Tin Biển Đông – 20/01/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 20/01/2020

Điểm nóng mới ở phía Nam Biển Đông

Ngày đăng 20-01-2020

Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2020 đã xuất hiện một điểm nóng mới ở khu vực phía Nam Biển Đông sau khi Trung Quốc liên tiếp cho hàng chục tàu cá với

sự hộ tống của các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia nằm ở phía Nam Biển Đông từ cuối tháng 12/2019.

Ngày 19/12/2019, đã có ít nhất 65 tàu cá Trung Quốc được hai chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc bảo vệ xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna. Cách thức hành động của Bắc Kinh trong vụ việc mới với Indonesia đi đúng theo bài bản, cho tàu dân sự tiến vào vùng biển của nước khác nhưng bị Trung Quốc tự nhận là của mình, và cho tàu hải cảnh hộ tống để sẵn sàng can thiệp khi lực lượng chấp pháp của nước sở tại đến chặn bắt các tàu Trung Quốc. Đây cũng là cách được Bắc Kinh sử dụng để áp đặt quyền kiểm soát của họ trong những vùng biển của Philippines, Malaysia, Việt Nam, và một lần nữa với Indonesia.

Indonesia đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta lên để phản đối, đồng thời gửi công hàm phản đối và đưa vụ việc ra công luận. Tuy nhiên, các tàu của Trung Quốc không chịu rút đi mà vẫn tiếp tục hoạt động ở khu vực này. Mặt khác, ngày 31/12/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn ngạo mạn tuyên bố rằng “Bắc Kinh có chủ quyền trên quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa) và vùng biển lân cận”; cả Trung Quốc lẫn Indonesia đều có hoạt động đánh bắt “bình thường” tại đó.

Cùng với việc đấu tranh ngoại giao và dư luận, Jakarta đã triển khai thêm tàu chấp pháp đến vùng biển Natuna để đối phó với vụ việc tàu Trung quốc xâm phạm và đánh bắt trái phép ở khu vực Bắc Natuna. Quyết định tăng cường tuần tra tại vùng biển Natuna đã được ông Nursyawal Embut, Giám đốc phụ trách các hoạt động trên biển thuộc cơ quan an ninh hàng hải Indonesia và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi xác nhận. Phát biểu với giới báo chí, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đồng thời nhắc lại những lời tố cáo Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển của Indonesia.

Theo nguồn tin của quân đội Indonesia, máy bay quân sự và ba tàu chiến với khoảng 600 quân nhân Indonesia đã được triển khai tới vùng biển quanh quần đảo Natuna gần kề Biển Đông. Indonesia cũng đã điều 8 chiến hạm và 4 chiến đấu cơ được triển khai tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng quần đả Natuna. Đây là lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay được triển khai đến khu vực, cả trên bình diện phương tiện vũ khí, lẫn quân lính. Mục tiêu là để đối phó với những hành vi bị Jakarta coi là sự xâm lấn ngày càng tăng của tàu thuyền Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna.

Ngoài ra để tăng cường lực lượng sẵn sàng đáp trả các hành vi xâm lấn của Trung Quốc, chính quyền Indonesia sẽ huy động ngư dân đến vùng Natuna sát Biển Đông để hỗ trợ cho các chiến hạm đã có mặt trong vùng. Ngày 06/01/2020, Bộ trưởng phụ trách an ninh Indonesia Mahfud MD cho biết khoảng 120 ngư dân từ đảo Java sẽ được gửi lên vùng quần đảo Natuna, cách đấy khoảng 1.000 km về phía bắc. Không chỉ thế, Jakarta còn tính đến việc đưa thêm tàu đánh cá từ vùng duyên hải phía Bắc và những vùng khác đến Natuna để tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước.

Trong một động thái chính trị nhằm chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ngày 08/01/2020 Tổng thống Indonesia Joko Widodo đích thân tới thăm Natura. Trước báo giới, Tổng thống Indonesia tuyên bố : “Tôi đã nhiều lần nói rằng Natuna là thuộc chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi… Không có gì phải bàn luận, tôi hy vọng điều đó là rõ ràng”; đồng thời khẳng địnhIndonesia sẽ không có bất kỳ đàm phán nào khi vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước.

Indonesia từng bắt giữ tàu Trung Quốc ở khu vực trên trong quá khứ. Song với việc Tổng thống Joko Widodo ra thị sát Natuna với những phát biểu cứng rắn khác thường cùng với việc Indoniesia điều động tàu chiến và máy bay chiến đấu đến khu vực này có thể thấy đây là phản ứng mạnh mẽ nhất của Indonesia trên những vấn đề liên quan đến Biển Đông thời gian gần đây.

Trên nguyên tắc, Indonesia không có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Indonesia luôn luôn khẳng định rằng Jakarta không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông. Thông cáo hôm 30/12/2019 của Bộ Ngoại giao Indonesia một lần nữa nhắc lại lập trường của Jakarta, theo đó nước này không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc và nhất là không công nhận cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh dùng để yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

Tuy nhiên, quan điểm của Bắc Kinh lại khác. “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra để khẳng định yêu sách chủ quyền lịch sử của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông, có chỗ ăn sâu vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna.

Hiểu rõ mưu đồ của Trung Quốc thông qua các hành vi cưỡng ép, lấn lướt để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, tiến tới khống chế và độc chiếm Biển Đông. Trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Jakarta đã nhắc lại việc Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Còn Thông cáo của cơ

quan quốc phòng Indonesia tố cáo các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp được tàu tuần duyên nước ngoài bảo vệ được coi là những hành động vi phạm chủ quyền của Indonesia.

Thông cáo ngày 01/01/2020, Bộ Ngoại giao Indonesia yêu cầu Trung Quốc giải thích“cơ sở pháp lý và ranh giới rõ ràng” của các yêu sách mà nước này đưa ra về vùng đặc quyền kinh tế dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Theo Jakarta, yêu sách của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia dựa trên cơ sở các ngư dân Trung Quốc từng hoạt động từ lâu ở đó chỉ là “đơn phương”,“không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS công nhận”.

Trước các phản ứng kiên quyết của Indonesia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cố gắng giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ việc, khẳng định “không hề có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ” giữa Bắc Kinh và Jakarta. Trong cuộc họp báo ngày 08/01/2020 tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc “sẵn sàng tiếp tục xử lý một cách đúng đắn các bất đồng với Indonesia” và “Trung Quốc, Indonesia vẫn luôn duy trì trao đổi thông tin qua kênh ngoại giao về vấn đề này”.

Do có mối quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với Trung Quốc nên lâu nay Indonesia thường giữ im lặng trước các hành vi xâm lấn, gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển của các nước láng giềng như Malaysia, Philippines, Việt Nam. Với vụ việc mà Trung Quốc gây ra trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna lần này, Indonesia mới thấu hiểu được những khó khăn thách thức mà những nước này phải gánh chịu.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, có thể sau vụ việc lần này Indonesia phải thay đổi cách tiếp cận của họ trên vấn đề Biển Đông, không thể “đứng ngoài cuộc” trong việc đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông bởi lẽ các hành vi hung hăng ngày càng leo thang thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Indonesia. Những phản ứng mạnh mẽ của Indonesia trước hành động xâm lấn của Trung Quốc những ngày gần đây thể hiện rõ điều này.

Tình trạng căng thẳng và những tranh cãi gay gắt trong quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc trong những ngày qua, là dấu hiệu cho thấy Biển Đông sẽ dậy sóng trong năm 2020. Đây sẽ là một thách thức lớn mà Việt Nam phải xử lý trong năm 2020 trên cương vị Chủ tịch ASEAN.

Mặt khác, phản ứng gay gắt của Indonesia trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông, tạo đồng thuận chung trong ASEAN để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông cũng như trong đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

http://biendong.net/bien-dong/32686-diem-nong-moi-o-phia-nam-bien-dong.html

 

Thủ đoạn biến khu vực không tranh chấp

 thành khu vực tranh chấp của Bắc Kinh ở Biển Đông

Nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động gây hấn, hung hăng với các nước láng giềng ven Biển Đông để từng bước hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” bất chấp việc yêu sách phi lý này của Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài Thường trực vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng ra phán quyết hôm 12/7/2016 bác bỏ hoàn toàn.

Thủ đoạn của họ là biến những khu vực hoàn toàn không có tranh chấp thuộc vùng biển của các nước láng giềng thành những khu vực tranh chấp rồi đòi “cùng khai thác”. Hành vi của Trung Quốc hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang tự vẽ ra luật lệ “cá lớn nuốt cá bé” của riêng họ ở Biển Đông.

Sau khi cơ bản hoàn tất quân sự hóa Biển Đông với việc bồi đắp, mở rộng trái phép các cấu trúc chiếm đóng ở Biển Đông và bố trí các vũ khí, tên lửa, trang thiết bị quân sự, từ đầu năm 2019 Trung Quốc mở rộng các hoạt động xâm lấn sâu vào vùng biển của các nước láng giềng ven Biển Đông.

Ngay từ đầu năm 2019, Trung Quốc đã cho hàng chục tàu cá, tàu dân quân biển vây hãm, uy hiếp các hoạt động của tàu cá Philippines trong các vùng biển xung quan khu vực bãi cạn Scaborough và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà đỉnh điểm là việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines gần khu vực bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc 22 ngư dân trên biển khiến Philippines phản ứng mạnh mẽ. Mặt khác, nhiều lần các tàu khảo sát của Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, thậm chí đi vào lãnh hải của Philippines làm cho Phlippines đã phải nhiều lần trao công

hàm và lên tiếng công khai phản đối. Mục tiêu của những hoạt động này là nhằm vô hiệu hóa phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông mà theo đó Philippines đã giành chiến thắng vang dội.

Suốt trong năm 2019, Trung Quốc liên tục cho tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Malaysia quấy nhiễu và uy hiếp các hoạt động dầu khí của Malaysia khiến Malaysia phải lần đầu tiên ra Sách Trắng quốc phòng, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư phát triển lực lượng hải quân để bảo vệ các lợi ích trên biển của mình.

Với Việt Nam, trong gần 4 tháng (từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019), Trung Quốc liên tục cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và dân quân biển tiến hành các hoạt động xâm lấn trong khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời uy hiếp các hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực lô 06-1 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Việt Nam đã kiên trì đấu tranh ngoại giao và dư luận, vạch trần mưu đồ của Trung Quốc muốn biến các vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp của Việt Nam, được xác định phù hợp với UNCLOS 1982 thành các vùng biển có tranh chấp để đòi “cùng khai thác”.

Các hành động hung hăng của Trung Quốc đã khiến Mỹ và nhiều nước lên tiếng mạnh mẽ, phê phán Bắc Kinh bắt nạt, cưỡng ép các nước nhỏ ven Biển Đông; Mỹ còn lên tiếng kêu gọi ASEAN có tiếng nói mạnh mẽ hơn lên án hành vi của Trung Quốc.

Trong những ngày cuối năm 2019, các hoạt động gây hấn của Trung Quốc đã lan xuống tận vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Hàng chục tàu cá dưới sự bảo vệ của các tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Cuộc tranh cãi giữa Indonesia nổ ra gay gắt từ cuối năm 2019 đến tận những ngày đầu năm mới 2020.

Đây là nơi Indonesia nói hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình theo UNCLOS 1982. Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố vùng biển đó là thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền. Trung Quốc cũng nói rằng cả Trung Quốc và Indonesia đang có các hoạt động nghề cá “bình thường” tại vùng biển đó.

UNCLOS quy định EEZ là vùng biển có chiều rộng 200 hải lý, tính từ đường cơ sở của một quốc gia trở ra. Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng đã khẳng định các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, kể cả Ba Bình không đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý. Theo đó, kể cả trong trường hợp Bắc Kinh yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa thì họ cũng không thể đòi hỏi vùng biển đến tận khu vực quần đảo Natuna của Indonesia. Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài cũng khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò’ của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và bất hợp pháp.

Quan điểm nhất quán lâu nay của Indonesia rất rõ ràng: Indonesia không phải là một bên tham gia tranh chấp đối với Quần đảo Trường Sa; Jakarta không tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và không có các vùng chồng lấn trên biển với Trung Quốc. Indonesia cũng giữ quan điểm bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”.

Trong Thông cáo của Bộ Ngoại giao Indonesia về vụ việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, Jakarta cũng nhắc đến việc yêu sách “đường lưỡi bò” đã bị phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài bác bỏ.

Hiểu rõ mưu đồ của Trung Quốc muốn biến các vùng biển không tranh chấp thành các vùng biển có tranh chấp trong hành động xâm lấn của Bắc Kinh, phía Jakarta phản ứng rất quyết liệt. Đích thân Tổng thống Indonesia JokoWidodo đã đến thăm quần đảo Natuna hôm 08/01/2020, giữa lúc đối đầu với các tàu Trung Quốc đang xảy ra ở khu vực này. Tại đây, ông Widodo nhấn mạnh: “Tôi đã nói nhiều lần rằng Natuna là lãnh thổ thuộc chủ quyền của chúng tôi (Indonesia)”; “Không có gì phải tranh cãi thêm. Về mặt thực tế, về mặt pháp lý, Natuna là của Indonesia”.

Trong Thông cáo ngày 01/01/2020, Bộ Ngoại giao Indonesia còn yêu cầu Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý và ranh giới rõ ràng” của các yêu sách mà nước này đưa ra về vùng đặc quyền kinh tế dựa trên UNCLOS 1982.

Tranh cãi gay gắt giữa Indonesia và Trung Quốc đã góp phần vạch trần âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc trong việc biến những vùng biển hoàn toàn không tranh chấp của các nước láng giềng thành các vùng biển tranh chấp để đòi “cùng khai thác” nhằm thực hiện ý đồ khống chế, độc chiếm Biển Đông của những người cầm quyền ở Bắc Kinh.

Các nhà phân tích cho rằng việc Indonesia lên tiếng mạnh mẽ vạch trần thủ đoạn của Trung Quốc biến khu vực không tranh chấp thành khu vực trách chấp, trong đó có việc yêu cầu Bắc Kinh giải thích cơ sở pháp lý cho các yêu sách của họ ở Biển Đông những ngày gần đây là động thái có lợi cho các nước ven

Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc bởi Indonesia là một nước lớn và có tiếng nói trọng lượng trong ASEAN.

Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các nước Malaysia, Indonesia và Philippines (đây đều là nạn nhân mà Bắc Kinh đang thực hiện thủ đoạn biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp) để vạch trần những thủ đoạn tinh vi của Bắc Kinh trước công luận quốc tế nhằm ngăn chặn sự bành trướng, biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.

http://biendong.net/bien-dong/32689-thu-doan-bien-khu-vuc-khong-tranh-chap-thanh-khu-vuc-tranh-chap-cua-bac-kinh-o-bien-dong.html

 

Các tư liệu về Hoàng Sa thời phong kiến Việt Nam

Ngày 17/01/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động xâm lược của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Nhân đây, xin giới thiệu một số tư liệu lịch sử chứng minh Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa với tư cách Nhà nước từ Thế kỷ 19.

Dưới thời Nguyễn, những ghi chép về Hoàng Sa phong phú, đa dạng với nhiều thông tin cụ thể trên cả hai khu vực tài liệu chính thức của Vương triều và tài liệu của các học giả.

Đại Nam thực lục Chính biên là bộ sách đồ sộ và có nhiều thông tin hơn cả về Hoàng Sa. Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã nhiều lần quan tâm đến việc kiểm tra, kiểm soát Hoàng Sa được sách ghi lại như: “sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa” năm 1803; “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” năm 1815 và năm 1816; nhận địa đồ đảo Hoàng Sa từ thuyền Mã Cao năm 1817…

Hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã phát triển lên trình độ cao hơn dưới thời trị vì của vua Minh Mệnh. Năm 1833, ông lập kế hoạch phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây. Các năm 1834, 1835, ông cho người ra dựng miếu, đền thờ thần, lập bia đá và xây bình phong ở khu vực toà miếu cổ. Năm 1836, ông quyết định hàng năm phái người ra Hoàng Sa xem xét, đo vẽ tỉ mỉ và lập thành bản đồ các đảo, hòn, bãi cát.

Khi ra đo đạc ngoài Hoàng Sa, đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 bài gỗ, trên mặt khắc dòng chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

Liên tục từ năm 1834 đến năm 1839 vua Minh Mệnh thưởng công cho những người đi vẽ bản đồ ở ngoài đảo Hoàng Sa về. Đối với những người không may gặp gió bão ngoài biển mà bảo toàn tính mạng trở về cũng có thưởng; còn những người không hoàn thành nhiệm vụ tuần phòng ngoài biển thì bị phạt nặng…

Bên cạnh Đại Nam thực lục Chính biên, dưới thời Minh Mệnh, Quốc sử quán còn được giao nhiệm vụ biên soạn bộ Minh Mệnh chính yếu, trong đó quyển 25 có chép nhiều vụ tầu đắm ở ngoài Biển Đông, trôi dạt vào bờ đã được cứu giúp chu đáo. Chẳng hạn vào năm 1836 thuyền buôn nước Anh gặp gió bão ở Hoàng Sa, tạm ghé vào hải phận tỉnh Bình Định, đã được nhà vua “sai quan tỉnh tuyên cáo chỉ dụ của triều đình cho họ nghe, đồng thời mở cuộc phát chẩn…”. Điều này không chỉ nói lên lòng nhân đạo cao cả của người Việt, mà quan trọng hơn chính là nghĩa vụ, trách nhiệm cứu hộ trên biển của Nhà nước và cư dân Việt Nam với tư cách là chủ nhân của quần đảo này.

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của triều đình thuộc lục bộ về điển chương, pháp luật…. được hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 1843 đến năm 1851. Trong sách có đoạn chép về việc lập miếu, dựng bia, trồng cây ở Hoàng Sa và khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực, về cơ bản không khác so với Đại Nam thực lục chính biên.

Quốc triều chính biên toát yếu là bộ sử trích các phần quan yếu của Đại Nam thực lục chính biên, trong đó quyển III có các đoạn chép về việc xây miếu và dựng bia, đo vẽ bản đồ và việc cứu hộ tàu Anh bị mắc cạn ghé vào bãi biển Bình Định.

Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn nhất của thế kỷ XIX, được hoàn thành vào năm 1821 có phần Dư địa chí chép về bãi Hoàng Sa và đội Hoàng Sa cũng giống như Phủ biên tạp lục.

Việt sử cương giám khảo lược là bộ sách địa lý lịch sử của Nguyễn Thông chép về Vạn Lý Trường Sa ngoài những đặc điểm địa lý, tự nhiên và dấu tích của người Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, ông còn nói khá cụ thể về đội Hoàng Sa như việc tuyển đinh tráng các xã An Vĩnh, An Hải, thời gian tồn tại của đội Hoàng Sa…

Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán thời Tự Đức biên soạn từ năm 1865 đến năm 1882. Quần đảo Hoàng Sa được giới thiệu trong quyển 8 (tỉnh Quảng Ngãi) phỏng theo Phủ biên tạp lục và những tư liệu tập hợp được trong Đại Nam thực lục. Riêng đoạn cuối sách cung cấp thêm: “Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đây xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2.000 cân”.

Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng cũng chép “đảo Hoàng Sa (ở giữa bể, thuộc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), dài rộng vài nghìn dặm)”.

Bài thơ Vọng kiến Vạn Lý Trường Sa của Lý Văn Phức có một đoạn chú dài viết khá cụ thể về khu vực biển đảo mà chính tác giả suýt mắc nạn. Theo nguồn tài liệu này thì ngay từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã từng thuê các thuỷ thủ dày dạn kinh nghiệm và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của phương Tây trực tiếp dẫn dắt một số con thuyền vượt Biển Đông. Điều này cũng góp phần giải thích bản đồ khu vực biển đảo của Việt Nam tuy vẫn giữ phong cách vẽ truyền thống, nhưng đã sớm cập nhật những thông tin mới và độ chính xác cao của bản đồ hàng hải các nước phương Tây đương đại.

Cũng thuộc nguồn tài liệu thư tịch và có giá trị cao để khẳng định quá trình các Nhà nước Việt Nam dưới thời Nguyễn thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa là các Châu bản triều Nguyễn. Qua nghiên cứu khảo sát 144 tập của hai triều Minh Mệnh và Thiệu Trị, đã tìm ra được một số tư liệu là bằng chứng rõ ràng về quá trình thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam ở hai quần đảo này như:

(i) Bản dụ của vua Minh Mệnh (13/7/1835 và 13/7/1837) về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa; các bản tấu của Thủ ngự Đà Nẵng về việc thuyền của Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa (21/6/1830);

(ii) Các bản tấu của Bộ Công về việc phạt những người đi Hoàng Sa không lập xong bản đồ (13/7/1837), về việc phái đoàn công vụ lên đường ra Hoàng Sa nhưng do gặp gió lớn mà không xuất phát được… Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (21/6 /1838) cho biết đoàn khảo sát Hoàng sa trở về báo cáo đã đến được 25 đảo (trong 3 sở), còn 1 sở hơi xa lại gặp gió lớn nên chưa tới được…

Dưới thời Nguyễn bên cạnh việc triển khai đo vẽ thực tế ở Hoàng Sa, Trường Sa là việc Nhà nước cho hoàn thành nhiều bộ bản đồ quan trọng, trong đó tiêu biểu nhất là Đại Nam nhất thống toàn đồ hoàn thành trong khoảng từ năm 1838 đến năm 1840 dưới thời vua Minh Mệnh.

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ được vẽ chung thành một cụm hình lưỡi dao kéo dài gồm khoảng ba chục đảo lớn, trong đó Hoàng Sa ở phía cực bắc được nối liền với Vạn Lý Trường Sa (tức Trường Sa) ở phía nam trong một chuỗi các đảo chưa có dấu hiệu phân tách. Vào năm 1830 cũng đã xuất hiện tấm Bản đồ vẽ theo phong cách này, nhưng đang còn ở dạng bản thảo và sau này thời Thiệu Trị có Đại Nam toàn đồ, dưới thời Tự Đức có Đại Nam nhất thống toàn đồ (Nam Bắc kỳ hội đồ) là sự tiếp nối của phong cách vẽ bản đồ hiện đại.

Xuất hiện trước và sau Đại Nam nhất thống toàn đồ có khá nhiều bản đồ khác vẽ Hoàng Sa, Trường Sa vẫn theo phương pháp truyền thống như Nam Việt bản đồ, Thiên tải nhàn đàm, An Nam dư địa chí, Khải đồng thuyết ước, Nam Việt địa dư trích lục, Nam Việt địa đồ cựu lục… Các bản đồ này tuy không cung cấp thông tin mới, nhưng xác nhận lại một thực tế là suốt trong thế kỷ XIX, Hoàng Sa, Trường Sa đã được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh hay dùng làm sách phổ biến kiến thức để mọi người dân Việt Nam ghi nhớ phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Ngay từ khi mới bắt đầu thiết lập Vương triều, Nguyễn Ánh tiếp tục cho tiến hành công việc thực thi chủ quyền, củng cố phòng thủ biển đảo của các Vương triều trước.

Một người Pháp trở thành một đại thần trong triều là Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) trong khi làm quan ở Huế xác nhận: “Xứ Đàng Trong mà Quốc vương ngày nay mang danh hiệu Hoàng đế bao gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc của Cao Miên, một vài đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Hoàng Sa, gồm có những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở. Chỉ đến năm 1816 thì nhà vua hiện nay mới chiếm hữu được quần đảo này”.

Các tư liệu trên chứng minh rằng các Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới các hình thức và biện pháp khác nhau như vãng thám kiểm tra kiểm soát, khai thác các hoá vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết….

Lực lượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, các đội Thuỷ quân, Biền binh, Vệ giám thành mà cả binh đinh, dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa Trường Sa đều phải có quyết định của Nhà nước dưới hình thức “tờ sai để thi hành công vụ” và nhiều khi chính Nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng lại.

Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thuyền thẳng về Kinh đô để báo cáo tình hình, khai nộp hoá vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá và tuỳ mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Những người hoàn thành nhiệm vụ đều được Nhà nước cấp bằng xác nhận.

Công việc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng gian nan nguy hiểm, nhiều trường hợp có đi mà không có về. Thậm chí có khi người ta phải làm lễ Tế (truy điệu) sống, làm đám tang trước để an ủi người đi. Ý thức được đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm với đất nước, nhiều người sẵn sàng dũng cảm đi vào cái chết, tự giác coi đó là trách nhiệm của chính mình. Trang lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được viết bằng máu, được đánhđổi bằng cả cuộc sống của lớp lớp những con người như thế.

Những tư liệu nói trên đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ của Việt Nam là những tư liệu quý giá khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Cho dù hiện quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng, song việc chiếm đóng bằng vũ lực và gia tăng các hoạt động bất hợp pháp của nhà cầm quyền Bắc Kinh không thể làm thay đổi một thực tế khách quan là Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

http://biendong.net/bien-dong/32691-cac-tu-lieu-ve-hoang-sa-thoi-phong-kien-viet-nam.html

 

Cần làm gì

để giảm nguy cơ bùng nổ xung đột ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông năm 2019 hết sức căng thẳng do những hành vi hung hăng của Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xung đột. Theo nhận định của nhiều nhà quan sát, trong năm 2020 vùng biển này khó mà yên lành bởi căng thẳng không chỉ là giữa Trung Quốc với một số nước ven Biển Đông mà cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ ở Biển Đông đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng Biển Đông đang trở thành lò thuốc súng và là một trong những điểm nóng nhất hành tinh.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Hu Bo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược biển thuộc Viện Nghiên cứu Đại Dương ở Bắc Kinh, chỉ có nguy cơ “xung đột vũ trang ở quy mô nhỏ’’ được nêu trong bài viết “Ba chìa khóa để Hải quân Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng tồn tại hòa bình” đăng trên trang The Diplomat, trong đó đề cập đến 03 đề xuất để giảm nguy cơ xung đột vũ trang:

Một là, Mỹ và Trung Quốc cần đạt được đồng thuận về việc chia sẻ quyền lực tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Ông Hu Bo cho rằng tương quan lực lượng tại vùng biển này đang từng bước nghiêng về phía Bắc Kinh, với các đầu tư hiện đại hóa quân sự từ hàng chục năm nay, cho dù xét về sức mạnh tuyệt đối, hiện tại cũng như thời gian tới, Trung Quốc không thể nào sánh ngang nước Mỹ.

Tuy nhiên, xét về lâu dài, Trung Quốc sẽ có sức mạnh quân sự áp đảo tại các vùng ven bờ, cụ thể là ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Hu Bo khuyến cáo Washington nên chấp nhận như một thực tế. Theo đó, hai bên cần dàn xếp để duy trì đối thoại chiến lược về khu vực Tây Thái Bình Dương, nhằm hạn chế chạy đua vũ trang, tạo thế cân bằng lực lượng tại khu vực này. Và đây chính là khuôn khổ bảo đảm an ninh chung.

Hai là, Mỹ và Trung Quốc cần nỗ lực triển khai thiết lập các quy tắc an ninh trên biển, nhằm duy trì ổn định tại khu vực. Tác giả nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 là một nền tảng quan trọng, nhưng không đủ để thiết lập trật tự và an ninh. Theoông Hu Bo, do cả Bắc Kinh và Washington đều không đủ sức mạnh để đơn phương áp đặt trật tự, các quy tắc này phụ thuộc vào sự nhất trí của cả hai bên.

Về vấn đề này, có hai bước cần tiến hành: bước 1 là xác lập các quy tắc để tránh va chạm ngoài ý muốn giữa hải quân và không quân hai nước tại vùng biển này;bước 2 là xác định các quy tắc chung cho các hoạt động quân sự nhằm tránh mọi xu hướng leo thang nguy hiểm.

Ba là, học giả Trung Quốc khuyến cáo Mỹ nên có lập trường ‘’trung lập’’ về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tác giả cảnh báo mọi can thiệp của Mỹ, đứng về phía một hoặc các bên tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, có thể dẫn đến ‘’các phản ứng dữ dội’’ từ phía Trung Quốc. Lợi ích mà nước Mỹ thu được khi làm như vậy sẽ nhỏ hơn rất nhiều các thiệt hại, và thậm chí các can thiệp đó có thể dẫn đến đối thoại với Trung Quốc bị cắt đứt, trật tự do Mỹ tạo lập tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ‘’sụp đổ hoàn toàn’’.

Mới nhìn sơ qua, có thể thấy với những đề xuất kể trên, ông Hu Bo đã có cái nhìn thực tế và tương đối khách quan tình hình Biển Đông, thừa nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông cũng như vai trò của Mỹ đối với ổn định, an ninh khu vực. Trong đó, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung cần được xử lý ổn thỏa với sự kiềm chế của cả Trung Quốc và Mỹ để duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

Tuy nhiên, khi đi vào phân tích kỹ những đề xuất của ông Hu Bo có thể thấy ông Hu Bo vẫn không chỉ ra được nguyên nhân chính của những căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, kể cả cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng leo thang là do sự hung hăng của Trung Quốc. Theo đó, trước hết Trung Quốc cần dừng ngay những hành động bắt nạt, đe dọa, cưỡng ép các nước láng giềng nhỏ ven Biển Đông.

Các đề xuất của ông Hu Bo chủ yếu kêu gọi Mỹ chấp nhận hiện trạng mới ở Biển Đông như sự việc đã rồi do Trung Quốc tạo ra. Khi đưa ra đề xuất thứ ba hẳn ông Hu Bo đã nhận thấy sự chuyển hướng rõ nét trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông năm 2019, lên án Trung Quốc trực diện mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, thể hiện rõ sự ủng hộ và nghiêng về phía các nước nhỏ ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Với đề xuất thứ 3, ông Hu Bo còn đưa ra lời đe dọa đối với Mỹ rằng nếu Mỹ đứng về phía một quốc gia ven bờ không chấp nhận sự lấn lướt của Trung Quốc có thể là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến bùng nổ xung đột vũ trang tại Biển Đông. Đáng lẽ ông Hu Bo phải chỉ ra rằng nguyên nhân sự điều chỉnh chính sách của Mỹ ở Biển Đông xuất phát từ sự hung hăng, hiếu chiến của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Qua đó, đưa ra khuyến cáo với giới lãnh đạo Bắc Kinh cần chấm dứt những hành động cưỡng ép, uy hiếp, “cá lớn nuốt cá bé”.

Trên thực tế, Hà Nội đang nằm ở tuyến đầu trong thế trận quốc tế đang dần dần hình thành, chống lại đà bành trướng Trung Quốc. Trong nửa cuối năm 2019, các lực lượng quản lý biển của Việt Nam phải đối đầu liên tục trong bốn tháng với tuần duyên Trung Quốc, xâm nhập khu vực đặc quyền kinh tế, quấy nhiễu giàn khoan. Washington đã đứng ra bênh vực Hà Nội, ủng hộ nỗ lực bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, bao gồm việc hỗ trợ Hà Nội về hải quân.

Giữa lúc Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn vùng biển các nước láng giềng ven Biển Đông và tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông xem ra các đề xuất của ông Hu Bo chỉ là một sự viển vông, không có tính khả thi bởi Washington không thể từ bỏ sự ủng hộ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị Bắc Kinh lấn át.

Để giảm nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Biển Đông trước hết, mỗi quốc gia cần hành động theo pháp luật, tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế về biển, nhất là UNCLOS 1982, tôn trọng quyền lợi của các quốc gia ven biển cũng như các quốc gia khác ở Biển Đông. Theo đó, để Biển Đông được bình yên, Trung Quốc cần từ bỏ mưu toan khống chế, độc chiếm Biển Đông; chấm dứt những hành vi đe dọa, bắt nạt các nước nhỏ để biến các vùng biển không tranh chấp của các nước này thành tranh chấp; đừng có mưu toan “hất cẳng” các nước khác ra khỏi Biển Đông.

Muốn Biển Đông được bình yên, cần giải quyết vấn đề từ gốc. Nguyên nhân làm cho Biển Đông căng thẳng là do hành vi hung hăng của Trung Quốc, do vậy những người lãnh đạo Bắc Kinh cần điều chỉnh hành vi của họ ở Biển Đông theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ với tư cách cường quốc hàng đầu thế giới không thể chấp nhận Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Vậy nên Trung Quốc cần hợp tác để xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông chính là yếu tố quan trọng nhất để giảm nguy cơ bùng nổ xung đột.

http://biendong.net/bien-dong/32685-can-lam-gi-de-giam-nguy-co-bung-no-xung-dot-o-bien-dong.html