Đối với các nhà phân tích ở Washington, cuộc bầu cử tại Đài Loan ngày thứ Bảy 11/1 là một chiến thắng 3 mặt, đối với Tổng thống Thái Anh Văn và đảng cầm quyền Dân Tiến của bà, đối với Đài Loan nói chung và đối với khái niệm dân chủ tại châu Á.
“Có tranh cãi, mà tôi cho là không thật lòng” rằng liệu hình thức cai trị dân chủ có thích hợp với lịch sử và văn hóa của châu Á hay không, ông Derek Mitchell, Chủ tịch Viện Dân chủ Quốc gia, nói.
Ông đề cập đến ông Lý Quang Diệu, người cai trị cứng rắn của Singapore trong 3 thập niên cho đến năm 1990.
“Ông Lý Quang Diệu có lần tuyên bố là chúng tôi là người châu Á, dân chủ không thích hợp đối với văn hóa của chúng tôi,” ông Michell nói tại một cuộc họp mặt được bảo trợ bởi Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Washington và hai cơ quan nghiên cứu chú trọng đến các vấn đề Đài Loan và Trung Quốc.
Tuy nhiên ông nói với Đài VOA là sự thành công của cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Đài Loan ngày 11/1 chứng minh cho sự kiện là dân chủ là một giá trị phổ quát có thể áp dụng tốt cho châu Á cũng như cho những phần đất khác trên thế giới.
Ông Mitchell đặc biệt xúc động vì bài diễn văn thừa nhận chiến bại của ứng cử viên thất cử Hàn Quốc Du, lãnh tụ Quốc Dân đảng (KMT)
Đảng của ông, được xem như thân thiện với Trung Quốc hơn là Đảng Dân Tiến (DPP) của bà Thái, chỉ được 40% số phiếu so với 60% của đảng thắng cử. Mất lòng tin đối với Trung Quốc được khuấy động bởi nhiều tháng biểu tình chống Trung Quốc tại Hong Kong được xem như góp phần vào cuộc chiến thắng áp đảo của DPP.
Kinh nghiệm của Đài Loan trong tuần này, cùng với việc chuyển sang dân chủ thành công của Hàn Quốc trong những năm 1990, “đã chứng tỏ quan niệm châu Á không thích hợp với dân chủ là điều sai lầm,” ông Mitchell nói.
Một người khách khác trong buổi họp mặt ngày 11/1 là ông Richard Bush, nhà quan sát châu Á lâu năm cũng có ấn tượng tương tự đối với cuộc bầu cử Đài Loan. Ông nói dân chủ có những đòi hỏi duy nhất đối với công dân cũng như đối với chính trị gia.
Ông nhận định thêm “Không phải tất cả các quốc gia đều liều lĩnh cho phép người dân bình thường chọn các nhà lãnh đạo.”
Đối với ông Stanley Kao, Trưởng văn phòng đại diện của Đài Loan tại Washington, thì cuộc bầu cử này đánh dấu cuộc vận động tranh cử dài ngày kết thúc cũng như bắt đầu một loạt những thách thức mới-và những cơ hội.
Nhấn mạnh rằng Đài Loan không xem thường các mối quan hệ với Washington, ông Kao nói “Chúng tôi có nhiều công việc phải làm,” trong đó có một thỏa thuận tự do mậu dịch, tăng cường hợp tác về an ninh và thăm viếng lẫn nhau.”
Ông nói với Đài VOA là công việc của ông được dễ dàng vì có Hiệp ước về những Quan hệ với Đài Loan, nhằm đảm bảo những quan hệ giữa Hoa Kỳ với hòn đảo này, dù Hoa Kỳ công nhận chính phủ Bắc Kinh là đối tác chính thức của Washington.
Ông Kao mô tả điều mà ông xem như là nhiệm vụ và sự tiếp cận tại Washington: Theo đường lối, hoàn tất công tác. Chúng tôi không muốn làm quá, nhưng cùng lúc, chúng tôi không ngần ngại đưa ra yêu cầu,” ông nói. “Chúng tôi vẫn lạc quan nhưng đồng thời thực tế.”
(BTV Natalie Liu)
VOA