Tin Việt Nam – 06/02/2020
Tin trong nước
650,000 khách Trung Cộng đến Việt Nam trong tháng 1
Tin Vietnam.- Báo Trithucvn loan tin, dữ kiện của cơ quan Thống kê Cộng sản Việt Nam cho biết, chỉ trong tháng 1 năm 2020, Việt Nam có gần 2 triệu khách quốc tế nhập cảnh vào trong nước, trong đó khách Trung Cộng là 644,700 người, chiếm hơn 32.3%. Với con số này, khách Trung Cộng chiếm số lượng lớn nhất trong số các quốc gia đến Việt Nam vào tháng 1 năm 2020.
Đến nay, đã có bao nhiêu người trong số họ là người dân Vũ Hán, và những người đến từ thành phố có dịch coronavirus vẫn chưa được nhà cầm quyền công bố. Hậu quả là đến nay đã có hơn 300 người Việt
Nam nhập viện cách ly vì nghi nhiễm virus corona, và 10 người dương tính với virus này. Tuy nhiên, đây chỉ là con số do nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đưa ra, còn trên thực tế, nhiều người dân tin rằng số người bị lây nhiễm lớn hơn nhiều so với con số mà nhà cầm quyền thông báo.
Trong một diễn biến khác, báo Viettimes loan tin, phía Trung Cộng đã giao trả 169 công dân Việt Nam có độ tuổi từ 1 đến 45 tuổi về nước qua cửa qua quốc tế tỉnh Lạng Sơn vào ngày 4 tháng 2. Và dự trù, tỉnh này đang chuẩn bị nhận thêm khoảng 1,400 người dân Việt từ Trung Cộng về. Những công dân trên bị nhà cầm quyền Trung Cộng trục xuất, hay họ tự về thì không được tờ báo đề cập đến.
Ngược lại với cách đối xử của Trung Cộng, nhà cầm quyền Việt Nam đã lên tiếng đe doạ, đòi giải quyết những người dân Việt kỳ thị người Trung Cộng, đồng thời sẽ nuôi tất cả những người Trung Cộng muốn sang Việt Nam trong mùa dịch này một cách miễn phí trong khách sạn.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/650000-khach-trung-cong-den-viet-nam-trong-thang-1/
Virus corona – H5N1: Việt Nam cùng lúc
đối mặt với hai cơn khủng hoảng
Tú Anh
Vào lúc dịch viêm phổi chủng mới lan rộng, số người chết ngày càng nhiều thì tại tỉnh Hồ Nam (Hunan), không xa tâm dịch siêu vi corona ở Hồ Bắc (Hubei), dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát. Đề phòng bị ảnh hưởng nặng nề, Việt Nam khẩn cấp ban hành các biện pháp đối phó.
Theo báo Pháp ngữ Le Courrier du Vietnam (thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam), ngày 06/02/2020 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị cho các bộ, cơ quan và các tỉnh thành Việt Nam « hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế » phát hiện và ngăn chận siêu vi H5N1 lây lan trong các loại gia cầm và cho con người trong bối cảnh siêu vi corona từ Trung Quốc truyền đi khắp nơi.
Các biện pháp cụ thể là kiểm soát thị trường, ngăn chận tệ nạn nhập khẩu, buôn bán gia cầm không rõ xuất xứ. Phải chuẩn bị đầy đủ thuốc men và thuốc sát trùng cũng như đánh động công luận về khả năng dịch H5N1 tái phát tại Việt Nam.
Đọc thêm: Virus corona: Việt Nam sẽ bị nặng nhất, sau Trung Quốc ?
Từ ba ngày nay, báo chí Hồng Kông và truyền thông Tây phương cho biết dịch cúm gia cầm H5N1 bộc phát ở Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, nằm cạnh tỉnh Hồ Bắc, nơi phát xuất dịch viêm phổi chủng mới corona. Hơn 4500 con gà đã chết trong một trang trại. Gần 18.000 con khác trong các trại chăn nuôi chung quanh bị tiêu hủy để chận dịch, theo thông báo của bộ Nông Nghiệp Trung Quốc.
Cho đến hôm nay, chưa có trường hợp lây nhiễm sang người nào được ghi nhận tại Thiệu Dương, nhưng từ khi dịch xuất hiện lần đầu vào năm 2003 tại châu Á, ít nhất 455 người tử vong vì H5N1.
Về mặt kinh tế, không kể siêu vi Corona làm đình trệ mọi sinh hoạt, nạn dịch thứ ba này, tức cúm gia cầm xảy ra song song với dịch lợn châu Phi có nguy cơ làm thực phẩm khan hiếm hơn. Giá cả sẽ leo thang tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam.
Tăng cường kiểm tra việc nhập lậu gia cầm
Cục Cảnh sát môi trường ra văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra để nắm tình hình, phát hiện các hoạt động nhập khẩu trái phép các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam, đặc biệt từ Trung Quốc.
Báo trong nước hôm 6/2/2020 trích văn bản nêu rõ “Dịch cúm H5N1 đã phát hiện ở Trung Quốc có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước ta rất cao thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc do giáp biên giới với Trung Quốc”.
Văn bản được gửi tới công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 và các chủng virus cúm gia cầm khác từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cục Cảnh sát môi trường cũng yêu cầu bắt giữ những ai có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới làm lây lan dịch bệnh.
Ngoài việc tăng cường kiểm soát việc nhập lậu, công an các tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu thực hiện việc tuyên truyền cho người dân về nguy cơ lây nhiễm các chủng cúm gia cầm nguy hiểm, đồng thời vận động người dân không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch.
Hôm 4/2/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam gửi công điện khẩn chỉ đạo các tỉnh thành đối mặt với dịch cúm gia cầm A/H5N1 có nguy cơ lây lan từ Trung Quốc sau khi nước này công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 bùng phát ở tỉnh Hồ Nam gần biên giới Việt Nam.
Cúm gia cầm A/H5N1 là căn bệnh về hô hấp ở các loài gia cầm và có khả năng lây nhiễm cho người, loại virus này được phát hiện lần đầu vào năm 1996 tại Trung Quốc.
Vụ Trịnh Xuân Thanh:
Slovakia cho một nhà ngoại giao VN ’48 tiếng’ để về nước
Một cán bộ ngoại giao Việt Nam bị buộc phải rời Slovakia vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức.
Một nhân viên ngoại giao Việt Nam đã trở thành “nhân vật không được hoan nghênh” (persona no grata) và “có 48 giờ” để rời khỏi Slovakia, theo Bộ Ngoại giao Slovakia sau khi có phán quyết của Toà phúc thẩm ở Đức về vụ “bắt cóc” cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh.
Trang Spectator ở Slovakia cho biết Bộ Ngoại giao Slovakia đã trao một văn bản cho Đại sứ Việt Nam tại Slovakia, Dương Trọng Minh về vấn đề này.
Đức ‘điều tra tướng công an VN’
An ninh công an VN: “Thanh bảo kiếm liệu có bị mẻ cùn”?
‘Slovakia đang ở thế khá kẹt với Đức’
Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’
Vụ việc từ 2017 mà ở Việt Nam có người tưởng như đã không còn dư âm gì thì lại đang được hâm nóng lại ở châu Âu.
Theo nhà báo độc lập Lê Mạnh Hùng từ Berlin, thì phía Slovakia chịu sức ép từ Đức, quốc gia chủ chốt của EU ở vùng Trung Âu và Đông Âu.
“Ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin đưa về Việt Nam vào tháng 7 năm 2017, chính phủ Đức bởi tin vào những bằng chứng và sự điều tra nhanh chóng đã có thái độ phản đối quyết liệt, lập tức công bố trục xuất hai nhà ngoại giao của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin về nước và triệu đại sứ Đoàn Xuân Hưng tới chất vấn.
Theo báo Slovakia trích nguồn cơ quan điều tra của Đức thì “Slovakia đã dính líu đến toàn bộ vụ việc, qua cách cung cấp phi cơ của chính quyền cho phía quan chức Việt Nam”,
“Trong các phiên tòa xử nghi can Nguyễn Hải Long tội tham gia vụ bắt cóc, phía Đức đã đi tới kết luận đây là tội phạm mang tính quốc gia và cơ quan trực tiếp chỉ đạo thực hiện vụ này là ở cấp bộ (Bộ Công an Việt Nam). Những người trực tiếp được điều sang Berlin thực hiện vụ bắt cóc là các sĩ quan an ninh của Bộ Công an Việt Nam, mang hộ chiếu ngoại giao của Việt Nam.”
Xin nhắc lại Đức đã không ít lần tạo sức ép muốn Slovakia phải có thái độ trách nhiệm và làm rõ điều này. Thủ tướng Angela Merkel trong một lần tiếp đón thủ tướng Slovakia tại Berlin cũng đã trực tiếp công khai đề nghị như vậy.
Những phản ứng của phía Slovakia ở cấp nhà nước cho đến nay dường như vẫn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ.
Giờ đây sau khi có bản phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao CHLB Đức kết luận về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, có lẽ là thời điểm Slovakia không còn thể làm ngơ trước sự đòi hỏi của phía Đức và sự im lặng từ phía Việt Nam, theo nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin.
Ông Hùng cũng nói:
“Sự xâm phạm thô bạo tới chủ quyền, an ninh và danh dự của Đức, quốc gia đứng đầu khối EU, thể theo luật pháp, văn hóa Đức khó có chuyện dễ dàng cho vào quên lãng bằng thời gian, nhất là một khi quốc gia mắc lỗi đó có vị thế còn khá khiêm tốn trên trường quốc tế như Việt Nam.”
Sự kiện vụ ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại chính trị và báo chí châu Âu xảy ra vào thời điểm Liên hiệp châu Âu chuẩn bị thông qua Hiệp định Thương mại EVFTA với Việt Nam.
Nhiều cách giải thích trái ngược nhau
Hôm 30/1, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf, vào ngày 28/1 đã ra thông cáo với báo giới, khẳng định việc Việt Nam tiếp tục giam giữ ông Trịnh Xuân Thanh, thân chủ của bà là trái luật quốc tế.
Trả lời BBC News Tiếng Việt trong thư điện tử gửi từ Berlin, bà Petra Isabel Schlagenhauf khẳng định rằng, bằng quyết định bác bỏ đơn kháng cáo của ông Nguyễn Hải Long, Tòa án Tối cao liên bang Đức đã xác nhận rằng, việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh – thân chủ của bà – là trái luật pháp quốc tế.
Trao đổi với BBC qua thư điện tử, bà viết:
“Một trong những người tham gia vào vụ bắt cóc khách hàng của tôi [tức Trịnh Xuân Thanh] đã bị bắt ở Prague, bị dẫn độ về Đức. Sau một phiên tòa kéo dài vài tháng, ông ta đã bị Tòa Thượng thẩm ở Berlin (Kammergericht – tòa án cao nhất ở Berlin với trường hợp này) kết án là đã tham gia vào việc bắt cóc và làm việc cho một tổ chức bí mật ở nước ngoài ở Đức và lãnh án 3 năm 10 tháng tù.”
“Với quyết định này, Tòa án Tối cao liên bang Đức đã xác nhận rằng, việc bắt cóc khách hàng của tôi là trái luật pháp quốc tế và việc giam giữ khách hàng của tôi tại Việt Nam, từ quan điểm pháp lý của Đức, là bất hợp pháp.”
“Với quyết định này, việc Việt Nam phải trả tự do cho khách hàng của tôi là điều không còn có gì cần bàn cãi nữa”, thư điện tử của bà Petra Isabel Schlagenhau gửi BBC News Tiếng Việt nhấn mạnh.
Hồi tháng 5/2018, Đại sứ Việt Nam tại Slovakia, ông Dương Trọng Minh, sau khi bị Bộ Ngoại giao nước chủ nhà triệu lên chất vấn, đã nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh chưa từng tới Slovakia, theo trang tin spectator.sme.sk.
Đại sứ Việt Nam nói như vậy với giới chức cao cấp nhất ở Slovakia, theo phía Slovakia nói với báo chí hôm 18/5/2018.
Bộ Ngoại giao Đức từng cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trong lúc đang xin quy chế tị nạn tại Berlin.
Trong khi đó, Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn Bộ Công an Việt Nam là không hề có chuyện bắt cóc ông Thanh từ Đức mà ông Thanh tự ý về đầu thú để mong được hưởng sự khoan hồng.
Thông cáo chính thức, được truyền thông Việt Nam đưa lại viết:
“Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại…Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú.”
Sau đó, ông Thanh liên tiếp bị đưa ra tòa xét xử với các tội danh khác nhau. Trong đó, có 2 án tù chung thân với cáo buộc “cố ý làm trái và tham ô tài sản” khi ông Trịnh Xuân Thành còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam.”
Cho đến nay, vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy mâu thuẫn nội bộ trong hệ thống chính trị Việt Nam, giữa cách xử lý theo các tiêu chuẩn quốc tế, và cách làm việc theo cách đặc thù của nước này.
Hiện tượng đối ngoại lúc tiến, lúc lui bị cho là do xu hướng chuyên chế cỗ hữu tác động, theo một số bình luận.
Ngoài ra, những gì xảy ra sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh “về nước” bị một số ý kiến cho là biểu hiện của nghiệp vụ yếu kém của ngành công an, an ninh Việt Nam, khiến ngoại giao, quốc thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51399335
Virus Corona Vũ Hán
Việt Nam xác nhận thêm
2 ca nhiễm virus Corona ở ổ dịch Vĩnh Phúc
Lúc 19 giờ ngày 6-2-2020, Bộ Y tế xác nhận Việt Nam có thêm 2 trường hợp dương tính với virus nCoV là người nhà của một trong năm công nhân Việt mắc bệnh từ Vũ Hán trở về.
Như vậy cho đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có tổng cộng 8/12 trường hợp nhiễm viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra.
Hai bệnh nhân mới nhất là trường hợp thứ 5 lây từ người sang người ngay tại Việt Nam.
Theo báo Người lao động, bệnh nhân nữ năm nay 49 tuổi, làm ruộng ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bà P là mẹ ruột của bệnh nhân N.T.D được xác định dương tính với nCoV trước đó.
Từ ngày 3-2, bà P xuất hiện triệu chứng ho.
Bệnh nhân thứ hai là N.D, học sinh 16 tuổi, là con của bà P và em của N.T.D. Bệnh nhân có biểu hiện ho nhẹ, mệt mỏi.
N.T.D là 1 trong 5 công nhân dương tính với virus Corona chủng mới sau khi cùng đoàn 8 công nhân thực tập 2 tháng ở Vũ Hán trở về từ ngày 17-1.
Do là người có tiếp xúc gần với bệnh nhân N.T.D., nên hai người đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương đưa vào diện cần giám sát chặt chẽ, theo dõi sức khoẻ tại gia đình và cộng đồng.
Cả hai bệnh nhân này được cho là đều phối hợp rất tốt cơ quan y tế sở thực hiện các biện pháp xử lý dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Ngày 4/2, qua việc giám giám sát và theo dõi sức khoẻ người tiếp xúc gần, cơ quan y tế địa phương phát hiện hai trường hợp này xuất hiện các triệu chứng ho, mệt mỏi.
Cả hai trường hợp này đã được đưa vào cơ sở y tế để cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.
Hiện tại, sức khoẻ của hai bệnh nhân này ổn định. Kết quả xét nghiệm: Mẫu bệnh phẩm của hai bệnh nhân nay dương tính với vi rút nCoV bằng kỹ thuật Realtime RT – PCR. Nơi thực hiện xét nghiệm: Khoa Virut, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
29 công dân Việt Nam ở Hồ Bắc muốn về nước
Tính đến ngày 6/2 đã có 29 công dân Việt Nam tại tỉnh Hồ Bắc bày tỏ nguyện vọng về nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 6/2 cho báo chí biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được yêu cầu từ 29 công dân này.
Bà Hằng cho biết thêm, Bộ Ngoại giao đang chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, sẵn sàng đưa công dân Việt Nam ở vùng có dịch về nước khi cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và nước sở tại, trên cơ sở nguyện vọng công dân.
Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam đã liên lạc được với hơn 400 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch ở Trung Quốc;tình hình sức khoẻ của các công dân này đang ổn định.
Tại buổi họp báo, bà Hằng cũng cho biết, Đại sứ quán Việt Nam đã liên hệ, đề nghị phía Trung Quốc quan tâm chăm sóc và điều trị cho nữ công dân VN Giềng Lý Múi, 30 tuổi, được xác định dương tính với virus corona vào ngày 29/1. Cô đang điều trị ở bệnh viện số 5 ở tỉnh Giang Tây.
Trước đó, trong ngày 5/2, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện ở Vũ Hán, có 24 công dân Việt Nam, trong đó 19 người muốn trở về Việt Nam.
Ông Dũng cho biết, chính phủ sẽ tổ chức đón công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về với điều kiện cách ly tập trung 14 ngày. Theo ông, cách ly tập trung là giải pháp tốt nhất tránh lây lan dịch corona.
Gần 600 công dân VN trở về từ TQ
đang được cách ly tại các doanh trại quân đội
Cục trưởng Quân y, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, cho biết tại cuộc họp Ban chỉ đạo Bộ quốc phòng chống dịch coronavirus (nCoV) rằng các doanh trại quân đội đang cách ly gần 600 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc và các quốc gia có dịch để theo dõi.
Truyền thông trong nước loan tin về cuộc họp diễn ra ngày 6/2 dẫn lời của thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên như vừa nêu.
Cụ thể, ông Kiên cho biết trong số gần 600 thì 302 người đang được cách ly theo dõi tại quân khu 1; 136 người tại quân khu 2; 6 người ở quân khu 3 và 134 người ở tại Biên Phòng.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, các công dân VN đang được cách ly theo dõi được ăn miễn phí theo tiêu chuẩn ăn, chăm sóc sức khỏe và theo dõi y tế trong 14 ngày.
Ban chỉ đạo Bộ quốc phòng đã thành lập 5 đội phòng chống dịch, 154 tổ phòng chống của các bệnh xá quân y, đã thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm với 2.800 giường bệnh sẵn sàng phục vụ.
Hiện lực lượng Bộ đội biên phòng đã cấm việc qua lại biên giới tại đường mòn lối mở.
Theo kế hoạch, tỉnh Lạng Sơn chuẩn bị tiếp nhận thêm 1.400 công dân VN lao động, học tập, công tác từ TQ trở về VN.
Thượng tướng Trần Đơn, thứ trưởng Bộ quốc phòng đánh giá tại cuộc họp là quân đội đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp ổn định tình hình để người dân không còn hoang mang về dịch bệnh do coronavirus gây nên.
Hơn 100 người nhập cảnh vào Việt Nam trái phép
138 người Việt Nam và Trung Quốc bị phát hiện nhập cảnh vào Việt Nam qua đường mòn biên giới, gần khu vực cửa khẩu Lý Vạn thuộc xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 2 năm 2020.
Truyền thông quốc nội loan tin vừa nêu trong ngày 6/2, dẫn nguồn từ tổ công tác Biên phòng Việt Nam cho biết số 138 người nhập cảnh trái phép đi thành nhiều nhóm, nhóm đông nhất là 28 người. Trong số này có 107 người Việt Nam và tất cả được Trung tâm y tế huyện Hạ Lang đưa đi cách ly 14 ngày để kiểm tra virus corona theo quy định.
Thượng tá Hoàng Văn Tùng, thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn được báo giới dẫn lời cho biết số người Việt Nam nói trên đã qua Trung Quốc làm thuê và họ trở về nước vì không có việc làm và cũng lo sợ dịch bệnh virus corona ở Trung Quốc.
Số 31 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam được tổ công tác Biên phòng Việt Nam yêu cầu quay trở lại.
Trong một diễn tiến khác, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vào ngày 5/2 tiếp nhận 70 công dân Việt Nam vượt biên sang Trung Quốc làm thuê bị lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả.
Số 70 người này được nói đã làm thuê tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và tỉnh Phúc Kiến ở Trung Quốc. Hiện họ được đưa về doanh trại quân đội thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn để cách ly 14 ngày.
Báo giới cho biết từ ngày 3/2 công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước qua 5 cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai (Lào Cai), Thanh Thủy (Hà Giang), Tây Trang (Điện Biên) và Móng Cái (Quảng Ninh) phải bị cách ly 14 ngày để theo dõi, phòng lây nhiễm virus corona.
Truyền thông trong nước cũng cho biết hơn 1400 bộ đội biên phòng được huy động ở 7 tỉnh biên giới để tham gia chống dịch bệnh.
Virus corona: Tất cả 63 tỉnh thành Việt Nam
cho học sinh nghỉ học
Tính đến ngày 5/2, 62 tỉnh, thành phố đã báo cáo quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch do virus corona gây ra.
Theo Cafebiz.vn, đa số các tỉnh, thành phố này cho học sinh nghỉ một tuần từ 3/2 đến hết 9/2. Tỉnh Quảng Ngãi cho học sinh nghỉ 2 tuần (từ 3/2 đến 16/2); các tỉnh Nghệ An, Điện Biên, Hà Tĩnh, Khánh Hoà sẽ cho học sinh nghỉ học đến khi có thông báo mới.
Virus corona: ‘Rút giấy phép các nhà thuốc tăng giá khẩu trang là sai luật’
Virus corona: Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định tin 33 người chết là không đúng
Bác sĩ TQ tìm cách cảnh báo về virus bị cảnh sát đe dọa
Riêng tỉnh Bến Tre, báo Tuổi Trẻ Online đưa tin, dù chưa gửi báo cáo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đã cho học sinh nghỉ một ngày (3/2) để phun xịt khử trùng trường lớp, vệ sinh khuôn viên trường học.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ Online, Phòng GD-ĐT huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết có 34 học sinh và 2 giáo viên có biểu hiện cúm, ho, sốt. Nhiều người trong số này có người thân đi làm ăn tại Trung Quốc và trở về đợt Tết Nguyên đán. Phòng GD-ĐT đề nghị cơ quan chức năng cách ly, kiểm tra phòng ngừa nhiễm virus corona.
Ngày 5/2, UBND tỉnh Điện Biên quyết định cho học sinh nghỉ học trên toàn tỉnh để phòng chống dịch.
Như vậy, chính thức đã có 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh do virus corona.
Ngày 6/2, Sở GD-ĐT TP HCM đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất tiếp tục cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch do virus corona gây ra.
Cụ thể, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM ký trình UBND TP, xin kéo dài thời gian tạm nghỉ học do ảnh hưởng của virus corona cho học sinh, sinh đến hết ngày 16/2.
Trong một diễn biến liên quan, tính đến đến trưa nay, 6/2, 28 trường đại học, cao đẳng trong cả nước cũng quyết định thay đổi lịch học theo hướng cho sinh viên nghỉ thêm để phòng virus corona.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51397425
Dân không tin hoàn toàn vào các biện pháp
phòng chống dịch coronavirus
của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam
Tin từ Việt Nam: Theo RFA, nhiều người Việt Nam không tin vào các biện pháp phòng chống dịch viêm phổi coronavirus của nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay cho dù chế độ cộng sản công bố nhiều hành động để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm xuất phát từ Vũ Hán (Trung Cộng).
Theo RFA, nguyên nhân dẫn đến việc dân chúng không tin tưởng vào Hà Nội là vì nhà cầm quyền đưa ra nhiều biện pháp chậm chạp, dường như là họ vừa đưa ra và vừa nghe ngóng, và không quyết liệt, như việc thuyết phục hơn 400 công dân Hoa Lục không nhập cảnh vào Việt Nam ở cửa nhập cảnh Hữu Nghị, thay vì kiên quyết từ chối cho họ nhập cảnh.
Thông tin mà nhà cầm quyền công bố không minh bạch và có độ khả tín thấp. Nhiều trường hợp bị nhiễm coronavirus nhưng không được thống kê và đưa lên phương tiện truyền thông đại chúng để cảnh báo dân chúng.
Nhiều người dân lo lắng vì thông tin có hàng trăm nghàn người Trung Cộng, kể cả từ Vũ Hán, đã đến Việt Nam trong vài tuần gần đây bằng cả đường bộ, đường hỏa xa và hàng không trong khi hệ thống kiểm tra và phát hiện của Việt Nam có nhiều lỗ hổng. Gần đây, trên mạng có đưa tin nhà chức trách ở Sài Gòn còn cấp khống giấy chứng nhận đã qua kiểm tra y tế bằng tiếng Trung cho du khách đến từ Trung Cộng.
Quốc Tuấn
Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam yêu cầu Facebook
và Google ngăn chặn tin về Coronavirus
Mạnh Cường/Thanh Niên
Tin Vietnam.- Trang luatvietnam đã loan tải Chỉ thị số 5/CT-BTTTT ngày 2 tháng 2 năm 2020 do ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Cộng sản Việt Nam đưa ra nhằm thực hiện việc phòng chống dịch bệnh coronavirus. Theo đó, các thành phần chủ chốt để phòng chống bệnh dịch là lãnh đạo bộ Thông tin và Truyền Thông.
Một trong những Nội dung phòng, chống dịch coronavirus của ông Hùng là chủ động đàm phán với Facebook và Google để yêu cầu 2 công ty này ngăn chặn, gỡ bỏ các video clips có liên quan đến coronavirus mà nhà cầm quyền cho là tin sai sự thật về bệnh dịch. Đồng thời, 2 công ty trên phải hiển thị kết quả khi người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam tìm kiếm các thông tin có liên quan về dịch bệnh tới các nguồn tin mà nhà cầm quyền đã định hướng theo đề nghị chính thức của Việt Nam tại những kết quả tìm kiếm đầu tiên. Đồng thời, nhà cầm quyền sẽ tăng cường giám sát, gỉai quyết những người dân đưa tin về dịch coronavirus mà nhà cầm quyền cho là tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Với cách “tiêu diệt” bệnh dịch này của nhà cầm quyền, đã có nhiều người dân, kể cả các nghệ sĩ Việt Nam loan tin về dịch coronavirus bị nhà cầm quyền mời làm việc, đe doạ và phạt tiền.
Không chỉ việc loan tin, mà nhiều người dân kinh doanh khách sạn, tài xế taxi, tài xế xích lô ở thành phố Hội An từ chối nhận khách Trung Cộng để tránh dịch coronavirus đã bị ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố tuyên bố sẽ giải quyết nghiêm, tước giấy phép kinh doanh. Ngoài Hội An, thì còn có Đà Nẵng, Nha Trang cũng đe doạ người dân không được tránh xa những người Trung Cộng.
Mộc Miên
Các di tích, danh lam thắng cảnh Hà Nội
mở cửa trở lại giữa dịch virus corona
Các di tích, danh lam thắng cảnh ở Hà Nội đã được mở cửa trở lại, đón du khách vào hôm 6/2, sau thời gian tạm đóng cửa để khử trùng nhằm phòng chống dịch virus corona lạ.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày theo thông tin từ ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch Hà Nội.
Theo đó, một số địa điểm du lịch được nhắc đến như đền Ngọc Sơn, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò… đã được tiến hành phun thuốc khử trùng để chống virus corona.
Giới chức địa phương cho biết tại các điểm tham quan, ban quản lý di tích, danh lam thắng cảnh sẽ phối hợp với các đơn vị phát khẩu trang cho du khách đến thăm.
Theo ghi nhận của báo chí trong nước, hiện nay các địa điểm tham quan như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long đều vắng du khách trước những lo ngại lây lan virus corona.
Cơ sở vật chất ngành Y tế Việt Nam
và năng lực chống chọi virus corona?
Bệnh viện dã chiến
Báo quốc nội ngày 3/2 loan tin cho hay Thành phố Hồ Chí Minh đang cho xây dựng gấp rút 2 bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường tại huyện Củ Chi và Nhà Bè. Theo dự kiến hai bệnh viện dã chiến này sẽ hoàn thành trước ngày 15 tháng 2.
Trong cùng ngày, truyền thông trong nước cũng đăng tải thông tin cho biết UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 500 giường mỗi bệnh viện để tiếp nhận, khám và điều trị những trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh do virus corona.
Việc thành lập các bệnh viện dã chiến để cách ly những nghi ngờ nhiễm virus từ Trung Quốc trở về thì tôi cho đấy là động thái tích cực trong việc ứng phó với mối hiểm họa này. – Ngô Nhật Đăng
Tại miền Bắc, Giám đốc Sở Y Tế Hà Nội vào ngày 5 tháng 2 dự kiến đề xuất trưng dụng trường Đại học Thành Đô ở huyện Hoài Đức làm bệnh viện dã chiến từ 500 đến 700 giường bệnh. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, Hà Nội có thể tiếp tục xây thêm 1 bệnh viện dã chiến với sức chứa 1.000 giường tại huyện Mê Linh.
Hiện nay tại Hà Nội có hai doanh trại Quân đội đã được chuyển thành trung tâm cách ly với sức chứa 1.500 người.
Nhận xét về việc biện pháp này của chính phủ Hà Nội, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng bày tỏ vui mừng:
“Việc thành lập các bệnh viện dã chiến để cách ly những nghi ngờ nhiễm virus từ Trung Quốc trở về thì tôi cho đấy là động thái tích cực trong việc ứng phó với mối hiểm họa này.”
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra lo ngại về chất lượng của những bệnh viện dã chiến đã, đang và sắp được xây này:
“Tôi cho rằng chất lượng các trang, thiết bị y tế chắc chắn không đủ trong tình trạng bệnh viện quá tải hiện nay nhưng thà có còn hơn không. Ít nhất khi chúng ta chưa hiểu về nó chúng ta có khu vực cách ly.”
Thực trạng cơ sở vật chất ngành y tế
Tình trạng quá tải tại các bệnh viện công khắp nước lâu nay được cho là đáng báo động. Điển hình như bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhi đồng… tình trạng 2 người bệnh nằm chung giường, thậm chí phải nằm ngoài hành lang, dưới gầm giường vẫn được truyền thông trong nước thường xuyên nhắc đến.
Xác nhận thực tế này, bạn Vân, hiện đang sống tại Sài Gòn trao đổi với chúng tôi qua Facebook Messenger cho biết:
“Tại các bệnh viện công, hầu hết bác sĩ đều khám qua loa, cơ sở hạ tầng đa số đã cũ. Trong năm 2019 có đi khám tuyến giáp ở Bệnh viện ung bướu thành phố và thấy tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường, giường bệnh kê dọc hành lang. Mình nghĩ nếu có bệnh nhẹ mà nhồi nhét nhiều như vậy cũng thành bệnh nặng. Nhà mình đa số nếu cảm thấy bệnh nặng sẽ đi bệnh viện tư nhân, dù mắc hơn nhưng chất lượng có thể được đảm bảo, dù không đảm bảo 100% vì ở Việt Nam không bao giờ khẳng định được chuyện gì, nhưng vẫn an tâm hơn.”
Tuy nhiên, Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên phó giám đốc kiêm trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh Viện Nhi Trung Ương, lại cho rằng tình trạng quá tải tại các bệnh viện vẫn xảy ra nhưng không đến mức lúc nào cũng vậy.
“Hiện nay tôi vẫn đến hội chẩn tại các bệnh viện thì bệnh nhân không đông, không đến mức bệnh nhân 2-3 người nằm một giường. Những dịp đông tùy thời điểm. Có những bệnh viện đông và cả những bệnh viện không đông. Người ta hay dồn lên những bệnh viện trung ương nên có những thời điểm quá tải. Bây giờ cũng phát triển các bệnh viện tư nhân, giúp giảm tải. Do người ta (bệnh nhân) lựa chọn nên có những bệnh viện quá tải, có những bệnh viện không hết công suất.”
Vẫn theo Bác sĩ Phạm Nhật An, cơ sở vật chất ngành y tế đang được cải thiện tốt hơn mỗi ngày.
“Tất nhiên cái mong đợi của nó chưa đáp ứng được nhưng có tiến bộ gần nên cũng nhìn thấy. Bây giờ đáp ứng được các nhu cầu y tế tốt hơn nhiều, nhiều cái trước đây mình phải nhờ trợ giúp hay phải đi nước ngoài thì bây giờ hiện tượng đó giảm dần.”
Khả năng đáp ứng việc phòng chống dịch nCoV?
Thực tế sự cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam như lời bác sĩ Phạm Nhật An là có; tuy nhiên mức độ còn chậm chưa thể đáp ứng nhu cầu gia tăng trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra xuất phát từ Trung Quốc hiện đã lan ra nhiều nước trên thế giới. Hiện đã có hơn 24.000 người nhiễm bệnh trên thế giới và hơn 490 người thiệt mạng. Việt Nam hiện cũng đã phát hiện 10 ca nhiễm bệnh.
Bây giờ đáp ứng được các nhu cầu y tế tốt hơn nhiều, nhiều cái trước đây mình phải nhờ trợ giúp hay phải đi nước ngoài thì bây giờ hiện tượng đó giảm dần. – BS. Phạm Nhật An
Trước tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh do virus corona gây ra, trên các trang mạng xã hội, nhiều người dân bày tỏ liệu ở dải đất chữ S, nơi có cơ sở hạ tầng y tế còn yếu kém như hiện nay sẽ khủng khiếp đến mức nào nếu dịch bệnh bùng phát.
Việt Nam bị cho là ‘bản sao’ của Trung Quốc về hầu hết mọi lĩnh vực. Trong đợt dịch do virus corona từ thành phố Vũ Hán phát tán đi từ cuối năm ngoái cho đến nay, nhiều thông tin được lộ ra cho thấy thực tế cơ sở y tế thiếu thốn, tình trạng bưng bít thông tin… khiến cho dịch lây lan với tốc độ nhanh chóng.
Tin cho thấy, chính phủ Bắc Kinh ban đầu chỉ trích Hoa Kỳ lợi dụng tình trạng dịch bệnh ở Trung Quốc để ‘phá’ Trung Quốc; sau đó lại than phiền Hoa Kỳ chậm trễ trong việc hỗ trợ chống dịch cho Trung Quốc. Giới quan sát nhận xét do thực tế thiếu thốn nhân lực, vật lực mà Bắc Kinh đang phải ‘xuống nước’ cầu viện Washington như thế.
“Tréo ngoe” việc Bộ Y tế kêu gọi
các nhà thuốc phát miễn phí khẩu trang cho dân!
Nhà nước đi sau người dân!
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục quản lý dược thuộc Bộ Y tế hôm 5/2 cho báo chí biết bộ này kêu gọi, khuyến khích khoảng 50.000 -70.000 các nhà thuốc, các cơ sở bán lẻ trong cả nước cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng lây nhiễm nCoV.
Theo vị Phó Cục trưởng Cục quản lý dược, các nhà thuốc, các cơ sở bán lẻ hãy vì ‘hình ảnh của nhà thuốc mình, của ngành dược, cùng chung tay với toàn thể các ngành, các cấp, xứng đáng là những tuyên truyền viên, không chỉ cấp phát hoặc bán đúng giá mà còn tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách đeo khẩu trang đúng theo khuyến cáo của ngành y tế’.
Trước đó, trên báo chí cũng như mạng xã hội, rất nhiều hình ảnh các bạn trẻ, một số nhà thuốc, các nhà hảo tâm trên khắp cả nước đã bỏ tiền túi mua khẩu trang phát miễn phí cho người dân phòng chống virus corona.
Linh mục Đặng Hữu Nam, Chánh xứ Mỹ Khánh, Giáo phận Vinh, người có nhiều kinh nghiệm trong công tác thiện nguyện nhận xét với RFA hôm 5/2/2020:
“Bây giờ trong đại dịch corona này, chúng ta có thể thấy có những người dân sẵng sàn bỏ tiền túi mua khẩu trang y tế phát miễn phí cho người dân, bất kỳ ai cũng có thể lấy được. Ngoài ra cũng có thể thấy các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng có những hành động như thế, chẳng hạn như cảnh sát giao thông cũng có vài lần làm như vậy, nhưng theo tôi đó là làm để quay phim chụp hình. Điều đó người dân cũng có thể thấy, đó là khác biệt lớn nhất trong tất cả các vấn đề chứ không chỉ vấn đề phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân trong dịch virus corana này.”
Dân không tin chính quyền
Vì sao người dân hay các nhóm thiện nguyện, chỉ thích tự mình làm thiện nguyện mà không qua chính phủ mặc dù có thể gặp khó khăn, gây cản trở? Linh mục Đặng Hữu Nam giải thích thêm:
“Ở Việt Nam bấy lâu nay, những người làm thiện nguyện không qua chính phủ thì rất khó khăn, kể cả những người trong quốc nội cũng gặp khó khăn, thậm chí người ta gây cản trở, không cho làm. Nhưng người dân không thích qua chính phủ vì có thể không đến được tay những người cần giúp đỡ, hoặc đến với số lượng ít ỏi so với sự thật… Vì vậy các tổ chức và người dân không thích làm như vậy.”
Người dân lo ngại quà từ thiện không đến được tay người khó khăn không phải là vô lý. Trước đây, dư luận Việt Nam từng bày tỏ bất bình trước tin cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội đã tuồn hàng từ thiện bán ra ngoài. Hay vụ Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phát hiện một số cán bộ sở này làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống nhằm biển thủ hơn một tỷ đồng từ nguồn ngân sách chi thường xuyên cho Quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo.
Bà Nguyễn Mỹ Hạnh, người sáng lập Hội từ thiện “Bác Ái”, khi trả lời RFA cho biết kinh nghiệm làm từ thiện tại Việt Nam của Bà:
“Quà từ thiện hay viện trợ từ nước ngoài gửi về trong nước thì không bao giờ đến được tay người dân. Khi trao được đến tận tay người dân thì phải chia hết khoảng một nửa cho chính quyền địa phương. Lúc trước khi vùng núi phía Bắc bị nạn rét, chúng tôi gửi áo ấm về cho trẻ em nơi đó, nhưng thùng hàng cứu trợ đó bị chặn lại ở cảng Hải Phòng. Cơ quan chức năng trả lời là thùng hàng đó đã bị bể nên không thể đưa người dân vùng núi được. Sau đó mình hỏi hoài nhưng họ không trả lời nữa. Vậy thùng đồ đó hiện đang ở đâu không ai biết.”
Chính phủ lo chuyện ‘bao đồng’?
Trở lại với việc Bộ Y tế Việt Nam kêu gọi các nhà thuốc phát miễn phí khẩu trang cho dân, trong khi trước đó vào ngày 31/1/2020, Chính phủ Việt Nam cho biết đã quyết định viện trợ hàng hóa, vật dụng y tế trị giá khoảng nửa triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong việc đối phó với dịch cúm do virus corona gây ra.
Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam trong thời điểm đó cũng đã vận động viện trợ hàng hóa cho Trung Quốc trị giá khoảng 100 ngàn USD. Ngoài ra theo cổng thông tin chính phủ, 7 tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc cũng được chỉ đạo ‘có các hình thức hỗ trợ giúp đỡ cho nhân dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước’.
Liên quan thông tin này, Linh mục Đặng Hữu Nam, nhận định:
“Đây là việc chính của nhà cầm quyền, phải lo cho việc an sinh của dân, đó là lẽ đương nhiên, mới xứng đáng là một chính phủ. Bây giờ khi nhà nước làm không được, hay chính quyền làm không nổi, kêu gọi người dân hay những nhà thuốc… thì việc đó cũng là tốt. Nhưng ở đây, quả thật, số lượng và kinh phí không phải là nhiều (đối với ngân sách chính phủ). Ngoài ra chúng ta còn thấy một điều khuất tất, hay ngược đời, đó là so với lẽ thường thì khi thảm họa xảy ra thì cả thế giới chung tay giúp đỡ chứ không chỉ một mình trong đất nước đó, nhưng ở đây là chưa lo cho người dân thì đã lo cho người ngoài?
Theo Linh mục Đặng Hữu Nam, chính phủ Việt Nam sẵn sàng viện trợ cho Trung Quốc nửa triệu đô la chống dịch corona, nhưng trong khi đó, người ta vẫn thừa nhận Hà Nội không đủ áo bảo hộ cho những chống dịch hay phục vụ nạn nhân, đó là điều bất cập.
Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, một người dân ở quận Tân Bình, Sài Gòn, hôm 5/2 cho RFA biết ý kiến của mình về việc chính phủ kêu gọi nhà thuốc phát khẩu trang miễn phí cho dân:
“Chị thấy nhà thuốc phát chút xíu là hết liền, làm sao mà đủ cho mọi người… cả bao nhiêu nhà thuốc mà chị đi vòng vòng có nhà thuốc nào có khẩu trang đâu? Chị vô siêu thị cũng không có khẩu trang… Nhà nước mới có tiền, chứ làm sao nhà thuốc tây có tiền mà phát khẩu trang miễn phí… nếu có thì người ta chỉ phát tượng trưng vài chục cái để chụp hình hay làm phỏng vấn thôi. Nhà nước đã như thế mà không làm thì làm sao dân có tiền mà làm, dân ở đây đa số là nghèo mà.”
Mấy ngày qua, trước tình trạng dịch nCoV bùng phát mạnh tại Trung Quốc và lây nhiễm đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, nhiều nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc đã tăng giá bán khẩu trang lên cao gấp 10 lần, có nơi tăng gấp 16 lần như một số nhà thuốc tại Hà Nội, Hải Phòng, đẩy giá bán 10 chiếc khẩu trang lên giá 400-500 ngàn đồng. Những nhà thuốc này sau đó đã bị phạt lên đến 30 triệu đồng, thậm chí bị niêm phong cửa hàng.
Linh mục Đặng Hữu Nam đưa thêm ví dụ, không chỉ cá nhân mà cả nhà nước cũng trục lợi trong thảm họa:
“Chúng ta cũng biết, trong những ngày đầu, bộ y tế Việt Nam có đưa ra một đường dây nóng, để ai quan tâm muốn tìm hiểu về dịch corona này, đáng lẽ đây là sự phục vụ của chính phủ thì người ta lại lấy giá cước rất cao. Chẳng hạn muốn gọi vô đường dây nóng đó để hỏi về tình hình, hay diễn tiến, hay về bệnh, về virus, thì mỗi phút nếu gọi từ Việt Nam phải trả đến năm ngàn đồng. Điều đó là quái lạ so với cách thông thường của con người, tình người phải được thể hiện trong thảm họa.”
Theo Linh mục Đặng Hữu Nam, những ngày này, chẳng hạn tại Việt Nam, chúng ta thấy nổi lên sự tréo ngoe, không chỉ thảm họa của chủng virus, thảm họa của bên ngoài, mà là thảm họa của tâm hồn con người. Ông so sánh cho rằng, virus corana này không nguy hiểm bằng virus dacosa (đảng cộng sản), vì một thể chế vô thần, một chủ thuyết tam vô, nó làm cho con người mất đi tính người và mất đi tình người, nên con người sống với nhau như ‘lang sói’, lợi dụng lẫn nhau, làm giàu trên xương máu của kẻ khác.
Virus corona: ‘Rút giấy phép các nhà thuốc
tăng giá khẩu trang là sai luật’
Lo ngại về việc bị nhiễm virus corona, dịch viêm phổi hiện đã gây ra 565 tử vong khiến mọi người đổ xô đi mua khẩu trang y tế, tạo tình trạng khan hiếm, tăng giá khắp nơi.
Tại cuộc họp về phòng chống dịch virus corona hôm 1/2, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam ra chỉ thị tước giấy phép kinh doanh các cơ sở nâng giá bán khẩu trang y tế trong mùa dịch, mà không cần phải thanh tra.
Nhiều chuyên gia kinh tế và luật sư đã phản biện lại chỉ thị gây tranh cãi này, thậm chí có người cho rằng đây là chính sách “dân túy vội vã nông cạn nhất trong mùa dịch”.
Virus corona: Dân Vũ Hán: ‘Tôi thà chết ở nhà còn hơn’
Virus corona: Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định tin 33 người chết là không đúng
Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh viết trên Facebook cá nhân là ông không ủng hộ việc xử phạt hành vi găm khẩu trang ở thời điểm này. Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu thì lo ngại đây là một mệnh lệnh có vấn đề pháp lý.
‘Tước giấy phép nhà thuốc là sai’
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp- Đoàn Luật sư TP HCM phân tích với BBC News Tiếng Việt hôm 5/2:
“Việc rút giấy phép của các nhà thuốc hiện nay chỉ vì bán giá cao là sai. Bởi lẽ, việc rút giấy phép hoạt động được đề cập trong các Nghị định hiện hành như 109/2013/NĐ-CP, 109/2013/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với các vi phạm về việc thu phí, lệ phí; kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.”
Theo Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng… Tuy nhiên, điều luật này không quy định hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép” – luật sư Sơn nhấn mạnh.”
Ông Sơn cũng cho rằng cần phân biệt hành vi găm hàng và hành vi đầu cơ hàng.
“Không phải cứ găm hàng, cứ đầu cơ là bị tước giấy phép ngay. Chỉ khi nào các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì cơ quan nhà nước mới có quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là rút giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… Do đó, việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tước giấy phép của các nhà thuốc ngay khi có bán giá cao là không đúng quy định pháp luật” – ông Sơn khẳng định.
‘Yêu cầu giữ nguyên giá là can thiệp trái pháp luật’
Bên cạnh đề yêu cầu rút giấy phép ngay bất kỳ nhà thuốc nào tăng giá bán, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ thị không được tăng giá khẩu trang, phải giữ nguyên giá.
Về vấn đề này, ông Phùng Thanh Sơn lý giải:
“Theo Điều 15 Luật Giá, mặt hàng khẩu trang không thuộc diện nhà nước bình ổn giá. Do đó, phó thủ tướng yêu cầu giữ nguyên giá là can thiệp trái pháp luật. Nhà nước chỉ được phép sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp vào giá chỉ khi nào các hàng hóa đó thuộc diện nhà nước bình ổn giá”.
Ngay cả trong trường hợp khẩu trang thuộc danh mục hàng hóa mà nhà nước bình ổn giá thì việc yêu cầu các đơn vị kinh doanh giữ nguyên giá là chuyện bất khả thi, đi ngược lại với quy luật cung cầu của thị trường, ông Sơn phân tích thêm.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt cũng hôm 5/2, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhận định rằng những cửa hàng thuốc không niêm yết giá, có hàng trong kho nhưng không bán là vi phạm 109/2013/NĐ-CP, có thể phạt nặng để làm gương.
Tuy nhiên, theo ông, rất khó để nhận định thế nào là tăng giá “bất hợp lý” như luật định: “Nếu giá là do cung cầu quyết định thì khi cầu tăng mà cung hạn chế thì tăng giá là hợp lý và không thể coi tăng giá là “bất hợp lý” được” – ông Nguyễn Quang A khẳng định.
Bác sĩ TQ tìm cách cảnh báo về virus bị cảnh sát đe dọa
Virus corona: Lời cảnh tỉnh từ nạn săn động vật hoang dã
Trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam cũng nêu ý kiến việc cấm tăng giá khẩu trang là lợi bất cập hại:
“Giá khẩu trang sẽ tăng khi có dịch. Giá bị đẩy lên rất cao nếu có yếu tố đầu cơ và găm hàng. Vấn đề là không có cơ sở nào để biết giá khẩu trang tăng cao một cách tự nhiên hay các nhà cung ứng tăng quá mức để trục lợi. Do vậy, nếu nhà nước can thiệp với chỉ đạo không được tăng giá hoặc thanh tra rồi phạt thì sẽ gặp rắc rối và can thiệp thô bạo vào thị trường”.
‘Phạt chỉ làm tăng sự khan hiếm và giá bán’
Sau chỉ thị của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, một số cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico (Hà Nội) treo biển “không bán khẩu trang, nước rửa tay”.
Ông Sơn cho rằng không loại trừ khả năng các nhà thuốc vì chỉ thị trên mà phản ứng lại. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, có thể các nhà thuốc không muốn bán. “Để giữ nguyên tỷ suất lợi nhuận như trước buộc họ phải bán cao nhưng lại đối diện với nguy cơ rút giấy phép. Chi phí xin giấy phép, lợi nhuận bán thuốc trong thời gian bị đóng cửa cao hơn lợi nhuận bán khẩu trang nhiều” – ông phân tích.
Để giải quyết vấn đề, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói rằng, những hành vi gom hàng, trục lợi tăng giá là đáng lên án về mặt đạo đức, phải dùng dư luận, thuyết phục để xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh. “Không thể đóng cửa, rút giấy phép hay phạt tràn lan các cửa hàng bán khẩu trang, nước rửa tay vì điều này chỉ làm rối loạn việc cung ứng hàng hóa. Vô hình chung, việc phạt làm sự khan hiếm tăng lên, giá bán cũng tăng lên”.
Ông gợi ý:
“Để giải quyết vấn đề, quan trọng nhất là phải tăng cung, khuyến khích sản xuất, lưu thông và kiềm chế cầu bằng cách khuyên người dân không tích trữ, gom hàng. Quan trọng nữa là buộc họ niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và đóng thuế đầy đủ: giá cao thì lợi nhuận cao và phải đóng nhiều thuế hơn để xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh. Tuy khó, nhưng cần thiết hơn là thực hiện một cách độc đoán, không theo đúng tinh thần luật, lạm dụng luật chỉ có hại, chỉ tiếp tay cho sự khan hiếm và tăng giá khẩu trang hiện nay”.
Luật sư Sơn thì đề nghị để có cơ sở pháp lý, chính phủ nên trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội bổ sung mặt hàng khẩu trang vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 của Luật Giá. “Đồng thời, cần nhanh chóng bổ sung mặt hàng khẩu trang vào danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu để ngăn việc các công ty con của Trung Quốc tại Việt Nam ra sức thu gom khẩu trang để chuyển về Trung Quốc” – ông Sơn nói.