Tin Việt Nam – 21/01/2020
Thảm sát Đồng Tâm
Bà Nguyễn Thúy Hạnh bị an ninh ép làm việc
về số tiền 500 triệu phúng viếng ông Lê Đình Kình
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người bị ngân hàng Vietcombank phong tỏa tài khoản ngân hàng với số tiền hơn 500 triệu đồng để phúng viếng ông Lê Đình Kình chiều 20 tháng 1 năm 2020 bị cơ quan an ninh ép làm việc để hỏi về vụ việc này.
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là người đã thiệt mạng trong vụ đụng độ ở xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, hôm 9/1 vừa qua sau khi công an tấn công vào làng.
Theo bà Nguyễn Thúy Hạnh thuật lại, bà lên làm việc với ngân hàng Vietcombank chi nhánh Ba Đình, Hà Nội để hỏi lý do vì sao lại phong tỏa tài khoản của bà nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng mà người đại diện ngân hàng chỉ cho biết là do cơ quan chức năng.
Bà và ông Huỳnh Ngọc Chênh ra về được hơn 1 km thì bị số đông công an, an ninh thường phục đưa về trụ sở cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ở số 3 Nguyễn Gia Thiều để làm việc.
Bà Hạnh kể lại như sau:
“Họ đưa mình vào trong một cái phòng làm việc, họ hỏi chủ yếu xoay quanh cái tài khoản mà mình đưa ra để mọi người phúng viếng cụ Kình.
Họ hỏi những câu xoáy vào ví dụ như là thứ nhất đấy có phải là tài khoản của mình không, thứ hai là mình có quen biết với cụ Kình không, thứ ba là mình có biết những người đã đã gửi tiền vào không, những người góp tiền thì mình có quen biết không”.
Cũng theo người sáng lập quỹ 50K để chăm lo cho thân nhân những tù nhân lương tâm thì bà cũng được hỏi về thái độ đối với vụ việc mà công an cho là người dân thiêu sống 3 cán bộ công an trong vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm hôm 9/1 vừa qua.
Làm việc được khoảng 1 tiếng thì bà từ chối ký vào biên bản ghi lời khai, cơ quan an ninh cũng cho bà ra về sau đó.
Như chúng tôi đã thông tin, hôm 17-1, bà Nguyễn Thúy Hạnh ra ngân hàng Vietcombank để rút số tiền hơn 500 triệu mà nhiều người đóng góp để phúng viếng ông Lê Đình Kình, người thiệt mạng trong vụ đụng độ với công an ở xã Đồng Tâm, tuy nhiên lại được thông báo là tài khoản bị phong tỏa không rõ lý do.
Bộ Công an ngay sau đó ra thông cáo cho hay, cơ quan chức năng đã đề nghị phong tỏa tài khoản Nguyễn Thúy Hạnh để điều tra và ngăn chặn hành vi mà họ gọi là “tài trợ khủng bố” mặc dù những người trong vụ đụng độ với công an chỉ bị khởi tố các tội danh “giết người”, “chống người thi hành công vụ”.
Vụ Đồng Tâm: “Gán ghép việc phúng điếu
với tài trợ khủng bố là vu khống”
Cao Nguyên
Những người đóng góp tiền phúng viếng ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, phản đối cáo buộc của Bộ Công an rằng đây là tiền đóng góp cho khủng bố.
Ngày 17/1/2020, Bà Nguyễn Thuý Hạnh, một người hoạt động ở Hà Nội thông báo rằng tài khoản ngân hàng của bà dùng để nhận tiền phúng viếng cụ Lê Đình Kình từ khắp nơi gởi về đã bị phong toả mà ngân hàng không đưa ra được nguyên do rõ ràng.
Bộ Công an Việt Nam cùng ngày hôm đó phát đi thông báo về vụ án “Giết người, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm” rằng Cơ quan điều tra đang “điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ khủng bố”.
Do đó, Bộ này yêu cầu các tổ chức tín dụng phong toả tài khoản ngân hàng Vietcombank của bà Nguyễn Thuý Hạnh.
Ông Lê Đình Kình là người dân thiệt mạng trong vụ công an tấn công và xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội hôm 9/1. Vụ đụng độ đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng bao gồm 3 công an, 1 người dân khác bị thương. 22 người dân Đồng Tâm bị bắt giữ và truy tố về các tội giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.
“Gán ghép việc phúng điếu với khủng bố là vu khống”
Ông Trịnh Bá Phương, người kêu gọi gởi tiền phúng viếng cho cụ Lê Đình Kình nói với RFA rằng sau hai ngày kêu gọi, đã có khoảng 700 người, mà đa số là người dân trong nước chuyển tiền cho bà Nguyễn Thuý Hạnh. Đến thời điểm bị phong toả, tổng số tiền có trong tài khoản là hơn 528 triệu đồng.
Cũng theo ông Phương, trong 37 trang in sao kê những người chuyển tiền vào tài khoản của bà Hạnh thì không có một lời nhắn nào có nội dung liên quan đến việc “tài trợ khủng bố” như lời Bộ Công an cáo buộc.
Bà Chiêu Anh Nguyễn, người đã chuyển số tiền là 10 trệu đồng vào tài khoản của bà Thuý Hạnh cho biết bà rất sốc khi bị Bộ Công an gán ghép vào hành vi “tài trợ khủng bố”:
“Mình gửi 10 triệu này một nửa là của mình, một nửa là của Nguyễn Đặng Minh Mẫn (cựu Tù nhân lương tâm) để phúng điếu cho cụ Kình. Mình ghi bằng văn bản rất rõ ràng trong mục gửi đi rồi.
Mình gửi tiền để phúng điếu để gia đình cụ có tiền sống qua ngày thôi chứ chưa từng có một ý nghĩ trong đầu là họ có thể dựng nên một câu chuyện liên quan đến khủng bố như vậy. Khi mình nghe mình cũng rất là sốc khi biết là số tiền họ nói số tiền đó đó mình gửi vào để làm chuyện khủng bố.”
Một người khác là ông Nguyễn Thắng cũng gởi tiền vào tài khoản trên khẳng định ông chỉ muốn chia sẻ mất mát với người dân Đồng Tâm sau biến cố chứ không liên quan gì đến vấn đề khủng cố:
“Cái này tôi gửi để thắp hương cụ Kình thôi, và một phần giúp đỡ cho người dân làng Đồng Tâm sau khi những người đàn ông, những người trụ cột trong gia đình bị bắt thì bây giờ họ gần như không có nguồn thu nhập nào nữa. Bây giờ, chắn cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn.
“Đó là hành vi vi phạm pháp luật, nó chẳng theo 1 trình tự nào cả, nó vu khống, nó làm không đúng quy tắc. Cá nhân tôi cũng rất phản đối chuyện này.”
Làn sóng phản đối
Ngay sau khi thông tin Vietcombank khoá tài khoản nhận tiền phúng viếng cụ Lê Đình Kình xuất hiện trên mạng xã hội, một làn sóng kêu gọi tẩy chay ngân hàng này nhanh chóng lan truyền và được nhiều người hưởng ứng bằng cách rút hết tiền, đóng tài khoản, bỏ thẻ ATM…
Bà Chiêu Anh và ông Thắng đều cho biết sẽ ra ngân hàng để chất vấn về số tiền đã chuyển khoản thành công và có biên lai rõ ràng:
“Thực ra chuyện phong tỏa tài khoản thì Vietcombank cũng chỉ là thụ động thôi vì bên Bộ Công an đã đưa xuống công văn thì ngân hàng nào cũng sẽ phải làm thôi. Vấn đề ở đây là chính quyền thao túng những việc làm đó thì không thể chấp nhận được.
Mình sẽ ra Vietcombank để đưa cho họ coi cái lệnh chuyển tiền thành công. Theo công văn sao kê của chị Thúy Hạnh thì đã có tên mình tức là mình đã chuyển thành công số tiền 10 triệu và bên Vietcombank đã nhận và không tới tay được chị Hạnh cũng như là gia đình cụ Kình.
Mình sẽ ra tận nơi để hỏi là tại sao lại như vậy, nếu mình nhận được giải thích không thỏa đáng thì sẽ làm việc tiếp.”
Ông Thắng nói:
“Tôi sẽ liên hệ với ngân hàng xem khoản tiền này họ sẽ sử dụng, xử lí như thế nào rồi mới có những việc tiếp theo được. Thứ nhất là họ có trả lại tài khoản cho cô ạnh hay không, nếu họ không trả thì nguyên nhân chính thức họ đưa ra là gì. Nếu như họ không trả cho cô hạnh thì có trả về cho những người gởi tiền cho cô Hạnh hay không.”
Luật sư Hoàng Cao Sang từ Hà Nội nói với RFA rằng nếu Bộ Công an muốn đề nghị phong toả một tài khoản của cá nhân nào đó thì phải chứng minh được tài khoản này có vi phạm pháp luật và phải được thông báo bằng văn bản rõ ràng. Nếu không, chủ tài khoản có quyền khởi kiện ngân hàng để yêu cầu mở lại tài khoản:
“Bộ Công an muốn phong tỏa tài khoản thì Bộ Công an phải xác định là cái tài khoản này có vi phạm pháp luật hay vi phạm một điều nào đó, thì bộ công an phải có văn bản yêu cầu bên Vietcombank phong tỏa tài khoản đấy.
Bây giờ muốn công toả phải nói cụ thể và có căn cứ trên điều khoản nào dẫn đến việc phong tỏa tài khoản đấy chứ không thể nào nói chung chung được.
Không có lý do chính đáng thì chủ tài khoản có quyền khởi kiện Vietcombank để yêu cầu Vietcombank bỏ phong tỏa tài khoản để lấy số tiền người ta tặng phúng điếu cho ông cụ Kình. Trừ khi cho đến khi nào Vietcombank chứng minh được bên Bộ Công an có văn bản in và văn bản đó phải hợp pháp, phải có căn cứ pháp luật chứ không thể nói vu vơ được.”
Bộ Công an muốn phong tỏa tài khoản thì Bộ Công an phải xác định là cái tài khoản này có vi phạm pháp luật hay vi phạm một điều nào đó, thì bộ công an phải có văn bản yêu cầu bên Vietcombank phong tỏa tài khoản đấy. – LS. Hoàng Cao Sang
Sau khi tài khoản ngân hàng với số tiền hơn 528 triệu đồng bị phong toả, một lời kêu gọi khác có tên “Chung tay giúp đỡ đồng bào Đồng Tâm” xuất hiện trên trang web Gofundme với mục đích “để những người sống sót còn có thể tiếp tục cuộc đấu tranh đòi quyền của mình, để thuê luật sư bảo vệ tính mạng những người đang bị giam cầm với các tội danh do công an dựng lên.
Mục tiêu đặt ra là 20.000 Mỹ kim. Tuy nhiên chỉ sau hai ngày, số tiền quyên góp được đã lên đến 30.000 Mỹ kim.
Ngày 20/1/2020, báo Quân đội nhân dân online có bài viết trong mục Chống diễn biến hòa bình kêu gọi “người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với những lời kêu gọi tẩy chay ngân hàng, tuyệt đối không tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ, có thể vô hình trung vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tổ chức khủng bố”, mặc dù Bộ Công an đã khởi tố vụ án và 20 bị can với các tội danh khác nhau nhưng không có tội danh khủng bố.
Giới hoạt động, trí thức
đề nghị khởi tố vụ ông Lê Đình Kình ‘bị giết’
Một nhóm gồm 12 người thuộc giới hoạt động và trí thức hôm 21/1 đến Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội nộp đơn tố giác về vụ mà họ gọi là ông Lê Đình Kình bị tội phạm giết hại, theo thông tin đăng trên trang Facebook cá nhân của những người nộp đơn, trong đó có các tiến sĩ Nguyễn Quang A và Nguyễn Xuân Diện.
Ông Lê Đình Kình, một thủ lĩnh nông dân, thiệt mạng hôm 9/1 khi cảnh sát cơ động đột kích trước lúc trời sáng vào xã Đồng Tâm sau một cuộc tranh chấp đất đai kéo dài hàng năm trời giữa người dân và chính quyền.
Ba viên cảnh sát cũng chết trong vụ này, nhà chức trách cáo buộc các con cháu ông Kình ném bom cháy vào 3 người này.
Đơn tố giác, cũng có chữ ký của các nhà hoạt động như Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thúy Hạnh, Huỳnh Ngọc Chênh và Vũ Mạnh Hùng, viết rằng “qua thông tin của Bộ Công an và các video clip trên mạng”, họ nhận thấy ông Kình “đã bị bắn ở cự ly gần” và “chết”.
Những người tố giác viết họ cho rằng “đã xảy ra sự phạm tội giết ông Lê Đình Kình”, một hành vi “vi phạm pháp luật hình sự”.
Nhóm ký đơn đề nghị Viện Kiểm sát và Công an Hà Nội nhận đơn tố giác, tiến hành các bước đi cần thiết theo luật và “khởi tố vụ án hình sự”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết trên trang cá nhân rằng “những kẻ giết cụ [Kình]” cần phải được tìm ra và bị trừng trị theo pháp luật.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện viết cụ thể hơn trên trang Facebook của mình rằng cần phải “truy tố những người chỉ đạo và những người đã giết cụ Lê Đình Kình”.
Ông Quang A bày tỏ ý kiến rằng động thái này thể hiện việc công dân “biết quyền của mình, làm đúng luật và buộc chính quyền làm đúng luật”.
Vẫn theo tiến sĩ Quang A, đơn tố giác vụ giết người này có thể bị “chính quyền cộng sản né tránh” song đơn vẫn có giá trị trong nhiều năm nữa, kể cả phải chờ đến khi có một chính quyền phi cộng sản mới được giải quyết.
Số người đồng ý ký đơn nhiều hơn con số 12 nhưng vì nhiều người ở xa không thể ký trực tiếp, ông Quang A cho biết.
Theo quan sát của VOA, đơn tố giác này đã được hàng trăm người chia sẻ trên Facebook.
Một nữ nhân viên Viện Kiểm sát Hà Nội đã tiếp nhận đơn của nhóm các nhà hoạt động và trí thức với giấy biên nhận có nội dung là đơn “phản ánh vụ việc xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 9/1/2020”. Tiến sĩ Quang A nhận xét rằng nữ nhân viên đã ghi “không trung thực”.
Tranh chấp đất sát với sân bay Miếu Môn giữa người dân Đồng Tâm với chính quyền trở nên gay gắt từ năm 2017 cho đến đỉnh điểm là cuộc đột kích hôm 9/1.
Ông Kình và nhiều người dân chuẩn bị một số vũ khí tự chế để “giữ đất, giữ làng” song Bộ Công an Việt Nam coi việc làm của những người dân này là có mục đích “tấn công lại lực lượng chức năng”, “có dấu hiệu của khủng bố”.
Sau cuộc đột kích, 22 người trong đó có 2 con trai và 2 cháu nội ông Lê Đình Kình bị bắt và bị khởi tố về tội giết người và chống người thi hành công vụ.
Lên tiếng cho Đồng Tâm
Facebookers bị ‘mời’ làm việc, khởi tố
Facebooker Nguyễn Thúy Hạnh, chủ tài khoản Vietcombank quyên tiền phúng điếu cụ Kình bị phong tỏa hôm 17/1, bị công an ‘mời ‘ về đồn làm việc; trong khi một Facebooker khác lên tiếng vụ Đồng Tâm bị truy tố.
Bà Hạnh kể với BBC News Tiếng Việt trong cuộc phỏng vấn hôm 21/1:
“Khoảng 1:30 chiều ngày 20/1, vợ chồng tôi ra phòng giao dịch Tây Hồ thuộc chi nhánh Ba Đình của Vietcombank để làm việc liên quan đến về chuyện tài khoản nhận tiền phúng điếu cụ Kình của tôi tại ngân hàng này bị phong toả.
“Chúng tôi đã phải chờ 1 tiếng để bà Phó Giám đốc chi nhánh đến làm việc với tôi. Khi làm việc, tôi có hỏi về thông báo phong tỏa tài khoản của tôi, thì bà Phó Giám đốc này nói đã gửi đi từ ngày 13/1 rồi và chắc do trục trặc gì đó nên chưa đến tay.
“Khi tôi hỏi lý do phong tỏa tài khoản, bà này nói là do cơ quan chức năng yêu cầu. Tôi có hỏi cơ quan chức năng nào, thì bà không trả lời. Buổi làm việc do đó cũng nhanh chóng kết thúc sau khoảng 10 phút.
Bị mời làm việc vì quyên tiền
“Trên đường ra về, khi cách ngân hàng hoàng 1 km, chúng tôi bị một lực lượng mặc thường phục, đi cả xe máy và ô tô chặn xe máy của vợ chồng tôi lại. Sau đó họ mời tôi lên ô tô, một người khác ngồi sau lưng xe máy của chồng tôi và cùng đi về số 3 Nguyễn Gia Thiều. Lúc đó là vào khoảng 3 giờ chiều.
Đồng Tâm, EVFTA và những kiến nghị qua mạng
Tài khoản quyên tiền phúng điếu cụ Kình ‘bị phong tỏa’
Đồng Tâm: “Người dân hiện đang rất hoang mang”
“Tại đây, an ninh làm việc với tôi về tài khoản ở Vietcombank. Thái độ của họ cũng ôn hòa thôi. Họ hỏi tôi tài khoản đó có đúng là tài khoản của tôi không; và trước khi kêu gọi tiền phúng điếu chuyển vào tài khoản của tôi thì tôi có quen hay thân thiết với cụ Kình không.
“Tôi trả lời đúng như thực tế, là tôi chỉ biết cụ Kình qua các thông tin từ năm 2017. Tôi rất quý mến và khâm phục tinh thần đấu tranh của ông.
“Phía công an lại hỏi:
“Chị có nghĩ trong số những người gửi tiền vào tài khoản của chị có cả những đối tượng khủng bố không?”.
Tôi nói: “Quyên góp dược 528 triệu đồng mà từ 700 người góp vào, tức là mỗi người góp trung bình chưa tới 1 triệu thì sao lại gọi là ủng hộ khủng bố được. Hơn nữa, gia đình cụ Kình bây giờ còn toàn phụ nữ, người già, thì khoản tiền quyên góp ấy sao có thể ‘tài trợ cho khủng bố’ như cáo buộc được”, bà Hạnh kể lại với BBC News Tiếng Việt.
Khi được công an hỏi về dự tính sẽ làm gì với số tiền trong tài khoản nếu việc phong tỏa được dỡ bỏ, có đưa cho Trịnh Bá Phương không bà Hạnh cho biết, bà trả lời rằng, bà sẽ chuyển khoản số tiền đó trực tiếp đến cho gia đình cụ Kình.
Sau khoảng ba tiếng đồng hồ làm việc, đến 6 giờ chiều, bà Hạnh được thả về.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, bà Hạnh cho biết là vào sáng 21/1, bà đã nhận được thông báo phong tỏa tài khoản từ Vietcombank gửi đến qua bưu điện. Văn bản này cũng không nêu lý do, hay cơ quan nào đã yêu cầu phong tỏa tài khoản.
Thông báo đề ngày 13/1 của Vietcombank chi nhánh Ba Đình viết:
“Theo quy định của pháp luật và thỏa thuận với khách hàng, chúng tôi xin thông báo tài khoản nêu trên của quý khách hàng đã bị phong tỏa toàn bộ từ ngày 13/01/2020 theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền”.
Trước đó, bà Hạnh và ông Trịnh Bá Phương đã đứng ra kêu gọi việc quyên tiền phúng điếu cho cụ Kình. Chỉ sau vài ngày kêu gọi, đã có gần 700 người gửi về đóng góp số tiền hơn nửa tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 17/1, khi bà Hạnh đến phòng giao dịch của Vietcombank để rút tiền, với dự tính sẽ chuyển cho gia đình cụ Kình, thì phía ngân hàng trả lời là tài khoản đã bị phong tỏa.
Bộ Công an, cuối ngày 17/1 cũng ra thông báo xác nhận “cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan”, trong đó có tài khoản ở Vietcombank của bà Hạnh.
Ngay sau khi Bộ Công an Việt Nam xác nhận việc phong tỏa nói trên, cộng đồng mạng xã hội đã kêu gọi ký tên vào kiến nghị trên change.org gửi Vietcombank, Mizuho Bank, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cùng các cấp thẩm quyền ngân hàng trên thế giới, yêu cầu Vietcombank phải tháo khoán số tiền 528 triệu đồng do đồng bào gửi tặng cho việc tang lễ cụ Lê Đình Kình.
Đồng Tâm: ‘Chính quyền sai về phương pháp dẫn đến án mạng’
Đồng Tâm: Vì sao cần lực lượng đông đảo vào cuộc?
Đồng Tâm: Thêm video về ông Kình trong lúc có kêu gọi tẩy chay VCB
EU và dân biểu Úc quan ngại ‘vi phạm nhân quyền’ ở Đồng Tâm
Kiến nghị cho rằng, việc tùy tiện khoá tài khoản của khách hàng khi không có bằng chứng hợp pháp đã đặt dấu hỏi về sự tin tưởng ở Vietcombank, cũng như sự hợp lý và minh bạch của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Bị khởi tố vì viết về Đồng Tâm
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, khởi tố và tạm giam Facebooker “Chương May Mắn” (tức ông Chung Hoàng Chương, sinh năm 1977) vì ông Chương viết và đăng tin liên quan đến vụ Đồng Tâm.
Trước đó, hôm 12/1, Công an quận Ninh Kiều đã tạm giữ ông Chương với cáo buộc về hành vi mà họ gọi là ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’.
Công an quận Ninh Kiều cũng khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Chương, thu giữ thiết bị lưu trữ điện tử, điện thoại.
Nhà cầm quyền Việt Nam cáo buộc ông Chương đã đăng trên mạng xã hội “nhiều bài viết có nội dung không đúng, gây mất uy tín của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội”, theo báo chí Việt Nam.
Báo chí nhà nước cũng dẫn lời cơ quan công an Việt Nam nói rằng, 16 bài viết trên Facebook của ông Chương từ năm 2018 đến gần đây “chứa nội dung có tính chất tiêu cực gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
‘Tập kích Đồng Tâm’ qua lời kể của Trịnh Bá Phương:
Trước đó, vào năm 2017, ông Chương từng đăng hình cổng chào đường đèn nghệ thuật xuân Mậu Tuất ở Cần Thơ cùng hình chiếc quần lót ,với dòng trạng thái: “Ai đi Cần Thơ, đến chổ này thì nhớ là vừa chui qua rồi ghé vào bên phải là tiệm bán sim số may mắn của iem để mua SIM cho may mắn đoá nghe hôn?”.
Năm 2016, ông Chương chia sẻ các bài viết liên quan đến Formosa, mà sau đó bị chính quyền cáo buộc là “có nội dung xuyên tạc, không chính xác về sự việc”.
Trở lại với buổi làm việc của bà Hạnh với cơ quan công an nói trên, bà Hạnh cho biết là công an có nói với bà rằng Trịnh Bá Phương đang ở trong tình thế “đứng đầu sóng gió”.
Ông Trịnh Bá Phương, trên Facebook cá nhân, xem đây là lời đe dọa và tuyên bố “Nếu tôi bị bắt thì càng chứng tỏ vụ Đồng Tâm có nhiều khuất tất và tôi cũng mong cộng đồng tiếp tục hướng về Đồng Tâm”.
Chính quyền nói gì?
Liên quan đến việc phong tỏa tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hạnh, Bộ Công an Việt Nam trong thông báo đăng trên Cổng thông tin điện tử của bộ này cho biết: “Qua công tác điều tra vụ án Giết người; Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ngày 9.1.2020; Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an thành phố Hà Nội phát hiện một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ tiền cho các đối tượng có liên quan trong vụ án.
“Để phục vụ yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ khủng bố, Cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan”, thông báo viết.
Liên quan đến việc cơ quan công an của Việt Nam khởi tố, bắt giam ông Chung Hoàng Chương, báo Tuổi trẻ của Việt Nam loan tin rằng: “Tại cơ quan điều tra, Chương thừa nhận thường xuyên dùng điện thoại di động truy cập Facebook xem các thông tin không rõ nguồn đăng tải, không kiểm chứng tính xác thực của các bài viết và chia sẻ trên trang cá nhân. Cụ thể là bài viết về sự việc xảy ra ngày 9/1 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội dù Chương không biết diễn biến vụ việc rõ ràng”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51186676
Phẩm cách Đài Loan, phẩm cách Việt Nam
Quốc ViệtGửi tới BBC từ Hà Nội
Hôm 13/01/2020, sau khi giành thắng lợi áp đảo trước đối thủ Hàn Quốc Du thuộc đảng đối lập, Tổng thống Đài Loan bà Thái Anh Văn (đảng Dân chủ Tiến bộ) đã có bài diễn văn tri ân sự ủng hộ của người dân dành cho mình, đồng thời khẳng định chiến thắng của nền dân chủ.
Bà nói: “Tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các cử tri đã tham gia vào cuộc bầu cử hôm nay. Bất kể là bạn đã bỏ phiếu cho ai, thì qua việc tham gia vào cuộc bầu cử lần này, các bạn đã đưa các giá trị dân chủ vào trong thực tiễn. Qua mỗi kỳ bầu cử tổng thống, Đài Loan đã cho thế giới thấy cái cách mà chúng ta quý trọng đời sống tự do, dân chủ, và cách mà chúng ta trân quý quốc gia của mình biết bao …” (xem bài diễn văn trên YouTube)
Đó chỉ là vài lời ngắn ngủi nhưng vô cùng đắt giá, đủ để nói lên phẩm cách của người dân lẫn đảo quốc Đài Loan. Và thật khó tin khi trước thập niên 1980, nơi này hãy còn bị cai trị bởi một chế độ “độc tài” theo đường lối chống cộng, hà khắc và vi phạm nhân quyền vào loại nhất thế giới.
Lãnh đạo Đài Loan khi ấy, cố tổng thống Tưởng Kinh Quốc (1910 – 1988) vốn là người từng được Liên Xô đào tạo, mê sách vở của Trosky, cho nên đã quá thấu hiểu nghệ thuật cai trị theo kiểu “bàn tay sắt” để có thể áp dụng lên mười mấy triệu dân của hòn đảo (hiện là hơn 23 triệu).
Nhưng mọi thứ đã thay đổi do sức ép từ phía Đại lục – dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản và chưa bao giờ ngừng muốn thu hồi Đài Loan, bên cạnh sự thúc giục của phương Tây, nhất là từ Mỹ.
Hiểu được dân chủ là chìa khóa để tồn tại, đích thân ông Tưởng đã bật đèn xanh cho một cuộc chuyển đổi ngoạn mục – dỡ bỏ thiết quân luật (1987), thả tù chính trị, cấm đàn áp, cho phép đối lập, tự do báo chí, … mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên vào năm 1996.
Từ đó đến nay, chỉ sau hơn 20 năm, bên cạnh sự thịnh vượng về kinh tế, Đài Loan thực sự đã trở thành một hình mẫu dân chủ đáng ngưỡng mộ ở châu Á, không hề thua kém phương Tây và được cả thế giới kính nể, bất chấp việc chỉ còn 14 nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức. Sở dĩ như vậy, đó là nhờ cả lãnh đạo lẫn người dân nơi đây đều biết tôn trọng và hành xử theo pháp luật – tức tinh thần “thượng tôn pháp luật”.
Tháng 3/2014, trong sự kiện “phong trào sinh viên Hoa Hướng Dương” (Sunflower movement), khi hàng chục ngàn người trẻ tuổi bao vây và chiếm đóng tòa nhà của Lập pháp Viện (Quốc hội) suốt hơn 20 ngày do lo ngại những điều khoản mập mờ trong Hiệp định hợp tác đầu tư Thương mại & Dịch vụ toàn diện hai bờ eo biển mà cựu tổng thống Mã Anh Cửu dự định ký với Bắc Kinh sẽ gây hại cho Đài Loan, chính quyền đã không đàn áp mà chọn giải quyết bằng đối thoại.
Còn về phía người dân, họ cũng đã tổ chức cuộc biểu tình hết sức ôn hòa, trật tự, hầu như không có xô xát để dẫn tới những tổn thương không mong muốn cho cả hai phía. Ai chứng kiến điều đó chắc hẳn đều cảm nhận được tương lai vô cùng hứa hẹn của Đài Loan và khâm phục người dân của đảo quốc.
Phẩm cách Việt Nam và vụ việc Đồng Tâm
Đồng Tâm: Việt Nam có biến thảm họa thành cơ hội?
Cái giá của đất Đồng Sênh và lời hô hào bạo lực
Việt Nam: Những tiếng nói vì Đồng Tâm vẫn bị ngăn chặn?
Bà Thái Anh Văn nhắm đến giới trẻ và niềm tin vào dân chủ
Nhưng Việt Nam đã không làm được như vậy. Trong biến cố “kinh hoàng” tại Đồng Tâm hôm 09/01, thay vì đối thoại, chính quyền đã chọn sử dụng vũ lực, để lại những nỗi đau rất khó chữa lành, chưa kể càng đẩy “dân oan” vào thế chống đối chính quyền và làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Đã có quá nhiều bài học: Tiên Lãng, Văn Giang, … song những cái đầu u mê dường như vẫn không chịu tỉnh.
Ngay trong bộ phim truyền hình Sinh tử vốn đã được kiểm duyệt rất kỹ và đang chiếu trên VTV nhằm nêu cao tinh thần chống tham nhũng, làm trong sạch hóa bộ máy chính quyền, ông bí thư tỉnh ủy Việt Thanh (tưởng tượng) Văn Thành Nhân (do NSND Trọng Trinh thủ vai) đã nói với cụ già, lãnh đạo tinh thần của người dân tại xã mất đất rằng: “Phải tin dân chứ cụ. Không tin dân thì tin ai? Mà tại sao lại phải sợ dân?”
Nhưng xem ra những người có thẩm quyền chỉ đạo trong chiến dịch Đồng Tâm đã không xem tập phim đó, hoặc có xem song không đủ năng lực nhận thức để hiểu thông điệp mà kịch bản phim muốn truyền tải.
Việt Nam đang bị Trung Quốc chèn ép đủ đường, không chỉ trên biển, đất liền, mà còn cả về kinh tế, thậm chí chính trị, … rất cần sự hậu thuẫn của Mỹ cùng khối đồng minh để “thoát Trung”.
Nhưng nếu hành xử như vậy thì chính quyền đâu còn tính chính danh hay chính nghĩa để mà kêu gọi các bên, nhất là “ông bạn vàng” tuân thủ nguyên tắc, luật pháp quốc tế.
Và có lẽ cũng chỉ những nhà nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Việt Nam, … mới chọn cách đó.
Chẳng còn hy vọng gì nữa, xin được trích câu hát trong bài Lời nguyện cho quê hương (tác giả Hải Linh) để thay lời kết: “Mẹ ơi! Đoái thương xem nước Việt Nam. Trời u ám bất công lan tràn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an. Đưa Việt Nam qua phút nguy nan … Mẹ ơi! Đoái thương dân chúng sầu đau. Tổ quốc thân yêu qua lúc bể dâu. Nước Việt Nam giông bão tan mau.”
Bài phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51195509
Thảm sát Đồng Tâm: Oan nghiệt đến bao giờ?
Phương Hiền
Có một “ngàn lẻ một” cách để tháo gỡ ngòi nổ Đồng Tâm trong tình tự đồng bào, nhưng họ đã chọn vũ lực để trấn áp. Tại sao những kẻ chủ mưu không nghĩ rằng, sau cú hạ sát một ông già 84 tuổi được coi là thủ lĩnh tinh thần, con người ấy từ nay sẽ bất tử trong kí ức hàng triệu triệu trái tim. Nông dân Lê Đình Kình vụt trở thành biểu tượng chống áp bức, bất công, một nhân vật bi tráng của lịch sử, một hình tượng lộng lẫy và vô cùng hấp dẫn… ” (Xem ”Phát súng lịch sử” của Tạ Duy Anh). Từ thời gian cho đến lựa chọn địa điểm để tấn công, từ dàn binh bố trận cho đến tung tin giả để lường gạt dư luận… Tất cả, là những toan tính nhằm nghiền nát “đối tượng” trong khoảnh khắc. Nhưng trận mạc trong thực địa
khác xa với cuộc diễn tập vừa mới diễn ra mấy ngày trước đó trên đường phố Sài Gòn để cho lãnh đạo thưởng lãm. Đây là trận bố ráp vào ban đêm chống lại người dân, chứ không phải là cuộc chiến tranh nhân dân như vẫn thường khoe mẽ. Chữ “NGỜ” to tướng và đắt giá làm sao!
Tổn thất nhân mạng gấp ba
“Hoan hô quân của Tô Lâm, xông vào “bốt giặc” tay cầm AK, Diệt ngay một đảng viên già, bắt sống chú bé những ba tháng tròn”. Từ thôn Hoành, đồng dao đang lan ra khắp cả nước như thế. Triển khai 3.000 quân (hoặc có thể còn nhiều hơn), để đột kích vào một thôn vẻn vẹn chỉ 14 gia đình nông dân (có nguồn tin nâng số hộ cao hơn), vậy mà tổn thất nhân mạng là ba trên một. Sau phút khai hoả đầu tiên, “ta” hy sinh ba cảnh sát, bên “địch”, một lão thành cách mạng gần 60 tuổi đảng bị diệt gọn (Dù trên tay còn cầm quả lựu đạn, theo nguồn tin từ hiện trường của công an). Xin những linh hồn “còn – mất” hãy tha thứ, khái quát vậy cũng chưa mô tả được hết “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” của các lực lượng vũ trang mà luôn được xưng tụng trên truyền hình trung ương là đội quân “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Chỉ một ngày sau khi rơi xuống “hố kỹ thuật” cùng một lúc, cả ba “đồng chí” đã lập tức được thăng cấp bậc hàm vượt cấp, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công, đồng thời nhận cả bằng Tổ quốc ghi công. Mặc dầu đến hôm nay, sau hơn 10 ngày, chúng ta vẫn chưa biết một cách cụ thể hoàn cảnh “hy sinh” của cả ba cảnh sát. Nhân đây, nhắc lại trường hợp của Đại tá Đặng Thính, Chính ủy Đoàn 559 và là Đại biểu Quốc hội khóa III, IV sau khi hy sinh anh dũng trên chiến trường nhưng vẫn không hề được thăng cấp bậc hàm vượt cấp nào… Trở lại với việc “chết cháy” của ba chiến sỹ công an nói trên là cả một câu chuyện phi logic, nhưng với Ban Văn hoá Tư tưởng và Bộ Công an, đó chỉ là tiểu tiết. Chuyện lớn là phải phát động ngay phong trào học tập và noi gương 3 liệt sĩ vừa hy sinh tại Đồng Tâm! Nhà văn Aziz Nesin có đội mồ bật dậy, chắc cũng không thể sáng tác nổi câu chuyện bi hài đẫm máu và nước mắt như ở thôn Hoành!
Từ bàng hoàng đến phẫn nộ
Như lịch sử cho thấy, phải sau “hai mươi năm nội chiến từng ngày” như cuộc nồi da xáo thịt Bắc – Nam trước đây hàng chục năm, một bộ phận dân chúng mới cảm nhận được nỗi đau và mất mát, cũng như sự bàng hoàng và phẫn nộ của chính họ. Sinh thời, Võ Văn Kiệt là một trong những chính khách hiếm hoi cảm nhận được nỗi đau ấy. Ông từng chia sẻ, cuộc nội chiến ấy có hàng triệu người vui, nhưng cũng khiến hàng triệu người buồn. Vết thương ấy của dân tộc cần được chữa lành, thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu… Với bố ráp Đồng Tâm, chỉ sau một đêm – và sau cái đêm kinh hoàng ấy hiện nay vẫn còn đang bị bồi tiếp một loạt các sự cố và sự kiện “hậu Đồng Tâm” khác nữa – người dân từ Bắc chí Nam, nhất là tầng lớp dân oan, lại tấy thêm những vết thương rỉ máu mới. Đặc biệt khi Công an ra 3 phiên bản chính thức khác nhau trong vòng 5 ngày để thông tin về vụ đàn áp đẫm máu, đó là một thảm họa lớn về quan hệ công chúng và dẫn đến khủng hoảng lòng tin.
Bởi những thôn Hoành, Thủ Thiêm, Dương Nội… đâu phải là hiện tượng đơn nhất. Những người cầm quyền sau khi “đi đêm” với các nhóm lợi ích (Nói là nhóm nhưng thật ra đó là những tập đoàn lớn mà hơn nửa tá trong số ấy là tiền từ Trung Quốc), bắt đầu cảm nhận đất dưới chân họ đang rung chuyển. Họ run sợ trước một cuộc “dân nổi can qua” nên ra tay trước. Thất bại trong công khai mở các đặc khu cho Tàu cộng, nay họ đang cố làm chui bằng được để phục vụ lợi ích tối cao của quốc gia “có đường biên giới chung” với Việt Nam (Khuất tất đến mức không dám công khai hai chữ Trung Quốc gây phản cảm trong lòng đa số dân Việt). Tranh chấp đất Đồng Tâm là ở 27 ha nhiều năm không ai quản lý chứ không hề tranh chấp đất sân bay Miếu Môn. Một vị tướng công an không dấu quan điểm của mình: quân đội tranh chấp với dân tại sao không để hai bên giải quyết với nhau, để công an nhảy vào thì không còn là tranh chấp đơn thuần nữa. Nhìn khuôn mặt người cầm đầu Viettel tại giao ban báo chí cuối năm, một đồng nghiệp rỉ tai: “Sao hắn đằng đằng sát khí như một tên lính Polpot vậy nhỉ?”
Quốc gia quốc thể lem luốc
Không rõ Đại tướng Tô Lâm đã báo cáo với Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng như thế nào về tác động của vụ tấn công thôn Hoành đối với quốc tế. Chỉ biết mới đây, trên trang Twitter của mình, nữ dân biểu người Bỉ Saskia Bricmont, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Liên minh châu Âu (INTA) đã dự báo rằng, làm sao mà Nghị viện EU lại có thể thông qua Hiệp định Thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) trong tháng hai, với một quốc gia khủng bố và đàn áp chính người dân của mình như nhà nước Việt Nam. Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của EU về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói rằng, vào hôm 9/1, đúng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội, đã trực tiếp nêu vấn đề với Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh.
Trong tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vừa có chuyến thăm làm việc tại Nghị viện châu Âu từ ngày 13 đến 16/1 để thúc giục Nghị viện châu Âu sớm thông qua Hiệp định EVFTA. Chuyến đi “chữa cháy” của Bộ Ngoại giao sau vụ thảm sát do Bộ Công an gây ra vẫn chưa có kết quả rõ rệt. Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 17/1 cho biết, quốc tế đang theo dõi sát sao chiến dịch đàn áp của Hà Nội trên phạm vi toàn quốc, được đánh dấu bằng các vụ bắt giữ và kiểm duyệt mạng xã hội rộng rãi khi họ cố gắng ngăn chặn các cuộc tranh luận công khai về vụ tranh chấp đất đai dẫn đến chết người tại Đồng Tâm. Mặc dầu bị các tổ chức LHQ nhiều lần nhắc nhở, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam vẫn đáng báo động. Với vụ Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội dường như muốn công khai thách thức cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, hai chiếc ghế ở HĐBA/LHQ và ở Chủ tịch ASEAN năm nay của Việt Nam dường như bắt đầu run rẩy cùng với các phái bộ ngoại giao Hà Nội ở đấy.
*
Với cuộc bố ráp chớp nhoáng tại thôn Hoành, phe “Củi” (các quan chức cấp cao sắp bị thiêu) đã chơi được phe “Lò” (Nguyễn Phú Trọng và các cộng sự thân tín) một chưởng để đời… (Xem bài “Chiến thắng của Phe Củi…” của Lưu Trọng Văn trên tvvn.org ngày 13/1) Nhưng người tính không bằng trời tính. Sau “cái đêm hôm ấy đêm gì”, bóng đá Việt Nam đang từ đỉnh cao chói lọi – một đội hình áp đảo tại Đông Nam Á – bỗng nhiên rơi tự do về “mo”. Phải chăng Ông Trời đã không để cho cả phe “Củi” lẫn phe “Lò” lợi dụng “ép-phê” bóng đá để lấp liếm mọi oan khiên? Đốt lò để vớt vát chút niềm tin còn rơi rớt, nhưng rồi lại lấy nước mắt hờn căm của người dân dội cho tắt ngấm cái lò ẩm ướt ấy. Đấy là lú hay là minh? (Nhà văn Phạm Viết Đào nêu câu hỏi). Trong khi người Việt giết người Việt thì ngay tại thời điểm ấy đã có tin tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 tiến về phía vùng biển Việt Nam. Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này, chiều 9/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định “chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh thông tin”. Trong khi đó, giáp Tết rồi mà dân Đồng Tâm vẫn trong không khí căng thẳng, bị triệu tập và trù dập, bị sách nhiễu và đe dọa. Liệu những đạo diễn của vụ Đồng Tâm còn định xoay vần vòng tròn oan nghiệt đến bao giờ trước khi họ chịu chấm dứt mà không tiên liệu trước những hệ quả khôn lường mà dân tộc này sẽ phải gánh chịu?
* Bài viết không thể hiện quan điểmm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/dong-tam-killing-when-will-this-end-01212020083303.html
Vì sao Đồng Tâm?
Nguyễn Anh Tuấn
Mười ngày sau biến cố Đồng Tâm, bên cạnh cảm giác bàng hoàng, phẫn nộ, nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn trước câu hỏi vì sao chính quyền lại hành động như vậy?
Bởi lẽ, ngay cả đứng trên phương diện lợi ích của chính quyền, hành động này rõ ràng lợi bất cấp hại khi nó đã xói mòn nghiêm trọng tính chính danh của chế độ, đặc biệt là với quần chúng nông dân vốn là trụ cột ủng hộ.
Chỉ có thể lý giải rằng chính quyền đã không còn sự lựa chọn nào khác mới xuống tay như vậy.
Song, hoàn cảnh nào đã khiến họ không còn lựa chọn nào khác?
Để làm rõ chuyện này, cần quay lại cuộc khủng hoảng Đồng Tâm vào tháng 4/2017. Lẽ ra mọi thứ đã êm xuôi sau khi Chủ tịch HN Nguyễn Đức Chung lăn tay điểm chỉ cam kết ba điều, đổi lại dân làng trả tự do cho cán bộ chiến sĩ. Niềm tin trong dân làng dẫu vơi vẫn còn.
Thế nhưng, chính quyết định khởi tố vụ án 2 tháng sau đó đã quét sạch chút tin tưởng sót lại trong lòng dân làng. Và biến cố đầu năm 2020 chỉ là hệ quả tất yếu của một chuỗi căng thẳng đối đầu trong suốt hai năm rưỡi qua, khởi đi từ việc chính quyền Hà Nội vứt bỏ lời hứa, khởi tố vụ án Đồng Tâm.
Bởi vậy, câu hỏi vì sao chính quyền lại hành động như vậy chắc hẳn liên quan đến câu hỏi vì sao chính quyền lại quyết định khởi tố vụ giữ người ở Đồng Tâm.
Còn nhớ lúc đó, không ít người ngạc nhiên là vì sao sự kiện Đồng Tâm diễn ra vào nửa cuối tháng 4, nhưng mãi tới giữa tháng 6, nghĩa là suýt soát 2 tháng sau, công an Hà Nội mới tiến hành khởi tố.
Có tình tiết nào mới xuất hiện trong khoảng thời gian này hay sao mà vào tháng 4 công an Hà Nội chưa thấy sự việc có dấu hiệu vi phạm, chỉ đến tháng 6 mới nhận ra? Có vẻ không phải như vậy, vì ngay từ đầu lãnh đạo chính quyền và công an Hà Nội khi trả lời phỏng vấn đều đã xác định dân làng Đồng Tâm vi phạm.
Hay theo lý giải của ĐBQH Dương Trung Quốc, người ký tên làm chứng trong bản cam kết 3 điểm của Chủ tịch HN Nguyễn Đức Chung với dân làng Đồng Tâm, thì lúc đó chính quyền chấp nhận không khởi tố để tháo ngòi nổ và giải cứu con tin thôi, còn bây giờ khởi tố để làm rõ. Nếu vậy thì sao không khởi tố ngay sau khi giải cứu được con tin? Sợ mang tiếng chăng?
Không rõ lý do thực sự là gì, song có một sự trùng hợp đáng lưu ý là lệnh khởi tố được đưa ra (13/6) chỉ 2 ngày sau khi Thành ủy Hà Nội – cơ quan lãnh đạo cao nhất thành phố – họp Hội nghị lần thứ 9 (11/6), trong đó vụ việc Đồng Tâm là một trọng tâm thảo luận.
Vậy hãy cùng xem Thành ủy Hà Nội đã kết luận ra sao về vụ Đồng Tâm để có thể có chút manh mối nào đó về lý do thực sự cho việc khởi tố. Dưới đây là kết luận của Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải trong Hội nghị:
“Thành phố đã tập trung chỉ đạo và các quận huyện thị cũng đã có đánh giá, phân loại. Hiện nay chúng ta còn 200 VỤ VIỆC liên quan đến 164 XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN. Đây là một hạn chế nhưng cũng thấy qua kinh nghiệm vụ việc ở Đồng Tâm, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền cũng khác. Chủ tịch thành phố cũng có chỉ đạo là các sở ban ngành không những đánh giá các vụ việc, mà còn đánh giá các NGUY CƠ TIỀM ẨN với thành phố chúng ta, với từng quận huyện thị một.”
“Đợi đến chân rồi xong bảo là hóa ra việc này mình biết lâu rồi nhưng chưa giải quyết. 200 vụ việc nói trên, tới đây Thành ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo. Phải ĐƯƠNG ĐẦU với nó bởi chúng ta biết là sớm muộn phải đương đầu với nó. Càng để lâu thì càng khó khăn hơn, VẤN ĐỀ CÀNG NGUY HIỂM HƠN.”
Tóm lại, Hà Nội hiện nay trung bình cứ 4 xã/phường thì tiềm ẩn 1 Đồng Tâm* do chưa dứt điểm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. Thực trạng này đang được coi là một nguy cơ tiềm ẩn, và vấn đề đang ngày càng nguy hiểm hơn.
Liệu đây có phải là nguyên nhân thực sự khiến chính quyền vứt bỏ lời hứa của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung để khởi tố dân làng cách đây hai năm, và cũng là lý do vì sao chính quyền nhất định phải xuống tay cách đây mười ngày?
Thông điệp này của chính quyền gửi đến những làng xã, địa phương liệu có tác dụng? Có khiến dân chúng bỏ cuộc, vì sợ mà chấp nhận giao đất không phản kháng?
Thời gian sẽ trả lời tất cả.
[*] Hà Nội hiện có 584 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.
* Bài vết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-dong-tam-01212020102914.html
Tin trong nước
Hai chủ tịch công ty bị bắt và bị kỷ luật
vì những sai phạm trong quản lý
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam, ông Vũ Anh Minh, bị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kỷ luật cảnh cáo.
Truyền thông trong nước hôm 21/1 loan tin cho biết vào ngày 18/1 ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định cảnh cáo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch hôi đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vì đã có những vi phạm bị cho là nghiêm trọng trong thời gian giữ các chức vụ phó vụ trưởng, Vụ trưởng vụ quản lý doanh nghiệp, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Giao thông- Vận tải.
Cụ thể, ông Vũ Anh Minh giữ chức Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp từ năm 2014 đến đầu năm 2017. Sau đó ông này được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Trong thời gian ông Minh giữ chức Phó Vụ trưởng và Vụ trưởng vụ quản lý doanh nghiệp đã tham mưu cho Bộ giao thông Vận tải các chủ trương phê duyệt phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp của Bộ GTVT.
Trước đó, 3 thứ trưởng và 1 cựu thứ trưởng Bộ GTVT cũng đã bị kỷ luật liên quan đến những sai phạm này.
Cũng tin liên quan, vào ngày 20/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (BRVT) tiến hành khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Trần Tuấn Việt, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch tỉnh BRVT để điều tra về vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2012-2015 ông Trần Tuấn Việt chi kinh phí chuyển nhượng tài sản, lợi thế quyền thuê đất giữa công ty cổ phần du lịch BRVT với công ty xây lắp và địa ốc Vũng Tàu không đúng quy định, gây thiệt hại hơn 3,2 tỷ đồng, nhận chuyển nhượng 70% cổ phần của công ty Sammei Trading Development và thương hiệu Sammy gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 7,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Việt còn ký duyệt cho ông Nguyễn Văn Mẫn phó giám đốc khách sạn Sammy Đà Lạt tạm ứng tiền để xin cấp phép dịch vụ trò chơi có thưởng tại khách sạn này khi không có kế hoạch gây thiệt hại hơn 400 triệu đồng.
Do đó, cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Việt để điều tra làm rõ vụ việc.
Khởi tố vụ công an bắn chết 1 người,
làm 2 người bị thương
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 21 tháng 1 năm 2020 loan tin, công an Cộng sản tỉnh Tiền Giang đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án đối với đại uý Lê Trần Duy Hữu Hạnh, thuộc đội cảnh sát hình sự công an thành phố Mỹ Tho về hành vi “làm chết người trong khi thi hành nhiệm vụ”. Ông Hạnh hiện chưa bị bắt giam.
Thông tin từ phía công an cho biết, vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 29 tháng 12 năm 2019, có khoảng 20 người tụ tập chơi đá gà tại khu đất trống thuộc xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho. Nên ông Hữu Hạnh và thiếu tá Nguyễn Văn Dư được cử đi với công an xã Mỹ Phong đến hiện trường. Khi thấy công an, 20 người trên bỏ chạy.
Phía công an nói rằng, ông Dư giữ lại được một người thì bị khoảng 6 người khác áp sát, có biểu hiện tấn công ông Dư. Lúc này, ông Hạnh chạy đến nổ súng để cứu ông Dư khiến các đối tượng bỏ chạy.
Vụ nổ súng khiến 3 người bị thương gồm Nguyễn Văn Liên, 37 tuổi, bị thương ở cổ; ông Đồng Quốc Trí, bị thương ở ngón tay của bàn tay phải; và ông Nguyễn Văn Của, bị thương ở khớp gối trái.
Tờ báo Tuổi trẻ chỉ nói 3 người trên bị thương nhưng không nói bị thương vì trúng đạn hay nguyên nhân khác. Nhưng phía bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, anh Liên đã tử vong vì trúng viên đạn xuyên cổ.
Phía công an thông báo, ông Hạnh đã nổ 5 phát súng trong vụ án trên. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ thông tin từ phía công an đưa ra không trung thực, vì nếu trong bối cảnh 6 người dân đang áp sát, giữ thiếu tá Dư mà ông Hạnh bắn xối xả 5 phát đạn vào người dân để cứu đồng bọn của mình thì đây là hành vi “mất trí”.
Được biết, anh Liên chưa có vợ và phải nuôi mẹ già gần 70 tuổi, anh mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Thông tin trên mạng xã hội Facebook cho biết, hôm xảy ra sự việc anh Liên là người chỉ ngồi xem đá gà cho vui nhưng không ngờ lại bị công an ra tay tàn bạo, bắn chết anh.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/khoi-to-vu-cong-an-ban-chet-1-nguoi-lam-2-nguoi-bi-thuong/
Giáp Tết nhiều công nhân đình công đòi quyền lợi
Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 20 tháng 1 năm 2020 loan tin, tính đến chiều ngày 20 tháng 1 vừa qua, trên cả nước có 18 cuộc đình công đòi quyền lợi liên quan đến tiền lương, thưởng tết, lịch nghỉ tết, lịch sản xuất, chất lượng bữa ăn tăng ca.
Ông Nguyễn Văn Toản, Phó trưởng ban Chính sách Kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng, thuộc Tổng liên đoàn Lao động Cộng sản Việt Nam cho biết, so với cùng thời kỳ năm 2019 thì năm nay số vụ đình công của công nhân tăng 3 vụ. Nguyên nhân là do sắp Tết nhưng nhiều công ty còn nợ lương, cũng như không chịu nộp bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân. Vì vậy, cực chẳng đã nhiều công nhân đã phải đình công để đòi quyền lợi.
Theo thống kê của 40 trên 83 cơ quan Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố cho biết, có 19 công ty thuộc 8 địa phương, và 2 công đoàn ngành Trung ương nợ lương của 4,115 người lao động với tổng số tiền 83,4 tỷ đồng. Trước tình hình trên, một số công ty hứa sẽ trả lương trước Tết cho người lao động, nhưng cũng có công ty thì xin được trả lương sau Tết.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/giap-tet-nhieu-cong-nhan-dinh-cong-doi-quyen-loi/
Vietcombank gây khó khăn cho người dân đi rút tiền
Tin Vietnam.- Ngày 20 tháng 1 năm 2020 Facebooker mang tên Quyet Le Quoc loan tin, cùng ngày 20 tháng 1 anh ra văn phòng giao dịch lớn của ngân hàng Vietcombank ở quận 1, Sài Gòn để rút tiền thì bất thành nên đã nghi ngờ đây là cách đối phó của ngân hàng trước làn sóng tẩy chay của người dân Việt.
Theo đó, Facebooker này vào khu vực máy bấm lấy số thứ tự thì được báo rằng máy đã bị hỏng. Ngay sau đó, một bảo vệ đến nói với anh rằng, nếu anh rút tiền thì phải chờ lâu, có lẽ là đến chiều mới tới lượt. Trong lúc chờ đợi, anh nghe một nhân viên ngân hành hỏi nhân viên bảo vệ xem còn ai đi nộp tiền vào tài khoản nữa không? Tức nếu có người nộp tiền thì sẽ được ưu tiên hoặc là nhân viên vẫn còn rãnh để nhận tiền từ người nộp.
Sau một hồi chờ đợi, anh Quyet Le Quoc đến ATM ngay tại văn phòng giao dịch thì thấy một máy báo lỗi, máy còn lại thì có người đang rút tiền nhưng chỉ trả ra toàn bằng tiền lẻ. Khi Facebooker này đi đến một ATM khác để rút tiền thì gặp tình trạng tương tự khi máy kiểm soát số lượng tiền được rút ra ít hơn so với trước đây, và toàn tiền lẻ.
Trong một bối cảnh khác, trên trang facebook cá nhân, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết, thành viên của tổ chức ân xá quốc tế Amnesty International tại Úc vừa gửi thư đến toà Đại sứ Nhật ở Việt Nam để nêu đích danh về tình trạng ngân hàng Vietcombank đã ngăn chặn tiền phúng điếu của nhiều khách hàng. Đặc biệt là ngân hàng này được sự tài trợ lớn đến từ hệ thống tài chính Mizuho ở Nhật.
Theo Facebook Nguyen Anh Tuan thì Vietcombank có hơn 70% cổ phần của nhà cầm quyền, số còn lại là của các cổ đông chiến lược quốc tế, trong đó có Mizuho của Nhật Bản chiếm 15%.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/vietcombank-gay-kho-khan-cho-nguoi-dan-di-rut-tien/
Dịch viêm phổi cấp: Việt Nam tăng cường kiểm tra
hành khách đến từ Trung Quốc tại các sân bay
Giới chức Việt Nam đang gia tăng giám sát chặt chẽ các chuyến bay từ Trung Quốc, Đài Loan, Macau, Hong Kong tới Việt Nam vào khi dịch viêm phổi cấp đang lan ra tại Trung Quốc. 100% hành khách từ các nước mới có dịch xâm nhập như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng được giám sát bằng máy đo thân nhiệt.
Việt Nam cho đến lúc này đã phát hiện hai khách Trung Quốc có dấu hiệu sốt khi nhập cảnh vào Đà Nẵng. Hai khách này sau đó được theo dõi và xác nhận không bị nhiễm virus viêm phổi cấp.
Truyền thông trong nước cho biết, vào ngày 21/1, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra công tác giám sát phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp ở sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Theo số liệu từ Cụm cảng Hàng không, trung bình mỗi ngày Sân bay quốc tế Nội Bài có từ 11 đến 16 chuyến bay từ 10 sân bay Trung Quốc và nhiều chuyến bay đến từ những nước đã phát hiện ca nhiễm bệnh như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc.
Giới chức Trung Quốc hôm 21/1 cho biết nước này đã có bệnh nhân thứ 4 tử vong vì bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Các chuyên gia y tế của Trung Quốc cho Tân Hoa Xã biết virus so thể truyền từ người sang người.
Tính đến nay, số ca nhiễm virus corona được xác định là 220, trong đó có 198 ca ở thành phố Vũ Hán.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ có cuộc họp khẩn vào ngày thứ Tư, ngày 22/1, về dịch viêm phổi cấp để xem xét có ban bố dịch viêm phổi cấp là Tình trạng Khẩn cấp về Y tế Quốc tế hay không.
CSVN hối lộ nghị viên EU
trước phiên bỏ phiếu về Hiệp định tự do thương mại
Tin từ Brussells: Chế độ cộng sản Việt Nam đã tìm cách hối lộ nghị viên của Nghị viện Châu Âu (European Parliament- EP) trước ngày Uỷ ban Thương mại của tổ chức này bỏ phiếu về thoả thuận thương mại EU-Việt Nam (EVFTA).
Vào ngày 20/1, bà Ellie Chowns, thành viên của EP đã viết trên tài khoản Twitter của bà rằng bà nhận được món quà rượu Champagne từ Toà Đại sứ của Việt Nam cộng sản ở Brussells. Theo bà, món quà này gửi cho bà 1 ngày trươc khi Ủy ban Thương mại Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu về EVFTA là hoàn toàn không phù hợp và trắng trợn.
Bà tuyên bố sẽ trả lại món quà cho Toà Đại sứ Việt Nam ở Brussells và giải thích rằng bà sẽ vui mừng nếu Việt Nam trả tự do cho toàn bộ tù nhân lương tâm.
Nhiều Facebookers cho rằng việc tặng quà cho các thành viên của EP ngay trước phiên họp mang tính quyết định về EVFTA, cho dù có bao biện là phong tục tặng quà Tết đi nữa… cũng rất khó để mấy người phương Tây hiểu
Sau gần 10 năm khởi động và tiến hành nhiều bước đàm phán EVFTA, tháng 6/2019 Hội đồng châu Âu (EC) đã phê duyệt cho phép ký hiệp định này. Hiện nay, văn bản này được xem xét bởi quốc hội các nước thành viên của khối EU.
Vào ngày 21/1, EU sẽ bỏ phiếu cho các khuyến nghị do báo cáo viên về EVFTA với Việt Nam đưa ra trước đó. Và dự kiến tháng 2/2020, EP sẽ có cuộc họp bỏ phiếu chấp thuận. Nếu mọi việc êm xuôi, EVFTA sẽ có hiệu lực gần như ngay sau đó, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng đột phá cho kinh tế Việt Nam.
Khả năng EP thông qua EVFTA đã giảm nhiều sau vụ bắt giữ nhà báo tự do Phạm Chí Dũng và thảm sát ở Đồng Tâm. Một số nghị viên của EU đã kêu gọi khối này tạo áp lực lên chính phủ Việt Nam, cũng như cân nhắc việc phê chuẩn EVFTA.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/csvn-hoi-lo-nghi-vien-eu-truoc-phien-bo-phieu-ve-hiep-dinh-tu-do-thuong-mai/
Thủ tướng yêu cầu điều tra nguyên nhân vụ cháy
làm chết 5 người
Chiều ngày 21 tháng 1, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Hà Nội, yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra nguyên nhân vụ cháy tại quận 9, TPHCM khiến 5 người trong một gia đình chết. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng chỉ đạo nếu có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo truyền thông trong nước, sáng ngày 21 tháng 1, nhằm 27 tết, một vụ cháy nhà trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP.HCM xảy ra khiến 5 người trong gia đình thiệt mạng. Các nạn nhân gồm người mẹ và bốn người con.
Tin cho biết sau 7 phút, lực lượng chữa cháy đã có mặt tại hiện trường nhưng do căn nhà nằm trong hẻm nhỏ và sâu nên việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Theo những thông tin bên lề được truyền thông trong nước đăng tải thì vụ cháy có thể liên quan đến tín dụng đen, bởi gia đình nạn nhân đã bị các đối tượng cho vay nhiều lần đe dọa, thậm chí có lần tạt mắm tôm pha sơn vào nhà và từng đe dọa sẽ đốt nhà nạn nhân để dằn mặt.
Đại tá Trang Viết Thanh, Trưởng công an quận 9 cho biết thông tin này chưa được kiểm chứng. Cơ quan chức năng đang tiến hành khám nghiệm hiện trường để xác định vị trí phát hỏa và nguyên nhân gây cháy, không loại trừ bất cứ khả năng nào gây ra vụ cháy.
Giới chuyên gia ngạc nhiên
trước tuyên bố của Viettel về mạng 5G
Leo KelionBiên tập viên chuyên về công nghệ, BBC News
Việc Viettel, một hãng viễn thông Việt Nam, tuyên bố mình đã trở thành gương mặt mới tham gia thị trường cung cấp thiết bị mạng 5G đang bị các chuyên gia trong ngành tỏ ý nghi ngờ.
Hồi tuần trước, Viettel cho trình bày bản demo cuộc gọi video call mà hãng này nói là sử dụng phần mềm và thiết bị phần cứng mạng 5G hãng tự phát triển.
Hãng nói thêm rằng sẽ nhắm vào việc thương mại hóa công nghệ này trong năm nay.
VN có thể ‘không dùng Huawei’ cho mạng 5G?
Viettel chính thức vào thị trường Myanmar
Tướng Nguyễn Mạnh Hùng về Bộ Thông tin – Truyền thông
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng chi phí nghiên cứu cao và quyền sở hữu đối với các bằng sáng chế quan trọng khác khiến điều này không dễ.
Viettel – thuộc quyền kiểm soát của quân đội Việt Nam – nói rằng các kỹ sư của hãng đã phát triển trạm thu phát sóng radio chỉ sau sáu tháng làm việc, trong thời gian đó họ đã “chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G”.
“Hiện nay, năm công ty đã thành công trong việc cung cấp các thiết bị mạng lưới 5G gồm có Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE,” hãng nói thêm trong thông cáo báo chí.
“Viettel sẽ là nhà cung ứng thứ sáu trên thế giới sản xuất thiết bị này [và là] nhà điều hành duy nhất có khả năng tự sản xuất thiết bị cho mạng lưới của mình.”
Hãng nói sẽ cho ra mắt dịch vụ 5G phục vụ dân sự và quân sự tại Việt Nam bắt đầu từ tháng Sáu.
Thông cáo báo chí cũng trích lời ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ, nói: “Đây là cơ hội rất hiếm, tạo nền tảng nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam phát triển tiếp.”
Phí bản quyền
Viettel lần đầu tiên công bố các kế hoạch sử dụng thiết bị 5G của riêng mình là hồi tháng Tám năm ngoái, khi hãng nói sẽ thay thế cho bộ thiết bị nhập khẩu từ các hãng châu Âu là Ericsson và Nokia.
Việc này diễn ra trong lúc đang có xu hướng tại các nước Đông Nam Á sử dụng sản phẩm của Huawei.
Khi đó, lãnh đạo Viettel, Thiếu Tướng Lê Đăng Dũng nói ông quan ngại về các báo cáo theo đó nói “không an toàn khi sử dụng Huawei”, dù ông nói thêm rằng nếu nhận được “thông tin thuận lợi” về hãng viễn thông của Trung Quốc trong tương lai thì ông sẽ cân nhắc lại vấn đề.
Một phân tích gia trong lĩnh vực này nói rằng ông cho là khó có khả năng Viettel nay trở thành một gương mặt cạnh tranh nghiêm túc dựa vào thực lực của mình.
“Các hãng khác đã tốn hàng tỷ đô la để phát triển công nghệ 5G của họ và họ làm việc đó không phải là xong trong một sớm một chiều,” Dan Bieler, phân tích gia từ Forrester Research, bình luận.
“Tôi nghi ngờ về việc Viettel thực sự có bao nhiêu nguồn vốn chi phí để tài trợ cho việc nghiên cứu như thế và rồi sản xuất các sản phẩm đó.”
“Nếu như đây chỉ là một số các phần nào đó mà họ sản xuất và thiết kế thì không phải là chuyện lớn – nhưng họ đưa ra tuyên bố nói rằng họ vào cùng bảng với Nokia, Ericsson và Huawei.”
Một chuyên gia khác cũng bày tỏ sự quan sát.
“Ngay cả khi nếu như họ có thể vượt qua được các rào cản khác, Viettel sẽ phải trả phí sáng chế và các phí bản quyền khác cho những hãng như Qualcomm, Huawei và Ericsson, khiến cho việc xây dựng và bán cơ sở hạ tầng của riêng họ là không thực tiễn về khía cạnh tài chính,” Dimitris Mavrakis từ ABI Research nói.
“Họ sẽ phải trả những khoản quá đắt – các chỉ số kỹ thuật công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ là những vấn đề được kiểm soát rất chặt chẽ.”
“Không phải là ai cũng có thể nhảy vào tự làm ra đồ của mình, nếu không thì các hãng khổng lồ khác trong ngành công nghiệp này như AT&T, Verizon và Vodafone cũng đã làm việc đó.”
Ngoài việc là nhà điều hành mạng lưới lớn nhất Việt Nam, Viettel cũng cung cấp dịch vụ cho 10 quốc gia khác ở châu Á, Mỹ Latin và châu Phi.
Một người thứ ba theo dõi thị trường thì tỏ ý lạc quan.
“Việt Nam đã đi theo Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế, nhưng chậm hơn 10 năm – cả hai nước đều đạt kết quả tốt trong việc đầu tư vào công nghệ cao và cơ hội phát triển 5G,” Stephane Teral từ IHS Markit nói.
“Tôi trông đợi Viettel tiếp tục tập trung vào sân nhà, ở Việt Nam, rồi chuyển sang thị trường nước ngoài tại Burundi, Campuchia, Cameroon, Đông Timor, Haiti, Lào, Mozambique, Myanmar và Tanzania, phát triển 5G nơi các nhà bán lẻ đã có tiếng không chú ý tới vì họ vẫn còn tập trung vào các thị trường béo bở hơn, và trên thực tế là họ đã trở thành lực lượng thứ sáu.”
Bài đăng trên trang BBC News Online:Vietnamese firm’s 5G claim raises eyebrows
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51190570
Năm mới, Ý mới gửi Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhà văn Nguyễn ViệnGửi cho BBC từ Sài Gòn
Tôi không phủ nhận mình là người bất đồng chính kiến, thậm chí tôi xem việc lên tiếng là trách nhiệm công dân, là sự công chính cần thiết cho phẩm cách con người, một người yêu nước. Nhưng cũng chắc chắn tôi không phải là người chống sự cai trị độc tài một cách cực đoan.
EVFTA: Nghị viện EU ‘tiến gần đến việc thông qua’
Việt Nam: Những tiếng nói vì Đồng Tâm vẫn bị ngăn chặn?
Cách đây mấy năm, tôi “được” cơ quan an ninh điều tra mời “uống trà” tại số 4 Phan Đăng Lưu. Khi được đề nghị góp phần xây dựng chính quyền, tôi đã thẳng thắn góp ý:
Dân chủ là một xu hướng tất yếu không thể đảo ngược, để xã hội ổn định, chính quyền phải có trách nhiệm xây dựng một lộ trình dân chủ lành mạnh.
Cho đến bây giờ, xu hướng đòi hỏi dân chủ đang càng ngày càng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không chỉ trong nhân dân, mà còn thấy trong tầng lớp cán bộ đảng viên.
Nhân dịp năm mới và qua những sự kiện bi thảm gần đây như Đồng Tâm, một lần nữa, tôi muốn đóng góp với đảng Cộng sản, với chính quyền, dù tôi biết mọi ý kiến với chính quyền đều vô ích, thậm chí tự gây nguy hiểm cho bản thân. Nhưng tôi không thể không nói như một công dân có trách nhiệm.
Sau mấy chục năm nắm chính quyền, tôi nghĩ “chiến lợi phẩm” như bài Quốc tế ca: “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” với đảng Cộng sản đã là quá đủ. Đã đến lúc quyền lợi cũng như trách nhiệm với quốc gia dân tộc phải thuộc về toàn dân, không thể mặc nhiên “đã có đảng và nhà nước lo” để tước quyền tham gia của mọi công dân vào sự an nguy của đất nước.
Có lẽ không một ai có thể phủ nhận tình trạng tham nhũng xảy ra trong mọi lãnh vực, từ trên xuống dưới dẫn đến một xã hội khủng hoảng niềm tin và đạo đức do thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu quyền lực chính quyền của nhân dân.
Nhằm tránh những nguy cơ xung đột, bất ổn xã hội và tạo điều kiện tốt nhất để giữ nước cũng như phát triển đất nước, một lộ trình dân chủ lành mạnh cần phải được tiến hành ngay.
Cụ thể, tôi đề nghị:
Phải bỏ ngay cơ chế “đảng cử dân bầu” khống chế quốc hội theo ý chí của đảng, như lâu nay. Trả quyền đại biểu nhân dân về cho nhân dân bằng cách thực hiện quyền tự do ứng cử và bầu cử, tạo điều kiện cho người tài có cơ hội phục vụ đất nước.
Từ đó khôi phục quyền giám sát của nhân dân một cách đúng đắn.
Mọi sự trì hoãn dân chủ hóa chỉ làm quốc gia tổn thất hơn, lòng người oán hận hơn.
Đảng Cộng sản đã đến lúc phải coi tổ quốc là trên hết, thay vì Đảng là tất cả.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở TP.HCM. Các bạn có ý kiến gì về chủ đề này xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51191041
« TBT: Hiếm có đảng cầm quyền nào trên thế giới
được dân tin yêu như ‘Đảng ta’ »
Mặc dù thú nhận “không phải không có lúc mắc sai lầm, khuyết điểm”, nhưng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng Đảng đã sớm nhận ra những sai lầm khuyết điểm này và kiên quyết sửa chữa, dù đau đớn, nên đã khiến cho người dân càng tin tưởng vào đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam.
“Nói một cách công bằng và thẳng thắn, không phải không có lúc chúng ta mắc sai lầm, khuyết điểm. Nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình, Đảng đã sớm nhận ra những sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, dù có đau đớn hay phải đối diện với muôn vàn khó khăn, rào cản”, ông Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo Quân Đội Nhân Dân vào ngày 20/1, nhân dịp Tết Nguyên Đán và kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vẫn theo lời ông Trọng, chính nhờ tinh thần “tự phê bình và phê bình này” mà “hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến Đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Bài phỏng vấn đặc biệt Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đưa ra vào thời điểm công luận vẫn chưa ngớt chỉ trích Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam về hành động được cho là “thất nhân tâm” khi thực hiện cuộc bố ráp, đột kích vào làng Đồng Tâm khiến cho “thủ lĩnh tinh thần” của người dân làng – ông Lê Đình Kình, 84 tuổi – và 3 công an thiệt mạng vào ngày 9/1, ngay thời điểm sát Tết Nguyên Đán, dịp hội tụ quây quần của các gia đình Việt Nam.
Bộ Công an quy kết ông Lê Đình Kình và hàng chục người dân làng Đồng Tâm là “đối tượng chống đối” và đưa ra quyết định khởi tố vụ án ngay sau đó đối với 22 người làng Đồng Tâm (trong đó có nhiều người là con cháu ông Kình) về 3 tội danh: giết người, tàng trữ-sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ.
Trong khi đó, 3 công an tử vong ngay lập tức được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cương vị Chủ tịch nước, truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cấp bằng “Tổ quốc ghi công” và Bộ Công an thăng cấp bậc hàm vượt cấp.
Theo nhận định của một số người quan sát tình hình thời sự Việt Nam, chưa có vụ tranh chấp đất đai nào từ trước tới nay lại dẫn đến sự phân hóa, chia rẽ công luận và rạn vỡ xã hội như trong vụ Đồng Tâm.
Hơn 10 ngày kể từ sau khi xảy ra vụ việc, công luận vẫn có thể nhìn thấy rõ làn sóng bất bình của người dân biểu lộ qua mạng xã hội và những hành động “bất tuân dân sự”.
Chẳng hạn, ngay sau khi Bộ Công an tuyên bố việc phong tỏa số tiền phúng điếu ông Kình với hơn nửa tỷ đồng (gần 23.000 USD) mà người dân đóng góp là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi “tài trợ khủng bố”, kêu gọi người dân “nâng cao cảnh giác, không gửi tiền và tài khoản của những người có hành vi kêu gọi tài trợ” và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý”, thì người dân không những không tuân theo mà còn lập tức “tỏ thái độ” bằng cách kêu gọi tẩy chay ngân hàng Vietcombank, nơi lưu giữ số tiền gây quỹ trên, và đồng thời gây một quỹ khác trên GoFundMe và đóng góp số tiền còn nhiều hơn số tiền đã bị công an phong tỏa, gần 35.000 USD (vào tối 21/1) chỉ sau 3 ngày kêu gọi.
Một số người khác, đứng đầu là TS. Nguyễn Quang A – người vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, đã đến Viện kiểm sát Hà Nội nộp đơn “tố cáo” về hành vi giết người trong vụ việc mà họ cho là chính quyền đã “tấn công” vào người dân tại Đồng Tâm.