Những sự kiện thế giới nổi bật ‘đã sắp lịch’ trong tháng Giêng năm 2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Những sự kiện thế giới nổi bật ‘đã sắp lịch’ trong tháng Giêng năm 2020

Chúng ta cùng khái quát tình hình thế giới trong tháng Giêng, từ những sự kiện có ngày tháng rõ ràng, như bầu cử tổng thống Đài Loan ngày 11/1, Mỹ ký thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc ngày 15/1, cho đến những sự kiện “dự báo” và “đến hẹn lại lên” như xung đột Mỹ – Iran và biểu tình dân chủ ở Hồng Kông.

Ngày 11/1/2020: Bầu cử tổng thống Đài Loan

Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là Đài Loan bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Ứng viên, tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn, cái gai trong mắt Bắc Kinh tiếp tục dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận, bỏ xa đối thủ thuộc Quốc Dân Đảng, chủ trương xích lại gần với Hoa Lục. Cơ hội tái đắc cử dường như đang mở rộng với ứng viên có lập trường dứt khoát bảo vệ độc lập hòn đảo, sẵn sàng đương đầu với mọi đe dọa từ Bắc Kinh.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và đối thủ Hàn Quốc Du trong cuộc tranh luận hôm Chủ nhật (29/12) 

Cách đây một năm, trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11/2018, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã bị thất bại nặng nề trước phe đối lập Quốc Dân Đảng. Cuộc cải cách hưu trí và thừa nhận hôn nhân đồng tính đã làm tỷ lệ được lòng dân của Thái Anh Văn sụt giảm xuống mức kỷ lục, từ 70% còn 30%. Không mấy ai nghĩ rằng bà tổng thống có thể tái đắc cử nhiệm kỳ mới.

Thế nhưng tình thế ở cuộc bầu cử tổng thống này đang đảo chiều nhanh chóng. Chính khủng hoảng Hồng Kông, bùng lên từ bàn tay can thiệp thao túng ngày càng sâu của Bắc Kinh và chính sách cứng rắn quyết tâm thu hồi Đài Loan của Trung Quốc đã giúp bà Thái Anh Văn lấy lại uy tín trong dân Đài Loan.

Liên tiếp trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ứng viên Thái Anh Văn luôn giữ được 40% đến 50% phiếu ủng hộ, trong khi đối thủ Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng chưa bao giờ vượt quá 30% phiếu bầu.

Mỹ cho rằng có dấu hiệu Iran và đồng minh đang chuẩn bị tấn công

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 2/1 loan báo có những chỉ dấu cho thấy Iran hay những lực lượng được nước này ủng hộ có thể đang có kế hoạch tấn công thêm nữa và cho biết có khả năng Hoa Kỳ có thể có những hành động phủ đầu để bảo vệ người Mỹ.

Bộ trưởng Esper nói với các phóng viên: “Nếu việc này xảy ra, chúng ta sẽ hành động và nếu chúng ta được tin hay có một số chỉ dấu về việc tấn công, chúng ta sẽ đánh phủ đầu cũng như bảo vệ các lực lượng Hoa Kỳ để bảo vệ người Mỹ.”

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói về những cuộc không kích của Mỹ ở Iraq và Syria tại nơi nghỉ mát Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, ngày 29/12/2019 (ảnh: Reuters).

Người biểu tình được Iran hỗ trợ ném đá vào tòa đại sứ Mỹ trong hai ngày biểu tình đã rút lui hôm 1/1/2020 sau khi Washington điều động thêm binh sĩ Mỹ đến tòa đại sứ.

Xáo trộn bên ngoài tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad diễn ra sau khi Hoa Kỳ không kích hôm 29/12/2019 vào những căn cứ của nhóm Kataib Hezbollah được Iran yểm trợ, làm 25 người thiệt mạng để trả đũa vụ tấn công bằng phi đạn làm một nhân viên khế ước Mỹ thiệt mạng tại miền bắc Iraq trong tuần qua.

Các cuộc biểu tình đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc chiến sau hậu trường giữa Washington và Tehran tại Trung Đông.

Ông Esper nói “Cuộc chơi đã thay đổi và chúng ta chuẩn bị làm những việc cần thiết để bảo vệ nhân viên của chúng ta và những quyền lợi và đối tác của chúng ta trong khu vực.”

Trong cùng cuộc họp báo, ông nói có một chiến dịch lâu dài của Kataib Hezbollah chống lại người Mỹ ít nhất kể từ tháng 10 và cuộc tấn công bằng phi đạn tại bắc Iraq nhằm mục đích sát thương.

“31 rocket không phải là để cảnh cáo mà là để gây thiệt hại và sát thương,” Tướng Milley nói.

Ngày 15/1: Mỹ ký thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc

Ngày 13/12, ông Trump thông báo trên Twitter đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc và “sẽ bắt đầu đàm phán về thỏa thuận giai đoạn hai ngay lập tức thay vì chờ đến sau cuộc bầu cử năm 2020”. Hôm 31/12, Tổng thống Trump cho biết sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một rất lớn và toàn diện với Trung Quốc vào ngày 15/1 tại Nhà Trắng.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu từ tháng 3/2018. Hai nước liên tiếp có những đòn thuế “có đi có lại”.

Đến tháng 5/2019, cuộc thương chiến tăng nhiệt. Sau nhiều lần áp thuế, giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau lần lượt là 550 tỷ USD và 185 tỷ USD. Ngoài ra, Ông chủ Nhà Trắng còn đưa nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có gã khổng lồ Huawei, khiến tập đoàn này chật vật vì lệnh cấm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: AP).

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Washington và Bắc Kinh sẽ không thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện trước cuộc bầu cử tháng 11/2020 của Mỹ. Do đó, đây sẽ là vấn đề trọng tâm của trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo (2021-2025). Với những áp lực kinh tế lớn mà Trung Quốc đang phải chịu, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thích một thỏa thuận mới hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, một cuộc chiến thương mại toàn diện, kéo dài có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,8% trong năm tới. IMF còn dự báo, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức 5,8% trong 2020.

Luận tội tổng thống Trump sau kỳ nghỉ Tết dương lịch

Theo kế hoạch, Thượng viện sẽ bắt đầu tranh luận việc truất phế tổng thống vào tháng 1/2020, sau kỳ nghỉ Tết dương lịch. Tại đây, tất cả 100 thượng nghị sĩ sẽ đóng vai bồi thẩm viên của một phiên tòa, và chủ tọa sẽ là ông John Roberts, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện. Tuy nhiên, việc bãi nhiệm Tổng thống Trump khó xảy ra vì phe Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện.

Ông Donald Trump trở thành vị Tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị xem xét bãi nhiệm khi vào sáng 19/12 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ chính thức thông qua 2 điều khoản luận tội Tổng thống Trump là “Lạm dụng quyền lực” và “Cản trở Nghị viện”. Sự kiện này là tâm điểm của dư luận trong những tháng đầu của năm 2020.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (ảnh: Politico).

Giới quan sát cho rằng, việc luận tội có có thể thu hút năng lượng chính trị của ông Trump khỏi những vấn đề khác, ví dụ vấn đề thương chiến với Trung Quốc, đàm phán hạt nhân với Triều Tiên hay giải quyết căng thẳng với Iran.

Tuy nhiên, trong quá khứ, Tổng thống Trump nhiều lần cho thấy ông là người luôn có những hành động bất ngờ. Đối mặt với áp lực gia tăng, không loại trừ khả năng ông có thể tăng sức ép quân sự lên Iran hoặc leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhằm thể hiện sự cứng rắn.

Cuối năm 2020, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Nếu ông Trump tái đắc cử, ông có thể mang đến thay đổi lớn hơn cho hệ thống toàn cầu trong bốn năm tiếp theo.

Biểu tình mỗi cuối tuần và vào dịp lễ Tết ở Hồng Kông

Hàng ngàn người dân đã xuống đường biểu tình nhân dịp năm mới, tuyên bố không bỏ cuộc cho đến khi 5 yêu cầu được đáp ứng. Với tinh thần này, cuộc đấu tranh vì dân chủ có thể còn kéo dài trong năm 2020. Biểu tình Hồng Kông trở thành một thách thức lớn với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể khi ông lên nắm quyền.

Phong trào biểu tình Hồng Kông đang ở tháng thứ bảy, bắt đầu từ phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, sau đó phát triển thành cuộc đấu tranh vì nền dân chủ cho thành phố. Mặc dù chính phủ Hồng Kông đã rút dự luật dẫn độ, nhưng người dân vẫn tiếp tục xuống đường vì còn 4 yêu cầu khác chưa được đáp ứng, bao gồm: rút cáo buộc bạo loạn với người biểu tình, ân xá cho những người biểu tình bị bắt, mở cuộc điều tra độc lập về các hành vi của cảnh sát, và người dân được trực tiếp bầu Đặc khu trưởng và Hội đồng Lập pháp.

Người biểu tình Hồng Kông (ảnh: Hong Kong Free Press).

Theo ước tính của tác giả Kong Tsung-gan, tính đến ngày 29/12, có 12.847.391 lượt người tham gia 800 cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Tuy nhiên, trên thực tế, con số còn cao hơn vì có nhiều cuộc biểu tình không có người tổ chức cụ thể chưa được liệt kê. Cảnh sát đã dùng hơn 10.000 quả đạn hơi cay, hơn 6.000 viên đạn cao su và 19 viên đạn thật để đối phó với người biểu tình trong hơn 6 tháng qua. Lực lượng này bị cáo buộc lợi dụng quyền lực tấn công người dân một cách tùy tiện. Khoảng 6.500 người biểu tình đã bị bắt, hơn 30% ở độ tuổi 21-25.

Không có ‘quà năm mới’ của Triều Tiên

Dù không gửi “món quà Giáng sinh” nào tới Mỹ như đã cảnh báo, nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn khiến Mỹ cũng như cả thế giới “đứng ngồi không yên” khi liên tục nhắc lại tuyên bố “tìm kiếm con đường mới trong năm mới” trong vấn đề hạt nhân. Ông Kim Jong-un đã đưa ra tuyên bố rất cứng rắn về việc sẽ đẩy mạnh dự án phát triển các loại vũ khí chiến lược mới trong năm 2020, không loại trừ tên lửa tầm xa – bước đi có thể đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở lại trạng thái “căng như dây đàn” hồi năm 2017.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã làm nên lịch sử vào ngày 30/6/2019, khi ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên và hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại đàm phán hạt nhân. Cuộc gặp ở Khu phi quân sự diễn ra 4 tháng sau khi ông Trump và Chủ tịch Kim Jong Un tham gia hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận nào do bất đồng về dỡ bỏ lệnh trừng phạt và các cơ sở hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu Phi quân sự (DMZ) ngày 30/6 (ảnh: Reuters).

Đến tháng 10/2019, cuộc gặp cấp chuyên viên của các quan chức hai nước diễn ra tại Thụy Điển nhưng vẫn kết thúc trong bế tắc do không đạt được thống nhất về lợi ích Mỹ trao cho Triều Tiên lẫn quy mô phi hạt nhân hóa. Đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều trong năm 2019 rơi vào “vòng luẩn quẩn”. Giới chuyên gia dự đoán, triển vọng cho năm 2020 cũng không tốt hơn. Rủi ro lớn nhất là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ áp dụng chiến lược bên miệng hố chiến tranh, nối lại thử nghiệm tên lửa tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân sau 2 năm tạm lắng. Tổng thống Trump có thể đáp trả bằng cách siết chặt lệnh trừng phạt, thậm chí tính tới biện pháp quân sự, làm tăng nguy cơ xung đột.

Ngày 31/1: Anh thực hiện lời hứa ‘hoàn thành Brexit’

Hạ viện Anh hôm 20/12 đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật Brexit, mở đường cho Thủ tướng Boris Johnson thực hiện lời hứa sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử để “hoàn thành Brexit” vào ngày 31/1/2020.

Sau khi chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), Anh sẽ bắt đầu đàm phán các thỏa thuận thương mại với EU. Dự luật thỏa thuận Anh rời EU (WAB) của ông Johnson đặt hạn chót đạt được thỏa thuận với EU vào cuối năm 2020, thay vì 2022 như bản dự luật trước đó. Mới đây, trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit Michel Barnier đã nhận định việc phác thảo và thông qua một thỏa thuận hậu Brexit vào năm tới là một thách thức lớn, song hai bên sẽ nỗ lực hết sức.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (ảnh: AP).

Theo kế hoạch, các hạ nghị sĩ Anh sẽ họp vào ngày 7/1/2020 và thảo luận về WAB thêm 3 ngày nữa trước khi Hạ viện thông qua lần cuối vào 9/1.

Nếu được thông qua, Thượng viện Anh sẽ có 2 tuần để thảo luận và thông qua bản dự luật cuối cùng vào ngày 27/1. Nếu WAB không được thông qua, Brexit có thể rơi vào bế tắc như hồi tháng 10/2019.

Trong trường hợp Thượng viện thông qua, WAB sẽ được Nữ hoàng Elizabeth II phê chuẩn và chính thức có hiệu lực.

Internet