Tin khắp nơi – 16/01/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 16/01/2020

Mỹ-Trung ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1

Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày 15/1 loan báo về thỏa thuận thương mại sơ khởi rút lại một số thuế quan và đẩy mạnh việc Trung Quốc mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, tháo gỡ ngòi nổ của 18 tháng tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bắc Kinh và Washington mô tả thỏa thuận “Giai đoạn 1” là một bước tiến đáng kể sau nhiều tháng thương thuyết cam go cùng những trả đũa qua lại làm lung lay những chuỗi cung cấp và tạo nên những lo ngại về suy thoái của kinh tế thế giới.

“Cùng nhau, chúng ta sửa sai thành đúng và đưa đến một tương lai công lý cho kinh tế và an ninh cho công nhân, nông dân và các gia đình Mỹ,” Tổng thống Donald Trump ca ngợi thỏa thuận trong những nhận định hoa mỹ tại Tòa Bạch Ốc cùng với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và các giới chức khác.

Trọng tâm của thỏa thuận là lời hứa của Trung Quốc mua thêm ít nhất 200 tỉ đô la sản phẩm nông nghiệp và những hàng hóa và dịch vụ trong vòng 2 năm, vượt quá lằn ranh 186 tỉ đô la trong năm 2017.

Thỏa thuận sẽ bao gồm 50 tỉ đô la đơn đặt hàng thêm đối với những sản phẩm nông nghiệp Mỹ, ông Trump nói và cho biết thêm ông tin tưởng là nông dân Mỹ sẽ có thể đáp ứng được những đòi hỏi to lớn. Ông cũng cho biết rằng Trung Quốc sẽ mua thêm từ 40 tỉ đến 50 tỉ đô la dịch vụ của Mỹ, 75 tỉ đô la nữa về hàng hóa chế tạo và thêm 50 tỉ đô la về những cung ứng năng lượng.

Các giới chức hai nước ca ngợi thỏa thuận là bước vào một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ Mỹ-Trung, nhưng không giải quyết nhiều khác biệt cơ cấu vốn khiến cho chính quyền ông Trump phải khởi động thương chiến.

Những khác biệt này bao gồm tập tục có từ lâu của Trung Quốc trong việc trợ cấp các công ty quốc doanh và làm thị trường quốc tế tràn ngập hàng hóa giá rẻ.

Ông Trump từ trước tới nay đã áp dụng chính sách “Nước Mỹ trên hết” nhằm tái cân bằng mậu dịch toàn cầu có lợi cho các công ty và công nhân Mỹ. Ông nói Trung Quốc hứa có những hành động để đối đầu với việc đánh cắp hay hàng hóa giả mạo và rằng thỏa thuận này bao gồm bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ.

Trước đó, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow nói với Fox News là thỏa thuận sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2020 và 2021.

Tuy nhiên một vài nhà phân tích bày tỏ nghi ngờ là việc này sẽ đưa thương mại Mỹ-Trung vào một quỹ đạo mới.

Thỏa thuận Giai đoạn 1, đạt được vào tháng 12 năm ngoái, bãi bỏ thuế quan dự trù của Mỹ đánh vào điện thoại di động, đồ chơi và máy vi tính xách tay và gần một nửa thuế quan 7,5% đánh vào 120 tỉ đô la hàng hóa khác của Trung Quốc, bao gồm truyền hình phẳng, tai nghe bluetooth và giày dép.

Tuy nhiên thỏa thuận này sẽ giữ nguyên thuế quan 25% đánh vào 250 tỉ hàng hóa các loại của Trung Quốc trong đó có hàng công nghiệp và các bộ phận các nhà sản xuất Mỹ sử dụng.

Tổng thống Trump ca ngợi thỏa thuận Giai đoạn 1 như là trụ cột trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông, cho biết ông sẽ đồng ý bỏ những thuế quan còn lại một khi hai bên thương thuyết về thỏa thuận “Giai đoạn 2”. Ông nói những cuộc thương thuyết này sẽ sớm bắt đầu.

Ông nói thêm rằng ông sẽ đi thăm Trung Quốc trong một tương lai không xa.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-trung-k%C3%BD-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-giai-%C4%91o%E1%BA%A1n-1-/5247284.html

 

Quân đội Mỹ tại Iraq tiếp tục hành quân chống ISIS

Các quân nhân Mỹ tại căn cứ Ain al-Asad, nơi bị Iran pháo kích. (Hình: AP Photo/Qassim Abdul-Zahra)

WASHINGTON, D.C. (AP) – Quân đội Mỹ hiện đang tái tục các cuộc hành quân săn lùng thành phần khủng bố ISIS ở Iraq và mở lại nỗ lực huấn luyện cho quân đội quốc gia  này, theo lời các giới chức quân sự Mỹ hôm Thứ Tư, 15 Tháng Giêng, dù vẫn còn sự bất đồng lớn liên quan đến việc Mỹ dùng drone giết một tướng cao cấp Iran ở Baghdad.

Một giới chức Mỹ nói rằng một số cuộc hành quân hỗn hợp giữa Mỹ và Iraq đã được thực hiện, dù rằng không nhiều như trước.

Nguồn tin này nói rằng các chi tiết về việc tái lập huấn luyện cho quân đội Iraq vẫn còn đang được thảo luận, nhưng sẽ sớm có kết quả.

Mối liên hệ giữa Mỹ và Iraq bị rạn nứt sau khi quân đội Mỹ mở cuộc tấn công bằng drone gần phi trường quốc tế Baghdad hôm 3 Tháng Giêng, làm thiệt mạng Tướng Qassem Soleimani của Iran.

Quốc Hội Iraq sau đó bỏ phiếu đòi quân đội Mỹ rút ra khỏi quốc gia này và Thủ Tướng Adel Abdul-Mahdi yêu cầu Washington đưa ra kế hoạch chi tiết cho việc rút quân.

Phía Mỹ mạnh mẽ bác bỏ đòi hỏi này và cho tới nay chưa có hành động gì liên quan đến việc rút số quân khoảng hơn 5,000 người ra khỏi Iraq.

Một giới chức Mỹ nói cấp chỉ huy quân sự tại chỗ đã thảo luận việc tái tục các cuộc hành quân hỗn hợp với phía Iraq, nhưng không rõ ai tham dự các cuộc thảo luận này hay giới chức lãnh đạo chính phủ Iraq có sẽ công khai bày tỏ sự đồng ý với việc này hay không.

Giới lãnh đạo Iraq bày tỏ sự giận dữ sau khi có cuộc tấn công bằng drone của Mỹ và cuộc pháo kích trả đũa sau đó của Iran vào hai căn cứ quân sự Iraq, nơi có quân đội Mỹ trấn đóng. (V.Giang)

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/quan-doi-my-tai-iraq-tiep-tuc-hanh-quan-chong-isis/

 

Hoa Kỳ dự kiến cắt giảm viện trợ quân sự

cho Iraq nếu quốc gia này yêu cầu

binh sĩ Hoa Kỳ rời khỏi khu vực

Tin từ Washington, D.C. – Chính quyền Tổng Thống Trump đang chuẩn bị cắt giảm 250 triệu mỹ kim tiền viện trợ quân sự cho Iraq, nếu chính phủ nước này trục xuất quân đội Hoa Kỳ, và đang xem xét lại một loạt các hỗ trợ kinh tế và quân sự chưa được thực hiện khác.

Theo các email mà tờ Wall Street Journal thu thập từ Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng, Cơ Quan phụ trách vấn đề vùng Cận Đông (Bureau of Near Eastern Affairs) thuộc Bộ Ngoại Giao sẽ cắt giảm 250 triệu mỹ kim trong chương trình tài trợ quân sự ngoại quốc của Hoa Kỳ cho Iraq trong năm tài chính hiện tại, mặc dù khoảng tài trợ này đã đuộc Quốc Hội thông qua từ trước. Bên cạnh đó, Cơ Quan phụ trách vấn đề Cận Đông dự kiến sẽ hỏi Văn phòng Quản trị và Ngân sách của Tòa Bạch Ốc xem họ có thể cắt giảm 100 triệu mỹ kim viện trợ quân sự cho Iraq trong năm tài chính 2021 hay không.

Các email khẳng định rằng quyết định cuối cùng về việc cắt giảm tài trợ quân sự vẫn chưa được đưa ra, nhưng các viên chức chính quyền hàng đầu đã ra lệnh xem xét lại những khoản tiền nào có thể được giữ hoặc phân bổ lại trong trường hợp Iraq yêu cầu quân đội Hoa Kỳ rời khỏi đất nước.

Một trong những email cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ra lệnh rằng các quỹ tài chính quân sự ngoại quốc năm 2020 được sử dụng cho các vấn đề khác. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ còn khuyến cáo rằng họ sẽ đóng quyền truy cập của Iraq vào tài khoản ngân hàng của họ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York nếu binh sĩ Hoa Kỳ bị trục xuất khỏi Iraq, một hành động có thể làm rung chuyển nền kinh tế hiện đang mong manh của quốc gia này. (BBT)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-du-kien-cat-giam-vien-tro-quan-su-cho-iraq-neu-quoc-gia-nay-yeu-cau-binh-si-hoa-ky-roi-khoi-khu-vuc/

 

Mỹ kêu gọi Campuchia

cho báo chí đưa tin vụ xử thủ lĩnh đối lập

Hoa Kỳ hôm 16/1 kêu gọi tòa án Campuchia cho phép báo chí đưa tin về vụ xử tội phản quốc đối với thủ lĩnh đảng đối lập, ông Kem Sokha, vốn bị cáo buộc âm mưu lật đổ Thủ tướng Hun Sen, theo Reuters.

Tin cho hay, ông Kem Sokha bị bắt năm 2017 và đảng của ông bị cấm hoạt động, trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Hun Sen bị chỉ trích đàn áp phe đối lập, các nhóm xã hội dân sự và truyền thông trước cuộc bầu cử quốc hội năm 2018 mà đảng cầm quyền giành mọi ghế.

Theo Reuters, các phóng viên bị cấm tới đưa tin về vụ xử sau sáng ngày 15 và 16/1.

XEM THÊM:

Campuchia ngừng quản thúc tại gia thủ lĩnh đối lập

Một nhân chứng cho hãng tin Reuters biết đã nhìn thấy một số ghế trống trong phiên xử hôm 15/1 với sự tham dự của các quan chức và nhà ngoại giao.

“Chúng tôi biết chuyện các quan chức tòa án đã loại các thành viên xã hội dân sự và truyền thông tới phiên xử, và chúng tôi đã thúc giục tòa án cho phép họ vào”, bà Emily Zeeberg, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ, nói với đài phát thanh nội địa Voice of Democracy.

“Tự do biểu đạt và tự do báo chí, một xã hội dân sự mạnh mẽ và việc khoan dung các quan điểm bất đồng là các thành tố quan trọng trong bất kỳ nền dân chủ nào”.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-campuchia-cho-b%C3%A1o-ch%C3%AD-%C4%91%C6%B0a-tin-v%E1%BB%A5-x%E1%BB%AD-th%E1%BB%A7-l%C4%A9nh-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp/5248259.html

 

Bầu cử 2020:

Sanders và Warren tranh cãi về ‘nữ tổng thống’

Đã có bảy cuộc tranh luận chính thức của đảng Dân chủ, nhưng cuộc tranh luận này có một ý nghĩa cấp bách – trong vòng chưa đầy ba tuần, các ứng cử viên sẽ phải đối mặt với phép thử đầu tiên.

Mùa bầu cử sơ bộ bắt đầu vào ngày 3/2 với cuộc bỏ phiếu của Iowa, khi các cử tri Dân chủ ở tiểu bang này sẽ chọn người họ muốn đối đầu với Donald Trump vào tháng 11.

Trong khi sáu người Dân chủ ôm mộng vào Nhà Trắng đang ở trên sân khấu cuộc tranh luận tại Des Moines, tổng thống đảng Cộng hòa chế giễu họ tại một cuộc vận động tranh cử cách đó 400 dặm về phía đông, ở Wisconsin.

Dưới đây là những khoảnh khắc quan trọng từ cuộc tranh luận – và cuộc vận động tranh cử của Trump.

Những khoảnh khắc đáng ghi nhận

Ngôn ngữ cơ thể giữa Elizabeth Warren và Bernie Sanders khi kết thúc cuộc tranh luận – khi họ phát biểu sôi nổi và không bắt tay nhau – đã tự nói lên câu chuyện của riêng nó.

Hiệp ước không gây hấn giữa hai ứng cử viên này có thể kết thúc ngay khi cuộc bỏ phiếu sơ bộ bắt đầu.

Tin tức đáng chú ý nhất về chiến dịch tranh cử trong vài ngày qua chính là căng thẳng gia tăng giữa hai ứng cử viên cấp tiến nhất của đảng.

Warren cáo buộc rằng Sanders nói với bà vào tháng 12 năm 2018 rằng một phụ nữ không thể giành được chức tổng thống – điều mà Sanders phủ nhận.

Khi được hỏi về điều này trong cuộc tranh luận, Sanders phủ nhận nó một lần nữa – nói rằng từ lâu ông đã ủng hộ ý tưởng về một nữ tổng thống.

Đến lượt mình, Warren, trong một câu trả lời mà bà rõ ràng là đã dành thời gian để soạn, đã đạt được một số mục tiêu chính trị gần như chỉ trong một hơi thở.

Bà mở đầu bằng cách ngụ ý rằng Sanders đang nói dối.

Sau đó, bà biến câu trả lời của mình thành một lời quảng bá cho thành công tranh cử mà bà và Amy Klobuchar, ứng cử viên nữ khác trên sân khấu, đã có. Họ đã thắng mọi cuộc bầu cử họ tham gia, bà nói giữa những tràng pháo tay vang rền như sấm, trong khi ba chính trị gia nam giới đang tranh luận đã mất đi 10 người cùng phái.

Warren kết thúc bằng cách tự cho mình là ứng cử viên đoàn kết với một liên minh rộng lớn.

“Mối nguy hiểm thực sự mà chúng ta phải đối mặt là khi đảng Dân chủ chọn một ứng cử viên không thể kéo các thành viên của đảng lại gần nhau hoặc một người nào đó được cho là đương nhiên sẽ chiếm phần lớn các cử tri,” bà nói. “Chúng tôi cần phải phấn khích tất cả mọi thành phần của đảng, đưa mọi người vào và cho mọi người một thành viên Dân chủ họ có thể tin vào.”

Trước tình trạng Sanders bị chỉ trích vì quá chia rẽ, Pete Buttigieg vì không thể có được sự ủng hộ đáng kể của cử tri thiểu số, và Biden vì thiếu sự hỗ trợ nhiệt tình, đó là một cú đá vào cả ba ứng cử viên cạnh tranh với cô ở đầu các cuộc thăm dò.

Bầu cử Anh có làm thức tỉnh phe Dân chủ của Mỹ?

Ai đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà trắng của đảng Dân chủ?

Điều gì phân chia các ứng viên?

Do cuộc khủng hoảng Iran tuần trước, chính sách đối ngoại đã lần đầu tiên khơi mào cuộc tranh luận – và các ứng cử viên được chia thành hai nhóm chính.

Elizabeth Warren và Bernie Sanders kêu gọi việc rút khỏi Trung Đông của các lực lượng Hoa Kỳ.

Warren nói rằng các tướng lĩnh Hoa Kỳ đã nói trong nhiều năm qua rằng Hoa Kỳ đang “quẹo vào một ngã rẽ” tại Trung Đông và Afghanistan, nhưng họ không bao giờ có thể nói một cách chi tiết và chính xác cách thức và thời điểm mà Hoa Kỳ có thể thoát ra.

“Chúng ta đã quẹo rất nhiều lần đến nỗi chúng ta đang đi vòng vòng ở các khu vực này”, bà châm biếm, trước khi nói rằng Hoa Kỳ phải ngừng yêu cầu quân đội giải quyết các vấn đề không thể giải quyết bằng quân sự.

Joe Biden, Amy Klobuchar và – hơi miễn cưỡng – Pete Buttigieg hỗ trợ cho việc mở rộng việc triển khai mức nhỏ lực lượng của Hoa Kỳ ở Iraq. Biden cảnh báo rằng nếu không có quân đội Mỹ trong khu vực, Nhà nước Hồi giáo có thể lấy lại sức mạnh.

“Họ sẽ quay lại nếu chúng ta không đối phó và chúng ta không có người có thể lôi kéo các nước khác trên thế giới đồng hành với chúng ta, với một lực lượng đặc biệt nhỏ mà Mỹ đang có, để hạ gục được họ,” ông nói.

‘Vì sao chúng tôi muốn Trump tái đắc cử năm 2020?’

Bầu cử 2020: Tỷ phú Michael Bloomberg muốn thách thức Trump

Khi chủ đề chuyển sang giao thương, họ cũng có chút khác biệt. Sanders cho biết ông phản đối hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada do chính quyền Trump đàm phán, trong khi Warren nói rằng bà miễn cưỡng ủng hộ nó như một “cải tiến khiêm tốn”.

Giữa Warren và Sanders không có nhiều rạn nứt về chính sách, nhưng đây là một khác biệt.

Điều trớ trêu, tất nhiên, là các cuộc thăm dò gần đây cho thấy phần lớn người Mỹ – và đảng Dân chủ – đang ủng hộ các thỏa thuận thương mại.

Cử tri Mỹ có xu hướng không bỏ phiếu dựa trên các chính sách đối ngoại ngoài thời chiến tranh hoặc trước một khủng hoảng quốc gia – nhưng như chúng ta thấy tuần trước, khủng hoảng quốc gia có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Joe Biden có được nhiều điểm không?

Warren có thể đã có khoảnh khắc nổi bật trong cuộc tranh luận, nhưng ứng cử viên rốt cuộc có thể là người hưởng lợi lớn nhất trong cuộc tranh luận là người đã gặp khó khăn trong suốt nhiều tháng qua và dường mà vẫn ở vị trí tốt nhất bước vào mùa bầu cử sơ bộ.

Nếu có một cạnh tranh mạnh mẽ giữa Warren và Sanders, thì đó là tin tốt cho cựu phó tổng thống. Ông Joe Biden có thể tránh thu hút chú ý trong khi những người đang cùng ông dẫn đầu cuộc đua đấu đá – và tránh thu hút chú ý chính xác là những gì ông làm vào tối thứ Ba.

Trong suốt buổi tối, một lần nữa, Biden cho thấy ông sẽ không bao giờ trở thành một nhà tranh luận lão luyện. Ông không phải là người hùng biện trong thời đang ở đỉnh cao và dường như còn kém sắc bén đi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sân khấu tranh luận nhỏ có lợi cho ông. Thường bị lạc đề và mệt mỏi trong các cuộc tranh luận với hàng chục ứng cử viên, ông Biden tham gia tích cực hơn trong hai cuộc tranh luận vừa qua.

Khi chủ đề chuyển sang việc luận tội, Biden lưu ý rằng đảng Cộng hòa đã “hành hạ đứa con trai còn lại của tôi” – một ám chỉ tinh tế đến việc ông đã chôn cất hai đứa con và một người vợ, một nguồn đau buồn có thể gây thiện cảm với công chúng nếu Hunter Biden bị lôi kéo vào phiên tòa luận tội Trump sắp tới của Thượng viện.

Sau khi Warren ghi được điểm, Biden đã có được tuyên bố cuối cùng trước giờ nghỉ thương mại, lưu ý rằng ông có “liên minh rộng nhất so với bất kỳ ai trong cuộc đua này”.

Đó là chủ đề mà Biden quay lại khi được hỏi liệu ông có thể đối đầu với Trump trong một cuộc tranh luận hay không.

“Tôi có sự được sự hỗ trợ của mọi giới,” ông nói, khoe sự ủng hộ từ các cử tri da đen và tầng lớp lao động. “Tôi chẳng lo về việc đấu với Donald Trump tí nào.”

Sau phút nghỉ quảng cáo lần thứ hai, Biden lại là người được nói cuối cùng. Và các đối thủ cạnh tranh của ông đã bỏ lỡ một cơ hội tấn công cựu phó tổng thống trước khi chiến dịch tranh cử chuyển từ những nơi như Iowa và New Hampshire sang các tiểu bang đa dạng hơn, nơi mà liên minh của Biden có thể giúp ông chiếm thế thượng phong.

Biden cũng chưa nắm chắc sẽ đoạt được đề cử, nhưng vẫn giữ được cho con tàu của mình nổi lên – tốt hơn điều mà nhiều người nghĩ sau vài cuộc tranh luận yếu đầu tiên của ông.

Trump bận tâm với đảng Dân chủ

Tại cuộc vận động tranh cử – Holly Honderich, BBC News, Milwaukee, Wisconsin

“Những gì nhóm người này đang làm, là sẽ phá hủy quốc gia của chúng ta.”

Phát biểu tại một cuộc tranh cử ở Milwaukee trong khi các đối thủ của ông tranh luận tại Iowa vào tối thứ Ba, Tổng thống Trump thoáng nhắc đến – dù rất cay cú – các ứng cử viên đảng Dân chủ đang thách thức ông.Bernie Sanders là “một kẻ khó chịu” “tăng vọt” trong các cuộc thăm dò ý kiến, Trump nói giữa những tiếng la ó và chế diễu, khi ông đề cập đến một tiểu bang đã bỏ phiếu cho Sanders nhiều hơn Hillary Clinton 13% trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2016.

Trump dùng những lời lăng mạ quen thuộc để nói về các ứng cử viên đang dẫn đầu khác: “Elizabeth Pocahontas Warren” và “Sleepy Joe Biden”, chọc cựu phó tổng thống vì những chuyện vặt vãnh trong quá khứ.

Và chỉ với những vuốt ngắn này, ông Trump đã nói nhiều về các ứng cử viên Dân chủ hơn hầu hết những người ủng hộ ông đứng xếp hàng bên ngoài, chờ được nghe tổng thống nói.

Khi được hỏi, người tham dự đã bình luận về Đảng Dân chủ, gọi họ là “những kẻ ngốc”, những con trâu “hoặc” những trò đùa”, làm phí thời gian cho việc luận tội. Nhưng không, họ nói, thực sự tạo ra được bất kỳ thách thức nào cho tổng thống.

“Không ai có thể địch lại Trump được”, Vicky Francis nói khi đứng trong cuộc vận động tranh cử thứ 10 của Trump mà bà đã tham dự.

“Tất cả những gì ông ấy nói sẽ làm, ông đã làm. Ông ấy đang nói sự thật.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-51117065

 

Hạ Viện bỏ phiếu để gởi cáo trạng

luận tội tổng thống Trump lên Thượng Viện

Tin Washington DC – Vào thứ Tư, 15 tháng 1, Hạ Viện do đảng Dân Chủ lãnh đạo đã bỏ phiếu để gởi 2 cáo trạng chống lại Tổng Thống Donald Trump lên Thượng Viện, mở đường cho phiên xét xử dự kiến bắt đầu vào tuần sau. Các nhà lập pháp đã bỏ phiếu 228 trên 193 để trao cho Thượng Viện trách nhiệm xét xử tổng thống về các cáo buộc lạm quyền và cản trở Quốc Hội.

Cuộc bỏ phiếu gần như theo sát ranh giới đảng phái. Lên tiếng sau phiên bỏ phiếu, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói bà đã từ chối các lời kêu gọi luận tội Tổng Thống Trump trong thời gian rất dài, cho đến khi tổng thống vượt quá giới hạn khiến đảng Dân Chủ không còn lựa chọn nào khác. Cũng trong ngày thứ Tư, Hạ Viện đã bỏ phiếu phê chuẩn một nghị quyết, chính thức chỉ định các dân biểu giám sát việc luận tội, đảm nhận vai trò công tố viên trong phiên xét xử Tổng Thống Trump tại Thượng Viện. Một nhóm 7 dân biểu Dân Chủ đã được chọn, dẫn đầu là Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ Viện Adam Schiff, người trước đây từng là công tố viên liên bang. Vào 5 giờ chiều giờ miền đông, các dân biểu giám sát luận tội đã đích thân đến Thượng Viện để trao tận tay cáo trạng luận tội cho viện lập pháp này. Tòa Bạch Ốc cho đến nay vẫn chưa công bố nhóm biện hộ. Phiên xét xử tại Thượng Viện sẽ được giám sát bởi chánh án Tối Cao Pháp Viện John Roberts.

Thượng Viện được cho là sẽ xóa các cáo trạng đối với Tổng Thống Trump. Tuy nhiên, vụ luận tội sẽ vẫn là một vết đen trong hồ sơ của tổng thống Trump, và phiên xét xử tại Thượng Viện sẽ gây khó chịu cho tổng thống, trong bối cảnh ông đang vận động tranh cử nhiệm kỳ 2.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/ha-vien-bo-phieu-de-goi-cao-trang-luan-toi-tong-thong-trump-len-thuong-vien/

 

Cơ quan giám sát của Quốc hội:

Chính quyền Trump phạm luật về viện trợ cho Ukraine

Tòa Bạch Ốc đã vi phạm luật liên bang khi giữ lại viện trợ an ninh đã được các nhà lập pháp phê chuẩn cho Ukraine.

Một cơ quan giám sát phi đảng phái của Quốc hội Mỹ cho biết như vậy hôm thứ Năm 16/1. Đây là một đòn mạnh đánh vào Tổng thống Donald Trump khi Thượng viện chuẩn bị xét xử luận tội ông.

Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo hôm thứ Tư đã gửi cho Thượng viện hai điều khoản luận tội mà họ đã thông qua hồi tháng trước, cáo buộc Tổng thống Trump lạm quyền và cản trở Quốc hội liên quan đến các thỏa thuận của ông với Ukraine, mở đường cho phiên xử luận tội tổng thống theo dự trù sẽ bắt đầu trong tuần tới.

Cáo buộc lạm dụng quyền lực được Hạ viện viện dẫn bao gồm việc Tổng thống Trump Trump đã giữ lại 391 triệu đô la viện trợ an ninh mà Quốc hội đã thông qua cho Ukraine, một động thái nhằm gây áp lực buộc Kiev phải điều tra ông Joe Biden, vốn là đối thủ chính trị của ông Trump bên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11 của Hoa Kỳ.

Xem xét việc Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc trích quỹ viện trợ, Văn phòng giải trình trách nhiệm chính phủ của Quốc hội, gọi tắt là GAO, kết luận: “Việc thực thi luật pháp trung thực không cho phép Tổng thống thay thế các ưu tiên chính sách của mình đối với những điều mà Quốc hội đã ban hành thành luật.”

Mặc dù đánh giá của GAO là một tổn thất lớn đối với ông Trump, hiện chưa rõ liệu kết luận này bằng cách nào có giữ một vai trò nào trong cuộc xét xử luận tội tại Thượng viện do Ðảng Cộng hòa lãnh đạo hay không.

GAO được xem là một cơ quan kiểm toán hàng đầu của chính phủ liên bang, tư vấn cho các nhà lập pháp và cơ quan chính phủ về cách chi tiêu tiền thuế của người dân.

Kết luận của GAO không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng các báo cáo của văn phòng này được các nhà lập pháp xem là khách quan, đáng tin cậy và thường là không thể chối cãi. GAO không có quyền công tố.

https://www.voatiengviet.com/a/co-quan-giam-sat-quoc-hoi-chinh-quyen-trump-pham-luat/5248348.html

 

Thượng viện Mỹ bắt đầu vụ luận tội TT Trump

Thượng viện Mỹ hôm 16/1 sẽ có các bước đi chính thức về vụ luận tội Tổng thống Donald Trump về cáo buộc ông lạm quyền, trong bối cảnh các vấn đề chính như việc liệu các nhân chứng có xuất hiện tại phiên luận tội ông hay không vẫn chưa ngã ngũ, theo Reuters.

Tin cho hay, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát hôm 15/1 đã chuyển hai cáo trạng chính cho Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát, và vụ luận tội thứ ba trong lịch sử nước Mỹ có thể sẽ bắt đầu sớm nhất là tuần tới.

Các bước đi được coi là mang tính hình thức sẽ bắt đầu với việc 7 người phụ trách việc luận tội của Hạ viện sẽ trình các điều khoản luận tội lên Thượng viện vào buổi trưa.

XEM THÊM:

Pelosi cảnh báo Cộng hòa ‘trả giá’ nếu từ chối nhân chứng điều trần vụ Trump

Thượng viện sẽ mời Chánh án Tòa Tối cao John Roberts tới vào lúc hai giờ chiều để tuyên thệ trên cương vị người chủ trì phiên xử, rồi sau đó là tất cả 100 thượng nghị sĩ.

Thượng viện sau đó sẽ thông báo cho Nhà Trắng biết về phiên xử ông Trump sắp tới.

Theo Reuters, Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ tha bổng ông Trump vì không ai trong số 53 thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ việc loại bỏ ông. Tiến trình luận tội cần phải nhận được sự hậu thuẫn của đa số 2/3 thượng nghị sĩ.

https://www.voatiengviet.com/a/th%C6%B0%E1%BB%A3ng-vi%E1%BB%87n-m%E1%BB%B9-b%E1%BA%AFt-%C4%91%E1%BA%A7u-v%E1%BB%A5-lu%E1%BA%ADn-t%E1%BB%99i-tt-trump/5248101.html

 

Michael Flynn rút lời nhận tội

sau khi bộ tư pháp đưa ra yêu cầu thời gian ở tù

Hôm thứ Ba (14/01/2020) luật sư của cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã nộp hồ sơ xin rút lại lời nhận tội, sau khi chính phủ thông báo sẽ không còn theo đuổi bản án khoan hồng nữa. Hồi đầu tháng, Bộ Tư pháp đề nghị kết án ông Flynn sáu tháng tù giam, trong vụ án bắt đầu bởi cuộc điều tra về Nga của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Luật sư của ông Flynn chủ yếu trích dẫn những thay đổi trong bản ghi nhớ tuyên án của chính phủ. Theo NBC News, quan tòa phải ký vào đơn xin rút lại lời nhận tội của ông Flynn để thông qua yêu cầu này. Có khả năng quan tòa sẽ từ chối yêu cầu của ông và giữ lại lời nhận tội. Nếu thẩm phán chấp nhận yêu cầu của ông Flynn, có thể sẽ mất khoảng 30 ngày nữa trước khi các bước tiếp theo diễn ra cho một phiên tòa chính thức. Hai năm trước ông Flynn đã nhận tội khai man với FBI về các cuộc trò chuyện giữa ông với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ trong quá trình tổng thống Trump nhậm chức.

Một năm trước, chính phủ cho biết ông Flynn xứng đáng được tín nhiệm vì đã thừa nhận hành vi sai trái và hợp tác với các công tố viên trong việc điều tra đối tác kinh doanh cũ của ông. Chính phủ trước đây đề nghị quản chế thay vì án tù.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/michael-flynn-rut-loi-nhan-toi-sau-khi-bo-tu-phap-dua-ra-yeu-cau-thoi-gian-o-tu/

 

Việc NSA công bố lỗ hổng bảo mật của Microsoft

cho thấy chiến lược của cơ quan này

Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã công khai công bố một lỗ hổng bảo mật mới trong hệ điều hành Windows. Đây là lần đầu tiên cơ quan tình báo bí mật này đưa ra một tuyên bố công khai như vậy.

Vào thứ ba (ngày 14 tháng 1), NSA tuyên bố họ đã tìm thấy một lỗ hổng trong cách hệ thống của Windows xác định người dùng hoặc dịch vụ đáng tin cậy. Nhưng thay vì giữ bí mật và sử dụng lỗ hổng nói trên để tăng cường khả năng bảo mật của chính cơ quan này, họ đã thông báo cho Microsoft và công ty đã nhanh chóng giải quyết vấn đề. Hành động này phản ánh nỗ lực thúc đẩy Cơ quan An ninh mạng, một tổ chức mới do NSA thành lập đi vào hoạt động từ năm ngoái, trở thành bộ mặt đại diện của cơ quan này trước công chúng.

Cả Microsoft và NSA đều xác nhận rằng lỗ hổng bảo mật nói trên vẫn chưa được các hacker sử dụng. Sự thay đổi chiến thuật làm nổi bật vai trò của NSA trong nỗ lực bảo vệ các hệ thống của Hoa Kỳ thay vì thêm vào những lỗ hổng khác mà cơ quan có thể sử dụng cho hoạt động tình báo.

Vào tháng 10, NSA cho biết  Cơ quan An ninh mạng sẽ ngăn chặn và loại bỏ các mối đe dọa nhằm vài hệ thống an ninh quốc gia và cơ sở hạ tầng quan trọng. Chiến lược mới của NSA theo sau những thay đổi của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2017 về cách giải quyết các vấn đề an ninh mạng.

Việc cơ quan thông báo cho Microsoft về lỗ hổng bảo mật phù hợp với Vulnerabilities Equities Process, một tiến trình mà các cơ quan được lệnh phải làm theo khi họ tìm thấy lỗ hổng trong kỹ thuật liên quan đến an toàn công cộng hoặc có thể được khai thác bởi các cơ quan tình báo. (BBT)

https://www.sbtn.tv/viec-nsa-cong-bo-lo-hong-bao-mat-cua-microsoft-cho-thay-chien-luoc-cua-co-quan-nay/

 

Máy bay của hãng hàng không Delta Airlines

đổ xăng xuống một trường tiểu học trong lúc đáp khẩn cấp

Tin từ Los Angeles, Calfornia – Hôm thứ ba (ngày 14 tháng 1), một máy bay của hãng hàng không Delta Airlines đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Phi Trường Quốc Tế Los Angeles sau khi gặp vấn đề ở động cơ. Trước khi hạ cánh, máy bay buộc phải đổ xăng xuống sân chơi của một trường tiểu học tại Quận Cudahy để giảm nhẹ trọng lượng, khiến 17 trẻ em và 9 người lớn bị thương nhẹ. Sở cứu hỏa quận Los Angeles cho biết các vết thương không nghiêm trọng và không nạn nhân nào cần phải nhập viện.

Cơ Quan Hàng Không Liên Bang cho hay họ đang tiến hành điều tra sự việc và cho rằng chuyến bay đã không tuân theo các quy tắc đổ nguyên liệu. Cơ quan cho biết theo các thủ tục đổ xăng khẩn cấp, các máy bay phải tiến hành đổ xăng ở những khu vực không có dân cư được chỉ định, thường ở độ cao hơn để nhiên liệu được nguyên tử hóa và phân tán trước khi chạm tới mặt đất.

Sở cứu hỏa quận Los Angeles xác nhận rằng máy bay đã đổ xăng trong giờ ra chơi của trường tiểu học, và 70 lính cứu hỏa đã đến hiện trường để điều trị cho những người bị thương.

Theo thị trưởng Quận Cudahy Elizabeth Alcantar, thành phố đã mở một trung tâm ứng phó khẩn cấp sau sự việc và sẽ tiến hành một cuộc họp để cung cấp thêm thông tin cho người dân. (BBT)

https://www.sbtn.tv/may-bay-cua-hang-hang-khong-delta-airlines-do-xang-xuong-mot-truong-tieu-hoc-trong-luc-dap-khan-cap/

 

Cựu luật sư của Stormy Daniels, Michael Avenatti bị bắt

vì vi phạm điều kiện thế chân tại ngoại

Theo hồ sơ tòa án của công tố viên liên bang, tối thứ Ba (14/01/2020) cựu luật sư của nữ tài tử phim người lớn Stormy Daniels, Michael Avenatti đã bị bắt  tại California với cáo buộc vi phạm thế chân tại ngoại.  Vụ bắt giữ diễn ra khi ông Avenatti xuất hiện trước tòa án State Bar Court ở Los Angeles, nơi đang tiến hành các thủ tục tố tụng ông liên quan đến nhiều vụ án hình sự ở California và New York.

Ngay sau khi bị bắt giữ, các công tố viên liên bang ở New York đã thông báo cho một quan tòa ở đó rằng Avenatti đã bị các công tố viên ở California buộc tội vi phạm các điều kiện thế chân tại ngoại. Avenatti dự kiến đến tòa án liên bang Manhattan để xét xử cáo buộc ông đã tống tiền Nike lên tới 25 triệu Mỹ kim mà ông đã không nhận tội. Ông cũng phải hầu tòa ở Los Angeles vào tháng 05/2020 với cáo buộc lừa đảo khách hàng hàng triệu Mỹ kim. Ông cũng phủ nhận các cáo buộc đó, cùng với các cáo buộc hình sự ăn cắp tiền bồi thường của thân chủ cũ, Stormy Daniels ở tòa án liên bang Manhattan. Phiên tòa thứ hai ở New York dự kiến bắt đầu vào tháng 05/2020.

Sáng thứ Ba (14/01/2020), Avenatti đã có mặt trong một phiên tòa với các luật sư, công tố viên và quan tòa Gardephe. Trong phiên xét xử, quan tòa đã từ chối hoãn phiên tòa xét xử vụ tống tiền Nike dự kiến bắt đầu với việc lựa chọn bồi thẩm đoàn vào thứ Tư (15/01/2020).

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/cuu-luat-su-cua-stormy-daniels-michael-avenatti-bi-bat-vi-vi-pham-dieu-kien-the-chan-tai-ngoai/

 

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020:

Nhìn về Đông Nam Á

Xác định năm ưu tiên chiến lược tại Đông Nam Á

Đông Nam Á là một đấu trường cạnh tranh của các cường quốc nhưng chưa được tôn trọng hay ghi nhận một cách thích đáng, theo bài phân tích đăng trên tờ The Diplomat ngày 15/1.

Tác giả bài báo, bà Mercy Kuo, viết rằng sự cạnh tranh Mỹ-Trung đã làm sâu rộng khuynh hướng này trong những năm gần đây khi các nước Đông Nam Á được yêu cầu phải ‘theo phe.’ Việc này xảy ra khi quyền lực của Mỹ sụt giảm trong vùng, cả về mặt ảnh hưởng giữa những đồng minh truyền thống của Mỹ như Thái Lan và Philippines cũng như trong lòng công chúng, bài phân tích chỉ ra. Cách nhìn Hoa Kỳ như là một đồng minh đáng tin cậy, một mẫu mực dân chủ và đối tác kinh doanh có giá trị đã thay đổi theo cách tệ hại hơn. Chuyển đổi chính trị chính yếu dưới thời chính quyền ông Trump đã tăng cường sức mạnh của những chế độ quyền lực tập trung, theo tác giả. Những chế độ này không quan tâm đến việc tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh cho đầu tư, cũng như không tăng cường cho không gian dân chủ trong các giao tiếp chính trị. Thay vào đó, có sự gia tăng phụ thuộc vào những luận điệu theo chủ nghĩa dân tộc gây chia rẽ và danh tính chính trị.

Trong bối cảnh này, các tập tục và ưu tiên của Mỹ cần thay đổi, tác giả khuyến nghị.

Bài bình luận viết rằng các nhà lãnh đạo cần phải xuất hiện trong các hội nghị khu vực, không chỉ để lộ diện mà còn để tái xác nhận là Hoa Kỳ quan trọng đối với Đông Nam Á, không phải xem thường Đông Nam Á mà công nhận là quyền lực của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á không còn bị xem nhẹ nữa. Hoa Kỳ cần giải quyết vấn đề thiếu hụt lòng tin trầm trọng.

Qua APEC và ASEAN, vẫn theo bài nhận định trên The Diplomat, Hoa Kỳ cần tái xác nhận là các nước Đông Nam Á không phải là mục tiêu của thương chiến, của nạn thao túng tiền tệ, mà là những đối tác. Hiếp đáp và đe dọa cần phải chấm dứt. Các kênh ngoại giao không nên bị bỏ qua một bên, trong lúc chính trị chuyển từ những dòng tin sai lạc trên Twitter sang những mạng lưới đáng tin cậy.

Tác giả cho rằng thách thức quan trọng trong vùng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và không làm trầm trọng thêm bất bình đẳng. Cần có thêm những giao tiếp năng động hơn giữa doanh nghiệp Mỹ và các đối tác Đông Nam Á để xem lại cách thức chuyển đổi dịch vụ, chế tạo, và kinh tế kỹ thuật số cho một sự tăng trưởng bền vững và toàn diện.

Những lợi ích về an ninh, vẫn theo tác giả bài viết, cần phải vượt xa hơn sự chú trọng về tự do hàng hải và sự hiện diện của Trung Quốc tại Biển Đông để bao gồm biến đổi khí hậu và những quan ngại về an ninh của con người.

Bài phân tích viết rằng những quan ngại về nhân quyền cần được giải quyết một cách có ý nghĩa, như là việc giết hại tràn lan, mất tích không lý do, và làm ngơ trước luật pháp và không tôn trọng phẩm giá con người. Cần có những hoạt động hướng tới tái xác nhận những chuẩn mực đạo đức.

Giải thích về việc làm thế nào sự hợp tác và cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ định hình những chiến lược của Đông Nam Á

Áp lực tiếp tục của Hoa Kỳ đối với các nước Đông Nam Á sẽ buộc các nước này phải lựa chọn- và họ sẽ chọn một sức mạnh toàn cầu mới và nước láng giềng trong vùng là Trung Quốc, bài nhận định nêu rõ. Việc Thái Lan và Philippines rời xa Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình. Ngay cả những đối tác chiến lược thân cận của Mỹ là Singapore, Việt Nam và Indonesia cũng đang điều chỉnh lại chính sách giữa lúc Trung Quốc được xem là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị trong vùng, tác giả nói.

So sánh đối chiếu các chiến lược của các ứng viên Cộng hòa và Dân chủ đối với Đông Nam Á

Nhân đôi zero vẫn là zero. Không có chiến lược rõ rệt của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á, bài báo chỉ ra. Chính quyền Tổng thống Trump có một chính sách khung về vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng không có chính sách rõ rệt và hữu hiệu để thi hành, tác giả nhận định. Các ứng cử viên Dân chủ không quan tâm đáng kể đến chính sách ngoại giao. Nên chú trọng đến Trung Quốc và suy nghĩ lại chính sách về Trung Quốc, giữa lúc Đông Nam Á tiếp tục hiện diện trong sự tranh chấp này, bài phân tích trên The Diplomat nhấn mạnh. Một bước quan trọng là phân cách Đông Nam Á với chính sách hướng về Trung Quốc và lôi kéo các nước Đông Nam Á qua những tổ chức tái xác nhận cấu trúc và lợi ích của họ trong khu vực, nhất là ASEAN.

Chiến lược đối với Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam như thế nào trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay?

Có 3 vấn đề cần phải quan tâm, theo tác giả bài viết. Thứ nhất là sự đối đầu gia tăng với Trung Quốc trên toàn Đông Nam Á tạo ra bất ổn về chính trị và kinh tế. Kế đến là ảnh hưởng của cuộc bầu cử Mỹ cùng những luận điệu hiếu chiến tiêu cực lên kinh tế toàn cầu. Và thứ ba là áp lực gia tăng đối với các nước chọn Trung Quốc. Theo tác giả, các quốc gia Đông Nam Á chắc chắn xa rời Hoa Kỳ hơn nữa trong thời gian diễn ra bầu cử Mỹ và việc này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng.

Làm thế nào các ứng cử viên Tổng thống Mỹ soạn thông điệp chiến lược về chính sách châu Á của Mỹ nói chung và về Đông Nam Á nói riêng trong cuộc vận động tranh cử?

Theo tác giả bài bình luận trên The Diplomat, các ứng viên Tổng thống Mỹ nên bắt đầu bằng cách suy nghĩ lại chính sách của họ là gì và những ưu tiên nào. Trọng tâm phải là nhu cầu tôn trọng và ghi nhận Đông Nam Á và giao dịch mạnh mẽ với vùng này. Các mối quan hệ mạnh mẽ với Đông Nam Á, vẫn theo bài viết, tự nó có giá trị vì khu vực này rộng lớn hơn Châu Âu và có một số nền kinh tế-xã hội năng động nhất trên thế giới.

Tác giả bài viết, bà Mercy Kuo, là phó chủ tịch phụ trách mảng Các dịch vụ Chiến lược thuộc hãng Tư vấn Parmir. Bà là người thường xuyên trao đổi với các chuyên gia, những người thi hành chính sách, và các nhà nghiên cứu chiến lược trên toàn thế giới để ghi nhận những cái nhìn khác nhau của họ liên quan đến chính sách của Mỹ về Châu Á.

(BTV Mercy Kuo-The Diplomat)

https://www.voatiengviet.com/a/cu%E1%BB%99c-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-n%C4%83m-2020-nh%C3%ACn-v%E1%BB%81-%C4%91%C3%B4ng-nam-%C3%A1-/5247720.html

 

HRW: Việt Nam tiếp tục vi phạm

các quyền tự do căn bản của công dân

Ông Phạm Chí Dũng là một trong hàng chục nhà bất đồng chính kiến bị bắt năm 2019 (RFA)

Tin từ New York: Theo tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW), chế độ cộng sản Việt Nam tiếp tục vi phạm một cách trầm trọng các quyền tự do căn bản của công dân với việc bắt giữ và kết án hơn 30 nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến.

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 15/01, nhà cầm quyền Việt Nam đã bỏ tù nhiều người hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến chỉ vì họ đã thực hiện các quyền tự do căn bản như tự do biểu đạt, lập hội và tự do tín ngưỡng.

“Nhà nước độc đảng giới hạn một cách nghiêm trọng tất cả các quyền chính trị và dân sự căn bản, cấm bất cứ các hoạt động nào mà Đảng Cộng sản cho là mối đe dọa đến sự độc quyền lãnh đạo của đảng này. Đặc biệt, nhiều nhà hoạt động và blogger bị theo dõi, bị cấm đi lại, bị đánh đập, thẩm vấn, bắt giữ và bị kết án tù nhiều năm,” HRW nói trong thông cáo báo chí.

HRW chỉ trích Luật An ninh mạng với những điều khoản mơ hồ và trải rộng cho phép nhà cầm quyền bí mật kiểm duyệt các ý kiến tự do, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung mà nhà

cầm quyền cho là không đúng trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được yêu cầu từ chính phủ.

Kể từ khi luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm 2019, đã có ít nhất 25 người ở Việt Nam bị kết án vì bày tỏ ý kiến chỉ trích trên mạng Internet.

Các hoạt động tự do tín ngưỡng và niềm tin cũng bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn cản với lý do phương hại đến lợi ích quốc gia, trật tự xã hội hay đoàn kết dân tộc. Những người theo các nhóm tôn giáo không được nhà nước thừa nhận thường bị chỉ trích, bị ép phải từ bỏ đạo, bị bắt giữ, thẩm vấn, tra tấn, thậm chí bỏ tù.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/hrw-viet-nam-tiep-tuc-vi-pham-cac-quyen-tu-do-can-ban-cua-cong-dan/

 

Ân Xá Quốc Tế: Việt Nam gia tăng đàn áp,

kiểm duyệt thông tin trên mạng sau vụ Đồng Tâm

Ngày 16/1, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo báo chí chỉ trích Việt Nam đã gia tăng đàn áp, bắt bớ và kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội nhằm ngăn chặn những thảo luận về vụ đụng độ ở xã Đồng Tâm giữa cảnh sát và người dân hôm 9 tháng 1 vừa qua.

Vụ đụng độ nổ ra vào sáng sớm ngày 9/1 khi chính quyền huy động hàng ngàn công an có trang bị vũ khí đến xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, để bắt một số người được cho là chống đối chính quyền trong việc bàn giao đất. Vụ việc đã khiến ít nhất 4 người chết và một người bị thương theo thông báo của Bộ Công an sau đó. Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, người được coi là lãnh đạo tinh thần của những người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất, đã thiệt mạng trong vụ đụng độ này.

Theo Ân Xá Quốc Tế, trong tuần qua, đã có 3 nhà hoạt động bị chính quyền bắt giữ vì đã đăng thông tin về Đồng Tâm lên mạng xã hội. Hàng chục người sử dụng Facebook khác bị giới hạn hoạt động trên Facebook.

Ân Xá Quốc Tế cũng đề cập đến trường hợp trang YouTube của Đài Á Châu Tự Do bị phạt “gậy cộng đồng” mà không có lời giải thích rõ ràng.

Trước đó, vào ngày 11/1, báo Hà Nội Mới của chính quyền Hà Nội trích lời người đại diện của Bộ Thông tin Truyền thông, ca ngợi YouTube và Google đã có phản ứng nhanh đáp ứng yêu cầu của giới chức Việt Nam trong việc gỡ bỏ thông tin, đồng thời lên án Facebook vì đã chậm trễ trong việc đáp ứng đòi hỏi gỡ bỏ thông tin từ phía chính quyền.

“Những nỗ lực mạnh tay của chính quyền Việt Nam nhằm kiểm duyệt những thảo luận về vụ tranh chấp đất đai này là một ví dụ mới nhất về chiến dịch kiểm duyệt các nội dung trên mạng”, ông Nicholas Bequelin, Giám đốc Khu vực của Ân Xá Quốc Tế được trích lời trong thông cáo báo chí cho biết.

Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, ngày càng bị (chính phủ) Việt Nam biến thành vũ khí để tấn công những người nói lên ý kiến của mình một cách ôn hòa. Đây là một tấn công vào tự do biểu đạt không thể chấp nhận được và là một nỗ lực rõ ràng đối với ý kiến trái chiều”, ông Bequelin nhận định.

Ân Xá Quốc Tế cũng đồng thời nêu quan ngại về việc hàng chục người Đồng Tâm khác đang bị công an giam giữ, không được tiếp xúc với bên ngoài, và có nguy cơ bị tra tấn, đối xử tàn tệ.

Ân Xá Quốc Tế yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải giảm căng thẳng và cung cấp bằng chứng, thông tin về những gì thực sự đã xảy ra  hôm 9/1, đặc biệt là đối với những cáo buộc tra tấn do bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, nói trên video clip được đăng tải trên Facebook hôm 13/1 vừa qua.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/amnesty-international-vietnam-arrests-and-social-media-crackdown-follow-deadly-clashes-over-land-01162020073710.html

 

Putin đổi hiến pháp để giữ ảnh hưởng

 khi hết làm tổng thống năm 2024?

Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ngạc nhiên lớn hôm 15/1 với đề xuất thay đổi hiến pháp, tạo ra đồn đoán có phải ông định tiếp tục nắm quyền sau 2024, ở tuổi 72.

Putin sửa hiến pháp, cả chính phủ Nga từ chức

Bạn giống Obama hay Putin?

Trump và Putin trong mắt nhau

Vào hôm thứ Năm, ông Putin có diễn văn hàng năm trước quốc hội.

Gần cuối bài, ông bất ngờ công bố ý định tổ chức trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp.

Ông đề nghị chỉ những ai sống liên tục ở Nga hơn 25 năm, chưa bao giờ có hộ chiếu nước ngoài hay thẻ xanh thì mới được tranh cử tổng thống. Hiến pháp hiện nay nói hộ chiếu thứ hai không có ảnh hưởng đến quyền công dân ở Nga.

Đề nghị của Putin sẽ loại bỏ nhiều công dân Nga, vì theo thống kê chính thức, 543.000 người Nga hiện có thẻ xanh hoặc hộ chiếu thứ hai. 10 triệu Nga kiều ở nước ngoài cũng sẽ không được tranh cử tổng thống.

Hiện nay, tổng thống Nga được chọn thủ tướng, còn hạ viện chỉ ‘đồng ý’.

Theo đề xuất của Putin, quyền hạn của tổng thống sẽ bị hạn chế, và Viện Duma, sẽ bổ nhiệm thủ tướng.

Thủ tướng sẽ chọn ra nội các, còn tổng thống không được quyền bác bỏ.

Putin tiếp tục đề nghị để thượng viện có tiếng nói về các bổ nhiệm cao cấp nhất trong mảng an ninh, quốc phòng, ngoại giao – mà hiện nay là quyền của tổng thống.

Ông cũng đồng ý về thay đổi mà sẽ khép lại lổ hổng luật pháp từng cho phép ông quay lại làm tổng thống năm 2012.

Hiến pháp hiện nay cấm một người làm tổng thống hơn hai nhiệm kỳ “liên tục”. Putin nói nên bỏ chữ “liên tục”, nghĩa là bản thân ông sẽ không thể tranh cử tổng thống năm 2030, khi ông 78 tuổi.

Putin đề nghị các tổng thống tương lai chỉ được làm hai nhiệm kỳ, và không thể quay lại.

Putin lại đề xuất tăng quyền lực cho Hội đồng Nhà nước, hiện do Putin đứng đầu.

Sau bài diễn văn, nội các của Dmitry Medvedev từ chức với lý do để giúp thực thi các thay đổi.

Tổng thống Vladimir Putin nói ông bổ nhiệm Medvedev làm phó chủ tịch trong Hội đồng An ninh quốc gia mà ông hiện làm chủ tịch.

Cũng trong ngày, ông đề cử Mikhail Mishustin, đứng đầu ngành thuế vụ liên bang, làm tân thủ tướng.

Loan báo của Putin – nhà lãnh đạo Nga lâu nhất kể từ Stalin – đã tạo ra đồn đoán về tương lai chính trị Nga.

Nhiệm kỳ tổng thống của Putin sẽ chấm dứt năm 2024.

Andrius Tursa, từ Teneo Intelligence, nhận định Putin muốn tìm cách tiếp tục nắm quyền sau 2024.

“Tuy vậy, các đề nghị thay đổi hiến pháp không cho biết rõ ông ta sẽ giữ vị trí gì sau 2024. Ông ta có thể trở thành thủ tướng, chủ tịch hạ viện, hay làm chủ tịch Hội đồng Nhà nước được tăng thêm quyền.”

Vai trò của Hội đồng Nhà nước là khả năng đáng chú ý.

Putin tạo ra hội đồng này sau khi nắm quyền năm 2000, và hiện tổng thống là chủ tịch.

Nhưng Putin có thể chọn cách làm chủ tịch sau 2024, giống tổng thống Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan.

Năm 2019, chính Nazarbayev rời khỏi chức tổng thống để trở thành chủ tịch Hội đồng An ninh của Kazakhstan.

Nhà bình luận Leonid Bershidsky nói: “Dù hệ thống chính trị chính thức mà Putin định tạo ra vào cuối nhiệm kỳ tổng thống có là gì, thì hiện pháp thật sự của Nga là nằm trong đầu Putin.”

Vì thế, việc Putin ngay bây giờ đã loan báo đề xuất thay đổi hiến pháp, cho thấy ông ra tín hiệu rằng ông sẽ tiếp tục là người giữ vai trò ảnh hưởng trong chính trị Nga những năm tới.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-51063282

 

Nga thúc giục các quốc gia Vịnh Ba Tư

xem xét thiết lập cơ chế an ninh chung

Tin từ New Delhi – Hôm thứ Tư (15 tháng 01), Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov cho biết Moscow đang thúc giục các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư xem xét thiết lập một cơ chế an ninh chung cho khu vực, và cho rằng đã đến lúc thế giới chấm dứt các biện pháp đơn phương như trừng phạt.

Căng thẳng ở vùng Vịnh Ba Tư gia tăng sau vụ Hoa Kỳ giết chết chỉ huy quân đội Iran, tướng Qassem Soleimani và một cuộc trả đũa bằng hỏa tiễn của Iran nhắm vào lực lượng Hoa Kỳ ở Iraq. Ngoại trưởng

Iran, Mohammad Javad Zarif cũng tham dự hội nghị tại Delhi diễn ra chỉ một ngày sau khi Anh, Pháp và Đức chính thức cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình nguyên tử của nước này, điều mà có thể dẫn đến việc tái kích hoạt lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Ông Zarif nói rằng việc sử dụng cơ chế tranh chấp là vô căn cứ về mặt pháp lý và là một sai lầm chiến lược. Ông Lavrov cho rằng các lệnh trừng phạt đơn phương là một vấn đề trong thế giới ngày nay.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận với Iran, Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran và đã gia tăng áp lực tối đa đối với doanh thu từ dầu mỏ, khai thác mỏ và các ngành công nghiệp khác quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này. Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Matthew Pottinger cũng sẽ tham gia bàn bạc ở cuộc họp tại Delhi vào thứ Năm (16/01/2020).

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/nga-thuc-giuc-cac-quoc-gia-vinh-ba-tu-xem-xet-thiet-lap-co-che-an-ninh-chung/

 

Đảng cầm quyền Nga

ủng hộ ông Putin chỉ định tân thủ tướng

Đảng cầm quyền của Nga hôm 16/1 nhất trí ủng hộ lựa chọn bất ngờ của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho vị trí tân thủ tướng, ông Mikhail Mishustin, người mà Reuters nói là hầu như không có kinh nghiệm chính trị nào.

Hãng tin Anh nói rằng việc thăng tiến của ông Mishustin là một phần của việc cải tổ hệ thống chính trị được ông Putin công bố hôm 15/1, dẫn tới việc từ chức thủ tướng của ông Dmitry Medvedev cùng với chính phủ của ông.

Reuters nhận định rằng các thay đổi đó được nhiều người coi là bước đi để ông Putin, 67 tuổi, kéo dài quyền lực của mình sau khi ông hết nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024.

XEM THÊM:

Chính phủ Nga từ chức sau khi TT Putin sửa đổi hiến pháp

Tin cho hay, Duma, Hạ viện Nga, dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc bổ nhiệm ông Mishustin vào cuối ngày 16/1 sau khi ông phát biểu tại cơ quan lập pháp này.

Đảng cầm quyền nước Nga Thống nhất chiếm đa số trong Duma, và theo Reuters, điều đó đồng nghĩa với việc ông Mishustin gần như chắc chắn được chuẩn thuận.

Tin cho hay, ông Mishustin, 53 tuổi, lãnh đạo cơ quan thuế của Nga, và ông đã được ca ngợi vì nhanh chóng cải thiện việc thu thuế.

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BA%A7m-quy%E1%BB%81n-nga-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-%C3%B4ng-putin-ch%E1%BB%89-%C4%91%E1%BB%8Bnh-t%C3%A2n-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng/5247995.html

 

Nga chuyển giao quyền lực chuẩn bị cho thời kỳ hậu Putin

Thanh Hà

Hôm qua, 15/01/2020, hai sự kiện gây xôn xao công luận Nga và quốc tế : tổng thống Vladimir Putin thông báo một loạt biện pháp cải tổ Hiến Pháp, nhằm tái cân bằng quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp, và sau thông báo này, chính phủ của thủ tướng Dmitry Medvedev đệ từ chức ngay lập tức. Câu hỏi mà giới quan sát dặt ra, phải chăng ông Putin đang chuẩn bị cho giai đoạn hậu 2024, khi ông mãn nhiệm tổng thống, sau hơn hai thập niên tập trung mọi quyền lực lãnh đạo nước Nga ?

Diễn văn của tổng thống Putin đọc trước Quốc Hội thông báo một số sửa đổi trong bản Hiến Pháp đã khiến giới quan sát tình hình chính trị Nga ngạc nhiên. Phải chăng điện Kremlin thực sự có ý định chia sẻ quyền lực của tổng thống với Thượng và Hạ Viện, với Tối Cao Pháp Viện, nhường cho Hạ Viện đặc quyền bầu thủ tướng, mà cho đến nay đây là thẩm quyền của riêng tổng thống ? Có đúng là ông Putin muốn tăng cường quyền lực của Hội Đồng An Ninh và Hội Đồng Nhà Nước ? Phải chăng các biện pháp cải tổ Hiến Pháp thể hiện thiện chí của ông Putin, vị tổng thống đầy quyền lực của Liên Bang Nga hay chỉ nhằm giới hạn quyền lực của tổng thống một khi ông rời điện Kremlin ?

Trả lời nhật báo Pháp Libération, Taniana Stanovaya, thuộc trung tâm nghiên cứu về tình hình chính trị Nga R.Politik nhắc lại, ngay từ ngày đầu tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư, vào tháng 5/2018, ông

Putin đã nhấn mạnh rằng, đây sẽ là nhiệm kỳ “cuối cùng” của ông và nhiệm kỳ đó sẽ kết thúc vào năm 2024. Điều đó có nghĩa là Matxcơva ngay từ bây giờ đang chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao quyền lực theo hai hướng, một là “cân bằng hóa” quyền lực chính trị của các định chế Nhà nước và thứ hai là người thừa kế Vladimir Putin sẽ không thể có quá nhiều quyền lực như cựu lãnh đạo KGB từng có trong suốt 20 năm cầm quyền.

Vậy, một phần quyền hạn đang trong tay tổng thống Nga sẽ được chuyển đến tay ai ? Giới phân tích cho rằng, Vladimir Putin đã phần nào trả lời cho câu hỏi đó khi ông đề cập đến việc “tăng cường vai trò của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, của Hội Đồng Nhà Nước, của lãnh đạo các bang”. Cũng chuyên gia Taniana Stanovaya ghi nhận, việc tổng thống Nga ngỏ ý “tăng quyền hạn của Hội Đồng Nhà Nước”, đưa định chế mà tới nay rất nhạt mờ và không có thực quyền này vào bản Hiến Pháp để ngỏ khả năng chính ông sẽ trực tiếp điều hành định chế này. Hội Đồng Nhà Nước sẽ là công cụ để Vladimir Putin “đóng vai trò trọng tài ở những tầng lớp quyền lực khác nhau, để ông tiếp tục can thiệp vào các quyết định mang tính chiến lược” của đất nước.

Dấu hiệu thứ nhì cho thấy tổng thống Putin đang dọn đường cho tương lai được thể hiện qua việc thay đổi nhân sự : thủ tướng Medvedev ngay sau khi thông báo từ chức đã được bổ nhiệm vào chức vụ phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga, một chức vụ mà giới phân tích cho rằng được lập ra để dành riêng cho cộng sự thân tín nhất của Vladimir Putin. Chủ tịch hội đồng này không ai khác ngoài Vladimir Putin.

Qua việc tăng quyền cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia hay Hội Đồng Nhà Nước, cũng có thể hiểu rằng, tổng thống Vladimir Putin muốn tiếp tục duy trì hào quang của Liên Bang Nga trên trường quốc tế sau những thắng lợi liên tiếp, từ Syria đến Crimée hay với việc sưởi ấm quan hệ với châu Phi. Cuối cùng cũng trong diễn văn tại Quốc Hội hôm qua, tổng thống Putin đã bắn đi một tín hiệu khác nhắm tới công luận Nga khi thông báo 2020 là năm chính phủ sẽ tăng mạnh ngân sách xã hội.

Giám đốc đài quan sát về quan hệ Pháp-Nga, Arnaud Dubien, nhận định : “Từ 10 đến 15 tỷ đô la là một số tiền khổng lồ để cải thiện đời sống cho người dân. Đây không hơn không kém là chiến lược mua lá phiếu trước mùa bầu cử”. Nước Nga chỉ bầu lại Quốc Hội vào năm tới và bầu lại tổng thống vào năm 2024, vậy phải chăng Matxcơva chuẩn bị tổ chức bầu cử trước thời hạn ? Cũng ông Putin đã khơi dậy niềm tự hào của dân tộc Nga khi đề cao ngành công nghiệp vũ khí của Nga, một lĩnh vực mà nước Nga không “chạy theo để bắt kịp những nước khác, mà đấy là một cuộc chạy đua Nga đang dẫn đầu”.

Với các thông tin sơ khởi về cải cách Hiến Pháp, cần có thời gian để giải mã các ý đồ của tổng thống Vladimir Putin.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200116-nga-chuy%E1%BB%83n-giao-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-cho-th%E1%BB%9Di-k%E1%BB%B3-h%E1%BA%ADu-putin

 

Tổng thống Nga chỉ định một người ít tên tuổi

làm thủ tướng mới

Thanh Hà

Một ngày sau khi điện Kremlin chỉ định ông Mikhail Mishustin vào chức vụ thủ tướng, hôm nay 16/01/2020, Hạ Viện Nga xem xét đề xuất của tổng thống Vladimir Putin về người thay thế cựu thủ tướng Dmitri Medvedev. Cho đến nay, thủ tướng được tổng thống Putin đề cử ít được công chúng biết đến.

Mikhail Mishustin 53 tuổi, từ năm 2010 đứng đầu ngành thuế vụ Nga. Xuất thân là một kỹ sư, nhân vật này từng bước thăng tiến trong guồng máy nhà nước Nga.

Ông công tác tại nhiều cơ quan nhà nước trước khi được chỉ định điều hành một quỹ đầu tư và kể từ năm 2010, Mikhail Mishustin giữ chức giám đốc Ngành Thuế Vụ. Theo giới quan sát, ông được Vladimir Putin tín nhiệm. Tương tự như chủ nhân điện Kremlin, thủ tướng tương lai của nước Nga cũng thích môn khúc con cầu trên băng và cũng là người chủ trương hiện đại hóa nền kinh tế Nga.

Trở lại với các sự kiện dồn dập trên chính trường Matxcơva hôm 15/01/2020, thông tín viên Daniel Vallot của đài RFI tìm cách trả lời câu hỏi là tổng thống Nga, Vladimir Putin, đang tính toán những gì.

“Điều chắc chắn thứ nhất là Vladimir Putin không có ý định tiếp tục giữ ghế tổng thống sau năm 2024. Nhưng nhiều viễn cảnh khác đang được mở ra. Ông đề nghị củng cố vai trò của thủ tướng và Quốc Hội.

Đối với một số nhà quan sát đây là dấu hiệu cho thấy ông Putin không có ý định quay lại với kịch bản từng được áp dụng hồi năm 2008, có nghĩa là trở lại vị trí thủ tướng. Công luận Nga sẽ khó chấp nhận nếu điện Kremlin diễn lại vở tuồng này.

Cũng có một giả thuyết khác được nêu lên đó là ông Vladimir Putin sẽ nắm giữ một cơ quan nhà nước nào đó cho phép ông vẫn đóng vai trò hàng đầu. Sáng nay, nhiều người lưu ý tổng thống Nga muốn tăng cường vai trò của Hội Đồng Nhà Nước, một định chế mà đến nay không ai biết đến. Nhưng trong tương lai, có thể cơ quan này sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn.

Kịch bản cuối cùng là Vladimir Putin thực sự rút lui nhưng trước khi ra đi, ông cần bảo đảm được rằng các quyền lợi của mình phải được người kế nhiệm bảo vệ. Người đó phải chăng là Mikhail Mishustin, nhân vật được Vladimir Putin đề cử để thay thế thủ tướng Dmitri Medvedev ?

Trước ngần ấy thông báo được đưa ra, nhiều kịch bản đang được định hình cho giai đoạn hậu 2024 khi Vladimir Putin kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Còn quá sớm để biết rõ ý định của ông. Có một điều chắc chắn là từ việc chỉ định thủ tướng mới cho đến đề xuất cải tổ Hiến Pháp, Vladimir Putin đang chuẩn bị cho giai đoạn sắp mở ra sau năm 2024″.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200116-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-nga-ch%E1%BB%89-%C4%91%E1%BB%8Bnh-m%E1%BB%99t-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-%C3%ADt-t%C3%AAn-tu%E1%BB%95i-l%C3%A0m-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-m%E1%BB%9Bi

 

Iran bác đề nghị về một thỏa thuận hạt nhân mới

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 15/1 bác đề nghị về một thỏa thuận mới gọi là “Thỏa thuận Trump” nhằm giải quyết tranh chấp hạt nhân, nói rằng đây là một đề nghị “lạ đời” và chỉ trích Tổng thống Donald Trump là luôn luôn thất hứa.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người ca ngợi ông Trump như một nhà thương thuyết cừ khôi, ngày 14/1 kêu gọi thay thế thỏa thuận hạt nhân 2015 Iran ký với các cường quốc bằng một hiệp ước mới để đảm bảo là Iran không có vũ khí nguyên tử.

Ông Trump nói ông đồng ý với ông Johnson là nên thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 bằng một “thỏa thuận Trump.” Trong một bài diễn văn truyền hình, Tổng thống Iran kêu gọi Washington trở lại hiệp ước hạt nhân mà Washington từ bỏ vào năm 2018, theo đó Tehran ngưng các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các chế tài quốc tế đối với Iran.

Kể từ khi rời khỏi hiệp ước, Washington đã tái áp đặt các chế tài để bóp nghẹt xuất khẩu dầu mỏ của Iran trong khuôn khổ của chính sách “áp lực tối đa.”

Hoa Kỳ nói mục đích là để buộc Iran đồng ý một thỏa thuận rộng rãi hơn, hạn chế nghiêm ngặt hơn các hoạt động hạt nhân của Iran đồng thời ngăn chặn chương trình phi đạn đạn đạo và chấm dứt các cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Iran trong vùng. Iran một mực quả quyết không bao giờ thương thuyết chừng nào các chế tài vẫn còn nguyên.

https://www.voatiengviet.com/a/iran-b%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-v%E1%BB%81-m%E1%BB%99t-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-m%E1%BB%9Bi/5247725.html

 

Iran lên án châu Âu vì quyền lợi riêng

hy sinh hiệp định hạt nhân

Tú Anh

Một ngày sau khi Anh, Pháp, Đức thông báo kích hoạt thủ tục ép buộc Iran tuân thủ hiệp định hạt nhân 2015, ngoại trưởng Iran Javad Zarif lên án châu Âu « bán hiệp định để tránh bị Mỹ trừng phạt kinh tế ». Châu Âu gây sức ép với Iran, theo báo Washington Post, là do bị tổng thống Donald Trump bắt chẹt.

Một nguồn tin của Washington Post cho là Donald Trump đã « bắt chẹt » các đồng minh châu Âu. Tổng thống Mỹ đề nghị với Paris, Luân đôn và Berlin như sau : Một là quý vị kích hoạt cơ chế giải quyết bất đồng với Iran theo quy định của hiệp định 2015. Nếu không, tôi sẽ gia tăng áp thuế đánh lên xe hơi xuất khẩu từ châu Âu.

Ba nước Pháp, Anh Đức, cùng ký hết hiệp định hạt nhân với Iran đã chập thuận thi hành.

Hôm thứ Ba, ngoại trưởng ba nước cùng thông báo khởi động tiến trình giải quyết xung khắc. Một cách cụ thể, từ nay, chính quyền Iran phải tuân thủ triệt để văn bản hiệp định hạt nhân 2015. Nếu không, quốc tế sẽ tái lập các biện pháp trừng phạt.

Nguồn tin của Washington Post đã được bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer xác nhận trong cuộc họp báo tại Luân Đôn hôm nay, 16/01/2020.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200116-iran-l%C3%AAn-%C3%A1n-ch%C3%A2u-%C3%A2u-v%C3%AC-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%A3i-ri%C3%AAng-hy-sinh-hi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BB%8Bnh-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n

 

Iran lần đầu tiên

đe dọa binh sĩ Châu Âu ở Trung Đông

Tổng thống Iran hôm thứ Tư 15/1 cảnh cáo các binh sĩ châu Âu tại Trung Đông rằng họ “có thể gặp nguy hiểm” sau khi ba quốc gia gồm Anh, Pháp và Đức, thách thức Tehran về việc vượt quá các giới hạn ghi trong thoả thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc.

Hãng tin AP tường thuật rằng Tổng thống Hassan Rouhani đưa ra những lời cảnh cáo đó trong một buổi họp nội các được truyền hình, và đây là lời đe dọa trực tiếp đầu tiên của ông Rouhani đối với Châu Âu trong bối cảnh căng thẳng vẫn ở mức cao cao giữa Tehran và Washington.

Cùng lúc, hãng tin AP dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của Tehran thừa nhận rằng các giới chức đã “nói dối” với người dân Iran trong những ngày sau khi chiếc máy bay của Hãng Hàng Không Ukraine bị bắn hạ, giết chết 176 người.

Bộ trưởng ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif thú nhận rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã nói dối với người dân của chính mình tại một hội nghị cấp cao ở New Dehli hôm thứ Tư 15/1.

Đây là lần đầu tiên một quan chức Iran công nhận rằng chính quyền Iran ở Teheran đã nói dối với dân khi nói rằng nguyên nhân khiến chiếc máy bay của Hãng Hàng Không quốc tế Ukraine lâm nạn là một sự cố kỹ thuật.

Vụ bắn rơi máy bay của Hãng Hàng Không Ukraine và những phát biểu của Teheran trong những ngày sau đó, một mực chối bỏ chiếc máy bay đã bị tên lửa bắn hạ, đã gây phẫn nộ trên khắp nước.

Căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ lên tới cao điểm cách đây 2 tuần sau khi Mỹ thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, giết chết Tướng Qasem Soleimani.

Tướng Soleimani, nhân vật quyền lực thứ 2 Iran, sau Đại Giáo sĩ Khameini, bị giết trong cuộc tấn công do Mỹ thực hiện, là người lãnh đạo các lực lượng ở nước ngoài, kể cả nhóm đã bị quy lỗi là thực hiện các vụ gài bom bên vệ đường, gây nhiều chết chóc cho các binh sĩ Mỹ ở Iraq.

Hôm thứ Tư, Iran đã trả đũa bằng cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào các cơ sở quân sự Iraq nơi đóng quân của các lực lượng quân sự Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/iran-lan-dau-tien-de-doa-binh-si-eu-o-trung-%C4%91ong/5247175.html

 

Iran bắt giữ người thu hình

chiếc máy bay Ukraine bị hỏa tiễn bắn rơi

Địa điểm chiếc phi cơ dân sự của Ukraine bị rơi ở Tehran. (Hình: AP Photo/Ebrahim Noroozi, File)

TEHRAN, Iran (NV) – Chính quyền Iran hôm Thứ Tư, 15 Tháng Giêng, nói rằng đã bắt giữ người thu đoạn video cho thấy một phi cơ hàng không dân sự Ukraine bị hỏa tiễn bắn trúng.

Theo bản tin BBC, giới chức thông thạo nói rằng người này bị bắt về tội “Vi phạm an ninh quốc gia.”

Chuyến bay PS752 bị bắn rơi khi cất cánh khỏi phi trường Tehran hôm Thứ Tư tuần qua, làm thiệt mạng tất cả 176 người trên phi cơ.

Chính quyền Tehran nói đây là một sự lầm lẫn và loan báo việc bắt giữ một số người có trách nhiệm trong vụ bắn hạ phi cơ này.

Tổng Thống Hassan Rouhani nói cuộc điều tra của Iran sẽ được tiến hành và đặt dưới sự giám sát của một “tòa án đặc biệt.”

“Đây không là một vụ án bình thường. Cả thế giới sẽ chú ý tới tòa án này,” ông Rouhani cho biết trong bài diễn văn.

Ông Rouhani cũng nhấn mạnh rằng “thảm trạng này không nên đổ lỗi cho một cá nhân nào.”

Ông nói không chỉ người bóp cò có tội, mà còn những người khác cũng có trách nhiệm.

Iran lúc đầu chối bỏ các báo cáo nói rằng phi cơ bị trúng hỏa tiễn, nhưng sau đó thú nhận là hệ thống hỏa tiễn phòng không của họ chính là thủ phạm.

Khi đoạn video được phổ biến trên mạng xã hội, các chuyên gia quân sự đã có thể hầu như chắc chắn rằng phi cơ bị trúng hỏa tiễn.

Các cơ quan truyền thông Iran tường thuật rằng lực lượng Vệ Binh Cách Mạng đã bắt được kẻ đưa đoạn video lên mạng.

Tuy nhiên, một nhà báo Iran ở London, người đầu tiên công bố đoạn video, nói rằng nguồn cung cấp tin tức cho ông vẫn được an toàn và giới hữu trách Iran đã bắt lầm người. (V.Giang)

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/iran-bat-giu-nguoi-thu-hinh-chiec-may-bay-ukraine-bi-hoa-tien-ban-roi/

 

Tác động chính sách Biển Đông

của Nhật Bản đối với khu vực

Nhật Bản tập trung nhiều hơn vào các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong lĩnh vực an ninh biển tại các cơ chế hợp tác ASEAN, đặc biệt là các vấn đề có mối quan hệ với tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông.

Chính sách của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông

Về lợi ích ở Biển Đông, Nhật Bản không chỉ có lợi ích về chính trị – an ninh và thương mại mà nước này còn có những lợi ích rất lớn về việc đảm bảo các cơ chế an ninh biển và luật pháp quốc tế được thực thi, bảo vệ. Mối quan tâm này cũng như vấn đề tự do hàng hải đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập trong bài phát biểu về chính sách châu Á của mình vào ngày 18/2/2013 rằng: “Những lợi ích của Nhật Bản là thường xuyên duy trì các vùng biển ở châu Á hoàn toàn được tự do qua lại, hòa bình, đảm bảo cho các tuyến đường đó là lợi ích chung cho toàn thể nhân dân trên thế giới, một khu vực hoàn toàn tuân theo luật pháp… Trong bối cảnh về mặt địa lý, hai mục tiêu này đều là những nhu cầu thiết yếu và mang tính bản chất đối với Nhật Bản, một quốc gia bao quanh và phụ thuộc vào các khu vực biển này, một quốc gia xem sự an toàn trên biển là sự an toàn của chính mình”. Ngoài ra, can dự vào vấn đề Biển Đông cũng là một cách để Nhật Bản phân tán sự chú ý và nguồn lực trong tranh chấp Hoa Đông với Nhật Bản.

Về mục tiêu: Đầu tiên và quan trọng nhất đó là tự do hàng hải, ổn định khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp bởi Biển Đông là tuyến đường thương mại, vận chuyển nguồn nguyên liệu cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Nhật; Thứ hai, phân tán sự chú ý và nguồn lực trong tranh chấp Hoa Đông với Nhật Bản bởi nếu thành công ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ áp dụng mô hình, chiến thuật đối với tranh chấp Hoa Đông; Thứ ba là hỗ trợ cho chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Vì Nhật Bản là đồng minh và cũng là quốc gia có lợi ích rất lớn ở Biển Đông, Nhật Bản sẽ có những đóng góp quan trọng cho chính sách tái cân bằng nói chung và chính sách đối với Biển Đông nói riêng của Mỹ.

Về biện pháp thực hiện: Từ năm 2010 chính sách quốc phòng của Nhật Bản có một thay đổi lớn đó là: nhấn mạnh nhu cầu thay đổi chính sách tiếp cận từ bị động sang chủ động, linh hoạt và mang tính tấn công. Vì vậy chính sách của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông hiện nay được thể hiện qua việc chủ động, tích cực tăng cường các mối quan hệ song phương và đa phương trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, ngoại giao, kinh tế với ASEAN, các quốc gia tranh chấp Biển Đông (đặc biệt là Philippines, Việt Nam) và Mỹ.

Quá trình triển khai

Về quan hệ đa phương, phương thức hữu hiệu của Nhật Bản là tích cực tham gia vào các cơ chế đối thoại đa phương của ASEAN. Đối với phương thức này, Nhật Bản luôn tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế an ninh do ASEAN làm chủ đạo, như ARF, ADMM, EAS. Mục tiêu là giám sát và kiềm chế các hành vi đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, gây áp lực lên Trung Quốc nhằm phân tán sự chú ý cũng như triển khai hoạt động của Trung Quốc tại Hoa Đông. Để thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản chủ động lên tiếng ủng hộ các tuyên bố của ASEAN, các quốc gia tranh chấp trong khu vực về vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chủ động đưa ra các sáng kiến thành lập các cơ chế thảo luận ở mức độ rộng lớn về vấn đề hàng hải, chẳng hạn như sáng kiến của Nhật Bản về việc thành lập “Diễn đàn an ninh biển Đông Á” tại EAS vào năm 2011 hay sáng kiến và nguyên tắc kiểm soát xung đột trên biển như khái niệm “Kỹ năng đi biển” (good seamanship) mà Nhật Bản đưa ra vào năm 2012

tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 11. Mặc dù các sáng kiến hay đề xuất không thành công nhưng điều đó cho thấy sự chủ động, tích cực của Nhật Bản trong vấn đề an ninh hàng hải đang theo đuổi.

Về hợp tác trên lĩnh vực an ninh biển, Nhật Bản tập trung nhiều hơn vào các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong lĩnh vực an ninh biển tại các cơ chế hợp tác ASEAN, đặc biệt là các vấn đề có mối quan hệ với tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tận dụng và chủ động nêu vấn đề tại các cơ chế, diễn đàn khác mà Nhật Bản có vai trò ảnh hưởng (Hợp tác sông Mê-Kông mở rộng) hoặc tham gia G7. Điển hình gần đây nhất là việc Nhật Bản cam kết hỗ trợ hơn 6 tỷ USD cho khu vực các quốc gia sông Mê-Kông và hai bên cũng ra được tuyên bố về vấn đề Biển Đông.

Nhật Bản thúc đẩy mối quan hệ song phương, đẩy mạnh sự hỗ trợ và ủng hộ của mình đối với các thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, hỗ trợ nâng cao năng lực chấp pháp trên biển bao gồm cả phần cứng (như tàu tuần tra) và phần mềm (huấn luyện) thông qua nguồn hỗ trợ ODA và chương trình mới về hỗ trợ quốc phòng trong khuôn khổ mục tiêu Định hướng chương trình Quốc phòng quốc gia (NDPG) mà Nhật Bản đưa vào thực hiện từ năm 2010. Đối với Mỹ, mong muốn của Mỹ là Nhật Bản sẽ đóng vai trò hỗ trợ Mỹ củng cố và tăng cường sự hiện diện tại khu vực, hỗ trợ cho chiến lược tái cân bằng của Mỹ thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính, hỗ trợ xây dựng năng lực cho các quốc gia ven biển ở Biển Đông đối phó với Trung Quốc.

Đối với tranh chấp Biển Đông, quan điểm của Nhật Bản từng bước được điều chỉnh. Ban đầu, Nhật Bản không biểu thị thái độ rõ ràng. Khi thách thức từ Trung Quốc tăng lên, cơ chế phòng vệ Nhật – Mỹ được củng cố và mở rộng ra khu vực Biển Đông. Điểm cốt lõi đối với Nhật Bản là việc Trung Quốc nỗ lực áp đặt một số quyền cấm đoán đối với lực lượng nước ngoài tiến vào khu vực Biển Đông, cùng với việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh và tìm cách kiểm soát Biển Đông là điều Nhật Bản khó chấp nhận. Kể cả trường hợp Trung Quốc cam kết về đảm bảo an ninh hàng hải thì các quyền kiểm soát hoàn toàn hoặc chủ quyền lãnh hải bên trong “đường chín đoạn” thực sự mâu thuẫn với lợi ích hàng hải của tất cả các bên liên quan. Mặt khác, nếu Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông thành công theo cách của họ thì Nhật Bản sẽ đối diện với vấn đề Senkaku một cách bất lợi. Vì vậy, Nhật Bản tích cực chuyển sang tăng cường can dự.

Tuy nhiên, dù tích cực, chủ động và được các quốc gia khu vực cũng như đồng minh Mỹ ủng hộ, nhưng chính sách Biển Đông của Nhật Bản còn có những cản trở ảnh hưởng nhất định đến tiến trình thực hiện. Theo đó, so với Mỹ và Trung Quốc, vai trò và tầm ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao của Nhật Bản còn hạn chế, do vậy Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng đối với khu vực về các vấn đề an ninh cũng như vấn đề Biển Đông; do những hạn chế về hiến pháp, nội bộ, việc tăng cường hợp tác quân sự (bên ngoài lãnh thổ) sẽ gặp những khó khăn nhất định. Điều đó cũng phần nào giải thích vì sao nhiều quốc gia khu vực vẫn nhìn nhận Nhật Bản là quốc gia, đối tác kinh tế hơn là quân sự, chính trị. Ngoài ra, Nhật Bản không phải là bên tranh chấp, cùng với đó là quá khứ quân phiệt, đây sẽ là những nhân tố mà Trung Quốc và cả Hàn Quốc khai thác để gây áp lực và cản trở sự điều chỉnh chính sách về chính trị, quân sự của Nhật Bản, gián tiếp ảnh hưởng lên chính sách của Nhật Bản ở Biển Đông.

Tác động đối với khu vực

Sự can dự của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông rõ ràng được các quốc gia có tranh chấp trong ASEAN hoan nghênh. Tuy nhiên, sự can dự này cũng có hai mặt: vừa đem đến cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức.

Thứ nhất, đối với ASEAN, trong bối cảnh Nhật Bản tích cực can dự vào khu vực và vấn đề Biển Đông nhằm tăng cường và cạnh tranh ảnh hưởng, điều đó sẽ buộc Trung Quốc phản ứng theo nhiều hướng khác nhau, trong đó có cả việc tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để giữ và phát huy ảnh hưởng của mình ở khu vực. Theo đó, cả Nhật Bản và Trung Quốc sẽ đều tích cực tham gia vào các cơ chế của ASEAN, các sáng kiến đa phương, hỗ trợ về kỹ thuật và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia ASEAN; nâng cao năng lực trên biển cho các quốc gia từ sự hỗ trợ và hợp tác của cả hai quốc gia này.

Cách tiếp cận của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương của ASEAN là nêu vấn đề tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, đưa ra các sáng kiến về an toàn, an ninh biển. Đặc biệt, thái độ của Nhật Bản khi ủng hộ PCA ra phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài quốc tế (12/7/2016) là cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, các bên trong vụ kiện cần phải tuân thủ. Điều này hoàn toàn phù hợp và tương đồng với quan điểm của ASEAN cũng như các quốc gia tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Sự tương đồng này, cùng với thái độ chủ động và tích cực của Nhật Bản, vấn đề Biển Đông sẽ được duy trì và thảo luận liên tục trong chương trình nghị sự của ASEAN, lôi kéo được sự chú ý và quan tâm từ các đối tác bên ngoài của ASEAN như

Ấn Độ, Nga, Australia, … Việc biến vấn đề Biển Đông thành mối quan tâm chung của cộng đồng thế giới sẽ gây được áp lực đối với Trung Quốc, kiềm chế và giảm bớt hành vi quyết đoán của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, cách tiếp cận của Nhật Bản về vấn đề Biển Đông cũng tạo ra một số thách thức đối với ASEAN. Vì quan điểm cách tiếp cận vấn đề Biển Đông và quan điểm mối quan hệ với Trung Quốc của các quốc gia ASEAN là khác nhau. Chính sự khác biệt này sẽ tạo ra sự chia rẽ trong nội khối ASEAN, cản trở sự đoàn kết nội khối.

Thứ hai, đối với Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia có tiềm lực mạnh về kinh tế, năng lực biển của Nhật Bản cũng rất phát triển. Do đó, với khoảng cách chênh lệnh về sức mạnh trên biển giữa Trung Quốc với Việt Nam nói riêng và với các quốc gia ASEAN nói chung như hiện nay, Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ và xây dựng năng lực trên biển cho Việt Nam thông qua hỗ trợ cả về phần cứng (tàu tuần tra, trang thiết bị bán quân sự…) và phần mềm (huấn luyện và đào tạo…). Không những vậy, hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng còn là đòn bẩy để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác, góp phần tạo dựng lòng tin giữa hai quốc gia, đưa mối quan hệ hai nước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.

Bên cạnh những nhân tố thuận lợi, chính sách chủ động và tích cực của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông cũng sẽ tạo ra những thách thức đối với Việt Nam. Theo đó, tạo nên sức ép trong quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc – Việt Nam. Việc Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh sẽ tạo ra một số khó khăn cho Việt Nam trong việc xử lý quan hệ với Trung Quốc cũng như với các quốc gia ASEAN khác, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp biển Hoa Đông.

http://biendong.net/bien-dong/32661-tac-dong-chinh-sach-bien-dong-cua-nhat-ban-doi-voi-khu-vuc.html

 

Đài Loan: Trên 60 nước

chúc mừng bà Thái Anh Văn tái đắc cử’

Dù chỉ được 14 quốc gia chính thức công nhận, Tổng thống Đài Loan nhận được lời chúc mừng sau khi tái đắc cử từ lãnh đạo, quan chức trên 60 nước, gồm cả Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Cuộc bỏ phiếu hôm 11/01 vừa qua đem lại thắng lợi áp đảo cho bà Thái Anh Văn và Dân Tiến Đảng.

Bà Thái Anh Văn: Trung Quốc cần tỏ ra ‘tôn trọng’ Đài Loan

Bà Thái Anh Văn nhắm đến giới trẻ và niềm tin vào dân chủ

Dân Đài Loan và nỗi sợ ‘bị thống nhất’ với TQ

Bà Thái đã tái đắc cử tổng thống hòn đảo nhiệm kỳ hai với trên 8 triệu phiếu cử tri.

Đảng của bà, chủ trương độc lập khỏi Trung Quốc về lâu dài, cũng giành đa số và Quốc hội.

Theo trang Taiwan News, chiến thắng của bà Thái Anh Văn được lãnh đạo, quan chức cao cấp từ 60 quốc gia chúc mừng.

Tính đến ngày 12/01/2020, theo Bộ Ngoại giao Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc), các nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp nước ngoài đã chúc mừng bà Thái Anh Văn qua điện thoại hoặc email.

Trong số họ có Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu.

Ông Pompeo còn ra thông báo ca ngợi bà Thái Anh Văn và cử tri Đài Loan đã “thể hiện tinh thần dân chủ” qua cuộc bỏ phiếu.

Tính đến tháng 10/2019, Đài Loan chỉ có 14 quốc gia, đa số là đảo quốc ít dân ở Thái Bình Dương và Nam Mỹ, công nhận chính thức.

Trong khi đó, Trung Quốc, nước luôn coi Đài Loan là một tỉnh của họ, được 178 quốc gia trên tổng thống 193 nước thành viên Liên hiệp quốc công nhận.

Trong hai năm qua, Đài Loan mất thêm quan hệ ngoại giao với một vài quốc gia, như đảo quốc Solomon Islands, Kiribati bỏ Đài Bắc để xoay sang ủng hộ Bắc Kinh.

Các nước thành viên LHQ vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan hiện có Belize, Eswatini, Guatemala, Haiti, Honduras, đảo Marshall, Nauru, Nicaragua, Palau, Paraguay, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent, Grenadines và Tuvalu.

Ngoài ra, nhà nước Vatican cũng vẫn công nhận Đài Loan, hòn đảo gần 24 triệu dân, theo chế độ dân chủ đa đảng và tôn trọng tự do tôn giáo.

Vẫn đông quan hệ tuy không phải đại sứ quán

Dù chỉ có quan hệ ngoại giao cấp đại sứ quán với 14 nước, Đài Loan đón số nước đông hơn nhiều đến mở văn phòng đại diện.

Ngược lại, Đài Loan cũng có văn phòng đại diện ở nhiều nước thuộc Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, ASEAN và ở cả Hong Kong.

Tại Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Úc, thì văn phòng đại diện của Đài Loan còn có mặt ở cả các thành phố lớn bên ngoài thủ đô.

Ở Anh, Đài Loan có văn phòng đại diện tại London và Edinburg.

Dù quốc gia của họ không được nhiều nước châu Âu công nhận, công dân Đài Loan lại có ‘hộ chiếu quyền lực’ hơn Trung Quốc.

Từ 2011, người mang hộ chiếu Đài Loan có quyền vào EU tới 90 ngày không cần thị thực.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-51141689

 

“Giữ nguyên trạng”:

Một thách thức lớn cho bà Thái Anh Văn

Minh Anh

Ngày 11/01/2020, bà Thái Anh Văn tái đắc cử nhiệm kỳ hai tổng thống Đài Loan. Sự kiện cho thấy người dân Đài Loan – vùng lãnh thổ duy nhất trong thế giới chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa – kiên quyết bảo vệ các giá trị dân chủ theo mô hình phương Tây bất chấp các đe dọa từ Bắc Kinh dùng mọi cách kể cả “vũ lực” để sáp nhập Đài Loan vào Trung Hoa lục địa. Câu hỏi đặt ra: Với thắng lợi vẻ vang này của đảng Dân Tiến và bà Thái Anh Văn, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan trong bốn năm tới đây sẽ như thế nào?

« Hoài bão độc lập » đối chọi với « giấc mơ Trung Hoa » ?

Hãy kháng cự với Trung Quốc, hãy bảo vệ Đài Loan!”, lời kêu gọi này của bà Thái Anh Văn, tổng thống mãn nhiệm đã được hơn 8 triệu cử tri hưởng ứng. Khi trao thêm cho bà Thái Anh Văn một nhiệm kỳ thứ hai, đại đa số người dân Đài Loan nói “Không” với đề nghị “một nhà nước, hai thể chế” mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại trong bài diễn văn đầu năm. Lời hăm dọa của ông Tập Cận Bình cho hợp nhất Đài Loan với Hoa lục bằng mọi giá kể cả bằng vũ lực cũng không làm cho người dân Đài Loan sợ hãi.

Thế nhưng, với Bắc Kinh, đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Hoa rộng lớn. Sau Hồng Kông năm 1997 và Macao năm 1999, phải đến lượt Đài Loan trở về với đất mẹ. Đài Loan trở thành vấn đề trọng tâm trong chính sách đối ngoại của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong mục đích này, Bắc Kinh từ rất lâu đã nghĩ đến việc đề xuất nguyên tắc « một nhà nước, hai chế độ » cho Đài Loan, ngay cả trước khi áp dụng chúng với cựu nhượng địa Hồng Kông. Theo đó, ý tưởng cơ bản là kết dán những vùng lãnh thổ đó với Trung Hoa lục địa nhưng vẫn trao cho vùng đất này một quyền tự trị rộng rãi về kinh tế, chính trị và xã hội.

Mục tiêu này còn được Trung Quốc thúc đẩy nhanh hơn nữa dưới thời trị vì của Tập Cận Bình. Vị lãnh đạo đầy quyền lực này gắn chặt mục tiêu hợp nhất lãnh thổ với « giấc mơ Trung Hoa » của ông với tham vọng trở thành lãnh đạo đầu tiên hoàn thành « sứ mệnh lịch sử » mà Mao Trạch Đông từng hướng đến : Hợp nhất Trung Quốc đến tận Đài Loan. Một sứ mệnh ông Tập Cận Bình dự kiến kết thúc vào năm 2049 để mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Chỉ có điều trong nước cờ này, Tập Cận Bình đã không tính đến yếu tố nhân hòa. Phong trào Hoa Hướng Dương ở Đài Loan năm 2014 phản đối « thỏa thuận tự do mậu dịch Trung – Đài » bị nghi ngờ tạo thuận lợi cho Trung Quốc gây ảnh hưởng  được tiếp nối bằng làn sóng Dù Vàng ở Hồng Kông vài tháng sau đó đòi bầu chọn lãnh đạo đặc khu theo phổ thông đầu phiếu. Những làn sóng phản kháng này đã mở đường cho bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến lên cầm quyền ở Đài Bắc năm 2016.

Mối quan hệ đôi bờ eo biển Đài Loan được thiết lập từ năm 1979 cũng từ đó trở nên xấu đi. Chuyên gia Richard Bush lãnh đạo Chen-Fu and Cecilia Yen-Koo chuyên nghiên cứu về Đài Loan thuộc Viện Brookings cho rằng Quốc Dân Đảng thất cử làm cho Bắc Kinh mất đi chỗ dựa quan trọng trong kế hoạch lôi kéo người dân Đài Loan xích lại gần với lục địa :

« Hiện nay Đài Loan có một cuộc tranh luận về cách thức tốt nhất để xử lý thách thức từ Trung Quốc. Về mặt cơ bản, thử thách hiện nay chính là Trung Quốc muốn Đài Loan đi theo hệ thống chính trị và cơ cấu điều hành của mình và kết thúc Trung Hoa Dân Quốc, tên gọi chính thức của chính phủ Đài Loan.

Người tiền nhiệm của bà Thái Anh Văn, ông Mã Anh Cửu từng nghĩ rằng phương cách tốt nhất để đối phó với thách thức Trung Quốc là nên bắt tay chặt chẽ với Bắc Kinh để tránh bị xem là khiêu khích Bắc Kinh, hay làm cho Trung Quốc phải lo ngại về những ý định của ông, và cùng lúc cũng nên thiết lập một mạng lưới quan hệ rộng rãi giữa hai bờ eo biển, như thế Trung Quốc rất có thể sẽ không bao giờ dám gây chiến hay đưa ra những kiểu hành xử xấu xa khác. Cách tiếp cận này có được chút ít thành

quả nhưng chính khía cạnh tiêu cực của kết quả ʺnửa vờiʺ đó đã dẫn đến hệ quả là vào năm 2016 Thái Anh Văn đắc cử tổng thống và đảng Dân Tiến có đa số ở Nghị Viện trong cuộc tổng tuyển cử tháng Giêng năm đó.

Bà Thái Anh Văn còn tỏ ra rất thận trọng về những gì có liên quan đến Trung Quốc. Trong nội bộ đảng Dân Tiến và trong một chừng mực nào đó, người ta quan ngại là khi hợp tác kinh tế quá chặt chẽ sẽ kéo theo hợp nhất chính trị.

Hơn nữa, Thái Anh Văn từ chối luật chơi của Trung Quốc. Luật chơi này là buộc những người mà Bắc Kinh không ưa phải đưa ra lập trường ‘đúng đắn’ về một số nguyên tắc chính trị theo ý của Bắc Kinh. Bà Thái biết rằng một khi chấp nhận những nguyên tắc đó rồi thì người ta sẽ không thể làm gì được nữa. Do vậy bà rất cẩn trọng. Bà ra sức trấn an và không ngừng nói rằng ʺTôi muốn duy trì nguyên trạngʺ ».

Với bà Thái Anh Văn, Đài Loan là một thực thể khác biệt và có một bản sắc riêng đối với Trung Hoa Lục Địa. Bảy thập niên qua, Đài Loan vận hành như là một nhà nước độc lập và nền dân chủ Đài Loan cũng đã được củng cố vững chắc. Do vậy, bà không chấp nhận nguyên tắc « một quốc gia, hai thể chế » và nhất là không công nhận « đồng thuận 1992 » cho rằng Trung Quốc và Đài Loan là thuộc về một nước Trung Hoa duy nhất.

Chính sách hăm dọa của Trung Quốc thất bại

Thái độ « cứng đầu » này của bà Thái Anh Văn đã làm cho Trung Quốc bực tức và ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn. Trong bốn năm nhiệm kỳ đầu tổng thống, Bắc Kinh gia tăng sức ép trên mọi phương diện kinh tế, quân sự và tìm cách cô lập Đài Loan trên phương diện ngoại giao. Áp lực này vẫn sẽ tiếp tục đè nặng lên nhiệm kỳ hai của bà Thái Anh Văn theo như đánh giá của ông Barthelemy Courmont, giáo sư trường Đại Học Công Giáo Lille, nhà nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược trên đài RFI.

« Giảm nhẹ áp lực hơn chắc chắn là không rồi chừng nào ông Tập Cận Bình vẫn còn tại quyền bởi vì vấn đề Đài Loan đối với ông là một nỗi ám ảnh. Mà mọi nỗi ám ảnh quốc gia nói thật chẳng là một điều gì hay ho cả. Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có một chính sách cứng rắn hơn không, tôi không nghĩ là có.»

Richard Bush cũng có cùng một quan điểm. Phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh sẽ là « một sự thất vọng nhưng chưa phải là một thảm họa ». Trong chiều hướng này, chính quyền Trung Quốc sẽ còn gia tăng gấp bội và tiếp tục chiến lược được áp dụng trong bốn năm qua. Ông giải thích :

« Tôi nghĩ rằng điều mà họ sẽ nói đầu tiên hết là còn có một cuộc bầu cử khác trong bốn năm nữa, và chiến dịch tranh cử này đã bắt đầu từ giờ. Tiếp đến, Trung Quốc tìm được một cách tiếp cận ʺkhá phù hợpʺgiữa một bên là sự hòa dịu và bên kia là chiến tranh. Đó là một sự kết hợp gồm hăm dọa, gây áp lực, phối hợp, can dự vào đời sống chính trị nội bộ của Đài Loan.

Chiến lược này dường như đã vận hành tốt. Trung Quốc xem kết quả cuộc bầu cử địa phương năm 2018 là một thành công của chính sách đó. Kết quả cuộc bầu cử hôm thứ Bảy 11/01/2020 có lẽ sẽ buộc Bắc Kinh phải xem xét lại trước hết chiến lược hăm dọa và công thức « một quốc gia, hai thể chế » để giải quyết các bất đồng với Đài Loan.

Tuy nhiên, tôi nghi ngờ là Bắc Kinh sẽ không xem kết quả này như là một tín hiệu báo động để thay đổi cách tiếp cận cơ bản. Bắc Kinh đơn giản sẽ gia tăng gấp đôi áp lực ».

Mối quan hệ Trung – Đài – Mỹ

Liệu rằng bà Thái Anh Văn có thể kháng cự được trước ý đồ muốn phá vỡ « nguyên trạng » của người láng giềng khổng lồ bên kia bờ eo biển hay không ? Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan trong một chương trình phát thanh của đài France Culture có cho rằng cuộc đối đầu Mỹ – Trung có lẽ sẽ là một lợi thế cho Đài Loan.

« Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục cô lập Đài Loan nhưng cùng lúc còn có bối cảnh quốc tế được đánh dấu bằng cuộc đối đầu Mỹ – Trung. Hơn nữa chính quyền Trump ngày càng đứng về phía Đài Loan. Hoa Kỳ có các thỏa thuận an ninh với Đài Loan thông qua việc bán các loại vũ khí phòng thủ. Và nếu có một cuộc khủng hoảng quân sự ở Đài Loan, Hoa Kỳ có lẽ sẽ can thiệp ».

Về điểm này, chuyên gia Richard Bush lưu ý đến thái độ nước đôi của chính quyền Donald Trump khi cho thực hiện cùng một lúc hai chính sách khác nhau trong mối quan hệ với chính quyền bà Thái Anh Văn.

« Trong lĩnh vực an ninh và ngoại giao, chính quyền Trump đã đưa ra một số sáng kiến mới, nhưng không hẳn là công khai tất cả, để cải thiện mối quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan và trên thực tế là để mang đến cho Đài Loan nhiều sự tôn trọng và uy tín hơn vì những gì Đài Loan đã làm.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng kinh tế của chính quyền Trump lại không mấy gì sẵn lòng mở ra các cuộc thương lượng về những vấn đề mà Đài Loan mong muốn thật sự xúc tiến, những gì cho phép cải thiện tính cạnh tranh nền kinh tế của Đài Loan và cũng rất có thể mang lại một lợi thế chính trị nữa.

Điều này tạo ra một tình huống kỳ lạ : Bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao Mỹ xem Đài Loan như là một tác nhân chiến lược, trong khi các bộ ngành kinh tế lại đối xử tệ với vùng lãnh thổ này ».

Tình huống này làm dấy lên câu hỏi: Liệu người ta có thể tin tưởng vào chính quyền Washington đến đâu trong bối cảnh chủ nhân Nhà Trắng hiện nay là ông Donald Trump đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết và luôn có những quyết định khó đoán khó lường ?

Nhìn chung, theo quan điểm của ông Richard Bush cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm nay trên thực tế là một trưng cầu dân ý về cách tiếp cận của tổng thống Thái Anh Văn đối với Trung Quốc cũng như là đối với Hoa Kỳ. Một cách gián tiếp, đó cũng là một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách Trung Quốc của ông Mã Anh Cửu và kết quả thế nào đã được thấy rõ. Trong trước mắt, cử tri Đài Loan thích sự cẩn trọng của bà Thái Anh Văn hơn là chính sách xích lại gần Trung Quốc của ông Mã Anh Cửu.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200116-gi%E1%BB%AF-nguy%C3%AAn-tr%E1%BA%A1ng-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-th%C3%A1i-anh-v%C4%83n-dl

 

Hưu chiến thương mại với Mỹ:

Bắc Kinh phản ứng thận trọng

Tú Anh

Sau 18 tháng xung khắc, dọa nạt nhau, Washington và Bắc Kinh đã ký kết « lệnh hưu chiến ». Với thỏa thuận thương mại phần 01, nếu tuân thủ, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu thêm 200 tỷ đô la hàng hóa Mỹ trong hai năm tới đây nhất là nông phẩm và năng lượng. Đổi lại, Washington ngưng các biện pháp áp thuế mới và giảm phân nửa, tức còn 7,5% trên tổng số 120 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Hoa lục. Các biện pháp trừng phạt khác còn treo lơ lửng.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật về phản ứng của Trung Quốc:

“Một điểm khởi hành, một bước khởi đầu tốt”. Đối với báo chí nhà nước phát hành sáng thứ Năm hôm nay tại Trung Quốc, thỏa thuận này trước tiên là một sự kiện tái lập tin cậy lẫn nhau giữa hai đại cường kinh tế số một thế giới. Nói như thế không có nghĩa là chiến tranh đã kết thúc và nhất là “không có kẻ thắng người bại”, theo bài xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo.

Không ai thắng, không ai thua. Cả hai bên đều thắng. Đương nhiên là Bắc Kinh phải tự đề cao, tự thuyết phục.

Phải chờ đến 8 tiếng đồng hồ sau khi thỏa thuận được ký kết, chính quyền Trung Quốc mới công bố bản dịch tiếng Hoa nhưng thận trọng không đi vào chi tiết. Vào lúc 12 giờ đêm giờ địa phương, đài truyền hình trung ương, qua chi nhánh đài tiếng Anh, mới truyền hình trực tiếp buổi lễ ký kết. Tuy nhiên, khi phó tổng thống Mỹ Mike Pence cầm máy vi âm thì phần thông dịch trực tiếp bị cắt ngay. Bắc Kinh rất e dè phó tổng thống Mỹ, người luôn đả kích chế độ Trung Quốc, trong các bài diễn văn trong những tháng gần đây.

Thỏa thuận phần một rất tốt, nhưng còn phần hai thì để tính sau. Báo chí nhà nước không nói đến giai đọan thương lượng kế tiếp, cũng như tránh đề cập đến các vấn đề tế nhị như là chuyện “tài trợ cho xí nghiệp quốc doanh, an ninh mạng, các quy định trong thương mại”.

Theo một vài chuyên gia Trung Quốc, phải chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, mới tính đến bước thứ hai.

Hôm qua, 15/01/2020, tại Washington, tổng thống Mỹ Donald Trump và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) đã ký kết phần đầu tiên trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Thỏa thuận phần một này cho phép Washington và Bắc Kinh chính thức tạm ngưng cuộc chiến thương mại song phương, khởi sự từ đầu năm 2018.

Thông tín viên Anne Corpet tường trình từ Washington :

”Lễ ký kết thỏa thuận kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra nhiều lời khen ngợi. Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ nói đến một chiến thắng lớn đối với nền công nghiệp và nông nghiệp Mỹ. Phó thủ tướng Trung Quốc, về phần mình, hoan nghênh tầm quan trọng của thỏa thuận này, và đọc một bức thư dài của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi đến đồng nhiệm Mỹ.

Với thỏa thuận này, Bắc Kinh cam kết mua thêm 200 tỉ đô la hàng hóa Mỹ trong giai đoạn kéo dài hai năm. Chính quyền Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ, và chấm dứt việc thao túng tỉ giá hối đoái. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ không áp đặt loạt tăng thuế mới dự kiến, đối với các hàng

hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và giảm một nửa mức thuế, được ấn định từ ngày 01/09/2019, đối với 120 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các khoản thuế khác thì vẫn còn. Tổng thống Donald Trump muốn duy trì các phương tiện để duy trì thế mạnh trong giai đoạn hai của đàm phán. Đàm phán giai đoạn hai sẽ bao gồm nhiều chủ đề gai góc như vấn đề cưỡng bức chuyển giao công nghệ hay việc chính quyền Bắc Kinh trợ giá cho các tập đoàn công nghiệp Trung Quốc”.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200116-h%C6%B0u-chi%E1%BA%BFn-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-b%E1%BA%AFc-kinh-ph%E1%BA%A3n-%E1%BB%A9ng-th%E1%BA%ADn-tr%E1%BB%8Dng

 

Bất chấp bị chèn ép, bắt nạt trên biển,

Philippines vẫn hoan nghênh, chào đón tàu Hải giám TQ

Truyền thông Philippines cho biết, tàu Hải giám Trung Quốc (14/1) đã tới thăm Philippines nhằm thảo luận về “các cách đảm bảo an toàn cho các ngư dân của cả hai quốc gia trên biển”.

Theo thông tin trên, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã tổ chức lễ đón tàu cảnh sát biển Trung Quốc, số hiệu 5204 tại cảng Manila vào ngày 14/1. Thuyền trưởng tàu 5204 Wang Zhongcai đã mời tư lệnh lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Joel Garcia lên tham quan tàu. Thủy thủ tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tặng thực phẩm, mặt nạ cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào núi lửa Taal, gần Manila. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines cho biết, chuyến thăm lần này của tàu Trung Quốc cũng sẽ là cơ hội tốt để cả hai bên thể hiện thiện chí, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau cũng như tăng cường tình hữu nghị và tinh thần hợp tác.

Chỉ huy của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, ông Joel Garcia cho biết: “Chuyến thăm của tàu Trung Quốc cho thấy, đây là một phần trong nỗ lực ngoại giao của họ nhằm làm giảm căng thẳng cũng như tăng cường giao tiếp với lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines”. Ngoài ra, tàu 5204 của Trung Quốc sẽ tham gia cuộc diễn tập cứu hộ chung với bảo vệ bờ biển Philippines vào ngày 15/1 và rời cảng Manila vào ngày 16/1.

Trước đó, nhiều nhà phê bình cáo buộc Trung Quốc sử dụng các tàu dân quân, “đội lốt” tàu đánh cá để quấy rối tàu của ngư dân các nước trên Biển Đông. Hồi tháng 6 năm ngoái, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Philippines, rồi bỏ mặc 22 thuyền viên Philippines trôi dạt trên biển trước khi họ được một tàu cá Việt Nam giải cứu. Vụ việc đã khiến công chúng Philippines tức giận và lên an mạnh mẽ. Tuy nhiên, đô đốc Garcia đã hạ thấp những lời chỉ trích như vậy, khẳng định rằng chuyến thăm của tàu hải giam Trung Quốc là một cơ hội để nói chuyện, tập trung chủ yếu vào việc đảm bảo an toàn của ngư dân, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và cách tránh các sự cố như vụ va chạm gần đây. Chỉ huy của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Joel Garcia còn cho biết, “không có bằng chứng nào cho thấy các tàu dân quân đang được quân đội Trung Quốc sử dụng để quấy rối các tàu Philippines và vấn đề này do đó sẽ không được thảo luận. Các báo cáo về việc ngư dân Philippines bị tàu hải giám và tàu đánh cá Trung Quốc quấy rối chỉ đơn thuần là những trường hợp nhỏ lẻ. Ngay cả khi chúng tôi có mâu thuẫn, không có giải pháp nào khác ngoại trừ ngoại giao và nói chuyện trực tiếp với nhau”.

Trung Quốc và Philippines có yêu sách lãnh thổ chồng chéo nhau trên Biển Đông. Ngư dân Philippines thường xuyên bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc quấy rối, khi đánh bắt cá xung quanh bãi cạn Scarborough, nơi mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Năm ngoái, cảnh sát biển Trung Quốc đã hộ tống tàu đánh cá nước này hoạt động bất hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Indonesia. Tàu tuần tra Trung Quốc cũng xâm phạm EEZ và cản trở hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản của Việt Nam. Bắc Kinh muốn Manila đứng về phía họ, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, dự kiến sẽ là chủ đề chính trong cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sắp tới được tổ chức tại Việt Nam. Trong khi đó, Philippines đặt mục tiêu đạt được sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng minh truyền thống của nước này. Tổng thống Rodrigo Duterte sẵn sàng tăng cường quan hệ song phương và để mắt đến viện trợ kinh tế, trong khi quân đội Philippines vẫn rất cảnh giác với Trung Quốc.

http://biendong.net/bien-dong/32660-bat-chap-bi-chen-ep-bat-nat-tren-bien-philippines-van-hoan-nghenh-chao-don-tau-hai-giam-tq.html

 

Indonesia-Nhật Bản

lập cơ chế đối thoại cấp Thứ trưởng ngoại giao

Trong chuyến thăm Indonesia, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (10/1) đã hội đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực và nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại cấp Thứ trưởng ngoại giao.

Theo thông tin trên, trong chuyến thăm Indonesia, Ngoại trưởng hai nước đã thảo luận một số chương trình hợp tác quan trọng, từ cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đến tăng cường trao đổi thương mại. Phát biểu tại cuộc cuộc họp báo chung sau hội đàm chính thức, hai Ngoại trưởng cho biết đã thảo luận một số chương trình hợp tác quan trọng, từ cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đến tăng cường trao đổi thương mại. Hai bên cũng đã nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại ở cấp thứ trưởng ngoại giao nhằm thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược; xúc tiến công tác chuẩn bị nhằm tổ chức cuộc họp 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai nước trong năm nay, sau cuộc họp lần đây nhất diễn ra hồi năm 2015.

Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Retno Marsudi nhấn mạnh Indonesia mong muốn tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực thông qua chương trình thực tập sinh, đào tạo nghề và giảng dạy tiếng Nhật cũng như muốn Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hàng hóa hàng hóa xuất khẩu của nước này như dầu cọ, xoài, bơ và thanh long.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm tại thủ đô Jakarta và cảng biển Patimban theo đúng kế hoạch; cam kết tiếp tục chuyển giao công nghệ và hỗ trợ Indonesia phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này; bày tỏ hy vọng Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản; cho biết sẽ cung cấp các khoản vay bằng đồng yen giúp Indonesia tái thiết các cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng do động đất và sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi.

Bên cạnh những vấn đề trên, hai bên đã thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động tại Biển Đông, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc bảo vệ an ninh hàng hải. Đáng chú ý, trong một động thái liên quan, sau khi đến thị sát vùng biển Natuna, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (10/1) đã mời Nhật Bản đầu tư vào Quần đảo Natuna. Theo đó, Tổng thống Widodo đã kêu gọi Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào ngành thủy sản và năng lượng của Indonesia trên các đảo Biển Đông.

Được biết, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Indonesia và Nhật Bản không ngừng phát triển trong những năm qua. Những năm gần đây, Nhật Bản luôn là nhà đầu tư lớn thứ hai và cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia, với tổng giá trị đầu tư năm tỷ USD và kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm đạt khoảng 33,03 tỷ USD. Trong đó, dự án tàu điện ngầm Jakarta được hoàn thành với sự lãnh đạo bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và được liên kết cùng với một số công ty đường sắt, công trình và chế tạo nổi tiếng bao gồm Tokyu, Dalin Group, Shimizu Construction, Mitsui Sumitomo và Toa xe Nhật Bản.

http://biendong.net/bien-dong/32663-indonesia-nhat-ban-lap-co-che-doi-thoai-cap-thu-truong-ngoai-giao.html

 

Sự can dự và xu hướng chính sách của Australia

trong vấn đề Biển Đông

Australia không có nhiều quan hệ tới vấn đề Biển Đông. Trong đó, lợi ích chủ yếu của Australia tại Biển Đông dựa trên lập trường bảo đảm tự do và an ninh hàng hải, vốn có liên quan trực tiếp tới giao thương của quốc gia này. Thực tế là, lợi ích của Australia ở Biển Đông không thể hiện cụ thể dưới dạng vật chất, dễ dẫn đến những nhận định thiếu chính xác và có phần chủ quan khi cho rằng Australia không quan tâm hoặc thiếu những chính sách cụ thể trong vấn đề an ninh Biển Đông.

Sự can dự của Australia

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), châu Á được xem là mục tiêu hướng đến của Australia và đến thập niên 90 có thể coi như giai đoạn hoàn thiện “Chính sách hướng Á” của quốc gia này. Đặc biệt, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc (1991), Australia đã có những nỗ lực cụ thể để hiện thực hóa tư duy hướng Á, được đề xuất trong thập niên 70 của thế kỷ XX.

Đứng trước bối cảnh mới gắn liền với thời cơ và thách thức mới, Australia xem khu vực Đông Nam Á gắn liền với những lợi ích chiến lược của mình. Trên cơ sở nhận thức đó, từ đầu thế kỷ XXI, Australia đã có những điều chỉnh chiến lược về mặt an ninh đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đặc

biệt là Đông Nam Á – nơi mà Australia đã có những mối liên hệ gián đoạn trong lịch sử. Trong bối cảnh mới, đối với Australia, Đông Nam Á mang đến cơ hội lẫn thách thức; khu vực này vừa là “cửa ngõ” để hội nhập với châu Á, vừa gắn liền với những thách thức về an ninh và phát triển. Sự thịnh vượng (về kinh tế) và vững mạnh (về an ninh) của Australia phụ thuộc vào khả năng hội nhập của quốc gia này với một khu vực có sức phát triển năng động về kinh tế và đang thu hút nhiều luồng đầu tư. Là một điểm nóng chiến lược của Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Biển Đông đã và đang trở thành vùng biển của những ưu tiên chiến lược, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, mà Australia phải tính toán trong quan hệ quốc tế với các quốc gia tại khu vực.

Về phương diện địa lý, Australia không là bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Về lý thuyết, Australia không có nhiều quan hệ tới vấn đề Biển Đông. Trong đó, lợi ích chủ yếu của Australia tại Biển Đông dựa trên lập trường bảo đảm tự do và an ninh hàng hải, vốn có liên quan trực tiếp tới giao thương của quốc gia này. Thực tế là, lợi ích của Australia ở Biển Đông không thể hiện cụ thể dưới dạng vật chất, dễ dẫn đến những nhận định thiếu chính xác và có phần chủ quan khi cho rằng Australia không quan tâm hoặc thiếu những chính sách cụ thể trong vấn đề an ninh Biển Đông. Hiện nay, việc nhiều người bày tỏ quan ngại rằng tự do hàng hải bị đe dọa có tác động mạnh mẽ đến giao thương của Australia trên Biển Đông vẫn đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách của quốc gia này. Do đó, vấn đề Biển Đông với Australia dường như mang ý nghĩa chiến lược hơn là lợi ích trước mắt. Sự “trỗi dậy” (rise) ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, chiến lược “tái cân bằng” (rebalancing) của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama (2009-2017), những chuyển động chính sách khó dự đoán của chính quyền Donald Trump đối với Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng, và sự trỗi dậy của các cường quốc tiềm năng trong khu vực cũng góp phần định hình những cơ sở về mặt nhận thức để Australia chủ động thúc đẩy những nỗ lực cụ thể nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.

Với vai trò ngày càng gia tăng, Australia đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng có tác động đến cấu trúc an ninh tại Biển Đông. Thực tế, vai trò của các cường quốc tầm trung luôn gắn bó chặt chẽ và có tác động đáng kể đến sự vận động và hình thành trật tự khu vực. Mặc dù những tác động này không phải lúc nào cũng thật sự rõ ràng nhưng quá trình định hình và tiến đến hình thành trật tự khu vực luôn có những đóng góp rất quan trọng của các cường quốc tầm trung. Sự tham gia tích cực, thái độ “thờ ơ” hay chối bỏ vai trò của các cường quốc tầm trung trong các vấn đề an ninh khu vực… là cơ sở góp vào mảng màu quan hệ quốc tế tại khu vực. Với vai trò là một cường quốc tầm trung được cộng đồng quốc tế thừa nhận (traditional middle-power) và giữ vai trò “cân bằng mềm” trong quan hệ giữa các chủ thể chính tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Australia được nhìn nhận và đánh giá với vai trò ngày càng cụ thể và tích cực.

Trên cơ sở xác định và làm rõ tầm quan trọng của Biển Đông đối với Australia dựa trên cách tiếp cận đa diện từ an ninh hàng hải, thương mại trên biển, vị thế quốc gia… cho đến sự tương tác của các chủ thể quyền lực tại khu vực, những nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh ở Biển Đông của Australia hiện nay sẽ được làm rõ. Có hai nguyên nhân mang tính nền tảng và tiêu biểu cho sự tham dự (involve) với tính chất tích cực và tiệm tiến của Australia vào vấn đề Biển Đông, đó là lợi ích về an ninh và kinh tế. Tiếp cận trên cơ sở thực tiễn triển khai các chính sách, có thể nhận xét một cách khách quan và thực tế rằng Australia đã và đang có những đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy một Biển Đông an ninh và thịnh vượng.

Trong quá trình thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông và tìm kiếm những giải pháp khả dĩ có thể thúc đẩy Biển Đông trở thành vùng biển của những hoạt động hợp tác thay cho các hoạt động có thể gia tăng sự thiếu vắng lòng tin và các tranh cãi (thậm chí tranh chấp), Australia có cách tiếp cận ngày càng gần gũi trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền và ủng hộ tầm nhìn về một Biển Đông hòa bình, thịnh vượng của Việt Nam. Sự tương đồng về nhận thức và những lợi ích chiến lược đã giúp Australia và Việt Nam xích lại gần nhau, từ các tuyên bố của các nhà lãnh đạo đến các chương trình phối hợp làm việc chung trong các nỗ lực thúc đẩy hợp tác về an ninh tại vùng biển này. Từ năm 2009, quá trình này càng được thể hiện rõ rệt và được phát triển trên tinh thần nhìn nhận Biển Đông gắn với tham vọng và sự “trỗi dậy” của Trung Quốc. Vì lẽ đó mà những đóng góp của Australia, từ năm 2009 trở về sau, được phản ánh rõ nét và phong phú hơn.

Hoạt động thực tiễn trong năm 2019

Trong năm 2019, Chính quyền Australia liên tục bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (28/1) cho biết các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm gia tăng sự quan ngại về ý đồ trỗi dậy của Bắc

Kinh trong khu vực; cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại, đồng thời kêu gọi Trung Quốc xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác. Theo ông Pyne, những cường quốc càng lớn mạnh càng phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm, do vậy Trung Quốc nên hành xử với trách nhiệm lớn tại Biển Đông. Ngoài ra, Bộ trưởng Pyne nhấn mạnh “việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông không làm gia tăng lòng tin trong khu vực về ý đồ chiến lược của Trung Quốc, thay vào đó càng làm gia tăng sự lo lắng”; cho biết Australia “không có ý định kiềm chế Trung Quốc”, tuy nhiên Australia “quan tâm tới việc can dự và khuyến khích Trung Quốc triển khai sức mạnh theo hướng gia tăng lòng tin và sự tin cậy trong khu vực” và Australia sẵn sàng tiến hành các hoạt động đa phương trên Biển Đông để chứng minh rằng đó là vùng biển quốc tế. Ngoài ra, ông Christopher Pyne cũng cho biết thêm, Australia sẽ đầu tư hơn 90 tỷ đô la Australia vào một đội tàu ngầm, tàu khu trục và các tàu khác để tăng cường khả năng hàng hải, nhấn mạnh Australia hy vọng sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021.

Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Australia (16/5) lần đầu tập trận hải quân chung trên các vùng biển châu Á. Tham gia tập trận có tàu sân bay FS Charles de Gaulle của Pháp cùng các tàu hộ tống và 5 tàu hải quân khác, trong đó có một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ và một tàu ngầm của Australia. Theo thông báo từ Hạm đội 7 của Mỹ, trong đợt tập trận này, các tàu cùng thực hiện các khoa mục huấn luyện chung như triển khai đội hình, bắn đạn thật, tìm kiếm và cứu hộ. Đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các quốc gia khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và xa hơn, gồm Anh và Pháp, nhằm tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (12/6) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và toàn diện.

Ngoài ra, Australia được cho là đang thực hiện kế hoạch bí mật xây dựng một cảng nước sâu mới để tiếp nhận lính thủy đánh bộ Mỹ trên bờ biển phía Bắc, nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Theo thông tin trên, cảng nước sâu trên nằm ở khu vực Glyde Point, cách cảng hiện tại của thành phố Darwin – thủ phủ của vùng lãnh thổ phía Bắc – khoảng 40km về phía Đông Bắc. Địa điểm này trước đây đã được chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia quy hoạch để phát triển cảng công nghiệp do biển ở đây tương đối sâu, song dự án này chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Giới chuyên gia cho biết cảng mới sẽ là địa điểm lý tưởng để phục vụ hơn 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng các thiết bị của họ trong các đợt luân chuyển thường xuyên qua khu vực.

Trong chuyến thăm Việt Nam (22-24/8), Thủ tướng Australia Scott Morrison nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương trên 3 trụ cột: Kinh tế, an ninh quốc phòng, trí thức và đổi mới; đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hai bên kêu gọi Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay.

Nhìn chung, trong năm 2019, Australia đã thông qua nhiều hình thức, biện pháp để tăng cường hiện diện tại Biển Đông nhằm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, ổn định ở khu vực. Việc các nước trên thúc đẩy chính sách, hoạt động trong kh vực đã tạo nên hiệu ứng, góp phần duy trì ổn định ở Biển Đông.

Thời gian tới, Australia tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông, đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác, giao lưu với các nước liên

quan nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Xu thế này sẽ được Australia duy trì và đẩy mạnh trong năm 2020.

http://biendong.net/bien-dong/32658-su-can-du-va-xu-huong-chinh-sach-cua-australia-trong-van-de-bien-dong.html