Cuộc chiến vô hình: Tướng Mỹ Robert Spalding viết về Trung Quốc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cuộc chiến vô hình: Tướng Mỹ Robert Spalding viết về Trung Quốc

CARL TRẦN

“…Trung Quốc là cả một trò lừa đảo kiểu Ponzi. Câu hỏi duy nhất chúng ta đặt ra với Trung Quốc, câu hỏi quan trọng duy nhất, là khi nền kinh tế của họ nổ tung… nó sẽ kéo theo mọi người xuống đến mức tồi tệ nào?…”

Lời người dịch: Robert Spalding là cựu chuẩn tướng Không Lực Hoa Kỳ. Trong hơn 25 năm phục vụ trong quân ngũ, ông từng giữ vai trò chiến lược gia cho chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Hội đồng Liên quân tại Ngũ Giác Đài. Có bằng tiến sĩ về kinh tế và toán học tại Đại học Missouri và nói thông thạo tiếng Quan thoại, ông từng sang Trung Quốc làm việc với tư cách giới chức quốc phòng cao cấp và tùy viên quốc phòng.

Spalding tự nhận mình là một người luôn yêu mến đất nước, con người và văn hóa Trung Hoa. Ông từng có giấc mơ khi về hưu sẽ dọn sang Thượng Hải làm ăn và sinh sống. Trong công việc quốc phòng của mình, ông đã đọc cuốn sách Unrestricted Warfare (Chiến Tranh Không Giới Hạn) của hai đại tá Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc là Kiều Lương và Vương Tương Tuệ. Từ đó, ông thay đổi cách nhìn về Trung Quốc, đặc biệt là về những chủ trương và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông lao vào thu thập và nghiên cứu mọi tài liệu có thể có được về những bước đi của Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực. Trước khi bị sa thải khỏi nhóm chuyên gia làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia, Spalding đã trình lên chính phủ Obama nhiều đề nghị thay đổi chính sách đối ngoại với Trung Quốc, nhưng không mấy thành công.

     Cuốn sách của cựu Chuẩn Tướng Robert Spalding, Stealth War: How China Took Over While America’s Elite Slept (tạm dịch, Cuộc chiến vô hình: Trung Quốc tác oai trong khi giới ưu tú Mỹ say ngủ), được ông nhắm đến quảng đại quần chúng như một lời báo động đối với những hiểm họa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra cho sự tồn vong của nước Mỹ và những giá trị dân chủ trên toàn thế giới. Sách được nhà Penguin Random House xuất bản tháng 9, 2019.

    Cuốn sách đề cập đến những chiến lược của Trung Quốc và những sơ hở hoặc sai lầm của Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị và ngoại giao, kinh tế và quân sự, đến tương lai kỹ thuật số. Bài dịch này bao gồm một số phần của Chương 3 mang tựa đề “Economy” (“Kinh tế”). [Chú giải của người dịch nằm trong ngoặc vuông.]

“Trung Quốc là cả một trò lừa đảo kiểu Ponzi”

Một trong những điều khó hiểu về sự trỗi dậy của Trung Quốc là làm cách nào nước này đạt được sự tăng trưởng gây choáng vào bậc nhất trong lịch sử thế giới. Chưa từng có một cuộc xoay chuyển nào tương tự trong lịch sử hiện đại. Làm cách nào họ có thể đưa nhiều người đến thế thoát khỏi cảnh nghèo nhanh như thế?

Đây là một câu chuyện dài và phức tạp – và cũng là một trong những tình tiết phụ của cuốn sách này – nhưng xin tóm lược bằng một câu từ góc nhìn kinh tế: họ đã làm điều đó bằng cách phát hành và thủ đắc những khoản tín dụng khổng lồ, bằng cách tạo ra hàng tỷ Mỹ kim đầu tư nước ngoài không thể thu hồi, và bằng cách tạo ra một hệ thống kinh tế khép kín với tường rào bao bọc không thể thâm nhập đối với mọi cuộc kiểm toán từ bên ngoài trong khi họ lột da giới đầu tư nước ngoài.

“Trung Quốc là một con hổ giấy,” Steve Bannon nói khi thảo luận về sự tăng trưởng kinh tế của nước này. Cựu phó chủ tịch Goldman Sachs sau đó nói với tôi: “Trung Quốc là cả một trò lừa đảo kiểu Ponzi. Câu hỏi duy nhất chúng ta đặt ra với Trung Quốc, câu hỏi quan trọng duy nhất: là khi nền kinh tế của họ nổ tung… nó sẽ kéo theo mọi người xuống đến mức tồi tệ nào?”

Bannon có lý. Hãy tưởng tượng nếu vua Ponzi, Bernie Madoff, người đã lừa các nhà đầu tư hàng tỷ đô la trong suốt nhiều năm, có thể nói với những người bị hắn lừa – năm này qua năm khác – rằng: “Không, bạn không thể rút tiền ra cho đến khi nào tôi cho phép. Và, không, bạn chỉ có thể xem bản báo cáo tài chính mà tôi muốn bạn xem.” Sau đó hãy tưởng tượng gã Bernie trơ tráo có thể, cũng năm này qua năm khác, nói với Bộ Tư pháp, Hội đồng Chứng khoán và Hối đoái SEC, và Tổng cục Thuế vụ IRS rằng: “Không, quý vị không được xem sổ sách của tôi. Quý vị phải tin vào công việc hạch toán của tôi.”

Nếu tình trạng đó tồn tại ở Hoa Kỳ, Madoff có thể vẫn đang không ngừng lột da những người bị hắn lừa, tạo ra những khoản “lợi nhuận” từ không khí bằng cách thu hút tiền mặt của khách hàng mới, cắt xét một phần cho mình, rồi trả dần dần cho các khách hàng trước đó.

Tình trạng đó mô tả một cách căn bản các quy luật mà Trung Quốc đã sử dụng để nạp năng lượng cho sự tăng trưởng bùng nổ của mình, trong khi điều hành một kế hoạch lừa đảo kiểu Ponzi trên quy mô toàn cầu. Đầu tư nước ngoài đổ vào, nhưng ở lại Trung Quốc. Một số đầu tư được giữ nguyên bằng đô la để Trung Quốc có thể tiếp tục giao thương với quốc tế, nhưng lợi nhuận phải đổi thành loại tiền không thể hoán đổi và đặt dưới những biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt.

Các công ty Trung Quốc, đa phần được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bao cấp hoặc được những tay mối lái quyền lực của ĐCSTQ sử dụng làm con heo đất của mình, không tuân theo cách làm kế toán thông thường. Do đó, giới phân tích không có cách nào đánh giá chính xác sức khỏe tài chính của các công ty Trung Quốc, đó là chưa kể có thêm một khoảng đệm là Ngân hàng Trung Quốc thuộc sở hữu chính phủ bơm tiền vào bất cứ công ty nào mà họ cho là quan trọng về mặt chiến lược. Và, như chúng tôi sẽ tường thuật trong phần về công nghệ, vì ĐCSTQ có thể lấy tài sản của một công ty trao cho một công ty khác trong chớp mắt, ý tưởng về sổ sách được kiểm chứng không gì khác hơn một cơn hoang tưởng.

Với hiện trạng như thế, việc phương Tây nháo nhào đầu tư vào thị trường Trung Quốc nói một cách lạc quan nhất là liều lĩnh và bi quan nhất là điên rồ. Vậy tại sao nó đang xảy ra? Rõ ràng, Phố Wall say sưa với lợi nhuận thu được từ phí giao dịch nên không còn quan tâm đến chuyện khác. Và các nhà quản trị quỹ hưu trí quá mê mệt với kiểu đầu tư tư duy nhóm – ý tưởng cho rằng nếu mọi người đều làm điều đó, thì chúng tôi cũng sẽ làm theo. Họ không đơn độc. Cái khôn – hay trong trường hợp này, cơn điên – của đám đông là một lực đẩy rất mạnh.

Để định hình “cái khôn” ấy, Trung Quốc mở một dạng thức chiến tranh truyền thông: những chiến dịch tuyên truyền và tạo ảnh hưởng. Trận đánh để ĐCSTQ chứng tỏ đầu tư nước ngoài là an toàn diễn ra trên nhiều mặt trận. Họ chiêu dụ giới đầu tư và báo chí, chào đón các phái đoàn thương mại, và tài trợ cho những hội nghị. Họ mua những tờ chèn quảng cáo mang dáng vẻ chính thức đặt vào những tờ báo uy tín, chẳng hạn như Washington Post.

China Global Television Network [Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc] từng gửi lời mời làm việc đến những nhà báo ở khắp nơi trên thế giới đã từng chỉ trích những việc làm của Trung Quốc, như phá rừng ở châu Phi, trong một nỗ lực nhằm kiểm soát cách họ đưa tin. Theo báo The Guardian, một phóng viên đã từ chối một lời mời lẽ ra đã làm tăng gấp đôi mức lương của anh.

Toàn bộ sự việc là một phần của chiến tranh không giới hạn. Một cuộc tấn công bằng sự quyến rũ và thông tin sai lạc đầy tính toán được thiết kế để xây dựng niềm tin và thúc đẩy đầu tư.

Và ta hãy chấm công cho ĐCSTQ và cơ quan tuyên truyền của họ: họ đang sáng chói trong công việc. Có thể nói họ đang hoàn thành một vụ lừa đảo lớn nhất thế giới. Vào tháng 11 năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn trước Thượng viện Tây Ban Nha, tiếp tục trò diễn kịch: “Trung Quốc sẽ nỗ lực mở, thêm nữa, những cánh cửa của mình ra thế giới bên ngoài, và chúng tôi sẽ nỗ lực đơn giản hóa việc tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực đầu tư và bảo vệ tài sản trí tuệ.”

Ông không đưa ra một thời biểu nào, không có chi tiết nào về tăng cường tiếp cận đầu tư – kể cả liệu điều đó có liên quan đến việc nới lỏng các luật lệ về thoái vốn hay không – và con số không về cách thức mà Trung Quốc sẽ thực thi các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ. Không gì ngoài: Hãy tin tôi.

Kế hoạch Ponzi của Trung Quốc thành công một phần nhờ sự đồng lõa và im lặng ở phương Tây của các công ty. Khi các công ty đầu tư nhiều vào Trung Quốc khám phá ra họ không thể rút được tiền ra khỏi nước này – và đang có đến hàng ngàn công ty như thế – họ có thể làm gì? Ngay từ khi họ bỏ tiền vào, họ đã thấy mình đứng giữa vách núi và vực sâu.

Số tiền đó bị mắc kẹt. Đây là một điệp khúc thường hằng mà các lãnh đạo công ty rỉ tai nhau ở nơi kín cổng cao tường. Theo những chuyên gia tài chính uy tín, các công ty như Chevron, Exxon, Sony và BMW có thu nhập hàng tỷ đô la ở Trung Quốc. Nhưng họ không thể hồi hương tiền của mình. Trung Quốc từ chối cho tiền ra khỏi nước, vì họ cần những đồng đô la đó. Nhiều nguồn tin từ cộng đồng đầu tư nói với tôi rằng, theo như họ biết, Trung Quốc đã không cho phép hồi hương số lượng đáng kể từ bất cứ quỹ đầu tư phương Tây nào kể từ năm 2015.

“Nếu họ muốn phát triển nền kinh tế, họ phải tăng dự trữ, vì họ phải giao dịch nhiều hơn với phần còn lại của thế giới dựa trên sự tăng trưởng đó,” Kyle Bass, nhà sáng lập Hayman Capital Management, nói với tôi vào tháng 1 năm 2019. “Vì thế, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục sự che đậy này chừng nào họ duy trì được con số dương trong tài khoản vãng lai, tức là tiền vào ròng nhiều hơn tiền ra. Trong 17 năm qua, Trung Quốc đã tạo ra số dư tài khoản vãng lai đáng kể. Bây giờ, lần đầu tiên kể từ năm 2001, họ sẽ ghi lại một tài khoản vãng lai âm cho năm 2018.”

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã công bố các con số của năm 2018 cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP chậm nhất trong 28 năm, ở mức 6,6%. Do sự thiếu minh bạch của cơ quan này trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Trung Quốc, nhiều nhà phân tích tài chính nghi ngờ rằng các con số này dựa trên những sổ sách đã bị luộc.

Như Bass ghi nhận trong một bài xã luận đăng vài tuần sau khi số liệu của NBS được công bố, “12 tháng qua đã chứng kiến những chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc như sản xuất công nghiệp, doanh thu xe hơi, doanh thu bán lẻ và đầu tư đều giảm xuống mức thấp trong nhiều năm trong khi đợt kích thích trước đó giảm dần tác dụng và gánh nặng nợ của Trung Quốc tiếp tục tạo ra một vòng xoáy kinh tế đi xuống.”

Dù nhanh hay chậm, số dư tài khoản âm hoặc giảm dần – kết quả của thương mại và đầu tư chậm lại – gợi ý sẽ có hai mâu thuẫn căn bản xảy ra trong ngắn hạn: Thứ nhất, Trung Quốc sẽ cố tạo thêm đầu tư nước ngoài để duy trì tăng trưởng. Thứ hai, Trung Quốc sẽ không nhả ra bất cứ khoản lợi nhuận nào trên các khoản đầu tư nước ngoài – bất chấp đó chính là mục đích của việc đầu tư – vì họ cần đến từng xu Mỹ mà họ có thể tích cóp được để trả cho sự tăng trưởng.

Nếu nó trông giống như một kế hoạch Ponzi và hoạt động như một kế hoạch Ponzi nhưng phủ nhận nó là một kế hoạch Ponzi, thì nó là gì?

Trung Quốc..

Và những người đầu tư vào nó?

Họ hoặc là đồng lõa hoặc là nạn nhân. Dĩ nhiên, những kẻ lừa đảo – những kẻ đồng lõa – dùng thuật ngữ khác cho các nạn nhân. Họ gọi các nạn nhân là các đích nhắm.

Hay những tên ngốc.

***

THÊM MỘT SỰ KHÁC BIỆT CHÓNG MẶT giữa thị trường tài chính Trung Quốc và các thị trường phương Tây – một lần nữa nhấn mạnh sự thiếu vắng thương mại tự do tồn tại ở Bắc Kinh và bản chất Ponzi đầy thủ đoạn của con quái vật – liên quan đến thói quen áp dụng luật lệ chọn lọc của Trung Quốc. Ở Hoa Kỳ, nếu IBM phát hành trái phiếu trên thị trường vốn, số tiền đó thuộc về IBM, và các nhà đầu tư nên tin tưởng khá chắc chắn rằng số tiền huy động sẽ được dùng để cải tiến công ty. Dù sao, đã có một ban giám đốc và một tổng giám đốc với những trách nhiệm ủy thác để bảo đảm công ty đạt được những mục tiêu của mình. Ở Trung Quốc, khoản vốn mới sẽ hướng đến nơi nào mà ĐCSTQ muốn nó đến – lần nữa, một điều mà chúng tôi sẽ xem xét chi tiết hơn khi đi sâu vào những ám ảnh về công nghệ của Trung Quốc.

Nuôi béo kế hoạch Ponzi của Trung Quốc bằng đầu tư của Mỹ cũng tạo ra thứ rủi ro ba cạnh. Ngành công nghiệp tài chính không chỉ tài trợ cho sự tăng trưởng của đối thủ toàn trị số một của Hoa Kỳ và có nguy cơ đánh mất những khoản tiền đó bằng cách biến chúng thành vốn không thể hoán đổi; mà nó còn đang làm cạn kiệt nguồn đô la đầu tư giá trị ở Hoa Kỳ và các thị trường khác. Nếu quỹ hưu trí của bạn có ngân khoản đô la bị mắc kẹt ở Trung Quốc mà không thể chạm đến, thì các quỹ đó không thể được tái đầu tư để tái thiết cơ sở hạ tầng đổ nát của nước Mỹ, tài trợ cho các công ty khởi nghiệp tiên phong, hoặc hỗ trợ những ngành sản xuất vừa được tái khởi động.. Lợi nhuận của Phố Wall có thể tăng trưởng – tạm thời – nhưng nước Mỹ gặp trì trệ.

Là nhà sáng lập một quỹ đối trọng tập trung vào đầu tư toàn cầu dựa trên các sự kiện, Kyle Bass dành nhiều thời gian để nghiên cứu bảng cân đối kế toán của Trung Quốc. Ông xác nhận sự đánh giá của Bannon về sự bất ổn của Trung Quốc.

Trong buổi nói chuyện của chúng tôi hồi đầu tháng 1 năm 2019, Bass giải mã các con số của Trung Quốc và mô tả một hệ thống kinh tế khép kín tận dụng đòn bẩy vốn quá mức một cách nguy hiểm theo những cách thức khiến cho Hoa Kỳ trông như là một pháo đài của chính sách tài khóa chặt chẽ, có trách nhiệm.

Kỳ lạ thay, theo Bass, chiến lược tín dụng của Trung Quốc đi ngược lại hoàn toàn với cách lập chiến lược dài hạn điển hình của ĐCSTQ. Nhưng có lẽ điều này có ý nghĩa khi ta xét rằng nước này cần tiền mặt nhanh chóng để triển khai ráo riết các yếu tố của cuộc chơi dài hạn của họ.

“Cách mà họ đạt được sự ổn định tương đối trên sân nhà là, họ đã mở rộng bảng cân đối của ngân hàng trung ương và in thêm nhiều nhân dân tệ hơn bất cứ quốc gia nào từng in tiền trong lịch sử loài người,” Bass nói..

Khi Bass so sánh thực trạng tài khóa đã làm sụp đổ thị trường Hoa Kỳ năm 2008 với tình trạng hiện thời của nền tài chính Trung Quốc, ông rùng mình.

“Ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính,” ông nói, “Hoa Kỳ có GDP khoảng 17 nghìn tỷ đô la và khoảng 1,3 lần GDP trong tài sản ngân hàng. Và chúng ta có khoảng một nghìn tỷ vốn cổ phần ngân hàng. Khi bạn nhìn vào Trung Quốc ngày nay, họ có một hệ thống ngân hàng với số nhân dân tệ trị giá 50 nghìn tỷ đô la, 2 nghìn tỷ đô la vốn cổ phần ngân hàng, và nền kinh tế (GDP) là 13 nghìn tỷ đô la.”

Bass đưa ra các con số của mình dựa trên dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương quốc gia và các cơ quan khác, và ông cũng bao gồm những tài sản như sản phẩm quản trị tài sản, quyền của người thừa kế và những khoản vay tín thác. Ông ước tính tổng tín dụng của Trung Quốc là 48 nghìn tỷ đô la, gần gấp bốn lần tổng sản lượng quốc nội. Để so sánh, Hoa Kỳ nắm giữ khoảng 24 nghìn tỷ đô la tín dụng vào năm 2019, nhưng nền kinh tế nước này lớn hơn Trung Quốc 37%.

Nói cách khác, Trung Quốc có số tiền lưu thông nhiều gấp ba lần Hoa Kỳ, trong khi tạo ra GDP ít hơn 4 nghìn tỷ đô la. Ngay cả khi có gấp đôi số vốn cổ phần ngân hàng của Hoa Kỳ – nhờ kết quả thu nhập dương từ năm 2001 đến 2015 – các con số đó vẫn đáng sợ. Lý thuyết kinh tế và các quy luật cung cầu cho rằng việc in những khối lượng tiền khổng lồ sẽ tự động dẫn đến lạm phát đáng kể. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn tránh hạ giá nội tệ bằng cách từ chối tham gia thị trường ngoại hối.

Họ cũng kiểm soát truyền thông, bảo đảm không có tin tức gì về tình trạng thiếu hụt hoặc lạm phát hoặc bong bóng nhà ở. Và họ kiểm soát điểm tín nhiệm xã hội – một hệ thống mới được thiết đặt để theo dõi hành vi của công dân bằng cách sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và giám sát dữ liệu để theo dõi xem từng cá nhân có tuân theo những luật lệ do ĐCSTQ đề ra hay không. Hệ thống mới này tồn tại như một cách kiểm soát và tưởng thưởng dân chúng. Và như thế, hệ thống kinh tế khép kín của đất nước và sự đàn áp toàn trị cùng nhau hoạt động để ngăn chặn lạm phát và củng cố sự ổn định một cách giả tạo.

Địa ốc ảo.

Một ví dụ ý nghĩa về sự thao túng thị trường của Trung Quốc là cách họ đối phó với một thị trường bất động sản mà nhiều chuyên gia tin là phải đang sụp đổ. Toàn bộ những thành phố ma đã được dựng lên, chứa đầy những tòa chúng cư cao tầng không có lấy một bóng người. Theo nhiều ước tính, sự thặng dư xây dựng này đã tạo ra hơn 64 triệu căn hộ trống. Thông thường, khi có một sự thặng dư bất động sản, giá cả liền sụt giảm. Thế thì Trung Quốc làm cách nào đảo lộn được quy luật cung cầu? “Chỉ cần ngăn chặn việc bán nhà,” Bass giải thích. Ông lưu ý rằng một căn hộ được mua với giá 100.000 nhân dân tệ vẫn nằm trên bảng cân đối kế toán ở mức giá đó – ngay cả khi những lời chào mua duy nhất chỉ đưa ra cái giá bằng một nửa.

Thị trường thế chấp cũng dễ nhào nặn trong tay ĐCSTQ. “Một trong những lý do lớn khiến bạn không nhìn thấy sự sụp đổ nhà ở ngay bây giờ là vì họ không thực sự có thuế bất động sản,” Bass nói. Tại Hoa Kỳ, một nhà đầu tư gánh mười căn hộ bỏ trống sẽ phải trả thuế bất động sản cũng như phải trả mọi khoản tiền vay mua nhà. Nhưng ở Trung Quốc, các ngân hàng cho phép người trễ trả tiền vay chỉ cần cộng dồn vào tổng số tiền vay và xem như đó là tổng số mới. Trong những trường hợp này, nó trở thành một “khoản vay tiếp,” Bass giải thích. “Vì vậy giả sử nếu bạn nợ 4.000 đô la trên khoản vay 100.000 đô la mà bạn không có tiền trả, ngân hàng sẽ chỉ biến khoản vay của bạn thành 104.000 đô la, và nói, ‘Trả cho chúng tôi khi nào quý vị có thể.’”

Bass nói cách làm này đã truyền cảm hứng cho một câu nói trong khắp công ty của ông: “Một khoản vay tiếp chẳng tạo ra mất mát nào.”

Kẻ cướp, hàng nhái và bệnh mù.

Câu chuyện về triệu phú tự thân A. J. Khubani là giấc mơ Mỹ bơm thuốc kích thích. Nhưng chương mới nhất trong câu chuyện của ông là cơn ác mộng điển hình mà nhiều nhà sản xuất Mỹ đã gặp phải trong suốt 30 năm qua. Thái độ coi thường luật pháp quốc tế trắng trợn của Trung Quốc hiện đang đe dọa doanh nghiệp mà ông đã xây dựng từ hai bàn tay trắng.

Cha mẹ Khubani di cư đến Hoa Kỳ từ Ấn Độ vào năm 1959. Đồng hóa là chính sách gia đình. “Gia đình tôi hết sức yêu chuộng văn hóa Mỹ, chúng tôi không được phép nói tiếng nước ngoài trong nhà,” ông nói.

A.J. là một đứa trẻ cần cù. Lớn lên ở Lincoln Park, bang New Jersey, cậu tìm cách kiếm tiền bằng cách xúc tuyết, cắt cỏ và giao báo. Cậu làm việc trong suốt thời gian theo học tại trường đại học tiểu bang, như làm pizza và trông quầy rượu. Đến khi tốt nghiệp, cậu có 20.000 đô la tiền tiết kiệm. Cậu dành số tiền tiết kiệm của mình để nhập cảng hàng loạt đầu máy phát thanh AM/FM, lấy ra một tờ quảng cáo trên một tờ báo lá cải, và số phận của cậu thay đổi hoàn toàn kể từ đó.

Để tóm tắt câu chuyện, Khubani đã dồn 20.000 đô la của mình vào một công ty – TeleBrands – chuyên thiết kế, phát triển, và cấp phép khai thác thương mại cho các sản phẩm tiêu dùng độc đáo thường được bán dưới thương hiệu “As Seen on TV” [tạm dịch: “Như được thấy trên TV”]. Công ty này đã tạo ra doanh thu hơn 1 tỷ đô la hàng năm trong một số năm.

Khubani có một giác quan thứ sáu đối với những sản phẩm giải quyết vấn đề – cầu thang mini giúp thú cưng già và thừa cân đi lại trong nhà, kính lúp Big Vision, ăng ten truyền hình kỹ thuật số cho người không muốn thuê truyền hình cáp – và những vật gia dụng lý thú như Star Show, chiếu những ngôi sao bằng tia laser lên ngôi nhà của bạn trong những ngày lễ. Nhưng ông cũng biết cách tạo ra thị trường.

“Những sản phẩm của chúng tôi trở thành phổ biến rất nhanh chóng,” Khubani nói, “nhờ hàng triệu đô la chúng tôi bỏ ra để quảng cáo. Chúng tôi tiếp thị chúng trong nhiều năm, chủ yếu qua truyền hình. Sau đó chúng tôi bắt đầu bán cho các chuỗi bán lẻ như Walmart, Target, Walgreens. Tất cả các nhà bán lẻ lớn trên toàn quốc.”

Trong thập niên 1990, Khubani nhận ra công ty của mình đã trở thành một mục tiêu của bọn làm hàng giả Trung Quốc: “Đi vào một chợ trời, bạn sẽ tìm thấy hàng giả của các sản phẩm của chúng tôi. Mọi thứ đều y hệt, bao bì y hệt, thương hiệu y hệt.”

Công ty của ông đã bỏ ra khá nhiều nỗ lực trong việc săn lùng và đóng cửa các nhà kho chứa đầy hàng giả. “Giống như một trò chơi đập chuột không bao giờ kết thúc, hễ bạn đập được một con thì có mười con khác bật lên.”

Tuy nhiên, với sự phát triển của internet, vấn nạn hàng giả đã tăng lên theo cấp số nhân. “Năm 2015, chúng tôi bắt đầu nhận thấy hàng giả sản phẩm của chúng tôi xuất hiện trên Amazon dưới nhãn hiệu của chúng tôi, sản phẩm được cấp bằng sáng chế của chúng tôi, sử dụng ảnh của chúng tôi, sử dụng video của chúng tôi, sử dụng lời giới thiệu của chúng tôi, sử dụng mọi thứ.”

Có hàng trăm danh mục cho những món hàng giả thương hiệu “As Seen on TV,” và thường chúng được bán với giá chỉ bằng nửa giá của TeleBrands hoặc thấp hơn. Khubani đã nhấp chuột vào các mục có giá thấp và khám phá ra phần lớn các danh mục này là của những người bán ở Trung Quốc.. Không còn gì để ngạc nhiên khi ông nhìn thấy doanh số của mình sụt giảm.

Amazon có hai cách bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Một là thỏa thuận bán lẻ truyền thống mà Amazon gọi là Vendor Central [tạm dịch nghĩa: “Nhà cung cấp giữ vai trò trung tâm”]. Công ty mua sản phẩm trực tiếp từ một nhà cung cấp, cũng giống như mua từ bất cứ cửa hàng nào trên phố.. Kênh bán hàng thứ hai được gọi là Amazon Marketplace [tạm dịch nghĩa: “Khu rao hàng Amazon”] hoặc, mới đây hơn, là Seller Central [tạm dịch nghĩa: “Người bán giữ vai trò trung tâm”]. Chủ yếu đây là một chợ trời kỹ thuật số rộng lớn, nơi bất cứ ai có một trương mục thư điện tử và một trương mục ngân hàng đều có thể liệt kê và bán hàng hóa của họ. Amazon hoạt động như một trung gian tương tự như eBay, lấy 15% huê hồng cho mỗi thương vụ.

Theo như các thiết kế trang của Amazon cho thấy, rõ ràng họ không thực sự quan tâm liệu họ đang bán một sản phẩm mới qua phương pháp bán hàng truyền thống Nhà Cung cấp hay phương pháp Người Bán – bởi vì họ có thể trưng bày sản phẩm của Nhà Cung cấp, nhưng đồng thời cũng giới thiệu các đường dẫn đến những Người Bán trên cùng một trang, bao gồm việc liệt kê các món hàng ở mức giá thấp nhất.

Nhưng Amazon không theo dõi từng món trong hàng triệu danh mục trên trang nhà của họ để xem chúng có phải là hàng giả hay không. Họ đùn đẩy trách nhiệm này cho những người bán. Đây là chính sách của công ty mà tất cả người bán phải chấp nhận:

Đại diện và Bảo hành. Bạn đại diện và bảo đảm rằng: (a) Dịch vụ của bạn và tất cả các khía cạnh của việc chào bán, bán, và công dụng của chúng sẽ tuân thủ tất cả các luật lệ hiện hành, bao gồm mọi yêu cầu thích hợp về cấp phép, ghi danh, hoặc đệ nạp hồ sơ….

Khi TeleBrands khiếu nại với Amazon là có hàng ngàn danh mục người bán bất hợp pháp, Khubani cho biết công ty của ông được thông báo, “Chúng tôi không có cách nào để xác minh rằng đây là những mặt hàng bất hợp pháp. Ông cần phải làm sạch nơi rao bán của mình. Chúng tôi không có trách nhiệm kiểm tra xem những người bán có liệt kê hàng giả hay không. Ông cần phải tự truy lùng những kẻ giả mạo này.”

Bực mình, đội ngũ của Khubani đã hỏi tên và thông tin liên lạc của những người bán đang liệt kê hàng giả, để họ có thể truy lùng bọn này. Họ được thông báo, “Điều đó trái với chính sách của chúng tôi. Chúng tôi không thể chỉ rõ họ là ai.”

Đã đành cuộc trao đổi ấy tạo ra bực bội, có hai thực tế khác khiến Khubani cảm thấy còn tức giận và bất lực hơn nữa. Đầu tiên là ngay cả khi ông có thể xác định được những người bán, ông không có ngả đường pháp lý nào ở Trung Quốc – chính phủ ở đó đã tuyên bố rõ ràng từ ba thập niên qua rằng họ sẽ không ngăn chặn hàng giả được sản xuất hoặc xuất cảng. Nhưng thực tế thứ hai liên quan đến Amazon và chính phủ Hoa Kỳ.

Amazon là một công ty vận chuyển tuyệt vời. Họ phải như vậy: hiệu năng tạo thêm lợi nhuận cho họ. Nếu họ không thể vận chuyển sản phẩm nhanh chóng với chi phí thấp nhất có thể, lợi nhuận của họ sẽ giảm. Vì vậy, họ tìm cách tối ưu hóa việc chuyển hàng cho chính họ và các người bán nhằm cung cấp một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Một cách để thực hiện điều này là với một dịch vụ mang tên Fulfillment by Amazon [tạm dịch nghĩa: “Hoàn tất thương vụ bởi Amazon”]. Người bán gửi hàng đến các trung tâm hoàn tất thương vụ của Amazon và trả tiền cho việc lưu trữ và hoàn tất thương vụ của từng mặt hàng. Amazon đã mở một số trung tâm hoàn tất thương vụ ở Trung Quốc. Trong trường hợp của Khubani, sự hiện hữu của những trung tâm này có nghĩa là Amazon về cơ bản đang tiếp tay cho hàng lậu và hàng giả – dựa trên những sản phẩm mà ông đã đầu tư hàng trăm triệu đô la để phát triển, xin cấp bằng sáng chế, và tiếp thị – đi đến tay người tiêu dùng và phá hủy doanh nghiệp của ông.

“Mọi người đều nghĩ Amazon là công ty tuyệt vời này của Mỹ,” Khubani nói, đồng thời lưu ý rằng Amazon quả thật đã bắt đầu loại bỏ những người bán giả mạo sau khi Thượng nghị sĩ Cory Booker từ bang New Jersey thay mặt ông gọi điện thoại vào Amazon. “Nhưng một phần lý do giúp họ kiếm được tiền là vì họ đang trợ giúp và khuyến khích việc bán các sản phẩm giả. Và không ai biết điều này.”

Nhưng Amazon không phải là tác nhân duy nhất giúp bọn kẻ cướp chuyên săn mồi này làm ăn phát đạt. Một đối tác thiện chí nhưng có lẽ vô tình đã biến việc vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp từ Trung Quốc trở nên vô cùng hiệu quả về chi phí: Cơ quan Bưu chính Hoa Kỳ. Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU), thành lập năm 1874, ấn định mức phí chuyển phát thư cho các bưu cục quốc gia tại 192 nước. Theo một điều khoản năm 1969 nhằm giúp các nền kinh tế đang gặp khó khăn, Cơ quan Bưu chính Hoa Kỳ đã đồng ý với một mức giảm giá khổng lồ cho những bưu kiện gửi ra từ Trung Quốc có trọng lượng dưới 4,4 cân Anh. Mức giảm giá này lớn đến đâu? Đủ lớn để cơ quan bưu chính nói họ đang lỗ 170 triệu đô la mỗi năm cho thỏa thuận này.

Một ví dụ: sẽ tốn nhiều tiền hơn để gửi một bưu kiện nặng ba cân Anh đi một chặng đường dài 2,3 dặm từ số 1600 Đại lộ Pennsylvania [địa chỉ Tòa Bạch Ốc] ở Washington, DC, đến Điện Capitol [tức tòa nhà Quốc Hội] so với gửi cùng một bưu kiện đi 6.925 dặm từ Bắc Kinh tới Tòa Bạch Ốc.

Khubani kinh hãi. Chính phủ Hoa Kỳ đang bao cấp cho những chuyến hàng lậu vốn làm xói mòn lợi nhuận của công ty ông và đe dọa sự ổn định của nó. Và ông bó tay trước sự thể này.

“Mỗi một nhà sản xuất hàng tiêu dùng khác mà tôi tiếp xúc đều đang đối diện với vấn nạn khổng lồ này,” ông nói.

Và đây không chỉ là một vấn đề của Amazon. Yair Reiner là nhà sáng chế có trụ sở tại Brooklyn của rào ngăn dầu văng Frywall – một vật hình trụ bằng silicone màu sắc rực rỡ được thiết kế để đặt bên trong một cái chảo nhằm ngăn chặn dầu mỡ sôi sùng sục khỏi văng ra khắp nơi. Doanh thu của sản phẩm này bùng nổ sau khi Reiner xuất hiện trên chương trình truyền hình Today và làm kinh ngạc các ngôi sao của Shark Tank, nơi chiếc Frywall mẫu của ông đã dấy lên một cuộc chiến đấu thầu giữa các doanh nhân của chương trình. Tuy nhiên, thành công này kéo theo lũ hàng giả đến từ Trung Quốc.

Buôn lậu trên Amazon chỉ là vấn đề nhẹ nhất đối với Reiner. Trên thực tế, ông đã xác định Amazon là kênh mang về lợi nhuận cao nhất cho công ty ông, vượt xa mọi phương tiện phân phối khác. Nhưng hàng nhái Frywall sản xuất tại Trung Quốc – được đặt tên là Frywalls [chỉ thêm chữ “s”] – đã xuất hiện đầy rẫy trên internet, chẳng hạn như trong kết quả tìm kiếm của Google, trên eBay, trên các trang mạng cá nhân được tạo ra chỉ để bán những món hàng giả này.

Reiner, vốn là cựu giám đốc quản trị về nghiên cứu cổ phần tại ngân hàng đầu tư Oppenheimer & Co., nhận định, “Có đủ mọi loại cơ sở hạ tầng, một số ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác và một số có trụ sở ở Trung Quốc, tạo điều kiện cho việc sản xuất, tiếp thị, và phân phối hàng nhái.”

Nhưng cơn ác mộng của Reiner bắt đầu ở Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất rao bán Frywalls giả trên Alibaba, trang thương mại điện tử khổng lồ cho phép đặt hàng số lượng lớn – hãy nghĩ về nó như eBay dành cho các tiệm buôn – và trên AliExpress, hoạt động như Marketplace của Amazon và nhận đơn đặt hàng đơn lẻ từ nhiều người bán khác nhau. Những món hàng này thường được rao bán với giá thấp hơn 25% so với giá mà Reiner đưa ra cho một chiếc Frywall thật.

AliExpress là một điểm đến mua sắm trực tuyến hết sức ăn khách ở Trung Quốc và nhiều thị trường khác. Nhưng nó vẫn còn tương đối vô danh ở Hoa Kỳ. Vì vậy, việc bán các sản phẩm bất hợp pháp này cho người tiêu dùng trong nước Mỹ vẫn diễn ra chủ yếu qua Amazon, eBay và các trang mạng cá nhân.

“Nói một cách cốt yếu, các đại lý này đang quảng cáo một sản phẩm mà họ chưa bao giờ sở hữu và thực sự tồn kho,” Reiner cho biết. “Khi họ nhận được một đơn đặt hàng từ Amazon, eBay hoặc một cửa hàng trên mạng do họ tạo ra vốn cũng cung cấp hàng trăm sản phẩm ‘hơi nước’ khác, họ chuyển nó đến các nhà cung cấp ở AliExpress và yêu cầu gửi hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến người tiêu dùng ở Hoa Kỳ. Và họ có thể thực hiện việc này một cách liền mạch, bởi vì có những công cụ cho phép họ căn bản là mang danh mục eBay hoặc Amazon của họ hoặc một trang mạng do họ tạo ra bằng Shopify kết nối trực tiếp với một nhà cung cấp ở AliExpress.”

Trong khi Reiner tin rằng nhiều danh mục được tạo ra bởi nhà sản xuất Trung Quốc, thực tế là bất cứ ai ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có thể tạo ra một danh mục và thực hiện được một thương vụ mà không bao giờ sở hữu món hàng lậu sản xuất ở Trung Quốc cũng như không cần phải bỏ ra một cắc để chứa hàng tồn kho.

Và nếu hàng được gửi từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ, thỏa thuận UPU 1969 bảo đảm chi phí giao hàng sẽ rẻ hơn bất cứ thứ gì Reiner có thể cung cấp từ văn phòng của mình ở Brooklyn. Ông tin rằng việc chấm dứt bao cấp chuyển hàng sẽ chấm dứt tổn thất doanh thu trên mạng của ông = sẽ không ai trả 15 đô la hoặc 20 đô la để gửi một món hàng từ Trung Quốc khi nó được chuyển với giá 3,99 đô la bên trong Hoa Kỳ.

Về nạn nhập lậu số lượng lớn mặt hàng nhái Frywalls, Reiner không xem đó là vấn đề. Mô hình kinh doanh của người bán hàng qua mạng, ông nói, “là làm mọi việc mà không thực sự chịu bất cứ rủi ro nào về tồn kho. Vận chuyển hàng giả với số lượng lớn sẽ làm tăng rủi ro. Đầu tiên, bạn phải mang nó đến đây, và sau đó hy vọng bạn bán được nó mà không bị phát giác và hàng giả của bạn không bị thu giữ.”

Reiner ước tính rằng ông và người đứng đầu bộ phận tiếp thị của ông dành khoảng 5% thời lượng trong tuần để lùng sục các danh mục hàng giả và liên lạc với Amazon, eBay và Shopify để loại bỏ chúng, cộng với hàng ngàn đô la tiền tham khảo luật sư. “Còn có thêm một loại chi phí tinh thần cho việc này nữa,” ông cho biết. “Chúng tôi là một cơ sở rất nhỏ, và chúng tôi cảm thấy mình đang phải đánh liên tục trận đánh ngược dốc này. Chúng tôi đang cố gắng chiến đấu vì chính nghĩa. Chúng tôi đổi mới và tạo ra một sản phẩm tuyệt vời và làm hài lòng khách hàng và chịu trách nhiệm cho mọi thứ chúng tôi làm. Nhưng với tất cả mọi việc chúng tôi làm để xây dựng công ty và sản phẩm, chúng tôi đang bao cấp cho những tên điếm săn mồi này.. Vì vậy, khó có thể bình chân như vại được. Đó là lý do tại sao kết thúc chính sách bao cấp sẽ là một bước tiến lớn theo đúng hướng.”

Hụt bước cầu tàu

Khoảng hai trăm triệu container vận tải đã đi qua các cảng của Trung Quốc vào năm 2017, theo tạp chí Journal of Commerce. Loại container được sử dụng nhiều nhất là 20’, hay đơn vị tương tương hai mươi foot TEU, với dung tích bên trong khoảng 1.170 foot khối và trọng lượng tối đa 67.196 cân Anh. Các tàu chở hàng khổng lồ như New-Panamax và loại tàu thực sự khổng lồ Ultra Large Container Ship – những chiếc tàu lớn đến nỗi chúng không thể cập vào hầu hết các cảng của Hoa Kỳ – chở được lần lượt 14.000 và 20.000 TEU. Việc tổ chức để vận chuyển mọi loại sản phẩm có thể tưởng tượng ra trên trái đất – từ đồ chơi, muối và chuối đến lò phản ứng hạt nhân, dầu và bẫy chuột – đã được tiêu chuẩn hóa bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO). ISO đã làm việc với hơn 160 quốc gia để mã hóa các kích thước chấp nhận được của các container nhằm làm cho việc bốc dỡ hàng hóa càng đồng nhất và hiệu quả càng tốt.

ISO 9001 là tiêu chuẩn quốc tế cho một hệ thống quản trị phẩm chất để tuân thủ các quy luật về vận chuyển. Được chứng nhận ISO 9001 có nghĩa là một công ty đã tuân theo các hướng dẫn của tiêu chuẩn này, đáp ứng các yêu cầu riêng của họ, đáp ứng các yêu cầu theo luật định và quy định, và duy trì hồ sơ. Các công ty được cấp chứng nhận theo nhiều phương diện kinh doanh khác nhau – kỹ thuật, sản xuất, v.v. – sau khi hoàn thành một cuộc kiểm toán chính thức. Có chứng nhận này được cho là mang lại tính hợp pháp cho công ty: các sản phẩm của họ an toàn, ổn định, và sẽ không bị vỡ khi mở.

Khoảng 12 triệu TEU được vận chuyển từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ mỗi năm, tính trung bình gần 33.000 container mỗi ngày. Hoa Kỳ chỉ được phép cử bốn thanh tra vận tải sang làm việc ở Trung Quốc. Nghĩa là mỗi thanh tra viên sẽ phải kiểm tra khoảng 8.250 container sắp lên đường tới Hoa Kỳ mỗi ngày. Nhưng tất nhiên điều đó bất khả thi, vì có ít nhất 20 cảng ở Trung Quốc được sử dụng cho vận tải quốc tế và không ai trong số bốn thanh tra viên này có thể xuất hiện ở năm nơi cùng một lúc.

Ngay cả khi Trung Quốc cho phép Hoa Kỳ có 20 hoặc 2.000 thanh tra vận tải, các container này vẫn không được xem xét một cách có ý nghĩa, bởi vì các thanh tra viên không được phép thực sự kiểm tra các container. Tất cả những gì họ có thể làm là nhìn vào các tờ khai – nghĩa là, họ nhìn vào danh sách những món hàng các công ty khai là có chứa trong container. Một container có thể chứa 200 đôi vớ nằm trên 5.000 cân Anh fentanyl [một chất ma túy tổng hợp], nhưng nếu tờ khai nói có “20.000 đôi vớ thể thao màu trắng” được một công ty có chứng nhận ISO 9001 vận chuyển, thì không cần phải kiểm tra. Container được bốc xếp lên tàu và chở đi.

ISO 9001 nên được coi là sự chứng nhận tự động gần như vô nghĩa ở Trung Quốc, không phải là sự xác nhận về phẩm chất tạo thêm sự tin cậy. Phụ trách 50% số cuộc kiểm toán và xác nhận kết quả là việc của một công ty thuộc sở hữu của ĐCSTQ, và ĐCSTQ hoàn toàn không muốn làm chậm các hoạt động sản xuất, bán hàng, hoặc xuất cảng có thể mang đô la về. Ngoài ra, các kiểm toán viên bị mua chuộc dễ dàng.

Còn đối với các thanh tra viên Trung Quốc làm việc tại các bến cảng, thái độ cảnh giác và việc khám phá ra những chuyến hàng chứa những sản phẩm lậu hoặc không kê khai sẽ bị họ nhăn mặt. Mở một container và lục soát cần thời gian. Và thời gian là tiền bạc. Các thanh tra viên có thể bị phạt vì trì hoãn việc bốc xếp và giờ khởi hành của một chuyến tàu.

Thế cho nên đây là cách nào và tại sao thị trường Mỹ lâu nay tràn ngập hàng giả. Không có sự kiểm tra lẫn nhau ở Trung Quốc để bảo đảm kiểm soát phẩm chất. Không có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, không có cơ quan bảo vệ môi trường, văn phòng cấp bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu, không có FDA [Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm] hoặc IRS, không ai quan tâm đến việc bảo đảm rằng các sản phẩm không gây hại và rằng có sự bảo vệ bản quyền, khả năng bị truy cứu trách nhiệm, và sự quản trị tốt. Nếu lốp xe phát nổ, nếu túi khí không mở, nếu một cảm biến phanh hết hoạt động sau 100 dặm, nếu không thu được một khoản phí cấp phép, nếu sản phẩm chứa chất độc, thì có sao đâu? Các sản phẩm đã biến mất. Thương vụ đã hoàn tất. Kế tiếp!

Gián điệp thương mại 2.0

Những vụ gián điệp thương mại và trộm cắp tài sản trí tuệ hiếm khi được nói tới.

Nếu một cửa hàng trang sức hoặc một viện bảo tàng bị cướp, cảnh sát được gọi. Báo chí đưa tin về vụ cướp và nói về giá trị của những gì bị đánh cắp. Nó trở thành một sự kiện có thể định lượng – “vụ trộm trị giá 2 triệu đô la” hoặc “bức tranh trị giá 10 triệu đô la.” Ai nấy nói về tội ác tại nơi làm việc, trên Twitter, trên các chương trình truyền hình giờ khuya. Khi nghi phạm được xác định, một cuộc săn lùng diễn ra.

Nhưng với nạn gián điệp thương mại và trộm cắp tài sản trí tuệ của các công ty, thường chỉ có sự im lặng. Nếu thực hiện giỏi, một vụ trộm thương mại là vô hình. Nó bao gồm sao chép các tài liệu, bản kế hoạch kỹ thuật, công thức hóa học, mã máy tính, dữ liệu thô. Nó khác với đánh cắp một bức Picasso trên tường viện bảo tàng. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng ra việc đánh cắp bức tranh và thay thế nó bằng một bức tranh giả xuất chúng, giả mạo giỏi đến nỗi phải sau cả năm mới có một chuyên gia phát giác bản gốc đã biến mất. Loại phản ứng “chúng ta đã bị trộm” chậm trễ này xảy ra quá thường trong thế giới doanh nghiệp, nhưng nó cũng là phản ứng bị hãm thanh. Báo cáo vụ trộm có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, làm tổn thương tinh thần nhân viên công ty, và tiết lộ tin tức cho các đối thủ cạnh tranh.

Một số công ty kiểm toán và kế toán nổi tiếng – Ernst & Young, Deloitte, PricewaterhouseCoopers, KPMG – thực hiện các cuộc điều tra tư nhân về nghi án gián điệp thương mại. Mức độ các cuộc tấn công do ĐCSTQ tài trợ mà các công ty này tìm thấy dao động từ mức căn bản nhất – hối lộ nhân viên để sao chép tài liệu, đặt sinh viên vào các viện nghiên cứu và áp lực để họ đánh cắp – đến những cuộc đột nhập tinh vi có sự tham gia của nhiều tin tặc và cả những chiến dịch gián điệp toàn diện.

Năm 2014, chủ tịch một quỹ đối trọng lớn gửi cho tôi một báo cáo được thuê thực hiện riêng về hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc trong các tập đoàn Mỹ. Bản báo cáo gây choáng về phạm vi và chi tiết. Và thông tin chứa trong đó đã làm lung lay thế giới quan của tôi đến tận nền tảng.

Những trang minh họa gây lo ngại nhiều nhất mô tả một cuộc tấn công để giành quyền kiểm soát công nghệ độc quyền mà một công ty đang lên đã phát triển. Phương pháp tấn công khiến tôi nhớ đến sự tinh vi của một chiến dịch không kích. Nó được đạo diễn một cách hoàn hảo để đánh lạc hướng một cách tinh tế và khai thông mục tiêu cho cuộc tấn công chớp nhoáng. Chiến dịch này nêu bật nguồn lực khổng lồ mà ĐCSTQ sẵn sàng dành ra để phá hoại các đối thủ kinh doanh hầu giành quyền kiểm soát thứ công nghệ họ muốn theo đuổi. Sau đây là những gì đã xảy ra.

Một công ty hóa chất Mỹ, sở hữu bởi một công ty cổ phần tư nhân, đã được cấp bằng sáng chế cho một công nghệ xanh đột phá và đang phát triển với tốc độ ổn định. Chủ nhân của nó bắt đầu phát triển một kế hoạch 5 năm để bán cổ phần ra công chúng.

Nhưng đột nhiên, công ty bắt đầu không bắt kịp các mục tiêu thu nhập của mình. Vấn đề dường như nằm trong khâu bán hàng – số đơn đặt hàng sụt giảm – và trong khâu hậu cần, bộ phận phụ trách dòng chảy của các sản phẩm. Người phụ trách khâu bán hàng bị sa thải, nhưng hiện tượng mất máu tiếp diễn. Các chủ nhân họp với đội ngũ lãnh đạo và cảnh cáo họ phải khắc phục các vấn đề, bởi vì những bước hụt liên tiếp sẽ đe dọa kế hoạch IPO. Không lâu sau đó, công ty nhận được một lời chào mua không chờ đợi từ một công ty Trung Quốc. Lời chào mua khiến các chủ nhân bị sốc – giá chào mua thấp hơn 30% so với giá trị mà công ty đáng có, nếu không đuổi hụt các mục tiêu thu nhập. Ban quản trị thì choáng váng: Làm cách nào mà phía chào mua đưa ra được một sự định giá chính xác như vậy mà không nắm dữ liệu của công ty? Có vẻ như họ đã biết rõ những tổn thất mới đây.

Các chủ nhân bèn thuê người điều tra. Họ khám phá ra không chỉ công ty hóa chất đã bị tin tặc tấn công, mà cả công ty cổ phần tư nhân sở hữu nó cũng bị. Bọn tin tặc nắm được các mục tiêu thu nhập của công ty và những lằn ranh đỏ được xem là không thể chấp nhận được đối với các chủ nhân.

Vụ phá hoại đạt mức độ sáng chói, xét trên bình diện chuyên môn của nghề gián điệp. Các máy chủ điện thư đã bị tấn công có chọn lọc, để mỗi khi công ty gửi thư chào mua ra ngoài, bọn tin tặc sẽ xóa thư trước khi thư được gửi đi. Tương tự, khi đơn đặt hàng gửi vào, một số đã không bao giờ vào tới hộp thư của đội ngũ bán hàng – vì bọn tin tặc đã chặn thư. Sự phá hoại có chọn lọc này vừa đủ để phương hại doanh thu nhưng chưa đủ để dẫn đến một cuộc điều tra.

Trong khi đó, bọn tin tặc cũng phá hoại khâu hậu cần ở sân sau. Khi một đơn đặt hàng gửi vào mua, giả dụ như: 1.000 đơn vị, bọn tin tặc sẽ thay đổi số lượng thành 900. Khi sự thiếu hụt được khám phá ra – thường là sau khi đợt hàng đã được gửi ra hoặc sắp được gửi ra – một đơn đặt hàng thêm sẽ được tạo ra. Chi tiết tế nhị này tạo thêm phí tổn cho các khâu lao động, giao hàng, v.v. và tác động đến lợi nhuận.

Một điệp vụ táo bạo. Tinh tế, gần như không thể nào nhận ra. Thực thể duy nhất có những nguồn lực và trình độ để tiến hành một âm mưu phức tạp như thế hẳn phải là nhà nước.

Quỷ kế này kết tinh mức độ chiến tranh kinh tế mà Trung Quốc đang tiến hành. Nó không chỉ là trộm cắp – sao chép tài liệu của một công ty tương đương với đập phá và trộm hàng hóa trong một cửa tiệm. Đây là một vụ lừa đảo chiến lược trên nhiều cấp độ. Tại một thời điểm, ĐCSTQ đã đặt ra chính sách công nghiệp và đưa công nghệ xanh lên hàng ưu tiên. Một khi đã xác định được đích nhắm là công ty hóa chất mới khởi nghiệp của Hoa Kỳ, một người nào đó đã khởi xướng một chiến dịch đòi hỏi cả kế hoạch tình báo, hoạt động tin tặc của Quân đội Giải phóng Nhân dân, và sự giám sát cũng như phân tích do một doanh nghiệp quốc doanh phụ trách. Mục tiêu là phá hoại và hạ giá một công ty Mỹ để mua nó với giá thấp hơn thị trường, hầu thủ đắc công nghệ mà ĐCSTQ coi là quan trọng. Đó không là gì khác hơn một cuộc tấn công được chính quyền cho phép nhằm vào một công ty Mỹ.

Khi tôi tham gia Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, vào năm 2014, tôi chia sẻ báo cáo này với gần như mọi người tôi gặp tại Ngũ Giác Đài. Phản ứng lúc nào cũng như nhau: “Chúa ơi, điều này thật kinh khủng!” Sau đó, họ sẽ nói, “Đó không phải là công việc của tôi.” Và tất nhiên, về mặt giữ đúng nhiệm vụ truyền thống của quân đội, thái độ đó hoàn toàn hợp lý. Công việc của quân đội là lên kế hoạch chiến đấu, chuẩn bị cho cuộc chiến, tiến hành cuộc chiến, hoặc duy trì trật tự. Còn việc bảo vệ các công ty Mỹ? Chẳng liên quan gì tới chúng tôi!

Nhưng với tôi, đây là hành động chiến tranh rõ rệt. Đây là sự thù địch, là hành vi săn mồi, vi phạm luật pháp quốc tế. Và nó nhằm mục đích làm tổn hại quốc gia của chúng ta.

Tôi đã đến Bộ Tài chính và Bộ Thương mại. Tôi đã gặp giới chức Bộ Ngoại giao. Tôi nhận được một câu trả lời chung hết sức khôi hài: “Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta, họ là bạn của chúng ta. Chúng ta hợp tác với họ.” Tôi nhìn họ và nghĩ, “Nhưng tôi vừa cho quý vị xem những nghiên cứu chứng minh rằng họ không phải là bạn của chúng ta.”

Tôi đi đến kết luận là sẽ không ai làm bất cứ một điều gì đối với vấn nạn gián điệp thương mại và chiến tranh kinh tế của Trung Quốc. Đó là đề tài nhạy cảm, và không ai muốn chạm vào nó. Cuối cùng tôi tìm thấy một đồng minh trong Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Tôi không muốn nêu tên ông, nhưng tôi coi ông như một vị anh hùng. Không như nhiều sĩ quan cao cấp khác, ông hiểu rằng chiến tranh kinh tế, trên thực tế, chính là chiến tranh và quân đội có nhiệm vụ bảo vệ những biên thùy mới. Và ông cho phép tôi tiếp tục nghiên cứu những hoạt động kinh tế thù địch của Trung Quốc và phát triển chiến lược để ứng phó với các vấn đề.

Khi tôi nói với mọi người về công việc tôi đang làm, phản ứng thường gặp là một câu hỏi đầy nghi ngờ: “Tại sao anh lại để mắt tới điều này?”

Câu trả lời của tôi: “Vì không ai khác để mắt tới.”

Khuynh đảo thương trường

Phá hoại và gián điệp chỉ là hai cách để làm đảo lộn một thị trường. ĐCSTQ cũng dựa vào nhiều chiến lược khác để kiểm soát và chiếm lĩnh thị trường, từ hạ giá nuốt trửng thị trường và nhử món này bán kèm món nọ đến bắt nạt kiểu truyền thống.

Hãy bắt đầu với việc bắt nạt. Trung Quốc là nhà sản xuất hải sản hàng đầu thế giới, tạo ra gần bảy mươi triệu tấn trong năm 2017. Họ sử dụng khoảng một triệu người trong ngành công nghiệp cá đông lạnh, cũng lớn nhất thế giới. Xuất cảng thủy sản Trung Quốc lên tới 19,3 tỷ đô la trong năm 2016.

Đáng chú ý là cá hoang dã đánh bắt trong các vùng biển của Trung Quốc trong chín tháng đầu năm 2017 đã giảm 11,9%, nhưng theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cá đánh bắt ở vùng biển của các nước khác tăng 14,2% so với năm trước đó.

Nói cách khác, Trung Quốc, nước chiếm hơn 60% sản lượng hải sản nuôi trồng toàn cầu, không thể duy trì sản lượng hải sản hoang dã bằng cách dựa vào sản phẩm khai thác từ vùng biển ven bờ của mình. Thế thì họ làm gì? Họ phái các tàu đánh cá của mình đi khắp thế giới để càn quét các vùng biển ven bờ của các quốc gia yếu hơn, thường xuyên xâm lấn các quốc gia không có hải quân mạnh hay thậm chí không có một lực lượng hải quân nào.

Cần xác định rõ, việc đánh bắt cá trong vùng biển quốc tế là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, việc khai thác sự giàu có, chẳng hạn, của quần đảo Galapagos thuộc Ecuador – nơi, vào tháng 8 năm 2017, hai mươi ngư dân Trung Quốc bị phát hiện với một mẻ đánh bắt gồm 6.600 con cá mập – là vi phạm luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các vùng đặc quyền kinh tế để đánh bắt cá trải rộng 200 hải lý từ bờ biển của một quốc gia.

Ở Nam Mỹ, tàu Trung Quốc bị bắt gặp đánh cá trong các vùng biển Argentina, Chile, Peru và nhiều quốc gia khác. Vào tháng 3 năm 2016, lực lượng tuần duyên Argentina phát giác một tàu Trung Quốc, chiếc Lu Yan Yuan Yu, đánh cá trong vùng biển của họ và bắn một phát súng cảnh cáo để ngăn chặn.. Tàu Lu Yan Yuan Yu đã thử đâm vào tàu Argentina nhưng hành động này phản tác dụng; phía Argentina nổ súng, và tàu cá chìm. Ngày nay, nhiều tàu cá Trung Quốc biết tự trang bị những bộ phận đệm có thể dùng để đâm vào tàu khác và ngăn các tàu khác tới gần.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố họ đang giám sát gắt gao tình hình, các tàu cá Trung Quốc vẫn được thấy xuất hiện ở xa tận Nam Phi.

Chèn ép những quốc gia nhỏ hơn để đánh cắp tài nguyên thiên nhiên của họ là một chiến thuật.. Cung cấp những thỏa thuận phát triển hào phóng bên trong ẩn chứa những điều khoản cắt cổ là một chiến thuật khác. Trung Quốc hiện đang trong tiến trình triển khai sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu Vành đai và Con đường trị giá nhiều tỷ đô la để thống trị ngành vận tải hàng hóa trên khắp hành tinh. Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa và mục đích của Vành đai và Con đường trong một chương sau, nhưng do chúng ta đang đề cập đến vấn đề kiểm soát thị trường, có hai điều đáng lưu ý: kiểm soát vận tải là một phương pháp nắm huyết mạch của dòng chảy thương mại, và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế là một diệu kế để giành lấy đòn bẩy kinh tế tại các quốc gia mà bạn được cho là “đang giúp đỡ.” Các sáng kiến này, theo một nghĩa nào đó, chính là nợ và bẫy tiếp cập thị trường.

Một ví dụ mới đây về cách Trung Quốc phù phép biến một cuộc “viện trợ nước ngoài hữu ích” thành ra sự “kiểm soát” là dự án cảng Hambantota khổng lồ ở Sri Lanka. Đây là một quốc gia bị chiến tranh tàn phá không nằm cao trong danh sách đối tác thương mại của bất cứ nước nào trong nhiều thập niên. Nhưng trong giai đoạn mười năm Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa tại vị, công ty quốc doanh China Harbor Engineering Company đã đạt được những thỏa thuận khổng lồ về hiện kim và tín dụng để xây dựng cảng nước sâu trị giá nhiều tỷ đô la ở cực nam của hòn đảo.

Rajapaksa thất cử tổng thống năm 2015, để lại cho các lãnh đạo mới một núi nợ từ các thỏa thuận của ông với Trung Quốc. Và Trung Quốc, hành động giống như một kẻ cho vay nặng lãi hơn là một đồng minh nhân từ, đã từ chối giảm nhẹ các điều khoản đã được đàm phán. Năm 2017, chính phủ Sri Lanka đành bàn giao quyền kiểm soát cảng Hambantota và 15 ngàn mẫu đất xung quanh cảng trong 99 năm.

Trung Quốc giờ đây có một cảng vừa sát sườn vừa đi vòng qua Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh sản xuất lớn nhất của mình. Và trong khi hợp đồng thuê Hambantota cấm Trung Quốc sử dụng cảng cho các mục đích hải quân, có mối lo ngại đáng kể là họ sẽ cố gắng đàm phán các điều khoản đó hoặc đơn giản là làm ngơ chúng, như họ rất thường làm với mọi vấn đề pháp lý.

Tuy nhiên, xét về ý đồ và mục đích, rõ ràng Trung Quốc đã không thực sự giúp đỡ Sri Lanka cải tiến cơ sở hạ tầng – Trung Quốc chỉ khiến nước này chìm trong nợ nần và đến nay đã giành quyền kiểm soát kinh tế đáng kể đối với quốc gia đang gặp khó khăn nhưng có vị trí chiến lược.

Đưa ra những thỏa thuận ngọt ngào cho những quốc gia có nền kinh tế trì trệ trên thực tế là quy trình hoạt động thông thường của một số công ty được ĐCSTQ hỗ trợ. Và những điều kiện kèm theo có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng. Trung Quốc đã cực kỳ năng động ở châu Phi. Năm 2018, Chủ tịch Tập cam kết viện trợ 60 tỷ đến 80 tỷ đô la cho các quốc gia châu Phi. “Trung Quốc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của châu Phi và không áp đặt ý chí của mình lên châu Phi,” Tập nói. “Những gì chúng tôi đánh giá cao là việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển và sự hỗ trợ mà chúng tôi có thể cung cấp cho sự thịnh vượng và hồi sinh quốc gia của Châu Phi.”

Nhưng nhận tiền của Trung Quốc sẽ kéo theo nhiều vấn đề. Nếu Trung Quốc xây một mạng điện thoại, họ sở hữu tài sản trí tuệ. Nếu một công ty Trung Quốc xây một nhà máy điện, công ty ấy sở hữu các kế hoạch và hoạt động. Và các dự án này, giống như cảng của Sri Lanka, có thể là bẫy nợ. Việc kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng cho phép Trung Quốc sử dụng áp lực trong những lĩnh vực khác. Nhiều bản tin ghi nhận các chính phủ châu Phi đã bị áp lực không công nhận Đài Loan. Chắc hẳn họ cũng sẽ bị áp lực phải giữ im lặng trước việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và những người ủng hộ tự do ngôn luận. Theo cách này, tiền viện trợ có thể được biến thành cái có thể gọi là bẫy tự do.

Trong một thời gian ngắn đáng chú ý, Transsion Holdings, một công ty ở Thâm Quyến được thành lập năm 2006, đã chiếm được thị trường điện thoại di động châu Phi và hạ bệ người khổng lồ toàn cầu Samsung của Nam Hàn. Kẻ mới đến có một số sáng chế dành riêng cho Châu Phi, như khe cắm cho nhiều thẻ SIM, cho phép chia sẻ điện thoại giữa những người dùng có số điện thoại và nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Nhiều kiểu điện thoại được thiết kế để pin có tuổi thọ dài hơn, vì điện là mặt hàng hiếm ở nhiều vùng của lục địa này. Nhưng công ty đã thu hút được khách hàng bằng cách hạ giá thấp hơn thị trường; có tin tức cho biết họ đang bán điện thoại với giá xuống tới 50 đô la.

Như thế Transsion Holdings đã thành công qua việc cách tân và hạ giá mạnh tay. Việc định giá ấy có được bảo lãnh bởi Ngân hàng Trung Quốc hay không? Ai mà biết được? Các khách hàng mới này có nên cảm thấy thoải mái về sự riêng tư cho dữ liệu của họ hay không? Họ có lý do để lo lắng. Với hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc, nguy cơ can thiệp của ĐCSTQ luôn là một khả năng. Như đã lưu ý trong một đoạn trước, mọi tập đoàn Trung Quốc phải có một đảng viên ĐCSTQ trong hội đồng quản trị. Và một quốc gia châu Phi bị Transsion chiếm lĩnh hoặc bất cứ quốc gia nào phụ thuộc vào viễn thông Trung Quốc – một ngày nào đó sẽ gặp nguy cơ dữ liệu của người dân bị lạm dụng cho những mục đích kinh tế hoặc để duy trì kiểm soát xã hội.

Robert Spalding

Carl Trần chuyển ngữ