Đọc báo Pháp – 12/02/2020
Chống Covid-19 : Trung Quốc « cần thuốc dân chủ ».
Tú Anh
Thế giới bị đe dọa, uy thế Tập Cận Bình bị suy yếu, dân thành thị và nông thôn Hoa lục chia rẽ, du khách Trung Quốc bị dân châu Á tránh tiếp xúc. Tất cả cũng vì Covid-19 tên mới của siêu vi viêm phổi Vũ Hán. Nhưng căn nguyên nguồn cội của thảm họa chính là chế độ độc tài. Chỉ có « liều thuốc dân chủ mới cứu được Trung Quốc » theo đơn chẩn bệnh của các bác sĩ Hoa lục. Đó là những chủ đề nổi bật Thuốc trị siêu vi corona : Tự do ngôn luận
Đối phó với siêu vi coronavirus, Tổ Chức Y Tế Thế Giới động viên nỗ lực toàn cầu. Virus corona làm hiện rõ nguồn cội độc tài của chế độ Trung Quốc. Số liệu tử vong và lây nhiễm công bố sai sự thật. Làm cách nào để cứu Trung Quốc? Giới y khoa, đang bị bịt miệng, đề ra phương án nhạy cảm. Les Echos đưa lên trang nhất lời kêu gọi của Tổ Chức Y Tế Thế Giới « huy động toàn cầu chống dịch ». Le Monde tìm hiểu vào căn nguyên « chính trị » của vấn đề.
Tham ô, ám ảnh sĩ diện Nhà nước-Đảng và kiểm soát thông tin là nhiên liệu làm dịch bệnh lan nhanh. Căn bệnh trầm kha của chế độ độc tài Trung Quốc đã làm dấy lên phong trào đòi hỏi tôn trọng các quyền tự do căn bản.
Le Monde giới thiệu bài phân tích của nhà Trung Quốc học Chloé Froissard : “Lẽ ra siêu vi chỉ hoành hành ở trong khu chợ Vũ Hán chứ không thể lan ra khắp thế giới nếu không có ba đồng minh, ba căn bệnh trầm kha của chế độ độc tài : Thứ nhất là nạn tham ô và báo cáo láo. Thứ hai, nhân danh ổn định xã hội, phải hiểu là chế độ độc đảng sợ mất mặt không dám nhìn nhận sự thật và thứ ba là chính sách kiểm duyệt, bóp nghẹt thông tin ngày càng siết chặt từ khi Tập Cận Bình cầm quyền”.
Công luận phương Tây thán phục khả năng phản ứng của Trung Quốc phong tỏa cả một tỉnh Hồ Bắc, cách ly 56 triệu dân, xây khẩn cấp hai bệnh viện dã chiến, dùng hệ thống camera nhận diện để truy tìm người bị lây nhiễm, dùng thiết bị bay đuổi nông dân về làng… Thực ra, đó là bản chất của tư tưởng duy ý chí của Mao : hành động để hành động bất cần hiệu quả ra sao và tốn kém bao nhiêu.
Do vậy, lệnh cách ly thực hiện quá trễ sau khi đã có 5 triệu dân đã rời Vũ Hán. Những người ở lại, bị nhốt trong nhà, không có đủ thức ăn, nước uống, thuốc men. Thêm vào đó là các biện pháp tuyên truyền độc quyền đánh bóng các tổ chức ngoại vi của đảng tiếp tế nhân đạo cho dân mặc dù các tổ chức này thiếu chuyên nghiệp và trong sạch. Trong khi đó thì mọi sáng kiến tương thân tương trợ của người dân đều bị cấm đoán. Nói thẳng ra đây là một chiến dịch chính trị hơn là lo chống dịch lây lan.
Chưa hết, bên cạnh đó, để tỏ ra chế độ kiểm soát được tình hình, chính quyền che giấu thống kê về số bệnh nhân và người chết. Làm sao có thể tin vào báo cáo chính thức khi mà, một ứng dụng của Tencent, một trong những công ty của tập đoàn viễn thông Nhà nước, công bố con số người chết 80 lần cao hơn thống kê chính thức phổ biến cùng ngày, và số trường hợp lây nhiễm cũng đến 10 lần nhiều hơn. Hai lần đưa lên, hai lần gỡ xuống.
Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một người trong nhóm bác sĩ Vũ Hán báo động về dịch corona và bị công an triệu tập dọa nạt, làm dấy lên một phong trào đòi tự do ngôn luận theo điều 35 Hiến Pháp. Hai bức thư ngỏ do 10 giáo sư y khoa Vũ Hán và 9 nhà trí thức có tiếng tăm ở Trung Quốc đồng ký. Nội dung hai bức tâm thư, phản ánh lời kêu gọi cuối cùng của bác sĩ Lý Văn Lượng : không thể nào chỉ có một tiếng nói duy nhất trong một xã hội lành mạnh. Đất nước lâm bệnh thì làm sao chữa trị ? Một trong những vị này nhấn mạnh : « Chỉ có nền dân chủ mới có thể cứu được Trung Quốc ».
Hoàng đế cô đơn, dân chúng kỳ thị nhau và bị người ngoài kỳ thị
Tập Cận Bình suy yếu. Nhân dân Trung Quốc bị họa lây. Trong nước dân chia rẽ, ra ngoài bị khinh thường. Le Figaro, Le Monde và Les Echos tập trung vào một loạt hệ quả xấu khác của chính sách kiểm duyệt thông tin.
Theo nhật báo thiên hữu, thảm họa Vũ Hán cho thấy rõ những nhược điểm của chế độ toàn trị che giấu dịch bệnh bằng kiểm duyệt thông tin. Bác sĩ Lý Văn Lượng, người báo động dịch, cũng « bị tước quyền nói và quyền chết ». Tin ông qua đời phải chạy 1000 km, về tận trung ương, chờ có đèn xanh của Tập Cận Bình, mới được báo chí loan báo.
Hậu quả của kiểm duyệt là dịch lan rộng tác hại đến chính trị và kinh tế. Một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh bình luận : Hoàng đế cởi truồng và cô đơn.
Kinh tế Trung Quốc, trong ngắn hạn, khá bi quan theo nhận định của phóng viên báo Les Echos tại Bắc Kinh trong bài « Các nhà máy Hoa lục thiếu nhân lực ». Một hãng đóng bàn ghế ở Thượng Hải than thở : trong số 1000 nhân viên, chỉ có một phần ba trở lại làm việc. Theo số liệu chính thức, Trung Quốc có một lực lượng lao động 288 triệu người là nông dân lên tỉnh thành làm việc, tức là một phần ba dân số ở tuổi lao động.
Hồ Bắc, trung tâm dịch, cũng là trung tâm cung cấp lao động cho những tỉnh công nghệ như Quảng Châu và đồng bằng sông Dương Tử, sát ranh Thượng Hải. Họ bị kẹt vì biện pháp phong tỏa dịch làm gián đoạn giao thông. Trở lại được nơi có sở làm đã khó mà sau đó phải tự cách ly thêm 14 ngày. Đã thế, chủ nhà thuê còn khuyến cáo công nhân nên đi luôn sau khi nghỉ Tết. Như mỗi lần xảy ra dịch, di dân lao động bị dân thành phố nhìn với cặp mắt hoài nghi.
Thế nhưng, cộng đồng dân Trung Quốc, khi ra nước ngoài, nhiều tiền nhưng thiếu tư cách, nên bị dân các nước châu Á khác khinh thường. Đó là bài tổng hợp của bốn phóng viên Le Monde ở khu vực Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Úc. Một cuộc thăm dò ý kiến do trang mạng độc lập Khaosod ở Thái Lan cho thấy rõ tình trạng này : 83% đồng ý cấm dân Trung Quốc đến Thái Lan, 53% đồng ý đề xuất cấm du kháchTrung Quốc vào hàng quán ăn uống, 36% chủ trương buộc người Trung Quốc đeo khẩu trang để dễ phân biệt.
Nghiêm trọng không kém là thái độ của công luận Úc. Ngày 29/01/2020, nhật báo Herald Sun chạy tựa « Siêu vi Trung Quốc » trong khi đồng nghiệp Daily Telegraph viết : « Những đứa con Trung Quốc hãy ở nhà ». hôm 11/02/2020, trong cuộc họp báo, bộ trưởng Y Tế Úc, Greg Hunt, đã phải nhắc nhở công luận « cộng đồng có rủi ro cao là những người đến từ Trung Quốc từ ngày 01/02 chứ không phải người gốc Trung Quốc »
Bão ngầm Codv-19 tại Bắc Triều Tiên ?
Bắc Triều Tiên là nước đầu tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc . Vì sao Kim Jong Un đi tiên phong « cô lập » Bắc Kinh ? La Croix ghi nhận một số thông tin. Mặc dù tình hình có vẻ phẳng lặng như tờ, cũng do kiểm duyệt thông tin, nhưng đất nước khép kín này đang bị siêu vi corona đe dọa nghiêm trọng và đang ở trong tình trạng báo động tối đa.
Một nguồn tin chính thức cho biết có 3 người trong đó có một người 40 tuổi và một sinh viên 20 tuổi từ Hoa lục trở về, tử vong vào cuối tháng Giêng tại Bình Nhưỡng. Năm người nữa qua đời gần biên giới với Trung Quốc. Tin từ chính quyền Trung Quốc cũng cho biết có nhiều trường hợp viêm phổi được ghi nhận ở đặc khu kinh tế Sinuiju, gần Đan Đông của Trung Quốc. KNCA cho thấy các chiến dịch diệt trùng ở cảng Nampo và trên các chuyến xe bus ở thủ đô.
Libération dành cho siêu vi Covid-19 một bài tường thuật về du thuyền Diamond Princess cùng với 3700 du khách và nhân viên đang bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật Bản. Mỗi này đều có trường hợp lây nhiễm mới được phát hiện. Bệnh nhân lập tức được đưa vào bệnh viện. Những người còn lại tiếp tục chờ đợi. Ăn uống đầy đủ, phục vụ tận phòng nhưng « khổ sở nhất là không biết chờ đến bao giờ » theo tâm sự một du khách.
Omar el Bachir : Rồi 30 năm sau
Một nhà độc tài thét ra lửa trong suốt 30 năm, giờ đây đối mặt với công lý quốc tế. Omar el Bachir, tổng thống Sudan bị lật đổ, sắp bị giải sang Hà Lan. Bù lại, nhật báo thiên tả tập trung vào câu chuyện nhân quả ở Sudan. Bị Toà Án Hình Sự Quốc Tế La Haye tung lệnh truy bắt từ 11 năm nay, nhà độc tài Omar el Bachir vẫn bình chân như vại cho đến khi bị quân đội lật đổ vào tháng Tư 2019, sau một phong trào phản kháng suốt sáu tháng.
Tham ô, biển thủ, ra lệnh bắn đối lập … là một số cáo buộc nghiêm trọng. Hôm qua, chính phủ lâm thời Sudan đồng ý dẫn độ nhà cựu độc tài sang La Haye.
Liệu Erdogan dám đụng độ với Putin ?
Tại Syria, bom đạn của chế độ Bachar al Assad và không quân Nga làm hàng trăm ngàn dân ở Idleb bồng bế nhau chạy về hướng Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, tổng thống Erdogan đe dọa nhiều mà hành động chẳng bao nhiêu.
Libération mô tả một cuộc di cư tị nạn chiến cuộc lớn nhất tại Syria từ 9 năm nay. Hơn 100.000 dân kéo nhau về hướng Thổ Nhĩ Kỳ để tránh hành động bạo ngược quân đội Nga và chế độ Damas. Từ khi Bachar al Assad mở chiến dịch tái chiếm Idleb, gần 1 triệu người đã bỏ làng, bỏ thành phố ra đi.
Vấn đề là Ankara, tuy đe dọa quân đội Syria nhưng không phản ứng , để cho lính Damas được Nga yểm trợ tái chiếm từ làng này đến khúc xa lộ khác.
Le Monde dự báo « cuộc leo tháng đẫm máu » giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ kéo dài. Đàm phán Nga-Thổ bế tắc vì « Putin chọn Bachar al Assad ».
Với hỏa lực của Nga, quân đội Damas sẽ tiếp tục tiến lên phía bắc và tiêu diệt lực lượng nổi dậy bất chấp thảm cảnh nhân đạo, với hàng trăm thường dân thương vong, đang diễn ra. Liên Hiệp Quốc kêu gào vô vọng.
Tin tổng hợp
(AFP) – Tổng thống Donald Trump thăm Ấn Độ cuối tháng Hai.
Nhà Trắng cho chuyến đi diễn ra trong hai ngày 24 và 25/02/2020. Nguyên thủ Mỹ sẽ thăm thủ đô New Delhi và bang Gujarat, quê nhà của thủ tướng Ấn Narendra Modi.
(AFP) – NASA tuyển phi hành gia.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) ra thông báo tuyển dụng ngày 11/02/2020. Tiêu chuẩn: là người Mỹ, có bằng thạc sĩ trong ngành khoa học, công nghệ, kỹ nghệ, toán, là bác sĩ hay phi công. Nhận đơn từ ngày 2 đến 31/3 và chung tuyển vào giữa năm 2021. Phi hành gia tương lai sẽ được đào tạo hai năm. Khóa gần đây nhất năm 2017, ra trường vào tháng 01/2020, chỉ có 12 người trúng tuyển trong số 18.000 thí sinh.
(AFP) – Hội Đồng Bảo An LHQ kêu gọi thông qua nghị quyết ngừng bắn ở Libya.
Lời kêu gọi được đưa ra ngày 12/02/2020. Nghị quyết, nếu được thông qua, là văn bản đầu tiên mang tính ràng buộc, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột vào đầu tháng 4/2019. Tuy nhiên, Nga có thể chống. Dự thảo nghị quyết do Anh soạn ra « khẳng định cần ngưng bắn lâu dài ở Libya ngay khi có cơ hội và không đặt điều kiện tiên quyết nào ». Luân Đôn cũng giữ nguyên câu « quan ngại trước trước sự can thiệp ngày càng tăng của lính đánh thuê tại Libya » trong văn bản đã bị Nga bác bỏ trước đây.
(Finacial Review) – Tổng thống Indonesia đến Úc tìm hợp tác đối phó với Trung Quốc.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã tiếp tổng thống Joko Widodo ngày 10/02/2020 tại Canberra. Úc đã đề xuất « quan hệ đối tác để phát triển năng lực hàng hải và đánh bắt ở ngoài khơi các đảo của Indonesia ». Ngoài phản đối ngoại giao Bắc Kinh, Jakarta liên tục mời gọi các công ty đánh bắt hải sản nước ngoài tham gia đồng khai thác trong khu vực.
(AFP) – Tổng thống Trump bị lên án « lạm quyền » cứu bạn.
Ông Roger Stone, một trong những người bạn lâu năm của Donald Trump, bị đề nghị án từ 7 đến 9 năm tù vì nói dối trước Nghị Viện trong khuôn khổ cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trong đêm 10 rạng sáng 11/02/2020, tổng thống Trump lên án trên Twitter là một « tình cảnh rất bất công » và một « sai lầm tư pháp ». Ngay hôm sau, 11/02, bốn công tố viên đề nghị bản án trên đối với ông Stone đã rút khỏi vụ này không một lời giải thích. Phe đối lập Dân Chủ tố cáo tổng thống lạm quyền và vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập.
(RFI) – Venezuela : Nhà đối lập Juan Guaido về nước.
Sau hơn ba tuần công du quốc tế, bất chấp lệnh cấm xuất cảnh, tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaido đã về đến sân bay Caracas ngày 11/02/2020. Ngoài những nghị sĩ thuộc phe đối lập và một số người ủng hộ đón ông Juan Guaido, còn có vài chục người theo khuynh hướng Chavez đã thóa mạ và tìm cách hành hung ông ở sân bay.
(Reuters) – 2019 : Năm kỉ lục xuất khẩu rượu vang Pháp.
Bất chấp Mỹ tăng thuế, khối lượng xuất khẩu rượu vang Pháp đã tăng thêm 5,9%, đạt 14 tỉ euro, trong năm 2019, đặc biệt là sang Mỹ, tăng thêm 16%, đạt 3,7 tỉ euro. Ngày 12/02/2020, chủ tịch Liên đoàn các nhà xuất khẩu rượu vang và đồ uống có cồn (FEVS), vẫn tỏ ra quan ngại về « những căng thẳng thượng mại và chính trị trên quy mô quốc tế đã tác động mạnh đến việc xuất khẩu rượu vang Pháp, đồng thời dự đoán năm 2020 khó khăn ».
(AFP) – Giải đua xe công thức 1 tại Trung Quốc bị hoãn vô thời hạn.
Ngày 12/02/2020, Liên Đoàn Xe Hơi Quốc Tế quyết định lùi vòng đua thứ 4, dự kiến diễn tại Trung Quốc ngày 19/04, trong khuôn khổ Giải Vô địch thế Giới Formule 1, vì dịch Covid-19. Úc mở màn mùa giải 2020 vào ngày 15/03 ở Melbourne. Theo lịch trình, Việt Nam lần đầu tiên tham gia tổ chức F1 vào ngày 05/04.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200212-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 12/2:
Anh bắt thêm 2 nghi phạm
vụ 39 người Việt chết trong xe tải
Lục Du
Sáng nay, thứ Tư (12/2), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần điểm những tin thế giới nổi bật đêm qua:
Anh bắt thêm 2 nghi phạm vụ 39 người Việt chết trong xe tải
Đã bắt thêm hai nghi phạm liên quan tới vụ án 39 người Việt Nam chết trong xe tải đông lạnh ở ngoại ô London hồi cuối năm ngoái, Fox News dẫn tin cảnh sát Anh cho biết hôm thứ Ba (11/2).
Thi thể của 31 người đàn ông và 8 phụ nữ, tất cả đều là người Việt Nam, đã được tìm thấy bên trong một xe container dùng chở hàng đông lạnh vào ngày 23/ 10 tại Khu công nghiệp Waterglade ở Grays, một thị trấn nằm cách 25 dặm về phía đông London, Anh. Các nạn nhân có độ tuổi từ 15 đến 44, và các nhà điều tra tin rằng họ đã trả tiền cho những kẻ buôn người để chúng đưa họ tới Anh.
“Các đội của chúng tôi đang tiếp tục tiến hành hàng trăm cuộc điều tra và đang làm việc với cơ quan tội phạm quốc gia và các cơ quan thực thi pháp luật khác trên toàn cầu để tiếp tục cuộc điều tra kéo dài và phức tạp”, cảnh sát Anh cho biết trong một tuyên bố.
WHO đặt tên cho virus corona mới
SBS News đưa tin, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom trong một cuộc họp báo tại Geneva ngày 11/2 cho biết, cơ quan của ông đã đặt tên cho chủng mới của virus corona là “COVID-19”.
CO là viết tắt của “Corona”, VI viết tắt của “Virus”, D viết tắt của “disease” (dịch bệnh), còn 19 là hai số cuối của năm 2019, năm loại virus này được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, ông Tedros giải thích.
Trong họp báo, ông Tedros nói rằng COVID-19 đang bùng phát tại Trung Quốc là “mối đe dọa rất nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới”, và nó là “kẻ thù số 1 của nhân loại”.
Putin có thể thành nghị sĩ suốt đời sau khi nghỉ hưu
Hôm thứ Ba (11/2), một nghị sĩ Nga nói có một đề xuất rằng, tổng thống có thể trở thành thượng nghị sĩ suốt đời sau khi rời nhiệm sở. Reuters cho hay, nếu đề xuất này được thông qua, các tổng thống Nga sau khi về hưu đương nhiên sẽ được miễn trừ truy tố.
Cũng theo Reuters, sáng kiến này được đưa ra bởi một ủy ban của chính phủ Nga sau những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống chính trị được đề xuất vào tháng trước bởi Tổng thống Vladimir Putin. Giới truyền thông và các nhà phân tích tin rằng động thái cải cách của ông Putin là một bước đi để ông tiếp tục có ảnh hưởng chính trị tại Nga sau khi nghỉ hưu vào năm 2024.
Ông Putin đã liên tục nắm những vị trí quyền lực hàng đầu ở Nga trong suốt 20 năm qua. Trên nhiều tấm biển ở những cuộc tuần hành, người biểu tình ở Nga giương cao câu hỏi “Putin, bao giờ ông nghỉ hưu?”.
Bí thư Hoàng Cương: tình hình đại dịch vẫn đang nghiêm trọng
Thành phố Hoàng Cương (Trung Quốc), một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVI-19, vẫn đang đối mặt với tình trạng khó khăn nghiêm trọng và thiếu nguồn cung y tế, bí thư của thành phố này, ông Liu Xuerong, nói hôm thứ Ba (11/2), theo Reuters.
Phát biểu tại một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp trên truyền hình nhà nước, ông Liu nói rằng thành phố của ông còn đang phải đối mặt với một thách thức khách: ngăn chặn sự lây lan của virus ở khu vực nông thôn.
Hoàng Cương nằm ở trung tâm của tỉnh Hồ Bắc, gần với thành phố Vũ Hán – tâm trấn của đại dịch COVID-19. Theo thống kê, Hoàng Cương có số người chết bởi virus COVID-19 cao thứ hai sau Vũ Hán.
CNN đưa tin, quan chức y tế tỉnh Hồ Bắc thông báo, tính tới hết ngày thứ Ba, ở tỉnh này đã có thêm 94 người thiệt mạng vì COVID-19, và thêm 1,638 trường hợp nhiễm mới.
Ông Guaido đã trở lại Venezuela sau chuyển công du dài ngày
Lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, đã trở về nước vào thứ Ba (11/2) sau chuyến công du 3 tuần tới Bắc Mỹ và châu Âu, Reuters đưa tin.
Hoa Kỳ đã cảnh báo chính phủ thiên tả Maduro ở Venezuela rằng họ sẽ gặp “hậu quả” khôn lường nếu gây khó khăn cho việc ông Guaido trở về.
Ông Guaido hiện được hơn 50 quốc gia trên thế giới công nhận là tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela. Vào tháng Một, ông đã bất chấp lệnh cấm xuất ngoại của chính phủ Maduro để lên đường cho các chuyến công tác của mình. Vị lãnh đạo trẻ tuổi của Venezuela đã được đón tiếp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, và mới gần đây, được Nhà Trắng mời tham dự buổi đọc Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump.
Điểm tin thế giới chiều 12/2:
Hàng trăm người Trung Quốc kêu gọi cơ quan
lập pháp quốc gia bảo vệ quyền tự do ngôn luận
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (12/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Hàng trăm người Trung Quốc kêu gọi cơ quan lập pháp quốc gia bảo vệ quyền tự do ngôn luận
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm nay đưa tin, hàng trăm người Trung Quốc đã ký một bản thỉnh nguyện trực tuyến kêu gọi cơ quan lập pháp quốc gia bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Được khởi xướng bởi các học giả, đơn kiến nghị được đưa ra trong bối cảnh công chúng ngày càng bất bình về việc chính quyền xử lý ổ dịch virus corona, đặc biệt là sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) – người bị cảnh sát khiển trách vì đã cảnh báo mọi người về sự bùng phát virus corona ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019.
Đơn kiến nghị gửi tới Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, liệt kê 5 yêu cầu: bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân; thảo luận về vấn đề tự do ngôn luận tại các phiên họp lập pháp thường niên vào năm nay; lấy ngày 6/2 – ngày bác sĩ Lý qua đời là ngày tự do ngôn luận của đất nước; đảm bảo không ai bị trừng phạt, đe dọa, thẩm vấn, kiểm duyệt hoặc bị giam giữ vì lời nói, hội họp, thư từ hoặc truyền đạt thông tin; và yêu cầu đối xử công bằng với người dân thành phố Vũ Hán và người dân khác thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Bản thỉnh nguyện đang được chia sẻ rộng rãi trên Internet, nhưng một số người ký đã gặp phải áp lực.
Quan chức Mỹ nói virus corona có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
Một phóng viên của CNN hôm 11/2 đưa tin, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien nói rằng dịch virus corona có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng tôi hy vọng thỏa thuận giai đoạn một sẽ khiến Trung Quốc nhập khẩu thêm thực phẩm và mở ra các thị trường cho nông dân Mỹ, nhưng chắc chắn chúng ta có thể thấy sự bùng phát dịch virus corona ở Trung Quốc có khả năng tác động tới sức mua hàng của Trung Quốc như thế nào, ít nhất là trong năm nay”, Reuters dẫn lời ông O’Brien phát biểu trong một sự kiện tại Hội đồng Đại Tây Dương hôm 11/2.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói thêm: “Không có nghi ngờ gì về dịch virus có thể tác động đến nền kinh tế Mỹ cũng như nền kinh tế thế giới”.
Đài Loan được dự phiên họp của WHO mà không cần Trung Quốc chấp thuận
Reuters đưa tin, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan hôm nay cho biết việc Đài Loan được tham dự một cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này về dịch virus corona là kết quả của cuộc đàm phán trực tiếp giữa hòn đảo với WHO mà không cần sự cho phép từ phía Trung Quốc.
Đài Loan chưa được gia nhập WHO do vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc. Hòn đảo từng phàn nàn rằng họ không có được thông tin kịp thời từ WHO và cáo buộc Trung Quốc chuyển thông tin không chính xác cho tổ chức về tổng số trường hợp nhiễm virus corona của Đài Loan. Nhưng các chuyên gia y tế của hòn đảo đã được phép tham dự một cuộc họp trực tuyến về dịch virus corona.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đó là do Bắc Kinh đã chấp thuận cho Đài Loan tham gia. Tuy nhiên, người phát ngôn Cơ quan Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An phủ nhận điều này, nói rằng chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giành lấy những gì mà họ không xứng đáng.
Mỹ lên tiếng sau khi Philippines thông báo hủy thỏa thuận quân sự
Theo Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 11/2 tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Viếng thăm (VFA). Sau đó, ông chủ Lầu Năm Góc Mark Esper gọi quyết định này là “hành động đáng tiếc” và nói rằng đó là bước đi sai lầm vào thời điểm Washington và các đồng minh đang tìm cách thúc ép Bắc Kinh tuân thủ “trật tự theo luật pháp quốc tế” tại khu vực châu Á.
Ông Esper cũng cho biết Lầu Năm Góc mới chỉ nhận được thông báo vào cuối hôm 10/2 và ông muốn lắng nghe các tư lệnh quân sự trước khi vạch ra đường hướng tiếp theo của Mỹ sau thông báo của Philippines.
“Chúng tôi mới chỉ nhận được thông báo vào đêm qua, chúng tôi phải cân nhắc, chúng tôi phải làm việc theo góc độ chính sách, quân sự. Tôi muốn nghe ý kiến từ các tư lệnh, nhưng theo quan điểm của tôi, thật đáng tiếc là họ lại thực hiện động thái này”, ông Esper nói.