Các nhà hoạt động nhận định với VOA rằng tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2019 rất tồi tệ và dự báo sang năm 2020 mức độ đàn áp các nhà tranh đấu sẽ nghiêm trọng hơn khi các quan chức tranh nhau nắm quyền giữa lúc diễn ra đại hội đảng các cấp.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, sáng lập Hội Anh em Dân chủ, nhận định với VOA nhân chuyến vận động nhân quyền tại thủ đô Washington DC trong tuần qua:
“Trong năm 2019, việc bắt giữ các nhà hoạt động trong nước có giảm thiểu nhiều hơn, một trong các nguyên do là năm 2018 có các cuộc biểu tình 10/6 nên có hơn 100 người, các nhà hoạt động bị bắt.
“Sang năm 2019, sau khi Luật An ninh Mạng có hiệu lực 1/1, số lượng các blogger bị bắt nhiều hơn. Trong 2019, họ tập trung vào bắt giữ những người có tiếng nói đối lập và có ảnh hưởng trong xã hội nhiều hơn so với năm 2018.
Sang năm 2019, sau khi Luật An ninh Mạng có hiệu lực 1/1, số lượng các blogger bị bắt nhiều hơn. Trong 2019, họ tập trung vào bắt giữ những người có tiếng nói đối lập và có ảnh hưởng trong xã hội nhiều hơn so với năm 2018.Luật sư Nguyễn Văn Đài
“Chỉ riêng trong tháng 11 này có đến 20 nhà hoạt động ôn hòa bị đưa ra tòa xét xử với tổng mức án lên đến 120 năm tù. Đó là một tháng đen tối trong tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.”
Một thoáng nhìn về nhân quyền 2019
Vừa qua Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hiện tại Việt Nam có đến 130 tù nhân chính trị trong khi Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết có đến 12 phóng viên đang bị giam cầm. Tuy nhiên, tổ chức The 88 Project cho biết con số các nhà hoạt động nói chung đang bị chính quyền Việt Nam bỏ tù là 276 người.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Chủ tịch tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, người vừa được Bộ Ngoại giao Pháp – Đức trao giải nhân quyền 2019, nói với VOA:
“Việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và mang tính thách thức. Đây là một năm tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Chế độ cộng sản Việt Nam không còn coi trọng và bị chùng bước trước những ý kiến, những chỉ trích của cộng đồng thế giới nói chung về đàn áp nhân quyền. Đó là một thái độ mang tính thách thức của chế độ cộng sản Việt Nam.”
Ông Vũ Quốc Ngữ nhận định rằng việc chính quyền gần đây bắt bớ những người dùng mạng xã hội và những tiếng nói phản biện ít tiếng tăm cho thấy “mức độ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, lan tận các địa phương nhỏ lẻ, chứ không chỉ ở các thành phố lớn.”
Ông Vũ Quốc Ngữ cho biết thêm:
Sau một thời gian Bộ Công an bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến có tên tuổi thì xu hướng gần đây là Bộ Công an bật đèn xanh cho các địa phương để bắt giữ những người có ít tên tuổi hơn tại một số các tỉnh như Lâm Đồng, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Bến Tre… và một số tỉnh nhỏ lẻ.Ông Vũ Quốc Ngữ
“Sau một thời gian Bộ Công an bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến có tên tuổi thì xu hướng gần đây là Bộ Công an bật đèn xanh cho các địa phương để bắt giữ những người có ít tên tuổi hơn tại một số các tỉnh như Lâm Đồng, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Bến Tre… và một số tỉnh nhỏ lẻ.
“Điều này chứng tỏ rằng chính quyền địa phương cũng muốn trấn áp sự phản kháng từ trong trứng nước. Và nhân dịp này, chính quyền địa phương cũng muốn lập án để lấy thành tích.”
Vào tháng 11/2019, Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong một nỗ lực của Tổ chức Nạn nhân cộng sản (VCMF) đã có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để lên án tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Bà Như Quỳnh nhận định với VOA khi nói về các mục tiêu vận động của VCMF:
“Chiến dịch vận động cho tự do, dân chủ ở Việt Nam của Qũy VCMF năm nay và trong vài năm tới sẽ chú ý nhiều hơn đến Việt Nam.
Trong mắt bạn bè phương Tây, người ta không bao giờ tưởng tượng rằng hiện tại Việt Nam có những bản án, đòn phạt nặng nề dành cho những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa như vậy!Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
“Trong mắt bạn bè phương Tây, người ta không bao giờ tưởng tượng rằng hiện tại Việt Nam có những bản án, đòn phạt nặng nề dành cho những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa như vậy!”
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, người vừa đoạt giải Tự do báo chí năm 2019 của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), nhận định với VOA về vấn đề kiểm duyệt truyền thông ở Việt Nam:
“Gần 20 năm làm báo ở Việt Nam, tôi chứng kiến sự kiểm duyệt của hệ thống an ninh, công an, tuyên giáo… từ báo điện tử đến phát thanh truyền hình… đến mạng xã hội.
“Tôi biết rằng Việt Nam là một đất nước khủng khiếp trong việc kiểm soát báo chí, xuất bản, nói chung là kiểm soát truyền thông… từ tinh vi đến thô bỉ.
Tôi biết rằng Việt Nam là một đất nước khủng khiếp trong việc kiểm soát báo chí, xuất bản, nói chung là kiểm soát truyền thông… từ tinh vi đến thô bỉ.Nhà báo Phạm Đoan Trang
“Tinh vi: họ tạo ra một cơ chế để các nhà báo tự sợ hãi, tự kiểm duyệt. Thô bỉ: gọi điện thoại, tin nhắn trực tiếp cho tòa báo để yêu cầu gỡ, cắt xén… theo hướng chính quyền mong muốn.
“Gần như cơ quan nào hễ có một chút quyền lực đều có thể kiểm soát báo chí.”
Cùng ý kiến với nhà báo Phạm Đoan Trang, nhà báo độc lập Đường Văn Thái, nói:
“Nhà cầm quyền Việt Nam gần như là muốn bịt đường tự do ngôn luận, bịt thông tin đa chiều, tức là đàn áp tự do ngôn luận. Ở Việt Nam họ không muốn có thông tin đa chiều, thông tin độc lập.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và các tổ chức nhân quyền Việt Nam quốc tế khác, hôm đầu tháng 11 đã gửi một thư ngỏ chung cho Chủ tịch Quốc hội châu Âu và các cơ quan trực thuộc đề nghị Nghị viện Châu Âu hoãn việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp dịnh Bảo vệ Đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam cho đến khi nhà cầm quyền Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về nhân quyền.
Trong thư, các tổ chức xã hội dân sự nêu bật việc chế độ cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp người bảo vệ nhân quyền, nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập, nhiều tổ chức tôn giáo và những cá nhân bày tỏ quan điểm chỉ trích chế độ.
“Quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm, hội họp và lập nhóm vẫn bị hạn chế nghiêm trọng trong khi hệ thống tư pháp cũng như truyền thông, xã hội dân sự, và các tổ chức tôn giáo độc lập bị nhà nước kiểm soát chặt. Hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, môi trường, lao động, luật sư, chức sắc tôn giáo, blogger đã bị kết án hoặc bị bắt giam chỉ vì thực thi ôn hòa quyền tự do biểu đạt của họ, trong khi nhiều người khác bị đánh đập bởi côn đồ được nhà nước bảo trợ,” bức thư viết.
Chỉ vài ngày trước khi bị chính quyền Việt Nam bắt giam hôm 21/11, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, sáng lập viên Hội nhà báo Việt Nam Độc lập có một bài viết cho VOA trong đó ông chỉ trích Liên minh châu Âu vì đã ký hiệp định thương mại EVFTA với Việt Nam bất chấp thành tích nhân quyền kém cỏi và thúc giục khối này xem xét lại hiệp định trước khi phê chuẩn.
Nhận định về các diễn biến gần đây tại châu Âu liên quan đến việc liệu EVFTA có được phê chuẩn không, luật sư Nguyễn Văn Đài nói:
“Vừa qua ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thương mại của Nghị viện châu Âu đã từ chức Uỷ viên phụ trách báo cáo về Hiệp định Tự do Thương mại song phương EU-Việt Nam (EVFTA) vì ông bị cáo buộc có quan hệ với một tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản Việt Nam. Việc từ chức của ông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xem xét thông qua EVFTA trong thời gian tới đây.
“Đồng thời, ngày 09/12 vừa qua các Ngoại trưởng EU bỏ phiếu nhất trí thông qua Đạo luật Magnitsky của EU. Điều này tác động mạnh mẽ và là công cụ rất hữu ích để cho giới đấu tranh trong nước có thể bảo vệ quyền con người và sử dụng nó trong việc vận động Bộ Ngoại giao EU trong tương lai nhằm trừng phạt các quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam khi họ vi phạm nhân quyền.”
EU soạn luật trừng phạt vi phạm nhân quyền, tác động gì đến VN?
Dự báo về mức độ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong năm tới, ông Nguyễn Văn Đài nói:
“Các đây khoảng 6 tháng, ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, đã đe nẹt giới hoạt động nhân quyền trong nước, nói rằng là sẽ có những đợt bắt bớ nhằm vào các nhà hoạt động để bảo vệ cho đại hội Đảng các cấp địa phương trong tháng 3 tới đây cho tới đại hội Đảng toàn quốc vào tháng 01/2021 thì chắc chắn họ sẽ đàn áp các tiếng nói đối lập nhiều hơn, mặc dù Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo An LHQ…
“Nhưng họ cũng có thể dựa vào vị thế đó để làm căng đối với giới hoạt động trong nước bởi vì cộng đồng quốc tế cũng cần vị trí của họ để tạo ảnh hưởng đến các nước ASEAN, cũng như cần lá phiếu của họ trong những trường hợp cần thiết ở HĐBA LHQ.
“Tôi có thể dự báo rằng Việt Nam không giảm thiểu tình trạng vi phạm nhân quyền; nhân quyền sẽ không được cải thiện mà mức độ đàn áp sẽ lớn hơn trong năm 2020.”
(VOA)