Tin Việt Nam – 04/01/2020
“Đơn cam kết tự nguyện ăn nhậu” là đúng luật
Tin Vietnam.- Những ngày qua, trên mạng xã hội Việt Nam lan truyền lá đơn có tên gọi “Đơn cam kết tự nguyện ăn nhậu”, sau khi luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020. Đây cũng là đề tài đang gây chú ý mạng xã hội Facebook Việt Nam trong những ngày này.
Theo đó, trong khoản 1, điều 5 của luật này quy định “nghiêm cấm hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”. Nhận xét về bảng cam kết trên, luật sư Nguyễn Tri Đức tại Sài Gòn nói trên báo Người lao động vào ngày 4 tháng 1 năm 2020 rằng, bảng cam kết này là đúng chứ không sai. Vì việc ký vào bảng cam kết này thì những người đi nhậu sẽ tránh được việc không bị khép vào hành vi “ép buộc, lôi kéo người khác”.
Tuy nhiên, ông Đức nhận định thêm rằng, quy định này rất khó giải quyết vì người uống rượu bia chẳng ai ép được nếu họ không muốn. Và chẳng lẽ đang nhậu say thì người bạn cùng bàn ép nên chạy đến đồn công an tố cáo?
Khác với nhận định của ông Đức, trên thực tế, chẳng biết từ khi nào việc ăn nhậu đã trở thành một thói quen, thậm chí là văn hoá ăn gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân tại Việt Nam. Người Việt có rất nhiều nguyên nhân để đi nhậu như buồn cũng nhậu, vui cũng nhậu, mua được đồ mới cũng nhậu, mà không buồn không vui cũng nhậu. Và tất nhiên để cuộc nhậu thêm “rôm rả” thì việc ép các “chiến hữu” uống bia, rượu đã trở thành một hành vi rất quen thuộc trong các cuộc nhậu ở Việt Nam.
Trên báo Thanh niên ngày 13 tháng 5 năm 2019 cho biết, theo kết quả nghiên cứu của tạp chí Y khoa Lancet ở Anh thì Việt Nam là nước có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới. Vào năm 2018, người dân Việt tiêu thụ 4.2 tỷ lít bia, trung bình mỗi người uống 43 lít bia trong một năm.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/don-cam-ket-tu-nguyen-an-nhau-la-dung-luat/
Người đàn ông chết trong nhà tạm giữ,
công an nói người này tự treo cổ
Tin từ Tây Ninh: Truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin ông Phan Quốc Thắng ở thành phố Tây Ninh, người bị bắt vì đâm một thượng uý công an, đã treo cổ trong buồng tạm giam và tử vong.
Báo chí đưa tin ông Thắng bị bắt ngày 31/12/2019 vì tấn công một sỹ quan thuộc công an phường 1, thành phố Tây Ninh khi ông đến trụ sở công an phường trong tình trạng say rượu để chất vấn về việc bắt giữ và tra khảo vợ ông vì tham gia đường dây ghi lô đề.
Ông Thắng, 48 tuổi, được cho là bị đưa đi hỏi cung vào 10 giờ sáng ngày 02/10 và một giờ sau, ông được tìm thấy trong phòng tạm giam khi đang thắt cổ tự tử. Ông được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) nhưng trút hơi thở vào ngày 03/01.
Công an giám định xác ông Thắng và kết luận ông chết vì bị ngạt do treo cổ, cho dù không nói rõ ông bị sức ép nào.
Rất có thể ông Thắng bị chết vì bị tra tấn trong đồn công an Phường 1.
Ông là người đầu tiên chết trong trại tạm giam và nhà tù trong năm 2020, và có thể do ông bị đánh trong lúc ông bị giam giữ tại công an phường 1, thành phố Tây Ninh.
Cho dù Việt Nam đã ký kết Công ước Quốc tế về chống tra tấn hay đối xử vô nhân đạo, mỗi năm có hàng chục người tử vong trong hệ thống trại giam của Bộ Công an và nhà tạm giam của công an địa phương. Công an thường nói rằng họ chết vì bệnh tật, lao lực hay tự tử trong khi gia đình các nạn nhân cho rằng họ chết vì bị tra tấn bởi công an. Tình trạng không chấm dứt vì những kẻ thực hiện tra tấn không bị trừng trị thích đáng.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-ong-chet-trong-nha-tam-giu-cong-an-noi-nguoi-nay-tu-treo-co/
Hơn 600 người bị xử lý vì có nồng độ cồn
khi lái xe trong 2 ngày đầu năm mới
Công an Giao thông Việt Nam đã phát hiện 615 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn và phạt hơn 816.000 đồng trong hai ngày 1 và 2 tháng 1.
Truyền thông trong nước đưa tin này theo thông báo của Bộ Công an, hai ngày sau khi Nghị định mới của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đi vào hiệu lực.
Nghị định mới được Chính phủ ban hành vào ngày 30/12/2019, căn cứ các quy định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.
Theo quy định, các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất với người lái ô tô là từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Đối với người lái xe máy, mức phạt là từ 6 – 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng. Mức phạt với người đi xe đạp và xe thô sơ là từ 400.000 đến 600.000 đồng.
Đã có nhiều tranh cãi xung quanh Luật phòng chống tác hại của rượu bia tại Việt Nam và nghị định mới. Những người ủng hộ luật cho rằng luật giúp ngăn ngừa các tai nạn giao thông đáng tiếc. Những người phản đối luật cho rằng các quy định không thực tế với điều kiện giao thông ở Việt Nam. Nhiều người lo ngại với quy định mới, thậm chí những người ăn một số loại hoa quả và nước uống nhất định cũng có thể bị phát hiện có nồng độ cồn trong hơi thở khi bị kiểm tra.
Lời hứa giải quyết dứt điểm khiếu kiện
Thủ Thiêm năm 2019:‘ gió thoảng, mây bay’!
Vào ngày 5/3/2019 ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM phát biểu rằng “Vấn đề Thủ Thiêm không thể giải quyết trong ngày một ngày hai nhưng dứt khoát là trong năm 2019”.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm hôm ngày 19 tháng 6, ông Phan Nguyễn Như Khuê, phó đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, cho rằng “Giải quyết chậm ngày nào là có tội với dân ngày đó, chúng tôi nhận rõ trách nhiệm của mình. Tổ đại biểu đã trao đổi liên tục với Tổng Thanh tra Chính phủ. Tôi tin là cuối tháng 6 sẽ công bố kết luận thanh tra về Thủ Thiêm”.
Và trong phát biểu vào ngày 2/10/2019, bí thư thành phố HCM ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định từ nay đến cuối năm 2019 thành phố sẽ tập trung giải quyết xong các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện kéo dài liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Chúng tôi liên lạc với ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm và cũng là người đại diện cho những hộ dân khiếu kiện nhiều năm, và được ông cho biết, tất cả những lời hứa của các quan chức thành phố đều là lời hứa gió bay, chưa có hứa hẹn nào được thực hiện.
“Họ không có thiện chí để giải quyết và thực hiện những lời họ đã hứa, họ hứa xong họ quên hết không nhớ mình đã hứa gì nữa. Cho nên người dân chúng tôi không còn một chút tin tưởng nào vào những người có chức có quyền trong việc giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm.”
Ông Ca nói thêm, hiện nay người dân Thủ Thiêm mỗi ngày càng bức xúc vì “Chính phủ cũng đã hứa giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì đối thoại và báo cáo Thủ tướng chính phủ trước ngày 1/1/2020 nhưng tới nay Thanh tra Chính phủ vẫn chưa thực hiện được. Tại sao họ không thực hiện được, vì nhóm lợi ích tại TPHCM không còn là nhóm lợi ích nữa mà biến thành tập đoàn lợi ích, tập đoàn tham nhũng và tập đoàn tội ác rồi như lời của ông Trần Quốc Vượng rằng không có ai mang máy bay, đạn dược, đại bác vào chống phá Việt Nam mà chỉ có mình tự phá mình mà thôi.”
Người đưa ra lời hứa mà ông Cao Thăng Ca vừa đề cập đến là ông Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một trong những người dân khiếu kiện Thủ Thiêm hàng chục năm qua, bức xúc cho rằng các ban lãnh đạo TP đã từng nói Thủ Thiêm là nhiệm vụ chính trị cuối cùng của quận 2 và thành phố trong năm 2019 nhưng đã qua đến 2020 mà vẫn không thấy gì xảy ra khiến cho sự phẩn nộ, uất ức của người dân càng bị đẩy lên cao và thất vọng hơn.
“Ngay cả tạm cư, anh nói cuối năm 2018 và chậm nhất vào tháng 1 năm 2019 nhưng nói cho sướng thôi chứ người thực hiện như ông Nguyễn Phước Hưng hay những người Ban đền bù của chính quyền thì cũng toàn là những người cũ. Chính họ đã thực hiện cưỡng chế tàn bạo, hung hãn rồi họp Hội đồng Nhân dân cũng những ông đó đứng ra nói; hay như ông Tất Thành Cang biểu quyết về Thủ Thiêm. Không ra thể thống nào cả. Chính quyền giải quyết với người dân như vậy không biết Trung Ương có thấy hay không, hệ thống guồng máy nhân sự của mình làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước hay không chứ người dân mất niềm tin hết rồi.”
Mục sư Nguyễn Hồng Quang nhắc lại cụ thể những hứa hẹn mà chính quyền đến nay vẫn chưa thực hiện:
“Họ nói không chứ không thấy hành động, ngay cả chúng tôi chưa nhận được tiền đề bù mà bị cưỡng chế không có quyết định cưỡng chế, không có quyết định thu hồi, khiếu nại gay gắt suốt hơn 20 năm qua nhưng đến nay họ không mời lên đàm phán để nói về cái gì, không có một biên bản nói về mục tiêu khiếu nại, hay kiến nghị thư giải quyết tới đâu,… Nói chung là họ không có làm gì hết, họ chỉ làm hình thức nếu có đối thoại cũng chỉ là hình thức chứ không phải thực tâm thực chất để đối thoại tìm hướng giải quyết trên nền tảng pháp lý và nguyện vọng của người dân.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho rằng sau hơn 20 năm người dân Thủ Thiêm chờ đợi thì đến nay ít nhất chính quyền cũng phải thừa nhận đã hành xử sai trong vấn đề Thủ Thiêm; tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở mức độ đó thôi.
“Còn lời hứa của chính quyền về việc giải quyết như ông Nguyễn Thiện Nhân từng có những lời hứa về việc hoàn thành giải quyết từ tháng 7/2019 rồi có một vài lần nữa thêm nhưng đến nay hầu như tất cả những lời hứa chưa thực hiện được điều nào cả. Vì vậy sự trung tín của chính quyền thành phố với người dân còn nhiều giới hạn lắm. Theo như tôi biết, vấn đề lớn nhất tại Thủ Thiêm là vấn đề chi phí bồi thường cho dân, nếu như tính đúng tính đủ thì nó sẽ là một con số khổng lồ mà con số này xem ra không có nguồn nào có thể chi trả bồi thường cho người dân được, vì vậy tôi nghĩ chính quyền lúng túng ở điểm này.”
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, từ chỗ thừa nhận sai trái, chính quyền có thể làm ở mức độ là đưa các quan chức chịu trách nhiệm gây nên vụ Thủ Thiêm ra trước pháp luật để truy tố, xem xét trách nhiệm. Bời vì những công việc đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính quyền trong giai đoạn hiện tại.
Ông Cao Thăng Ca khẳng định, nếu từ nay đến Tết Nguyên Đán 2020 mà chính quyền Thành phố HCM vẫn không giải quyết khiếu nại của người dân thì buộc lòng họ phải lại tiếp tục kéo ra Hà Nội kêu cứu tới Tổng Bí Thư- Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng và ông Trần Quốc Vượng Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Ông Cao Thăng Ca cũng nói rõ cách thức mà người dân sẽ thực hiện:
“Chúng tôi sẽ đề xuất phương án nếu không trả lại nhà đất thì chúng tôi sẽ về dựng lại nhà cửa để chúng tôi ở vì không thể để nhà cửa mất vào tay những tập đoàn lợi ích như vậy. Nếu như để nhà cửa cho việc “ích nước lợi dân” thì chúng tôi cũng có thể hy sinh nhưng việc này không hề mang lại một chút nào cho lợi ích nhà nước mà chỉ vào túi tham quan thôi.”
Có đúng 98% dân Sài Gòn hài lòng
về thủ tục hành chính công?
Nhiều người không tin kết quả khảo sát!
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, hôm 3/1/2020 tổ chức Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong năm 2019.
Ông Vũ Thanh Lưu Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, khi phát biểu tại hội nghị được truyền thông trong nước trích dẫn cho biết, hơn 98% người dân được khảo sát trong năm 2019 cảm thấy hài lòng và rất hài lòng về thủ tục hành chính công.
Đối với công bố đó, một cư dân Sài Gòn, nghệ sĩ Kim Chi, nói:
“Họ nói láo… nói xạo… nghe là buồn cười… họ lấy cái gì để thống kê cái đó, để họ nói ra con số cụ thể?”
Họ tuyên truyền vậy thôi, chứ thủ tục hành chính của nhà nước từ xưa đến giờ người dân thường nói ‘hành là chính’, nhiêu khê lắm, chính bản thân anh mỗi lần đi làm giấy tờ gì anh mệt, anh phát ngán luôn.
-Lê Thiệu
Ông Lê Thiệu, hiện sinh sống tại Sài Gòn, vào ngày 3/1 cho RFA biết ý kiến của mình, về kết quả khảo sát vừa nêu
“Họ tuyên truyền vậy thôi, chứ thủ tục hành chính của nhà nước từ xưa đến giờ người dân thường nói ‘hành là chính’, nhiêu khê lắm, chính bản thân anh mỗi lần đi làm giấy tờ gì anh mệt, anh phát ngán luôn. Những người làm việc hành chính nhà nước họ không hướng dẫn mình cụ thể cần cái gì, cứ mang giấy tờ lên thì nói còn thiếu cái này cần bổ sung, nhưng mang lên lại nói thiếu cái kia…”
Theo ông Lê Thiệu, chỉ có một số ít người dân họ hài lòng, có thể do họ có quyền hay mối quan hệ.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, cuộc khảo sát được thực hiện bởi Công ty Phân tích thời gian thực RTA, từ ngày 6/6 đến ngày 4/10/2019, các điều tra viên phỏng vấn 12.459 người dân và doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên.
Một cán bộ về hưu, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại, nhận định với RFA hôm 3/1:
“Về thay đổi, cải cách thủ tục hành chính đối với nhân dân, cái đó theo tôi không có thay đổi để làm cho dân nhẹ nhàng, người ta vẫn xếp hàng, chờ đợi… biết bao nhiêu cái nhũng nhiễu của bộ máy… Tôi chỉ kể một vài việc như thế, chứ thật ra còn nhiều việc lắm, cho nên không thể nói là 90% được nhân dân hài lòng. Tôi thấy cái đó là hết sức chủ quan, cố áp đặt cái đó chứ không có cái đó, chưa có cái đó… còn lâu mới có cái đó.”
Cán bộ cũng thắc mắc!
Cũng có mặt tham dự Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong năm 2019, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cho biết ‘không dám tin’ 95% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công và yêu cầu phải có cách khảo sát thực chất hơn.
Ông Quang còn nói thêm, ‘nếu người dân hài lòng như các báo cáo mà chúng tôi được đọc, chắc cả ngày lãnh đạo không còn việc gì làm, chỉ có đi ăn giỗ’.
Trước đó, vào ngày 9/12/2019, chính phủ Việt Nam khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), được cho biết nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
Tin cho biết, hiện Cổng dịch vụ công quốc gia đang cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến tại 63 địa phương trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Minh Triết, nhận định:
“Có phải mọi người ai cũng dùng online đâu, đâu phải ai cũng thành thạo để giải quyết thủ tục đâu? Cơ bản cái online bộ máy nhà nước trong điều kiện hiện nay có giải quyết được không? Mình có cải tiến hạ tầng gì đâu mà gọi là online.”
Về chuyện giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, theo nghệ sĩ Kim Chi, là có thay đổi… nhưng ở mức độ nào thì chưa rõ, chẳng hạn chuyện lãnh lương hưu thì có tiện lợi vì khỏi phải đến tận nơi lãnh, khỏi ký giấy tờ mà tiền chuyển qua ngân hàng. Theo bà, là có nhiều tiến bộ và cố gắng. Bà nói tiếp:
“Thủ tục hành chính qua mạng thì cũng có tiến bộ, mình phải công bằng mà nói, nó đỡ nhiêu khê hơn, nhưng nó tùy vùng, tùy nơi, có những nơi vẫn tiếp tục hành. Nhưng cũng có ghi nhận nhiều nơi đã làm nhanh hơn.”
Có phải mọi người ai cũng dùng online đâu, đâu phải ai cũng thành thạo để giải quyết thủ tục đâu? Cơ bản cái online bộ máy nhà nước trong điều kiện hiện nay có giải quyết được không? Mình có cải tiến hạ tầng gì đâu mà gọi là online.
-Lê Minh Triết
Theo Văn phòng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia gồm 6 phần chính: cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xác thực, đăng nhập một lần; thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
Hiện Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến là: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp).
Ông Lê Thiệu cho biết ý kiến của mình về việc này:
“Việc giải quyết giấy tờ qua mạng đúng ra phải phải quyết từ lâu rồi, thời buổi thông tin internet mà. Phát triển thì cũng giúp cho người dân một ít thời gian, đỡ mất công đi lại, cái đó thì có. Nhưng lại nảy sinh ra tiêu cực khác, chẳng hạn rồi cũng phải đích thân đi lấy, nhiều khi có khâu còn bị tiền cò… hay phải tốn thêm lệ phí để chuyển về nhà. Nhưng không phải ai cũng làm được, trừ một số người thành thạo vi tính… tin học thì người ta mới làm được.”
Không chỉ các vấn đề hành chính công, theo ông Lê Minh Triết, bây giờ người dân không hài lòng rất nhiều thứ, như quy hoạch đất đai treo, làm người dân không cải thiện được cuộc sống, muốn sửa, muốn bán cũng không được. Tuy bộ mặt thành phố có phát triển, nhưng theo ông, nạn kẹt xe đến cái mức không thể đi được, đi làm cũng khổ, đi hàng ngày cũng khổ thì làm sao người dân hài lòng được, chưa kể ô nhiễm đến ngạt thở, không khí và môi trường sống ngày càng thấy khó khăn.
Sạt lở ở miền Tây: Dân mất nhà, mất đất…
Sạt lở tại QL 91, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú
Một ngày cuối năm 2019, chúng tôi đã có mặt tại An Giang, chạy dọc theo quốc lộ 91 thuộc tỉnh An Giang là con sông Hậu, nhưng đến đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, chúng tôi phải dừng lại vì gặp phải bảng cảnh báo này.
Các phương tiện giao thông không thể tiếp tục qua QL91 được bởi đoạn đường này đã bị sạt lở rất nghiêm trọng, đoạn đường dài 85m đã bị cuốn trôi, chưa kể các vết nứt xung quanh. Đây là tuyến giao thông huyết mạch từ TP Long Xuyên đi TP Châu Đốc và các huyện thị khác của tỉnh An Giang, đồng thời là tuyến giao thông chính đi Campuchia… Một người dân An Giang cho biết:
Ở đây sạt lở dưới kia một lần, là mười năm sau là sạt lở ở đây. Khi mà đi kiểm tra lòng sông là nó còn nhiều lỗ nữa chứ không phải hai lỗ này không. Trên kia cũng có, dưới này cũng có.
Đây sợ là dĩ nhiên phải sợ rồi. Ai cũng sợ hết. Lúc nó lở cái đây là 12h đêm, là bắt đầu nó sụp đó. Trước đó nó nứt, nó cũng báo cáo với mình trước khi nó lở là nó nứt trước rồi xong xuôi khoảng chừng ba bốn ngày sau là bắt đầu nó sụp xuống.
Theo người dân mô tả với chúng tôi thì thường những nơi trước khi sạt lở sẽ xuất hiện những vết nứt trên mặt đất.
Người dân cho biết thêm, phía cơ quan chức năng có đến xử lý điểm sạt lở này nhưng rồi gần đây cũng bó tay và không quan tâm đến nữa…
Sạt lở ở xã Vĩnh Trường huyện An Phú và xã Châu Phong thị xã Tân Châu
Trước tình hình sạt lở ngày một nghiêm trọng, ngày 16-8-2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư đã ký một lúc hai quyết định khẩn cấp về tình trạng sạt lở bờ sông Hậu đoạn chảy qua xã Vĩnh Trường, huyện An Phú.
Người dân Vĩnh Trường cho biết điểm sạt lở khoảng 300 mét này là do bị ‘phá cho hư’ vì lúc đầu chỉ là một điểm sạt lở nhỏ nhưng sau đó các chuyên gia và kỹ sư tư vấn đến xử lý, cuối cùng điểm sạt lở càng lớn hơn.
Người dân sống tại đây (không muốn nêu tên) cho biết tại điểm này, ba căn nhà đã bị tuột xuống sông, ông nói:
Nó sụp góc cột, nó sụp một góc nhà xong rồi từ từ nó nghiêng cái nhà luôn.
Cũng do sạt lở mà hiện nay ở xã Châu Phong, nhiều căn nhà gần như bỏ trống, có nơi bị mất hoàn toàn, có nơi nhà chỉ còn trơ móng. Người dân Châu Phong thấy chúng tôi đến ghi hình, cho biết mỗi lần sạt lở là đất sụt vô từ 5 đến 6 thước và mỗi năm mất khoảng 5 đến 7 thước đất.
Theo lời hai người dân Châu Phong vừa kể, chúng tôi phát hiện quanh khu vực này, nơi nào cũng cắm bảng cảnh báo sạt lở.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn An Giang thì từ năm 2016 đến tháng 7-2019, đoạn này đã xảy ra 6 vụ sạt lở và 1 vụ rạn nứt, với tổng chiều dài 1.124 m; trong đó sạt lở mới nhất vào cuối tháng 7-2019 với chiều dài 40 m, ăn sâu vào đất liền 10 m. Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp-PTNT tỉnh An Giang trong một lần nhận định về tình trạng sạt lở với truyền thông trong nước ông nói sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Người dân sống nơi đây cũng thừa nhận:
Khu sạt lở này lâu rồi, 5-10 năm nay rồi. Đường này ra ngoài mé sông tút ngoài kia kìa. Dãy nhà này đút đít sông mà dỡ hết trơn rồi. Nó có cái đường tuốt ngoài kia kìa.
Một trong những cách mà chính quyền địa phương áp dụng để giảm sạt lở đó là chỉnh sửa dòng chảy. Tuy nhiên, với người dân sống nơi đây thì việc chỉnh sửa của địa phương không mang lại kết quả tốt đẹp. Họ cho rằng thay vì chỉnh sửa dòng chảy thì chính quyền nên hạn chế tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Hậu xem ra khả thi hơn.
Nó liên quan tới chuyện khai thác cát đó. Hồi đó tui làm bên Long Thuận hen, Long Thuận bên Hồng Ngự là cũng khai thác cát. Người ta đi nó lở đất của người ta 1-2 công đất luôn. Lấy cát riết mà lở…cây cối này nọ là đi xuống sông hết trơn. Một người dân Châu Phong cho chúng tôi biết.
Trong khi đó, theo truyền thông trong nước đưa tin, mới đây dựa trên thông tin quan trắc của sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang, Sở đã kết luận nguyên nhân sạt lở chính yếu là do độ sâu lòng sông thay đổi và do dòng chảy tác động.
Sạt lở ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chưa rõ nguyên nhân
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhiều căn nhà ven kênh 28 cũng đã bị cuốn xuống sông. Nơi này người dân vẫn chưa rõ nguyên nhân sạt lở. Phía chính quyền cũng chỉ xuống đo đạc lòng kênh rồi thôi.
Giờ nhà nước phải mua ruộng hay sao đó, làm đường xá đàng quàng, thổi cát vô, phân lô, rồi mới tiến hành cho mình vô trỏng. Giải tỏa ở đây. Đáng lẽ vậy là phải giải tỏa từ lúc đầu. […] Phía sau này có đường tránh đó, thành ra mấy ổng từ từ cho mình đi, Người dân địa phương
Trước tình trạng sạt lở ở nhiều nơi, giữa những lo âu đó, người dân mong muốn phía chính quyền địa phương cần nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở và đưa ra các phương án an toàn cho người dân sinh sống. Họ cho biết:
Giờ nhà nước phải mua ruộng hay sao đó, làm đường xá đàng quàng, thổi cát vô, phân lô, rồi mới tiến hành cho mình vô trỏng. Giải tỏa ở đây. Đáng lẽ vậy là phải giải tỏa từ lúc đầu. […] Phía sau này có đường tránh đó, thành ra mấy ổng từ từ cho mình đi. Kỳ lở dưới kia, lở xong là mấy ổng cấp tốc làm một con đường để cho xe đi liền nếu không để tắc nghẽn sao. Bây giờ trên đây mấy ổng kinh nghiệm rồi mấy ổng làm đường phía trong này nè, khi sạt lở đây là có con đường cho xe chạy.
Tới chân lộ con lộ này đi mấy hồi, nó lở cấp tốc luôn. Con lộ này lở rồi thì cái này mấy hồi. Đi chừng hai ba tiếng đồng hồ là xong phim vụ này – cái tuyến dân cư mình nè. Bởi vậy tui nhu cầu là nhà nước phải tranh thủ mần sớm sớm chừng nào tốt chừng nấy. Hiện bây giờ nước cạn nè, mần dễ mần, dễ làm bờ kè nè.
Và khi khắc phục tình trạng này, cần nghiên cứu rõ nguyên nhân gây ra sạt lở để ngăn chặn. Có thực sự là do dòng nước hay không? Hay là do khai thác cát làm lòng sông lõm sâu, gây ra sạt lở, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vấn nạn khai thác cát trong kỳ 2 của loạt phóng sự này.
Đốt lò 2020: Các nhóm cản trở chính sách sẽ bị thanh lọc?
Các thế lực ‘thủ lợi’, nhóm lợi ích giả làm xã hội dân sự sẽ tiếp tục tác động đến chính sách và cản trở quá trình cải tổ, đổi mới trong năm 2020, một nhà quan sát xã hội dân sự của Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.
“Từ năm 2016 tới nay, công cuộc ‘củi lửa’, ‘đối lò’ của nhà nước và đảng Cộng sản đã chĩa mục tiêu vào một số lĩnh vực ở Việt Nam,”
“Nhưng liệu sang năm mới, các chiến dịch có dám tập trung vào xử lý các nhóm lợi ích trên hay không sẽ là một câu hỏi lớn được đặt ra, tiến sỹ Trần Tuấn, nhà phản biện thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam nói với thảo luận Bàn Tròn Thứ Năm của BBC News Tiếng Việt (02/1/2020).
Việt Nam 2020: Những chính sách mới có hiệu lực
Kinh tế VN 2019: ‘Mặt trời’ chỉ ‘tỏa sáng’ trên báo cáo?
‘Có nhóm lợi ích sau luật Biểu tình và Bia rượu?’
Trả lời từ Texas, Hoa Kỳ, nơi ông đang thăm viếng, ông Trần Tuấn hỏi:
“Các thế lực như vừa nói có thể làm được gì? Thì tôi thấy là họ làm rất cụ thể. Họ hầu hết đều là các thế lực khai thác lợi ích kinh tế trong vấn đề làm ăn ở Việt Nam.
Họ tiếp tục làm, tiếp tục gây bất hoạt các luật đưa ra, tôi nói ví dụ ngay luật (phòng chống tác hại của) rượu bia…, thì họ lại đẩy sang cái hướng là không tăng được thuế, không ảnh hưởng gì đến vấn đề quảng cáo của họTiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn
“Tôi nói ví dụ, trong vấn đề vừa rồi, chúng tôi đã làm với luật (phòng chống tác hại của) rượu, bia, luật (phòng chống tác hại của) thuốc lá chẳng hạn, thì chúng ta đều biết chỉ riêng việc đánh thuế thuốc lá, rượu bia là những cái khuyến cáo của các tổ chức khoa học, cũng như là của thế giới, đã thấy rằng là muốn phòng chống được tác hại thuốc lá của rượu bia, thì bắt buộc phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với chúng.
“Và mức tiêu thụ đó ở Việt Nam hiện nay trong nhiều năm qua, đã đang đặt mức chỉ bằng một nửa so với khuyến cáo của các tổ chức thế giới và kém rất xa ngay so với những nước xung quanh, ví dụ như Thái Lan, hoặc Úc, hoặc Singapore.
“Thế thì chỉ riêng mức thuế này thôi, tôi cho rằng giữa lúc đang bị trì trệ, bị cản trở rất mạnh và luật thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan trực tiếp đến các mặt hàng này, thì các thế lực kia đang ngăn cản đến mức là lẽ ra phải ra (luật) trong các kỳ hợp Quốc hội vừa rồi, thì luôn luôn bị trì hoãn, tôi nói ví dụ thế.
“Mà chỉ riêng mất mát trong vấn đề đó thôi, tôi nói chẳng hạn là thuế của rượu bia là hiện nay thu khoảng 50 nghìn tỷ đồng Việt Nam một năm, thì nếu chúng ta chỉ đảm bảo tăng gấp đôi, đúng như khuyến cáo của các tổ chức thế giới, thì chúng ta đã có thêm được 50 nghìn tỷ đồng Việt Nam nữa.
“Tức là như vậy là cả một khoản rất là lớn. Tôi cho rằng nếu như khoản này, mà theo đúng khuyến cáo của các tổ chức khoa học, thì thấy rằng là chỉ phần tiền đó thôi đổ sang cho y tế, giáo dục, cho tăng cường nội lực của người dân lên đối với các yếu tố tác hại cho sức khỏe, thì cũng đảm bảo chắc chắn rằng các hoạt động của y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và vấn đề môi trường, vấn đề an sinh xã hội là tốt.”
Cản trở chính sách thế nào?
Theo chuyên gia phản biện chính sách này, các nhóm lợi ích khi cản trở các chính sách tỏ ra có đối tượng, mục tiêu và động cơ khá rõ ràng:
“Tôi cho rằng những thế lực này luôn luôn làm mọi cách để cản trở chính sách, ít nhất là những chính sách mà Việt Nam đã cam kết thực hiện đối với các tổ chức quốc tế, với các Công ước quốc tế, từ công ước trẻ em, cho đến công ước sức khỏe, công ước môi trường.
“Các thế lực đó phát triển kinh tế đều nhắm vào vấn đề làm sao khai thác được lợi nhuận tối đa và họ bất chấp tất cả những vấn đề về sức khỏe, vấn đề về môi trường.
“Thì vấn đề đó họ tiếp tục làm, tiếp tục gây bất hoạt các luật đưa ra, tôi nói ví dụ ngay luật (phòng chống tác hại của) rượu bia…, thì họ lại đẩy sang cái hướng là không tăng được thuế, không ảnh hưởng gì đến vấn đề quảng cáo của họ;
Công cuộc đốt lò đã đưa ra được một thế lực mà tôi gọi là vì cá nhân vì thương mại, lợi nhuận mà bất chấp tất cả lợi ích của cộng đồngTiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn
“Và nếu như các hình thức có thực hiện thì chỉ nhằm vào người dân và phạt người dân, chứ không nhằm vào vấn đề là nơi sản xuất, hoặc là các định hướng vấn đề quảng cáo.”
Về hiệu quả và nội dung của công cuộc “đốt lò” mà đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam đang triển khai mấy năm qua, đặc biệt là hai năm gần đây, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn bình luận:
“Công cuộc đốt lò đã đưa ra được một thế lực mà tôi gọi là vì cá nhân vì thương mại, lợi nhuận mà bất chấp tất cả lợi ích của cộng đồng, thì phải có một thế lực đối lập trở lại. Cho nên đây rõ ràng là một cuộc đấu tranh giữa hai thế lực, tôi công nhận.
“Nhưng mà xu hướng vừa rồi tôi nhìn nhận thì chúng ta thấy rằng là cuộc đấu tranh đó, các vụ án đưa ra nhắm đầu tiên vào bên Bộ Công Thương, tôi cho đây là đúng, vì Bộ Công Thương trong những năm vừa qua là nơi xuất phát của tất cả các định hướng chính sách mà tôi cho rằng đã ‘chà đạp’ lên các vấn đề về môi trường, các vấn đề về sức khỏe và vấn đề lợi ích phát triển của đất nước.
“Cho nên là đánh vào Bộ Công Thương là đúng. Tiếp theo, chúng ta thấy là có những vấn đề ở bên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và gần đây nhất là vấn đề của Bộ Thông tin & Truyền thông.
“Bởi vì Thông tin, Truyền thông làm cho lệch lạc hết cả các vấn đề nhận thức của xã hội với các tình hình thực tế. Cho nên tôi cho rằng chọn bốn bộ vừa rồi mà các vụ án tập trung vào, tôi cho đều là đúng và như thế chứng tỏ rằng là thế lực muốn làm sạch đất nước, chống tham nhũng, đấy cũng là một thế lực có tính chất đang tăng dần lên…
“Tôi tin rằng, nếu như chiều hướng tiếp tục như thế này, có khả năng thế lực tích cực sẽ có thế. Thế lực tích cực muốn thắng thế được phụ thuộc vào những tác nhân như đã nói, như là tiếng nói bổ trợ của người dân, mà người dân ở đây thể hiện qua các tổ chức, các cá nhân, các nhà trí thức và chúng ta còn gọi chung là các tổ chức xã hội dân sự.”
‘Thanh lọc để mở đường phát triển’
“Nhưng xã hội dân sự hiện nay cũng đang nhá nhem, là một bức tranh lẫn lộn, trong đó bản thân những thế lực thủ lợi, phi nhân bản cũng tạo ra một bộ mặt của bên gọi là tiếng nói xã hội dân sự để ủng hộ cho họ.
“Đấy là bằng chứng của các hiệp hội như hiệp hội năng lượng, hiệp hội tấm lợp, hiệp hội rượu bia, nước giải khát v.v…, thì họ đã tạo ra một tiếng nói nhằm ủng hộ cho các thế lực của họ.
“Thế thì, trong bốn năm vừa qua, làm được với lại các bộ ngành Công Thương, Thông tin – Truyền thông, rồi quân đội, công an và vẫn đang tiếp tục làm, thì tôi nghĩ rằng tới đây, trong năm 2020, nếu có được, sẽ quay sang làm với bên các nhóm tổ chức chính trị, xã hội.
“Và khi làm vào cá nhóm tổ chức chính trị, xã hội, phải thanh lọc bộ máy này thì chúng ta (Việt Nam) mới có cơ hội để cho các nhóm mà vì dân lên được tiếng nói mạnh mẽ hơn.
“Và khi có tiếng nói vì dân lên mạnh mẽ hơn, thì lúc đó mới có cơ hội để mà sửa đổi các luật liên quan xã hội dân sự, liên quan các tổ chức nghề nghiệp và từ đó nó mới mở rộng cho vấn đề tiếng nói đi vào phản biện.
“Chứ còn nếu hiện nay chúng ta vẫn để như thế này, thì nó sẽ là một cuộc rất là gay go, cho nên, tôi xin tóm lược lại là trong công cuộc ‘đốt lò’, tôi hy vọng rằng đốt lò tới đây sẽ hướng cả sang các tổ chức chính trị, xã hội.
“Và thanh lọc thì sẽ mở đường cho các vấn đề từ luật công đoàn, từ những vấn đề đối với người lao động, cũng như với tiếng nói của các nhà khoa học trong các vấn đề phản biện xã hội, nó sẽ được thay đổi đi lên, khi tiếng nói đó mạnh lên, tôi hy vọng rằng công cuộc ‘đốt lò’ tiếp tục đẩy mạnh và Việt Nam mới đi được theo các hướng mà các nước đã phát triển,” ông Trần Tuấn nói với BBC.
Quý vịbấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn Tròn Thứ Nămtuần đầu năm 2020.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50982602
Nhóm 11 người đào tẩu Bắc Hàn bị giữ ở VN ‘được tự do’
Nhóm người đào tẩu Bắc Hàn bị giữ ở Việt Nam đã được thả nhờ sự can thiệp của các tổ chức ở châu Âu, theo Reuters.
Đây là thông tin các nhà hoạt động ở Hàn Quốc công bố hôm thứ Bảy 4/1.
Thêm tin về nhóm người Bắc Hàn ‘bị giữ ở Lạng Sơn’
Nhân viên tình báo Nam Hàn bị cáo buộc cưỡng bức người đào tẩu Bắc Hàn
Đại úy Bắc Hàn kể chuyện trốn qua Việt Nam
Tám phụ nữ và ba nam giới người Bắc Hàn bị bộ đội biên phòng Việt Nam phát hiện sau khi vượt qua biên giới Trung Quốc vào cuối tháng Mười Một. Những người này đang trên đường tìm cách chạy sang Hàn Quốc.
Những người này sau đó bị tạm giữ ở Lạng Sơn – một thành phố biên giới phía Bắc của Việt Nam, giáp Trung Quốc.
Peter Jung, lãnh đạo một nhóm chuyên giúp đỡ người tỵ nạn có tên Công lý cho Bắc Hàn, cho hay những người này được trả tự do và đã lên đường sang Hàn Quốc vào tháng trước.
Nhiều tổ chức ở châu Âu đã đóng vai trò quan trọng trong vụ này, ông Peter Jung cho hay, nhưng từ chối nêu tên các tổ chức do nhạy cảm về chính trị. Ông nói rằng nhiều trong số đó là các tổ chức phi chính phủ.
Wall Street Journal hôm thứ Sáu cho hay các quan chức Mỹ – những người tham gia vào các đàm phán hạt nhân với Bắc Hàn – đã can thiệp để đảm bảo rằng những người này được thả.
Nhưng Jung nói ông không biết về sự can thiệp nào của Mỹ.
Bộ ngoại giao Hàn Quốc nói thông tin của Wall Street Journal là không chính xác, nhưng cũng cho hay chính phủ Hàn Quốc đã có những can thiệp gián tiếp để ngăn việc những người đào tẩu này bị buộc hồi hương.
“Các tổ chức châu Âu đã có hành động ngay sau khi chúng tôi đăng tải video cho thấy những người đào tẩu Bắc Hàn tuyệt vọng kêu gọi được trả tự do,” ông Jung nói. “Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng vào cuộc sau đó.”
Ông Jung đã đăng tải video cho thấy vài trong số 11 người nói trên biểu tình kêu khóc phản đối việc bị trục xuất trước khi họ có vẻ như bị ngất xỉu.
Hiện có khoảng 33.000 người Bắc Hàn đã chạy sang Hàn Quốc. Nhiều người trong số họ đã mạo hiểm tính mạng vượt qua biên giới trong cuộc hành trình có thể kết thúc bằng tra tấn và nô dịch, nếu họ bị bắt và bị buộc hồi hương.
Là những nhân chứng sống về cuộc sống bị lạm dụng ở Bắc Hàn, nhiều người đào tẩu từ lâu đã là những nhân vật xuất hiện trước công chúng để phát động các chiến dịch gây sức ép buộc Bắc Hàn phải thay đổi các chính sách.
Nhưng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bị chỉ trích bởi các nhóm nhân quyền như nhóm của ông Jung, vì đã không giúp đỡ một cách đầy đủ những người đào thoát, và phớt lờ vấn đề nhân quyền khi ông thúc đẩy quan hệ với Bắc Hàn.
Tháng Mười Một, sau màn thẩm vấn ngắn, Hàn Quốc đã trục xuất hai người đánh cá Bắc Hàn, cáo buộc họ đã giết 16 đồng nghiệp trước khi vượt qua biên giới.
Một liên minh các nhóm của người đào tẩu Bắc Hàn ở Hàn Quôc đã có tuyên bố chung, chỉ trích quyết định này, nói rằng hai người đàn ông đáng lẽ nên bị xét xử ở Hàn Quốc, vì họ có thể bị tra tấn và xử tử ở quê nhà.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50991171
Quan hệ với Trung Quốc:
‘Chính phủ Việt Nam phải nghe dân,
bằng không sẽ mất hết quyền lợi dân tộc’
Vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp
Mặc dù bên cạnh sự kiện tranh chấp tại Bãi Tư Chính do Trung Quốc có động thái lấn át Việt Nam ngày càng gia tăng căng thẳng suốt hơn 4 tháng dài trong năm 2019, tuy nhiên truyền thông quốc nội luôn đăng tải những thông tin về mối quan hệ Việt-Trung được duy trì trên tinh thần hữu hảo qua các hoạt động liên quan ngoại giao, quốc phòng và thương mại.
Trong lĩnh vực thương mại, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết tính đến hết tháng 11 năm 2019, thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc vượt con số 100 tỷ đô la Mỹ (USD). Trước đó, vào năm 2018, thương mại song phương giữa hai nước cũng đạt con số tương tự đồng thời Trung Quốc đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với vốn đăng ký lên đến 13,4 tỷ USD cho hơn 2.000 dự án.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 10 năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hơn 62 tỷ USD, tăng mạnh gần 9 tỷ so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt gần 33 tỷ USD, giảm khỏang 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước đó và được ghi nhận là thâm hụt lớn trong quan hệ ngoại thương với Trung Quốc đang bị nới rộng.
Trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng, các chuyến viếng thăm của giới chức cấp cao hai nước như Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc-Thượng Tướng Ngụy Phượng Hòa, dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc sang thăm Việt Nam hồi hạ tuần tháng 5 hay bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng phái đoàn Việt Nam sang thăm Trung Quốc vào trung tuần tháng 7 được truyền thông loan báo năm 2019 là năm “bản lề mang tính đột phá” trong quan hệ quân đội cũng như tiếp tục đưa mối quan hệ Việt-Trung “phát triển lành mạnh và ổn định”.
Những hệ lụy xấu Việt Nam gánh chịu
Nhà văn Phạm Viết Đào, người vừa cho ra mắt bản thảo bút ký-tiểu luận-điều tra có nhan đề “Vị Xuyên và thế sự Việt-Trung”, vào tối ngày 2/1 lên tiếng với RFA rằng những thông tin tốt đẹp về quan hệ Việt-Trung như thế không phản ảnh trung thực được tinh thần và cảm nhận của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc.
Qua ghi nhận của Nhà văn Phạm Viết Đào, ông nói rằng dân chúng tại Việt Nam rất “căm ghét” các nhà đầu tư đến từ Hoa Lục và những con số hàng trăm tỷ USD trong thương mại và đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam không thể nào so sánh được với những hậu quả nghiêm trọng mà người dân Việt Nam đang gánh chịu. Nhà văn Phạm Viết Đào lý giải:
Quan trọng nhất, tiêu cực nhất là Trung Quốc ép ba mặt trận: là phải công nhận chủ quyền của họ ở Biển Đông (vấn đề đó là họ rất nhất quán trong việc độc chiếm Biển Đông thông qua tuyên bố về đường 9 đoạn); không được khai thác ở đây và không được tập trận chúng với các nước ở xung quanh. Thế thì Việt Nam phản đối lại bằng cách vẫn tiếp tục với các nước ở bên ngoài khu vực cùng khai thác dầu mỏ, đặc biệt là Nga. Thứ hai nữa là Việt Nam không chấp nhận đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của Trung Quốc…
-Tiến sĩ Hà Hòang Hợp
“Rõ ràng là chưa bao giờ như năm nay mà môi trường của Việt Nam, chẳng hạn ở Hà Nội lại ngột ngạt đến như thế. Nhiều nhà khoa học cho rằng đấy là do nguyên nhân từ các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc tống sang Việt Nam. Thứ hai nữa là những đồng tiền đầu tư của Trung Quốc uy hiếp đến nền kinh tế, có thể nói đấy là những đồng tiền đầu tư làm phá hoại nền kinh tế, làm mất ổn định và khiến Việt Nam thành con nợ.
Ví dụ, hàng chục dự án mà báo chí đã nói nhiều rằng những dự án đấy không mang lại lợi ích gì cho Việt Nam cả, mà lại làm hỏng tất cả kết cấu hạ tầng trong đó có hai dự án gần đây báo chí nêu rất rõ. Đấy là dự án về Gang-Thép Thái Nguyên. Dự án này lúc đầu phê duyệt khỏang 4 nghìn tỷ đồng, vào khoảng 200 triệu USD. Thế bây giờ vọt lên đến 8 nghìn tỷ, tức là tăng thêm lên 400 triệu USD. Nếu như tăng đầu tư mà tạo ra sản phẩm thì cũng được, nhưng lại thành đống sắt gỉ. Đấy là dự án lớn, còn những dự án tầm 50-70 triệu USD giống như thế thì rất nhiều. Hay dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông, khởi đầu có trên 8 nghìn tỷ đồng còn bây giờ lên 18 nghìn tỷ mà không biết bao giờ dự án này vận hành trong khi tiền tăng lên như thế. Có một nguồn tin nói rằng tiền lãi trả hàng năm cho dự án này là 5-6 nghìn tỷ đồng. Thế thì bây giờ trở thành một con nợ như thế thì người dân rất sốt ruột và không chịu được.”
Nhà văn Phạm Viết Đào cùng một vài nhà quan sát tình hình Việt Nam khác mà Đài Á Châu Tự Do trao đổi còn nhấn mạnh trong năm 2019, Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, qua tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6 rằng “Việt Nam đang lạm dụng thương mại với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc” và kéo theo nhiều sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị tăng thuế chống bán phá giá như mặt hàng thép hơn 450%.
Bên cạnh đó, giới quan sát tình hình Việt Nam khẳng định tác động từ Trung Quốc lên Việt Nam qua vấn đề xung đột ở Biển Đông và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị hủy hoại sẽ càng thêm nhiều rủi ro và phức tạp.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập làm việc tại Singapore, cho biết thông tin liên quan vấn đề sông Mekong mà Việt Nam nằm ở khu vực hạ lưu của dòng sông này:
“Về vấn đề Mekong, Trung Quốc dự kiến xây dựng 91 nhà máy thủy điện ở Lào và đã xây được 46 cái. Đồng thời Trung Quốc sẽ xây một loạt các đâp thủy điện giữa Lào và Campuhica, đã được 4 cái. Việc xây dựng này gây ra ảnh hưởng rất lớn đến sinh thái, sinh quyển, đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến toàn bộ sinh hoạt đời sống ở Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Bây giờ đã có tác hại rất lớn rồi chứ không phải chờ tới những 30 năm sau nữa. Chuyện này là chuyện Việt Nam chắc chắn không bỏ qua.”
Về vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2019, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu lên nhận định của ông:
“Quan trọng nhất, tiêu cực nhất là Trung Quốc ép ba mặt trận: là phải công nhận chủ quyền của họ ở Biển Đông (vấn đề đó là họ rất nhất quán trong việc độc chiếm Biển Đông thông qua tuyên bố về đường 9 đoạn); không được khai thác ở đây và không được tập trận chúng với các nước ở xung quanh. Thế thì Việt Nam phản đối lại bằng cách vẫn tiếp tục với các nước ở bên ngoài khu vực cùng khai thác dầu mỏ, đặc biệt là Nga. Thứ hai nữa là Việt Nam không chấp nhận đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của Trung Quốc là do Việt Nam dựa theo một nền pháp lý thống nhất gồm Công ước và Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và trật tự quốc tế đã được thiết lập từ năm 1947 bởi tất cả các nước dưới ngọn cờ của LHQ.
Đấy là các điểm tiêu cực từ phía Trung Quốc, tuy nhiên lại là điểm mạnh cho Việt Nam. Mặc dù Việt Nam không nói nặng lời, không nói mạnh nhưng rõ ràng là Việt Nam cương quyết. Tựu trung lại năm 2019 có những điểm lớn không tốt như thế gây ra ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam phản ứng như thế rất phù hợp. Nhưng phải đợi đến năm 2020 xem sẽ như thế nào vì tình hình sẽ bộc lộ rõ hơn nữa.”
Việt Nam-Trung Quốc năm 2020
Tình hình bộc lộ rõ hơn mà Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp vừa đề cập là có thể sẽ xảy ra đụng độ quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới. Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, ba nhà quan sát tình hình Việt Nam gồm nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan-Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông-Thạc sĩ Hoàng Việt và Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, trong một cuộc hội luận mới đây với RFA cũng nhận định rằng tình hình căng thẳng ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp diễn và Việt Nam ở vị thế bị áp đảo.
Nhà văn Phạm Viết Đào khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ ý muốn áp đảo đối với Việt Nam ở Biển Đông, mà còn ở mọi lĩnh vực khi Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé bên cạnh đất nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc:
“Tôi nghĩ những xung đột lợi ích ấy là xung đột sống còn của Việt Nam. Nếu như Trung Quốc bị mất vị thế nước lớn thì họ sẽ cà khịa và gây sự đến cùng. Về phía Việt Nam thì rõ ràng xưa nay vẫn duy trì chính sách hòa hoãn, tức là thương lượng, nhường nhịn họ nhưng nhường nhịn thế nào nữa, đã nhường nhịn đến cùng rồi mà Trung Quốc cũng đâu có dừng lại. Hay là bây giờ Việt Nam thông qua Luật Đặc khu hay chấp nhận đường sắt cao tốc Bắc-Nam thì đó gần như là đầu hàng và bán nước, chứ không còn là nhân nhượng nữa.”
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan-Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng lưu ý rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến, mà trước mắt trong năm 2020 Việt Nam gặp phải tình cảnh gay go trong mối quan hệ tay ba Việt-Trung-Mỹ. Do đó, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam phải thận thận trọng trong các quyết sách chiến lược của quốc gia.
“Năm nay là năm Việt Nam chuẩn bị Đại hội Đảng. Vấn đề Đại hội sẽ chiếm nhiều thời gian và năng lượng của Việt Nam đối với cả lãnh đạo lẫn các nhà hoạch định chính sách. Vậy thì Việt Nam sẽ phân bổ quỹ thời gian như thế nào giữa ứng phó trong quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Trung với ASEAN-Mỹ-Trung (do Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN 2020) bởi vì các tương tác này sẽ là một phép tổng – tích hợp giữa nội trị với ngoại giao của Việt Nam và sự cộng hưởng của hai ‘tay ba’ này sẽ có ảnh hưởng lớn đến đường lối ở Đại hội Đảng sắp tới.”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, ở Na-Uy phân tích rằng từ năm 2020, thương chiến Mỹ-Trung tiếp diễn như thế nào đều là những dự đoán và không ai biết được một cách chắc chắn điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng Chính quyền Trump sẽ chủ trương chính sách của Hoa Kỳ luôn ở thế mạnh “làm chủ cuộc chơi” và muốn nền kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bầu cử tổng thống nên rất có thể chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ không đi quá xa để đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực khủng hoảng. Và do đó, các nhà đầu tư sẽ có quyết định đa dạng hóa đất nước đầu tư, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề giải bài toán Trung Quốc như thế nào là vấn đề mà chính quyền nghe dân và theo lòng dân thì có cách. Còn nếu họ vẫn theo nếp cũ thì cứ để cho Đảng và Nhà nước lo thì họ sẽ dẫn đến chỗ mất hết quyền lợi dân tộc
-Nhà văn Phạm Viết Đào
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lập luận rằng có thể nói Việt Nam được hưởng lợi trong khía cạnh vừa nêu trong năm 2020. Tuy nhiên:
“Vấn đề của Việt Nam là thiếu lực lượng lao động có tay nghề và thiếu một mạng lưới cung cấp hậu cần cho các nhà sản xuất. Vì vậy mà một số nhà sản xuất sẽ không chọn Việt Nam mà chuyển sang các nước khác như Malaysia hay Thái Lan.”
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh có cái nhìn lạc quan rằng với vị thế là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời Việt Nam đang có mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ và thế giới phương Tây trong lúc tạm gọi là Trung Quốc ngày càng tỏ ra dã tâm muốn Việt Nam phải bị “thần phục” nên Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cần thực hiện chính sách đại đoàn kết quốc gia để có đủ nội lực cũng như cần phải xây dựng những giá trị chung đối với thế giới, đặc biệt trong việc bảo vệ và gìn giữ sự ổn định, hòa bình trong khu vực, nhất là tại Biển Đông.
Còn Nhà văn Phạm Viết Đào thì cho rằng nội lực của quốc gia chính là lòng dân, nhất là:
“Vấn đề giải bài toán Trung Quốc như thế nào là vấn đề mà chính quyền nghe dân và theo lòng dân thì có cách. Còn nếu họ vẫn theo nếp cũ, cứ để cho Đảng và Nhà nước lo thì họ sẽ dẫn đến chỗ mất hết quyền lợi dân tộc.”
Nhà văn Phạm Viết Đào khẳng định “Đừng bao giờ tin vào lời phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Quốc hội Việt Nam là ‘Lợi ích chung trong quan hệ hai nước lớn hơn bất đồng…’ vì đó chỉ là lời ru nguy hiểm để Việt Nam chịu nằm im trong cái vòng kim cô của Trung Quốc.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-vietnam-impacted-from-china-in-2019-01032020115317.html