Tin Việt Nam – 26/12/2019
Thêm tin nạn nhân tử vong
trong nhà tạm giam Công an huyện
Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang điều tra nguyên nhân về cái chết của anh Lại Hồng Dân, nghi bị đánh trong buồng tạm giam sau 2 ngày bị bắt.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 26/12.Tin cho biết, anh Lại Hồng Dân sinh năm 1990, ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Cửu bắt vào ngày 6/12 về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Sau đó anh Dân bị tạm giữ tại buồng số 4, nhà tạm giữ Công an huyện. Đến chiều 8/12, thanh niên này đã tử vong tại trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu.
Nhà tạm giữ Công an huyện Vĩnh Cửu đã thông báo cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Cửu, VKSND cùng cấp về việc người bị tạm giữ chết. Phía Công an tỉnh Đồng Nai đã khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của những người trong buồng giam với anh Dân để làm rõ.
Phía gia đình anh Lại Hồng Dân trong cùng ngày 8/12 nhận được tin báo là em trai tử vong, thi thể đang ở Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu. Trên cơ thể của anh Dân bầm tím ở vùng ngực, bụng, đầu sưng. Gia đình anh Dân gặng hỏi Công an thì được một cán bộ cho biết bị người giam cùng buồng đánh.
Theo lời người nhà anh Dân, sau khi bị Công an bắt, người nhà đã lên trụ sở Công an gặp một Công an viên nói về tình trạng anh Dân có biểu hiện thần kinh bất thường, từng phải đi điều trị, uống thuốc bệnh thần kinh. Sau đó, vị Công an này nói qua tuần gia đình mang giấy tờ để làm hồ sơ. Tuy nhiên đến ngày 8/12 thì anh tử vong.
Hiện tại Công an tỉnh Đồng Nai cho biết vẫn đang điều tra nguyên nhân về cái chết anh Lại Hồng Dân.
Tình trạng người dân khỏe mạnh khi bị đưa đến đồn công an làm việc tử vong được chính truyền thông Nhà nước loan tải. Nhiều trường hợp được gia đình nạn nhân xác định là do bị công an tra tấn. Công an thường cho biết những nạn nhân bị chết là do sức khỏe yếu hoặc tự tử. Vào năm ngoái có 11 trường hợp được thông tin, và từ đầu năm 2019 đến nay có ít nhất 3 trường hợp được loan tin.
Tại phiên điều trần Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát vào đầu năm nay trước Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc tại Geneva, đại diện Việt Nam cho rằng những người chết trong đồn công an là do tự tử vì cảm thấy hối hận về việc làm của họ. Đại diện Bộ Công an Việt Nam cho biết tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,3% số phạm nhân đang chấp hành án. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công An nói trước Liên Hiệp Quốc rằng các trường hợp chết do bệnh hiểm nghèo trước khi vào trại chiếm hơn 98%, chỉ có khoảng 1,4% là chết do tại nạn hoặc rủi ro.
Cựu trưởng Công an Thanh Hóa bị truy tố
Cựu trưởng Công an Thành phố Thanh Hóa, ông Nguyễn Chí Phương, bị truy tố về tội ‘nhận hối lộ’ theo qui định tại Điều 354, Khoản 2, điểm C- Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tin từ báo chí trong nước cho biết Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao vào ngày 26 tháng 12 ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Chí Phương sinh năm 1961, cựu trưởng công an Tp Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Cáo trạng nêu rõ vào ngày 18 tháng 7 năm ngoái, một cán bộ Đội Cảnh sát Trật tự Công an Thành phố Thanh Hóa có tên Đỗ Đức Hiếu lấy trộm 1 chiếc xe để tại nhà để xe của công an TP Thanh Hóa. Một ngày sau đó ông Nguyễn Chí Phương và Đội Điều Tra Tổng hợp CA Tp Thanh Hóa làm việc với Đỗ Đức Hiếu và người này nhận tội.
Bản thân ông Nguyễn Chí Phương trực tiếp chỉ đạo việc đề nghị xử lý kỷ luật và ký các văn bản tố tụng khi giải quyết vụ việc Đỗ Đức Hiếu có hành vi ‘trộm cắp tài sản’.
Trong quá trình thực hiện, ông Nguyễn Chí Phương ba lần nhận tiền của Hiếu, tổng cộng 260 triệu đồng để không bị xử lý kỷ luật và không bị xử lý hình sự.
Nhận tiền của Hiếu nên ông Phương chỉ đạo cán bộ dưới quyền hướng dẫn Hiếu làm thủ tục xin xuất ngũ; trao đổi với lãnh đạo Viện Kiểm Sát Nhân dân Tp Thanh Hóa không xử lý hình sự Đào Đức HIếu. Ông Phương còn báo cáo lãnh đạo Công an Tỉnh Thanh Hóa xin xử lý nội bộ Đào Đức Hiếu. Tuy nhiên yêu cầu này không được chấp nhận.
Ông Nguyễn Chí Phương phải làm thủ tục đề nghị xử lý kỷ luật tước danh hiệu công an; khởi tồ và đề nghị truy tố đối với Đào Đức Hiếu. Do vậy Hiếu đòi lại tiền; và ông Phương chỉ trả 150 triệu đồng.
Đào Đức Hiếu bị ra tòa vào ngày 22 tháng 1 năm 2019 và nhận mức án 9 tháng cải tạo không giam giữ. Sau phiên xử, Hiếu đã làm đơn tố cáo ông Phương.
Về tình hình công tác cán bộ cấp cao, tin trong nước cho biết ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 26 tháng 12 chủ trì cuộc họp Bộ chính trị để xem xét, quyết định về công tác cán bộ.
Từ năm 2016 đến nay có hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý, trong đó có một Ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng, đã bị xử lý kỷ luật về những vi phạm trong thời gian công tác.
Vụ nữ sinh giao gà: Băn khoăn khi xét xử lưu động
Sáng 26/12, Toà án nhân dân tỉnh Điện Biên mở phiên toà lưu động, xử sơ thẩm chín đối tượng đã tham gia cưỡng bức, sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên.
Làm sao để tòa án bảo vệ được công lý?
Nữ sinh giao gà: Người mẹ bị bắt vì nghi mua bán ma túy
Nguyên PCT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín nhận sai trước tòa
Vụ án này thường được báo chí gọi là vụ hãm hiếp và sát hại ‘nữ sinh giao gà,’ vốn gây xôn xao dư luận hồi đầu năm 2019 này.
Chín bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Vì Văn Toán (37 tuổi, chủ mưu), Bùi Văn Công và vợ là Bùi Thị Kim Thu (cùng 44 tuổi), Vương Văn Hùng (35 tuổi), Phạm Văn Nhiệm (43 tuổi), Lường Văn Hùng (28 tuổi), Lường Văn Lả (27 tuổi), Phạm Văn Dũng (47 tuổi) và Cầm Văn Chương (45 tuổi). Tất cả đều trú tại tỉnh Điện Biên.
Chín bị cáo này bị truy tố với các tội giết người; hiếp dâm; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; và không tố giác tội phạm.
Bị cáo khai bị bức cung
Trong phiên xử sáng 26/12, sau cáo trạng của Viện kiểm sát, ở phần xét hỏi, Cầm Văn Chương kêu oan rồi lại nhận tội.
Thoạt đầu, Chương khai không mua ma túy của Bùi Văn Công và nói: “Bị cáo không thực hiện hành vi quan hệ tình dục với nữ sinh Cao Mỹ Duyên.”
Chương nói do lúc mới bị bắt sợ quá và bị ép khai.
Tuy nhiên, sau khi các bên tham gia xét hỏi đầy đủ và được thẩm phán đề nghị Cầm Văn Chương suy nghĩ kỹ và trả lời một lần cuối rằng có thừa nhận hành vi phạm tội hay không thì Chương lại xin lỗi tòa và thừa nhận quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân, nội dung truy tố đối với mình là đúng.
Còn Phạm Văn Dũng ngay lập tức nhận tội và nói rất ân hận về hành vi của mình.
Nữ bị cáo bị xét hỏi trong buổi sáng là Bùi Thị Kim Thu cũng phản cung và khai không chứng kiến các bị cáo khác hiếp dâm Duyên.
Thu cũng nói rằng, thời điểm nhận tội do sức khoẻ yếu, thần kinh không bình thường, bị các điều tra viên đe doạ.
Phiên toà dự kiến kéo dài ba ngày từ26-28/12, do thẩm phán Phạm Văn Nam, Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Điện Biên làm chủ toạ.
Xử lưu động có giúp giáo dục pháp luật?
Phiên xét xử sáng nay được tổ chức lưu động tại sân vận động thành phố Điện Biên Phủ với sức chứa khoảng 10.000 người.
Báo chí Việt Nam loan tin, Công an tỉnh Điện Biên tăng cường hơn 100 cán bộ, chiến sĩ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Hội đồng xét xử, các bị can, cũng như người dân đến tham dự phiên tòa.
Việc đưa phiên toà nói trên ra xét xử lưu động, cũng như hình thức xử án lưu động của Việt Nam gây nhiều tranh cãi và nhiều ý kiến muốn bỏ các phiên toà lưu động.
Xét xử lưu động là một hoạt động thường xuyên, liên tục của các cấp tòa án tại Việt Nam từ năm 1945 đến nay.
Một mục đích quan trọng của xét xử lưu động được cho là nhằm tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.
Vào năm 2017, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ chỉ tiêu về tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động.
Tiếp đó, năm 2018, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tòa án năm 2018, ông Nguyễn Hòa Bình cũng kết luận sẽ tiếp tục trình Quốc hội để dừng việc xét xử lưu động.
Việc xét xử lưu động cũng được cho là sẽ mang đến nhiều bất lợi cho bị cáo như gây tâm lý xấu hổ, bị làm nhục, lo lắng, sợ hãi cho bị cáo; làm tổn thương đến thân nhân bị cáo, cha mẹ, vợ, chồng, con cái, họ hàng của họ.
Ngay với những người dự khán, tức đối tượng mà các tòa án hướng tới khi tổ chức xét xử lưu động, sẽ có trường hợp họ phải chứng kiến, nghe thuật lại chi tiết vụ án rất rùng rợn. Đó là chưa kể, trong những người dự khán sẽ có cả các em nhỏ.
Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh toà Hình sự Toà án nhân dân tối cao cũng từng nhận xét với báo chí rằng, trước cả hàng trăm, nghìn người “phán tội” cũng coi như đã nhận bản án sớm. Bởi vậy, “Xét xử lưu động cho thấy đã không còn hiệu quả, không đạt được mục đích chính là ‘tuyên truyền, giáo dục pháp luật’ mà dường như chỉ thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ của người dân.”
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định tại Điều 31 rằng: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, khi đưa một bị cáo ra xét xử, Hiến pháp xác định họ được coi là không có tội. Vì vậy, đưa họ về địa phương nơi cư trú để xét xử là một hình thức kết án trước cộng đồng, làm tổn thương danh dự, nhân phẩm của họ.
Tờ tạp chí Toà án trong một bài viết từng khẳng định, việc bỏ xử lưu động sẽ là bước tiến dài của tư pháp Việt Nam vì những nguyên tắc tố tụng đề cao quyền công dân, quyền con người.
Tuy nhiên, hôm nay chín người trong vụ giết hại nữ sinh giao gà vẫn bị mang ra xét xử tại sân vận động.
Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, trong một bài đăng trên Facebook cá nhân cho rằng, “các phiên xét xử lưu động biến một trong những sự kiện quan trọng nhất của xã hội loài người để tiệm cận công lý trở thành một show diễn vì mục đích chính trị… Điều kỳ lạ ở chỗ, vì mục đích “giáo dục”, “răn đe” rất mơ hồ, võ đoán, và thiếu căn cứ, người ta sẵn sàng cho phép tụ tập một đám đông có khi là cả vạn người để cùng
uất hận theo từng lời buộc tội đanh thép của công tố viên, như thể tâm lý đám đông sẽ không bao giờ tồn tại (điều này rất khác với những lo ngại kích động của vài trăm người biểu tình ôn hoà).”
Theo ông Hậu, xét xử lưu động là một thực hành tàn bạo, ngay cả khi bị cáo có tội. Đồng thời, công lý mà đám đông chứng kiến rốt cuộc là công lý của đám đông.
Bởi vậy, xét xử lưu động “là sự phỉ báng công lý của xã hội (vì nó biến phiên toà thành một môn thể thao và người đi xem như khán giả chứng kiến giác đấu), là sự coi thường đạo đức (vì tự cho bản thân quyền tàn bạo với người khác), là bất hợp pháp (vì không theo một quy trình, tiêu chuẩn luật định nào cả), là phản nhân quyền (vì quyền xét xử công bằng và suy đoán vô tội không bao giờ được bảo đảm), và do đó là sự khinh xuất với công bằng đàng hoàng mà nạn nhân đáng được,” Lê Nguyễn Duy Hậu viết.
Còn Trường Sơn Nguyễn, nhà vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho Tổ chức Ấn xá Quốc tế cũng cho rằng, xét xử lưu động cần phải bị loại bỏ, bởi nó sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tính vô tư của phiên xét xử, mà còn tước đi phẩm giá của con người.
“Án chưa tuyên, vậy mà đã dám tuyên bố là để giáo dục dân chúng đừng phạm tội, tức là chưa gì đã biến người ta thành tội phạm rồi. Sự vô tư của luật pháp đâu rồi?
“Về phần bị cáo, trong khi bản thân còn chưa bị tuyên có tội nhưng đã phải trình diện trước bàn dân thiên hạ như kẻ tội đồ. Nhân phẩm, quyền, và danh dự của họ đều là các giá trị bất khả xâm phạm.
“Sự chuẩn mực của luật pháp và tôn trọng phẩm giá của con người mới là thứ đáng để đem ra giáo dục xã hội,” ông Sơn viết.
Còn tác giả Đậu Dung trong bài đăng hôm 25/12 trên báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh thì so sánh phiên xét xử vụ cô gái giao gà bị sát hại ở Điện Biên với phiên xử đại án AVG: “Một bên tội danh gồm giết người, hiếp dâm; bên còn lại là vi phạm quy định về quản lí và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, nhận hối lộ…
“Cáo trạng nào nặng hơn cáo trạng nào, hành vi nào ảnh hưởng xã hội hơn hành vi nào, rất khó để nói một cách sòng phẳng. Thế nhưng, ở phiên xử đại án AVG, rất đông phóng viên chỉ được tiếp cận thông tin tại phòng tác nghiệp, thông qua một màn hình ti vi phát trực tiếp từ phiên tòa,” bài báo viết.
Tư pháp Mỹ rất khác tư pháp Việt Nam?
Phạm nhân ở Việt Nam ‘bị tước quyền có luật sư’
Luật sư ở Việt Nam vẫn là ‘vật trang trí’?
Vụ Điện Biên: Mẹ nạn nhân lên tiếng về việc khen thưởng
Diễn tiến vụ việc
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên công bố tại phiên xét xử, bà Trần Thị Hiền, 44 tuổi, trú xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, Điện Biên, thiếu nợ Vì Văn Toán và Bùi Văn Công tổng số tiền 330 triệu đồng từ việc mua ma túy.
Sau khi mãn hạn tù về, Toán tìm bà Hiền để đòi nợ. Bà Hiền từ chối trả tiền nên Toán thuê nhóm của Bùi Văn Công bắt cóc nữ sinh Cao Mỹ Duyên, con gái bà Hiền để uy hiếp.
Ngày 3/2, tức 29 Tết Nguyên đán 2019, Toán bàn bạc, lên kế hoạch, phân công vai trò, nhiệm vụ đối với các đối tượng còn lại về việc bắt cóc Duyên để đòi tiền bà Hiền.
Chiều 4/2, Công đưa Vương Văn Hùng đến chợ Mường Thanh để nhận diện nạn nhân. Trong vai khách, Hùng đề nghị Duyên chở 10 con gà ra nơi đồng bọn phục sẵn.
Đến căn nhà hoang, Duyên bị Công dùng côn siết cổ đến bất tỉnh rồi chở về nhà Công.
Toán khai, sau khi bắt cóc Duyên, nhóm đối tượng đã liên hệ với gia đình nạn nhân yêu cầu trả tiền nhưng bất thành.
Từ ngày 4/2 đến sáng 7/2, Công và 5 người khác khống chế, hãm hiếp rồi sát hại Duyên. Vợ Công là Bùi Thị Kim Thu biết việc các bị can gây án nhưng không tố cáo.
Qua khám nghiệm tử thi, các cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân chết của Cao Mỹ Duyên là bị ngạt do chèn ép cơ học vùng cổ.
Ngày 25/5, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Trần Thị Hiền do liên quan đường dây buôn bán hai bánh heroin với nhóm của Vì Văn Toán, Bùi Văn Công vào năm 2017.
Công an xác định đường dây ma túy này chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Cao Mỹ Duyên bị giết.
Ngày 27/11, tòa tuyên Trần Thị Hiền và Bùi Văn Công 20 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Cùng tội danh này, Vì Thị Thu, vợ Toán, và Lường Văn Hùng lĩnh án chung thân.
Riêng Toán lĩnh án chung thân về các tội Mua bán trái phép chất ma túy và Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Hiền khẳng định không quen biết các bị can trong vụ án, không có chuyện buôn bán ma túy và nợ tiền Toán, Công, đồng thời phủ nhận việc nhóm đối tượng gọi điện cho bà sau khi bắt cóc nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ để xác định bà Hiền biết việc Toán bắt cóc con gái trước khi báo công an.
https://www.bbc.com/vietnamese/50915724
Vụ xe đổi biển số tự động:
phạt tài xế 5 triệu đồng
Hai tài xế xe Mercedes và Toyota Land Cruise sử dụng thiết bị đổi biển số tự động từ biển trắng sang xanh vừa bị xử phạt 5 triệu đồng mỗi người và bị tước bằng lái hai tháng.
Truyền thông trong nước cho biết, quyết định xử phạt do Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội ký với lỗi “điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe”. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho truyền thông nước tin này vào ngày 24/12.
Truyền thông trong nước cho biết, tài xế chiếc xe Mercedes, 46 tuổi, khi lái chiếc xe trắng mang biển 30F đã đổi sang biển xanh 80A khi đi trên phố Phùng Hưng vào sáng 17/12. Chủ xe là một phụ nữ trú tại đường Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Vào ngày 17/12, mạng xã hội lan truyền hình ảnh và đoạn video cho thấy một xe Mercedes có biển số trắng chuyển đổi thành biển xanh tự động trên phố. Một số báo trong nước cũng đăng tin này nhưng ngay sau đó bị rút xuống mà không rõ nguyên nhân. Các thông tin trên mạng sau đó cho biết bảng số xanh thuộc Ban Tuyên giáo và thuộc một nguyên Uỷ viên Bộ Chính Trị.
Sau đó, trên mạng xã hội tiếp tục lan truyền một đoạn video khác cho thấy một xe khác đang di chuyển trên phố cũng có biển số xe được chuyển tự động từ biển trắng của tư nhân sang biển xanh thuộc các cơ quan nhà nước.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
không được gặp luật sư bào chữa
Cao Nguyên
Tiến sĩ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng sẽ bị hạn chế việc gặp luật sư cho đến khi kết thúc quá trình điều tra. Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng nói với đài Á Châu Tự Do.
Nhà báo Phạm Chí Dũng hiện đang bị tam giam để điều tra với cáo buộc: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 117 bộ Luật Hình sự.
Luật sư Mạnh cho hay, vào ngày 13/12/2019, các luật sư gồm Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng đã đến Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT), Công an TP.HCM để lập thủ tục đăng ký bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng.
Đến ngày 16/12/2019, Cơ quan ANĐT đã ra văn bản thông báo quyết định của Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân TP.HCM về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng kể từ khi kết thúc điều tra vụ án. Nghĩa là, luật sư không được gặp thân chủ trong suốt quá trình điều tra vụ án.
“Tại vì họ (cơ quan ANĐT – PV) nói là giới hạn cho luật sư tham gia vào giai đoạn điều tra. Lúc này đang là giai đoạn điều tra vụ án. Do họ giới hạn nên luật sư không nắm được thông tin gì cả.
Chỉ nói riêng về phương diện luật pháp thì đúng là theo luật hình sự có cho họ cái quyền được giới hạn luật sư đối với những vụ án thuộc nhóm an ninh quốc gia.”
Hiện nay, Luật sư Mạnh cũng chưa thể khẳng định được đến khi nào mới có thể giam gia bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng vì còn tuỳ thuộc vào Cơ quan ANĐT có mở rộng điều tra hay không và khi nào thì kết thúc quá trình điều tra.
“Cái này cũng không thể nào khẳng định được, chỉ biết rằng họ truy tố anh Dũng vào điều 117, nhưng cụ thể là họ sẽ mở rộng để tập trung vào vấn đề gì thì họ không thông báo, mình không nắm hồ sơ nên mình cũng không biết.
Việc kết thúc giai đoạn điều tra còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra họ cho rằng đã đầy đủ thì họ kết thúc. Có những vụ án thực ra là có thể kéo dài đến ngoài cả năm trời.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định rằng việc hạn chế gặp luật sư là thường xuyên xảy ra trong những vụ án có liên quan đến cái gọi là “an ninh quốc gia”.
“Tôi bị bắt vào ngày 16/12/2015. Ngay từ khi họ bắt tôi tại nhà, tôi đã yêu cầu phải cho tôi gặp luật sư khi họ khám nhà. Nhưng ngay lập tức họ có một đại diện của VKS tối cao đi cùng trình cái giấy của Viện trưởng VKS kiểm sát tối cao là không cho tôi tiếp cận với luật sư cho đến khi nào kết thúc điều tra.
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, đối với các vụ án an ninh quốc gia thì luật sư chỉ có thể tiếp cận với hồ sơ vụ án và gặp thân chủ từ khi kết thúc điều tra thôi. Điều đó trái với Hiến pháp. Bởi vì trong Hiến pháp thì không phân biệt đối xử giữa an ninh quốc gia hay là thường phạm. Hiến pháp nói rằng khi một người bị bắt bị tạm giam thì có quyền gặp luật sư của mình, luật sư cũng có quyền bào chữa cho thân chủ. Thế nhưng mà trong Bộ Luật Tố tụng hình sự thì họ lại nêu điều đó là trái với Hiến pháp của Việt Nam.”
Cựu tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha cũng chia sẻ về quãng thời gian ông bị tạm giam mà không có luật sư:
“Mình không được tiếp xúc với bất kỳ ai, không được tư vấn về pháp luật. Sau khi họ đã dẫn mình đi hết rồi thì mới được gặp luật sư. Có nghĩa là mình đã nói rất nhiều điều bất lợi cho mình.”
Theo đánh giá của luật sư Đài, thời gian tạm giam để điều tra không được gặp luật sư chính là lúc mà những điều tra viên và quản giáo áp chế tinh thần của những người bị tạm giam, buộc phải nhận tội hoặc phải khai theo ý muốn của điều tra viên:
“Khi không được gặp luật sư hoặc không được gặp gia đình thì gặp rất nhiều khó khăn. Trong suốt cả quá trình đó, cơ quan an ninh điều tra cùng với quản giáo của trại áp chế rất nhiều về tinh thần.
Trong hai năm rưỡi tôi bị tạm giam thì đến tận tháng thứ 26 tôi mới được gặp luật sư. Trong 26 tháng đó quản giáo và an ninh nghĩ ra đủ mọi cách để áp chế tinh thần. Ví dụ như tôi bị ăn cơm sống một tháng, họ cho nước uống có mùi rất khó chịu, rồi họ cho đồ ăn thiu, trong nước canh họ cho thêm cả xà phòng vào… Đại khái họ nghĩ rất nhiều cách và cứ lặp đi lặp lại tuần này sang tuần khác.
Nếu như mình không có kinh nghiệm sẽ bị khủng hoảng về tinh thần. Trong khoảng thời gian điều tra như vậy, họ bắt mình phải nhận tội hoặc khi họ hỏi cái gì mình phải trả lời đúng theo ý của họ.”
Về vai trò của luật sư trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, ông Đài cho rằng họ chính là cầu nối giữa người bị tạm giam và gia đình, truyền thông bên ngoài:
“Nếu như khi mình gặp luật sư thì mình sẽ nói với luật sư rằng tôi bị đối xử bất công như vậy, thì luật sư sẽ thông báo ra bên ngoài cho các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước biết, như vậy sẽ giảm được áp lực cho mình.”
Tiến sỹ, nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt giam, khởi tố hình sự vào ngày 21/11/2019 theo điều 117 bộ Luật Hình sự.
Theo đó, người bị buộc tội này có thể phải đối mặt với mức án cao nhất lên tới 20 năm tù giam.
Nguyên Phó Chủ tịch TP HCM Nguyễn Hữu Tín
nhận sai trước tòa
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm hầu tòa ngày 27/12, liên quan đến vụ giao khu ‘đất vàng’ của nhà nước cho ông Phan Văn Anh Vũ sử dụng sai mục đích.
Nhận thêm 17 năm tù, ông Vũ Nhôm ra dấu OK
Truyền thông nói gì vụ Phan Văn Anh Vũ?
Phúc thẩm Ngân hàng Đông Á: Vũ ‘Nhôm’ kêu oan trước tòa
Theo truyền thông Việt Nam, thời điểm từ 2011 – 2016, ông Nguyễn Hữu Tín phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai môi trường của thành phố.
Trong giai đoạn này, ông Tín đã ký văn bản giao khu đất hơn 2.300 m2 tại số 15 Thi Sách (phường Bến Nghé, quận 1) cho ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là “Vũ Nhôm”, thuê trong 50 năm, mà không báo cáo cấp có thẩm quyền.
Khi đó, ông Vũ đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty “bình phong” của Bộ Công an với tên gọi Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79.
Ông Vũ không sử đụng đất này để phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an mà xây dựng dự án khu nhà ở trên đất này để thu lợi cá nhân.
Hậu quả là Nhà nước thất thoát 6,7 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được hỗ trợ trái pháp luật và 802 tỉ đồng giá trị tiền sử dụng đất chưa thu hồi được.
Trong phiên tòa sáng 27/12, ôn Nguyễn Hữu Tín đã nhận sai khi ký văn bản cho thuê trái quy định.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt, một trong các bị cáo trong vụ án này, đề nghị tòa có hướng dẫn về việc giải mật các tài liệu.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, đây là phiên tòa xét xử công khai, vì thế, tùy thời điểm thích hợp sẽ có một số văn bản tự động được giải mật, đó là những văn bản đề cập trong kết luận điều tra, cáo trạng.
Chủ tọa phiên tòa lưu ý là trước khi mở tòa, tòa án đã chuyển đơn kiến nghị liên quan đến việc giải mật một số hồ sơ, tài liệu trong vụ án đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Liên quan đến vụ án này, ông Phan Văn Anh Vũ hiện đang bị tạm giam, liên quan đến nhiều vụ án thâu tóm đất đai công sản tại Đà Nẵng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.
Ông Vũ dự kiến sẽ hầu tòa tại Hà Nội vào đầu tháng 1/2020 cùng 20 bị can khác trong một vụ án về đất đai ở Đà Nẵng.
Trong đó ông Vũ bị truy tố hai tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Đây là vụ án thứ tư ông Vũ phải hầu tòa.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50915124
Khả năng “hầu toà” của Nguyễn Tấn Dũng
trong vụ MobiFone mua AVG?
Cao Nguyên
Ngày 20/12/2019, Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị mức án phạt đối với các bị cáo trong vụ MobiFone mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Trong đó, Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án cao nhất là ‘tử hình’.
Tuy nhiên, trước đó tại tòa ông Nguyễn Bắc Son khai trong vụ này ông thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng, qua Công văn 2678 ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Văn Phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của thủ tướng.
Nhân vật này từng được lãnh đạo đảng đề cập đến là ‘đồng chí X’. Công luận và giới quan sát lâu nay quan tâm liệu trong công cuộc đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng nhân vật X này có thể bị phán xét hay không?
Có hay không khả năng Nguyễn Tấn Dũng phải “hầu toà”?
Một chi tiết thu hút sự chú ý dư luận trong phiên sơ thẩm vụ án này chính là lời khai của bị cáo, cựu Bộ trưởng Thông tin vàTruyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son vào chiều ngày 18/12 rằng đã thực hiện phi vụ này theo “tinh thần chỉ đạo của thủ tướng” lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Theo học giả Đỗ Thông Minh, cụm từ “làm theo tinh thần chỉ đạo” mà ông Nguyễn Bắc Son đã khai trong phiên xử rất mơ hồ:
“Đây là một tình tiết rất mới. Trước đây ví dụ như bị Cù Huy Hà Vũ tố hoặc (Nguyễn Tấn Dũng – PV) bị người này người kia tố, thế nhưng lần này nó dính trực tiếp đến một siêu vụ án mà một trong những thủ phạm chính có thể bị tử hình.
Ông ấy làm theo “tinh thần chỉ đạo” của Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng. Chữ “tinh thần chỉ đạo” như thế nào thì mình không rõ, nó là một công văn rõ ràng hay là chỉ cảm thấy như thế.”
Dù vậy, học giả cũng không loại trừ khả năng cựu Thủ tướng Việt Nam có thể phải ra toà:
“Tình trạng này là 50/50. Nhưng mà tôi thấy khi đã đưa ra hai ông Bộ Trưởng của thời Nguyễn Tấn Dũng cộng với chuyện đưa Hoàng Trung Hải (Bí thư Hà Nội)ra nữa thì có thể nói là đã sờ tới gáy của Nguyễn Tấn Dũng rồi. Thành ra có lẽ cũng không xa lắm có thể Nguyễn Tấn Dũng sắp bị nhập khám, nhập kho.
Nguyễn Tấn Dũng bị gạt ra với một hình thức là cho “hạ cánh an toàn” nhưng mà phải im miệng. Còn nếu trong trường hợp mà Nguyễn Tấn Dũng phản ứng lại thì có thể sẽ lại bị khui ra, khép thêm vào các tội khác là chống lại Đảng.”
Theo blogger Nguyễn Lân Thắng, chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng có phải “hầu toà” hay không đã được đồn đoán trong dư luận từ cách đây rất lâu rồi. Có rất nhiều nhà báo cũng như những nhà phân tích bình luận chính trị xã hội đề cập đến vai trò của cựu Thủ tướng trong cương vị là người đứng đầu Chính phủ trong giai đoạn đó.
Nhưng theo ông, chuyện này là khó có khả năng xảy ra, vì:
“Tôi nghĩ điều này cũng rất khó bởi vì thực ra ông Dũng cũng đã về hưu rồi. Hơn nữa ông ấy vẫn còn nắm trong tay một số những bằng chứng cũng như những việc rất động trời, cho nên những phe khác mà muốn tấn công ông Dũng thì cũng phải dè chừng. Bởi vì một khi ông ấy đã bị dồn đến đường cùng rồi thì rất có thể sẽ còn những chuyện động trời khác tung ra và chỉ sẽ gây bất lợi cho những phe tấn công ông Dũng.
Luật pháp ở Việt Nam không nghiêm minh và nhiều khi các ý kiến chỉ đạo của những người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu Nhà nước được thực thi nhưng lại không có những văn bản giấy tờ minh chứng cho chuyện đó, nên cũng rất khó để xét trách nhiệm của những người này.”
Đồng quan điểm rằng sẽ không có chuyện cựu Thủ tướng bị khởi tố, Tiến sỹ Lê Minh Nguyên, nhà quan sát chính trị, nhận định rằng hiện giờ, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn hạ uy tín của Nguyễn Tấn Dũng mà thôi:
“Ông Trọng làm để nhục mạ và trả thù ông Dũng, nhưng truyền thống của đảng Cộng sản là họ không đem những ông “Tứ trụ” ra để xử, để bắt nhốt, và để loại những đàn em của Nguyễn Tấn Dũng còn lại trong hệ thống đang lăm le trong Đại hội 13 sắp tới.
Họ sẽ không truy tố Nguyễn Tấn Dũng về trách nhiệm hình sự, không bắt ông Dũng phải ra tòa hay ngồi tù bởi vì họ muốn bảo vệ hệ thống đảng Cộng sản của họ. Nếu họ thực sự làm chuyện đó thì Đảng Cộng Sản rất dễ bị tan vỡ.”
Bất đồng về các mức án đề nghị!
Những mức án cho các bị cáo còn lại trong cùng vụ gồm ông Trương Minh Tuấn từ 14-16 năm tù, Lê Nam Trà 23-25 năm, Cao Duy Hải từ 14-16 năm. Bốn người này cùng bị cuộc tội “Vi phạm quy định về quản lí và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “nhận hối lộ”.
Riêng Phạm Nhật Vũ bị đề nghị từ 3-4 năm tù vì tội “đưa hối lộ”.
Học giả, nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh từ Nhật, nhận định với RFA rằng đây là bản án xứng đáng dành cho các bị cáo trong vụ đại án này:
“Nếu nhìn một cách tổng quát thì bản án khá tương xứng với tội họ làm. Chúng ta cũng thấy đó là những chuyện động trời. Tôi gọi đó là siêu án của nhà cầm quyền. Các quan chức cấu kết với nhau, lấy tiền nhà nước để mua những cơ sở không đáng ra gì hết rồi lấy tiền mà chia nhau.”
Trong khi đó nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội cho biết ông không có niềm tin vào công lý về hệ thống toà án ở Việt Nam, và mức án dành cho các bị cáo là không tương xứng. Bởi vì, theo đánh giá của ông Thắng, Phạm Nhật Vũ là người chủ mưu móc nối đưa hối lộ nhưng chỉ chịu hình phạt 3-4 năm tù giam là phi lý:
“Hơn nữa, trong quá trình xét xử, đề nghị các thủ tục đặc biệt về mặt pháp lý đối với ông Phạm Nhật Vũ như vậy thì nó không công bằng giữa các công dân với nhau. Đó là điểm mà tôi cho rằng toàn bộ phiên tòa này chỉ là một trò hề.
Chẳng qua chúng ta chỉ đang nhìn thấy một sự tấn công giữa các phe phái với nhau, chứ không phải là một quá trình thực thi công lý trên đất nước Việt Nam.”
Tiến sỹ Lê Minh Nguyên cho rằng những bản án này là một phần trong chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mà các bị cáo trong vụ án này như là những “con dê tế thần”.
Dù vậy, theo ông Lê Minh Nguyên thì dù có các mức án nặng cũng không giải quyết được vấn nạn tham nhũng:
“Trong chế độ Cộng Sản họ nhận thấy rằng vấn đề tham nhũng có thể làm sụp đổ chế độ, thành ra ông Nguyễn Phú Trọng muốn đốt lò trị tham nhũng để cho dân chúng thấy rằng chế độ làm việc một cách nghiêm chỉnh, minh bạch. Đảng có nhu cầu là phải có “con dê tế thần” để cương quyết trị tham nhũng, thành ra đề nghị Nguyễn Bắc Son án tử hình.
Nhưng mà theo cái nhìn của tôi thì Nguyễn Bắc Son chưa chắc bị án tử hình, dù có bị án tử đi nữa thì cũng được Chủ tịch nước tha, vì nghề của họ là giơ cao đánh khẽ.
Chính căn bản hệ thống độc tài cần phải thay đổi nếu không thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề tham nhũng trong hệ thống chính quyền.”
Bộ Công an đã khởi tố vụ án về thương vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần công ty AVG vào 7/2018.
Ông cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc là chủ mưu khi đã bút phê chỉ đạo bán AVG cho Mobifone với giá 8.900 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản của AVG chỉ có tổng giá trị là 1.970 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành thương vụ, Ông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu đô la Mỹ còn Trương Minh Tuấn nhận 200.000 đô la Mỹ tiền “cảm ơn” từ Phạm Nhật Vũ.
Theo thông tin từ báo chí nhà nước, phiên toà sơ thẩm sẽ diễn ra liên tục từ ngày 17/12/2019 cho đến hết tháng 12 năm nay.
Đứt cáp biển làm chậm internet của Việt Nam
Hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ chịu cảnh kết nối internet chậm chạp vì các vấn đề trên ba tuyến cáp ngầm dưới biển vẫn chưa được giải quyết. Một nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) cho biết họ đang làm việc với các bên liên quan để sửa chữa nhánh S1 của tuyến cáp biển Asia America Gateway (AAG), gặp vấn đề kết nối đầu tiên vào ngày 14/11/2019, và sau đó vào thứ Hai (23/12/2019).
Cả hai lần gặp vấn đề đều khiến tốc độ internet khu vực Sài Gòn-Hồng Kông chậm đi. Các tuyến cáp biển được nhiều ISP địa phương sử dụng, Intra Asia (IA) và Châu Á Châu Âu Châu Âu-1 (AAE-1) cũng bị gián đoạn vào sáng thứ Hai (23/12/2019). Các nhà cung cấp dịch vụ đang cố gắng cân bằng băng thông giữa các tuyến còn lại để bảo đảm kết nối. Việc sửa chữa trên nhánh S2 của IA dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 29/01/2020, và nhánh S1 là 03/02/2020, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Cả ba hệ thống cáp biển đã gặp vấn đề khác nhau trong năm qua. Đầu tháng 01/2019, hệ thống IA đã ngừng hoạt động tại Singapore, khi cáp AAE-1 bị đứt vào ngày 13/02/2019, đến 06/03/2019 mới sửa xong. Vào tháng 08/2019, AAG gặp vấn đề trên nhánh S1H 125 km ngoài khơi Vũng Tàu ở Việt Nam. Khi vấn đề còn chưa được giải quyết xong, họ tiếp tục phát hiện một vấn đề khác trên nhánh S1G vào đầu tháng 09/2019.
Tốc độ băng thông rộng trung bình của Việt Nam thấp hơn 10 lần so với 70.86 Mbps của Singapore, chậm hơn ba lần so với Malaysia (23.86 Mbps) và chậm hơn hai lần so với Thái Lan (18.21 Mbps). Việt Nam có khoảng 64 triệu người, hoặc hơn một nửa dân số toàn quốc, đang truy cập internet.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/dut-cap-bien-lam-cham-internet-cua-viet-nam/
Tỉnh Khánh Hoà đề nghị
dừng lập quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong
Xuân Ngọc/Vnexpress
Tin Vietnam.- Báo Vnexpress ngày 24 tháng 12 năm 2019 loan tin, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hoà cho biết, tỉnh này đã có văn bản đề nghị ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Cộng sản cho phép tỉnh này dừng lập quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong, chờ cho đến Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, tỉnh này cũng xin được điều chỉnh quy hoạch chung xây khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030, để dễ cho việc kêu gọi đầu tư. Phía tỉnh Khánh Hoà cho biết, tỉnh này đã thực hiện xong một số thủ tục để lập quy hoạch đặc khu kinh tế, nhưng đến nay Luật Đặc khu vẫn chưa được thông qua. Còn theo báo cáo của khu vực Nam Vân Phong, nằm trên địa bàn thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà cho biết, địa bàn này vẫn thực hiện các dự án điều chỉnh quy hoạch chung của đặc khu kinh tế đến năm 2030. Hiện tại, đang có nhiều dự án ở đây đã đi vào hoạt động, và đang được xây dựng như: cảng tổng hợp Vân Phong, kho xăng dầu ngoại quang Vân Phong.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tinh-khanh-hoa-de-nghi-dung-lap-quy-hoach-dac-khu-bac-van-phong-2/
Bộ Công an lùi thời hạn ghi âm, ghi hình trong hỏi cung
Sẽ lùi thời hạn thực hiện việc ghi âm, ghi hình khi công an hỏi cung, điều tra tội phạm. Thông tin vừa nói được Bộ Công an đưa ra trong cuộc họp báo hôm 24/12/2019.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính Tư pháp, thuộc Bộ Công an cho biết, sẽ lùi lại việc thực hiện việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung so với kế hoạch, vì chưa chuẩn bị được thiết bị và tập huấn cán bộ cho công việc hỏi cung có ghi âm, ghi hình.
Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có 5 cơ quan công an địa phương thực hiện ghi âm ghi hình các cuộc hỏi cung.
Tuy nhiên, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh không nói rõ sẽ lùi thời hạn thực hiện đề án này đến bao giờ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1172/QĐ-TTg, phê duyệt đề án về cơ sở vật chất, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Theo đó, Bộ Công an phải phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ liên quan xây dựng Đề án.
Theo đề án, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có đủ điều kiện để thực hiện ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can kể từ ngày 1/1/2018, chậm nhất đến ngày 1/1/2020 sẽ thực hiện thống nhất ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Hơn 600 người Trung Quốc
bị từ chối tổ chức biểu diễn ở Quảng Ninh
Sở Văn hóa – Thể thao Quảng Ninh hôm 24/12 cho truyền thông trong nước biết cơ quan này đã từ chối cấp phép cho một đoàn gồm hơn 600 người Trung Quốc tổ chức biểu diễn giao lưu văn nghệ tại Hạ Long vào cùng ngày.
Theo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, công ty Hoàng Việt trước đó đã gửi công văn cho các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh để xin tổ chức gặp mặt, tri ân khách hàng cho đoàn Zhong Xiang E-Home gồm 626 khách Trung Quốc tại Quảng Ninh từ 23 đến 27 tháng 12.
Theo kế hoạch, công ty du lịch sẽ tổ chức giao lưu văn nghệ cho các khách Trung Quốc tại Móng Cái vào sáng ngày 24/12 và biểu diễn vào tối cùng ngày tại Hạ Long.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao Quảng Ninh cho báo chí biết nguyên nhân tỉnh không cấp phép cho đoàn Trung Quốc là vì chương trình không rõ ràng, không có nội dung cụ thể và cũng không gửi Sở Văn hoá – Thể thao.
Trong khoảng chưa đầy 1 tháng qua, truyền thông Việt Nam liên tục đăng tải các thông tin đoàn khách du lịch Trung Quốc lên đến hàng trăm người, thậm chí 2.000 người dồn dập vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam, tổ chức các buổi biểu diễn mà không được phép.
Vụ gây chú ý đầu tiên diễn ra tại thành phố Hạ Long hôm 10/12 với đoàn khách 600 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức ‘tour 0 đồng’ qua cửa khẩu Móng Cái. Đoàn tập trung về Cung Quy hoạch – Hội chợ và Triển lãm của tỉnh để biểu diễn ca hát, trang phục nhưng bị địa phương yêu cầu tạm dừng vì chưa có phép.
Vụ mới đây nhất là hơn 2.000 khách Trung Quốc di chuyển trên 60 xe khách từ tỉnh Quảng Ninh đến Hải Phòng hôm 20/12 để dự tiệc. Nhiều người cho rằng họ dự định tổ chức hội thảo tại Trung tâm tiệc cưới Hải Đăng ở Hải Phòng.
Là nước có đường biên giới dài với Việt Nam, khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam thời gian qua luôn chiếm đa số trong tổng số khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2019, khách Trung Quốc vào Việt Nam chiếm khoảng hơn 30% lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam với hơn 3.900 ngàn lượt người.
Tổng cục Du lịch xác định Trung Quốc là một trong các thị trường trọng điểm và thời gian qua đã tiến hành nhiều biện pháp quảng bá giới thiệu về du lịch Việt Nam bằng tiếng Trung.
Ngoài ra, Quảng Ninh từ năm ngoái cũng đã bắt đầu thực hiện thí điểm việc cho phép xe ô tô du lịch tự lái của Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái vào thành phố Hạ Long.
Doanh nghiệp Trung Quốc
thuê và mua đất dọc biên giới Tây Nam
Hiện nay, trên tuyến biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia, có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mua và thuê đất với diện tích lớn.
Đó là thông tin được Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7, nêu ra tại Hội nghị Quân chính Bộ Tư lệnh TP.HCM diễn ra hôm 26/12.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày, cho biết ông Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7 cũng khẳng định việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam trong năm 2019 là một trong những vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm dư luận.
Tuy nhiên, lý do doanh nghiệp Trung Quốc thuê hoặc mua đất ở biên giới để làm gì thì báo trong nước không nói.
Tại hội nghị, vấn đề hạ tầng khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia được đánh giá đã rất khác so với những năm trước nhờ tuyến đường tuần tra biên giới được hoàn chỉnh.
Người đại diện Quân khu 7 cho hay hiện có 63 chốt dân quân và đồn biên phòng với cơ sở vật chất đầy đủ dọc biên giới Tây Nam. Các địa phương bị đánh giá còn khó khăn giáp biên giới với Campuchia là Long An, Tây Ninh và Bình Phước. Tuy nhiên ba tỉnh này lo việc ủng hộ quỹ đất. Các đỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM hỗ trợ ngân sách xây dựng.
Người đại diện Quân khu 7 cũng nói đang xây dựng 7 điểm dân cư với 35 căn nhà liền kề cạnh các chốt dân quân tại các địa phương với tổng đầu tư 16 tỷ đồng của nhà hảo tâm tài trợ.
Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị cho biết số lượng Việt kiều từ Campuchia quay trở về Việt Nam khá đông, lên tới hàng chục ngàn người. Do đó, ông này đề nghị các địa phương cần tính toán phương án xử lý tình huống này.
Chính phủ Việt Nam bị nhà đầu tư nước ngoài kiện
có xu hướng gia tăng
Chính phủ Việt Nam bị các nhà đầu tư nước ngoài kiện có xu hướng gia tăng. Truyền thông trong nước cho biết đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Bộ Tư pháp vào sáng ngày 24/12/2019 tại Hà Nội.
Theo thông tin tại hội nghị, có 4 lĩnh vực mà Việt Nam dễ bị các nhà đầu tư nước ngoài kiện bao gồm: Đăng ký doanh nghiệp; giao đất và thu hồi đất; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; các nội dung liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, khai khoáng..
Ông Bạch Quốc An – Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế được báo chí trích lời cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài thường bám vào cam kết của phía Việt Nam để kiện. Ông đưa ra các ví dụ bao gồm nghĩa vụ đối xử quốc gia (NT), đối xử tối hệu quốc (MFN), đối xử công bằng và thoả đáng (FET), bảo hộ an toàn và đầy đủ (FSP), tước quyền sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp với tài sản của nhà đầu tư.
Ông An đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính quyền các cấp, kể cả trung ương khi tiến hành quảng bá, xúc tiến đầu tư, nhiêu khi đưa ra các ưu đãi, cam kết vượt quá quy định của pháp luật. Mặt khác, ông An cũng nói đến những thoả thuận, hợp đồng đầu tư không chặt chẽ, để nhà đầu tư trục lợi, thậm chí đe doạ kiện.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Việt Nam không đưa ra con số các vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ thời gian qua là bao nhiêu.
Hồi tháng 4 năm nay, vua “chả giò” Trịnh Vĩnh Bình, Việt kiều Hà Lan, cho Đài Á Châu Tự Do biết ông đã thắng kiện Chính phủ Việt Nam trong vụ kiện lịch sử đòi bồi thường đến hơn 1 tỷ đô la. Ông Bình kiện Chính phủ Việt Nam đòi trả lại tài sản mà ông đầu tư ở Việt Nam, thực hiện các cam kết theo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa Hà Lan và Việt Nam.
Thông tin rò rỉ sau đó được VOA loan tải cho thấy Toà Trọng tài Quốc tế ở Paris đã ra phán quyết, yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải bồi thường hơn 37 triệu đô la tiền thiệt hại và gần 7,9 triệu đô la tiền án phí.
Ngoài vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt Nam cũng từng phải đối mặt với các vụ kiện quốc tế khác như: Vụ nhà đầu tư DialAsia của Pháp kiện Chính phủ Việt Nam ra Toà Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) trong dự án Bệnh viện quốc tế Thận và lọc thận ở TP Hồ Chí Minh; Recofi với Chính phủ Việt Nam tại Toà án tối cao Thuỵ Sĩ; Saigon Metropolitan với Chính phủ Việt Nam.
Theo số liệu tại hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển, tính đến tháng 8 năm nay, số vụ tranh chấp giữa chính phủ các nước với nhà đầu tư nước ngoài trên toàn cầu là 983 vụ. Trong dó 647 vụ đã giải quyết xong.
Trong 181 vụ mà phán quyết tuyên phía chính phủ phải bồi thường, có đến 35 vụ có số tiền bồi thường là từ 100 đến 499 triệu đô la, 4 vụ có số tiền bồi thường từ 500 triệu đô la trở lên và 14 vụ chính phủ phải bồi thường đến hơn 1 tỷ đô la.