Tin Việt Nam – 21/02/2020
Virus corona: Hàng loạt báo VN
rút bài viết Thủ tướng Phúc khen cô giáo làm thơ
Bùi Thư BBC News Tiếng Việt
Ngày 20/2, báo chí Việt Nam đăng thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi bài thơ trong phong trào chống Covid-19 của cô giáo Chu Ngọc Thanh. Nhưng chỉ sau vài tiếng, các bài viết trên đều đồng loạt bị gỡ bỏ.
Bài thơ của “Đất nước ở trong tim” của cô Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường THCS Hùng Vương (Gia Lai) được mạng xã hội, các trang tin chia sẻ rộng rãi. Nội dung bài thơ khen ngợi công tác phòng chống dịch Covid-19 của đảng, nhà nước và cá nhân thủ tướng Việt Nam:
“Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa
Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại”
….
Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa
Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!”
Sau đó, bài thơ được đăng trên báo Thanh Niên.
Ngày 20/2, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng nước này ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến cô giáo Chu Ngọc Thanh.
Tuy nhiên, các bài viết về việc khen thưởng trên trên báo chí trong nước sau đó bị rút.
Bị tố là “đạo thơ”
Có ý kiến cho rằng, bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh vần điệu có phần giống bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam (Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) sáng tác năm 2016 và đây chỉ là một bài vè nối chữ.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh nhận định: “Bài thơ của cô Chu Ngọc Thanh lẫn cô Trần Thị Lam về cách thức là một, chỉ dừng lại ở cấp độ ghép lại những câu có vần điệu. Tôi không gọi đó là thơ mà chỉ là dạng thức của thơ”.
“Nên khen bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không em” của cô Trần Thị Lam, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Tĩnh trong bối cảnh xảy ra thảm họa môi trường Formosa 2016. Bài thơ của cô Lam đã góp phần truyền bá, lan rộng thông điệp về sự việc xã hội trong quần chúng. Còn bài thơ của cô Chu Ngọc Thanh chỉ là sự tiếp nối, không có sự sáng tạo” – nhà thơ chia sẻ.
Trần Vàng Sao và lời thơ ‘yêu nước đau đớn’
Họ đã phản kháng lại kiểm duyệt ra sao?
Nhưng báo Vietnamnet khi đó đưa tin cho biết, cô Trần Thị Lam sau đó còn đã bị an ninh văn hóa khuyên không nên phát tán bài thơ, tạo hiệu ứng xấu cho xã hội.
Nhà báo Ngọc Vinh, nguyên Thư ký tòa soạn báo Tuổi trẻ, nói với BBC News Tiếng Việt: “Bài thơ của cô Thanh mới đây thuộc thể loại tụng ca, ca ngợi chế độ nên được ngợi khen; còn bài thơ cô Lam là phê phán tình hình đất nước nên bị phê bình là đúng thôi”.
Bị tố là “viết sai sự thật”
Thời gian gần đây, báo chí trong nước đưa tin hàng loạt người dùng Facebook bị phạt tiền vì tung tin giả về dịch Covid-19.
Những nghệ sĩ nổi tiếng như Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng hay Cát Phượng cũng chịu phạt về hành vi lan truyền tin tức giả. Trong bối cảnh đó, bài thơ của cô Chu Ngọc Thanh có những chi tiết sai nhưng lại được khen tặng, theo các ý kiến trên mạng xã hội.
Ví dụ ông Dương Quốc Chính, một Facebooker viết cho rằng đoạn văn đi kèm bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh có nhiều chi tiết “bịa ra”, như việc các nước từ chối đón du thuyền MS Westerdam còn chính phủ Việt Nam lại cho cập cảng – tàu này chưa hề qua Việt Nam.
Bên cạnh đó, với đoạn văn mà cô Thanh ghi: “Trong lúc nhân dân các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ biểu tình, không cho người dân của nước họ từ vùng dịch trở về thì Chính phủ ta lại tuyên bố một câu đơn giản “sẵn sàng đón bà con về nước”, ông Quốc Chính phân tích rằng, đây cũng là chi tiết sai sự thật.
Nhà thơ Hồng Minh thì bình luận với BBC News Tiếng Việt: “Bài thơ được thủ tướng khen tặng có hiệu ứng mạnh, thực hiện sứ mệnh quảng bá của thơ ca là điều tích cực. Tuy nhiên, cần lưu ý vấn đề thông tin sai sự thật:
“Với con tàu đang khóc giữa đại dương
Mình mở cửa đón họ vào bến cảng
Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn
Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.”
Theo nhà thơ, chi tiết này sai nghiêm trọng: “Thực tế Thủ tướng Hun Sen của Campuchia là người đón du thuyền MS Westerdam chứ không phải Việt Nam. Vì vậy, quyết định khen tặng bài thơ này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc càng không chính xác, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia”.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Hồng Minh cho hay: “Ở Việt Nam có những tư duy bị lỗi nhưng trở thành hệ thống. Soi chiếu việc các nghệ sĩ như Ngô Thanh Vân bị phạt vì đưa tin sai sự thật là đúng, thì bài thơ của cô giáo Thanh cũng nên có sự xử lý thích hợp”.
‘Lỗi là ở thủ tướng’?
Theo nhà báo Ngọc Vinh, nguyên Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, làm thơ có sai sót là điều bình thường: “Điều bất thường là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đem bài thơ sai đi khen. Lỗi nằm Thủ tướng Chính phủ, không phải của người làm thơ”.
“Tôi thấy việc khen tặng của Thủ tướng cho một bài thơ là mất bình tĩnh, thiếu suy xét và thiếu tỉnh táo. Việc khen tặng nên để cơ quan chức năng, cô giáo làm thơ hay thì để Bộ GD&ĐT khen. Thủ tướng nên tập trung vào việc điều hành đất nước hơn là chú tâm việc nhỏ nhặt” – ông Ngọc Vinh phân tích thêm.
Còn nhà thơ Hồng Minh thì bình luận rằng: “Đến lúc cần coi lại những quyết định khen tặng long trọng, để việc khen tặng tầm chính phủ, quốc gia có giá trị hơn, chứ không dễ dãi như vậy”. Theo ông, việc các báo rút bài viết là điều tích cực, thể hiện việc đánh giá lại một tác phẩm chưa đúng tầm, đúng mức.
Bên cạnh đó, nhà báo Ngọc Vinh nói rằng, động thái rút bài thể hiện báo chí Việt Nam vẫn là công cụ:
“Các báo thấy công văn thủ tướng khen là đăng mà không thẩm định bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh có yếu tố đạo thơ hay không. Theo tôi biết, các báo tự đăng chứ không phải theo chỉ đạo. Vì thế, khi thấy bị hớ, bị dư luận phê bình và có sự chỉ đạo từ cấp trên thì đồng loạt rút bài”- ông Vinh nói.
Ông Ngọc Vinh cũng cho rằng, các báo đã thiếu sòng phẳng với độc giả trong việc rút bài: “Nếu rạch ròi và có văn hóa, báo chí cần rõ ràng với độc giả trước khi rút bài, như một kiểu đính chính” – ông nói với BBC News Tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51584776
Nỗi lo của người Hà Nội về dịch bệnh từ virus corona
Ngồi trong căn nhà nhỏ của mình trên con ngõ Hà Trung chật chội, sát với khu phố cổ, bà Đỗ Thị Dung thở dài trong lúc ngóng ngóng ra ngoài cửa, chờ cậu con trai cả trở về sau một ngày làm việc. Bà cho biết, cả đời gần 60 chục năm sinh sống ở Hà Nội bà chưa bao giờ bà cảm thấy lo lắng về sức khỏe như hiện tại. Đã nhiều ngày nay, bà Dung không muốn đặt chân ra đường vì sợ dịch bệnh. Cuộc sống hàng ngày quanh bốn bức tường tù túng, bức bối nhưng còn hơn là chẳng may dính bệnh. Mọi đồ ăn thức uống và nhu cầu khác đều phụ thuộc vào cậu con trai.
“Cái lo lắng ở đây là đông dân mà đi lại ra đường phố thì mọi người lại chưa đề cao ý thức lắm. Cho nên là mình cũng phải cẩn thận hơn bởi vì cái dịch bệnh nó cũng không thể nào mà hết ngay được và có khả năng còn kéo dài khi trẻ con vẫn còn đang nghỉ học,” bà Dung chia sẻ.
“Những người lớn tuổi như chúng tôi thì đương nhiên cái bệnh lây truyền nó cũng dễ xâm nhập. Do vậy chúng tôi phải tự bảo vệ bằng cách hạn chế ra đường hơn, khi có việc cần thiết thì mới ra đường. Người già và trẻ em thì như vậy. Còn đối với những người phải đi làm thì không thể tránh khỏi là vẫn phải ra đường và đến cơ quan. Trong khi đó, khẩu trang và nước rửa tay để phòng tránh thì lại khó mà mua được,” bà Dung tỏ vẻ ngao ngán.
Đó là câu chuyện của một người cao tuổi chủ yếu dành phần lớn thời gian ở nhà và con cái đã trưởng thành. Còn đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ, có con nhỏ, thì thời gian dịch bệnh này gây nhiều vất vả đối với cả gia đình khi con em trong nhà phải nghỉ học kéo dài trong khi lại không được ra ngoài vui chơi. Có những gia đình cho rằng điều lo lắng hơn đối với họ là giờ đây là những thông tin về dịch bệnh của các cơ quan quản lý y tế Việt Nam được truyền tải trên hệ thống báo chí nhà nước không phải là những thông tin mà họ có thể tin cậy được. Vì thế, họ không thực sự hiểu được mức độ nghiêm trọng thật sự của đợt dịch bệnh lần này.
Chị Phạm Thu Hiền, sinh sống tại quận Hai Bà Trưng, cho biết người dân bây giờ ‘cần có một hệ thống thông tin trung thực, minh bạch và độc lập’.
Một số người cũng chia sẻ rằng sự điều hướng thông tin trên báo chí về tình hình dịch bệnh có thể giúp giảm thiệt hại đối với các hoạt động kinh tế, nhưng thực sự khiến nhiều người rơi vào cảnh bất an, bị động và dẫn tới nguy cơ nhiễm bệnh khi không thực sự ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Vài tuần qua, do người dân hạn chế ra đường, học sinh, sinh viên được nghỉ học, nên đường phố Hà Nội thoáng đãng và vắng vẻ chưa từng thấy, một số cư dân cho biết. Việc giao thông đi lại không gặp cản trở hay tắc đường, nhưng đi kèm với nó là hoạt động kinh doanh ế ẩm của nhiều cửa tiệm, nhà hàng, đặc biệt là những nơi tập trung đông người như các trung tâm giải trí, quầy bar hay quán bia… Những tụ điểm này cũng như những cửa tiệm kinh doanh tại sân bay Nội Bài hiện đang hoạt động cầm chừng. Và nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài nhiều người dự báo sẽ thua lỗ lớn trong hoạt động kinh doanh trong năm nay.
Anh Đoàn Trần Sơn, người giữ vị trí trưởng phòng kinh doanh miễn thuế của một doanh nghiệp nước ngoài tại sân bay Nội Bài chia sẻ những ưu tư của mình: “Bây giờ mọi người rất là sợ. Nếu như anh ở Việt Nam anh sẽ thấy hầu như đi ra ngoài đường ý là hầu như 100% khẩu trang đeo bất kỳ chỗ nào, thậm chí là không ra ngoài đường luôn. Tôi là người đi làm ở xa, tôi đi làm cách nhà khoảng 30 – 40km, tôi làm trên sân bay Nội Bài thì tôi thường đi xe tuyến hoặc xe bus thì chưa bao giờ tôi thấy một khung cảnh đi làm nó lại ảm đạm và vắng vẻ như vậy. Nói thật như là Tết luôn nhưng nó ảm đạm, buồn rầu lắm vì nó chẳng có người đi lại gì cả. Mọi người tôi nghĩ rằng cái ảnh hưởng của con virus này làm cho cái tâm lý lo lắng mọi người rất là lớn cho nên mọi người hạn chế đi lại rất là nhiều.”
Tính đến ngày 20/02, dịch bệnh do virus corona, với tên gọi Covid-19 đã giết chết 2129 người và gần 76.000 người nhiễm bệnh. Việt Nam nói 14 trên 16 ca được xác nhận dương tính với virus này đã khỏi. Hơn trăm người ngày 21/2 sẽ được rời khỏi nơi cách ly tại doanh trại quân đội ở Lạng Sơn, một giới chức cho Reuters biết ngày 20/2. Tổng cộng 505 người Việt bị cách ly tại doanh trại này sau khi trở về
từ Trung Quốc nhưng 2 người đã được chuyển tới một bệnh viện gần đó để theo dõi sức khỏe thêm, giới chức ẩn danh nói với Reuters.
https://www.voatiengviet.com/a/noi-lo-cua-nguoi-ha-noi-ve-dich-benh-tu-virus-corona/5297293.html
‘Nhờ’ dịch corona, người dân Việt Nam có tôm, cua giá rẻ?
Kể từ Tết Nguyên đán đến nay, dịch bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19) hoành hành ở Trung Quốc đã khiến nhiều hộ nông dân nuôi tôm hùm, cua ở Việt Nam điêu đứng vì không thể xuất khẩu được và phải nhờ đến thị trường trong nước giải cứu.
Tuy nhiên, một nông dân nuôi cua ở Cà Mau nói với VOA rằng ông không trông mong nhiều vào thị trường nội địa mà chỉ mong sao dịch bệnh ở Trung Quốc chóng qua để ông có thể xuất khẩu tiếp tục vào thị trường này.
Trong lúc này, báo chí trong nước đưa tin người tiêu dùng ở các thành phố lớn của Việt Nam đang đổ xô đến các siêu thị để mua tôm hùm với giá rẻ hơn nhiều so với ngày thường trong khi các tài khoản bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội đang rao bán tôm hùm Khánh Hòa hay cua Cà Mau với giá rẻ.
Tôm hùm Khánh Hòa hay cua Cà Mau là những sản phẩm thủy hải sản nổi tiếng của Việt Nam lâu nay rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng nhưng lại không được tiêu thụ nhiều ở thị trường trong nước vì giá đắt đỏ.
‘Đành phải bán rẻ’
Trao đổi với VOA, ông Đỗ Hảo, một nông dân nuôi cua ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cho biết từ đầu khi dịch bệnh bùng phát đến nay, tình hình tiêu thụ cua ở địa phương ông đã bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Lâu nay chúng tôi chủ yếu xuất cua ra thị trường nước ngoài, nay phải bán rẻ cho thị trường nội địa,” ông than thở và cho biết lượng xuất khẩu ra nước ngoài mà chủ yếu là thị trường Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng cua của ông.
Những khi xuất khẩu được thì giá cua nội địa ‘đu theo giá xuất khẩu’ nên có giá rất cao và nhờ đó, người nông dân mới có thu nhập cao, ông cho biết.
Theo lời ông Hảo thì một kg cua gạch xuất khẩu được thương lái thu mua với giá 500.000 đồng trong khi bán ra thị trường trong nước chỉ có giá 200.000 đồng, tức là chưa tới một nửa giá thu mua cho xuất khẩu.
“Một khi không xuất khẩu được thì chúng tôi phải bán theo giá nội địa,” ông nói và cho biết khi cua đủ lớn đến kỳ thu hoạch thì không thể tích trữ được mà phải đem ra thị trường tiêu thụ.
Ông thừa nhận rằng giá bán 200.000 đồng một kg cua gạch ở thị trường trong nước ‘không đến nỗi lỗ’ đối với người nông dân nhưng ‘mức lời rất ít’ – không đủ để trang trải cho những rủi ro trong nghề nuôi cua.
“Giá xuất qua thị trường Trung Quốc có lúc giảm, lúc tăng nhưng lúc nào cũng cao hơn giá thị trường trong nước,” ông nói và cho biết lúc cao điểm khi gần đến Tết Nguyên đán, giá cua gạch xuất sang Trung Quốc thường lên tới 650.000 đồng một kg.
Theo lời ông thì những lúc thị trường Trung Quốc bình thường, thương lái đến thu mua cua Cà Mau ‘rất đông’ và họ ‘lúc nào cũng thu mua hết của bà con nông dân’.
“Lúc không có dịch thì mỗi ngày có đến 4, 5 thương lái đến thay nhau cân cho hết cua chất cho đầy xe. Nông dân tụi tui có cuộc sống rất ổn định,” ông nói. “Nhưng chỉ 1, 2 ngày sau khi có dịch thì chỉ còn 1 thương lái xuống mua mà có mối hàng sẵn họ mới dám xuống cân cua.”
‘Quyết định đúng đắn’
Khi được hỏi tại sao không tập trung tiêu thụ thị trường trong nước vốn cũng có nhu cầu lớn đối với cua Cà Mau, ông Hảo phân trần: “Người nông dân nuôi cua làm việc rất vất vả. Họ làm ra thành phẩm nên cần có thu nhập cao. Nếu bán cho thị trường trong nước có chăng là bán giá rẻ nên người nông dân không thiết tha lắm.”
Theo lời ông Hảo thì thị trường trong nước không thể mua bằng với thị trường Trung Quốc là 500.000-600.000 đồng một kg cua, mà nếu có bán được với giá đó thì tất cả các mặt hàng tiêu dùng khác trong nước cũng tăng giá lên theo, khiến cho mức sống của người dân, trong đó có nông dân nuôi cua, sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
“Chúng tôi chỉ mong sao Trung Quốc hết dịch để chúng tôi xuất khẩu được, cua có giá trở lại,” ông nói với VOA và cho biết ở địa phương ông có nông dân đã lỗ đến 100 triệu đồng vì dịch bệnh so với cùng thời điểm năm ngoái.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi việc hạn chế giao thương với Trung Quốc trong thời điểm dịch bệnh, ông Hảo cho rằng đó là ‘quyết định đúng đắn’ của chính phủ Việt Nam.
“Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân. Hàng hóa không tiêu thụ được thì người nông dân khổ nhưng dù sao thì cái khổ đó vẫn có thể chịu được. Nông dân nuôi cua dù không có lời nhiều nhưng vẫn tiêu thụ được trong nước. Còn cái khổ dịch bệnh thì người dân sẽ chết,” ông giải thích và nói rằng dù bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng ông vẫn ‘cắn răng chịu đựng thiệt hại’ của việc đóng cửa khẩu với Trung Quốc.
‘Tôm hùm giá rẻ’
Trong khi đó, cũng do tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, tôm hùm Khánh Hòa đang được các doanh nghiệp trong nước ‘giải cứu’ và đổ về các siêu thị ở Việt Nam với mức giá được cho là ‘rẻ khác thường’: chỉ còn 500.000 đồng một kg so với mức giá từ 1 đến 2 triệu đồng một kg thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các báo trong nước đưa tin.
Các chuỗi cửa hàng thực phẩm và chuỗi siêu thị bán lẻ cũng đã kết nối với các doanh nghiệp thu mua tôm hùm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa để giải cứu tôm hùm – giúp người nông dân tiêu thụ được tôm hùm ở thị trường nội địa.
Mức giá rẻ bất ngờ này đã khiến sức tiêu thụ tôm hùm trong nước ‘tăng vọt’, theo tường thuật của nhiều tờ báo trong nước và nhiều siêu thị không đủ tôm hùm để bán cho người dân.
Báo mạng VnExpress cho biết tôm hùm giờ đây đã trở thành một trong những mặt hàng bán chạy nhất ở các siêu thị.
Tờ báo này dẫn lời một nhân viên ở siêu thị Vinmart Thảo Điền cho biết ‘chỉ trong vòng 10 phút, siêu thị đã bán hết một tạ tôm hùm’. Một người chủ cửa hàng Đảo Hải Sản ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng được báo mạng này dẫn lời nói rằng doanh số tôm hùm của họ trong vòng một tuần nay đã ‘tăng hơn 10 lần so với trước đó’.
Biên giới Việt Nam – Trung Cộng mở trở lại
theo đề nghị của Trung Cộng
để dân Hoa Lục qua Việt Nam buôn bán
Tin Vietam.- Theo bản tin của Reuters ngày 19 tháng 2 năm 2020, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Cộng đã có cuộc gặp song phương với ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Cộng sản Việt Nam trong dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong- Lan Thương lần thứ 5; và Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN- Trung Cộng về hợp tác ứng phó coronavirus dược tổ chức tại Vientiane, Lào.
Tại đây, ông Vương Nghị yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam khôi phục việc đi lại của công dân Trung Cộng qua Việt Nam. Đổi lại, phía Trung Cộng sẽ sẵn sàng tăng cường nhập cảng các sản phẩm của Việt Nam. Đề nghị của phía Trung Cộng diễn ra trong bối cảnh dịch coronavirus đang có diễn biến ngày càng phức tạp.
Trước yêu cầu của Vương Nghị, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã mở cửa lại biên giới vào ngày 20 tháng 02. Những chiếc xe vận tải tập trung ở biên giới Tân Thành ở tỉnh Lạng Sơn bắt đầu di chuyển trở lại vào thứ Năm (20/2).
Tất cả các viên chức quan thuế được nhìn thấy đeo khẩu trang và tài xế xe vận tải đang mặc đồ bảo hộ trước khi qua biên giới. Tài xế xe vận tải Nguyễn Trọng Cang cho biết việc đóng cửa thương mại đã “đánh mạnh vào cuộc sống của ông” và một số xe vận tải đã bị giữ trong “hơn một tháng”. (BBT)
Tài xế bị cách ly dịch coronavirus bất mãn
vì bị thu cả triệu tiền giữ xe
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 19 tháng 2 năm 2020 loan tin, sau khi hết thời gian cách ly dịch coronavirus, nhiều tài xế bất mãn vì bị thu cả triệu đồng tiền giữ xe mà trước đó được viên chức nói là không mất tiền.
Có khoảng 40 tài xế lái xe cho các công ty đã chở hàng qua cửa qua Kim Thành, tỉnh Lào Cai sang Trung Cộng, sau khi về nước họ được đồn biên phòng, và hải quan cửa qua Kim Thành đưa đi cách ly, theo dõi 14 ngày. Lúc này, các tài xế hỏi 2 cơ quan trên là trong thời gian họ bị cách ly thì có bị mất lệ phí giữ xe không, và được trả lời là không. Sau đó, các tài xế được nhà chức trách hướng dẫn lái xe vào bãi xe của công ty cổ phần logistics Kim Thành để đi cách ly.
Tuy nhiên, sau khi hết thời gian cách ly, các tài xế ra lấy xe để về thì ngỡ ngàng nghe bảo vệ bãi xe thông báo nội dung, các tài xế đậu xe dưới 10 ngày phải trả mức phí 100,000 đồng/ngày đêm, còn ai đậu xe trên 10 ngày thì thu số tiền 1 triệu đồng. Nếu các tài xế không trả tiền thì sẽ bị giam xe.
Trước sự việc này, các tài xế đã nhiều lần gọi điện vào số điện thoại đường dây nóng của tỉnh Lào Cai tuy nhiên không có ai bắt máy. Sau đó, các tài xế đã đến cửa qua Kim Thành để hỏi nhưng không có ai đứng ra giải quyết. Vì vậy, nhiều tài xế phải vay mượn tiền của người quen để trả tiền cho bãi xe.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tai-xe-bi-cach-ly-dich-coronavirus-bat-man-vi-bi-thu-ca-trieu-tien-giu-xe/
Virus corona: Việt Nam bớt hạn chế
trao đổi mậu dịch qua biên giới Trung Quốc
Thanh Phương
Hãng tin Reuters hôm nay, 21/02/2020, trích dẫn bộ Công Thương cho biết Việt Nam đã giảm nhẹ các hạn chế về trao đổi mậu dịch qua biên giới Việt – Trung, mặc dù dịch viêm phổi vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc.
Trong bản thông cáo, bộ Công Thương cho biết là chính quyền tỉnh Lạng Sơn hôm qua đã mở lại các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh của tỉnh này. Nhưng theo bộ Công Thương, tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài, phải thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cho nên « tiến độ xuất khẩu nông sản vẫn chậm hơn rất nhiều » so với thời gian trước khi có dịch.
Ngoài ra, theo các nhân chứng của hãng tin Reuters, gần cửa khẩu Hữu Nghị, hàng trăm xe tải của Việt Nam cũng đang chuẩn bị chở hàng sang Trung Quốc, sau khi bị chặn lại từ ngày 05/02. Toàn bộ các nhân viên hải quan đều đeo khẩu trang khi làm việc và các tài xế xe tải cũng đeo khẩu trang trước khi vượt qua biên giới.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam. Vào đầu tháng này, để ngăn chận sự lây lan của dịch Covid-19 từ Trung Quốc, Việt Nam đã đóng cửa một phần biên giới, đồng thời đã ngưng cấp visa nhập cảnh cho khách Trung Quốc.
Cũng theo Reuters, một điều tra của Phòng thương mại Hoa Kỳ vào tuần trước cho thấy là các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề về nguồn cung cấp nguyên vật liệu do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại Việt Nam hiện nay, trên tổng số 16 người được xác định bị nhiễm virus corona chủng mới, 15 người đã khỏi bệnh và được xuất viện, người cuối cùng là một Việt kiều Mỹ, được xuất viện chiều nay sau 21 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới ở Sài Gòn. Như vậy tính đến hôm nay, 21/02, chỉ còn một người bị nhiễm Covid-19 nằm viện, đó là bệnh nhân đang được điều trị ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, theo Thông tấn xã Việt Nam hôm nay, do vẫn lo ngại về nguy cơ dịch Covid-19 lây lan, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định không tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2020, theo dự kiến sẽ diễn ra vào mùa hè. Trước đó, hôm 18/02/2020, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã quyết định dời ngày tổ chức Festival Huế 2020, theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 4.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn duy trì cuộc đua xe Công thức 1 ( F1 ) tại Hà Nội. Tuy vậy, đài truyền hình RTL của Đức hôm qua thông báo sẽ không cử người đến Việt Nam để tường thuật về sự kiện thể thao này.
Khi “Đất nước” không thể im lặng
Cánh Cò
Bài thơ “Đất nước ở trong tim” về dịch COVID-19 viết cho học trò của cô Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường THCS Hùng Vương, Gia Lai khiến cộng đồng mạng một lần nữa dậy sóng như khi bài thơ “Đất nước mình lạ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam, giáo viên Trường Chuyên Hà Tĩnh xuất hiện váo tháng 4 năm 2016.
Thời gian chỉ mới bốn năm nên người ta chưa thể quên được bài thơ của cô giáo Lam bởi tính chất thời sự lẫn hiện thực xã hội của nó, vì vậy khi bài thơ “Đất nước ở trong tim” của cô giáo Chu Ngọc Thanh xuất hiện ngay lập tức trở nên ầm ĩ và người ta bắt đầu soi từng dấu chấm phẩy của bài thơ để truy tìm căn nguyên tại sao nó lại giống đến “nao lòng” bài thơ của cô giáo Lam đến thế.
Ngay tựa bài thơ hai chữ “đất nước’ đã phần nào nói lên ý định của cô giáo Thanh. Cô Thanh muốn nhấn mạnh đến toàn thể dân chúng Việt Nam cũng như cô giáo Lam từng làm. Có điều đất nước mà cô Thanh miêu tả hình như thiếu chân thật, trong đó chỉ có những hình ảnh cô Thanh tự ý thêm vào nhằm đánh bóng, tô son cho hình tượng lãnh đạo, cái mà cô giáo Lam không chấp nhận trong bài thơ của cô. Hai chữ “đất nước” tuy giống nhau nhưng người đọc thơ nhanh chóng nhận ra một điều không phải cứ giống nhau là hay như nhau.
Bởi cô giáo Lam khẳng định một điều mà ai cũng thấy đó là: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh? / Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn / Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm / Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…”
Trong khi đó gần như ngược lại cô giáo Thanh khẳng định: “Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em / Nhưng làm được những điều phi thường lắm.”
Điều mà cô Thanh gọi là phi thường được chính cô đem các hoạt động chống dịch COVID-19 mà người dân cả nước đang cố gắng đối phó. Một trong những vết son mà cô nhấn mạnh là Việt Nam tuy đang thiếu trầm trọng khẩu trang cũng như các vật liệu y tế chống dịch khác nhưng vẫn hào phóng đối với người bạn vàng Trung Quốc, cô viết: “Với người láng giềng đang lúc lâm nguy / Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế / Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể / Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn.”
Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan/ Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại/ Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi / Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường. – Trích thơ cô giáo Chu Ngọc Thanh
Chưa thấy thỏa mãn với lòng tự hào dân tộc đang bùng nổ trong lòng, cô không ngần ngại…tưởng tượng thêm những chi tiết không hề có, cô viết: “Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan / Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại / Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi / Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.” Hai câu đầu thì đúng nhưng hai câu sau thì cô Thanh đã bước một chân vào vùng thơ của Tố Hữu.
Nguy hiểm hơn, cô giáo Thanh còn lầm lẫn vị trí địa lý của thế giới khi cô nhầm Cambodia là phần đất của Việt Nam bởi cô hí hửng viết những câu thơ xúc phạm tới người láng giềng của đất nước: “Với chuyến du thuyền đang khóc giữa đại dương / Mình mở cửa đón họ vào bến cảng / Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn / Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.”
Cô giáo Thanh quên mất chính Cambodia mới là nước đón chiếc du thuyền kia vào nước của họ.
Có lẽ nếu chỉ bấy nhiêu thì người dân không đến nỗi ném đá vào đầy nhà cô giáo, cái làm cho người ta giận dữ khi đọc được mấy câu này: “Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa / “Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại”.
Người dân thì nhíu mày trợn mắt vì cái “hồn vía” của bài thơ nhưng người trong cuộc là ông Thủ tướng lại như mở cờ trong bụng. Ông cảm thấy trở thành vĩ đại và vì vậy ra lệnh viết một công văn khen tặng bài thơ của cô giáo Thanh với lời lẽ hết sức nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa khá nhiều kiêu hãnh. Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp thay mặt Thủ tướng ký giấy ghi nhận bài thơ ca ngợi chính quyền dập dịch trong đó có câu “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến cô giáo Chu Ngọc Thanh bài thơ trên”.
Chính cái công văn quái ác này đã mang bài thơ của cô giáo Thanh bay vào sọt rác. Công bằng mà nói nếu nó âm thầm lưu hành đâu đó thì người ta ít để ý đến, có chăng chỉ cho là một bài thơ nâng bi bình thường như hằng hà sa số các bài thơ nâng bi khác của chế độ từ xưa tới nay. Giống như nhà nước cố gắng nuôi sống thơ của Tố Hữu trong văn học cách mạng với hàng chục bài thơ nhưng người ta chỉ chú ý và lưu truyền những dòng thơ gây “đỏ mặt” nhất của ông mà thôi. Đó là những câu thơ như: “yêu biết mấy, nghe con tâp nói / tiếng đầu lòng con gọi Stalin” hay “Thương cha, thương Mẹ, thương chồng / thương mình thương một, thương Ông thương mười”
Chính ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp biến cô giáo Chu Ngọc Thanh trở thành một Tố Hữu thứ hai, tuy tài nghệ non hơn nhưng tiềm năng thì có thừa. Trong một lúc cao hứng ông Thủ tướng tưởng mình đang ngồi bình thơ với các quan lại trong triều và sẵn tiện phê một chữ son vào bài thơ khen mình. Nhưng ngỡ ngàng quá, công dân mạng không phải là tiện dân như thời phong kiến, họ châm chọc, dẻ bỉu, sỉ vả có người còn làm thơ trào phúng diễu nhại một cách thâm thúy. Hàng trăm hàng ngàn câu comment trên mạng xã hội cho thấy người dân đã chán ngán cái cung cách mà nhà nước cách mạng chuyên chính áp dụng từ 50 năm về trước.
Nhà nước luôn khẳng định rằng sách vở, báo chí, truyền thông do họ kiểm soát nên bất cứ chuyện gì họ cũng có thể đối phó một cách rốt ráo. Nhưng qua câu chuyện thơ vừa nêu nhà nước đã lầm và cách mà họ giải quyết là rút hẳn quyết định khen thưởng cô giáo Thanh xuống khỏi mọi tờ báo đã đăng tải. Tiếc một điều facebook vẫn còn giữ lại và người dân lại có dịp cười thêm vào mặt những kẻ háo danh nhưng đần độn.
Thủ tướng không đần độn nhưng ông tỏ ra rất háo danh. Người tư vấn bài thơ cho ông tuy không háo danh vì không ai biết tới mình nhưng đần độn thì lại có thừa. Chỉ có đần độn mới xúi Thủ tướng viết những lời “chim chóc” vào lịch sử của những bài thơ nổi tiếng vì nịnh.
Đất nước hôm nay không còn im lặng như cái thời mà Nhân Văn Giai Phẩm bị trù dập đầy oan khuất. Đất nước cũng không thể im lặng khi nghe những tài năng nịnh nọt nhân danh đất nước mà đem nhân phẩm đặt dưới chân một ông thần cách mạng nào đó, đất nước càng không thể im lặng để một cô giáo làm nên những câu thơ giả dối đầu độc thế hệ tương lai.
Đừng dựa vào đất nước nữa hỡi các nhà thơ không thể đi trên chính đôi chân của mình.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/when-people-cant-be-quiet-02212020093254.html
Việt Nam có quá tự tin tuyên bố
sẽ không còn người nhiễm COVID – 19 vào tuần tới?
Sau khi cho xuất viện bệnh nhân thứ 15 trong tổng số 16 bệnh nhân nhiễm virus COVID – 19, giới chức y tế Việt Nam tự tin nói với báo giới rằng tuần tới Việt Nam sẽ không còn bệnh nhân nào nhiễm virus này. Phát biểu đầy tự tin của giới chức y tế Việt Nam không làm người dân và các chuyên gia y tế khác yên tâm về thực trạng kiểm soát bệnh dịch ở Việt Nam.
Nhận xét về phát biểu của ông Lương Ngọc Khuê, dưới góc nhìn cá nhân, anh Hưng – một người dân hiện đang ở Đà Nẵng bày tỏ:
“Tôi chỉ cảm nhận không biết Việt Nam dựa trên những tổng kết nào từ ngành y tế. tuyên bố như vậy thực ra chúng tôi rất muốn tin như vậy, cũng muốn có những thông tin tốt về việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, có điều thông tin xác đáng và mang lại lạc quan đúng đắn cho người dân tôi nghĩ tôi chưa xác tín được. Bản thân những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, những địa phương như Sài Gòn, Hà Nội thì khả năng lây nhiễm vẫn còn chứ không phải không.”
Tuyên bố như vậy thực ra chúng tôi rất muốn tin như vậy, cũng muốn có những thông tin tốt về việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, có điều thông tin xác đáng và mang lại lạc quan đúng đắn cho người dân tôi nghĩ tôi chưa xác tín được. -Hưng
Bạn Hương, một người dân khác đang sống và làm việc tại Sài Gòn lại cho rằng:
“Thực ra tôi nghĩ sẽ nhiều (người nhiễm) hơn nhưng có thể chưa phát hiện hoặc có thể phát tán thông tin vì không muốn dân loạn. Chỉ mười mấy người (nhiễm bệnh) thôi mà đã xếp hàng mua khẩu trang kiểu đó nên sẽ không kiểm soát được nếu nói ra sự thật. Vì vậy phát biểu như vậy chỉ để trấn an dân.”
Dịch bệnh COVID – 19 xuất phát từ Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái hiện đã lan ra khắp thế giới với hơn 75.000 ca nhiễm bệnh và hơn 2.100 cả tử vong, chủ yếu là tại Trung Quốc.
Việt Nam là nước có đường biên giới dài với Trung Quốc nhưng cho đến giờ mới chỉ phát hiện được 16 ca dương tính với virus COVID – 19. Tuy nhiên, giới chức chính phủ thừa nhận trong các tuần qua, hàng ngàn người Trung Quốc và Việt Nam từ Trung Quốc đã vào Việt Nam và phải theo dõi, cách lý. Một số tỉnh thành ở Việt Nam đã phải lập các bệnh viện dã chiến lên đến hàng trăm giường bệnh.
Với kinh nghiệm từng làm Bộ Y tế về vệ sinh dịch tễ và vaccine, Bác sĩ – Tiến sĩ Trần Tuấn nhận định:
“Tôi nghĩ việc này phải xem xét xem liệu ông Khuê phát biểu như thế có dựa trên thông tin nào khác về hoạt động giám sát trong thời gian vừa qua cũng như hiệu quả của hệ thống này để có thể dự đoán chắc chắn nguy cơ xuất hiện không còn bệnh nhân nữa trong tuần tới hay không.”
Giao thương bình thường với Trung Quốc trong mùa dịch
Để phòng dịch bệnh lây lan, từ đầu tháng 2 vừa qua, Việt Nam đã thực hiện một loạt các biện pháp hạn chế luồng người đến từ Trung Quốc bao gồm ngưng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, ngưng cấp visa điện tử cho khách từ Trung Quốc.
Hôm 19/2, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị phía Việt Nam sớm để cho người Trung Quốc ra vào Việt Nam bình thường như trước kia.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/2 cho biết Việt Nam không đóng cửa hay tạm dừng hoạt động thương mại với Trung Quốc ở biên giới mà chỉ có các biện pháp về quản lý dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Việt Nam chỉ đóng tạm các lối mở, đường mòn không chính thức giữa hai bên. Những người từ Trung Quốc vào Việt Nam phải chịu cách ly 14 ngày.
Với loại dịch này, làm đúng các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới thì có thể nguy cơ dịch rất thấp. Nhưng nếu sàng lọc và giám sát dịch không tốt thì thực sự lại là nguy cơ để cho dịch phát tán trở lại. – BS.Trần Tuấn
Bên cạnh đó, Đà Nẵng và Huế vẫn đang tiếp tục đón các tàu du lịch nước ngoài với hàng trăm khách vào thăm giữa mùa dịch COVID-19, sau khi tỉnh Quảng Ninh trước đó đã từ chối hai tàu du lịch nước ngoài khác vì sợ bệnh dịch lây lan.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hầu hết các hành khách trên hai tàu này đến tứ Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc, hoàn toàn không có du khách Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã tiến hành kiểm dịch y tế cho toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn có nhu cầu lên bờ và không có trường hợp nào có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19.
Trong khi đó, cũng trong ngày 20/2, cảng hàng không thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Đắk Lắk, đang sẵn sàng tiếp nhận 630 công dân Việt Nam trở về nước từ vùng dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
Nhiều người dân bày tỏ lo ngại trước những thông tin vừa nêu vì sợ nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn còn tiềm tàng trước đây nay lại được tăng cao hơn thông qua việc mở cửa của chính phủ. Anh Hùng cho biết:
“Với tư cách một người dân tôi nghĩ chính phủ nên hy sinh quyền lợi kinh tế để tuyên bố đóng cửa hẳn, không nên tiếp nhận du khách nước ngoài nữa.”
Dưới góc nhìn khoa học, bác sĩ Trần Tuấn giải thích:
“Sẽ không sợ lây nhiễm nếu Việt Nam đảm bảo tốt tối thiểu hai điều kiện. Thứ nhất là hệ thống sàng lọc người nhiễm, người có triệu chứng lâm sàng được làm chặt chẽ đối với du kahcsh, nhất là từ Trung Quốc sang. Đặc biệt làm tốt với bộ phận đi từ Vũ Hán, Hồ Bắc trở về vì có nguy cơ khá cao. Thứ hai là phải đảm bảo tất cả mọi cá nhân từ Trung Quốc sang cũng như người Việt Nam sang Trung Quốc rồi trở về phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ trong thời gian quy định 14 ngày. Nếu 2 điều kiện này được làm tốt thì hệ thống giám sát dịch, hệ thống sàng lọc ở các cửa khẩu, đường biên cũng như hàng không, đường thủy, đường bộ và hệ thống giám sát theo dõi sau khi vào đất nước thì nguy cơ lây nhiễm có thể khống chế được vì khoa học cho phép đánh giá rằng với loại dịch này, làm đúng các hướng dẫn của Tổ
chức Y tế thế giới thì có thể nguy cơ dịch rất thấp. Nhưng nếu sàng lọc và giám sát dịch không tốt thì thực sự lại là nguy cơ để cho dịch phát tán trở lại.”
Vẫn theo Bác sĩ Tuấn, trong thời gian sắp tới, khả năng xuất hiện người dương tính với dịch bệnh vẫn có khả năng xảy ra, nhưng số lượng rất thấp và không đến mức quá đáng ngại bởi vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất là do thời gian ủ bệnh đã qua, dịch chưa lên đến đỉnh hoặc lên đến đỉnh nhưng chưa bùng phát được. Thứ hai là do điều kiện khí hậu nắng, nóng, không thuận lợi để virus phát triển, thời điểm này trở đi càng bất lợi cho virus. Thứ ba là virus lây lan muốn phát triển dựa vào hệ thống vệ sinh của người dân. Thời gian vừa qua thông tin về vệ sinh phòng dịch rất tốt, tạo ra sự nhận thức của người dân giúp hạn chế dịch phát triển.
Vẫn theo ông, việc quan trọng nhất người dân cần làm hiện nay là không nên để bản thân bị áp lực vì virus, vì stress không giúp ích được cho khả năng miễn nhiễm và đề kháng của cơ thể.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 17/2 về phòng chống dịch COVID -19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là đất nước an toàn, đang làm tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời cũng kêu gọi người dân đồng lòng, ủng hộ Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành.
Dịch COVID – 19: Bộ Y tế lo ngại
người trở về từ Trung Quốc trốn cách ly
Bộ Y tế Việt Nam hôm 20/2 cho biết một số người Việt Nam trở về từ vùng dịch COVID – 19 đã trốn cách ly theo quy định là 14 ngày. Bộ Y tế yêu cầu công an ở các tỉnh thành lập danh sách những người trở về trong 14 ngày qua để báo giới chức y tế nhằm kịp thời cách ly những người này.
Dịch COVID – 19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào khoảng tháng 12 năm ngoái hiện đã lan ra 29 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 76.000 ca nhiễm bệnh và hơn 2.200 ca tử vong, phần đông là tại Trung Quốc.
Việt Nam cho đến lúc này mới ghi nhận 16 ca dương tính với virus mới và đã cho xuất viện 15 ca.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm 21/2 đã cho xuất viện bệnh nhân người Mỹ gốc Việt và thông báo thành phố không còn người nhiễm COVID – 19.
Thung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho báo chí biết đã có hai hành khách thuộc du thuyền Westerdam đến sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều ngày 20/2. Đây là du thuyền đậu ở Campuchia và đã phát hiện có trường hợp nhiễm COVID – 19. Giới chức y tế thành phố cho biết hai người này đã được kiểm tra y tế và không có dấu hiệu bệnh. Tất cả các hành khách còn lại trên chuyến bay cũng bình thường và đều được khuyến cáo về bệnh dịch.
Trong khi đó, tại Nam Hàn, số người nhiễm COVID – 19 đã tăng gấp 3 lần trong vòng 3 ngày qua với tổng số ca nhiễm được hãng tin Yonhap của Nam Hàn ghi nhận là 156 trường hợp. Thành phố Deagu của Nam Hàn là nơi có nhiều ca nhiễm nhất với 41 trường hợp. Chính phủ nước này đã tuyên bố thành phố Daegu và Cheongdo là “khu vực quan tâm đặc biệt” sau một loạt trường hợp dương tính với virus mới những ngày qua.
Nguyên nhân khiến Nam Hàn có số ca nhiễm COVID – 19 tăng vọt được cho là do ca nhiễm số 31 ở nước này đã tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong thời gian ủ bệnh.
Bộ Giáo dục cân nhắc
cho học sinh quay lại trường vào tháng 3
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cân nhắc việc cho học sinh quay lại trường vào ngày 2/3 tới sau nhiều tuần nghỉ học để tránh dịch COVID – 19. Truyền thông trong nước hôm 21/2 trích lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết như vậy.
Ông Nguyễn Hữu Độ cho báo chí biết chỉ có địa phương có dịch mới được cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Ông nói thêm nếu tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học thì sẽ rất khó khăn thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo.
Cũng trong ngày 21/2, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đồng ý với đề xuất cho học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2.
Quyết định của ông Chung được đưa ra sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất cho học sinh trên địa bàn thành phố tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2 năm 2020 và dự kiến đi học trở lại vào đầu tháng 3, tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra cùng ngày. Như vậy, tính đến ngày 21/2, Hà Nội đã cho học sinh nghỉ học gần 3 tuần để phòng, chống dịch Covid-19.
Cũng tại phiên họp trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý lên tiếng rằng, để cho học sinh đi học trở lại thì phải đảm bảo cả hai yếu tố an toàn và an tâm. Hiện ở Hà Nội hiện vẫn còn hơn 400 người phải giám sát.
Truyền thông trong nước dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết tại nhiều nước có ca nhiễm COVID-19, học sinh, sinh viên vẫn đi học. WHO và một số tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn cũng đã khuyến nghị, với tình hình dịch bệnh hiện tại, đã đến lúc Việt Nam xem xét thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Trước đó một ngày, hôm 20 tháng 2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản kiến nghị Chính phủ cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 3 tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, cần đảm bảo sự an toàn, sức khoẻ cho học sinh.
Bộ Công thương:
Samsung sẽ chịu ảnh hưởng do dịch COVID – 19
Bộ Công thương hôm 21/2 cho hãng tin Reuters biết khu vực chế tạo của Việt Nam với ví dụ điển hình là hãng Samsung sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19.
“Các nhà chế tạo xe hơi, thiết bị điện tử và điện thoại đang gặp khó khăn trong việc mua nguyên vật liệu vì gián đoạn do virus (COVID – 19).
Việt Nam phụ thuộc về nguyên vật liệu và thiết bị từ Trung Quốc, và điều này làm cho Việt Nam dễ bị ảnh hưởng khi dịch bệnh bùng phát”, thư điện tử của Bộ Công thương gửi Reuters có đoạn viết.
Theo Bộ Công thương, Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam cũng phải chịu ảnh hưởng, cụ thể là dây chuyền sản xuất hai loại điện thoại mới của hãng này vì phần lớn phụ kiện nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, hôm 20/2 trang tin Nikkei của Nhật bản trích lời giới chức Công ty điện tử Samsung Electronics cho biết hoạt động tại các nhà máy của Samsung tại Việt Nam vẫn diễn ra ở công suất tối đa.
Ông Nguyễn Trí Thông, Giám đốc Truyền thông Công ty Điện tử Samsung Việt Nam, cho biết: “Hoạt động của Samsung tại Việt Nam hiện vẫn hoàn toàn bình thường. Cứ 2 chiếc điện thoại Samsung bán ra trên thế giới thì có 1 chiếc được sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi đang hoạt động hết công suất”.
Samsung đã công bố ra mắt điện thoại Galaxy S20 tại Hoa Kỳ vào ngày 12-2. Điện thoại dự kiến sẽ bán ra thị trường ngày 6-3, điều này cho thấy Samsung có đủ năng lực để sản xuất model cao cấp tại các nhà máy Việt Nam cho cả thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Reuters, Việt Nam hôm thứ Năm (20/2) đã giảm bớt một số hạn chế liên quan đến y tế đối với thương mại xuyên biên giới để thúc đẩy hoạt động kinh tế, nhưng một số biện pháp nghiêm ngặt vẫn được áp dụng.
Bộ Công thương cho biết Samsung đang xem xét sử dụng vận tải đường biển hoặc đường hàng không để nhập khẩu các linh kiện cần thiết nhưng điều này sẽ làm tăng chi phí và hầu như không đáp ứng được lịch trình sản xuất và nhu cầu.
Nếu dịch bệnh không được kiềm chế trong khoảng 1 tháng tới, chúng tôi sẽ dự trữ hàng. Sản lượng TV và điện thoại trong nước sẽ giảm mạnh”, Bộ cho biết, trích dẫn từ một báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam.
Việt Nam phát hiện
vụ buôn lậu 200 máy tính xách tay từ Hoa Kỳ
Công an Sài Gòn vừa bắt giữ bốn thủ phạm buôn lậu hơn 200 máy tính xách tay và ba chiếc iPhone đã qua sử dụng từ Hoa Kỳ tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Hôm thứ Tư (19/2), công an xác nhận, các nghi can bị giam giữ có 1 người Mỹ gốc Việt tên là Bùi Hữu Lộc, 48 tuổi; hai người đàn ông Việt Nam là Phan Tấn Phát, 38 tuổi và Nguyễn Hữu Cường, 48 tuổi; 1 người phụ nữ Việt Nam là Huỳnh Thị Bích Thuận, 36 tuổi.
Hôm thứ Hai tuần này, công an phát hiện nhóm này hành động đáng ngờ sau khi cho biết có 12 kiện hành lý khi đến phi trường. Khi kiểm tra, công an tìm thấy hơn 200 máy tính xách tay và ba chiếc iPhone đã qua sử dụng được giấu trong hành lý, tất cả đều không có giấy tờ hợp lệ, với tổng trị giá khoảng 2 tỷ VND (tương đương 86,000 Mỹ Kim). Lộc thú nhận anh mua máy tính xách tay và iPhone ở Hoa Kỳ và vận chuyển chúng về Việt Nam để bán lại kiếm tiền. Đến phi trường, Lộc gọi Thuận và Cường ra lấy hàng. Phát đến giúp Cường vận chuyển hành lý. Hiện công an đang mở rộng điều tra.
Theo tờ VnExpress đưa tin, Việt Nam cấm nhập cảng máy tính xách tay và điện thoại di động đã qua sử dụng. Hành khách chỉ được phép mang theo một máy tính xách tay hoặc điện thoại di động vào Vie5t Nam. Cái thứ hai cần phải được khai báo tại quan thuế và phải chịu thuế nếu giá trị của nó vượt quá 10 triệu đồng (tương đương 430 mỹ kim). (BBT)
https://www.sbtn.tv/viet-nam-phat-hien-vu-buon-lau-200-may-tinh-xach-tay-tu-hoa-ky/
Không nhìn nhận có ‘lợi ích nhóm’
khiến luật VN cứ èo uột?
LS Ngô Ngọc TraiGửi bài cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Sáng 19/2, Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Qua theo dõi của tôi thì thấy nhiều ý kiến chuyên gia phê phán tình trạng “cài cắm quy định” có tính chất lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong xây dựng chính sách pháp luật.
Năm 2020: Lò sẽ đốt các nhóm lũng đoạn chính sách?
Việt Nam: Ngòi nổ bạo động từ khiếu kiện đất đai
Thủ tướng VN: ‘Không đổi mới là chết’
Ví như nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cảnh báo “Lợi ích nhóm người ta cài vào thì chuyên gia pháp luật mới phát hiện được, cài kín lắm, cài đủ các loại luôn, rất kín. Không có sự phát hiện, bóc tách thì rất tai hại”.
Ông Thái Vĩnh Thắng, Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng lưu ý rằng trong việc lập pháp cần tránh hiện tượng có kẽ hở, lồng lợi ích nhóm, lợi ích ngành, cục bộ vào trong đó.
Trước đó hồi năm 2018, tại một phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long như sau:
“Bộ Tư pháp có chức năng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Vậy, xin hỏi Bộ trưởng liệu có hay không hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong đề xuất, xây dựng chính sách pháp luật và giải pháp giải quyết trong thời gian tới?”.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng đại biểu khái quát thành lợi ích nhóm thì “hơi mạnh”.
Tuy nhiên, ông Long thừa nhận hiện nay một số cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này hay cách khác vẫn có sự thiên vị, giành phần lợi hơn cho bộ, ngành mình.
Những phát biểu như trên cho thấy trong nhận thức của các chuyên gia và của các cán bộ lập pháp, hành pháp, vấn đề lợi ích nhóm mang ý nghĩa xấu và là cái không được chấp nhận trong xây dựng chính sách pháp luật.
Điều này là đúng hay sai và nó có liên quan thế nào đến chất lượng làm luật hiện nay? Ví ngay như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành năm 2015 tới nay mới 5 năm đã lại phải bổ sung sửa đổi?
Cần hiểu đúng về Lợi ích nhóm
Trong đời sống xã hội luôn tồn tại các nhóm công dân giống nhau về lợi ích được phân thành các nhóm, nhóm nhỏ thì như nhóm ngành nghề hội đoàn, lớn thì phân thành các tầng lớp, giai cấp, vùng miền.
Đâu là ‘vùng cấm’ của xã hội dân sự Việt Nam?
Luật sư VN có vai trò tốt cho đối nội và đối ngoại
Đâu là ‘vùng cấm’ của xã hội dân sự Việt Nam?
Ai tác động vào chính sách ở VN?
Trong quá trình vận động của đời sống xã hội thì có các vấn đề nảy sinh cần giải quyết cho các nhóm này, và đó chính là mục tiêu nhiệm vụ của các chủ trương chính sách pháp luật.
Lấy ví dụ như nhóm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện đang gặp khó khăn với loại hình căn hộ nghỉ dưỡng Condotel, đã gây tranh cãi bấy lâu nay, làm ách tắc cả một thị trường bất động sản về căn hộ nghỉ dưỡng.
Trách nhiệm của nhà làm luật và cơ quan quản lý là đưa ra quy định chính sách tháo gỡ cho nhóm các doanh nghiệp bất động sản và khách hàng mua nhà. Đây là điều đúng đắn phải làm, trong khi nhiều người dân khác thì chả liên quan, họ có thể nhìn vào đó như những nhóm lợi ích cục bộ.
Như thế, sự tồn tại của các nhóm người có chung lợi ích là tất yếu khách quan. Quá trình vận động tham gia trong các mối quan hệ đời sống xã hội họ sẽ có xu hướng vận động thúc đẩy ban hành chính sách tháo gỡ làm lợi cho các hội nhóm.
Nhà làm luật gồm các Đại biểu Quốc hội đại diện cho các thành phần ngành nghề hội đoàn sẽ cất lên tiếng nói chỉ ra sự cần thiết giải quyết cho các vấn đề của các nhóm.
Hoặc người ta cũng có thể nhờ truyền thông báo chí phản ánh, nhờ những cá nhân có uy tín tên tuổi trong xã hội để nêu lên tính cấp thiết của các vấn đề cần giải quyết.
Quốc hội chung cuộc sẽ biểu quyết theo đa số về các vấn đề quan trọng cần ưu tiên tập trung xử lý cũng như đầu tư nguồn lực.
Như thế không thể cho rằng lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong xây dựng pháp luật là xấu.
Ở nước Mỹ họ còn công nhận việc vận động hành lang lobby là hợp pháp, và việc lobby thực ra là một hoạt động rất sôi động công khai tích cực trong chính trường nước Mỹ.
Có thông tin mấy năm trước lãnh đạo Việt Nam để được gặp ông Trump mới trúng cử Tổng thống còn phải mất tiền cho công ty vận động hành lang, mà cũng là để thăm dò tìm hiểu thúc đẩy tìm kiếm các chính sách của ông Trump có lợi cho Việt Nam.
Có điều do lâu nay chính trị Việt Nam tập trung quyền lực, thiếu sự kiểm soát đối trọng, nhiều nhóm người chẳng giống nhau về ngành nghề, gồm cả cán bộ trong bộ máy cùng với lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước và người ngoài xã hội, đã cấu kết với nhau lũng đoạn chính sách và tài sản quốc gia, bị gọi là lợi ích nhóm theo nghĩa xấu như những băng nhóm phạm pháp.
Còn lợi ích nhóm theo đúng nghĩa thì nó tồn tại khách quan, là nền tảng của các tổ chức hội đoàn, giai tầng.
Cần phải hiểu như vậy để khẳng định rằng việc một văn bản chính sách pháp luật tháo gỡ có lợi cho một nhóm là điều dĩ nhiên, nếu không thế thì rất khó hiểu về mục đích ý nghĩa của các chính sách đó là gì.
Cũng cần phân biệt lợi ích của các nhóm chính đáng ngoài xã hội với lợi ích tiêu cực của bộ máy quản lý ngành, do một số cán bộ quan liêu muốn đạt được sự dễ dàng trong công việc mà đẩy cái khó về phía người dân và doanh nghiệp trong giấy tờ gia nhập hay chi phí tuân thủ.
Cần phải phân biệt hiểu rõ như vậy để tạo ra tâm lý yên tâm trong quản lý và đưa ra văn bản chính sách chất lượng, thay vì để tình trạng băn khoăn không dám đưa ra văn bản tháo gỡ đem lại lợi ích cho một nhóm. Bởi một việc làm như thế rất dễ bị nghĩ tiêu cực là có việc hối lộ để đạt chính sách có lợi cho nhóm lợi ích.
Bù lại, hệ thống pháp luật phải tăng cường các quy định có tính chất phòng ngừa, ví như nghiêm cấm người nhà lãnh đạo làm doanh nghiệp trong những lĩnh vực mình phụ trách, minh bạch các mối quan hệ gia đình và tài sản, nâng cao dân chủ bằng cách thừa nhận và củng cố các thiết chế giám sát dân sự, loại bỏ việc trấn áp những hành vi vốn là sự thực hành tự do ngôn luận.
Đặc biệt là phải chuyển phần lớn công tác làm luật về cho Quốc hội, giảm mạnh và tiến tới loại bỏ việc để cho cơ quan hành pháp ban hành những chính sách có tính chất quy định mà người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ.
Tựu chung lại, một văn bản luật đem lại lợi ích cho một nhóm người là điều bình thường. Năm 2015 Luật bảo hiểm xã hội từng phải sửa lại duy nhất một điều luật cho phép công nhân nhận tiền trợ cấp một lần trước khi đến tuổi hưu, cũng là vì lợi ích nhóm của nhóm người lao động.
Hay như việc quy định cách đo diện tích căn hộ chung cư theo tim tường hay thông thủy cũng sẽ đem lại lợi ích cho một nhóm khách hàng mua nhà hay chủ đầu tư. Hay việc điều chỉnh quy định về quản lý nhà chung cư, quản lý phí bảo trì cũng sẽ đem lại lợi ích cho các bên khác nhau.
Nếu không hiểu đúng về bản chất lợi ích nhóm, về sự vận động của các thực thể đời sống xã hội, hiểu sai về mục đích ý nghĩa của công tác làm luật, không phân biệt được chỗ nào cần ngăn cấm chỗ nào cần thừa nhận đúng sai, để tồn tại sự xộc xệch trong nhận thức giữa các ban ngành hay nhà làm luật, thì rốt cuộc chúng ta sẽ có một chất lượng làm luật thấp, sẽ lãng phí nguồn lực, và sẽ có các văn bản pháp luật chẳng ra sao.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51586630
Vì sao vùng Tây Nguyên phải sớm “chết yểu”
và câu chuyện “siêu sở”
Vũ Ngọc Lục
Tây Nguyên,Vùng Đất đầy tiềm năng, phải nói rất nhiều nước trên thế giới mơ cũng không tìm ra vùng đất đầy tiềm năng như vậy?.
Tây Nguyên hay trước đây còn có tên gọi Cao Nguyên Trung phần của Việt Nam, là dải Cao nguyên trải dài phía Tây vùng Nam trung bộ bao gồm 5 Tỉnh ngày nay là : Kontum, Gia Lai, Daklak, Dak Nông và Lâm Đồng.
Nơi đây có một vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng, bởi nơi đây trước năm 1975 ngoài một diện tích rừng nguyên sinh khá lớn thì đây là một dải đất Bazan màu mỡ phù hợp cho nhiều loại cây công nghiệp có giá trị như : Cafe, hồ tiều, cao su, cacao…, về văn hoá thì rất đa dạng từ bản sắc văn hoá đặc trưng của nhiều dân tộc bản xứ, mà từ thời Pháp người ta đã thấy được tiềm năng và sự quan trọng của vùng đất này. Tầm quan trọng về Quốc phòng An ninh thì người ta thường nói “mất Tây nguyên là mất nước”
Sau khi đất nước chấm dứt chiến tranh, người dân các tỉnh miền Bắc và duyên hải Trung Bộ lần lượt kéo nhau lên đây lập nghiệp, tìm kiếm sự thịnh vượng ở vùng đất màu mỡ này và xem đây như một “vùng đất hứa”. Sự thật là trong những thập niên cuối của thế kỷ trước nhiều người đã trở nên giàu có và nhiều đô thị được mọc lên, ngày càng sầm uất hơn.
Phát triển không bền vững và Vùng đất sớm “chết yểu”
Mọi sự phát triển phải dựa vào người dân, kinh tế cũng vậy? Nói đến nông nghiệp phải nghĩ đến đầu ra sản phẩm, phương thức sản xuất…; và đương nhiên muốn có được điều này thì không ai khác phải cần có một nhà nước có năng lực, thực sự “của dân và vì dân”, có đường lối và quan hệ ngoại giao đúng đắn và trong sáng để có những thị trường tiêu thụ bền vững cho sản phẩm. Ngoài ra, nhà nước còn phải có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn và hỗ trợ cho nông dân về mô hình, kỹ thuật, cây giống, vật nuôi để phù hợp từng vùng đất, nhu cầu thị trường nội địa và thế giới trong hiện tại và tương lai.
Nhưng rất tiếc Việt nam ta thì hầu hết làm theo hình thức tự phát, hay nói cách khác là người dân “tự bơi”. Thị trường đầu ra dường như ta hầu hết lệ thuộc Trung Quốc, và có thể nói nó có quyền “sanh sát” cả nền kinh tế của ta.
Chính vì vậy lẽ ra vùng Tây nguyên phải là bàn đạp để vực dậy kinh tế cả nước thì ngày nay nền kinh tế nơi đây đang khủng hoảng một cách trầm trọng, người dân chìm đắm trong nợ nần, nhiều vùng người dân phải tìm đến cái chết để hết nợ, nhiều nhà trở thành trắng tay vì ngân hàng siết nợ, bỏ đi về các thành phố làm thuê, gia đình ly tán…để lại nhiều hệ luỵ cho xã hội.
Câu chuyện “siêu sở” và vấn đề đặt ra về trách nhiệm của ngành nông nghiệp?
Một hôm tôi có dịp về một địa phương nọ, lâu ngày gặp nên được vài người bạn cũng đang làm nhà nước mời ăn tối trong một quán ăn sang. Sau đó có một vị Lãnh đạo sở Nông nghiệp bước vào thì người bạn tôi chào “sếp siêu Sở”!
Tôi thì lâu nay cứ nghĩ trong các ban ngành thì chắc ngành Nông nghiệp là “bèo” hơn vì họ chỉ toàn tiếp cận nông nghiệp, nông dân thì có gì là ngon, Sở Tài chính, Sở kế hoạch đầu tư… chắc ” thơm” hơn.
Nhưng sau khi vị lãnh đạo này đi bàn khác thì tôi hỏi nhỏ, được các bạn tôi mách không có sở nào ” béo bở” bằng, vì hàng năm có quá nhiều dự án hỗ trợ nông nghiêp, lâm nghiệp và nông dân, nông thôn được rót về từ ngân sách, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, trong khi đối tượng được hưởng là nông dân là chính, các dự án thì hầu hết vùng nông thôn, vùng sâu nên không có mấy ai giám sát.
Ah!!!! Thì ra là vậy, nước ta không phải không có các cơ quan ngành nông nghiệp để hỗ trợ phát triển một ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thậm chí họ còn là “siêu Sở, siêu Bộ”. Nhưng rất tiếc các Cơ quan này và cả bộ máy cồng kềnh của nó cũng chẳng giúp ích gì được cho người dân, và nó chỉ dừng lại ở cái “siêu sở, siêu bộ” nên nền Nông nghiệp của ta sớm “chết yểu” và người nông dân điêu đứng.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Độ lùi Đồng Tâm
Chiến Sỹ
May ra rồi đây, một chính quyền hậu-cộng sản mới đủ độ lùi và khai thác hết các công văn “tuyệt mật” từ Bộ Công an, để đánh giá rốt ráo sự thật của vụ Đồng Tâm. Marx viết đâu đó, nếu lợi nhuận đạt tới 300% thì nhà tư bản có thể tự treo cổ. Chính quyền Hà Nội đã “cướp không” hơn 200 tỷ VND mà không phải bỏ ra một cắc “vốn” nào cả. Siêu lợi nhuận “cướp trên dàn mướp” ấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc hành quyết man rợ và buộc chính quyền tp. Hà Nội phải triệt hạ một mô hình lý tưởng mà ĐCSVN từ lâu đã dầy công xây đắp…
Độ lùi ở đây mới chỉ sau hơn một tháng chưa nói được gì nhiều. Nhưng lưới Trời lồng lộng, những kẻ chủ mưu và thủ ác chắc chắn sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt của Chúa. Không ở cõi dương thế này thì dưới cõi âm gian. Vì cuộc hành quyết ở thôn Hoành, đúng như như nhà văn của “Đất nước đứng lên” – cho dù ông đang bị đảng và chính quyền này bầm giập và đè bẹp bắt phải nằm xuống – tuyên bố trước toàn thế giới rằng, đó là tội ác trời không dung đất không tha.
Một vụ hành quyết man rợ
Người viết bài này chưa ở tuổi của ông Nguyên Ngọc để có thể phát ra những câu đao to búa lớn như thế. Nhưng ngay những ngày thôn Hoành còn tanh tưởi mùi máu, tự nhiên người viết cứ liên hệ tới sự trừng phạt đối với một nhân vật phản diện trong tiểu thuyết “Hòn Đất” từ nhà văn Anh Đức. Mẹ thiếu tá Xăm đã chặt đầu đứa con trai đứt ruột đẻ ra sau khi biết, chính con bà – tên chỉ huy cầm đầu toán lính ấy – đã hành quyết chị Sứ, một nữ du kích nằm vùng. Trong những kẻ thủ ác ở thôn Hoành đêm 9/1 chắc chắn nhiều tên bố mẹ chúng vẫn còn sống. Trong những đấng sinh thành ấy, liệu mấy ai sẽ noi gương bà Cả Sợi, khi biết đích danh con trai mình là kẻ cầm đầu trong cuộc hành quyết man rợ một lão nông, đảng viên 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng và “bắt sống” cháu bé ba tháng tuổi?
Ngoài đời, chắc chẳng có bố mẹ nào đang tâm hành động như hình tượng bà Cả Sợi trong văn học. Sau cuộc hành quyết đẫm máu đối với Cụ Lê Đình Kình, công an bắt cóc luôn các con trai, con dâu của Cụ và cho đến tận những ngày này vẫn còn giam giữ với hàng chục người khác. Và vừa qua, hơn hai chục công an vẫn đến bố ráp, khám nhà (hay để phi tang các bằng chứng còn sót lại từ một vụ thảm sát nay có lệnh phải che giấu?) để tiếp tục hành xác Cụ bà. Bàn dân thiên hạ có thể thấy rõ cái cảnh, cô con dâu lao như tên bắn đỡ Cụ Thành, khi Cụ đột ngột bị ngất xỉu trước những đòn tra khảo của công an. Giữa thanh thiên bạch nhật là cảnh những “hình nộm” mặc sắc phục, như những robot, vòng trong vòng ngoài “bao vây” một bà cụ ngoài 80 tuổi, còn để tang chồng. Có tên trong bọn chúng còn đi lòng vòng quanh Cụ, rồi ngồi xuống giường, dở giấy bút ghi ghi chép chép mà không đoái hoài gì đến nạn nhân sõng soài trên mặt đất. Ôi, hình ảnh “công an nhân dân” chưa bao giờ được những “hình nộm” này nhấn xuống tận bùn đen như thế!
Cụ ông Lê Đình Kình và Cụ bà Dư Thị Thành mãi mãi sẽ được tạc tượng trong tâm khảm của bao người cám cảnh với gia cảnh hai Cụ. Chả thế mà đám tang Cụ ông hình như thiếu cả hàng trăm chiếc khăn tang, dù phải diễn ra trong kìm kẹp của mọi loại công an chìm nổi. Thảm kịch đối với gia đình hai Cụ quá thương tâm, nhưng đâu phải đó là đặc thù của thôn Hoành, của Việt Nam, đó là thảm kịch của nhân loại, những nơi CNCS còn ngự trị hay những “mảnh vụn” của nó còn rơi rớt lại. Bất hạnh thay, Cụ Lê Đình Kình không thể chất vấn chính quyền, rằng trước khi lên kế hoạch hành hình Cụ, sao không cho Cụ được hưởng cái quyền, ít nhất như đối với nghi can giết người hàng loạt là “Tuấn Khỉ” (Hay tại vì Tuấn là công an trong ngành)? Hơn 500 cảnh sát cơ động, vũ trang đến tận răng, sau nửa tháng trời truy lùng, phút cuối vẫn còn cho “Tuấn Khỉ” được một giờ suy nghĩ “ra hàng để hưởng khoan hồng”. Từ 21h15’ đến 22h15’ đêm 13/2, sau một tiếng hồ đồng bắc loa thuyết phục không được, rồi mới hạ sát!
Triệt hạ một mô hình lý tưởng
Câu trả lời chỉ có thể là vì Cụ Kình biết quá “nhiều bí mật công khai” về những thoả thuận giữa các băng nhóm làm ăn (nói chữ là nhóm lợi ích) giữa tập đoàn Viettel với thành phố Hà Nội. Trong tay Cụ giữ quá nhiều tài liệu và nhiều bản đồ về Đồng Sênh để chứng minh rằng, 59ha mà Viettel đã đồng ý trả
200 tỷ VND “thuê” chính quyền Hà Nội “giải toả” làm sân golf hay khu nghỉ dưỡng, trên thực tế chả liên quan gì đến các mục tiêu quốc phòng cả. Ở đây, cũng nên thanh minh cho quân đội một chút. Không rõ, Bộ Quốc phòng “can dự” đến đâu trong vụ tàn sát cố đảng viên Lê Đình Kình, nhưng trên thực tế, giới quan sát có thể nhận thấy, sau vụ thảm sát khét tiếng ấy, cánh quốc phòng dường như cố gắng giữ khoảng cách với mấy tên đồ tể. Quân đội không cử đoàn cấp cao đến dự lễ tang ba cảnh sát được cho là “hy sinh trong khi làm nhiệm vụ”. Trên thực tế, qua bài điều tra của Giáo sư Hoàng Xuân Phú, có thể hiểu ba cảnh sát “hy sinh” ấy là do bắn nhầm/hay được bố trí bắn vào nhau để diệt khẩu!
Ngay đến cả ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, ngày 18/2 vừa qua vẫn phải tuyên bố, tuy Hoa Kỳ không chỉ đứng ngoài quan sát mà thực sự có nhiều quan tâm đến vụ việc, song ông thú nhận “Thật khó biết được sự thật về những gì đã xảy ra tại đó”. Đúng vậy! Nếu với đầu óc của người thường, không cần “nhiễm” tư tưởng nhân văn nhiều lắm, rồi đây khi biết đầy đủ những nguyên nhân thực sự dẫn đến vụ thảm sát thôn Hoành, thì không chỉ đại sứ Mỹ mà ngay cả chính quyền Hoa Kỳ cũng không thể nào hiểu nỗi những động lực đằng sau vụ hành quyết những con người đại diện cho một mô hình mà ĐCS đã dày công xây dựng. Này nhé: Đồng Tâm là một xã có truyền thống yêu nước trong cả hai cuộc kháng chiến. Dân Đồng Tâm tuy phản đối chính quyền chiếm đất nông nghiệp (59ha tại Đồng Sênh), nhưng không tranh chấp đất quốc phòng (47ha quanh sân bay Miếu Môn). Khi bộ đội xây tường bao quanh sân bay, dân Đồng Tâm đã kéo đến uý lạo. Cụ Kình từng làm công an xã, từng là huyện uỷ viên, phát biểu khi nào cũng trích các nghị quyết đảng bộ địa phương và trung ương. Khi dân làng bắt cảnh sát cơ động làm con tin, những CSCĐ ấy được đối xử tử tế. Mấy cậu lính trẻ, lãng mạn và mơ mộng, khi chia tay dân làng, có cậu còn chắp tay vái lạy người dân. Cậu này hiện đã bị thải hồi vì thiếu tinh thần “đấu tranh giai cấp sắt máu”.
Nguyễn Quang Dy đã mô tả “chuẩn không cần chỉnh” khi nhận định: Bước qua năm mới, dù chính quyền Hà Nội dùng bạo lực nhổ được “cái gai Đồng Tâm” trong mắt họ thì vẫn không thể diệt được “tinh thần Đồng Tâm” trong lòng người dân. Thắng dân (mà chắc gì đã thắng!) chỉ là hạ sách trước mắt, vì sẽ phải trả giá đắt lâu dài về đối nội, đối ngoại và truyền thông, như hệ quả bất định của cách ứng xử vô thiên vô pháp. Tuy “chính phủ kiến tạo” kêu gọi ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển, nhưng cách hành xử của công an vừa qua vẫn theo hệ quy chiếu 0.4. Hậu quả là “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, trong 5 ngày đưa ra 3 kịch bản giải thích chẳng ăn nhập gì với nhau. Việt Nam tiếp tục bị cô lập trong một thế giới biến động khôn lường. Cho đến hôm nay, chính quyền vẫn lúng túng chưa tìm ra cách để truy tố những người bị bắt. Nguồn tin từ nội bộ cho biết đã có nhiều người trong số ấy bị chết nhưng công an vẫn chưa trao xác nạn nhận cho gia đình. Ấy vậy mà khi có tin EU và Việt Nam đối thoại nhân quyền thường niên 2020 vào ngày 19/2 tại Hà Nội, thì lập tức “màn” khủng bố Cụ bà Dư Thị Thành khiến Cụ ngất xỉu, lại tiếp diễn. Dư luận tếu táo, bọn này định hại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi Chính phủ đang ra sức bảo vệ EVFTA. Biết đâu, trong mọi bình luận tếu táo thì chỉ một nửa là đùa!
Tham khảo:
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_TaiSaoDongTam.html
https://www.vanews.org/2020/02/gs-hoang-xuan-phu-toi-ac-ong-tam.html
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51426815
https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/01/18/373-bao-cao-dong-tam-no-luc-minh-bach-thong-tin/
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51555939
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/dong-tam-truth-02212020102051.html
Tin tổng hợp 21/2: Xem xét cho học lại từ 2/3;
Bệnh viện thông báo chữa khỏi corona cho Việt kiều Mỹ
Vân Trường
Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Hữu Độ sáng nay cho biết đang xem xét phương án cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2/3.
VnExpress dẫn lời ông Độ cho rằng, đa số địa phương muốn cho học sinh, sinh viên đi học trở lại vào đầu tháng 3, riêng TP.HCM đề nghị nghỉ hết tháng 3. Phía Bộ Giáo dục lo ngại kéo dài thời gian nghỉ học thì việc thực hiện chương trình sẽ rất khó khăn.
Về câu hỏi “bao giờ cho học trở lại”, giới chức Việt Nam đang chia thành hai luồng ý kiến. Một là muốn học sinh trở lại trường từ đầu tháng 3; số khác muốn kéo dài kỳ nghỉ. Điều này liên quan đến cách nhìn nhận về tình hình dịch virus corona ở Việt Nam. Trong khi có ý kiến nói rằng, tình hình đã ổn để Việt Nam xem xét cho đi học trở lại; thì phía UBND TP.HCM cho rằng “Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới”.
Đưa hơn 600 người về khu cách ly ở Tây Nguyên
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột cho báo giới trong nước biết đã sẵn sàng tiếp nhận 630 công dân từ từ Trung Quốc và vùng có dịch COVID-19 về nước để cách ly, theo dõi. Trong số này, 300 người về cách ly tại một doanh trại bộ đội ở Đắk Lắk và 330 người sẽ về Đắk Nông. Tuy nhiên, giới chức chưa thông tin cụ thể ngày về nước của hơn 600 người Việt.
Phó tư lệnh Quân khu 5 – ông Nguyễn Đình Tiến nói trên báo Vietnamnet, Quân khu đã chuẩn bị khoảng 6.000 chỗ để tiếp nhận công dân về nước cách ly, theo dõi.
Đến nay, cả ba miền ở Việt Nam đều có các điểm cách ly người trở về từ vùng dịch Trung Quốc và các nước có dịch corona. Trước Tây Nguyên, tỉnh Cần Thơ – nơi cách xa biên giới Việt – Trung cũng được bố trí để cách ly hàng trăm người trở về từ Trung Quốc.
Bệnh viện thông báo chữa khỏi corona cho Việt kiều Mỹ
Chiều 21/2, bệnh nhân Việt kiều Mỹ Tạ Hoa Kiên 73 tuổi, đã rời Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sau khi được kết luận khỏi bệnh Covid -19.
Ông Kiên xuất hiện trên các mặt báo với hình ảnh tươi cười, tặng hoa và cảm ơn các bác sĩ. Đáp lại, ông cũng được nhận quà từ bệnh viện là một bức tranh lưu niệm. Cả nam bệnh nhân và rất nhiều y bác sĩ đứng xung quanh đều để tay trần, không đeo khẩu trang.
Ông Kiên bay từ Mỹ về TP.HCM ngày 15/1, đã quá cảnh 2 giờ tại sân bay Vũ Hán. Ngày 27/1, ông ho nhiều, 4 ngày sau được chuyển vào viện Nhiệt đới.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ông Kiên âm tính nCoV 5 lần liên tiếp, từ ngày 12/2 đến nay. Do bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử nhiều bệnh lý nên quá trình điều trị kéo dài 21 ngày.
Đến nay Việt Nam tuyên bố điều trị thành công 15 trong số 16 bệnh nhân Covid-19. Hiện còn một bệnh nhân nam 50 tuổi đang điều trị cách ly tại Vĩnh Phúc.
Giá vàng tăng lên 45,6 triệu đồng/lượng
Tờ Tuổi Trẻ cho biết, chỉ sau một đêm, giá bán vàng miếng SJC tăng đến 650.000 đồng/lượng, lên mức 45,65 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng đang ở mức đỉnh 7 năm.
Cụ thể, Công ty SJC niêm yết giá bán vàng miếng cuối ngày hôm qua ở mức 45 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên lúc 15h chiều nay, 21/2, giá bán vàng miếng đã lên mức 45,65 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tăng mạnh hơn, bán ra dao động 45,75 – 45,85 triệu đồng/lượng, tùy trọng lượng.
Tại các tiệm vàng, giá bán vàng miếng cũng tăng 600.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, lên mức 45,6 triệu đồng/lượng.
Miền Bắc tiếp tục nồm ẩm
Theo đài Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bắc Bộ sẽ trải qua đợt nồm ẩm kéo dài từ nay đến hết tháng 2. Hình thái thời tiết chủ yếu tại khu vực trong những ngày tới là sương mù và mưa phùn, nền nhiệt phổ biến 17-26 độ C.
Vào khoảng cuối tháng 2 và đầu tháng 3, rét đậm vẫn có khả năng xuất hiện nhưng không kéo dài. Năm nay, các tỉnh Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có thể đón nắng nóng sớm.
Các tỉnh Nam Bộ trong thời kỳ tới phổ biến ít mưa. Theo Zing, nền nhiệt cao nhất ở Tây Nam Bộ là 31-34 độ C, khu vực Đông Nam Bộ là 32-35 độ C. Một số nơi có thể xảy ra nắng nóng nhẹ với mức nhiệt trên 35 độ.