Tin Việt Nam – 17/02/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 17/02/2020

Lo ngại dịch Corona, hàng ngàn công nhân đình công

yêu cầu cách ly chuyên gia Trung Quốc

Sáng 17 tháng 2 năm 2020, khoảng 5 ngàn công nhân thuộc công ty may gấu bông JY Hà Nam đồng loạt đình công sang ngày thứ ba để yêu cầu cách ly những người Trung Quốc vừa về quê và trở lại làm việc hôm thứ bảy 15 tháng 2.

Một công nhân cho biết đây là những chuyên gia thường được cho về Trung Quốc nghỉ Tết nguyên đán 1 tháng. Họ về nước hôm 22 tháng 1, tức ngày 28 tháng Chạp và ngày 15 tháng 2 trở lại công ty.

Các công nhân may lo ngại, có thể họ đã không cách ly đủ 14 ngày như quy định của Bộ Y tế Việt Nam. Một công nhân giấu tên nói qua điện thoại như sau:“Có một toán đầu người Trung Quốc về trong năm (trước Tết nguyên đán) và trở lại hôm mùng 6 Tết, thì những người ấy không có biểu hiện gì.

Nhưng mà những công nhân đang đình công là do những người về muộn hơn và trở lại hôm kia, hôm kìa thì công nhân yêu cầu những người ấy không lên xưởng, tiếp xúc với công nhân.”

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh, Chánh văn phòng Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho hay không có chuyện công nhân đình công do trong thời gian nghỉ và việc tập trung chỉ để làm rõ việc có người Trung quốc làm việc hay không.

Tuy nhiên, công nhân của công ty phủ nhận lời của cán bộ huyện, họ cho biết đã bắt đầu làm việc từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 15 tháng 2 thì bắt đầu đình công khi nhóm chuyên gia Trung Quốc thứ hai quay lại làm việc.

Ngoài ra công nhân cũng lên tiếng về trường hợp có công nhân bị cho thôi việc hôm thứ bảy vì đình công yêu cầu cách ly người từ vùng dịch Trung Quốc và bữa ăn không hợp vệ sinh do xuất hiện dòi.

Hiện chưa rõ vụ việc đã được chính quyền hay công ty JY Hà Nam giải quyết hay chưa, tuy nhiên các công nhân tuyên bố sẽ tiếp tục đình công đến khi nào yêu cầu được đáp ứng.

Cũng tại công ty có vốn Hàn Quốc này, hôm 31 tháng 1, các công nhân tiến hành đình công khi một kỹ thuật viên người Trung Quốc có biểu hiện lâm sàng của dịch Covid-19.

Người này sau đó được cách ly, đưa đi xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus Corona chủng mới.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hôm 13/2 cho biết 63 tỉnh, thành của Việt Nam có khoảng hơn 33.000 lao động Trung Quốc làm việc tại các địa phương đã được cấp phép lao động, trong số này có hơn 26.000 người đã về nước ăn tết.

Theo bộ, tính đến thời điểm này, có khoảng hơn 7.600 lao động Trung Quốc quay trở lại sau dịp tết. Báo cáo nhanh của 41 địa phương cho biết, hiện có 5.112 lao động Trung Quốc đang được cách ly, theo dõi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/fear-of-corona-spread-thousands-workers-went-on-strike-demanding-chinese-experts-be-quarantined-02172020080454.html

 

Lào Cai: 52 người đầu tiên được về nhà sau cách ly

Trúc Bạch

Sở Y tế Lào Cai cho biết, sáng 16/2, 52 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc đã được về với gia đình sau 14 ngày cách ly tại trường Quân sự tỉnh này.

Báo Dân Trí cho biết, 52 công dân hoàn thành 14 ngày cách ly tại trường quân sự tỉnh Lào Cai gồm 18 công dân ngoại tỉnh và 34 công dân của tỉnh Lào Cai. Đây là những người trở về từ Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai được đưa đến Trường Quân sự tỉnh Lào Cai hôm 3/2.

Những người này được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly do trường Quân sự và sở Y tế tỉnh Lào Cai chứng nhận, đủ điều kiện sức khỏe và trở về sinh hoạt tại cộng đồng.

Tính đến hôm 16/2, tại Trường Quân sự tỉnh Lào Cai vẫn còn 455 công dân từ Trung Quốc trở về qua cửa khẩu Lào Cai phải thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

Trường Quân sự tỉnh Lào Cai có khả năng bố trí bổ sung giường và các khu nhà lên đến trên 1.000 giường, có thể dựng thêm các nhà bạt dã chiến trong khuôn viên trong trường hợp cần thiết.

Bỏ trốn khỏi nơi cách ly có thể bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho tờ Zing biết, Điều 10 Nghị định 176/2013 quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi trốn khỏi nơi cách ly có thể bị truy cứu theo Điều 315 Bộ luật Hình sự về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Người phạm tội còn bị phạt tiền 10-50 triệu đồng.

https://www.dkn.tv/thoi-su/lao-cai-52-nguoi-dau-tien-duoc-ve-nha-sau-cach-ly.html

 

120 người được rời khỏi khu cách ly tại Lạng Sơn

Hiểu Minh

Sáng nay (17/2), sau 14 ngày, 120 công dân từ Trung Quốc trở về được cấp giấy chứng nhận đã đủ điều kiện rời khỏi khu cách ly tại Lạng Sơn.

Trao đổi với báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn nói, sau thời gian cách ly 14 ngày, hôm nay (17/2), 120 người đầu tiên từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 3/2 sẽ được trở về cộng đồng.

“Quá trình cách ly, theo dõi tại đơn vị cho thấy, 120 người này đều không có biểu hiện bất thường về sức khỏe nên sẽ được trở về nơi cư trú theo quy định. Ngay khi biết thông tin trên, người dân rất vui mừng, chuẩn bị sẵn đồ đạc để trở về quê hương”, Thượng tá Quyền nói.

Hiện tại, Trung đoàn 123 đang tiếp nhận, cách ly 410 người. Phía Trung đoàn 123 nói tất cả người cách ly đều đang có sức khỏe tốt, không có biểu hiện tăng thân nhiệt, ho và sốt. Bắt đầu từ ngày 17 đến 20/2 sau khi đã khám sức khỏe tổng thể, sẽ cấp Giấy xác nhận hết thời hạn cách ly.

Sáng qua 16/2, Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho hay, 52 công dân Việt Nam đầu tiên trở về từ Trung Quốc cách ly tại Trường quân sự tỉnh này cách đây 14 ngày đã được trở về nhà.

Hiện Bộ Y tế xác nhận tại Việt Nam có 16 người nhiễm virus corona, Vĩnh Phúc vẫn là tâm dịch chiếm số người 11/16.

Trong ngày hôm qua (16/2), hơn 2.000 ca nhiễm mới và 105 người chết vì virus corona, đưa tổng số người tử vong trên thế giới lên con số 1.775.

https://www.dkn.tv/thoi-su/120-nguoi-duoc-roi-khoi-khu-cach-ly-tai-lang-son.html

 

Vĩnh Phúc: Cuộc sống người dân

bên trong khu vực bị phong toả

Cao Nguyên

Bốn ngày sau khi bị phong toả để tránh dịch bệnh viêm phổi cấp lây lan, người dân xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do biết tình hình cuộc sống của họ vẫn ổn định dù “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Xã Sơn Lôi hiện là nơi có nhiều bệnh nhân dương tính với virus corona (Covid-19) nhất trên cả nước, với 11/16 ca nhiễm bệnh ở Việt Nam.

Khu vực xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc có trên 2.800 hộ dân với khoảng 10.600 nhân khẩu đang bị phong toả, cách ly hoàn toàn.

Báo chí nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết xã Sơn Lôi sẽ bị phong tỏa toàn bộ trong 20 ngày, bắt đầu từ ngày 13/2 đến 3/3 để khoanh vùng, dập dịch.

Tinh thần người dân ổn định

Hôm 17/2, ông Dương Công Hoàng, một người dân sinh sống tại xã Sơn Lôi nói về cuộc sống thường ngày của người dân khi đang bị cách ly:

“Đời sống của mọi người thì vẫn bình thường, chỉ có khác là không thể đi làm, đi học được như thường ngày thôi, còn mọi thứ thì vẫn ổn.

Chủ yếu là họ phong tỏa khu vực cách ly thôi chứ đời sống của người dân ở trong địa bàn thì vẫn chủ động ăn uống, tự lo hết mọi thứ chứ không phải Chính quyền can thiệp vào từng gia đình, từng người dân đâu.

Cái chính là cách ly phong tỏa thôi. Người dân chủ yếu là vẫn phải tự mình cách ly. Những người mà có bệnh dương tính thì họ đem đi để cách ly và chữa trị. Chứ còn những người dân thì vẫn bình thường, chỉ khác là không đi ra ngoài thôi, sinh hoạt các thứ ở trong nhà.”

Ông Hoàng cũng chia sẻ thêm rằng hiện nay tinh thần của bà con là rất tốt, đoàn kết và khá bình tĩnh để đối phó dịch bệnh.

Một người khác cũng đang ở khu cách ly là ông Nguyễn Văn Sủng đánh giá tình hình hiện nay nhìn chung là vẫn còn tốt:

“Tất cả ổn định. Nhà nước và Chính quyền ủng hộ, giúp đỡ. Mọi mặt là ok hết, không có vấn đề gì cả, từ vật dụng cho đến các thứ. Nói chung là ổn định.”

Mặc dù người dân cũng khá lo lắng nhưng tinh thần của mọi người nhìn chung là tốt.”

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên thông báo trong khoảng thời gian cách ly, Chính quyền sẽ dựng hàng rào chắn quanh xã và lập nhiều chốt để ngăn chặn và kiểm soát người dân ra vào khu vực này.

Các chốt được dựng lên sẽ có mặt các lực lượng công an, quân đội, y tế, cán bộ xã canh gác cả ngày lẫn đêm để ngăn ngừa bệnh, chỉ một số trường hợp đặc biệt nhưng phải chịu sự đồng ý, giám sát của cán bộ chức năng mới được qua lại chốt.

Một người muốn giấu tên ở Hà Nội đã đến tận xã Sơn Lôi để trao tặng khẩu trang cho người dân nơi này cho biết Chính quyền kiểm soát người ra vào rất gắt gao. Ông chỉ được phép đứng ngoài rào chắn để chuyển khẩu trang vào bên trong:

“Khu cách ly có cảnh sát cơ động, công an, bác sĩ và đại diện Chính quyền địa phương, họ dựng barier ở đó và bảo rằng các bác chỉ ở đây thôi chứ không được vô trong đó. Bởi vì đang dịch bệnh phải cách ly hoàn toàn.

Họ không đồng ý cho chụp ảnh cảnh sát cơ động, chỉ được chụp ảnh cái barier và người nhận thôi. Nói chung hôm đó cũng bình thường không có vấn đề gì cả. Họ không cản trở cũng không có ý kiến gì gây khó khăn cho anh em hỗ trợ cả.”

Cùng ý kiến, ông Hoàng nói rằng người dân không thể tự ý ra khỏi xã nếu không có sự đồng ý của lực lượng chức năng:

“Đi lại trong khu vực thì ok, nhưng mà đi ra khỏi khu vực thì sẽ bị kiểm soát rất chặt chẽ. Người nào đi ra ngoài khỏi khu vực bị phong tỏa cách ly thì phải có lý do chính đáng và được chấp nhận thì mới được đi ra khỏi khu vực cách ly, và phải được kiểm tra kỹ về vấn đề thân nhiệt. Còn nếu không thì sẽ không được đi, phải đeo khẩu trang và tuân thủ đầy đủ các biện pháp sát trùng sát khuẩn.”

Ngày 16/2/2020, Văn phòng UBND huyện Bình Xuyên cho biết đã có 192 người sinh sống tại xã Sơn Lôi rời khỏi địa phương trước khi Chính quyền ra lệnh phong toả, cách ly khu vực này.

Ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết địa phương đã lên danh sách và kêu gọi 192 người này trở về. Tuy nhiên về mặt pháp lý thì cũng thể ép buộc họ quay về để cách ly được.

Lo ngại thiếu dụng cụ y tế nếu dịch bệnh kéo dài

Cũng theo thông tin từ Chính quyền địa phương, mỗi người dân sẽ được hỗ trợ 40.000 đồng/ngày nếu cách ly tại nhà và 60.000 đồng/ngày nếu cách ly tập trung. Đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng lưu động, đưa hàng hoá thiết yếu vào từng thôn, xóm.

Ông Sủng cho biết mỗi ngày đều có người đi xịt khử trùng và phân chia khẩu trang, xà phòng cho từng hộ dân:

“Ở các chốt đấy thì họ có khử trùng, có nhân viên đi từ nhà để đo thân nhiệt của mỗi người. Còn thuốc hay các vật dụng như xà phòng, nước rửa tay các thứ thì người ta đều chia về phân phối đầy đủ hết.”

Ông Hoàng nói hiện giờ Chính quyền có phát tiền đúng như thông tin từ báo chí. Ngoài ra thì hiện giờ các dụng cụ sát khuẩn đều được phát chứ người dân không cần phải mua. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì có thể sẽ thiếu:

“Nói chung là họ có cấp lương thực, thực phẩm cho người dân hàng ngày. Ngoài ra thì còn một số đơn vị từ thiện thi thoảng cũng đến làm từ thiện, phát mì tôm, trứng các thứ cho dân. Nói chung là ổn, không có vấn đề gì.

Họ phát hằng ngày, họ sẽ đưa tiền về các địa phương cụ thể để phát.

Khẩu trang cũng được Chính quyền cấp phát và nhiều nhà hảo tâm tài trợ làm từ thiện thì cũng có, nhưng mà còn phụ thuộc vào thời gian dịch, nếu kéo dài thì chắc chắn là sẽ thiếu. Còn hiện tại bây giờ thì vẫn ok.”

Xã Sơn Lôi là nơi có người từng đi về từ Vũ Hán, Trung Quốc, tâm điểm của dịch bệnh Covid 19, và là nguyên nhân khiến xã này có nhiều người nhiễm bệnh nhất trong cả nước.

Trong những ngày gần đây, tại một số nơi xuất hiện tình trạng một số cơ sở dịch vụ lo sợ không dám đón khách từ Vĩnh Phúc vì sợ dịch bệnh lây lan.

Ông Hoàng nói ông mong muốn Chính quyền phải “tuyên truyền” tốt hơn cho người dân nơi khác hiểu đúng về tình trạng dịch bệnh để người xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc không bị kỳ thị:

“Việc tuyên truyền để cho mọi người hiểu về bệnh và thực trạng của địa phương thì dân sẽ hiểu ra vấn đề, sẽ suy nghĩ đúng để tránh được tình trạng kỳ thị.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vinh-phuc-how-life-changes-in-corona-affected-village-02172020085943.html

 

Hà Nội thêm 3 trường hợp nghi nhiễm virus Corona

Trúc Bạch

Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố mới phát hiện 3 trường hợp nghi nhiễm virus Corona tại quận Nam Từ Liêm, quận Thanh Xuân, huyện Mê Linh.

Báo Dân Việt dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến hết ngày 16/2, Hà Nội phát hiện thêm 52 trường hợp mới từ vùng dịch (Trung Quốc) trở về. Chỉ riêng trong ngày 16/2, Sở Y tế Hà Nội mới phát hiện 3 trường hợp nghi nhiễm virus Corona (tại quận Nam Từ Liêm, quận Thanh Xuân, huyện Mê Linh).

Trước đó, ngày 15/2, UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã có quyết định cách ly một gia đình gồm 5 người (2 bố mẹ và 3 con) do có người trở về từ vùng dịch Covid-19 ở huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc). Gia đình này đi thăm nhà ngoại ở Bình Xuyên từ ngày 8/2, đến ngày 9/2 thì trở về địa phương. Hiện tình trạng sức khỏe của họ không có biểu hiện gì bất thường.

Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có 5 bệnh viện trực thuộc Sở này tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân. Cụ thể, đối với bệnh nhân trẻ em: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Bệnh nhân người lớn: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn.

Tính đến sáng nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 16 trường hợp nhiễm Covid-19 (9 trường hợp đang điều trị, 7 ca đã xuất viện). Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận 1.770 người chết, 70.548 người nhiễm bệnh và 150.539 trường hợp đang được theo dõi y tế.

https://www.dkn.tv/thoi-su/ha-noi-them-3-truong-hop-nghi-nhiem-virus-corona.html

 

Virus corona – Covid-19:

21 ngư dân Việt Nam bị giữ tại Thái Lan để kiểm tra

Một nhóm 21 ngư dân Việt Nam đã bị Hải quân Hoàng gia Thái Lan, ngày 15/02/2020, đưa vào bệnh viện để kiểm tra xem có bị nhiễm virus corona (Covid-19) hay không.

Báo The Nation, ngày 16/02, đưa tin, 21 ngư dân Việt Nam trên bốn chiếc thuyền đang tìm kiếm đánh bắt hải sâm tại vùng vịnh Thái Lan, đã bị Hải quân nước này giữ lại và đưa vào bệnh viện ở tỉnh Songkhla để kiểm tra.

Các bác sĩ quân y tại căn cứ hải quân Songkhla tiến hành theo dõi và kiểm tra xét nghiệm đối với toàn bộ nhóm ngư dân Việt Nam vì có thông tin cho rằng các ngư dân Việt Nam vừa đi qua Trung Quốc trong lúc dịch virus corona (Covid-19) bùng phát.

Quyết định giữ và kiểm tra dịch bệnh đối với các ngư dân Việt Nam được đưa ra bởi vì trước đó, ngày 14/02, Trung tâm Chia sẻ Thông tin Hàng hải được thông báo là có nhiều tàu nước ngoài đánh bắt hải sâm đang hoạt động tại vùng biển của Thái Lan.

Theo báo Thái Lan, qua kiểm tra, 16 ngư dân Việt Nam không hề có triệu chứng bị nhiễm virus Covid-19. Còn 5 người khác đang tiếp tục được theo dõi.

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200217-virus-corona-%E2%80%93-covid-19-21-ng%C6%B0-d%C3%A2n-vi%E1%BB%87t-nam-b%E1%BB%8B-gi%E1%BB%AF-t%E1%BA%A1i-th%C3%A1i-lan-%C4%91%E1%BB%83-ki%E1%BB%83m-tra

 

Ngành y tế cộng sản chống dịch coronavirus

bằng cách:  “bắt nhầm hơn bỏ sót”

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet loan tin, ngày 15 tháng 2 năm 2020, đoàn công tác của bộ Y tế Cộng sản Việt Nam do thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có mặt tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để kiểm tra việc phòng, chống dịch coronavirus tại đây.

Vĩnh Phúc hiện đang được xem là “ổ dịch” của Việt Nam khi có đến 9 người dương tính với coronavirus, trong đó 6 người ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Tại đây, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương tuyên bố biện pháp chống dịch của ngành Y tế Cộng sản là: “phát hiện, phát hiện và phát hiện”, “cách ly, cách ly và cách ly” với quan điểm “bắt nhầm hơn bỏ sót”.

Quan điểm của ông Dương đã khiến dư luận thắc mắc rằng, việc “bắt nhầm hơn bỏ sót” này chỉ được thực hiện với người Việt Nam, hay cả với người Trung Cộng, đặc biệt là những người từ ổ dịch Vũ Hán tới Việt Nam? Và nếu những người khoẻ mạnh mà bị “bắt” để ở “cách ly” với những người đã nhiễm dịch nhưng chưa phát bệnh thì hậu quả ai sẽ là người gánh chịu?

Theo ông Dương, hiện tất cả những người dân từng tiếp xúc với người bị nhiễm coronavirus, và người thân của bệnh nhân đều được đưa đến khu vực cách ly tập chung chứ không được cách ly tại nhà theo hướng dẫn trước đó.

Ông Dương đánh giá, đây là những biện pháp vô cùng quyết liệt, và trên cả hướng dẫn của ngành Y tế. Trước đó, bắt đầu từ ngày 13 tháng 2, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thực hiện biện pháp cách ly, nội bất xuất, ngoại bất nhập đối với gần 11,000 người dân xã Sơn Lôi. (BBT)

https://www.sbtn.tv/nganh-y-te-cong-san-chong-dich-coronavirus-bang-cach-bat-nham-hon-bo-sot/

 

Công nhân Việt Nam

có khả năng phải nghỉ việc tạm thời do coronavirus

Do thiếu nguyên liệu, nhiều công ty tại Việt Nam đang lo ngại về tương lại của họ. Tại tỉnh Hưng Yên, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Mai Xuân Dương cho biết việc kinh doanh hiện tại vẫn chưa bị ảnh hưởng,

nhưng do coronavirus ở Trung Cộng, công ty của ông không thể nhập cảng  các vật liệu như vải và chỉ và có khả năng sẽ thiếu nguyên vật liệu trong tương lai.

Việc kinh doanh sẽ phải tạm ngừng nếu công ty không thể tìm được nguồn cấp vật liệu, và những công nhân sẽ phải nghỉ việc từ 2 đến 4 tuần. Có 5,000 công ty may mặc tại Việt Nam với 2.5 triệu công nhân và nếu trường hợp nói trên xảy ra, các công nhân vẫn sẽ nhận lương dù việc kinh doanh ngừng lại. Ngoài ra, các lĩnh vực kinh doanh khác cũng đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Một tài xế của Công ty xe hành khách Bắc Nam Nguyễn Văn Mạnh cho biết số lượng hành khách đã giảm đáng kể và công ty của ông đang lên kế hoạch cắt giảm các dịch vụ và sa thải tài xế. Bên cạnh đó,  việc sản xuất cao su và nhựa ở Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào Trung Cộng với 70% nguyên liệu được nhập cảng từ quốc gia này.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất nhựa cao su tại Saigon cho biết, nếu các đối tác Trung Cộng không thể cung cấp nguyên liệu trong tháng tới, các công ty sản xuất nhựa và cao su Việt Nam sẽ phải nhập cảng nguyên vật liệu từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc với giá cao hơn. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cong-nhan-viet-nam-co-kha-nang-phai-nghi-viec-tam-thoi-do-coronavirus/

 

Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại việt nam

yêu cầu Hà Nội minh bạch vụ tấn công Đồng Tâm

Tin từ Hà Nội: Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam theo dõi rất sát tất cả những diễn tiến của vụ nhà cầm quyền cộng sản tấn công vào xã Đồng Tâm ngày 9/1 và đang thu thập thông tin từ các nguồn để có thể hiểu hơn những biến cố tại Đồng Tâm.

Theo phúc đáp của đại diện Toà Đại sứ cho RFA, Toà Đại sứ đặc biệt quan tâm về việc tổn thất nhân mạng từ cả hai phía qua đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân làng Hoành; và điều quan trọng là tất cả các bên cần tìm cách giải quyết tranh chấp theo phương cách công khai, ôn hòa và minh bạch.

Tuần trước, ba nhân viên ngoại giao của Toà Đại sứ đã gặp nhà hoạt động Trịnh Bá Phương để lấy thêm thông tin về vụ tấn công vào làng Hoành làm cụ già 84 tuổi Lê Đình Kình thiệt mạng và phía công an nói có 3 sỹ quan bị chết.

Theo tin mới nhất, tuần qua, công an đến nhà của cụ Kình, gặp cụ bà Dư Thị Thành và đòi mang các cánh cửa sổ có nhiều vết đạn để đi “xét nghiệm” nhưng bà từ chối. Có lẽ phía công an muốn tiêu huỷ bằng chứng cho dù hình ảnh ngôi nhà bị bắn với hàng trăm vết đạn đã được đưa lên mạng xã hội bởi nhiều người.  Phía công an cũng đòi triệu tập cụ Thành lên sở công an nhưng cụ đã từ chối.

Hiện nay, 27 người dân Đồng Tâm vẫn đang bị giam giữ, 20 trong số họ bị cáo buộc giết người trong khi số còn lại bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ.” Trong số này có 2 con trai và hai cháu trai của cụ Kình.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/toa-dai-su-hoa-ky-tai-viet-nam-yeu-cau-ha-noi-minh-bach-vu-tan-cong-dong-tam/

 

Đặt hơn 300 bẫy, xẻ thịt trâu bò ngay trong khu bảo tồn

Minh Quân

Không chỉ phản ánh nạn đặt bẫy thú rừng tràn lan tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, người dân Hà Tĩnh còn bức xúc vì trâu bò chăn thả ở khu vực này dính bẫy bị xẻ thịt ngay trong rừng.

Tờ VnExpress đưa tin, ngày 17/2, ông Lương Văn Dũng – Trưởng công an xã Cẩm Mỹ cho biết, bốn hôm trước, người dân xã Cẩm Mỹ trình báo với công an việc vừa qua trâu bò liên tục trúng bẫy của thợ săn ở khu bảo tồn Kẻ Gỗ; đồng thời giao nộp hơn 300 bẫy thú rừng làm từ cáp phanh xe đạp và dây thép.

Số bẫy trên được người dân phát hiện và thu gom hồi cuối tháng một đến nay. Bẫy được bố trí theo vùng, bủa vây các lối mòn mà thú rừng thường đi lại.

Chia sẻ với báo VTC News, ông Đặng Viết Thái – Trưởng thôn Mỹ Yên thông tin, mới đây, 3 con trâu của 2 hộ dân trên địa bàn dính bẫy. Trong đó, 1 con bị xẻ thịt ngay trong rừng, còn 2 con được phát hiện trong tình trạng bị thương nặng.

“Khoảng 4 tháng nay, rất nhiều trâu, bò của người dân chăn thả trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ bị dính bẫy. Chúng tôi đã phản ánh lên Khu bảo tồn nhưng vẫn chưa được ngăn chặn”, ông Nguyễn Văn Toản – Trưởng thôn Mỹ Hà bức xúc nói.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ nằm trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, diện tích hơn 35.000 ha. Khu vực này có 400 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, 298 loài chim, 100 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có 18 loài thú được đưa vào sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Ngoài ra, hiện có khoảng 30 hộ dân thôn Mỹ Hà và gần 10 hộ dân thôn Mỹ Yên chăn thả trâu, bò tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Hàng tháng họ bố trí thời gian vào rừng kiểm tra. Gần đây, người dân phát hiện rất nhiều bẫy thú được đặt tràn lan ngay trong khu bảo tồn.

https://www.dkn.tv/thoi-su/dat-hon-300-bay-xe-thit-trau-bo-ngay-trong-khu-bao-ton.html

 

Hàng chục tấn ngao chết trắng bãi ở Nghệ An

Tâm Tuệ

Những bãi ngao của người dân tại xã Nghi Thiết chết trắng gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Gần một tuần nay, 16 ha ngao nuôi ở xã Nghi Thiết với số lượng hàng chục tấn bị chết gây thiệt hại nặng nề. Hiện, chưa tìm ra nguyên nhân.

Những ngày giữa tháng 2/2020, nhiều người dân nuôi ngao tại xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) xót xa khi hàng chục ha ngao cận ngày thu hoạch bất ngờ chết trắng bãi.

Khi thủy triều rút xuống, lộ ra bãi ngao mở miệng trắng xóa, dài khoảng một km dọc bờ biển xã Nghi Thiết. Các hộ nuôi đang tất bật thu gom, đổ thành đống lớn, ước hàng chục tấn.

Vừa đeo găng tay cào ngao chết, ông Phạm Văn Anh, vừa nói trên báo VnExpress, 3 năm nuôi ngao, chưa bao giờ gặp cảnh này. Năm nay gia đình ông nuôi 1,4 ha, hiện khoảng 20 tấn đã chết, thiệt hại gần 400 triệu đồng.

“Ngao chết rải rác từ trước Tết Nguyên đán, sau đó lan toàn diện tích. Gia đình dọn không xuể nên thuê công nhân tốn thêm 14 triệu đồng”, ông Anh nói.

Cách đó không xa, anh Phạm Văn Hải cùng vợ đang nhặt bỏ ngao chết để cải tạo bãi. Giữa 2019, gia đình anh Hải thả 5 tấn ngao giống. Tuy nhiên năm nay, bãi ngao nhà anh mất trắng khoảng 20 tấn. Với giá hiện tại 18 nghìn đồng/kg ngao thương phẩm, anh Hải thiệt hại khoảng 350 triệu đồng. Cộng với chi phí đầu tư, thuê nhân công, gia đình anh Hải phải tốn thêm150 triệu đồng.

Theo người dân nơi đây, ngao bắt đầu chết từ tháng 11 Âm lịch nhưng nhiều nhất là tháng 12 Âm lịch và đỉnh điểm là tháng giêng 2020.

Ông Trần Trung Sơn – Phó chủ tịch UBND xã Nghi Thiết nói trên báo VOV, toàn xã có 7 hộ nuôi ngao với hơn 16 ha bị chết.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này đã lấy 3 mẫu ngao tại khu vực nuôi của 3 hộ gia đình đưa đi xét nghiệm, kết quả đều âm tính với ký sinh trùng perkinsus (loại gây chết ngao).

https://www.dkn.tv/thoi-su/hang-chuc-tan-chet-trang-bai-o-nghe-an.html

 

Việt Nam xếp hạng kém

trong bảng xếp hạng an toàn trực tuyến cho trẻ em

Việt Nam đã xếp hạng kém về rủi ro không gian mạng trong một chỉ số được biên soạn bởi DQ Institute, một tổ chức phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ. Chỉ số an toàn trực tuyến cho trẻ em năm 2020 xếp Việt Nam thứ 28 trong số 30 nền kinh tế được khảo sát với tổng điểm 12.7 trên 100, dưới mức trung bình toàn cầu là 42.

Trong báo cáo đầu tiên của khảo sát này, DQ Institute khảo sát 145,426 trẻ em và thanh thiếu niên trong ba năm qua, đo lường mức độ an toàn trực tuyến cho trẻ em dựa trên sáu yêu cầu: rủi ro không gian mạng, mức độ kỷ luật sử dụng kỹ thuật số, năng lực kỹ thuật số, hướng dẫn và giáo dục, cơ sở hạ tầng xã hội và kết nối.

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia thấp nhất trong tất cả sáu yêu cầu – kém nhất về rủi ro không gian mạng, bắt nạt trên mạng, nội dung rủi ro và tiếp xúc với người lạ. Trong cả hai hạng mục này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 28.

Nghiên cứu của DQI cho thấy việc sở hữu một chiếc điện thoại di động làm tăng rủi ro chung cho những người trẻ tuổi lên khoảng 20%, trong khi hoạt động mạnh mẽ trên mạng xã hội và chơi game làm tăng nguy cơ gặp nguy hiểm trên mạng thêm khoảng 40%.

Theo khảo sát của UNICEF năm ngoái, 21% người trẻ ở Việt Nam là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. UNICEF cho biết ở Việt Nam, bắt nạt trên mạng thường diễn ra trên Facebook, các ứng dụng nhắn tin như Zalo và Viber và các trang chia sẻ video và ảnh như YouTube và Instagram (BBT)

https://www.sbtn.tv/viet-nam-xep-hang-kem-trong-bang-xep-hang-an-toan-truc-tuyen-cho-tre-em/

 

Tổ chức Nhân quyền kêu gọi EU gây sức ép lên Việt Nam

 trước Đối thoại Nhân quyền

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và tổ chức thành viên là Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) hôm 17/2 ra thông cáo kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) gây sức ép lên Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền trong nước nhân Đối thoại Nhân quyền giữa hai phía dự định diễn ra vào ngày 19/2 tới tại Hà Nội.

Hai tổ chức này thúc giục EU phải yêu cầu Hà Nội chấm dứt việc đàn áp xã hội dân sự, sửa đổi Bộ Luật Hình sự, và trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm. Các điểm quan ngại về nhân quyền được nêu ra trong thông cáo bao gồm:

Việc gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến

Các điều luật về “an ninh quốc gia” mang tính đàn áp

Các quyền của người lao động

Tranh chấp đất đai

Điều kiện giam giữ mất nhân tính trong tù và tình trạng người chết khi bị tạm giam

Án tử hình

Theo FIDH và VCHR: “Kể từ lần Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam được tổ chức vào ngày 4 tháng 3 năm 2019, giới chức Việt Nam đã tiếp tục xách nhiễu, hành hung, và bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền của người lao động, quyền môi trường và đất đai, các bloggers, nhà báo, những người chỉ trích chính phủ và những người theo đạo. Từ ngày 5/3/2019 đến ngày 2/2/2020, Việt Nam đã bắt giữ 29 nhà hoạt động nhân quyền (bao gồm 3 phụ nữ) và két án 42 người (bao gồm 5 phụ nữ) những án tù lên đến 12 năm”.

FIDH và VCHR cũng bay tỏ quan ngại về việc Nghị viện Châu Âu vừa thông qua Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA) bất chấp tình hình nhân quyền đang bị chỉ trích ở Việt Nam. Theo dự kiến Hiệp định này sẽ đi vào hiệu lực vào khoảng giữa năm nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-eu-must-demand-end-to-crackdown-on-civil-society-release-of-dissidents-02172020083224.html

 

Chiến tranh Biên giới 1979:

Ai nhớ ai quên vẫn là câu hỏi nhức nhối

Mỗi năm cứ đến ngày 17/2 – đánh dấu kỷ niệm ngày nổ ra chiến tranh biên giới Việt – Trung từ năm 1979-1989 – người dân Việt lại nhức nhối với câu hỏi, ai nhớ, ai quên?

Như mọi năm, trong ngày này, các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam sẽ ra đặt vòng hoa, hay dâng hương tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến biên giới năm 1979 ở tượng Đức Thánh Trần ở Bến Bạch Đằng, Sài Gòn, Vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội, hoặc các nghĩa trang liệt sĩ.

Nhưng năm nay, do dịch virus corona chủng mới, nhiều người Việt Nam đành thắp nén nhang lòng tưởng niệm.

‘Đánh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình sai lầm’

Đâu là nguyên nhân cuộc chiến Việt-Trung 1979?

Ảnh: Cuộc chiến biên giới Việt Trung 1979

Chiến tranh biên giới 1979 qua các con số

Mạng xã hội vẫn là nơi đăng tải các dòng tưởng niệm hay ý kiến chia sẻ về cuộc chiến, như một hình thức tưởng niệm trong thời kỹ thuật số.

Nhà văn Phạm Viết Đào, trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt hôm 17/2 qua điện thoại nói rằng, ngày này nhắc nhở với chúng ta rằng mối đe dọa từ Trung Quốc với Việt Nam là hiển nhiên và không ai có thể phủ nhận.

“Những người lãnh đạo càng ngả theo Trung Quốc thì họ càng lấn tới. Cho nên, ngày 17/2 là dịp người dân khắp cả nước, bằng cách này hay cách khác, tỏ thái độ và thúc giục như một sức ép, đòi hỏi chính quyền có những quyết sách, những chính sách tách dần khỏi sự lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. ‘Còn với giới hữu trách, không thể vì những mối lợi nhỏ mà làm đánh mất đi quyền lợi chiến lược lâu dài của đất nước, của dân tộc”, tác giả cuốn sách ‘Vị Xuyên thế sự’, viết về chiến tranh biên giới phía Bắc, nói.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, trả lời BBC News Tiếng Việt qua điện đàm cùng ngày, cho rằng đây là ngày “người Việt Nam cùng nhắc nhở bài học cảnh giác với Trung Quốc”.

Đẫm máu, dai dẳng nhưng bị coi nhẹ?

Năm nay, ngoài thắp nén nhang lòng, các thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đưa ra nhận định về những gì sách Lịch sử Việt Nam “chính thống” ghi nhận về cuộc chiến nói trên.

Họ nhận định rằng, chiến tranh biên giới Việt Nam và Trung Quốc là một cuộc chiến đẫm máu, dai dẳng chống Trung Cộng xâm lược, nhưng lại bị coi nhẹ hết sức trong sách lịch sử Việt Nam”chính thống”.

Đẫm máu bởi “theo các nhà quan sát phương Tây ước tính, thì quân và dân Việt Nam hy sinh trong hai cuộc chiến biên giới – mà nguyên nhân là từ Trung Quốc Cộng sản gây ra – khoảng 100.000 người”.

“Quân Trung Quốc còn thảm sát 64 sĩ quan chiến sĩ công binh Việt Nam ra xây đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, và Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma và nhiều đảo đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho đến nay”.

Còn dai dẳng bởi “nếu định nghĩa chiến tranh xâm lược là một quốc gia đưa quân đi giết người của nước đối phương để chiếm lãnh thổ, thì cuộc chiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam vẫn chưa kết thúc.”

”Vì từ vụ Trung Quốc xâm lược, bắn giết người Việt Nam để chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 19/1/1974; tiếp đó là Bắc Kinh dùng cộng sản Polpot xâm lược Tây Nam Việt Nam; đặc biệt cuộc xâm lược 6 tỉnh biên giới Bắc Việt Nam từ 17/2/1979 -1989; vụ thảm sát 64 sĩ quan binh sĩ Việt Nam tại Gạc Ma để chiếm Gạc Ma và một số đảo đá thuộc Trường Sa của Việt Nam 14/3/1988, cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ và xây căn cứ quân sự trên đó. Cuộc chiến tranh sử dụng “sức mạnh cứng” như thế chưa kết thúc.”

Trong khi đó, cũng theo bản nhận định của CLB Lê Hiếu Đằng, bộ sách “Lịch sử Việt Nam” của Viện Sử Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn với 15 tập, với 10.000 trang, nhưng lại chỉ dành vỏn vẹn khoảng 11 dòng để đánh giá về cuộc chiến tranh biên giới nói trên.

Cụ thể, trang 355, tập 14, sách “Lịch sử Việt Nam” (NXB Khoa học xã hội) viết:

“Năm giờ sáng ngày 17-2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực, 2.559 khẩu pháo, 550 xe tăng và thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lào Cai (30Km), Lai Châu (15km), Cao Bằng (50km).

”Quân dân Việt Nam kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên địch, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam”.

Nhóm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đặt câu hỏi:

“Phải chăng Viện Sử Học của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam cũng bị “tê liệt và thất thủ” trước cuộc xâm lăng bằng “sức mạnh mềm” của Cộng sản Bắc Kinh còn đang tiếp diễn?”

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt qua điện thoại cùng ngày, luật sư Trần Quốc Thuận thì cho rằng, trước đây, thay vì gọi đích danh cuộc chiến nói trên là chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, như công đồng mạng lâu nay vẫn chỉ đích danh, thì truyền thông nhà nước vẫn chỉ nói nhẹ đi là cuộc chiến biên giới.

Nhưng hai năm nay, sau những ý kiến trên mạng xã hội, cuộc chiến tranh này được gọi đích danh là chiến tranh xâm lược và được đưa vào sách giáo khoa và sách lịch sử chính thống, đó cũng là một thực tế cần ghi nhận, theo luật sư từng là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội này.

Tuy nhiên, ông cho rằng, cuộc chiến Việt – Trung, tức cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba, cần được đặt ngang với các cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống Pháp, mà các nhà nghiên cứu vẫn gọi là cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai. Cụ thể là nhà nước cần tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm vào các năm chẵn (5 năm hay 10 năm) như với hai cuộc chiến kia, chứ không chỉ dừng ở việc mở rào cho báo chí đề cập đến.

Tiếp tục chuyện về trận Vị Xuyên

Tướng TQ ‘đã ra sách về trận Lão Sơn’

Cảnh giác và giải độc

Với nhà văn Phạm Viết Đào, vấn đề nguy hiểm nhất là một thời, Việt Nam đã bị ngộ độc về tình hữu nghị vưới Trung Quốc và bị ‘phơi nhiễm’ nặng nề.

“Nhìn lại những vấn đề về cuộc chiến tranh với Trung Quốc, những cây đại thụ của lịch sử Việt Nam không nắm được gì cả. Vừa rồi, khi viết ‘Vị Xuyên thế sự’, tôi lục lại các tài liệu thì tất cả những cơ quan hữu trách người ta không biết gì về cuộc chiến tranh này cả. Giới trí thức, tức những người có trách nhiệm nói cho mọi người về sự thật lịch sử thì hoặc bị ngộ độc, hoặc bị kìm kẹp đến nỗi nói đến chuyện này như là động vào cái gì đó khiến họ giật mình. Khởi động lại bộ nhớ về cuộc chiến đó, gặp lỗ hổng về dữ liệu lịch sử như vậy”, ông nói với BBC News Tiếng Việt.

Về khía cạnh này, theo Luật sư Thuận, điều quan trọng nhất hiện nay là nhắc nhở bài học cảnh giác với các thế lực phương Bắc.

“Âm mưu lấn chiếm, xâm lấn ngàn đời này, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ, và nước này ngày càng hung hãn hơn, nhất là với vấn đề biển Đông”- ông Thuận nói.

Kỷ niệm 41 năm chiến tranh biên giới Việt – Trung giữa lúc tình hình dịch do virus corona chủng mới, xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) đang nóng, ông Thuận gọi tư tưởng xâm lấn của Trung Quốc như một loại ‘virus xâm lược’ và nói rằng, cảnh giác vẫn là bài học không bao giờ cũ.

Cuộc chiến 1979 thực sự đã ‘bắt đầu từ trước’

Chiến tranh 1979: ‘Lịch sử đã bị bóp méo bởi phía TQ’

Cuộc chiến 1979: Góc nhìn của Trung Quốc

Dương Danh Dy: ‘Chứng nhân những thăng trầm Việt-Trung’

Khi được hỏi về những giải pháp có thể đề xuất nhằm giúp Việt Nam có thể thoát khỏi mối đe dọa từ Trung Quốc, luật sư Thuận trả lời rằng trước hết phải có sự độc lập về kinh tế.

Với việc Việt Nam gần đây ký hiệp định thương mại với nhiều đối tác, cũng như thiết lập quan hệ đối tác toàn diện hay chiến lược với nhiều nước, theo ông Thuận, con đường thoát Trung đang dần sáng ra.

Tuy nhiên, sự lệ thuộc kinh tế, nhất là đầu ra của nông sản với Trung Quốc vẫn còn. Và điều này ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục triệu nông dân.

“Điều này càng đòi hỏi phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam”, ông Thuận nói.

Nhà văn Phạm Viết Đào cho rằng bài học trong mối quan hệ với Trung Quốc cũng đặt hàng loạt vấn đề với các dự án có tiền đầu tư của Trung Quốc.

Khi được hỏi về cách thức giải độc ngộ nhận về ‘tình hữu nghị’ với Trung Quốc hay ‘sự giúp đỡ’ của Trung Quốc, theo ông Đào nói chỉ có cách là thông tin:

“Phải làm sao để nhà báo được tìm hiểu, nhà văn được viết và được công bố tác phẩm, và mọi người được thảo luận công khai. Đó sẽ là ánh sáng để người ta soi rọi và dần giải độc, trả lại lương tri cho dân tộc”.

Tuy thế, sau một thời gian tương đối im ắng, càng về gần đây, các báo chính thống ở Việt Nam càng nói kỹ hơn về cuộc chiến biên giới 1979.

Chẳng hạn năm ngoái, một bài trên Nhân dân điện tử (02/2019) chỉ riêng về đỉnh Pò Hèn (trước đây là Đồn 209, tại xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh) đã viết:

“Lịch sử của dân tộc sẽ mãi không bao giờ quên, trên dải biên cương ấy là nơi yên nghỉ của 86 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, trong ngày 17/02/1979.”

Xem thêm: Vì sao Trung Quốc muốn quên Chiến tranh Biên giới 1979.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51527400

 

Sau khi ca ngợi Đảng CS ‘thật vĩ đại’,

CT Trọng ví văn kiện Đảng với văn bia

Báo Việt Nam thường đăng tải nhiều câu nói mang tính chỉ đạo đầy ấn tượng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Gần đây nhất, hôm 14/02, ông Trọng dùng khái niệm ‘văn bia’ để cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến vào năm 2021.

Nói đến phương châm phải lắng nghe các đại hội đảng bộ cơ sở đóng góp ý kiến, ông Trọng, giáo sư ngành ‘xây dựng Đảng’ nhắc người biên tập văn kiện phải có bản lĩnh.

Theo ông, phải coi “văn kiện Đảng như văn bia để lại muôn đời sau“, như lời trích trên báo Việt Nam.

“Việc tiếp thu các ý kiến đóng góp không được đơn giản, dễ dãi về cả hai phía, không tiếp thu cũng là sai, mà nói cái gì tiếp thu ngay cũng là sai.”

Trước đó, ngày 03/02, báo Việt Nam đăng tải rộng rãi lời TBT Trọng khen đảng của mình:

“Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “Đảng ta thật là vĩ đại! Nhân dân ta thật là anh hùng!

Truyền thông chính thống ở Việt Nam nói bài diễn văn được đọc “trong không khí phấn khởi, tự hào, cảm xúc đón mùa xuân mới cũng là dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Tuy thế, dư luận nước này và thế giới cùng thời gian lại đang hết sức lo ngại về virus corona lan ra từ Trung Quốc.

Các câu nói dễ nhớ và mang tính chỉ đạo

Cách nói hơi bất ngờ, ngược với logic bình thường có thể là cách ông Nguyễn Phú Trọng sử dụng để đánh thức tư duy thường nhật của các quan chức là đồng chí của ông.

Chủ tịch Trọng và một Việt Nam đầy ắp câu hỏi

Chiếc ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội ‘liệu có yên ả?’

Tân Bí thư Hà Nội và câu hỏi về ‘lãnh đạo kỹ trị’

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khen bóng đá VN

Việt Nam được cho là có dân số trẻ, và đông đảo thanh thiếu niên với suy nghĩ khác xa thế hệ ‘cách mạng’ và ngưỡng mộ những nhân vật không thuộc hệ thống chính trị.

Các câu của ông Trọng thường được chia sẻ trên mạng xã hội, với các bình luận khen, chê, nhưng dù sao cũng vẫn có dư luận chú ý.

Ví dụ hồi cuối năm 2019, khi nói về các đại án như vụ AVG, ông Trọng được truyền thông trích lời cho rằng sau đại án AVG, còn nhiều vụ phải làm tiếp.

Ông cũng nói “tất cả các bị cáo lúc đầu thì cãi, nhưng sau đều tâm phục, khẩu phục”.

Các bị cáo cho đi tù còn cảm ơn.”

Hồi giữa năm 2019, Giáo sư Trọng cũng đặt ra một loạt câu hỏi về tương lai Việt Nam và nói đến khái niệm đô thị thông minh.

Ông hỏi:

“Ví dụ Thành phố Hồ Chí Minh, mươi năm nữa, 15 năm nữa sẽ là thế nào? Có hình dung được hết không? Hà Nội sẽ là thế nào?”

Rộng hơn, ông tự hỏi: “Nước ta đến 2030 sẽ là nước gì?

Ông cũng lật lại vấn đề “nước công nghiệp” mà một vị tiền nhiệm, TBT Nông Đức Mạnh nói hồi 2006 rằng đến 2020 thì Việt Nam sẽ đạt được:

“… Chúng ta đã xác định đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giờ đã trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa? Phải thay đổi rồi, không dùng cái từ ấy nữa rồi.”

Hồi tháng 11/2017, ông cũng “công khai hóa” khái niệm ‘chán Đảng khô Đoàn’ từng được nêu ra không rộng rãi trong hệ thống chính trị Việt Nam:

“Cần ngăn chặn tình trạng chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị, ngăn chặn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau…”

Nhìn chung, trước các sự kiện chính trị lớn do ông chỉ đạo thực hiện, TBT Trọng đều có các phát biểu dùng hình ảnh đơn giản, động từ mạnh để công luận nắm được vấn đề.

Chẳng hạn hồi tháng 6/2018 chính ông nói rằng “sắp xếp bộ máy công an đụng chạm ghê gớm lắm“.

Trước đó, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng lời của ông vào tháng 4/2018 rằng “bất kỳ là ai, đã tham nhũng, tay nhúng chàm đều phải xử lý triệt để”.

Cách đây hơn 5 năm, vào tháng 5/2015 ông Trọng, khi đó chỉ mới là Tổng bí thư Đảng nói với cử tri Hà Nội về việc ghép hai chức vụ Đảng và chính quyền:

“Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát?”

Nhưng đến tháng 10/2018 thì ông nắm cả hai chức vụ Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng.

Cùng năm, ông chú ý đến thành tích của tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, đội đoạt AFF-Suzuki Cup năm 2018 và nói:

“Bóng đá Việt Nam gặt hái nhiều thành công trên đấu trường khu vực, đã khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đoàn kết dân tộc, tạo không khí phấn chấn trong xã hội.”

Cũng vào năm 2018, trong dịp đầu năm, ông Trọng (sinh tháng 4/1944) chính thức được truyền thông Việt Nam ca ngợi là “người đốt lò vĩ đại“.

https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-51535496