Đọc báo Pháp – 19/02/2020
Virus corona – Covid-19 làm lộ rõ
những trục trặc của xã hội Trung Quốc
Tú Anh
Dịch virus corona giam lỏng hơn 700 triệu người Trung Quốc trong nỗi sợ không biết bao giờ chấm dứt. Thêm tài liệu về chính sách đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương . Địa Trung Hải, thùng thuốc súng sát nách châu Âu là một số chủ đề quốc tế trên báo Pháp ngày 19/02/2020.
Virus corona: Thảm kịch xã hội tại Trung Quốc.
Người dân sống như thế nào trong nỗi ám ảnh và sợ hãi triền miên ?
Le Monde chú ý số phận của khoảng 280 triệu dân công (nông dân bỏ làng lên thành phố kiếm sống) vô tình trở thành nạn nhân của chính sách « chống dịch trước đã ». Đó là khổ nạn chung của di dân lao động trên khắp lãnh thổ rộng lớn này, không cách nào trở lại nhà máy sau ba tuần nghỉ Tết kéo dài bắt buộc, vì hoặc không được phép rời địa phương, hoặc không được quyền trở lại thành phố nơi làm việc, hoặc bị chủ nhà từ chối cho thuê tiếp. Trong lúc hàng trăm triệu nhân công sống trong hoang mang hồi hộp : không những không được trả lương mà chủ của họ cũng bị đe dọa khánh tận. Trong khi đó, lực lượng nhân viên y tế bị huy động làm việc không ngừng từ hơn một tháng nay. Tình trạng này kéo dài thì sẽ đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho chính quyền Trung Quốc.
Nhật báo Công Giáo La Croix dành hai trang gửi đến độc giả toàn cảnh xã hội Hoa lục: Sinh hoạt ngưng đọng chỉ còn im lặng, nỗi buồn và giao động tinh thần, nhà thờ vắng tín đồ, trường học đóng cửa. Một phụ nữ ở Hàng Châu cho biết nhiều người thân quen, thuộc hàng đại gia triệu phú, sống phập phồng lo sợ sản nghiệp tiêu tan. Điều bất cập trong xã hội Trung Quốc là giới y tế, lên tuyến đầu chống dịch thì thiếu phương tiện bảo hộ chống lây nhiễm.
Tuy không châm biếm hình ảnh tuyên truyền của truyền thông Nhà nước Trung Quốc « đưa chủ tịch Tập Cận Bình lên tuyến đầu chống dịch », La Croix bình luận : Chưa bao giờ trong lịch sử đương đại xảy ra biện pháp áp đặt cách ly thô bạo như ở Trung Quốc. Từ Vũ Hán, Bắc Kinh, Hàng Châu, Quế Lâm cho đến Tây An, chứng nhân có người từ chối trả lời, có người can đảm lên tiếng qua điện thoại hay SMS. Tất cả đều có chung nỗi ám ảnh: Khi nào thì qua hết cơn ác mộng ?
Các câu hỏi không giải đáp
Thái độ lưng chừng, nước đôi của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc đặt ra nhiều nghi vấn.
Nếu virus corona không nguy hiểm thì tại sao phái đoàn điều tra không dám đến Vũ Hán ? Còn nếu dịch đã đe dọa thế giới thì khi nào WHO mới tuyên bố đại dịch ? Và chủ tịch Trung Quốc, vì sao truyền thông Nhà nước « đưa lên tuyến đầu » trong những ngày gần đây ? Phải chăng vì dịch đang được « khống chế » như bác sĩ tổng giám đốc WHO, người Ethiopia và giới chức Y tế Trung Quốc tuyên bố, nên chủ tịch xung phong chờ hưởng thành quả ? Hoặc trái lại, chủ tịch Trung Quốc bị một số người nào đó ép buộc nhận mình là chỉ huy tối cao chống dịch để sau đó lãnh trách nhiệm nếu thất bại ?
Le Monde không có câu trả lời nhưng theo nhà phân tích Jean-Pierre Cabestan tại Hồng Kông, qua hành động xung trận này, Tập Cận Bình nhìn nhận là phải cải thiện cách điều hành đất nước, tức là nhìn nhận chế độ có vấn đề. Do vậy, ông ta cần nhanh chóng làm chủ tình hình qua các biện pháp khống chế mạng xã hội và phong tỏa lãnh thổ.
Le Monde cũng không quên xứ chùa Tháp sau khi cho hàng ngàn du khách tàu Westerdam cặp bến: Nỗi lo « ác mộng dịch tễ » tại Cam Bốt. Hệ quả của một quyết định hào phóng có dụng ý chính trị của thủ tướng Hun Sen, từ đầu vụ khủng hoảng virus corona, luôn ngả theo lập luận của Bắc Kinh « có chi đâu mà lo ».
Cách ly vì không biết làm gì khác
Khủng hoảng Covid-19 hay virus corona thật ra cũng là cơ hội để rút tỉa bài học, bởi vì đó là lúc những bất cập, những trục trặc của một xã hội hiện ra một cách rõ ràng không thể che giấu.
Với nhận định này, trang ý kiến của Les Echos rút ra ba nhận xét về xã hội Trung Quốc :
Thứ nhất, dù với tất cả các biện pháp kiểm soát xã hội mà chế độ thi hành từ hệ thống video nhận diện, theo dõi kiểm duyệt thông tin trên mạng như tác phẩm « 1984 » của George Orwell mô tả chế độ toàn trị Stalin và Đức Quốc Xã, chính quyền Trung Quốc cũng không có khả năng truy ra nguồn cội của dịch bệnh để ngăn chận lây lan.
Khi Nhà nước Trung Quốc ở thế kỷ 21 sử dụng chế độ cách ly như chiếu chỉ của vua Pháp ban hành cách nay 700 năm để chống bệnh cùi, thì còn gì để nói ? Thứ ba, trước tâm lý giao động, lo sợ của công luận, một số nhà bình luận mượn hình các đường biểu diễn thống kê để chứng minh Covid-19 không nguy hiểm hơn bệnh cúm.
Vấn đề là trong cơn hấp tấp, những tín đồ của con số đã quên một điều cơ bản là trong trường hợp xuất hiện dịch lạ, lấy số nạn nhân qua đời chia cho số người bị nhiễm, để tìm tỷ lệ tử vong hầu suy đoán dịch đang tăng hay giảm, là sai. Đó là trường hợp của Trung Quốc, ngày nào cũng cho thống kê 2,1% tử vong.
Tài liệu mới về Tân Cương
Thêm tài liệu mật của Trung Quốc bị phát tán, tố giác chính sách giam cầm người Duy Ngô Nhĩ trong các nhà tù khổng lồ ở Tân Cương: Từ năm 2014, ban lãnh đạo đảng Cộng Sản đưa 200.000 cán bộ về nông thôn để « thu thập thông tin và dạy người Hồi Giáo cách yêu nước ».
Ba tháng sau khi đợt tài liệu mật thứ nhất được phát tán, đợt tài liệu thứ hai cũng được trao cho nhà báo điều tra người Đức Adrian Zenz và 12 cơ quan truyền thông quốc tế trong đó có các đài truyền hình Mỹ, Anh, báo New York Times và Le Monde…
Tài liệu liên quan đến quận Karakash, sát sa mạc Taklamakan, Tân Cương, trong đó có danh sách hàng trăm người bị nhốt vào trại cải tạo vì những lý do chẳng có gì là bất chính như có ba đứa con, có liên lạc với nước ngoài, biểu lộ niềm tin tôn giáo. Cụ thể, chỉ cần có một người bà con ở nước ngoài hay xin cấp hộ chiếu mà sau đó không đi du lịch… là có thể ở tù.
Một thành phần khác, gồm những người từ 20 đến 40 tuổi tức sinh vào những thập niên 1980,1990, 2000, thì bị xem là thành phần có « tư tưởng khó đoán ». Chỉ trong một huyện mà có đến « 3000 người đi cải tạo » trong đó có « 331 học viên » có thân nhân ở nước ngoài.
Những người được thả cũng không yên thân sau đó. Họ luôn sống trong mối đe dọa bị bắt trở lại.
Danh sách đen Karakash, theo nhà báo Đức Adrian Zenz, cho thấy rõ chiến dịch « giam cầm và tẩy não đặt trên nguyên tắc nghi can là người có tội hoặc đồng lõa với tội ác », một hình thức khủng bố tinh thần buộc toàn gia phải luôn tuân thủ chế độ.
Donald Trump, đồng minh của phe bảo thủ Iran ?
Phe bảo thủ Iran củng cố thế thống trị. Phe ôn hòa được dự báo thua lớn trong kỳ bầu Quốc Hội 21/02. Nhờ công ai hay lỗi tại ai ?
Đây là chủ đề bài phóng sự đặc biệt của Le Monde từ Teheran. Trong mục đích củng cố phe bảo thủ, chế độ Hồi Giáo dàn dựng tuyên truyền đánh bóng tướng Qassem Soleimani, bị Mỹ oanh kích giết chết hồi đầu tháng Giêng.
Cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 21/02 tới đây, dưới sự kiểm soát của chế độ, sẽ là chiến thắng lớn của phe cực kỳ bảo thủ. Tổng thống Hassan Rohani, trong buổi lễ ngày 11/02 có dấu hiệu lép vế. Theo nhận định của một cựu chỉ huy Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo, Donald Trump đã tặng cho phe bảo thủ một món quà vô giá khi hạ sát tướng Qassem Soleimani.
FSB bị cáo buộc ám sát đối lập Tchetchenia tị nạn tại Đức
Về thời sự châu Âu, vụ án mật vụ Nga ám sát một nhà đối lập Tchetchenia ở Đức ngày 23/08/2019 là đề tài của báo Pháp. Thủ phạm, Vadim Krasikov, tên trong hộ chiếu là Vadim Sokolov, 54 tuổi, bị bắt tại chỗ và bị truy tố tội sát nhân hôm 11/02 vừa qua.
Qua nhân vật này, cảnh sát liên bang Nga FSB, hậu thân của KGB bị tố cáo đích danh. Theo Le Monde, cũng như các đồng nghiệp Đức, hiếm khi FSB can thiệp ngoài nước Nga. Hầu hết các vụ ám sát, đầu độc thi hành được hay bị tình báo Tây phương phá vỡ, đều do an ninh quân đội Nga thi hành.
Địa Trung hải căng thẳng
Một chủ đề làm tốn giấy mực nhiều nhất là tình hình căng thẳng tại Địa Trung Hải. Với bản đồ chi tiết, Libération và La Croix phân tích vì sao Thổ Nhĩ Kỳ và các nước bờ đông quyết liệt giành nhau quyền khai thác tài nguyên trong bối cảnh giữa Ankara và Athens đều ở trong tình trạng chiến tranh chưa kết thúc. Cả hai đều là thành viên của NATO. Hy Lạp còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Hải sản, khí đốt và nay có thêm tham vọng tại Lybia khiến Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại đưa quân sang Syria và Libya. Liệu Địa Trung Hải sẽ nổi sóng ?
Từ năm 2019, Ankara đưa chiến hạm đến gần đảo Chypre để dọa tập đoàn dầu khí của Ý đang thăm dò. Trong một động tác trấn an thành viên Liên Hiệp Châu Âu, bộ trưởng quân lực Pháp Florence Parly, ngày hôm qua đến Nicosie để trao đổi về tình hình an ninh với đồng nhiệm đảo Chypre.
Phim mới
Như mỗi thứ Tư hàng tuần, các rạp chiếu phim Pháp trình chiếu phim mới. Trang phim ảnh của báo chí Pháp hôm nay chú ý bộ phim « Trường hợp Richard Jewell » của Clint Easwood. Câu chuyện có thật, một nhân viên FBI, phá vỡ một vụ khủng bố cứu hàng trăm sinh mạng lúc Thế Vận Atlanta 1996. Nhưng sau đó bị cáo buộc dàn dựng chiến công để được lợi danh.
Phim thứ hai, « Wet Season », mang màu sắc « vòng tay học trò » của đạo diễn Singapore, Anthony Chen.
Phim thứ ba, ấn bản mới dựa theo danh tác The Call Of The Wild, « Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã » của Jack London với hai tài tử gạo cội Harisson Ford và Omar Sy cùng con chó Buck đi tìm vàng.
Điểm báo ngày 18/02/2020
Virus corona – Covid-19 : Mối lo mới từ Nhật Bản
Anh Vũ
Dịch Covid -19 vẫn chiếm trang nhất nhiều tờ báo Pháp ra hôm nay. Mặc dù dường như đã bắt đầu có dấu hiệu dịu xuống ở Trung Quốc nhưng bệnh dịch vẫn tiếp tục tiến triển khó lường. Ngoài Trung Quốc, đã bắt đầu xuất hiện những ổ dịch mới đáng lo ngại.
Nhật Bản đang trở thành điểm nóng mới, cụ thể là thành phố công nghiệp Yokohama với 3,7 triệu dân nằm cách thủ đô Tokyo 30 km. Tại đó, con tàu du lịch Diamond Princess chứa 3.700 người đang bị cách ly trên bến cảng từ hôm 5/12 sau khi phát hiện có hành khách nhiễm virus.
Nhật báo La Croix chạy tựa : « Đến lượt Nhật Bản báo động virus corona ». Sát ngày hết hạn cách ly con tàu (19/02), bộ Y Tế Nhật xác nhận trên con tàu du lịch này có hơn 500 ca nhiễm Covid-19, và số người dương tính với virus corona tăng thêm hàng chục mỗi ngày qua. Đó mới chỉ là số ca phát hiện nhiễm trên tổng số 1.723 người được xét nghiệm. Cộng thêm 65 trường hợp xác nhận đã bị nhiễm virus corona và một ca tử vong ở trong nước, Nhật Bản đang là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai sau Trung Quốc.
Theo La Croix, « người Nhật vẫn quen đối phó với những thảm họa thiên tai, giờ đang chuẩn bị đối mặt với sự lây lan của virus corona dài hơn, nghiêm trọng hơn như là họ dự tính lúc đầu ».
Tờ báo cho biết : « Tại thành phố Yokohama, cuộc sống vẫn tiếp tục bình thường nhưng một nửa dân thành phố giờ đây ra đường đeo khẩu trang. Người ta đã thấy xuất hiện những hàng người xếp hàng trước các cửa hiệu dược phẩm dài thêm mỗi ngày. Trước các khách sạn, có những chai nước tẩy trùng để khách hàng rửa tay trước khi vào. Nỗi lo sợ bắt đầu tràn vào các nhà dưỡng lão, một trong những nơi nhạy cảm của bệnh dịch ».
Chính phủ Nhật đã báo động về tình trạng dịch virus corona đồng thời kêu gọi ý thức và trách nhiệm công dân của mỗi người. Hệ quả là một loạt các sự kiện thể thao, lễ hội bị hủy bỏ. Nhưng với Nhật Bản mối đe dọa lớn nhất ở phía xa hơn một chút, đó là đe dọa đối với Thế vận hội mùa hè Tokyo, sẽ khai cuộc vào giữa tháng 7 tới.
Chính phủ Nhật lo giữ hình ảnh đất nước, chậm xử lý khủng hoảng ?
Liên quan đến sự việc này, báo Le Monde có bài « Nhật Bản bị chỉ trích về quản lý dịch Covid-19 ». Các quyết định của cơ quan y tế Nhật trong vụ xử lý dịch trên con tàu Diamond Princess bị dư luận trong nước chỉ trích là đưa ra chậm trễ và thiếu thận trọng. Ví dụ Nhật đã đưa 206 kiều dân trở về từ Vũ Hán, nhưng chỉ yêu cầu họ tự cách ly trong nhà 2 tuần, trong khi mà ở những nước khác, những người từ vùng dịch trở về đều bị tập trung bắt buộc cách ly.
Theo Le Monde, « ngay từ đầu, chính quyền Abe có vẻ như chăm lo cho hình ảnh của nước Nhật nhiều hơn. Hôm 6/2, chính phủ Nhật kêu gọi truyền thông Nhật và Tổ Chức Y Tế Thế Giới không tính gộp những trường hợp nhiễm trên tàu Diamond Princess vào số ca nhiễm ở trong nước. Chính phủ sợ người Nhật cũng bị xếp vào danh sách bị hạn chế nhập cảnh ». Trong khi đó, theo tờ báo, ngày 5/2, đảo quốc nhỏ giữa Thái Bình Dương Micronesia đã ra lệnh cấm nhập cảnh những người đến từ Nhật.
Trung Quốc : Tiếp tục cuộc chiến với Covid-19,
mở rộng phong tỏa
Tại Trung Quốc, sức tàn sát của virus corona dường như có dịu xuống vài ngày nay, nhưng chưa dấu hiệu nào cho thấy dịch đang bị đẩy lùi. Cuộc chiến của Trung Quốc với tử thần Covid -19 vẫn còn đầy căng thẳng.
Chính quyền thắt chặt các quy định cách ly phòng dịch, Le Monde cho biết. Từ hôm qua các biện pháp kiểm tra, cách ly đã mở rộng ra hàng loạt các địa phương. Thủ đô Bắc Kinh được đặt dưới sự giám sát tối đa. Bất kể ai vào thành phố giờ đây đều bị cách ly 14 ngày. Tại Thượng Hải, người dân ra vào thành phố phải có giấy phép. Có những khu phố người ta chỉ cho phép cư dân sở tại ra vào. Một số thành phố sống trong không khí như có chiến tranh. Người dân bị lệnh giới nghiêm cấm ra khỏi nhà kể cả để mua bán nhu yếu phẩm.
Le Monde cho biết, tình hình kiểm soát đi lại trong thành phố tại Thượng Hải trở nên hỗn loạn. Mỗi khu phố, mỗi khu dân cư làm theo cách của mình tùy theo tâm lý lo sợ ở từng nơi. Có những khu dân cư, chỉ cho phép những người sống trong đó được vào. Ở những khu khác, mỗi gia đình chỉ được ra ngoài 3 lần trong 1 tuần. Nhưng cũng có chỗ thì khách vẫn được ra vào tự do.
Còn tại Hồ Bắc, toàn tình như đặt trong tình trạng chiến tranh : Rất đông quân nhân được cử đến giúp các nhóm y tế địa phương để cưỡng chế cách ly những người có triệu chứng sốt nhỏ nhất.
Ngay từ thứ Sáu tuần trước, thành phố Thập Yến trong tỉnh Hồ bắc chính thức đặt trong tình trạng chiến tranh. Không một ai được quyền ra khỏi nhà trong 2 tuần. Các huyện bên cạnh thành phố sẽ lo cung cấp thực phẩm cho các gia đình, nhưng chi phí dịch vụ do người dân trả. Nhiều thành phố trong tỉnh Vân Nam, tây nam đất nước, cũng được áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo.
Như vậy có khoảng 760 triệu người, tức một nửa dân số Trung Quốc bị cô lập. Gần đây, chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định lại là cuộc chiến đấu chống dịch « không được làm tê liệt đất nước ». Nhưng đến giờ thì Trung Quốc không còn cách làm nào khác.
Khốn khổ khi là người Hồ Bắc
Không chỉ bị cách ly, hạn chế đi lại ngay tại địa phương mà ở khắp nơi trong đất nước Trung Quốc cuộc sống của hàng triệu người khác đang khốn đốn, chỉ vì họ là dân Hồ Bắc.
Phóng viên báo Le Figaro có bài phóng sự điều tra dài với tiêu đề « Những con bệnh « dịch hạch » của Hồ Bắc, những kẻ khốn khổ mới của Trung Quốc ». Bài phóng sự cho thấy ngay từ đầu dịch Covid-19 bùng phát, 5 triệu người đã bỏ chạy khỏi thành phố Vũ Hán. Bị chính quyền truy tìm, đồng bào ruồng bỏ, những người Vũ Hán đó đang là những nạn nhân liên đới của virus corona. Ngay cả những người đã rời khỏi quê hương bản quán của mình từ lâu cũng vẫn không thoát được cuộc săn đuổi, hay thái độ khinh thị ở khắp nơi trên tổ quốc của chính mình.
Syria : Thảm cảnh ở cuối cuộc chiến
Chuyển sang thời sự quốc tế khác đang bị vụ dịch virus corona che lấp. Có một thảm cảnh nhân đạo mà cả triệu người khác đang phải hứng chịu những ngày tháng qua tại Syria.
Libération đưa độc giả đến vùng tây bắc Syria, tại đây đang diễn ra những trận chiến của quân chính phủ Damas dưới sự yểm trợ của quân đội Nga, để giành lại phần đất cuối cùng nằm trong tay quân nổi dậy và các lực lượng thánh chiến khác nhau. Cuộc chiến đã gây ra một thảm cảnh nhân đạo khi gần một triệu người dân vô tội đang phải bỏ chạy khỏi vùng chiến sự từ tháng 12 vừa rồi.
Libération kể lại : « Hàng chục nghìn người, phần đông là phụ nữ và trẻ em, những ngày qua đang tiếp tục bỏ chạy khỏi thành phố và các làng mạc lên hướng bắc để tránh bom đạn của Nga và đà tiến của quân đội Syria. Họ ra đi, không nơi trú, giữa trời đêm nhiệt độ -5°C ».
Một người làm công tác nhân đạo tại chỗ cho biết: « Những gì đang diễn ra tại đây thật kinh khủng, không gì có thể so sánh kể từ đầu cuộc chiến đến giờ. Chúng tôi hoàn toàn bị quá tải không biết làm gì. Chúng tôi chỉ có thể lo được cho 100 nghìn người chứ 800 nghìn thì không thể. Người ta ngủ trong xe, trong các lều dựng tạm. Họ đốt tất cả những gì có thể để sưởi. Nhiều trẻ em đã chết vì lạnh.»
Le Figaro cũng đồng thanh gọi đây là một thảm kịch thực sự và đó là « trận đột phá đẫm máu của chế độ Syria ở tây Aleppo ». Tờ báo nhắc lại là cuộc chiến tranh Syria kéo dài từ 9 năm qua đã làm hơn 380 ngàn người chết và 11 triệu người Syria bỏ nhà chạy nạn.
Bóng đá Champions League: PSG có bước qua lời nguyền ?
Một thời sự thể thao được người Pháp đang háo hức đón chờ, đó là giải cúp châu Âu Champions League tối nay trở lại với trận đấu lượt đi vòng 1/8 giữa câu lạc bộ Pháp Paris Saint-Germain và Dormund của làng bóng Đức. Le Figaro chạy tựa « PSG muốn phá vỡ định mệnh ».
Đó là định mệnh mà nhà vô địch bóng đá Pháp làm mưa làm gió ở các sân cỏ trong nước bao mùa bóng qua, thế nhưng mỗi khi bước ra đấu trường châu lục thì chưa một lần thành công, và đã ba lần liên tiếp đội bóng thành Paris bị dừng bước ở ngay vòng 1/8. Người hâm mộ bóng đá Pháp đều phấp phỏng hy vọng đội bóng giàu có và hội tụ tài năng lớn nhất của làng bóng Pháp của họ lần này sẽ thoát được bóng ma quá khứ, chơi bóng tự tin hơn, đừng để thất bại trở thành như định mệnh hay lời nguyền không bước qua được.
Tin tổng hợp
(RFI) – Afghanistan có hai chính phủ.
Ngày 18/02/2020, tổng thống mãn nhiệm Ashraf Ghani chính thức tuyên bố thắng cử, nhưng đối thủ của ông, Abdullah Abdullah, đã bác bỏ kết quả này với cáo buộc gian lận, đồng thời cũng tuyên bố thắng cử. Sau khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống được công bố muộn hơn 4 tháng rưỡi so với dự kiến, mỗi bên tuyên bố thành lập chính phủ riêng. Cuộc khủng hoảng chính trị này có nguy cơ đe dọa đến những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa chính quyền Mỹ và phe Taliban, với thông báo sắp đạt được một thỏa thuận.
(AFP) – Bị liệt vào danh sách thiên đường thuế, Panama lên án quyết định « võ đoán » của Liên Hiệp Châu Âu.
Phát biểu ngày 18/02/2020, tổng thống Panama Laurentino Cortizo đề nghị khối 27 nước xem xét lại quyết định trên vì theo ông, Panama đã nỗ lực nhiều, trong đó có việc thông qua nhiều đạo luật về chống rửa tiền và trốn thuế. Danh sách thiên đường thuế được Bruxelles lập từ năm 2017. Năm 2018, Panama được rút khỏi danh sách này do cam kết tiến hành cải cách. Tuy nhiên, quốc gia Trung Mỹ này lại bị đưa vào danh sách đen do « không thực hiện đúng thời hạn những cải cách thuế khóa đã cam kết với Liên Hiệp Châu Âu ».
(AFP) – Pháp kêu gọi phương Tây nỗ lực chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech đang phục hồi sức mạnh và buộc các nước phương Tây phải mở lại cuộc chiến chống tổ chức này, vốn đã bị tạm ngưng do khủng hoảng giữa Iran và Mỹ. Đó là tuyên bố của bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly hôm qua, 18/02/2020, trước 2.000 thành viên thủy thủ đoàn của chiếc hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, hiện đang di chuyển trên vùng Địa Trung Hải. Các chiến dịch của liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã bị đình chỉ sau vụ Hoa Kỳ sát hại tướng Iran Qassem Soleiman tại Irak ngày 03/01/2020, khiến căng thẳng giữa Washington và Teheran gia tăng cao độ.
(AFP) – Nữ đạo diễn Kazakhstan đoạt giải Cyclo Vàng.
Ngày 18/02/2020, ban tổ chức Liên Hoan Quốc Tế Điện Ảnh Châu Á (FICA) ở Vesoul (Pháp), thông báo trao giải Cyclo Vàng cho nữ đạo diễn Kazakhstan Sharipa Urazbayeva. Đây là lần đầu tiên giải này được trao cho một nữ đạo diễn. Theo lời ông Jean-Marc Thérouanne, giải thưởng này « xác nhận Kazakhstan là một nền điện ảnh đang lên ». Các nhà tổ chức FICA đánh giá bộ phim Mariam của Sharipa Urazbayeva là « một bức chân dung rất đau lòng của một phụ nữ đấu tranh cho sự sống còn của gia đình trong một xã hội truyền thống ». Liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul 2020 đặc biệt vinh danh nền điện ảnh Tây Tạng và đã thu hút 32.200 khán giả.
(AFP) – SpaceX tìm 4 hành khách.
Công ty không gian Mỹ SpaceX ngày 18/02/2020 thông báo đã lập quan hệ đối tác với công ty Space Adventures, trụ sở gần Washington, để đưa đến 4 khách hàng tư nhân lên không gian từ đây đến năm 2022, trong một chuyến bay mà chi phí chưa được công bố, nhưng được thẩm định lên tới hơn 100 triệu đôla. Space Adventures đã từng làm trung gian đưa 7 du khách giàu lên Trạm không gian quốc tế ISS. Vị khách đầu tiên là Dennis Tito năm 2001, đã bỏ ra 20 triệu đôla để được ở 8 ngày trên trạm không gian ISS.
(AFP) – Cựu tổng thống Hàn Quốc bị tống giam.
Ngày 19/02/2020, ông Lee Myung Bak đã bị tống giam sau khi phiên xử phúc thẩm đã tuyên án 17 năm tù giam đối với ông vì tội tham nhũng và lạm dụng công quỹ, nặng hơn mức án tù 15 năm trong phiên xử sơ thẩm. Tại Hàn Quốc, nhiều cựu tổng thống đã ngồi tù sau khi mãn nhiệm, kể cả bà Park Geun Hye, người kế nhiệm ông Lee Myung Bak.
(AFP) – Bang California sẽ xin lỗi người Nhật.
Gần 80 năm sau, bang California sẽ chính thức xin lỗi về việc giam giữ hàng ngàn người Mỹ gốc Nhật ở trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai. Đây là một trong những trang đen tối nhất của lịch sử Hoa Kỳ. Ngày 20/02/2020, các dân biểu của bang này sẽ biểu quyết thông qua một nghị quyết chính thức xin lỗi về việc hơn 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật bị đưa vào các trại giam giữ, hai tháng sau vụ tấn công Trân Châu Cảng năm 1942.
(AFP) – Venezuela : Mỹ trừng phạt một chi nhánh của Rosneft.
Hoa Kỳ hôm qua 18/02/2020 loan báo trừng phạt Rosneft Trading, một chi nhánh của tập đoàn dầu khí Nga hiện diện khắp nơi tại Venezuela, vì đã cung cấp phần lớn tài chính cho chế độ Maduro. Ngoại trưởng Mike Pompeo trên Twitter cảnh báo « Những ai hỗ trợ cho chế độ tham nhũng, giúp trấn áp nhân dân Venezuela sẽ phải trả giá ». Bộ Ngoại Giao Nga tố cáo Washington « mưu toan áp đặt ý định của mình đối với thế giới ».
(AFP) – Ioukos : Nga bị buộc phải trả 50 tỉ đô la cho cổ đông cũ.
Tòa phúc thẩm Hà Lan hôm 18/02/2020 buộc Nga phải trả 50 tỉ đô la tiền bồi thường cho các cổ đông cũ của tập đoàn dầu khí Ioukos, hơn 15 năm sau khi đã giải thể. Tòa án La Haye hủy bỏ bản án trước đây mà phần lợi nghiêng về phía Nga, cho rằng Tòa án Trọng tài Thường trực đã tuyên « không chính xác ». Matxcơva lập tức phản đối.
(AFP) – Một người Mêhicô bị bắt tại Mỹ vì làm gián điệp cho Nga.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm 18/02/2020 loan báo Hector Alejandro Cabrera Fuentes, một người Mêhicô sống ở Singapore đã bị bắt vì được người Nga tuyển dụng để theo dõi một nguồn tin của Mỹ tại Florida.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200219-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 19/2:
Mỹ chế tài 5 hãng truyền thông Trung Quốc
Lục Du
Sáng nay, thứ Tư (19/2), mục Điểm tin thế giới sáng của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ chế tài 5 hãng truyền thông Trung Quốc
Chính quyền Trump, hôm thứ Ba (18/2), tuyên bố họ sẽ áp dụng cách đối đãi với các sứ quán nước ngoài với 5 thực thể truyền thông của nhà nước Trung Quốc hoạt động ở Hoa Kỳ, yêu cầu những hãng truyền thông này phải đăng ký người lao động và tài sản với chính phủ Mỹ, theo Reuters.
Hai quan chức cấp cao của bộ ngoại giao Mỹ tiết lộ, quyết định này được đưa ra vì chính quyền Trung Quốc đã và đang liên tục siết chặt kiểm soát đối với truyền thông, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng truyền thông nhiều hơn trong việc truyền bá những tuyên truyền ủng hộ Bắc Kinh.
“Việc kiểm soát với cả nội dung và biên tập đã được gia tăng trong suốt thời gian nắm quyền vừa qua của [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình”, một trong hai quan chức Mỹ, đề cập ở trên, nói. “Những hãng truyền thông này thực chất là cánh tay của cỗ máy tuyên truyền thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Việc kiểm soát truyền thông của Bắc Kinh đã trở nên “ngày càng hà khắc hơn”, quan chức thứ hai đánh giá.
Mỹ đưa vào danh sách đen công ty Nga ủng hộ Maduro
Hôm thứ Ba (18/2), Washington tiếp tục có động thái gia tăng áp lực lên chính phủ Maduro ở Venezuela khi đưa vào danh sách đen công ty con của công ty dầu mỏ Nga, Rosneft – công ty được coi là nguồn cung cấp tài chính cho chính phủ thiên tả ở quốc gia Nam Mỹ, theo Reuters.
Các quan chức Mỹ cáo buộc công ty con của Rosneft, Rosneft Trading, đã hỗ trợ chính phủ Maduro bán dầu mỏ bằng “nhiều thủ đoạn”, vi phạm các lệnh trừng phạt lực của Hoa Kỳ nhắm vào lượng nắm quyền trên thực tế ở Veneuela.
“Tôi nghĩ rằng đây là một bước rất quan trọng và tôi nghĩ bạn sẽ thấy các công ty trên toàn thế giới trong lĩnh vực dầu mỏ bây giờ tránh không giao dịch với Rosneft Trading nữa”, ông Elli Elliott Abrams, đặc phái viên của chính quyền Trump về vấn đề Venezuela, nói với các phóng viên.
Lo ngại virus, Nga ngừng tiếp nhận người Trung Quốc
Nga sẽ tạm ngưng tiếp nhận công dân Trung Quốc vào lãnh thổ của họ bắt đầu từ ngày thứ Năm (20/2) để đề phòng sự lây lan của virus COVID-19, các quan chức Nga phụ trách việc phòng chống virus corona thông tin hôm thứ Ba, theo Reuters.
Theo đó, những công dân Trung Quốc muốn vào Nga để làm việc, học tập, du lịch hay vì việc riêng sẽ bị cấm nhập cảnh. Tuy nhiên, “những hạn chế này không ảnh hưởng tới những hành khách [Trung Quốc] quá cảnh” tại các sân bay của Nga, các quan chức Nga cho biết thêm.
Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, số ca nhiễm mới virus COVID-19 trong những ngày gần đây đã giảm, nhưng WHO tỏ ra thận trọng khi nói rằng vẫn cần cảnh giác với loại virus gây chết người này.
Mỹ buộc tội 3 nhà khoa học làm việc cho Bắc Kinh
Một trưởng khoa của Đại học Harvard và hai người gốc Hoa làm việc tại Đại học Boston và bệnh viện Boston đã bị các công tố viên Mỹ buộc tội vào thứ Ba (18/2), với cáo buộc che giấu mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc và có ý định đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, theo Reuters.
Giáo sư Harvard bị buộc tội là Charles Lieber, trưởng khoa Hóa và Sinh Hóa. Ông Charles bị cáo buộc nói dối về việc tham gia “Kế hoạch ngàn tài năng” của Trung Quốc – kế hoạch nhằm thu hút các chuyên gia nghiên cứu nước ngoài của Bắc Kinh.
Hai người gốc Hoa bị cáo buộc hoạt động phục vụ chính phủ nước ngoài. Người thứ nhất là Ye Yanqing, nghiên cứu viên về robot của Đại học Boston, các công tố viên cho rằng ông này nói dối về việc từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Người thứ hai là Zheng Zaosong, một nghiên cứu viên về ung thư của Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess của Đại học Boston, bị cáo buộc tội danh cố ý đưa các mẫu nghiên cứu ra nước ngoài.
Úc: Giông sét mạnh gây thiệt hại lớn
Một người đàn ông đã thiệt mạng và gần 50.000 ngôi nhà bị mất điện vì những cơn gió lớn, sấm sét dữ dội và mưa đá quần thảo suốt đêm thứ Ba (18/2) ở khu vực duyên hải bang New South Wales, Úc.
Vào nửa đêm hôm thứ Ba, anh Chatswood, 37 tuổi, đã tử vong trên đường tới bệnh viện sau khi bị một bình gas nặng 9kg bay trong không trung rơi vào người. Cảnh sát nói rằng không rõ bình gas bị gió cuốn đi từ đâu, nhưng có thể từ ban công của một ngôi nhà nào đó gần nơi anh Chatswood đang đi bộ.
Gió mạnh cũng quật ngã cây cối, phá hủy ô tô và làm hư hỏng đường tàu ở bang New South Wales, sấm chớp xuất hiện cùng lúc cũng đã khiến khoảng 80 ngàn người không có điện sử dụng.
Điểm tin thế giới chiều 19/2:
Trung Quốc trục xuất 3 phóng viên Wall Street Journal;
Tổng thống Trump có thể tới Tokyo dự Thế vận hội
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (19/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Trung Quốc trục xuất 3 phóng viên Wall Street Journal
Trung Quốc thu hồi thẻ báo chí của 3 phóng viên Wall Street Journal, yêu cầu họ rời Trung Quốc trong 5 ngày vì bài báo liên quan đến dịch COVID-19.
Trong buổi họp báo hôm nay tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cáo buộc bài bình luận có tiêu đề “Trung Quốc – con bệnh thực sự của châu Á” đề cập dịch COVID-19 đăng trên trang nhất tạp chí Wall Street Journal của Mỹ hôm 3/2 là “phân biệt chủng tộc”, “giật gân” và chỉ trích tạp chí vì không xin lỗi chính thức.Jonathan Cheng, chánh văn phòng tạp chí Wall Street Journal tại Trung Quốc sau đó cho biết 3 phóng viên được yêu cầu rời khỏi Trung Quốc là phó chánh văn phòng Josh Chin, phóng viên Chao Deng, đều quốc tịch Mỹ, và phóng viên Philip Wen, quốc tịch Úc.
Tổng thống Trump có thể tới Tokyo dự Thế vận hội
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mời dự Thế vận hội mùa hè 2020 ở Tokyo và đang cân nhắc tham dự.
“Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định. Chúng tôi chưa biết có tham dự hay không. Chúng tôi sẽ cố gắng tham dự nếu có thể”, Reuters dẫn lời ông Trump hôm 18/2 phát biểu trong cuộc họp với các quan chức Mỹ về Thế vận hội mùa hè 2028 tại Los Angeles.
Thế vận hội mùa hè năm nay được tổ chức từ 24/7 tới 9/8 tại thủ đô của Nhật.
500 hành khách rời du thuyền Diamond Princess
Theo hãng tin AFP, 500 hành khách trên du thuyền Diamond Princess được rời đi hôm nay sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy họ âm tính với COVID-19 và thời gian cách ly 14 ngày đã kết thúc. Xe buýt và taxi xếp hàng để đưa hành khách rời cảng, nhiều người kéo hành lý phía sau.
Tính đến hiện tại, Diamond Princess ghi nhận 621 ca dương tính với virus corona chủng mới, khiến du thuyền trở thành ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Tỷ phú Bloomberg sẽ bán cơ nghiệp nếu trúng cử tổng thống
Hãng tin AP dẫn lời phát biểu ngày 18/2 của Tim O’Brien, cố vấn của ông Bloomberg cho biết vị tỷ phú sẽ bán công ty truyền thông và dữ liệu tài chính mang tên ông và được lập nên từ những năm 1980 nếu ông đắc cử tổng thống Mỹ.
Cố vấn O’Brien cho hay, nếu vị tỷ phú Bloomberg thắng cử, ông sẽ đưa công ty Bloomberg LP vào một quỹ ủy thác ẩn danh để bên này bán công ty. Số tiền thu được sẽ chuyển thẳng vào quỹ từ thiện Bloomberg Philanthropies. Tuy nhiên, ông Bloomberg sẽ không bán công ty cho khách hàng nước ngoài hoặc một công ty cổ phần tư nhân.
Tổng thống Nga sa thải cố vấn hàng đầu
Vladislav Surkov, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người được xem là kiến trúc sư về chính sách Ukraine đã bị sa thải vào ngày 18/2.
NDTV đưa tin, quyết định sa thải ông Vladislav Surkov, 55 tuổi được công bố trên trang web của Điện Kremlin, nhưng không có thông tin nào về công việc mới của ông. Người thay thế vị trí của ông Surkow là Dmitry Kozak, một quan chức kỳ cựu 61 tuổi là đồng minh thân cận của Tổng thống Putin.
Video: Đại dịch bùng phát, Trung Quốc ra luật “trưng dụng tài sản tư nhân”