Đọc báo Pháp – 09/01/2020
Căng thẳng Mỹ-Iran tại Trung Đông:
Bắc Kinh sợ vạ lây
Trọng Nghĩa
Tình hình căng thẳng Mỹ-Iran vẫn là đề tài thời sự được các báo Pháp ra ngày hôm nay 09/01/2020 tiếp tục chú ý, với tựa đầu và hồ sơ đặc biệt trên Le Monde và La Croix, và nhiều bình luận, phân tích trên các báo còn lại. Độc đáo nhất trong các bài là nhận định của Le Figaro, theo đó “Bắc Kinh đang bị trì kéo giữa liên minh với Iran và nỗi lo căng thẳng leo thang”.
Đối với Sébastien Falletti, thông tín viên Le Figaro tại Trung Quốc, một lần nữa, Donald Trump lại làm cho Bắc Kinh sững sờ. Khi bật đèn xanh cho chiến dịch tiêu diệt tướng Iran Soleimani, tổng thống Mỹ đã phá rối tính toán của các chiến lược gia tại Trung Quốc, nước nguyên là đồng minh của Iran và đang lao vào một cuộc đọ sức chiến lược dài hơi với Hoa Kỳ, nhưng từ nhiều tháng qua, đang phải dày công tìm kiếm một cuộc hưu chiến thương mại với Mỹ.
Trung Quốc bị buộc phải đi dây
Theo Le Figaro, bóng ma của một vùng Trung Đông bốc cháy đang ám ảnh cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, mà hơn một phần ba nguồn cung ứng dầu hỏa đến từ khu vực. Trung Quốc như đang phải đi dây giữa một bên là liên minh với Iran và Nga, và bên kia là quyết tâm ngăn chặn một sự leo thang nguy hiểm.
Đối với Iran, quốc gia đã bán cho Trung Quốc 15 tỷ đô la dầu hỏa vào năm 2018, Bắc Kinh đã lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết và tố cáo các “hành động quân sự nguy hiểm của Mỹ”. Trên mạng internet Trung Quốc, các thành phần dân tộc chủ nghĩa nhất đã rầm rộ lên án “phát xít Mỹ” và ca ngợi Iran.
Tuy nhiên, trung thành với truyền thống của mình, ngành ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi kiềm chế và tránh đả kích Hoa Kỳ một cách quá nặng nề. Lý do là dẫu sao, việc đúc kết một thỏa thuận thương mại bán phần với Washington là một ưu tiên chiến lược của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Một giáo sư tại Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh ghi nhận: “Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải: Xung đột nổ ra ở Trung Đông sẽ tác hại mạnh đến các lợi ích năng lượng và ngoại giao của Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn khiêu khích chính quyền Trump vì việc ký kết thỏa thuận thương mại vẫn là ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh vào lúc này”.
Trump đã trấn an nhưng Trung Quốc vẫn sợ thay đổi giờ chót
Đối với Trung Quốc, chiến tranh nổ to ở Trung Đông có nguy cơ làm chao đảo kinh tế thế giới vào lúc kinh tế Trung Quốc đang phát triển khựng lại.
Theo Le Figaro, ông chủ Nhà Trắng đã trấn an một phần các chiến lược gia Trung Quốc khi tuyên bố hôm 31/12/2019 rằng ông sẽ ký văn kiện về “Giai đoạn 1” của một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào “ngày 15 tháng Giêng” tới đây. Thế nhưng Bắc Kinh vẫn cảnh giác vì đã quen với những thay đổi giờ chót của ông Trump.
Trước mắt là như vậy, nhưng theo Le Figaro, một số chuyên gia cho rằng trong trung hạn, khả năng xung đột Mỹ-Iran kéo dài cũng có thể có lợi cho Trung Quốc, bằng cách chuyển sự chú ý của Washington ra khỏi vùng châu Á. Ví dụ rõ nét là vụ tấn công khủng bố 11/09/2001 đã thu hút sự chú ý của Mỹ vào mặt trận Irak và Afghanistan và lơ là khu vực châu Á, để yên cho Trung Quốc hành động trong cả chục năm.
Trong khi chờ đợi thì với hồ sơ Iran, rõ ràng là Trung Quốc không còn nằm trong tầm nhắm trước mắt của ông Trump.
Iran báo thù nhưng “chừng mực”
Như nói ở trên, tít lớn của hai tờ Le Monde và La Croix được dành cho cuộc đọ sức Mỹ-Iran, tập trung phân tích sự kiện Iran pháo kích vào hai căn cứ Mỹ ở Irak để “báo thù” vụ tướng Iran Soleimani bị thiệt mạng trong một trận không kích của Mỹ gần Bagdad.
Trong lúc La Croix tỏ vẻ hết sức lo ngại, nhìn thấy khu vực Trung Đông lâm vào “hiểm cảnh” do căng thẳng giữa Mỹ và Iran, thì Le Monde bình tĩnh hơn, thấy rằng hành động “báo thù” của Iran thực ra vẫn tương đối chừng mực để khỏi làm cho tình hình xấu đi thêm.
Đối với Le Monde, lời hứa trả thù mà giới lãnh đạo Iran từng đe dọa là sẽ rất dữ dội rốt cuộc đã chỉ gây nên những tổn thất hạn chế, không gây nên tử vong nơi lính Mỹ, và cũng không kéo theo một sự leo thang quân sự trên quy mô lớn có nguy cơ đẩy khu vực vào vòng xoáy hủy diệt với những hậu quả khôn lường.
Lần đầu tiên lực lượng Iran công nhận tấn công vào Mỹ
Tuy nhiên, theo Le Monde, cho dù không có nhiều ảnh hưởng về mặt quân sự, chiến dịch trả đũa do lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran tiến hành mang một ý nghĩa biểu tượng quan trọng: Đây là lần đầu tiên mà Cộng Hòa Hồi Giáo Iran tấn công trực tiếp vào các cơ sở quân sự của Mỹ bằng các phương tiện vũ khí quy ước và dưới danh nghĩa của chính mình.
Đây là một điểm khác cơ bản so với trước đây khi Teheran không bao giờ công khai ra mặt trong những vụ tấn công vào các đối thủ, dù đó là Mỹ, Israel hay các các quốc gia vùng Vịnh đối lập với Iran, mà luôn luôn để cho các nhóm dân quân đồng minh với Iran nhận trách nhiệm về các hành động gây hấn.
Ví dụ rõ nhất về truyền thống ném đá giấu tay này là cuộc tấn công tinh vi, phối hợp máy bay tự hành và tên lửa ngày 14/09/2019, đánh vào các cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út. Trong vụ này, phiến quân Houthi ở Yemen, được Iran hỗ trợ, đã nhanh chóng nhận mình là tác giả, trong khi cuộc tấn công được cho là đã được thực hiện từ lãnh thổ Irak hoặc Iran.
Chủ quyền Irak bị cả Iran lẫn Mỹ xem thường
Xung đột giữa Mỹ và Iran hiện nay, dù mang tính chất giới hạn, nhưng cũng đã khiến nhật báo La Croix lo ngại do tính thật bất ngờ, không tuân thủ các nguyên tắc “thông thường” của một cuộc chiến.
Trong bài xã luận mang tựa đề “Những mảnh chiến tranh”, tờ báo Pháp đã ghi nhận rằng cuộc xung đột “nóng” hiện nay giữa Mỹ và Iran đã khác hẳn với những cuộc chiến truyền thống trước đây, không hề có tuyên chiến rõ ràng, đồng thời các cuộc đụng độ có thể nổ ra bất cứ lúc nào, với rất ít thông báo hoặc cảnh báo trước.
Điểm khác biệt nghiêm trọng, theo La Croix, là các cuộc chiến ngày nay thường không diễn ra trên lãnh thổ của nhau như trước đây, mà lại nổ ra trên lãnh thổ của những nước khác.
Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ với Iran lúc này đang xẩy ra trên lãnh thổ Irak. Washington đã phát động một cuộc tấn công bằng drone và hạ sát tướng Iran Soleimani gần Bagdad. Và cũng trên lãnh thổ Irak mà Teheran đã trả đũa bằng cách đánh vào các căn cứ của lính Mỹ.
Cả Mỹ lẫn Iran đều gần như là đã khoe rằng họ khéo quản lý các cuộc tấn công và trả đũa. Thế nhưng không bên nào nói đến việc các hành động của họ lại được tiến hành trên một nước thứ ba.
Les Echos: Carlos Ghosn
và lời biện hộ của con hổ bị thương
Cũng trên báo Pháp, nội dung cuộc họp báo đầu tiên của cựu tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Renault-Nissan Carlos Ghosn từ ngày ông trốn khỏi Nhật Bản về Liban đã được các báo bình luận rộng rãi, nhất là hai tờ Le Figaro và Les Echos đã dành tít lớn trang nhất cho sự kiện.
Đối với Les Echos, rõ ràng là các phát biểu của ông Ghosn là “Lời biện hộ của một mãnh hổ bị thương”. Bị ức chế sau 13 tháng im lặng, ông Carlos Ghosn xuất hiện lần đầu tiên ở nơi công cộng như một con hổ bị thương vừa sút khỏi chuồng. Trong 2 giờ 30 phút, một người thường khi rất khuôn phép, lạnh lùng và điềm đạm, đã trút ra cơn thịnh nộ mà ông tích tụ trong người kể từ khi bị bắt giữ vào tối ngày 19 tháng 11 năm 2018.
Phát biểu trước khoảng 130 nhà báo mà ông đã chọn lọc kỹ lưỡng để tránh những người bị ông coi là quá khe khắt đối với ông, Carlos Ghosn khẳng định “Tôi như đã chết, bị đánh thuốc mê từ ngày hôm đó cho đến ngày 30 tháng 12 năm 2019, khi tôi có thể gặp lại vợ mình. Hôm nay, tôi cảm thấy như mình đã sống lại”.
Sau đó, bằng bốn thứ tiếng, Pháp, Anh, Ả Rập và cả tiếng Bồ Đào Nha, là một loạt những lời tố cáo đôi khi rất lộn xộn nhắm vào rất nhiều người và tổ chức ở một loạt quốc gia, cáo buộc họ là đã kết tội ông một cách bất công và sau đó đã bỏ rơi ông, để ông bị “truy bức” và phải trải qua một con đường “khổ ải” trong một guồng máy tư pháp Nhật Bản bị ông mô tả là “lỗi thời” và “tàn bạo”.
Le Figaro: Carlos Ghosn “tính sổ” với các đối thủ
Le Figaro thì nhìn thấy trong tựa lớn trang nhất là ông “Carlos Ghosn tính sổ” với những người đã hạ bệ ông. Theo tờ báo Pháp, “trong một bản cáo trạng dài gởi đi từ Beyrouth, ông chủ bị hạ bệ đã tố cáo các phương pháp phải nói là thô bạo của nền công lý Nhật Bản, khiến ông bị đối xử một cách đặc biệt hà khắc”. Với rất nhiều chi tiết, Carlos Ghosn đã cố chứng minh sự tồn tại của một âm mưu dính líu đến chính phủ Nhật Bản, chánh công tố Tokyo và tập đoàn Nissan, mà ông là nạn nhân chính.
Le Figaro trích lời ông Ghosn: “Tôi ước mong là sự thật có thể được phơi bày” để cho rằng rốt cuộc ông Ghosn đã có thể đưa ra sự thật của ông, điều mà cho đến nay người ta đã từ chối không chịu nghe. Tuy nhiện, đối với với tờ báo Pháp, để khôi phục hoàn toàn danh dự, ông Ghosn cần đến một phiên tòa đúng nghĩa.
Libération: Bạo lực không chính đáng của cảnh sát
Riêng Libération thì quan tâm đến thời sự nóng bỏng tại Pháp, dành trang nhất cho một vụ cảnh sát câu lưu người quá mạnh tay gây tử vong. Đối với tờ báo Pháp, việc kiểm tra giấy tờ làm chết người là hành vi “Bạo lực không chính đáng” của cảnh sát.
Trong bài xã luận, Libération cho rằng “Cái chết của Cédric Chouviat, người giao hàng bị cảnh sát câu lưu tại Quai Branly, ở Paris đã ‘đặt ra những câu hỏi chính đáng” theo lời của chính bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner… Cảnh sát và hệ thống tư pháp phải có câu trả lời một cách rõ ràng và nhanh chóng… Số phận của người đàn ông rất ôn hòa đó đã đặc biệt làm dư luận chấn động, vì anh ta chết đi không phải là trong một cuộc biểu tình hay nhân một cuộc đối đầu nào đó giữa người biểu tình và nhân viên công lực, mà trong một cuộc kiểm tra giao thông bình thường, như thường xẩy ra hàng chục ngàn lần mỗi năm. Do đó, nỗi lo là bất cứ ai mất bình tĩnh trong một sự cố với cảnh sát đều có thể tự nhủ rằng mình cũng có khả năng là nạn nhân…”
Đối với Libération, tai tiếng này xẩy ra không đúng lúc chút nào trong bối cảnh năm 2019 vừa kết thúc đã bị đánh dấu bằng nhiều vụ cảnh sát bị cáo buộc là đã có những hành vi thô bạo quá đáng.
Tin tổng hợp
(AFP) – Quân đội Úc kêu gọi dân di tản tránh cháy rừng.
Ngày 09/01/2020, các quân nhân Úc đã đến từng nhà trên đảo Kangourou, miền Nam nước Úc, để thuyết phục người dân tại đây di tản tránh cháy rừng, có nguy cơ sẽ bùng lên dữ dội do một đợt nóng mới trong những ngày tới. Mùa cháy rừng tại Úc năm nay đặc biệt đến rất sớm và rất dữ dội, thiêu rụi một diện tích rừng tương đương với đảo Ireland, phá hủy hơn 2.000 căn nhà và đã khiến 26 người chết.
(AFP) – Phó thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến Washington kí thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Ông Lưu Hạc là trưởng đoàn đám phán của Trung Quốc, sẽ có mặt tại thủ đô Mỹ từ ngày 13-15/01/2020, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận thông tin này. Ngày 31/12/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thỏa thuận song phương sẽ được kí tại Nhà Trắng vào ngày 15/01.
(AFP) – Trung Quốc mở ngành dầu khí cho các công ty nước ngoài.
Quyết định này vừa được bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên của Trung Quốc thông báo hôm 09/01/2020. Biện pháp sẽ được áp dụng kể từ ngày 01/05, cho cả các công ty tư nhân Trung Quốc, cho tới nay chiếm thiểu số rất nhỏ trong ngành dầu khí của nước này.
(AFP) – Tìm ra virus gây bệnh viêm phổi tại Trung Quốc.
Tổng cộng 15 trên tổng số 59 người bị viêm phổi từ một tháng nay ở miền trung Trung Quốc bị mắc coronavirus (chủng vius gồm cả SRAS), theo thông tin ngày 09/01/2020 của báo chí chính thức Trung Quốc. Trước đó một ngày, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tại Genève, cũng cho rằng có thể loại coronavirus là nguồn gốc dịch viêm phổi ở thành phố Vũ Hán, có 11 triệu dân. Tân Hoa Xã cho biết 8 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được phép rời bệnh viện. Những bệnh nhân khác vẫn đang trong quá trình cách ly.
(Les Echos) – Thượng Viện Mỹ chuẩn bị chiến lược xóa án tổng thống Trump.
Trong chiến lược được thượng nghị sĩ Mitch McConnell, người đứng đầu đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện, công bố ngày 07/01/2020, sẽ không có thêm thẩm vấn những nhân chứng mới, không kéo dài điều tra nhằm « xử trắng án » nhanh nhất cho chủ nhân Nhà Trắng. Quá trình luận tội tổng thống có lẽ sẽ được xác định qua một phiên bỏ phiếu, mà quy định sẽ được ấn định theo hướng có lợi nhất cho phía đảng của tổng thống. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell tin có thể làm được «vì chúng tôi có đủ số phiếu».
(AFP) – Cú sốc mới trong hoàng gia Anh.
Hôm 08/01/2020, hoàng tử Harry và công nương Meghan đã quyết định từ bỏ vai trò của họ trong hoàng gia Anh để sống ở Bắc Mỹ một khoảng thời gian trong năm. Quyết định này gây bất ngờ cho hoàng gia Anh, sau một năm gặp khủng hoảng và tai tiếng. Hoàng tử Harry đứng hàng thứ sáu trong trình tự nối ngôi vua tại Vương quốc Anh.
(AFP) – 2019, bảo tàng Orsay Paris phá kỷ lục về số khách tham quan.
Với hơn 3,56 triệu vé vào cửa, lượng khách tham quan bảo tàng Orsay trong năm qua tăng thêm 11 %. Trong thông báo hôm 09/01/2020, ban điều hành hài lòng thấy bảo tàng này rất được chiếu cố, bất chấp các phong trào đình công hồi năm 2019 và các đợt xuống đường mỗi Thứ Bảy hàng tuần của phong trào phản kháng Áo Vàng. Bảo tàng Orsay được mệnh danh là bảo tàng của nghệ thuật đương đại Paris. Năm ngoái hai cuộc triển lãm đặc biệt thu hút giới yêu nghệ thuật đó là cuộc trưng bày tranh của danh họa Degas và triển lãnh dành để nói về mỹ thuật châu Phi : Le Modèle Noir.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200109-tin-tong-hop
Tạp chí tiêu diểm
Hạ sát Soleimani :
Mỹ lại phạm sai lầm chiến lược ở Trung Đông ?
Minh Anh
Ngày 03/01/2020, tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Al-Qods của Iran bị Mỹ triệt hạ bằng drone trên lãnh thổ Irak. Sự việc làm dấy lên quan ngại chiến tranh giữa Mỹ và Iran bùng nổ tại Trung Đông. Vì sao Hoa Kỳ quyết định triệt hạ vị tướng hàng đầu của Iran vào lúc này ? Iran sẽ trả đũa Hoa Kỳ như thế nào ? Phải chăng một lần nữa vụ việc này cho thấy chính quyền Washington lại phạm những sai lầm nghiêm trọng như những đời tổng thống tiền nhiệm ?
Vụ oanh kích này là một mắt xích mới trong chiều dài lịch sử quan hệ hai nước. Sự đối kháng sâu xa đã có từ năm 1979. Đó chính là năm xảy ra vụ khủng hoảng con tin ở đại sứ quán Mỹ tại Iran : 52 người Mỹ bị các sinh viên theo trào lưu Khomeni bắt giữ trong vòng 444 ngày. Và gần đây nhất là vào năm 2018, năm tổng thống Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân 2015, và đoạn tuyệt bang giao, mở đầu cho giai đoạn thù nghịch công khai năm 2019. Một loạt vụ tấn công các tầu chở dầu và nhất là vụ tấn công các cơ sở khai thác và chế biến dầu hỏa của Ả Rập Xê Út từ phe Huthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn.
Soleimani : Đối thủ không đội trời chung của Mỹ và Israel
Thế nhưng, trước những vụ việc này, Hoa Kỳ đã có thái độ « bất động », chỉ đến khi tòa đại sứ Mỹ ở Bagdad bị tấn công, Washington mới quyết định công khai đáp trả. Theo nhận định của chuyên gia Thomas Gomart, Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) với báo Le Figaro (04/01/2020) thông điệp đưa ra rất rõ ràng : Washington chỉ đánh ngay khi các lợi ích của nước Mỹ bị xâm phạm. Cú đánh phải mang tính biểu tượng cao : Triệt hạ tướng Soleimani tại Irak.
Việc chọn tướng Iran Qassem Soleimani là mục tiêu tấn công cũng không phải là một quyết định ngẫu nhiên. Bởi vì đối với Mỹ, Qassem Soleimani là một đối thủ đáng gờm. Với Israel, ông là kẻ thù số một. Tầm ảnh hưởng to lớn của ông trong khu vực Trung Đông là điều khiến cả Mỹ và Israel đều lo ngại như giải thích của ông Didier Billion, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) trên đài RFI :
« Ông có một vai trò hoàn toàn chủ đạo, quyết định, một vai trò cột trụ. Bởi vì Soleimani là một tướng lĩnh của Vệ Binh Cách Mạng, nhất là của đơn vị tinh nhuệ Al-Qods, có nhiệm vụ can thiệp ngoài biên giới Iran. Chúng ta biết là nhân vật này, theo thời gian, đã có được một tầm quan trọng đáng kể trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, chủ yếu tại Syria, Irak, Liban… Ông ta cũng chính là người rất có thể nắm giữ nhiều mạng lưới, các nhóm dân quân tự vệ, những mạng lưới thân Iran nhiều nhất đang hiện diện trong khu vực ».
Từ lâu trong tầm ngắm của Mỹ và Israel nhưng quyết định có hạ sát ông hay không cho đến cuối 2019 vẫn là một lằn ranh đỏ mà không một chính quyền Mỹ nào, từ George W. Bush cho đến Barack Obama đều dám vượt qua. Kể cả với chính quyền Israel của thủ tướng Benjamin Netanyahu, dù luôn tố cáo Qassem Soleimani là tác nhân chính trong việc mở rộng ảnh hưởng của Iran và các đồng minh trong khu vực.
Theo giải thích của ông Hassan Maged, nhà sáng lập D&G Consulting và cũng là chuyên gia về khu vực này với kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, « Hoa Kỳ và cả Israel, lẽ ra đều có thể hạ gục Soleimani từ lâu, nhưng cả hai nước đều đã bỏ qua vì nhân vật này đại diện cho người dân Iran và bàn cờ Trung Đông, nhất là vì khả năng và mạng lưới của ông ta, lan rộng đến tận biên giới Israel ».
Vì sao đánh tướng « địch » vào lúc này ?
Vậy tại sao chính quyền Mỹ lại quyết định diệt tướng Soleimani vào lúc này ? Trang mạng France Culture trích dẫn lưu ý của ông Richard Haas, cựu cố vấn cho George W. Bush và hiện là chủ tịch Hội đồng Đối ngoại, cho rằng đảng Cộng Hòa đặc biệt xem trọng tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao của mình trên thế giới. Khi cho nã pháo rocket vào đại sứ quán Mỹ ở Bagdad hôm thứ Năm 02/01/2020, phe Shia tại Irak, bị nghi ngờ hành động dưới tác động của Iran, đã khơi dậy nỗi uất hận vụ bắt giữ các nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin ở Teheran tháng 11/1979.
Vẫn theo ông R. Haas, quyết định gây ngạc nhiên này còn là một lời nhắc nhở đối với các nước có liên quan về năng lực tình báo và khả năng tấn công lựa chọn mục tiêu của Mỹ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia Pháp, đây có lẽ còn là một thông điệp tổng thống Mỹ muốn gởi đến các cử tri của mình.
Trái với những lập luận cho rằng nguyên thủ Mỹ hành động để chuyển hướng công luận, bớt chú ý về thủ tục luận tội để truất phế ông trong vụ « Ukrainegate », khi triệt hạ Soleimani, Donald Trump khoác lên người bộ quân phục lãnh đạo quân đội. Và đây cũng là cách để ông đánh bóng lại uy tín chính trị do cuộc bầu cử sắp đến gần như nhận xét của chuyên gia Bruno Tertrais thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) với France Culture :
« Những ai cho rằng ông Trump tìm cách chuyển hướng công luận không tập trung vào vụ phế truất, theo tôi đây là điều nhầm lẫn. Đó không phải là chủ đề chính. Ở đây, ông ấy có thể phát biểu trong chiến dịch tranh cử rằng tôi đã loại trừ hai kẻ thù lớn của Mỹ : đó là Al – Baghdadi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Qassem Soleimani của Iran. Tính chất biểu tượng mới là điều đáng nói. Trong một cuộc vận động tranh cử, những gì người ta muốn trình bày thường là những biểu tượng. Do vậy, ông ta có thể nói là tôi làm tốt hơn Obama. Tôi đã tiêu diệt hai kẻ thù. Rằng tôi rất tích cực. Do vậy, với ông Trump, sự việc có thể dừng lại ở đây ».
Iran có đủ khả năng để trả đũa ?
Đâu là hệ quả của một quyết định « phiêu lưu » như lời chỉ trích của Trung Quốc nhắm vào chính quyền Donald Trump ? Liệu lời kêu gọi trả thù Mỹ tại Iran và nhiều nhóm thân Iran có sẽ dẫn đến chiến tranh giữa Mỹ và Iran hay không ? Về điểm này, giới chuyên gia tại Pháp đều cùng có chung nhận định cả Mỹ lẫn Iran đều không muốn có một cuộc đối đầu trực diện.
Dù vậy, ông Thomas Gomart trên Le Frigaro cũng lưu ý rằng không nên xem nhẹ năng lực quân sự của Iran : « Chế độ Teheran theo đuổi một chiến lược tấn công có khả năng kết hợp hành động ở cả ba cấp độ : Đó là khủng bố Nhà nước cho mục tiêu đối ngoại, thực hiện chiến tranh bất cân xứng – không đối đầu trực diện để tạo ảnh hưởng khu vực và sử dụng tên lửa đạn đạo để chạy đua với các cường quốc.
Đó còn là một chế độ cho thấy rõ khả năng lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch phức tạp. Nhưng Teheran thường có xu hướng đẩy quá xa các lợi thế của mình. Vì vậy Hoa Kỳ mới giáng cho một đòn nặng nề khi tiêu diệt viên chỉ huy quân sự nổi tiếng nhất của chế độ ».
Mạng lưới dân quân tự vệ, lực lượng quân sự thân Iran mà tướng Soleimani tạo dựng trong suốt bốn thập niên qua có thể sẽ là một công cụ hữu ích để Iran « trả thù » cho ông. « Ăn miếng trả miếng », « biểu tượng phải trả giá bằng biểu tượng », giáo chủ Ali Khameini tuyên bố. Nếu Mỹ hạ tướng Soleimani, một biểu tượng của Iran thì các mục tiêu quân sự, các đại diện ngoại giao, đối tác hay đồng minh như Ả Rập Xê Út, Israel… những nơi nào có ý nghĩa biểu tượng của Mỹ sẽ là những mục tiêu trả đũa của Iran.
Sai lầm nghiêm trọng của Donald Trump ?
Vụ hạ sát này còn làm dấy lên làn sóng bài Mỹ tại Trung Đông mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhà xã hội học và chính trị học, bà Mahnaz Shirali, Viện Công giáo Paris, giảng viên trường đại học Khoa học Chính trị, trên đài France Culture ngày 06/01 khẳng định, tình hình bất ổn tại Trung Đông hiện nay trách nhiệm chính thuộc về Hoa Kỳ.
« Tôi nghĩ là kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ cho đến nay, người Mỹ đã phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng trong khu vực. Hoa Kỳ có một trách nhiệm to lớn về sự bất ổn tại đây. Chính họ đã mang lại cho các giáo chủ Iran khả năng can thiệp vào trong khu vực. Nếu như người Mỹ không quản lý khu vực Trung Đông kém cỏi như thế, các giáo chủ Iran cũng không thể nào có nhiều quyền lực trong một chừng mực nào đó trong khu vực ».
Về phần mình, chuyên gia Richard Haas cũng có đồng quan điểm khi cho rằng Donald Trump và bộ máy chính quyền hiện nay đã phạm phải một điều dại dột không thể nào dung thứ và đã nhầm mục tiêu đối đầu. Trung Đông là một chiến trường đầy bẫy mìn và chẳng mang lại chút lợi ích gì cho Mỹ. Vị cựu cố vấn cho George W. Bush nhìn nhận, cuộc chiến chống Saddam Hussein năm 2003 là một sai lầm vì Mỹ khi ấy vẫn có nhiều giải pháp khác để kiềm hãm Saddam Hussein và thoát ra khỏi « tổ ong Irak » đầy rắc rối.
Theo chuyên gia R. Haas, chính quyền Obama đã có quyết định đúng đắn khi « xoay trục sang châu Á ». Nước Mỹ đã có thể tự cung tự cấp về dầu hỏa và khí đốt nhờ vào kỹ thuật chiết xuất khí đá phiến. Mọi cuộc đấu của thế kỷ XXI này sẽ diễn ra tại châu Á, chứ không phải ở Trung Đông. Chính quyền Washington lẽ ra phải chú trọng nhiều vào tham vọng của Trung Quốc tại khu vực và các đe dọa từ Nga ở châu Âu hơn là chảo lửa Trung Đông, lúc nào cũng chực chờ bốc cháy.
Cuối cùng, một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng : tướng Soleimani, người mà Lầu Năm Góc từng quy trách nhiệm cho cái chết của 500 lính Mỹ (GI) tại Liban, Irak, Syria hay Yemen và nhiều nơi khác nữa, nhưng cũng là người đã giúp đánh đuổi quân thánh chiến Daech, giành lại nhiều vùng lãnh thổ cho Irak – nay đã bị triệt hạ. Phải chăng một lần nữa Hoa Kỳ lại tạo cơ hội cho Daech hồi sinh ?