Tin khắp nơi – 26/12/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 26/12/2019

Hoa Kỳ tăng tài trợ

cho chiến lược Châu Á Thái Bình Dương

Tin Washington DC – Các chuyên gia đối ngoại tập trung vào châu Á mới đây đã rất hài lòng khi chính phủ Trump cấp ngân sách 2.5 tỷ Mỹ kim cho việc thúc đẩy quan hệ với các đồng minh châu Á, dựa theo đạo luật Sáng kiến trấn an châu Á 2018, gọi tắt là ARIA. Theo các chuyên gia, số tiền 2.5 tỷ Mỹ kim là không đủ, thậm chí là quá ít nếu so với ngân sách của các chương trình châu Âu, và không thể giải quyết hết các thách thức mà Hoa Kỳ đang đối mặt tại châu Á.

Tuy nhiên, số tiền này vẫn là một dấu hiệu tốt, và có thể sẽ dẫn đến các khoản tài trợ tăng thêm trong tương lai. Các chuyên gia cũng cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Quốc Hội đã quan tâm nhiều hơn tới chiến lược châu Á, vốn đã không được tài trợ đầy đủ trong nhiều năm qua. Điều được nhiều người chú ý hiện nay là liệu Quốc Hội Hoa Kỳ có thể duy trì và củng cố sự quan tâm của họ với châu Á trong tương lai xa hay không. Các mục tiêu chính của Sáng kiến ARIA bao gồm củng cố sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, tái khẳng định sự ủng hộ của Washington với các đồng minh như Nhật, Nam Hàn, và Úc, phát triển quan hệ chiến lược với Ấn Độ, và tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan.

Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Cory Gardner của Colorado, đồng tác giả ARIA, nói rằng đạo luật này lập ra khuôn khổ cho việc tài trợ các chiến lược tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, giúp bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một thế lực hùng mạnh trong khu vực trong nhiều thế hệ kế tiếp.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-tang-tai-tro-cho-chien-luoc-chau-a-thai-binh-duong/

 

Mỹ điều máy bay do thám đến Bán đảo Triều Tiên

 sau lời dọa của Kim

Sau khi Triều Tiên cảnh báo về “món quà Giáng sinh” hồi đầu tháng này, 4 máy bay do thám của Hoa Kỳ đã bay qua Bán đảo Triều Tiên hôm 25/12, theo truyền thông Hàn Quốc.

Động thái này diễn sau khi có các tin tức vào tuần trước nói rằng Triều Tiên ra cảnh báo về một vụ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân vào cuối tháng 12 giữa lúc các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bị đình trệ.

Đài truyền hình Fox News dẫn nguồn tin từ Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết các máy bay của Hoa Kỳ đã được hệ thống Aircraft Spots, một trang web theo dõi hàng không, phát hiện hôm 25/12.

Trang web này cho biết 4 máy bay của Hoa Kỳ – được xác định là RC-135W Rivet Joint, E-8C, RQ-4 Global Hawk và RC-135S Cobra Ball – đã bay tuần tra giữa đêm Giáng sinh (tối 24/12) và sáng sớm ngày Giáng sinh (25/12).

Triều Tiên có thể đã không gửi “một món quà Giáng Sinh” đến Hoa Kỳ, ít nhất là không phải vào dịp Giáng sinh.

Hôm 24/12, Tổng thống Donald Trump cho biết rằng món quà đó có thể sẽ là một “món quà đẹp” như một chiếc bình. Cho đến ngày 26/12, “món quà” đó vẫn chưa đến.

Triều Tiên đã ra hạn chót là vào cuối năm nay Washington phải giảm lập trường cứng rắn đối với Bình Nhưỡng về các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ.

Theo hãng tin AP, hôm 22/12, Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã triệu tập một cuộc họp quan trọng của đảng cầm quyền, bao gồm các chính trị gia cao cấp trong Quân ủy Trung ương của Đảng Lao động, để quyết định các bước nhằm củng cố năng lực quân sự của đất nước.

https://www.voatiengviet.com/a/my-dieu-may-bay-do-tham-den-ban-dao-trieu-tien/5220910.html

 

2019 : Một năm ngoại giao

để phục vụ đối nội của Donald Trump

Anh Vũ

Không ngại thúc ép hay công kích đồng minh, nhún nhường sẵn sàng thỏa hiệp với kẻ thù, tự tán dương thành quả, tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục khiến thế giới phải sửng sốt với đường lối đối ngoại bất ngờ cùng những tuyên bố đầy ngẫu hứng. Bất chấp mọi đánh giá thành công hay thất bại, ông Donald Trump tiếp tục cuộc chinh phục nhiệm kỳ tổng thống mới vào cuối năm 2020.

Ngày 27/10/ 2019, tổng thống Donald Trump hân hoan thông báo một chiến thắng quan trọng của Mỹ trên bình diện quốc tế : lực lượng đặc nhiệm Mỹ đột kích vào Syria tiêu diệt được trùm khủng bố, Abou Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, kẻ từng gieo rắc bao nhiêu cái chết và nỗi kinh hoàng bị cả thế giới truy lùng. Tiêu diệt được thủ lĩnh của tổ chức khủng bố, tổng thống Donald Trump đã không bỏ lỡ dịp coi đó là thắng lợi của Mỹ, đồng thời khép lại các cuộc tranh cãi xung quanh chính sách ngoại giao bị đánh giá là đầy mâu thuẫn, gây tranh cãi của Nhà Trắng tại Trung Cận Đông.

Những tuyên bố trái ngược nhau về việc rút quân Mỹ khỏi Syria của ông Trump như là tín hiệu đèn xanh cho Ankara mở cuộc tấn công vào lực lượng Kurdistan tại Syria, một đối tác quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống thánh chiến khủng bố. Chính sách của Donald Trump ở mặt trận Syria vô hình chung đã góp phần củng cố vị thế cho chế độ Damas được Matxcơva bảo trợ và nhường bàn cờ Syria cho Nga.

Bất chấp các đồng minh tỏ ra không hài lòng, hay đánh giá thế nào về vai trò quốc tế của Mỹ, tổng thống của cường quốc số 1 thế giới luôn tự cho mình là người kiến tạo hòa bình. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận thấy những sáng kiến theo kiểu ngẫu hứng, bất tuân theo truyền thống của ông Trump thường đi vào ngõ cụt.

« Chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận » cho nước Mỹ là lời hứa tranh cử của Donald Trump năm 2016. Sau một hồi thông báo nhất quyết rút quân khỏi Syria và Afghanistan. Giờ đây ông Donald Trump lại phải rút lại tuyên bố.

Tương tự, trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, sau một màn xích lại gần nhau lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, các cuộc đàm phán vẫn luôn được tổng thống Mỹ tán dương là « tiến bộ tuyệt vời » giờ đang trở lại vạch xuất phát.

Cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội tưởng như đã tới đích nhưng rốt cục đã nhanh chóng khép lại mà không có kết quả nào.

Tiếp đó đến cuộc gặp đầy ngẫu hứng, quyết định trong chưa đầy 24 giờ, giữa Trump-Kim ngày 30/06 tại khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, cũng chỉ gây sự chú ý về hình ảnh nhiều hơn nội dung.

Sau các cuộc gặp lịch sử đó, các cuộc đàm phán ở các cấp ngoại giao đều không đạt tiến triển nào và căng thẳng đang trở lại những tháng cuối năm 2019.

Các nhà phân tích cho rằng Washington đã mắc những sai lầm làm trật bánh các cuộc đàm phán, như đưa ra thông điệp bất nhất, không thấu hiểu đối tác, yêu cầu quá nhiều và đưa ra những lời hứa không thể thực hiện. Trong lúc đó, tổng thống Mỹ luôn muốn có một kết quả tối thiểu trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên để có thể phô trương như là một thành tựu ngoại giao quy mô toàn cầu trong nhiệm kỳ của mình và tạo đà cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2020.

Điều này có thể lý giải tại sao mà trước sự khiêu khích của Bình Nhưỡng, giờ đây ông Trump không còn hào hứng với những tuyên bố hăm dọa, đầy mùi thuốc súng, như màn đấu khẩu với Kim Jong Un mà cả thế giới đã chứng kiến hai năm trước. Câu nói gần như cửa miệng của tổng thống Mỹ khi đề cập đến bắc Triều Tiên : « Tôi có mối quan hệ rất tốt với Kim Jong Un ».

Một mặt trận khác cũng ghi dấu ấn của ngoại giao tiền hậu bất nhất của tổng thống Mỹ đó là cuộc thương chiến Mỹ-Trung dai dẳng. Ông Trump đã sử dụng thuế quan như một vũ khí trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Suốt cả năm 2019, ông Trump khiến mọi người thấp thỏm vì liên tục đưa ra những tín hiệu tiền hậu bất nhất. Có lúc vừa tuyên bố ngày trước rằng tình hình rất khả quan thì ngay hôm sau, ông Trump đã thay đổi giọng điệu, cho rằng cuộc chiến có thể kéo dài. Mỹ-Trung vào cuối năm tuyên bố đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một nhưng những nghi kỵ giữa hai bên và sự khó đoán của Trump khiến thế giới chưa thể yên tâm cuộc đọ sức của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm được giải quyết.

Từ Trung Cận Đông sang hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên qua đến cuộc thương chiến Mỹ-Trung, chính quyền Trump chưa bao giờ có một chính sách ngoại giao nhất quán nhưng lại xuyên suốt một mục tiêu đối nội để sao cho chủ nhân Nhà Trắng tái đắc cử nhiệm kỳ nữa vào tháng 11 năm 2020.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191226-2019-m%E1%BB%99t-n%C4%83m-ngo%E1%BA%A1i-giao-%C4%91%E1%BB%83-ph%E1%BB%A5c-v%E1%BB%A5-%C4%91%E1%BB%91i-n%E1%BB%99i-c%E1%BB%A7a-donald-trump

 

Chuyển trọng tâm an ninh sang Nga và TQ,

Mỹ bỏ quên sự hồi sinh của IS ở châu Phi

Trong khi Pháp và các đối tác khác của Mỹ đang tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn ở châu Phi nhằm chống lại sự trỗi dậy của tàn dư IS và các nhóm khác, Washington lại cắt giảm quân số tại đây.

Mặc dù Nhà nước Hồi giáo (IS) được tuyên bố bị đánh bại ở Trung Đông, nhưng những kẻ cực đoan nhanh chóng tập hợp lại và thậm chí giành được chỗ đứng ở châu Phi, trong một khu vực được gọi là Sahel, nằm giữa Sahara và những vùng đất màu mỡ hơn ở phía nam – nhà báo Ben Wolfgang của Washington Times viết.

Các chuyên gia tin rằng, Mỹ đang có nguy cơ rất lớn để tuột mất vai trò quân sự tích cực hơn ở châu Phi trước mối đe dọa khủng bố đang gia tăng.

Vào tháng 12, 71 binh sĩ thiệt mạng ở Nigeria do một cuộc tấn công của các chiến binh vào doanh trại quân đội. Các cuộc tấn công tương tự diễn ra trước đó ở Mali, Burkina Faso và các quốc gia khác trong khu vực. Theo tác giả của bài báo, vùng châu Phi ở cận nam Sahara đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho “Nhà nước Hồi giáo”, “Al-Qaeda” và các nhóm khủng bố khác phát triển mạnh ở các nền kinh tế nghèo và chính quyền địa phương yếu.

Theo nhà báo, các cuộc tấn công gần đây của chiến binh là minh chứng cho tiềm năng quân sự đáng kể mà những kẻ khủng bố đã có được trong tay, cũng như sự bất lực của chính quyền địa phương tự mình giải quyết tình hình. Tuy nhiên, trong khi Pháp và các đối tác khác của Mỹ đang tổ chức các hoạt động chống khủng bố quy mô lớn trong khu vực, Mỹ lại chuyển hướng sang các mục tiêu thứ yếu, chủ yếu bao gồm huấn luyến lực lượng vũ trang địa phương.

Bất chấp sự gia tăng rõ rệt của mối đe dọa khủng bố, Washington thậm chí còn có kế hoạch giảm bớt số lượng binh sĩ ở châu Phi và cắt giảm tài trợ cho các hoạt động trong khu vực. Giới chuyên gia cho rằng, bước đi này cho thấy một cái nhìn toàn cầu hơn về chính sách đối ngoại của chính quyền ông Donald Trump. Washington đang xếp “các lực lượng truyền thống” như Nga và Trung Quốc vào lớp “các mối đe dọa hiện hữu”, chứ không phải là “các nhóm khủng bố phi nhà nước ở châu Phi và Trung Đông”.

Đây là một chiến lược nguy hiểm, bởi nó có thể cho những kẻ cực đoan cơ hội giành lấy sức mạnh và chiếm giữ lãnh thổ. “Nếu bây giờ nhìn vào chiến lược quốc phòng an ninh của Mỹ sẽ thấy một sự chuyển dịch chiến lược an ninh quốc gia từ đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố sang cạnh trạnh với Trung Quốc và Nga… Tôi nghĩ rằng, tại thời điểm này Mỹ muốn đánh liều, đặc biệt là với các khu vực như Tây Phi. Mỹ chấp nhận rủi ro, để tình hình trở nên tệ hơn, và sau đó mới thực hiện các biện pháp thích hợp, nếu

cần, khi mọi thứ trở nên quá tệ” – ông Seth Jones, Giám đốc Dự án về các mối đe dọa quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, nhận định.

Dù cho hiện tại tình hình ở châu Phi chưa gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Mỹ, nhưng theo giới phân tích, các nhóm như IS có thể tận dụng thành công của mình ở châu Phi để bổ sung thêm đội ngũ và phát triển các chiến thuật mới. Xét cho cùng, Mỹ cũng từng không quá quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Afghanistan cho đến khi “Al-Qaeda” chọn quốc gia này làm cơ sở để chuẩn bị cuộc tấn công ngày 11/9/2001. Ở châu Phi, ngoài tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” nổi tiếng nhất, vẫn còn có sự hoạt động của hàng chục nhóm cực đoan nhỏ hơn – nhà báo Ben Wolfgang cảnh báo.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32272-chuyen-trong-tam-an-ninh-sang-nga-va-tq-my-bo-quen-su-hoi-sinh-cua-is-o-chau-phi.html

 

Báo Mỹ lo sợ kế hoạch của TQ ở Campuchia

“Chúng tôi lo ngại rằng đường băng và các cơ sở hạ tầng bến cảng ở Dara Sakor đang được xây dựng nhằm phục vụ mục đích quân sự”

Tại tỉnh Koh Kong (Campuchia), các nhà thầu Trung Quốc đang gấp rút hoàn thành sân bay quốc tế Dara Sakor và cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu chiến.

Công ty Trung Quốc phụ trách xây cảng và sân bay kể trên khẳng định chúng chỉ phục vụ mục đích dân sự. Nhưng quy mô của thỏa thuận giao đất tại Dara Sakor đang khiến không ít người hoài nghi.

Theo NYTimes, các hoạt động tại Dara Sakor và tại những dự án lân cận do nhà thầu Trung Quốc triển khai làm dấy lên quan ngại rằng, Bắc Kinh đang có kế hoạch biến Campuchia trở thành một tiền đồn quân sự của riêng mình.

“Tại sao Trung Quốc lại muốn xây đường băng giữa rừng rậm? Công trình này sẽ giúp Trung Quốc phát huy sức mạnh không quân ra toàn khu vực, làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi”, ông Sophal Ear, nhà khoa học chính trị tại Đại học phương Tây ở Los Angeles, Mỹ, nhận định.

Khi mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài, Trung Quốc phải cạnh tranh với chiếc ô an ninh mà Mỹ đã dựng lên tại khu vực từ hàng thập kỷ trước. Nhưng ở Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đang có xu hướng quay lưng với Washington và đón nhận nồng nhiệt Bắc Kinh, hiện là nhà đầu tư kiêm đối tác thương mại lớn nhất của Phnom Penh.

Tại khu vực bờ biển Dara Sakor ở tây nam Campuchia, giới chức quân sự Mỹ cho biết, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận độc quyền nhằm mở rộng một căn cứ hiện nay của hải quân Campuchia.

“Chúng tôi lo ngại rằng đường băng và các cơ sở hạ tầng bến cảng ở Dara Sakor đang được xây dựng nhằm phục vụ mục đích quân sự bởi quy mô của nó vượt xa nhu cầu hạ tầng cho hoạt động thương mại cả ở hiện tại và tương lai”, Dave Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc thông tin.

“Bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia nhằm hoan nghênh quân đội nước ngoài hiện diện ở nước này cũng đều sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định tại khu vực”, đại tá Eastburn nói thêm.

Cách Dara Sakor khoảng 80 km, một dự án bất động sản của Trung Quốc đang mọc lên. Đó là khu nghỉ dưỡng quốc tế Sealong Bay có cảnh quan biển và đầu bếp Trung Quốc. Nhưng dự án bên cạnh nó mới thu hút được chú ý: Căn cứ hải quân Ream, lớn nhất Campuchia.

“Tất cả những dự án này đều bao trùm sự mơ hồ bởi bạn không bao giờ biết chắc điều gì đang diễn ra”, Devin Thorne, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến, trụ sở ở Washington, bình luận.

Hồi tháng 7, Wall Street Journal đưa tin về một dự thảo thỏa thuận bí mật trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận độc quyền với một phần quân cảng Ream trong vòng 30 năm.

Những đồn đoán về Ream bắt đầu bùng lên trong tháng 7/2019  khi Mỹ, bên đã đáp ứng yêu cầu từ Campuchia tân trang lại một phần căn cứ, nhận được thông báo rằng Campuchia không còn muốn người Mỹ giúp đỡ.

“Việc rút lại yêu cầu 6 tháng sau đó gây bất ngờ và đặt ra câu hỏi về kế hoạch của chính phủ Campuchia đối với căn cứ”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eastburn cho biết.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat đã lên tiếng phủ nhận thông tin nước này yêu cầu Mỹ cung cấp kinh phí tân trang căn cứ Ream.

“Chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng. Chúng tôi có cần nhờ người Mỹ giúp không? Chúng tôi có cần nài nỉ Mỹ thực hiện dự án này không?”, tướng Chhum Socheat nói.

Các quan chức Trung Quốc và Campuchia cũng bác bỏ thông tin Campuchia trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận độc quyền với một phần quân cảng Ream.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen gọi tin đồn về việc cho phép Trung Quốc hiện diện quân sự tại nước này là “tin giả”. Ông nhấn mạnh, Hiến pháp Campuchia “không cho phép bất kỳ quốc gia nào lập căn cứ quân sự” ở nước này.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32294-bao-my-lo-so-ke-hoach-cua-tq-o-campuchia.html

 

Mỹ “sốc” vì Anh mở đường cho Huawei

bất chấp an ninh quốc gia

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo Anh về nguy cơ tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc sẽ “đánh cắp các bí mật nhà nước” nếu được cho phép tham gia mạng lưới 5G.

“Họ sẽ đánh cắp hàng loạt bí mật nhà nước, bất kể đó là các bí mật hạt nhân của Anh hay các bí mật từ (các cơ quan tình báo Anh) MI6, MI5”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nói với báo Financial Times trong cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 24/12.

“Một điều gây sốc với chúng tôi là mọi người ở Anh xem Huawei như một quyết định thương mại. 5G là một quyết định an ninh quốc gia,” ông O’Brien cho biết.

Theo cố vấn an ninh của Tổng thống Donald Trump, chính phủ các nước châu Âu, Nhật Bản, New Zealand và Australia bắt đầu hiểu những lo ngại của Mỹ về Huawei – tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc.

Ông O’Brien cũng đưa ra cảnh báo về mối đe dọa ngầm nhằm vào các dữ liệu công dân khi Huawei tham gia vào các mạng lưới 5G thế hệ mới. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể sẽ “nhắm mục tiêu” tinh vi tới các cá nhân bằng cách tiếp cận với dữ liệu sinh học được truyền tải qua các mạng lưới.

“Nếu bạn có tất cả thông tin về một người, sau đó bạn có bộ gen của họ, và bạn kết hợp hai thứ lại với nhau, rồi bạn có một chính quyền sử dụng các thông tin này, đó là sức mạnh vô cùng lớn. Thật kỳ lạ khi Anh lại cho phép một chương trình như vậy”, ông O’Brien nói thêm.

Mỹ đã hối thúc các quốc gia không cho phép Huawei tiếp cận các mạng lưới 5G vì lý do liên quan tới an ninh quốc gia. Washington cáo buộc thiết bị của Huawei có thể được Trung Quốc sử dụng cho mục đích gián điệp. Trong khi đó, cả Huawei lẫn chính phủ Trung Quốc nhiều lần phủ nhận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty của nước này sử dụng thiết bị viễn thông từ các công ty có nguy cơ gây tổn hại cho an ninh quốc gia. Chính quyền Trump cũng liệt Huawei vào danh sách đen thương mại với lý do lo ngại an ninh quốc gia.

Câu hỏi liệu thiết bị 5G của Huawei có thể mở “cửa sau” cho gián điệp Trung Quốc hay không vẫn đang là vấn đề gây chia rẽ giữa quốc gia trong mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand.

So với các nước khác trong nhóm, Anh có quan điểm “mềm mỏng” hơn với Huawei. Anh cho rằng các sản phẩm 5G của Huawei có thể được sử dụng trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32292-my-soc-vi-anh-mo-duong-cho-huawei-bat-chap-an-ninh-quoc-gia.html

 

Mỹ-Trung tiến gần bờ vực chiến tranh Lạnh,

châu Á lo chia phe?

Các chiến thuật chiến tranh thương mại ngắn hạn của ông Trump chỉ là một cú hích thúc đẩy cuộc chiến tranh Lạnh lần thứ 2 đến gần hơn.

Các chính trị gia Mỹ và phần lớn người dân nước này đều tin rằng Trung Quốc chính là mối đe dọa trong kỷ nguyên hiện tại, điều đó đã tác động lớn đến tình hình địa chính trị tại Châu Á, chuyên gia Gary Clyde Hufbauer, thuộc Viện kinh tế Quốc tế Peterson nhận định.

Vào năm 2018, 99 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 1, 73 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2 và 26 năm sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh đầu tiên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thông báo về một Cuộc chiến tranh Lạnh lần thứ 2, lần này là với Trung Quốc. Vũ khí ở thời

điểm hiện tại là thương mại, đầu tư và công nghệ. Theo chuyên gia Gary Clyde Hufbauer, trong năm 2020 và thời điểm sau đó, dấu ấn của cuộc chiến tranh Lạnh thứ 2 sẽ thách thức các nhà lãnh đạo ở Châu Á và nhiều nơi khác.

Tổn hại từ cuộc chiến thương mại

Giới phân tích cho rằng, mặc dù Tổng thống Trump đưa ra những lời nhận xét khác nhau về Trung Quốc, nhưng mục tiêu hàng đầu của ông cho năm 2020 là một nền kinh tế phát triển vượt bậc, bởi nếu không có điểm sáng này, triển vọng tái đắc cử của ông sẽ bị hạ thấp. Đối với tương lai chính trị của ông Trump, kinh tế quan trọng hơn nhiều so với ván bài luận tội. Cuộc chiến thương mại đã giúp bù đắp phần lớn những thiệt hại do quyết định cắt giảm thuế năm 2017 gây ra. Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm của nước Mỹ năm 2017 đã làm gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang lên đến gần 800 tỷ USD mỗi năm, và cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 21% tương đương với các nước phát triển khác.

Nhưng cuộc chiến này cũng gây ra những hệ lụy không hề nhỏ, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới và làm giảm động lực đầu tư toàn cầu. Tổng thống Trump có thể không hài lòng với những đánh giá của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell nhưng việc lãi suất ở Mỹ đang giảm xuống mức âm là điều không thể phủ nhận. Những gì ông Trump có thể làm là xem xét lại cuộc chiến thương mại. Chuyên gia Gary Clyde Hufbauer cho rằng, trước mắt cuộc chiến này sẽ không leo thang. Thay vào đó, việc Mỹ cắt giảm một phần thuế quan hiện tại để đổi lấy tăng cường xuất khẩu nông sản nhiều khả năng sẽ diễn ra.

Nguy cơ tiềm ẩn về cuộc chiến tranh Lạnh lần thứ 2

Chuyên gia Gary Clyde Hufbauer đánh giá, các chiến thuật chiến tranh thương mại ngắn hạn của ông Trump chỉ là một cú hích thúc đẩy cuộc chiến tranh Lạnh lần thứ 2. Cho dù ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử 2020 hay một thành viên nào đó của đảng Dân chủ chiếm ưu thế thì điều đó cũng tạo ra rất ít sự khác biệt. Bởi nhà lãnh đạo Mỹ cùng các đối thủ Dân chủ của ông và phần lớn người dân Mỹ đều tin rằng Trung Quốc mới là mối đe dọa trong kỷ nguyên này.

Tuy nhiên có sự khác biệt về mức độ nhìn nhận mối đe dọa từ Trung Quốc. Một số nhân vật chính trị cấp cao của Mỹ như Thượng nghị sỹ Cộng hòa và Thượng nghị sỹ Dân chủ Charles Schumer coi Trung Quốc là “mối đe dọa hiện hữu”. Trong khi những người khác như Thượng nghị sỹ Cộng hòa Rob Portman đưa ra các phản ứng riêng biệt đối với sự thiếu công bằng về thương mại và đầu tư. Còn chính khách Henry Kissinger thì giữ giọng điệu ôn hòa, cảnh báo rằng Washington và Bắc Kinh đã chạm tới “chân của một cuộc chiến tranh Lạnh” khi tìm thấy ít sự đồng thuận trong môi trường chính trị hiện nay.

Theo phân tích của Gary Clyde Hufbauer, trong năm 2020 và thời điểm sau đó, thương mại song phương Mỹ-Trung có khả năng bị đình trệ hoặc co hẹp lại nhưng công nghệ sẽ là vũ khí hàng đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ 2. Mỹ đã yêu cầu nghiêm ngặt các công ty công nghệ nước này hạn chế bán thiết bị cho Huawei. Trong một thời gian ngắn, thiếu hụt công nghệ sẽ làm chậm lại khát vọng phát triển công nghiệp của Trung Quốc. Nhưng điều này sẽ không kéo dài. Không ngạc nhiên khi thấy rằng Huawei đang sản xuất hàng loạt điện thoại thông minh mà không cần phụ kiện của Mỹ.

Trung Quốc tung “đòn tấn công quyến rũ”

Trong khi Mỹ bận rộn với cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã phát động một “cuộc tấn công quyến rũ về kinh tế”. Vào thời điểm mà sự cởi mở về thương mại dễ dẫn đến nhiều rủi ro, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lặp lại tuyên bố rằng Trung Quốc luôn sẵn sàng mở rộng hoạt động nhập khẩu. Phát biểu tại Hội chợ triển lãm các mặt hàng nhập khẩu quốc tế tại Thượng Hải tháng 11 vừa qua, ông Tập Cận Bình không chỉ kêu gọi tăng cường nhập khẩu hàng hóa mà còn tán dương Tổ chức Thượng mại Thế giới (WTO) và ví toàn cầu hóa như một dòng chảy mạnh mẽ không thể ngăn cản được.

Chuyên gia Hufbauer cho rằng, người Mỹ có thể chê cười bài phát biểu của ông Tập Cận Bình nhưng họ nên tự hỏi liệu có nhà lãnh đạo nào khác của một cường quốc kinh tế sẵn sàng kêu gọi tăng cường nhập khẩu hay không. Đó chắc chắn không phải là Tổng thống Donald Trump, không phải Thủ tướng Angela Merkel của Đức hay Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản.

Châu Á ở “ngã ba đường”

Cuộc chiến tranh Lạnh lần thứ 2 mà các nhà lãnh đạo Châu Á sẽ phải đối mặt có những thách thức tương tự như cuộc chiến tranh Lạnh thứ 1 mà các lãnh đạo Châu Âu từng gặp phải, ông Gary Clyde Hufbauer cho biết.

Theo nhà phân tích này, những quốc gia châu Á gần Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu rõ ràng của tham vọng địa chính trị mà Bắc Kinh theo đuổi. Hiện nay, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” và bằng nhiều biện pháp khác. Nhưng xét cho cùng, Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế của châu Á lớn hơn nhiều so với Mỹ. Nếu nước này không thực hiện

tham vọng bằng chế tài quân sự thì sẽ có rất ít quốc gia Châu Á sẽ tham gia vào “cuộc thập tự chinh” của Washington.

Về phía Mỹ, Tổng thống Trump vẫn chưa thực hiện biện pháp quen thuộc trong lĩnh vực trừng phạt kinh tế, đó là sử dụng những hạn chế về tài chính để ngăn chặn nước thứ 3 thực hiện giao dịch làm ăn với đối thủ Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là vào năm 2021 hay thời điểm sau đó, liệu Tổng thống Trump hoặc người kế nhiệm sẽ thực hiện biện pháp này để ngăn các nước Châu Á có công nghệ tiên tiến chia sẻ công nghệ với các công ty Trung Quốc hay không. Cần phải nhắc lại rằng, Mỹ đã từng thất bại trong nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục các nước châu Âu mua sản phẩm công nghệ của Huawei

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32279-my-trung-tien-gan-bo-vuc-chien-tranh-lanh-chau-a-lo-chia-phe.html

 

TT Trump nói ông và Chủ tịch Tập

sẽ ký thỏa thuận thương mại

Hôm 24/12, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chủ trì lễ ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 như đã đồng ý trong tháng này, theo Reuters.

“Chúng tôi sẽ có một buổi lễ ký kết,” Tổng thống Trump nói với các phóng viên. “Chúng tôi sẽ ký khi gặp nhau. Và chúng tôi sẽ nhanh chóng ký thỏa thuận này vì chúng tôi muốn nó hoàn tất. Thỏa thuận coi như đã đâu vào đấy, bây giờ chỉ chờ dịch thuật.”

Hôm 13/12, Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết đại diện của cả hai nước sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong tuần đầu tiên của tháng 1/2020, vẫn theo Reuters.

Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 25/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết cả hai nước đang liên lạc chặt chẽ.

“Các nhóm đàm phán kinh tế và thương mại của cả hai bên đang liên lạc chặt chẽ về các thỏa thuận chi tiết cho việc ký kết thỏa thuận và các công việc tiếp theo khác,” ông Cảnh nói tại một cuộc họp báo hàng ngày.

Cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận các nội dung cụ thể của thỏa thuận mà các quan chức Hoa Kỳ đã nêu. Vào tuần trước, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các chi tiết sẽ được công khai sau khi ký chính thức.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-noi-ong-va-chu-tich-tap-se-ky-thoa-thuan-thuong-mai/5219547.html

 

Nhà nghiên cứu Trung Quốc giấu mẫu sinh học

trong tất mang từ Mỹ về nước

Một nghiên cứu sinh y khoa Trung Quốc đã bị bắt giữ tại Boston (Mỹ) vào đầu tháng này do nghi ngờ tìm cách đánh cắp mẫu sinh học mang về nước.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn bản khai của một nhân viên thuộc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đăng trên trang thông tin Universal Hub khu vực Boston đưa tin, nghiên cứu sinh người Trung Quốc Zheng Zaosong (29 tuổi) đã bị thẩm vấn tại sân bay quốc tế Logan ngày 9/12.

Zheng – một nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc Đại học Sun Yat-sen ở Quảng Châu – hiện tham gia khóa nghiên cứu tại Bệnh viện Beth Israel ở Boston.

Đặc vụ FBI Kara Spice cho biết 21 lọ thuốc có chứa chất lỏng màu nâu nghi là mẫu sinh học được tìm thấy trong một chiếc tất trong quá trình kiểm tra hành lý ký gửi của đối tượng Zheng. Zheng đang bị điều tra vì tìm cách đưa các mẫu sinh học không được khai báo về Trung Quốc và đưa ra những tuyên bố sai lệch, hư cấu và lừa đảo đối với Hải quan Mỹ.

Theo bản khai, các nhân viên hải quan đã nhiều lần hỏi Zheng xem liệu anh ta có đem theo các vật phẩm sinh học hay nghiên cứu trong hành lý hay không, song Zheng kiên quyết phủ nhận.

Sau đó, Zheng được đưa đến phòng hành lý. Tại đây, các nhân viên hải quan chỉ ra những lọ thuốc được tìm thấy trong hành lý ký gửi của Zheng. Khi được hỏi tại sao không khai báo các lọ thuốc, Zheng trả

lời những lọ thuốc đó không có vấn đề gì nghiêm trọng và đấy là quà tặng của một người bạn tên Zhang Tao.

Bản khai tuyên bố Zheng không giải thích được lý do tại sao anh ta giấu những lọ thuốc trong một chiếc tất.

Sau quá trình thẩm vấn, Zheng thú nhận đã đánh cắp 8 lọ thuốc từ phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Bệnh viện Beth Israel và sao chép 11 lọ thuốc từ nghiên cứu sinh Zhang Tao.

Zheng khai nhận anh ta định mang những mẫu sinh học này về phòng nghiên cứu bệnh viện Sun Yat-Sen để nghiên cứu thêm và hy vọng xuất bản một đề tài khoa học. Các mẫu sinh học đã bị thu giữ và kiểm tra, song chi tiết về vật phẩm không được công bố.

http://biendong.net/doc-bao-viet/32260-nha-nghien-cuu-trung-quoc-giau-mau-sinh-hoc-trong-tat-mang-tu-my-ve-nuoc.html

 

Biên tập viên tạp chí Thiên Chúa giáo từ chức

vì những tranh cãi quanh sự ủng hộ với ông Trump

Sự ủng hộ của các tín hữu Tin lành dành cho ông Trump đang gây tranh cãi, sau khi một nhà báo hàng đầu của tạp chí Christian Post từ chức.

Sự ra đi của biên tập viên Napp Nazworth xảy ra sau khi một tờ tạp chí Thiên Chúa giáo khác đăng một bài xã luận kêu gọi phế truất ông Trump.

Bài xã luận làm nổ ra một loạt tranh cãi, cho thấy một cuộc chiến ngầm đang xảy ra giữa những người theo Tin Lành, một cộng đồng Thiên Chúa giáo lớn ở Mỹ, về sự ủng hộ dành cho ông Trump.

Luật sư Mỹ gốc Việt: Cuộc luận tội Trump ‘là một tính toán chính trị’

Trump trở thành tổng thống Mỹ thứ ba bị luận tội

Facebook gỡ hàng loạt tài khoản giả ‘chống cộng, phò Trump’ của Đại Kỷ Nguyên

Ông Trump trước đó đã tuyên bố ông nhận được một sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng Tin Lành kể từ khi nhậm chức tổng thống.

Vậy tại sao một nhà báo tạp chí Thiên Chúa giáo lại phải từ chức? Mâu thuẫn gì đang xảy ra trong cộng đồng này và hậu quả gì với Tổng thống Trump?

Tranh cãi xảy ra từ đâu?

Tuần trước, sau khi Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu luận tội ông Trump, tờ Christianity Today đã đăng một bài xã luận, do tổng biên tập Mark Galli viết, kêu gọi bãi nhiệm tổng thống.

Dẫn chứng bằng “tính cách thiếu đạo đức” của ông Trump, ông Galli mô tả việc tổng thống bị phế truất là một lệnh truyền Kitô giáo: “[Đây] không phải là vấn đề về lòng trung thành với đảng phái mà là sự trung thành với Đấng Tạo hóa tạo ra Mười điều răn”.

Ông Trump “đã cố gắng sử dụng quyền lực chính trị của mình để ép buộc một nhà lãnh đạo nước ngoài quấy rối và làm mất uy tín của một trong những đối thủ chính trị của tổng thống,” ông Galli viết. “Đó không chỉ là vi hiến; quan trọng hơn, nó rất vô đạo đức.”

Và tờ tạp chí Christianity Today – được sáng lập bởi một trong những nhà truyền giáo có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, Billy Graham – thậm chí còn đi xa hơn, chỉ tay vào mặt các mục sư, những người vẫn đang hết lòng vì ông Trump “bất chấp hồ sơ đạo đức tồi tệ của ông ta”.

“Hãy nhớ quý vị là ai và quý vị phục vụ cho ai,” ông Galli viết.

Sao bài xã luận này tranh cãi như vậy?

Kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống, ông đã tuyên bố rằng ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tín hữu Tin Lành. Điều này còn đặc biệt được tăng cường sau khi ông chọn ông Mike Pence, một người sùng đạo, làm Phó Tổng thống.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, 80% tín đồ Tin Lành da trắng đã bỏ phiếu cho ông Trump, theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew.

Thành công của ông Trump trong cộng đồng Tin lành phỏng theo một mô hình chính trị ở Mỹ: trong mọi cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 2004, các tín hữu Tin lành da trắng, nói chung, thường bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng Cộng hòa.

Nhưng sự ủng hộ đối với tổng thống của các Kitô hữu không hẳn chỉ vì sự liên quan mật thiết giữa Đảng Cộng hòa và cộng đồng Tin Lành.

Thật vậy, ngay cả những tổng thống Mỹ tai tiếng nhất vẫn đắc cử dù sự ủng hộ từ cộng đồng này không cao, như Tổng thống George W. Bush đắc cử năm 2004, và các ứng cử viên tổng thống như John McCain vào năm 2008 và Mitt Romney năm 2012.

Và kể từ khi ông Trump vào Nhà trắng, ông đã giữ một loạt lời hứa với các cử tri tôn giáo của mình.

Ông đã đề cử hai người phe bảo thủ, Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh, thành Thẩm phán Tòa án Tối cao.

Thêm vào đó là việc nới lỏng các ủy thác của chính phủ đối với các chương trình bảo hiểm y tế bao gồm bảo hiểm tránh thai miễn phí.

Ông Trump cũng giảm bớt các hạn chế đối với các hoạt động chính trị của các tổ chức tôn giáo và gia tăng các hạn chế về hỗ trợ của chính phủ cho các tổ chức quốc tế cung cấp tư vấn phá thai và kế hoạch hóa gia đình.

Và ông cũng xóa bỏ lệnh cấm không chính thức đối với lời chào Giáng sinh truyền thống khi nói: “Giờ thì chúng ta có thể nói Giáng sinh vui vẻ (Merry Christmas) rồi”.

Nhiều người trước đây lựa chọn nói “Ngày nghỉ lễ vui vẻ” (Happy Holidays) để chúc cả những người không theo đạo Thiên Chúa hoặc vô thần.

Khi nói “Merry Christmas” ông Trump đã nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của cộng đồng Thiên Chúa giáo đối với nước Mỹ, hay ít nhất là đối với một vị Tổng thống Hoa Kỳ.

Và hành động nhỏ nhưng đầy tính biểu tượng đó của ông Trump đã được đền đáp. Khi sự ủng hộ của một số Kitô hữu Hoa Kỳ đang giảm xuống, một cuộc thăm dò của NPR-PBS NewsHour-Marist từ đầu tháng này cho thấy 75% người theo Tin Lành da trắng vẫn chấp thuận ông Trump, so với 42% của người Mỹ trưởng thành nói chung.

Sự ủng hộ này rất quan trọng đối với ông Trump: một chiến thắng trong cuộc đua Tổng thống năm 2020 sẽ rất cần dựa vào một chiến thắng đối với phe bảo thủ, và tất nhiên bao gồm những người theo đạo Tin lành.

Đã có những phản ứng gì?

Bài xã luận của Christianity Today làm nổ ra một phản ứng chia rẽ giữa những người theo đạo Tin Lành. Điều này cho thấy sự chia rẽ trong sự ủng hộ dành cho ông Trump.

Một số người đồng tình với bài xã luận và đã cắt quan hệ với vị Tổng thống Cộng hòa, trong khi một số khác thì càng gia tăng sự ủng hộ của họ với ông.

Hôm Chủ nhật, gần 200 nhà lãnh đạo Tin lành và những người ủng hộ Tổng thống Trump, bao gồm cựu Thống đốc bang Arkansas, người từng hai lần là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mike Huckabee và cựu đảng viên đảng Cộng hòa bang Minnesota, Michele Bachmann, đã viết một lá thư cho tờ Christianity Today.

“Bài xã luận của quý báo đã đặt câu hỏi về sự liêm chính tâm linh và chứng nhân Kitô giáo của hàng chục triệu tín đồ, những người thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công dân và đạo đức của họ,” lá thư viết.

“Nó không chỉ nhắm vào ngài Tổng thống của chúng tôi, mà còn nhắm vào những người trong chúng tôi ủng hộ ông ấy, và đã hỗ trợ quý báo.”

Tổng thống Trump cũng nhảy vào và đăng lên Twitter vào thứ Sáu rằng hãy xem tạp chí Christianity Today như một “tạp chí cực tả”.

Bài xã luận cũng khiến tạp chí này mất 2.000 lượt độc giả đăng ký, nhưng ngược lại, họ có thêm 5.000 lượt độc giả mới, trẻ hơn và đa dạng hơn, tờ Washington Post cho biết.

Và vào Chủ nhật, Chủ bút của Christianity Today, Timothy Dalrymple đã bảo vệ bài xã luận trên, giải mã “tổn hại to lớn” của sự “liên minh giữa cộng đồng Tin lành ở Mỹ với chính quyền tổng thống”.

“Kitô giáo ngày nay bảo thủ về mặt thần học. Chúng ta pro-life (phản đối phá thai) và pro-family (ủng hộ các giá trị gia đình truyền thống, phản đối hôn nhân đồng tính etc…),” ông Dalrymple viết. Nhưng “cái giá phải trả là quá cao. Tin Lành Mỹ không phải là một siêu ủy bản (PAC) của đảng Cộng hòa”.

Napp Nazworth thì liên quan gì?

Hôm thứ Hai, nhà báo Napp Nazworth tuyên bố ông “buộc phải đưa ra quyết định khó khăn khi rời tờ The Christian Post”.

Ông Nazworth là biên tập viên mảng chính trị và là nhà báo có thâm niên gần 10 năm của tạp chí Chrisitianity Post. Thông tin trên tài khoản Twitter của ông có hashtag #NeverTrump (Không bao giờ là Trump)

Ông cho biết, tờ Christian Post đã “quyết định đăng một bài xã luận cho thấy họ có quan điểm ủng hộ Trump”.

Ông nói: “Tôi không thể làm biên tập viên cho một tờ báo có quan điểm như vậy.”Quyết định từ chức của ông Nazworth và bài xã luận của ban biên tập Christianity Today cho thấy một số người theo đạo Tin lành không còn dành sự ủng hộ cho ông Trump.

Nhưng một cơn sốt Kitô giáo đối với đảng Dân chủ vẫn không thể xảy ra, nhất là khi hai đảng vẫn rất phân cực về vấn đề quyền phá thai – một vấn đề mà phe bảo thủ xem là rất quan trọng.

Theo một nghiên cứu từ Pew hồi tháng 10, tín hữu Ki tô giáo da trắng chiếm khoảng 2/3 tổng số thành viên đảng Cộng hòa, trong khi chỉ có 1/4 trong đảng Dân chủ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50914624

 

Michael Bloomberg xác nhận rằng,

chiến dịch tranh cử của ông sử dụng lao động tù nhân

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Michael Bloomberg thừa nhận chiến dịch tranh cử của ông “vô tình” sử dụng lao động là tù nhân để thay mặt ông gọi điện đến cử tri.

Bầu cử 2020: Tỷ phú Michael Bloomberg muốn thách thức Trump

Ai đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà trắng của đảng Dân chủ?

Nhà tỉ phú thuộc đảng Dân chủ này cho hay là ông đã cắt đứt quan hệ với công ty cung cấp dịch vụ điện thoại, vốn điều hành hai trung tâm dịch vụ vận động cử tri qua điện thoại tại các nhà tù tiểu bang ở Mỹ.

Ông Bloomberg nói ông biết về việc sử dụng lao động tù nhân của công ty này ngay sau khi nhận được cuộc gọi từ phóng viên.

Nhà tỉ phú này tham gia vào cuộc đua tranh cử vào tháng 11, bằng một chiến dịch tranh cử được cho là lớn nhất từ trước đến nay.

Trang tin The Intercept là nơi đầu tiên loan tin về chiến dịch tranh cử của ông Bloomberg sử dụng lao động tù nhân. Tin này sau đó được ông Bloomberg xác nhận trong một tuyên bố hôm 24/12.

“Chúng tôi không ủng hộ việc làm này. Và chúng tôi bảo đảm trong thời gian tới, chiến dịch của chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ hơn các nhà thầu phụ,” cựu thị trưởng New York nói.

‘Chúng tôi không biết’

Theo The Intercept, ông Bloomberg đã sử dụng một dịch vụ được một bên thứ ba cung cấp có tên là ProCom, để gọi điện thoại đến cử tri trong chiến dịch tranh cử.

Công ty này điều hành hai trung tâm gọi điện trong các nhà tù bang Oklahoma.

Một nguồn tin không nêu danh tính nói với The Intercept rằng, hợp đồng thực hiện các cuộc gọi này đã được ký với ít nhất một trong số những nhà tù này – một trại tù nữ có điều kiện an ninh ở mức thấp nhất, với hơn 900 tù nhân.

Trong một dòng tweet, Stu Loeser, một người phát ngôn lâu năm cho ông Bloomberg, nói chiến dịch tranh cử của ông “đã không biết” rằng “một nhà cung cấp, của một nhà cung cấp, của một nhà cung cấp đã sử dụng lao động tù nhân.”

Trước khi thành lập đế chế truyền thông, ông Bloomberg đã kiếm được hàng tỉ đồng từ các thiết bị dữ liệu đầu cuối, được sử dụng rộng rãi trong ngành tài chính.

Giá trị tài sản ròng của ông hiện là 52 tỉ đô la, theo Forbes, tức cao gấp 17 lần ông Donald Trump.

Kể từ khi tham gia vào cuộc đua tổng thống, ông Bloomberg đã chi 59 triệu đô la cho quảng cáo.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, ông chỉ được 5% cử tri đảng Dân chủ ủng hộ.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren hiện vẫn đang dẫn đầu cuộc đua giành quyền đề cử của đảng này.

Dù đã kết thúc chế định nô lệ tại Hoa Kỳ, Tu chính án thứ 13 của Hiến pháp Hoa Kỳ, vẫn cho phép các tù nhân lao động để được giảm án.

Việc tù nhân tham gia lao động là tự nguyện, trong khi với một số là bắt buộc và có thể bị trừng phạt nếu không tuân thủ.

Trước đây, nhiều công ty tư nhân đã sử dụng cái gọi là “nguồn cung ứng từ nhà tù” như một giải pháp nhằm thay thế cho lao động giá rẻ ở nước ngoài.

Các tù nhân được sử dụng trong nhiều công đoạn như đóng gói cà phê Starbucks, sản xuất đồ lót.

Họ cũng được trả 1 đô la mỗi ngày để chữa cháy rừng ở California năm ngoái.

Những người ủng hộ việc sử dụng lao động là tù nhân lập luận rằng, việc này sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương và cung cấp cho tù nhân các kỹ năng lao động và thu nhập.

Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng, sử dụng lao động tù nhân là bóc lột và nhắm vào mục tiêu tạo lợi nhuận cho khu vực tư nhân hơn là cải tạo tù nhân.

Năm 2018, tù nhân gồm cả nam lẫn nữ đã tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa trên khắp 17 tiểu bang của Hoa Kỳ, để thu hút sự chú ý đến các điều kiện nhà tù.

Một trong các yêu cầu của họ là chấm dứt “chế độ nô lệ trong tù” bằng cách trả lương cho tù nhân. Sau đó, những người tổ chức cuộc biểu tình này bị nghi là đã bị trừng phạt bằng cách bị biệt giam và cắt đứt liên lạc với bên ngoài.

Ông Bloomberg là một trong 15 ứng viên của đảng Dân chủ đang trong cuộc đua trở thành ứng viên của đảng này ra tranh cử Tổng thống vào năm 2020.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50909350

 

Mưa và tuyết rơi tại miền Nam California

trong khi các tiểu bang khác của Hoa Kỳ

hưởng một Giáng Sinh ấm cúng

Cá c nhà dự báo thời tiết cho biết phần lớn Hoa Kỳ sẽ tận hưởng một Giáng Sinh ấm cúng, mặc dù một số thành phố có sương mù dày đặc vào buổi sáng và một cơn bão có nguy cơ mang đến tuyết và mưa tại California.

Các vùng núi ở California sẽ phải đối mặt với cơn bão dữ dội với một số địa phương dự kiến sẽ bị mất điện, tuyết thổi và mặt đường bị đóng băng đến hết sáng thứ Năm (ngày 26 tháng 12).

Cơ Quan Thời Tiết Quốc Gia Los Angeles cho biết những nơi bị ảnh hưởng bao gồm vùng núi gần Los Angeles và Ventura, với lượng tuyết rơi dày tới 2 feet. Cơ Quan cho biết thêm rằng tuyết sẽ rơi đến 3 inch tại Cuyama Valley phía bắc thành phố Santa Barbara, trong khi Antelope Valley  phía bắc Los Angeles có thể phải đối mặt với 8 inch tuyết.

Đến thứ Năm, mưa sẽ rơi nặng hạt tại nhiều vùng của Nam California, nhiều khả năng sẽ gây ra lũ lụt tại các khu vực cháy rừng. Lượng mưa lớn nhất sẽ đổ xuống các Quận Santa Barbara, Ventura và Los Angeles, gây tắc nghẽn giao  thông trong kỳ nghỉ và mất điện trong khu vực.

Tuyết sẽ rơi ở một số vùng của Arizona, New Mexico, Colorado, Utah, Nevada, Wyoming, Idaho và Montana, và nhiệt độ trên khắp Tây Nam sẽ thấp hơn trung bình từ 5 đến 10 độ.

Một cơn bão nhỏ hơn sẽ đi qua khu vực Upper Mixwest, mang đến mưa tại North và South Dakota và các khu vực phía bắc của tiểu bang Minnesota, Wisconsin và Michigan cho đến hết thứ Năm. (BBT)

https://www.sbtn.tv/mua-va-tuyet-roi-tai-mien-nam-california-trong-khi-cac-tieu-bang-khac-cua-hoa-ky-huong-mot-giang-sinh-am-cung/

 

Đảng Cộng hòa dự đoán TT Trump

sẽ được tha bổng tại phiên luận tội ở Thượng viện

Đảng Cộng hòa tự tin rằng với khả năng của họ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể sẽ được lưỡng đảng tha bổng trong phiên tòa luận tội ở Thượng viện sắp tới, theo trang The Hill.

Với yêu cầu cần phải có đủ 67 phiếu mới có thể kết tội tổng thống và bãi chức ông Trump, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tự tin với chiến lược riêng của họ.

Các thượng nghị sĩ Cộng hòa nghĩ rằng họ sẽ có thể lôi kéo thêm một hoặc hai thành viên Dân chủ về phe họ trong cuộc phiếu cuối cùng cho từng điều khoản luận tội. Điều đó sẽ cho phép họ có đủ số phiếu để Tổng thống Trump được xử vô tội ở phiên bỏ phiếu lưỡng đảng.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên đài Fox News, lãnh đạo khối đa số Thượng viện Mitch McConnell (Đảng Cộng hòa – Bang Kentucky), dự đoán rằng phe Dân chủ sẽ “bẻ kèo”. Hơn nữa, ông không tin là sẽ có bất kỳ thượng nghị sĩ Cộng hòa nào sẽ bỏ phiếu để kết tội Tổng thống Trump.

Trang Bloomberg nhận định rằng so với phiên luận tội Tổng thống Bill Clinton cách nay hai thập kỷ thì phiên luận tội Tổng thống Trump tại Thượng viện lần này có thể còn gây tranh cãi hơn nữa với sự chia rẻ sắc nét hơn trong chính giới ở Washington.

Hiện tại phe Cộng hòa kiểm soát Thượng viện với 53 ghế, so với Dân chủ có 47 ghế, như vậy nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ được tha bổng, theo USA Today.

Chánh án Tòa án tối cao John Roberts sẽ chủ tọa phiên tòa tại Thượng viện, nhưng các thượng nghị sĩ sẽ đóng vai trò vừa là thẩm phán vừa là bồi thẩm đoàn.

Tuy nhiên, kế hoạch cho phiên tòa luận tội ông Trump ở Thượng viện dự kiến diễn ra vào tháng 1/2020 vẫn còn trong tình trạng lấp lửng.

https://www.voatiengviet.com/a/cong-hoa-du-doan-trump-duoc-tha-bong/5220991.html

 

Ông Lev Parnas đồng ý cho một luật sư rút khỏi vụ án

vì không có khả năng chi trả cho cả hai luật sư

Theo một hồ sơ được đệ trình vào đêm Giáng sinh, một luật sư của ông Lev Parnas yêu cầu được rút khỏi vụ án vì ông Parnas không thể chi trả cho cả hai luật sư.

Theo hãng tin Reuters, luật sư Edward MacMahon Jr là cộng sự của luật sư cá nhân Rudy Giuliani.  Ông là luật sư bào chữa hình sự có trụ sở tại New York. Ông Joseph Bondy, một vị luật sư khác sẽ tiếp  tục đại diện cho ông Parnas.

Ông Parnas, một công dân Hoa Kỳ gốc Ukraine, bị cáo buộc cùng với một thương gia khác ở Florida, ông Igor Fruman người Belarus, về tội chuyển tiền bất hợp pháp tới một ủy ban bầu cử ủng hộ tổng thống Donald Trump và các chính trị gia khác. Cả hai người đều không nhận tội. Ông Giuliani tuyên bố rằng ông Parnas và ông Fruman hỗ trợ ông điều tra đối thủ chính trị đảng dân chủ của tổng thống Donald Trump, ông Joe Biden và con trai là Hunter, người từng phục vụ trong hội đồng quản trị của một công ty năng lượng Ukraine.

Quyết định rút khỏi vụ án của ông MacMahon được đưa ra vì quyền lợi của cả ông Parnas và ông MacMahon, theo bài đăng Twitter của ông Bondy. (BBT)

https://www.sbtn.tv/ong-lev-parnas-dong-y-cho-mot-luat-su-rut-khoi-vu-an-vi-khong-co-kha-nang-chi-tra-cho-ca-hai-luat-su/

 

Tổng Thống Trump đăng tải những bài viết

 về quá trình luận tội và thị trường chứng khoán

trên Twitter

Hiện tại, Tổng Thống Trump đang tận hưởng ngày Giáng Sinh tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông ở Florida. Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng Thống đã chúc người dân Hoa Kỳ một Giáng Sinh an lành và chia sẻ một video của ông và Đệ Nhất Phu Nhân.

Tổng Thống cũng đồng thời đăng tải về việc dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều thẩm phán bảo thủ hơn đã được bổ nhiệm, quảng bá cho cuốn sách mới của Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell và chia sẻ một đoạn clip của Fox News về sức mạnh của thị trường chứng khoán và tình trạng luận tội.

Vào đêm Giáng sinh, Tổng Thống Trump đã đăng tải sau đó xóa hai bài đăng trên Twitter về luận tội, gọi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là “Crazy Nancy” và viết rằng “Đảng Dân Chủ đang mong muốn chiếm quyền điều hành Thượng Viện.”

Trước đó một ngày, Tổng Thống Trump đi đến nhà thờ và ăn tối cùng luật sư Alan Dershowitz, người mà ông đang cân nhắc cho vào nhóm luật sư biện hộ trong phiên luận tội. Ông Dershowitz là một người luật sư của Tổng Thống Trump trong cuộc điều tra của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, và cũng biện hộ ông trong những lần xuất hiện thường xuyên trên Fox News trong cuộc điều tra luận tội tại Hạ Viện.

Với cuộc bỏ phiếu của Hạ viện tuần trước, Tổng Thống Trump trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ thứ ba bị luận tội trong lịch sử Hòa Kỳ. Các cáo buộc chống lại ông bao gồm lạm dụng quyền lực tổng thống và gây cản trở cuộc điều tra của Quốc Hội. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-dang-tai-nhung-bai-viet-ve-qua-trinh-luan-toi-va-thi-truong-chung-khoan-tren-twitter/

 

2019 : Năm của những làn sóng phản kháng

Thu Hằng

Từ Hồng Kông đến Algérie, từ Liban đến Iran và Irak, từ Pháp đến Chilê… năm 2019 được ghi dấu với những phong trào phản kháng nổ ra khắp nơi.

Người dân Hồng Kông đấu tranh đòi dân chủ từ 6 tháng nay bắt đầu từ việc phản đối dự luật dẫn độ. Người dân Algérie muốn thay đổi hệ thống, buộc tổng thống Bouteflika từ chức. Những cuộc biểu tình ở Chilê, Liban, Pháp, Iran xuất phát từ việc tăng một số loại thuế (xăng dầu, vé tầu điện ngầm, thuế sử dụng WhatsApp…) mà tầng lớp bình dân là những người chịu thiệt thòi nhất.

Nhận định với AFP, ông Olivier Fillieule, chuyên gia về phong trào xã hội thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị Lausanne (Thụy Sĩ), cho rằng những cuộc nổi dậy trên có một điểm chung, đó là được phát triển « theo chiều ngang »« không lãnh đạo, không có tổ chức, cũng như không có cấu trúc trong thời gian đầu ».

Một điểm tương đồng khác là những phong trào trên đều sử dụng internet, đặc biệt là các mạng xã hội, để kêu gọi biểu tình, truyền tải thông tin, thay vì sử dụng những kênh truyền thống. Lý do giải thích thành công này là số người sử dụng internet đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, hiện có 4,5 tỉ người sử dụng internet trên thế giới. Ngoài ra, giới trẻ, thông thạo mạng internet, đã trở thành thành phần nòng cốt của phong trào phản kháng.

Nhiều chuyên gia cho rằng những cuộc nổi dậy đang diễn ra trên thế giới bắt nguồn từ những phong trào đấu tranh hồi đầu thập niên : Mùa Xuân Ả Rập năm 2010 tại Tunisia, Chiếm đóng phố Wall (Occupy Wall Street) từ tháng 09/2011 chống chính sách thắt lưng buộc bụng và những lạm dụng của tư bản tài chính…

Đối với nhà nghiên cứu Olivier Fillieule, « năm 2019 là năm thu hoạch về biểu tình. Nhưng điều này không có gì đặc biệt và không phải là chưa từng có. Chúng ta vẫn nhớ là cuối năm 2011, tạp chí Time đã bầu « người biểu tình » là nhân vật của năm. Những phong trào phản đối trong năm 2019 là một phần của cùng chuỗi lịch sử ».

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191226-2019-n%C4%83m-c%E1%BB%A7a-nh%E1%BB%AFng-l%C3%A0n-s%C3%B3ng-ph%E1%BA%A3n-kh%C3%A1ng

 

FAIR: Biểu tình nhiều nơi

nhưng báo Mỹ và phương Tây chỉ chú trọng Hong Kong

Truyền thông phương Tây đưa tin về biểu tình Hong Kong chỉ kể một trong vô vàn câu chuyện, theo SCMP.

Sáu tháng biểu tình và bất ổn ở Hong Kong đã thu hút sự chú ý của truyền thông khắp thế giới. Hầu hết các tòa báo và đài truyền hình phương Tây đều có phóng viên ở Hong Kong để đưa tin về biểu tình.

Tạp chí Time thậm chí còn đưa người biểu tình Hong Kong vào danh sách trao giải “Nhân vật của năm”.

Biểu tình Hong Kong: Đụng độ đêm Giáng sinh

Hàn Quốc phản đối ‘phiên bản TQ’ phát biểu của ông Moon về Hong Kong

Người chụp hình Thiên An Môn mong dân Hong Kong an toàn

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật bảo vệ nhân quyền Hong Kong

Thế nhưng, cùng thời điểm, có nhiều cuộc biểu tình còn tồi tệ hơn xảy ra trên khắp thế giới, như ở Chile, Ecuador, Caribbean.

Ngoài ra còn có biểu tình lớn ở Pháp, Tây Ban Nha, Lebanon, Gaza, Iran và Iraq.

Có thể hiểu được rằng những cuộc biểu tình này không được đưa tin nhiều trên truyền thông Hong Kong bởi cùng vào thời gian đó, Hong Kong đang liên tiếp có biểu tình, đáng chú ý là vào ngày Quốc khánh, rồi tiếp ngay sau là biểu tình do lệnh cấm đeo mặt nạ.

Nhưng điều khó hiểu hơn là phần còn lại của thế giới cũng chỉ tập trung chủ yếu vào biểu tình Hong Kong, theo SCMP.

Vào tháng Mười, độc giả phương Tây hẳn đã xem những bài tường thuật vụ cảnh sát bắn và làm bị thương một người biểu tình ở quận Thuyền Loan (Tsuen Wan), hay một cảnh sát bị thương do vết cắt ở cổ, cùng các vụ việc khác xảy ra trong các siêu thị và đường phố Hong Kong.

Nhưng họ hẳn ít nhìn thấy hơn hẳn về các thảm kịch tồi tệ hơn, chết chóc hơn ở Chile và Caribbean.

Đã có ít nhất 26 người chết, hơn 25.000 người bị bắt ở Chile. Tám người thiệt mạng ở Ecuador. 45 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình mới đây nhất ở Caribbean vào 15/9. Thậm chí cảnh sát Caribbean cũng bắt đầu biểu tình vì lương quá thấp.

Các tòa báo lớn nhất Mỹ và châu Âu chỉ chú ý chút ít vào các thảm kịch biểu tình diễn ra ở các nơi khác.

Tổ chức Công bằng và chính xác trong đưa tin (FAIR) – một tổ chức nghiên cứu báo chí trụ sở đặt tại Mỹ – đã cung cấp số liệu cho thấy các bài báo trên truyền thông phương Tây đưa tin thiên vị về biểu tình Hong Kong.

FAIR nghiên cứu các bài báo của hai tổ chức báo chí lớn là New York Times và CNN về cách họ đưa tin về bốn cuộc biểu tình ở Hong Kong, Chile, Ecuador, và Haiti.

Kết quả là, sự thiên lệch khi đưa tin về các sự kiện này là rất lớn. Cụ thể, hai hãng tin nói trên đăng 730 bài về biểu tình Hong Kong, nhưng chỉ có 36 bài về biểu tình Chile, 28 về biểu tình ở Haiti và 12 bài về biểu tình Ecuador.

Nghiên cứu của FAIR cũng chỉ ra rằng, ngôn ngữ mà truyền thông phương tây sử dụng cũng khác nhau ở tùy từng nội dung bài báo. Chẳng hạn, khi nói về biểu tình ở Chile thì các bài báo này dùng tự ‘bạo động’, ở Chile thì là ‘biểu tình bạo lực’, nhưng ở Hong Kong thì lại là ‘các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ’.

Nghiên cứu của FAIR cũng chỉ ra rằng các bài báo này làm nhẹ đi bạo lực do người biểu tình Hong Kong gây ra.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50914584

 

Anh: Nữ hoàng dự lễ Giáng sinh

cùng gia đình ở Sandringham

Hoàng tử Andrew tỏ ra kín tiếng khi các thành viên của Hoàng gia Anh tham dự các khóa lễ nhà thờ Ngày Giáng sinh ở Sandringham tại Norfolk.

Trong khi một đám đông lớn công chúng theo dõi Nữ hoàng và các thành viên Hoàng gia đến dự khóa lễ chính vào lúc 11 giờ sáng, Hoàng tử Andrew đã tham dự một khóa lễ trước đó.

Hoàng tử Andrew cũng vắng mặt khi các thành viên Hoàng gia rời khỏi nhà thờ sau buổi lễ, để chào các thành viên của công chúng.

Chồng Nữ hoàng Anh vào bệnh viện qua đêm để theo dõi sức khỏe

Hoàng tử Anh Andrew “không nhớ” đã gặp một phụ nữ trẻ

Hoàng tử Anh và tỷ phú tai tiếng Jeffrey Epstein

Hoàng tế Philip, chống của Nữ hoàng Anh, người được xuất viện hôm thứ ba, 24/12/2019, đã không tham dự các hoạt động.

Trong khóa lễ nhà thờ hôm thứ Tư cũng lần đầu tiên xuất hiện Hoàng tử George và Công chúa Charlotte, đây là lần đầu tiên các thành viên ‘nhi đồng’ này của Hoàng gia tham dự buổi họp mặt Giáng sinh hàng năm tại Nhà thờ St Mary Magdalene.

Đã có suy đoán về việc Hoàng tử Andrew sẽ trở lại tham dự với Hoàng gia tại Sandringham ngày hôm nay, 25/12.

‘Vắng mặt’

Hoàng tử đã “rút lui” khỏi các trách vụ hoàng gia của mình sau các tranh cãi về mối liên hệ của ông với tỷ phú phạm các tội lạm dụng tình dục Jeffery Epstein.

Trong khi hầu hết các gia đình đến trước nghênh diện đám đông xếp hàng trên đường, Andrew, cùng với anh trai, đến nhà thờ trước đó và sử dụng một lối vào khác để dự lễ.

Phóng viên hoàng gia của BBC, Nicholas Witchell, nói rằng Hoàng tử Andrew ” vắng mặt đáng kể” trong buổi lễ nhà thờ lúc 11 giờ sáng.

Phóng viên của chúng tôi nói:

“Nếu hoàng tử tham dự [khóa lễ chính] thì sẽ có rất nhiều giới truyền thông đưa tin tập trung xung quanh ông. Ông đã trở thành… một điều gì đó ‘gây bối rối’ trong hiện tại đối với Hoàng gia.”Buổi lễ lúc 11 giờ được truyền hình trực tiếp tới hàng trăm du khách đã tập hợp bên ngoài Nhà thờ St. Mary Magdalene.

Một số người đã xếp hàng từ đầu giờ sáng thứ Tư với hy vọng được mục kích Hoàng gia.

Năm ‘gập ghềnh

Sự tham dự của Nữ hoàng tại nhà thờ trước thông điệp Giáng sinh của bà – trong đó Nữ hoàng sẽ mô tả năm 2019 là “khá gập ghềnh”.

Nữ hoàng sẽ nói rằng con đường không bao giờ “trơn tru” nhưng “những bước nhỏ” có thể chữa lành sự chia rẽ.

Thông điệp của Nữ hoàng được đưa ra sau một năm tranh luận chính trị căng thẳng về Brexit, cũng như một số sự kiện cá nhân ảnh hưởng đến Hoàng gia, như cuộc tranh cãi về người con trai – hoàng tử Andrew và sức khỏe của chồng bà.

Hoàng tế Phillip trở lại Sandringham vào đêm Giáng sinh sau khi trải qua bốn đêm trong bệnh viện.

Ông đã được đưa đến Bệnh viện King Edward VII ở London vào thứ Sáu, 20/12, theo lời khuyên của bác sĩ riêng.

Vị công tước 98 tuổi này đã rút khỏi các sinh hoạt công cộng vào tháng 8/2017 và lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông là tại một đám cưới ở vào tháng Năm của nữ thành viên Hoàng gia Gabriella Windsor.

Đây là lần đầu tiên Hoàng tử Andrew tái xuất hiện, khi ông dự một khóa lễ sớm vào thứ Tư từ sau cuộc phỏng vấn với chương trình Newsnight của BBC, trong đó ông được hỏi về mối quan hệ của mình với tỷ phú Jeffrey Epstein.

Chính là sau cuộc phỏng vấn này, đã có thông báo về việc Hoàng tử Andrew rút lui khỏi các hoạt động công cộng.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50911780

 

Phóng viên Nga mất việc

sau khi dám hỏi Putin một câu

Hiện chưa rõ lý do tại sao Alisa Yarovskaya lại mất việc tại một kênh truyền hình địa phương ở khu vực Yamal sau khi đặt một câu hỏi trong cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Putin.

Một số tin cho biết, giới chức ở khu vực Yamal, Bắc Cực, nằm ở phía tây bắc Siberia không hài lòng với câu hỏi của cô.

Tuy nhiên, Yarovskaya nói rằng cô đã nộp đơn từ chức.

Nhưng câu chuyện này cho thấy thách thức mà các nhà báo Nga gặp phải khi truy vấn giới lãnh đạo.

Ba kịch bản ‘Cái ô của Putin’

Bạn giống Obama hay Putin?

Vladimir Putin: 20 năm trong 20 bức ảnh

Người giúp Vladimir Putin trở thành tổng thống

Nữ phóng viên đã hỏi gì?

Khi cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/12 đã kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, chiếc micro được chuyển đến tay các nhà báo đến từ vùng Yamal.

Alisa Yarovskaya cầm chiếc micro, mặc dù nó rõ ràng là dành cho một nhà báo khác được người phát ngôn của ông Putin, Dmitry Peskov chọn.

Cô bắt đầu bằng cách nhấn mạnh vào vấn đề sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến khu vực Yamal, khiến tuyến đường biển ở Bắc Cực đang tan chảy.

Cơ sở hạ tầng địa phương, bao gồm cả tuyến đường sắt, đang được xây dựng.

Tuy nhiên, cô nói rằng việc xây dựng một cây cầu bắc qua sông Ob đang bị đình trệ. Cây cầu này kết nối hai thành phố địa phương, Salekhard và Labytnangi.

“Thống đốc của chúng tôi, Dmitry Artkyukhov, không có chút nỗ lực nào để biến điều này thành hiện thực,” Yarovskaya nói. “Tuy vậy, những vấn đề này ít được thảo luận và ngày càng ít hơn ở cấp liên

bang. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là chúng tôi có thể nhờ đến sự can thiệp ‘trọng pháo’ của liên bang hay không?”

Ông Putin nói, chính phủ liên bang không thể tùy ý chọn lựa một dự án cụ thể , nhưng ông nói, cây cầu Ob là một “kết nối chính” với cơ sở hạ tầng giao thông của khu vực, vì việc mở các cảng Bắc Cực là một sáng kiến ​​quan trọng phải được đồng bộ hóa với tăng trưởng vận chuyển hàng hóa.

Chính phủ đã nhận thức được vấn đề và sẽ quan tâm hơn, ông nói thêm.

Tại sao Yarovskaya mất việc?

Theo trang Ura.ru, các quan chức cấp cao ở quận Yamal-Nenets không hài lòng với câu hỏi của Yarovskaya và kênh truyền hình đã không hài lòng khi cô đã lấy chiếc micro khỏi tay một đồng nghiệp.

Tuy nhiên, trang này cũng chỉ ra rằng, chính quyền địa phương sở hữu kênh truyền hình mà cô đang làm việc. Ura.ru dẫn lời một nguồn tin chính phủ nói rằng, thống đốc không đánh giá cao hành động này và một câu hỏi khác về tuyến đường ray đã được đồng ý trước để được hỏi.

Cuộc họp báo luôn là một cuộc tranh giành của các nhà báo để được đặt câu hỏi, như Steve Rosenberg của BBC đã đặt câu hỏi về việc Thủ tướng Anh gọi ông Putin với nhân vật yêu tinh (Dobby) trong Harry Potter.

“Boris Johnson so sánh ông với Dobby”, nhà báo BBC Steve Rosenberg hỏi Tổng thống Nga Vladimir Putin (tiếng Anh)

Tuy nhiên, Yarovskaya nói với một số báo chí Nga rằng, cô đã nộp đơn từ chức thay vì bị sa thải, nhưng không nói liệu nó có liên quan đến câu hỏi của cô không.

Một bản tin cho rằng vụ việc có thể liên quan đến một bài đăng trên Facebook, trong đó Yarovskaya bình luận về một tấm hình của ông Putin.

“Tôi không thấy botox [một hợp chất tác động đến cơ mặt để làm giảm nếp nhăn] hoặc chất làm đầy. Ông ta trông đúng với độ tuổi của ông ta,” bình luận của Yarovskaya.

Bình luận này không thể được xác minh vì bài đăng đã bị xóa.

Người phát ngôn của ông Putin hôm thứ Ba nói không rõ lý do cô ra đi là gì và liệu cô đã bị từ chức hay bị sa thải, theo trang web của tờ Izvestia đưa tin.

Tuy nhiên, sa thải là thẩm quyền của biên tập viên kênh truyền hình.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50910442

 

Hỏa tiễn bắn từ Gaza

khiến Thủ Tướng Israel phải chạy đến nơi trú ẩn

Tin từ ASHKELON, Israel – Vào hôm thứ Tư (25/12), một hỏa tiễn được phóng từ Dải Gaza tại một thành phố phía nam Israel khi một cuộc vận động tranh cử của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang diễn ra, khiến ông phải chạy tìm nơi trú ẩn trong một thời gian ngắn trước khi tiếp tục sự kiện.

Theo tin từ Reuters, quân đội Israel xác nhận vụ phóng hỏa tiễn đến Ashkelon, cách 12 km (7.5 dặm) từ vùng đất ven biển của Palestine, và tuyên bố hỏa tiễn bị bắn rơi bởi một hệ thống đánh chặn hỏa tiễn phòng không có tên Vòm Sắt. Hiện vẫn chưa có ai tuyên bố nhận trách nhiệm ở Gaza, nơi nằm dưới sự kiểm soát của những người Hồi giáo Hamas và nơi một phe vũ trang nhỏ hơn, nhóm Hồi giáo Jihad, bắn nhau với Israel trong một đợt bùng phát bạo lực kéo dài hai ngày vào tháng trước.

Các đài truyền hình Israel chiếu cảnh ông Netanyahu, người đang vận động để giữ quyền lãnh đạo đảng Likud bảo thủ trong một cuộc bầu cử nội bộ vào hôm thứ Năm, được các vệ sĩ hộ tống ra khỏi khán đài. Các bài báo cho biết ông được đưa đến một nơi trú ẩn sau khi còi báo động vang lên.

Đây là vụ báo động thứ hai sau khi màn xuất hiện vào tháng 9 của ông Netanyahu ở thị trấn Ashdod gần đó bị gián đoạn trong một thời gian ngắn bởi một tiếng còi hỏa tiễn. Israel châm ngòi cho cuộc giao tranh tháng 11 ở Gaza bằng cách ám sát ông Baha Abu Al-Atta, một chỉ huy của nhóm Hồi giáo Jihad mà họ cáo buộc ra lệnh phóng hỏa tiễn vào Ashdod. (BBT)

https://www.sbtn.tv/hoa-tien-ban-tu-gaza-khien-thu-tuong-israel-phai-chay-den-noi-tru-an/

 

Thủ tướng Nhật Bản cho rằng quan hệ với Trung Cộng

sẽ không cải thiện nếu không có sự ổn định ở Biển Đông

Tin từ Thành Đô, Trung Cộng – Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết vào hôm thứ Tư (25/12), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo với Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường rằng quan hệ song phương sẽ không thực sự cải thiện nếu không có sự ổn định ở Biển Đông. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo tổ chức một cuộc họp song phương tại thành phố Thành Đô của Trung Cộng, bên lề hội nghị thượng đỉnh ba chiều với Nam Hàn. Ông Abe cũng kêu gọi ông Lý Khắc Cường nhanh chóng gỡ bỏ các hạn chế nhập cảng đối với các sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản, theo Bộ ngoại giao cho biết trong một bản tóm tắt cuộc họp.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/thu-tuong-nhat-ban-cho-rang-quan-he-voi-trung-cong-se-khong-cai-thien-neu-khong-co-su-on-dinh-o-bien-dong/

 

Nhật treo cổ

người đàn ông Trung Quốc phạm tội giết người

Nhật Bản vừa thi hành án treo cổ một người đàn ông Trung Quốc vì can tội giết chết bốn người trong một gia đình. Đây là vụ hành quyết người nước ngoài đầu tiên trong 10 năm qua, theo BBC.

Tử tù Trung Quốc có tên là Wei Wei, cùng với hai đồng phạm đã can tội giết người vào năm 2003. Hai đồng phạm của y đã trốn sang Trung Quốc, và cũng đã bị chính quyền nước này xử một người án tử hình vào năm 2005 và người kia bị kết án tù chung thân.

“Đây là một vụ án cực kỳ tàn bạo, trong đó các thành viên gia đình đang sống hạnh phúc, bao gồm một cháu bé 8 tuổi và một cháu 11 tuổi, đều bị sát hại vì những nguyên do thực sự ích kỷ”, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Masako Mori nói.

Wei Wei, một cựu sinh viên ngôn ngữ ở độ tuổi 40, đã thừa nhận hành vi giết người nhưng phủ nhận việc hắn ta là chủ mưu.

Wei bị kết tội cướp và giết một chủ cửa hàng quần áo, vợ và hai con nhỏ của ông tại nhà của họ ở tỉnh Fukuoka. Wei và hai đồng phạm Trung Quốc đã buộc vật nặng vào các thi thể và ném xuống biển, bà Mori cho biết trong một cuộc họp báo.

Bà Mori cho biết bà đã ký lệnh thi hành án tử hình Wei sau khi xem xét cẩn thận, và cân nhắc kỹ lưỡng phong trào chống hành quyết quốc tế. Bà nói Nhật Bản là một quốc gia tuân thủ luật pháp và việc xử tử này dựa trên hệ thống tư pháp hình sự của Nhật, theo trang Los Angeles Times.

Theo hãng tin Đức DW, việc hành quyết Wei là trường hợp đầu tiên kể từ khi chính phủ Nhật bắt đầu tiết lộ danh tính những người bị kết án tử hình vào năm 2007.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-treo-co-nguoi-dan-ong-trung-quoc-pham-toi-giet-nguoi/5221114.html

 

Hàn Quốc phản đối

‘phiên bản TQ’ phát biểu của ông Moon về Hong Kong

Seoul đã đi ngược lại nỗ lực của Bắc Kinh khi nước này muốn khẳng định rằng Hàn Quốc ủng hộ quan điểm chính thức của Trung Quốc về Hong Kong và Tân Cương.

Theo South China Morning Post, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời rằng Hong Kong và Tân Cương là công việc nội bộ của Trung Quốc.

Biểu tình Hong Kong: Đụng độ đêm Giáng sinh

Người chụp hình Thiên An Môn mong dân Hong Kong an toàn

Câu chuyện của một sinh viên biểu tình Hong Kong

Nhìn lại 6 tháng biểu tình ở Hong Kong qua hình ảnh

Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Moon khi ông Moon đang có các cuộc họp ở Bắc Kinh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập cũng gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dịp này.

Nhưng người ta không thể tìm thấy những lời nói trên của ông Moon trong bài phát biểu chính thức do chính phủ Hàn Quốc công bố. Sau đó vào thứ Ba, người phát ngôn của Nhà Xanh – văn phòng Tổng thống Hàn Quốc – đã có tuyên bố để làm rõ.

“Chủ tịch Tập Cận Bình đã giải thích rằng các vấn đề Hong Kong và Tân Cương là vấn đề nội bộ. Tổng thống Moon đáp lại rằng ‘xin ghi nhận’,” người phát ngôn Ko Min-jung nói.

Tổng thống Moon – người gần như yên lặng kể từ khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong nổ ra – là lãnh đạo quốc gia mới nhất được Trung Quốc trích lời liên quan đến việc ủng hộ chính sách của Trung Quốc về Hong Kong.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, trong khi đó, cho hay ông Abe đã nói với ông Tập rằng Hong Kong “nên được tự do và mở cửa”, đồng thời hối thúc Trung Quốc tiếp tục ‘kiềm chế’ ở Hong Kong, hi vọng “tình hình sớm được giải quyết”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuy nhiên đã không đề cập đến phát biểu của ông Abe trong tuyên bố của mình.

Trung Quốc luôn lặp đi lặp lại rằng Hong Kong và Tân Cương là vấn đề nội bộ của mình và buộc tội các “thế lực nước ngoài” đã can thiệp vì mục đích chính trị.

Trung Quốc đã đối mặt với chỉ trích gay gắt từ Mỹ và nhiều nước phương Tây về vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và Tân Cương – nơi được cho là giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo thiểu số Uygur.

Từ tháng 11/2019, Trung Quốc đã đưa ra nhiều thông cáo chính thức trong đó trích dẫn lời một số lãnh đạo các nước ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Hong Kong và Tân Cương, sau các cuộc gặp của các vị này với ông Tập Cận Bình.

Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao Trung Quôc đã trích lời Tổng thống Suriname, ông Desi Bouterse, và trích lời Tổng thống Micronesia,ông David W. Panuelo, rằng “Hong Kong và Tân Cương là vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Chỉ có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống El Salvado, ông Nayib Bukele, là hai lãnh đạo nước ngoài duy nhất đã gặp ông Tập trong tháng qua nhưng không được Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích lời về vấn đề Hong Kong.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50909243

 

Bộ Ngoại giao Triều Tiên đáp trả Hoa Kỳ

 về nhân quyền: “Mèo không sợ tiếng chuột”

Minh Luật

Hôm 21/12/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã ví những nhận xét của Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ như là “tiếng kêu của một con chuột” khi đề cập đến tình hình nhân quyền tại Triều Tiên.

Trong một bài trả lời phỏng vấn VOA, Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ về dân chủ, nhân quyền và lao động, ông Robert Destro nói rằng “Washington phải giao chiến với một kẻ vi phạm nhân quyền như Triều Tiên để buộc họ thay đổi hành vi của mình”.

Đáp lại những nhận xét này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng, những nhận xét của ông Robert Destro là “sự liều lĩnh chống lại CHDCND Triều Tiên”.

Những từ ngữ độc hại như vậy xuất hiện vào thời điểm mối quan hệ Mỹ Triều đang rất nhạy cảm, chỉ mang lại kết quả làm nghiêm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng, như đổ thêm dầu vào lửa”, Thông Tấn Xã Triều Tiên dẫn lời.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ “nên coi chừng cái miệng của ông”. Và cho biết “một con mèo không bao giờ sợ hãi trước tiếng kêu của một con chuột”.

Cơ quan truyền thông này cũng lên án Hoa Kỳ “cần chấm dứt tất cả các vi phạm nhân quyền không thể được biện minh, bao gồm giết người, hiếp dâm, phân biệt chủng tộc, ngược đãi người nhập cư, trước khi chọc mũi vào các vấn đề nội bộ của nước khác”.

“Nhân quyền là quyền nhà nước và quyền chủ quyền đối với quốc gia, dân tộc”, Người phát ngôn Triều Tiên lý giải. “Nếu Hoa Kỳ dám làm suy yếu hệ thống của chúng tôi bằng cách đưa ra ‘vấn đề về nhân quyền’, thì sẽ phải trả giá đắt cho một hành động như vậy”.

Liên Hợp Quốc tiếp tục ra nghị quyết lên án Triều Tiên

Hôm 18/12/1019, tại phiên họp toàn thể lần thứ 74, Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết về tình hình nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên mà không cần biểu quyết, do Ủy ban thứ 3 phụ trách nhân quyền thuộc Liên hợp quốc đệ trình vào tháng trước.

Nghị quyết năm nay cũng tương tự như các nghị quyết trước đây về nhân quyền ở Triều Tiên. Nội dung lên án chính quyền Triều Tiên đã thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và thô bạo, được thực hiện có tổ chức trên diện rộng trong một thời gian dài như bắt cóc, giam giữ tùy tiện, tra tấn, cưỡng bức lao động, và tước đoạt hầu như tất cả các quyền dân sự và chính trị của người dân.

Hơn hết, Nghị quyết lần này đạt được một bước tiến mạnh mẽ khi coi các hành vi vi phạm này đã lên tới mức tội ác chống lại loài người và khuyến nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đưa vấn đề nhân quyền của Triều Tiên ra Tòa án Hình sự Quốc tế để có biện pháp trừng phạt thích đáng đối với “người chịu trách nhiệm cao nhất” – ám chỉ trực tiếp đến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, Kim Song nói trước Đại Hội Đồng rằng “Nghị quyết không liên quan gì đến việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền thực sự, vì đây là một sản phẩm điển hình của các âm mưu chính trị từ các thế lực thù địch nhằm làm mờ đi phẩm giá và hình ảnh của CHDCND Triều Tiên, cũng như tìm cách lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa của chúng tôi”.

Đầu tháng 12, Thông Tấn Xã Triều Tiên loan báo, phía Triều Tiên đã chuẩn bị “món quà Giáng Sinh” được gửi đến cho Hoa Kỳ. Các nhà phân tích thời sự cho biết, nhiều khả năng món quà này là một vụ thử tên lửa tầm xa của chính quyền Bình Nhưỡng vào ngày 24/12.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/north-korea-mofa-compares-th-us-to-a-mouse-12262019093123.html

 

Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ

triển khai máy bay do thám đến bán đảo Triều Tiên

Thanh Phương

Báo chí Bắc Triều Tiên hôm nay, 26/12/2019, đã lên án việc Hoa Kỳ và Hàn Quốc tăng cường giám sát các mục tiêu quân sự của Bắc Triều Tiên, xem đây là những hành động gây hấn.

Trong hai ngày thứ ba và thứ tư tuần này, quân đội Mỹ đã triển khai 4 máy bay do thám đến bán đảo Triều Tiên, vào lúc mọi người lo ngại là Bình Nhưỡng sẽ bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa như là một « món quà Noel » tặng Hoa Kỳ. Trước đó, hôm thứ hai, Hàn Quốc cũng đã đưa vào hoạt động máy bay trinh sát không người lái tầm cao Global Hawk đầu tiên của nước này.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, phản ứng lại việc triển khai những máy bay nói trên, trang mạng tuyên truyền Meari của Bắc Triều Tiên hôm nay viết : « Chúng ta đang theo dõi sát những hành động gây hấn của các thế lực thù địch. Những thế lực đó phải biết rằng sự kiên nhẫn của chúng ta cũng có giới hạn ».

Bình Nhưỡng đã dọa sẽ đi theo « một con đường mới », nếu từ đây đến cuối năm, Washington không đưa ra đề nghị gì mới để thúc đẩy đàm phán về phi hạt nhân hóa với Bắc Triều Tiên, hiện vẫn gặp bế tắc sau thất bại của thượng đỉnh Hà Nội tháng 02/2019.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Bình Nhưỡng là không nên có những hành động khiêu khích, vì làm như thế sẽ mất tất cả. Bắc Triều Tiên đã đáp lại rằng họ chẳng còn gì để mất.

Theo Yonhap, lời đe dọa về « món quà Noel » chưa biến thành hành động, chế độ Kim Jong Un vẫn giữ im lặng trong suốt ngày lễ Giáng sinh, thế nhưng căng thẳng vẫn cao độ, do Bình Nhưỡng có thể thông báo những quyết định quan trọng về quân sự trong những ngày tới.

Các chuyên gia phỏng đoán rằng hiện giờ Bắc Triều Tiên có thể chưa bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa trước khi diễn ra hai sự kiện quan trọng : phiên họp toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vào cuối năm và chủ tịch Kim Jong Un đọc diễn văn mừng năm mới.

Hôm qua, nhật báo chính thức Rodong Shimun đã đăng một bài báo về nỗ lực của Bắc Triều Tiên về cái gọi là « phát triển không gian hòa bình », cho thấy có thể là Bình Nhưỡng sẽ bắn thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa dưới vỏ bọc một cuộc phóng vệ tinh nhân tạo.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191226-b%C3%ACnh-nh%C6%B0%E1%BB%A1ng-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-m%E1%BB%B9-tri%E1%BB%83n-khai-m%C3%A1y-bay-do-th%C3%A1m-%C4%91%E1%BA%BFn-b%C3%A1n-%C4%91%E1%BA%A3o-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn

 

Viễn cảnh 66 tiêm kích F-16V Đài Loan

đối đầu KQ Trung Quốc:

Bắc Kinh có “ngậm trái đắng”?

Sau khi tiếp nhận 66 chiếc F-16V, tổng số máy bay chiến đấu của Không quân Đài Loan sẽ tăng lên 350 chiếc.

Theo tờ Focus Taiwan, 66 tiêm kích F-16 C/D Block 70 (còn được gọi là F-16V), mới được bổ sung cho Không quân Đài Loan, sẽ được triển khai tại đông Đài Loan để tăng cường năng lực phòng thủ của hòn đảo này trước các tàu sân bay Trung Quốc.

Trước đó, Đài Loan thông báo đã chính thức chốt thỏa thuận F-16V với Mỹ hồi đầu tháng này, sau khi hai phía ký kết chứng thư để triển khai dự án mua sắm mới.

Các quan chức quân sự cho biết, Mỹ dự kiến sẽ chuyển giao cho Đài Loan một chiếc F-16C Block 70 (một chỗ ngồi) và một chiếc F-16D Block 70 (hai chỗ ngồi) vào năm 2023 để thử nghiệm. Các đợt chuyển giao chính thức 66 chiếc còn lại cho Đài Loan sẽ hoàn tất vào năm 2026.

Một nguồn tin trong quân đội Đài Loan cho biết, sau khi tiếp nhận 66 chiếc F-16V, tổng số máy bay chiến đấu của Không quân Đài Loan sẽ tăng lên 350 chiếc.

Không quân Đài Loan hiện vận hành 46 chiếc Mirage-2000, 105 chiến đấu cơ nội địa Ching-kuo, và 142 chiếc F-16A/B đang được nâng cấp để có cùng thông số kỹ thuật với F-16V.

Số lượng máy bay của Đài Loan vẫn chưa thấm vào đâu khi so với 2.000 chiến đấu cơ của Không quân Trung Quốc (700 chiếc trong số này được triển khai tại các căn cứ ở bờ biển đông nam Trung Quốc, tạo ra mối đe dọa trực tiếp với Đài Loan).

Song, nguồn tin trên cho rằng, Đài Loan sẽ có cơ hội phòng thủ tốt hơn với 350 máy bay chiến đấu, cùng với các hệ thống phòng không, và các chiến dịch phòng không liên hợp có sự tham gia của toàn bộ các binh chủng.

Về vấn đề đạn dược, nguồn tin cho biết các chiến đấu cơ Đài Loan được vũ trang tốt hơn so với các tiêm kích thế hệ cũ của Trung Quốc, như J-10, J-11, Su-30 và Su-35. Tiêm kích Đài Loan không thể ngang ngửa với tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc nhưng chúng có thể kiềm chế J-20 với sự hỗ trợ của các máy bay cảnh báo sớm E-2K.

Cũng theo nguồn tin, 66 chiếc F-16V mới sẽ được bố trí tại căn cứ không quân Taitung ở đông Đài Loan. 56 chiếc trong số này là bản một chỗ ngồi, số còn lại là bản hai chỗ ngồi, điều đó đồng nghĩa Không quân Đài Loan sẽ cần 107 phi công để vận hành các máy bay mới.

Bình luận về thông tin triển khai của phi đoàn F-16V mới, ông Lin Ying-yu – Phó Giáo sư tại Viện Các vấn đề Quốc tế và Chiến lược – Đại học Chung Cheng cho rằng quyết định bố trí các máy bay chiến đấu F-16 tiên tiến tại đông Đài Loan là nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía các tàu sân bay Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ qua, hầu hết các cơ sở quân sự và hệ thống vũ khí của Đài Loan đều được triển khai tại tây Đài Loan, do mối đe dọa quân sự trực diện nhất đến từ phía bên kia eo biển.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng năng lực quân sự để triển khai máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và tàu hải quân băng qua “chuỗi đảo thứ nhất” vào Tây Thái Bình Dương một cách thường xuyên, ông Lin cho rằng mối đe dọa quân sự hiện nay còn đến từ đông Đài Loan.

Gần đây, các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh có thể sẽ điều một tàu sân bay đi về phía nam tới dọc eo biển Đài Loan, và tàu còn lại sẽ băng qua bờ biển đông Đài Loan để tới hướng bắc, nhằm đe dọa Đài Loan từ cả hai phía.

Theo ông Lin, việc triển khai các tiêm kích F-16V và tên lửa chống tàu Hsiung Feng III ở bờ biển phía đông sẽ đóng vai trò như nhân tố răn đe, ngăn chặn sự đe dọa từ quân đội Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc đã biên chế tàu Sơn Đông – tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này. Chiếc Liêu Ninh trước đó được Bắc Kinh tân trang lại từ con tàu mua lại của Ukraine năm 1998. Tàu Liêu Ninh được đưa vào biên chế năm 2012.

http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/32270-vien-canh-66-tiem-kich-f-16v-dai-loan-doi-dau-kq-trung-quoc-bac-kinh-co-ngam-trai-dang.html

 

Quân đồn trú Trung Quốc ở Hong Kong

 tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

Kênh truyền hình quân đội Trung ương Trung Quốc hôm 24/12 công bố một video cho biết quân đội Trung Quốc ở Hong Kong vừa thực hiện một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, nhưng không cho biết thời gian và địa điểm cụ thể.

Trang tin South China Morning Post (SCMP) cho biết đoạn video được công bố trên tài khoản mạng xã hội của kênh truyền hình quân đội Trung ương Trung Quốc, đồng thời cho biết là cuộc tập trận diễn ra trong những ngày gần đây.

Theo South China Morning Post, tàu chiến của Hải quân Trung Quốc là Qinzhou đã tham gia cuộc tập trận. Đoạn video cho thấy tàu này phóng tên lửa chặn để tránh các cuộc tấn công bằng tên lửa từ kẻ thù. Quân lính tham gia tập trận dường như đang tập luyện các hành động khẩn cấp trong diễn tập. Tất cả quân lính trên tàu đều mặc đồng phục và trang bị có dấu Hải quân Trung Quốc.

Một bài báo đi cùng với video cho biết cuộc tập trận được thực hiện bởi một tiểu đoàn hải quân, nằm trong kế hoạch diễn tập hàng năm bao gồm diễn tập chiến trường ở Biển Đông cho đơn vị hải quân đóng ở Hong Kong.

SCMP cho biết, hồi tháng 7, quân đồn trú quân đội Trung Quốc ở Hong Kong cũng thực hiện diễn tập tuần tra không – hải quân, bao gồm việc cho tàu đi qua cảng Hong Kong. Cuộc diễn tập được thực hiện vào khi nhiều cuộc biểu tình đòi dân chủ đang diễn ra tại Hong Kong.

Từ đầu tháng 6 đến nay, người Hong Kong đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia, có khi lên đến hơn 1 triệu người. Những người biểu tình phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh vào Hong Kong, và đòi dân chủ cho Hong Kong.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói quân đồn trú quân đội Trung Quốc ở Hong Kong có quyết tâm, tự tin và khả năng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và duy trì sự thịnh vượng lâu dài cho Hong Kong.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/scs-live-fire-drill-for-pla-hongkong-garrison-12252019084117.html

 

Người biểu tình tụ tập

cho cơm ăn tối Giáng Sinh miễn phí tại Hồng Kông

Tin từ HỒNG KÔNG – Hàng trăm người biểu tình chống chính phủ và những người ủng hộ họ tập trung bên ngoài một nhà hàng nhỏ ở Hồng Kông cho một bữa ăn Giáng sinh độc đáo, chia sẻ những đĩa giấy xếp đầy thức ăn dưới bảng hiệu neon.

Anh Glory, 31 tuổi chủ của nhà hàng Kwong Wing Catering, dọn ra các khay bạc chứa mì, gà chiên và mì ống. Tất cả các món ăn được cung cấp vào hôm thứ Tư đều miễn phí và được chuẩn bị bởi nhà hàng hoặc được tặng bởi một số nhà tài trợ.

Bên ngoài quán ăn, hàng trăm khách hàng, nhiều người trong số họ là những người biểu tình tạm nghỉ, xếp hàng chờ đợi. Cô Jeanette, một sinh viên đại học 22 tuổi, uống trà sữa trân châu và ăn bánh pudding cùng cô bạn Yoyo khi họ thảo luận về kế hoạch nghỉ lễ của họ. Họ thường đón Giáng sinh với gia đình, nhưng cảm thấy rằng năm nay phải khác. Cả hai người phụ nữ cho biết họ tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa kể từ mùa hè.

Kwong Wing Catering là một trong nhiều doanh nghiệp thuộc “nền kinh tế vàng” trên khắp Hồng Kông, được biết đến với sự hỗ trợ của họ cho chiến dịch dân chủ. Các mảnh giấy ghi chú đầy màu sắc với những lời lẽ khích lệ từ khách hàng được đính trên cửa sổ nhà hàng.

Một trong những đầu bếp dự định nấu ăn tại quán ăn trở thành một anh hùng dân gian sau khi nấu ăn cho những người biểu tình bị bao vây tại Đại học Bách khoa vào tháng 11. (BBT)

https://www.sbtn.tv/nguoi-bieu-tinh-tu-tap-cho-com-an-toi-giang-sinh-mien-phi-tai-hong-kong/

 

Các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông

 tiếp tục biểu tình trong lễ Giáng Sinh

Tin từ HỒNG KÔNG – Vào hôm thứ Tư (25/12), những người biểu tình chống chính phủ Hồng Kông diễn hành qua các trung tâm mua sắm được trang trí Giáng sinh, hô khẩu hiệu ủng hộ dân chủ và buộc một trung tâm phải đóng cửa sớm, khi cảnh sát bắn hơi cay để giải tán đám đông tụ tập trên đường phố gần đó.

Theo tin từ Reuters, các cuộc biểu tình xuất hiện nhiều cuộc đụng độ hơn trong mùa lễ, mặc dù trước đó vào tháng 12 các cuộc biểu tình này đa phần ôn hòa sau khi các ứng cử viên dân chủ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hội đồng quận. Bất chấp kết quả đáng xấu hổ, các nhà lãnh đạo ủng hộ Bắc Kinh của Hồng Kông vẫn chưa đưa ra những nhượng bộ mới. Cảnh sát chống bạo động tuần tra một số khu phố trong khi khách du lịch và người mua sắm, nhiều người đội mũ ông già Noel hoặc gạc tuần lộc, đi ngang qua. Dù không có cuộc đụng độ lớn nào diễn ra, nhưng với đám đông tức thì hình thành để chửi mắng những viên chức không được lòng dân, những người bị buộc tội sử dụng vũ lực quá mức, cảnh sát bắn hơi cay ở Mong Kok, một khu vực biểu tình phổ biến. Cảnh sát tuyên bố rằng họ kiềm chế phản ứng của họ đối với tình trạng bất ổn.

Hàng trăm người biểu tình, mặc đồ đen và đeo mặt nạ, kéo xuống các trung tâm mua sắm quanh thành phố do Trung Cộng cai trị và hô to các khẩu hiệu phổ biến. Cảnh sát bắt giữ một số người trong một trung tâm mua sắm ở quận Sha Tin sau khi xịt hơi cay vào họ. Trung tâm mua sắm này đóng cửa sớm.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/cac-nha-hoat-dong-dan-chu-hong-kong-tiep-tuc-bieu-tinh-trong-le-giang-sinh/

 

Cảnh sát Hồng Kông bắn hơi cay

để giải tán người biểu tình trong đêm Giáng Sinh

Tin từ HỒNG KÔNG – Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông bắn hơi cay vào hàng ngàn người biểu tình, sau nhiều vụ ẩu đả trong trung tâm mua sắm và tại một quận du lịch khi các cuộc biểu tình chống chính phủ diễ ra trong hỗn loạn vào đêm Giáng sinh.

Theo tin từ Reuters, người biểu tình bên trong trung tâm thương mại ném dù và các đồ vật khác vào cảnh sát, và cảnh sát phản ứng bằng cách đánh một số người biểu tình bằng dùi cui, với một người chĩa súng vào đám đông, nhưng không nổ súng. Cảnh sát bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình chiếm các con đường chính bên ngoài trung tâm thương mại và các khách sạn sang trọng gần đó, bao gồm cả khách sạn Peninsula. Trong lúc đó, nhiều gia đình có trẻ em tụ tập ở cùng khu vực để xem đèn Giáng sinh dọc theo lối đi dạo ở khu du lịch Tsim Sha Tsui East ở Kowloon, một khung cảnh ngoạn mục của đảo Hồng Kông ở phía đối diện của Kowloon. Các cuộc biểu tình, hiện đang trong tháng thứ bảy, giảm bớt quy mô và cường độ so với các cuộc đối đầu bạo lực trước đó. Theo các nhà tổ chức, một cuộc biểu tình ôn hòa hồi đầu tháng này vẫn thu hút 800,000 người, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với phong trào này.

Hàng loạt những người biểu tình mặc áo đen, đeo mặt nạ hô vang các khẩu hiệu khi họ diễn hành trong các trung tâm thương mại. Tại một trung tâm thương mại ở quận Mong Kok, cũng trên bán đảo Kowloon, cảnh sát đã sử dụng bình xịt hơi cay để giải tán một số người biểu tình.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/canh-sat-hong-kong-ban-hoi-cay-de-giai-tan-nguoi-bieu-tinh-trong-dem-giang-sinh/

 

Người biểu tình Hong Kong

tràn vào khu trung tâm thương mại

Hàng trăm người biểu tình đã tuần hành qua các trung tâm mua sắm Hong Kong hôm 26/12, làm gián đoạn việc kinh doanh tại trung tâm tài chính châu Á trong ngày thứ ba liên tiếp vào đúng dịp Giáng sinh và khiến cảnh sát chống bạo động đóng cửa một trung tâm mua sắm, theo Reuters.

“Các cuộc biểu tình ở các địa điểm mua sắm” diễn ra trên khắp thành phố Hong Kong từ đêm Giáng sinh, có khi trở nên bạo lực với việc cảnh sát bắn hơi cay để giải tán người biểu tình ở những khu vực đông người.

Cảnh sát chống bạo động hôm 26/12 đã tăng cường tuần tra tại các trung tâm mua sắm trên bán đảo Kowloon và khu vực New Territories.

Hàng chục cảnh sát mang dùi cui và khiên vây quanh và phong tỏa trung tâm mua sắm Langham Place ở quận Tsim Sha Tsui ở Kowloon sau khi nhóm người biểu tình mặc đồ đen, đeo mặt nạ chiếm giữ khu trung tâm này.

Trong một thông điệp đăng trên Facebook hôm 25/12, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam lên án những người biểu tình, nói rằng nhiều người Hong Kong và du khách đã thất vọng vì lễ Giáng sinh của họ đã bị phá hủy, trong khi các doanh nghiệp địa phương cũng bị ảnh hưởng.

Hôm 26/12, một số nhà hàng và cửa hàng trong các trung tâm thương mại đã phải đóng cửa khi những người biểu tình trong trang phục màu đen và mang cờ đen, diễu hành qua phố, vẫn theo Reuters.

Chính quyền thành phố đã chỉ trích “tình trạng bạo lực chưa có tiền lệ” của một số người biểu tình, nhưng nói rằng bảo vệ các quyền tự do và nhân quyền vẫn là ưu tiên hàng đầu.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-tran-khu-thuong-mai/5221038.html

 

Năm 2019:

Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Trung Quốc

rơi vào khó khăn, thách thức chưa từng có

Năm 2019 cũng là năm Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập, tuy nhiên, năm nay cũng là một năm khó khăn, thách thức chưa từng có đối với Trung Quốc, nhất là trong một số lĩnh vực như Đài Loan, Hồng Công, Tây Tạng, chiến tranh thương mại với Mỹ, tình hình kinh tế, ổn định xã hội…

Thành tựu trong 70 năm qua

Trong 70 năm qua, thu nhập bình quân đầu người khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949 là gần 700 USD (theo thời giá hiện nay), chưa bằng 5% so với Mỹ. Khoảng 95% dân số sống dưới mức nghèo theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Trung Quốc đã đạt được một số cải thiện trong giai đoạn đầu lập quốc. Từ năm 1951 đến 1977, mức tiêu thụ bình quân đầu người tăng khoảng 50%, mặc dù sai lầm trong Đại nhảy vọt (kế hoạch xã hội và kinh tế năm 1958 – 1962 với mục tiêu chuyển tiếp nhanh chóng từ nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp sang xã hội công nghiệp Cộng sản hiện đại) đã gây ra sự sụp đổ kinh tế, khiến Trung Quốc mất 1/3 GDP. Năm 1978, khi kỷ nguyên Cải cách và Mở cửa bắt đầu, Trung Quốc vẫn trong cảnh khó khăn. Gần 90% dân số sống trong nghèo đói, Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% thị phần kinh tế thế giới và nền kinh tế của họ chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nông thôn và đóng cửa với giao thương bên ngoài.

Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khi đó đã cho thực hiện các cải cách như mở cửa cho đầu tư và thương mại nước ngoài, đưa ra ý tưởng mới về quản lý kinh tế, tự do hóa giá cả, cho phép khu vực tư nhân phát triển, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và con người. Nhờ vậy Trung Quốc trải qua “phép màu” kinh tế kéo dài 4 thập kỷ.

Tăng trưởng hàng năm ở mức trung bình 9,5%, GDP tăng từ 367,9 tỷ NDT năm 1978 lên 90 nghìn tỷ NDT (13,18 nghìn tỷ USD) vào năm ngoái. GDP bình quân đầu người tăng từ 200 USD năm 1979 lên khoảng 10.000 USD năm ngoái. Cuối năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đến năm 2017 đứng thứ 75 trên thế giới về GDP bình quân đầu người. Tuổi thọ người dân tăng từ 66 năm 1979 lên 76 vào năm 2016.

Trong một số lĩnh vực kinh tế như xuất khẩu, dự trữ ngoại hối, điện thoại di động, sử dụng internet và doanh số bán xe hơi, Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới. Trong thập kỷ qua, họ đã trở thành “động lực” chính của tăng trưởng toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc họ có thêm nguồn lực để tăng cường hiện diện và ảnh hưởng ở nước ngoài, cho phép họ tài trợ các chương trình và dự án cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới, từ châu Á, châu Phi đến Mỹ Latinh.

Khó khăn và thách thức bao trùm

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không được coi là một nước phát triển và cũng không thể được mô tả là quốc gia giàu có. Họ là một “gã khổng lồ” đang phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc năm ngoái là 10.000 USD, thấp hơn mức trung bình toàn thế giới là 11.570 USD, kém xa mức 62.641 USD của Mỹ và mức trung bình 48.610 USD của các nền kinh tế phát triển, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Trong các lĩnh vực khác, bao gồm khoa học và công nghệ, thành tựu của Trung Quốc ít ấn tượng hơn. Mặc dù có sự phát triển nhanh chóng về viễn thông, năng lượng mới và trí tuệ nhân tạo trong thập kỷ qua, họ vẫn chưa đuổi kịp phương Tây về khoa học truyền thống, nghiên cứu học thuật và giáo dục. Kể từ khi giải Nobel lần đầu tiên được trao năm 1901, người châu Âu đã giành 480 giải, người Mỹ 375, còn người Trung Quốc đạt ba giải. Miao Yu, cựu bộ trưởng khoa học và công nghệ Trung Quốc, đánh giá nghiên cứu khoa học của Trung Quốc xếp hạng thứ tư. Ông xếp Mỹ ở thứ nhất; Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp thứ hai và các quốc gia khác như Canada, Italy, Australia và Israel thứ ba. Môi trường cũng là vấn đề Trung Quốc cần cải thiện. Kể từ năm 2012, Cơ quan Năng lượng Quốc tế xếp Trung Quốc là quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới. “Tất cả những điểm yếu này phải được giải quyết nếu Trung Quốc muốn đạt được vị thế nước phát triển và nhận được sự tôn trọng của cộng đồng thế giới”, Huang viết.

Mặc dù đã đạt được thành tựu kinh tế, đà tăng trưởng của Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Tăng trưởng kinh tế năm 2007 của Trung Quốc là 14,23%, giảm xuống 9,5% năm 2011, 7,3% năm 2014 và 6,6% vào năm ngoái. Xu hướng đó tiếp tục tăng tốc theo từng quý kể từ năm ngoái. Mức tăng trưởng 6,2% của giai đoạn tháng 4 đến tháng 6 là số liệu quý thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận tháng 3/1992. Trung Quốc cũng đối mặt với các thách thức lớn như biểu tình Hong Kong và vấn đề Đài Loan, chiến tranh thương mại với Mỹ…

Những khó khăn, thách thức mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt không chỉ liên quan đến vấn đề đầu tư nước ngoài mà câu chuyện xảy ra ở nhiều địa phương Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Chính phủ Trung Quốc mới đây ban hành văn bản mang tên “Một số ý kiến liên quan tới việc tiếp tục làm tốt công tác tận dụng đầu tư nước ngoài”. Văn bản yêu cầu các địa phương, ban ngành phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa quan trọng của việc cần phải tiếp tục làm tốt công tác tận dụng đầu tư nước ngoài trong tình hình hiện nay, chủ động hành động, coi trọng hiệu quả, thiết thực cầu thị thực thi các biện pháp chính sách.  Văn bản đề ra 20 ý kiến trên 4 phương diện: Thúc đẩy mở cửa đối ngoại, tăng cường xúc tiến đầu tư, thúc đẩy cải cách thuận lợi hóa đầu tư và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo tờ Economic Journal, văn bản nêu trên do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ký, đã chuyển xuống địa phương. Văn bản được gọi là “20 ý kiến mới về đầu tư nước ngoài” là do có nhiều nội dung mới, yêu cầu mới và sắp xếp mới. Văn bản yêu cầu tiếp tục cắt giảm các tiêu chuẩn (gia nhập thị trường) ảnh hưởng tiêu cực đối với đầu tư nước ngoài trên toàn quốc cũng như tại các khu vực thương mại tự do thí điểm; giảm giá thành sử dụng vốn xuyên biên giới; nâng cao mức độ thuận tiện dành cho người nước ngoài tới Trung Quốc đầu tư; ưu việt hóa trình tự xem xét cấp đất cho các dự án đầu tư nước ngoài… Đằng sau mỗi một ý kiến đều có thể dẫn tới sự ra đời của các chính sách cụ thể.

Báo trên cho rằng việc Trung Quốc chú trọng ổn định đầu tư nước ngoài có liên quan tới ổn định ngoại thương. Đây là vấn đề đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ Trung Quốc vào ngày 23/10/2019. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hội nghị đã nêu ra những yêu cầu cụ thể để bảo vệ tỷ giá đồng Nhân dân tệ cơ bản ổn định trong phạm vi cân bằng hợp lý cũng như bảo vệ dự trữ ngoại tệ ở mức hợp lý nhằm tiếp tục tăng cường ổn định ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Hội nghị cũng xác định các biện pháp ưu việt hóa quản lý ngoại hối, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư xuyên biên giới…

Vào nửa cuối năm 2018, Bắc Kinh đã đưa ra 6 mặt công tác cần định hướng trên phương diện kinh tế, bao gồm: Ổn định việc làm, ổn định tài chính, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định đầu tư và ổn định kỳ vọng. Trong đó có 2 mặt công tác liên quan tới đối ngoại là ổn định đầu tư nước ngoài và ổn định ngoại thương, và có quan hệ mật thiết với mặt công tác cần ổn định được đặt ở vị trí đầu tiên là việc làm. Bởi ổn định ngoại thương đồng nghĩa với ổn định việc làm của 180 triệu lao động trong các lĩnh vực liên quan tới ngoại thương. Hơn nữa, ngoại thương đóng góp tới 18% tổng nguồn thu từ thuế của Trung Quốc. Trong khi đó, ổn định đầu tư nước ngoài không chỉ giúp ổn định tăng trưởng và việc làm hiện nay, mà còn giúp ổn định động lực tăng trưởng kinh tế cả trong tương lai. Những gì nêu trên cho thấy Trung Quốc đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp để ổn định kinh tế xã hội. Thực tế xảy ra tại các địa phương như thành phố Trường Xuân và nhiều nơi khác có thể đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Từ năm 2016 tới nay, tăng trưởng kinh tế của thủ phủ tỉnh Cát Lâm bình quân trên 6%. Năm 2018, GDP của Trường Xuân đạt 717,57 tỷ NDT, tăng 7,2% so với năm 2017. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thống kê Cát Lâm ngày 7/11, GDP ba quý đầu năm 2019 của Trường Xuân đạt 465,72 tỷ NDT, tăng trưởng 0%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà thành phố đặt ra trong báo cáo công tác đầu năm 2019 là “duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7% trở lên”. Tăng trưởng kinh tế suy giảm đã ảnh hưởng tới thu nhập tài chính. Trong 9 tháng đầu năm thu nhập tài chính của Trường Xuân đã giảm 9,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Trường Xuân vẫn còn may mắn hơn nhiều địa phương khác. Thống kê chưa đầy đủ tới nay cho thấy trong 9 tháng đầu năm ở Trung Quốc đã có 24 địa phương rơi vào tình trạng thâm hụt tài chính, trong đó, Hà Nam đứng đầu với mức thâm hụt lên tới gần 519 tỷ NDT. Kế đó là Hồ Nam 504,4 tỷ NDT; Tứ Xuyên 496,2 tỷ NDT… Ngay cả các “đầu kéo” tăng trưởng kinh tế Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Chiết Giang cũng bị thâm hụt tài chính.

Theo nhà quan sát kinh tế tài chính Trung Quốc Vương Kiếm, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng khó khăn tài chính của các địa phương Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế trượt dốc. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hàng hoạt, chuỗi ngành nghề dịch chuyển khỏi Trung Quốc đã khiến thu nhập từ thuế giảm mạnh. Sáu tháng đầu năm 2018, Trung Quốc có hơn 5 triệu doanh nghiệp đóng cửa, nhưng sau đó, giới chức nước này không tiếp tục thống kê nữa. Một nguyên nhân khác là chính quyền địa phương vay mượn quy mô lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, khiến nợ ngày càng phình to. Đại học Oxford từng đưa ra báo cáo nghiên cứu chỉ rõ hơn 50% đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc không có giá trị kinh tế; 3/4 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tồn tại hiện tượng chi quá đà, khiến vấn đề nợ nần càng trầm trọng hơn. Trong tình hình đó, nếu Trung Quốc không ổn định đầu tư nước ngoài và ổn định ngoại thương, khó khăn tài chính chắc chắn sẽ càng khó lường.

Về vấn đề Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hồi tháng 10 cho biết Bắc Kinh coi việc giải quyết vấn đề Đài Loan là “lợi ích quốc gia lớn nhất”, nhằm “thừa nhận sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc”, trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan ở mức căng thẳng nhất trong nhiều năm. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây vẫn ưu tiên thúc đẩy quan hệ kinh tế với hòn đảo, trong nỗ lực nhằm lôi kéo Đài Loan xích lại gần hơn với đại lục và rời xa Mỹ.

Theo số liệu khảo sát năm 2016, ít nhất 64% người dân trên đảo Đài Loan cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế để ràng buộc Đài Bắc về mặt chính trị. Niềm tin này của người Đài Loan nhiều khả năng sẽ khiến chiến lược “quyến rũ” hòn đảo bằng lợi ích kinh tế của Trung Quốc đại lục khó phát huy hiệu quả. Việc Thái Anh Văn, người không công nhận chính sách “Một Trung Quốc””, lên nắm quyền hồi năm 2016 khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trở nên nguội lạnh. Đảng Dân tiến (DPP) của bà Thái gia tăng sức ảnh hưởng bằng quan điểm chống lại Trung Quốc đại lục, nhưng ngay cả Quốc dân đảng (KMT), bên ủng hộ Bắc Kinh, cũng tỏ thái độ “xa lánh” nhằm cạnh tranh quyền lực với DPP. Thực tế này khiến khoảng cách chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan càng trở nên xa cách.

Trong khi đó, cuộc tổng tuyển cử năm 2020 tại Đài Loan đang đến gần. Cuộc chiến tranh giành giữa hai đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của bà Thái Anh Văn và Quốc Dân Đảng (Kuomintang) thân Đại lục đang diễn ra sôi nổi. Trong cuộc tranh luận chính trị đầu tiên giữa các ứng viên tổng thống và cuộc tranh luận chính trị duy nhất giữa các ứng viên phó tổng thống, vấn đề xuyên eo biển là trọng tâm của cuộc đối đầu của hai đảng. Ở Trung Quốc Đại lục, dư luận cũng coi 2020 là năm mấu chốt của vấn đề Đài Loan, đặc biệt là vấn đề “thống nhất” hay “độc lập” và “thống nhất như thế nào” là trọng tâm của tất cả các bên.

Trung tướng PLA về hưu Vương Hồng Quang, cựu Phó tư lệnh Quân khu Nam Kinh cho rằng đối với Trung Quốc lục địa, thế lực chủ trương Đài Loan độc lập phải được xác định rõ ràng là “Các thế lực thù địch” và cho rằng kênh thống nhất hòa bình hai bên bờ eo biển Đài Loan “đã bị đóng chặt”. Tướng Vương Hồng Quang đã đưa ra ba phán đoán cơ bản về tình hình ở Đài Loan. Ông cho rằng thế lực đòi độc lập ở Đài Loan hiện đã chiếm từ 80% đến 90% hòn đảo; phe chủ trương thống nhất đã bị gạt ra bên lề và xu hướng này là không thể đảo ngược. Từ Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) đến Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), việc loại bỏ Trung Quốc hóa của Đài Loan đã đạt được những kết quả rất lớn. Đây cũng là cơ sở của ván bài “hai bên eo biển” của bà Thái Anh Văn trong chiến dịch bầu cử. Đề cập đến điều này, ông Vương Hồng Quang bày tỏ với vẻ cảm xúc rằng người thuộc phái thống nhất Trung Quốc không có “thân bằng cố hữu” ở Đài Loan. Ông nhấn mạnh: “Mao Trạch Đông đã từng có một luận điểm quan trọng. Vấn đề đầu tiên của cuộc cách mạng là ai là bạn của chúng ta và ai là kẻ thù của chúng ta. Đây là điều phải được làm rõ trước”. Nếu phán đoán cơ bản của Đại lục về vấn đề “địch, ta” không chính xác

sẽ dẫn đến một loạt chính sách sai lầm. “Đài Loan độc lập” chính là thế lực thù địch! Hiện nay chúng ta (Trung Quốc Đại lục) có một số vấn đề đã làm sai”. Trong phán đoán thứ hai của mình, ông Vương Hồng Quang thẳng thừng tuyên bố “cánh cửa thống nhất hòa bình đã bị đóng lại” và “một quốc gia, hai chế độ” không thể thực hiện ở Đài Loan. Ông cho rằng: “Hơn 90% người dân Đại lục yêu cầu thống nhất bằng vũ lực và hơn 80% người dân Đài Loan yêu cầu ly khai hòa bình”. Sự chia rẽ giữa hai luồng ý kiến công chúng này là không thể hòa giải được. Phán đoán thứ ba của Vương Hồng Quang là, thời gian để giải quyết hòa bình vấn đề Đài Loan không phải nằm ở phía Đại lục. Nếu phải mất thêm 5 đến 10 năm nữa, việc thống nhất Đài Loan sẽ là gánh nặng không thể chịu đựng được ở cả hai bên eo biển. Ông tin rằng thế hệ thanh niên sinh sau năm 1997 tại Đài Loan hầu hết đều chủ trương Đài Loan độc lập và số lượng sẽ ngày càng tăng lên; những người thực sự chủ trương thống nhất ở Đài Loan có chưa tới 5%. Ông Quang dẫn lời báo cáo điều tra của Đại học Duke University ở Durham, North Carolina, nói rằng nếu Đài Loan tuyên bố độc lập và Trung Quốc thực hiện thống nhất bằng vũ lực, phe muốn độc lập ở Đài Loan vẫn sẽ cao tới 23%. Ông nhấn mạnh, trên thực tế, cho dù chỉ 1% người Đài Loan chủ trương độc lập thì cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này, một khi chiến tranh nổ ra ở cả hai bên eo biển, chắc chắn sẽ “máu chảy thành sông”.

Nói đến điều này, Vương Hồng Quang đặc biệt tiết lộ rằng, khi thế giới bên ngoài nói đến thống nhất bằng vũ lực, hầu hết đều thảo luận về hành động quân sự của Đại lục chống lại Đài Loan. Nhưng thực ra, ngay từ hơn 10 năm trước, Đài Loan cũng đã bắt đầu chuẩn bị đầy đủ cho cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra: “Ngay từ hơn 10 năm trước, Không quân Đài Loan đã lập kế hoạch tấn công rất chi tiết vào một thành phố hạng hai ở tỉnh Giang Tây. Mọi đường bay và nơi vòng lại của máy bay chiến đấu đều được trình bày rất chi tiết. Một số người nói, tại thao trường cuộc tập trận lớn Chu Nhật Hòa 2015 ở Tây Bắc Trung Quốc đã tạo ra một tòa nhà nghi ngờ là mô phỏng Dinh Tổng thống ở Đài Loan. Ông Quang nói, đó không còn là “nghi ngờ”, mà chính là Phủ Tổng thống Đài Loan. Đài Loan là mục tiêu của”thống nhất vũ lực” hoàn toàn không sai.

Điều đáng nói là, khi nói về giải pháp cho vấn đề Đài Loan, ông Quang đã đề xuất ra phương án thống nhất bằng vũ lực “theo kiểu Nam Kinh” độc đáo của riêng mình. Sở dĩ được gọi là “mô thức Nam Kinh” là do có liên quan đến các “mô thức Bắc Kinh” (giải phóng hòa bình) và “mô thức Thiên Tân” (giải phóng bằng tấn công vũ lực) của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng thời kỳ 1945-1949. Khi đó, quân đội của Đảng Cộng sản khi tấn công Nam Kinh đã sử dụng phương thức đe dọa vũ lực, cuối cùng hầu hết quân đội Quốc Dân Đảng đóng ở Nam Kinh đã chọn cách rút lui và bàn giao, đã không xảy ra giao chiến quy mô lớn giữa hai bên.

Vương Hồng Quang cho rằng dùng vũ lực thống nhất Đài Loan thích hợp nhất là học hỏi từ “Mô thức Nam Kinh”. Ông đã nói rõ các bước hành động quân sự cụ thể tại hội thảo: đoạt lấy ba hòn đảo bên ngoài Đài Loan rồi uy hiếp đảo Đài Loan chứ không sử dụng vũ lực. “Đầu tiên, chiếm lấy đảo Đông Doanh (Dongying). Trung Quốc Đại lục có tên lửa Dongfeng và các vũ khí khác; cộng với sự chi viện của các quân cảng quần đảo Chu Sơn (Zhoushan) xung quanh, PLA hoàn toàn có thể giành được với số thương vong bằng không. Tiếp theo, chiếm lấy Quần đảo Đông Sa (Dongsha), nằm trên tuyến đường Hạm đội Đài Loan phải đi qua dưới sự bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ. Đài Loan chỉ cử một đơn vị nhỏ của Sở cảnh sát biển bố phòng. PLA có thể chiếm được chỉ với một đại đội. Cuối cùng, giành lấy cụm đảo Bành Hồ. Các đảo Bành Hồ dễ công khó thủ, 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ là giải quyết xong và PLA đã thực hiện các mô phỏng hoạt động này trên máy tính từ hơn một thập kỷ trước. Chiếm được ba hòn đảo này đồng thời không hành động trên đảo Đài Loan, trong cục diện đó Đài Loan độc lập không còn có thể thực hiện được”.

Trong bối cảnh Trung Quốc phải căng mình đối chọi trên nhiều “mặt trận”, Bắc Kinh năm qua phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ liên quan đến đặc khu hành chính Hong Kong. Các cuộc biểu tình ở đặc khu bùng phát từ tháng 6 và kéo dài suốt nhiều tháng, với hàng trăm vụ bắt và vô số cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát.

Nguyên nhân châm ngòi biểu tình là dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm sang những khu vực tài phán chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu đã rút dự luật, người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường đòi đáp ứng những yêu cầu khác. Các cuộc biểu tình kéo dài với quy mô lớn đã đẩy chính quyền Bắc Kinh vào tình thế khó xử. Chính sách “ngồi im” chờ đợi biểu tình lắng xuống dường như không có tác dụng. Tuy nhiên, theo bình luận viên Bret Stephens của NY Times, nếu Trung Quốc mạnh tay với người biểu tình Hong Kong, nỗi bất mãn thậm chí sẽ sôi sục hơn, có thể dẫn tới hủy hoại vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của đặc khu. Stephens nói thêm rằng nếu thực hiện chính sách cứng rắn với Hong Kong, Trung Quốc có khả năng làm gia tăng căng thẳng với Mỹ, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ các nước trong khu vực xa lánh Bắc Kinh và xích lại gần Washington.

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng nếu chấp nhận mềm mỏng, đáp ứng các yêu cầu của người biểu tình Hong Kong, khả năng kiểm soát đặc khu của Bắc Kinh sẽ bị suy giảm, thậm chí khiến bất ổn lan rộng hơn và nước này trở nên “mất uy” với thế giới.

http://biendong.net/bien-dong/32326-nam-2019-tinh-hinh-chinh-tri-kinh-te-xa-hoi-trung-quoc-roi-vao-kho-khan-thach-thuc-chua-tung-co.html

 

Trung – Nhật – Hàn

thúc đẩy phi hạt nhân hoá Triều Tiên

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí thúc đẩy đối thoại về phi hạt nhân hoá giữa Mỹ và Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

“Ba nước đồng ý tiếp tục liên lạc và hợp tác chặt chẽ, hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Thành Đô, Trung Quốc hôm nay.

“Chúng tôi cùng có quan điểm rằng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thuộc về lợi ích chung của cả ba nước và quyết định hợp tác, nhằm đảm bảo duy trì tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa thông qua thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên”, ông Moon nói thêm.

Thủ tướng Trung Quốc cũng cho biết ba lãnh đạo đã tái khẳng định sự cần thiết phải tìm ra cách giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại, cũng như cơ chế hợp tác giữa ba nước trong vấn đề này.

Dù tức giận với những vụ thử tên lửa và hạt nhân trước đây của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh vẫn mang lại sự ủng hộ quan trọng cho Triều Tiên về mặt kinh tế và ngoại giao. Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tuần trước cũng thăm Trung Quốc sau khi tới Hàn Quốc và Nhật Bản trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn cuộc đối đầu mới.

Động thái của các nước diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đặt ra thời hạn cuối năm để Mỹ thay đổi “chính sách thù địch”, khi những nỗ lực đàm phán giữa hai nước rơi vào bế tắc. Bình Nhưỡng cảnh báo cách hành xử của Washington sẽ quyết định “món quà Giáng sinh” mà họ nhận được.

Trung Quốc và Nga tuần trước đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ một số lệnh trừng phạt với Triều Tiên nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay, nhưng Mỹ, Anh và Pháp không đồng tình.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau ba lần kể từ tháng 6/2018, nhưng tiến trình phi hạt nhân hóa không có tiến bộ nào đáng kể. Bình Nhưỡng kiên quyết yêu cầu được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế trước khi phi hạt nhân hóa, nhưng Washington không đồng ý.

http://biendong.net/bi-n-nong/32274-trung-nhat-han-thuc-day-phi-hat-nhan-hoa-trieu-tien.html

 

Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật:

Nỗ lực thúc đẩy nối lại đối thoại Mỹ – Triều

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật Bản ( 24/12) tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, diễn ra sau thời kỳ dài quan hệ giữa 3 nước này trải qua nhiều vướng mắc, đã kết thúc với những kết quả khá tích cực, trong đó đáng chú ý có việc lãnh đạo 3 nước nhất trí cùng nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ-Triều và cải thiện quan hệ trong nhiều lĩnh vực.

Tại Hội nghị, phía Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng qua hội nghị lần này, 3 nước sẽ tăng cường sự quan hệ tin cậy về chính trị, bảo đảm an ninh, sự ổn định trong khu vực và hòa bình thế giới để cùng nhau đối phó với áp lực kinh tế thế giới suy giảm, nhấn mạnh tổng kim ngạch thương mại của 3 nước chiếm gần 1/6 tổng kim ngạch thương mại thế giới. Chia sẻ quan điểm này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nêu bật sự cần thiết của “hợp tác hài hòa” giữa 3 cường quốc khu vực này, bởi 3 nước “có cùng giấc mơ” thúc đẩy một “thế giới bền vững”. Ông Moon Jae-in bày tỏ hy vọng 3 nước sẽ tăng cường hợp tác kinh tế để có thể cùng nhau phát triển, thông qua việc hình thành một cộng đồng kinh tế Đông Bắc Á

dựa trên thương mại tự do, hòa bình và quan hệ đối tác. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh sự kỳ vọng ngày càng lớn của thế giới vào Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đối với hòa bình và phồn vinh của khu vực này nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Mặc dù kết quả hội nghị, các bên chỉ đưa ra tuyên bố dừng lại ở những câu từ thể hiện lập trường nguyên tắc, song không thể phủ nhận ý nghĩa không nhỏ của hội nghị này đối với quan hệ các nước cũng như đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề nổi cộm ở khu vực Đông Bắc Á, nhất là khi quan hệ Mỹ-Triều lại có nguy cơ quay trở lại thời kỳ căng thẳng năm 2017 sau những động thái gây lo ngại gần đây của cả hai bên.

Theo giới chuyên gia, sự hợp tác Hàn-Trung-Nhật khác với cơ chế phối hợp Hàn-Mỹ hay Hàn-Mỹ-Nhật bởi Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh của Mỹ. Hàn-Mỹ hay Hàn-Mỹ-Nhật đều khó có thể thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi lập trường. Trong khi đó, Trung Quốc lại là nước có quan hệ gần gũi với Triều Tiên, có tầm ảnh hưởng nhất định đối với nước này. Trong khi đó, về ngoại giao và an ninh, Trung Quốc đóng vai trò “người bảo trợ đặc biệt” của Triều Tiên trong khi về kinh tế, Trung Quốc được coi là “thuyền cứu sinh” đối với Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang bị cấm vấn. Do đó, có thể nói, trong 3 nước Đông Bắc Á, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể gây ảnh hưởng đối với Triều Tiên. Việc 3 nước Hàn-Trung-Nhật nhất trí hợp tác nhằm đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa được duy trì thông qua đối thoại Mỹ-Triều kịp thời được coi là một thành quả lớn, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á.

Trước thềm Hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (23/12) đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Hai bên đã xác nhận quan điểm chung về việc cùng nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định và phồn thịnh của khu vực, bảo vệ thể chế tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương. Tại hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc và Hàn Quốc là đối tác và bạn bè của nhau, luôn hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động lớn, hai bên cần phải bảo vệ lợi ích chung cùng làm phát triển và sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược. Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng trong tình hình đàm phán Mỹ-Triều đang rơi vào tình trạng khó khăn, các bên cần phải xác nhận lại tầm quan trọng của hòa bình khu vực. Đề cập tới xung đột thương mại Mỹ-Trung, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng cần phải đề cập tới khía cạnh tự dự thương mại. Cũng như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng cần nhấn mạnh vấn đề này xung quanh mâu thuẫn với Nhật Bản trong quy chế xuất nhập khẩu. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Hàn Quốc và Trung Quốc không chỉ là hai nước có ảnh hưởng tại khu vực Châu Á mà còn có ảnh hưởng lớn tới thế giới, do đó, hai bên đã có nhận thức chung phải tăng cường phát triển quan hệ hai nước ở mức độ cao hơn. Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ cố gắng hết sức để nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên hướng tới giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong cuộc đàm phán này. Liên quan đến quan hệ hai nước, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng tuy hai bên có đôi lúc hiểu lầm nhau, song quan hệ hai nước có lịch sử lâu dài và tốt đẹp không thể phủ nhận. Do vậy, hai nước cần phải hợp tác hơn nữa trong các vấn đề quốc tế. Năm 2019 là năm giao lưu hai nước hết sức phát triển, kim ngạch thương mại hai bên lên tới 20 tỷ USD, hơn 8 triệu người dân hai nước đi lại trong các hoạt động đầu tư, thương mại, du học…

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí cùng nhau thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới trong bối cảnh Tokyo đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Nhật Bản vào mùa Xuân tới. Ông Abe cho biết Chính phủ Nhật Bản “cực kỳ coi trọng” chuyến thăm theo kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản; nhấn mạnh “chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ phù hợp với thời kỳ mới của Nhật Bản và Trung Quốc”. Về phần mình, ông Tập Cận Bình bày tỏ Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc chặt chẽ với Nhật Bản để nâng quan hệ Trung-Nhật lên tầm cao mới. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ cuộc gặp tại Osaka (Nhật Bản) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng 6 vừa qua. Cuộc gặp song phương này nhằm chuẩn bị môi trường thuận lợi cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc tới Nhật Bản giữa lúc quan hệ giữa hai nước trở nên nồng ấm trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo giới chức Nhật Bản, Tokyo và Bắc Kinh đang tìm cách thức làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế và tăng cường giao lưu văn hóa cũng như giao lưu nhân dân. Tuy nhiên, chính quyền Tokyo quan ngại một số vấn đề, trong đó có các cuộc biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc), vấn đề Biển Đông, tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo trên biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.  Sau nhiều năm

bất đồng về các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới Trung Quốc cuối tháng 10/2018 trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo Nhật Bản trong 7 năm. Hai bên đã đặt nền móng cho quan hệ ổn định lâu dài dựa trên 3 nguyên tắc: chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác, trở thành đối tác và không đe dọa lẫn nhau, phát triển quy tắc thương mại tự do – công bằng.

Trong một diễn biến liên quan, trước cuộc gặp Thượng đỉnh, các Bộ trưởng thương mại của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua (22/12) đã nhóm họp và đi đến việc cam kết sẽ đẩy mạnh các cuộc đàm phán về hiệp ước thương mại khu vực và một thỏa thuận thương mại tự do giữa ba bên. Bất chấp các mâu thuẫn gần đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hay căng thẳng vừa mới lắng xuống giữa Mỹ-Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại 3 nước vẫn bày tỏ sẵn sàng tiếp tục thảo luận về việc thiết lập quan hệ đối tác kinh tế toàn diện với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Úc, Ấn Độ và New Zealand, cũng như thỏa thuận thương mại tự do ba bên. Theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản, hy vọng ba nước sẽ cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu mở: “Ba quốc gia là láng giềng về  địa lý và các nền kinh tế của chúng tôi có tính chất bổ trợ cho nhau. Trong những năm qua, chúng tôi đã thấy kết quả tuyệt vời của sự hợp tác này. Chúng tôi đang rất hi vọng vào một tương lai tươi sáng cho sự hợp tác ba bên giữa chúng tôi”.

Các nhà phân tích cho rằng, xét từ góc độ song phương, quan hệ Trung-Nhật hiện nay có cơ hội mới để cải thiện và phát triển; quan hệ Trung-Hàn bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục ổn định. Hội nghị này sẽ đóng vai trò thúc đẩy tích cực đối với quan hệ Trung-Nhật và Trung-Hàn; ngoài ra Trung Quốc cũng có thể giúp giảm bớt phần nào căng thẳng hiện nay giữa Nhật – Hàn  do vấn đề lịch sử để lại.

Nhìn từ góc độ đa phương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại hiện nay trỗi dậy, tình hình kinh tế toàn cầu phức tạp và nghiêm trọng, Trung – Nhật – Hànđã cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực, thể hiện quyết tâm của các bên trong bảo vệ chủ nghĩa đa phương, duy trì nền kinh tế thế giới mở. Hội nghị này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mới để ba nước cùng thiết lập hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao.

Ngoài vấn đề thương mại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Hàn Quốc xác nhận, tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên hiện cũng là mối quan tâm lớn của 3 nước Nhật – Trung – Hàn hiện nay. Đặc biệt, nó diễn ra trong bối cảnh, các chuyên gia phân tích tin rằng, Triều Tiên sẽ sớm cho thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong thời gian tới – động thái này có thể đặt dấu chấm hết cho tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều, vốn đang gặp bế tắc. Thông qua cuộc gặp Thượng đỉnh 3 bên Nhật – Trung – Hàn,  Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đang muốn Trung Quốc thể hiện nhiều vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo.

http://biendong.net/bien-dong/32324-hoi-nghi-thuong-dinh-han-trung-nhat-no-luc-thuc-day-noi-lai-doi-thoai-my-trieu.html

 

Cái giá TQ phải trả khi trở nên ‘thông minh’ hơn

Ba mươi năm trước, Thâm Quyến chỉ là một làng chài bao quanh bởi những cánh đồng lúa xanh.

Và rồi xuất hiện một kế hoạch cho phép xây dựng đặc khu kinh tế đầu tiên và cho phép đầu tư nước ngoài ở đây. Nhiều doanh nghiệp tư nhân và các nhà máy mọc lên sau đó, chuyển đổi quang cảnh nông thôn yên tĩnh thành đô thị sầm uất.

Giờ đây, Thâm Quyến, với dân số 12 triệu người, là một phần của một khu vực đô thị hóa khổng lồ chạy dọc châu thổ sông Châu Giang.

Tham vọng xây dựng thành phố thông minh của Trung Quốc là một trong những tham vọng lớn nhất hiện nay của thế giới. Nhưng nó đặt ra những câu hỏi về việc liệu công nghệ giám sát của Trung Quốc sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân hay được sử dụng để theo dõi họ.

Thành phố sạch

Đến năm 2050, khoảng 292 triệu người Trung Quốc sẽ sống ở các thành phố. Đã có hơn 58% dân số là cư dân thành thị, so với chỉ 18% vào năm 1980.

Theo nhà chức trách, hiện Trung Quốc có 662 thành phố, gồm hơn 160 thành phố một triệu dân và có thể hơn thế nữa.

Tại hội chợ triển lãm thành phố thông minh ở Barcelona gần đây, Thâm Quyến đã có một trong những khu triển lãm lớn nhất.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Một trong những công nghệ được tập trung đầu tư nhất ở Thâm Quyến là giao thông và cách làm giảm tắc nghẽn

Jiang Wei Dong, người dẫn đầu phái đoàn nói với BBC về loại công nghệ nào đang cung cấp năng lượng cho thành phố.

Ông nói họ đang “tập trung nghiêm túc vào vấn đề ô nhiễm”.

“So với các thành phố khác, Thâm Quyến sạch,” ông nói.

Thành phố này là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc đảm bảo rằng tất cả xe buýt và taxi trên đường đều chạy bằng điện, ông Dong nói.

Bên cạnh giao thông thông minh, còn có một hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh mới, đảm bảo rằng bất cứ ai đến từ một tỉnh xa cũng đều có thể truy cập hồ sơ sức khỏe của họ ngay lập tức.

Nhưng khi được hỏi về hệ thống an ninh, câu trả lời của ông ta trở nên kém nhiệt tình hơn.

“Chúng tôi chỉ thông thạo về vấn đề giao thông. Đối với người dân Thâm Quyến, không có sự giám sát”, Dong nói.

Thu thập dữ liệu

Trung Quốc đang tạo ra những thành phố mới với tốc độ đáng kinh ngạc, tái thiết lại cảnh quan đô thị với kế hoạch tạo ra 19 cụm đô thị khổng lồ và siêu thành phố đầu tiên trên thế giới với hơn 40 triệu dân.

Phát triển đô thị trên quy mô này sẽ đòi hỏi tính hiệu quả. Giao thông sẽ phải được kiểm soát để tránh ùn tắc kéo dài hàng tuần và sẽ buộc phải thông suốt để tránh giết chết mọi người bằng khí thải CO2.

Nhưng các công dân cũng sẽ phải có lối sống hiệu quả hơn. Xả rác, chơi nhạc quá to trên tàu hay chạy qua đường khi đèn đỏ – những hành động này sẽ không còn là sự tùy tiện nhỏ nhặt nữa mà có thể trở thành một sự bất tiện lớn ở các siêu đô thị.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Hệ thống tín nhiệm xã hội cũng khiến nhiều người bị cấm tham gia sử dụng giao thông cộng cộng

Năm 2014, ý tưởng về một hệ thống tín nhiệm xã hội đã được tiết lộ. Kế hoạch nghe giống như một tiểu thuyết của George Orwell này sẽ thưởng cho công dân vì hành vi tốt và phạt họ vì hành vi xấu. Vào tháng Ba năm nay, hàng triệu người có điểm tín nhiệm xã hội thấp đã bị cấm mua vé tàu hoặc vé máy bay vì có những hành vi vi phạm như sử dụng vé đã hết hạn hay hút thuốc trên tàu.

“Ở Trung Quốc, toàn bộ thí nghiệm chấm điểm xã hội thật thú vị nhưng tôi mừng là tôi không phải sống trong nó,” nhà tư vấn thành phố thông minh Charles Reed Anderson nói.

Hiện tại không có một hệ thống tín nhiệm xã hội thống nhất. Thay vào đó, chính quyền địa phương thực thi ý tưởng này theo những cách khác nhau, đôi khi tác động lớn đến du khách nước ngoài.

Ông Anderson kể một người bạn gần đây của ông đã đến thăm một thành phố của Trung Quốc.

“Ông đến khách sạn thì nhận ra là đã để quên điện thoại trên taxi, vì vậy khách sạn đưa ông ấy đến đồn cảnh sát,” anh giải thích.

“Cảnh sát đã truy cập dữ liệu về chiếc xe nhưng không có camera giao thông nên họ đã đưa ông ấy đến một bộ phận khác cách đó vài dãy nhà và sau đó họ đã có thể theo dõi chiếc taxi trong thời gian thực và gọi tài xế để yêu cầu anh ta mang trả lại điện thoại.”

“Trong vòng hai giờ, ông ấy đã lấy lại được điện thoại.”

“Người lái xe taxi có thể đã lo lắng rằng nếu anh ta không trả lại, anh ta sẽ bị trừ điểm.”

Có nhiều chỉ trích mạnh mẽ về hệ thống này, nhưng theo ông Anderson, có lẽ đối với người dân Trung Quốc, những người lớn lên trong môi trường bị nhà nước theo dõi, nó không quá đáng sợ.

“Tôi không 100% ủng hộ nó – nhưng nó có thể mang lại một số điều tốt. Nhưng nếu nó bắt đầu bị lạm dụng thì nó sẽ trở thành một vấn đề lớn,” ông nói.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tiết lộ đầu năm nay rằng một hệ thống tín nhiệm xã hội đang được sử dụng ở tỉnh Tân Cương, nơi có phần lớn dân số theo đạo Hồi và được liên kết với một ứng dụng được sử dụng bởi cảnh sát Trung Quốc và các quan chức chính phủ khác.

Bộ não thành phố

Ngày càng có nhiều dữ liệu và thông tin rơi vào tay chính phủ thông qua các hệ thống cảm biến và công nghệ khác trong các thành phố.

Nhưng điều gì xảy ra khi chính quyền các thành phố này giao dịch với những gã khổng lồ công nghệ tư nhân như Alibaba và Tencent, vốn đã có một cơ sở dữ liệu khổng lồ về công dân?

Alibaba có trụ sở tại thành phố Hàng Châu và đã dành hai năm để phát triển một nền tảng có tên là City Brain, chuyên phân tích dữ liệu từ camera và vị trí GPS của ô tô và xe buýt, và sử dụng nó để điều khiển hơn một nghìn đèn giao thông để ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn.

Công ty này tuyên bố rằng đã giúp thành phố bảy triệu người này tụt từ vị trí thứ 5 xuống vị trí thứ 57 trong những thành phố tắc nghẽn nhất ở Trung Quốc.

Và giờ nhiều thành phố đang bàn giao các mảng đất khổng lồ cho các công ty công nghệ.

Chính phủ Thâm Quyến vừa trao cho Tencent một mảnh đất khai hoang rộng 809 m2 để xây dựng cái mà họ mô tả là “một thành phố tương lai tập trung vào công nghệ và đổi mới”.

Bản quyền hình ảnh Waterfront Toronto Image caption Google hợp tác với Sidewalk Labs lên kế hoạch xây dựng một thành phố điện tử ở Toronto, Canada

Và ngày càng nhiều, các thành phố phương Tây cũng đang thực hiện các thỏa thuận với các công ty Trung Quốc.

Các ủy viên hội đồng ở Darwin, Australia đã tới Trung Quốc để gặp Huawei và xem công nghệ của họ ở Thâm Quyến. Công ty này sau đó đã thực hiện một chương trình trị giá 10 triệu đô la để cung cấp 900 đèn LED thông minh, 24 cảm biến môi trường và mạng lưới 138 camera quan sát cho Darwin.

Tuy nhiên thị trưởng Kon Vatskalis của Darwin nói với ABC News rằng sẽ “không có nhận dạng khuôn mặt … và camera của chúng tôi không thể biết bạn là ai hay bạn làm gì”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32280-cai-gia-tq-phai-tra-khi-tro-nen-thong-minh-hon.html

 

Lòng tham từ lợi ích ở Biển Đông

Muốn vươn lên trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển. Điều này chỉ có thể thực hiện được ở Biển Đông.

Một số chuyên gia quan sát cho rằng Trung Quốc đã chuẩn bị kế hoạch độc chiếm Biển Đông từ cách đây hơn 60 năm, khởi đầu từ năm 1950 và ngày càng hung hăng và quyết liệt hơn. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải về nguyên nhân Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, đi ngược lại cam kết “trỗi dậy hòa bình”, sẵn sàng làm tất cả để hiện thực hóa mưu đồ ở Biển Đông.

Lợi ích ở Biển Đông

Ngoài việc Biển Đông là tuyến đường hàng hải bận rộn nhất nhì thế giới, là một trong những ngư trường lớn nhất thế giới, bể chứa dầu mỏ, thì đáy Biển Đông có một trữ lượng đất hiếm cực kỳ lớn. Ước tính trữ lượng dầu chưa khai thác đã được phát hiện ở Biển Đông trong khoảng từ 28 tỉ – 213 tỉ thùng dầu. Trữ lượng đó có thể đáp ứng 60 năm nhu cầu của Trung Quốc xét theo ước tính lạc quan nhất.

Biển Đông cũng được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc. Trong số 27 tuyến vận tải của Trung Quốc, 17 trong số đó nằm ở Biển Đông. Biển Đông giúp kết nối Trung Quốc với 125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này.

Về an ninh quốc phòng, Biển Đông như một vành đai quân sự, phòng thủ, là rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi ro và uy hiếp từ bên ngoài. Biển Đông độ sâu trung bình là 1.400m với nhiều rãnh sâu nên rất thuận lợi cho hoạt động của các loại tàu ngầm.

Giáo sư Michael Tkacik của đại học Stephen F. Austin State bang Texas, Mỹ trong bài viết đăng tải trên trang Defense and Security Analysis phân tích, về mặt quân sự, Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập để ngăn không cho các lực lượng Mỹ xuất hiện gần bờ biển của mình và cũng đang tăng cường khả năng triển khai lực lượng trong khu vực. Điều này có lẽ đã tạo ra một niềm tin trong nội bộ Trung Quốc (hoặc ít nhất trong một số quan chức nhất định) rằng Trung Quốc đã có thể hiện thực hoá các yêu sách của mình ngay từ bây giờ. Quân đội Trung Quốc cũng có thể cảm thấy cần thiết để chứng minh tính hiệu quả của nỗ lực hiện đại hóa diễn ra hàng thập kỷ vừa qua.

Muốn vươn lên trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc phải trở thành cường quốc trên biển. Điều này chỉ có thể thực hiện được ở Biển Đông. Xét về mặt địa chiến lược, đây là cửa ngõ duy nhất, là bàn đạp để Hải quân Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Trung Quốc có thể cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 về cơ bản đã làm suy yếu Mỹ và Bắc Kinh có thể nhân cơ hội này để chuyển giao quyền lực. Việc kiểm soát Biển Đông có thể được coi như bước đầu trong tham vọng bá quyền khu vực.

Lý giải về việc Trung Quốc giờ đây đã không còn giấu giếm tham vọng ở Biển Đông, Giáo sư Nayan Chanda Đại học Ashoka (Ấn Độ) cho rằng một mặt, Trung Quốc đã đạt được sức mạnh vượt trội và vươn lên cạnh tranh quyền lực với Mỹ. Mặt khác, đây cũng là hệ quả của mô-típ kinh điển trong lịch sử,

khi một cường quốc mới nổi không ngừng tìm kiếm và mở rộng cái gọi là “không gian sinh tồn”, thách thức các trật tự quốc tế hiện hữu, bởi nhu cầu phát triển nội tại của chính nó. Năm 1992, một tờ báo của Trung Quốc thậm chí còn ngang nhiên tuyên bố rằng do quy mô dân số nước này ngày càng lớn, nên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là điều dễ hiểu (?).

Không giấu giếm ý đồ

Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng cho một “cuộc chiến tranh nhân dân trên biển”, mục đích là để bảo vệ cái gọi là chủ quyền sau phán quyết bất lợi của Tòa trọng tài Quốc tế về vụ kiện Biển Đông năm 2016 do Phillipines khởi xướng. Phán quyết của Tòa đã bảo vệ mục đích rõ ràng của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) khi bác bỏ tuyên bố phi lý của Bắc Kinh với 80-90% diện tích Biển Đông. Suy rộng ra, phán quyết khẳng định một nước ven biển dù hùng mạnh đến đâu cũng không thể cưỡng chiếm, biến vùng biển của các nước láng giềng được quy định theo luật pháp quốc tế thành của mình.

Giải thích về những vi phạm của Trung Quốc đối với UNCLOS, Giáo sư – Tiến sĩ James Kraska tại Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) nói: “Vấn đề của Trung Quốc và UNCLOS là ở chỗ, chúng ta không thể có được những cuộc thảo luận mang tính lý lẽ đối với họ trong vấn đề này. Trung Quốc luôn tuyên bố có quyền làm bất kỳ điều gì mà luật pháp quốc tế không cấm. Điều này nhìn chung là đúng, ngoại trừ những gì liên quan đến UNCLOS- một hệ thống các quy định pháp lý về việc các nước có quyền tuyên bố chủ quyền trên biển như thế nào.

Trung Quốc có thể nói rằng, trong UNCLOS không có đoạn nào cấm ‘đường lưỡi bò’. Tuy nhiên, UNCLOS cũng không cho phép các nước tự ý đưa ra chủ quyền lãnh hải và Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của mình mà không theo giới hạn của UNCLOS. Điều này đồng nghĩa với việc dù ‘đường lưỡi bò’ không được đề cập trong UNCLOS, nhưng nếu chiểu theo quy định của UNCLOS thì ‘đường lưỡi bò’ là phi pháp”.

Rõ ràng, phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế trong vụ kiện Biển Đông hồi năm 2016 đã giáng một đòn đau vào cách tiếp cận của Trung Quốc, làm sụp đổ những lập luận có vẻ hợp lý của Bắc Kinh. Phán quyết của Tòa cũng cho thấy rõ rằng các lực lượng hàng hải của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của của các quốc gia ven biển có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và thực chất không phải đóng vai trò của lực lượng giám sát trên biển.

Song song với những tuyên bố chối bỏ luật pháp quốc tế [ngay từ đầu Trung Quốc đã tuyên bố không tham gia vụ kiện và không công nhận tính pháp lý của Tòa –ND], Trung Quốc tiếp tục thực hiện những nỗ lực có hệ thống nhằm theo đuổi mộng bá quyền ở khu vực thông qua các bước đi như: luật hóa chủ quyền, “xâm lấn” bằng hoạt động kinh tế biển, phá vỡ nguyên trạng, tăng cường sức mạnh hải quân…

“Việc theo đuổi các nguồn tài nguyên biển đã khiến Trung Quốc trở nên hung hăng hơn”, Đại úy Martin A. Sebastian, lãnh đạo Trung tâm Ngoại giao và an ninh hàng hải thuộc Học viện Hàng hải Malaysia viết trong một tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội, ngày 6-7/11. Ông Sebastian dự đoán: “Với những gì Trung Quốc đang làm để thực hiện chiến thuật vùng xám ở Biển Đông thì chúng sẽ không biến mất mà thậm chí có thể loang ra nhiều hơn nữa, đẫn đến nguy cơ va chạm ngày càng lớn hơn”.

Nếu như Trung Quốc nhìn thấy lợi ích ở Biển Đông thì không có lý gì Mỹ và các nước lớn khác trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản… lại không nhìn thấy điều đó. Mỹ luôn khẳng định lợi ích trong việc duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vì các mục đích quân sự và thương mại. Chính quyền Tổng thống Trump đã không ít lần cho thấy họ sẵn sàng hành động để thúc đẩy lợi ích an ninh chung của Mỹ và đồng minh. Tất cả các bên đều có lợi ích chung và riêng trong vấn đề Biển Đông và chắc chắn sẽ thúc đẩy chiến lược của mình để đạt được mục đích. Đây chính là lý do khiến vùng biển này không êm ả

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32277-long-tham-tu-loi-ich-o-bien-dong.html

 

Trung Quốc phản đối mạnh mẽ

Luật quốc phòng 2020 của Hoa Kỳ

Hôm 26/12, Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ Luật quốc phòng năm 2020 của Hoa Kỳ trong đó có những chính sách bất lợi cho các công ty Trung Quốc, theo Reuters.

Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Washington gạt bỏ sự thiên vị chính trị để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Trung Quốc.

Ông Cao Phong, Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc nói tại một buổi họp báo thường kỳ hôm 26/12 cho biết Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình này và bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc.

XEM THÊM:

Trung Quốc chỉ trích dự luật quốc phòng của Mỹ là ‘can thiệp’

Hôm 20/12, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ (NDAA) cho năm tài khóa 2020.

NDAA 2020 tăng chi tiêu quân sự của Mỹ thêm 2,8%, yêu cầu báo cáo về năng lực quân sự của Bắc Kinh, đầu tư của Trung Quốc tại khu vực Bắc cực cũng như nỗ lực của Bắc Kinh trong việc can thiệp cuộc bầu cử tháng tới tại Đài Loan.

Luật này cũng cấm việc dùng ngân sách liên bang của Mỹ để mua toa tàu và xe buýt của Trung Quốc, bên cạnh đó, luật còn làm chậm lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với hãng Huawei.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-phan-doi-manh-me-luat-quoc-phong-2020-cua-hoa-ky/5220799.html

 

Tàu ​​sân bay Trung Quốc

đi qua eo biển Đài Loan cận ngày bầu cử

Hôm 26/12, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đã đưa tàu sân bay mới vào eo biển Đài Loan, vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở hòn đảo này, theo Reuters.

Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, và coi đây là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm và quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ trước đến nay Trung Quốc luôn đe dọa tấn công nếu Đài Loan tiến tới độc lập chính thức.

Trong một tuyên bố ngắn, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nhóm tàu sân bay Trung Quốc di chuyển về phía bắc qua Eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, tuyên bố không đưa ra chi tiết thời điểm nhóm tàu này đi qua eo biển.

Đài Loan tố cáo Trung Quốc là đã cố can thiệp vào tiến trình dân chủ của Đài Loan trước thềm các cuộc bầu cử ngày 11 tháng 1/2020.

Trước đó, hôm 17/12, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo trong nước có tên là Sơn Đông (Shandong) đã được chuyển giao cho hải quân và chính thức đi vào hoạt động.

Vào tháng trước, con tàu này được gọi là tàu Type 001A, cũng đã đi qua eo biển Đài Loan “để thực hiện các thử nghiệm khoa học và đào tạo’ và sau đó hướng ra Biển Đông.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-san-bay-tq-di-qua-eo-bien-dai-loan/5220757.html

 

Phải chăng Trung Quốc

đang lập tiền đồn quân sự tại Cam Bốt ?

Mai Vân

Một phi đạo dài đến 3400 mét, tức là có thể dễ dàng dùng cho mọi loại phi cơ quân sự, ngay trong rừng già Cam Bốt, trên một vùng đất mà một tập đoàn Trung Quốc thuê được với thời hạn 99 năm ; cách đấy không đầy 50 dặm là một căn cứ Hải Quân mà báo chí cho rằng Quân Đội Trung Quốc đã được chính quyền Cam Bốt bí mật cho quyền đồng sử dụng trong vòng 30 năm : Hai yếu tố trên đây đã làm dấy lên lo ngại về một tính toán của Bắc Kinh đang muốn biến quốc gia Đông Nam Á này thành một tiền đồn giúp Trung Quốc khống chế toàn khu vực.

Trong một bài phân tích mang tựa đề “Một phi đạo khuấy động mối nghi ngờ về kế hoạch của Trung Quốc đối với Cam Bốt”, nhật báo Mỹ The New York Times ngày 23/12/2019 đã ghi nhận mối quan ngại đó khi cho rằng: “Chiến lược quân sự chuỗi ngọc trai của Trung Quốc phụ thuộc vào các tiền đồn khu vực ở nơi xa. Một số người nghĩ rằng Cam Bốt đang trở thành một trong những tiền đồn đó”.

Theo ghi nhận của đặc phái viên tờ báo Mỹ, được cử đến tận vùng Dara Sakor, nơi có sân bay và phi đạo đang được xây dựng, thì khi hoàn thành vào năm tới bên một bãi biển hẻo lánh, Phi Trường Quốc Tế Dara Sakor sẽ tự hào là có một phi đạo dài nhất Cam Bốt, được hoàn thành với loại khúc cua hẹp rất được phi công máy bay chiến đấu ưa thích. Gần đấy, các công nhân đang đốn cây của một công viên quốc gia để mở đường đến một hải cảng đủ sâu để tàu hải quân có thể cập bến.

Tập đoàn Trung Quốc có quan hệ chặt với chính giới, đảm trách xây dựng phi đạo và hải cảng khẳng định đó là các cơ sở dân sự. Thế nhưng, quy mô của thỏa thuận thuê đất tại Dara Sakor, với thời hạn 99 năm, chiếm 20% bờ biển Cam Bốt, đã làm tăng mối nghi ngờ về tính chất dân sự thuần túy của các cơ sở này, nhất là khi một phần của dự án đã được xây dựng cho đến nay đã bị bỏ hoang trong rừng rậm.

Cam Bốt: Bàn đạp cho Không Quân Trung Quốc ở Đông Nam Á ?

Theo tờ báo Mỹ, hoạt động tại Dara Sakor và các dự án khác của Trung Quốc gần đó đang làm dấy lên nỗi lo ngại theo đó Bắc Kinh đang âm mưu biến quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này thành một tiền đồn quân sự trong thực tế.

Đối với New York Times, cho đến nay, các công trình xây dựng vô số của Trung Quốc trên các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, trên khắp Ấn Độ Dương, rồi đến căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở hải ngoại, tại Djibouti ở vùng Sừng Châu Phi, đã gióng lên hồi chuông báo động về tham vọng quân sự của Trung Quốc, vào lúc mà sự hiện diện của Mỹ trong khu vực trên đà suy yếu.

Được biết đến dưới tên gọi “chuỗi ngọc trai”, chiến lược quốc phòng của Bắc Kinh, như vậy sẽ có thêm một viên ngọc quý ở Cam Bốt.

Trả lời nhật báo Mỹ, ông Sophal Ear, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại Học Occidental ở Los Angeles đã giải thích lý do vì sao Trung Quốc lại cho xây phi đạo ngay giữa rừng: Đó là vì nơi đó sẽ là bàn đạp cho Không Quân Trung Quốc “triển khai sức mạnh ra toàn khu vực và thay đổi toàn bộ cuộc chơi”.

Khi mở rộng uy lực ra nước ngoài, Trung Quốc đã va vào chiếc ô an ninh khu vực được Mỹ định hình từ nhiều thập kỷ trước. Cam Bốt là nước từng được hưởng những chi viện rất hào phóng của phương Tây, nhưng để bám víu vào quyền hành, thủ tướng Hun Sen đã đi theo xu hướng độc đoán, quay lưng lại với các cuộc bầu cử tự do và nhà nước pháp quyền. Về đối ngoại, ông đã đả kích Mỹ để nồng nhiệt bám lấy Trung Quốc, nước hiện trở thành nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Cam Bốt.

Một cơ sở lưỡng dụng, nhẹ phần dân sự nhưng nặng phần quân sự

Theo giới chức quân sự Mỹ, mà New York Times trích dẫn, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận độc quyền mở rộng một căn cứ hải quân Cam Bốt hiện hữu nằm ngay phía dưới Dara Sakor. Bắc Kinh dĩ nhiên đã phủ nhận ý đồ quân sự của họ ở Cam Bốt.

Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, lưu ý là Hoa Kỳ “lo ngại rằng phi đạo và các cơ sở cảng tại Dara Sakor đang được xây dựng trên quy mô lớn để được sử dụng cho mục đích quân sự, vượt xa nhu cầu cơ sở hạ tầng hiện tại được dự trù cho hoạt động thương mại”

Viên chức này nói thêm: “Bất kỳ bước nào của chính quyền Cam Bốt nhằm mời quân đội nước ngoài hiện diện sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á”.

Về phần mình, thủ tướng Hun Sen đã phủ nhận việc để cho quân đội Trung Quốc xây dựng căn cứ tại Cam Bốt. Chính quyền Phnom Penh thì tuyên bố rằng đường băng và cảng Dara Sakor sẽ biến khu rừng nhiệt đới hẻo lánh này thành trung tâm hậu cần toàn cầu, nơi sẽ tạo nên “kỳ tích”.

Theo Pay Siphan, một phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt, thì “sẽ không có quân đội Trung Quốc ở Cam Bốt, hoàn toàn không, và nói như vậy là bịa đặt. Có thể là người da trắng muốn kìm hãm Cam Bốt bằng cách ngăn không cho chúng tôi phát triển kinh tế”.

Thỏa thuận đất đai bất thường

Cho dù chính quyền Cam Bốt nhất mực cải chính về các “thỏa thuận” quân sự với Trung Quốc, báo New York Times đã chỉ ra nhiều điểm bất thường trong hợp đồng đất đai giữa hai bên trên vấn đề Dara Sakor

Trước hết là lời chứng của một số cư dân. Vào tháng 7, một số người mặc quân phục có vũ trang trong đã đến ngôi nhà gỗ của Thim Lim, một ngư dân sống ở công viên quốc gia lớn nhất Cam Bốt để ra lệnh buộc ông rời đi.

Ông Thim Lim cho biết rằng các quan chức của bộ Quản Lý Đất Đai đã thông báo nhà của ông sẽ bị phá hủy vào năm tới để nhường chỗ cho một “cảng quân sự do người Trung Quốc xây dựng”. Thông tin này đã được những dân làng khác tham dự cuộc họp xác nhận.

Đất của ông Thim Lim nằm trong thỏa thuận cho thuê Dara Sakor hơn một thập kỷ trước với Union Development Group, một tập đoàn Trung Quốc chưa từng hoạt động tại nước ngoài, ngoại trừ việc mua lại 110.000 mẫu đất của Cam Bốt.

Thỏa thuận này đã khả nghi ngay từ khi được lập ra: Không có đấu thầu công khai; tập đoàn Trung Quốc Union Development được trao hợp đồng thuê 99 năm, thời hạn dài gấp ba lần so với những gì luật đất đai Cam Bốt quy định, tập đoàn cũng được miễn thanh toán tiền thuê trong một thập kỷ.

Chủ trì việc ký kết thỏa thuận Dara Sakor năm 2008 là Trương Cao Lệ, từng là một trong những lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.

Ngày 9/12, tướng Kun Kim, cựu tham mưu trưởng quân đội Cam Bốt , và gia đình ông, trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ vì trục lợi từ các mối quan hệ với một “thực thể nhà nước Trung Quốc” và sử dụng binh sĩ để “dọa nạt, phá hủy và giải phóng mặt bằng”. Tập đoàn Trung Quốc không được nêu tên, nhưng cư dân địa phương nói rằng đó là Union Development.

Ngay cả với các điều khoản cho thuê hào phóng, một phần đã được xây dựng của Dara Sakor, khu phức hợp nghỉ dưỡng, có rất ít người qua lại. Vào thời diểm nhà báo New York Times có mặt tại đấy, sân golf thì vắng hoe, sòng bài casino cũng không có khách. Nhà hàng đồ biển thì có duy nhất một gia đình Trung Quốc, mà họ lại mang theo đồ ăn trong túi nylon để khỏi phải trả tiền ăn cho nhà hàng.

Thay vì rút ra khỏi liên doanh trì trệ, Union Development lại tiếp tục đầu tư mạnh hơn. Công trình mới tại Dara Sakor bao gồm đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu có thể tiếp nhận các tàu 10.000 tấn.

Ngoài ra, theo New York Times, việc ai là người kiểm soát liên doanh vẫn chưa rõ ràng với những tuyên bố trái ngược nhau. Trong nhiều năm, Union Development tuyên bố Dara Sakor hoàn toàn thuộc tư nhân. Tuy nhiên, tướng Chhum Socheat, thứ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt thì lại nói với báo Mỹ rằng cơ quan hàng không dân dụng của nước ông đang điều hành dự án sân bay, tức là không thể có liên kết với quân đội Trung Quốc.

Thế nhưng Sin Chansereyvutha, phát ngôn viên của bộ trưởng Hàng Không Dân Dụng lại nói rằng: “Chúng tôi không có thỏa thuận” nào về sân bay Dara Sakor.

Báo New York Times còn cho biết thêm : Vào tháng Năm, Union Development đã trao cho thủ tướng Hun Sen một tấm séc trị giá 1 triệu đô la cho Hội Chữ thập đỏ Cam Bốt do phu nhân của ông điều hành. Còn trụ sở chính của tập đoàn tại Phnom Penh thì được trang trí bằng ảnh của tướng Tea Banh, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt, sải bước trên sân golf Dara Sakor. Văn phòng chính của tập đoàn nằm ngay cạnh nhà bộ trưởng Quốc Phòng.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191226-ph%E1%BA%A3i-ch%C4%83ngtrung-qu%C3%B4%CC%81c-%C4%91ang-l%C3%A2%CC%A3p-ti%C3%AA%CC%80n-%C4%91%C3%B4%CC%80n-qu%C3%A2n-s%C6%B0%CC%A3-ta%CC%A3i-cam-b%C3%B4%CC%81t

 

Bão Phanfone tàn phá Philippines

trước khi di chuyển ra Biển Đông

Bão Phanfone đã giết chết ít nhất 13 người tại Philippines, tàn phá mọi thứ trên đường di chuyển của nó ở miền trung nước này.

Cơn bão tàn phá một số đảo với sức gió 190kmh, hủy hoại nhà cửa và đường lưới điện.

Siêu bão đổ vào Philippines Ngày Giáng sinh

Siêu bão Măng Cụt đã ập đến Philippines

Philippines tan hoang sau bão Haiyan

Nhiều người mất tích. Hàng ngàn người mắc kẹt khi tìm cách về nhà cho kịp đón Giáng Sinh.

Bão Phanfone đổ vào nơi gần với các khu vực từng bị Bão Haiyan tấn công vốn được coi là mạnh nhất từng đổ vào đất liền, hồi 2013.

Hơn 6.000 người thiệt mạng tháng 11 năm đó khiến Bão Haiyan trở thành trận bão gây chết người tồi tệ nhất tại Philippines.

Bão Phanfone vào đất liền bắt đầu từ đêm thứ Ba, tiếp tục hoành hành ở nhiều đảo khác ở miền trung Philippines trong ngày Giáng Sinh.

Hơn 58 ngàn người phải đi sơ tán trước khi bão tới, và khoảng 15 ngàn người khác bị mắc kẹt tại các cảng biển do dịch vụ phà phải ngưng hoạt động.

Hầu hết những người thiệt mạng đều ở tỉnh Iloilo và tỉnh Capiz.

Một gia đình bị lũ quét cuốn trôi trong lúc đang tìm cách di chuyển lên nơi cao hơn, hãng tin Philippines ABS-CBN tường thuật.

Hãng này nói thêm rằng chỉ ở riêng tỉnh Iloilo đã có ít nhất 12 người mất tích.

Ông Richard Gordon, chủ tịch Hội Hồng thập tự Philippines, nói với BBC: “Có rất nhiều người đã mất nhà cửa, và họ cần thực phẩm.”

Ông nói thêm rằng hòn đảo du lịch Boracay có vẻ như bị thiệt hại nặng, tuy quy mô đầy đủ của những tổn thất đến nay vẫn chưa được xác định rõ.

Ông nói thêm rằng các dịch vụ điện, nước đã bị cắt ở nhiều khu vực, và công tác khôi phục sẽ cần đến hàng tuần lễ.

Du khách người Nam Hàn Jung Byung-joon nói với hãng tin AFP rằng sân bay ở Kalibo vốn là nơi có các chuyến bay tới Boracay, bị hư hại nghiêm trọng.

“Đường xá vẫn bị chặn, nhưng người ta đã cố gắng giải tỏa bớt,” ông nói. “Tình hình khá là tệ.”

Tại thành phố Tacloban, một đám hỏa hoạn lớn đã bùng lên khi có gió mạnh, nhưng thành phố may không bị hư hại quá nhiều.

Tacloban đã bị tàn phá trầm trọng trong Bão Haiyan, khi một trận sóng dâng đã đẩy nước vào thành phố trũng, nơi có hơn 220 ngàn dân sinh sống.

Hôm thứ Năm, bão Phanfone đi ra phía Biển Đông.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50917426

 

Bất chấp bẫy nợ và cảnh báo của các nước,

Philippines tiếp tục

để Trung Quốc xây dựng sân bay ở ngoại ô Manila

Trong một động thái bất ngờ, Công ty TNHH Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) lại tiếp tục trúng thầu dự án xây dựng sân bay trị giá 10 tỷ USD ở ngoại ô thủ đô Manila của Philippines.

Theo thông tin trên, CCCC đã cùng với công ty dịch vụ hàng không Macroasia Corporation của Philippines tham gia liên danh với chính quyền tỉnh Cavite (Philippines) để thực hiện dự án sân bay quốc tế Sangley Point. Đây là một trong hai dự án sân bay trị giá hàng tỷ USD được xây dựng nhằm giảm tải cho sân bay chính của Philippines đặt tại Manila. Dự án cũng là một phần trong kế hoạch cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng lớn của Chính phủ Philippines.

Việc CCCC trúng thầu dự án xây dựng sân bay ở Manila được giới quan sát đánh giá là khá bất ngờ. Bởi trước đó, dự án sân bay này bị chính phủ Philippines coi là không khả thi. Theo giới quan sát, CCCC là công ty nhà nước Trung Quốc đã trúng thầu nhiều dự án tỷ USD ở nước ngoài như Malaysia, Panama…Việc CCCC thắng thầu dự án sân bay nói trên cho thấy các công ty nhà nước Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sự hiện diện tại Philippines.

Trong năm qua, các công ty của Trung Quốc đã giành được nhiều hợp đồng thuộc các lĩnh vực viễn thông, năng lượng và xây dựng của Philippines. Tuy nhiên, cũng không ít các công ty Trung Quốc đã vướng vào các bê bối khiến chính phủ Philippines phải áp dụng những biện pháp mạnh. Tháng 11/2019, với quyết tâm đổi mới về chính sách, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn giảm sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, bao gồm từ Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy các dự án hợp tác công tư. Các dự án mà Tổng thống Duterte “được xem là không khả thi” sẽ bị hoãn lại, chẳng hạn như các cây cầu liên đảo, do chính phủ và Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ, và hai dự án do Trung Quốc tài trợ: tuyến xe buýt nhanh dài 11 km kết nối khu Bonifacio Global City, sân bay Manila, cũng như giai đoạn thứ hai và thứ ba của dự án đường sắt trị giá hàng tỷ dollar ở Mindanao, vẫn chưa bắt đầu xây dựng.

Chính quyền Duterte ban đầu không coi trọng PPP do sự chậm trễ thường xuyên xảy ra khi các nhà thầu yêu cầu thêm thời gian để chuẩn bị đấu thầu. Tuy nhiên, quan điểm này đã được thay đổi, nhiều dự án PPP thời Aquino đang được tài trợ thông qua các khoản vay, như dự án đập Kaliwa 12,2 tỷ peso, sẽ do Trung Quốc rót vốn.

Nằm cách trung tâm thành phố Manila khoảng 35 km, sân bay được cho là một giải pháp tốt để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hàng không của thủ đô Philippines. Thế nhưng, sân bay Sangley Point lại nằm ở tỉnh Cavite, gần Bộ Chỉ Huy nhiều cơ quan trọng yếu của Hải Quân, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ quan trọng cho quân đội như tiếp tế nhiên liệu, kết nối điện, và một loạt dịch vụ hậu cần khác.Sân bay cũng nằm trên vịnh Manila, nơi đặt bản doanh của Hải Quân Philippines.

Hiện một số quan chức Hải Quân Philippines đang bày tỏ lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia và quốc phòng khi để doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay trên. Một quan chức Hải Quân Philippines cấp cao xin giấu tên đã xác nhận với tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản: “Đấy không chỉ là một mối lo ngại đối với Hải Quân và lực lượng vũ trang Philippines, mà còn đối với cả đất nước Philippines”. Cựu Tư lệnh Hải Quân Philippines đã về hưu Alexander Pama cho rằng nếu được tiến hành với sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc gây tranh cãi đó, dự án sẽ là hiểm họa treo lơ lửng trên đầu Philippines. Trong một bài đăng trên Facebook, vị cựu tư lệnh này cho rằng “Trong lịch sử Philippines, các căn cứ

hải quân và không quân được đặt ở khu vực hiện tại chính là vị trí chiến lược của nơi đó trong việc giúp bảo vệ thủ đô Manila”.

Theo ông Jesse Grepo, một quan chức trong chính quyền tỉnh Cavite, hoạt động đấu thầu của Công ty MarcoAsia vẫn đang được đánh giá và cần sự thông qua từ các ban ngành chính phủ trước khi chính thức khởi công xây dựng.

Trong khi đó, hoạt động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra trong bối cảnh, chính quyền của Tổng thống Philippines liên tục có những nỗ lực nhằm thắt chặt quan hệ với chính quyền Bắc Kinh và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Cụ thể, Philippines đã nhận được số tiền hơn 45 tỉ USD đầu tư từ Trung Quốc, sau khi chính quyền Manila phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Huage, Hà Lan hồi năm 2016 phủ nhận những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm căng thẳng khu vực không ngừng gia tăng.

Về phần mình, các tướng quân đội Philippines vẫn tỏ ra nghi ngờ về mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, đồng thời duy trì quan hệ truyền thống với Mỹ, đồng minh hiệp ước duy nhất của Manila. Trong khi đó, dự án sân bay Sangley Point tại tỉnh Cavite nằm trên vịnh Manila, nơi đặt trụ sở của hải quân Philippines cùng hàng loạt sở chỉ huy liên quan tới công tác hậu cần của hải quân nước này.

Trước đó, hồi năm 2009, Ngân hàng thế giới (WB) đã cấm CCCC và tất cả các công ty con của tập đoàn này tham gia vào những dự án xây dựng đường xá được WB tài trợ trong vòng 8 năm trước những cáo buộc “gian lận” trong một dự án xây dựng đường ở Philippines. Tuy nhiên, CCCC đã bác bỏ cáo buộc trên và hiện dần quay trở lại các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Philippines. Tuy nhiên, Thị trưởng tỉnh Cavite là ông Jonvic Remulla lại khẳng định, “chúng tôi thấu hiểu mối quan ngại của các quan chức quốc phòng, nhưng chúng tôi chắc chắn là những biện pháp bảo vệ phù hợp sẽ được thi hành”.

Những mối quan ngại liên quan tới dự án sân bay Sangley Point với sự tham gia của CCCC diễn ra trong bối cảnh, dư luận Philippines ngày càng tỏ ra nghi ngờ về các hoạt đầu tư từ Trung Quốc. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 11, các nghị sĩ đảng đối lập đã yêu cầu chính phủ Philippines tiến hành điều tra về việc Tập đoàn Lưới điện quốc gia Trung Quốc (SGCC) hoàn toàn nắm quyền kiểm soát và có thể cắt điện của Philippines bất cứ lúc nào nếu muốn. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay SGCC chỉ là đối tác trong dự án Tập đoàn Truyền tải Quốc gia (Transco) của Philippines. SGCC nắm giữ 40% vốn của NGCP. Tuy nhiên, NGCP chịu trách nhiệm vận hành, bảo trì và phát triển lưới điện của Philippines. Bản thân NGCP cũng nhấn mạnh, những cáo buộc về việc SGCC có thể cắt điện của Philippines là vô căn cứ.

http://biendong.net/bien-dong/32325-bat-chap-bay-no-va-canh-bao-cua-cac-nuoc-philippines-tiep-tuc-de-trung-quoc-say-dung-san-bay-o-ngoai-o-manila.html