Tin Việt Nam – 22/02/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/02/2020

Nữ sinh ở Huế tử vong sau 1 tuần ho sốt,

chính quyền nói không do COVID-19

Nữ sinh lớp 12 ở Thừa Thiên – Huế, Việt Nam vừa tử vong sau 1 tuần có các biểu hiện của viêm đường hô hấp như khó thở, ho, sốt tuy nhiên các báo trong nước lại dẫn thông tin từ cơ quan chức năng cho biết người này tử vong do bệnh lý về não, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm.

Tối 21-2-2020, các báo trong nước dẫn thông tin từ ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên – Huế xác nhận, ở địa phương vừa có một ca tử vong có các triệu chứng tương tự COVID-19 vào buổi sáng nhưng khám nghiệm pháp y thì do bệnh não chứ không do bệnh dịch đang hoành hoành ở trên thế giới.

“Tuy nhiên để gia đình và mọi người an tâm, chúng tôi vẫn lấy mẫu xét nghiệm để gửi đi kiểm tra COVID-19. Tôi cũng mong mọi người đừng xa lánh với người thân của gia đình người đã khuất” – báo Tuổi trẻ online dẫn lời ông Đức nói.

Mẫu bệnh phẩm được gửi đi Viện Pasteur Nha Trang và Bệnh viện Trung ương Huế để xét nghiệm, đồng thời cơ quan y tế cũng tiến hành phun thuốc khử trùng ngôi nhà và kiểm tra sức khỏe người thân của nạn nhân.

Theo ông Hoàng Văn Đức, qua kiểm tra yếu tố dịch tễ, nữ sinh này và người thân, hàng xóm đều không có ai từng tiếp xúc với người hoặc đi đến vùng có dịch.

Chính quyền Huế cho biết, đến tối 21-2 vẫn chưa có ca bệnh nào hoặc ca nghi nhiễm nào do virus corona chủng mới gây ra.

Mặc dù vậy, du thuyền Diamond Princess đang có 634 người nhiễm nCoV (tên gọi cũ của COVID – 19) từng cập cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế để du khách tham quan vào hôm 27-1-2020 trước khi đến Nhật ngày 3-2 và phát hiện ca dương tính đầu tiên.

Ngày 7-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát về công tác phòng chống dịch COVID-19 ở tại Huế khi thông tin về tàu Diamond Princess có người nhiễm nCoV được loan đi trên các tờ báo nước ngoài.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/one-died-with-covid-19-similar-symptoms-but-government-said-no-02222020085324.html

 

Một linh mục tại Việt Nam

giúp đỡ những người bị cách ly vì coronavirus

Tin từ Hà Nội, Việt Nam – Theo Liên minh Tin tức Công giáo Á Châu (UCAN), bắt đầu từ ngày 16/2, Cha Joseph Hoàng Trọng Hữu, 35 tuổi, đã cung cấp các dịch vụ mục vụ và y tế tại xã Sơn Lợi, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã niêm phong xã Sơn Lợi trong vòng 20 ngày kể từ ngày 13/2, do lo lắng về việc virus COVID-19 có thể lây lan. Tính đến ngày 19/2, xã này có 5 bệnh nhân nhiễm coronavirus.

Cha Hoàng Trọng Hữu mang đã mang xà phòng, dung dịch sát trùng, khẩu trang và thuốc đến cho dân làng. Trên mạng xã hội Facebook, cha Hữu cho biết rằng, người dân địa phương bảo vệ gia đình và cộng đồng của họ khỏi dịch bệnh trên bằng cách đeo mặt nạ và rửa tay. Họ vẫn làm nông nghiệp và giữ các hoạt động sinh hoạt như bình thường. Ngoài ra, Cha cho biết thêm, các nhân viên y tế đưa ra các hướng dẫn về sức khỏe, cung cấp các sản phẩm cần thiết và thông tin căn bản về virus cho các gia đình. Mặc dù mọi người đều lo sợ trước coronavirus nhưng họ vẫn đến nhà thờ và cầu nguyện. Cha Hữu kêu gọi mọi người tại những nơi khác cầu nguyện, khích lệ và cung cấp vật dụng y tế cho nhân viên y tế, bệnh nhân và những người đang chịu đựng đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Ông nói mọi người nên thông cảm, chia sẻ và đồng hành với những người bị cách ly hơn là tránh xa họ. Theo tờ Catholic Philly, tại tỉnh Vĩnh Phúc, có 11 ca nhiễm bệnh trong số 16 trường hợp trên toàn Việt Nam.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/mot-linh-muc-tai-viet-nam-giup-do-nhung-nguoi-bi-cach-ly-vi-coronavirus/

 

Virus corona: Người Việt kể về tình trạng căng thẳng

 ở tâm dịch Hàn Quốc

Lê Viết ThọBBC News Tiếng Việt

Daegu – thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc với 2,5 triệu dân đang lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có do dịch virus corona. Một người Việt ở đây nói với BBC News Tiếng Việt về tình hình và nỗi lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm.

“Giờ thì tôi run lắm rồi. Hôm nay, tôi vẫn còn lạc quan, nhưng khi nghe bản tin thời sự sáng nay trên truyền hình, số người lây nhiễm virus corona ở Hàn Quốc đã lên đến 346 người, tức chỉ trong có một đêm tăng đến hơn 100 người thì cảm thấy sợ quá”- chị Hoài Thanh, một người Việt ở Daegu nhắn tin cho BBC News Tiếng Việt sáng 22/2.

Không chỉ ở tâm dịch Daegu của Hàn Quốc – một trong hai “khu vực chăm sóc đặc biệt” tại Hàn Quốc về bệnh truyền nhiễm – khu nhà chị Thanh đang ở lại đúng ngay quận có nhà thờ của giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) với hàng chục ca lây nhiễm, bắt nguồn từ một tín đồ đi lễ ở đây, mà truyền thông vẫn gọi là ‘bệnh nhân số 31’.

Bàn tròn BBC: Covid-19 – nhiễu loạn thông tin và tác động xã hội của dịch

Covid-19: Thêm người chết, Hàn Quốc căng thẳng đối phó

Virus corona: Hai người Nhật và một người Hàn tử vong

Virus corona: Người biểu tình Ukraine tấn công xe bus chở người về từ Vũ Hán

“Ngay bên cạnh quận này là quận có bệnh viện đông y, nơi ‘bệnh nhân số 31′ từng điều trị, nhà bà cũng ở đó. Vậy nên khu vực em ở những ngày này rất vắng, mấy quận khác của Daego ở xa sẽ đỡ khủng hoảng hơn’, chị Thanh nói.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt chỉ một ngày trước đó, chị Thanh tuy rất lo lắng trước tình hình lây nhiễm, nhưng vẫn cho biết chị vẫn quyết định ở lại thành phố, thay vì những phương án sơ tán về Việt Nam hay đi đến ở nhà nhà bà con ở các thành phố khác tại Hàn Quốc.

“Tôi đã tính về Hà Nội ‘lánh dịch'”

Nói về tâm trạng trong những ngày sống ở vùng cần được quan tâm đặc biệt về virus, chị Hoài Thanh nói rằng, khi những trường hợp đầu tiên xuất hiện, mọi người thấy lo, nhưng sau vài ngày, khi thấy số ca không tăng nhiều, cuộc sống dần trở lại bình thường.

Vậy nhưng, những ngày gần đây, số trường hợp nhiễm bệnh gia tăng đột biến, nỗi sợ hãi lại dâng cao.

“Gia đình chồng tôi là người Hàn Quốc, mấy ngày nay ai cũng lo lắng. Chồng tôi làm việc ở Changwon, cách đây khoảng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ lái xe, cuối tuần vẫn về nhà nhưng cuối tuần này, công ty khuyến cáo ở lại tập thể. Tôi đã tính đến hai phương án, một là về Việt Nam, hai là đến Changwon.

“Tuy nhiên, khi nghĩ đến việc lên máy bay về Việt Nam với nguy cơ lây nhiễm không thấp, trong khi con tôi chưa có quốc tịch Việt Nam nên cũng chỉ có thể về trong một thời gian ngắn, rồi khi về liệu có bị xa lánh hay không, nên tôi bỏ phương án thứ nhất. Còn phương án thứ hai, tôi và gia đình đã xếp đồ vào va li, tính tìm đến nhà bà con ở thành phố khác tá túc. Tôi vừa xếp mà tay chân run cả lên. Nhưng khi nghe thông tin virus lây nhiễm đến nhiều thành phố khác, xem ra việc sơ tán xem ra cũng như không, vậy là lại chần chừ. Thôi ở lại chống dịch, không chống được dịch thì cũng đỡ lây dịch cho cộng đồng”, chị Thanh nói.

Virus corona tiết lộ vô số cách thế giới e sợ Trung Quốc

Ứng phó với Covid-19: VN ‘trước thụ động, sau thái quá’?

Bị phong tỏa, cuộc sống người dân vùng tâm dịch Sơn Lôi ra sao?

Hiện nay, chị Thanh và con chỉ ở trong nhà, mẹ chồng chị cũng được công ty cho làm việc online, chỉ bố chồng chị còn đi làm, nhưng thay vì đi bằng phương tiện giao thông công cộng, ông đã chọn cách di chuyển bằng xe hơi cá nhân.

Chị Thanh kể: “Mọi người đang rất lo lắng, không khí trở nên rất nặng nề, nhiều người bắt đầu tích trữ thực phẩm cho khoảng hai tuần trở lên vì ai cũng lo là với tính hình như hiện tại, sẽ đến thời điểm nào đó thành phố có thể sẽ bị phong tỏa”.

Chủ động cung cấp thông tin

Nói về việc Chính phủ Hàn Quốc cung cấp thông tin cho dân chúng về tình hình dịch bệnh, chị Thanh cho biết là Hàn Quốc chủ động cung cấp thông tin cho người dân, không chỉ bằng các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn qua các tin nhắn cá nhân, mỗi ngày hai lần.

Cũng theo chị Thanh, một, hai ngày sau khi chuyện về ‘bệnh nhân số 31’ làm bùng dịch, một số siêu thị lớn ở Daegu hết đồ ăn, việc mua hàng online cũng sập kênh, phải ngừng hoạt động trong vài giờ, do thiếu hàng, hết hàng, và giao hàng chậm. Tuy nhiên, đến cuối ngày 21/2 thì không còn hiện tượng đó nữa.

“Thông tin trên truyền hình cho thấy, chính phủ chỉ đạo cung cấp lương thực như nước, gạo, mỳ tôm lấp đầy các siêu thị ở Daegu với số lượng tăng hơn 50% so với bình thường, nên ko sợ có chuyện thiếu đồ ăn nữa. Hệ thống online cũng hoạt động bình thường trở lại”, chị Thanh cho hay.

Hệ thống trường học mẫu giáo cũng đã thông báo đóng cửa, con chị Thanh phải ở nhà; còn các trường phổ thông đang trong nghỉ đông và sẽ kép dài thời gian này. Một số công ty cũng chủ động tạm đóng cửa hay cho nhân viên làm việc onlie, các doanh trại thì yêu cầu binh sĩ nội bất xuất, ngoại bất nhập sau trường hợp một quân nhân bị xác nhận dương tính với covid-19.

Dịch lan nhanh ở Hàn Quốc

Đến sáng 22/2, Hàn Quốc thông báo có thêm 142 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên đến 346. Nước này cũng đã có 2 ca tử vong.

Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu tính đến sáng 22/2 là 77.767, với 2.360 trường hợp tử vong.

Hàn Quốc tuyên bố hai thành phố miền nam Daegu và Cheongdo bị tuyên bố là “vùng chăm sóc đặc biệt”.

Hôm thứ Sáu, Hàn Quốc có ca tử vong thứ hai do nhiễm virus corona.

Nạn nhân là phụ nữ gần 60 tuổi. Bà qua đời tại thành phố Busan ở miền tây nam Hàn Quốc, sau khi được đưa từ một bệnh viện ở vùng nông thôn gần đó tới, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.

Các tường thuật nói bà trước đó đã là bệnh nhân tại cùng bệnh viện ở Cheongdo – nơi nạn nhân đầu tiên tử vong ở Hàn Quốc, một người đàn ông lớn tuổi.

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã khuyến cáo công dân Việt Nam tại Hàn Quốc không nên đến các khu vực đang có dịch (Covid-19) và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Hàn Quốc đã khuyến cáo; thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh.

https://www.bbc.com/vietnamese/51584166

 

Bộ Ngoại giao: Chống dịch

 nhưng không đóng cửa thương mại với TQ

Trước thông tin về việc Trung Quốc đề nghị sớm khôi phục việc đi lại của công dân Trung Quốc sang Việt Nam, Bộ Ngoại giao có câu trả lời ngày 20-2.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 20-2, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết nhằm phòng chống dịch bệnh do virus chủng corona mới gây ra (COVID-19), chính phủ Việt Nam cùng phía Trung Quốc thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ.

“Để phòng chống dịch bệnh COVID-19 lan rộng, ảnh hưởng tới sức khỏe của công dân Việt Nam, chính phủ Việt Nam cũng như phía Trung Quốc thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ trong giao thông vận tải hai nước, trên tinh thần chống dịch nhưng không đóng cửa, không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, thương mại, cũng như giao lưu con người hai bên”, ông Đoàn Khắc Việt nói.

Cũng theo phó phát ngôn, Việt Nam chỉ tạm dừng qua lại ở các lối mở, đường mòn không chính thức. Còn ở các cửa khẩu, không có quy định dừng, mà chỉ có các biện pháp về quản lý dịch bệnh, trong đó có việc người Trung Quốc, người nước ngoài, kể cả người Việt Nam đến từ Trung Quốc phải chịu cách ly 14 ngày… Không có chuyện cấm hẳn giao lưu giữa hai bên.

“Thời gian qua, hoạt động thương mại hai nước từng bước được khôi phục, nhưng vẫn đảm bảo quy trình liên quan tới kiểm dịch, đảm bảo an toàn”, ông Việt nói thêm.

Trước đó tại cuộc gặp song phương ngày 19-2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảm ơn Việt Nam đã sẻ chia, hỗ trợ Trung Quốc trong việc phòng chống dịch COVID-19, đề nghị sớm tạo điều kiện cho việc đi lại của công dân Trung Quốc sang Việt Nam.

Cuộc gặp song phương diễn ra nhân dịp Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mê Công – Lan Thương lần thứ 5 và Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc về hợp tác ứng phó COVID-19 tổ chức tại Vientiane, Lào.

Tại cuộc gặp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ cảm thông, chia sẻ trước những thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra cho Trung Quốc, đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc và sự phối hợp của các nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời mong và tin tưởng Trung Quốc sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm vượt giai đoạn khó khăn này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Phó thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các nước trong công tác ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm điều trị.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/33100-bo-ngoai-giao-chong-dich-nhung-khong-dong-cua-thuong-mai-voi-tq.html

 

Hà Tĩnh khởi tố 7 bị can liên quan đến 39 người chết

trong xe container ở Anh Quốc năm 2019

Tin từ Hà Tĩnh: Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 7 bị can để điều tra về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép liên quan đến vụ 39 người Việt tử vong ở Anh năm 2019.  Trong số 7 bị can, có Nguyễn Thúy Diễm đã lấy chồng người Hoa Lục và đang cư trú ở Trung Cộng. Bộ Công an đã ra văn bản truy nã quốc tế đối với bị can này. Số còn lại ở Hà Tĩnh, Nghệ An, và Cần Thơ.

Công an Hà Tĩnh xác định các đối tượng liên quan đã nhận hồ sơ, làm thủ tục cho 67 người ở Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Tây Ninh để đi lậu sang một số quốc gia châu Âu. Một trong những nghi phạm đã khai trong giai đoạn từ tháng 6 tới tháng 10 năm 2019 “đã nhận 34 hồ sơ của người lao động trên địa bàn cả nước, trong đó đã đưa được 15 công dân đi lao động trái phép ở châu Âu.” Dẫn nguồn tin của Công an tỉnh Hà Tĩnh, báo chí nhà nước cộng sản viết rằng vào đầu tháng 6 năm 2019, nhóm này đã làm hồ sơ cho Phạm Thị Trà My (Hà Tĩnh) sang Anh với chi phí 22,000 Mỹ kim.

Trà My sau đó được đưa qua Trung Cộng rồi sang Pháp, và cuối cùng được đưa vào thùng xe container cùng 38 người Việt khác để sang Anh.  Như đã đưa tin, cảnh sát Hoàng gia Anh Quốc đã phát hiện xe container với 39 thi thể người Việt ở hạt Essex vào ngày 23/10/2019, trong số này có Trà My.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/ha-tinh-khoi-to-7-bi-can-lien-quan-den-39-nguoi-chet-trong-xe-container-o-anh-quoc-nam-2019/

 

Mạng lưới tuyển dụng bất hợp pháp dành cho

thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn tại Nhật Bản bị vạch trần

Một số vụ bắt giữ được tiến hành hôm 19/2 đã vạch trần một mạng lưới được xây dựng cẩn thận, dành cho các thực tập viên kỹ thuật người Việt đang bỏ trốn và cố gắng sống sót ở Nhật Bản. Cảnh sát Osaka bắt giữ 3 nghi can vì nghi ngờ họ đã vi phạm Luật kiểm soát nhập cư do tuyển dụng công dân ngoại quốc làm việc bất hợp pháp tại Nhật Bản. Cảnh sát cho biết, những người đàn ông trên đã truy tìm khắp các trang mạng xã hội và các trang web để tìm kiếm các thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam đang bỏ trốn và đưa họ vào các công ty làm việc.

Tại đây, những người lao động sẽ phải trả phí môi giới cho những người đàn ông này. Theo tờ Asahi đưa tin, các nghi can được xác định là ông Atsushi Ota, hiện dang làm việc cho công ty điều phối nhân sự Connect, ông Hiroaki Matsumura, và ông Satoru Matsumura hiện đang làm việc cho công ty điều phối nhân sự MTS. Các nguồn tin điều tra cho hay, ba người trên âm mưu đưa 5 người đàn ông Việt Nam đến một công ty dược phẩm hóa học ở Osaka và nhà máy của nó ở Shiga trong khoảng thời gian từ tháng 9/2018 đến tháng 11/2019.

Cảnh sát bắt giữ 5 người Việt Nam trên vì quá hạn visa, hoặc tham gia vào các hoạt động không được cho phép dựa theo tình trạng cư trú được cấp trước đó. Họ đến Nhật với tư cách là thực tập viên kỹ thuật nhưng sau đó đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc. Hiện nay tại Nhật Bản, những thực tập sinh kỹ thuật bỏ trốn luôn phải trốn tránh  các nhân viên hành pháp và di dân.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/mang-luoi-tuyen-dung-bat-hop-phap-danh-cho-thuc-tap-sinh-viet-nam-bo-tron-tai-nhat-ban-bi-vach-tran/

 

Cựu thứ trưởng Lê Bạch Hồng được giảm án

Tại phiên phúc thẩm hôm 21/2 liên quan đến vụ án thất thoát 1700 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN), một số bị cáo đã được giảm án so với án sơ thẩm, gồm hai cựu cán bộ Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban. Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày.

Cụ thể, Tòa án Nhân dân Cấp cao Hà Nội tuyên án ông Lê Bạch Hồng (Cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cựu Tổng giám đốc BHXHVN) 5 năm 6 tháng tù giam (giảm 6 tháng so với án sơ thẩm) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Huy Ban (Cựu Tổng giám đốc BHXVN) bị tuyên 12 năm tù giam (giảm 2 năm so với án sơ thẩm) và ông Hoàng Hà (Cựu trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Ban Kế hoạch – Tài chính) bị tuyên 4 năm tù giam (giảm 3 năm so với án sơ thẩm).

Các bị cáo liên quan vụ án bị giữ nguyên mức án sơ thẩm là ông Trần Tiến Vỹ (Cựu Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp) bị 3 năm tù, ông Nguyễn Phước Tường (Cựu Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính) bị 14 năm tù.

Sau phiên sơ thẩm trước đó, các bị cáo Lê Bạch Hồng, Nguyễn Huy Ban, Trần Tiến Vỹ, Nguyễn Phước Tường đã làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Hoàng Hà kêu oan lúc ban đầu, nhưng sau xin giảm nhẹ hình phạt.

Cáo trạng phiên phúc thẩm nêu rõ từ tháng 4/2008 – 8/2009, BHXHVN đã ký 14 hợp đồng trái pháp luật cho phép Công ty ALC II vay vốn. Ông Ban đã trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng trị giá 630 tỷ đồng; ông Hồng ký và chỉ đạo 3 hợp đồng trị giá 380 tỷ đồng.

Sau khi thanh toán được 1 hợp đồng trị giá 200 tỷ, công ty ALC II đã không thanh toán nợ và lãi hàng tháng. Tính đến tháng 12/2015, số tiền vay gốc và lãi ALC II nợ BHXHVN là hơn 1500 tỷ đồng.

Ngày 31/7/2018, ALC II bị tuyên bố phá sản. Tính đến nay, ALC II nợ BHXHVN là hơn 1700 tỷ đồng và không có khả năng hoàn trả. Các cựu cán bộ bị xác định đã gây thiệt hại cho nhà nước khoản tiền 1700 tỷ này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-officer-le-bach-hong-and-nguyen-huy-ban-get-reduced-sentences-02212020113414.html

 

Vì sao phải giấu lý lịch khoa học

của lãnh đạo Hội đồng Giáo sư?

Diễm Thi, RFA

Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của các cấp Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu công khai lý lịch khoa học của các ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nhưng không công khai lý lịch khoa học của lãnh đạo hội đồng này. Dự thảo được công bố lần đầu vào ngày 14 tháng 1 năm 2019 và hiện đang gửi Vụ Pháp chế của bộ xem xét, trước khi trình Bộ trưởng GD&ĐT ký ban hành.

Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói rằng, họ giấu thông tin vì họ muốn đưa những người trong phe nhóm vào làm bất chấp việc không công khai lý lịch là một chủ trương không đàng hoàng. Lý lịch khoa học không phải bí mật của ngành nghề hay bí mật quốc gia. Ông nhấn mạnh:

“Chuyện công khai lý lịch khoa học có việc gì mà phải che giấu? Che giấu vì sợ lòi cái dốt ra người ta chê cười. Lãnh đạo thì phải chọn người có lý lịch khoa học tốt nhất, tử tế nhất để người ta đánh giá. Theo tôi nghĩ đây là vấn đề lẩn quẩn mà thật ra nó chỉ xuất hiện trong một chế độ độc tài mà thôi, che giấu và dối trá.”

Chuyện công khai lý lịch khoa học có việc gì mà phải che giấu? Che giấu vì sợ lòi cái dốt ra người ta chê cười. – GS. Nguyễn Khắc Mai

Còn với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì đây là một minh chứng cho thấy rõ giới lãnh đạo không có trình độ học tập nghiêm túc nên họ phải giấu diếm, họ sợ lộ ra sẽ mất uy tín với người dân về vị trí lãnh đạo của họ. Và đây không chỉ là chuyện của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Ông nêu nhận xét:

“Tôi thấy lãnh đạo Việt Nam, không chỉ Hội đồng Giáo sư mà tất cả mọi ngành, mọi cấp đều không công khai lý lịch khoa học của mình. Đối với một người làm khoa học mà không công khai lý lịch khoa học của mình thì đây là điều không có gì vinh hạnh cho nền học thuật Việt Nam.

Khoa học mà không trung thực, không sáng tỏ, không minh bạch thì không còn là khoa học đúng nghĩa được.”

Giáo sư không có công trình nghiên cứu

Hội đồng Giáo sư Nhà nước hay Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam là một hội đồng quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam, có nhiệm vụ, vai trò như trọng tài đề cử, xem xét, và phong tặng chức danh giáo sư của Việt Nam.

Hội đồng hiện có 28 ủy viên và ba lãnh đạo do Thủ tướng bổ nhiệm, trong đó Giáo sư-Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng.

PGS.TS Hoàng Dũng hiện giảng dạy tại Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng ông Nhạ giữ vị trí này là không hợp lý mà nên trả lại vị trí đó cho giới nghiên cứu, giới khoa học. Ông phân tích:

“Các thành viên mà không phải lãnh đạo thì có công trình nghiên cứu thật, do đó họ được đưa vào Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Còn Chủ tịch Hội đồng theo quy định ở Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Mà đã là Bộ trưởng Bộ Giáo Dục thì không có thời giờ đâu mà nghiên cứu.”

Theo PGS. Hoàng Dũng, việc công khai lý lịch khoa học của các vị lãnh đạo trong hội đồng, mà cụ thể là ông Phùng Xuân Nhạ, sẽ làm mất mặt ông Chủ tịch Hội đồng khi ông không có công trình nghiên cứu nào cả mà chỉ là con số trắng hoàn toàn. Ông nói tiếp:

“Ông Phùng Xuân Nhạ mà công bố lý lịch khoa học của ông thì may lắm ông chỉ có những bài nghiên cứu từ khi ông chưa phải là giáo sư, thậm chí chưa phải là hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi nghĩ chắc ông Nhạ ‘e thẹn’ nên không công khai luôn.”

Tháng 2 năm 2018, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, gửi một báo cáo 10 trang đến Tổng thư ký của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam, GS Trần Văn Nhung, nêu bằng chứng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “tự đạo văn”, “giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của vị bộ trưởng này.

Thật ra không chỉ ông Nhạ, trong số 1.226 giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt năm 2017, số người có công trình nghiên cứu khoa học hàng năm được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI/Scopus rất thấp so với các nước trong khu vực. Ví dụ, chỉ tính trong năm 2016, Việt Nam có hơn 3.800 bài báo khoa học quốc tế thì Thái Lan đã có hơn 8.800 bài và Malaysia có hơn 14.000 bài.

“Vừa hồng vừa chuyên”

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhìn nhận đây là một cách thú nhận sự khuất tất của giới lãnh đạo nói về phương diện học thuật một cách rõ ràng nhất. Ông giải thích:

“Dễ hiểu thôi, đó là những lãnh đạo được chọn lựa không phải theo hướng có học thực sự nghiêm túc. Từ lâu Việt Nam vẫn đưa ra chủ trương ‘vừa hồng vừa chuyên’ mà theo tôi thấy thì ‘hồng nhiều hơn chuyên’ cho nên chuyên môn của họ không rộng, từ đó có những khuất tất. Có những bằng cấp, học vị có được không bằng con đường chính danh, nghiêm túc cho nên họ sợ mất uy tín thì họ phải khỏa lấp bằng cách giấu diếm.”

Từ lâu Việt Nam vẫn đưa ra chủ trương ‘hồng nhiều hơn chuyên’ cho nên chuyên môn của họ không rộng, từ đó có những khuất tất. – GS. Nguyễn Đăng Hưng

“Vừa hồng vừa chuyên” mà Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng vừa nói đến  là dựa theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ khởi thảo vào năm 1965 và qua một số lần sửa chữa, được hoàn chỉnh vào tháng 5 năm 1969, trong đó có đoạn: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên’.

Quyết định 37/2018/QĐ-TTg yêu cầu các ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải công khai lý lịch khoa học, từ cơ sở đến cấp ngành và trên cả trang web chính thống của Hội đồng Giáo sư Nhà nước để các đồng nghiệp và xã hội phản biện. Vậy việc không công khai lý lịch khoa học của các vị lãnh đạo có điều gì khuất tất hay không?

Truyền thông trong nước dẫn lời PGS Trần Minh Tiến, Viện Vật lý – Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam rằng, bản dự thảo Thông tư sửa đổi này là một bước thụt lùi, bãi bỏ tính minh bạch và công khai mà Chính phủ đang theo đuổi và thực thi. PGS Tiến lập luận rằng, trong khi lý lịch khoa học của các ứng viên giáo sư/phó giáo sư phải công khai trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước, mà bản tóm tắt lý lịch khoa học của những người xét duyệt lại giấu đi, không công khai thì thật là một điều khó hiểu!

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-they-have-to-hide-background-of-professor-council-leaders-dt-02212020135310.html

 

Đài tưởng niệm người tị nạn Cộng Sản Việt Nam tại Canada

Tọa lạc tại góc phố giao giữa đường Somerset và Preston ở Ottawa, có một đài tưởng niệm được xây dựng năm 1995 để ghi nhận những đóng góp to lớn của người tị nạn cộng sản Việt Nam đối với Canada. Tượng đài này có hình ảnh của một người mẹ Việt Nam chân trần đang bế con và chạy trốn, được đặt trước tòa nhà Plant Bath. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Phạm Thế Trung ở Toronto.

Theo tờ Atlas Obscura, tượng đài có kích thước thật này được dựng lên vào năm 1995 với sự hỗ trợ đáng kể từ cộng đồng người Việt ở Canada, nhằm tưởng niệm sự dũng cảm của những người tị nạn cộng sản Việt Nam. Sau khi Sài Gòn bị cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều người đã di tản khỏi đất nước và định cư ở Canada, với tư cách là người tị nạn. Với làn sóng người tị nạn từ Việt Nam được chào đón đến Canada vào cuối những năm 1970s và đầu những năm 1980s, Canada đã tiên phong trong chương trình tư nhân bảo trợ người tị nạn. Khi cộng đồng người Việt tại Canada phát triển, tượng đài này chính là lời nhắc nhở về các sự việc buộc họ phải rời Việt Nam và sự dũng cảm của họ khi bắt đầu xây dựng lại cuộc sống ở Canada. Khi tượng đài được dựng lên, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lên tiếng phản đối, nhưng Canada đã phớt lờ sự phản đối này.  Tượng đài đặc

biệt nổi bật sau khi tuyết rơi hoặc trong Lễ hội hoa tulip của Ottawa (thường là vào tháng 5), khi đó tượng đài được bao quanh bởi những bông hoa đầy màu sắc.

https://www.sbtn.tv/dai-tuong-niem-nguoi-ti-nan-cong-san-viet-nam-tai-canada/

 

Được Toà án Philippines trả tự do 8 tháng,

 20 ngư dân vẫn chưa được về nước

Cao Nguyên

Nhóm 20 ngư dân Việt Nam bị lực lượng hải quân Philippines bắt hồi tháng 5/2018 với cáo buộc đánh bắt trộm cá mập đã được toà án nước này trả tự do và có lệnh trục xuất từ ngày 1/8/2019. Nhưng đến nay, tất cả họ vẫn chưa được trở về nhà dù đã đóng đủ 480 triệu đồng theo yêu cầu của giới chức Việt Nam. Các ngư dân cho Đài Á Châu Tự Do biết.

Hôm 19/5/2018, một tàu hải quân Philippines trong khi tuần tra gần đảo Mangsee (Philippines) đã phát hiện hai tàu cá Việt Nam với 20 ngư dân cùng với 54 con cá mập và cá đuối trên tàu.

Các ngư dân này bị bắt ngay sau đó và bị truy tố vì tội nhập cảnh trái phép, đánh bắt trộm và vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã và ngư nghiệp, theo luật của Philippines.

Vẫn chưa biết khi nào được về

Theo ông Đoàn Ngọc Tình, một thành viên trong số 20 ngư dân hồi ngày 21/2 nói với RFA rằng họ bị đưa ra toà tổng cộng năm lần. Lần cuối cùng là vào ngày 1/8/2019 với kết quả là tất cả được trả tự do, mỗi người đóng phạt khoảng 100 đô-la Mỹ và bị trục xuất về nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả 20 người vẫn đang phải sống trong tình trạng bất hợp pháp ở Philippines vì “sai tên trong biên bản trục xuất”:

“Em ra toà năm lần, lần nào ra toà cũng hẹn lại mỗi lần 2-3 tháng. Từ lúc được thả ra đến giờ là khoảng tám tháng. Lần ra toà cuối cùng là được thả tự do.

Thông dịch viên có xuống làng đưa một miếng giấy gọi là giấy trục xuất, có lệnh trục xuất là ngày 12/12/2019.

Giờ hỏi giấy tờ thì Đại Sứ Quán trả lời là giấy tờ giờ lộn tên phải sửa lại. Nhưng mà hỏi lộn tên chừng nào sửa lại thì họ nói vài tháng. Tới nay ra tù cũng tám tháng mà cũng vậy.”

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với ông Nguyễn Việt Cường, một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, người thường xuyên làm việc với nhóm ngư dân trên, thì được ông xác nhận rằng 20 người này chưa thể về Việt Nam vì có một số người bị sai tên trong lệnh trục xuất, phải chờ bên cơ quan nhập cư của Philippines sửa lại. Tuy nhiên ông không thể trả lời thêm các câu hỏi của phóng viên mà yêu cầu phóng viên trực tiếp đến đại sứ quán để xin phỏng vấn với đại diện của đại sứ quán.

Đóng 480 triệu đồng chỉ để mua vé máy bay?!

Trong khi đó, ở Việt Nam, Sở ngoại vụ tình Tiền Giang, nơi cư trú của 20 ngư dân, yêu cầu người nhà phải đóng 24 triệu đồng mỗi người vào “Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài” để họ làm thủ tục và mua vé máy bay về nước. Ông Tình cho biết:

“Sở ngoại vụ của tỉnh Tiền Giang gọi điện kêu người nhà mỗi người đóng 24 triệu để lo giấy tờ cho anh em được về.

Lúc gia đình lên đóng tiền thì Sở có nói là đóng tiền để gởi ra ngoài Hà Nội, rồi mới chuyển qua Philippines, rồi bên đây mới lấy tiền lo giấy tờ cho anh em được về.”

Vợ của ngư dân, thuyền trưởng Võ Quốc Phong từ Tiền Giang nói với RFA rằng họ đã đóng đủ tổng cộng 480 triệu đồng cho 20 người. Nhưng khi thấy người nhà đã được toà tha mà chưa được về, họ hỏi lại nhân viên Sở ngoại vụ thì nhận được câu trả lời là “do giấy tờ còn trục trặc ở bên Philippines, họ cũng không biết rõ”:

“Bữa đó em đi đóng là 480 triệu cho 20 ngư dân. Chị Dung (cán bộ Sở ngoại vụ – PV) gọi điện kêu lên đóng tiền thì tụi em đóng tiền thôi.

Nghe bị bắt lâu rồi thì người ta kêu đóng tiền đặt mua vé máy bay về thì tụi em cũng không biết gì đâu, khổ gần chết cũng phải chạy tiền đi đóng rồi mấy ông cũng chưa về được thì cứ nói hoài như vậy đó.

Bên mình đóng tiền rồi mà nghe nói giờ chờ bên bển nó kí giấy trục xuất còn lộn tên mấy thằng nhỏ mà nói hoài chưa thấy được lãnh về.”

Ông Nguyễn Văn Công là phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang trả lời RFA rằng số tiền đó chỉ để mua vé máy bay cho 20 ngư dân về nước:

“20 công nhân này đã nộp tiền để mua vé máy bay vào “Quỹ bảo hộ công dân của Việt Nam ở nước ngoài”. Đã nộp rồi nhưng không biết tình hình sao bởi vì tôi chỉ ở trong nước nên cũng không biết.

Có văn bản hướng dẫn ở dưới địa phương cấp xã phường, người ta trao đổi với ngư dân và ngư dân đi đóng. Tôi có gặp một số người đại diện đến đây trao đổi với tôi. Sở ngoại vụ chỉ hướng dẫn cho người dân thực hiện theo yêu cầu của Đại sứ Việt Nam ở Philippines.

Bảo hộ công dân thì người Việt Nam đi Sứ ở nước ngoài thì trách nhiệm phải bảo hộ công dân, đi thăm này kia. Này chỉ là tiền mua vé máy bay cho mấy người này về nước khi được nước ngoài thả nhưng không biết sao đến nay phía Đại sứ Việt Nam ở Philippines chưa có thông báo, chưa trả lời gì nên tôi cũng chưa rõ.”

Sau khi đóng đủ số tiền theo yêu cầu, 20 ngư dân Việt Nam chỉ mong muốn được nhanh chóng trở về nhà. Hiện tại họ đang sống trong tình trạng bất hợp pháp, thiếu thốn vật chất, phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của một số người Việt ở Philippines và tiền người nhà ở Việt Nam gởi sang:

“Giờ chỉ muốn về thôi chứ người nhà trông. Ở đây có chú Ba Thanh, mỗi tuần chú vô cho 1-2 bao gạo, còn đồ ăn thì tự mua. Còn tụi em thì 5-6 thằng thì có một ông anh người Việt mướn xuống xây phụ nhà cho ảnh nên tụi em xuống phụ làm.

Lúc bị bắt đến nay thì người nhà gởi tiền qua, cỡ 500 ngàn hay một triệu/tháng, có nhiều gởi nhiều, ít gởi ít để ăn đỡ vậy.

Bây gờ tụi em gọi điện Đại sứ quán cũng không bắt máy, nhắn tin cũng không trả lời nữa. Làm như Đại sứ quán trốn tránh không muốn nói chuyện với chúng em hay sao đó.”

Một vụ việc tương tự xảy ra vào ngày 27/9/2019. Trang web “Palawan Council for sustainable development” của Chính phủ Philippines thông báo đã bắt giữ thêm 8 ngư dân Việt Nam khác vì xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh vùng bển thuộc chủ quyền của Philippines.

Khi kiểm tra, cảnh sát biển Philippines phát hiện có một số con cá mập và cá đuối đã chết trên tàu Việt Nam. Tám người này sau đó bị cáo buộc thêm tội đánh bắt động vật hoang dã.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/20-viet-fishermen-cant-go-home-from-philippines-02222020090854.html

 

Tin tổng hợp 22/2: Yêu cầu 11 trường đại học

mở lại từ 1/3; Trung Quốc xả đập thủy điện

trên sông Mekong

Tâm Tuệ

Kính chào quý vị đến với bản tin thời sự trong nước tổng hợp ngày 22/2 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay sẽ có những nội dung chính sau:

Yêu cầu 11 trường đại học trực thuộc mở lại từ 1/3

Thông tin trên được Bộ Y tế phát đi vào chiều 21/2 khi trao đổi với báo Tuổi trẻ. Thứ trưởng Bộ Y tế – Nguyễn Trường Sơn yêu cầu hiệu trưởng các trường đại học trực thuộc bộ mở trường lại để đón sinh viên từ ngày 1/3.

Để đón sinh viên trở lại, Bộ đã yêu cầu các trường vệ sinh, khử trùng tất cả các giảng đường và khuyến khích sinh viên đeo khẩu trang vào giảng đường.

Được hỏi với các trường khác thì thế nào? Ông Sơn nói, Bộ chỉ đề xuất cho sinh viên trở lại học đối với các trường thuộc phạm vi bộ quản lý. Tuy nhiên, các trường khác có thể căn cứ vào đề xuất của Bộ Y tế để cân nhắc việc cho sinh viên đi học trở lại.

Việt Nam hiện ghi nhận 16 ca nhiễm dịch virus corona, trong khi số người thuộc diện theo dõi, cách ly là 1.565 ca.

Mấy ngày qua thế giới chứng kiến sự bùng phát của dịch virus corona trên phạm vi toàn cầu, với số người nhiễm tăng đột biến ở Hàn Quốc, Italia… Tại khu vực Trung Đông là Iran, đã có người thứ 4 tử vong vì Covid -19. Từ Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình cho rằng dịch bệnh còn chưa tới đỉnh điểm, trong khi WHO quan ngại cơ hội để kiềm chế corona lan ra toàn cầu đã ngày càng hẹp.

Tàu ghé vùng dịch đến Quảng Ninh có thể cập cảng nhưng khách không được lên bờ

Bản tin trên báo VnExpress cho biết, quy trình đón khách tàu du lịch vừa được tỉnh Quảng Ninh ban bố ngày 21/2, các tàu đã ghé các cảng của Trung Quốc, gồm cả Hồng Kông và Ma Cao, trước đó đều được phép cập cảng tại Quảng Ninh, nhưng du khách và các thuyền viên không được lên bờ.

Tàu đến từ các vùng khác, đại lý tàu, công ty du lịch phải báo về Sở Du lịch, Biên phòng Cảng Hòn Gai, Cảng vụ Hàng Hải Quảng Ninh trước ít nhất 10 ngày kể từ khi tàu đến với thông tin chi tiết hành trình của tàu, danh sách hành khách, thuyền viên…

Sở Y tế cùng với và các đơn vị sẽ quyết định việc có cho phép các du khách, thuyền viên lên bờ hay không.

Việc kiểm tra được thực hiện theo quy trình y tế quốc tế. Thời gian theo dõi, quản lý sẽ tiếp tục trong vòng 14 ngày kể từ khi tàu rời cảng.

Hàng không Việt Nam nguy cơ khủng hoảng trầm trọng

Dịch bệnh Covid – 19 khiến hàng không Việt Nam rơi vào khủng hoảng và dự báo càng trầm trọng hơn trong tháng 6 khi phải đóng cửa đường bay vàng tới Trung Quốc đại lục do dịch. Cùng đó, thị trường nội địa Việt Nam và các thị trường hàng không khu vực khác cũng đang bị ảnh hưởng trầm trọng.

Ông Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines – thừa nhận “hiện nay hãng đang đối mặt với khủng hoảng do đại dịch Covid – 19. Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng tới tổng thể mạng bay của Vietnam Airlines Group suy giảm trầm trọng, khách quốc tế giảm 50%, nội địa trên dưới 50%, khu vực Đông Bắc Á có thể giảm tới 70-80%…”.

Chủ tịch Hãng hàng không quốc gia đưa ra dự báo dịch bệnh sẽ kéo dài tới tháng 5, theo đó, ngành hàng không có nguy cơ khủng hoảng lớn vào tháng 6/2020 vì vậy hãng này có thể sẽ phải cắt giảm quy mô.

Cũng theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính dịch Covid-19 sẽ khiến các hãng hàng không thiệt hại 29 tỷ USD, chủ yếu ở thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Riêng các hãng bay Trung Quốc tổn thất khoảng 12,8 tỷ USD.

Trung Quốc xả đập thủy điện trên sông Mekong

Theo báo Tuổi trẻ, hôm qua 20/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một cuộc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mekong – Lan Thương lần thứ 5 tại Lào, Trung Quốc đã xả nước ở các đập thủy điện trên sông Mekong để giúp các nước lưu vực sông Mekong đối phó khô hạn đang diễn ra khốc liệt.

Tuy nhiên, sự giúp đỡ này của phía Trung Quốc được xem là quá muộn khi “ĐBSCL hay các vùng hạ lưu ở Campuchia đang giữa mùa khô hạn… và nước không tới được ĐBSCL, nếu nước tới được ĐBSCL cũng phải mất 3 tuần sau”, đó là nhận định của ông Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, thuộc Trường đại học Cần Thơ.

Ông Tuấn dẫn chứng, năm 2016 Trung Quốc từng xả đập với lưu lượng 2.100m3/giây nhưng không tới được ĐBSCL, lần này ở mức 850m3/giây thì sẽ không tới được, chưa nói tới việc các nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào… cũng lấy nước.

Theo RFA, một nghiên cứu của Mekong Freedom Network công bố hồi năm ngoái xác định 8 đập thủy điện trên sông Mekong của Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỷ mét khối nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu. Đây được xác định là nguyên nhân chính khiến dòng chảy sông Mekong trở nên bất thường.

Hiện trên sông Lan Thương, là thượng nguồn sông Mêkông đoạn chảy qua Trung Quốc, đã có 11 đập thủy điện, với tổng sản lượng điện 21.300 megawatt. Ngoài ra, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây thêm 8 đập ở lưu vực sông, cả ở dòng chính và trên các nhánh phụ.

Hà Nội vẫn dẫn đầu top đô thị ô nhiễm không khí nhất toàn cầu

Sáng nay 22/2, theo bảng tính của AirVisual, Hà Nội bước sang ngày thứ hai liên tiếp dẫn đầu top đô thị ô nhiễm không khí nhất toàn cầu.

Lúc 5h50′, chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội đo được là 221 đơn vị, trở thành đô thị duy nhất trong 94 thành phố được AirVisual khảo sát ở mức màu tím –mức rất xấu. Tình trạng không khí này sẽ tác động trực tiếp tới sức khỏe của mọi người. Chỉ số từ hệ thống quan trắc của chính quyền Hà Nội đưa ra cũng ở mức tương tự, với trên 200 đơn vị. Tình trạng được dự báo là có thể kéo dài 1 -2 hôm tới.

TS Hoàng Dương Tùng – chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nói trên Tuổi trẻ rằng, trong bối cảnh học sinh đang nghỉ học, đường phố không ùn tắc nhưng kết quả quan trắc như vậy thực sự là vấn đề lo ngại.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-tong-hop-22-2-yeu-cau-11-truong-dai-hoc-mo-lai-tu-1-3-trung-quoc-xa-dap-thuy-dien-tren-song-mekong.html