Tin Việt Nam – 08/02/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam  – 08/02/2020

Tin trong nước

Đồng Tâm sau tròn một tháng:

Vì sao đã, đang và sẽ còn nóng?

Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt

Sự kiện vụ bố ráp và tập kích do chính quyền và Công an thành phố Hà Nội của Việt Nam thực hiện tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đêm 08/01 rạng sáng 09/01/2020 tính tới thời điểm này đã là đúng một tháng.

Sự việc đã gây ra nhiều tranh cãi, chia rẽ trong cộng đồng, cũng như tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi trong công luận, người dân và các giới quan sát, quan tâm đến vụ việc được cho là có tính chất bạo lực nghiêm trọng và gây ra cái chết của bốn người, trong đó có ba sỹ quan cảnh sát Hà Nội và một công dân cao tuổi, ông Lê Đình Kình, cựu đảng viên với 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời và là cựu lãnh đạo nhiều năm trong chính hệ thống chính trị của chính quyền và đảng Cộng sản ở địa phương.

Nhân tròn một tháng của sự kiện này, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, đồng chủ biên Tạp chí Văn nghệ mạng Văn Việt, thuộc Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam, đã dành cho BBC News Tiếng Việt một cuộc trả lời phỏng vấn qua bút đàm, mà sau đây là ý kiến riêng của người trả lời:

Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại nhờ điều gì?

Đồng Tâm: Đại diện sứ quán Mỹ tại Hà Nội gặp nhà hoạt động

Đồng Tâm: Chúng tôi đến thăm và nghe nhìn thấy gì?

Vợ ông Lê Đình Kình và lời chứng về vụ tập kích Đồng Tâm 09/01/2020

Nhà thơ Hoàng Hưng: Có thể nói, ở nước Việt Nam thời Cộng sản, chưa từng có vụ việc về nhân quyền, dân quyền nào có sự lên tiếng mạnh mẽ, thẳng thắn, kiên trì, và đông đảo, bao gồm nhiều thành phần xã hội, như vụ cảnh sát cơ động tập kích làng Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội sáng sớm 9/1/2020.

Tôi tin là có sự bất đồng không nhỏ ngay trong nội bộ ĐCSVN về cách xử lý tàn bạo và chung cuộc là thất bại thảm hại của đảng trong vụ Đồng TâmNhà thơ Hoàng Hưng

Ngay trong đêm 9/1, tức chưa đầy một ngày sau sự biến, đã có bản Tuyên bố do một số tổ chức xã hội dân sự và cá nhân khởi xướng, cực lực phản đối việc làm phi pháp của nhà cầm quyền và nhận định về hậu quả khó lường của vụ này: “Điều cực nguy hiểm là người dân đã bị đẩy thành thù địch, đối đầu với chính quyền, lòng tin của người dân với chính quyền không còn một chút nào!

Vụ Đồng Tâm sẽ đi vào lịch sử như một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Lần đầu tiên, dưới chế độ luôn tự xưng là “của dân”, người nông dân công khai trương ra và thực hiện khẩu hiệu: “Phải giữ đất dù phải hy sinh xương máu!”.

Tuyên bố này đã được trên 1.000 người trong và ngoài nước ký tên.

Sau đó, với sự lộ diện ngày càng rõ những chi tiết vi phạm pháp luật trắng trợn của lực lượng tập kích, đặc biệt là việc sát hại dã man không thể biện minh Cụ Lê Đình Kình 84 tuổi, đảng viên Cộng sản lão thành chưa hề bị kỷ luật, khai trừ đảng hay khởi tố, người được đông đảo dân địa phương kính mến như một “Già Làng”, thì sự căm phẫn (dành cho nhà cầm quyền) và đau đớn (dành cho Cụ cũng như những người dân bị nạn) đã bùng lên như đám cháy rừng mà không một sự đe doạ hay bịp bợm xuyên tạc nào từ các lực lượng đàn áp và tâm lý chiến của nhà cầm quyền dập nổi!

Đại diện cho công luận là những trí thức, nhân sĩ Hà Nội (nhóm của TS Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình…), Sài Gòn (nhóm GS Tương Lai, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm…), đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, mới nhất là lá thư “Tôi tố cáo” của nhà văn Nguyên Ngọc (gợi nhớ sự kiện “J’accuse” của văn hào Emile Zola hơn 100 năm trước ở Pháp), đã chính thức đòi hỏi nhà cầm quyền công khai mọi khuất tất trong vụ Đồng Tâm, làm rõ trách nhiệm, khởi tố và xét xử những người chủ trương, chỉ đạo, chỉ huy và trực tiếp gây ra vụ tấn công và thảm sát ở làng Hoành.

Tôi đặc biệt quan tâm đến những ý kiến khách quan, công bằng của những vị lâu nay vẫn gần gụi, thiện chí với nhà cầm quyền như cựu đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan, đương kim Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển Hoàng Ngọc Giao… Tôi cũng đọc được trên FB, nhận được

nhiều ý kiến qua tin nhắn hay qua điện thoại của những nhà văn, trí thức lâu nay vẫn hợp tác với nhà cầm quyền, trong vụ này cũng phẫn nộ với cách xử lý chà đạp luật pháp của họ.

Tôi tin là có sự bất đồng không nhỏ ngay trong nội bộ ĐCSVN về cách xử lý tàn bạo và chung cuộc là thất bại thảm hại của đảng trong vụ Đồng Tâm.

‘Chưa có động thái tìm lối thoát’

BBC: Ông có bình luận gì về động thái từ các khối lập pháp, tư pháp và chính quyền sau gần một tháng diễn ra vụ tập kích, bố ráp?

Nhà thơ Hoàng Hưng: Đến nay là một tháng sau sự cố Đồng Tâm, nhà cầm quyền chưa có một động thái gì cho thấy họ đã tìm ra lối thoát cho vụ việc chấn động lòng người này!

Để đảng cộng sản được dân tin yêu

Về người Anh giúp Hồ Chí Minh ở Việt Bắc

An ninh công an VN: “Thanh bảo kiếm liệu có bị mẻ cùn”?

Vụ Lê Đình Kình: Lời kể của bà Dư Thị Thành từ thôn Hoành

Việc quan tâm của các tổ chức quốc tế đến vụ Đồng Tâm… chắc chắn sẽ là sức ép mà nhà cầm quyền Việt Nam không dễ gì đối phóNhà thơ Hoàng Hưng

Chuyên mục Đồng Tâm trên BBC News Tiếng Việt

Cho đến nay, những phản ứng của họ đều sai lầm, chỉ làm mất thêm tính chính danh của một nhà nước đúng nghĩa.

Đầu tiên là việc thông tin nhiều lần bất nhất của công an về vụ tấn công, về cái chết của 3 sĩ quan, của Cụ Lê Đình Kình; việc này đã đi đến chỗ hoàn toàn bất lợi cho họ: từ nay về sau, công luận sẽ không tin bất cứ thông tin nào từ họ nữa!

Rồi đến việc khen thưởng hấp tấp đến vô lý của các cấp cao nhất, cũng như ngăn chặn tiền người dân phúng viếng cụ Kình để rồi lại vội vã chạy theo đối phó bằng cách bắt toàn bộ cảnh sát cơ động góp 1 ngày lương hỗ trợ cho gia đình 3 chiến sĩ bị chết, chỉ làm cho tấn bi kịch được kèm thêm những màn hài… cười ra nước mắt!

Tuy nhiên tôi vẫn mong rằng tới đây họ sẽ có thái độ cầu thị, dám nhìn vào sự thật trần trụi của vụ Đồng Tâm để có cách giải quyết ít nhiều thoả đáng, cứu gỡ phần nào bộ mặt của mình.

BBC: Mới đây đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu EU tại Hà Nội đã có tiếp xúc với phía đại diện chính quyền VN và các viên chức đại diện từ Đại sứ quán Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhà hoạt động ở Việt Nam để tìm hiểu, dân biểu một số quốc gia phương Tây cũng đã lên tiếng về vụ việc, ông đánh giá như thế nào về các động thái này?

Việc quan tâm của các tổ chức quốc tế đến vụ Đồng Tâm, đặc biệt là của các dân biểu các nước khối E.U sắp họp thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam, và cuộc gặp của Sứ quán Hoa Kỳ với anh Trịnh Bá Phương, một “dân oan” được sự uỷ nhiệm của bà quả phụ Lê Đình Kình và các gia đình nạn nhân Đồng Tâm, cũng như những sự quan tâm tới đây của quốc tế, chắc chắn sẽ là sức ép mà nhà cầm quyền Việt Nam không dễ gì đối phó.

Cần xử lý, giải quyết ra sao?

BBC: Sau tròn một tháng diễn ra sự việc, nhìn nhận lại một cách bao trùm, quan điểm của ông là thế nào và theo ông cần giải quyết, xử lý ra sao?

Nhà thơ Hoàng Hưng: Vụ Đồng Tâm đã có một lịch sử kéo dài, trong cả quá trình đó nhà cầm quyền không trưng ra được bản đồ qui hoạch gốc (tương tự vụ Thủ Thiêm) để thuyết phục dân thôn Hoành cũng như công luận rằng 59ha đất đồng Sênh thuộc đất quốc phòng, đối lại với những chứng cứ có lý có tình của dân cho thấy họ mới là chủ nhân đích thực. Chính việc đó dẫn người dân đến tâm trạng uất ức, tuyệt vọng, dẫn đến tuyên bố lấy máu để giữ đất, từ đó tạo cái cớ cho nhà cầm quyền đàn áp.

Trong tình thế đó, quyết định tấn công vào làng Hoành, gây nên vụ thảm sát Đồng Tâm là một cái mốc quan trọng, đánh dấu sự lúng túng, bất lực, đi đến manh động của nhà cầm quyền trong việc xử lý các mâu thuẫn xã hội, đặc biệt là vấn đề Đất đai đã tồn tại quá lâu, hậu quả là đẩy người dân đến con đường cùng, không còn sợ hãi, buộc phải đối đầu!

Việc khởi tố vụ án tấn công thôn Hoành và thảm sát Cụ Lê Đình Kình như yêu cầu của công luận sẽ là điểm son cho nhà cầm quyềnNhà thơ Hoàng Hưng

Nhìn một cách tích cực, tôi thật sự hy vọng vụ Đồng Tâm sẽ là giọt nước tràn ly, khiến đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) phải sửa luật Đất đai, xác lập chế độ đa sở hữu, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong những qui hoạch về đất đai. Cũng từ đây, ĐCSVN sẽ phải nhận ra sự thất bại của đường lối lấy bạo lực khủng bố để khống chế xã hội trong sự sợ hãi cộng với bưng bít, độc quyền thông tin để lừa dối dân theo định hướng của mình. Tôi muốn nhắc họ, không thừa: Đừng bao giờ nghĩ đến bắt chước Tàu Cộng theo con đường độc tài sắt máu. Xã hội Việt Nam, dân tộc tính Việt Nam từ ngàn xưa không dung chấp độc tài, trong thời đại ngày nay lại càng không thể! Và chế độ độc tài Tập đang đi tới đâu, đã nhìn thấy nhãn tiền!

Tôi cũng tin rằng: người dân Việt Nam, giống như dân thôn Hoành mà tôi đã có dịp về thăm không chỉ một lần, không có ý tưởng chống chế độ, mà chỉ đòi hỏi đảng Cộng sản (ĐCS) bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình, thi hành đúng hiến pháp do chính ĐCS soạn ra. Các vị cầm quyền đừng để nỗi ám ảnh “mất chế độ” làm sa lầy tiếp vào con đường biến mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thành mâu thuẫn “địch-ta”, đẩy dân đến chỗ buộc phải đối đầu. Sự chia rẽ chính quyền- dân chỉ có lợi cho các nhóm đặc lợi mượn danh nghĩa chính quyền mà ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn “đốt”, xa hơn là lợi cho kẻ thù của cả dân tộc. Sự chía rẽ này do chính các chính sách sai lầm của nhà cầm quyền tạo ra, và thậm chí người dân có quyền có dấu hỏi về khả năng có bàn tay gài độ, phá hoại của ngoại bang thông qua những kẻ hưởng lợi từ những sai lầm đó.

Trước mắt, để giải quyết vụ Đồng Tâm một cách thiết thực, nên tập trung suy nghĩ về vụ án gần 30 bị can là người dân thôn Hoành. Theo tôi, đó sẽ là cơ hội để nhà cầm quyền sửa chữa phần nào những sai lầm quá lớn của vụ Đồng Tâm. Phải đối xử có tình người với những người bị bắt, với gia đình họ. Và thực thi một phiên toà công khai minh bạch, bảo đảm có sự phản biện độc lập của luật sư, xử đúng người đúng tội, ít ra cũng như vụ xử ông Đoàn Văn Vươn. Phía công luận, tôi hy vọng giới luật sư vào cuộc, kể cả có sự tham gia của các luật sư quốc tế, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người bị xét xử.

Việc khởi tố vụ án tấn công thôn Hoành và thảm sát Cụ Lê Đình Kình như yêu cầu của công luận sẽ là điểm son cho nhà cầm quyền. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo cao nhất xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật các viên chức có trách nhiệm trong vụ này, để tránh được điều tồi tệ nhất: Công luận nghi ngờ vai trò chủ đạo của chính họ trong vụ án tai tiếng chưa từng thấy sau vụ giết hại bà Nguyễn Thị Năm, một ân nhân của cách mạng 70 năm trước!

Họ sẽ không thoát sự phán xét của lịch sử!

Nhà thơ Hoàng Hưng, đồng chủ biên Tạp chí Văn nghệ mạng Văn Việt cũng là dịch giả, nhà báo và cựu nhà giáo, ông hiện sinh sống tại Sài Gòn và là một nhà quan sát và hoạt động xã hội dân sự, vận động cho nhân quyền và các quyền tự do trong xã hội cũng như trong văn nghệ, báo chí, ngôn luận…

Trên đây là ý kiến dựa trên quan điểm riêng của người trả lời phỏng vấn. Trong vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm hôm 09/01/2020, cho tới nay, nhà nước và chính quyền Việt Nam, ngành Công an, thông qua truyền thông, báo chí của nhà nước, chính quyền vẫn giữ quan điểm cho rằng có một nhóm chống đối chính quyền và các chính sách của đảng và nhà nước hoạt động tại Đồng Tâm.

Nhóm này, trong đó có Tổ Đồng thuận, các thành viên và người lãnh đạo là ông Lê Đình Kình, theo quan điểm của chính quyền, đã có các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, chống đối người thi hành công vụ, có các hành vi kích động, sử dụng bạo lực, thậm chí nhận tiền và chịu sự chỉ đạo của một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài bị chính quyền liệt là phản động, khủng bố, để chống đối chính quyền và người thi hành công vụ.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51426815

 

Ông Hoàng Trung Hải

bị cách chức hay sẽ được đề bạt lên cao?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải vào ngày 7/2 đã bị thay thế bởi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ theo quyết định của Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam và được chuyển về Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XIII.

Tăng hay hạ chức?

Nhận xét về việc điều ông Hoàng Trung Hải về Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XIII, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, người từng làm việc tại Tạp Chí Cộng sản cho rằng đây có thể là một bước lùi trong sự nghiệp chính trị của ông Hải. Ông giải thích:

“Có những trường hợp như ông Đinh La Thăng lên làm Phó trưởng ban kinh tế Trung ương sau đó bị bắt. Thường thường việc điều chuyển lên một cơ quan trung ương có tính chất ít quyền lực, không quan trọng thường thường để vô hiệu hóa trước khi về hưu hoặc trước khi bị bắt. Chưa thấy trường hợp nào đang ở vị trí chủ chốt của một địa phương mà lên trung ương nhưng ở ban không quan trọng sau đó được điều chuyển lại những vị trí quan trọng, hầu như chưa có trường hợp nào. Bây giờ chưa rõ là ông ấy sẽ về hưu hay bị bắt. Tôi nghĩ khả năng bị bắt khoảng 30-40%, còn lại 60-70% là cho về ngồi chơi xơi nước rồi về hưu.”

Chưa thấy trường hợp nào đang ở vị trí chủ chốt của một địa phương mà lên trung ương nhưng ở ban không quan trọng sau đó được điều chuyển lại những vị trí quan trọng, hầu như chưa có trường hợp nào.- Nguyễn Vũ Bình

Không đồng tình với quan điểm của nhà báo Nguyễn Vũ Bình, ông Phạm Thành, cựu nhà báo từng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng với thiệt hại lớn như TISCO 2 gây ra nhưng ông Hoàng Trung Hải chỉ bị cảnh cáo là hình thức kỷ luật nhẹ nhàng nhất, cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng phải làm động tác xem xét kỷ luật nhằm làm dịu phản ứng của dư luận.

Trước đó, trong phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo tại Hà Nội vào ngày 10/1, ông Hoàng Trung Hải bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do những vi phạm liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO 2).

Dự án TISCO 2 do Công ty Gang thép Thái Nguyên cùng với Tổng Công ty thép Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc MCC đảm nhiệm. Vào năm 2013, dự án đã tạm dừng thi công đến nay.

Theo kết luận thanh tra toàn diện về dự án TISCO 2 của Thanh Tra Chính phủ Hà Nội thì Công ty Gang thép Thái Nguyên điều chỉnh sai qui định từ 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng, thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành.

Còn ông Hoàng Trung Hải được xác định có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án này.

Văn Phòng Trung Ương Đảng đăng tải thông báo ghi rõ những vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng Trung Hải là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.

Đụng đến Trung Quốc!

Nhà báo Phạm Thành khẳng định không hề có chuyện ông Nguyễn Phú Trọng đang hạ chức ông Hoàng Trung Hải vì ông cho rằng ‘Xử lý Hoàng Trung Hải là đụng đến vấn đề cán bộ do Trung Nam Hải quản lý’.

Vẫn theo nhà báo Phạm Thành, chức vụ mới của ông Hoàng Trung Hải được ông Nguyễn Phú Trọng soạn thảo trên thực tế nhằm kế vị cho sự lãnh đạo kế tiếp của Đảng Cộng sản. Có thể thấy sự sắp xếp để ông Hải là Phó Trưởng ban và Trưởng ban là ông Nguyễn Phú Trọng thì rõ ràng không phải chức vụ ông Hải bị giảm đi mà do có mưu đồ lớn. Nhà báo Phạm Thành lập luận:

“Ông Nguyễn Phú Trọng theo kịch bản của Trung Quốc sẽ nhấc ông Hoàng Trung Hải lên một vị trí quan trọng hơn trong Đảng và Nhà nước, hơn cả chức Bí thư thành ủy thành phố Hà Nội như ông đã từng giữ chức. Ông này là con bài của Trung Cộng cài cắm lâu và thường chỉ làm việc đứng sau phá hoại nước Việt Nam bằng kịch bản kinh tế chứ không phải kịch bản chính trị. Ông này rất ít phát biểu đối với vấn đề chính trị mà ông lặng lẽ làm việc rất cụ thể là ký hiệp định, bật đèn xanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc đưa đầu tư vào Việt Nam theo nguyên tắc đầu tư lỗ thì Việt Nam chịu, còn Trung Quốc theo mức đầu tư đó mà tính lãi. Trung Quốc không những không mất bãi để nhà máy phế thải mà còn bán được cho Việt Nam. Chẳng hạn như đường sắt trên cao Hà Nội – Cát Linh là một bằng chứng rõ ràng. Bây giờ vẫn chưa hoạt động dù dự án tăng 3 lần vốn mà đã 10 năm rồi, hiện mỗi năm Việt Nam vẫn phải trả cho Trung Quốc 436 tỉ.”

Trách nhiệm tập thể lãnh đạo!

Dưới góc nhìn cá nhân, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng những tổn thất trong các dự án liên kết với Trung Quốc không chỉ do ông Hoàng Trung Hải, nguyên Phó Thủ tướng gây ra mà còn có sự tham gia của các cấp lớn hơn:

“Các dự án của Việt Nam nói chung liên kết với Trung Quốc gây thiệt hại cho đất nước này. Còn cái riêng phần ông Hoàng Trung Hải vì ông có nguồn gốc Trung Quốc nên nhiều người đặt vấn đề cá nhân, nhưng thường thường những dự án lớn theo tôi biết phải thông qua Bộ Chính trị chứ cá nhân không có vai trò lớn lắm để quyết. Còn những dự án nhỏ thì Thủ tướng, Phó Thủ tướng có thể quyết. Cái chung của Việt Nam là các dự án với Trung Quốc gây thiệt hại cho đất nước rất nhiều.”

Ông Nguyễn Phú Trọng theo kịch bản của Trung Quốc sẽ nhấc ông Hoàng Trung Hải lên một vị trí quan trọng hơn trong Đảng và Nhà nước, hơn cả chức Bí thư thành ủy thành phố Hà Nội như ông đã từng giữ chức.- Phạm Thành

Trong phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo tại Hà Nội được tổ chức vào ngày 10/1, ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã khẳng định Việt Nam sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án kinh tế lớn được dư luận quan tâm trong đó có vụ án tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên là một trong 12 dự án ngàn tỷ bị cho là yếu kém của ngành Công Thương Việt Nam đến nay vẫn chưa thể giải quyết.

Ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật là trường hợp thứ hai một ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật trong nhiệm kỳ khóa XII của đảng cộng sản Việt Nam. Trường hợp thứ nhất là ông Đinh La Thăng, hiện đang phải thụ án tù 30 năm.

Vào đầu sang năm, đảng cộng sản Việt Nam tiến hành đại hội khóa XIII. Nhiều nhà quan sát cho rằng thời gian trước đại hội là giai đoạn các phe phái trong đảng ra sức để củng cố thế lực của họ trước đối phương.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/comments-on-measures-to-move-mr-hoang-trung-hai-position-02072020131111.html

 

Nhân viên toà đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

gặp nhà hoạt động Trịnh Bá Phương

để lấy thêm thông tin về vụ Đồng Tâm

Tin từ Hà Nội: Ba nhân viên của Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gặp nhà hoạt động nhân quyền và quyền đất đai Trịnh Bá Phương vào ngày 06/2 để được anh cung cấp thêm thông tin về vụ tấn công xã Đồng Tâm của công an  cộng sản Việt Nam trong ngày 09/1.

Trong buổi gặp gỡ kéo dài 2 giờ tại Hà Nội, bà Michele Roulbet- trưởng bộ phận nội chính phòng chính trị của Toà Đại sứ Hoa Kỳ cùng 2 nhà ngoại giao khác đã được anh Phương tường trình diễn biến vụ thảm sát Đồng Tâm, khi nhà cầm quyền cộng sản ở Ba Đình đã sử dụng hàng ngàn cảnh sát cơ động để tấn công vào tư gia của ông Lê Đình Kình, thủ lãnh tinh thần của Đồng Tâm trong việc giữ đất, và tra tấn rồi giết ông bằng 4 viên đạn. Các thông tin này do chính gia đình ông Kình và nhiều người hàng xóm của ông cung cấp cho anh Phương. Anh Phương đã chuyển thư kêu cứu của bà Dư Thị Thành, là vợ ông Kình và là người chứng kiến chồng mình bị đánh đập bởi công an. Cá nhân bà cũng bị tra tấn và ép cung. Anh đã chuyển lời kêu gọi của dân Đồng Tâm đề nghị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Chính phủ Hoa Kỳ có thể lên tiếng để có một cuộc điều tra độc lập về sự việc đã diễn ra vào ngày 09/1 nhằm thực thi công lý và giải cứu 27 người đang bị bắt với cáo buộc nghiêm trọng giết người mà dường như họ không thực hiện.

Anh Phương cũng cho biết nhiều người dân muốn Đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ được áp dụng trong vụ Đồng Tâm để trừng phạt những cá nhân đã ra lệnh và tổ chức cuộc đàn áp ở Đồng Tâm.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/nhan-vien-toa-dai-su-hoa-ky-tai-viet-nam-gap-nha-hoat-dong-trinh-ba-phuong-de-lay-them-thong-tin-ve-vu-dong-tam/

 

Dân biểu Mỹ yêu cầu Chính phủ Việt Nam

trả tự do cho các tù nhân lương tâm

Tám Dân biểu Mỹ hôm 7/2 đã gửi một bức thư tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền bằng cách trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm bao gồm 12 trường hợp đặc biệt được nêu tên trong bức thư.

Những trường hợp được nêu tên cụ thể trong bức thư bao gồm:

Việt kiều Michael Phuong Minh Nguyen

Lê Đình Lượng

Trần Huỳnh Duy Thức

Việt kiều Australia Châu Văn Khảm

Hoàng Đức Bình

Nguyễn Bắc Truyển

Nguyễn Văn Viễn

Trần Văn Quyền

Nguyễn Văn Hoá

Nguyễn Văn Oai

Hồ Văn Hải

Huỳnh Thị Tố Nga

Theo các Dân biểu Mỹ, những tù nhân lương tâm này đã bị bắt giữ tuỳ tiện, bị truy tố và chịu các án tù nặng nề vì thực hiện các quyền cơ bản là bày tỏ ý kiến.

“Việt tiếp tục cầm tù những người này là sự cản đường tới một mối quan hệ gần hơn giữa Mỹ và Việt Nam”, bức thư có đoạn viết.

Trong bức thư mới, các Dân biểu Mỹ cũng đề cập đến Hiệp định tự do thương mại Việt Nam EU (EVFTA) sắp được Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu vào ngày 11/2 tới.

Theo Ân Xá Quốc Tế, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam vẫn còn giam giữ ít nhất 118 tù nhân lương tâm.

Các Dân biểu nhắc lại một bức thư chung của các tổ chức phi chính phủ, Dân biểu Châu Âu hồi tháng 11 năm ngoái đã thúc giục Châu Âu hoãn việc đồng ý thông qua EVFTA cho đến khi có những cải thiện đáng kể trong tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Tám Dân biểu Mỹ đồng ký tên bức thư gửi Chính phủ Việt Nam bao gồm: Alan Lowenthal, J. Lúi Correa, Zoe Lofgren, Harley Rouda, Katie Porter, Steve Cohen, Gilbert Cisneros, Ro Khanna.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-congressmen-urge-vn-release-prisoners-of-conscience-02082020100727.html

 

Đồng Tâm: ‘Hiến pháp, pháp luật’

bị ‘tạm ngưng công tác’!

Trân Văn

Những thông tin mới về số lượng và gia cảnh những người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội bị công an bắt giữ trong cuộc đột kích vào thôn Hoành lúc rạng sáng ngày 9 tháng 1, khắc họa thêm sự thật phũ phàng về “pháp chế xã hội chủ nghĩa” tại Việt Nam.

Bốn tuần sau khi Công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố vụ án “giết người, tàng trữ – sử dụng vũ khí trái phép, chống người thi hành công vụ” xảy ra hồi thượng tuần tháng trước ở thôn Hoành, qua danh sách do ông Mạc Văn Trang – một nhà giáo nghỉ hưu – lập và công bố, người ta mới biết có tới 26 người bị bắt (1).

Trước đó, lực lượng bảo vệ – thi hành pháp luật chỉ loan báo đã khởi tố vụ án để điều tra về việc “một số người chống đối làm ba cảnh sát hy sinh” (2).

Thiên hạ đã thảo luận rất nhiều về những dấu hiệu vi phạm Hiến pháp, pháp luật trong việc công an tổ chức đột kích vào thôn Hoành, bao vây – cô lập khu vực này, phong tỏa tài khoản của những người được nhiều người tín nhiệm nên nhờ nhận tiền, giúp đỡ gia đình những người chẳng may lâm nạn.

Những thông tin mới về số lượng và gia cảnh những người đang bị tạm giam lại bày thêm nhiều vấn đề khác cho thấy cam kết “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” là trò hề. Khi cần, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam sẽ được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cho tạm nghỉ vô thời hạn. Chẳng hạn:

Luật Tố tụng Hình sự của Cộng hòa XHCN khẳng định, bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp phải có biên bản (Điều 115), phải thông báo cho thân nhân người bị bắt giữ (Điều 116), tuy nhiên đến nay, thân nhân của những người bị bắt giữ trong cuộc đột kích vào thôn Hoành, không biết người thân của họ bị tạm giữ rồi tạm giam để điều tra vì những cáo buộc nào: Những ai bị cáo buộc “giết người”? Những ai “tàng trữ – sử dụng vũ khí trái phép”? Những ai “chống người thi hành công vụ”? Những ai bị cáo buộc phạm hai, thậm chí phạm cả ba tội? Phải chăng cố tình lập lờ trong xác định cáo buộc đối với từng cá nhân là để không thực hiện những qui định khác?

Điều 119 của Luật Tố tụng Hình sự cấm tạm giam phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, già yếu hoặc bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng. Không bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. Không tiếp tục phạm tội. Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án. Đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này. không phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia và không gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Trong số 26 người đã bị bắt và đang bị giam, nếu chỉ bị cáo buộc “tàng trữ – sử dụng vũ khí trái phép” hoặc “chống người thi hành công vụ” thì ít nhất có bà Trần Thị Phương, ông Bùi Viết Hiệu thuộc diện không cần tạm giam. Bà Phương đang nuôi con mới 18 tháng tuổi và chồng bà – ông Bùi Văn Tiến – cũng bị bắt. Ông Hiệu đã 74 tuổi! Tương tự, sẽ còn nhiều bị can khác hội đủ tiêu chuẩn “bảo lãnh” – một hình thức ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam – theo điều 121 Luật Tố tụng Hình sự và vì con cái của họ không có ai chăm sóc như bà Trần Thị La, ông Nguyễn Văn Quân, vợ chồng Nguyễn Quốc Tuấn – Đào Thị Kim,… chính công an, Viện Kiểm sát phải hướng dẫn gia đình họ…

***

Làm sao có thể tin hệ thống bảo vệ – thi hành pháp luật tại Việt Nam nói riêng tôn trọng hiến pháp và pháp luật, khi Điều 31 của Hiến pháp hiện hành minh định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và Điều 20 khẳng định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhưng công an vẫn thản nhiên ghi hình, giao cho hệ thống truyền hình quốc gia tán phát rộng rãi lời thú tội của một số cá nhân chỉ mới là bị can trong vụ án “giết người, tàng trữ – sử dụng vũ khí trái phép, chống người thi hành công vụ” xảy ra ở thôn Hoành?

Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam im lặng khi hệ thống bảo vệ – thi hành pháp luật tại Việt Nam công khai vi hiến và vi phạm hàng loạt qui định pháp luật về hình sự như thế? Nếu thỉnh thoảng, thấy cần bịt miệng dư luận, hệ thống bảo vệ – thi hành pháp luật tại Việt Nam lại sử “quái chiêu” ấy thì hệ thống nào sẽ đứng ra thực thi mục tiêu “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” của Luật Tố tụng Hình sự? Chẳng lẽ chỉ cần viện dẫn cái gọi là “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước” thì có thể cho Hiến pháp và pháp luật… “tạm ngưng công tác”?

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/permalink.php?id=100013518285955&story_fbid=896986987428569

(2) https://news.zing.vn/khoi-to-vu-an-khien-3-canh-sat-hy-sinh-o-dong-tam-post1032989.html

https://www.voatiengviet.com/a/dong-tam-hien-phap-phap-luat-cong-tac/5278688.html

 

Virus Corona Vũ Hán

Dân Việt Nam trở về từ Trung Cộng

bị nhốt như tạm giam không có nhà vệ sinh

Tin Vietnam.- Ngày 4 tháng 2 năm 2020, trên facebook mang tên Duy Tran đã loan tải một đoạn video dài hơn 2 phút, quay lại cảnh những người dân Việt Nam đi làm thuê, và những người đi du lịch ở Trung Cộng trở về nước bị nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Quảng Ninh giữ lại, để “cách ly” trong một dãy nhà giống nhà hoang, và bên ngoài có sự canh gác của công an.

Hình ảnh trong video cho thấy, những người dân bị “cách ly” phải ở trong những căn phòng chật chội có diện tích khoảng hơn 10 m2, nhưng chỉ có 1 chiếc giường nhỏ nên nhiều người phải nằm dưới đất với tấm nệm mỏng. Bên trong mỗi phòng có khoảng gần chục người đang ngồi chung trong một tấm nệm mỏng. Một nhân vật trong đoạn video cho biết, họ như đang phải sống trong trại tị nạn, không có bác sĩ, hay các dịch vụ y tế. Ngay đến chỗ đi vệ sinh cũng không có, họ phải đi giải quyết nhu cầu tối thiểu này ở ngoài bãi đất trống nơi người dân trong vùng chăn thả trâu bò. Cách hành xử này của nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Quảng Ninh khiến nhiều người bất mãn, cho rằng không biết nhà cầm quyền cách ly để cho người dân đỡ bị bệnh hay để cho họ lây bệnh thêm.

Trái ngược hoàn toàn với cách đối xử này, trước đó nhà cầm quyền Việt Nam đã tuyên bố những người dân Trung Cộng sang Việt Nam trong mùa dịch coronavirus sẽ được nhà cầm quyền bố trí các khách sạn cho ở, và nuôi ăn miễn phí trong vòng 14 ngày. Nhà cầm quyền sẽ vận động chủ các khách sạn để cho họ ở không. Sự việc trên đã bị cộng đồng mạng Việt Nam chỉ trích liên tục mấy ngày nay.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/dan-viet-nam-tro-ve-tu-trung-cong-bi-nhot-nhu-tam-giam-khong-co-nha-ve-sinh/

 

Hà Nội: Đã tìm thấy

người trong diện cách ly không rõ tung tích

Trúc Bạch

Theo lãnh đạo quận Hà Đông (Hà Nội), đến ngày 8/2, đã tìm thấy trường hợp cuối phải cách ly theo dõi để phòng chống dịch corona.

Báo Tiền Phong chiều 8/2 dẫn lời đại diện lãnh đạo quận Hà Đông cho biết, đây là trường hợp ở phường Mộ Lao và đi từ Trung Quốc về. Đối tượng này không đi lang thang ở đâu và không bị nhầm gì. Theo báo cáo của đơn vị chức năng, việc chưa tìm thấy người là do người này có 2 căn hộ khác tầng nhau ở cùng khu chung cư.

“Khi lực lượng chức năng đến thực hiện quyết định cách ly tại nhà thì người này ở căn hộ kia và lúc đến căn bên đó thì họ lại trở về căn bên này. Tuy nhiên, đến hôm nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy người này”, vị lãnh đạo này nói.

Trước đó, trong báo cáo ngày 6/2, quận Hà Đông xác định trên địa bàn có 22 trường hợp phải tiến hành theo dõi, giám sát cách ly về y tế tại nhà trong vòng 14 ngày do đi từ vùng dịch trở về. Tuy nhiên, đến ngày 7/2, chỉ có 21/22 trường hợp thực hiện việc giám sát, cách ly, còn 1 trường hợp chưa được tìm thấy.

Theo Zing, tại buổi làm việc trực tuyến với các sở, ngành địa phương về công tác phòng chống dịch nCoV chiều 7/2, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hiện nay trên toàn địa bàn thành phố có khoảng 800 người thuộc diện phải giám sát.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết về tình hình cung ứng khẩu trang, hiện nay có 12 nước với trên 50 doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu màng lọc, kháng khuẩn cũng như than hoạt tính cho Việt Nam để sản xuất khẩu trang cũng như nước sát khuẩn.

Theo ông Đỗ Thái Sơn, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh thủ đô, đơn vị đã chuẩn bị 2 khu vực sẵn sàng tiếp nhận công dân Việt Nam từ các vùng dịch về. Tổng cộng ở 2 khu vực này có thể kê được 1.000 giường bệnh, đơn vị cũng đã chuẩn bị đủ các vật dụng cần thiết như chăn, màn tuyn, phun tẩy khử trung trong và ngoài doanh trại…

https://www.dkn.tv/thoi-su/ha-noi-da-tim-thay-nguoi-trong-dien-cach-ly-khong-ro-tung-tich.html

 

Cảnh báo hiện tượng thu gom khẩu trang y tế

đã dùng rồi bán lại

Minh Quân

Lợi dụng tình hình khan hiếm của khẩu trang y tế dùng một lần, đang có dấu hiệu thu gom chúng và bán lại, gây nguy hiểm cho người dùng.

Tờ VnExpress cho hay, thực tế này được ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ứng phó dịch nCoV của Bộ Công Thương, chiều 7/2.

Theo ông Linh, khẩu trang y tế loại sử dụng một lần, sau khi đeo sẽ được vứt bỏ. Nhưng thực tế quản lý thị trường thấy có hiện tượng thu gom để bán lại. “Điều này rất nguy hiểm vì không đảm bảo an toàn với sức khoẻ người sử dụng”.

Trường hợp này được phát hiện ở Hà Nội, dù số lượng không quá lớn nhưng vì tính chất nghiêm trọng nên đang phối hợp với công an điều tra làm rõ.

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường cho biết, hơn một tuần kiểm tra đã xử phạt 3.000 vụ việc thổi giá bán khẩu trang y tế, nước sát khuẩn. Lượng khẩu trang được thu giữ, nếu đủ chất lượng và có hóa đơn, nhãn hàng hóa rõ ràng sẽ được đưa vào lưu thông.

Cũng trong cuộc họp, theo chia sẻ của ông Đặng Hoàng An – thứ trưởng Bộ Công thương được báo Tuổi trẻ đăng tải, Bộ đã gửi văn bản liên hệ các nhà sản xuất khẩu trang y tế tăng cường sản xuất, chỉ đạo hệ thống thương vụ tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang và hiện đã gửi thông tin tới 50 nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế trên thế giới để tăng cung ứng.

Danh mục miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang cũng đang được xây dựng và sớm được ban hành.

Tính đến sáng 8/2, số người chết do bệnh viêm phổi cấp từ virus corona (nCoV) lên đến 720 trong khi số người nhiễm bệnh tăng lên hơn 34.000 ca.

Ngoài Trung Quốc, 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có người bị nhiễm virus corona mới. Tại Việt Nam, tối ngày 7/2, Bộ Y tế công bố ca thứ 13 dương tính với chủng virus corona mới, tiếp tục là 1 trong nhóm 8 công nhân trở về từ TP. Vũ Hán.

Bộ Y tế khuyến cáo chỉ 3 trường hợp này mới nên đeo khẩu trang y tế

Theo tin nhắn được gửi đến người dân vào ngày 6/2, Bộ Y tế khuyến cáo chỉ nên đeo khẩu trang y tế trong 3 trường hợp:

“1/Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus Corona. 2/Khi chăm sóc hoặc tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi… 3/Khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh”.

Ngoài ra, người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí, và có thể tạo cảm giác yên tâm “ảo”, khiến bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như: rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng.

https://www.dkn.tv/thoi-su/canh-bao-hien-tuong-thu-gom-khau-trang-y-te-da-dung-roi-ban-lai.html

 

Tặng trung cộng 600,000 Mỹ kim để đối phó

với coronavirus, cộng sản Ba Đình không được

Bắc Kinh cảm ơn

Twitter của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Cộng để cảm ơn Unicef và 21 quốc gia nhưng không có tên Việt Nam

Tin từ Bắc Kinh: Trung Cộng không cảm ơn nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về hỗ trợ phòng chống bệnh dịch gây ra bởi coronavirus cho dù Hà Nội đã ủng hộ tài chính và hàng hoá trị giá hơn 600,000 Mỹ kim.

Theo Twitter của phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Cộng đăng tải ngày 05/2, Bắc Kinh cảm ơn Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (Unicef) và 21 quốc gia đã cung cấp hỗ trợ cho Trung Cộng để đối phó với dịch viêm phổi cấp đang hoành hành tại quốc gia hơn 1.4 tỷ dân.

Tuần trước, nhà cầm quyền ở Hà Nội đã thông báo gói hỗ trợ trị giá 500,000 Mỹ kim trong khi Hội Hồng Thập Tự Việt Nam cũng vận động được tiền và hàng hoá trị giá 100,000 Mỹ kim cho Bắc Kinh. Đó là chưa kể nhiều tỉnh biên giới phía Bắc cũng bị yêu cầu hỗ trợ các tỉnh lân cận của Trung Cộng. Tuy vậy, Việt Nam không có tên trong số 21 quốc gia mà Trung Cộng cảm ơn.

Hiện chưa có giải thích gì từ phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Một số Facebooker dự đoán số tiền và hàng hoá mà phía Việt Nam muốn ủng hộ Trung Cộng vẫn chưa được chuyển cho phía bên nhận, số khác thì cho rằng Trung Cộng có ý coi thường Việt Nam và không thèm nhắc tên cho dù đã nhận được gói hỗ trợ.

Nhiều thông tin cho thấy nhà cầm quyền cộng sản Ba Đình cố gắng làm đẹp lòng Bắc Kinh như thu gom khẩu trang y tế để tặng và xuất sang Trung Cộng trong khi người dân Việt Nam không có đủ khẩu trang để sử dụng.

Thêm nữa, người Hoa Lục sang Việt Nam được đưa vào khách sạn để cách ly trong vòng 14 ngày với mọi chi phí được phía Việt Nam chi trả, trong khi hàng trăm người Việt được đưa từ vùng dịch ở Trung Cộng về thì bị xếp vào khu vực cách ly với điều kiện sống tồi tàn và chật chội.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/tang-trung-cong-600000-my-kim-de-doi-pho-voi-coronavirus-cong-san-ba-dinh-khong-duoc-bac-kinh-cam-on/

 

Sao Việt Nam vẫn chưa di tản công dân,

chưa đóng cửa biên giới dù dịch lan rộng?

Chưa di tản công dân Việt tại Vũ Hán về!

Các quan chức Việt Nam trong những ngày qua nhiều lần nhắc đến việc sẽ di tản công dân Việt còn ở Vũ Hán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Chính phủ ngày 4/2 cho biết, máy bay chở hàng hóa đến Vũ Hán giúp người dân Trung Quốc chống nCoV, sau đó sẽ đưa công dân Việt Nam về nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho báo chí biết, hiện ở Vũ Hán, có 24 công dân Việt Nam, trong đó 19 người muốn trở về Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 6/2 cho báo chí biết, tính đến ngày 6/2 đã có 29 công dân Việt Nam tại tỉnh Hồ Bắc bày tỏ nguyện vọng về nước. Bà Hằng cho biết thêm, Bộ Ngoại giao đang chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, sẵn sàng đưa công dân Việt Nam ở vùng có dịch về nước khi cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và nước sở tại, trên cơ sở nguyện vọng công dân.

Ngay từ ban đầu, các nước như Mỹ, Canada… đều có kế hoạch sơ tán công dân… trong khi Việt Nam thì thuận lợi hơn, biên giới thì gần, nhiều phương tiện giao thông, nếu mà làm thì rất đơn giản. Nhưng đến nay thì chỉ là tuyên bố mà chưa có một động thái nào?

-Nhà báo Ngô Nhật Đăng

Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có chuyến bay nào được chính phủ Việt Nam tổ chức để đưa công dân Việt Nam kẹt ở Trung Quốc về nước. Trong khi đó hàng loạt quốc gia muốn nhanh chóng đưa kiều dân thoát khỏi vùng tâm dịch, Mỹ và Nhật là hai nước đầu tiên đưa công dân rời tâm dịch Vũ Hán từ ngày 29/01/2020. Sau đó Hàn Quốc, Úc và một số nước châu Âu cũng đã tổ chức đưa công dân của mình hồi hương. Đến nay đã có rất nhiều quốc gia hành động tương tự.

Trả lời RFA hôm 7/2 liên quan vấn đề này, Nhà báo Ngô Nhật Đăng, nhận định:

“Khi có các thảm họa xảy ra ngoài lãnh thổ của mình thì chúng ta đều thấy các chính phủ có trách nhiệm với công dân thì việc đầu tiên là lo cho sự an toàn của công dân mình. Việt Nam thì có du học sinh, công nhân ở Trung Quốc rất nhiều, đặc biệt là Vũ Hán, tôi cũng quen một số bạn là sinh viên du học ở Vũ Hán. Ngay từ ban đầu, các nước như Mỹ, Canada… đều có kế hoạch sơ tán công dân… trong khi Việt Nam thì thuận lợi hơn, biên giới thì gần, nhiều phương tiện giao thông, nếu mà làm thì rất đơn giản. Nhưng đến nay thì chỉ là tuyên bố mà chưa có một động thái nào?

Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, chúng ta phải đặt câu hỏi, chính phủ Việt Nam có trách nhiệm như thế nào với công dân? Nhất là đối với thân nhân của những người Việt đang ở Vũ Hán.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam đã liên lạc được với hơn 400 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch ở Trung Quốc tình hình sức khoẻ của các công dân này đang ổn định. Tuy theo một số nguồn thông tin khác, số người Việt Nam ở Trung Quốc hiện nhiều hơn con số 400 người rất nhiều.

Facebooker ‘Gà Đồi Văn Duy’, một sinh viên Việt Nam hiện vẫn đang ở tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, anh cũng là người đưa nhiều video ở Vũ Hán sau khi bị phong tỏa vì đại dịch lên mạng xã hội, hôm 7/2/2020 có trao đổi với RFA qua tin nhắn cho biết anh vẫn khỏe mạnh và bình an. Khi được hỏi về nguyện vọng được sơ tán về Việt Nam của anh và những người Việt khác ở Vũ Hán, anh trả lời như sau:

“Vâng cảm ơn phóng viên ạ, mình ở Vũ Hán… Cái này không được ạ. Vì là vấn đề của mỗi cá nhân. Mình cũng không nắm được… Cảm ơn Bác đã quan tâm. Em xin phép không trả lời được không ạ. Mong anh thông cảm.”

Biên giới vẫn mở khi dịch tiếp tục lây lan!

Không chỉ vấn đề sơ tán công dân Việt Nam ở Trung Quốc bị cho là chậm trễ, việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc cũng được nêu lên vì Việt Nam có đường biên dài với Trung Quốc, nơi phát tán dịch virus corona. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương.(!?)

Nhà báo Ngô Nhật Đăng nói thêm:

Khi có thông tin Vietjet có 4 chuyến bay chở người TQ về Vũ Hán rồi bay về không… vậy tại sao không chở người Việt về. Vì vậy tôi nghĩ đây hoàn toàn là về mặt chính trị.

-Nhà báo Ngô Nhật Đăng

“Chưa nói về mặt sơ tán, việc đóng biên giới cửa khẩu cũng chậm trễ, nhiều người đưa lý do về mặt kinh tế. Không sơ tán vì lý do kinh tế thì tôi thấy so với tiềm lực không có gì đáng kể để tổ chức các chuyến máy bay các thứ, thậm chí người nhà cũng có thể bỏ tiền mua vé. Tôi nghĩ, vấn đề không phải là kinh tế hay tổ chức. Vấn đề thứ hai là khi có thông tin Vietjet có 4 chuyến bay chở người TQ về Vũ Hán rồi bay về không… vậy tại sao không chở người Việt về. Vì vậy tôi nghĩ đây hoàn toàn là về mặt chính trị.”

Theo thông báo của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến khuya ngày 7/2, Việt Nam đã có 13 bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán do virus corona, 8 người trong đó ở Vĩnh Phúc, 1 ở Khánh Hòa (đã ra viện), 1 ở Thanh Hóa (đã ra viện), 3 ở TP.HCM (1 đã ra viện).

Ca nhiễm bệnh mới nhất là bệnh nhân N.T.N., 29 tuổi, sống tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, là 1 trong 8 công nhân đi tập huấn tại Vũ Hán và về nước ngày 17-1.

RFA hôm 7/2/2020 liên lạc ông Đoàn Thanh Bình, Chánh văn phòng Sở y tế Vĩnh Phúc, để tìm hiểu về việc này và được ông cho biết như sau:

“Quy mô chống dịch thì tùy thuộc vào số lượng bệnh nhân, mình xây dựng kịch bản theo quy định của Bộ y tế, quy mô đến mức nào thì mình kích hoạt đến mức đấy, công tác thì mình đã chuẩn bị sẵn sàng, có khoảng 700 đến 1.000 giường bệnh. Số ca nhiễm virus corona trên cả nước thì có 12 ca, riêng tại Vĩnh Phúc thì có 8 ca nhiễm bệnh. Trong 8 ca này thì có 5 ca quản lý tại Trung ương, còn 3 ca thì đang quản lý điều trị ở Vĩnh Phúc, cơ bản những ca này cũng ổn định. Về nghi nhiễm thì đang quản lý diện ‘tiếp xúc gần’ thì có hơn 100 ca quản lý ở nhà và hơn 30 ca quản lý ở bệnh viện.”

Chánh văn phòng Sở y tế Vĩnh Phúc cho biết thêm thông tin về các trường hợp nhiễm virus corona tại tỉnh Vĩnh Phúc:

“Những người này thuộc đoàn người Việt ở Vũ Hán, đoàn đi công tác, học tập ở Vũ Hán của một công ty ở Vĩnh Phúc, họ đi công tác ở Vũ Hán 2 tháng. Đoàn này có 8 người thôi, đã về hết Việt Nam, không còn kẹt ở Vũ Hán, đó là đoàn thuộc tỉnh này, còn những người đi cùng chuyến bay với 8 người này thì mình không nắm được. Bởi vì anh em chủ yếu tập trung phòng chống dịch, rà soát người thôi, còn những người ra vào thì tỉnh cũng đang cố gắn quản lý thật chặt số lượng này.”

Dịch bệnh do virus corona nCoV là một trong những quan tâm của nhiều người dân trong nước. Dân chúng nghe thông tin từ truyền thông, lo áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho bản thân và gia đình. Và họ trông chờ cơ quan chức năng, chính phủ có những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu đến mức thấp nhất mọi lây lan trong cộng đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/wWhy-has-vn-not-evacuated-citizens-in-wuhan-02072020121418.html