Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tuyên bố ra mắt Liên minh Tự do Tôn giáo Quốc tế
Quý Khải | Theo The Epoch Times
“Bảo vệ quyền được sống theo lương tâm của tất cả mọi người là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ hiện nay”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Trên thực tế, Liên minh IRF đã được xúc tiến thành lập từ lâu. Ông Pompeo đã đề cập đến việc thành lập liên minh này lần đầu tiên trong Hội nghị cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo vào tháng 7/2019. Tổng thống Donald Trump cũng đã đề cập đến nó trong một sự kiện được ông tổ chức vào tháng 9/2019 tại Liên Hợp Quốc về quyền tự do tôn giáo.
Liên minh bao gồm các quốc gia cam kết bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn cầu. Các hành động được liên minh này tiến hành có tác dụng bổ sung cho các công tác hiện tại của Liên Hợp Quốc và các tổ chức đa phương khác.
Hiện tại, có 27 quốc gia đã tham gia Liên minh, bao gồm Albania, Úc, Bosnia và Herzegovina, Brazil, Bulgaria, Colombia, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Gambia, Georgia, Hy Lạp, Hungary, Israel, Kosovo, Latvia, Litva, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Sénégal, Slovakia, Slovenia, Togo, Ukraine và Vương quốc Anh.
Các quốc gia thành viên đã cam kết duy trì Tuyên bố Nguyên tắc của liên minh, được đặt cơ sở dựa trên Tuyên ngôn Nhân quyền.
Tuyên bố nêu rõ các cam kết khác nhau mà các quốc gia tham gia được yêu cầu duy trì, ví như “cam kết thúc đẩy [Tự do tín ngưỡng tôn giáo] dựa trên các nguyên tắc nhân quyền”.
Tuyên bố này cũng bao gồm các “lĩnh vực hành động mang tính ưu tiên”, trong đó bao gồm cách thức phản ứng và hành động để khuyến khích tự do tôn giáo. Các công việc cụ thể bao gồm việc áp đặt các chế tài, ủng hộ các cá nhân bị cầm tù hoặc áp bức vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ, thúc đẩy sự đa dạng và khoan dung, …
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong một cuộc họp báo trước sự kiện ra mắt chính thức:
“Có lẽ mọi người đã nghe chính quyền của tổng thống Trump thảo luận về vấn đề tự do tôn giáo rồi. Chúng tôi xem nó như một nhân tố cơ bản và là thứ mà từ đó chúng ta có thể thực sự kiến tạo và mở rộng ra các quyền con người khác. Nếu chúng ta không có được điều này, các quyền con người khác cũng sẽ dễ dàng bị lung lay. Đây là một trong những điều vô cùng quan trọng”.
Trong buổi ra mắt chính thức, ông Pompeo đã giải thích rằng hơn 8 trên 10 người trên thế giới ngày nay sống ở những nơi mà họ không được phép thực hành đức tin của mình một cách tự do và an toàn. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một nỗ lực ngưng tụ để giải quyết bạo lực ngày càng gia tăng đối với các nhóm tôn giáo, liệt kê các trường hợp khủng bố và bạo lực gần đây đang diễn ra trên toàn cầu.
“Tôi đã gặp người đứng đầu của Giáo hội Chính thống giáo Ukraine, những người đang đấu tranh để có thể thực hành tín ngưỡng một cách tự do và không có sự can thiệp từ chính quyền Nga”, ông nói.
Cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được trích dẫn tại cả cuộc họp báo và buổi ra mắt chính thức như một ví dụ nổi bật về một cuộc đàn áp tôn giáo đang diễn ra hiện nay.
“Chúng tôi lên án luật báng bổ và bội giáo nhằm hình sự hóa các vấn đề thuộc về tâm linh”, ông nói. “Chúng tôi lên án sự thù địch của chính quyền Trung Quốc đối với tất cả các tín ngưỡng. Chúng tôi biết một số trong các bạn đã dũng cảm đẩy lùi áp lực của chính quyền bằng cách đồng ý trở thành một phần của Liên minh này, và chúng tôi cảm ơn các bạn vì điều đó”.
Ông Pompeo cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Belarus và Uzbekistan tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tự do tôn giáo ở nước họ.
Là một phần của buổi ra mắt, ông Pompeo tuyên bố Ba Lan sẽ tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo tiếp theo tại Warsaw, từ ngày 14 – 16/7, trong khi Columbia được chọn để tổ chức hội nghị bộ trưởng tại khu vực đầu tiên ở Nam Mỹ vào tháng 3/2020.