Tin Việt Nam – 13/02/2020
Vĩnh Phúc cách ly xã Sơn Lôi
‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’
Tâm Tuệ
Vĩnh Phúc vừa quyết định cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên do diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) tại tỉnh này.
Nguồn tin trên được một cán bộ huyện Bình Xuyên của tỉnh này xác nhận với PV Dân trí vào tối 12/2. Động thái này được đưa ra nhằm khoanh vùng, cách ly việc di chuyển của người dân trong vùng xảy ra dịch.
Theo đó, 8 chốt kiểm soát ở huyện Bình Xuyên sẽ bị thu hồi, thay vào đó xã Sơn Lôi thiết lập 8 chốt kiểm soát cách ly hoàn toàn địa phương này. Các chốt này sẽ gồm công an, quân đội, y tế, cán bộ xã… để kiểm tra, kiểm soát cả ngày – đêm.
“Xã Sơn Lôi sẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong thời gian 20 ngày. Ngày mai (13/2) sẽ bắt đầu thực hiện việc này” – vị này thông tin thêm.
Trước đó, vào đầu tuần vừa qua huyện Bình Xuyên đã lập 8 chốt kiểm soát để kiểm tra, giám sát người ra vào các vùng đã phát hiện dịch.
Vĩnh Phúc là tỉnh ghi nhận số ca nhiễm virus corona mới nhiều nhất cả nước, với 10/15 ca mắc bệnh. Ngoài 5 bệnh nhân thuộc nhóm cùng trở về từ Vũ Hán trên một chuyến bay, 5 bệnh nhân còn lại đều là người tiếp xúc gần với bệnh nhân N.T.D. (1 trong 5 công nhân nhiễm bệnh).
https://www.dkn.tv/thoi-su/vinh-phuc-cach-ly-xa-son-loi-noi-bat-xuat-ngoai-bat-nhap.html
Virus corona:
Liệu sẽ có thêm địa phương bị cách ly tại Việt Nam ?
Đức Tâm
Tại Việt Nam, đã có 16 người bị nhiễm virus corona (Covid-19). Một xã của tỉnh Vĩnh Phúc, miền Bắc, bị cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, nếu theo các quy định gần đây của bộ Y Tế thì không loại trừ trong thời gian tới, sẽ có thêm các khu vực, địa phương bị cách ly và kiểm soát y tế.
Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, miền bắc Việt Nam, ngày 12/02.2020, đã ra quyết định cách ly và kiểm soát y tế trong vòng 20 ngày đối với toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, nhằm ngăn ngừa dịch virus corona – theo tên gọi mới là Covid-19.
Tỉnh Vĩnh Phúc là nơi có đông lao động từ tâm dịch – Vũ Hán Trung Quốc – trở về. Theo thống kê của bộ Y Tế Việt Nam, cho đến nay, tại tỉnh này có 10 trường hợp nhiễm dịch bệnh. Riêng huyện Bình Xuyên có 8 ca và tại xã Sơn Lôi, nơi vừa bị cách ly, có 5 trường hợp.
Đọc thêm: Virus corona : Gần 2.000 người nhập cảnh bị cách ly tại Sài Gòn
Việt Nam đang ra sức phòng chống và dập tắt dịch. Trong nỗ lực đó, nếu theo văn bản hướng dẫn thực hiện 2 quyết định gần đây của bộ Y Tế thì không loại trừ trong thời gian tới, sẽ có thêm các khu vực, địa phương bị cách ly và kiểm soát y tế, bởi vì đối tượng cần theo dõi, cách ly được mở rộng.
Quyết định 344 ngày 07/02/2020 của bộ Y Tế đề cập đến 2 đối tượng cần cách ly : Đó là những « người đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh » và « người Việt Nam đến từ hoặc đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trở về Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. »
Đầu tháng 02/2020, một nhóm công nhân đi tập huấn ở Vũ Hán – tâm dịch – trở về, tiếp xúc với nhiều người khác, trước khi một số người trong nhóm này được phát hiện là nhiễm virus.
Trong cùng ngày 07/02, bộ Y Tế Việt Nam ban hành tiếp quyết định số 345, bổ sung đối tượng cách ly 14 ngày một cách rất « kỹ càng » : Đó là những người đã tiếp xúc với bệnh nhân hoặc những người bị nghi nhiễm bệnh, ví dụ sống cùng nhà, lưu trú, làm việc cùng, đi công tác, du lịch, vui chơi, hoặc tiếp xúc gần dưới 2 mét, hoặc ngồi cùng, trước hoặc sau hàng ghế trên xe hơi, xe lửa, máy bay.
Đọc thêm: Việt Nam lập bệnh viện dã chiến để đối phó với virus corona
Khoanh vùng, cách ly và tăng cường kiểm soát y tế để phòng chống lây lan và dập tắt dịch là biện pháp « triệt để », « cực chẳng đành ». Tuy nhiên, nếu lại có thêm địa phương hoặc nhiều người bị cách ly thì không biết « nên mừng » – như trấn an của một tờ báo trong nước – hay nên lo.
Virus corona:
Trẻ em ít bị lây nhiễm nhờ được chích ngừa ?
Thanh Phương
Ngày 11/02/2020, bộ Y Tế Việt Nam thông báo ca lây nhiễm virus corona thứ 15 ở Việt Nam là một bé gái 3 tháng tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc. Bé gái này lây bệnh từ bà ngoại và người phụ nữ này lây từ con gái, vốn là một trong những người từ Vũ Hán trở về. Đây là trẻ em đầu tiên bị lây nhiễm virus corona mới, nay có tên chính thức là Covid
Tuy vậy, cho tới nay, ngay cả tại Trung Quốc, tỷ lệ trẻ em bị lây nhiễm rất là thấp, dường như đó chính là nhờ trẻ em được chích ngừa các bệnh như sởi và thủy đậu, theo lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, Sài Gòn, trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại ngày 12/02/2020.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Sài Gòn.
( Trích đoạn phỏng vấn )
BS Trương Hữu Khanh : Cho tới nay, so với thống kê của các đợt dịch SARS, MERS ( cũng do virus corona gây ra ), đặc biệt là số ca ở Trung Quốc, thì tỷ lệ trẻ em rất là thấp. Theo báo cáo mới nhất, trên mười mấy ngàn người, chỉ 28 ca là dưới 17 tuổi. Thứ hai là những ca nặng thì không thấy ở trẻ em. Bây giờ có một em bé 3 tháng bị nhiễm thì cũng không có gì lạ, là vì khi một nguồn lây vừa tới một khu vực nào đó, ai tiếp xúc nhanh thì là bị nhiễm thôi. Chứ còn theo thống kê chung thì tỷ lệ trẻ em thấp hơn người lớn rất là nhiều, đặc là lứa tuổi dưới 12 tuổi rất ít.
RFI : Chúng ta có thể giải thích được vì sao tỷ lệ trẻ em lại thấp như vậy ?
BS Trương Hữu Khanh : Đó là câu hỏi mà khi xảy ra dịch SARS, MERS người ta cũng đã đặt ra. Có một lý thuyết được bàn đến nhiều đó là nhờ trẻ em còn hưởng tác dụng của đợt chích ngừa hai bệnh sợi và thủy đậu, từ 9 tháng, 12 tháng và nhắc lại vào 4 hay 5 tuổi. Người ta thấy là kháng thể từ vaccin ngừa sởi có khả năng ức chế con virus corona này, nên em bé khó bị nhiễm hơn.
RFI : Với sức đề kháng yếu của trẻ em, nguy cơ tử vong có cao hay không ?
BS Trương Hữu Khanh : Nói sức đề kháng của trẻ em yếu là chỉ đúng với virus cúm, nhưng đặc biệt virus corona SARS, MERS, và con virus corona mới lại loại trừ trẻ em, là nhờ hai mũi vaccin nói trên. Thường khi trẻ em được chích 2 vaccin đó thì tới lớn lượng kháng thể trên người mới giảm xuống, còn hai mũi vaccin từ hồi nhỏ thì còn kéo dài đến khoảng 12, 13 tuổi.
Đến trường hay ở nhà để phòng, ngừa dịch Covid-19?
Học sinh đi học lại là hợp lý?
Bộ Y tế, vào ngày 8 tháng 2 đã gửi công văn đến Bộ Giáo dục-Đào tạo với nội dung là học sinh có thể đi học lại tại các địa phương không có dịch bệnh virus corona (Covid-19), sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế…Đồng thời hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên cách thức phòng bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm, không để lây lan trong trường học.
Đến ngày 12/2, truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh thông báo học sinh đi học trở lại từ ngày 17/2.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, Phó Chủ tịch Đảm bảo chất lượng giáo dục, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng vào tối hôm 12/2 lên tiếng với RFA rằng đợt cho học sinh nghỉ học ngay sau khi Việt Nam công bố dịch bệnh virus corona là điều cần thiết, tuy nhiên kéo dài thời gian nghỉ học không phải là một giải pháp. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh:
“Thông tin phải đầy đủ và những khu vực nào thật sự có mầm móng dịch bệnh thì phải có kiểm soát tốt. Quan trọng là phải kiểm soát được, chứ không phải chỉ nghỉ học là xong. Quan trọng hơn là nhà trường phải chuẩn bị tốt trong khi cho học sinh đi học, chẳng hạn như chuyện giáo dục cho học sinh biết tự bảo vệ…là rất cần thiết.”
Trường mời phụ huynh vào thông báo là dự định sẽ cho các cháu đi học lại vào thứ Hai tuần sau. Nhưng diễn biến của bệnh dịch chưa giảm được nên chúng tôi rất lo lắng. Cho nên chúng tôi đề nghị với nhà trường rằng nếu có chỉ thị toàn quốc đi học lại hết thì chúng tôi mới yên tâm cho con đi học, còn như vậy thì chúng tôi không đồng ý. Trường nói rằng sẽ kiến nghị lên cấp trên; nếu được thì sẽ thông báo cho học sinh nghỉ tiếp theo toàn quốc, còn không thì cho các cháu đến trường nhưng sẽ có biện pháp phòng, chống và sẽ phát khẩu trang. Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi vẫn rất lo lắng và chưa muốn cho các cháu đi học
-Bà Ninh, phụ huynh ở Đồng Nai
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, từ Hà Nội cho rằng thông báo của Bộ Y tế là hợp lý, thế nhưng ở những nơi có dịch bệnh thì vẫn cần cho học sinh tiếp tục nghỉ:
“Căn cứ vào tình hình thực tế vừa rồi thì ổ dịch lớn nhất ở Việt Nam là tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó là thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh nơi có nhiều người Trung Quốc xuất hiện như Đà Nẵng, Khánh Hòa…Những nơi này theo tôi thì nên tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Còn như Hà Nội chưa có một trường hợp nào phát dịch và các tỉnh lân cận như Nam Hà, Ninh Bình, hay như ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa có (dịch bệnh) mà nếu tiếp tục cho học sinh nghỉ tiếp ở các địa phương thì sẽ gặp khó trong chuyện kết thúc chương trình. Vì vậy những địa phương ấy cho học sinh đi học lại cũng là hợp lý.”
Lo lắng của phụ huynh
Trong cùng ngày một số địa phương ra thông báo cho học sinh đi học lại kể từ ngày 17/2, Đài RFA trao đổi với các phụ huynh và được họ cho biết rằng họ rất mong mỏi con cháu được nhanh chóng việc học hành sau đợt nghỉ quá dài ngày từ Tết Nguyên đán đến giờ. Thế nhưng, chúng tôi ghi nhận đa số phụ huynh đều tỏ ra lo lắng khi học sinh đến trường trở lại. Bà Ninh, một phụ huynh ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết:
“Trường mời phụ huynh vào thông báo là dự định sẽ cho các cháu đi học lại vào thứ Hai tuần sau. Nhưng diễn biến của bệnh dịch chưa giảm được nên chúng tôi rất lo lắng. Cho nên chúng tôi đề nghị với nhà trường rằng nếu có chỉ thị toàn quốc đi học lại hết thì chúng tôi mới yên tâm cho con đi học, còn như vậy thì chúng tôi không đồng ý. Đại diện tổ trưởng phụ huynh, chúng tôi họp có ý kiến như vậy. Trường nói rằng sẽ kiến nghị lên cấp trên; nếu được thì sẽ thông báo cho học sinh nghỉ tiếp theo toàn quốc, còn không thì cho các cháu đến trường nhưng sẽ có biện pháp phòng, chống và sẽ phát khẩu trang. Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi vẫn rất lo lắng và chưa muốn cho các cháu đi học.”
Cô Ba, một phụ huynh có hai con trai đang học tiểu học và trung học cơ sở ở quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ rằng bản thân cô cùng với nhiều phụ huynh khác đang rất lo ngại khi các cháu trở lại trường và họ cho rằng một giải pháp trong thời điểm bệnh dịch diễn biến phức tạp, qua trường hợp mới nhất có một bệnh nhi ở Vĩnh Phúc lây nhiễm trực tiếp từ người sang người, thì học trực tuyến là an toàn hơn hết. Cô Ba nói:
“Tôi thấy cho nghỉ rồi học online hay gửi bài ôn tập cho học sinh thì sẽ tốt hơn, chứ tới trường thì cũng lo sợ.”
Trước sự lo lắng và kiến nghị của phụ huynh về giải pháp học trực tuyến, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cho rằng hiện tại ở Việt Nam chưa thể thực hiện ngay được phương pháp này.
“Ý tưởng là không sai, nhưng tôi nghĩ là bị đột ngột như vậy thì các trường cũng không có chuẩn bị. Tức là cho tự học, học ở nhà thì cha mẹ có thực sự giúp được không? Thứ hai nữa là giao bài cho học sinh học trong thời gian như thế nào thì tôi thấy cũng cần có một sự chuẩn bị. Tôi nghĩ ở Việt Nam hiện nay trong trường chưa có dạy cho các em biết tự học nhiều, chủ yếu là nghe thầy giảng và về làm theo đúng những gì thầy yêu cầu. Bây giờ nếu học trực tuyến thì những bài giảng đã có sẵn chưa?”
Chuyên gia y tế nói gì?
Bác sĩ Lê Văn Dũng, từng làm việc tại Y tế Dự phòng, ngay sau khi Việt Nam công bố dịch bệnh virus corona đã khẳng định với RFA công tác vệ sinh phòng, chống lây nhiễm virus corona tại các nơi công cộng và trường học là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, ông cho rằng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện tại thì không nên mở trường học.
Vào tối ngày 12/2, Bác sĩ Lê Văn Dũng giải thích quan điểm của ông với RFA:
“Tổ chức Y tế Thế giới ban bố tình trạng toàn cầu. Trung Quốc thì vẫn theo chiều hướng tăng lên từng ngày, vẫn chưa thấy đỉnh của dịch bệnh. Số lượng chết, số mới mắc bệnh, số bị nhiễm, số lượng nguy kịch vẫn tăng lên đều và tăng theo tỷ lệ lũy tiến dần, không có chiều hướng giảm. Trong khi đó, Việt Nam là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới rồi.”
Đi học một lớp học từ sáng đến trưa rồi từ trưa đến chiều với mấy chục học sinh ở trong lớp, trong một cái phòng kín như thế. Nếu một học sinh bị thì chỉ trong một ngày cả lớp bị. Cho nên phải nhìn thấy mức độ nguy hiểm như thế để bảo vệ sức khỏe con cái mình, chứ còn chuyện học ở Việt Nam có tận 3 tháng hè và kể cả có nghỉ đến 6 tháng thì đến năm học sau phải học thêm 1,2 tháng nữa thì chẳng có vấn đề gì. Việc đấy xử lý được
-Bác sĩ Lê Văn Dũng
Bác sĩ Lê Văn Dũng nhắc đến trường hợp bệnh nhi 3 tháng tuổi bị nhiễm virus corona ở Vĩnh Phúc là một minh chứng cho tình trạng bệnh dịch diễn biến càng phức tạp và phải chờ cho đến khi đỉnh của dịch bệnh được chính thức thông báo đã xảy ra và mức độ lây nhiễm có tỷ lệ giảm đáng kể thì khi đó mới cân nhắc đến việc mở cửa trường học đón học sinh trở lại. Bác sĩ Lê Văn Dũng phân tích thêm:
“Đi học một lớp học từ sáng đến trưa rồi từ trưa đến chiều với mấy chục học sinh ở trong lớp, trong một cái phòng kín như thế. Nếu một học sinh bị thì chỉ trong một ngày cả lớp bị. Cho nên phải nhìn thấy mức độ nguy hiểm như thế để bảo vệ sức khỏe con cái mình, chứ còn chuyện học ở Việt Nam có tận 3 tháng hè và kể cả có nghỉ đến 6 tháng thì đến năm học sau phải học thêm 1,2 tháng nữa thì chẳng có vấn đề gì. Việc đấy xử lý được.”
Trả lời câu hỏi của RFA liên quan thông tin có 7 ca được điều trị khỏi bệnh trong số 15 trường hợp nhiễm virus corona ở Việt Nam có phải là kết quả lạc quan hay không, Bác sĩ Lê Văn Dũng khẳng định rằng “không nói lên được điều gì gọi là khả quan”. Bác sĩ Lê Văn Dũng tiếp lời:
“Bởi vì bệnh này là virus, không có vaccine, không có thuốc điều trị đặc hiệu thì chữa trị kiểu gì? Đó là nằm trong quy trình diễn biến tự nhiên. Tức là tỷ lê tử vong chẳng hạn là 20% thì trong số 10 người nhiễm bệnh có 2 người tử vong và 8 người tự khỏi bệnh vì người ta tự miễn dịch do sức đề kháng của người ta tốt.”
Bác sĩ Lê Văn Dũng và một vài chuyên gia y tế Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc được đều cho rằng Chính phủ Việt Nam phải rất thận trọng trước quyết định cho học sinh đi học trở lại trong lúc này.
Đính chính: Ý kiến của Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh trong bài ghi nhận này là quan điểm cá nhân.
Thêm ca thứ 11 dương tính virus Corona chủng mới
ở tỉnh Vĩnh Phúc
Bộ Y tế Việt Nam trưa 13/2/2020 xác nhận thêm ca nhiễm virus Corona chủng mới thứ 11 ở tâm dịch Vĩnh Phúc, nâng tổng số người dương tính với Covid-19 ở Việt Nam là 16 người, trong đó có 7 người đã hồi phục và được cho xuất viện.
Theo đó, ca nhiễm mới nhất tên viết tắt là N.V.V 50 tuổi là cha của nữ công nhân N.T.D. Như vậy chỉ riêng cô N.T.D đã lây nhiễm cho tổng cộng 5 người gồm bố, mẹ, dì và 1 người hàng xóm. Một cháu bé 3 tháng tuổi bị lây từ bà ngoại của mình là bà P.T.B (dì của cô D).
Cơ quan chức năng của Việt Nam hôm 13/2 cũng tiến hành cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có hơn 10 ngàn dân để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Theo báo điện tử VTC, tổng số trường hợp được theo dõi nhiễm Covid-19 ở tỉnh Vĩnh Phúc là 373 người và 11 ca dương tính.
Trong số 11 người bị nhiễm thì có ít nhất 6 trường hợp lây lan từ người sang người ở trong cộng đồng. Đến nay đã có 3 người được chữa trị, hồi phục và được xuất viện ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Mỗi người phải cách ly ở nhà sẽ được nhận hỗ trợ 40.000 đồng/ngày và 60.000 đồng/ngày đối với trường hợp cách ly tại trung tâm y tế.
Vào sáng ngày 13 tháng 2, Bộ Y Tế Việt Nam đã đưa tổ công tác đặc biệt xuống Vĩnh Phúc để tiến hành công tác chống dịch. Tổ này gồm 2 đội và trực làm việc cho đến khi nào tình hình dịch Covid-19 tại Vĩnh Phúc được đánh giá ổn định mới rút về.
Cơ quan Y tế của Trung Quốc hôm 13-2-2020 cho biết, số người dương tính với virus Corona chủng mới ở riêng tỉnh Hồ Bắc là gần 15 ngàn người, trong đó có 245 người tử vong chỉ trong một ngày.
3 người Trung Cộng trốn khỏi nơi cách ly
ở Sài Gòn & Việt Nam tuyên bố
chữa khỏi cho 6 người nhiễm coronavirus
Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 12 tháng 2 năm 2020 loan tin, bệnh viện Việt Nam đã chữa khỏi cho 6 bệnh nhân trong tổng số 15 người nhiễm coronavirus.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Trưởng cơ quan Cai quản khám chữa bệnh thuộc bộ Y tế cho biết, bệnh nhân Li Ding, 66 tuổi, người Trung Cộng đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy hiện đã âm tính với coronavirus. Hiện ông Li Ding đã tự sinh hoạt bình thường, sức khoẻ ổn định, mặc dù ông này mang trong người căn bệnh ung thư phổi đã phẫu thuật năm 2018, và mắc bệnh tiểu đường type 2, có bệnh lý tim mạch và một số bệnh khác.
Trong một diễn biến khác, báo Pháp luật loan tin, vào chiều ngày 11 tháng 2, cơ quan y tế quận 12, Sài Gòn đã đến nơi cách ly 3 người Trung Cộng tại phường Thới An, quận 12 thì phát hiện cả 3 người đã bỏ trốn lúc nào không hay.
Trước đó, vào ngày 5 tháng 2, cả 3 người trên từ Trung Cộng sang Việt Nam làm việc. Sau đó cả 3 đi Bình Dương, đến chiều ngày 6 tháng 2, họ quay lại công ty ở phường Thới An và thực hiện việc cách ly 14 ngày dưới sự giám sát của nhà cầm quyền quận 12, cùng nhân viên y tế phường. Tuy nhiên, nhà chức trách quận 12 không biết cả 3 người trên rời khỏi khu vực cách ly khi nào.
Bác sĩ Hà Ngọc Linh, Phó trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm Y tế quận 12 thắc mắc, không hiểu sao 3 người trên đang thực hiện cách ly mà lại bỏ đi và chuyển đến quận Bình Tân để ở (?!)
An Nhiên
Việt Nam chỉ thị tiêu hủy ngay gia cầm bị bệnh
để khống chế vi rút A/H5N6
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương chú ý nhằm phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm và tiêu hủy ngay gia cầm bị bệnh, không để dịch bệnh có thể lây lan ra diện rộng.
Phát biểu của ông Cường được đưa ra tại hội nghị “Triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc” sáng 13 tháng 2 tại Hà Nội, được truyền thông trong nước loan cùng ngày.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 11 tháng 2, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi rút A/H5N6 gây ra, xuất hiện rải rác ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, buộc phải tiêu huỷ trên 43.000 con gia cầm. Tổng đàn gia cầm cả nước đang là khoảng 467 triệu con.
Tính đến ngày 10 tháng 2, cả nước có 8 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra tại 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Ngày 10 tháng 2, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết đã phát hiện chủng cúm gia cầm độc lực cao A/H5N6 tại một trại gia cầm tại tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam nước này.
Trước đó vào ngày 5 tháng 2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người. Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong đầu năm 2020 đã phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 tại tỉnh Hồ Nam.
Ba nghệ sĩ nổi tiếng trong nước bị phạt
mỗi người 10 triệu vì đưa tin về coronavirus
Tin Saigon.- Báo Thanh niên loan tin, ngày 12 tháng 2 năm 2020, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh thanh tra sở Thông tin và truyền thông Cộng sản tại Sài Gòn đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với 3 nghệ sĩ: Cát Phượng, Đàm Vĩnh Hưng, và Ngô Thanh Vân với số tiền mỗi người 10 triệu đồng.
Sở Thông tin và truyền thông xác định, 3 nghệ sĩ trên bị phạt vì đã đưa thông tin về dịch coronavirus trên trang facebook cá nhân của mình. Và những thông tin này được nhà chức trách Cộng sản xem là sai sự thật, gây ảnh hưởng xuất đến tình hình trật tự xã hội, và ngay cả trên mạng xã hội facebook. Sau khi phạt 3 nghệ sĩ, ông Thọ “an ủi” rằng, phía sở đã áp dụng tình tiết phạt giảm nhẹ cho các nghệ sĩ vì họ đã nhận thức một cách nóng vội, không kiểm chứng nguồn thông tin, và đã tự nguyện gỡ bỏ. Đại diện của sở này còn thanh minh rằng, mục tiêu của sở không phải xử phạt để thu tiền, mà muốn giúp các nghệ sĩ vi phạm hiểu về hành vi thiếu chuẩn mực của họ. Trong một diễn biến khác, vào ngày 5 tháng 2, trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng bộ Công an cho biết trên truyền thông rằng, cơ quan này đã triệu tập được 170 facebooker để xử phạt, và buộc gỡ bỏ thông tin liên quan đến coronavirus trên facebook.
Riêng tại tỉnh Thanh Hoá, ngày 7 tháng 2 trên báo Thanh niên loan tin, chỉ trong 7 ngày công an tỉnh này đã triệu tập 21 facebooker, và ra quyết định xử phạt 9 trong số 21 người này. Và số tiền thu được là 85.5 triệu đồng.
An Nhiên
Virus corona (COVID-19): Cơ hội để thay đổi?
Chiến Thành
Đối phó với dịch COVID-19, dân Trung Quốc “tam thoái” (bỏ đi ba thứ) để tự cứu bản thân và gia đình. Ở Việt Nam, “nhạt đảng, khô đoàn, xa chính trị” rồi ra cũng có thể trở thành cao trào như “ba thoái”. Nhưng khi đại dịch và đại lễ chập làm một, tiếng chuông cảnh báo được gióng lên, phản bác lại nền chính trị thủ dâm hạ đẳng.
Ngày 11/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) loan báo là dịch bệnh do virus corona mới gây ra, được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái, nay được chính thức đặt tên là “COVID-19” . Tổ chức này cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại (11/2), có 42.708 ca lây nhiễm tại Trung Quốc với 1.017 người thiệt mạng. Trong khi đó 393 ca lây nhiễm khác được xác nhận tại 24 nước trên toàn thế giới với một người thiệt mạng bên ngoài Trung Quốc là ở Philippines.
“Tam thoái” để tự cứu
Giới phân tích cho rằng, hiện nay Tập Cận Bình đang phải đương đầu với cả bệnh dịch lẫn tình hình chính trị trong nước. Tại bài viết “Lãnh đạo Trung Quốc chiến đấu trên hai mặt trận – virus và chính trị – tờ Wall Street Journal (ngày 3/2) nhận định, ông Tập đang đối diện với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp, đó là cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ. Với các chỉ trích cho đến nay về suy thoái kinh tế, cuộc chiến thương mại với Mỹ và biểu tình dân chủ Hong Kong, ông Tập chủ yếu đổ lỗi cho “các thế lực thù địch nước ngoài”.
Nhưng với dịch COVID-19 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và ông Tập khó có thể đổ lỗi bệnh dịch cho một thế lực thù địch nước ngoài nào đó. Từ các thành phố lớn đến các quận huyện, nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy an nguy của họ và gia đình bị đe dọa trực tiếp. Mối lo của họ tạo ra một cuộc khủng hoảng đánh vào tâm điểm những tuyên bố lãnh đạo mạnh mẽ của ông Tập, cũng như hệ thống độc tài toàn trị mà ông đi tiên phong và cổ động như một mô hình cho thế giới noi theo.
Mối lo, và sự giận dữ của dân Trung Quốc bùng nổ lớn trước tin cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng bị chính phủ tìm cách bưng bít, sau khi đã bưng bít tin tức về virus corona khi nó mới bộc phát. Bác sĩ Lý Văn Lượng, qua đời lúc 34 tuổi, vì bị nhiễm bệnh khi làm việc tại bệnh viện Vũ Hán, chính là người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về nguy cơ virus corona, do đó anh bị Công an triệu tập, rồi bị bắt vì tội “đưa ra những bình luận sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”.
Cái chết của người bác sĩ Trung Quốc tìm cách cảnh báo về sự bùng phát của virus corona mà không thành, đã gây ra sự phẫn nộ và đau buồn công khai trên toàn đại lục. Đi cùng với đau buồn và giận dữ là sự mất niềm tin vào chính quyền, hạt mầm của những bất đồng chính kiến. Cơ quan kiểm duyệt chính phủ Trung Quốc hiện đang cố lấp liếm để chống lại những ý kiến phản đối.
Thật bất ngờ khi biết rằng, từ khi dịch bệnh mất kiểm soát, người dân Trung Quốc ồ ạt thực thi “tam thoái” để tự cứu mình. Từ đầu mùa dịch đến nay, một số lượng lớn người dân Đại lục đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tuyên bố “tam thoái”, rút khỏi các tổ chức đảng, đoàn, đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên quan, với niềm tin, chỉ có rời xa khỏi ĐCSTQ mới có thể bảo toàn tính mạng và bình an cho mình.
Dịch bệnh Vũ Hán cũng làm nhiều người dân thức tỉnh. Ngày 27/1, một người công nhân ở Vũ Hán đã đặt cho mình một bút danh “Muốn sống”, tuyên bố rút khỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản. Anh nói, đã hai ngày kể từ khi anh ấy bị sốt, ho và tiêu chảy, đi bệnh viện cũng không tìm được bác sĩ, đành phải mua chút thuốc trong một hiệu thuốc. Anh không biết mình có đang mắc phải căn bệnh truyền nhiễm đang lưu hành hay không.
Anh đã nhìn thấy có rất nhiều bệnh nhân đau khổ giày vò, không được bác sĩ điều trị, anh không cam tâm cứ như vậy mà chết đi. Anh từng nghe người thân nói, rút khỏi đảng, đoàn, đội là có thể bảo đảm an toàn, chi tiết về người thân cũng không dám nói trên điện thoại. Anh không thể truy cập Internet ở nhà, vì thế anh đã gọi điện cho bạn cùng lớp, nhờ họ giúp anh tuyên bố rút khỏi đoàn trên trang web của “Epoch Times”.
Cháu Dương Dương, người tỉnh Hồ Bắc, tuyên bố rút khỏi đội thiếu niên tiền phong, viết: “Dịch bệnh này ở Hồ Bắc, Trung Quốc là do thiên tai và nhân họa gây ra! Vì thành tích, đám quan chức che giấu tình hình thực tế, xem mạng người như cỏ rác! Trong thời điểm quan trọng còn ca múa mừng cảnh thái bình mỗi ngày, nói suông nghe thật êm tai. Hành vi của ĐCSTQ thật buồn nôn! Trời chu đất diệt ĐCSTQ!”
Một nền chính trị thủ dâm
Mấy ngày nay, cộng đồng mạng ở ta ồn ào về bài viết “Ngạo nghễ Việt Nam”, dẫn câu minh hoạ: “Bay thẳng vào tâm dịch để đón 30 công dân của mình về nước chăm sóc. Chỉ có thể là Việt Nam!” Tút này tới giờ có lẽ đã đạt tới vài vạn reactions với hàng chục ngàn chia sẻ. Tại đó, tiếng cười chua chát, mỉa mai không ít, nhưng đáng buồn hơn là có rất nhiều “những trái tim bốc lửa” hay “những cái like” rất đỗi tự hào. Tuy nhiên, nếu quan sát kĩ ta sẽ thấy, đó chủ yếu là một lượng lớn các like ảo. Một tút FB có tới chục ngàn lượt chia sẻ, nhưng chỉ có vài chục comments ít ỏi. Điều đó cho thấy một phong trào thủ dâm tập thể có chủ đích của nhiều bên, với sự đạo diễn mà ai cũng biết đó là ai. (Ban Văn hoá Tư tưởng là người lãnh đạo các “bò đỏ” ấy!).
“Thủ dâm” kiểu nói trên dĩ nhiên thấp kém hơn tuyên bố “tự sướng” của Nguyễn Phú Trọng ngày 20/1: “Hiếm có đảng cầm quyền nào trên thế giới được dân tin yêu như Đảng ta”. Tuyên bố này của ông Trọng được đưa ra vào thời điểm công luận vẫn chưa ngớt chỉ trích ĐCSVN về hành động được cho là “thất nhân tâm” khi thực hiện cuộc đột kích vào làng Đồng Tâm khiến cho “thủ lĩnh tinh thần” của người dân làng – ông Lê Đình Kình, 84 tuổi – và 3 công an thiệt mạng vào ngày 9/1, ngay thời điểm sát Tết Nguyên Đán. Trở lại với “pros and cons” của cái tút nói trên, dư luận đòi hỏi chính quyền làm rõ những điều dưới đây:
i) Các nước đã di tản công dân bằng đường hàng không từ hơn tháng nay. Riêng Bắc Triều Tiên, do có nguồn tin đặc biệt, đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc cả tháng, trước khi dịch bệnh được công bố. Tại sao giờ này Việt Nam mới làm? ii) Đi kèm với chuyến bay di tản này là đợt chuyển hàng hoá viện trợ của Việt Nam tới Vũ Hán. Và có thể đó mới là lí do chính của chuyến bay. Ấy vậy nhưng khi chính quyền Trung Quốc cảm ơn sự giúp đỡ quốc tế, đã “quên hẳn” nhắc đến Việt Nam.
iii) Số lượng người Việt học tập, lao động ở Vũ Hán là bao nhiêu? Nghe nói số sinh viên còn kẹt lại ở đấy lên đến con số vài ba trăm. Vậy tại sao chuyến bay lại chỉ mang về chưa đầy 30 người? iv) Trong số những người được chở về, ảnh chụp lưu niệm chỉ là 26. Vậy những người không hiện diện là những ai, tại sao họ vắng mặt? v) Diễn đàn Sinh viên Việt Nam ở Trung Quốc có một tút nói về việc họ không đủ tiền để “được” đón về. Cái giá được đón như phản ánh là 1.000 USD. Thực hư việc này như thế nào?
Lại nữa, Thủ tướng hô hào “chống dịch như chống giặc”, nhưng khi người dân muốn mua khẩu trang và thuốc sát trùng thì tiếc thay, các mặt hàng này không những lên giá cao gấp nhiều lần, mà tự nhiên thấy “đồng loạt bốc hơi” khỏi các quầy hàng trong mọi hiệu thuốc ngay giữa thủ đô Hà Nội. Giới chức Việt Nam buộc phải xác định việc găm hàng và đội giá hàng là phạm pháp, nhưng có thật là họ bất lực trong việc chặn các nhà thuốc tuồn khẩu trang ra ngoài cho dân buôn, thay vì phục vụ nhu cầu phòng chống dịch?
Theo báo Thanh Niên, trong hai ngày 8 và 9/2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã bắt giữ 2 vụ xuất lậu khẩu trang y tế sang Trung Quốc, thu giữ hàng vạn chiếc. Vào tối ngày 8/2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cũng bắt giữ một vụ khác đang vận chuyển 7.500 khẩu trang y tế sang Trung Quốc. Bộ Công thương cũng cho biết từ ngày 31/1 đến ngày 9/2, Bộ này đã xử lý hơn 3.500 vụ vi phạm tại các nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên cả nước.
Nếu một trận dịch quy mô như Vũ Hán xảy ra ở Việt Nam, người dân có thể tin những gì báo chí chính quyền nói và tin vào những trấn an theo cách như giới chức các tỉnh miền Trung từng đi tắm biển và rủ nhau ăn mực hồi vụ khủng hoảng Formosa? Ấy vậy nhưng lực lượng dư luận viên vẫn ra sức “nâng bi” chế độ, kể cả khi sự an toàn sức khỏe và thậm chí sinh mạng của mình lẫn người thân đặt may rủi vào niềm tin “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”? Vậy xin hỏi có gì đáng để “Ngạo nghễ” hay “Tự hào lắm, Việt Nam ơi”?
Mời tham khảo thêm tại:
VOA, ngày 12/2/2020: Mỹ tăng cường rà soát các cửa khẩu giữa mùa dịch corona
https://www.wsj.com/articles/chinas-leader-wages-a-war-on-two-frontsviral-and-political-11581116451
https://www.facebook.com/haivl.com/photos/a.384077014974098/4326520040729756/
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/corona-virus-opportunity-for-change-02122020123243.html
Hải quan Mỹ bắt quả tang
một người Việt mang thịt lợn giấu trong cốc mì
Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ vừa phát hiện và tịch thu hơn một ký thịt lợn giấu trong các cốc mì ăn liền của một hành khách đi từ Việt Nam sang phi trường ở thủ đô Washington, nhà chức trách Mỹ cho biết hôm 13/2.
Thông báo của hải quan Mỹ cho biết hành khách người Việt đã bị chặn lại kiểm tra lần thứ hai tại sân bay Dulles vào ngày 28/1. Người này đã khai với các giới chức sân bay rằng anh ta chỉ mang theo các ly mì ăn liền trong hành lý. Nhưng khi nhận thấy nắp của 25 ly mì đều đã được mở, hải quan Mỹ khám xét và phát hiện ra 2,8 pound (hơn 1 kg) xúc xích giấu bên trong. Toàn bộ số thịt này đã bị hải quan tịch thu.
Nhà chức trách cho biết điểm đến của hành khách người Việt là quận Montgomery, bang Maryland.
Sản phẩm thịt lợn và thịt bò bị cấm mang vào Mỹ vì được xem là mối đe dọa gây bệnh tiềm tàng cho ngành chăn nuôi của nước Mỹ.
Vì vậy, tại các sân bay của Mỹ đều có các chuyên gia nông nghiệp được đào tạo bài bản để thực hiện vai trò “an ninh biên giới” trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp của Hoa Kỳ khỏi các loài gây hại và bệnh về cây trồng.
Cơ quan hải quan Mỹ khuyến khích du khách quốc tế truy cập trang web của cơ quan này (www.CBP.gov) để tìm hiểu chi tiết về những sản phẩm bị cấm hay bị hạn chế trước khi nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Lưu hành bản đồ vi phạm chủ quyền quốc gia
bị phạt đến 50 triệu đồng
Ngày 12/2, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 18/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Theo quy định mới, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Các hành vi vi phạm bao gồm việc xuất bản và lưu hành bản đồ thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; hoạt động đo đạc và bản đồ không đúng hay tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch với nội dung giấy phép hoạt động.
Ngoài ra, tùy tính chất và mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ từ 3 đến 12 tháng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc trục xuất.
Chính phủ cũng vừa sửa đổi Nghị định 17/2020/NĐ-CP và bổ sung thêm quy định tạm dừng hiệu lực và thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền vào Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Doanh nghiệp có 6 tháng, kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô, để khắc phục hoàn toàn vi phạm để được xem xét hủy bỏ việc tạm dừng hiệu lực giấy phép. Nếu không, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh.
Nguyên Tổng giám đốc
công ty xây dựng và kinh doanh nhà Đà Nẵng bị bắt
Ông Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Đà Nẵng vừa bị cơ quan chức năng bắt giữ hôm 12/2/2020.
Công an Đà Nẵng cho báo chí biết thông tin vừa nói hôm 13/2.
Theo cơ quan Cảnh sát điều tra ông Nguyễn Tuấn Anh bị bắt về hành vi “Thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cụ thể, khi còn đương chức, ông Nguyễn Tuấn Anh đã liên quan đến các sai phạm tại Dự án xây dựng khu Tái định cư Hòa Liên 3, Hòa Liên 4 của huyện Hòa Vang và một số dự án thoát nước ở xã Hòa Liên.
Trước đó, vào ngày 18/5/2018, trong kết luận thanh tra của Thanh tra Đà Nẵng, có đề cập đến hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai, xây dựng các dự án vừa nêu, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 30 tỷ đồng.
Thanh tra Thành phố Đà Nẵng cũng đã chỉ rõ, với cương vị Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Tuấn Anh đã chỉ định thầu trái luật 5 gói thầu trị giá trên 3,42 tỷ đồng cho Công ty Thương mại và dịch vụ Thuận Anh do con trai ông, tên là Nguyễn Tuấn Thanh làm giám đốc.
Thanh tra Đà Nẵng kết luận việc chỉ định thầu này là vi phạm Luật Đấu thầu, vi phạm quy định Luật Phòng, chống tham nhũng… đủ cơ sở chuyển vụ việc cho Công an thành phố Đà Nẵng tiếp tục điều tra, khởi tố vụ án.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền:
‘LGBT trẻ VN không được bảo vệ’
Những cách hiểu sai lệch về xu hướng tính dục và bản sắc giới ở Việt Nam góp phần vào bạo lực và phân biệt đối xử, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hôm 12/2.
Tình trạng này, theo HRW, đặc biệt được thể hiện rõ trong nhóm nữ đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT).
Trong báo cáo dài 65 trang mang tên “Cô giáo nói tôi bị bệnh”. Các rào cản đối với quyền tiếp cận giáo dục cho cộng đồng LGBT trẻ Việt Nam”, HRW ghi lại việc giới trẻ LGBT ở Việt Nam đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử ở nhà và ở trường trong khi có những nhận thức sai lạc rằng đồng giới là một dạng sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán và chữa được.
Thời khắc lịch sử: Đài Loan hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
Tình yêu đồng giới và những định kiến ở VN
Lễ hội Pride đầu tiên ở Đài Loan
Nhiều người đồng tính đã bị quấy rối bằng lời và bị bắt nạt, một số trường hợp còn bị đánh.
Giáo viên thường không được đào tạo tốt để xử lý các trường hợp phân biệt đối xử với người LGBT và các bài giảng thường cho thấy quan niệm sai lầm phổ biến hiện nay rằng đồng giới là một căn bệnh.
Theo HRW, chính phủ Việt Nam cần thực hiện các cam kết bảo vệ quyền của người LGBT.
“Chính phủ Việt Nam đã cho thấy họ hỗ trợ cho quyền của người LGBT trong những năm gần đây, nhưng chưa thấy có sự thay đổi rõ rệt về chính sách,” Graeme Reid, giám đốc về quyền của người LGBT tại HRW cho biết.
“Giới trẻ LGBT đặc biệt dễ bị tổn thương do không được bảo vệ đầy đủ về mặt pháp lý, và phải đối mặt với các thông tin sai lệch về xu hướng tính dục và bản sắc giới.” Giám đốc Graeme Reid được trích lời.
Báo cáo này dựa trên các cuộc phỏng vấn với 52 bạn trẻ LGBT và giáo viên một số trường ở Việt Nam. Nó cũng phân tích các chính sách hiện hành và các cam kết mà chính phủ Việt Nam đã đặt ra để cải thiện tình trạng của cộng đồng LGBT.
Thông tin không chính xác về xu hướng tình dục và bản sắc giới lan tràn ở Việt Nam, và đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, theo HRW.
Trong khi Việt Nam có một số luật cấm phân biệt đối xử và duy trì quyền được đi học cho mọi trẻ em, thì chương trình giáo dục quốc gia và chính sách giáo dục giới tính hiện nay không đạt tiêu chuẩn quốc tế và không bao gồm các thảo luận bắt buộc về xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Mặc dù một số giáo viên và trường học đã tự đưa ra những bài học như vậy, việc thiếu đồng bộ ở cấp quốc gia khiến phần lớn học sinh ở Việt Nam không có các kiến thức cơ bản về xu hướng tính dục và bản dạng giới, HWR cho hay.
“Tôi chưa bao giờ được dạy về LGBT,”, Phạm Tuyền, một phụ nữ lưỡng tính 20 tuổi, nói với HRW.
“Có rất ít người nghĩ rằng điều này là bình thường.” Một nhà tư vấn ở trường học cho hay. “Giới trẻ chịu rất nhiều áp lực rằng họ phải ‘thẳng’. Và người ta vẫn tin rằng bị cuốn hút bởi người cùng giới là một biểu hiện có thể chữa được.”
Năm 2019, Bộ Giáo dục Việt Nam đó có một động thái đầy hứa hẹn, là cùng với Liên Hiệp Quốc xây dựng hướng dẫn cho môn học về giáo dục giới tính, trong đó có đồng giới. Nhưng môn học này mãi tới nay vẫn chưa có.
HRW nhận thấy quấy rối bằng ngôn từ rất phổ biến trong cộng đồng LGBT. Một số em trong cộng đồng LGBT cho hay ở một số trường, giáo viên và các học sinh khác thường dùng những lời lẽ xúc phạm khi nói về cộng đồng LGBT, hoặc là chủ đích nhắm vào các em LGBT trong lớp, cùng với các đe dọa bạo lực khác.
Các nghiên cứu khác của các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc và các nhóm tại Việt Nam cũng cho các bằng chứng tương tự.
Một dù có vẻ ít phổ biến hơn, nhưng một số bạn trẻ LGBT đã báo cáo về việc bị áp bức bằng bạo lực. “Họ thường quấy rối bằng lời nói nhưng một lần, tôi đã bị bốn học sinh nam lớp Tám đánh vì họ không thích vẻ ngoài của tôi,” một bạn được phỏng vấn cho biết.
Đại đa số bạn trẻ LGBT được phỏng vấn cho hay cảm thấy không thoải mái khi báo cáo về việc bị xâm phạm hay bắt nạt ở trường. Nguyên nhân, đôi khi, là do thái độ thành kiến của các nhân viên trong trường; hoặc do các em cảm thấy không an toàn khi nói với người lớn về việc bị bắt nạt.
Một số trường hợp khác dù không bị bắt nạt hay xâm phạm, thì lại bị người thân, bạn bè, giáo viên xa lánh.
Năm 2016, với tư cách là thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết về bảo vệ người LGBT, chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản sắc giới.
“Chính phủ khẳng định sẽ song hành với sự thay đổi mang tính toàn cầu trong việc tôn trọng quyền của người LGBT, báo hiệu ý chí chính trị để thực hiện các thay đổi cần thiết về chính sách và luật pháp,” ông Reid nói. “Bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi bạo lực và phân biệt đối xử và đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của họ dựa trên thực tế thay vì định kiến là bước quan trọng đầu tiên.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51484719
45 năm cộng đồng Việt Nam định cư tại Australia
Nhân 45 năm sự hình thành của cộng đồng người Việt tại Australia 1975-2020, BBC giới thiệu bài đầu trong loạt bài của tác giả Nguyễn Quang Duy về các bước thăng trầm của cộng đồng này trong quan hệ với chính phủ Úc và Việt Nam sau 1975.
Ở thời điểm 30/4/1975 chỉ có trên 1,000 người Việt tại Úc, gồm những phụ nữ lập gia đình với Úc, sinh viên du học ở lại Úc, sinh viên đang du học, viên chức đang làm việc hay tu nghiệp, tu sĩ công giáo tu học và trẻ mồ côi sang Úc vào tháng 4/1975.
Trừ những trẻ mồ côi chưa hiểu biết, đa số đều lo lắng cho gia đình bị kẹt lại ở Việt Nam khi cuộc chiến kết thúc.
Các sinh viên đang theo học và viên chức Việt Nam Cộng hòa còn nhận được thư của Chính phủ của đảng Lao động thời Gough Whitlam yêu cầu thu xếp hồi hương.
Nhưng một cuộc vận động đã diễn ra để người Việt được định cư tại Úc và nhập cư vào xứ sở này.
Một bang của Úc bỏ dạy tiếng Trung
Carina Hoàng: Diễn viên Việt trên vòm trời Úc
Sinh viên Úc Sigley mất tích tại Bắc Hàn
Du khách Việt Nam ‘bị đánh ở Úc’
Nữ hoàng Anh và quyết định cho những người Việt đến Úc đầu tiên
Ngay sau 30/4/1975, Nữ hoàng Elizabeth II, nguyên thủ quốc gia của nhiều nước trong khối Commonwealth, đã chấp nhận người di tản Việt được tạm cư tại Hong Kong, Singapore, Malaysia và “vận động” chính phủ Whitlam nhận một số người theo diện nhân đạo vào Úc.
Ngày 20/6/1975, 201 người từ Hong Kong đến định cư tại Sydney và ngày 9/8/1975, 323 người từ Malaysia và Singapore đến Brisbane theo diện nhân đạo.
Chính phủ Whitlam còn nhận 224 người Việt theo diện đoàn tụ gia đình, tôn giáo và di dân, nâng tổng số người đến Úc trong năm 1975 lên đến 748 người.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đảo Guam đến Melbourne có gia đình Giáo sư Nguyễn Ngọc Truyền gồm chừng 40 người theo diện đoàn tụ gia đình.
Từ Guam theo diện di dân có Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn cùng vợ và 4 con nhỏ vào tháng 9/1975.
Từ Nhật đến Melbourne, có gia đình Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Nhật, gồm 7 người vào giữa tháng 7/1975. Ông Đan phải ký giấy hứa khi đến Úc “không được làm chính trị”.
“Không làm chính trị là sao?”
Ngày 21/8/1975, Thủ tướng Whitlam bị đảng Tự Do chất vấn, phải thú nhận có 9 người Việt bị buộc phải ký giấy hứa khi đến Úc “không được làm chính trị”.
Ông Whitlam lập luận rằng chín người này đều hoạt động chính trị hay tham dự vào hoạch định chính sách thời Việt Nam Cộng Hòa, nên họ có thể dùng lãnh thổ Úc làm căn cứ nhằm lật đổ chính phủ nước Việt Nam cộng sản đã được Úc công nhận.
Ông Whitlam bị đảng đối lập và truyền thông phản đối là trái với truyền thống tự do chính trị tại Úc, kỳ thị người miền Nam Việt Nam, đòi ông phải hủy bỏ giấy hứa, phải xin lỗi người tị nạn và xin lỗi công chúng Úc.
Theo hồi ký Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan, giới chức Úc cho biết ông giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới thời Việt Nam Cộng hòa, đều là những chức vụ mang tính cách chính trị, nên nếu ông muốn đi Úc phải ký giấy hứa.
Ông Đan nghĩ suốt đời ông chỉ làm công chức cho chính phủ không hề làm chính trị, nên chấp nhận ký.
Còn cựu chủ tịch Thượng Viện ông Trần văn Lắm luôn bị dằn vặt chỉ vì rất muốn đoàn tụ với gia đình ở Úc mà phải ký giấy này.
Được biết, Luật sư Lưu Tường Quang và ngay cả ông Đoàn Bá Cang, cựu Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Úc trước ngày mất nước, cũng bị buộc phải ký giấy hứa này.
Bỏ rơi nhân viên Việt Nam
Ngày 20/4/1975, Đại sứ Geoffrey John Price gởi điện tín mật cho Thủ tướng Whitlam thông báo Sài Gòn đang thất thủ và yêu cầu cho lệnh di tản nhân viên tòa đại sứ, công dân Úc và cấp sổ thông hành đặc biệt cho nhân viên Việt làm việc cho tòa đại sứ Úc.
Ngày 21/4/1975, Ngoại Trưởng Úc Dân biểu Don Willesee đề nghị ông Whitlam cấp thẻ thông hành cho 115 người Việt gồm nhân viên làm việc cho tòa đại sứ Úc và gia đình nhằm tránh cho họ bị cộng sản trả thù.
Nhưng trái với tinh thần nhân đạo của người Úc, ngày 25/4/1975, Thủ tướng Whitlam ra lệnh đóng cửa tòa Đại sứ, di tản khỏi miền Nam, không cấp thông hành và bỏ lại hầu hết những người Việt đã làm việc cho Úc.
Theo hồi ký của Bộ trưởng Lao Động và Di Dân, Clyde Cameron, Thủ Tướng Whitlam của đảng Lao Động tin rằng người Việt tị nạn cộng sản sẽ trở thành những cử tri chống cộng ủng hộ đảng Tự Do đối thủ, tương tự như di dân từ ba nước Bắc Âu sau Thế chiến Thứ Hai.
Hội sinh viên Việt Nam hải ngoại
Theo Radio Australia từ năm 1963 các sinh viên du học theo chế độ học bổng của Úc, gọi là học bổng Colombo đã thành lập Hội sinh viên Việt Nam hải ngoại tại Úc.
Năm 1974, Hội có tới 120 hội viên, nhưng sau biến cố 30/4/1975, những người học xong tản mác khắp nơi, không còn người đi học, Hội giảm dần hoạt động đến năm 1977 chính thức giải tán.
Nhiều sinh viên Colombo sau này đã trở thành lãnh đạo hay thành viên sáng lập Cộng đồng Người Việt Tự do.
Hội đoàn ủng hộ cộng sản
Ngay từ 26/2/1973 khi chính phủ Whitlam chính thức lập quan hệ ngoại giao với nhà cầm quyền Hà Nội, một số cựu sinh viên Colombo xoay sang ủng hộ cộng sản chống lại chính quyền miền Nam.
Theo Radio Australia, ngay sau ngày 30/4/1975, Nguyễn Phạm Điền, một cựu sinh viên Colombo sang Úc từ năm 1962 rồi trốn lại, đã đứng ra thành lập Hội Đoàn Kết người Việt ở Úc.
Số người theo Hội chỉ chừng 20 trong tổng số từ chừng 500 sinh viên và cựu sinh viên.
Một số hội viên khi biết được thân nhân ở Việt Nam bị đi tù, biết sự thật vi phạm nhân quyền đang xảy ra cho hằng triệu người miền Nam nên đã bỏ Hội. Một vài người chuyển sang sinh hoạt với Cộng đồng người Việt Tự do.
Năm 1984, Hội Đoàn Kết đổi tên thành Hội Người Việt Nam tại Úc, ông Điền làm hội trưởng.
Những năm đầu thập niên 1990, tôi làm chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra, ông Điền sống tại đây, ngoài ông ra tôi không thấy ai khác công khai nhận là hội viên Hội này. Đến năm 1996, Hội chính thức giải tán.
Cũng sau 30/4/1975, một số trí thức thiên tả đã thành lập Hội Úc-Việt, hoạt động chủ yếu trong khuôn viên Đại học Australian National University ở tại Canberra và có phát hành bản tin “Vietnam Today” bằng Anh ngữ và vài cuộc hội thảo “Vietnam Updated”.
Tôi biết một số hội viên Hội này, trong đó có Giáo sư David Marr và ông Trần Hạnh, sinh viên Colombo khóa 1972, cả hai đều là chủ bút của “Vietnam Today”.
Mặc dù là chủ bút của “Vietnam Today”, ông Trần Hạnh biết rất ít thực tế đang xảy ra tại Việt Nam.
Khi được Radio Australia phỏng vấn ông Hạnh tự nhận là mãi đến đầu thập niên 1980, ông mới biết cha của ông một sĩ quan cấp tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị tù “cải tạo”, mẹ ông bị đuổi đi kinh tế mới và các em ông phải ly tán.
Năm 1992, ông Hạnh về Việt Nam khi cha ông vừa ra tù. Ông Hạnh cho tôi biết cha ông rất buồn vì ở Úc ông theo cộng sản và rất sợ vì ở Việt Nam ông Hạnh luôn bị công an dò xét.
Nhờ chuyến đi đó ông mới biết được phần nào thực tế đang xảy ra tại Việt Nam. Ông Hạnh khi ấy đang học cao học truyền thông có làm một cuộn phim quay video về đời sống ở Việt Nam ông cho tôi biết “lén” mang về Úc và được phát trên đài truyền hình ABC.
Ông Hạnh sau sang Anh làm Trưởng ban Việt Ngữ đài BBC rồi lại về Úc, làm Giám đốc sản xuất cho Radio Australia (xem bài Nhà báo Trần Hạnh qua đời).
Cũng khoảng thời gian đó, sử gia Úc, David Marr có cho tôi biết ông vừa từ Việt Nam về, trước khi ông bước lên máy bay, tất cả những tài liệu và cả vở ghi chú của ông đều bị công an tịch thu.
Cũng đầu thập niên 1990, khi Hà Nội bắt đầu nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ, nhiều hội viên Hội Úc Việt khi đó “vỡ mộng” biết được Đảng Cộng sản Việt Nam phản bội niềm tin của họ, Hội quyết định giải tán.
Tị nạn chính trị
Ngày 11/11/1975, Toàn quyền John Kerr sa thải Thủ tướng Whitlam, và chọn lãnh tụ đối lập Malcolm Fraser làm thủ tướng xử lý thường vụ sửa soạn bầu cử.
Ngày 13/12/1975, Liên đảng Tự Do – Quốc Gia thắng cử, Thủ tướng Malcolm Fraser đảo ngược chính sách của Chính phủ Whitlam cho phép các sinh viên được định cư và đón nhận người Việt tị nạn chính trị.
Vào đầu năm 1976, Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan nhận được thư của Bộ Trưởng Di trú và Sắc tộc sự vụ, Michael MacKellar, thông báo hủy bỏ giao ước “không được làm chính trị”.
Nhưng dù thất cử, ông Whitlam tiếp tục giữ vai trò thủ lãnh đối lập với đường lối cứng rắn quyết ngăn cản người Việt tị nạn cộng sản được định cư tại Úc.
Đến ngày 10/12/1977 khi Thủ tướng Fraser thắng cử nhiệm kỳ hai chính sách nhận người Việt tị nạn mới phần nào thay đổi.
Mãi đến 20-21/7/1979, sau Hội nghị Geneva về người tị nạn Đông Dương, Chính phủ Fraser đồng ý Úc sẽ nhận thêm mỗi năm hằng chục ngàn người tị nạn.
Giữa năm 1982, Chính phủ Fraser đạt thỏa thuận với nhà cầm quyền Hà Nội để người Việt tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.
Theo số thống kê vào tháng 6/1976, có 2,427 người Việt trên toàn nước Úc. Số người Việt tại Úc tăng đến 60,000 người vào cuối năm 1982 và 220,000 người vào năm 2016.
Nếu tính luôn thế hệ tiếp nối sinh ra tại Úc số người Việt tự do có thể đã lên đến trên 300,000 người.
Hai vị ân nhân
Nữ hoàng Elizabeth II và Thủ tướng Malcolm Fraser quả đã khai sinh cộng đồng người Việt tự do.
Trong tang lễ ông Fraser ngày 27/3/2015, tôi và hằng trăm người Việt khác đã xuống đường trước cửa Nhà thờ Scots với ba biểu ngữ lớn biểu lộ tấm lòng tri ân của người Việt tự do dành cho ông.
Ông Nguyễn Thế Phong, cựu chủ tịch Cộng đồng, mặc áo dài đen, đội khăn đống, tay ôm bức chân dung của ông Fraser, hai bên là lá cờ Úc và cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH, thương tiếc sự ra đi của vị ân nhân đáng kính nhất của người Việt tự do.
Cuộc biểu tình được truyền thông chú ý và đưa tin: người Việt không quên ơn ông Fraser, người Việt không quên ơn nước Úc đã mở rộng bàn tay cưu mang đòan người trốn chạy cộng sản tìm tự do trên đất Úc.
Người Việt tự do ngày nay
Đảng Tự Do trước đây đã sát cánh với miền Nam chống lại cộng sản, sau 30/4/1975 lại đề ra những chính sách đón nhận người Việt tị nạn cộng sản và gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, ngày 10/2/1976, sau khi Thủ tướng Malcolm Fraser quyết định nhận người tị nạn chính trị, hai ông và một số sinh viên thành lập Hội Ái hữu Việt kiều Tự do dự tính giúp chính quyền tiểu bang Victoria tiếp đón đồng bào sẽ qua Úc định cư.
Hội Ái hữu Việt kiều Tự do chính là tiền thân của Cộng Đồng Người Việt Tự do tại Victoria.
Trải 44 năm, từ ngày thành lập 10/2/1976, các Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự do tại Victoria đều luôn giữ đường lối độc lập với các đảng chính trị tại Úc nhưng trong tận đáy lòng không quên ơn Thủ Tướng Malcolm Fraser, một đặc điểm đáng ghi nhận của Cộng Đồng tại Victoria nói riêng và tại Úc châu nói chung.
Đây là bài viết đầu tiên của tôi trong loạt bài 45 năm nhìn lại những thử thách từ bước ban đầu thành lập cho đến ngày nay (1975-2020), và duyệt lại nỗ lực trẻ trung hóa thành phần lãnh đạo hầu tiếp nối duy trì truyền thống của người Việt tự do.
Bài thể hiện quan điểm và cách nhìn lịch sử của riêng ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Australia.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51489281
Mytel ở Myanmar ‘nói xấu đối thủ
trên Facebook’, Viettel bác bỏ dính líu
Facebook cáo buộc Mytel ở Myanmar, công ty mà Viettel kiểm soát 49%, và Viettel dính líu chiến dịch tin giả nói xấu đối thủ trên mạng.
Viettel chính thức vào thị trường Myanmar
Viettel đang gặp khó khăn gì ở Cameroon?
Ý kiến sơ khởi về mạng xã hội ‘nhà trồng’ – Lotus
Ngày 12/2, Facebook loan báo đã xóa 13 tài khoản và 10 trang trên Facebook, có nguồn gốc từ Myanmar và Việt Nam.
Trang mạng xã hội Mỹ nói cuộc điều tra của họ tìm ra liên hệ với hai công ty viễn thông – Mytel ở Myanmar và Viettel ở Việt Nam – và một công ty PR ở Việt Nam, Gapit Communications.
Theo cáo buộc của Facebook:
Các cá nhân đằng sau mạng lưới này đã dùng các tài khoản giả để quản lý các Trang, giả vờ đây là các trang tin độc lập về viễn thông.
Họ cũng giả vờ là khách hàng của các công ty viễn thông Myanmar để đăng phê phán về dịch vụ của các công ty này.
Các chủ trang chia sẻ nội dung bằng tiếng Anh và Miến Điện, cáo buộc các sai trái, kế hoạch chạy khỏi thị trường của các công ty, lại còn cáo buộc họ lừa đảo.
Facebook cũng nói tiền quảng cáo rót vào chiến dịch này lên tới khoảng 1.155.000 đôla.
Bình luận của báo tài chính Financial Times cho rằng đây là “lần đầu tiên Facebook có hành động với doanh nghiệp vì trực tiếp dùng tin giả chống đối thủ”.
Viettel, công ty nhà nước của Bộ Quốc phòng Việt Nam, có mặt tại 11 quốc gia, gồm cả Myanmar.
Viettel đang sở hữu 49% cổ phần của Mytel tại Myanmar.
Từ sau bầu cử Mỹ năm 2016, Facebook đã tiến hành gỡ bỏ nhiều trang trên mạng của họ, với cáo buộc tung tin giả để lung lạc dư luận.
Một điều tra riêng của Digital Forensic Research Lab nói rằng các trang liên quan Mytel đã chỉ trích các đối thủ ở Myanmar như Ooredoo, MPT và Telenor.
Financial Times dẫn lại phản hồi chính thức của Viettel, bác bỏ sự liên quan.
“Viettel Group không hề dung túng cho mọi hành vi kinh doanh phi pháp hay phi đạo đức.”
“Chúng tôi đang xác minh thông tin của Facebook. Mọi nhân viên hay thành viên tập đoàn, nếu bị chứng minh có liên quan, sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm.”
Gabit từ chối trả lời, theo Financial Times, theo đó, Gabit nói rằng họ sẽ liên lạc với Facebook.