Tin Biển Đông – 01/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biển Đông trước các thách thức trong năm 2020

Sau những gì xảy ra trong năm 2019, trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây, các chuyên gia quốc tế dự báo Biển Đông sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm sau.

Điểm lại tình hình 2019, ông James Kraska (giáo sư (GS) về luật hàng hải quốc tế – Đại học Hải chiến Mỹ), chỉ ra và dự báo: Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Có lẽ, sang năm sau thì các hành vi này sẽ tiếp diễn.

Trung Quốc đang sử dụng lực lượng dân quân biển để hình thành “vùng xám” nhằm lấn át để đẩy các bên ra khỏi khu vực. Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược này trong năm 2020

Bên cạnh đó, song hành cùng việc tiến hành các hành vi trên, GS Kraska nhận định: “Lâu nay, Bắc Kinh vẫn luôn theo đuổi chính sách “chia rẽ và chinh phục”. Bên cạnh đó, còn có chính sách kiểu “cây gậy và củ cà rốt” để áp đặt các nước khác và sẵn sàng trừng phạt bằng nhiều chiêu bài thông qua ngoại giao, quân sự và kinh tế”. Đây sẽ chính là những biện pháp mà Bắc Kinh theo đuổi nhằm đạt được mục tiêu.

Ảnh hưởng của Biển Đông với Indo-Pacific

Tình hình Biển Đông trong năm 2019 đã thúc đẩy các nước ưu tiên chính sách đối ngoại đối với khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Điều đó thể hiện qua việc Nhật Bản có “Tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở”, ASEAN có “Triển vọng Indo-Pacific”, Mỹ có “Chiến lược Indo-Pacific”, Úc cũng đưa ra khái niệm định hình Indo-Pacific.

Đó là vì hầu hết các nước đều lo ngại về hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và dự đoán cách chiêu trò “lý lẽ của kẻ mạnh” sẽ được Bắc Kinh áp dụng như một lề lối mới cho trật tự khu vực, bất chấp luật pháp quốc tế. Bằng chứng là Trung Quốc đã không ngần ngại xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai khí tài quân sự ở các thực thể, bãi đá ngầm trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, nhiều nước cũng lo ngại Trung Quốc sẽ thực thi các chính sách “mềm” nhằm phá vỡ quy tắc toàn cầu cũng như tại khu vực. Những chính sách “mềm” này có thể bao gồm cả việc tìm cách can thiệp để phá vỡ sự đồng thuận trong khối ASEAN, hoặc viện trợ tài chính gây ảnh hưởng nhằm vào một số nước liên quan tranh chấp.

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung về cấu trúc an ninh ở Indo-Pacific, mà tâm điểm là Biển Đông, đang gây nhiều ảnh hưởng, các nước trong khu vực sẽ muốn mở rộng liên kết hơn với nhiều nước như Nhật, Úc, Ấn Độ…

Tương tự, một đồng nghiệp của ông Kraska là GS James Holmes (thuộc Đại học Hải chiến Mỹ) cũng dự báo: năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành vi xâm phạm chủ quyền như năm qua. Mục tiêu của Bắc Kinh làm nhằm “đặt sự đã rồi” để thiết lập chủ quyền phi pháp mà không cần dùng đến chiến tranh.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32388-bien-dong-truoc-cac-thach-thuc-trong-nam-2020.html

 

Biển Đông 2019: Một năm dậy sóng

Căng thẳng ở Bãi Tư Chính

Từ ngày 3/7, tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc dưới sự hộ tống của các tàu hải cảnh đã đi vào phạm vi 12 hải lý của Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa để quấy nhiễu hoạt động khoan dầu khí của Việt Nam hợp tác tập đoàn Rosneft của Nga. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng biển này trong phạm vi đường chín đoạn, khu vực này lại nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Mục đích của hành động này của Bắc Kinh, theo các chuyên gia, là không để cho các nước bên ngoài tham gia khai thác năng lượng trên Biển Đông – điều mà họ khăng khăng đòi hỏi trong quá trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).

Trong khoảng thời gian gần 4 tháng, tàu Hải Dương đã vài lần rời đi để hướng về Bãi Chữ Thập, nơi Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo, trước khi trở lại quấy nhiễu – mỗi lần rời đi khoảng một tuần lễ. Việc này đã cho thấy sự lợi hại của các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp vốn giờ đây giúp họ có thể duy trì sự hiện diện liên tục để gây sức ép lên các nước quanh Biển Đông.

Chính quyền Việt Nam loan báo đã dùng mọi kênh để tranh đấu với Trung Quốc, từ phản đối ngoại giao, vận động quốc tế cho đến đối đầu trên thực địa, trong khi Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều lên án hành động của Trung Quốc mà họ cho là ‘bắt nạt’.

Đến ngày 24/10, sau gần 4 tháng quấy nhiễu, tàu Hải Dương Địa chất 8 đã rời đi vì ‘đã hoàn tất công việc khảo sát khoa học ở vùng biển do Trung Quốc kiểm soát’.

Việt Nam cân nhắc hành động pháp lý chống Trung Quốc

Căng thẳng trên Bãi Tư Chính dâng cao dẫn đến nhiều lời kêu gọi Việt Nam nên có hành động pháp lý đối với Trung Quốc cũng giống như vụ kiện của Philippines vốn được Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết hồi năm 2016.

Sau thời gian dài im tiếng về vấn đề này, hồi đầu tháng 11, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nói rằng Việt Nam ưu tiên đàm phán nhưng ‘cũng có lựa chọn khác’ đối với tình hình Biển Đông, trong đó có các biện pháp pháp lý.

Các học giả quốc tế đều cho rằng Hà Nội sẽ có khả năng thắng lợi rất cao nếu đi theo con đường pháp lý như Manila là kiện Trung Quốc trong khuôn khổ các điều khoản của Công ước Quốc tế về Luật Biển, tức UNCLOS.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại kết quả vụ kiện sẽ không làm thay đổi được gì tình hình trên thực tế vì Bắc Kinh sẽ từ chối tuân thủ phán quyết trong khi việc kiện tụng lại làm phức tạp thêm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và Hà Nội sẽ phải trả giá về chính trị và kinh tế.

Phản ứng trước việc này, Bắc Kinh đã kêu gọi Hà Nội ‘không nên có những hành động làm phức tạp thêm vấn đề’.

Hồi năm 2014, Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố Việt Nam cân nhắc kiện Trung Quốc sau khi nước này hạ đặt một giàn khoan khổng lồ vào thềm lục địa của Việt Nam.

Philippines được Mỹ đảm bảo

Manila đã được Washington nói rõ rằng trong trường hợp họ bị Trung Quốc tấn công trên Biển Đông thì Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ họ theo đúng tinh thần của Hiệp ước Phòng vệ Tương hỗ giữa hai nước được ký vào năm 1951.

Trước đó, phía Mỹ chưa bao giờ nói rõ điều này với Philippines khiến cho nước này lo ngại về mức độ cam kết của Mỹ đối với đồng minh có hiệp ước.

Phát biểu ở Hà Nội hồi tháng Ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng ‘bất kỳ cuộc tấn công nào vào lực lượng, máy bay hay tàu bè của Philippines trên Biển Đông sẽ kích hoạt các nghĩa vụ phòng vệ tương hỗ’.

Ông cũng cho rằng các hoạt động quân sự và việc xây dựng đảo của Trung Quốc trên Biển Đông ‘đe dọa chủ quyền, an ninh và sinh kế của Philippines cũng như của Mỹ’.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tìm cách xem xét lại hiệp ước này để có được sự đảm bảo lớn hơn từ phía Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hành xử hung hăng đối với các lợi ích của Philippines trên Biển Đông, nhất là xung quanh các hòn đảo nhân tạo xung quanh quần đảo Trường Sa mà nước này tuyên bố có chủ quyền.

Tuy nhiên, Tổng thống Rodrigo Duterte không tin vào quan hệ đồng minh với Mỹ và cho rằng hiệp ước với Mỹ khiến nước ông trở thành mục tiêu tiềm tàng của Trung Quốc, quốc gia mà ông muốn phát triển quan hệ kinh tế.

Malaysia có lập trường mạnh mẽ hơn

Malaysia, nước cũng có tranh chấp trên Biển Đông nhưng trước giờ vẫn tỏ ra nhẫn nhịn trước Trung Quốc chứ không mạnh miệng như Việt Nam hay Philippines, đã có lập trường mạnh mẽ hơn khi Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah hồi cuối tháng 12 đã thẳng thừng gọi đường chín đoạn của Trung Quốc ôm trọn gần hết Biển Đông là ‘nực cười’.

“Việc Trung Quốc đòi hỏi quyết sở hữu đối với toàn bộ Biển Đông – tôi nghĩ đó là điều nực cười,” ông Saifuddin phát biểu ở Kuala Lumpur hôm 20/12.

Trước đó, nước này đã đệ trình hồ sơ lên Ủy ban về Giới hạn Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc để xác định rõ giới hạn thềm lục địa của họ đi sâu vào phạm vi đường chín đoạn của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả với việc cáo buộc Kuala Lumpur xâm phạm chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi Liên Hiệp Quốc đừng xem xét hồ sơ này.

Cách nay một thập kỷ, Malaysia cũng đã liên minh cùng với Việt Nam đệ trình lên Liên Hiệp Quốc hồ sơ xác định ranh giới thềm lục địa. Hành động này đã bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ và họ đã lần đầu tiên công bố với thế giới yêu sách đường chín đoạn.

Khác với cựu thủ tướng Najib Razak vốn ngập trong khoản vay của Trung Quốc, Thủ tướng Mahathir Mohammad ít bị Trung Quốc ràng buộc hơn. Ông đã bật đèn xanh cho các hành động pháp lý đối với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp và thẳng thừng lên án các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Malaysia.

Hồi tháng 10, Ngoại trưởng Abdullah cũng từng kêu gọi củng cố năng lực hải quân của đất nước để chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột trên Biển Đông. Ông nói Malaysia sẽ ra công hàm phản đối nếu cường quốc nào đó xâm phạm vào lãnh thổ của họ.

Trung Quốc muốn hợp tác cùng khai thác với Philippines

Bắc Kinh tìm cách thuyết phục Manila hợp tác cùng khai thác dầu khí với họ trên các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Họ đưa ra các điều kiện hợp đồng hấp dẫn để lôi kéo Philippines hòng làm nước này bỏ qua hoàn toàn phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi năm 2016 tuyên bố chiến thắng cho Philippines trong vụ kiện của nước này về Biển Đông.

Khi tiếp Tổng thống Duterte hồi tháng 9 ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hai nước có thể ‘có bước tiến lớn hơn’ trong việc hợp tác cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông nếu họ có thể ‘giải quyết thỏa đáng tranh chấp chủ quyền’.

Ông Duterte sau đó đã tiết lộ rằng ông Tập đã hứa sẽ cho Philippines hưởng 60% lượng tài nguyên khai thác trong dự án khai thác chung trong khi Bắc Kinh chỉ hưởng 40% với điều kiện là Philippines ‘phải dẹp qua một bên phán quyết của tòa án’.

Tuy nhiên, vùng biển mà hai bên dự định cùng khai thác chung là nằm trong Bãi Cỏ Rong vốn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, tức EEZ của Philippines. Điều này đã dẫn đến sự lên án từ nội bộ Philippines.

Trong khi đó, ông Duterte, vốn đang tìm cách lôi kéo hàng tỷ đô la đầu tư của Trung Quốc, được cho là rất háo hức thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc

Tàu chiến Mỹ tiếp tục đi vào Biển Đông

Trong năm 2019, các chiến hạm của Mỹ tiếp tục đi vào Biển Đông, có khi tiến gần đến phạm vi 12 hải lý của các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông trong nỗ lực đảm bảo quyền tự do hàng hải cũng như thách thức đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc.

Hồi tháng 1, chiến hạm USS McCampbell đã thực hiện chuyến tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông khi đi vào phạm vi 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa.

Hồi tháng 2, hai khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Mỹ đã đi vào phạm vi 12 hải lý của bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Hồi tháng 5, các khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Preble và Chung Hoon đã đi vào phạm vi 12 hải lý của bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Cũng trong tháng 5, khu trục hạm Preble cũng đã đi vào 12 hải lý của bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm giữ từ phía Philippines.

Đến tháng 8, tàu hải quân Mỹ Wayne E. Meyer, khu trục hạm thuộc lớp Arleigh Burke có tên lửa dẫn đường đã đi vào 12 hải lý của đảo đá Chữ Thập và Bãi Vành Khăn.

Phía Trung Quốc đã lên án các hành động này của Mỹ là ‘khiêu khích’, xâm phạm ‘chủ quyền’ của Trung Quốc và ‘làm tổn hại hòa bình, an ninh của khu vực’. Bắc Kinh đe dọa ‘sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh’.

Tàu Trung Quốc đâm tàu Philippines rồi bỏ chạy

Tranh cãi nổi lên giữa Manila và Bắc Kinh sau vụ va chạm hôm 9/6 tại Bãi Cỏ Rong khi tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines rồi bỏ chạy, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên biển. Hành động này đã bị công chúng Philippines lên án dữ dội.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila cho rằng tàu cá của họ đã tìm cách cứu vớt các ngư dân Philippines nhưng do họ ‘bất ngờ bị bảy, tám tàu cá Philippines bao vây nên phải bỏ chạy’.

Bắc Kinh đã đề xuất mở cuộc điều tra chung về vụ việc và Tổng thống Duterte đã chấp nhận đề xuất này.

Trước đó, ông Duterte đã bị dư luận lên án vì nói theo lập trường của Trung Quốc thay vì lên tiếng bảo vệ các ngư dân Philippines sau khi ông gọi vụ đâm tàu là ‘sự cố nhỏ trên biển’.

Trong khi đó, thuộc cấp của ông Duterte từ bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao và tư lệnh hải quân đều lên án Trung Quốc. Ngoại trưởng Teodoro Locsin đã phản đối chính thức với Trung Quốc và bác bỏ ý tưởng một cuộc điều tra chung.

Sự cố này đã làm phức tạp thêm nỗ lực của ông Duterte muốn xích lại gần Trung Quốc.

Toàn bộ các ngư dân Philippines gặp nạn đã được các tàu thuyền Việt Nam cứu.

Phim ‘Abominable’ bị chỉ trích vì có cảnh đường chín đoạn

Phim hoạt hình chiếu rạp ‘Abominable’ của hãng Dreamworks của Mỹ đã đối mặt làn sóng phản đối khi được trình chiếu ở các nước đông nam Á do có cảnh cho thấy tấm bản đồ có vẽ đường chín đoạn, cơ sở để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông.

Ở Việt Nam, phim này đã bị rút giấy phép và rút ra khỏi hệ thống các rạp chiếu chỉ sau hơn một tuần trình chiếu sau khi hệ thống kiểm duyệt bỏ sót cảnh có đường chín đoạn này, khiến dư luận Việt Nam phản ứng gay gắt.

Trong khi đó, Malaysia vẫn cho trình chiếu phim với điều kiện là cảnh có bản đồ đường chín đoạn phải bị cắt bỏ. Tuy nhiên, nhà phát hành phim này quyết định không tuân theo yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ Malaysia và do đó phải rút bỏ phim này khỏi thị trường quốc gia này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin kêu gọi người dân nước này tẩy chay bộ phim này thay vì ban hành lệnh cấm như ở Việt Nam.

‘Abominable’ kể về một cô bé Trung Quốc phát hiện ra một con bò Tây Tạng sống trên mái nhà của cô. Phim là dự án hợp tác giữa hãng phim Pearl có trụ sở ở Thượng Hải và hãng hoạt hình DreamWorks.

https://www.voatiengviet.com/a/bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-2019-m%E1%BB%99t-n%C4%83m-d%E1%BA%ADy-s%C3%B3ng/5227216.html

 

Indonesia bác bỏ

tuyên bốchủ quyền Biển Đông của Trung Quốc

Hôm 01/01, Indonesia bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một phần tranh chấp ở Biển Đông vì các tuyên bố này “không có cơ sở pháp lý,” theo Reuters.

Trước đó, hôm 30/12/2019, Jakarta đã phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện của một tàu tuần duyên Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của họ.

Các quan chức hàng đầu của Indonesia đã lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” và triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta, nói rằng tàu tuần duyên Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Natuna.

Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 31/12/2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển của họ, và cả Trung Quốc và Indonesia đều có các hoạt động đánh bắt “bình thường” ở đó.

XEM THÊM:

Indonesia phản đối tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập lãnh hải

Hôm 01/01/2020, Bộ Ngoại giao Indonesia đã đáp trả mạnh mẽ và kêu gọi Trung Quốc ra tuyên bố để giải thích “cơ sở pháp lý và biên giới rõ ràng” về các tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này, dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết: “Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế [của Indonesia] lấy lý do là ngư dân của họ đã hoạt động từ lâu … nhưng không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS 1982 công nhận.”

Jakarta cũng nhắc lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải với Philippines đã bị Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague bác bỏ năm 2016.

Bộ Ngoại giao Indonesia cũng nhắc lại lập trường của họ rằng Indonesia là một quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông và nước này không có quyền tài phán chồng chéo với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Jakarta đã nhiều lần đụng độ với Trung Quốc về quyền đánh bắt cá quanh Quần đảo Natuna, bắt giữ ngư dân Trung Quốc và mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực này.

https://www.voatiengviet.com/a/indonesia-bac-bo-tuyen-bo-chu-quyen-bien-dong-cua-tq/5227906.html

 

CSVN học theo Trung Cộng

xây dựng hải đội dân quân tự vệ để bảo vệ biển Đông

Tin từ Hà Nội: Chế độ cộng sản Việt Nam bắt chước Trung Cộng và có kế hoạch xây dựng lực lượng dân quân tự vệ để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển ở Biển Đông.

Theo thượng tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng kiêm thứ trưởng quốc phòng, Việt Nam ưu tiên đầu tư, xây dựng nhiều hải đội dân quân tự vệ ở 6 tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó mở rộng ra 14 tỉnh ven biển.

Đề án này đã được phê duyệt bởi đảng cộng sản cầm quyền và chính phủ từ tháng 7 năm 2018 vì được cho là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Trong nhiều năm qua, Trung Cộng đã sử dụng lực lượng dân quân bán quân sự để thực hiện kế hoạch thôn tính Biển Đông khiến nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, gặp khó khăn trong đối phó. Bắc Kinh đã triển khai hàng ngàn tàu cá của ngư dân và lực lượng dân quân ở Biển Đông trong kế hoạch biến biển này thành ao nhà của mình bên cạnh việc cải tạo và quân sự hoá các đảo san hô mà Trung Cộng đang chiếm giữ bất hợp pháp.

Chế độ cộng sản Ba Đình có nhiều hành động không thống nhất về Biển Đông. Trong khi chi rất nhiều tiền để mua vũ khí và thành lập nhiều lực lượng để bảo vệ Biển Đông, Hà Nội lại có phản ứng yếu ớt trước các hành động gây hấn của Trung Cộng và gia tăng đàn áp người phản đối việc Bắc Kinh bành trướng. Hàng trăm nhà hoạt động phản đối Trung Cộng bị sách nhiễu, đánh đập, bắt giam và thậm chí bỏ tù trong nhiều năm qua.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/csvn-hoc-theo-trung-cong-xay-dung-hai-doi-dan-quan-tu-ve-de-bao-ve-bien-dong/