Đọc báo Pháp – 06/02/2020
Virus corona: Trung Quốc
“giam lỏng” dân để ngăn ngừa lây nhiễm
Thu Hằng
Tại Pháp, khủng hoảng niềm tin trong nội bộ đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) giữa một bên là lập pháp và và bên kia là hành pháp ; đảng Dân Chủ Mỹ bị chia rẽ sau kết quả bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Iowa, tổng thống Mỹ đương nhiệm trên thế thượng phong trong cuộc bầu cử tổng thống là chủ đề chính trên các nhật báo Pháp ra ngày 06/02/2020.
Dù không đăng trên trang nhất, nhưng virus corona mới (2019-nCoV) vẫn tiếp tục được các báo đề cập. Cả Le Monde và Les Echos cùng quan tâm đến sự kiện « Các biện pháp giam lỏng được mở rộng ở Trung Quốc », ngoài Vũ Hán, hiện được áp dụng thêm ở ba thành phố ở tỉnh Chiết Giang (phía đông Trung Quốc) để phòng lây nhiễm virus corona mới (2019-nCoV).
Hai nhật báo đưa tin, Hàng Châu (Hangzhou), ở tỉnh Chiết Giang, đang áp dụng biện pháp hạn chế đi lại. Mỗi gia đình chỉ được phép có một người ra khỏi nhà đi chợ hai ngày một lần. Sau Hàng Châu, thêm ba thành phố cũng áp dụng biện pháp « giam lỏng » là Thai Châu (Taizhou), Ôn Châu (Wenzhou) và Ninh Ba (Ningbo). Liệu Thượng Hải, thành phố lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ cách Hàng Châu chưa đầy 200 km, sắp phải chịu những biện pháp tương tự ?
Thị trưởng Ôn Châu, nói rõ : « Người dân không được ra khỏi nhà trong vòng một tuần ». Ôn Châu có hơn 3 triệu dân và có hơn 170.000 người đi làm ở tỉnh Hồ Bắc, vùng dịch virus corona mới và về nhà ăn Tết nguyên đán. Trong số lao động đó, có thể rất nhiều người đã nhiễm virus corona mới và biến thành phố này thành địa phương bị nhiễm nặng nhất ngoài vùng ổ dịch Hồ Bắc.
Một số nhân chứng ở Ôn Châu thuật lại đời thường của họ với nhật báo Le Monde. Joss Van der Broek, một người Hà Lan 49 tuổi, chủ một nhà hàng ở Ôn Châu từ 9 năm nay, cho biết là đã 3 đêm, ông phải ngủ lại nhà hàng ở trung tâm thành phố. Dân làng nơi ông sinh sống, nằm ở ngoại ô, đã đóng mọi ngả đường, chỉ để mở một lối vào duy nhất, được người dân thay nhau canh gác trước rào chắn bằng tre. Họ để ông đi, nhưng cảnh báo « không thể cho ông vào làng ». Trong làng có rất nhiều người già.
Hou Shenglie, một người dân khác sống ở Ôn Châu, cho Le Monde biết cả gia đình ông phải ở trong nhà. Ông được nhiều tờ giấy mầu hồng, kiểu « giấy thông hành », trên đó ghi : « Khu phố Doumen, giấy phép ra ». Giấy này chỉ được sử dụng một lần nên chính quyền địa phương khuyến cáo mỗi gia đình chỉ nên dùng một phiếu hai ngày một lần để đi chợ. Ngoài ra, theo ông Hou, « các biện pháp kiểm tra được thực hiện rất chặt chẽ. Họ đang tách các khu dân cư trong thành phố ».
Ở Hàng Châu, cũng tương tự, người dân nhận được giấy cho phép ra khỏi nhà hai lần mỗi tuần để đi chợ và mỗi nhà chỉ có một người được phép ra. Còn ở Thai Châu, xe mang biển số từ địa phương khác bị cấm vào thành phố, nếu lái xe không có giấy tờ hợp lệ cần thiết. Một số thành phố khác ở tỉnh Chiết Giang, như Thiệu Hưng (Shaoxing) hay Nghĩa Ô (Yiwu), cũng áp dụng những biện pháp tương tự.
Trên mạng xã hội, nếu như một số người dường như chấp nhận bị hạn chế đi lại, một số khác thì lên án những biện pháp kiểu « chuyện đã rồi ». Khác với Vũ Hán, các thành phố ở Chiết Giang không báo trước các biện pháp cách ly. Ví dụ ở Ôn Châu, trong số 46 điểm vào thành phố, chỉ có 9 điểm được mở cửa và bị kiểm soát.
Hàng triệu người lao động, về quê ăn Tết, giờ chờ đèn xanh của chính quyền để trở về nơi làm việc. Chính những đợt di chuyển lớn như thế này khiến giới chuyên gia lo ngại dịch bệnh lan truyền nhanh hơn, đặc biệt trong hệ thống giao thông công cộng ở những thành phố lớn. Để cố hạn chế phần nào khả năng lây lan, kiểm tra thân nhiệt trở thành chuyện bình thường ở mỗi lối vào chung cư hay siêu thị. Nhiều cơ quan hành chính ở Bắc Kinh cho phép công chức « từ nơi khác đến » làm việc tại nhà trong vòng hai tuần.
Le Monde kết luận, ba thành phố ở tỉnh Chiết Giang đang trở thành phòng thí nghiệm cho một Trung Quốc, xây từng bức tường nhỏ ngăn cách, để dựng lên Vạn Lý Trường Thành ngăn dịch. Trong khi chưa dập tắt được dịch, chính phủ Trung Quốc che giấu những lời chỉ trích và mở rộng tuyên truyền. Một chiến dịch được Le Figaro phân tích trong bài : « Virus corona : Tập Cận Bình mạnh tay kiểm duyệt ».
Virus corona : Bao nhiêu ca được chữa khỏi ?
Tính đến ngày 06/02/2020 đã có hơn 28.000 ca nhiễm virus corona mới được xác nhận. Nhưng có bao nhiêu ca được chữa khỏi ? Nhật báo Libération đặt câu hỏi, vốn cho đến nay vẫn ít được đề cập.
Theo kết quả của một nhóm nghiên cứu, thuộc trường Đại học Johns-Hopkins ở Baltimore, Mỹ, có 910 người được chính thức chữa khỏi virus corona mới. Con số này lớn hơn tổng số người chết là 563, tính đến ngày 06/02. Riêng tại Pháp, 6 người nhiễm virus corona mới vẫn chưa được chữa khỏi.
Để có được số liệu trên, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Johns-Hopkins đã dựa vào dữ liệu được 5 tổ chức cung cấp : Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ và DXY (cơ sở dữ liệu của các chuyên gia y tế Trung Quốc).
Theo Tổng Cục Y Tế Pháp (DGS), một người bệnh được coi là được chữa khỏi khi đáp ứng được các « điều kiện khỏi bệnh » do WHO ấn định : sau khi hết triệu chứng, bệnh nhân đó được thử mẫu nước bọt và niêm dịch và phải có kết quả « thử PCR âm tính trong vòng 24 giờ cách biệt ».
Công xưởng thế giới đắp chiếu vì virus corona
Theo nhật báo Le Figaro, về mặt chính thức, hàng trăm nghìn nhà máy ở Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại vào ngày 09/02, hoặc chậm nhất là ngày 13/02 ở tỉnh Hồ Bắc. Thế nhưng, chưa có gì là chắc chắn.
Truyền thông Trung Quốc đồng loạt chỉ trích việc một nhà máy dệt may ở miền nam mở cửa trở lại. Ông chủ nhà máy đang bị tạm giam. Chính quyền trung ương đưa ra chỉ thị rõ ràng : an ninh trước đã, kinh tế tính sau. Hiện chỉ có những nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế và một số nông phẩm được phép hoạt động. Hàng loạt nhà máy gia công cho các tập đoàn quốc tế đành đắp chiếu cho đến khi có lệnh mới. Dịch virus corona đưa ra bằng chứng : Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, cung cấp đến 20% sản lượng thế giới và các nhà máy này cung cấp gần 1/3 GDP của Trung Quốc.
Hệ quả, Foxconn tạm ngừng cung cấp thiết bị cho Apple, các nhà máy của Hyundai ở Hàn Quốc phải ngừng sản xuất vì thiếu thiết bị dây cáp được sản xuất ở Trung Quốc, Tesla phải thông báo hoãn ngày ra mắt mẫu xe điện Model 3 ở Trung Quốc, được dự kiến vào đầu tháng Hai. Văn phòng IHS Markit thẩm định virus corona có thể sẽ làm giảm 1,7 triệu xe được sản xuất trong năm 2020.
Những lĩnh vực khác như dệt may, điện thoại di động, đồ gia dụng… đều gặp vấn đề với các nhà cung cấp Trung Quốc vì dịch virus corona. Đối với một số tập đoàn lớn, đã đến lúc phải tìm đến giải pháp đa dạng hóa nguồn sản xuất. Xiaomi đã chuyển một phần đơn hàng sang Việt Nam và Thái Lan. Electrolux, phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, đã lập một nhóm nghiên cứu để tìm những nhà cung cấp mới.
Mỹ : Đảng Dân Chủ bị chia rẽ,
tổng thống Trump trên thế thượng phong
Cuộc bầu cử sơ bộ tìm ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ trong đảng Dân Chủ bị chỉ trích vì trục trặc kỹ thuật nên không thể công bố kết quả đúng thời hạn, tiếp theo là Thông điệp Liên bang được tổng thống Trump đọc ở Quốc Hội lưỡng viện được cho như bài diễn văn tái tranh cử, cuối cùng là chủ nhân Nhà Trắng được Thượng Viện xử trắng án trong vụ truất phế tổng thống, được tất cả các nhật báo Pháp đề cập.
Qua tất cả những sự kiện trên trong vòng vài ngày, nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : « Bầu cử tổng thống Mỹ, ai có thể đánh bại được Trump ? ». Trong Thông điệp Liên bang, tổng thống Trump ca ngợi « những kết quả không thể tin được » của chính sách « nước Mỹ vĩ đại trở lại được bắt đầu cách đây 3 năm », cùng với lời hứa « điều tốt đẹp nhất còn sắp tới » như lời khẳng định ông sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2. Bên cạnh đó là hình ảnh một đảng Dân Chủ bị muối mặt, vì trục trặc kỹ thuật ở bang Iowa và « vẫn bị chia rẽ », theo nhận định của La Croix. Tiếp theo là chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi xé bài diễn văn của tổng thống Mỹ, một hành động bị chỉ trích là để thù ghét riêng xen vào chính trị.
Le Figaro nhận định với việc được xử trắng án ở Thượng Viện, « Donald Trump sẵn sàng trả đũa ở phòng phiếu ». Còn Libération đánh giá : « Đảng Dân Chủ sa lầy, Donald Trump phấn khích » cùng với dự đoán « Dù gặp nhiều trở ngại, việc tổng thống Mỹ được tái đắc cử chưa bao giờ lại đáng tin đến như vậy ».
Pháp : Phe đa số cầm quyền gặp khủng hoảng
Như nói ở trên, thời sự Pháp là chủ đề chính của nhiều bài viết. Trước hết là « Cuộc khủng hoảng rõ ràng giữa phe đa số ở Hạ Viện với hành pháp », theo nhận định của nhật báo Le Monde.
Sau khi Hạ Viện, do liên minh của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LRM) cầm quyền chiếm đa số, bác đề xuất tăng ngày nghỉ, từ 5 ngày lên thành 12 ngày, cho cha mẹ có con qua đời, đặc biệt là phát biểu của bộ trưởng Lao Động Muriel Pénicaud, các phe đối lập và dân sự đã lên tiếng chỉ trích nặng nề. Các nghị sĩ phe đa số bị chỉ trích là « Playmobil (nhân vật đồ chơi) vô lương tâm », « những kẻ đần không biết làm việc ».
Sau đó, tổng thống Emmanuel Macron đã « đề nghị chính phủ thể hiện lòng nhân đạo » và bỏ phiếu lại về đề xuất trên. Nhưng chính đề nghị của tổng thống Pháp lại khiến các nghị sĩ có mặt bỏ phiếu hôm 30/01 phẫn nộ và quay sang chỉ trích chính phủ. Một nữ nghị sĩ « cảm nhận được sự chối bỏ từ phía các đồng nhiệm, thậm chí là cảm giác nhục nhã ».
Trong bối cảnh phe đa số cần phải đoàn kết trong hồ sơ cải cách hưu trí, tổng thống Pháp muốn gặp các nghị sĩ LRM và tìm cách lên tinh thần cho họ. Nhưng « làm thế nào Macron thắt chặt lại quan hệ với đa số ? », Le Figaro đặt câu hỏi.
Cảnh sát Pháp tự làm truyền thông
để thay đổi hình ảnh
Liên tục bị lên án bạo lực trong các cuộc biểu tình, một số cảnh sát Pháp đã viết sách và thường xuyên đăng statut trên mạng Twitter để kể lại ngày làm việc, cũng như những khó khăn của họ.
Theo Le Monde, trong bài « Khi cảnh sát mô tả ngày làm việc của họ », đây là cách « cho phép nhân văn hóa công việc của họ ». Tác giả cuốn sách Vis ma vie de flic (tạm dịch : Sống cuộc đời cảnh sát của tôi), kể lại những lần trên thực địa kể từ đầu phong trào Áo Vàng ở Paris ngày 01/12/2018, lấy làm tiếc là trên truyền hình, người ta chỉ thấy những lực lượng tinh nhuệ, cảnh sát điều tra, trong khi « những người mặc trang phục giữ gìn an ninh lại là những người bị quên đầu tiên ». Mathieu Zagrodzki, một nhà nghiên cứu thuộc trung tâm Cesdip, nhận định : « Rất nhiều cảnh sát đã đăng bài trên mạng xã hội từ nhiều năm qua, nhưng việc họ cùng nhau viết một cuốn sách là điều gì đó rất mới ».
Nhật báo La Croix, cũng quan tâm đến chủ đề này, nhận định : Trên mạng xã hội, rất nhiều cảnh sát có vài nghìn người theo và họ không che giấu mong muốn « thay đổi hình ảnh về cảnh sát ». Dù không phản đối nhưng Cơ quan Cảnh sát Quốc gia chú ý theo dõi mong muốn được tự do bày tỏ quan điểm của cảnh sát, vì cần phải « tôn trọng chặt chẽ quy định đạo đức nghề nghiệp, với tư cách là cảnh sát… cũng như với tư cách là công dân. Nếu lời bình luận mang tính tích cực, điều đó không gây vấn đề gì ».
Tin tổng hợp
(AFP) – Donald Trump tái khẳng định muốn rút quân ra khỏi Afghanistan.
Tận dụng buổi đọc Thông điệp Liên bang lần thứ ba ngày 05/02/2020 trước Lưỡng Viện, tổng thống Trump một mặt khen ngợi tiến trình hiện đại hóa quân đội đang diễn ra, mặt khác nhắc lại lời hứa tranh cử : Rút quân tại Afghanistan. Chủ nhân Nhà Trắng cho rằng giữ gìn an ninh cho Afghanistan không phải là vai trò của Mỹ. Ông khẳng định sẽ tìm cách chấm dứt các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Trung Đông.
(Reuters) – Bắc Kinh giảm một nửa mức thuế đánh thêm đối với một số sản phẩm của Mỹ.
Theo thông báo của chính quyền Trung Quốc ngày 06/02/2020, tổng cộng có 1.700 loại sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ sẽ được hưởng mức giảm này. Quy định mới trên hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ thỏa thuận thương mại « giai đoạn 1 » được ký kết trong tháng Giêng với Washington.
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên không dự Hội nghị An ninh Munich.
Thứ trưởng Ngoại Giao Kim Son-gyong sẽ không đến dự Hội nghị An ninh Munich, dự kiến diễn ra tại Đức từ ngày 14-16/02/2020. Truyền thông Hàn Quốc giải thích lý do vắng mặt rất có thể là do phải tập trung đối phó với dịch virus corona đang lan rộng nhanh chóng.
(AFP) – Pháp giám sát chặt chẽ « virus ở cà chua ».
Bộ Nông Nghiệp Pháp ngày 06/02/2020 tăng cường các biện pháp giám sát loại virus mang tên « Le Tomato Brown rugose fruit virus » (ToBRFV), một loại virus nguy hiểm cho các vườn trồng rau, đặc biệt là cho cà chua. Theo cảnh báo của Cơ quan An toàn Thực phẩm hôm thứ Ba 04/02, loại virus này có khả năng phá hủy 100% mùa màng của các nhà nông. Chúng có thể lan truyền dễ dàng qua hạt giống, các loại cây trồng, trái cây và có thể tồn tại lâu trong không khí.
(ABC) – Hun Sen thăm Trung Quốc trong cơn dịch siêu vi Corona :
Theo truyền hình Trung Quốc, thủ tướng Cam Bốt đến Bắc Kinh vào hôm qua 05/02/2012. Trong dịp này, hai bên đã ký nhiều thỏa thuận. Báo chí Úc nghi ngờ trong số đó có một thỏa thuận quân sự liên quan đến hải cảng ở Sihanoukville. Thủ tướng Cam Bốt là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc từ khi nổ ra dịch viêm phổi Corona chủng mới, một hành động được hai bên mô tả là « biểu dương tình thân hữu ».
(AFP) – Mekong : Thái Lan bác dự án Trung Quốc nạo vét dòng sông Cửu Long.
Chính phủ Thái lan thông báo « đồng ý ngưng dự án » nạo vét khoảng 100 km của sông Mekong với lý do là phía Trung Quốc không cung cấp kế hoạch chi phí điều nghiên lại các công trình phải thực hiện. Từ lâu nay, Bắc Kinh muốn phá ghềnh, nạo khúc sông phía bờ Thái Lan để các tàu lớn, kể cả tàu chiến có thể lưu thông từ Vân Nam, ngang qua Việt Nam ra cửa biển Đông. Giới bảo vệ môi trường lo ngại tác hại cho sinh thái, kêu gọi Bangkok không nhượng bộ Bắc Kinh. Tổ chức Phi chính phủ Rivers hoan nghênh quyết định « can đảm » của Thái Lan.
(AFP) – Syria : Nhiều sĩ quan Nga tử trận.
Thông báo của bộ Ngoại Giao Nga ngày 06/02/2020 không nói rõ chi tiết nhưng cho biết « một số chuyên gia quân sự Nga và Thổ Nhĩ Kỳ » đã chết một cách thảm thương trong thời gian gần đây tại Syria. Về thiệt hại của quân đội và thường dân Syria, báo cáo Nga đưa ra con số « hàng trăm » người chết và bị thương. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi Nga thi hành trách nhiệm, khuyến cáo lực lượng của Damas rút khỏi các địa điểm « quan sát » của Thổ Nhĩ Kỳ, ở Idlib, nếu không Ankara sẽ trả đũa « không nương tay ». Ít nhất 4 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và 13 quân nhân Syria tử trận trong các trận đấu pháo binh.Tình hình Idlib sẽ được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An ngày thứ Năm 06/02.
(AFP) – Libya : Nga ngăn chận một dự thảo nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc.
Phái đoàn Nga yêu cầu bỏ từ « lính đánh thuê » trong dự thảo nghị quyết do Anh Quốc đệ trình Hội Đồng Bảo An lên án các lực lượng ngoại nhập tại Lybia. Đại sứ Nga đòi phải dùng cụm từ « thánh chiến khủng bố ». Trước đó, Mỹ đề nghị lên án đích danh « lính đánh thuê Wagner » tức lực lượng Nga đang giúp tướng Haftar nổi dậy chống Tripoli. Còn Nga thì muốn nghị quyết lên án « thánh chiến khủng bố » tức là chiến binh thánh chiến người Syria theo Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ chính phủ Tripoli.
(RFI) – Venezuela : Lãnh đạo đối lập Juan Guaido hội kiến Donald Trump.
Tổng thống tự phong của Venezuela được tổng thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng ngày thứ Tư vừa qua. Juan Guaido là một trong những khách mời đặc biệt nhân diễn văn liên bang của tổng thống Donald Trump. Đối với lãnh đạo đối lập Venezuela, vinh dự này chứng tỏ vòng vận động quốc tế thành công.
(AFP) – Pháp :những người chống dự án cách hồi hưu tiếp tục xuống đường.
Paris và ở các thành phố lớn đều có hàng ngàn người xuống đường vào trưa nay. Giao thông công cộng không bị ảnh hưởng nhiều nhưng một số hải cảng bị ngưng trệ vì đình công.
(AFP) – Ngoại trưởng Nga đến Cuba, chặng đầu vòng công du ba nước tại Châu Mỹ Latinh.
La Habana là chặng dừng đầu tiên hôm 05/02/2020 ngoại trưởng Lavrov đã viếng mộ cố chủ tịch Fidel Castro tại thành phố Santiago ở phía đông Cuba. Sau đó ông đã có một buổi làm việc với đồng nhiệm Bruno Rodriguez. Lãnh đạo ngành ngoại giao Nga nhắc lại : “Các biện pháp của Washington trừng phạt La Habana nhằm bóp nghẹt kinh tế Cuba. Hoa Kỳ cố ý vi phạm nhân quyền khi mà các biện pháp trừng phạt đó gây đau khổ cho người dân Cuba (…) nước Nga mạnh mẽ phản đối chính sách này”.
(AFP) – Nữ phi hành gia người Mỹ Christina Koch từ Trạm Không Gian Quốc Tế ISS trở về mặt Đất.
Phi thuyền Souyouz đưa bà và hai đồng nghiệp trở về Trái Đất đã đáp xuống Kazakhstan vào lúc 9g 12 phút sáng ngày 06/02/2020. Sau 328 ngày công tác trên trạm ISS, Christina Koch là phụ nữ giữ kỷ lục công tác dài ngày nhất trên trạm không gian.
(AFP) – Đại biểu Quốc Hội Ukraina đánh nhau vì dự luật cho phép bán đất canh tác.
Quốc Hội Ukraina ngày 06/02/2020 xem xét lần cuối trước khi biểu quyết dự luật cho phép mua bán đất canh tác. Văn bản này gây tranh cãi đến nối các đại biểu đã thực xự xắn tay áo đánh nhau, gây ra cảnh hỗn loạn, dẫm đạp lên lẫn nhau. Hơn một chục đại biểu của đảng đối lập Batkivchtchina bị hành hung, xô đẩy trước thùng phiếu.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200206-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 6/2:
Học giả Trung Quốc chỉ trích lãnh đạo
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (6/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Một học giả nổi tiếng của Trung Quốc, có tên Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), đã xuất bản một bài báo chỉ trích lãnh đạo của đất nước vì coi trọng “sự ổn định” mà không kiểm soát được sự bùng phát của đại dịch virus corona đã lây nhiễm cho gần 25.000 người trên khắp thế giới, theo bản tin hôm thứ Năm (6/2) của SCMP.
Ông Hứa Chương Nhuận, một giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho rằng dịch corona bùng phát là do các nhà lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc, những người đã coi trọng sinh mạng chính trị của họ hơn tính mạng người dân.
Ông Hứa nói: “Đống đổ nát ở Hồ Bắc chỉ là phần nổi của tảng băng trôi và các tỉnh còn lại cũng như thế”. Ông cho rằng việc Bắc Kinh đàn áp các tổ chức xã hội dân sự và tự do ngôn luận đã khiến người dân không thể gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bùng phát của đại dịch virus corona.
Nhà Trắng chào đón
lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido
Nhà Trắng, hôm thứ Tư (5/2), tuyên bố sẽ chào đón lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, đến thăm Tổng thống Trump, Reuters đưa tin.
Trước đó, ông Juan Guaido đã được Nhà Trắng mời tham dự buỗi đọc thông điệp liên bang 2020 của Tổng thống Trump. Trong thông điệp gửi tới người dân Mỹ dịp năm mới, ông Trump đã dành nhiều lời khen ngợi vị lãnh đạo trẻ tuổi của Venezuela.
“Chuyến thăm là một cơ hội để tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ với người dân Venezuela và thảo luận về cách chúng tôi có thể làm việc với Tổng thống Guaido để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang nền dân chủ ở Venezuela, điều sẽ làm chấm dứt cuộc khủng hoảng đang diễn ra [tại nước này]”, tuyên bố của Nhà Trắng viết.
Cập nhật thông tin đại dịch virus corona
Tính đến ngày 6/2, số người chết do bệnh viêm phổi cấp từ virus corona mới đã lên đến con số 565 trong khi số người nhiễm bệnh đã tăng lên 28.261 ca.
Như vậy, chỉ sau 1 ngày, số người tử vong đã tăng 72 trường hợp và thêm gần 4.000 ca nhiễm bệnh mới, theo SCMP. Đồng thời, trên thế giới đã có 1.124 ca phục hồi sức khoẻ sau khi bị nhiễm bệnh.
Tại Trung Quốc, cả số lượng những ca nhiễm mới được xác nhận và các trường hợp nguy kịch đều tăng trong những ngày gần đây.
Trong ngày 4/2, có gần 4.000 ca nhiễm mới trên toàn quốc, bao gồm 3.156 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc. Đây là sự gia tăng so với 3.235 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận một ngày trước đó, trong khi chỉ có 2.829 ca nhiễm mới vào ngày 2/2.
Tổng số, tỉnh này đã có 549 người chết (chiếm 97%) và 19.665 ca nhiễm bệnh (chiếm 71% tổng số). Trong các ca nhiễm mới, 1.766 trường hợp xảy ra tại Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi được cho là khởi nguồn của virus corona với các ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận.
Ủy ban y tế Hồ Bắc nói họ hiện vẫn còn 14.314 người đang được chữa trị với 2.328 ca trong tình trạng nghiêm trọng.
Thổ Nhĩ Kỳ: Máy bay trượt khỏi đường băng,
ba người thiệt mạng
Vào thứ Tư (5/2), một chiếc máy bay của hãng hàng không Pegasus trong khi hạ cánh xuống sân bay Sabiha Gokcen ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đã trượt khỏi đường băng ướt và vỡ thành ba mảnh làm 3 người chết và 179 người khác bị thương, Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, Fahrettin Koca, cho biết thông tin, theo Reuters.
Ông Koca cho biết, ba người đã chết trong bệnh viện sau vụ tai nạn, và 179 trong số 183 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay bị thương.
Thống đốc Istanbul, Ali Yerlikaya, nói rằng chiếc máy bay gặp nạn chở 177 hành khách và 6 người trong phi hành đoàn cất cánh từ tỉnh Izmir phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, bị trượt khỏi đường băng khoảng 50-60 mét. Ông nói thêm rằng những người bị thương đang được điều trị tại 18 bệnh viện trong khu vực.
Mexico: Đồn cảnh sát bị đột nhập,
cảnh sát bị trói, mất nhiều súng
Vào sáng thứ Tư (5/2), hai kẻ có vũ trang đã đột nhập vào một đồn cảnh sát ở Tlalnepantla, Mexico, khống chế và trói một cảnh sát sau đó lấy đi 10 khẩu súng, nhiều laptop và thiết bị liên lạc, theo Fox News.
Chính quyền thành phố Tlalnepantla, cách khoảng 30 dặm về phía bắc so với thủ đô Mexico, trong một tuyên bố đã yêu cầu mở cuộc điều tra về vụ việc này, đề cập tới các tài sản bị cướp đi khỏi đồn cảnh sát nhưng không cho biết cụ thể thông tin về các loại súng bị mất.
Sở cảnh sát Tlalnepantla cũng đã mở một cuộc điều tra để xem có nhân viên nào của mình dính líu vào vụ việc này hay không.
Điểm tin thế giới chiều 6/2:
Virus corona có thể lây
sau khi tiếp xúc gần trong 15 giây
Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (6/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Trang Tri Thức Trẻ dẫn nguồn tin từ Thời báo Hoàn Cầu cho hay, tại quận Giang Bắc, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đã ghi nhận trường hợp một nam bệnh nhân 56 tuổi ngày 4/2 bị xác nhận lây nhiễm virus corona chủng mới (2019-nCov) gây bệnh viêm phổi cấp. Người này đã được điều trị cách ly tại cơ sở y tế chỉ định.
Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, trong vòng 14 này trước khi xác nhận lây nhiễm bệnh nhân trên không có lịch sử cư trú hay di chuyển qua khu vực có dịch, không tiếp xúc với động vật hoang dã, không có liên quan đến các ca bệnh xác nhận lây nhiễm trước đó tại quận Giang Bắc. Người đàn ông được biết chỉ hoạt động quanh khu vực, bao gồm đi tới các siêu thị, nhà hàng,… ở địa bàn.
Tuy nhiên, video giám sát của công an bản địa phát hiện, vào gần 8h sáng ngày 23/1, người đàn ông đã đứng ở khoảng cách gần trong thời gian ngắn – khoảng 15 giây – với một phụ nữ 61 tuổi ở một sạp hàng trong khu chợ địa phương. Người phụ nữ này sau đó cũng bị xác nhận là nhiễm virus corona. Cả hai người đều không đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc.
Thai phụ nhiễm virus corona có thể lây sang con
Báo Tiền Phong dẫn theo Tân Hoa Xã cho hay, thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vừa ghi nhận trường hợp bé sơ sinh đầu tiên nhiễm virus corona ngay sau khi chào đời.
Cụ thể, em bé nói trên sinh ngày 2/2, bởi một thai phụ nhiễm virus corona. Kết quả xét nghiệm 30 giờ sau sinh cho thấy em bé này cũng dương tính với virus gây bệnh viêm phổi chết người. Các chuyên gia y tế cho biết đây có thể là trường hợp lây truyền từ mẹ sang con của chủng virus corona mới.
Em bé hiện có cân nặng 3,25kg, và đang trong tình trạng ổn định. Đây được xác nhận là trường hợp nhiễm virus corona nhỏ tuổi nhất tại Trung Quốc.
7.000 nhân viên y tế Hồng Kông đình công
Trang VnExpress dẫn theo CNN cho hay, khoảng 7.000 nhân viên y tế Hồng Kông tham gia đình công ngày thứ tư liên tiếp để phản đối cách chính quyền đối phó virus corona. Số lượng người tham gia đình công chiếm khoảng 10% nhân viên y tế ở đặc khu.
Hàng nghìn nhân viên y tế tại các bệnh viện công của Hong Kong bắt đầu đình công từ ngày 3/2 nhằm yêu cầu chính quyền đặc khu đóng toàn bộ cửa khẩu với Trung Quốc đại lục nhằm hạn chế chủng virus corona mới (nCoV) gây dịch viêm phổi lây lan.
Những người tham gia đình công cáo buộc chính quyền thành phố hành động không thỏa đáng trước dịch viêm phổi khởi phát từ Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đại lục. Dịch hiện lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trung Quốc sẽ thử nghiệm
thuốc của Mỹ cho bệnh nhân nhiễm virus corona
Việc đăng ký thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc kháng virus Remdesivir đã được phê duyệt và sẽ bắt đầu dùng trong điều trị bệnh nhân viêm phổi do virus corona mới (2019-nCoV) từ tuần sau.
Báo Tuổi Trẻ dẫn theo Tân Hoa xã cho biết các bệnh nhân đầu tiên được điều trị lâm sàng bằng thuốc Remdesivir kể từ ngày 13/2.
Remdesivir là một loại thuốc do Công ty dược phẩm Mỹ Gilead Sciences phát triển. Trước đây Remdesivir là loại thuốc cho thấy khả năng chống virus tốt đối với các loại virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) trong các thí nghiệm trên tế bào và động vật trước đây.
Ông Trump khoe chiến lược
đối phó Trung Quốc phát huy hiệu quả
Trong thông điệp liên bang thứ 3 của mình với chủ đề “Sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại”, ông Trump cũng tái nhắc cam kết của bản thân với các cử tri về việc áp thuế trừng phạt Trung Quốc vì “đánh cắp hàng loạt việc làm của Mỹ”. Lãnh đạo Nhà Trắng khoe chiến lược của ông đã tỏ ra hiệu quả, Vietnamnet dẫn theo BBC cho biết.
“Cách đây nhiều ngày, chúng ta đã ký một thỏa thuận mới, đột phá với Trung Quốc sẽ giúp bảo vệ các công nhân, tài sản trí tuệ của chúng ta, thu về hàng tỷ đô la vào kho bạc của chúng ta và mở ra các thị trường mới rộng lớn cho các sản phẩm được sản xuất và phát triển ngay tại Mỹ. Suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ, nhưng hiện chúng ta đã thay đổi điều đó. Đồng thời, chúng ta có lẽ đang đạt được mối quan hệ tốt nhất từng có với Trung Quốc, bao gồm cả với Chủ tịch Tập Cận Bình… Hiện, chúng ta muốn tái thiết đất nước và đó là những gì chúng ta đang làm”, ông Trump nhấn mạnh.
Australia cùng lúc đối mặt với cháy rừng, lũ lụt và bão
Trong khi cháy rừng vẫn đang hoành hành ở Australia, mưa lớn gây lụt lội đã xảy ra tại nhiều khu vực của nước này ngày 6/2 và khu vực phía Bắc của đất nước chuẩn bị đón một cơn bão nhiệt đới cuối tuần này, theo TTXVN.
Cục khí tượng Australia (BOM) đã đưa ra cảnh báo giông bão lớn ở khu vực Đông Nam bang Queensland, trong khi nhiều khu vực của bang New South Wales đang lụt lội do các trận mưa lớn dự kiến sẽ tiếp diễn trong vài ngày.
Theo chuyên gia khí tượng Mike Funnell thuộc BOM, một luồng không khí nóng mang theo hơi ẩm đang di chuyển về phía Đông và đó là nguyên nhân gây mưa lớn. Dự kiến các luồng không khí nóng ẩm này sẽ nhiều hơn và sẽ có mưa lớn ở bờ biển phía Đông Bắc bang New South Wales và sau đó sẽ di chuyển dần xuống phía Nam.