Vụ Đồng Tâm: Liên minh châu Âu vào cuộc, ‘đề nghị’ gặp Bộ Công an
Mạng xã hội với hơn hai tỷ người sử dụng lần đầu lên tiếng như vậy sau khi báo chí trong nước dẫn lời đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng “một số đối tượng đã lợi dụng đưa thông tin sai sự thật, thông tin bóp méo nhằm kích động người dân hiểu sai về vụ việc gây hoang mang dư luận, thông tin kích động chống đối chính quyền trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook” nhưng “Facebook lại phản ứng rất chậm, quan liêu và làm theo ý mình…” Tờ Hà Nội Mới trích lời một đại diện của Bộ này nói rằng “có những video livestream (phát trực tiếp) dài đến vài tiếng đồng hồ, kêu gọi bạo lực”, nhưng Facebook “vẫn làm theo quy trình cũ là dịch toàn bộ sang tiếng Anh sau đó đưa đi thẩm định thường từ 2 đến 3 ngày…” Tờ báo với cơ quan chủ quản là Thành ủy Hà Nội dẫn lời đơn vị quản lý thông tin và truyền thông của nhà nước tuyên bố: “Với những vụ việc khẩn cấp, nghiêm trọng như Đồng Tâm, việc vẫn áp dụng cách làm quan liêu là không phù hợp, góp phần dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, để các đối tượng xấu phát tán các thông tin sai sự thật, kích động, khiến nhiều người hiểu sai; một số trang tin tiếng Việt ở nước ngoài lợi dụng vụ việc để kích động bạo loạn. Vì vậy, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp gọi điện cho đại diện Facebook và tuyên bố: Đã đến lúc Việt Nam không còn kiên nhẫn với Facebook nếu Facebook tiếp tục không tuân thủ luật pháp Việt Nam như họ đã cam kết”.
Vụ Đồng Tâm: Facebooker bị bắt ở Cần Thơ
Trong báo cáo có tên gọi “Transparency” (Minh bạch), Facebook nói rằng mạng xã hội này “phản hồi trước các yêu cầu về dữ liệu từ các chính phủ theo luật hiện hành và các điều khoản sử dụng dịch vụ của hãng”, nói thêm rằng “mỗi một yêu cầu được xem xét kỹ về tính hợp pháp” và Facebook “có thể từ chối hoặc đề nghị cụ thể hơn với các yêu cầu quá mơ hồ”. Mạng xã hội này từng cho hay đã nhận được các yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Bộ Công an Việt Nam theo Điều 5 của Nghị định 72 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, có hiệu lực từ năm 2013. Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, điều luật này có nêu ra nhiều hành vi bị cấm như “lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” để “chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Hiện chưa rõ phía Việt Nam có sử dụng Luật An ninh Mạng, vốn có hiệu lực từ đầu năm ngoái, khi đưa ra các yêu cầu về gỡ bỏ hoặc chặn nội dung với Facebook hay không. Theo điều luật gây tranh cãi này, các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng Internet “có trách nhiệm” “ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin” “chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông”. Trang về Tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook có đoạn viết bằng tiếng Việt: “Chúng tôi muốn mọi người được tự do bàn luận về những vấn đề quan trọng với họ, kể cả khi ai đó có thể không đồng ý hoặc phản đối họ. Trong một số trường hợp, chúng tôi vẫn cho phép nội dung vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của mình, nếu đó là nội dung đáng đưa tin và vì lợi ích của cộng đồng. Chúng tôi chỉ làm điều này sau khi cân nhắc giá trị về lợi ích cộng đồng so với nguy cơ gây hại, đồng thời tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền để đưa ra quyết định”.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương hôm 12/1 đăng tải một hình ảnh trên Facebook cá nhân, cho thấy một thông báo của mạng xã hội này gửi cho anh liên quan tới vụ Đồng Tâm, trong đó có đoạn: “Do các giới hạn pháp lý tại địa phương, chúng tôi đã hạn chế quyền truy cập vào video của bạn tại Việt Nam”.
Anh Phương cũng đồng thời kêu gọi bạn bè và người theo dõi Facebook của mình “sao chép và truyền đi các bằng chứng” về điều anh nói là “tội ác quân cộng sản thảm sát dân Đồng Tâm”. Trong khi đó, Bộ Công an Việt Nam ra tuyên bố nói rằng “một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng”.
Mới đây, tổ chức Ân xá Quốc tế ra tuyên bố nói rằng sau vụ đối đầu ở Đồng Tâm làm bốn người chết, “chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp trên cả nước với các vụ bắt giữ và kiểm duyệt rộng khắp trên mạng xã hội”. Hà Nội chưa phản hồi trước cáo buộc của tổ chức thúc đẩy nhân quyền về vụ việc gây tranh cãi và chia rẽ lớn về quan điểm trên mạng.
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam, hôm 21/1 đã gặp Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và “nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của EU về sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm và việc sử dụng bạo lực với bất kỳ hình thức nào”.
“EU lấy làm tiếc về sự thương vong xảy ra trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân và yêu cầu tính minh bạch đầy đủ trong việc đánh giá nguyên nhân và bối cảnh của sự kiện. EU sẽ tiếp tục theo sát tình hình và sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Việt Nam trong quá trình điều tra độc lập và minh bạch”, thông cáo của EU có đoạn.