Đọc báo Pháp – 13/01/2020
Đài Loan, một vố đau đối với Trung Quốc
Thanh Hà
Tổng thống Đài Loan tái đắc cử, đảng Dân Tiến bài Bắc Kinh chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc Hội là một vố đau đối với Trung Quốc. “Chính sách hù dọa và cô lập Đài Loan của Bắc Kinh thất bại”, “Thắng lợi vẻ vang của nữ tổng thống Thái Anh Văn là một cái tát tai” cử tri Đài Loan giáng cho Hoa Lục, “Đài Bắc nói không với Trung Quốc cộng sản” … là một số nhận định trên các báo Pháp hôm nay 13/01/2020.
Le Figaro mở đầu bài báo : “Sau Hồng Kông, đến lượt Đài Loan cưỡng lại trước móng vuốt của Tập Cận Bình. Tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử với hơn 57 % cử tri ủng hộ, đảng Dân Tiến của bà giành được đa số tại Quốc Hội”. Về tỷ lệ cử tri tham gia cuộc tổng tuyển cử cuối tuần qua, tác giả bài báo nói đến hiện tượng “làn sóng thủy triều, thể hiện ý chí của toàn dân ủng hộ đường lối cứng rắn của tổng thống Đài Loan đối với Hoa Lục”. Lá phiếu của cử tri biến Đài Loan thành “thành trì dân chủ”.
Đặc phái viên báo Les Echos lưu ý, giữa Đài Loan và Hoa lục là một eo biển chỉ rộng có 130 cây số, nhưng chưa bao giờ khoảng cách giữa Đài Bắc và Bắc Kinh lại xa đến ngàn trùng như vậy. “Thái Anh Văn không sợ Bắc Kinh”. Dorian Malovic của tờ La Croix phác họa sơ qua chân dung bà Thái Anh Văn và nhắc lại, “từ năm 2016, nữ tổng thống Đài Loan liên tục ghi những bàn thắng quan trọng, từ việc điện đàm với tổng thống Mỹ tân cử, Donald Trump, cho đến việc bà ủng hộ phe dân chủ Hồng Kông trong những tháng gần đây. Nhờ vậy, bà Thái Anh Văn thuyết phục được giới trẻ Đài Loan, vốn rất tự hào về bản sắc và đặc thù chính trị” của hòn đảo này.
Nguy cơ Trung Quốc siết chặt gọng kềm
Đối với Bắc Kinh, tất cả các báo Paris đều nói đến “hiệu ứng boomerang”, “thất bại”, cú “revers” vỗ vào mặt chính quyền của ông Tập Cận Bình. Theo quan điểm của Mathieu Duchâtel, giám đốc khoa châu Á, Viện nghiên cứu Montaigne, “khủng hoảng tại Hồng Kông lót đường cho thắng lợi vừa qua của đảng Dân Tiến Đài Loan. Về Trung Quốc, các thế hệ ở Đài Loan có quan điểm rất khác nhau. Các đợt đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương khiến giới trẻ Đài Loan lo sợ cũng sẽ chịu chung số phận, bị cướp đoạt tự do”.
Chuyên gia Pháp Jean-Yves Heurtebise giảng dậy tại Đại Học Công Giáo Phụ Nhân (Fu Jen University), trên tờ Les Echos cho rằng, kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm 11/01/2020 tại Đài Loan là một thất bại kép đối với “quyền lực mềm – soft power – của Bắc Kinh, cũng như đối với các chiến dịch nhằm thao túng
công luận – sharp power – mà Hoa Lục đã đặc biệt nhắm vào Đài Loan”. Các đòn đó đều “phản tác dụng”. Theo ông Heurtebise, nếu đủ khôn ngoan thì chính quyền Trung Quốc phải hiểu được rằng “chủ trương hù dọa, cô lập Đài Bắc và cắt đứt quan hệ với đảng Dân Tiến Đài Loan đã thất bại. Nhưng có nhiều khả năng, Bắc Kinh sẽ đi đến những kết luận khác hẳn hoàn toàn với logic đó, và sẽ quyết định gia tăng áp lực với chính quyền ở Đài Bắc”.
(…) Vấn đề đặt ra là Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều hồ sơ nóng cùng một lúc, từ khủng hoảng tại Hồng Kông đến những cáo buộc tống giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong các nhà tù khổng lồ hay chiến tranh thương mại với Mỹ, sự kháng cự của nhiều nước Đông Nam Á ở Biển Đông từ phía các quốc gia như Việt Nam hay Indonesia”. Trong hoàn cảnh đó, chính quyền Tập Cận Bình có còn khả năng chi phối Đài Loan nữa hay không ?
Trên ấn bản internet được cập nhật của tờ Le Monde, chuyên gia Heurtebise cho rằng bầu cử Đài Loan lần này là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy, “một quốc gia có thể tự do và thịnh vượng, một nền dân chủ và những giá trị văn hóa Trung Hoa hoàn toàn có thể đi đôi với nhau. Đấy là điều khiến Bắc Kinh đang đau đầu nhất”. Trường hợp của Đài Loan đi ngược lại với những gì đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn hô hào từ năm 1949. Do vậy, theo chuyên gia này, Đài Loan là cái gai trong mắt giới lãnh đạo Cộng Sản tại Bắc Kinh và Trung Quốc “có lẽ đang tìm cách để gạt trường hợp của Đài Loan sang một bên, thậm chí là loại bỏ hẳn mô hình Đài Loan”.
Nga – Thổ Nhĩ Kỳ hạ nhiệt chảo lửa Libya
Nhìn đến những điểm nóng khác trên thế giới, Le Monde và báo La Croix xoáy vào sự kiện : Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang nổi lên như hai đối tác quan trọng trong cuộc nội chiến tại Libya. Bằng chứng rõ rệt nhất là thủ tướng đứng đầu chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc và lãnh đạo lực lượng Quân Đội Quốc Gia Libya cùng đến Matxcơva đàm phán về một thỏa thuận vãn hồi hòa bình.
Trước đó, Quân Đội Quốc Gia trong tay thống chế Khalifa Haftar thông báo chấp nhận lệnh ngừng bắn. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia bảo trợ cho lệnh ngừng bắn đó, trong lúc Ankara đứng về phía chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc, còn nước Nga thì đã ngầm đưa hàng trăm lính đánh thuê sang Libya yểm trợ cho tướng Haftar.
Libya được tạm im tiếng súng là nhờ có sự dàn xếp giữa hai tổng thống Putin và Erdogan. Còn Ý đang mất hẳn vai trò và ảnh hưởng đối với một quốc gia từng là thuộc địa của mình, như báo kinh tế Les Echos phân tích.
Le Monde không vòng vo : “Putin và Erdogan, hai người cha đỡ đầu mới của Libya” khiến châu Âu “ngỡ ngàng” và lo ngại việc đưa Libya ra khỏi khủng hoảng càng thêm “phức tạp”. Tờ báo có uy tín của Paris nhận định : Liên Hiệp Châu Âu phải đối mặt với ba đám cháy cùng một lúc. Đó là căng thẳng leo thang giữa Iran với Mỹ có nguy cơ làm tan vỡ liên minh chống khủng bố Hồi Giáo, thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ còn là cái vỏ rỗng, và thứ ba là tình hình Libya. Trên cả ba hồ sơ này, Liên Hiệp Châu Âu bất lực và phải thu mình làm những diễn viên phụ. Riêng trong trường hợp cuộc xung đột tại Libya, Bruxelles buộc phải nhường cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga các vai diễn chính.
Pháp và mặt trận chống khủng bố tại châu Phi
Một chủ đề quốc tế lớn khác trong ngày, là thượng đỉnh 5 nước châu Phi trong vùng Sahel với Pháp họp tại Pau. Từ năm 2013, Pháp điều 4.500 lính sang châu Phi trong khuôn khổ chiến dịch quân sự Bakhane với mục đích giúp châu Phi tiêu diệt khủng bố. Tới nay, 41 lính Pháp tử vong và các tổ chức khủng bố có khuynh hướng mở rộng ảnh hưởng tại châu lục này. Tại một số nơi, tinh thần bài Pháp gia tăng.
Trong bối cảnh đó, tờ Le Figaro nhấn mạnh thượng đỉnh tại Pau, miền nam nước Pháp, là cơ hội để các đối tác châu Phi “làm sáng tỏ lập trường về sự hiện diện của quân đội Pháp tại vùng Sahel và định nghĩa lại khuôn khổ can thiệp của chiến dịch Barkhane”, chống khủng bố Hồi Giáo đe dọa châu Phi.
Thiệt hại quân sự không chỉ nhắm vào lính Pháp ở châu Phi. Quân đội của 5 nước châu Phi tại Sahel, một dải đất trải dài từ đông sang tây châu Phi ở giữa khu vực sa mạc Sahara, liên tục bị tấn công, từ Burkina Faso đến Mali. Trong bài viết mang tựa đề “Tại Sahel, Paris và đồng minh ngày càng phải cấp bách đối mặt với nạn khủng bố của quân thánh chiến Hồi Giáo”. “Sahel, Paris muốn đồng minh trong thế sẵn sàng chiến đấu”, tựa một loạt bài chiếm 3 trang báo Libération. Tờ báo trích lời một chuyên gia cho rằng, chống khủng bố là giải pháp đang nằm trong tay 5 nước châu Phi và có lẽ đã đến lúc châu Phi cần năng động trên hơn trong mục đích tiêu diệt quân thánh chiến.
Cải tổ hưu trí : đòn ngoạn mục của thủ tướng Pháp
Cũng về Pháp, liên quan đến kế hoạch cải tổ hưu trí, thủ tướng Edouard Philippe thông báo tạm thời rút lại biện pháp gây tranh cãi nhiều nhất liên quan tới ngưỡng 64 tuổi. Đây là ngưỡng tuổi cho phép lãnh đầy đủ lương hưu cơ bản.
Báo La Croix xem chiến lược chìa bàn tay thân thiện của chính phủ là một cơ may cho “đối thoại trong xã hội”. Libération thiên tả đặt câu hỏi : Đó là “màn ảo thuật hay bước nhượng bộ thực sự ?”.
Ở trang trong, tờ báo này nhấn mạnh đến một quyết định gây chia rẽ giữa các công đoàn bảo vệ người lao động. Trong bài xã luận, Laurent Joffrin cho rằng “còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, cho nên hơn bao giờ hết, các công đoàn cần hợp lực với nhau”. Le Figaro thân hữu thận trọng cho rằng bước nhượng bộ của thủ tướng Philippe khiến “các công đoàn ôn hòa hài lòng, nhưng còn quá sớm để khép lại cuộc đọ sức với phe chống đối kế hoạch cải tổ hưu trí” của Pháp.
Nhật báo kinh tế Les Echos tán đồng chính phủ, vẫn coi mục tiêu cân bằng quỹ hưu trí của Pháp là một ưu tiên, đồng thời ý thức được rằng cần có thêm thời gian hoàn thành mục tiêu đó. Trong ấn bản được cập nhật trên internet, tờ báo cho rằng thủ tướng Pháp đã khéo léo tìm ra ngõ thoát, nhưng vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi ông Edouard Philippe. Khó khăn lớn nhất là làm thế nào để lấy lại cân bằng cho quỹ hưu trí đang bị thâm hụt 12 tỷ euro. Dù vậy, tác giả bài viết đánh giá là chính phủ đã nhượng bộ, giờ đây, đến lượt các công đoàn cũng phải biết điều. Thái độ cực đoan nhất có nguy cơ dẫn tới những tình huống “đáng tiếc”.
Vai trò xã hội của các trung tâm thương mại
Cuối cùng, cũng về Pháp, hai tờ Les Echos và Libération cùng bất ngờ nhận thấy rằng, các trung tâm thương mại thu hút trở lại người mua bán trong lúc mà ai cũng tưởng rằng, các dịch vụ giao dịch trên mạng có nguy cơ từng bước khai tử các thương xá – nơi tập trung nhiều cửa hàng và rất sầm uất vào mỗi cuối tuần, trước những dịp lễ lạt hay vào mùa bán hàng đại hạ giá.
Libération trích dẫn phân tích của nhà xã hội học Vincent Chabault, theo đó, các siêu thị lớn hay những cửa hàng, ngoài việc mua bán còn là điểm hẹn của những người cần có một đời sống hàng ngày, cần có quan hệ với đồng loại. Trong điều kiện đó, các dịch vụ mua bán trên mạng có được phát triển đến đâu đi chăng nữa, lượng người lui tới các trung tâm thương mại vẫn không giảm.
Còn theo báo Les Echos, trào lưu giảm tiêu thụ để bảo vệ môi trường, các đợt biểu tình của phong trào Áo Vàng năm ngoái hay những ngày đình công kéo dài hiện tại không ảnh hưởng đến số người lui tới các trung tâm thương mại. Hơn thế nữa, những khu vực này đang trở thành một nét tiêu biểu của đời sống tại các thành phố lớn ở Pháp.
Tin tổng hợp
(AFP) – Chủ tịch Hạ Viện Mỹ xác nhận đã có « đủ chứng cứ để truất phế tổng thống ».
Phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ ABC ngày 12/01/2020, bà Nancy Pelosi cho biết sẽ họp với các dân biểu trong đảng Dân Chủ ngày 14/01 tới đây để ấn định lịch trình, trong đó có việc trình hai điều khoản luận tội lên Thượng Viện, sớm nhất trong tuần này, để mở phiên xét xử. Ngày 18/12/2019, Hạ Viện đã thông qua hai điều khoản luận tội ông Trump về lạm quyền và cản trở công việc Quốc Hội. Tuy nhiên, bà Pelosi đã trì hoãn việc chuyển hồ sơ lên Thượng Viện.
(AFP) – Đức phát hiện hai lính Mỹ chết trong một căn cứ quân sự.
Thông báo được căn cứ quân sự Spandahlem, ở Rhénanie-Palatinat đưa ra ngày 13/01/2020. Nguyên nhân cái chết chưa được rõ. Một cuộc điều tra đã được mở ra. Hai binh sĩ chết thuộc tổ bảo trì chiến đấu cơ. Khu căn cứ này là nơi đồn trú của 4.000 binh sĩ Mỹ, chủ yếu thuộc sư đoàn 52 của không quân Mỹ.
(AFP) – Pakistan : Án tử hình đối với cựu tổng thống Pervez Musharraf bị hủy bỏ.
Một tòa án Pakistan ở thành phố Lahore, miền đông Pakistan, vào hôm nay, 13/01/2020, đã xóa bỏ án tử hình nhắm vào ông Musharraf về tội phản quốc, xét rằng tòa án đặc biệt đã tuyên bản án này mang tính chất « vi hiến ». Khi được tuyên, bản án tử hình đối với ông Musharraf, một cựu lãnh đạo quân đội, đã gây ra một cuộc tranh luận dữ dội tại Pakistan, nơi quân đội vẫn đóng một vai trò quan trọng.
(AFP) – Pháp : Thượng đỉnh G5 Sahel để chống thánh chiến.
Các cuộc tấn công của quân thánh chiến nhắm vào lực lượng Pháp ở vùng Sahel ngày càng nhiều. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/01/2020 có cuộc họp với nguyên thủ 5 nước Tchad, Niger, Burkina Faso, Mali và Mauritanie nhằm củng cố tính chính đáng của quân đội Pháp đang bị phản đối trong khu vực. Thượng đỉnh được tổ chức ở Pau, với sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Châu Phi Moussa Faki và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
(AFP) – Cháy rừng tại Úc : Thủ tướng thừa nhận thiếu sót.
Lần đầu tiên, kể từ khi cháy rừng bùng phát tại Úc từ ba tháng qua, thủ tướng Scott Morrison, hôm 12/01/2020 trên đài ABC chính thức thừa nhận đã xử lý chưa tốt thảm họa. Hôm nay, 13/01, lính cứu hỏa thông báo đã dập tắt thành công « bà hỏa khổng lồ » trong khi cơ quan khí tượng thủy văn dự báo sắp có mưa rơi.
(AFP) – Philippines : Núi lửa Taal phun dung nham, tro bụi và khói.
Sét lóe sáng trên miệng núi lửa. Nhà chức trách Philippines đã nâng báo động lên mức cao nhất. Khoảng 240 chuyến bay quốc tế bị hủy, nhiều trường học, văn phòng chính phủ đóng cửa đề phòng núi lửa phun trào. Hôm qua 12/01/2020, núi lửa Taal thức giấc kèm theo nhiều dư chấn. Ít nhất 10.000 người đã phải rời sơ tán. Lần cuối núi lửa Taal phun trào là vào năm 1977. Núi lửa nằm cách thủ đô Manilla 65km, trên vành đai lửa Thái Bình Dương.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200113-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Tạp chí Việt Nam
Dự án kết nối Trung Quốc với ASEAN:
Việt Nam thận trọng
Thu Hằng
Tháng 11/2019, Viện khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc hoàn thành khảo sát miễn phí cho Việt Nam về quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, kết nối với đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc).
Dài khoảng 388 km, tuyến đường sắt đi theo hướng đông, qua 8 tỉnh, thành phố : Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, kết thúc tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng. Trang VnExpress (21/11/2019) cho biết theo lộ trình, tuyến đường sắt này được chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2020-2025 và xây dựng sau năm 2025.
Khi dự án Kết nối ASEAN trùng với Sáng kiến Con đường và Vành đai
Đây chỉ là một nhánh trong dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam, sau đó, kéo dài sang Phnom Penh (Cam Bốt), trong khuôn khổ dự án đường sắt xuyên Đông Nam Á. Ngay từ năm 1995, 10 nước thành viên khối ASEAN đã có ý định kết nối với nhau bằng hệ thống đường sắt, một ý tưởng đã có từ thời thuộc địa, khi Anh và Pháp tìm cách kết nối các thuộc địa ở Đông Dương. Đến năm 2013, trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc có một hành lang phát triển liên quan trực tiếp đến khu vực Đông Nam Á.
Trả lời RFI Tiếng Việt, giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (Canada), giải thích phần nổi bật nhất trong hành lang này chính là việc xây dựng tuyến đường sắt « cao tốc » nối thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đến Singapore, điểm cực nam trên phần đất liền ở Đông Nam Á.
« Thực ra, có ba trục được lên kế hoạch. Tuyến thứ nhất đi qua Miến Điện, xuống miền nam Thái Lan, rồi qua Malaysia đến Singapore. Tuyến thứ hai đi qua Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Tuyến thứ ba đi qua Việt Nam.
Tuyến đi qua Miến Điện không tiến triển lắm. Đúng là công việc nghiên cứu khảo sát về khả năng thực hiện đã được tiến hành nhưng hiện bị đình chỉ vì xảy ra xung đột giữa chính phủ trung ương Miến Điện với bang Shan.
Một tuyến khác đang được xây dựng với tiến độ rất nhanh, đi qua miền bắc Lào và sẽ được khánh thành vào năm 2021. Sau này, tuyến đường trên sẽ được nối với tuyến được dự kiến xây ở Thái Lan, mới được khởi công và chưa chắc đã hoàn thiện được trước năm 2026-2027.
Tuyến đường sắt thứ ba đi qua Việt Nam, ít được nhắc đến trong thời gian gần đây vì cho đến nay, Việt Nam vẫn không có ý định chấp nhận đầu tư ồ ạt của Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt. Nhưng tình hình có vẻ thay đổi trong khoảng vài chục ngày gần đây. Hà Nội đã chấp nhận để Trung Quốc tài trợ miễn phí cho việc nghiên cứu quy hoạch một tuyến đường sắt cao tốc sử dụng khổ đường sắt theo tiêu chuẩn 1,435 m được sử dụng ở Trung Quốc. Hiện chưa có tầu, nhưng điều này cho thấy thiện chí của chính quyền Hà Nội chấp nhận Trung Quốc tiến hành nghiên cứu quy hoạch ».
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên về tính khả thi của tuyến đường sắt nối biên giới Trung Quốc với cảng Hải Phòng. Trước đó, đã có một nghiên cứu do Nhật Bản và Liên Hiệp Quốc tài trợ giữa năm 2000. Nhưng lần này thì xa hơn, theo giáo sư Eric Mottet, vì đó là nghiên cứu về một tuyến đường sắt « cao tốc », vừa có thể chở khách, vừa được sử dụng để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến cảng Hải Phòng và ngược lại. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là trong 20 hoặc 30 năm tới, có thể đi thẳng từ Bắc Kinh đến thành phố Hồ Chí Minh mà không phải đổi tầu.
« Dĩ nhiên, tiếp theo, Việt Nam phải xây ít nhất một tuyến đường tầu cao tốc nối Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh. Dự án này được đưa ra năm 2018. Nhưng chi phí để xây dựng tuyến đường sắt này được thẩm định trong khoảng 60 tỉ đô la. Đây là khoản tiền quá lớn đối với nền kinh tế hiện tại của Việt Nam. Kể cả nếu Trung Quốc, Nhật Bản hay những đối tác kinh tế nào khác tài trợ cho tuyến đường này, thì cũng không thể có được tuyến Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh trong ngày một ngày hai ».
Trung Quốc « hất chân » Nhật về đầu tư và công nghệ ở Đông Nam Á
Tại thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào tháng 11/2019 ở Nonthaburi (Thái Lan), hai bên đã ra thông cáo chung công nhận cần phải cải thiện khả năng kết nối giữa Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Dù chỉ có hơn 10 năm kinh nghiệm về công nghệ đường sắt cao tốc, Trung Quốc hiện là nước có mạng lưới tầu cao tốc lớn nhất thế giới với khoảng 29.000 km. Bắc Kinh muốn từng bước mở rộng mạng lưới này, ngoài đến Đông Nam Á, mục tiêu cuối cùng là vượt qua Trung Á, đến tận châu Âu.
Tại Đông Nam Á, Lào là nước nhiệt tình nhất đón nhận đầu tư của Trung Quốc vào dự án đường cao tốc, theo trang Nikkei. Dự án được Quốc Hội Lào thông qua năm 2012 có trị giá 6 tỷ đô la và Trung Quốc đầu tư 70%. Trong phần đầu tư của Lào, chính quyền Viêng Chăn đã phải vay thêm 480 triệu đô là từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc với lãi suất 2,3%.
Thái Lan hiện có năm dự án đường sắt, trong đó có ba dự án nối với các nước láng giềng (Lào, Malaysia, Cam Bốt). Trung Quốc trở thành đối tác chính của Công ty Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) trong hai dự án đầu tiên được khởi động : tuyến nối Bangkok với Nong Khai (cực đông bắc Thái Lan, 608 km, dự kiến hoàn thiện năm 2026-2027), để nối sang Lào ; tuyến nối ba sân bay quốc tế lớn Don Mueang và Suvarnabhumi ở Bangkok và U-Tapao ở tỉnh Rayong, dài 220 km được ký vào tháng 10/2019, và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.
Việt Nam dè chừng đầu tư Trung Quốc
Tại Việt Nam, đề xuất phương án đầu tư đường sắt cao tốc Bắc-Nam đạt tốc độ 350 km/giờ được đề cập trở lại cách đây 1-2 năm. Theo giáo sư Eric Mottet, đối với chính phủ Việt Nam, sẽ không có chuyện chấp nhận vay vốn từ Trung Quốc hoặc mua trang thiết bị Trung Quốc.
« Hiện tại, ít nhất là chính phủ Việt Nam tuyên bố như thế, có nghĩa là không mua trang thiết bị của Trung Quốc, không để Trung Quốc xây tuyến đường sắt cao tốc này, mà hướng đến Nhật Bản. Nhưng vấn đề là ở chỗ Nhật Bản hiện không có đủ khả năng cho Việt Nam vay khoản tiền cần thiết để xây tuyến đường này, theo thẩm định là 60 tỉ đô la (tương đương khoảng 1/4 GDP toàn nền kinh tế). Đây là một khoản tiền rất lớn, nên còn lâu mới có thể xây tuyến đường này.
Ngoài ra, còn có nhiều lý do khác. Trước hết, khối nợ của Việt Nam tương đương với 61-62% GDP đất nước. Từ năm 2017, có một đạo luật quy định nợ công của Việt Nam không được vượt quá 65% GDP. Nếu đầu tư ồ ạt vài chục tỉ đô la vào dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, chắc chắn nợ công sẽ vượt quá mức cho phép. Đây là lý do tại sao dự án không tiến triển.
Lý do thứ hai là còn có một luật khác, theo đó, trong các dự cơ sở hạ tầng, nhà nước Việt Nam phải đầu tư 70%. Vì thế, Việt Nam hiện chưa có đủ điều kiện kinh tế để xây tuyến tầu cao tốc mà không có trợ giúp của các đối tác nước ngoài ».
« Đôi bên cùng có lợi » hay « há miệng mắc quai » ?
Đã có rất nhiều bài phân tích những lợi ích mà Trung Quốc thu được khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trong dự án Những Con đường Tơ lụa mới, sáng kiến giúp Trung Quốc không phụ thuộc vào vận tải đường biển, vốn rất dễ bị trừng phạt hoặc phong tỏa hải quân từ phương Tây. Trong khi đó, các nước « được » đầu tư thì lại mắc nợ. Ví dụ, Lào là một trong 8 quốc gia có nguy cơ mắc nợ Trung Quốc cao nhất ; Sri Lanka thì phải nhượng đất đến 99 năm để trừ nợ.
Việt Nam tỏ ra thận trọng, như phát biểu của một cựu quan chức chính phủ, « bên cạnh phát triển kinh tế, cần phải nghĩ đến chủ quyền quốc gia của các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là các nước láng giềng ». Phó giáo sư Stephen Nagy, đại học Christian, Tokyo, từng tỏ ra lo ngại ASEAN sẽ « dễ tính » hơn với Trung Quốc, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Về điểm này, giáo sư Eric Mottet nhận định :
« Rõ ràng là Bộ Quy tắc Ứng xử đang được đàm phán, tính đến nay cũng đã vài năm, giữa 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có giải pháp, chưa đạt được đồng thuận dù thỏa thuận được thông báo là vào năm 2020, thậm chí là vào năm sau đó. Đúng là vào lúc mà một số nước chấp nhận đầu tư ồ ạt của Trung Quốc trên lãnh thổ thì có thể nói khả năng hành động về mặt chính trị và địa-chính trị sẽ khó chống lạilập trường của Trung Quốc về Biển Đông.
Ngoài ra, còn phải chú ý đến một điểm khác, đó là tính đến hiện nay đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là tương đối thấp. Vì thế, người ta nhận thấy từ hai năm nay, Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, lên đến hơn 5 tỉ đô la. Có thể thấy là ngay cả Việt Nam cũng bắt đầu có khả năng hành động khá hạn chế về mặt kinh tế đối với Trung Quốc. Và điều này rõ ràng hạn chế khả năng đòi hỏi chủ quyền, khả năng chống đối quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông ».