Tin Việt Nam – 13/01/2020
Vụ giết dân Đồng Tâm
Rò rỉ thông tin nguyên nhân 3 công an cộng sản chết
trong vụ giết gia đình cụ Kình
Tin Vietnam.- Ngày 12 tháng 1 năm 2020, Facebook mang tên Võ Tuyền Long loan tin, nguồn tin nội bộ của Tổng cục 2 được rò rỉ ra ngoài cho biết, trong đợt tấn công vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 vừa qua để tấn công gia đình cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi đời và gần 60 tuổi đảng, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam huy động trung đoàn cảnh sát cơ Động Hà Nội là lực lượng chủ lực.
Theo video clip trên facebook Trịnh Bá Tư được loan truyền vào ngày 11 tháng 1 thì tường nhà cụ Kình chằng chịt các vết lủng do súng đạn của Công an Cộng sản bắn vào. Trong cuộc tập kích này, nhà cầm quyền Cộng sản tuyên bố có 3 Công an đã chết.
Và nguyên nhân chết được facebook Võ Tuyền Long thông tin như sau: Sau khi đập vở kính và quăng lựu đạn khói, hơi cay qua đường cửa sổ từ nhà bên cạnh vào nhà cụ Kình. Tiếp đến Công an Cộng sản xâm nhập vào nhà cụ Kình bằng đường sân thượng với nhiều hướng khác nhau. Do thời điểm trời còn tối, cộng với khói mù mịt do đội quân tạo ra đã khiến một viên Công an đã chết vì lọt xuống giếng trời nhà cụ Kình trong lúc nhảy từ cửa sổ sang bên kia không thành công.
Còn công an thứ 2 chết vì trúng nhầm làn đạn đồng bọn của mình bắn ra như mưa trong bối cảnh khói trái nổ mù mịt nên không nhìn ra ai là ai. Công an thứ 3 chết vì trong lúc trèo lên nóc nhà nghiêng thì nghe thấy tiếng nổ từ đồng bọn bắn ra và bị té.
Sau 3 cái chết này, truyền thông nhà cầm quyền đã dựng lên đủ kịch bản về cái chết của 3 viên Công an này, và cho rằng nhà cụ Kinh có hố chông để bẫy người. Nhưng hình ảnh thực tế thì đó là giếng trời, lỗ thông gió nhà cụ Kình. Bi hài hơn, cả 3 người trên đã được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, kiêm Chủ tịch nước Cộng sản phong tặng liệt sĩ, huân chương hạng nhất vì đi giết dân, cướp đất.
An Nhiên
Đồng Tâm: Con ông Lê Đình Kình bị khởi tố
Bà Dư Thị Thành, vợ cụ Lê Đình Kình, xuất hiện trong một đoạn video với khăn tang trắng, cho hay bốn người trong nhà hiện chưa có tin tức gì
“Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân,” bà Thành nói.
Khi được hỏi về số phận của các con và cháu của mình, bà kể tên từng người:
“Uy, Công, Danh, Chức – bốn bố con.” Sau đó lắc đầu, không biết về số phận của những người này.
Đồng Tâm: Đám tang cụ Lê Đình Kình bị phong tỏa?
Công luận Việt Nam vẫn chia rẽ vụ Đồng Tâm
Ông Lê Đình Kình ‘chết sau khi công an vào Đồng Tâm’
Facebooker Lã Việt Dũng, người đăng tải video này, viết: “Sáng nay đám tang cụ Kình, an ninh chìm nổi dày đặc. Chúng nó không cho một ai quay phim, chụp ảnh và cắt liên lạc toàn vùng. Tuy nhiên vẫn có một phóng viên chiến trường tiếp cận và lấy được lời kể của vợ cụ Kình.”
Tuy vậy, báo Thanh Niên hôm 13/01 dẫn lời “một lãnh đạo” Công an Thành phố Hà Nội cho biết đã có quyết định khởi tố bắt tạm giam 22 người trong vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm hôm 09/01.
20 người bị khởi tố “về hành giết người” gồm:
Lê Đình Chức, Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Nguyễn Văn Tuyến, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Niên, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Quân và Trịnh Văn Hải.
2 người bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ gồm: Lê Đình Hiển và Bùi Viết Tiến.
“Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội đang tạm giữ hình sự các đối tượng Nguyễn Xuân Điều, Trần Thị Phượng, Đào Thị Kim để làm rõ hành vi giết người và Nguyễn Thị Dung về hành vi chống người thi hành công vụ,” Thanh Niên đưa tin.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51087471
Đám tang ông Kình bị ‘giám sát chặt’,
vợ ông cáo buộc cảnh sát đánh đập
Gia đình ông Lê Đình Kình tổ chức lễ tang cho ông hôm 13/1, bốn ngày sau vụ cảnh sát đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, liên quan đến tranh chấp đất quốc phòng sát nơi được gọi là sân bay Miếu Môn.
Ông Kình, 84 tuổi, thủ lĩnh tinh thần của những người dân khiếu kiện, đã thiệt mạng trong vụ đột kích. Phía công an nói có 3 người của họ “hy sinh” trong vụ này.
Các nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam cho biết tang lễ của ông Kình diễn ra trong hoàn cảnh bị nhà chức trách giám sát chặt chẽ, việc quay phim, chụp ảnh bị “an ninh chìm nổi” ngăn chặn.
Nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trịnh Bá Phương, dẫn lại thông tin từ những người dự lễ tang, cho VOA biết:
“Lễ tang diễn ra vào sáng nay [13/1], từ 7h đến 9h. Có một dòng người rất dài, rất lớn, không chỉ riêng những người ở Đồng Tâm, mà các xã lân cận họ cũng đi đến để đưa cụ Kình về nơi an nghỉ cuối cùng. Rất nhiều người đã nhỏ nhưng giọt nước mắt tiếc thương cụ Kình. Ngoài ra, lực lượng công an hôm nay họ bố trí rất đông, đan xen vào tất cả dòng người, họ mặc thường phục. Bất kỳ ai cầm máy lên, giơ lên thôi là bị khống chế ngay”.
Bộ Công An và báo chí Việt Nam trong những ngày qua loan tin rằng vào sáng sớm ngày 9/1, một số đối tượng “có hành vi chống đối”, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… “tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ”, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả là 3 người thuộc lực lượng công an “hy sinh”, 1 “đối tượng chống đối chết” tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Nhà cầm quyền cộng sản lo sợ rằng hình ảnh lễ tang, những giọt nước mắt tiếng thương của đông đảo người dân đó sẽ gây bất lợi cho việc nhà cầm quyền cộng sản sau này sử dụng truyền thông để vu khống cho gia đình nhà cụ Kình chỉ là một nhóm người nhỏ đứng lên chống đối chính quyền.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương
Ngược lại, giới hoạt động vì quyền lợi đất đai và quyền con người coi vụ tấn công của công an là “tội ác dã man”.
Từ Dương Nội, một nơi có tranh chấp đất đai khác giữa chính quyền và người dân, ông Phương lý giải vì sao chính quyền muốn kiểm soát thông tin về lễ tang ông Kình:
“Nhà cầm quyền cộng sản lo sợ rằng hình ảnh lễ tang, những giọt nước mắt tiếng thương của đông đảo người dân đó sẽ gây bất lợi cho việc nhà cầm quyền cộng sản sau này sử dụng truyền thông để vu khống cho gia đình nhà cụ Kình chỉ là một nhóm người nhỏ đứng lên chống đối chính quyền”.
Theo quan sát của VOA, đến đầu buổi tối ngày 13/1 mới chỉ có 1 bức ảnh và 1 đoạn video ngắn về lễ tang lọt ra ngoài.
Trong đoạn video, được đăng trên Facebook cá nhân của nhà hoạt động Lã Việt Dũng, bà Dư Thị Thành, vợ ông Kình, bị cảnh sát bắt hôm 9/1, nói rằng bà bị ép phải khai đã “cầm lựu đạn, bom xăng”.
Mỗi lần bà phủ nhận là bị đánh, bà Thành nói trong video:
“Tôi bảo tôi không biết quả lựu đạn là thế nào, bom xăng là thế nào thì tôi không khai được. Thế là cứ thế nó tát, nó đá [nói trong tiếng nấc]. Tát suốt, cứ hết bên nọ sang bên kia. Thế xong rồi nó đá vào hai ống chân”.
Bà cho biết thêm 4 người con và cháu bà mang tên Uy, Công, Doanh và Chức hiện vẫn chưa rõ tung tích. Về 2 cháu bé 3 tháng tuổi và 3 năm tuổi bị thương trong vụ đột kích, bà Thành nói các cháu đã qua cơn nguy kịch và vẫn đang điều trị.
VOA cố gắng liên lạc với nhà chức trách và các bên liên quan để kiểm chứng thông tin song không kết nối được.
Việc tôi thấy cần làm lúc này là đưa ra một chương trình quyên góp để mọi người khắp nơi … giúp đỡ những người còn sống để họ có sự an ủi, … để họ cố có một động lực để vượt qua nỗi đau xé ruột gan này.
Ông Trịnh Bá Phương
Qua trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương kêu gọi mọi người quyên góp tiền, gửi đến nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, để giúp đỡ gia đình ông Kình. Đến tối 13/1, lời kêu gọi đã được nhiều người hưởng ứng, ông Phương nói.
Về phần cá nhân mình, ông Phương thông báo tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF của Pháp mới trao cho ông số tiền thưởng là 1.000 đô la, và ông dành toàn bộ số tiền này để “chia sẻ nỗi đau với gia đình cụ Kình”.
Ông Phương nói thêm với VOA:
“Việc tôi thấy cần làm lúc này là đưa ra một chương trình quyên góp để mọi người khắp nơi, những ai có tấm lòng chia sẻ với gia đình nhà cụ Kình, giúp đỡ những người còn sống để họ có sự an ủi, để cho gia đình thấy sự yêu thương và đùm bọc của mọi người ở khắp nơi, để họ cố có một động lực để vượt qua nỗi đau xé ruột gan này”.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đến chia buồn với gia đình của một trong những viên công an tử vong trong vụ Đồng Tâm, Hà Nội, ngày 11 tháng 1, 2020.
Cùng ngày 13/1, cổng thông tin điện tử của Bộ Công an Việt Nam ra thông báo cho hay lễ tang của 3 sỹ quan công an “hy sinh” trong vụ đột kích vào Đồng Tâm sẽ diễn ra ngày 16/1 tại Nhà tang lễ Quốc gia ở Hà Nội.
Trong một diễn biến liên quan, cũng hôm 13/1, Công an Hà Nội cho biết họ đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với 22 bị can, trong đó có 20 đối tượng bị điều tra về hành vi “giết người”.
Theo danh sách VOA có được, nhiều con, cháu của ông Lê Đình Kình gồm Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Lê Đình Doanh, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, và Lê Đình Chức nằm trong danh sách này.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương tỏ ý nghi ngờ về việc người dân Đồng Tâm có thể gây thương vong lớn cho công an.
Cụ Lê Đình Kình được mai táng;
trong khi 22 người dân Đồng Tâm bị khởi tố
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, người bị lực lượng chức năng giết chết vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 vừa qua liên quan tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, được mai tang vào sáng ngày 13 tháng 1.
Mạng xã hội Facebook cho biết người dân cả làng Đồng Tâm đều đeo khăn trắng để tang cho ông. Trước khi bị bắn chết một cách bất minh, ông Lê Đình Kình là người đại diện dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm trong việc đấu tranh pháp lý cho 59 hecta đất nông nghiệp của địa phương.
Cho đến nay lực lượng chức năng vẫn canh gác chặt chẽ quanh làng Đồng Tâm, mạng Internet vẫn còn bị cắt.
Một video lan truyền trên mạng xã hội, trong đó có lời của bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình như sau:
“Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn. Tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân.”
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận định về điều mà bà Dư Thị Thành nói:
Tôi nghĩ việc đánh đập và bắt bà khai có hai ý nghĩa. Một là chính quyền tìm mọi cách khép tội cho gia đình cụ Kình, gọi là gia đình cụ đã cùng lựu đạn, bom xăng, tất cả các loại vũ khí để tấn công công an. Ý nghĩa thứ hai theo tôi là một đòn trả thù, thể hiện sự man rợ của những kẻ đã đánh bà vì lúc ấy họ không hề nương tay. Họ sẵn sàng giết chồng, con mà còn đánh đập, bắt người ta phải khai theo ý mình. Đây là một sự trả thù tàn độc.
Cũng theo lời bà Dư Thị Thành thì đến nay tin tức của bốn người khác trong gia đình là Lê Đình Uy, Lê Đình Công, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức đều biệt vô âm tín.
Tuy nhiên vào chiều ngày 13/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội cho biết vừa ra quyết định khởi tố 22 bị can trong vụ án mà theo cơ quan này đã xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp Hà Nội. Trong đó ông Lê Đình Chức bị khởi tố bị can và bắt tạm giam với cáo buộc ‘giết người’. Ông này hiện đang nằm bệnh viện nhưng tin không cho biết vì lý do gì.
Công an CSVN gây áp lực với Facebook
về vụ Đồng Tâm
Tin Vietnam.- Ngày 12 tháng 1 năm 2020, Facebook của nhà báo Phạm Đoan Trang loan tin, để bịt miệng dư luận trong cuộc tấn công đánh úp vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 vừa qua, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã liên tục gọi điện, nhắn tin, gửi thư, gửi công văn cho Facebook để yêu cầu phía Facebook phải gỡ các nội dung liên quan đến vụ Đồng Tâm.
Ngoài ra, trong vụ Đồng Tâm, nhà cầm quyền đã huy động một lực lượng dư luận viên đông chưa từng thấy để thực hiện 2 nhiệm vụ là chửi rủa các ý kiến bênh vực người dân Đồng Tâm, và “báo cáo vi phạm” của các facebooker này để phía Facebook xoá bỏ các hình ảnh, bài viết, đánh sập trang cá nhân của họ.
Trước sức ép của Cộng sản Việt Nam, lần này phía Facebook đã tỏ ra không thoả hiệp với nhà cầm quyền độc tài như những lần khác. Dù vậy, Facebook vẫn chấp nhận một số yêu cầu của bộ Công an và bộ Thông tin và truyền thông Cộng sản trong một số trường hợp. Tuy nhiên, phía Facebook cũng đã đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam phải để cho Facebook thực hiện công việc theo đúng tiến trình của họ.
Một đại diện của Facebook nói với nhà báo Phạm Đoan Trang rằng: nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã coi Facebook là kẻ thù tiềm năng. Bà Trang đưa ra cảnh báo, sau khi gây sức ép với phía Facebook không thành công, rất có thể nhà cầm quyền Việt Nam sẽ xúc tiến thông qua nghị định hướng dẫn thực thi luật An ninh mạng, để cấm đoán hoạt động của Facebook tại Việt Nam nhằm trả thù tập đoàn này.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cong-an-csvn-gay-ap-luc-voi-facebook-ve-vu-dong-tam/
Đồng Tâm:
Trước Tết, công luận Việt Nam chia rẽ sâu sắc
Những ngày qua, dư luận người Việt tiếp tục chia rẽ quanh sự kiện Đồng Tâm hôm 9/1 đã dẫn tới cái chết của ba cảnh sát và của ông Lê Đình Kình.
Trong nhiều trường hợp, các trang ủng hộ hay thậm chí chỉ là đưa tin về sự kiện Đồng Tâm gặp phải các ý kiến ào vào chỉ trích.
Trong khi đó, những nhà bất đồng chính kiến tiếp tục đặt câu hỏi về chính quyền lại đưa quân vào làng Hoành lúc rạng sáng, chỉ trích cách hành xử của chính quyền cũng như việc bưng bít thông tin…
Cũng có những ý kiến rủa xả những người đã mất, ở cả hai phía.
Đồng Tâm: Đám tang cụ Lê Đình Kình bị phong tỏa?
Ông Lê Đình Kình ‘chết sau khi công an vào Đồng Tâm’
Tranh chấp đất Đồng Tâm: Máu đổ, người chết
Đồng Tâm: ‘Bộ Chính trị và Quốc hội VN cần họp gấp’
Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, mất mát lớn nhất lúc này sau sự kiện Đồng Tâm chính là sự… đồng tâm.
Trên mạng xã hội hay ngoài đời, mọi người đang bàn luận theo hướng, ai cũng cho là mình đúng hoặc trái ý mình là sai.
Đó cũng là mất mát của niềm tin, niềm tin vào công lý, vào tính liêm chính đã bị suy giảm.
Bởi vậy, không chỉ chuyện ở Đồng Tâm, một khu vực tranh chấp cụ thể, mà nói như Facebooker Nguyễn Thu Quỳnh, ở đây còn có một vấn đề rộng lớn hơn, đó là đã quá lâu, quá nhiều vụ xung đột đất đai lớn nhỏ khác như đã xảy ra. Và “những căng thẳng mà cơ quan dân vận của chính quyền gọi là những đốm lửa không phải tự dưng bùng phát, không tự dưng có thế lực thù địch nào giật dây người dân khiếu kiện nhiều năm nếu ở đó không có sai phạm, khúc quanh.
“Về cơ bản, sai phạm đất đai nhiều, niềm tin của vào tính liêm chính, khách quan và trung thực của các cơ quan công quyền suy giảm,” Facebooker này viết.
Facebooker Le Van Duc tuy cũng cho rằng, việc đổ máu ở Đồng Tâm thì trách nhiệm chính thuộc về chính quyền vì đã buông lỏng quản lý nhiều năm để đất đai quốc phòng bị lấn chiếm, sang nhượng bất hợp pháp một thời gian dài; rồi khi dân manh động bắt giữ cả tiểu đoàn cảnh sát cơ động thì lại nhu nhược, không có những biện pháp cương quyết.
Nhưng cây bút này cũng nhấn mạnh đến sự tác động của những thông tin kích động trên mạng: “Những kẻ theo chủ nghĩa dân túy đã thổi vào tai những người nông dân thiếu hiểu biết rằng, cứ cố thủ giữ đất, chính quyền sẽ ko dám làm mạnh tay vì nước ta đang tăng cường quan hệ quốc phòng, kinh tế với Mỹ và EU…. Rồi chúng viện dẫn những ví dụ như biểu tình bạo lực như ở Pháp và Hong Kong… Nếu ko có những luận điệu đó thì cho kẹo dân Đồng Tâm cũng không dám chống đối vũ trang”.
Nhưng facebooker này quên rằng, bên cạnh chính quyền, có một lực lượng hùng hậu làm công tác dân vận. Đó là hệ thống ban Dân vận của đảng, rồi các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngay cả các cơ quan truyền thông của nhà nước cũng có chức năng tuyên truyền, vận động.
Vậy nhưng, cả hệ thống ấy đã làm gì?
Và nói như Facebooker Nguyễn Phúc Anh, đó là một bi kịch của một cộng đồng “mà không ai còn quan tâm đến sự chính danh, chính đáng trong hành xử của mình.”
Nhu cầu minh bạch thông tin
Nhà báo Quốc Phong (nguyên Phó Tổng biên tập báo Thanh niên) viết trên Facebook cá nhân một thông tin đáng chú , rằng “trong vụ Đồng Tâm vừa rồi, những người đứng đầu Đảng và chính quyền Hà Nội đều không tán thành việc làm đáng tiếc trên như nhiều người phỏng đoán và thậm chí phê phán nặng lời. Có vị lãnh đạo còn có ý kiến bày tỏ không tán thành giải pháp này ngay bên lề các văn bản đề xuất của cấp dưới mà vẫn muốn bằng biện pháp vận động, thuyết phục. Vậy mà sự việc vẫn tiến hành là sao nhỉ?”
Nhà báo Quốc Phong viết tiếp rằng, “Ai đúng, ai sai trong việc này? và, dù đúng/ sai thế nào, theo tôi cũng không được như thế nếu đã biết ai, bên nào, làm gì và sống thì cũng phải thượng tôn pháp luật… Chỉ có minh bạch thông tin thì dân mới hiểu bản chất của sự việc và dân cũng mới an lòng. Nên chăng, hãy tổ chức cho điều tra độc lập để báo cáo Quốc hội việc này, xem như một bài học xương máu nếu không muốn có thêm những Lê Đình Kình (Đồng Tâm) khác, những Đoàn Văn Vươn( Tiên Lãng) khác nữa…”.
Nhà báo Tâm Chánh trên Facebook cá nhân cũng cho rằng, “Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thể đã mắc một sai lầm chính trị nghiêm trọng, trao huân chương chiến công cho các chiến sĩ tử vong trong một trận đánh có thể gây chia rẽ xã hội thành tầng lớp thống trị và bị trị.”
Ông phân tích, dù ông không có ý làm tổn thương đến những người đã mất, cũng như thân nhân, đặc biệt là con cái của các cán bộ, chiến sĩ ấy, cũng như đành rằng mất mát sinh mạng là một tổn thất đau xót, nhưng người lính đụng độ với đối tượng thấp và yếu hơn mình về trình độ tác chiến và trang bị vì sao phải hi sinh mạng sống?
“Huống nữa, đây là lực lượng vũ trang cách mạng vốn chung nguồn gốc Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Nếu nói bài bản lí luận thì tính đảng của lực lượng vũ trang của chúng ta là ở cái gốc gác chức năng ấy,” nhà báo Tâm Chánh viết.
“Không minh bạch, kịp thời và cầu thị trong thông tin thì xã hội còn trong mức độ mông muội, chỉ là xã hội của kẻ có quyền. Đó khác gì xã hội của loài thú,” nhà báo này viết như vậy, trên Facebook cá nhân.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội cũng chia sẻ ba câu đối TS Hà Sỹ Phu viếng cụ Lê Đình Kính. Trong đó có câu: “Đem đại binh chống một ông già, lo sợ quá bởi Lòng không đại nghĩa!/ Dựng tiểu tiết như bày con nít, mưu mô thừa vì Chí chẳng công minh!”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51087971
Ba cán bộ công an chết tại Đồng Tâm hôm 9/1
sẽ được làm lễ tang trọng thể vào ngày 16/1
Truyền thông trong nước vào ngày 13 tháng 1 loan tin dẫn nguồn từ thông báo của Bộ Công an Việt Nam về lễ tang cho 3 viên chức chết trong vụ tấn công vào làng Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 vừa qua.
Theo đó đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an sẽ tổ chức lễ tang cho 3 người thiệt mạng từ 7:30 đến 12:30 ngày 16 tháng 1 tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Ngay sau vụ việc tấn công vào làng Đồng Tâm giết chết ông Lê Đình Kình, phá hủy nhà ông này cùng bắt đi nhiều người khiến 3 người thuộc lực lượng tấn công thiệt mạng, thì chủ tịch nước là ông Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất; thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cấp bằng ‘Tổ quốc Ghi Công’; Bộ trưởng Công an quyết định thăng cấp bậc hàm vượt cấp cho cả 3 người.
Lý do được nêu ra cho những quyết định vừa nêu là ba người chết có hành động dũng cảm, không quản ngại hy sinh, bảo vệ kỷ cương, phép nước, vì bình yên cuộc sống của nhân dân.
Nhiều công dân mạng đặt câu hỏi liệu những người thuộc lực lượng chức năng tấn công vào người dân khi trời còn đêm tối có phải thực sự hành động vì nhân dân hay không.
Facebooker bị bắt giữ
vì đăng tin về đụng độ ở Đồng Tâm
Facebooker Chung Hoàng Chương còn được biết với tên Chương May Mắn vừa bị công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ bắt giữ vì đăng tải thông tin liên quan đến vụ đụng độ giữa cảnh sát và người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội hôm 9/1 vừa qua.
Truyền thông trong nước hôm 12/1 trích thông tin từ thượng tá Đặng Công Chức, Phó trưởng Công an quận Ninh Kiều cho biết như vậy.
Theo thông tin từ công an quận Ninh Kiều, ông Chung Hoàng Chương, 43 tuổi, bị bắt giữ về hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải trên mạng xã hội nhiều bài viết và hình ảnh có nội dung gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước. Trước đó, ngày 10/1, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Ninh Kiều phát hiện tài khoản Facebook Chương May Mắn có nhiều bài viết mang tính chất xuyên tạc, làm mất uy tín cơ quan Nhà nước và lực lượng vũ trang đang thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm.
Cũng theo truyền thông trong nước, tại cơ quan công an, ông Chung Hoàng Chương đã thừa nhận thường xuyên dùng điện thoại di động để truy cập Facebook xem các thông tin không rõ nguồn gốc, không kiểm chứng xác thực và đăng tải, chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Cơ quan Công an cũng xác định tài khoản Chương May Mắn từ năm 2018 đến nay đã đăng tải, chia sẻ 16 bài viết chứa nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền, chống phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Facebooker Chương May Mắn là người đã từng gây chú ý hồi năm 2017 khi đăng tải trên Facebook cá nhân hình ảnh cổng chào đón năm mới ở Cần Thơ được so sánh như quần lót của phụ nữ. Ông Chương sau đó đã bị Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ mời lên làm việc về vụ việc này.
Hôm 11/1, báo Hà Nội Mới của chính quyền Hà Nội đã có bài viết trích lời của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cáo buộc Facebook đã chậm trễ trong việc đáp ứng yêu cầu của chính quyền Việt Nam trong việc gỡ bỏ những nội dung về Đồng Tâm được cho là xuyên tạc, có tính chất kích dộng.
Vụ đụng độ xảy ra ở Đồng Tâm vào sáng sớm ngày 9/1 đã kiến ít nhất 4 người thiệt mạng theo thông báo từ Bộ Công an. Trong số này có 3 công an và một dân thường là cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi. Cụ Kình là người được coi như lãnh đạo tinh thần của người dân ở Đồng Tâm trong việc bảo vệ khu đất 59 ha mà chính quyền cho là đất quốc phòng còn người dân khẳng định là đất canh tác.
Bộ Công an cho biết đã có khoảng 30 người đã bị bắt giữ ở Đồng Tâm. Bộ Công an đã quyết định khởi tố 3 vụ án ở Đồng Tâm bao gồm “giết người”, “chống người thi hành công vụ”, và “sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép”.
Tin trong nước
Nhiều học sinh trung học ở Hà Nội bị ép, lừa bán trinh
Tin từ Hà Nội: Trung tâm tin tức VTV24 thuộc Đài truyền hình Việt Nam đưa tin về một đường dây ép và lừa nhiều học sinh trung học ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội vào đường dây bán trinh tiết.
Theo một đoạn video clip được quay bằng camera bí mật công bố bởi VTV24, các đối tượng bị ép bán trinh là nữ sinh trung học ở độ tuổi 14-15. Các nạn nhân thường bị dụ dỗ đi làm giúp việc “việc nhẹ lương cao” và chỉ làm trong thời gian rảnh. Tin vào những lời dụ dỗ đó và chỉ đến khi bị đưa vào những phòng khách sạn bị đóng kín, các nạn nhân mới vỡ lẽ nhưng đã quá muộn, bởi luôn có người theo dõi, giám sát các nạn nhân cho đến khi “giao dịch” hoàn thành.
Phóng sự đưa tin về trường hợp một học sinh lớp 9. Em bị một nữ sinh lớp 11 giới thiệu vào đường dây này. Nạn nhân bị đưa vào một nhà nghỉ có hai người đàn ông đã đợi sẵn và buộc em phải quan hệ tình dục với hai kẻ này.
Các nạn nhân thường được trả khoản tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, nhưng những kẻ môi giới chiếm đoạt phần lớn số tiền này. Như em học sinh lớp 9 kể trên chỉ được 500.000 đồng từ số tiền 10 triệu đồng nhận của “khách hàng.”
Theo VTV24, đường dây này được điều hành bởi những đối tượng xảo quyệt với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Chúng đưa các nạn nhân di chuyển vòng vèo khiến các em dù trốn được nhưng cũng không biết đường về. Có một nạn nhân may mắn trốn được nhưng sau đó liên tục bị các đối tượng môi giới đe dọa không được tiết lộ.
Luật pháp Việt Nam quy định hình phạt nghiêm khắc cho tội quan hệ tình dục với trẻ em dưới 16 tuổi, tuy nhiên, trong nhiều vụ án mà bị cáo là viên chức của đảng và cơ quan nhà nước hay kẻ có tiền thường được bao che và nhận hình phạt rất nhẹ.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nhieu-hoc-sinh-trung-hoc-o-ha-noi-bi-ep-lua-ban-trinh/
Một nông dân bị truy tố vì dựng chòi chăn cừu
Tin Vietnam.- Báo Phụ nữ ngày 13 tháng 1 năm 2020 loan tin, anh Đặng Mậu Thơm, 43 tuổi, ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã bị cơ quan tố tụng huyện Tuy Phong truy tố về tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” sau khi anh Phong dựng chòi chăn cừu trên mảnh đất mình mua.
Trước đó, từ năm 2013 đến năm 2016, anh Thơm đã mua một số mảnh đất liền kề của 6 gia đình ở xã Minh Hoà bằng giấy viết tay. Sau đó, anh Thơm đã dựng chòi tạm trên phần đất này để có chỗ trú ngụ khi thời tiết nắng, mưa trong lúc chăn cừu. Các gia đình bán đất cho anh Thơm khẳng định, đất họ bán cho anh Thơm là đất khai hoang, cha mẹ để lại nhưng vì hạn hán thường xuyên khiến họ không trồng trọt được nên đành bán cho anh Thơm.
Đến ngày 27 tháng 12 năm 2018, Uỷ ban xã Minh Hoà đã xông đến căn chòi của anh Thơm để cưỡng chế, nhổ bỏ trụ bê tông dựng chòi mang về trụ sở xã. Hành động này của Uỷ ban xã mang tính cách bộc phát vì không hề có thông báo bằng văn bản nào gửi cho anh Thơm về sự việc trên. Anh Thơm sau đó đã nhiều lần khiếu nại nhưng bị nhà cầm quyền trả lại đơn.
Gần một tháng sau, do căn chòi chủ đất cũ đã dựng trước đó bị hư nên anh Thơm làm lại căn chòi khác bằng tôn với diện tích 48m2. Khi căn chòi hoàn thành, Uỷ ban xã Minh Hoà tiếp tục đến lập biên bản, cho rằng anh Thơm lấn chiếm đất chồi rừng để dựng chòi. Đến ngày 23 tháng 1 năm 2019, Uỷ ban xã Minh Hoà phạt anh Thơm 2 triệu đồng và buộc tháo dỡ chòi.
Đến ngày 6 tháng 3 năm 2019, Uy ban xã chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra huyện truy cứu trách nhiệm hình sự với anh Thơm. Đến ngày 9 tháng 1 năm 2020, Toà án huyện Tuy Phong đã đưa anh Thơm ra xét xử, nhưng sau đó phải hoãn phiên toà vì luật sư của anh Phong đưa ra một số bằng chứng không có trong hồ sơ vụ án.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/mot-nong-dan-bi-truy-to-vi-dung-choi-chan-cuu/
2 cựu chủ tịch Đà Nẵng lãnh 17 & 12 năm tù;
Phan Văn Anh Vũ 25 năm tù
Tòa án Nhân dân TP Hà Nội ngày 13/1 đã tuyên án đối với 2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng với Phan Văn Anh Vũ và 18 bị cáo khác trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản.
Tin nêu rõ Tòa đã tuyên phạt ông Trần Văn Minh (nguyên chủ tịch UBND Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011) 17 năm tù về hai tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Cùng tôi danh trên, ông Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014) bị tuyên 12 năm tù.
Riêng bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị tuyên tổng hợp hình phạt 25 năm tù trong đó 17 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và 8 năm tù “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Nguyễn Ngọc Tuấn –cựu phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lãnh 5 năm tù và Phan Xuân Ít –cựu phó chánh VP UBND TP Đà Nẵng 6 năm tù cho cả hai tội danh nêu trên.
Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo Nguyễn Văn Cán-cựu chánh VP UBND TP Đà Nẵng; Nguyễn Quang Thành-giám đốc công ty Minh Hưng Phát và Phan Minh Cương-Tổng giám đốc công ty CP Xây dựng 79 về tội vi phạm quy định về quản lý đất đai.
Tại phiên tòa, Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận có mối quan hệ với các lãnh đạo TP Đà Nẵng nhưng căn cứ vào lời khai của nhiều bị cáo cho thấy Vũ có quan hệ mật thiết với lãnh đạo Đà Nẵng.
HĐXX nhận định các bị cáo trong vụ án là người giữ vị trí chủ chốt của Đà Nẵng nhưng vì những động cơ khác nhau đã tạo điều kiện giúp Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính thông qua việc mua nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Cụ thể, Vũ đã được các bị cáo Trần Văn Minh & Văn Hữu Chiến tạo điều kiện nhận quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 dự án, gây thiệt hại 22.000 tỉ đồng trong thời gian dài từ 2006 đến 2014.
Dùng chất tẩy rửa công nghiệp
trong sản xuất nước mắm
48 tấn soda công nghiệp bị thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện và tiêu hủy trong năm 2019, tại 4 cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TPHCM.
Tin do truyền thông trong nước loan tin hôm 13/1 cho biết, 4 cơ sở nước mắm bị phát hiện đã sử dụng nguyên liệu soda công nghiệp chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh trong sản xuất nước mắm.
Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, nguyên liệu được các cơ sở dùng trong sản xuất nước mắm gồm dịch bột ngọt của Công ty Vedan Việt Nam dung dịch có tính axit, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm; hoặc dùng dịch nước tôm, dịch bổi cá, là nước đầu của việc ủ cá với muối.
Sau đó các cơ sở này dùng soda công nghiệp, chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh, để khử axit trong dịch bột ngọt.
Được biết, dịch bột ngọt có tính axit với độ pH từ 3 – 4, giá rất thấp, tính cả chi phí vận chuyển chỉ có 500 đồng/lít.
Trả lời báo chí trong nước, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Côn – Giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho rằng, sản xuất nước mắm làm từ con cá tươi chợp muối, nếu axit HCl dư thừa thì sẽ sử dụng soda trung hòa để tạo thành muối. Tuy nhiên, soda ở đây phải là soda thực phẩm.
Dùng soda công nghiệp để trung hòa axit trong nước mắm là không được phép bởi soda công nghiệp chứa rất nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng, sẽ gây nên các bệnh mãn tính, ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, gây ung thư…
Thu hồi giấy phép công ty luật
của Luật sư Phạm Công Út
Sở Tư pháp TP.HCM ký quyết định thu hồi giấy đăng ký hoạt động của Công ty Luật TNHH một thành viên Phạm Nghiêm do Luật sư Phạm Công Út làm giám đốc. Truyền thông trong nước đưa tin hôm 13 tháng 1 năm 2020.
Theo quyết định ký ngày 8 tháng 1 năm 2020, thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động, chứng chỉ hành nghề luật sư, Công ty Luật Phạm Nghiêm phải thanh toán xong các khoản nợ khác; làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư.
Đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng nhưng chưa thực hiện xong thì công ty phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.
Trả lời RFA vào tối ngày 13 tháng 1, Luật sư Phạm Công Út cho hay:
“Thực tế là tôi chưa nhận được quyết định nào nói tôi phải đóng cửa hết. Tôi đang đi tỉnh nhưng chưa ai ở văn phòng tôi thông báo là phải đóng cửa văn phòng. Hôm 4 tháng 9 năm 2019 tôi có làm văn bản tạm ngưng hoạt động cho đến khi hết lý do tạm ngưng thì hoạt động trở lại chứ không phải đóng cửa luôn.”
Cũng theo báo trong nước, ngày 11 tháng 12 năm 2019, Bộ Tư pháp có quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Phạm Công Út do vi phạm Luật Luật sư. Ông Phạm Công Út cho biết văn phòng ông có nhận được văn bản này, nhưng theo ông thì nó vô giá trị với bốn cái ‘không’. Ông nói:
“Có một văn bản không dấu, không chữ ký, không có số quyết định, không ngày tháng năm. Nếu mà nói về mặt giá trị pháp lý thì nó bằng ‘không’.”
Vào tháng 3 năm 2018, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh xóa tên luật sư Phạm Công Út khỏi đoàn luật sư thành phố với lý do không thực hiện đúng hợp đồng với khách hàng.
Luật sư Phạm Công Út có đơn khiếu nại gửi đến Ban Thường Vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam lập luận vụ việc chỉ là quan hệ dân sự vì vậy Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có trách nhiệm hòa giải chứ không có quyền kỷ luật bản thân ông. Biện pháp kỷ luật của Đoàn Luật sư Tp HCM là không đúng pháp luật, xâm phạm đến quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư Phạm Công Út.
Tháng 8 năm 2018, Ban Thường Vụ Liên Đoàn Luật sư giữ nguyên hình thức kỷ luật xóa tên khỏi danh sách luật sư đồng thời thu hồi thẻ luật sư do Liên Đoàn này cấp.
Luật sư Phạm Công Út là người tham gia bào chữa trong một số vụ án quan trọng tại Việt Nam. Vụ án oan Huỳnh Văn Nén là một trong những vụ được nhiều người biết đến có sự tham gia bào của luật sư Phạm Công Út.
Hàng chục người đứng đầu
bị xử lý tham nhũng trong năm 2019
Thanh tra Chính phủ cho biết trong năm 2019 đã xử lý 42 người đúng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng và nhiều sai phạm khác.
Thông tin vừa nêu được đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành thanh tra năm 2019 diễn ra vào ngày 13/1 tại Hà Nội, Ông Trần Ngọc Liêm phó tổng thanh tra chính phủ báo cáo tại hội nghị trong năm 2019 toàn ngành đã kiểm tra công khai tại hơn 3700 cơ quan, tổ chức phát hiện 106 đơn vị vi phạm, 8 người nộp lại quà tặng với trị giá hơn 115 triệu đồng, 46 người được xác minh tài sản và có 10 trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, thanh tra đã xử lý 42 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, chuyển đổi công tác hơn 9100 cán bộ, công chức, viên chức. Qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và qua tự kiểm tra nội bộ các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 70 vụ, 89 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Ngoài ra, trong năm 2019 thanh tra chính phủ đã triển khai hơn 6600 cuộc thanh tra hành chính và gần 230.000 thanh tra chuyên ngành phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 170.000 tỷ đồng, hơn 22.500 ha đất kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 83.000 tỷ đồng và 897 ha đất và đã thu hồi hơn 19.000 tỷ cùng với 121 ha đất.
Thanh tra chính phủ cũng đề nghị xem xét xử lý gần 90.000 tỷ và hơn 21.000 ha đất , xử lý hành chính đối với gần 2000 tập thể và nhiều cá nhân, ban hành hơn 113.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 5000 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý 94 vụ và 121 người vị chấn chỉnh quản lý.
Cũng tại hội nghị, phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận Thanh tra chính phủ trong năm 2019 đã từng bước chấn chỉnh, có nhiều tiến bộ, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng qua thanh tra phát hiện đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố, phát hiện nhiều lỗ hổng trong pháp luật và đây là nổ lực lớn của toàn ngành thanh tra, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, Phó thủ tướng còn yêu cầu toàn ngành thanh tra tập trung xử lý các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo chỉ đạo.
Chủ dự án biệt thự Thanh Bình ở Vũng Tàu
bị khởi tố và bắt giam
Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Phạm Quốc Dũng, nguyên lãnh đạo Công ty TNHH Tư vấn-Dịch vụ-Thương mại Thanh Bình, để điều tra về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong dự án biệt thự Thanh Bình, ở Vũng Tàu.
Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ ông Phạm Đình Cúc, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào ngày 13/01 xác nhận thông tin vừa nêu.
Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hồi tháng 7/2019, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án từ đơn tố cáo của hàng chục hộ dân mua đất dự án Thanh Bình rằng ông Phạm Quốc Dũng có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, Công ty Thanh Bình (có trụ sở ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) bán nền cho khách hàng tại dự án khu biệt thự Thanh Bình, ở Vũng Tàu. Theo hợp đồng ký kết, Công ty Thanh Bình đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền cho khách hàng từ những năm 2003, 2004 trở đi. Thế nhưng, công ty này đã không bàn giao giấy tờ đất cho khách hàng như thỏa thuận mà lại mang đi thế chấp ở nhiều ngân hàng để vay vốn, đảm bảo vay vốn cho bên thứ 3 lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Dự án biệt thự Thanh Bình được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt hồi năm 2006, với quy mô 20,6 héc-ta. Dự án được chủ đầu tư là Công ty Thanh Bình phân thành 3 khu A, B và C. Theo phản ảnh từ khách hàng thì khu A được Công ty Thanh Bình chia ra 77 lô đất còn khu B và khu C là những khu đang có “sổ đỏ” chung, dẫn đến tình trạng khu vực dự án thường xảy ra tranh chấp do chủ đầu tư và bên thứ 3 không trả được tiền cho ngân hàng và ngân hàng tiến hành đấu giá nợ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng mua đất nền trong dự án.