Tin khắp nơi – 10/01/2020
Mỹ lên kế hoạch triển khai lực lượng đặc biệt
ở Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc
Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ tờ Bloomberg hôm 10/1 cho hay, quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai một lực lượng đặc nhiệm đến Thái Bình Dương.
Lực lượng này có khả năng tiến hành các hoạt động thông tin, điện tử, mạng và tên lửa chống lại Bắc Kinh.
Lực lượng đặc nhiệm có khả năng sẽ đóng tại các hòn đảo phía đông Philippines và Đài Loan, và sẽ được trang bị các vũ khí chính xác tầm xa như tên lửa siêu thanh, để tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển. Từ đó, có thể dọn đường cho các tàu Hải quân trong trường hợp xảy ra xung đột, vẫn theo Bloomberg.
Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ Ryan McCarthy nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng, lực lượng này sẽ giúp vô hiệu hóa các ý định của Trung Quốc và Nga khi các nước này muốn các nhóm tàu sân bay của Hoa Kỳ tránh xa lục địa châu Á.
Ông McCarthy dự kiến sẽ đưa ra thông tin chi tiết về phương thức hoạt động của lực lượng mới này ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong một sự kiện diễn ra ở Washington vào hôm nay (theo giờ Mỹ).
Tình hình Biển Đông sẽ thế nào trong năm 2020?
Hoa Kỳ lên án mối đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông
Trung Quốc: Hoa Kỳ ‘cần ngừng can thiệp’ ở Biển Đông
Kế hoạch triển khai lực lượng đặc nhiệm sẽ được thúc đẩy bởi một thỏa thuận mới với Cơ Quan Tình báo Quốc gia NRO (National Reconnaissance Office – NRO) trong việc phát triển và quản lý các vệ tinh gián điệp Hoa Kỳ – ông McCarthy nói với Bloomberg.
Hãng tin Reuters cho biết là họ chưa thể liên lạc với Quân đội Hoa Kỳ để đưa ý kiến về thông tin nói trên của Bloomberg.
Trong một diễn biến liên quan, đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) hôm 9/1 cho hay, Phó đô đốc Rene Medina, người đứng đầu Bộ Chỉ huy miền Tây Philippines, cho biết rằng, có đến 38 tầu Trung Quốc neo đậu suốt đêm 7/1 tại ba dải cát, nằm giữa đảo Thị Tứ (mà Philippines gọi là đảo Pag-asa) và đá Subi.
Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa. Đảo này là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Hiện Philippines đang kiểm soát đảo này.
VN muốn TQ ‘chơi đẹp’ ở Biển Đông năm 2020
VN sẽ ‘Gắn kết và thích ứng’ thế nào khi làm Chủ tịch ASEAN?
Bắc Kinh nói sẵn sàng hợp tác với ASEAN để xây dựng COC
Theo RFI, trả lời trang Inquirer, Phó đô đốc Medina cho biết, vẫn tiếp tục theo dõi các tầu nước ngoài hoạt động trong vùng thuộc quyền tài phán của Philippines và sẽ phản ánh đến các cơ quan ngoại giao liên quan.
Trong khi đó, Indonesia đã phải triển khai thêm tầu chiến và bính lính đến vùng biển Natuna, gần Biển Đông, để sẵn sàng đáp trả việc tầu cá Trung Quốc, được tầu hải cảnh hộ tống, thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Indonesia.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51059151
Truyền thông Mỹ: Iran ‘bắn nhầm
máy bay Ukraine’ bằng tên lửa Nga
Iran đã bắn nhầm chiếc phi cơ Ukraine hôm thứ Tư ở gần Tehran, khiến 176 người trên khoang thiệt mạng, truyền thông Mỹ tường thuật.
Các quan chức Hoa Kỳ nói họ tin là chiếc phi cơ của hãng hàng không quốc tế Ukraine 737-800 bị trúng tên lửa, hãng tin CBS nói.
Máy bay Ukraine Boeing 737 chở 176 người rơi ở Iran
Iran ‘đã chuẩn bị sẵn hàng ngàn tên lửa bắn Mỹ’
Những chiếc hộp đen chứa bí mật chuyến bay
Ukraine trước đó nói đang xem xét khả năng một tên lửa đã bắn hạ chiếc phi cơ, nhưng phía Iran bác bỏ khả năng này.
Vụ rớt máy bay xảy ra chỉ vài giờ sau khi Iran phóng tên lửa vào hai căn cứ không quân Hoa Kỳ tại Iraq.
CBS News dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ nói rằng có một vệ tinh đã phát hiện ra những tia hồng ngoại “bíp” hai vụ phóng tên lửa, tiếp theo đó là “bíp” của một vụ nổ.
Newsweek thì dẫn một nguồn tin từ Ngũ Giác Đài và từ các quan chức tình báo cao cấp Hoa Kỳ, cũng như từ một quan chức tình báo Iraq, theo đó nói họ tin là chiếc phi cơ Ukraine bị trúng tên lửa Tor do Nga sản xuất.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng “tôi có những nghi ngờ” về vụ máy bay. “Ai đó có thể đã phạm sai lầm,” ông nói.
Anh yêu cầu điều tra toàn diện
Trước đó, Anh Quốc yêu cầu cuộc điều tra toàn diện về vụ tai nạn phi cơ Ukraine.
Chiều ngày 9/01 giờ London, Phủ Thủ tướng Anh, Downing Street, ra thông báo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các tin tức đặt khả năng chiếc Boeing 737-800 “trúng hỏa tiễn”.
Các báo tiếng Anh trong ngày trích lời quan chức Ukraine nói họ muốn tìm kiếm mảnh tên lửa ở bãi đất chiếc phi cơ rơi xuống hôm thứ Tư.
Cụ thể, theo trang The Guardian ở Anh thì quan chức Ukraine “tìm kiếm mảnh của hỏa tiễn Tor do Nga sản xuất”.
Ngoài ra lý do là “phi cơ va đập với drone”, hoặc “đánh bom khủng bố” bên cạnh khả năng sự cố kỹ thuật.
Tin giờ trước:
Chiếc máy bay với 176 người trên khoang bị rớt ở Iran khi đang tìm cách quay trở lại sân bay, các nhà điều tra Iran nói.
Chiếc Boeing 737-800 gặp nạn chỉ vài phút sau khi cất cánh tại sân bay Tehran, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Điều tra sơ bộ nói rằng chiếc phi cơ gặp trục trặc khi rời khu vực sân bay, và “bốc cháy”.
Bàn Tròn BBC: Căng thẳng, bạo lực leo thang trong quan hệ Mỹ – Iran và hệ lụy
Vụ tai nạn xảy ra chỉ vài giờ sau khi Iran tiến hành phóng tên lửa vào hai căn cứ không quân của Mỹ đóng tại Iraq.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy có mối liên hệ gì giữa hai sự kiện này.
Iran nói ‘không trao hộp đen cho Mỹ và Boeing’
Hôm thứ Năm, Oleksiy Danylov, bí thư Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, nói rằng các nhà điều tra của nước họ đang có mặt tại Iran muốn tìm kiếm xem có các mảnh vỡ từ một trái tên lửa nào tại địa điểm rơi máy bay hay không.
Iran được biết là có hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.
Trong lúc căng thẳng dâng cao và tình hình càng trở nên xấu đi sau vụ Hoa Kỳ giết chết tướng Qasem Soleimani của Iran hôm 3/1, Iran nói sẽ không trao hộp đen đã tìm được của chiếc máy bay gặp nạn cho Boeing hay Hoa Kỳ.
Theo luật hàng không quốc tế, Iran có quyền dẫn đầu cuộc điều tra, nhưng các nhà sản xuất máy bay cũng có quyền tham gia.
‘Không có cuộc gọi khẩn cấp nào’
Giám đốc Cơ quan Quản lý Hàng không Dân dụng Iran (CAOI) Ali Abedzadeh nói: “Chiếc phi cơ, ban đầu bay về hướng tây để rời khu vực sân bay, đã rẽ phải sau khi gặp vấn đề và đã quay trở lại sân bay vào thòi điểm bị rớt.”
Ông Abedzadeh nói thêm rằng các nhân chứng thấy chiếc máy bay “bốc cháy” trước khi rớt, và các phi công đã không thực hiện bất kỳ cuộc gọi khẩn cấp nào trước khi tìm cách quay trở về sân bay Imam Khomeini.
Ông nói các kết quả tìm kiếm ban đầu đã được gửi cho Ukraine và Hoa Kỳ, nơi Boeing đóng trụ sở.
Thụy Điển và Canada cũng đã được gửi các thông tin này, bởi các công dân này có mặt trên chuyến bay, ông nói thêm.
Ông Danylov nói Hội đồng An ninh Ukraine đang xem xét về các nguyên nhân khác nhau, trong đó có các khả năng như bị một hỏa tiễn phòng không bắn trúng, bị va chạm trên không, có một động cơ phát nổ, hoặc có một vụ nổ bên trong máy bay do khủng bố gây ra.
Cuộc điều tra bao gồm các chuyên gia từng tham gia điều tra vụ chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia ở miền đông Ukraine hồi 2014, ông Danylov nói thêm.
Ukraine tuyên bố ngày 9/1 là ngày quốc tang.
Ai điều tra?
Thường thì Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ sẽ có vai trò trong các cuộc điều tra quốc tế liên quan tới máy bay Boeing của Mỹ.
Nhưng ủy ban này chỉ được tham gia với sự cho phép, và phải hoạt động phù hợp với luật của quốc gia nước ngoài có liên quan.
Trong các bình luận mà hãng thông tấn Mehr của Iran đăng tải, ông Abedzadeh được dẫn lời nói: “Chúng tôi sẽ không trao hộp đen cho nhà sản xuất và người Mỹ.”
“Vụ tai nạn này sẽ được điều tra bởi cơ quan hàng không Iran, nhưng Ukraine cũng có thể hiện diện,” ông nói thêm.
Ông Abedzadeh nói hiện chưa rõ nước nào sẽ phân tích dữ liệu trong các hộp đen – gồm thiết bị thu âm trong buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu hành trình chuyến bay.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong một tuyên bố phát trên truyền hình rằng “một cuộc điều tra kỹ lưỡng và độc lập sẽ được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế”, và rằng ông sẽ trao đổi với giới lãnh đạo Iran để thúc đẩy hợp tác trong việc điều tra vụ tai nạn.
Boeing nói hãng “sẵn sàng trợ giúp với bất kỳ cách nào cần làm”, trong lúc Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói nước ông muốn đóng một vai trò trong cuộc điều tra, và đã đưa ra đề nghị hỗ trợ kỹ thuật.
Tóm tắt vụ việc
Chuyến bay PS752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine bay tới Kyiv có 176 người trên khoang khi bị rớt tại Iran hôm thứ Tư.
Đa số hành khách là công dân Iran và Canada.
Thời tiết vào thời điểm máy bay rớt, có tầm nhìn trong trẻo, theo trang chuyên theo dõi các chuyến bay Flightradar24.
Các quan chức của hãng hàng không nói phi hành đoàn gồm các thành viên dày dạn kinh nghiệm.
Các dữ liệu có công khai trên mạng cho thấy chiếc phi cơ đã lên độ cao bình thường sau khi cất cánh ở Tehran.
Khi đạt độ cao gần 8.000 bộ (2.400m) thì dữ liệu về chiếc phi cơ đột ngột biến mất.
Đây là điều bất thường, và cho thấy có thể có sự cố rất nghiêm trọng trên máy bay. Chúng ta hiện chưa có chứng cứ gì về việc chuyện gì đã xảy ra, phân tích gia BBC Tom Burridge nói.
“Theo một cựu điều tra viên tai nạn hàng không, việc nói rằng động cơ hỏng vào lúc này là quá sớm. Tuy không thể hoàn toàn loại bỏ tình huống này, nhưng một chiếc máy bay như Boeing 737-800 thì được thiết kế để có thể tiếp tục bay khi có một động cơ hỏng,” phân tích gia của BBC nói.
“Hơn nữa, nếu như hỏng động cơ thì chúng ta lẽ ra sẽ phải thấy dữ liệu chuyến bay cho thấy chiếc phi cơ nâng độ cao không nhanh như thế.”
Đa số người thiệt mạng là công dân Iran hoặc gốc Iran
Trong số các nạn nhân có 82 công dân Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine (trong đó gồm toàn bộ phi hành đoàn 9 người), 10 người Thụy Điển, bốn người Afghanistan, ba người Anh và ba người Đức, Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko nói.
Ba công dân Anh có mặt trong danh sách hành khách tử nạn là Mohammed Reza Kadkhoda Zadeh, Sam Zokaei và Saeed Tahmasebi.
Ông Saeed Tahmasebi, người gốc Iran, nghiên cứu sinh tiến sĩ, sống làm việc tại Dartford, phía Đông Nam London, về Iran thăm nhà cùng vợ mới cưới là Niloufar Ebrahim.
Bà Ebrahim, công dân Iran, người chỉ mới đến Anh năm 2018, có tên trong số hành khách bị thiệt mạng.
Tuy nhiên, chính phủ Đức sau đó nói “chúng tôi hiện không có thông tin về việc ba công dân Đức nằm trong số các nạn nhân vụ máy bay rớt tại Iran”.
Người đứng đầu cơ quan tình trạng khẩn cấp của Iran nói 147 nạn nhân là người Iran.
Điều này cho thấy có thể 65 người là công dân nước ngoài mang song tịch.
Thụy Điển có 10 công dân thiệt mạng trong tai nạn này, và chính phủ nước đó cho hay nhiều người mang cả quốc tịch Iran.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51035593
Quân đội Mỹ chuẩn bị
cho ‘những điều tồi tệ nhất’ ở Trung Đông
Các đơn vị quân đội Mỹ đóng tại Iraq và Syria sẵn sàng đối phó các đòn đáp trả từ Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm dù chưa rõ một cuộc tấn công trả đũa của Iran sẽ diễn ra thế nào.
Các lực lượng Mỹ trong khu vực đang củng cố các tiền đồn, căn cứ và sân bay. Lầu Năm Góc điều thêm khoảng 4.500 binh sĩ đến khu vực, bên cạnh 50.000 người đang hiện diện ở đó.
Lực lượng quân đội mới triển khai sẽ hoạt động chủ yếu như một lực lượng phòng thủ, củng cố các căn cứ và cơ sở của Mỹ trong khu vực, đáp trả một cuộc tấn công có thể xảy ra. Họ chưa có kế hoạch tấn công lớn nào trên mặt đất.
Những lực lượng nào được triển khai?
Khoảng 4.000 binh sĩ – từ Sư đoàn 82 Dù đóng tại Fort Bragg, Bắc Carolina, bắt đầu triển khai đến Kuwait. Họ là một phần của lực lượng phản ứng toàn cầu, được duy trì ở chế độ chờ cho các trường hợp khẩn cấp. Một sĩ quan quân đội cấp cao Mỹ cho biết việc triển khai đơn vị Dù số 82 và các lực lượng mặt đất khác nhằm phòng thủ, bố trí thêm quân đội ở Trung Đông, từ đó có thể nhanh chóng bảo vệ hoặc củng cố lực lượng cho các đại sứ quán, lãnh sự quán và căn cứ quân sự của Mỹ.
Theo một quan chức của Bộ Quốc phòng, khoảng 100 lính nhảy dù khác thuộc Đội chiến đấu Lữ đoàn Dù số 173, có cơ sở tại Vicenza, Italy, cũng sẽ triển khai đến Trung Đông. Vị quan chức lưu ý rằng kế hoạch cho bất kỳ cuộc xung đột lớn hơn nào với Iran sẽ không giống như Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 hay Chiến tranh Iraq năm 2003. Thay vào đó, các cuộc xung đột kéo dài nếu xảy ra sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các lực lượng không quân và hải quân, cũng như các cuộc tấn công mạng.
Các đơn vị khác bao gồm khoảng 100 lính thủy đánh bộ từ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7 Hải quân. Đội ngũ được triển khai đến Kuwait như một phần của lực lượng đặc nhiệm có mục đích đối phó với các tình huống khẩn cấp ở Trung Đông.
Khoảng 100 lính biệt kích Mỹ từ Trung đoàn biệt động 75 thuộc Lục quân Mỹ đã triển khai ngay sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tuần trước. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, biệt động, một phần của Bộ chỉ huy Hoạt động Đặc biệt bí mật, rất có thể sẽ đóng vai trò là lực lượng phản ứng nếu bất kỳ lực lượng nào được Iran hậu thuẫn tiến hành một cuộc tấn công phối hợp vào vị trí của Mỹ.
Đơn vị Thủy quân lục chiến viễn chinh 26 bao gồm khoảng 2.200 lính thủy đánh bộ và thủy thủ – bộ binh, đơn vị hậu cần và một phi đội máy bay, cụ thể là máy bay trực thăng vận tải và máy bay phản lực. Các đơn vị viễn chinh này từ lâu đã đóng vai trò là lực lượng phản ứng toàn cầu. Thông thường sự hiện diện của họ ở vịnh Ba Tư nhằm hỗ trợ các hoạt động ở Iraq, Syria và Afghanistan.
Lực lượng hiện diện trong khu vực
Có từ 45.000 đến 65.000 nhân viên quân vụ Mỹ – con số có thể thay đổi theo ngày – hiện được triển khai ở Ả-rập Xê-út và các quốc gia vùng Vịnh khác, trong đó khoảng 5.500 binh sĩ ở Iraq và 600 ở Syria.
Để đối phó với các cuộc tấn công và khiêu khích của Iran kể từ tháng 5, Lầu Năm Góc triển khai thêm khoảng 14.000 binh sĩ tới khu vực vịnh Ba Tư, trong đó có thêm khoảng 3.500 người tới Ả-rập Xê-út.
Khoảng 2.000 lính Mỹ đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết đóng tại căn cứ không quân Incirlik. Bất chấp những căng thẳng gần đây với đồng minh NATO, Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng sân bay này. Máy bay Mỹ xuất phát hàng trăm lượt từ căn cứ này trong giai đoạn đỉnh điểm cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Iraq và Syria hai năm 2016 và 2017.
Bahrain là nơi đặt trụ sở Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, nơi chỉ huy các tàu chiến tuần tra trong khu vực. Tại Qatar, căn cứ Al Udeid là nơi đồn trú của khoảng 10.000 quân. Đây là trụ sở cho các hoạt động hàng
không của Mỹ trong khu vực, tổ chức một đội tàu tiếp nhiên liệu, cùng với máy bay trinh sát và máy bay ném bom.
Mật báo viên từ Iraq, Syria giúp Mỹ hạ sát Tướng Iran
Tướng Iran Qassem Soleimani đến phi trường Damacus trên một chiếc xe có cửa kính phủ màu đen. Bốn binh sĩ thuộc Vệ binh Quốc gia Iran đi với ông. Chiếc xe đậu tại cầu thang dẫn tới máy bay Cham Wings Airbus A320 được lên lịch bay đến Baghdad.
Ông Soleimani cũng như bốn binh sĩ đều không có tên trong danh sách hành khách, theo một nhân viên hãng hàng không Cham Wings mô tả với Reuters cảnh những người này rời khỏi thủ đô Syria. Ông Qassem Soleimani tránh dùng máy bay riêng vì những quan ngại về an ninh của ông ngày càng tăng, một nguồn tin an ninh Iraq biết về sự sắp xếp an ninh của ông Soleimani nói.
Đây là chuyến bay cuối cùng của ông Soleimani. Rocket bắn từ máy bay không người lái của Mỹ giết chết ông Soleimani khi ông rời phi trường Baghdad trong đoàn xe bọc thép. Cũng thiệt mạng là một người đàn ông đón ông tại phi trường: ông Abu Mahdi Muhandis, chỉ huy phó Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF), một tổ chức ô dù của chính phủ Iraq dành cho lực lượng dân quân của nước này.
Cuộc điều tra của Iraq về vụ tấn công giết hai người này hôm 3/1 bắt đầu vài phút sau cuộc tấn công của Hoa Kỳ, hai giới chức an ninh Iraq nói với Reuters. Các nhân viên An ninh Quốc gia phong tỏa phi trường ngăn hơn một chục nhân viên an ninh không được rời phi trường kể cả cảnh sát, nhân viên hộ chiếu và tình báo.
Các nhà điều tra chú trọng đến việc làm thế nào những mật báo viên bên trong phi trường Damacus và Baghdad hợp tác với quân đội Mỹ theo dõi và xác định vị trí của ông Soleimani, theo cuộc phỏng vấn của Reuters với 2 nhân viên an ninh hiểu biết trực tiếp về cuộc điều tra của Baghdad, hai nhân viên phi trường Baghdad, hai cảnh sát và 2 nhân viên của hãng hàng không Cham Wings Syria, là một hãng hàng không thương mại tư nhân có trụ sở tại Damacus.
Cuộc điều tra do ông Falih al-Fayadh, Cố vấn An ninh Quốc gia Iraq và người đứng đầu PMF, tổ chức điều phối với dân quân Iraq hầu hết là người Shia, nhiều người trong số này được Iran hỗ trợ và có liên hệ chặt chẽ với ông Soleimani.
Những nhà điều tra của cơ quan An ninh Quốc gia có “những chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy một mạng lưới gián điệp làm việc bên trong phi trường Baghdad liên hệ đến việc rò rỉ những chi tiết an ninh nhạy cảm” về chuyến đi của ông Soleimani cho Mỹ, một trong những giới chức an ninh Iraq nói với Reuters.
Các nghi can bao gồm hai nhân viên an ninh tại phi trường Baghdad và hai nhân viên của Cham Wings-“một gián điệp tại phi trường Damacus và một gián điệp khác làm việc trên máy bay,” nguồn tin nói. Các nhà điều tra của cơ quan An ninh Quốc gia tin rằng 4 nghi can, chưa bị bắt, làm việc cho một tổ chức lớn hơn cung cấp tin tức cho quân đội Mỹ, giới chức này nói.
Hai nhân viên của Cham Wings đang bị tình báo Syria điều tra, theo nguồn tin từ hai giới chức an ninh Iraq. Tổng nha tình báo Syria không đáp ứng yêu cầu bình luận. Tại Baghdad, nhân viên An ninh Quốc gia đang điều tra những nhân viên an ninh của hai phi trường, những người thuộc Dịch vụ Bảo vệ Cơ sở, theo một giới chức Iraq cho biết.
“Những phát hiện đầu tiên của toán điều tra Baghdad nói tin đầu tiên về chuyến đi của ông Soleimani đến từ phi trường Damacus,” giới chức này cho hay. “Nhiệm vụ của tổ bí mật tại phi trường Baghdad là xác nhận lúc đến của mục tiêu và chi tiết đoàn xe của ông.”
Văn phòng truyền thông của cơ quan An ninh Quốc gia Iraq không trả lời yêu cầu bình luận. Phái bộ Iraq tại Liên hiệp quốc ở New York cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận là liệu tin tức tại Iraq và Syria đóng một vai trò trong cuộc tấn công hay không. Các giới chức Mỹ nói với điều kiện ẩn danh cho Reuters biết là Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ hành tung của ông Soleimani trong nhiều ngày trước cuộc tấn công, nhưng không cho biết làm thế nào quân đội xác định được vị trí của ông này vào đêm tấn công.
Một quản lý của Cham Wings tại Damacus nói các nhân viên của hãng bị cấm không được bình luận về cuộc tấn công hay cuộc điều tra. Một phát ngôn viên của Thẩm quyền Hàng Không dân dụng Iraq, đơn vị vận hành các phi trường của quốc gia, từ chối bình luận về cuộc điều tra nhưng gọi đây là chuyện bình thường sau “các sự cố như vậy liên hệ đến các giới chức cao cấp.”
Máy bay của ông Soleimani đáp xuống phi trường Baghdad vào khoảng 12:30 rạng sáng ngày 3/1, theo hai giới chức phi trường, căn cứ vào camera an ninh. Tướng Soleimani và cận vệ rời khỏi máy may bằng cầu thang trực tiếp đến phòng đợi của phi trường, không qua hải quan. Ông Muhandis gặp ông Soleimani bên ngoài phi cơ, và hai người bước vào một chiếc xe bọc thép đang đợi. Các binh sĩ bảo vệ ông tướng bước vào một xe SUV bọc thép khác, các giới chức phi trường nói.
Giữa lúc các giới chức an ninh trông theo, hai chiếc xe trực chỉ về phía con đường chính ra khỏi phi trường, các giới chức cho hay. Hai chiếc rocket đầu tiên của Mỹ bắn trúng chiếc xe chở ông Soleimani và Muhandis vào lúc 12:55 rạng sáng. Chiếc SUV chở nhân viên an ninh bị bắn trúng vài giây sau đó.
Vài giờ sau cuộc tấn công, các nhà điều tra duyệt xét lại các cú điện thoại gọi đến và những tin nhắn của nhân viên ca đêm của phi trường để tìm xem ai là người đưa cho Mỹ về hành tung của ông Soleimani, các giới chức an ninh Iraq cho hay. Nhân viên An ninh Quốc gia thẩm vấn hàng giờ các nhân viên an ninh phi trường và Cham Wing, các nguồn tin nói. Một nhân viên an ninh nói ông bị thẩm vấn 24 giờ trước khi được trả tự do. Trong nhiều giờ họ hỏi ông đã nói chuyện với ai hay nhắn tin cho ai trước khi máy bay ông Soleimani đáp xuống-trong đó có những “yêu cầu kỳ quặc” liên hệ đến chuyến bay Damacus-và tịch thu điện thoại di động của ông.
“Họ hỏi tôi một triệu câu hỏi,” ông nói.
Tổng thống Trump
không có nhiều lựa chọn khi chế tài thêm Iran
Ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo Hoa Kỳ sẽ lập tức áp đặt thêm những chế tài mạnh mẽ đối với Iran, một ngày sau khi Iran phóng phi đạn vào hai căn cứ Iraq có binh sĩ Mỹ trú đóng để trả đủa vụ hạ sát tướng hàng đầu Qassem Soleimani của Iran.
“Những chế tài này vẫn giữ nguyên cho đến khi Iran thay đổi thái độ,” ông Trump nói trong một bài diễn văn truyền hình từ Tòa Bạch Ốc.
Tuy nhiên Iran đã bị những chế tài làm tê liệt nước này với nhiều tỉ đô la thiệt hại trong một năm. Vấn đề là những trừng phạt nào thêm nữa chính quyền Mỹ có thể áp đặt lên Tehran?
“Đây là một câu hỏi rất đúng bởi vì hiện nay mỗi lãnh vực của nền kinh tế Iran đều bị chế tài,” ông Kenneth Katzman, nhà phân tích hàng đầu về Iran tại Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội nói. “Do đó tôi nghĩ các chuyên gia gồm cả tôi đều tự hỏi có thể làm thêm gì nữa đây, vì thực ra không có gì để đào xới thêm hơn những gì đã làm.”
Việc xuất khẩu khí đốt của Iran, hiện chưa bị chế tài, có thể bị nhắm vào, nhưng việc này sẽ làm thiệt hại cho những người mua như Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ, ông Katzman nói. Một giải pháp khác là thắt chặt những chế tài hiện hữu, dù nỗ lực này,có thể đối mặt với kháng cự của những công ty muốn giao dịch với Iran.
Những người từ lâu ủng hộ những chế tài đối với Iran vẫn có chiều hướng trừng phạt thêm Iran.
“Hoa Kỳ có những đòn bẩy thêm nữa, đặc biệt liên hệ đến những tài sản của lãnh tụ Tối cao [Ayatollah Ali Khamenei] và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo. Nhắm đặc biệt vào những tài sản này sẽ tăng thêm áp lực đối với chế độ và tránh thiệt hại cho người dân Iran,” bà Annie Fixler, một nhà phân tích tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, một cơ quan nghiên cứu bảo thủ từ lâu bênh vực những chế tài đối với chế độ Iran, nói.
Tòa Bạch Ốc không đưa ra chi tiết về tuyên bố của Tổng thống. Một phát ngôn viên Bộ Tài chánh nói bà không có tin tức gì là liệu những chế tài thêm nữa đang được cứu xét hay không.
Kể từ cuộc Cách mạng Hồi Giáo năm 1979, chính quyền Mỹ đã đưa ra một loạt chế tài rộng rãi nhằm thúc đẩy Iran thay đổi thái độ. Những hạn chế này bao gồm “những chế tài chính” như cấm giao dịch thương mại trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Iran và những “chế tài thứ yếu” như hạn chế những công ty nước ngoài giao dịch với Iran. Trong những năm gần đây, chế tài Iran đôi khi được xem như là “những chế tài liên hệ đến hạt nhân” và “những chế tài phi hạt nhân.”
Những chế tài phi hạt nhân
Những chế tài này có từ những ngày đầu của nước Cộng hòa Hồi Giáo và được áp đặt mạnh mẽ trước khi đe dọa hạt nhân của Iran nổi lên vào năm 2010. Những chế tài này bao gồm cấm giao dịch thương mại giữa Hoa Kỳ và Iran cũng như những chế tài liên hệ đến việc Iran hỗ trợ khủng bố và những nỗ lực thủ đắc công nghệ phi đạn tiên tiến. Những chế tài vẫn giữ nguyên. Những hạn chế cũng bao gồm việc cấm các công ty nước ngoài giao dịch với Iran bằng đô la Mỹ.
Những chế tài hạt nhân
Những chế tài này được áp đặt trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2015 giữa lúc phương Tây quan ngại là Iran đang phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Những chế tài này giúp giảm bớt một nửa mức xuất khẩu dầu mỏ của Iran, gây khó khăn cho các ngân hàng Iran giao dịch với thế giới bên ngoài, và cắt giảm sự tiếp cận tài sản của Iran có tại nước ngoài vào khoảng từ 100 tỉ đến 150 tỉ đô la. Phe ủng hộ nói những chế tài này giúp mang Iran đến bàn thương thuyết.
Thỏa thuận hạt nhân 2015 và việc nới lỏng chế tài
Vào năm 2015, Iran đồng ý ngưng chương trình hạt nhân để đổi lấy nới lỏng chế tài quốc tế rộng rãi. Trong khuôn khổ của thỏa thuận, Hoa Kỳ gỡ bỏ chế tài đối với những cá nhân Iran cũng như khu vực dầu mỏ, ngân hàng và vận chuyển bằng tàu thuyền. Hoa Kỳ cũng gỡ bỏ những hạn chế việc Iran tiếp cận hệ thống tài chánh quốc tế, cho phép từ 100 tỉ đến 150 tỉ đô la tài sản luân chuyển trở lại các két sắt của Iran. Tổng thống Trump bác bỏ những điều khoản của thỏa thuận hạt nhân được chính quyền Obama thương thuyết, cho rằng tiền được dùng để thúc đẩy các hoạt động khủng bố của Iran. Tuy nhiên những chế tài liên hệ đến lãnh vực phi đạn đạn đạo và xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí của Iran vẫn giữ nguyên.
Tái áp đặt chế tài
Vào tháng 11 năm 2018, sáu tháng sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, chính quyền Tổng thống Trump loan báo những chế tài rộng rãi nhất đối với Iran, tái áp đặt những trừng phạt đã được gỡ bỏ hay ngưng trong khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân 2015 cũng như áp đặt thêm những hạn chế. Hơn 700 cá nhân, thực thể, máy bay, tàu thuyền bị nhắm vào. Động thái này là một phần của “áp lực tối đa” của chính quyền nhằm buộc Iran tái thương thuyết thỏa thuận hạt nhân.
Theo Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội, tái áp đặt các chế tài đã làm suy thoái nền kinh tế Iran, tạo nên những bất ổn trên toàn quốc. Thêm vào đó, trong khi những chế tài trực tiếp của châu Âu đối với Iran vẫn được gỡ bỏ, đe dọa chế tài của Hoa Kỳ đã làm giảm khối lượng giao dịch giữa Iran và châu Âu.
Tuy nhiên những chế tài này đã thất bại trong việc làm thay đổi thái độ của Iran, ông Katzman nói, cho rằng chế độ Iran vẫn tiếp tục ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm và đồng minh tại Trung Đông.
Ông Katzman nói “Iran chứng tỏ khả năng tiếp tục những hoạt động này ở mức độ cao ngay cả khi đối mặt những chế tài khắc nghiệt. Do đó tôi không nghĩ là bất cứ chế tài nào thêm nữa có thể làm thay đổi thái độ này trên thực tế.”
Ai có thể ngăn ông Trump khỏi chiến tranh với Iran?
Ít người có thể thuyết phục ông Trump hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ với Iran, nhưng theo New York Times, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa có tầm ảnh hưởng sẽ có khả năng này.
Ông Donald Trump đe dọa sẽ tấn công vào 52 mục tiêu ở Iran nếu Tehran làm tổn thương đến bất kỳ người Mỹ nào. Tuy nhiên, New York Times đang kêu gọi Quốc hội Mỹ “khuyên can” ông Trump và ngăn không cho một cuộc chiến với Iran xảy ra.
Iran tuyên bố rằng, họ từ bỏ thực hiện các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận vũ khí hạt nhân. Và Quốc hội Iraq yêu cầu chính phủ chấm dứt sự hiện diện của người Mỹ trên đất nước họ. Do đó, theo các nhà báo Mỹ, vụ ám sát Tướng Soleimani không hề dẫn đến bất kỳ sự “tháo ngòi nổ” nào.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran diễn ra từ năm 1979, khi 52 người bị bắt làm con tin tại đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Trong 22 năm, Tướng Soleimani đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đối đầu này, ngoại trừ một số thời điểm hiếm hoi, như khi ông đề nghị sự hỗ trợ đối với Mỹ sau cuộc tấn công ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, các Tổng thống Mỹ trước đây rất ngại có bất kỳ hành động nào chống lại nhân vật này, bởi Iran có thể đưa ra lời đáp trả bất đối xứng cho một hành động như vậy.
Ngay sau cuộc chiến với Iraq, Iran đã áp dụng chiến lược chiến tranh trung gian thông qua các đồng minh của mình ở Iraq, Yemen, Syria và Lebanon. Và tại những nơi đó, khó có thể quan sát “ranh giới đỏ” mà ông Trump vẽ ra cho Iran – Tổng thống Mỹ không thể ấp đặt đối với cả khu vực. Và bản thân
Iran cũng có thể đáp trả một cách gián tiếp, nhưng hiệu quả, chẳng hạn, với việc sử dụng các cuộc tấn công mạng, tấn công nhằm vào các đồng minh của Mỹ hay cản trở thương mại.
Chính quyền ông Trump làm giảm bớt tiếng nói của các chuyên gia an ninh quốc gia, và họ cũng không cố để có được lời khuyên chuyên môn từ bên ngoài. Theo đó, ông Trump không thông báo cho bất cứ ai trong Quốc hội trước cuộc tấn công vào tướng Iran. Các nghị sĩ hy vọng rằng Nhà Trắng sẽ sớm cung cấp cho họ tài liệu làm rõ tình hình, bao gồm cả lời giải thích đối với công chúng. Tuy nhiên, tài liệu đó lại được phân loại mật, và điều này cũng khiến các nghị sĩ lo lắng.
Ngay tại thời điểm này, một số nhà lập pháp đang làm việc để phát triển một nghị quyết nhằm cấm chính quyền leo thang xung đột mà không có sự đồng ý của Quốc hội. Tuy nhiên, các tác giả của bài viết trên New York Times lưu ý rằng, những sáng kiến kiểu như vậy đã không thể đánh bại được “tâm trạng hiếu chiến” trong chính quyền sau cuộc tấn công năm 2001.
Do đó, họ kêu gọi các thượng nghị sĩ Cộng hòa có tầm ảnh hưởng như Lindsey Graham, Marco Rubio và Mitch McConnell nhắc nhở ông Trump rằng, ông ấy từng hứa sẽ giữ Mỹ tránh xa các cuộc chiến tranh nước ngoài. Theo họ, trước khi ông Trump có ý định lắng nghe họ hay không, thì ít nhất ông ấy cũng vẫn có nỗi sợ mang tên “mối đe dọa luận tội”. “Cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa đạt đến điểm không thể quay đầu. Những tiếng nói của lý trí có thể ngăn ông ấy đưa sự việc đến mức đó”, New York Times kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32530-ai-co-the-ngan-ong-trump-khoi-chien-tranh-voi-iran.html
Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ chia rẽ sau buổi điều trần
của các viên chức chính quyền Trump
về cuộc khủng hoảng Iran
Vào hôm thứ Tư (8 tháng 1), các viên chức chính quyền tổng thống Trump tổ chức buổi điều trần tại Quốc hội về việc Hoa Kỳ giết tướng Qassem Soleimani của Iran, gây ra một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông. Buổi điều trần được tổ chức trong bối cảnh đảng Dân chủ thúc đẩy ban hành luật nhằm kiềm chế khả năng phát động chiến tranh.của tổng thống Trump.
Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley và Giám đốc CIA Gina Haspel đã báo cáo trước Hạ viện và Thượng viện trong phiên họp kín, được tổ chức năm ngày sau khi máy bay không người lái của Hoa Kỳ giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds ở Iraq. Cuộc họp diễn ra chỉ vài giờ sau khi Iran bắn hỏa tiễn vào các căn cứ quân sự có quân đội Hoa Kỳ ở Iraq, nhằm trả thù việc giết chết tướng Soleimani, làm gia tăng căng thẳng trong cuộc xung đột với Washington, có khả năng mở rộng cuộc chiến tranh Trung Đông. Sau cuộc họp, các thượng nghị sĩ bất đồng quan điểm và họ chia rẽ chủ yếu theo làn ranh đảng phái, trong khi đảng Dân chủ nghi ngờ về tuyên bố của tổng thống, về một “mối đe dọa sắp xảy ra” từ Iran, dẫn đến việc Hoa Kỳ tổ chức không kích, thì phe Cộng hòa lại ca ngợi “hành động quyết liệt” của Tổng thống Trump.
Nhưng theo thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Lee, đây “có lẽ là cuộc họp tồi tệ nhất” ông từng thấy trong 9 năm ở Thượng viện. Điều làm ông Lee thất vọng đó là một trong những thông điệp nhận được từ những người điều trần là: đừng tranh luận, hay thảo luận về sự đúng đắn của việc can thiệp quân sự vào Iran. Đối với ông Lee, đây là một điều xúc phạm và hạ thấp Hiến pháp Hoa Kỳ, là luật pháp tối cao mà tất cả công dân đều tuyên thệ.
Mộc Miên
Iran, mặt trận mới giữa Nhà Trắng và Hạ Viện Mỹ
Thanh Hà
Hạ Viện Hoa Kỳ trong tay đảng Dân Chủ đối lập ngày 09/10/2019 đã thông qua một nghị quyết giới hạn khả năng can thiệp quân sự tại Iran của tổng thống Donald Trump. Nghị quyết đã được thông qua
với 224 phiếu thuận và 194 phiếu chống. Như vậy là Iran đang trở thành mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa Nhà Trắng và Hạ Viện.
Văn bản này chỉ mang tính biểu tượng vì chắc chắn sẽ bị bác tại Thượng Viện, tuy nhiên một lần nữa hai đảng Cộng Hòa và đối lập Dân Chủ lại có cơ hội để đối đầu nhau.
Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Washington, Anne Corpet phân tích :
“Nghị quyết khuyến khích tổng thống ngưng sử dụng vũ lực với Iran. Văn bản này nhìn nhận tướng Soleimani là nhân vật chủ chốt trong các hoạt động khủng bố trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh đến nguy cơ căng thẳng leo thang vì cái chết của viên tướng Iran này.
Dân biểu Tulsi Gabbard, đại diện cho bang Hawaii và cũng là một trong những ứng viên muốn đại diện cho đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống, cho biết : « Tổng thống Trump đã có hành động chiến tranh bất hợp pháp, trái với Hiến Pháp. Hành vi này đẩy nước Mỹ đến gần hơn với một cuộc chiến chống Iran mà không có sự đồng thuận của Hạ Viện. Đây sẽ là một cuộc chiến tốn kém và có sức tàn phá nghiêm trọng hơn rất nhiều so với hai cuộc chiến của Mỹ tại Irak và Afghanistan ».
Trong khi đó, đảng Cộng Hòa cho rằng Donald Trump đã phản ứng chừng mực để bảo vệ lợi ích quốc gia. Dân biểu bang Texas, Michael McCaul nói : « Rất tiếc là đảng Dân Chủ không hề tín nhiệm tổng thống, ngay cả khi đấy là một việc làm chính đáng. Thái độ này càng khuyến khích Iran. Tôi ngạc nhiên trước nghị quyết của Hạ Viện. Với tư cách là một quốc gia, chúng ta cần đoàn kết. Nhưng thay vào đó, nghị quyết mang nặng màu sắc chính trị này lại xem an ninh quốc gia như trò đùa ».
Nghị quyết vừa được Hạ Viện thông qua không có cơ may được Thượng Viện chấp thuận. Đây là nơi đảng Cộng Hòa chiếm đa số, cho dù 2 thượng nghị sĩ của đảng này cho biết là sẽ ủng hộ nghị quyết giới hạn quyền hạn can thiệp vào Iran của tổng thống Trump. Phần còn lại bên đảng Cộng Hòa đoàn kết ủng hộ tổng thống Trump.”
Trả lời báo chí tại Nhà Trắng ngày 09/01/2020 tổng thống Mỹ một lần nữa giải thích về quyết định hạ sát tướng Iran Soleimani hồi tuần trước. Nguyên thủ Mỹ khẳng định tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran từng “có âm mưu cho nổ tòa đại sứ Mỹ tại Irak”.
California gây quỹ 750 triệu Mỹ kim
để chống lại tình trạng vô gia cư
Vào năm 2019, tiểu bang Californa đầu tư hàng tỷ Mỹ kim nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng vô gia cư tại đây. Do đó, với việc doanh thu tăng mạnh, chính quyền của thống đốc Gavin Newsom mong muốn chi thêm một tỷ Mỹ kim vào các chương trình nhằm giúp đỡ những người vô gia cư.
Hôm thứ tư (8/1), thống đốc Newsom ký một lệnh hành pháp để tạo ra quỹ trị giá 750 triệu Mỹ kim, qua đó các nhà cung cấp có thể sử dụng nguồn quỹ để trả tiền thuê nhà, tài trợ nhà ở giá rẻ, nhà cho thuê ngắn hạn hoặc các trung tâm chăm sóc. Bên cạnh đó, thống đốc Newsom cũng muốn sử dụng tài sản tiểu bang bỏ trống để giúp đỡ những người vô gia cư. Ông đang cố gắng thực hiện những thay đổi đối với chương trình trợ cấp y tế của tiểu bang nhằm tăng chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe dự phòng. Ngoài ra, thống đốc Newsom cho biết, phần cuối cùng của khoản viện trợ vô gia cư khẩn cấp trị giá 650 triệu Mỹ kim đã được gửi đi cho các quận và thành phố vào thứ tư tuần này, trước đó khoảng trợ cấp này được chính quyền thông qua vào tháng 6/2019. Theo báo cáo của Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị Hoa Kỳ, trong năm 2019, dân số vô gia cư tại tiểu bang California tăng 16%, lên khoảng 150,000 người. Đó là hơn một phần tư của tổng số dân cư tại Hoa Kỳ.
Trong tuần này, tổng thống Donald Trump tiếp tục phê bình các nhà lãnh đạo Dân chủ California, và đặc biệt là những người ở tiểu bang Los Angeles và San Francisco, vì không giải quyết thỏa đáng tình trạng vô gia cư.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/california-gay-quy-750-trieu-my-kim-de-chong-lai-tinh-trang-vo-gia-cu/
Quân đội Hoa Kỳ
bác tin đồn tổng động viên để đối phó Iran
Tin Washington DC – Chính phủ Hoa Kỳ mới đây cho biết, quân đội không hề ra lệnh tổng động viên yêu cầu người dân Mỹ phải thi hành quân dịch , sau khi nhiều người nhận được tin nhắn giả mạo nói rằng họ đã được chọn để tham chiến chống Iran. Thông báo của chính phủ được đưa ra giữa lúc căng thẳng đang tăng cao giữa Hoa Kỳ và Iran.
Vào tuần trước, Hoa Kỳ đã không kích tiêu diệt một chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran, và để đáp trả, Iran vào thứ Ba đã bắn hơn một chục hỏa tiễn vào 2 căn cứ ở Iraq nơi quân đội Hoa Kỳ đồn trú. Trong thông cáo vào thứ Tư, 8 tháng 1, nhà chức trách cho biết Cơ quan tuyển binh của quân đội Hoa Kỳ đã nhận được nhiều cuộc điện thoại và email hỏi về các tin nhắn giả mạo. Do đó, quân đội muốn người dân Mỹ biết rằng các tin nhắn này là giả mạo và không đến từ chính phủ. Thông báo cũng giải thích rằng quyết định tổng động viên sẽ không được thực hiện bởi Cơ quan tuyển binh của quân đội Hoa Kỳ, mà được thực hiện bởi Selective Service System, một cơ quan riêng không thuộc Bộ Quốc Phòng. Trong các tin nhắn giả mạo, người nhận tin nhắn được cho biết là đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, và được yêu cầu phải trình diện tại căn cứ quân sự ở Florida hoặc ở New Jersey, để lên đường tới Iran ngay lập tức. Người nhận tin nhắn cũng bị dọa sẽ bị phạt tù ít nhất 6 năm tù nếu không hồi đáp.
Nhà chức trách cho biết các tin nhắn này có vẻ được gởi ngẫu nhiên và không đặc biệt nhắm vào bất cứ một cộng đồng dân cư nào. Quân đội hiện vẫn đang tìm hiểu nguồn gốc của các tin nhắn này. Quân đội Hoa Kỳ đã bỏ lệnh tổng động viên từ năm 1973, và từ đó đến nay, toàn bộ quân đội Hoa Kỳ đều là lực lượng tự nguyện.
https://www.sbtn.tv/quan-doi-hoa-ky-bac-tin-don-tong-dong-vien-de-doi-pho-iran/
Triển vọng kinh tế Mỹ 2020:
Không suy thoái, tăng trưởng vừa phải, lạm phát thấp
Sau khi năm 2019 kết thúc với nền kinh tế Mỹ ước tính đạt mức tăng trưởng lành mạnh là 2,1%, giờ đây giới kinh doanh và các nhà đầu tư thế giới đang quan tâm xem triển vọng của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ ra sao trong năm 2020.
Đáp lại mối quan tâm này, nhiều chuyên gia, các nhà phân tích kinh tế đưa ra dự báo rằng Mỹ sẽ có một năm không suy thoái kinh tế, đồng thời, tăng trưởng sẽ vừa phải và lạm phát thấp.
Các chỉ số về chế tạo và thương mại được chính phủ Mỹ công bố hôm 8/1 được xem là chỉ báo cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2020, theo một bài báo của CNBC.
Riêng về thâm hụt thương mại của Mỹ, con số này đã giảm 8,2% xuống còn 43,1 tỷ đô la vào tháng 11/2019, mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Trump nắm quyền, nhờ xuất khẩu của Mỹ đã gia tăng, trang tin kinh tế-tài chính MarketWatch đưa tin.
“Nền kinh tế Mỹ tốt hơn bạn nghĩ, hãy đặt cược vào nó”, ông Chris Rupkey, trưởng bộ phận kinh tế tài chính của ngân hàng Mỹ mang tên MUFG Union Bank, nhận xét, được CNBC dẫn lại.
Các trở lực giảm đi
Một trong những lý do mang lại tâm lý lạc quan là việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 về tranh chấp thương mại, sẽ được ký kết vào ngày 15/1, cũng như việc Tổng thống Trump cuối năm 2019 ký đưa vào thực thi hiệp định thương mại với Mexico và Canada.
“Dường như các hãng đã phản ứng tức thì và tích cực về tin liên quan đến Thỏa thuận Giai đoạn 1 sẽ ngăn chặn việc áp đặt thêm các mức thuế cao hơn đối với hàng tiêu dùng”, ông Ian Shepherdson, kinh tế gia trưởng của hãng tư vấn và nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics, đưa ra đánh giá, theo CNBC.
Các thỏa thuận thương mại này làm giảm bớt một trong những lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ, đó là sự bất định, báo Washington Post nhận xét trong một phóng sự.
“Các lãnh đạo doanh nghiệp nói ít nhất là họ biết tình hình sẽ có thể ra sao trong năm 2020, giờ đây mọi chuyện rõ ràng hơn là khi cuộc chiến thương mại của ông Trump nổ ra cách đây gần 2 năm”, bài báo của Washington Post viết.
Thuế quan sẽ ổn định hơn trong một thời gian và một số vật cản đối với tăng trưởng bị loại bỏ, “điều đó sẽ có tác động tích cực mạnh mẽ lên nền kinh tế Mỹ”, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump nói với Washington Post hồi tháng 12/2019.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nước khác giảm đi nói riêng nằm trong xu thế các căng thẳng địa chính trị nói chung sẽ giảm trong năm 2020 so với năm trước, trong đó có vấn đề bất ổn ở Hong Kong và tình hình Brexit, ông Ed Yardeni, chủ tịch hãng Yardeni Research chuyên về phân tích và chiến lược đầu tư toàn cầu, nhận định với MarketWatch.
Xác suất suy thoái bằng 0
Về chính trị trong nước Mỹ, năm 2020 có phần chắc sẽ vẫn là bầu không khí gay gắt như năm 2019. “Dù vậy, nền kinh Mỹ sẽ vẫn tiếp tục hoạt động tốt bất chấp những sự ồn ào phát ra từ Washington”, chủ tịch của Yardeni Research viết cho MarketWatch.
Trên nền tảng đó, ông Yardeni tiên liệu rằng xác suất Mỹ bị suy thoái là 0%, tăng trưởng GDP thực là khoảng 2% trong khi lạm phát sẽ dưới 2%.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox Business Network, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, FED, ở Minneapolis là Neel Kashkari nói trong dự báo của ông không có suy thoái.
“Chắc chắn là trong dự báo hiện nay của tôi, suy thoái không nhất thiết sẽ xảy ra trong năm 2020 cho tới 2 năm nữa”, ông Kashkari nói. FED đóng vai trò là ngân hàng trung ương của Mỹ.
Tương tự, Ngân hàng tư của J.P. Morgan kỳ vọng rằng trong năm 2020, Mỹ sẽ không suy thoái và lạm phát không tăng đột biến, CNBC đưa tin.
Đông đảo các nhà kinh tế khác cũng tin rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2020. Tốc độ này đủ vững chắc để bảo đảm tỷ lệ thất nghiệp chỉ giữ ở gần mức thấp trong nửa thế kỷ qua là 3,5%, Washington Post tường thuật.
Tổng thống Trump sẽ có nhiệm kỳ 2?
Tình hình như vậy có thể có lợi cho chiến dịch vận động bầu cử của ông Trump vì chưa có tổng thống nào kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 bị thất cử nhiệm kỳ 2 khi tỷ lệ thất nghiệp dưới 7,4%, Washington Post đưa ra đánh giá.
Chuyên gia Yardeni cũng dự báo sẽ không có sự thay đổi đột biến về lãnh đạo trong Nhà Trắng, hay nói cách khác, Tổng thống Trump sẽ tại vị trong nhiệm kỳ thứ hai, tin của MarketWatch viết.
Giữa những dự báo tích cực pha lẫn thận trọng, tạp chí Forbes đăng ý kiến của ông Alejandro Chafuen, Giám đốc Điều hành mảng quốc tế, thuộc Viện Acton Institute, lưu ý rằng vẫn cần tính đến tác động từ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
“Xét đến thực tế là hầu hết các ứng cử viên bên đảng Dân chủ đều hứa hẹn sẽ đảo ngược các chính sách về giảm thủ tục và thuế của chính quyền ông Trump, các tác nhân kinh tế hiện đối mặt với kịch bản gồm ‘lo sợ, bất định, và hoài nghi’”, ông Chafuen nói. Ông cũng là Chủ tịch Hội Philadelphia chuyên về thảo luận tư tưởng.
Mặc dù vậy, ông Chafuen đồng ý rằng không có chỉ dấu kinh tế nào cho thấy sẽ có khủng hoảng trong ngắn hạn, và vì vậy, ông nói “nền kinh tế Mỹ, giống như một con tàu khổng lồ di chuyển chầm chậm, sẽ tiếp tục tiến lên và đi trước hầu hết các nền kinh tế phương Tây khác”.
Thủ tướng Canada: Bằng chứng cho thấy
máy bay Ukraine bị Iran bắn rơi
Chiếc máy bay của hàng không Ukraine bị rơi tại Iran làm 176 người thiệt mạng, có phần chắc bị phi đạn Iran bắn hạ, Thủ tướng Justin Trudeau của Canada ngày 9/1 tuyên bố, viện dẫn tin tình báo Canada và những nguồn khác.
Ông Trudeau nói tại một cuộc họp báo ở Ottawa rằng việc hủy diệt chiếc máy bay “có thể là không có chủ ý.”
Chuyến bay trên đường từ Tehran đến Kiev sáng ngày 8/1 với 63 người Canada trong số hành khách và phi hành đoàn.
“Chúng ta có tin tình báo từ nhiều nguồn, trong đó có đồng minh của chúng ta và tình báo của chúng ta. Bằng chứng cho thấy chiếc máy bay bị phi đạn đất đối không của Iran bắn rơi,” Thủ tướng Canada nói.
Chiếc máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine bị rơi chẳng bao lâu sau khi Iran bắn phi đạn đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ tại Iraq, và Iran báo động cao vì sợ quân đội Hoa Kỳ đáp trả. Sáng ngày 9/1, một
giới chức Mỹ, trích dẫn việc xem xét lại cẩn thận dữ liệu vệ tinh, nói Washington kết luận với mức chắc chắn cao độ là một phi đạn chống máy bay đã bắn rơi máy bay Ukraine. Giới chức này nói chiếc Boeing 737-800 bị ra-đa Iran theo dõi. Washington tin là chiếc máy bay bị bắn rớt không chủ ý, hai giới chức Mỹ nói.
Dữ liệu cho thấy chiếc máy bay bay được 2 phút sau khi rời khỏi Tehran thì sức nóng của hai phi đạn đất đối không bị phát hiện, một trong hai giới chức này cho biết.
Theo sau đó là một tiếng nổ kế cận, giới chức này nói. Dữ liệu về sức nóng cho thấy máy bay bị cháy trong lúc rơi xuống.
Người đứng đầu hàng không dân dụng Iran bác tin Iran bị quy trách nhiệm và gọi đó là những lời đồn không lô-gic.
“Về mặt khoa học, không thể nào có một phi đạn bắn trúng máy bay Ukraine, và tin đồn như thế là không hợp lý,” thông tấn xã bán chính thức ISNA trích lời ông Ali Abedzadeh nói.
Phát biểu với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump nói ông cảm thấy khủng khiếp về vụ máy bay rơi, nhưng không cho biết thêm chi tiết nào. Ông nói ông không tin đây là một vấn đề về trục trặc máy móc.
Ông Trump nói “Đây là một thảm họa. Tuy nhiên ai đó bên phía bên kia có thể đã phạm sai lầm về việc này.”
Cơ quan Quản trị Hàng không Liên bang Mỹ FAA đã cấm các máy bay Mỹ bay ngang qua Iraq, Iran, Vịnh Oman và vùng biển giữa Iran với Ả Rập Xê-út vài giờ sau khi Iran tấn công vào lực lượng Hoa Kỳ tại Iraq. Một vài hãng hàng không khác cũng chuyển hướng bay.
Boeing và FAA cũng như Ngũ Giác Đài từ chối bình luận về báo cáo phi đạn ngày 9/1. Phát ngôn viên của Tổng thống Ukraine và Thủ tướng nước này cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Boeing vẫn đang còn đối phó với hai vụ rớt máy bay 737 MAX gây chết người trong vòng 5 tháng khiến cho dòng sản phẩm này bị cấm bay vào tháng 3 năm 2019. Máy bay 737-800 bị rớt được sản xuất vào năm 2016 và được xem như thế hệ trước của 737 trước các sản phẩm MAX. Boeing chế tạo khoảng 5.000 máy bay loại này với thành tích an toàn tốt.
Cổ phần của Boeing đã tăng trong ngày 9/1.
Các nghiệp đoàn Pháp xuống đường trở lại
trong cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu
Tin từ PARIS, Pháp – Vào hôm thứ Năm (9/1), các nghiệp đoàn Pháp gây gián đoạn các dịch vụ hỏa xa, đóng cửa các trường học và đưa người biểu tình ra đường phố ở các thành phố trên khắp nước Pháp trong một nỗ lực quyết liệt để buộc Tổng thống Emmanuel Macron từ bỏ cải cách lương hưu theo kế hoạch.
Theo tin từ Reuters, các nghiệp đoàn cánh tả cực đoan của đất nước tập hợp những người ủng hộ với hy vọng lấy lại động lực vào thời điểm số người tham gia vào một cuộc đình công kéo dài 36 ngày của khu vực công đang suy giảm và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng không còn ủng hộ hành động này nhiều như trước. Cảnh sát bắn hơi cay vào những người biểu tình ở Nantes trong một cuộc giao tranh ngắn, trong khi ở Bordeaux, Marseille và Toulouse, các công nhân vẫy cờ nghiệp đoàn và tạo thành đường khói pháo sáng khi họ biểu tình ôn hòa trước một cuộc biểu tình ở Paris sau đó trong ngày. Tổng thống Macron muốn hợp lý hóa hệ thống lương hưu phức tạp của Pháp và khuyến khích người Pháp ở lại làm việc lâu hơn để chi trả cho một số lợi ích hưu trí hào phóng nhất trong thế giới công nghiệp hóa.
Cuộc cải cách được đề nghị sẽ là cuộc thay đổi lớn nhất của hệ thống này kể từ Thế chiến thứ hai, và là động lực chính của tổng thống để giúp lực lượng lao động Pháp linh hoạt hơn và cạnh tranh hơn trên toàn cầu. Ông tuyên bố rằng vô số những lợi ích đặc biệt được trao cho các loại công nhân khác nhau đang ngăn cản sự linh động trong thị trường việc làm.
Mộc Miên
Cải cách hưu trí :
Chính phủ cứng rắn, công đoàn lại kêu gọi biểu tình
Thanh Hà
Tại Pháp, ngày 10/01/2020, thủ tướng Edouard Philippe họp với các công đoàn vào lúc phong trào đình công bước sang ngày thứ 37. Chính phủ giữ nguyên ngưỡng 64 tuổi để lãnh đầy đủ lương hưu cơ bản và vẫn theo đuổi mục đích cân đối ngân sách của quỹ lương hưu.
Sau hơn năm tuần lễ, một phần các sinh hoạt tại Pháp bị xáo trộn vì đình công và bốn đợt biểu tình liên ngành, chính phủ trình bày dự luật cải tổ chế độ hưu bổng. Nội các của thủ tướng Edouard Philippe nhắm tới mục tiêu thiết lập một hệ thống hưu trí phổ quát và lấy lại cân bằng cho quỹ hưu trí của Pháp. Để đạt được mục tiêu thứ nhì, điện Matignon giữ nguyên đề xuất 64 tuổi là ngưỡng để người lao động lãnh đầy đủ lương hưu.
Ngưỡng 64 tuổi này là điểm nhạy cảm, ngay cả các công đoàn cấp tiến nhất cũng không chấp nhận. Để giải quyết bất đồng, kể từ sáng nay thủ tướng Philippe gặp riêng từng công đoàn, để thảo luận về lịch trình thực hiện các mục tiêu nói trên.
Năm trong số các công đoàn tại Pháp kêu gọi biểu tình trong ba ngày 14,15 và 16 tháng Giêng tới đây.
Trở lại với cuộc biểu tình hôm qua, số người xuống đường trong đợt huy động đường phố lần thứ tư kể từ đầu tháng 12/2019 giảm mạnh. Theo nghiệp đoàn CGT cánh tả, 1,3 triệu người lao động đã tuần hành trên toàn quốc hôm 09/01/2020, nhưng theo thống kê của bộ Nội Vụ Pháp chỉ có 452.000 người biểu tình.
Nghị Viện Anh thông qua lần cuối luật về Brexit
Thanh Hà
Sau hơn ba năm khủng hoảng, Nghị Viện Anh chiều 09/01/2020 đã biểu quyết lần chót về luật Brexit. Văn bản cho phép Luân Đôn chia tay với Liên Hiệp Châu Âu vào cuối tháng Giêng 2020 đã được thông qua với 330 phiếu thuận và 231 phiếu chống. Bước kế tiếp là Thượng Viên phê chuẩn dự luật nói trên, mở đầu giai đoạn Vương Quốc Anh và phần còn lại trong Liên Âu đàm phán về quan hệ song phương trong giai đoạn hậu Brexit.
Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Luân Đôn, Muriel Delcroix tường trình :
“Dự luật này từng là nguyên nhân dẫn tới nhiều cuộc tranh luận sôi nổi và nhiều bế tắc, để cuối cùng thủ tướng Theresa May mất chức. Nhưng chẳng còn mấy ai quan tâm đến cuộc biểu quyết chiều qua, bởi kết quả được báo trước do Boris Johnson chiếm đa số áp đảo tại Nghị Viện.
Thỏa thuận về Brexit giữa chính quyền Anh với Bruxelles đã dễ dàng được thông qua sau chưa đầy ba ngày thảo luận ở Nghị Viện. Dự luật này liên quan đến các phí tổn của cuộc chia tay với Liên Âu, bảo đảm quyền lợi cho các công dân, cùng với một số dàn xếp chung quanh vấn đề biên giới với Cộng Hòa Ai Len.
Dự luật về Brexit sẽ còn phải được Thượng Viện xem xét, nhưng đây chỉ là vấn đề thủ tục mà thôi. Sau đó đến lượt Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định về Brexit để cho phép Luân Đôn ra đi vào ngày 31 tháng Giêng tới đây. Anh Quốc sẽ là thành viên đầu tiên chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.
Tại Anh, phe chống Brexit giờ đây chỉ còn là thiểu số. Một lần nữa, phe này tiếc rằng nước Anh chọn giải pháp ra đi. Phe chủ trương đòi độc lập cho Scotland đành phải chấp nhận Brexit. Còn phe tự do dân chủ thì tuyên bố sẽ tiếp tục chống lại sự chọn lựa “nguy hiểm” này. Chuyện dài nhiều tập về Brexit vẫn chưa tới hồi kết, do Luân Đôn và Bruxuelles sẽ tiếp tục đàm phán về quan hệ tương lai. Boris
Johnson muốn đàm phán phải kết thúc trước ngày 31 tháng 12 năm nay, khi chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp. Giới lãnh đạo châu Âu cho rằng không thể tôn trọng hạn định đó. Các cuộc thương lượng được báo trước là sẽ đầy cam go”.
Iran bác bỏ cáo buộc tên lửa của họ bắn hạ phi cơ Ukraine
Các nhà lãnh đạo các quốc gia phương Tây cho rằng, bằng chứng cho thấy, việc chiếc máy bay chở khách của Ukraine có thể bị bắn bởi tên lửa Iran do nhầm lần.
Các nhà lãnh đạo Canada và Anh đã kêu gọi tiến hành điều tra đầy đủ và kỹ lưỡng về vụ rơi chiếc máy bay này, khiến tất cả 176 người đi trên máy bay đều thiệt mạng.
Iran phủ nhận việc máy bay này bị tấn công bằng tên lửa trong hệ thống phòng thủ trên không của nước này.
Trong cuộc họp báo vào thứ Sáu 10/01, lãnh đạo cơ quan hàng không Iran, Ali Abedzadeh nhắc lại quan điểm của ông rằng không có chuyện chiếc phi cơ ‘rơi vì trúng hỏa tiễn’.
Truyền thông Mỹ: Iran ‘bắn nhầm máy bay Ukraine’
Máy bay Ukraine Boeing 737 chở 176 người rơi ở Iran
Những chiếc hộp đen chứa bí mật chuyến bay
Hãng CBS News dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ nói rằng, có một vệ tinh đã phát hiện ra những tia hồng ngoại “bíp” hai vụ phóng tên lửa, tiếp theo đó là “bíp” của một vụ nổ.
Newsweek thì dẫn một nguồn tin từ Lầu năm góc và từ các quan chức tình báo cao cấp Hoa Kỳ, cũng như từ một quan chức tình báo Iraq, theo đó nói họ tin là chiếc phi cơ Ukraine bị trúng tên lửa Tor do Nga sản xuất.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau vụ Mỹ giết chết tướng Qasem Soleimani của Iran vào ngày 3/1, Iran tuyên bố sẽ không bàn giao hộp đen chiếc máy bay bị rơi nói trên cho Boeing – nhà sản xuất máy bay – hoặc cho phía Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran đã mời Boeing tham gia vào cuộc điều tra chính thức về vụ tai nạn này.
Theo quy định hàng không toàn cầu, Iran có quyền tổ chức cuộc điều tra, nhưng các nhà sản xuất máy bay sẽ tham gia.
Các chính trị gia nói gì?
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, ông đã nhận được thông tin tình báo từ nhiều nguồn cho thấy, chiếc máy bay đã bị một tên lửa đất đối không của Iran bắn hạ; đồng thời cho biết, việc này có thể là không cố ý.
“Điều này càng đòi hỏi sự cần thiết phải điều tra kỹ lưỡng,” ông nói. “Người Canada cần có câu hỏi và họ xứng đáng có câu trả lời.”
Nhưng ông cũng nói rằng, hãy còn quá sớm để quy trách nhiệm hoặc đưa ra bất kỳ kết luận nào, và từ chối đi sâu hơn vào chi tiết của các bằng chứng.
Iran ‘đã chuẩn bị sẵn hàng ngàn tên lửa bắn Mỹ’
Trump: Tên lửa Iran ‘không làm người Mỹ nào bị thương’
Tướng Soleimani ‘đi đêm nhiều’ đến ngày gặp nạn
Mỹ phủ nhận việc rút quân khỏi Iraq sau lá thư ‘gửi nhầm’
Tổng cộng có 63 người Canada, cùng hàng chục hành khách khác, đang đi trên chuyến bay trên, từ Kyiv đến Toronto.
Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson nhắc lại những lời của ông Trudeau và nói rằng, Anh đang hợp tác chặt chẽ với Canada và các đối tác quốc tế khác có liên quan trong vụ tai nạn.
Phát biểu tại Canada, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, công dân Anh được khuyên không nên tới Iran, viện dẫn ” thông tin rằng chuyến bay 752 của UIA đã bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không Iran và căng thẳng gia tăng “.
Tổng thống Ukraine cũng đã gặp người thân của các thành viên phi hành đoàn vào thứ năm (9/1).
Tờ Newsweek thì dẫn một nguồn tin từ Lầu năm góc và từ các quan chức tình báo cao cấp Hoa Kỳ, cũng như từ một quan chức tình báo Iraq, theo đó nói họ tin là chiếc phi cơ Ukraine bị trúng tên lửa Tor do Nga sản xuất.
Hai quan chức Lầu Năm Góc cũng đánh giá rằng, vụ việc trên là một tai nạn, Newsweek cho biết thêm.
Newsweek trích dẫn các nguồn tin nói rằng, các hệ thống phòng không của Iran có thể đã được kích hoạt sau các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho đến nay chưa đưa ra bình luận nào về chuyện này.
Được hỏi về nguyên nhân vụ tai nạn, Tổng thống Trump nói: “Tôi có những nghi ngờ của mình”
Khi được hỏi những gì ông nghĩ đã xảy ra với chiếc máy bay, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng: “Tôi có những nghi ngờ của mình. Tôi nhận thấy đây là một thảm kịch, quả là bi thảm. Nhưng ai đó ở phía bên kia có thể đã phạm sai lầm.”
Nguyên nhân có thể là gì?
Trước đó, hôm 9/1, Oleksiy Danylov, Chủ tịch Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Facebook (bằng tiếng Ukraine) rằng, về nguyên nhân của vụ tai nạn, có thể có ba khả năng khác cũng cần được xem xét:
một vụ va chạm trên không với một chiếc máy bay không người lái hoặc vật thể bay khác,
động cơ bị hỏng vì lý do kỹ thuật,
một vụ nổ bên trong máy bay là hệ quả của một cuộc tấn công khủng bố.
Ông Danylov cho biết, các nhà điều tra Ukraine – những người đã đến Iran – muốn tìm các mảnh vỡ có thể có của một chiếc tên lửa ngay tại nơi xảy ra tai nạn.
Các chuyên gia từng điều tra về vụ chuyến bay MH17 của Hãng Malaysia Airlines bị rơi ở miền đông Ukraine cũng sẽ tham gia cuộc điều tra lần này, ông Danylov nói thêm.
Iran nói gì?
Người đứng đầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran (CAOI) Ali Abedzadeh cho biết: “Thoạt đầu, chiếc máy bay rời khỏi khu vực sân bay và hướng về phía tây; rồi rẽ sang phải sau một sự cố và quay lại sân bay vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn. “
Ông Abedzadeh bổ sung thêm rằng, các nhân chứng đã nhìn thấy chiếc máy bay này “bốc cháy” trước vụ tai nạn, và các phi công không thực hiện bất kỳ cuộc gọi khẩn cấp nào trước khi cố gắng quay lại sân bay Imam Khomeini.
“Về mặt khoa học, không thể có chuyện một chiếc tên lửa tấn công vào máy bay Ukraine và những tin đồn như vậy là không hợp lý”, ông nói.
Người phát ngôn của chính phủ Ali Rabiei cho rằng các thông tin như vậy là đòn “chiến tranh tâm lý”.
“Tất cả những quốc gia có công dân trên máy bay này đều có thể cử đại diện và chúng tôi cũng kêu gọi Boeing gửi đại diện của họ tham gia vào quá trình điều tra hộp đen của máy bay”, ông nói.
‘Đây có thể là một vụ nhầm lẫn kinh khủng’
Một giả thiết được đưa ra với các dấu hiệu xuất hiện ngày càng nhiều cho thấy, chuyến bay PS752 có thể đã bị bắn rơi bởi các lực lượng phòng không của Iran, do nhầm lẫn.
Dù không phải chưa từng có chuyện các hệ thống phòng không trong các khu vực xung đột bắn nhầm vào máy bay dân dụng, nhưng đây sẽ là một sự nhầm lẫn rất kinh khủng.
Chiếc máy bay vừa mới cất cánh từ một sân bay quốc tế; đó là một chuyến bay theo lịch trình và đáng lẽ nó rất dễ để nhận diện.
Tuy nhiên, chính xác về những gì mà các nhà khai thác hệ thống Tor thời Liên Xô – hoặc SA-15 / Gauntlet do Nga cung cấp, như cách gọi của Nato – nhận diện là không rõ ràng.
Tất cả những chuyện này sẽ là điều cực kỳ xấu hổ với chính quyền Iran và việc đi đến tận cùng của thảm kịch này sẽ là quá trình chính trị phức tạp.
Ukraine và Iran phải hợp tác trong cuộc điều tra.
Sự tham gia của một quốc gia thứ ba cũng có thể cần là thiết để phân tích hộp đen của chiếc máy bay. Nhà sản xuất máy bay – Boeing – sẽ tham gia, dù Iran đang tuyên bố công khai rằng, Hoa Kỳ sẽ không tham gia.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51058947
Ngoài quân sự, Iran còn những ‘chiêu’ gì để đấu Mỹ
Vụ sát hại chỉ huy Qassem Soleimani thuộc lực lượng Quds diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran gần đây luôn trong tình trạng ‘căng như dây đàn’.
Những căng thẳng gần đây giữa Mỹ-Iran bắt đầu khi một vụ tấn công xảy ra hôm 27/12/2019 đã khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng tại Iraq. Washington cáo buộc nhóm Kata’ib Hezbollah (KH) thân với Iran đứng sau, và tiến hành không kích năm cơ sở của KH tại Iraq và Syria, khiến 25 thành viên KH thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Mỹ sau đó cho rằng Iran đứng sau vụ người biểu tình Iraq tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad trong những ngày cuối cùng của năm 2019.
Dù vụ không kích khiến Thiếu tướng quân đội Iran Qassem Soleimani bị thiệt mạng hôm 3/1 vừa qua là sự đáp trả trực tiếp của Mỹ nhằm vào Iran sau những vụ việc kể trên, hay là kết quả của những thông tin tình báo, thì đây chỉ là một phần của sự hiếu chiến đang dần leo thang giữa Washington-Tehran.
Chính sách ‘sức ép tối đa’ của chính quyền Trump được tung ra nhằm buộc Iran phải thay đổi ‘hành vi’, và điều này cũng khiến Tehran phải áp dụng chiến lược ‘chống trả tối đa’ để đối đầu với Washington. Nhưng SCMP nhận định, cả hai cách tiếp cận trên đều thất bại.
Vụ không kích khiến tướng Soleimani thiệt mạng đã khiến cuộc đối đầu Mỹ-Iran tiến tới một nấc thang mới. Bởi ông Soleimani là kiến trúc sư đề ra chiến lược cho Iran tại Trung Đông, đồng thời là quan chức thuộc chính quyền Tehran có ảnh hưởng nhất trong khu vực, và là một nhân vật quyền lực cực kỳ được mến mộ tại đất nước Trung Đông này. Iran chắc chắn sẽ trả đũa, và sự khiêu khích giữa hai bên có vẻ sẽ tiếp tục leo thang.
Vụ không kích đã đem lại kết quả gì?
Vụ không kích đã ‘giết chết’ thỏa thuận hạt nhân 2015, khi Iran hôm 5/1 tuyên bố “sẽ không tôn trọng bất cứ giới hạn nào được vạch ra trong thoả thuận về các hoạt động hạt nhân của nước này, dù là hạn chế về số lượng máy ly tâm làm giàu uranium tới năng lực làm giàu uranium, lượng uranium đã làm giàu được dự trữ cũng như các hoạt động phát triển và nghiên cứu…”.
Tuyên bố trên của Tehran đã chính thức ‘giết chết’ những triển vọng ngoại giao giữa Mỹ và Iran. Cả thế giới đang được chứng kiến sự căng thẳng tột điểm giữa ‘sức ép tối đa’ và ‘sự chống trả tối đa’, và đây là một bước trượt dài tới một cuộc xung đột vũ trang.
Ngoài quân sự, Iran còn những ‘chiêu’ gì để đấu Mỹ
Hàng nghìn người đưa tang tướng Soleimani. Ảnh: AP
Về mặt chính trị trong nội bộ Iran, vụ không kích sẽ càng củng cố lập trường của những người theo đường lối cứng rắn. Bởi khi niềm tự hào dân tộc của Iran bị tổn thương, như lúc hàng chục nghìn người xuống đường để tiễn đưa ông Soleimani, cũng như các đòn trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt lên nước này có thể sẽ giúp những người theo đường lối cứng rắn giành được sự ủng hộ trong cuộc bầu cử lập pháp dự kiến sẽ diễn ra trong tháng Hai tới.
Những điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Nếu xét về sự đáp trả về quân sự, Iran khó có thể đánh nước Mỹ một cách trực tiếp mà không chịu một sự tàn phá khủng khiếp bởi chiến tranh. Nhưng Tehran có thể tăng cường sức ảnh hưởng của mình lên những quốc gia Trung Đông chịu sự tàn phá bởi các cuộc xung đột trong nhiều thập kỷ qua như Iraq, Syria, Lebanon và Yemen.
Ngoài ra, Iran cũng có thể sử dụng biện pháp trả đũa bằng cách tấn công vào các đại sứ quán, cũng như nhân viên ngoại giao của Mỹ. Đã có nhiều báo cáo về các cuộc tấn công nhằm vào ‘Vùng Xanh’ ở thủ đô Baghdad, hay căn cứ không quân Balad nằm ở phía bắc thủ đô Iraq, vốn là nơi nhiều lính Mỹ đang đồn trú.
Tổng thống Donald Trump sau đó đã lên tiếng cảnh báo sẽ trả đũa Tehran bằng việc không kích vào 52 mục tiêu của Iran, nếu những lợi ích của Mỹ tại Trung Đông bị tổn hại.
Những đòn trả đũa khác như phát động các cuộc tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh, bắt cóc công dân Mỹ tại Trung Đông, hay Iran đặt các sứ quán và cơ sở của Washington nằm ngoài ranh giới lãnh thổ các nước Iraq, Lebanon, Syria và Yemen vào tầm ngắm hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng những biện pháp này sẽ chỉ mang hiệu ứng sốc nhất thời, và sự đáp trả của Mỹ sẽ khốc liệt hơn.
Sự đáp trả về lâu dài
Áp lực từ vụ giết hại tướng Iran đã khiến Baghdad buộc phải cân bằng mối quan hệ giữa nước này với cả Washington và Tehran, khi hôm 5/1 Quốc hội Iraq đã thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt sự hiện diện quân sự tại nước này.
Iran dường như có ý định củng cố tầm ảnh hưởng của nước này lên Iraq, và làm suy yếu sự hiện diện và sức ảnh hưởng của nước Mỹ tại đây. Nếu thành công, thì đòn đáp trả chính trị của Iran sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ giải pháp quân sự nào mà nước này có thể triển khai trên thực tế.
Iran cũng đã cho thấy khả năng của nước này khi đe dọa dòng chảy dầu trên toàn cầu thông qua các cuộc tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh, nhưng liệu nước này sẽ tiến hành chiến lược này tới mức độ nào, trước khi các cuộc tấn công vào tàu chở dầu bắt đầu gây tổn hại cho lợi ích của chính Tehran?
Tương tự như vậy, Iran có thể tấn công trực tiếp vào những lợi ích của Mỹ tại Trung Đông và cả Israel, nhưng giải pháp này sẽ kéo theo hậu quả hết sức tàn khốc. Bởi vậy, SCMP trích lời chuyên gia Fanar Haddad thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định, Iran sẽ cần phải có một sự đáp trả cẩn trọng về lâu dài, thay vì trực tiếp gây chiến với Mỹ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32549-ngoai-quan-su-iran-con-nhung-chieu-gi-de-dau-my.html
Căng thẳng hạ giảm, Iran ra tín hiệu lẫn lộn
Iran ngày 9/1 đưa ra các tín hiệu lẫn lộn giữa lúc căng thẳng với Mỹ dường như giảm bớt với việc Tổng thống Hassan Rouhani cảnh báo về một “sự phản ứng rất nguy hiểm” nếu Hoa Kỳ phạm “sai lầm khác” và một chỉ huy cao cấp thề “trả thù khốc liệt” về vụ hạ sát một tướng lãnh hàng đầu của Iran.
Ngày 8/1, cả hai bên Mỹ và Iran có vẻ lùi bước sau khi Iran phóng một loạt phi đạn đạn đạo vào hai căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ trú đóng tại Iraq nhưng không gây bất cứ thương vong nào. Iran nói cuộc tấn công là để trả đũa vụ tấn công của Hoa Kỳ tại Iraq hôm 3/1 giết chết Tướng Qassem Soleimani, kiến trúc sư của chiến lược an ninh khu vực.
Tướng Mỹ Milley nói vụ này không có tử vong ‘là do những kỹ thuật phòng vệ của các lực lượng chúng ta chứ không phải là ý định của Iran.’
Tổng thống Rouhani nói vụ tấn công bằng phi đạn là một hành động chính đáng để tự vệ theo Hiến chương Liên hiệp quốc, nhưng ông cảnh báo là “nếu Hoa Kỳ phạm sai lầm khác, Hoa Kỳ sẽ nhận những đáp trả rất nguy hiểm.”
Thêm vào việc tấn công bằng phi đạn, Iran cũng bỏ những cam kết còn lại trong thỏa thuận hạt nhân 2015, mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi vào tháng 5 năm 2018. Tuy nhiên ngày 9/1 ông Rouhani nói Iran sẽ tiếp tục hợp tác với các thanh sát viên Liên hiệp quốc.
Các chỉ huy cao cấp của quân đội Iran có những lời lẽ mạnh bạo hơn.
Tướng Abdollah Araghi, một thành viên của Ban Tham mưu Hỗn hợp, nói Vệ binh Cách mạng Iran “sẽ trả thù khốc liệt hơn trong tương lai”, theo thông tấn xã bán chính thức Tasnim.
Tasnim cũng trích lời Tướng Ali Fadavi, quyền tư lệnh Vệ binh, nói rằng cuộc tấn công phi đạn “chỉ là một trong biểu tượng của khả năng chúng ta.”
Ông được trích lời nói “Chúng ta bắn hàng chục phi đạn vào trung tâm những căn cứ của Mỹ tại Iraq và họ chẳng làm gì được cả.”
Ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra chỉ dấu là ông sẽ không đáp trả bằng quân sự đối với việc các căn cứ bị tấn công. Điều này nêu lên hy vọng là việc đối đầu hiện nay, làm cho hai nước bên bờ chiến tranh toàn diện, có thể hạ giảm.
Tổng thống Iran, Rouhani, cùng ngày điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson, thúc đẩy Anh lên án vụ hạ sát Soleimani.
Là người đứng đầu Lực lượng Quds tinh nhuệ, tướng Soleimani đã huy động các lực lượng ủy nhiệm vũ trang trong vùng và bị quy trách nhiệm những cuộc tấn công chết người chống lại quân đội Mỹ từ năm 2003 khi Hoa Kỳ dẫn đạo cuộc tấn công vào Iraq. Tại Iran, ông được xem như là anh hùng quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại Nhà nước Hồi Giáo và chống lại bá quyền phương Tây.
Không có những nỗ lực của Soleimani lãnh đạo các lực lượng tại Syria và Iraq chống lại Nhà nước Hồi Giáo, “các ông sẽ không có hòa bình và an ninh tại London ngày hôm nay,” ông Rouhani được Phó Tổng thống Alirez Moezi trích lời trong cuộc điện đàm với ông Johnson để đăng trên Twitter.
Phủ Thủ tướng Anh xác nhận cuộc gọi này và nói rằng ông Johnson kêu gọi “chấm dứt thù nghịch” tại Vùng Vịnh và rằng Anh ủng hộ thỏa thuận hạt nhân và thúc đẩy Iran trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận.
Phải chăng Đông Nam Á đang thức tỉnh
trước âm mưu của Trung Quốc?
Hoàng Gia Phúc
“Hãy để Trung Quốc ngủ yên, khi nó thức giấc nó sẽ làm rung chuyển cả thế giới” – Napoleon.
Con sư tử Trung Quốc tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài với những chứng nội thương như “Đại cách mạng văn hoá”, “Đại nhảy vọt…và đặc biệt sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và đã bị các nước phương Tây cô lập.
Trước đó, Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đã “thể hiện sức mạnh” thông qua các chiến trường Triều Tiên, Kim Môn, Mã Tổ để “đọ sức” với Hoa Kỳ. Và Mao Trạch Đông đã dặn lại với hậu nhân “tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, đặc biệt là trên biển”.
Tiếp nối chính sách của Mao, Đặng Tiểu Bình hiểu những điểm yếu trong sức mạnh Trung Quốc, nên đã đưa ra chính sách “giấu mình chờ thời”. Với chính sách này, “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, Đặng đã đưa kinh tế Trung Quốc đạt được những thành tựu lớn.
Sau Đặng, tới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã nhân sự “lơi lỏng” từ Hoa Kỳ và các đồng minh, cảm thấy rằng mình đã đủ sức mạnh, nên cần “lấy số” với thế giới, và vì thế, Trung Quốc đã “nhe nanh múa vuốt” tại khu vực châu Á, vốn là “sân nhà” của Trung Quốc xưa nay.
Từ năm 2007 trở đi, biển Đông đã trở nên một khu vực chất chứa đầy nguy hiểm rình rập, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, vào tháng 5 hàng năm. Lệnh cấm đơn phương này được Trung Quốc tuyên bố từ 1999 nhưng bắt đầu được Trung Quốc “ra tay” thực hiện từ 2007 trở đi. Trung Quốc đã dựa vào một bản đồ “vu vơ” của một cá nhân, biến nó thành “một yêu sách trên biển chính thức” của chính quyền Trung Quốc với cái tên gọi “đường lưỡi bò”. Gọi là “yêu sách” nhưng nó chưa bao giờ được Trung Quốc tuyên bố chính thức và công khai, mãi cho tới năm 2009, khi Trung Quốc phản đối Báo cáo mở rộng thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, và Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng giữa Việt Nam với Malaysia, thì Trung Quốc mới chính thức “trình làng” lên Liên Hợp Quốc bản đồ có “đường lưỡi bò” đó, nhưng cũng chẳng giải thích nó là cái gì, bản chất pháp lý của nó như thế nào.
Lần lượt các quốc gia đã lên tiếng phản đối “cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò” này, Việt Nam phản đối ngay sau khi Trung Quốc gửi bản đồ có “đường lưỡi bò” lên Liên Hợp Quốc. Indonesia gửi công hàm chính thức phản đối đường lưỡi bò năm 2010, Philippines gửi công hàm phản đối năm 2011. Còn Hoa Kỳ năm 2014 đã công bố nguyên một báo cáo nghiên cứu về “đường lưỡi bò” này, và đương nhiên, Hoa Kỳ không thể chấp nhận một thứ yêu sách vô lý như vậy.
Tuy nhiên, Trung Quốc biết cách làm thế nào để có thể hiện thực hoá tham vọng trên biển Đông của họ. Trung Quốc cũng rất giỏi để tìm cách xoa dịu và chia rẽ các nước ASEAN. Với các lợi ích khổng lồ từ kinh tế, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình tiếp tục tiến hành chính sách “chia để trị” đối với ASEAN thông qua “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường”. Và lần lượt, một số quốc gia ASEAN đã “ngã vào vòng tay Trung Quốc”.
ASEAN dường như đã phân rã thành hai nhóm, một nhóm có lợi ích trực tiếp hoặc liên quan đến biển Đông. Nhóm còn lại không có lợi ích trực tiếp hoặc lợi ích liên quan nào. Nhóm thứ nhất bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và Singapore. Nhóm thứ hai bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar.
Các nước láng giềng Đông Dương truyền thống của Việt Nam dần dần đã tiến lại gần Trung Quốc, lánh xa ảnh hưởng của Việt Nam. Campuchia là trường hợp rõ nhất, khi luôn luôn bảo vệ cho các quan điểm và lợi ích của Trung Quốc, thậm chí năm 2012, khi Campuchia là Chủ tịch điều phối ASEAN, nước này đã ngăn cản các Ngoại trưởng ASEAN ra một tuyên bố chung có những nội dung liên quan đến biển Đông.
Indonesia vẫn luôn có vai trò tích cực trong ASEAN và vấn đề biển Đông, nhưng cũng có những lợi ích riêng và bị nhiều quốc gia phản ứng với chính sách “đánh chìm tàu”. Indonesia và Việt Nam có những vùng chồng lấn tại vùng đặc quyền kinh tế của cả hai bên, và hai bên cũng vẫn chưa sẵn sàng cho việc phân định. Hậu quả là nhiều tàu cá Việt Nam bị cảnh sát biển Indonesia bắt giữ và đánh chìm cho dù nhiều ngư dân Việt Nam khẳng định là họ không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Malaysia thì dưới thời Rajib Narak đã duy trì chính sách ngoại giao được Trung Quốc ca ngợi là “chính sách ngoại giao im lặng”.
Philippines thì dưới thời Duterte áp dụng chính sách “Hướng về Trung Quốc” hòng thu lượm những lợi ích kinh tế to lớn từ quốc gia này.
Tuy nhiên, có vẻ gần đây, các quốc gia ASEAN đang “thức tỉnh” trước các tham vọng “sỗ sàng” từ Trung Quốc.
Ngày 12/10/2019, Malaysia đã chủ động gửi bản yêu sách về thềm lục địa mở rộng của mình lên Liên Hợp Quốc. Với bản yêu sách này, Malaysia đã trực diện bác bỏ “cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò” của
Trung Quốc. Ngoài ra, Malaysia cũng thông qua đó, gián tiếp thừa nhận Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo phân tích của Nguyễn Hồng Thao trên tờ The Diplomats, thì hành động này của Malaysia bao hàm rất nhiều tính toán, trong đó có việc phản ứng lại các hành động quấy phá, sách nhiễu các tàu thăm dò của Malaysia tại khu vực bãi Luconia, vốn thuộc EEZ của Malaysia, đồng thời cũng đặt bước phòng ngừa cho lợi ích của Malaysia trước khi COC được ký kết dưới áp lực của Trung Quốc.
Mới đây nhất thì Indonesia đã tăng cường tàu hải quân và phi cơ chiến đấu tại khu vực Natuna, nơi nhiều tàu Trung Quốc đang xâm phạm EEZ của Indonesia. Tổng thống Widodo đã ra tín hiệu rằng Indonesia sẽ không lùi bước trước các hành động ngang ngược này của Trung Quốc.
Các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp tục xuất hiện tại khu vực gần Bãi Tư chính của Việt Nam, nơi các tàu Trung Quốc quấy phá liên tục hồi năm 2019. Việt Nam vẫn luôn là quốc gia trực tiếp đối đầu với các hành động hung hăng, thù nghịch của Trung Quốc trên khu vực biển Đông.
Báo chí hôm nay cũng cho biết, nhiều tàu Trung Quốc đang xuất hiện gần khu vực Thị Tứ (thực thể mà Philippines đang chiếm giữ, thuộc Trường Sa).
Những dự đoán cho thấy, trước các áp lực kinh tế suy giảm, ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ – Trung, Tập Cận Bình đang tìm cách hướng các vấn đề nội bộ ra bên ngoài, trong đó, biển Đông là vấn đề thu hút rất lớn dư luận trong nước. Thêm nữa, tình hình thế giới đang phức tạp và bất ổn. Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran khiến thế giới nín thở từng ngày. Đồng thời cũng sẽ là cuộc tranh cử Tổng thống ở Hoa Kỳ, nên sẽ khiến Hoa Kỳ lơi lỏng chú ý ở biển Đông, và đó sẽ là cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục “gặm nhấm” các khu vực trên biển Đông, biến thành sự đã rồi.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang “bừng tỉnh” trước “giấc mộng Trung Hoa” thông qua các khoản đầu tư. Mới đây, Indonesia lên tiếng cảnh báo về các khoản đầu tư từ Trung Quốc.[1] Việt Nam thì đang “khóc hận” bởi các chiêu “lẩn tránh thương mại” và có nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” từ Trung Quốc. Người dân Campuchia thì “khóc ròng” khi các bãi biển Shihanoukvile, Koh Kong tràn ngập các băng đảng tội phạm từ Trung Quốc tràn sang.
Cũng đã đến lúc các quốc gia châu Á, trong đó có ASEAN cần phải thức tỉnh trước các “hấp lực” từ Trung Quốc. Các quốc gia này cần đoàn kết để bảo vệ lợi ích lâu dài của chính họ, chính điều ấy mới có thể bảo vệ được họ trước một con sư tử “sống trong rừng rậm, đói khát lâu ngày, hành xử hoang dã” như Trung Quốc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
[1] https://www.forbes.com/sites/panosmourdoukoutas/2019/12/13/indonesia-warns-about-bad-side-of-chinese-investments-and-isnt-alone/?fbclid=IwAR1rK03xrtRY17GPGPAfc3-cfZO5lPbgevu79dam8AuvOp36vnI4emSP6G8#9990e5d707e1
Cuộc tấn công của Iran có thể
khuyến khích tham vọng hạt nhân của Triều Tiên
Những cuộc tấn công của Iran vào các căn cứ Iraq có binh sĩ Mỹ đồn trú cũng như việc Tehran loan báo không còn tuân thủ những giới hạn tinh chế uranium có thể khuyến khích Triều Tiên hoàn thiện công nghệ hạt nhân và phi đạn, các chuyên gia nói.
“Với việc Iran thách thức nước Mỹ, Triều Tiên có thể cảm thấy những hành động giống như khủng bố sẽ ít làm cho Hoa Kỳ trả đũa vì Hoa Kỳ bận rộn về vấn đề Iran,” ông Bruce Bennett, một nhà phân tích cao cấp tại trung tâm nghiên cứu Rand Corporation, nói.
Nhiều rocket bắn trúng Khu vực Xanh của Baghdad, gần tòa đại sứ Mỹ hôm 8/1. Không có thiệt hại nào và hiện không rõ Iran hay lực lượng ủy nhiệm phóng phi đạn.
Vụ việc diễn ra một ngày sau khi Iran tấn công hai căn cứ Iraq được các lực lượng Mỹ sử dụng để đáp trả vụ Mỹ giết chết chỉ huy trưởng lực lượng Quds của Iran, tướng Qassem Soleimani, hôm 3/1. Không có thiệt hại của Mỹ trong những cuộc tấn công này.
Tổng thống Donald Trump ra lệnh giết Qassem Soleimani để bảo vệ những quyền lợi của Mỹ chống lại những cuộc tấn công trong tương lai xuất phát từ Iran, theo Ngũ Giác Đài.
Dù có những lo ngại là ông Trump sẽ trả đũa qua lại những cuộc tấn công của Iran nhưng khi phát biểu sáng ngày 8/1, ông không loan báo thêm những hành động quân sự.
“Iran dường như lùi bước” ông nói và hứa sẽ ban hành những chế tài mới đối với Iran.
‘Ông Kim sẽ bạo dạn hơn’
Ông Joseph Bosco, một chuyên gia về Đông Á tại Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều (ICAS) nói nếu Tehran giết người Mỹ và Hoa Kỳ không hành động chống lại thì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể có một lập trường hung hăng hơn đối với Mỹ.
“Nếu Hoa Kỳ không đáp trả, ông Kim sẽ bạo dạn hơn,” Ông Bosco nói.
Tuần trước, ông Kim loan báo Triều Tiên có kế hoạch tăng cường lực lượng quân sự, có “những biện pháp tấn công,” phát triển “vũ khí chiến lược mới” và “chuyển sang một hành động mạnh mẽ hơn” nhưng không nói rõ những biện pháp này thế nào.
Tuyên bố của ông Kim được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng thề quyết nhiều lần vào năm ngoái là sẽ có “hướng đi mới” nếu Hoa Kỳ không thay đổi thái độ, ám chỉ là vẫn duy trì những chế tài đối với Triều Tiên.
Năm ngoái, Triều Tiên thử nghiệm phi đạn 13 lần trong nỗ lực làm áp lực để Hoa Kỳ nhượng bộ trong đó có việc nới lỏng chế tài. Bình Nhưỡng tìm cách được nới lỏng các chế tài khi ông Kim gặp Tổng thống Trump tại Hà Nội vào tháng 2 năm ngoái, nhưng thất bại.
Vào tháng 10 năm 2019, Hoa Kỳ và Triều Tiên gặp nhau tại Stockholm. Nhưng những cuộc thảo luận đổ vỡ mà không có thỏa thuận nào. Kể từ đó, Washington và Bình Nhưỡng lâm vào tình trạng bế tắc.
Ông Ken Gause, giám đốc chương trình phân tích các đối thủ tại CNA, nói Iran và Triều Tiên đang quan sát lẫn nhau để xem họ có thể nâng cao những đe dọa đối với Mỹ như thế nào.
“Họ rõ ràng đang học cách Hoa Kỳ phản ứng như thế nào đối với hai nước này để họ có thể nhận ra xem có thể đẩy Hoa Kỳ leo thang đến mức nào,” ông Gause nói.
Các mối đe dọa họ đề ra cũng khác biệt, Iran dùng lực lượng ủy nhiệm tấn công vào các quyền lợi Mỹ ở Trung Đông còn Triều Tiên thì thử nghiệm phi đạn trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Gause nói, Triều Tiên và Iran đã có những hành động tương tự là rút lại những cam kết đối với chương trình vũ khí “sẽ tiến tới gần hơn những chương trình có thể thực hiện được trong tương lai.”
Sau khi Hoa Kỳ hạ sát ông Soleimani, Iran loan báo sẽ không còn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 vốn hạn chế nước này tinh chế uranium, một thành phần chính để chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
Tỏ ý định thử nghiệm phi đạn đạn đạo xuyên lục địa
Tuần trước, ông Kim loan báo là Triều Tiên không còn cảm thấy bị buộc phải duy trì chuyện ngưng thử nghiệm phi đạn tầm xa, ra chỉ dấu là ông có thể thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa.
Iran chưa phát triển công nghệ đến mức có thể hoàn thành một vũ khí hạt nhân, nhưng Iran đã phá vỡ thỏa thuận hạt nhân 2015 bằng cách tinh chế uranium vào tháng 7 năm qua.
Ông Lawrence Korb, cựu phụ tá Bộ trưởng quốc phòng dưới thời chính quyền Reagan, nói nếu Iran tái khởi động chương trình hạt nhân thì việc này có thể thúc đẩy tham vọng của Triều Tiên hoàn tất chương trình hạt nhân của họ.
Ông Robert Manning, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói nếu Iran tái tục những nỗ lực phổ biến vũ khí hạt nhân, điều này “sẽ giúp ông Kim chọn chiến lược mới.”
Ông Bennett thuộc Rand Corp nói điều ngược lại cũng có thể xảy ra.
Loan báo của Iran là nước này có thể bắt đầu tinh chế uranium cũng là một cơ hội cho Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn với ý định bán cho Iran, ông Bennett nói.
Vũ khí bán cho Iran, Syria
Triều Tiên đã bán phi đạn đạn đạo và vũ khí hóa học cho Iran và Syria trong quá khứ. Ước lượng của chính phủ Mỹ trong năm 2017 cho thấy Triều Tiên có thể sản xuất đủ nhiên liệu hạt nhân mỗi năm cho 12 vũ khí hạt nhân, theo Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân.
Ông Gary Samore, phối trí viên kiểm soát vũ khí và vũ khí giết người hàng loạt của chính quyền Obama, nói “Iran sẽ hoan nghênh sự trợ giúp của Triều Tiên và Triều Tiên có thể trợ giúp chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.”
Nếu Iran quyết định tiến hành chương trình vũ khí hạt nhân, ông Bennett nói, Hoa Kỳ sẽ đối mặt với 4 mặt trận đe dọa hạt nhân: Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.
Ông Joshua Pollack, biên tập viên của tạp chí Nonproliferation Review tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Middlebury ở Monterey, nói “nếu Iran là cơ hội cho Triều Tiên hiện nay thì chuyện này có thể liên quan đến một sự hợp tác sâu rộng hơn với một nước khác chống lại Hoa Kỳ.”
Ngày 8/1 ông Trump tuyên bố ‘Chừng nào tôi còn làm Tổng thống Mỹ, Iran sẽ không bao giờ được phép có vũ khí hạt nhân.”
Ông Thomas Countryman, cựu phụ tá Bộ trưởng ngoại giao về an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân, nói Triều Tiên vượt quá chuyện tự vệ quốc gia và bán công nghệ vũ khí hạt nhân cho những nước khác đủ để nước này trở thành mục tiêu cho hành động quân sự của Mỹ và chuyện này rất dễ biện minh.
(Tác giả Christy Lee)
Đài Loan: Ứng viên Hàn Quốc Du
thân thiện với TQ ra sao?
Đài Loan có kỳ bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp vào thứ Bảy 11/01/2020.
Hàng triệu cử tri ở hòn đảo 23 triệu dân sẽ phải lựa chọn xem họ sẽ muốn trao quyền lãnh đạo trong bốn năm tới lần nữa cho nữ Tổng thống Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến của bà hay không.
Bầu cử Đài Loan: Tuần hành tranh cử của ứng viên ‘thân Cộng’
Dân Đài Loan và nỗi sợ ‘bị thống nhất’ với TQ
Dưới thời bà Thái Anh Văn, quan hệ của Đài Loan với Trung Quốc rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ nhiều năm qua.
Bà nói Đài Loan cần giữ khoảng cách với Trung Quốc, và coi Bắc Kinh là mối đe dọa tới chủ quyền của hòn đảo, trong lúc đảng của bà hy vọng một ngày Đài Loan sẽ chính thức độc lập.
Tổng thống Thái Anh Văn cũng muốn đẩy lại gần hơn với Hoa Kỳ.
‘Không thể từ bỏ quan hệ với Bắc Kinh’
Đối thủ chính của bà Thái Anh Văn là ông Hàn Quốc Du (Quốc Dân Đảng), chủ trương muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và giữ hòa bình giữa hai bên.
Có mặt tại một cuộc tuần hành vận động tranh cử của ông Hàn tại thành phố Cơ Long, phóng viên BBC News Cindy Sui nói rằng ông Hàn, thị trưởng thành phố Cao Hùng, nói rằng trong bốn năm qua, Tổng thống Thái Anh Văn đã đưa Đài Loan vào con đường nguy hiểm với việc thường xuyên xung đột với Bắc Kinh.
Ông nói Đài Loan không thể từ bỏ mối quan hệ của mình với Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất và là thị trường xuất khẩu chính của Đài Loan.
Ông hứa hẹn sẽ làm giảm mức độ căng thẳng và xây dựng quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh, phóng viên của chúng tôi cho biết.
Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc, và sẽ đến một ngày Đài Loan phải thống nhất với đại lục.
Tổng thống Thái Anh Văn nói tương lai của Đài Loan phải do dân Đài Loan định đoạt.
‘Có thể thảo luận việc thống nhất với Trung Quốc’
Các ủng hộ viên có mặt tại cuộc tuần hành ở Cơ Long hò reo ủng hộ ông Hàn nhiệt thành.
Họ không hề ngại ngần chia sẻ quan điểm của họ về quan hệ giữa hòn đảo này với Trung Hoa đại lục.
“Tôi nghĩ tương lai Đài Loan là gắn với Trung Quốc vì ở gần Trung Quốc. Hoa Kỳ ở quá xa, và kể cả khi Mỹ muốn giúp cũng chỉ làm được rất hạn chế,” một người đàn ông nói.
“Vì thế, chúng tôi cần có quan hệ tốt với Trung Quốc trong khi vẫn giữ chủ quyền.“
“Hai bên eo biển Đài Loan cần chung sống hòa bình, để người dân Đài Loan có tiền, có an ninh,” một ủng hộ viên là phụ nữ nói. “Nếu cứ liên tục xung đột với Hoa lục thì Đài Loan không thể an toàn.”
Nếu như Bắc Kinh có quan điểm “Đài Loan là của Trung Quốc” thì các cử tri ủng hộ ông Hàn Quốc Du lại có cách nhìn tương đối khác. Dường như nhiều người trong số họ cho rằng “Trung Quốc là của Đài Loan”.
“Khi nào Trung Quốc trở nên dân chủ và kinh tế phát triển bằng Đài Loan thì chúng ta có thể thảo luận là có thống nhất hay không,” nam cử tri tuyên bố.
Còn người phụ nữ thì nhận xét rằng, “chúng tôi cùng một gốc mà ra, nên tôi không nghĩ cứ gần lại Trung Quốc thì Đài Loan biến mất.”
Tổng thống Thái Anh Văn đã tập trung xây dựng quan hệ thân thiết hơn với Mỹ, nhà cung cấp vũ khí và đối tác an ninh lớn nhất của Đài Loan.
Bà cảnh báo rằng mục tiêu của Bắc Kinh là chiếm được Đài Loan.
Nhưng ông Hàn Quốc Du thì chỉ trích bà Thái chỉ thổi lên nỗi sợ Trung Quốc và tìm cách giành phiếu từ những người vốn có thái độ không tin Bắc Kinh và khai thác chuyện Trung Quốc thiếu dân chủ.
Ông nói rằng việc Đài Loan có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng vẫn duy trì nền dân chủ, chủ quyền và tự do của mình là điều khả thi.
Vào thứ Bảy, cử tri sẽ quyết định bầu chọn người mà họ tin tưởng. Kỳ bầu cử sẽ quyết định phương hướng cho Đài Loan trong bốn năm tới – theo đó sẽ khiến hòn đảo này sẽ càng xích lại gần Mỹ hơn, xa Trung Quốc hơn, hay sẽ giữ cân bằng quan hệ giữa hai cường quốc.
Video tường thuật của phóng viên BBC Cindy Sui từ Thành phố Cơ Long, Đài Loan.
https://www.bbc.com/vietnamese/media-51067970
Đài Loan: Cuộc vận động tranh cử của Hàn Quốc Du,
ứng cử viên ‘thân TQ’ trông như thế nào?
Thùy LinhBBC News Tiếng Việt
Theo cảm nhận của tôi, việc được lựa chọn trong bầu cử thật sự là một đặc quyền với người dân xứ Đài.
Đó là 7 giờ tối thứ Năm và chúng tôi đang bị kẹt giữa dòng người ngập trong sắc xanh – đỏ trên một đại lộ rộng lớn ở Đài Bắc.
Những con đường lớn, ban ngày người dân phải đi xuống cầu ngầm để qua đường, thì giờ nó hoàn toàn bị bao phủ bởi hàng chục ngàn người.
Dân Đài Loan kiện Formosa ‘gây ung thư’
Đài Loan muốn xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức
Đài Loan bắt 40 thuyền nhân Việt
Dân Đài Loan và nỗi sợ ‘bị thống nhất’ với TQ
Xung quanh tôi, họ vừa đi , vừa vẫy những lá cờ đỏ ngôi sao xanh trắng và vừa hô vang: “Hàn Quốc Du! Hàn Quốc Du! Hàn Quốc Du!”
Đó là tên của ngôi sao chính trị sáng giá nhất hiện tại của Quốc Dân Đảng, người đang thách thức đương kim Tổng thống Thái Anh Văn của Dân Tiến Đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan, sẽ diễn ra vào ngày 11/1 tới.
Đã nghe danh về nền dân chủ tự do ở Đài Loan từ lâu, tôi quyết định làm chuyến đi lần này để tận mình chứng kiến bầu cử tự do của nền dân chủ đi lên từ độc tài ở hòn đảo này.
Nhất là trong bối cảnh sức ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục ngày càng lớn mạnh và khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng đe doạ sẽ dùng vũ lực để thống nhất “tỉnh ly khai” này.
Tôi đến Đài Loan vào đầu tháng Một nên tiết trời còn se lạnh.
Khách sạn của tôi và toà tháp Taipei 101 nổi tiếng đã bắt đầu rục rịch trang trí cho Tết Nguyên Đán, vốn chỉ còn cách có hai tuần nữa.
Nhưng thật ra, cả hòn đảo này đã sôi sục từ suốt mấy tháng nay và chưa đầy 72 tiếng nữa, có lẽ sẽ đạt đến đỉnh điểm, khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày thứ Bảy 11/1 này.
Vì vậy, tôi đến đúng dịp cuối cùng mà hai đảng lớn của Đài Loan, Quốc Dân Đảng (KMT) và Dân Tiến Đảng (DPP) tranh thủ vận động cử tri để bỏ phiếu cho mình.
Tổng thống Đài Loan trích thư sinh viên HK: ‘Đừng tin Cộng sản’
‘Chúa của chúng tôi là Trung Quốc’
Huawei bị công kích do coi Đài Loan là nước độc lập
Cuộc tuần hành tranh cử của ông Hàn Quốc Du bắt đầu lúc 6 giờ chiều, nhưng ngay từ 5 giờ chiều, các ga tàu điện MRT đã chật cứng người, nô nức và náo nhiệt.
Họ mặc những chiếc áo khoác, những chiếc nón sặc sỡ in cờ Đài Loan, ve vẩy biểu ngữ, áp phích có hình ảnh Hàn Quốc Du.
Khi lên tàu, chúng tôi gặp ba người phụ nữ trung niên nói chuyện rôm rả. Sau khi bắt chuyện, tôi bất ngờ khi biết hai trong số họ đang sinh sống ở Bắc Mỹ và đã bay về Đài Loan để tham gia bỏ phiếu.
Ann, người hiện sống ở Vancouver, Canada, khoe với tôi rằng, bà đã canh me tới 3 tiếng đồng hồ để mua bằng được chiếc áo gió có thêu chữ H, tức chữ đầu tiên trong họ Hàn của Hàn Quốc Du.
Còn Lola, người đã sống ở Hoa Kỳ gần 40 năm qua thì nói, bà vẫn giữ song tịch để có thể về Đài Loan thực thi quyền bầu cử của mình.
Và cũng như Ann và Lola, phần lớn những người ủng hộ ông Hàn Quốc Du là tầng lớp trung niên, tranh thủ thời gian sau giờ làm để đến ủng hộ cho ứng cử viên mà họ yêu quý.
Họ nói lý do chính khiến họ ủng hộ ông Hàn là vì kinh tế. Họ cho rằng, chính phủ hiện tại của bà Thái Anh Văn không giúp cải thiện được cuộc sống của người dân.
Tôi hỏi họ nghĩ gì khi ông Hàn Quốc Du bị gắn mác “ủng hộ Cộng sản”, đặc biệt là sau những chuyến đi cấp cao của ông ta đến Đại lục và Hong Kong để gặp các quan chức cấp cao của Bắc Kinh.
Câu trả lời của họ phần lớn là: “Nếu Đài Loan muốn phát triển phải biết thoả hiệp (compromise) và tạo quan hệ với Trung Quốc”.
Tôi bèn đặt một câu hỏi nhạy cảm hơn, là họ có nghĩ ‘Đài Loan là một phần của Trung Quốc đại lục không’?
Hầu hết họ đều cố gắng thể hiện quan điểm ủng hộ “độc lập”, nhưng theo họ, việc có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến độc lập của Đài Loan.
Một số người khác thì đáp xoáy lại rằng, “Tại sao không phải là ‘Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có phải là một phần của Trung Hoa Dân Quốc’ hay không?”
Đây là một cách đáp trả thú vị và không phải không có cơ sở lịch sử.
Tên chính thức của Đài Loan hiện tại là Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China). Chính thể này được thành lập bởi Tôn Trung Sơn vào tháng 1/1912 ở Nam Kinh, bên trong Trung Hoa đại lục.
Đến năm 1949, Quốc dân Đảng chạy sang Đài Bắc nhưng Hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc vẫn cho rằng, chính phủ này mới là chính phủ hợp pháp duy nhất của vùng lãnh thổ gồm Đài Loan, Trung Quốc đại lục và cả một phần của Mông Cổ.
Vì vậy, họ lập luận rằng, Đài Loan mới là “đất mẹ” và đứa con lớn “đại lục” đang tạm nằm trong tay Đảng Cộng sản. Nhưng dù sao thì Đài Loan và Trung Quốc vẫn “là một gia đình”, như quý ông tên Liang nói.
Tuy nhiên, Quốc dân Đảng của 70 năm trước và bây giờ ít nhiều đã có thay đổi, với một trong những chính sách nổi bật nhất của KMT hiện tại là cải thiện mối quan hệ với chính quyền Cộng sản Trung Quốc.
Vì vậy, với việc bà Thái Anh Văn của Đảng Dân chủ Cấp tiến đắc cử tổng thống vào năm 2016 cho thấy, chính sách của Quốc dân Đảng có thể đã không đáp ứng mong muốn của người dân xứ Đài.
Bà Thái Anh Văn và DPP năm nay vẫn giữ nguyên quan điểm ủng hộ Đài Loan độc lập và tăng cường mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á trong cái gọi là chính sách ‘Tân Nam Tiến.’
Tôi không chắc đám đông đang đứng hô hào ở đây có đại diện cho phần lớn người dân Đài Loan hay không để có thể dự đoán chính xác liệu Hàn Quốc Du hay Thái Anh Văn sẽ đắc cử.
Nhưng dù bạn có đồng ý với sự lựa chọn của họ hay không, thì cũng không thể phủ nhận rằng, đang có một niềm hân hoan lan toả mạnh mẽ giữa những con người này.
Dù lựa chọn ấy đúng hay sai đi chăng nữa, ít ra các bạn vẫn có quyền được chọn. Các bạn phải biết, các bạn may mắn lắm đấy! Ít ra là may mắn hơn chúng tôi.”Thùy Linh, BBC News Tiếng Việt
Tôi nghĩ cái họ tìm kiếm chính là sự kết nối. Họ đến đây với mong muốn được gặp những người cùng chí hướng, quan điểm, và chia sẻ niềm vui với nhau về điều đó.
Và dẫu dù ai thắng cử thì họ vẫn có một niềm vui chung, là họ biết chắc rằng họ không cô đơn hay lạc lõng trong tư tưởng. Ít ra, còn có hàng ngàn người ở đây sẵn sàng cùng họ hô:
“Thái Anh Văn! Sa thải! Thái Anh Văn! Sa thải!”
Từ ánh mắt hân hoan của họ, tôi buột miệng nói luôn tâm tư với người phiên dịch của mình: “Shu Ching à, tôi nghĩ việc được lựa chọn trong bầu cử thật sự là một đặc quyền.
“Dù lựa chọn ấy đúng hay sai đi chăng nữa, ít ra các bạn vẫn có quyền được chọn. Các bạn phải biết, các bạn may mắn lắm đấy! Ít ra là may mắn hơn chúng tôi.”
Rồi tôi nhận ra không khí hân hoan này thật ra rất quen thuộc, ít ra là tôi đã gặp nó đâu đó ở Việt Nam rồi.
Bạn cũng biết cái cảm giác đó mà. Đó là sự vui sướng, hạnh phúc khi ta vô tình bắt gặp ánh mắt của một người hoàn toàn xa lạ nào đó và chúng ta mỉm cười với nhau vì trái tim cùng chung nhịp đập.
“Tôi nhớ rồi, Việt Nam có lẽ chỉ đông vui thế này nếu chúng tôi vừa thắng một trận bóng đá, hay đi xem pháo hoa Giao thừa thôi,” tôi cười và Shu Ching cũng cười.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51059150
Tổng thống mãn nhiệm Đài Loan
có nhiều khả năng tái đắc cử
Ngày mai, 11/01/2020, khoảng 19 triệu cử tri Đài Loan được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu tổng thống và Quốc Hội.
Luật pháp Đài Loan không cho phép công bố các thăm dò dư luận 10 ngày trước cuộc bầu cử. Theo cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, ngày 29/12/2019, do kênh truyền hình TVBS thực hiện, tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) thuộc đảng Dân Tiến, có thể đạt được 45% số phiếu ủng hộ, bỏ xa đối thủ bên Quốc Dân Đảng là ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), chỉ đạt khoảng 29%. Ứng viên thứ ba, Tống Sở Du (James Soong), thuộc Thân Dân đảng (People First Party), chỉ được 7%.
Như vậy khả năng tái đắc cử của bà Thái Anh Văn rất lớn. Mặc dù Trung Quốc ngầm mong muốn ứng viên Hàn Quốc Du thắng cử, nhưng theo giới phân tích, điều này khó xẩy ra, trừ phi có những thay đổi to lớn, bất ngờ trong 10 ngày qua.
Từ Đài Bắc, thông tín viên Stephane Lagarde gửi về bài phóng sự về cuộc mít tinh vận động cuối cùng của ứng viên Quốc Dân Đảng :
« Một biển cờ hai mầu đỏ xanh và con số 2, số của ứng viên Hàn Quốc Du (Han Kou-yu) trong cuộc bầu cử tổng thống, nhấp nháy trên các bảng điện tử rực sáng trong màn đêm bao trùm Đài Bắc. Sản xuất tại Đài Loan đấy, các ủng hộ viên của ứng viên tổng thống Quốc Dân Đảng tự hào nói. Trên má họ gắn hai chữ U và P, tiếng Anh là Up, có nghĩa là đang lên. Một ứng viên nói : Chúng tôi thực sự ủng hộ Hàn Quốc Du để phục hồi đất nước và nền kinh tế.
Làm cho đất nước to lớn trở lại, phục hồi đất nước, cựu thương gia bán buôn rau quả, đã từng giành chức thị chính Cao Hùng (Kaohsiung), ở phía nam Đài Loan, với những khẩu hiệu này cách nay một năm. Tuy nhiên, đó là những lời hứa khó thực hiện, không thuyết phục được công luận, đại loại là nếu đắc cử thì ông sẽ lên cắm cờ Đài Loan trên các ngọn núi cao hơn 3000 mét, tất cả người dân Đài Loan sẽ trở nên giàu có sung sướng, v.v.
Những người chống đối ông tố cáo đó là những thông tin giả dối. Thế nhưng, một giáo sư đại học cho rằng đó là cách nói thẳng thắn. Ông nhấn mạnh : Đã đến lúc các chính khách ở Đài Loan cần phải ăn nói thẳng thắn. Trong một thời gian dài, văn hóa châu Á cho thấy là chúng tôi quá dè dặt. Ứng viên Hàn Quốc Du đã mang lại một cách làm chính trị trung thực.
Một số người, đặc biệt là ở Cao Hùng, không cho là như vậy. Họ đã tính đến việc phế truất chức thị trưởng của ông Hàn. Nhà xã hội học Paul Jobin, thuộc Academia Sinica, một trung tâm nghiên cứu ở Đài Bắc, cho biết là chưa đầy ba tháng sau khi đắc cử thị trưởng, ông Hàn đã lao vào cuộc vận động bầu cử sơ bộ lựa chọn ứng viên tổng thống cho Quốc Dân Đảng. Một bộ phận cử tri vốn ủng hộ ông ta đã coi hành động này là một sự phản bội và đây là cái cớ để họ đòi khởi động thủ tục phế truất. Nếu bị thua trong cuộc bầu cử tổng thống, thì cuộc chiến sau đó của ông sẽ là giữ bằng được chiếc ghế thị trưởng Cao Hùng.
Theo một cuộc thăm dò gần đây nhất, ứng viên Hàn Quốc Du có thể thua đối thủ tới 20 điểm ».
Chủ tịch TQ tái khẳng định
cam kết Bắc Kinh sẽ không xưng bá
Phát biểu tại “Diễn đàn Quốc tế Tòng Đô 2019” (3/12/2019), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng “không có quốc gia và dân tộc nào trên thế giới có thể phát triển giàu mạnh thông qua bắt chước và đi con đường của nước khác, cũng không con đường có sẵn nào có thể dẫn dắt tất cả các nước và dân tộc phát triển giàu mạnh. Trung Quốc phải chứng minh bằng thực tiễn của mình, nước mạnh không nhất thiết phải xưng bá”.
Trung Quốc không “xưng bá”
Trong vài năm trở lại đây, giới chức cấp cao của Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố, cam kết nước này sẽ phát triển hòa bình, không xưng bá, không tranh bá nhằm “ru ngủ” và đánh lừa cộng động quốc tế, cụ thể:
Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình (3/12/2019) cho rằng: Trung Quốc phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ một nước vốn nghèo nàn và yếu kém, không phải nhờ vào bành trướng quân sự và cướp đoạt thực dân đối ngoại, mà là nhờ vào nhân dân cần mẫn, gìn giữ hòa bình. Chỉ có những kẻ có thói quen đe dọa người khác, mới coi tất cả mọi người là mối đe dọa. Đối với nguyện vọng chân thành và hành động thực tế mà nhân dân Trung Quốc góp phần vào sự nghiệp hòa bình và phát triển của nhân loại, bất cứ ai đều không nên hiểu nhầm, càng không nên xuyên tạc. Đúng là trật tự quốc tế hiện nay chưa hoàn thiện, nhưng không cần lật đổ và lập lại, cũng không cần xây dựng trật tự khác, mà nên cải cách và hoàn thiện. Các nước nên nhận trách nhiệm của mình, triển khai đối thoại mang tính xây dựng, kiên trì tìm kiếm điểm chung gác lại bất đồng, kiên trì chủ nghĩa đa phương, phát huy năng lượng tích cực cho thực hiện mục tiêu hùng vĩ xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” này. Là một nước có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế, những năm qua, Trung Quốc không những nêu ra cùng xây dựng “Một vành đai, một con đường”, xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, thúc đẩy các nước BRICS đối thoại chặt chẽ… mà còn lần lượt thi hành các đề nghị trên, để thúc đẩy nền chính trị văn minh quốc tế hướng tới tương lai. Miễn là từ bỏ thiên kiến, nhìn nhận khách quan những việc làm trong những năm qua của Trung Quốc sẽ dễ phát hiện, việc Trung Quốc đi con đường phát triển hòa bình, không phải là sách lược tạm thời, càng không phải là lời nói ngoại giao, mà là sự lựa chọn chiến lược nhận xét sâu sắc từ lịch sử, ngày nay và mai sau. Trung Quốc không có lý do nào không kiên trì đi con đường thông suốt đã được thực tiễn minh chứng này. Cho dù phát triển đến mức độ nào, Trung Quốc vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng, vĩnh viễn không mưu cầu phạm vi thế lực. Đây là cam kết nghiêm túc với thế giới của Trung Quốc.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (1/10/2019) tuyên bố Bắc Kinh phải tuân thủ con đường phát triển hòa bình, theo đuổi chiến lược cùng thắng và tiếp tục hợp tác với người dân của tất cả các quốc gia trên thế giới để thúc đẩy xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại.
Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13, Chủ tịch Tập Cận Bình (20/3/2018) nhấn mạnh không có bất cứ lực lượng nào có thể cản trở nhịp bước thực hiện “Giấc mơ” của nhân dân Trung Quốc; cho biết sẽ trước sau như một thực hiện trung thực chức trách mà Hiến pháp giao phó, làm người cần vụ của nhân dân, tiếp nhận sự giám sát của nhân dân. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới thuộc về mỗi người Trung Quốc, miễn là đoàn kết một lòng, cùng phấn đấu, thì không lực lượng nào có thể cản trở nhịp bước thực hiện Giấc mơ của nhân dân Trung Quốc. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định, Trung Quốc quyết không trả giá cho sự phát triển của mình bằng sự hy sinh lợi ích của nước khác, sự phát triển của Trung Quốc không gây nên mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào, Trung Quốc vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng. Bất cứ ai đều không nên hiểu sai, càng không nên bóp méo nguyện vọng chân thành và hành động thực tế của Nhân dân Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và phát triển của loài người. Trong lòng mỗi một người đều có một thước đo. Trung Quốc sẽ tiếp tục tích cực giữ gìn công bằng, chính nghĩa quốc tế, chủ trương công việc trên thế giới cần do nhân dân các nước bàn bạc mà làm, sẽ không áp đặt ý chí của mình cho người khác. Trung Quốc sẽ tiếp tục tích cực thúc đẩy xây dựng “Một vành đai, một con đường”, tăng cường giao lưu và hợp tác với các nước trên thế giới, để thành quả cải cách và phát triển của Trung Quốc mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Trung Quốc sẽ tiếp tục tham gia đổi mới và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu, đóng góp trí tuệ Trung Quốc, phương án Trung Quốc, sức mạnh Trung Quốc nhiều hơn cho thế giới, thúc đẩy xây dựng thế giới hòa bình lâu dài, an ninh phổ biến, cùng phồn vinh, mở cửa bao trùm, sạch đẹp, để ánh sáng xây dựng Cộng đồng cùng chung vận mệnh nhân loại soi sáng thế giới. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải gánh vác trách nhiệm lịch sử lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội vĩ đại, cần phải dám tự cách mạnh, kiên trì lập đảng vì công, cầm quyền vì dân, luôn luôn gắn lòng mình với lòng dân, cùng nhân dân đồng cam cộng khổ, đoàn kết phấn đấu, vĩnh viễn giữ bản sắc của đảng cầm quyền chủ nghĩa Mác, vĩnh viễn đi đầu thời đại, vĩnh viễn làm rường cột của nhân dân Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trải qua gần 70 năm phấn đấu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chúng ta trưởng thành lớn mạnh, đứng sừng sững ở phương Đông thế giới với tư thế hoàn toàn mới. Thời đại mới thuộc về mỗi người, mỗi người đều là người chứng kiến,
người sáng lập, người xây dựng của thời đại mới. Miễn là đoàn kết một lòng, cùng nhau phấn đấu thì không có bất cứ lực lượng nào gì có thể cản trở nhịp bước thực hiện “Giấc mơ” của nhân dân Trung Quốc.
Tương tự, trong Báo cáo chính trị Đại hội 19, ông Tập Cận Bình (18/10/2017) đã cam kết Trung Quốc sẽ kiên trì con đường phát triển hòa bình, vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng. Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập tự chủ, phản đối can thiệp công việc nội bộ nước khác. Đồng thời Trung Quốc quyết không lấy hy sinh lợi ích của quốc gia khác làm cái giá để phát triển bản thân, cũng quyết không từ bỏ lợi ích chính đáng của mình. Bất cứ ai cũng đừng nuôi ảo tưởng bắt Trung Quốc phải nuốt trái đắng gây tổn hại bản thân. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, quyết không dung thứ tái diễn bi kịch lịch sử chia cắt quốc gia. Mọi hoạt động chia rẽ tổ quốc đều sẽ bị toàn thể nhân dân Trung Quốc kiên quyết phản đối. Quyết không cho phép bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào, bất cứ chính đảng nào, vào bất cứ lúc nào, sử dụng bất cứ hình thức gì để chia cắt bất cứ một phần lãnh thổ nào ra khỏi Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định, Trung Quốc tôn trọng quyền tự lựa chọn con đường phát triển của nhân dân các nước, bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, phản đối áp đặt ý chí của bản thân lên người khác, phản đối ỷ mạnh hiếp yếu. Trước những luận điểm về “mối đe dọa của Trung Quốc” trên quốc tế lâu nay, ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự; sự phát triển của Trung Quốc không gây thành mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc dù phát triển đến trình độ (cao) như thế nào cũng vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng”. Thế giới đang ở vào cục diện không ổn định, loài người đứng trước nhiều thách thức chung; các nước cần đồng lòng xây dựng cộng đồng vận mệnh; cần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng hiệp thương, theo đuổi tư duy mới đối thoại không đối đầu, kết bạn không kết bè phái. Cần kiên trì dùng đối thoại giải quyết tranh chấp, dùng hiệp thương giải quyết bất đồng, cùng nhau ứng phó các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, chống mọi hình thức khủng bố. Trung Quốc kiên trì quốc sách cơ bản mở cửa đối ngoại, tích cực thúc đẩy sự hợp tác quốc tế “một vành đai, một con đường”…tạo lập diễn đàn hợp tác mới. Đẩy mạnh viện trợ cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước chậm phát triển nhất, thúc đẩy thu hẹp sự chênh lệch phát triển Bắc-Nam. Trung Quốc ủng hộ thể chế mậu dịch đa phương, thúc đẩy xây dựng khu mậu dịch tự do, thúc đẩy xây dựng kinh tế thế giới kiểu mở.
Ngoài ra, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc (6/9/2011) đã công bố Sách Trắng về “Phát triển hòa bình của Trung Quốc”. Sách trắng đề cập về nguồn gốc, mục tiêu phát triển hòa bình, phương châm chính sách đối ngoại cũng như ý nghĩa của việc phát triển hòa bình của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc từng nhiều lần bày tỏ với cả thế giới về việc lựa chọn con đường phát triển hòa bình, và cam kết duy trì hòa bình thế giới cũng như đẩy mạnh phát triển và thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia. Sách Trắng khẳng định Trung Quốc sẽ kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, sách trắng nhấn mạnh, và đây là con đường phát triển chung của khoa học, độc lập, cởi mở, hòa bình và hợp tác. Theo mục tiêu toàn diện của Trung Quốc trong việc theo đuổi phát triển hòa bình, Bắc Kinh muốn thúc đẩy phát triển và hài hòa ở khía cạnh đối nội, đồng thời theo đuổi hợp tác và hòa bình về đối ngoại. Sách Trắng cũng cho biết, Trung Quốc cũng hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá cao và tin tưởng vào sự chân thành của người dân Trung Quốc, đồng thời bày tỏ quyết tâm đạt được mục tiêu phát triển hòa bình, và hy vọng cộng đồng quốc tế ủng hộ con đường mà nước này theo đuổi.
Bắc Kinh có thật sự phát triển hòa bình
Trái ngược với những tuyên bố hùng hồn trên, chính ông Tập Cận Bình cũng liên tục kêu gọi, ra lệnh cho quân đội Trung Quốc tăng cường huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Tại Hội nghị công tác quân sự của Quân Ủy Trung ương Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình (4/1/2019) tuyên bố toàn quân cần phải kiên trì lấy Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới làm chỉ đạo, đi sâu quán triệt tinh thần Đại hội 19 và Hội nghị Trung ương 2, Trung ương 3 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi sâu quán triệt tư tưởng xây dựng quân đội hùng mạnh của Đảng trong thời đại mới, đi sâu quán triệt phương châm chiến lược quân sự trong thời đại mới, làm tốt công tác chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, mở ra cục diện mới về sự nghiệp xây dựng quân đội hùng mạnh trên khởi điểm mới. Ông Tập Cận Bình còn cho rằng “thế giới đang đứng trước tình hình biến đổi chưa từng có trong một trăm năm qua, sự phát triển của Trung Quốc vẫn đang ở trong thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, đồng thời các loại rủi ro thách thức có thể dự kiến và khó dự kiến tăng lên. Toàn quân cần phải nhận thức đúng đắn và nắm bắt xu thế an ninh và phát triển của Trung Quốc, tăng cường ý thức về hoạn nạn khốn khó, ý thức khủng hoảng, ý thức chiến đấu, làm vững chắc các công tác chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, kiên quyết hoàn
thành nhiệm vụ sứ mệnh mà Đảng và Nhân dân giao phó”. Theo Đài truyền hình CCTV, mệnh lệnh do ông Tập Cận Bình đưa ra ưu tiên hoạt động huấn luyện nâng cao cho quân đội, tập trung vào sự sẵn sàng chiến đấu, tập trận quân sự, thị sát binh sĩ và tập trận đối kháng. Yêu cầu này được áp dụng cho tất cả các đơn vị của quân đội Trung Quốc bao gồm cả binh sĩ, cảnh sát vũ trang và các học viện.
Trước đó, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ban hành một loạt chỉ thị để nâng cao tinh thần binh sĩ. Cơ quan này cho biết sẽ mở rộng thăng cấp cho quân nhân dựa trên thành tích và “rộng lượng hơn” đối với những sai sót trong quá trình huấn luyện. Báo PLA Daily (tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, 1/1/2019) đã có bài xã luận tuyên tuyền rằng tăng cường huấn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh là những ưu tiên hàng đầu của quân đội Trung Quốc trong năm 2019, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc này, đồng thời khẳng định quân đội nên chuẩn bị tốt tất cả các định hướng đấu tranh quân sự và cải thiện toàn diện khả năng ứng phó chiến đấu trong các trường hợp khẩn cấp… để đảm bảo có thể đối mặt thách thức và chiến thắng trong những tình huống như vậy. Các ưu tiên khác được vạch ra trong bài báo bao gồm lập kế hoạch và triển khai hoạt động phát triển quân đội, thúc đẩy cải cách và đổi mới, cũng như xây dựng đảng trong lực lượng PLA.
Trước đó, Phát biểu trong chuyến thị sát Quảng Đông, ông Tập Cận Bình (25/10/2018) đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam, vốn có nhiệm vụ giám sát Biển Đông và Đài Loan, “phải tăng cường chuẩn bị để sẵn sàng ứng chiến, tăng cường diễn tập chung và diễn tập tác chiến để tăng khả năng chiến đấu và chuẩn bị cho chiến tranh”; cho rằng Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam phải gánh vác một “trách nhiệm quân sự nặng nề”, phải “nắm vững mọi tình huống phức tạp và dựa trên đó để đề ra các kế hoạch khẩn cấp phù hợp”, đồng thời ca ngợi quân nhân khi cho rằng “Các bạn đã liên tục làm việc ngoài tuyến đầu, đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích biển. Tôi hy vọng các bạn có thể hoàn tất các sứ mạng thiêng liêng ấy”. Phát biểu trong buổi lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, ông Tập Cận Bình (30/9/2018) đã có bài phát biểu ngắn gọn, kêu gọi binh sĩ Trung Quốc tin tưởng “có khả năng đánh bại mọi kẻ thù”. Hay phát biểu trong cuộc họp Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20/3/2018) tuyên bố: “Bất cứ hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại, gặp phải sự lên án của mọi người cũng như sự trừng phạt của lịch sử; Người dân Trung Quốc đã luôn kiên cường và bất khuất, chúng ta có đủ ý chí để chiến đấu đẫm máu với kẻ thù cho đến cùng”; đồng thời ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng “chiến đấu đẫm máu” cho vị trí chính đáng của mình trên trường quốc tế. Tương tự năm 2019, phát biểu trong cuộc tổng diễn tập quân sự toàn quân năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3/1/2018) kêu gọi: “Chúng ta phải xây dựng một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng đợi lệnh, sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào”.
Trong năm 2014, ông Tập Cận Bình cũng đưa ra các lời kêu gọi tương tự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2014) đã kêu gọi quân đội Trung Quốc “nâng cao tính sẵn sàng và năng lực chiến đấu để chiến thắng một cuộc chiến khu vực trong thời đại công nghệ thông tin”; đồng thời nhấn mạnh “thúc đẩy phát triển các phương tiện quân sự hiện đại để xây dựng một quân đội mạnh”. Trong tháng 9/2014, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi “Các bộ chỉ huy của quân đội Trung Quốc phải tuyệt đối trung thành và có niềm tin vững mạnh vào đảng Cộng sản Trung Quốc, phải đảm bảo luồng chỉ huy thông suốt và đảm bảo tất cả những quyết định từ lãnh đạo trung ương phải được chấp hành; nhấn mạnh Bộ chỉ huy của tất cả các lực lượng quân đội Trung Quốc nên cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và nâng cao năng lực để có thể giành chiến thắng một cuộc chiến tranh khu vực trong thời đại công nghệ thông tin”.
Nhìn chung, Trung Quốc một mặt đưa ra cam kết theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự; sự phát triển của Trung Quốc không gây thành mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào; kiên trì con đường phát triển hòa bình, vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng; tôn trọng quyền tự lựa chọn con đường phát triển của nhân dân các nước, bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, phản đối áp đặt ý chí của bản thân lên người khác, phản đối ỷ mạnh hiếp yếu. Mặt khác, Trung Quốc liên tục kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi cuộc chiến. Cho thấy lời nói và hành động không nhất quán của Bắc Kinh.
Loại virus mới liên quan đến SARS chính là thủ phạm
gây ra bệnh viêm phổi bí ẩn của Trung Cộng
Theo các nhà khoa học Trung Cộng, Một đợt bùng phát bệnh viêm phổi bí ẩn ảnh hưởng hàng chục người và khiến Trung Cộng cảnh giác có nguồn gốc từ cùng một loại virus với hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). CNN trích dẫn nguồn tin của đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết họ tìm thấy một loại coronavirus mới ở 15 trong số 57 bệnh nhân mắc bệnh tại thành phố trung tâm Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, và cho biết rằng virus này được xác định là mầm bệnh cho đợt bùng phát.
Báo cáo cho biết toàn bộ trình tự bộ gen của virus được thu nhận và một mẫu phân lập từ một trong những bệnh nhân cho thấy “sự xuất hiện của coronavirus” dưới kính hiển vi điện tử. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), coronavirus là một họ virus lớn gây ra các bệnh từ cảm lạnh thông thường đến SARS. Các triệu chứng có thể đa dạng từ sốt và ho đến suy thận, và trong một số trường hợp dẫn đến tử vong. Một số coronavirus lan truyền dễ dàng từ người sang người, trong khi những virus khác thì lại không. SARS lây nhiễm hơn 8,000 người và giết chết 774 người trong một trận đại dịch hoành hành khắp châu Á và lan sang 37 quốc gia vào năm 2002 và 2003. Một loại coronavirus cũng là thủ phạm gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), lần đầu tiên được xác định ở Saudi Arabia vào năm 2012. Kể từ đó, MERS khiến 851 người thiệt mạng trên toàn cầu.
Nhưng coronavirus mới ở Vũ Hán dường như không gây chết người như SARS hay MERS. Triệu chứng của virus này chủ yếu là sốt, với một số bệnh nhân khó thở. Tám bệnh nhân hồi phục và được xuất viện vào hôm thứ Tư, và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Mộc Miên
Không loại trừ khả năng xảy ra xung đột
giữa Indonesia và TQ tại vùng biển Natuna
Bất chấp phản đối của Indonesia, Trung Quốc tiếp tục duy trì hiện diện của tàu chấp pháp và tàu cá tại vùng biển Natuna. Hành động trên của Bắc Kinh buộc Jakarta phải đưa ra các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.
Sau khi triển khai thêm 4 tàu chiến đến quần đảo Natuna, nâng tổng số tàu có mặt tại đây lên con số 8, Không quân Indonesia (7/1) quyết định triển khai thêm 4 chiến đấu cơ F-16 tuần tra ở quần đảo Natuna nằm ở phía Nam Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Lực lượng vũ trang Indonesia (TNI) đã triển khai ít nhất 600 binh sĩ và 2 khinh hạm chống tàu ngầm đến Natuna Lớn, đảo lớn nhất trong quần đảo Natuna. Văn phòng thông tin TNI khẳng định với Jane’s Navy International rằng đây là đợt triển khai lớn nhất về mặt nhân sự và lượng thiết bị quân sự tới quần đảo Natuna. Số binh sĩ được triển khai bao gồm từ lực lượng lính thủy đánh bộ, lục quân và phòng không. Hai khinh hạm vừa được điều đến Natuna là KRI Teuku Umar và KRI Tjiptadi. Không rõ 2 khinh hạm này có nằm trong số 4 tàu chiến mà Indonesia vừa triển khai đến quần đảo Natuna hay không. Trong khi đó, ông Imam Hidayat, người phụ trách các hoạt động trên biển thuộc Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia (6/1) cho biết hiện có 6 tàu chiến nước này đang hiện diện ở quần đảo Natuna và thêm 4 chiếc đang trên đường đến nơi. Ngoài việc triển khai tàu chiến và binh sĩ, TNI cho hay không quân Indonesia cũng đã cho máy bay tuần tra biển hoạt động trên bầu trời quần đảo Natuna từ ngày 5/1.
Ngoài ra, Bộ trưởng an ninh Indonesia Mahfud MD (6/1) tiết lộ với giới phóng viên rằng 120 ngư dân từ đảo Java sẽ được đưa đến quần đảo Natuna để đối phó tàu Trung Quốc và bảo vệ lãnh hải. Bộ trưởng an ninh Indonesia cho biết, “chúng tôi muốn huy động các ngư dân từ bờ biển phía bắc và có thể từ những khu vực khác đến đó đánh bắt và làm những việc khác”, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ sẽ cung cấp hỗ trợ và đảm bảo an ninh cho những ngư dân hoạt động xung quanh quần đảo Natuna.
Theo bộ Quốc Phòng Indonesia, đây là một lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay được triển khai đến khu vực, cả trên bình diện phương tiện vũ khí, lẫn quân lính. Mục tiêu là để đối phó với những hành vi bị Jakarta coi là sự xâm lấn ngày càng tăng của tàu thuyền Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Một bản thông cáo của Quân Đội Indonesia cũng tố cáo các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp được tàu tuần duyên nước ngoài bảo vệ, xem đấy là những hành động vi phạm chủ quyền của Indonesia. Lời tố cáo nhắm vào các hoạt động gần đây của lực lượng Hải Cảnh và các tàu đánh cá Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố việc tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đang tuần tra ở phía Bắc quần đảo Natuna, làm trầm trọng thêm các tranh chấp ở Biển Đông. Ông Charles Honoris, một thành viên của Partai Demokrasi Indonesia Perjuangan (PIDP – Đảng Đấu tranh Dân chủ) đang cầm quyền ở Indonesia, đã đề nghị chính phủ tạm đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp tác song phương với Trung Quốc. Ông Honoris cũng đề nghị Indonesia có thể tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia thành viên ASEAN khác và từ chối tham gia các hoạt động đa phương do Trung Quốc khởi xướng trên các diễn đàn quốc tế. Một số quan chức thậm chí còn đề xuất mua thêm tàu tuần tra trên biển, tăng cường khả năng bảo vệ vùng biển của Indonesia.
Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, đưa lực lượng chấp pháp và tàu cá đến hoạt động trong vùng biển của Indonesia là không thể chấp nhận được. Tuy bị Indonesia lên án và đưa ra các biện pháp cứng rắn đáp trả, song Trung Quốc hiện vẫn ngoan cố không rút tàu, biện minh rằng đầy là “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Điều này buộc Indonesia phải tăng cường thêm lực lượng chấp pháp, bao gồm Hải quân, Không quân, Lục quân và cả ngư dân đến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Với sự xuất hiện dày đặc của tàu chiến, máy bay của Indonesia lẫn Trung Quốc khiến vùng biển này trở nên căng thẳng, dễ xảy ra xung đột.
Tàu Trung Quốc rời vùng biển Natuna
sau phản ứng mạnh của Indonesia
Trọng Nghĩa
Quân đội Indonesia ngày 09/01/2020 cho biết là hầu như toàn bộ các tàu hải cảnh và tàu đánh cá Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển tranh chấp ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia, nằm ở phía tây Biển
Đông. Đội tàu Trung Quốc đã rút đi sau khi tổng thống Indonesia đích thân đến khu vực để khẳng định chủ quyền của quốc gia Đông Nam Á này trên vùng biển mà Bắc Kinh tranh chấp.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, tướng Sisriadi, phát ngôn viên Quân Đội Indonesia cho biết là phi cơ trinh sát của Indonesia không còn nhìn thấy tàu Trung Quốc hiện diện trong khu vực bị tranh chấp, và đội tàu này đã rút đi ngay khi tổng thống Indonesia đến Natuna.
Phát ngôn viên Quân Đội Indonesia đồng thời cũng khẳng định rằng Hải Quân Indonesia vẫn tiếp tục hoạt động trong vùng biển Natuna.
Tuy nhiên, theo Reuters, không phải là toàn bộ tàu Trung Quốc đã rút đi. Theo ông Nuryawal Embun, giám đốc đặc trách các hoạt động trên biển thuộc Cơ Quan An Ninh Hàng Hải Indonesia, vẫn còn một chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc hiện diện trong “vùng thềm lục địa” của Indonesia.
Đó là chiếc Haijing 35111, vào tháng 5 năm ngoái (2019) từng tham gia sách nhiễu hoạt động của giàn khoan Malaysia ở vùng bãi cạn Luconia Shoals sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở Biển Đông, rồi kể từ tháng 7 chuyển qua liên tục quấy phá hoạt động của giàn khoan Việt Nam Hakuryu 5 tại vùng Bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong những tuần gần đây, căng thẳng đã leo thang giữa Jakarta và Bắc Kinh sau khi Trung Quốc cho tàu hải cảnh và tàu cá của họ vào hoạt động trong một vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia nằm sát Biển Đông, vốn đã bị Bắc Kinh gọi vào bên trong Đường 9 Đoạn mà Trung Quốc dùng để áp đặt chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Indonesia đã phản ứng mạnh mẽ, triệu đại sứ của Trung Quốc lên để phản đối, triển khai thêm tàu chiến và chiến đấu cơ đến tuần tra vùng biển Natuna, và trong một động thái mang ý nghĩa biểu tượng mạnh, vào hôm 08/01, đích thân tổng thống Joko Widodo đã đi tàu đến thăm một hòn đảo trong vùng biển bị Trung Quốc tranh chấp để khẳng định chủ quyền của Indonesia.
Jakarta nhờ Tokyo giúp đỡ trên vấn đề Natuna
Ngoài việc đích thân tỏ thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước trước Trung Quốc, tổng thống Indonesia cũng huy động sự giúp đỡ của nước Nhật Bản.
Ngày 10/01/2020, nhân dịp ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ghé thăm Jakarta, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào ngành thủy sản và năng lượng tại vùng quần đảo Natuna, nơi vừa có căng thẳng với Trung Quốc.
Văn phòng tổng thống Indonesia đã xác nhận lời đề nghị của ông Widodo, trong lúc ngoại trưởng Indonesia bà Retno Marsudi nói rõ hơn là Jakarta đã yêu cầu Nhật Bản đầu tư vào ba lãnh vực thủy sản, năng lượng và du lịch ở Natuna.
Bên cạnh đó, hai bên cũng đồng ý tăng cường phối hợp trong lãnh vực tuần duyên.
Về phía Nhật Bản, ngoại trưởng Motegi, dù không nêu đích danh Trung Quốc, đã bày tỏ thái độ quan ngại về tình hình Biển Đông. Theo ông, hai nước Indonesia và Nhật Bản “chia sẻ một mối quan ngại sâu sắc trước những nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng”.
Nhóm từ “đơn phương thay đổi nguyên trạng” được dùng để tố cáo các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Indonesia hết kiên nhẫn?
Những ngày qua, Indonesia có có động thái cứng rắn đến không ngờ đối với TQ. Càng ngạc nhiên hơn khi ngày 8/1, ông Joko Widodo tổng thống Indonesia thăm quần đảo Natuna, gặp gỡ hàng trăm ngư dân trên đảo và thị sát hai tàu chiến được triển khai trong khu vực.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta cách đây mấy ngày phát đi cảnh báo: “Các công dân và tổ chức Trung Quốc ở Indonesia nên tăng cường cảnh giác và gia tăng các biện pháp an ninh trong khi theo dõi sát sao tình hình ở địa phương và tránh tụ tập ở những nơi đông người”.
Không nêu cụ thể vấn đề gì, nhưng ai cũng biết, câu chuyện liên quan căng thẳng giữa TQ và Indonesia hơn hai tuần qua, khi các tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống hàng chục tàu cá của vào đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế gần quần đảo Natuna của Indonesia.
Cho dù Indonesia kiểm soát khu vực này, phía TQ vấn khăng khăng coi đó là ngư trường truyền thống của ngư dân nước họ. Sự ngang ngược đó thể hiện qua ý kiến người phát ngôn Ngoại giao TQ, ông Cảnh
Sảng: “TQ có các quyền lịch sử tại Biển Nam Hải (cách TQ gọi Biển Đông). Các ngư dân TQ luôn tiến hành các hoạt động đánh bắt ở vùng biển liên quan tới quần đảo Trường Sa. Điều đó là hợp pháp và hợp lý”.
Đáp lại, Indonesia, trong công hàm ngày 30/12/2019 thể hiện một cách đanh thép: “Những tuyên bố của TQ đối với vùng đặc quyền kinh tế với lý do là ngư dân của họ từ lâu đã hoạt động tại đây… là không có cơ sở pháp lý và không bao giờ được UNCLOS 1982 công nhận”.
Phán quyết của Tòa trọng tài LHQ hồi tháng 7 năm 2016 bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của TQ cũng được Indonesia viện dẫn như một bằng chứng cho thấy TQ đang mang bộ mặt của gã côn đồ bậc nhất thế giới hiện nay.
Hơn cả tuyên bố miệng, lần này, Indonesia có có động thái cứng rắn đến không ngờ. Cụ thể, nước này đã cử một số tàu chiến và 120 tàu cá ra tuần tra trong khu vực mà tàu hải cảnh và tàu cá TQ đang lảng vảng, và gần như đồng thời, triển khai bốn chiếc máy bay chiến đấu F-16 tới quần đảo Natuna để cảnh báo nước này có thể làm mọi điều vì chủ quyền chính đáng của mình.
Dư luận quốc tế càng ngạc nhiên hơn khi ngày 8/1, ông Joko Widodo tổng thống Indonesia thăm quần đảo Natuna, gặp gỡ hàng trăm ngư dân trên đảo và thị sát hai tàu chiến được triển khai trong khu vực.
Trả lời báo chí, khác với người đồng cấp PLP – ông Duterte – tại căn cứ hải quân Lamba Strait, ông Widodo nói toạc, không úp mở: “Tôi ở đây để đảm bảo việc thực thi chủ quyền của chúng ta. Indonesia có quyền bắt hoặc trục xuất tàu nước ngoài khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”.
Nên nhớ rằng, trước đó hai ngày, ông Widodo đã nhấn mạnh: “Không có chuyện thương lượng về vấn đề chủ quyền của chúng ta”.
Sự cứng rắn của ông Widodo như động thái thể hiện một Indonesia không chỉ cứng rắn mà còn quyết liệt.
Có vẻ như Indonesia đã hết kiên nhẫn với TQ vậy?!
http://biendong.net/dam-luan/32567-indonesia-het-kien-nhan.html
Indonesia đề nghị Nhật Bản đầu tư
vào quần đảo Natuna để đối phó với Trung Quốc
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia hôm thứ Sáu 10/1 đề nghị Nhật Bản đầu tư vào nghề cá, năng lượng và du lịch ở quần đảo Natuna của Indonesia.
Reuters loan tin cùng ngày trích thông cáo của Văn phòng Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết Tổng thống Indonesia đã đưa ra lời mời đầu tư các cơ hội kinh tế với phía Nhật Bản như trên.
Lời đề nghị này được đưa ra vào khi có những căng thẳng giữa Jakarta và Bắc Kinh sau khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh vào vùng biển quanh Natuna từ hồi tháng 12 đến nay.
Trong buổi đàm thoại với Tổng thống Joko Widodo, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi không nhắc tới cụ thể tên Trung Quốc, nhưng nói nước Nhật cảnh giác với tình hình Biển Đông.
Năm ngoái Nhật đã đầu tư 7,26 triệu USD để xây một chợ cá ở Natuna được đặt tên là Tsukiji theo tên một chợ nổi tiếng ở Tokyo.
Hôm 8/1, tổng thống Joko Widodo cũng đã có chuyến thăm đến quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền của Indonesia ở vùng nước này sau vụ việc một số tàu Hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc xuất hiện ở đây nhiều lần từ cuối tháng 12/2019.
Trung Quốc không đòi Natuna thuộc về nước này nhưng nói vùng nước gần Natuna là nơi các ngư dân Trung Quốc vẫn đánh bắt cá. Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn tự vẽ ra trên Biển Đông, đi qua vùng nước gần Natuna.
Một người phát ngôn của quân đội Indonesia nói những tàu cá của Trung Quốc đã rời khỏi vùng nước sau chuyến tuần tra của ông Joko Widodo.
Làn sóng tẩy chay TQ
bùng phát tại Indonesia và Malaysia?
Không chỉ diễn ra trên mặt trận Biển Đông, tại các nước khu vực như Indonesia, Malaysia còn đang xuất hiện những dư luận phản đối các vấn đề khác liên quan Trung Quốc như nhân quyền, văn hoá. Điển hình vừa qua là các cuộc biểu tình của người dân Indonesia và Malaysia phản đối việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Các cuộc biểu tình phản đối việc TQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Hàng nghìn người dân đã xuống đường ở Indonesia và Malaysia hôm 27/12, để phản đối sự đàn áp của gần 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Trung Quốc. Tại Malaysia, khoảng 700 thành viên của các nhóm khác nhau đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur. Các cuộc biểu tình diễn ra sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hứa sẽ không dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ tìm nơi ẩn náu ở đất nước ông. Khoảng 1.000 người biểu tình chủ yếu là người Hồi giáo cũng tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta, trong cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia Đông Nam Á chống lại Bắc Kinh đàn áp các nhóm người thiểu số Hồi giáo. Chính phủ Malaysia đã chỉ định một viện quốc tế để tiến hành một nghiên cứu về các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah cho biết, Viện Tư tưởng và Văn minh Hồi giáo Quốc tế (ISTAC) đã được giao nhiệm vụ viết một báo cáo chi tiết về tình hình của người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Khu tự trị Tân Cương, thuộc Tây Bắc Trung Quốc là nơi có 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ. Nhóm Hồi giáo Turkic, chiếm khoảng 45% dân số Tân Cương, từ lâu đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc phân biệt đối xử về văn hóa, tôn giáo và kinh tế. Trung Quốc bị buộc tội thực hiện các chính sách đàn áp nhóm người Duy Ngô Nhĩ và kiềm chế các quyền tôn giáo, thương mại và văn hóa. Theo các quan chức của Mỹ và các chuyên gia của Liên hợp quốc, có tới 1 triệu người, tương đương khoảng 7% dân số người Hồi giáo ở Tân Cương, đã bị giam giữ bất hợp pháp trong các trại cải tạo. Trong một báo cáo hồi tháng 9 năm ngoái, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện một chiến dịch có hệ thống về vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Tòa án Malaysia cấm nhóm vận động Hoa ngữ học đường biểu tình
Một tòa án Malaysia hôm 27/12 cấm Dong Jiao Zong, một nhóm khuyến học Hoa ngữ tổ chức biểu tình chống việc dạy chữ Ảrập ở nước này. Trước đó, nhóm Dong Jiao Zong (Đồng Giáo Tổng) dự định tổ chức một cuộc biểu tình vào cuối tuần này để chống lại kế hoạch dạy viết chữ Ảrập, tiếng Malaysia gọi là Khat, trong các trường học dạy tiếng Tamil và tiếng Quan thoại tại địa phương. Nhà chức trách Malaysia lo ngại động thái của nhóm vận động Hoa ngữ có thể gây ra căng thẳng sắc tộc ở một đất nước đa chủng tộc. Thủ tướng Mahathir Mohamad cảnh báo rằng cuộc biểu tình do nhóm Dong Jiao Zong phát động có khả năng gây hỗn loạn vì nó kích động cộng đồng thiểu số người Hoa ở Malaysia chống lại đa số người Mã Lai theo Hồi giáo. Mục đích chính của Dong Jiao Zong trong cuộc biểu tình dự kiến vào ngày 28/12 tại một trường đại học ở thị trấn Kajang, chỉ cách thủ đô Kuala Lumpur 28km, là để phản đối kế hoạch của Bộ giáo dục Malaysia về việc đưa chữ Khat vào dạy tại tất cả các trường tại địa phương. Chữ khat từng là một hệ thống được ưa thích để viết tiếng Mã Lai.
Truyền thông địa phương cho biết lệnh cấm của tòa án là nhằm tránh nguy cơ xảy ra bạo loạn nếu cuộc biểu tình được phép tổ chức. Lệnh cấm ghi rõ: “Theo quan điểm đó, sự hiện diện của bạn tại trường Đại học New Era ở Kajang vào ngày mai bị cấm và bạn được cảnh báo không tụ tập hoặc tham gia vào bất cứ hoạt động nào của cuộc biểu tình”. Ngoài người Mã Lai chiếm khoảng 60% dân số 32 triệu dân của Malaysia, người Tamil và người Hoa là hai nhóm sắc tộc thiểu số lớn nhất ở nước này. Luật pháp Malaysia cho phép các cộng đồng thiểu số điều hành các trường dạy bằng ngôn ngữ của họ.
http://biendong.net/bien-dong/32561-lan-song-tay-chay-tq-bung-phat-tai-indonesia-va-malaysia.html
Indonesia và Malaysia đồng loạt phản bác
yêu sách “chủ quyền” của TQ ở Biển Đông:
Khi các chuẩn mực quốc tế bị Bắc Kinh chà đạp
Trái với những gì được Trung Quốc đưa ra về việc tình hình Biển Đông đang phát triển ổn định và Bắc Kinh thiện chí cùng các nước đang hợp tác giải quyết hiệu quả các tranh chấp, các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông liên tục bị các nước ASEAN phản đối, lên án. Mới đây nhất là các tuyên bố, động thái của Malaysia và Indonesia.
Indonesiatuyên bố không bao giờ công nhận “đường 9 đoạn” của TQ và khẳng định giá trị pháp lý trong Phán quyết của PCA
Hôm 30/12/2019, ngư dân Indonesia cho biết họ đã thấy một tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống các tàu cá Trung Quốc nhiều lần trong những ngày gần đây tại vùng biển Natuna và họ đã báo cáo cho Cơ quan An ninh Biển Indonesia. Và thông tin đó đã chính xác khi hôm 30/12/2019, khi Bộ Ngoại giao Indonesia ra thông cáo nói tàu tuần duyên Trung Quốc đã tiến vào vùng EEZ của Indonesia, khu vực ngoài khơi Quần đảo Natuna ở phía Bắc nước này và triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta tới để trao công hàm phản đối. Đến ngày 2/01/2020, Bộ Ngoại giao Indonesia tiếp tục ra thông cáo yêu cầu Trung Quốc phải giải thích về “cơ sở pháp lý và các đường biên rõ ràng” liên quan tới Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Indonesia nói EEZ là nơi họ có đầy đủ đặc quyền theo quy định của Công ước Luật biển Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS). Là một thành viên ký kết UNCLOS, Indonesia nói, Trung Quốc có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng quy định này. Bộ Ngoại giao Indonesia lặp lại quan điểm Jakarta không tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và không có các vùng chồng lấn trên biển với Trung Quốc. Jakarta cũng nhắc tới việc lập luận của Bắc Kinh đã bị bác hồi 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) và tuyên bố Indonesia “không bao giờ công nhận ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc”.
Đáp lại phản ứng của Jakarta, phía Bắc Kinh hôm 31/12/2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói Trung Quốc có “chủ quyền” đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh và cho rằng cả Trung Quốc và Indonesia đang có các hoạt động nghề cá “bình thường” tại đó vùng biển mà Jakarta đề cập đến. Tuy không nhắc tên địa danh cụ thể, nhưng Trung Quốc coi đó là nơi liên quan tới quần đảo Trường Sa. “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan tới quần đảo Trường Sa… Trung Quốc có các quyền lịch sử tại Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Các ngư dân Trung Quốc luôn tiến hành các hoạt
động đánh bắt ở vùng biển liên quan tới Quần đảo Trường Sa. Điều đó là hợp pháp và hợp lý”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang nhiên tuyên bố trước báo chí.
Malaysia chỉ trích việc TQ đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông là quá “lố bịch”, đáp trả mạnh mẽ các tuyên bố của Bắc Kinh
Ngay sau khi nộp đơn đề nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS) xét duyệt yêu cầu của Malaysia là mở rộng ranh giới thềm lục địa qua khỏi EEZ, Manila tuyên bố rằng việc Bắc Kinh lập bản đồ tự vẽ “đường 9 đoạn” để tuyên bố sở hữu hầu như toàn bộ Biển Đông là quá “lố bịch”. Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah hôm 20/12 nêu: “Vì Trung Quốc tuyên bố toàn bộ Biển Đông, tôi nghĩ tuyên bố như thế là lố bịch”. Khi bào chữa cho đơn đăng ký mở rộng ranh giới thềm lục địa của Malaysia, ông nói là nhằm để Malaysia khẳng định chủ quyền trên toàn bộ thềm lục địa và các tài nguyên bên dưới gồm các mỏ dầu khí có thể có trong khu vực này.
Đáp lại động thái của Malaysia, Đại diện phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã gửi văn bản đến Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, phản đối đơn đăng ký mở rộng ranh giới thềm lục địa của Malaysia trình CLCS, với nội dung “Chính phủ Trung Quốc nghiêm túc đề nghị Ủy ban không xét đơn của Malaysia. Trung Quốc có vùng biển nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp ở khu vực Nam Hải Chư Đảo. Trung Quốc có một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc có chủ quyền lịch sử ở Nam Hải”.
Nhận định của giới chuyên gia các nước về ý đồ và hệ luỵ từ những hành vi của TQ trên Biển Đông
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa tàu bè và các lực lượng hải cảnh vào khu vực EEZ của nước khác trên Biển Đông. Hồi tháng 7/2019, Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh đã xâm phạm Bãi Tư chính nằm hoàn toàn thuộc vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của UNCLOS và sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Các vụ việc tương tự cho việc Trung Quốc có các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền các nước ở Biển Đông cũng diễn ra đối với Philippines và Malaysia. Theo trang tin The Jakarta Post, trước đó, Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia đã báo cáo tình trạng phát hiện có hàng chục tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống tàu cá vào tiến hành các hoạt động mà giới chức Indonesia cho là đánh bắt cá bất hợp pháp. Jakarta Post nói khoảng 50 tàu Trung Quốc vào vùng biển Indonesia lần đầu tiên hôm 19/12 và rời đi vào ngày hôm sau. Đến ngày 24/12 lại có thêm các tàu quay trở lại với sự hộ tống của nhiều tàu tuần duyên Trung Quốc.
Những hành động của Trung Quốc cho thấy mục tiêu không thây đổi của Bắc Kinh là độc chiếm Biển Đông. Nhắc lại lịch sử, vào năm 1956, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đến năm 1974 thì chiếm toàn bộ quần đảo này. Đến năm 1988, Trung Quốc chiếm thêm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. au đó, Trung Quốc nhanh chóng biến cãi bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự. Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp 7 bãi đá họ chiếm đóng của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13 km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa), trong đó 3 đảo có đường băng dài 3.000 m. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, đã phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không nổi trên 3 thực thể là đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập. Từ năm 2017, Trung Quốc đưa ra khái niệm “Tứ Sa” về Biển Đông. Theo đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế.
Đi liền với hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc còn ngăn cản Việt Nam với các đối tác nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ ngang nhiên coi EEZ của các quốc gia khác như của mình, mà điển hình là vụ Trung Quốc hạ đặt dàn khoan 981 trong vùng EEZ của Việt Nam hồi năm 2014. Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trở lại trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam là bước đi mới nhất nhằm áp đặt trên thực tế “đường 9 đoạn” bất hợp pháp trên Biển Đông. Theo đó, dần dà, Trung Quốc lân la chiếm toàn bộ các đảo trong vùng biển này (bao gồm 4 quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa theo cách gọi của Trung Quốc), đồng thời mong muốn nắm chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông và toàn bộ tài nguyên trong khu vực biển này theo “đường 9 đoạn”, bên cạnh đó là quyền kiểm soát với vùng trời, vùng biển và đáy biển. Những hành động trên của Trung
Quốc được kể tên là những kế sách “biến không thành có”, “tằm ăn dâu”, “cây gậy và củ cà rốt”… mà nước này đang áp dụng với các nước có tranh chấp trong vấn đề Biển Đông. Tất cả những kế sách đó đều nhằm mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là “độc chiếm Biển Đông”.