông cũng nhấn mạnh rằng “đóng cửa các chuyến bay đến từ vùng dịch bệnh là điều bắt buộc”.

Nhà báo độc lập Lê Dũng Vova với hơn 130.000 theo dõi qua Facebook cũng có quan điểm là thủ tướng Việt Nam “cần xem cho dừng khách Hàn bay đến Việt Nam”. Theo Facebooker này, không nên “ham mấy đồng” của du khách để rồi có thể phải “lĩnh dịch bệnh” với thiệt hại gấp nhiều lần.

Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh cho VOA biết bà ủng hộ những lời kêu gọi như kể trên. Bà nói thêm rằng hệ thống y tế Việt Nam đang căng sức hoạt động rồi, vì vậy, phải cố gắng tránh có thêm rủi ro:

“Việt Nam là nước mà y tế hãy còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa có đủ. Ngay kể cả giường bệnh nhiều khi cũng không đủ cho những bệnh tật bình thường, chưa nói đến là bây giờ dịch bệnh như thế này. Rất nhiều người chưa có sự tin tưởng. Mức sống, trang thiết bị y tế và số giường bệnh của Việt Nam không đủ để đối phó với một đại dịch”.

Theo một bản tin trên cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam vào tối 24/2, Thủ tướng Phúc chỉ đạo tại cuộc họp mới đây rằng chính phủ của ông “kiên quyết nhưng bình tĩnh” trong chống dịch, cố gắng thực hiện mục tiêu kép là “vừa chống dịch tốt, vừa triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm hoạt động bình thường”.

“Không run sợ, không quá lo lắng, nhưng không được chủ quan”, thủ tướng của Việt Nam nói.

https://www.voatiengviet.com/a/corona-nguoi-viet-muon-hoc-sinh-van-nghi-tam-dung-don-nguoi-han/5301083.html

 

Bamboo Airways tạm ngưng các chuyến bay

tới Nam Hàn vì lo ngại coronavirus

Hãng hàng không Bamboo của Việt Nam vào ngày 24/2 cho biết sẽ tạm ngưng các chuyến bay đến Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 26/2 vì lo ngại về dịch bệnh do coronavirus gây ra. Reuters loan tin trong cùng ngày

Một phát ngôn nhân của Bamboo Airways nói với Reuters qua điện thoại, cho biết cụ thể các chuyến bay ngừng hoạt động xuất phát từ Đà Nẵng và Nha Trang đến Sân bay Quốc tế Incheon của Seoul.

Kế hoạch mở thêm đường bay từ Hà Nội đến Incheon của Bamboo Airways vào tháng 6 tới đây có thể cũng sẽ bị tạm ngưng.

Hàn Quốc là thị trường du lịch lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Trong năm 2019, Việt Nam đã đón 4,3 triệu lượt khách Hàn, tăng 23% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều là những ổ dịch COVID – 19 lớn. Số ca nhiễm virus COVID – 19 ở Trung Quốc hiện là hơn 77 ngàn người với hơn 2.500 ca tử vong. Tại Hàn Quốc số ca nhiễm được xác định hiện tại là hơn 830 người và 7 ca tử vong.

Từ đầu tháng 2, Việt Nam đã ngưng toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho báo chí trong nước biết các tần suất chuyến bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã giảm đáng kể trong thời gian dịch COVID – 19 bùng phát tại quốc gia này. Các hãng hàng không cho biết, nhiều hành khách chủ động hủy chuyến bay sau khi dịch bệnh bùng phát.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-bamboo-airways-to-suspend-all-flights-to-skorea-over-coronavirus-concerns-02242020074301.html

 

Toà án cộng sản tỉnh Khánh Hoà bác kháng cáo

 của vợ chồng luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải

Tin từ Nha Trang: Ngày 21/2, toà án cộng sản tỉnh Khánh Hoà đã bác kháng cáo của luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải và vợ là Ngô Tuyết Phương, giữ nguyên bản án đưa ra bởi toà án cộng sản thành phố Nha Trang trong vụ án “trốn thuế” trong giao dịch bất động sản năm 2016.

Ông Hải cho biết trong phiên toà phúc thẩm kéo dài nhiều ngày, chủ toạ phiên toà yêu cầu đại diện viện kiểm sát nhân dân và đại diện cơ quan giám định thuế không trả lời chất vấn của luật sư còn luật sư Nguyễn Văn Miếng nói toà không xét các ý kiến phân tích, mổ xẻ của các luật sư, và nhiều tình tiết của phiên toà không được thư ký ghi vào biên bản.

Phần bào chữa của các luật sư chỉ rõ không có sự vi phạm pháp luật vì người bán mảnh đất cho vợ chồng ông Hải không phải đóng thuế còn vợ chồng ông không liên quan đến việc nộp thuế của người bán mảnh đất cho vợ chồng ông. Tuy nhiên, ông Hải và vợ Hải phải thực hiện mức án 1 năm cải tạo không giam giữ và nộp phạt hành chính mỗi người 20 triệu đồng.

Nhiều người nhận định nhà cầm quyền Việt Nam muốn tước thẻ hành nghề luật sư của ông Hải, người từng bảo vệ nhiều người bất đồng chính kiến và tham gia nhiều vụ án dân sự nhạy cảm liên quan đến cướp đất đai của người dân ở nhiều địa phương. Ông Hải sẽ không được tham gia bào chữa cho cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, người bị bắt cóc ở Bangkok đầu năm nay và đang bị giam giữ để điều tra về cáo buộc kinh tế.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/toa-an-cong-san-tinh-khanh-hoa-bac-khang-cao-cua-vo-chong-luat-su-nhan-quyen-tran-vu-hai/

 

Một người Việt ở Mỹ

bị kết tội lừa đảo trên mạng hàng triệu đô la

Một người Việt tại Mỹ có tên Tuong Quoc Ho, 32 tuổi, vừa bị kết tội ăn trộm thông tin cá nhân trên mạng, lập các tài khoản giả mạo trên PayPal nhận tiền lên đến hơn 2 triệu đô la.

Thông cáo báo chí từ Văn phòng Công tố viên vùng Nam Indiana, Bộ Tư Pháp Mỹ cho biết thông tin này hôm 21/2/2020.

Theo thông cáo áo chí, Tuong Quoc Ho ở Carmel, tiểu bang Indiana và một số người khác ở nước ngoài đã ăn cắp thông tin cá nhân của hàng trăm người ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới qua mạng, và sử dụng các thông tin này để mở các tài khoản PayPal và eBay. Ho sau đó đã kết nối các tài khoản PayPal này với tài khoản cá nhân để nhận và chuyển tiền. Có khoảng hơn 500 tài khoản PayPal được mở có kết nối với các tài khoản ngân hàng của Ho.

Ho cũng bị buộc tội đã sử dụng các tài khoản eBay để quảng bá và bán nhiều mặt hàng được mua bằng các thẻ tín dụng sử dụng thông tin cá nhân bị đánh cắp từ hàng ngàn người. Tổng số tiền thu được từ việc bán hàng qua eBay của Ho được xác định là lên đến hơn 2 triệu đô la và được chuyển qua các tài khoản PayPal.

Ho đã gửi các khoản tiền này cho gia đình và bạn bè ở Việt Nam, đồng thời mua nhà cho mình ở Carmel.

Cơ quan Điều tra Liên bang FBI phối hợp với cảnh sát Carmel điều tra vụ án từ tháng 10 năm 2018.

Theo các công tố viên nhận thụ lý vụ án, Tuong Quoc Ho phải đối mặt với án tù lên đến 20 năm và 3 năm giám sát cùng mức phạt cao nhất là 250.000 đô la.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/american-vietnamese-indicted-for-using-paypal-and-ebay-to-gain-2-mil-dollars-by-fraud-02242020095239.html

 

Nghệ An bác bỏ ‘tin xuyên tạc’

về tượng Lenin ở thành phố Vinh

Tỉnh Nghệ An cho biết tượng Lenin cao 3 mét đúc ở Nga sẽ được đưa về thành phố Vinh khi dự án hoàn thành dự kiến vào cuối tháng 3 năm nay.

Theo thông tin công bố cho báo Việt Nam hôm cuối tuần qua, đây là công trình “đã được sự đồng ý của Trung ương, của tỉnh Nghệ An” và thành phố Vinh đang triển khai xây dựng.

Dự kiến tượng đài sẽ đặt ở Ngã 5 của thành phố với tổng diện tích dự án khoảng 4.300 m2.

Thẩm phán nói Nga cần bỏ vai trò kế tục Liên Xô

Putin không thích Cách mạng kiểu Lenin?

Nga: Luật mới đề nghị cải táng Lenin bị bác

Lenin nói ‘Trí thức là cục phân’ từ 1919

Tajikistan: Đền Hồi giáo dựng lại tượng Lenin

“Tượng có chiều cao 3m, đúc bằng đồng, được chế tác tại tỉnh Ulyanovsk, Liên bang Nga, sau đó vận chuyển Nghệ An,” báo Việt Nam trích đăng từ tỉnh ủy Nghệ An.

“Công trình này thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An – quê hương Bác Hồ vĩ đại và tỉnh Ulyanovsk – quê hương của Lênin, vị lãnh tụ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng thời thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Nga.”

Đánh giá về Lenin hay về chính quyền hiện nay?

Trên mạng xã hội Việt Nam thời gian qua đã có một số ý kiến phê phán công trình này.

Việc đầu tiên bị nêu ra là chi phí cao cho công trình ở một tỉnh nghèo.

Báo Thanh Niên xác nhận rằng kinh phí xây dựng vườn hoa, đài phun nước cho công trình này lên đến hơn 8 tỷ VND.

Nay, báo Việt Nam nói “lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định thông tin trên mạng xã hội những ngày qua không chính xác, xuyên tạc với dụng ý xấu”.

Tuy nhiên, tỉnh ủy Nghệ An không nói “thông tin không chính xác” đó là gì.

Lý do thứ hai, theo những người chỉ trích, là sự lỗi thời của nhân vật Lenin, biểu tượng của mô hình cộng sản ưa bạo lực ở Nga sau 1917.

Một bài đăng trên báo tiếng Việt ở Hungary hồi 2014, được Diễn đàn BBC Tiếng Việt đăng lại, cho rằng tôn thờ Stalin hay Lenin đều là “sùng bái cá nhân mù quáng”.

Ngoài ra, “Lenin trước sau như một ủng hộ sự áp dụng bạo lực cách mạng như một phương tiện cần thiết và tiên quyết để giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội và chính trị”.

“Sự độc đoán và phi dân chủ đó của ông đã khiến cả những gương mặt lớn, cùng lý tưởng – như Rosa Luxemburg, hay văn hào Maxim Gorky – phải ‘kêu trời”.

Sau khi Liên Xô giải tán, nhiều nước cộng hòa từng thuộc liên bang đã cho kéo đổ tượng Lenin, coi đó là biểu tượng của nền thống trị áp bức từ Moscow.

Hồi 2017, nhiếp ảnh gia Niels Ackermann và nhà văn Sebastien Gober cho ra cuốn ‘Đi tìm Lenin’ nói về hiện tượng hàng nghìn tượng Lenin bị xóa ở Ukraine.

Tuy thế, cũng có hiện tượng “ngược dòng” như hồi 2018 ở Tajikistan.

Theo Radio Ozodi, một pho tượng Lenin từng bị gãy tay ở Shahritus, miền Nam Tajikistan, được hội đồng Hồi giáo địa phương quyên tiền để trùng tu.

Ngoài khu vực Liên Xô cũ, hiện ở Tampere, Phần Lan, vẫn có một bảo tàng Lenin.

Còn tại chính nước Nga, dư luận về Lenin vẫn chia rẽ, và một số tiếp tục ủng hộ để thi hài ông trong lăng tại Moscow, nhưng con số đông đảo hơn muốn đưa đi chôn.

Theo RT.com hồi tháng 9/2017, điều tra dư luận tháng 4 năm đó nói 58% dân Nga muốn đưa Lenin đi cải táng một cách đúng đắn.

Dòng ý kiến này cho rằng cách duy trì xác ướp của người đã quá cố là không phù hợp với phong tục Chính Thống giáo của Nga.

Nhìn chung, di sản tàn khốc của thời kỳ chế độ cộng sản hình thành ở Liên Xô vẫn gây chia rẽ ngay trong dân chúng và trí thức Nga.

Mới đây nhất, thẩm phán Tòa Hiến pháp Nga, Konstantin Aranovsky nói nước Nga ngày nay không nên “tiếp quản các di sản tội ác của chế độ cộng sản thời Liên Xô”. (xem bài)

Sự hiện diện của Lenin qua tượng tại Hà Nội và trong sách báo, tranh ảnh của nhà nước Việt Nam lại có ỵ́ nghĩa hơi khác.

Đó là việc khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất, toàn bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức vẫn theo đường lối Leninist.

Về mặt căn hóa, hiện tượng này có vẻ ngày càng mang tính tín ngưỡng bản địa ở VN hơn là có liên quan đến chuyển biến lịch sử hậu Xô – Viết ở châu Âu và khu vực Liên Xô cũ.

Việc ‘làm riêng’ trong nỗ lực tôn thờ các nhân vật cộng sản châu Âu cũng diễn ra hồi 2017 khi Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội khánh thành tượng Felix Dzerzhinsky, người gốc Ba Lan, lãnh đạo đầu tiên của ngành công an khét tiếng của Liên Xô.

Bản thân tượng Dzerzhinsky bị đưa ra khỏi các công sở ở Nga sau 1991 và ông bị lên án ở quê hương Ba Lan sau 1989.

https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-51616350

 

CSVN tăng cường hợp tác với Nga

để chống lại Hoa Kỳ và Trung Cộng

Theo một bài báo của Ralph Jennings trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ  Cambodia, chế độ cộng sản Việt Nam đang tăng cường hợp tác với Nga để đối trọng lại với Hoa Kỳ và Trung Cộng, hai kẻ thù cũ của Việt Nam trong thế kỷ trước.

Vào đầu tháng Hai, bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã dẫn đầu phái đoàn quân sự cấp cao thăm Nga với mục tiêu tăng cường hợp tác quốc phòng song phương. Theo báo Nhân Dân, cơ quan truyền thông của đảng cộng sản cầm quyền thì chuyến thăm này nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, một trong những ưu tiên về ngoại giao của nhà nước cộng sản Việt Nam.

Theo đó, Nga sẽ là nguồn cung cấp vũ khí và dầu mỏ cho Việt Nam. Việc hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông với Nga có thể giúp Việt Nam tránh được sự gây hấn từ Trung Cộng.

Cộng Sản Việt Nam vẫn giữ quan hệ thân thiết với Trung Cộng và tìm cách gần gũi hơn với Hoa Kỳ nhưng không quá gần như Washington mong đợi. Tuy nhiên, quan hệ mật thiết với Nga sẽ giúp Việt Nam tránh được xung đột giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ.  Liên Xô đã nuôi cộng sản Việt Nam trong chiến tranh với Hoa Kỳ, cung cấp nhiều súng, xe tăng và giàn pháo để cộng sản Việt Nam đánh Mỹ dùm Nga.

Giờ đây, phía Nga chỉ muốn bán được nhiều vũ khí hơn cho cộng sản Việt Nam, thay vì viện trợ như trước kia,  và ký được nhiều hợp đồng khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông, cho dù điều này không làm cho Trung Cộng hài lòng.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/csvn-tang-cuong-hop-tac-voi-nga-de-chong-lai-hoa-ky-va-trung-cong/

 

Tin tổng hợp 24/2: Thêm 3 người Việt nghi nhiễm

virus corona; Người phụ nữ may 40 nghìn khẩu trang

phát miễn phí

Hà An

Kính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 24/2 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay có những nội dung sau.

Việt Nam bất an vì dịch corona ở Hàn Quốc

Tâm trạng lo lắng gia tăng trong giới chức và người dân Việt Nam khi dịch corona bùng phát mạnh ở Hàn Quốc. Có 3 nguyên nhân khiến người Việt đáng phải lo lắng, đó là: Số người Việt Nam ở Hàn Quốc, số người Hàn Quốc ở Việt Nam và số người đi lại giữa hai quốc gia đều rất lớn.

Theo thông báo mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam, hiện có khoảng 200.000 người Việt ở Hàn Quốc. Tại 2 tâm dịch của nước này là thành phố Daegu có hơn 8 nghìn người, tại tỉnh Gyeongsangbuk là gần 19 nghìn người.

Trong cuộc họp chiều qua 23/2, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Hà Nội nói, trường hợp dịch bệnh ở Hàn Quốc diễn biến phức tạp như Vũ Hán, sẽ phải đưa người về nước. Vì vậy, rất có thể Hà Nội sẽ phải đón hàng chục nghìn người từ Hàn Quốc về để cách ly, giám sát.

Hà Nội, TP.HCM còn phải lo giám sát lượng lớn người Hàn Quốc đang sinh sống tại hai đô thị này. Hiện Hà Nội có 25 nghìn người Hàn Quốc sinh sống dài hạn. Điều khiến Hà Nội lo lắng là chưa có bất cứ biện pháp phòng dịch nào được áp dụng với công dân của những nước có dịch, trừ Trung Quốc.

Phương án Hà Nội đề ra là cách ly tập trung người Việt về từ vùng dịch; với người Hàn Quốc đến từ vùng có dịch cũng bị cách ly 14 ngày.

Với TP.HCM, có khoảng 90 nghìn người Hàn Quốc sinh sống lâu dài. Việc kiểm soát những người này là chưa từng được tính đến. Chính quyền thành phố đang giao các quận rà soát người trên địa bàn để theo dõi.

Thêm 3 người Việt nghi nhiễm virus corona

Sáng 24/2, ông Nguyễn Tiến Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, xác nhận với Zing, từ trưa 23/2 đến sáng 24/2, thành phố này tiếp nhận thêm 3 trường hợp người Việt Nam nghi mắc Covid-19. Hiện tổng số người phải cách ly, theo dõi ở địa phương này là 5 trường hợp.

Trong số này, có một trẻ em 6 tuổi, từng ở một xã của tỉnh Vĩnh Phúc và một trường hợp từ Hàn Quốc trở về.

Ông Hồng nói thêm, hiện sức khỏe những người này đang “tạm ổn và được theo dõi chặt chẽ”.

 HLV Park trở lại Việt Nam

Không yêu cầu người ra đón, không nán lại chuyện trò – đó là cách HLV  Park Hang-seo quay trở lại Việt Nam trong mùa dịch.

Sau khi máy bay hạ cánh tại Nội Bài lúc 21h30 tối 23/2, ông Park và vợ mất khoảng 30 phút lấy hành lý, kiểm tra y tế, trước khi ra xe để trợ lý ngôn ngữ đưa về nhà riêng tại Hà Nội.

Như thường lệ, thầy Park vẫn được đông đảo cổ động viên Việt Nam quan tâm, yêu quý và thăm hỏi. Lần này, ngoài vấn đề chuyên môn bóng đá, nhiều comment dưới các bài báo trong nước bình luận “liệu có nên cách ly thầy Park?”

Nguyên do là quê nhà của HLV Park nằm ở Sancheong thuộc tỉnh Gyeongsang, một trong hai vùng bùng phát dịch Covid-19 ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời gian qua HLV trưởng tuyển Việt Nam ở Seoul.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam cho biết, do HLV Park đã được Hàn Quốc chấp thuận lên máy bay và qua được bài kiểm tra sức khoẻ ở sân bay Nội Bài, nên không phải áp dụng biện pháp cách ly tại nhà.

Giá vàng gần 47 triệu đồng/lượng

Sáng nay, giá vàng trong nước đã tiến sát mốc 47 triệu đồng/lượng; tăng gần 800 nghìn đồng/lượng so với giao dịch cuối tuần qua.

Tại TP.HCM, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (24/2), Công ty SJC niêm yết giá vàng mức 46,3-46,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tại Hà Nội, giá vàng SJC được bán ra với giá 46,82 triệu đồng, cao nhất kể từ tháng 10/2012.

Theo khảo sát của Zing, nhiều doanh nghiệp khác cũng đẩy giá tăng với các mặt hàng vàng miếng. Hiện Tập đoàn DOJI niêm yết giá bán vàng miếng ở mức 46,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,6 triệu đồng/lượng (bán ra).

Theo giới phân tích, giá vàng sẽ còn tăng phi mã trong những ngày tới nếu liên tiếp có thông tin xấu về tình trạng bùng phát dịch tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy v.v.

Người phụ nữ may 40 nghìn khẩu trang phát miễn phí

Theo báo VnExpress, từ việc chuyển đổi xưởng may áo mưa sang làm khẩu trang trong hai tuần, chị Lê Thị Thắm (Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) tạo ra hàng nghìn nghìn khẩu trang phát miễn phí cho mọi người.

Số tiền chị Thắm bỏ ra để làm khẩu trang khoảng 200 triệu đồng. Chị cho biết, việc làm khẩu trang phát miễn phí xuất phát từ việc không thể mua được khẩu trang y tế cho bản thân và gia đình.

Khẩu trang từ xưởng sản xuất áo mưa của chị Thắm được làm theo các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn. Công nhân đều đeo khẩu trang, găng tay khi làm việc. Sản phẩm trước khi đóng gói được khử khuẩn bằng cồn 90 độ và dung dịch khử trùng nano.

Người phụ nữ có hành động nhân ái này cho hay, xưởng của chị sẽ sản xuất khoảng 40 nghìn chiếc khẩu trang phát miễn phí cho người dân trong vùng và những ai có nhu cầu.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-tong-hop-24-2-them-3-nguoi-viet-nghi-nhiem-virus-corona-nguoi-phu-nu-may-40-nghin-khau-trang-phat-mien-phi.html