Tin khắp nơi – 20/12/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 20/12/2019

Thương chiến Mỹ-Trung 2019: Một năm giằng co

Năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước sang năm thứ hai với nhiều diễn tiến đột biến: từ hưu chiến lần thứ hai ở Osaka cho đến ông Trump quyết định đánh thuế lên toàn bộ hàng tiêu dùng còn lại của Trung Quốc; từ hy vọng đạt được thỏa thuận cho đến đàm phán đổ vỡ; từ bờ vực của cuộc chiến toàn diện cho đến thỏa thuậng giai đoạn 1. Còn vài ngày nữa là hết năm 2019, VOA mời quý vị cùng điểm lại những diễn biến của cuộc chiến thuế quan này từ đầu năm đến nay.

Ngày 7/1: đàm phán 3 ngày tại Bắc Kinh

Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của phái đoàn chính thức của hai nước kể từ khi lãnh đạo đồng ý thỏa thuận ‘hưu chiến’ kéo dài 90 ngày, kết thúc vào ngày 1 tháng 3.

Ban đầu dự kiến diễn ra trong hai ngày, các cuộc thảo luận kéo dài thêm một ngày sau khi nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Cố vấn kinh tế hàng đầu của Trung Quốc Lưu Hạc cũng xuất hiện bất ngờ tại các cuộc đàm phán vốn dự định chỉ diễn ra ở cấp thứ trưởng. Cuộc đàm phán được chia thành hai lĩnh vực – ‘thương mại’, bao gồm mất cân bằng thương mại và ‘các vấn đề hệ thống’, như ép buộc chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và hàng rào phi thuế quan.

Sau cuộc đàm phán, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông cáo rằng các cuộc đàm phán là ‘sâu rộng và thiết lập nền tảng để giải quyết các mối quan tâm của nhau’. Đại diện Thương mại Mỹra tuyên bố cho biết Trung Quốc cam kết sẽ mua ‘một lượng đáng kể nông sản, năng lượng, hàng hóa chết tạo và các sản phẩm và dịch vụ khác của Mỹ’, nhưng lưu ý rằng vẫn còn một số vấn đề còn tồn tại.

Ngày 30/1: đàm phán 2 ngày tại Washington DC

Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp tại Washington DC, với phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc. Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc đề nghị mua năm triệu tấn đậu nành của Mỹ. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ gặp trực tiếp Chủ tịch Tập vào tháng Hai.

Ngày 7/2: Trump nói sẽ không gặp Tập trước thời hạn chót đạt thỏa thuận thương mại

Ông Trump nói ông sẽ không gặp ông Tập trực tiếp trước khi ‘hưu chiến’ kết thúc vào ngày 1/3.

Ngày 11/2: đàm phán tại Bắc Kinh

Ngày 15/2, ông Tập gặp các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ, trong một động thái được nhìn nhận rộng rãi như một cử chỉ thiện chí. Vào cuối cuộc đàm phán, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có khác biệt, nhưng đồng ý tiếp tục đàm phán tại Washington vào tuần kế tiếp.

Ngày 21/ 2: đàm phán tại Washington, Trump kéo dài thời hạn áp thuế

Các nhà đàm phán hai nước nối lại đàm phán tại Washington. Ngày hôm sau, ông Trump gặp ông Lưu Hạc, trưởng phái đoàn đàm phán Trung Quốc trước truyền thông. Ông bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại. Vào ngày 24/2, ông Trump tuyên bố sẽ gia hạn thời hạn chót đạt thỏa thuận thương mại với lý do đàm phán có tiến triển. Ông Trump không đưa ra một ngày cụ thể cho thời hạn mới, nhưng hy vọng rằng ông Tập sẽ đến khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Trump ở Florida vào tháng 3 để hoàn tất thỏa thuận thương mại.

Ngày 28/3: đàm phán nối lại ở Bắc Kinh sau một tháng tạm ngưng

Thời gian một tháng các cuộc đàm phán tạm nghỉ một phần là do Trung Quốc bận họp Lưỡng Hội (tức Quốc hội và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân) được tổ chức vào đầu tháng 3 – cuộc họp chính trị lớn nhất trong năm của Trung Quốc. Các quan chức gọi các cuộc đàm phán này là mang tính xây dựng với cơ chế thực thi để giám sát cam kết của Trung được cho là điểm bế tắc.

Ngày 31/3: Trung Quốc gia hạn tạm dừng đánh thuế bổ sung đối với ô tô và phụ tùng Mỹ

Trước đó, Trung Quốc đã áp dụng mức thuế trả đũa 25% đối với ô tô Mỹ để đáp lại thuế quan của Mỹ, nhưng sau đó đã đình hoãn vào tháng 12 năm 2018 cho đến ngày 1/4 năm 2019. Trung Quốc không nêu rõ khi nào sẽ đánh thuế lại. Ô tô Mỹ vẫn phải chịu mức thuế suất tiêu chuẩn 15% của Trung Quốc.

Ngày 3/4: đàm phán ở Washington

Một ngày sau khi bắt đầu đàm phán, hôm 4/4, ông Trump gặp ông Lưu Hạc và nói rằng hai bên sẽ biết ‘trong vòng bốn tuần nữa’ liệu họ có thể đạt được thỏa thuận hay không. Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đồng ý tiếp tục đàm phán vào tuần sau.

Ngày 10/4: hai bên đồng ý lập văn phòng thực thi thỏa thuận thương mại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý thành lập ‘văn phòng thực thi’ để giám sát việc thực thi thỏa thuận thương mại vốn vẫn chưa được chốt. Theo tin tức báo chí, các vấn đề về thực thi vẫn chưa được thống nhất, chẳng hạn như liệu Mỹ có quyền đơn phương tái áp đặt thuế quan hay không nếu Trung Quốc được coi là đi ngược lại các cam kết.

Ngày 30/4: đàm phán tại Bắc Kinh

Ông Mnuchin gọi cuộc đàm phán này là ‘có kết quả’ và xác nhận rằng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán tại Washington vào tuần tới.

Ngày 5/5: ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế với Trung Quốc

Tổng thống Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ tăng thuế với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% và có hiệu lực kể từ ngày 10/5. Mức thuế quan này sẽ áp dụng cho các sản phẩm trong Danh sách 3 vốn đã chịu mức thuế 10% kể từ 24/9 năm 2018. Mức thuế trong Danh sách 3 ban đầu dự kiến tăng lên 25% vào đầu năm năm 2019 nhưng sau đó Mỹ hoãn lại việc tăng thuế cho đến ngày 1/3/2019 và sau đó đồng ý trì hoãn vô thời hạn để hỗ trợ cho các cuộc đàm phán.

Ông Trump cũng nói rằng ông sẽ đưa ra mức thuế mới 25% đối với hơn 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm gần như hầu hết các mặt hàng còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng thống Trump nói rằng sở dĩ ông tăng thuế bởi vì phía Trung Quốc đang cố gắng ‘đàm phán lại’ thỏa thuận thương mại và đang thụt lùi trong các cam kết.

Ngày 10/5: Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25%

Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc trong Danh sách 3 từ 10% lên 25%, do hai nước không đạt được thỏa thuận sau khi kết thúc ngày đầu tiên của vòng đàm phán thương mại cấp cao thứ mười một. Việc tăng thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 10/5/2019 với hàng hóa rời từ Trung Quốc sang Mỹ trước nửa đêm vẫn bị đánh thuế ở mức 10% trước đó. Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra một tuyên bố nói rằng họ ‘rất lấy làm tiếc’ về thuế quan và ‘các biện pháp đối phó cần thiết’ sẽ được thực hiện.

Ngày 13/5: Trung Quốc thông báo tăng thuế lên hàng Mỹ và đưa ra hệ thống miễn thuế

Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ đô la hàng hóa Mỹ kể từ ngày 1/6 năm để trả đũa việc tăng thuế do Mỹ áp đặt vào ngày 10/5. Các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm thịt bò, thịt cừu, thịt heo, rau, nước trái cây, dầu ăn, trà, cà phê, tủ lạnh và đồ nội thất cùng nhiều thứ khác.

Bên cạnh việc tăng thuế, Ủy ban thuế quan của Quốc vụ viện cũng đưa ra một hệ thống miễn thuế đối với một số sản phẩm đủ điều kiện nhất định. Trên cơ sở thử nghiệm, hệ thống này cho phép các sản phẩm nhập khẩu của Mỹ tạm thời được miễn thuế bổ sung; thuế quan có thể được hoàn lại cho các sản phẩm đủ điều kiện đã bị đánh thuế. Đại diện thương mại Mỹ cũng cho biết họ sẽ tổ chức lấy ý kiến công chúng vào ngày 17/6 năm về khả năng áp thuế 25% đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại di động và máy tính xách tay.

Ngày 16/5: Mỹ đưa Huawei vào ‘danh sách đen’

Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo bổ sung Huawei và các chi nhánh của Huawei vào danh sách cấm các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.

Ngày 31/5: Trung Quốc công bố danh sách ‘các thực thể không đáng tin cậy’

Trung Quốc thông báo họ sẽ thiết lập danh sách các thực thể không đáng tin cậy của riêng họ để trả đũa danh sách của Mỹ. Danh sách không đáng tin cậy này bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân nước ngoài không tuân thủ quy tắc thị trường, vi phạm hợp đồng và chặn, cắt nguồn cung vì lý do phi thương mại hoặc làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.

Ngày 1/6: Trung Quốc tăng thuế đối với 60 tỷ đô la hàng Mỹ

Các mức thuế quan 25%, 20% và 10%, vốn lần đầu tiên được công bố vào ngày 13/5 giờ đã có hiệu lực đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ đô la xuất khẩu sang Trung Quốc. Những thay đổi cụ thể như sau:

Các sản phẩm trong danh sách 1 sẽ phải chịu mức thuế 25%, tăng từ 10%;

Các sản phẩm trong danh sách 2 sẽ phải chịu mức thuế 20%, tăng từ 10%;

Các sản phẩm trong danh sách 3 sẽ phải chịu mức thuế 10%, tăng từ năm 5%; và

Các sản phẩm trong danh sách 4 sẽ vẫn phải chịu mức thuế 5%.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc tuyên bố mở một cuộc điều tra chính thức về công ty vận tải FedEx của Mỹ vì đã chuyển hướng các kiện hàng từ Nhật Bản gửi đến Trung Quốc sang Mỹ.

Ngày 2/6: Trung Quốc công bố Sách Trắng về quan hệ kinh tế Mỹ-Trung

Sách Trắng có tựa đề: ‘Lập trường của Trung Quốc về tham vấn kinh tế và thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ’.

Sách Trắng lên án các biện pháp đơn phương và bảo hộ của Mỹ, chỉ trích việc Mỹ thoái lui trong các cuộc đàm phán thương mại và thể hiện lập trường của Trung Quốc về tham vấn thương mại và theo đuổi các giải pháp hợp lý.

Ngày 18/6: Tập-Trump khởi động lại đàm phán trước thềm G20

Lãnh đạo hai nước khởi động lại đàm phán qua điện thoại, chưa đầy hai tuần trước Hội nghị thượng đỉnh G20 rất được trông đợi ở Osaka, Nhật Bản, vào ngày 28-29/6. Cả hai bên đã xác nhận rằng họ sẽ gặp nhau để thảo luận về tranh chấp thương mại đang diễn ra, bên lề Hội nghị thượng đỉnh. Trước đó, ông Trump từng đe dọa sẽ đánh thuế đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu còn lại Trung Quốc, tùy thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán.

Ngày 21/6: Mỹ đưa thêm 5 công ty Trung Quốc vào ‘danh sách đen’

Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố bổ sung năm thực thể mới của Trung Quốc (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước), cấm họ mua các bộ phận và linh kiện của Mỹ mà không có sự chuẩn thuận trước của chính phủ. Các thực thể mới được nhắm đến là: Sugon, Viện Công nghệ Điện toán Vô Tích Giang Nam, Higon, Mạch tích hợp Thành Đô Hải Quang và Công nghệ vi điện tử Thành Đô Hải Quang.

Ngày 26/6: đạt được thỏa thuận ‘đình chiến’ trước G20

Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý với một thỏa thuận ‘đình chiến’ dự kiến trong lúc chuẩn bị nối lại đàm phán thương mại ở Osaka. Thông tin chi tiết của thỏa thuận được soạn thảo và dự kiến được công bố trước hội nghị. Mức thuế 25% mà Mỹ đe dọa đối với hơn 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được tạm hoãn. Các nguồn tin được giới truyền thông trích dẫn cho biết ông Trump có thể đưa ra thời hạn sáu tháng để đạt được thỏa thuận. Nếu điều này lên đến đỉnh điểm, điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ trì hoãn việc thực hiện các mức thuế tiếp theo cho đến cuối năm nay.

Ngày 29/6: tái khởi động đàm phán, lệnh cấm Huawei được nới lỏng

Mỹ và Trung Quốc đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại, sau khi đạt được thỏa thuận ‘đình chiến.’ Không có thời hạn nào được đưa ra cho các cuộc đàm phán lần này, khác lần ‘đình chiến’ hồi năm ngoái tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires.

Tổng thống Trump cũng đề nghị nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ cho Huawei.

Ngày 9/7: Mỹ miễn 110 sản phẩm Trung Quốc khỏi mức thuế 25% và cấp phép cho các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei

Chính quyền Trump tuyên bố sẽ miễn cho 110 sản phẩm của Trung Quốc khỏi bị áp mức thuế 25%, bao gồm cả thiết bị y tế cho bệnh ung thư. Lệnh miễn thuế này sẽ có hiệu lực trong một năm kể từ ngày 9/7/2019. Hơn nữa, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói rằng chính phủ Mỹ sẽ cấp giấy phép cho các công ty đang muốn bán hàng cho Huawei ở những chỗ không có đe dọa an ninh. Bộ trưởng Thương mại Mỹ xác nhận rằng Huawei vẫn sẽ nằm trong ‘danh sách đen’.

Ngày 16/7: Trump đe dọa áp thuế lên 325 tỷ đô la giá trị hàng Trung Quốc

Tổng thống Trump một lần nữa đe dọa sẽ đánh thuế vào 325 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, bất chấp việc ông đã hứa sẽ không làm như vậy sau thỏa thuận đình chỉ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 chỉ hai tuần trước đó. Trong khi đó, Trung Quốc bất ngờ bổ sung một thành viên mới vào đoàn đàm phán – Bộ trưởng Thương mại Trung Sơn – nhân vật được xem là người có lập trường cứng rắn.

Ngày 30/7: đàm phán ở Thượng Hải kết thúc, ít tiến triển

Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã gặp nhau ở Thượng Hải để đàm phán thương mại trong hai ngày. Đây là lần tương tác trực diện đầu tiên kể từ khi Trump và Tập gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6 và là cuộc đàm phán cấp cao chính thức đầu tiên kể từ tháng 5. Như hầu hết các nhà phân tích dự đoán, các cuộc đàm phán đã kết thúc với rất ít tiến triển. Hai bên đã đồng ý tiếp tục nói chuyện và sẽ gặp lại vào tháng 9.

Các cuộc đàm phán này xoay quanh các cử chỉ thiện chí, chẳng hạn như các cam kết của Trung Quốc mua đậu nành, thịt lợn, ethanol và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ, và Mỹ hứa sẽ giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với Huawei. Nhà Trắng ra thông báo khẳng định cam kết của Trung Quốc sẽ tăng mua hàng nông sản Mỹ, mặc dù không nêu chi tiết. Trung Quốc cũng xác nhận nội dung về việc mua nông sản Mỹ, nhưng không nói rõ có được đạt được thỏa thuận hay không.

Ngày 1/8: Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ đô la hàng hóa còn lại của Trung Quốc

“Hoa Kỳ sẽ bắt đầu từ ngày 1/9 áp đặt thêm biểu thuế thấp 10% đối với 300 tỷ đô la hàng hóa và sản phẩm còn lại đến từ Trung Quốc,” ông Trump viết trên Twitter. Thông báo đánh thuế bất ngờ này được đưa ra sau khi Mỹ và Trung Quốc kết thúc đàm phán thương mại tại Thượng Hải chỉ một ngày trước đó. Sau cuộc họp, Nhà Trắng mô tả cuộc đàm phán là ‘mang tính xây dựng’ và nói thêm rằng Trung Quốc đã xác nhận cam kết tăng mua hàng nông sản Mỹ.

Nếu được áp dụng, vòng đánh thuế này sẽ ảnh hưởng đến gần như tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ, bao gồm cả hàng tiêu dùng điện tử và quần áo. Ông Trump cũng đe dọa sẽ tăng thuế lên tới 25% đối với 250 tỷ đô la hàng hóa nếu Trung Quốc không nhanh chóng đạt được thỏa thuận.

Ngày 6/8: Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ

Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, sau khi đồng nhân dân tệ giảm xuống 7 so với đồng đô la Mỹ – mức thấp nhất trong 11 năm – một động thái trả đũa rõ ràng đối với mức thuế quan mới đối hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Tuyên bố cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ ‘để đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế’ và tuyên bố rằng Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ sẽ phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để loại bỏ những lợi thế này. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bác bỏ những tuyên bố này trong một tuyên bố mạnh mẽ, cho rằng “Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không sử dụng tỷ giá nhân dân tệ như một công cụ để đối phó với các xung đột thương mại” và rằng “những thay đổi đối với tỷ giá Nhân dân tệ là quy luật cung cầu của thị trường quyết định”.

Ngày 6/8: các công ty Trung Quốc tạm ngừng mua thêm nông sản Mỹ

Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 6/8, một số công ty Trung Quốc đã ngưng mua sản phẩm nông nghiệp Mỹ. Tuyên bố cũng nói rõ rằng Ủy ban thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc sẽ không loại trừ thuế nhập khẩu đối với hàng nông sản mới mua của Mỹ sau ngày 3/8. Do đó, một số công ty Trung Quốc đã quyết định ngưng nhập khẩu.

Ngày 13/8: Mỹ hoãn thuế với một số sản phẩm và đưa một số mặt hàng ra khỏi danh sách thuế

Đại diện Thương mại Mỹ tuyên bố họ hoãn áp dụng thuế quan bổ sung đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc đến ngày 15 tháng 12. Mức thuế 10% đối với một loạt các sản phẩm của Trung Quốc vẫn có hiệu lực vào ngày 1/9. Mức thuế được hoãn này sẽ ảnh hưởng đến giá thành của các mặt hàng người dân Mỹ tiêu thụ hàng loạt, bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game, màn hình máy tính, một số mặt hàng giày dép và quần áo, và một số đồ chơi. Bên cạnh đó, một số sản phẩm Trung Quốc được loại ra khỏi danh sách bị đánh thuế quan với lý do ‘sức khỏe, an toàn, an ninh quốc gia’.

Ngày 13/8: Mỹ-Trung đồng ý nói chuyện lại sau hai tuần

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán trong hai tuần. Việc này dự kiến sẽ xảy ra chỉ vài ngày trước ngày 1/9 khi thuế quan bổ sung của Mỹ có hiệu lực. Tuyên bố được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nói chuyện với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin qua điện thoại vào ngày 13/8.

Ngày 23/8: Trung Quốc loan báo đánh thuế 75 tỷ đô la hàng hóa Mỹ, Trump dọa tăng thuế lên hàng Trung Quốc

Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc công bố đánh thuế 75 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ. Mức thuế 5 và 10% sẽ được áp dụng đối với 5.078 mặt hàng của Mỹ theo hai đợt, từ ngày 1/9 (theo danh sách 1) và từ ngày 15/12 (danh sách 2). Quốc vụ viện cũng đã phê chuẩn khôi phục đánh thuế ô tô và phụ tùng ô tô của Mỹ bắt đầu từ ngày 15/12.

Phản ứng trước động thái này của Trung Quốc, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter: “Các công ty Mỹ được lệnh ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm lựa chọn thay thế cho Trung Quốc”. Sau đó, ông Trump còn viết rằng Mỹ sẽ tăng thuế đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu vốn đã bị đánh thuế từ ngày 1/9 và từ ngày 1/10, mức thuế đối với 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc còn lại sẽ được tăng từ 25 lên 30%.

Ngày 25/8: Trump và Nhà Trắng đưa ra những tuyên bố trái ngược

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với truyền thông rằng ông đang ‘suy nghĩ lại’ về mức thuế mà ông đã áp với Trung Quốc. Sau đó, phát ngôn nhân Nhà Trắng nói rằng điều hối tiếc duy nhất của Trump là ông đã không áp mức thuế cao hơn đối với Trung Quốc.

Ngày 26/8: Lưu Hạc kêu gọi bình tĩnh

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc Lưu Hạc đã kêu gọi bình tĩnh trong bối cảnh đe dọa chiến tranh thương mại leo thang. Ông Lưu nói rằng Trung Quốc ‘kiên quyết phản đối’ sự leo thang của cuộc chiến thương mại. Ông cũng nói rằng sự leo thang này là ‘chống lại lợi ích của Trung Quốc, Mỹ và toàn thế giới’. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã nói với truyền thông: ‘Trung Quốc đã gọi điện cho người của chúng tôi đêm qua và nói ‘Hãy quay trở lại bàn đàm phán’, vì vậy chúng ta sẽ quay trở lại bàn đàm phán, và tôi nghĩ họ muốn làm gì đó”.

Ngày 1/9: thuế mới có hiệu lực như dự kiến

Như đã thông báo, Mỹ bắt đầu đánh thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá hơn 125 tỷ đô la. Hàng hóa bị ảnh hưởng bao gồm từ giày dép, tã lót, thực phẩm cho đến đồng hồ thông minh, máy rửa chén và TV màn hình phẳng. Đến lượt mình, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng thuế quan bổ sung đối với một số hàng hóa Mỹ trị giá 75 tỷ đô la, trong đó có mức thuế 5% đối với dầu thô.

Ngày 2/9: Trung Quốc kiện ra WTO

Trung Quốc kiện thuế nhập khẩu của Mỹ đối với 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc. Đây là vụ kiện thứ ba mà Trung Quốc đưa ra WTO đối với thuế quan của Mỹ.

Theo quy định của WTO, Washington có 60 ngày để giải quyết tranh chấp. Trước đó Mỹ đã công bố một văn bản bào chữa cho vụ kiện đầu tiên của Trung Quốc, khẳng định rằng WTO không thể phán quyết về các mức bộ thuế quan hiện có.

Ngày 5/9: Hai nước đồng ý tham gia vòng đàm phán lần thứ 13

Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao tại Washington vào đầu tháng 10, Bộ Thương mại Trung Quốc loan báo. Phái đoàn đàm phán của cả hai nước sẽ bắt đầu tham vấn vào giữa tháng 9 để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cấp cao này.

Ngày 11/9: Trung Quốc công bố danh sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ

Ủy ban thuế quan Trung Quốc tuyên bố sẽ miễn 16 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ khỏi danh sách bị đánh thuế bổ sung, bao gồm thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, chất bôi trơn và thuốc trị ung thư.

Trong một diễn biến riêng rẽ, Tổng thống Trump thông báo rằng Mỹ đồng ý hoãn tăng thuế đối với 250 tỷ đô la hàng nhập của Trung Quốc từ ngày 1/10 đến ngày 15/10 vì tôn trọng 70 năm Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ‘như một hành động thiện chí’.

Ngày 13/9: Trung Quốc miễn nhiều nông sản Mỹ khỏi thuế quan bổ sung

Để đáp trả Mỹ hoãn tăng thuế đến ngày 15/10, Tân Hoa Xã tuyên bố rằng Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc và Bộ Thương mại sẽ loại trừ các mặt hàng đậu nành, thịt lợn và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ khỏi thuế quan bổ sung.

Ngày 19/9: đàm phán cấp trung tại Washington

Mỹ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp trung ở Washington trước các cuộc đàm phán thương mại cấp cao dự kiến diễn ra vào tháng 10.

Hai nước nhất trí tiếp tục liên lạc về các vấn đề thương mại liên quan và thảo luận chi tiết về vòng 13 của các cuộc tham vấn kinh tế và thương mại cấp cao song phương dự kiến diễn ra vào tháng 10.

Ngày 20/9: Mỹ công bố danh sách miễn thuế mới cho hơn 400 mặt hàng Trung Quốc

Các mặt hàng được miễn chủ yếu bao gồm các loại thiết bị hoặc vật liệu, chẳng hạn như vật liệu tổng hợp hữu cơ, nhu yếu phẩm hàng ngày, hóa chất, dệt may, thiết bị cơ khí và thiết bị điện, hóa chất và thép.

Ngày 11/10: Mỹ công bố thỏa thuận ‘Giai đoạn 1’, trì hoãn tăng thuế đối với hàng Trung Quốc

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày vào ngày 10-11/10 tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng các nhà đàm phán của hai nước đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 vốn sẽ mất vài tuần để hoàn tất. Theo đó, Trung Quốc được cho là sẽ mua đến 40-50 tỷ đô la hàng nông sản Mỹ hàng năm, tăng cường các điều khoản sở hữu trí tuệ và ban hành các hướng dẫn mới về cách quản lý tiền tệ của họ.

Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ trì hoãn việc tăng thuế dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/10. Sự trì hoãn này sẽ được áp dụng đối với mức thuế dự kiến tăng lên 30% đối với 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Ngày 1/11: các nhà đàm phán Mỹ-Trung điện đàm, thống nhất ‘về nguyên tắc’

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Wright Heze và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã có ‘các cuộc thảo luận nghiêm túc và mang tính xây dựng’ qua điện thoại về các mối quan tâm thương mại cốt lõi và đạt được ‘đồng thuận trên nguyên tắc’ cho vòng đàm phán thương mại tiếp theo, theo thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Nhà Trắng, về phần mình, tuyên bố rằng ‘đã có tiến triển trên nhiều lĩnh vực’ và rằng ‘các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục ở cấp phó’.

Ngày 13/12: Mỹ-Trung đồng ý ‘thỏa thuận giai đoạn một’ ngay trước khi đợt tăng thuế kế tiếp có hiệu lực

Trung Quốc và Mỹ tuyên bố rằng họ đã đạt được thỏa thuận đoạn một, ngay trước khi mức thuế mới có hiệu lực vào ngày 15/12 vốn sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt hàng tiêu dùng, bao gồm cả thiết bị điện tử phổ biến như điện thoại thông minh và máy tính xách tay.

Mỹ đồng ý không áp thuế 15% đối với 160 tỷ đô la hàng tiêu dùng và sẽ giảm mức thuế đã áp từ ngày 1/9 đối với 120 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc – giảm từ 15% xuống còn 7,5%. Tuy nhiên, mức thuế 25% đối với 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được duy trì. Các vòng giảm thuế tiếp theo sẽ tùy vào tiến triển của cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.

Về phần mình, Trung Quốc đã đồng ý tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm ít nhất 200 tỷ đô la trong hai năm tới, đình chỉ thuế trả đũa cũng dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12, thực hiện các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ và có quy trình bãi bỏ thuế quan. Có khả năng Trung Quốc sẽ nhập khẩu nông sản Mỹ trị giá 40 tỷ đến 50 tỷ đô la mỗi năm trong vòng hai năm tới.

https://www.voatiengviet.com/a/th%C6%B0%C6%A1ng-chi%E1%BA%BFn-m%E1%BB%B9-trung-2019-m%E1%BB%99t-n%C4%83m-gi%E1%BA%B1ng-co/5212942.html

 

Ăn miếng trả miếng: Mỹ siết chặt thị thực

đối với quan chức, công dân TQ

theo đạo luật liên quan đến Hồng Kông

Trong một diễn biến mới nhất, Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã từ chối cấp thị thực nhập cảnh đối với một Giám đốc điều hành tờ Thời báo Hoàn cầu trực thuộc Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây được coi là biện pháp đáp trả tương ứng của Washington đối với hành động trước đó của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn việc quan chức Mỹ tới Hồng Kông và Tân Cương.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 19/12, tài khoản Weibo “paingod”, được xác nhận là của Hách Quân Thạch, Giám đốc New Media của Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 16/12 cho biết ông đã bị Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc từ chối nhập cảnh. Những hình ảnh được chủ trang đưa ra cho thấy Đại sứ quán Mỹ tuyên bố ông không đủ điều kiện để được họ cấp thị thực phi di dân theo các điều khoản của pháp luật Mỹ. Qua lý do được Đại sứ quán Mỹ đưa ra thì Hách Quân Thạch đã không được cung cấp đầy đủ bằng chứng về việc ông buộc phải ở lại Trung Quốc trong chuyến thăm Mỹ. Đại sứ quán Mỹ cũng chỉ ra rằng việc từ chối visa này không thể bị kháng cáo, nhưng ông Thạch có thể chọn nộp đơn lại và phải nộp lại các biểu mẫu và lệ phí.

Việc Giám đốc điều hành cấp cao của Thời báo Hoàn cầu bị từ chối nhập cảnh khơi dậy sự chú ý của dư luận bên ngoài. Một số cơ quan truyền thông Đài Loan cho rằng vụ việc này cho thấy Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông được Mỹ thông qua đã bắt đầu được thực thi nghiêm túc. Một số phương tiện truyền thông nước ngoài khác chỉ ra rằng Đạo luật liên quan đến Hồng Kông của Mỹ đã thực sự được áp dụng.

Mặc dù việc Giám đốc điều hành cấp cao của Thời báo Hoàn cầu bị từ chối thị thực không có mối liên hệ trực tiếp với tình hình ở Hồng Kông, nhưng cơ quan phương tiện truyền thông chính thức mang nặng sắc thái chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và thường xông lên tuyến đầu “chống Mỹ” này đã nhiều lần gây xôn xao về tình hình ở Hồng Kông. Dân chứng vụ phóng viên Phó Hào của tờ Thời báo Hoàn cầu bị

hành hung ở Hồng Kông và Tổng Biên tập Hồ Tích Tiến đã tới Hồng Kông để phỏng vấn và thường xuyên lên tiếng về tình hình biểu tình ở đặc khu hành chính này.

Vụ việc này đã gây nên sự chú ý ở nước ngoài, chính ông Hách Quân Thạch đã trả lời vấn đề trên Weibo cá nhân của mình vào ngày 16/12, nói đó là một “tai bay vạ gió từ bên ngoài”. Ông nói, chuyến thăm Mỹ này là được người khác mời, tuy bị từ chối nhập cảnh, nhưng ông coi như đã được tới lãnh thổ Mỹ du lịch nửa ngày. Trong khi đó, vụ việc Hách Quân Thạch bị Mỹ từ chối nhập cảnh đã gây nên bàn tán sôi nổi trên mạng. Có ý kiến viết: “Nghề nghiệp: Biên tập viên Thời báo Hoàn cầu thì bị từ chối là đúng rồi. Tới đây sẽ là ai?”; cũng có người giễu cợt: “Tưởng Luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông chỉ có để mà có thôi sao?”… Ngoài giám đốc điều hành của Thời báo Hoàn cầu, cũng có thông tin cho thấy các phóng viên các báo lớn thân Đại Lục ở Hồng Kông như Văn Hối báo và Đại Công báo cũng đã bị hạn chế vào Mỹ. Cũng có tin đồn rằng ông Hà Trụ Quốc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Chủ tịch của Tập đoàn báo chí Sing Tao (Tinh Đảo) Hồng Kông, đã bị phía Mỹ bắt giữ và từ chối nhập cảnh, nhưng ông này đã phủ nhận.

Dự luật “Dân chủ và nhân quyền Hồng Kông” có nội dung đáng chú ý nhất. Dự luật này được đưa ra nhằm đảm bảo các quyền của người dân và sự tự do của Hồng Kông bằng việc liên hệ giữa vị trí thương mại đặc biệt của Hồng Kông với mức độ tự trị của đặc khu này. Dự luật này được đề xuất bởi dân biểu đảng Dân chủ Jim McGovern, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và dân biểu đảng Cộng hòa Chris Smith hồi tháng 6, khi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nổ ra. Sau đó, dự luật này được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua, rồi đến bàn làm việc của ông Trump để được ký thành luật. Sau khi được thông qua, thứ nhất, dự luật này sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc và Hồng Kông nào có các hành vi vi phạm quyền con người ở Hồng Kông. Thứ hai, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phải xác nhận, ít nhất mỗi năm một lần, liệu Hong Kong đủ tự trị về mặt chính trị (trong quan hệ với Trung Quốc đại lục) để tiếp tục được hưởng các ưu đãi thương mại mà Mỹ dành cho đặc khu này hay không, nhằm giúp nơi đây giữ vững vị trí là trung tâm tài chính thế giới. Khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào ngày 01/7/1997, theo một hiệp ước giữa Anh và Trung Quốc, Bắc Kinh phải đảm bảo Hồng Kông có”mức độ tự trị cao, ngoại trừ các vấn đề đối ngoại và phòng vệ”.

Hồng Kông được cấp quy chế thương mại đặc biệt theo Đạo luật chính sách Mỹ – Hồng Kông năm 1992. Theo đó, Hồng Kông sẽ tiếp tục được đối đãi như một “vùng lãnh thổ tách biệt” với Trung Quốc đại lục “về các vấn đề kinh tế và thương mại”. Vị trí này cũng đồng nghĩa khi căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, các mặt hàng xuất khẩu của Hồng Kông vẫn được miễn trừ thuế quan của Mỹ cũng như các biện pháp bảo hộ khác nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo việc chấm dứt quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông sẽ ảnh hưởng tới không chỉ Hồng Kông và Bắc Kinh, mà còn cả các lợi ích của doanh nghiệp Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hơn 1.300 công ty Mỹ hiện hoạt động ở Hồng Kông, hưởng lợi nhờ vị trí nằm sát Trung Quốc đại lục cũng như hệ thống tư pháp độc lập của đặc khu này. Bắc Kinh đã lên án dự luật này là một sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố dự luật này đã “bỏ qua thực tế và sự thật”, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ “phải có biện pháp đáp trả mạnh mẽ”. Phía Trung Quốc đã tuyên bố đình chỉ xem xét yêu cầu đến Hồng Kông của máy bay và tàu hải quân Mỹ và trừng phạt 5 tổ chức phi chính phủ của Mỹ, trong đó có Quỹ Dân chủ Quốc gia Mỹ.

http://biendong.net/bien-dong/32227-an-mieng-tra-mieng-my-siet-chat-thi-thuc-doi-voi-quan-chuc-cong-dan-tq-theo-dao-luat-lien-quan-den-hong-kong.html

 

Sau Hong Kong và Tân Cương,

Hoa Kỳ chuyển sự chú ý về nhân quyền sang Tây Tạng

Tin Washington DC – Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã khiến Trung Cộng tức giận khi ban hành nhiều đạo luật bênh vực nhân quyền liên quan đến Tân Cương và Hong Kong. Mới đây nhất, sự chú ý về nhân quyền của Washington đã mở rộng sang Tây Tạng. Ủy Ban Ngoại Vụ Hạ Viện vào thứ Tư, 18 tháng 12, đã phê chuẩn dự luật mới, kêu gọi Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự do tôn giáo và nhân quyền tại Tây Tạng.

Các dự luật về nhân quyền của Hạ Viện được đưa ra giữa lúc chính phủ của Tổng Thống Donald Trump đang cố gắng đàm phán thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Có tên là Dự luật chính sách Tây Tạng 2019, dự luật mới dự kiến sẽ được chuyển sang Hạ Viện để bỏ phiếu, tuy ngày giờ chính thức chưa được xác định. Dự luật yêu cầu cộng đồng Phật giáo Tây Tạng phải được quyền chọn người lãnh đạo tinh thần của họ, tức vị Đạt Lai Lạt Ma thế hệ kế tiếp. Bắc Kinh lâu nay vẫn nói rằng vị Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp có thể được chọn theo các quy tắc tôn giáo truyền thống, nhưng cũng phải được sự ủng hộ của chính quyền trung ương. Chủ tịch Ủy Ban Ngoại Vụ Hạ Viện Hoa Kỳ, Dân Biểu Dân Chủ Eliot Engel, nói rằng Trung Cộng đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của quyền tự do tôn giáo, khi muốn can thiệp vào việc chọn lãnh đạo tinh thần cho người Tây Tạng.

Dự luật chính sách Tây Tạng 2019 kêu gọi trừng phạt kinh tế và hạn chế visa đối với các viên chức Trung Cộng tìm cách tự bổ nhiệm chức vị Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai. Vào thứ Năm, 19 tháng 12, Trung Cộng đã lên tiếng đáp trả, nói rằng dự luật Hoa Kỳ đã vi phạm các quy tắc cơ bản trong quan hệ ngoại giao, đồng thời gởi đi một thông điệp sai lầm đến phong trào đòi độc lập tại Tây Tạng.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/sau-hong-kong-va-tan-cuong-hoa-ky-chuyen-su-chu-y-ve-nhan-quyen-sang-tay-tang/

 

Luật sư Mỹ gốc Việt: Cuộc luận tội Trump

 ‘là một tính toán chính trị’

Tina Hà GiangBBC News Tiếng Việt

Luật sư Trần Thái Văn, cựu dân biểu tiểu bang California, một thành viên đảng Cộng hòa, nói rằng trong việc bỏ phiếu luận tội ông Trump, đảng Dân chủ sẽ không thành công. Tuy thế, họ vẫn muốn tận dụng cơ hội này để phơi bày cho tất cả cử tri thấy những hành vi mà họ cho là lạm quyền của ông Trump thời gian qua.

Bàn Tròn BBC: Điểm và bình luận sự kiện quốc tế và VN nổi bật năm 2019

Điều tra luận tội Trump: những ‘kịch bản’ khả dĩ

Ý kiến bênh và chống việc luận tội Trump

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 19/12, Luật sư Trần Thái Văn nói ”đây là một tính toán chính trị chứ không phải pháp lý của đảng Dân chủ.”

Ông Văn cũng nhận định rằng, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ, hay kể cả ông, nếu ở vào trong hoàn cảnh của bà, cũng không có sự lựa chọn nào khác, vì đa số các thành viên đảng Dân chủ muốn như thế.

LS Trần Thái Văn: Phải nói rằng đây là một sự kiện lịch sử. Trong dòng chảy chính trị Hoa Kỳ, với 45 đời tổng thống, 241 năm sau khi tuyên bố độc lập, đây mới là lần thứ ba Hạ viện Hoa Kỳ dùng hiến pháp để cáo buộc một tổng thống với hai tội.

Tuy nhiên, đây mới là thủ tục đầu tiên mà thôi, chứ ông Tổng thống Trump chưa bị kết án hai tội mà Hạ viên đã cáo buộc là lạm dụng quyền lực và cản trở công việc hành pháp và lập pháp của Hạ viện. Vì thế, tôi nghĩ rằng kết quả chưa hẳn là có bất lợi về mặt chính trị cho ông Trump hay không, vì như ai cũng biết, để kết tội ông Trump thì tại Thượng viện cần có 2/3 số phiếu thuận, và đảng Dân chủ không có đủ 67 thượng nghị sĩ để kết tội.

Các nhà phân tích đều nói là, với cuộc luận tội này đảng Dân chủ sẽ không thành công, nhưng họ vẫn muốn dùng cơ hội luận tội này để phơi bày cho mọi người thấy những hành vi mà họ cho là lạm quyền của ông Trump trong những ngày tháng qua.

BBC: Là một thành viên nòng cốt của đảng Cộng Hòa, nếu ông là một trong những dân biểu phải có mặt tại Quốc hội hôm nay để bỏ phiếu, thì ông sẽ bỏ phiếu ra sao?

LS Trần Thái Văn: Đây là một câu hỏi rất là nhiêu khê.Trước đây, tôi là một cựu dân biểu cấp tiểu bang và là ứng cử viên dân biểu cấp liên bang cách đây gần 10 năm, phải nói là, tôi cũng khá rành tiến trình làm việc của Hạ viện. Nhưng thú thật thì chúng tôi cảm thấy mình rất may mắn không là một thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ để phải bỏ phiếu trong lúc này.

Với tư cách là một luật sư, cũng là một nhà quan sát theo dõi rất kỹ tiến trình luận tội, cũng như các cuộc điều trần do các ủy ban của Hạ viện lập ra, tôi phải nói là những dữ kiện, lời khai của các nhân chứng, hoặc là các loại tội mang ra để luận tội tổng thống, tức những điều có thể đưa đến việc truất phế tổng thống, tôi thấy những điều đó chưa đủ nặng để luận tội.

Bởi như quý vị cũng biết là chỉ khoảng 11 tháng nữa, Hoa kỳ sẽ có cuộc bầu cử tổng thống. Cho nên, lập luận của những người chống việc luận tội, mà họ nói rất là rõ là, tại sao không để cho cử tri Hoa Kỳ quyết định về cách hành xử của ông Trump trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong chưa đầy một năm nữa, thay vì gây thêm những rối loạn và khó khăn chính trị, nhất là giữa lúc Washington đang có biết bao nhiêu việc phải làm cho đất nước.

Vì thế, tôi nghĩ rằng, quyết định luận tội ông Donald Trump là một quyết định chính trị chứ không phải là một quyết định pháp lý, và nó sẽ có những ảnh hưởng vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cũng như ảnh hưởng đến các dân biểu phải tái tranh cử trong thời gian sắp tới.

BBC: Giới ủng hộ luận tội, trong đó có 3 giáo sư luật sư của Đại học Havard, sẽ lập luận rằng, theo Hiến pháp Hoa Kỳ, việc ông Trump dùng vị trí của mình để nhờ Tổng thống Ukraine điều tra đối thủ chính trị,mong tạo lợi thế cho ông trong cuộc bầu cử năm 2020 mà luật sư vừa nói tới, rõ ràng là đã lạm dụng quyền lực cho lợi ích cá nhân, tội nặng đủ để bị luận tội. Và Hạ viện chỉ làm đúng trách nhiệm của họ, khi đã có đủ chứng cứ từ những lời khai của các nhân chứng. Vậy luật sư nghĩ sao?

LS Trần Thái Văn: Trước hết, về việc này, chúng ta phải nói cho thật rõ, thưa chị.

Với những thủ tục pháp lý‎ và thủ tục lập pháp đã xảy ra trong vài tuần vừa qua, về phương diện điều tra, hoặc là cuộc điều trần của các nhân chứng, của các viên chức hành pháp như các viên chức cao cấp trong Hội đồng An ninh quốc gia, hay các vị đại sứ liên hệ đến việc này, kể cả các giáo sư luật của các đại học luật tại Hoa Kỳ, thì chúng tôi hoàn toàn đồng ‎ý.

Bởi đây là quyền hành và trách nhiệm của Quốc hội. Họ có quyền điều tra và họ hoàn toàn làm theo những gì Hiến pháp cho phép trong việc điều tra.

Còn vấn đề việc phạm pháp có nặng đến nỗi phải có một cuộc luận tội để đưa đến truất phế hay không, thì nếu cân nhắc về phương diện chính trị, kể cả pháp l‎ý, thì tôi vẫn nghĩ là nó sẽ gây tai hại nhiều hơn cho quốc gia trong tương lại, nhất là khi chỉ còn có hơn 11 tháng nữa thì sẽ có một cuộc bầu cử tổng thống, cũng như bầu các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ.

Vậy thì hãy để cho người dân có cái quyền tối hậu đó, thay vì gây ra những hỗn loạn chính trị cho nước Mỹ.

BBC: Bảo vệ Hiến pháp là trách nhiệm của Quốc hội, cũng là quyền mà họ được Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho, tương tự như việc đi bầu là quyền của người dân Mỹ. Vậy thì nếu Quốc hội thấy họ có đủ bằng chứng là tổng thống có những hành vi đáng phải luận tội, thì họ phải thi hành trách nhiệm đó. Còn đến kỳ bầu cử thì cử tri đi bầu để thực thi quyền công dân của họ. Khi lập luận rằng, tại sao Quốc hội không chờ kết quả cuộc bầu cử sẽ xảy ra gần một năm nữa, mà phải luận tội tổng thống, thì chúng ta có lẫn lộn hai việc rất độc lập không, thưa luật sư?

LS Trần Thái Văn: Không, theo tôi nghĩ thì không có sự lẫn lộn thưa chị. Tôi vẫn thấy là quyết định của các vị dân biểu và các vị thượng nghị sĩ vẫn là một quyết định chính trị chứ không phải là một quyết định pháp lý.

Đây là một hành động mà Hiến pháp Hoa kỳ cho phép Quốc hội làm và họ đã làm. Nhưng chúng ta nên nhớ, đây không phải là một thủ tục truy tố hình sự sẽ có cuộc xử trước tòa, do bồi thẩm đoàn quyết định.

Mà đây là trường hợp khi mỗi dân biểu bỏ phiếu để ủng hộ hay phản đối luận tội, cũng như sắp tới đây, khi mỗi thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ hay phản đối truất phế tổng thống, họ đều phải cân nhắc xem lá phiếu đó sẽ ảnh hưởng đến cử tri của họ như thế nào, đến việc tái tranh cử của họ trong tương lai ra sao. Những ảnh hưởng này là những ảnh hưởng thuần túy về mặt chính trị.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ: “Dư luận ủng hộ điều tra luận tội Trump”

Đảng Dân chủ nói Trump là ‘mối nguy cho nền dân chủ’

Liệu ông Trump có bị luận tội?

BBC:Nói về tính toán chính trị, thì ngay từ những ngày đầu tiên, nhiều thành viên đảng Dân chủ đã kêu gọi luận tội ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lúc đó luôn luôn bác bỏ những đề nghị như vậy, bởi việc truất phế khi đó gần như là điều không tưởng với một Thượng viện hiện do đảng Cộng hòa nắm đa số. Trước đây Tổng thống Clinton cũng bị Hạ viện Cộng hòa luận tội, nhưng không bị Thượng viện do Dân chủ nắm đa số truất phế. Vậy nếu thấy việc luận tội sẽ không truất phế được ông Trump, có khi còn bị phản tác dụng, thì theo ông, tại sao đảng Dân chủ cuối cùng đã quyết định luận tội?

LS Trần Thái Văn: Vâng, điều đó có hai, ba lý do chính. Ngay từ đầu, ngay sau khi ứng cử Trump đắc cử tổng thống, một số lãnh đạo đảng Dân chủ đã không chấp nhận kết quả đó, vì họ nói rằng có những ảnh hưởng quá đáng và bất hợp pháp của Nga vào cuộc bầu cử, như quý vị đã thấy có cuộc điều tra từ hai, ba năm nay.

Ngay từ hai năm 2016, 2017, rất nhiều vị dân cử đảng Dân chủ đã muốn luận tội vì họ không cho là ông Trump là một vị tổng thống đắc cử một cách chính đáng.

Lãnh đạo của đảng Dân chủ lúc bấy giờ không muốn làm theo đường lối đó, vì họ nghĩ những hành động đó sẽ phản tác dụng, gây bất lợi cho đảng trong cuộc đấu trí với đảng Cộng hòa, và sẽ làm cho quần chúng có những phản ứng tiêu cực với họ. Vì thế, bà Nancy Pelosi và ông Chuck Schumer đã quyết định không luận tội.

Đến tháng 7 năm nay mới có sự kiện cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine. Và phía Dân chủ thấy họ thấy họ có đủ bằng chứng để tiến hành thủ tục điều tra luận tội. Có đến 6 ủy ban khác nhau ở Hạ viện đã điều tra, và khi điều tra thì họ thấy có đủ nhân chứng để lập ra hai điều khoản luận tội.

Đến lúc này, bà Nancy Pelosi không còn cách nào hơn là phải đi theo ý muốn của khối đa số của đảng Dân chủ để xúc tiến việc luận tội. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ nhì, tôi nghĩ là phía đảng Dân chủ họ cũng muốn nhân dịp này phơi bày những điều mờ ám và những hành động xấu xa bất hợp pháp của ông Donald Trump và các cộng tác viên của ổng.

Và phải nói rằng là đây là một kế hoạch chính trị của đảng Dân chủ để đánh ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020 sắp tới.

Tuy nhiên, chị nói rất đúng, năm 1998, khi phía Cộng hòa luận tội ông Clinton, nhưng ông Clinton đã không bị Thượng viện truất phế, mà trong cuộc bầu cử sau đó, đảng Cộng hòa mất đi đa số tại Hạ viện, vì dân chúng họ có phản ứng ngược lại. Và đó là sự nguy hiểm mà bà Nancy cũng đã nhìn thấy.

Vì thế, chúng tôi thấy rằng, trong những ngày tới bà Pelosi cần phải rất cẩn thận để chuyện này không xảy ra với đảng Dân chủ.

BBC:Theo luật sư thì bà Nancy Pelosi và đảng Dân chủ đã hành động đúng hay không trong việc luận tội ông Trump? Nếu luật sư ở vào vị trí của bà thì ông có làm khác đi không?

LS Trần Thái Văn: Theo suy nghĩ của tôi thì bất cứ ai ở trong vị trí của bà Nancy Pelosi thì có lẽ cũng sẽ quyết định như vậy, vì bà ấy ở vào cái thế không có cách nào hơn là phải làm như vậy. Trước sự thúc đẩy, thậm chí còn là áp lực nữa, bà Pelosi không còn cách nào khác hơn là phải cho phép các chủ tịch của các ủy ban của Hạ viện được điều tra.

Chúng tôi cũng thấy rằng, bà Nancy Pelosi và đảng Dân chủ đã rất thận trọng trong tiến trình này. Họ đã có thể lập ra hàng chục điều khoản luận tội, nhưng họ chỉ soạn ra hai điều khoản mà họ nghĩ là dễ chứng mính với ‘bồi thẩm đoàn’ nhất, đó là lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội.

Và phải nói rõ ‘bồi thẩm đoàn’ ở đây không phải là những thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu truất phế ông Trump hay không tại Thượng viện, mà ‘bồi thẩm đoàn’ chính là những cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Cuộc bỏ phiếu luận tội được trực tiếp truyền hình cho cả thế giới xem. Sẽ rất thú vị để chúng ta theo dõi phản ứng của quần chúng trong những ngày tới, và xem việc ông Trump bị luận tội sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử năm 2020 như thế nào.

LS Trần Thái Văn hiện hành nghề luật tại Nam California, từng là dân biểu tiểu bang California trong ba nhiệm kỳ, từ năm 2004 đến 2010.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50848161

 

Hai viện Quốc Hội đối đầu về bước kế tiếp

trong quá trình luận tội Tổng Thống Trump

Tin Washington DC – Vào thứ Năm, 19 tháng 12, các lãnh đạo Dân Chủ và Cộng Hòa tại Quốc Hội đã bước vào đợt tranh cãi mới, liên quan đến các bước đi kế tiếp trong vụ luận tội Tổng Thống Donald Trump.

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi lẽ ra phải chuyển 2 nghị quyết luận tội lên Thượng Viện để phiên xét xử tổng thống có thể bắt đầu. Tuy nhiên, bà Pelosi lại nói rằng bà không có ý định hành động, cho tới khi bà nhận được kế hoạch xét xử từ Lãnh đạo đa số Thượng Viện Mitch McConnell.

Trước đó, ông McConnell, thượng nghị sĩ Cộng Hòa của Kentucky, nói rằng có lẽ bà Pelosi quá sợ hãi nên không dám gởi các nghị quyết luận tội cho Thượng Viện. Ông McConnell cũng chỉ trích vụ luận tội

là sơ sài và không công bằng nhất trong lịch sử hiện đại. Ông cũng cáo buộc bà Pelosi và Hạ Viện luận tội Tổng Thống Trump chỉ đơn giản bởi vì họ không thích các hành động của tổng thống.

Ông McConnell thêm rằng, với hành động của Hạ Viện, nay mọi tổng thống trong tương lai của Hoa Kỳ đều có thể bị luận tội, bất kể các cáo buộc nhắm vào họ vô căn cứ đến đâu. Tòa Bạch Ốc cũng chỉ trích việc đảng Dân Chủ không chịu gởi nghị quyết luận tội cho Thượng Viện, nói rằng bà Pelosi đang có ý định giữ các nghị quyết này làm con tin để đàm phán với viện lập pháp còn lại.

Tổng Thống Trump viết lên Twitter rằng, Thượng Viện nên chọn thời điểm để bắt đầu xét xử, và nếu đảng Dân Chủ không chịu quyết định, họ sẽ mặc nhiên bị xử thua. Bà Pelosi đã họp với lãnh đạo thiểu số Thượng Viện Chuck Schumer để thảo luận bước kế tiếp trong việc luận tội. Ông Schumer sau đó sẽ gặp ông McConnell để bàn về việc mở phiên xét xử Tổng Thống Trump. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hai-vien-quoc-hoi-doi-dau-ve-buoc-ke-tiep-trong-qua-trinh-luan-toi-tong-thong-trump/

 

Những điều cần biết

về phiên xử luận tội Tổng thống tại Thượng viện

Thượng viện Mỹ có phải tổ chức phiên xử Tổng thống hay không?

Không có yêu cầu rõ rệt trong Điều 1, Phần 3 của Hiến pháp Mỹ. Hiến pháp không có những điều khoản qui định Thượng viện xét xử luận tội. Thực vậy, hiến pháp nêu rõ Thượng viện “duy nhất có quyền hạn xử án,” có nghĩa là Thượng viện có độc quyền hiến định, nhưng đây không phải là lệnh về thủ tục. Trong “Những qui định về Thủ tục và Thi hành tại Thượng viện khi Xử Luận tội” của Thượng viện, một khi Hạ viện đưa lên những điều khoản luận tội, “Thượng viện sẽ…tiến hành xem xét những điều khoản này…và sẽ tiếp tục trong phiên họp cho đến khi phán xét cuối cùng được đưa ra.” Tuy nhiên Thượng viện điều hành theo những qui định do các thành viên Thượng viện đưa ra, có nghĩa là Thượng viện cũng có thể thay đổi những qui định nếu đa số thành viên chọn như vậy. Những qui định của Thượng viện về các phiên xử luận tội được duyệt xét lại gần đây nhất là vào năm 1986.

Tại sao Chánh án Tòa án Tối cao chủ tọa phiên xử luận tội?

Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ chỉ chủ tọa khi phiên xử liên hệ đến việc luận tội một Tổng thống. Theo Hiến pháp, Phó Tổng thống Mỹ là chủ tịch Thượng viện nhưng không có quyền bỏ phiếu trừ phi phiếu bầu ngang nhau. Sẽ có mâu thuẫn về lợi ích nếu Phó Tổng thống chủ tọa phiên xử Tổng thống tại Thượng viện vì ông là người kế thừa chức vụ Tổng thống nếu Tổng thống bị phán xử có tội. Đây là một nhiệm vụ hiến định duy nhất của Chánh án Tối cao Pháp viện Mỹ.

Ai là công tố viên trong vụ xử này?

Chủ tịch Hạ viện chỉ định một vài dân biểu ra trình bày vụ việc ra trước Thượng viện, phù hợp với những qui định thi hành vụ xét xử. Trong vụ xử luận tội Tổng thống Andrew Johnson, có 7 người được Hạ viện ủy nhiệm. Trong vụ xử Tổng thống Bill Clinton có 13 người được Hạ viện cử ra.

Tổng thống có phải tham dự phiên xử hay không?

Không. Trước đây, Tổng thống Johnson và Tổng thống Clinton đều không tham dự phiên xử. Luật sư được phép đại diện và biện hộ cho Tổng thống.

Các Thượng nghị sĩ có thể hỏi nhân chứng hay nêu lên những vấn đề trong phiên xử hay không?

Được, nhưng không được nói. Theo qui định, tất cả những câu hỏi phải được viết ra và đệ tình Chánh án Tối cao Pháp viện Mỹ cứu xét.

Phiên xử có được truyền hình hay không?

Có khả năng. Những qui định của Thượng viện đòi hỏi phải mở cửa phòng xử. Tuy nhiên một Thượng nghị sĩ có thể đưa kiến nghị yêu cầu tắt máy quay phim hay đóng cửa bất cứ lúc nào và phải được biểu quyết theo đa số. Các Thượng nghị sĩ có phần chắc sẽ tranh luận kín và yêu cầu tắt máy quay phim.

Tại sao phải cần đến đa số hai phần ba để buộc tội?

Đây là điều bắt buộc của hiến pháp. Một hành vi chính trị như là cách chức một Tổng thống dân cử cần phải được sự ủng hộ rộng rãi mới được xem là chính đáng. Với đa số hai phần ba thì phiếu thuận nhiều gấp đôi phiếu chống.

Án phạt là gì?

Cách chức là hình phạt duy nhất. Không có việc kháng án. Thượng viện có thể bỏ phiếu cấm vị Tổng thống bị cách chức giữ những chức vụ khác nữa.

Điều gì xảy ra nếu Tổng thống được tuyên là không có tội?

Tổng thống Johnson và Tổng thống Clinton phục vụ cho đến hết nhiệm kỳ. Ông Clinton có vai trò trong tổ chức từ thiện của ông và giúp bà Hillary Clinton, vợ ông, tranh cử. Ông Johnson cuối cùng trở lại Washington, trở thành cựu Tổng thống duy nhất phục vụ tại Thượng viện.

(BTV Steve Redisch)

https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BB%AFng-%C4%91i%E1%BB%81u-c%E1%BA%A7n-bi%E1%BA%BFt-v%E1%BB%81-phi%C3%AAn-x%E1%BB%AD-lu%E1%BA%ADn-t%E1%BB%99i-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-t%E1%BA%A1i-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-vi%E1%BB%87n-/5213389.html

 

Khảo sát: Dưới 50% dân Mỹ muốn truất phế Trump

Chưa đến 50% dân Mỹ cho rằng Tổng thống Donald Trump nên bị truất phế sau quyết định của Hạ viện xúc tiến tiến trình luận tội Tổng thống, theo cuộc thăm dò ý kiến do Reuters/Ipsos công bố ngày 19/12, một thử thách cho phe Dân chủ đang tìm cách bãi nhiệm ông Trump thông qua phiên xét xử ở Thượng viện.

Cuộc thăm dò trực tuyến trên toàn quốc được thực hiện chỉ vài giờ sau khi Hạ viện hôm 18/12 biểu quyết nhất trí luận tội ông Trump với cáo buộc ông lạm dụng quyền lực Tổng thống để tư lợi chính trị và cản trở cuộc điều tra của Quốc hội.

53% những người tham gia khảo sát đồng ý rằng ông Trump lạm dụng quyền lực và 51% cho rằng ông có cản trở Quốc hội.

Khoảng 42% cho rằng Quốc hội thực hiện quyền chế tài tối cao của họ và truất phế Tổng thống.

17% nói ông Trump nên bị khiển trách chính thức, 29% nói họ muốn các cáo buộc luận tội đối với ông Trump được hủy bỏ, và số còn lại không có ý kiến.

Ông Trump là Tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội.

Công chúng vẫn chia rẽ sâu sắc về việc luận tội Tổng thống Trump. Ông Trump nói đây là âm mưu bất hợp pháp nhằm truất phế ông.

Nhìn chung, chỉ 44% công chúng Mỹ nói họ tán thành cách Hạ viện xử lý việc luận tội so với 41% không tán đồng.

Khi được hỏi việc Tổng thống bị luận tội ảnh hưởng thế nào đến cảm nghĩa của họ về Tổng thống, 26% nói giờ đây họ ủng hộ ông Trump hơn, 20% cho biết giảm bớt sự ủng hộ, và 48% nói chuyện này không thay đổi quan điểm của họ.

Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện bằng tiếng Anh trên khắp nước Mỹ, thu thập câu trả lời từ 1108 người từ ngày 18 đến 19/12.

https://www.voatiengviet.com/a/kh%E1%BA%A3o-s%C3%A1t-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-50-d%C3%A2n-m%E1%BB%B9-mu%E1%BB%91n-tru%E1%BA%A5t-ph%E1%BA%BF-trump/5212929.html

 

Chủ tịch Thượng viện Mỹ kêu gọi

các nghị sĩ bác bỏ vụ luận tội ‘độc hại’

Tại Hoa Kỳ, lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện hôm thứ Năm kêu gọi các nghị sĩ đồng viện sửa sai vụ luận tội ‘độc hại’ chống lại Tổng thống Donald Trump, đánh đi một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Thượng viện khó có thể truất phế TT Trump.

Lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell tố cáo Hạ viện do phe dân chủ kiểm soát là nghe theo những đam mê nhất thời và chủ nghĩa phe phái khi biểu quyết luận tội Tổng thống Trump hôm thứ Tư về tội lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.

Ông Trump, tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ bị luận tội, giờ sẽ được xét xử tại Thượng viện vào khoảng đầu tháng 1 2020 về các cáo buộc liên quan đến cố gắng của ông gây áp lực với Ukraine để nước này điều tra ông Joe Biden, một đối thủ chính trị của ông bên Đảng Dân chủ.

Hiện chưa rõ phiên xét xử sẽ như thế nào và khi nào nó sẽ diễn ra. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm thứ Năm cho biết bà sẽ không chuyển hồ sơ luận tội lên Thượng viện cho đến khi đạt được đồng thuận tối thiểu với phe Cộng hòa tại Thượng viện về một số thủ tục, liên quan tới các tài liệu chứng cứ và kêu nhân chứng ra điều trần.

Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện gồm tất cả 100 thành viên. Không có ai trong số các nghị sĩ Đảng Cộng hoà ra dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng truất phế ông Trump.

Bác bỏ phán quyết luận tội của Hạ viện là ‘hồ đồ’, ông McConnell khẳng định rằng theo ông, Thượng viện không nên kết tội ông Trump.

Trước đó, Chủ tịch Thượng viện McConnell tuyên bố rằng ông làm việc song song với Toà Bạch Ốc trong quá trình chuẩn bị cho vụ xét xử, làm dấy lên những lời chỉ trích từ đảng Dân chủ rằng Chủ tịch Thượng viện McConnnell hoàn toàn bỏ qua nghĩa vụ phải xem xét bằng chứng một cách công bằng. Tổng thống Trump thường xuyên gọi điện thoại cho ông McConnell, theo một cựu phụ tá của nghị sĩ này cho biết.

Nói trên đài MSNBC, nhân vật số 2 của đảng Dân chủ tại Hạ viện, Dân biểu Steny Hoyer, nói rằng đảng Dân chủ lo ngại ông McConnell sẽ không tạo điều kiện cho một vụ xét xử đúng nghĩa.

Tổng thống Trump, 73 tuổi, bị buộc tội lạm dụng quyền lực khi ông áp lực Ukraine điều tra về ông Biden, cựu phó tổng thống Mỹ, đồng thời loan truyền giả thuyết đã bị chứng minh là không có cơ sở, rằng chính đảng Dân chủ thông đồng với Ukraine để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, chứ không phải là Nga.

Đảng Dân chủ tố cáo rằng để tăng sức ép lên Ukraine, ông Trump đã ra lệnh giữ lại, không tháo ngân 391 triệu đô la viện trợ an ninh cho Ukraine trước đó đã được quốc hội thông qua, và ngoài ra, mời Tổng Thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy tới Toà Bạch Ốc như một biện pháp khuyến khích để tăng áp lực lên Kiev can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 bằng cách bôi nhọ ông Biden.

Ông Trump còn bị cáo buộc cản trở Quốc hội vì đã chỉ đạo các quan chức và cơ quan hành chính không hợp tác với các cuộc điều tra luận tội.

Vẫn theo Reuters, tương lai chính trị của ông Trump giờ đây nằm trong tay của Chủ tịch Thượng viện McConnell, một người nổi tiếng là một tay thương thuyết khôn khéo và có nhiều thủ đoạn.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-thuong-vien-my-keu-goi-cac-nghi-si-bac-bo-vu-luan-toi-doc-hai/5212809.html

 

Truất phế: Trump muốnThượng Viện

nhanh chóng gỡ tội, đảng Dân Chủ làm khó

Thụy My

Sau vụ luận tội lịch sử, hôm qua 19/12/2019 tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc giục Thượng Viện nắm lấy tiến trình truất phế, để ông có thể nhanh chóng được gỡ tội. Tuy nhiên bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện hiện chưa muốn chuyển giao văn bản luận tội, vốn là thủ tục cần thiết để tiếp tục tiến trình.

Thông tín viên Anne Corpet ở Washington cho biết tranh cãi đã nổ ra gay gắt giữa thượng nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lãnh phe đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện, và bà Pelosi :

« Một ngày sau vụ bỏ phiếu luận tội ông Donald Trump, thủ lãnh phe đa số ở Thượng Viện, ông Mitch McConnell, phụ trách tiến trình tiếp theo, đã mạnh mẽ lên án phe Dân Chủ ở Hạ Viện. Ông tuyên bố : Hạ Viện đã điên cuồng chống lại tổng thống của đảng đối lập, tạo ra một tiền lệ mới độc hại, sẽ còn gây ảnh hưởng lâu dài trong tương lai.

Ông Mitch McConnell muốn nhanh chóng gỡ tội cho tổng thống Trump ở Thượng Viện, nhưng bà Nancy Pelosi muốn biết các điều kiện của phiên tòa trước khi trao bản luận tội – văn bản cần thiết để tiếp tục tiến trình. Và thủ lãnh phe đa số ở Hạ Viện tỏ ra không dễ bị áp lực.

Bà Pelosi đốp chát : Thật tình mà nói, tôi chẳng quan tâm đến những phát biểu của bên Cộng Hòa. Tôi đã nghe những gì ông Mitch Mc Connell tuyên bố hôm nay. Những tiền nhân lập quốc khi soạn ra bản

Hiến Pháp đã dự báo trường hợp có một tổng thống côn đồ. Nhưng tôi không nghĩ rằng họ có thể tưởng tượng là, cùng một lúc lại có cả một thủ lãnh côn đồ của phe đa số ở Thượng Viện.

Vấn đề là sự hiện diện của các nhân chứng tại tòa. Phe Dân Chủ chủ yếu đòi hỏi cựu cố vấn an ninh John Bolton và chánh văn phòng tổng thống Mick Mulvaney phải ra điều trần – hai nhân vật thân cận với Donald Trump vẫn chưa ra làm chứng trước Hạ Viện.

Như vậy hai phe tiếp tục đối đầu với nhau về số phận của tổng thống Donald Trump. Nhưng vai trò thì đảo ngược lại : giờ đây đến lượt phe Dân Chủ la ó phản đối tiến trình đã được trao vào tay Cộng Hòa».

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191220-tru%E1%BA%A5t-ph%E1%BA%BF-trump-mu%E1%BB%91n-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-vi%E1%BB%87n-nhanh-ch%C3%B3ng-g%E1%BB%A1-t%E1%BB%99i-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-l%C3%A0m-kh%C3%B3

 

Các nhà lập pháp chỉ trích TT Trump

vì phát ngôn cho rằng cố Dân biểu John Dingell

có thể đã xuống địa ngục

Sau khi tổng thống Trump có phát ngôn công kích cố dân biểu John Dingell trong buổi vận động tranh cử ở Battle Creek, tiểu bang Michigan vào tối thứ Tư (18 tháng 12), tổng thống nhanh chóng nhận lời khiển trách từ góa phụ của dân biểu Michigan lâu năm, và từ một trong những đồng minh thân nhất của tổng thống, thượng nghị sĩ Lindsey Graham.

Tổng thống Trump cho rằng bà Debbie Dingell bày tỏ sự biết ơn với ông vì đã ông đã đối đãi tốt nhất sau khi chồng bà qua đời hồi tháng 02/2019, bao gồm việc yêu cầu rũ quốc kỳ để tưởng nhớ. Ngay lập tức nữ dân biểu Debbie Dingell liền phản hồi. Cùng ngày, trả lời với hãng Fox News, thượng nghị sĩ Graham cũng bảo vệ cố dân biểu và đồng thời chỉ trích tổng thống Trump.

Tổng thống đưa ra lời bình luận sau khi nữ dân biểu Debbie Dingell và các nhà lập pháp khác đã bỏ phiếu kết tội ông. John Dingell là thành viên phục vụ Quốc hội lâu nhất. Ông giữ ghế từ năm 1955 đến 2015. Ở Michigan, gia đình Dingell có vị trí vững chắc trong lòng người dân. Cố dân biểu Dingell được xem là nhà vô địch của các nghiệp đoàn và công ty xe hơi.

Bà Dingell xuất thân từ gia đình hoạt động trong ngành công nghiệp xe hơi và xây dựng hình ảnh vũng chắc với tư cách là một thành viên lưỡng đảng. Họ được coi là một hoàng tộc của tiểu bang Michigan. Dân biểu Debbie Dingell không phải là người duy nhất thấy bất mãn với bình luận của tổng thống. Dân biểu đảng Cộng hòa của Michigan, Fred Upton, người bỏ phiếu phản đối luận tội tổng thống Trump, cũng chỉ trích bình luận của ông. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói với các phóng viên rằng tổng thống nên xin lỗi vì những lời bình luận đó.    (BBT)

https://www.sbtn.tv/cac-nha-lap-phap-chi-trich-tt-trump-vi-phat-ngon-cho-rang-co-dan-bieu-john-dingell-co-the-da-xuong-dia-nguc/

 

Hoa Kỳ trục xuất người Mexico ra khỏi biên giới,

có thể gửi những người di dân khác đến Guatemala

Tin từ Washington/Mexico City – Hôm thứ Năm (19 tháng 12), Hoa Kỳ bắt đầu trục xuất người Mexico về sâu nội địa Mexico. Trong nỗ lực thay đổi để chống nạn vượt biên vào Hoa Kỳ, viên chức cao cấp Hoa Kỳ và Guatemala cho biết những người Mexico tầm trú ở Hoa Kỳ có thể bị gửi đến các quốc gia Trung Mỹ.

Chuyến bay chở những người Mexico bị trục xuất từ Tucson, Arizona đã hạ cánh ở thành phố Guadalajara khoảng giữa trưa. Số người di dân Trung Mỹ bị bắt giữ tại biên giới đã giảm mạnh trong nửa sau năm 2019, sau khi Mexico bố trí lực lượng Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn dòng di dân, dưới áp lực từ tổng thống Trump.

Khi dòng người từ Trung Mỹ đến biên giới giảm, Hoa Kỳ tập trung sang người Mexico vượt biên hoặc xin tầm trú. Khoảng 150,000 người Mexico trưởng thành đã bị bắt giữ ở biên giới năm nay, giảm mạnh

so với các thập niên trước nhưng vẫn đủ khiến Hoa Kỳ đau đầu. Quyền phó bộ trưởng Bộ Nội An, Ken Cuccinelli cho biết các viên chức quản trị di dân Hoa Kỳ được quyền gửi người tầm trú đến Guatemala để xin tị nạn ở đó, cũng có thể áp dụng cho người Mexico và người có quốc tịch khác.

Mexico đã yêu cầu các chuyến bay chở những người bị trục xuất tránh xa các thành phố giáp biên giới nguy hiểm, trong khi một viên chức cao cấp của Bộ Nội an cho biết các chuyến bay là lời đáp trả với số lượng người Mexico bị bắt giữ ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico ngày càng tăng. Viên chức Bộ Nội an cho biết số lượng các chuyến bay có thể được tăng cường nhanh chóng trong những tuần tới. (BBT)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-truc-xuat-nguoi-mexico-ra-khoi-bien-gioi-co-the-gui-nhung-nguoi-di-dan-khac-den-guatemala/

 

Thêm một phụ nữ Trung Cộng bị bắt

vì xâm nhập resort Mar-a-lago

Tin Palm Beach, Florida – Một phụ nữ Trung Cộng đã ra tòa ở Florida vào thứ Năm, 19 tháng 12, sau khi tìm cách xâm nhập resort Mar-a-Lago của Tổng Thống Donald Trump vào một ngày trước đó.

Thẩm phán đã chỉ định một luật sư chính phủ làm người biện hộ cho bà Lu Jing, 56 tuổi, và ra lệnh người phụ nữ này phải tiếp tục bị giam giữ. Bà Lu Jing bị truy tố nhiều tội tiểu hình, bao gồm lang thang rình mò và kháng cự việc bắt giữ.

Thẩm phán ấn định mức tiền tại ngoại của bà Lu Jing là 2,000 Mỹ kim, nhưng yêu cầu tiếp tục giam giữ người phụ nữ này, vì visa tại Hoa Kỳ của bà ta đã hết hạn. Thẩm phán cũng ra lệnh bà Lu phải tránh xa resort Mar-a-Lago trong tương lai.

Trong sự việc xảy ra hôm thứ Tư, bà Lu đã đến gần cổng chính của resort Mar-a-Lago, nhưng bị nhân viên an ninh chận lại và yêu cầu bà rời đi. Tuy nhiên, người phụ nữ này sau đó đi bộ quay lại để chụp hình và đến gần một cổng dành cho nhân viên. Khi lực lượng an ninh đến gần, bà Lu bỏ chạy nhưng sau cùng đã bị bắt trên đường Tony Worth ở Palm Beach.

Theo hồ sơ cảnh sát, bà Lu đã không cho các điều tra viên xem hình ảnh trong điện thoại của bà và ngay lập tức đòi được có luật sư, khiến các điều tra viên không thể thẩm vấn thêm. Tổng Thống Trump và gia đình ông không có mặt tại Mar-a-Lago vào lúc sự việc xảy ra, nhưng dự kiến sẽ đến đây vào cuối tuần và nghỉ lại trong suốt dịp lễ.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng nói rằng ông chưa biết về sự việc của bà Lu, tuy nhiên, chính quyền Trung Cộng luôn yêu cầu các công dân sống ở nước ngoài phải tuân thủ luật pháp nước sở tại. Trước đó vào tháng 3, một phụ nữ Trung Cộng tên Zhang Yujing, 33 tuổi, cũng bị bắt vì xâm nhập trái phép Mar-a-Lago, mang theo 1 laptop cùng nhiều điện thoại và thiết bị điện tử.

https://www.sbtn.tv/them-mot-phu-nu-trung-cong-bi-bat-vi-xam-nhap-resort-mar-a-lago/

 

Hạ Viện Hoa Kỳ phê chuẫn hiệp ước thương mại USMCA

Tin từ Hoa Kỳ .– Thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada của tổng thống Trump  đã  được thông qua tại Hạ viện hôm thứ Năm chỉ một ngày sau khi Hạ Viện bỏ phiếu buộc tội thổng thống Trump.

Đạo luật được thông qua với sự ủng hộ lưỡng đảng – với số phiếu 385 thuận và 41 chống.  Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát dự kiến sẽ bỏ phiếu thỏa thuận này vào đầu năm 2020 sau khi phiên tòa luận tội tổng thống Trump kết thúc.

Tổng thống Trump, đã nhiều lần chỉ trích hiệp ước NAFTA năm 1994 là “Thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất của đất nước,  và ông  đã vận động vào năm 2016 về việc đàm phán lại hiệp ước. Cả 3 quốc gia đã  ký Thỏa thuận USMCA thay cho NAFTA khoảng một năm trước. Đảng Dân chủ Quốc hội đã thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động bổ sung được thêm vào.

Thỏa thuận USMCA giữ lại hầu hết các phần của NAFTA nguyên vẹn. Chỉ thêm vào vấn đề thương mại kỹ thuật số, áp đặt các quy định nghiêm ngặt về lao động và thực thi môi trường, đồng thời thúc đẩy mở cưa thị trường sữa Canada cho nông dân Hoa Kỳ.  USMCA cũng đòi hỏi nhiều bộ phận của một chiếc xe hơi được sản xuất ở Bắc Mỹ để không bị áp thuế. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/ha-vien-hoa-ky-phe-chuan-hiep-uoc-thuong-mai-usmca/

 

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu,

tránh tình trạng chính phủ đóng cửa

Thượng viện Mỹ ngày 19/12 chấp thuận và gửi cho Tổng thống Donald Trump gói các dự luật chi tiêu cho các chương trình của chính phủ trong năm tài khóa 2020 (kéo dài tới ngày 30/9/2020) trị giá 1,4 ngàn tỷ đô la, chấm dứt nguy cơ chính phủ bị đóng cửa vào cuối tuần này khi ngân quỹ tạm thời hết hạn.

Theo dự kiến Tổng thống Trump sẽ ký thông qua thành luật trước nửa đêm 20/12.

Trong số này, Ngũ Giác Đài sẽ được cấp 738 tỷ đô la cho các hoạt động quân sự, hơn năm ngoái 22 tỷ.

Trong gói dự luật này cũng bao gồm một loạt các đề xuất mới như cấp ngân quỹ cho Lực lượng Không gian quân sự, tăng tuổi mua thuốc lá từ 18 đến 21, và bỏ một số loại thuế nhằm tài trợ cho Obamacare.

https://www.voatiengviet.com/a/qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-th%C3%B4ng-qua-d%E1%BB%B1-lu%E1%BA%ADt-chi-ti%C3%AAu-tr%C3%A1nh-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ng-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa/5212923.html

 

Canada yêu cầu Mỹ khoan ký

thỏa thuận thương mại với TQ

cho tới khi Bắc Kinh thả 2 người Canada

Số phận của 2 công dân Canada bị TQ bắt để trả đũa vụ bắt giữ Giám Đốc Tài chính Huawei vẫn bấp bênh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/12 cho hay một cuộc điều tra vào hai người Canada bị bắt hồi tháng 12 năm ngoái ‘về tội liên quan tới an ninh quốc gia’ đã kết thúc, và trường hợp này đã được chuyển sang bên công tố, theo Reuters.

Michael Spavor và Michael Kovrig bị câu lưu ở Trung Quốc không lâu sau khi chính quyền Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám Đốc Tài Chánh của tập đoàn Công nghệ Huawei ở Vancouver, theo yêu cầu của Hoa Kỳ.

Canada nói vụ bắt giữ hai công dân của họ là vô cớ, và từ đó tranh chấp ngoại giao kéo dài giữa hai nước.

“Ai gây rối trước thì nên chấm dứt nó,” ông Cảnh Sảng. phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói tại một cuộc họp báo thường kỳ. “Chúng tôi kêu gọi người Canada hãy tôn trọng lập trường và các quan tâm của chúng tôi, sửa sai lỗi lầm và lập tức trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu, để bà trở về Trung Quốc một cách yên ổn.”

Hãng tin AP đưa tin hôm thứ Năm rằng Thủ Tướng Canada Justin Trudeau đã yêu cầu Hoa Kỳ khoan ký bất cứ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc, cho tới khi nước này phóng thích hai công dân Canada.

Ông Michael Kovrig, một nhà cựu ngoại giao, và ông Michael Spavor, một doanh nhân bị bắt giữ vào tháng 12 năm ngoái dường như trong một cố gắng của Bắc Kinh nhằm áp lực Canada trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu, một Giám Đốc Huawei và cũng là ái nữ của người sáng lập tập đoàn Huawei.

Reuters dẫn lời ông Joseph Crook, người phát ngôn của Đại sứ Hoa Kỳ tại Ottawa, nói Washington quan tâm sâu sắc tới vụ bắt giữ hai công dân Canada này.

Ông Cảnh Sảng nói nỗ lực của Canada liên kết các vấn đề thương mại Mỹ-Trung với các vấn đề khác chắc chắn sẽ thật bại.

“Về hai công dân mà Canada cứ liên tục đòi, hai người đó bị tình nghi là có hoạt động phương hại tới an ninh quốc gia Trung Quốc”.

Ông Cảnh Sảng cho biết các cơ quan điều tra của Trung Quốc đã hoàn tất điều tra, và theo luật pháp, giao họ lại cho bên công tố, nơi trường hợp của họ sẽ được tái xét và truy tố.

https://www.voatiengviet.com/a/5213689.html

 

Duy Ngô Nhĩ – Tân Cương:

Nghị Viện Châu Âu kêu gọi trừng phạt Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Nghị Viện Châu Âu ngày hôm qua, 19/12/2019 đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu ban hành những biện pháp trừng phạt có chọn lọc nhắm vào các quan chức Trung Quốc can dự vào các vụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ nhằm đồng hóa thiểu số Hồi Giáo tại vùng Tân Cương.

Trong bản nghị quyết được thông qua tại Strasbourg, Nghị Viện Châu Âu đã cho rằng các công cụ được Liên Âu sử dụng cho đến nay để thúc đẩy các tiến bộ về mặt nhân quyền tại Trung Quốc đều không mang lại kết quả rõ rệt nào. Thậm chí tình hình nhân quyền còn trở nên tồi tệ hơn trong năm qua.

Trên cơ sở đó, Nghị Viện Châu Âu đã kêu gọi giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đề ra “các biện pháp trừng phạt có chọn lọc và phong tỏa tài sản… nhắm vào các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về những vụ đàn áp nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương”.

Định chế lập pháp của Liên Hiệp Châu Âu đồng thời kêu gọi chính quyền Bắc Kinh “chấm dứt ngay các hành động giam giữ tùy tiện” người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả những người bị giam giữ, kể cả ông Ilham Tohti, người đã được trao giải thưởng Sakharov năm nay”.

Hôm thứ Tư 18/12, Nghị Viện Châu Âu đã chính thức trao giải thưởng nhân quyền Sakharov của châu Âu, năm nay cho giáo sư người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti. Nghị Viện Châu Âu ca ngợi ông là một “tiếng nói ôn hòa và hòa giải”, nhưng bị Bắc Kinh cáo buộc là “khủng bố” và đang bị giam giữ. Đích thân con gái của ông Ilham đã thay cha nhận giải.

Hôm qua, khi được hỏi là giáo sư người Duy Ngô Nhĩ còn sống hay đã chết, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã từ chối trả lời.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc càng lúc càng bị quốc tế lên án về việc giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân thiểu số Hồi Giáo khác trong một mạng lưới các trại giam ở vùng Tân Cương, nơi đa số cư dân là người Duy Ngô Nhĩ.

Bắc Kinh thoạt đầu đã phủ nhận sự tồn tại của các trại cải tạo này, nhưng trước những bằng chứng ngày càng hiển nhiên, đã phải công nhận rằng đó là những “trung tâm huấn nghệ” cần thiết để chống khủng bố.

Vào tháng 11 vừa qua, nhật báo Mỹ The New York Times đã tiết lộ 403 tài liệu về chính sách đàn áp mà Bắc Kinh tiến hành đối với các sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo trong vùng Tân Cương. Trong các tài liệu này, có cả những bài phát biểu chưa được công bố của chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thúc giục các quan chức thẳng tay đối phó “không thương tiếc” với những người bị cho phần tử “cực đoan”.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191220-ngh%E1%BB%8B-vi%E1%BB%87n-ch%C3%A2u-%C3%A2u-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-trung-qu%E1%BB%91c-v%E1%BB%81-t%C3%A2n-c%C6%B0%C6%A1ng

 

QH Anh: Brexit nhận 358 phiếu thuận

để rời EU tháng sau

Hạ viện Anh vừa ủng hộ luật Brexit với 358 phiếu thuận, 234 phiếu chống, trong vòng một để dọn đường ra khỏi EU cuối tháng 1/2020.

Các thủ tục tiếp theo yêu cầu luật Brexit còn phải qua các vòng đọc nữa và được Thượng viện – House of Lords thông qua.

Sau đó, còn cần con dấu hoàng gia của Nữ hoàng Anh luật này mới có hiệu lực.

Tuy thế, cuộc bỏ phiếu ở Điện Westminster, trụ sở Quốc hội Anh chiều 20/12/2019 được cho là ngày lịch sử.

Tony Blair: ‘Đảng thôi đừng sống trong ảo mộng CNXH’

Bàn tròn BBC: Điểm sự kiện quốc tế và VN nổi bật năm 2019

Bầu cử Anh 2019: Boris Johnson thắng lớn với đa số áp đảo

Bầu cử Anh có làm thức tỉnh phe Dân chủ của Mỹ?

Brexit: Sai lầm hay Định mệnh của Anh?

Nữ nhà báo của BBC News, Vicky Young chia sẻ trên Twitter rằng Quốc hội Anh bắt đầu và kết thúc năm 2019 bằng hai lần “bỏ phiếu Brexit”.

“Từ thất bại với đa số 230 phiếu chống lần trước, nay luật này có đa số 124 phiếu thuận. Tất cả đều thay đổi.”

Luật Brexit mà Anh đang hoàn tất để có hiệu lực mới chỉ đề cập đến bước một ra để Anh ra khỏi EU.

Sang năm 2020, Anh sẽ đàm phán với EU về các thỏa thuận tương lai điều chỉnh quan hệ kinh tế, thương mại, biên giới hai bên.

Sau đó, nếu đạt được đồng thuận, quốc hội các nước thành viên EU còn phải thông qua hiệp ước về thỏa thuận với Anh, điều một số nhà quan sát nói, sẽ khó hoàn tất trước ngày cuối cùng của năm 2020.

Xem lại bài: Brexit có phải Định mệnh của Anh?

Nhà báo Nguyễn Giang từ London bình luận:

“Anh Quốc thực ra đã đồng sàng dị mộng với EU từ lâu, ở trong mà không nằm bên trong, ‘being in but not inside“.

Anh hiện tham gia thị trường chung EU (single market), nhưng ở ngoài khu vực tiền euro, ngoài khối Schengen về tự do đi lại.

Từ trước 2016, Anh cố không chịu theo phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu (European Convention on Human Rights – ECHR).

Sau Brexit, Anh sẽ thôi quan hệ với tòa ECHR, thu hồi quyền phán quyết các vấn đề hiến pháp về cho Tòa Tối cao ở London.

Như thế, trong bốn trụ cột EU: tiền tệ, tự do đi lại, tòa án và thị trường, Anh chỉ còn ràng buộc với thị trường chung.

Cuộc bỏ phiếu chiều 20/12, vài ngày trước Giáng Sinh 2019, sẽ khiến Anh chia thay thị trường láng giềng này.

Nhưng dù có nhiều rủi ro, vấn đề rời thị trường xét cho cùng chỉ mang tính kinh tế, thương mại, còn về chính trị, Anh sẽ trở lại vị trí lịch sử muôn thuở là đứng bên cạnh châu Âu lục địa.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50871637

 

Tony Blair: Đảng Lao động

còn thua nếu cứ ảo tưởng về CHXH

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair ‘tái xuất giang hồ’ lên tiếng về Đảng Lao động vừa thất cử và cho rằng ban lãnh đạo hiện nay của ‘sống trong ảo mộng’ của một ý thức hệ cũ kỹ.

Trả lời kênh CNN hôm 20/12/2019, đúng ngày Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua Brexit, ông Blair không tiếc lời phê phán ban lãnh đạo hiện thời của đảng Lao động mà ông từng nắm.

Dưới sự lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn, một nhà cựu Marxist, đảng Lao động thất cử đau đớn trong kỳ tổng tuyển cử 12/12 vừa qua.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội mới, Lao động chỉ còn 203 nghị sĩ trong Hạ viện Anh, kết quả tệ nhất từ năm 1935.

Ông Blair, người theo Con đường Thứ Ba, một học thuyết trung dung, bỏ Marxism và chấp nhận kinh tế thị trường, cho rằng Lao động sẽ còn tiếp tục thất cử nếu “cứ vẫn sống trên hòn đảo ảo mộng”.

Điểm và bình luận sự kiện quốc tế và VN nổi bật năm 2019

Anh ra luật thang điểm nhập cư

Brexit: Sai lầm hay Định mệnh của Anh?

Anh lại bầu cử nhưng Nữ hoàng không bỏ phiếu

Anh và câu hỏi dai dẳng về Scotland ‘độc lập’

‘Ý thức hệ sai lạc’

Hai hôm trước (18/12/2019), ông Blair, người cải tổ đảng Lao động và thắng cử liên tiếp ba lần cũng lên tiếng trên truyền thông Anh Quốc, kêu gọi đảng Lao động “vứt ngay ý thức hệ sai lạc của ông Corbyn” (ditch Corbyn’s misguided ideology!).

Ông phê phán Jeremy Corbyn vì dẫn dắt đảng Lao động vào tranh cử với các ý tưởng mà đa số cử tri Anh “không thiết tha”.

“Ông ta là hiện thân của một thương hiệu của chủ nghĩa xã hội giả vờ cách mạng, pha trộn với chính sách kinh tế cực tả, và sự căm ghét chính sách ngoại giao Phương Tây.”

“Điều này không hề thu hút cử tri bỏ phiếu truyền thống cho đảng Lao động.”

Sinh năm 1953, ông Tony Blair làm thủ tướng Anh từ 1997 đến 2007.

Còn ông Jeremy Corbyn, sinh năm 1949, là dân biểu lâu năm thuộc phái Marxist của Lao động.

Năm 2015, ông lên nắm quyền lãnh đạo đảng này và đưa ra một soạt chính sách thiên tả.

Sau thất bại vừa rồi của Lao động, ông Corbyn tuyên bố sẽ rút lui nhưng không nêu thời gian cụ thể.

Trả lời báo Anh, ông thừa nhận thất bại trong bầu cử nhưng tin rằng “lý luận của tôi vẫn đúng”.

Ý thức hệ quá cũ để điều hành kinh tế hiện đại

Một trong các sáng kiến của ông Jeremy Corbyn là quốc hữu hóa hỏa xa, điện nước ở Anh nếu thắng cử.

Với nền kinh tế tư bản phát triển như Anh, kế hoạch quốc hữu hóa của ông bị cho là “phi thực tế”.

Ông muốn lập các ủy ban để kiểm soát, chỉ đạo kinh tế trong 100 ngày đầu nếu cầm quyền.

Điều này gợi lại chế độ “chính ủy” của thời chiến, theo những người phê phán đảng Lao động.

Kế hoạch nhằm can thiệp vào nền kinh tế Anh theo cách “của những năm 1970” bị cả các cánh tả như The Guardian cho là “phi thực tế”.

Ý tưởng lập ra các ủy ban 100 ngày để điều hành kinh tế Anh cho thấy nhóm Marxist trong đảng Lao động đã đi quá xa.

Với hệ thống sở hữu tài sản tư và tiền vốn công ty nằm trên toàn cầu, việc giành lại sở hữu nhà nước cần “ít nhất 20 năm”, theo tờ báo.

Ông Corbyn vốn căm ghét chủ nghĩa đế quốc Anh, còn muốn Anh trả hết các hòn đảo như Chagos ở Ấn Độ Dương cho người bản địa.

Hòn đảo này, hiện có căn cứ quân sự quan trọng của Anh và Mỹ, là lãnh thổ hải ngoại của Anh.

Ông làm nhiều cây bút nữ trên báo Anh bực mình khi đề xuất mở các toa tàu riêng cho phụ nữ để “bảo vệ họ khỏi bị tấn công tình dục”.

Người ta không hiểu vì sao ông Corbyn mô hình phân chia không gian nam-nữ như ở một số nước Hồi giáo hà khắc để áp dụng cho xã hội Anh.

Nhưng thất bại chính của ông Corbyn vẫn là vấn đề Brexit.

Đảng của ông nêu ra một nghị trình khó hiểu: nếu thắng cử, Đảng Lao động sẽ cho tổ chức trưng cần dân ý lần hai, và trong quá trình đó, đảng này sẽ vận động chống lại Brexit với khả năng để Anh ở lại EU.

Nếu cử tri Anh vẫn bỏ phiếu lặp lại kết quả Brexit như 2016, thì ông Jeremy Corbyn nói ông sẽ cố gắng ký một thỏa thuận tốt hơn của chính phủ Bảo thủ ký với EU, chỉ trong sáu tháng.

Ông muốn Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU, điều các nhà kinh tế cho rằng sẽ chỉ biến Brexit thành “hình thức”.

Bà Caroline Flint, dân biểu của Lao động vừa hết nhiệm kỳ, nói ông Corbyn đã ra một “chiến lược chấp chới”, không rõ về Brexit, và khiến cử tri truyền thống bỏ cho Lao động đã “cạch mặt” đảng này.

Trớ trêu thay, nay đảng Bảo thủ Anh lại có thể tự nhận là đảng của người lao động, bà Flint viết.

Xem thêm:

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50865918

 

2019 : Một năm lao đao của chính phủ Pháp

vì phong trào xã hội

Thu Hằng

Phong trào Áo Vàng chưa dứt, lại đến hàng loạt đình công biểu tình, chủ yếu từ giới công chức. Từ hơn một năm nay, chính phủ Pháp phải liên tục đối phó với làn sóng phẫn nộ trong đại bộ phận dân chúng. Giao thông công cộng tại Pháp, đặc biệt là ở Paris, gần như bị tê liệt vì đình công chống cải cách chế độ hưu trí khởi phát từ đầu tháng 12/2019.

Ngân sách hưu trí chiếm 13,7% GDP của Pháp, một mức khá cao trong Liên Hiệp Châu Âu, và có đến 42 quỹ hưu trí khác nhau, được gộp trong ba chế độ chính : chế độ cơ bản (hầu hết là lĩnh vực tư nhân), chế độ công chức (giáo viên, bệnh viện…) và chế độ đặc biệt (khoảng 300.000 người thuộc ngành đường sắt SNCF, RATP, điện lực EDF hoặc Ngân hàng trung ương Pháp, Nhà hát Paris…).

Đã nhiều đời chính phủ Pháp đều nhận thấy chỉ nên có một quỹ phổ phát chung cho mọi ngành nghề và phải tái cân đối quỹ này, nhưng mỗi lần cải cách đều vấp phải sự chống đối mãnh liệt, khiến nhiều chính phủ nhụt chí.

Làm việc lâu hơn, gộp 42 quỹ hưu trí thành một khối chung

Đơn giản hóa hệ thống hưu trí và xóa bỏ bất công giữa các chế độ là một trong những lời hứa khi tranh cử tổng thống của ông Emmanuel Macron : tính trợ cấp hưu trí theo điểm đóng góp ; kéo dài thời gian làm việc và thời gian đóng góp với chế độ thưởng-phạt nếu nghỉ hưu trước « tuổi cân đối » 64 (dù tuổi nghỉ hưu theo luật định là 62) ; bỏ đặc quyền đặc lợi của một số ngành nghề…

Một ngày sau cuộc biểu tình đầu tiên (05/12), và cũng có quy mô lớn nhất, phát động cho phong trào đình công kéo dài, thủ tướng Edouard Philippe tỏ ra « kiên quyết » nhưng hứa tiến hành cải cách từng bước :

« Công dân Pháp biết rằng 42 chế độ hưu trí khác nhau như hiện nay không thể kéo dài mãi. Họ biết rằng một ngày nào đó phải từ bỏ những chế độ đặc biệt. Họ cũng hiểu rằng dần dần, chúng ta phải làm việc lâu hơn. Tôi nói điều này không vui mừng gì cả, nhưng đây là thực tế đang diễn ra ở các quốc gia tương tự với Pháp. Và đó cũng là điều đang diễn ra ở Pháp một cách nào đó, đối với chế độ cơ bản, theo đó nhiều công dân nghỉ hưu sau tuổi quy định khá lâu hoặc lâu hơn nhiều.

Câu hỏi được đặt ra đối với những thay đổi này như sau : Liệu chúng ta muốn tiến hành một cách đột ngột, trong cấp bách hay chúng ta muốn áp dụng một cách hợp lý, từng bước, không bất ngờ trong khi chúng ta có thời gian. Và dĩ nhiên, chính phủ và phe đa số lựa chọn cách thứ hai ».

Về loạt đình công gây xáo trộn giao thông công cộng, thủ tướng Edouard Philippe như muốn « nhắc nhở » :

« Tôi muốn nói với họ rằng việc triển khai hệ thống hưu trí phổ quát kéo theo việc xóa bỏ các chế độ đặc biệt. Tôi không tin là người dân Pháp, về lâu về dài, có thể chấp nhận những chế độ hưu trí mà hiện có một số người được nghỉ hưu sớm hơn, hoặc sớm hơn rất nhiều, so với những người khác trong khi họ làm cùng một ngành nghề ».

Từ đầu tháng 12/2019, các nghiệp đoàn (CGT, FO, CFE-CGS, FSU) đường sắt (SNCF), giao thông công cộng, kêu gọi đình công trên quy mô toàn quốc để gây sức ép đối với chính phủ, nhưng người dân mới là những nạn nhân trực tiếp vì không có phương tiện di chuyển, đi làm.

Họ khốn khổ đứng chờ dưới mưa gió, chen chúc, xô đẩy trong những chuyến tầu xe hiếm hoi. Không tầu, không xe buýt, họ buộc phải đi bộ nhiều cây số, đổ xô đến dịch vụ thuê chung xe trượt trottinette, xe đạp, xe máy, ô tô. Nhiều người phải ngủ lại tại nơi làm việc sau khi tan ca muộn, thậm chí chủ một số cửa hàng cà phê, khách sạn phải thuê phòng cho nhân viên ở lại Paris.

Thời gian đi lại mất gấp đôi, gấp ba trong những ngày đình công so với thường lệ. Tỉ lệ tai nạn tại Paris, chủ yếu đối với xe hai bánh, đã tăng 40% kể từ đầu mùa đình công. Hai lần đỉnh điểm vào đầu tháng 12/2019, các ngả đường vào Paris bị tắc hơn 600 km.

Các nghiệp đoàn chống cải cách tỏ ra kiên quyết, còn chính phủ tìm cách duy trì đối thoại, đặc biệt là lấy lại sự ủng hộ của nghiệp đoàn cải cách CFDT sau khi vượt qua « làn ranh đỏ » ấn định mức « tuổi cân đối » là 64 tuổi. Đây là điểm mà chính phủ nên từ bỏ, theo phân tích của giáo sư lịch sử đương đại Frank Georgi, đại học Evry Paris-Saclé, khi trả lời RFI ngày 17/12 :

« Về logic mà nói, phạm vi hoạt động chủ yếu của chính phủ có lẽ là nên từ bỏ biện pháp quy định «tuổi cân đối» vì điều này sẽ giúp chính phủ phá vỡ mặt trận chung giữa các nghiệp đoàn, được hình thành từ khi biện pháp trên được thông báo. Nếu chính phủ nhân nhượng ở điểm này, thì các cuộc đàm phán với các nghiệp đoàn có khuynh hướng cải cách sẽ được nối lại, đó là các nghiệp đoàn CFDT, CFTC, UNSA. Dĩ nhiên, điểm này sẽ không giải quyết được các vấn đề khác, như mức độ nặng nhọc của công việc, chế độ đặc biệt hay vấn đề công chức… nhưng dù sao đó cũng là những vấn đề chính đối với một bộ phận tổ chức nghiệp đoàn đang ngừng mọi cuộc thương lượng, cho dù một bên vẫn nói muốn đàm phán, còn bên kia thì khẳng định mọi cánh cửa đều để ngỏ ».

Theo thăm dò của Harris Interractive, gần 2/3 người Pháp ủng hộ phong trào xã hội, nhưng cũng có đến 69% muốn chính quyền và nghiệp đoàn « hưu chiến » vào dịp Giáng Sinh và Năm Mới đang đến gần. Theo giáo sư Frank Georgi, nếu chính phủ kiên quyết cải cách, các nghiệp đoàn sẽ tiếp tục gây sức ép và điều này có nguy cơ làm giảm sự ủng hộ của công luận, làm nản lòng người tham gia biểu tình, đình công. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến phong trào Áo Vàng hụt hơi.

Phong trào Áo Vàng : Một năm nổi dậy của những người « bị lãng quên »

Phải nói rằng phong trào Áo Vàng chưa hề tan rã mà họ vẫn tuần hành, đóng tại các vòng xoáy giao thông cho đến tháng 11/2019. Các nhóm trao đổi vẫn giữ liên lạc và hoạt động trên các mạng xã hội.

Bùng phát từ tháng 11/2018 sau khi chính phủ thông báo tăng thuế xăng dầu, phong trào Áo Vàng là một hình thức đấu tranh đòi công bằng xã hội chưa từng có (không thủ lĩnh, không liên kết với nghiệp đoàn) của một bộ phận người dân tự nhận là thấp cổ bé họng, những người lao động có thu nhập thấp, những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ phải trả thuế nặng… trong số đó có rất nhiều phụ nữ (chiếm 47%), và rất nhiều người lần đầu tiên đi biểu tình. Cứ thứ Bẩy hàng tuần, họ lại xuống đường.

Ban đầu, chính phủ có vẻ xem nhẹ cấp độ, định để phong trào tự tan rã, nhưng nhanh chóng bị bất ngờ trước quy mô mà mức độ lan tỏa ngày càng rộng. Ngày 04/12/2018, hai tuần sau khi phong trào bùng nổ, thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố ngừng tăng thuế xăng dầu « trong vòng 6 tháng ». Nhưng quyết định được đưa ra quá trễ, không đủ làm dịu cơn phẫn nộ của người Áo Vàng. Từ những yêu sách về kinh tế-xã hội, họ dần đưa ra những đòi hỏi dân chủ hơn.

Trả lời tuần báo Le Point ngày 12/11/2019, nhà nghiên cứu chính trị Tristan Guerra giải thích tăng giá xăng dầu chỉ là « giọt nước làm tràn ly » cho những bức bách của họ :

« Phong trào xảy ra vào lúc mà người dân nhận được phiếu thuế, vào lúc mà họ phải đổ đầy kho trữ dầu đốt sưởi ấm mùa đông, sau một mùa hè chính phủ ra quyết định giảm tốc độ trên các tuyến đường liên tỉnh xuống còn 80 km/giờ…

Trong nước thì tồn tại tình trạng bấp bênh lớn và tâm trạng mệt mỏi về dân chủ nên chỉ cần thêm một loại thuế là làm thổi bùng mọi thứ. Những người Áo Vàng có cảm giác là những người duy nhất sản xuất ra của của cải vật chất, còn những người khác thì lại chiếm đoạt mất của họ với những loại thuế khác nhau. Đó là một kiểu tâm trạng dân túy kinh tế, đối lập giữa một bên là quần chúng lao động và bên kia là thành phần tinh hoa chính trị, truyền thông hoặc giới kinh tế hút hết của cải của họ ».

Trong những đoàn tuần hành ôn hòa, đặc biệt tại Paris, có rất nhiều thành phần thuộc nhóm Black bloc, mặc trang phục đen, trà trộn để đập phá, đốt xe, hôi của… Cả tháng 12/2018, dịp lễ tết cuối năm, ngành du lịch và thương mại ở những khu du lịch lớn Paris bị thất thu. Theo thống kê của chính phủ, được đài RTL đăng ngày 15/11/2019, tổng thiệt hại đối với tăng trưởng Pháp liên quan đến phong trào Áo Vàng là 2,5 tỉ euro. Khoảng 5.000 thợ thủ công và tiểu thương đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ, qua việc giãn thời hạn nộp các loại thuế và đóng góp, để tránh bị phá sản. Hơn 75.000 nhân viên từng bị thất nghiệp tạm thời, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng-khách sạn, thương mại và giao thông.

Tình hình căng thẳng đã buộc tổng thống Pháp lên tiếng trấn an và tổ chức « Cuộc thảo luận toàn quốc » (Grand débat national) kéo dài trong hai tháng nửa đầu năm 2019. Ông Macron, cũng như nhiều quan chức chính phủ, lần lượt đến từng địa phương, lắng nghe chia sẻ những khó khăn, bận tâm của người dân thấp cổ bé họng.

Sau đó, một loạt biện pháp, với tổng chi phí lên đến 17 tỉ euro, được đưa ra để trấn an người dân : điều chỉnh trợ cấp hưu trí đối với mức lương dưới 2.000 euro so với mức lạm phát ; giảm 5 tỉ euro tiền thuế các loại ; thưởng đặc biệt và khoản tiền này được miễn thuế ; không đóng thêm cửa bệnh viện hoặc trường học cho đến cuối nhiệm kỳ tổng thống Macron…

Trong khi « lưỡi gươm » Áo Vàng vẫn treo lơ lửng, chính phủ Pháp lại phải chèo lái đưa con thuyền cải cách hưu trí vượt qua sóng gió phản đối, chưa hề có dấu hiệu tạm lắng.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20191220-2019-m%E1%BB%99t-n%C4%83m-lao-%C4%91ao-c%E1%BB%A7a-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-ph%C3%A1p-v%C3%AC-phong-tr%C3%A0o-x%C3%A3-h%E1%BB%99i

 

Tay súng tấn công trụ sở an ninh Nga tại Moscow

giết chết một nhân viên

Tin từ Moscow. — Một tay súng đã nổ súng vào trụ sở an ninh Nga FSB ở trung tâm Moscow vào tối thứ Năm, trong một vụ nổ súng hiếm hoi mà FSB cho biết đã khiến ít nhất một nhân viên của họ thiệt mạng.  Vụ tấn công xảy ra ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin có cuộc họp báo thường niên,  và trong khi ông đang phát biểu tại một buổi lễ tại Kremlin được tổ chức để vinh danh những việc làm của cơ quan an ninh FSB.

Một nguồn tin thân cận với FSB nói với Reuters rằng cơ quan FSB nghi ngờ vụ tấn công có thể đã được lên kế hoạch trùng với bài phát biểu buổi tối của ông Putin.

FSB  cho biết họ đã vô hiệu hóa các tay súng và đang làm việc để xác tính danh tính của nghi, và hiện vẫn chưa cho rõ động cơ của nghi can là gì. Đoạn quay video được đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy tiếng súng tự động bắn vào các bức tường của tòa nhà chính của FSB trên Quảng trường Lubyanka ở trung tâm Moscow.

Tiếng còi báo động, tiếng súng và tiếng la hét đã được người dân trong khu vực nghe thấy, đây cũng là khu mua sắm sầm uất nổi tiếng với khách du lịch, cách điện Kremlin một quãng đi bộ ngắn.  FSB là cơ quan an ninh mà ông Putin từng đứng đầu, cho biết một số người đã bị thương trong vụ tấn công.

Interfax dẫn lời Bộ Y tế cho biết có năm người đã bị thương, một số người trong số họ nghiêm trọng trong đó có hai nhân viên của FSB. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tay-sung-tan-cong-tru-so-an-ninh-nga-tai-moscow-giet-chet-mot-nhan-vien/

 

Tổng Thống Putin từ chối tiết lộ tương lai chính trị

sau khi hết nhiệm kỳ

Tin Moscow, Nga – Trong cuộc họp báo lớn thường niên hôm thứ Năm, 19 tháng 12, Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã tránh trả lời câu hỏi về khả năng ông tiếp tục nắm quyền sau năm 2024, đồng thời cũng chỉ trích cuộc luận tội người đồng cấp Donald Trump tại Hoa Kỳ, và tỏ ra nghi ngờ về việc hoạt động của con người là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.

Trong cuộc họp báo năm nay, Tổng Thống Putin, 67 tuổi, đã phá vỡ truyền thống khi ngay lập tức bắt đầu phiên hỏi đáp với hơn 1,000 phóng viên tham dự, thay vì đọc bài diễn văn về nền kinh tế Nga như thường lệ. Phiên hỏi đáp năm nay giữa tổng thống Nga và phóng viên đã kéo dài tổng cộng 4 giờ 25 phút.

Ông Putin, người lên nắm quyền từ năm 1999, vẫn tỏ ra khá bí ẩn về tương lai chính trị của ông, và từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu ông có tiếp tục điều hành nước Nga, bằng cách chuyển sang một vị trí mới trong chính phủ hay không.

Ông Putin đang trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 4, và buộc phải rời chức vụ vào năm 2024 theo quy định hiến pháp. Đã có những lời kêu gọi sửa đổi hiến pháp Nga để cho phép ông Putin phục vụ nhiều hơn 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, vào thứ Năm, tổng thống Nga thừa nhận đề nghị này đã gây lo ngại cho nhiều nhà phân tích chính trị và các nhân vật công chúng, cho thấy chính ông cũng không ủng hộ khả năng này.

Khi được hỏi về khủng hoảng khí hậu, trong bối cảnh Moscow đang trải qua mùa đông ấm áp nhất trong 133 năm qua, ông Putin đã đi ngược lại các lý luận khoa học, khi nói rằng không ai có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng của con người tới biến đổi khí hậu, và tình trạng này có thể chỉ là một quá trình biến đổi của hành tinh. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-putin-tu-choi-tiet-lo-tuong-lai-chinh-tri-sau-khi-het-nhiem-ky/

 

Lo sợ gia tăng khi virus tả lợn châu Phi

lây lan nhanh ở Đông Nam Á

Indonesia là quốc gia tiếp theo ở châu Á bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, một loại virus đang tàn phá ngành chăn nuôi trên toàn khu vực này.

Hôm 18/12, Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết gần 30.000 con lợn đã chết vì căn bệnh này ở Bắc Sumatra.

Ước tính, khoảng một nửa số lợn của Trung Quốc bị chết do virus này trong năm nay.

Úc rất lo ngại và đã liên tục đẩy mạnh các biện pháp an toàn sinh học nhằm ngăn chặn dịch tả lợn.

Việt Nam: Dịch tả heo châu Phi hoành hành

Nguy cơ dịch virus Zika ở Việt Nam

FAO: Việt Nam cần ‘tình trạng khẩn cấp’ về sốt heo ASF

Dù vô hại với con người, nhưng virus bệnh này ó thể giết chết lợn trong vòng vài ngày, với tỉ lệ tử vong có thể lên tới 100%, theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).

Virus rất khoẻ và có thể tồn tại trong bảy ngày mà không cần vật chủ, và trong nhiều tháng với các sản phẩm thịt lợn đông lạnh.

Những quốc gia nào bị ảnh hưởng nặng nhất?

Chịu ảnh hưởng nặng nhất cho đến nay vẫn là Trung Quốc, nhưng virus này đang lây lan khắp Đông Nam Á.

Việt Nam và Philippines cũng đã trải qua một số đợt bùng phát tồi tệ nhất trong khu vực.

Các nhà phân tích tại công ty tài chính chuyên hoạt động trong ngành thực phẩm Rabobank dự đoán, sản lượng thịt lợn của Việt Nam sẽ giảm 21% trong năm nay và thêm 8% trong năm tới.

Philippines có thể chứng kiến sự sụt giảm tới 13% tổng đàn lợn của mình vào năm 2020. Rabobank dự báo, tổn thất đàn lợn ở Trung Quốc vào mức 55% trong năm nay.

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Syahrul Yasin Limpo nói với các phóng viên rằng đến nay, đã cách ly được virus này ở một phần của Bắc Sumatra.

“Các biện phát xử lý nghiêm túc đang được thực hiện, bao gồm cả việc cô lập các khu vực”, ông Limpo nói.

Bệnh này cũng đã được phát hiện ở Mông Cổ, Campuchia, Hàn Quốc, Bắc Hàn, Myanmar và Đông Timor, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc.

Tại Việt Nam, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được báo chí trích dẫn cho biết, đến đầu tháng 12/2019, ,dịch tả lợn châu Phi đã giảm. Theo đó, số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019.

Tuy nhiên, tính đến ngày 25/ 11/2019, số lượng lợn chết và tiêu hủy đã khoảng 5,9 triệu con, theo báo Lao động.

Giá lợn hơi tại Việt Nam dự báo sẽ vào đợt tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2020 do cung giảm.

Ngoài châu Á, OIE cho biết căn bệnh này cũng xuất hiện ở một số khu vực thuộc Đông Âu và vùng cận Sahara của châu Phi.

Các quốc gia phản ứng thế nào?

Úc, vốn được biết đến với các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt, đang chi thêm 66 triệu Úc kim (khoảng 45 triệu đôla Mỹ) cho các biện pháp ngăn chặn virus này.

Tuy nhiên, những vụ bắt giữ gần đây cho thấy mức độ khó khăn của công việc này.

Trong sáu tháng qua, chính quyền Úc đã thu giữ 32 tấn sản phẩm thịt lợn từ hành lý của hành khách và trong các bưu kiện.

“Trong đó, 49% có dấu hiệu mắc tả lợn Châu Phi”, bà Margo Andrae, Giám đốc điều hành của Australian Pork Limited, một tổ chức xúc tiến đại diện cho các nhà sản xuất thịt lợn, cho biết.

Tổ chức Australian Pork Limited ước tính, một đợt bùng phát dịch có thể có gây thiệt hại tới 2 tỉ đôla Úc đối với ngành này, vốn có trị giá 5,3 tỷ đô la Úc và sử dụng tới 36.000 nhân công.

Úc đã thắt chặt các nỗ lực kiểm dịch tại thành phố Darwin – điểm nhập cảnh chính của các chuyến bay từ Đông Timor, nơi gần đây đã tuyên bố một đợt bùng phát tả lợn.

Mặc dù ở Darwin không có trang trại chăn nuôi lợn, nhưng nơi đây có một đàn lợn hoang có nguy cơ bị lây nhiễm.

“Nếu quý vị hỏi tôi vài tháng trước, tôi sẽ nói rằng tôi rất sợ, nhưng bây giờ tôi thấy đỡ hơn nhiều”, bà Andrae nói.

Đức gần đây cũng tăng cường các biện pháp để ngăn chặn căn bệnh này sau khi tìm thấy virus trong một con lợn rừng từ Ba Lan chạy qua.

Hoa Kỳ chưa có trường hợp nào mắc tả lợn Châu Phi nào, nhưng vẫn đưa ra các yêu cầu liên quan đến sức khỏe động vật nhập khẩu.

Cuộc đua vắc-xin

Chừng nào động vật bị nhiễm vẫn chủ yếu ở châu Phi và những đợt bùng phát ở châu Âu được giải quyết nhanh chóng bằng cách tiêu hủy, thì nỗ lực phát triển một loại vắc-xin là rất thấp.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát sang châu Á với hàng triệu con bị ảnh hưởng, các nhà khoa học đang chạy đua để đưa ra một loại vắc-xin. Nhưng virus phức tạp một cách bất thường khiến nỗ lực này trở nên khó khăn hơn.

Hy vọng đặt vào những gì được gọi là vắc-xin sống giảm độc lực, chứa đủ virus để động vật tự phát triển kháng thể nhưng không dễn đến việc vật nuôi bị nhiễm bệnh.

Đã có những nghiên cứu đầy hứa hẹn, ví dụ như việc tiêm vắc-xin cho lợn rừng ở châu Âu, nhưng để có được vắc-xin thương mại thì cần thêm nhiều năm nữa.

Có khả năng vắc-xin tả lợn đầu tiên sẽ được tạo ra từ Trung Quốc, bởi đây là quốc gia có nguy cơ cao nhất và có quá trình đưa vắc-xin ra thị trường nhanh.

Tác động đến ngành công nghiệp thịt lợn?

Giá thịt lợn trên khắp châu Á đã tăng, và trong một số trường hợp, đẩy lạm phát tăng.

Con số lạm phát gần đây nhất của Trung Quốc cho thấy, giá tiêu dùng tăng 4,5%, mức nhanh nhất trong chín năm qua, với thịt lợn đóng góp phần lớn vào mức tăng đó.

Cơ quan xếp hạng Fitch cho biết, giá bán buôn nội địa ở nước này tăng gần gấp đôi vào năm 2019. Dự đoán giá thịt lợn ở Đông Nam Á cũng có khả năng tăng.

Rabobank cho biết, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng gấp đôi. Giá thịt bò và thịt gà cũng tăng do người tiêu dùng chuyển từ thịt lợn sang các loại thịt khác.

Tommy Wu, nhà kinh tế từ tổ chức nghiên cứu và dự báo kinh tế Oxford Economics, cho biết có khả năng giá sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới khi nhu cầu thịt lợn tăng dịp Tết Nguyên đán.

Tin tốt, theo lời ông Wu, là những nỗ lực an toàn sinh học của Trung Quốc đã bắt đầu có tác động.

Ông nghĩ rằng ngành công nghiệp này ở Trung Quốc đã khá hơn, nhưng cảnh báo rằng sự phục hồi hoàn toàn có thể phải mất nhiều năm.

“Chúng ta vẫn sẽ thấy mức giảm 40% so với đỉnh về lượng thịt lợn,” ông nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50863627

 

Tổng thống Thái Anh Văn nói

Trung Quốc sợ Đài Loan đoàn kết và dân chủ

Tổng thống Thái Anh Văn hôm thứ Tư (18/12) nói rằng, điều các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc sợ nhất chính là nền dân chủ Đài Loan, đồng thời mô tả Bắc Kinh là mối đe dọa đang hàng ngày tìm cách để phá hoại hòn đảo tự trị, theo Reuters.

“Điều Trung Quốc lo sợ nhất là sự đoàn kết của người Đài Loan. Điều Trung Quốc lo sợ nhất là nền dân chủ Đài Loan”, bà Thái cho biết trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp. “Chúng ta cần biết rằng Trung Quốc đang xâm nhập và chia rẽ xã hội Đài Loan trong tất cả các phương diện”.

Đề cập đến phong trào biểu tình ở Hồng Kông, Tổng thống Thái Anh Văn khẳng định, Đài Loan không thể chấp nhận mô hình “Một quốc gia, Hai chế độ” mà Bắc Kinh nhiều lần đề nghị thống nhất hòn đảo theo cách này.

“Tình hình ở Hồng Kông cho chúng ta thấy rất rõ rằng đang có sự đấu tranh giữa dân chủ và độc đoán. Hai chế độ không thể cùng tồn tại ở một quốc gia”, bà Thái phát biểu.

Tổng thống Đài Loan đã nhiều lần cảnh báo về các mối đe dọa từ Trung Quốc. Quan hệ hai bờ eo biển trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái, người ủng hộ dân chủ và phản đối chính sách “Một Trung Quốc” lên nhậm chức. Hồi tháng Mười, chính phủ của bà đã lên án “chế độ độc tài” Trung Quốc và khẳng định sẽ bảo vệ nền tự do và dân chủ trong khi Bắc Kinh tăng áp lực lên hòn đảo tự trị.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32200-tong-thong-thai-anh-van-noi-trung-quoc-so-dai-loan-doan-ket-va-dan-chu.html

 

Người biểu tình Hồng Kông

tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế về vấn đề nhân quyền

Tin từ HỒNG KÔNG – Vào hôm thứ Năm (19/12), những người biểu tình ở Hồng Kông tập hợp bên ngoài các cơ quan ngoại giao để kêu gọi các chính phủ ngoại quốc theo bước Hoa Kỳ và thông qua các dự luật nhân quyền để tăng áp lực lên Bắc Kinh và ủng hộ chiến dịch dân chủ của họ.

Vào tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký vào luật yêu cầu Bộ Ngoại giao chứng nhận, ít nhất mỗi năm một lần, rằng Hồng Kông giữ đủ quyền tự chủ từ Bắc Kinh để hợp lý hóa các điều khoản giao dịch ưu đãi của Hoa Kỳ. Khoảng 1,000 người, hầu hết trong số họ mặc đồ đen và đeo mặt nạ, diễn

hành trên tuyến đường đi qua các tòa lãnh sự Úc, Anh Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada để đưa ra yêu cầu. C

ác nhà ngoại giao Anh Quốc, EU và Hoa Kỳ đến nhận yêu cầu và chụp ảnh với người biểu tình. Hồng Kông bị chấn động trong hơn sáu tháng bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ, giữa sự phẫn nộ ngày càng tăng đối với việc Trung Cộng can thiệp vào các quyền tự do từng cam kết với thuộc địa cũ của Anh Quốc khi trở lại quyền kiểm soát của Trung Cộng vào năm 1997.

Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi can thiệp, quy trách nhiệm về tình trạng bất ổn cho “các lực lượng ngoại quốc”, và tuyên bố rằng các nỗ lực can thiệp vào thành phố này chắc chắn sẽ thất bại. Luật pháp của Hoa Kỳ, cũng đe dọa các biện pháp trừng phạt vi phạm nhân quyền, tuân theo các yêu cầu “ngoại giao công dân” tương tự ở Hồng Kông trong năm nay và được những người biểu tình ca ngợi. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-tim-kiem-su-ho-tro-quoc-te-ve-van-de-nhan-quyen/

 

Hồng Kông 6 tháng tranh đấu:

Dân không lùi, chính quyền lộ rõ điểm yếu

Trọng Thành

Cách đây hơn 6 tháng, phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông bùng phát. Khủng hoảng khiến đặc khu kinh tế lao đao ; bóng ma Bắc Kinh can thiệp lơ lửng ; bạo lực, bắt bớ khiến tưởng có lúc khiến một bộ phận dân chúng buông bỏ vì mệt mỏi, sợ hãi. Thế nhưng Hồng Kông vẫn đứng vững, đoàn kết. Hàng loạt sai lầm và điểm yếu của chính quyền thân Trung Quốc lộ rõ, đặc biệt là tính chất phản dân chủ của bộ máy công lực.

Theo một thống kê, cảnh sát đã sử dụng tổng cộng 12.000 lựu đạn cay, tiến hành khoảng 6.000 vụ bắt giữ, rất nhiều trạm metro bị phá hủy, một thanh niên biểu tình thiệt mạng. Thủ phủ tài chính hàng đầu châu Á có lúc tưởng rơi vào hỗn loạn. Thế nhưng cuộc tuần hành đòi dân chủ, ngày 08/12/2019, vẫn diễn ra ôn hòa, với 800.000 người tham gia (theo ban tổ chức), như một tín hiệu kiên định gửi đến chính quyền đặc khu và ban lãnh đạo chế độ cộng sản Trung Quốc.

Trả lời RFI, giáo sư Jean-Philippe Béja, chuyên gia Hán học Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), nhận xét: ”800 nghìn người tham gia, điều đó chứng tỏ là dân chúng vẫn hoàn toàn nỗ lực tham gia phong trào tranh đấu. Nếu như lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và giới lãnh đạo Bắc Kinh hy vọng mọi người chán nản, thì họ đã thất bại. Người Hồng Kông cương quyết bảo vệ bản sắc của mình, lối sống của mình và, nếu có thể, sẽ cải thiện cả hệ thống chính trị nữa”.

Trông đợi ”đa số thầm lặng” ủng hộ

Trong nhiều tháng, lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã đặt cược vào sự ủng hộ của ”đa số thầm lặng” sớm hay muộn sẽ chống lại cuộc phản kháng của giới trẻ, đang ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bà Lâm đã tính sai. Trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11, cử tri đã nghiêng hẳn về các ứng cử viên dân chủ. Phe dân chủ giành thắng lợi tại 17 trên 18 quận, với 452 ghế đại biểu hội đồng quận (trên tổng số 479 ghế). Thắng lợi chưa từng có kể từ năm 1997, khi Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc.

Theo nhà Trung Quốc học Sebastian Veg, giám đốc nghiên cứu École des hautes études en sciences sociales (EHESS), Paris, chiến thuật làm làm lơ trước các đòi hỏi của dân chúng đã bị ”phá sản hoàn toàn”. Ông nói:

Đây là một thất bại hoàn toàn. Trên thực tế, người ta đã có một chủ trương khiến bạo lực ngày càng gia tăng. Chúng ta chứng kiến những người biểu tình đòi dân chủ hơn, chính quyền phải có trách nhiệm hơn, thì đối diện với họ, chúng ta cũng chứng kiến một chính phủ ngày càng trở nên cởi mở hơn hơn trước các đòi hỏi của dân chúng đang biểu tình trên đường phố. Chính quyền đã không hề lưỡng lự khi nâng cao mức độ bạo lực của cảnh sát và kiên quyết từ chối xem xét trách nhiệm về phía cảnh sát. Như vậy là xã hội rơi vào một vòng xoáy bạo lực theo hướng ngày càng gia tăng”.

Nhân nhượng quá trễ

Sau ba tháng biểu tình liên tục, ngày 04/09/2019, lãnh đạo đặc khu tuyên bố hủy bỏ dự luật dẫn độ, cho phép đưa người Hồng Kông sang Hoa lục xét xử, đầu mối của phong trào phản kháng chưa từng có. Tuy nhiên, quyết định mà bà Lâm đưa ra quá trễ. Trong thời gian này, phong trào biểu tình đã mở rộng các yêu sách. Họ yêu cầu trả tự do và ân xá cho những người bị bắt, điều tra về bạo lực cảnh sát, rút lại cáo

buộc ”bạo động” nhắm vào phong trào biểu tình và yêu cầu bầu cử trực tiếp lãnh đạo đặc khu và thành viên Nghị Viện Hồng Kông.

Khiêu khích làm bùng thêm bạo lực

Được Bắc Kinh hậu thuẫn hoàn toàn, lãnh đạo Hồng Kông quyết định không nhân nhượng gì thêm. Tệ hại hơn nữa bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ra lệnh cấm người biểu tình mang mặt nạ hồi tháng 10. Tưởng như là giải pháp giúp giảm nhẹ khủng hoảng, nhưng ngược lại, biện pháp này như rót thêm dầu thêm vào lửa.

Giáo sư Jean-Philippe Béja nhận định: ”Luật chống mang mặt nạ, được thông qua hồi tháng 10, là một đòn khiêu khích thực sự, đã dẫn đến các bạo lực nghiêm trọng. Chính bắt đầu từ thời điểm này, mà người ta bắt đầu đốt các cửa hàng thân Trung Quốc, và đập phá các trạm xe điện ngầm. Tuy nhiên, không kể một số rất ít trường hợp đặc biệt, bạo lực từ phía người biểu tình là thấp hơn rất nhiều so với bạo lực của cảnh sát”.

Tính chất phản dân chủ của bộ máy bị phơi bày

Ngày 18/11, luật chống mang mặt nạ bị Tòa thượng thẩm Hồng Kông ra phán quyết khẳng định là vi hiến. Tính chất phản dân chủ của bộ máy công lực bị phơi bày đặc biệt qua việc thiếu cơ chế kiểm soát nội bộ, cho phép điều tra về các hành động lạm quyền của lực lượng cảnh sát. Ngày 11/12/2019, 5 chuyên gia về an ninh công cộng người nước ngoài tuyên bố rút khỏi Hội Đồng Khiếu Nại về Lực Lượng Cảnh Sát (Independent Police Complaints Council – IPCC), của cảnh sát Hồng Kông, do Hội Đồng thiếu tính chất độc lập cần thiết, để cho phép tiến hình các cuộc điều tra độc lập thực sự. Nhóm 5 chuyên gia quốc tế trên được thành lập từ tháng 9/2019, đứng đầu là Sir Dennis O’Connor, nguyên thanh tra trưởng của cảnh sát Anh đứng đầu. Trả lời AFP, nhà chính trị học Mã Nhạc (Ma Ngok) nhận định, quyết định từ nhiệm này khẳng định nỗi ngờ vực trong xã hội Hồng Kông về việc cảnh sát Hồng Kông không có khả năng điều tra độc lập, với sự trợ giúp của chuyên gia độc lập quốc tế, là có cơ sở.

Theo giáo sư Jean-Philippe Béja, trong lúc phong trào không có dấu hiệu yếu đi, tính chất phản dân chủ của bộ máy chính quyền Hồng Kông lộ rõ, hiện trái bóng hiện đang bên sân Bắc Kinh.

Giáo sư Jean-Philippe Béja: ”Bế tắc là do không có đối thoại. Ta biết rằng tại Bắc Kinh vấn đề vẫn còn nguyên vẹn. Liệu chính quyền Trung Quốc có chấp nhận một ủy ban điều tra về các bạo lực hay không ? Họ có thể nhân nhượng về việc này. Họ đã từng lợi dụng bạo lực gia tăng để chia rẽ phong trào, nhưng rốt cuộc họ đã thất bại. Không có dấu hiệu nào cho thấy phong trào yếu đi”.

Hướng tới tranh cử Nghị Viện 2020

Trước mắt, khoảng 2.000 người bị truy tố vì các hành động bạo lực đang đợi ra tòa vào tháng 3 năm tới. Nhà nghiên cứu Sebastian Veg dự báo: ”Chắc chắn là sẽ có các bản án rất nặng, về tội danh gây bạo động. Và các bản án này sẽ lại khiến người biểu tình xuống đường để yêu cầu ân xá. Và như vậy có thể sẽ có thêm những cuộc biểu tình lớn”.

Kể từ tháng 6/2019, đại đa số trong số bảy triệu người dân Hồng Kông đã đoàn kết bảo vệ tự do, chống lại Bắc Kinh. Cuộc tranh đấu kiên định của người dân đặc khu làm lộ rõ nhiều điểm yếu của chính quyền: làm lơ các đòi hỏi của người dân chúng, trông đợi ở sự ủng hộ của ”đa số thầm lặng” chống lại giới trẻ, sửa chữa sai lầm nhưng quá trễ, chính sách khiêu khích thổi bùng thêm bạo lực, đặc biệt là chính quyền không đủ khả năng kiểm soát bạo lực cảnh sát.

Cuộc tranh đấu của người dân Hồng Kông trong thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục. Nhiều nhà quan sát dự báo, bên cạnh cuộc đấu tranh trên đường phố với phương châm ”linh hoạt như nước”, giới tranh đấu vì dân chủ Hồng Kông sẽ riết ráo chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị Viện, diễn ra vào tháng 9/2020. Đây là một mặt trận chính mà Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông đang tìm cách đối phó.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191220-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-6-th%C3%A1ng-tranh-%C4%91%E1%BA%A5u-d%C3%A2n-kh%C3%B4ng-l%C3%B9i-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%99-%C4%91i%E1%BB%83m-y%E1%BA%BFu

 

Macau:

‘Một quốc gia, hai thể chế’ khác của Trung Quốc

Sophie WilliamsBBC News

Macau, một thuộc địa bé tí tẹo của Bồ Đào Nha, đang kỷ niệm 20 năm được trao trả về cho Trung Quốc.

Đặc khu Hành chính này, chỉ 31 km vuông, dùng mô hình chính trị như của Hong Kong – “một quốc gia, hai thể chế”.

Điều này đảm bảo cho thành phố này một “mức độ tự chủ cao” trong 50 năm, với Bắc Kinh duy trì kiểm soát quốc phòng và đối ngoại.

Macau có lãnh đạo mới, HK tiếp tục biểu tình

Người chụp hình Thiên An Môn mong dân Hong Kong an toàn

Nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Macau

Khai trương cầu 55 km nối Hong Kong với Chu Hải-Macau

Nhưng đó chính là nơi mà mối tương đồng giữa Hong Kong và Macau kết thúc.

Trong vòng sáu tháng qua, đã có những cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong để phản đối một dự luật nay đã bị hủy bỏ. Dự luật này vốn sẽ cho phép dẫn độ các nghi phạm từ Hong Kong, Macau và Đài Loan sang xét xử ở Trung Quốc đại lục.

Nhưng trong khi hàng triệu người xuống đường ở Hong Kong, chính phủ Trung Quốc khen ngợi “những người yêu nước” của Macau vì đã gìn giữ hòa bình và trở thành hình mẫu của mô hình “mổ quốc gia, hai thể chế”.

Bộ mặt thay đổi của Macau

Macau là một thành phố cảng nhỏ nằm ở bờ nam Trung Quốc, phía nam Quảng Châu và cách Hong Kong khoảng 65km.

Thành phố được cho Bồ Đào Nha thuê năm 1557 và chính thức trở thành thuộc địa nước này năm 1887.

“Khi người Bồ Đào Nha hoàn toàn cai trị Macau, họ đã phải đàm phán với Trung Quốc bởi vì nó quá gần. Mọi thực phẩm đều đến từ Trung Quốc, do đó người Bồ Đào Nha luôn làm việc và hợp tác với Trung Quốc,” bà Agnes Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Macau của Đại học Macau, nói.

Năm 1987, Bồ Đào Nha và Trung Quốc ký tuyên bố chung Trung – Bồ Đào Nha, rằng Macau sẽ được trả về cho Trung Quốc vào 20/12/1999.

Dưới mô hình một quốc gia hai thể chế, Macau có chính phủ, luật pháp và hệ thống tài chính riêng. Nó cũng có đồng tiền địa phương riêng, gọi là Pataca, và các luật địa phương riêng, bao gồm cho cờ bạc hợp pháp – vốn đóng góp lớn cho kinh tế Macau.

Lãnh đạo Macau, đặc khu trưởng, được bầu lên bởi một ủy ban 400 thành viên do Bắc Kinh lựa chọn – gồm các chính trị gia và các doanh nhân. Dân thường không có tiếng nói trực tiếp trong việc bổ nhiệm đặc khu trưởng, giống như với Hong Kong.

“Chúng tôi không có bất cứ lập luận công khai nào với Trung Quốc về mô hình một quốc gia hai thể chế. Chúng tôi hiểu khá rõ ranh giới,” bà Lam nói với BBC.

Bà nói rằng, di sản truyền thông với chính phủ Trung Quốc là lý do ở Macau, mô hình “một quốc gia hai thể chế” hiệu quả hơn so với ở Hong Kong.

Bà Lam thêm rằng, đã có sự tập trung cao độ vào việc cải thiện kinh tế cũng như hệ thống giáo dục của Macau.

Tập Cận Bình bảo vệ mô hình “một quốc gia” trong chuyến thăm Macau 2014

Với dân số chỉ hơn 600.000 người, GDP bình quân đầu người của Macau cao hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Luxembourg và Switzerland.

Năm ngoái, chính phủ Macau đã trao 10.000 Pataca (1.246 đô la Mỹ) cho các công dân thường trú như một phần của chương trình chia sẻ thịnh vượng.

“Người Trung Quốc mở cửa Macau cho ngành công nghiệp cờ bạc khổng lồ của Mỹ và đã biến Macau trở thành trung tâm cờ bạc quốc tế và đã mở rộng nền kinh tế một cách phi thường,” Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS ở London, nói.

“Macau, trước đây từng là một người hàng xóm nghèo của Hong Kong, nay thì đang có GDP bình quân đầu người cao hơn hẳn Hong Kong.

“Gần nửa dân số Macau là người di cư từ Trung Quốc đại lục. Vì thế, bạn có thể nhìn từ quan điểm của chính phủ Trung Quốc rằng, Macau là một hình mẫu cho mô hình một quốc gia, hai hệ thống.”

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã lan sang Macau?

Hong Kong hiện đã bước sang tháng biểu tình thứ sáu, nhưng Macau gần như vẫn hoàn toàn yên lặng.

Bốn địa điểm nối Macau với Bắc Hàn

“Bất đồng chính kiến không tồn tại ở Macau”, Jason Chao, một nhà hoạt động và cựu chủ tịch của Hiệp hội Macau Mới, một đảng ủng hộ dân chủ, nói với BBC.

“Khác biệt chính giữa Hong Kong và Macau là mong muốn tự trị. Người Hong Kong muốn tự trị, tự do và các quyền cơ bản và họ đang đấu tranh cho điều đó. Điều này không áp dụng cho Macau. Đa số người dân Macau ủng hộ chính phủ Trung Quốc.

“Họ có cuộc sống thoải mái. Điều này khiến phong trào nhân quyền và dân chủ trở nên rất khó khăn ở Macau.”

Ông Chao nói rằng, một số người phản đối chính phủ Macau nhưng những người này muốn Bắc Kinh tham gia để giúp giải quyết tranh chấp của họ.

Nhưng đã có một loạt ví dụ về những người xuống đường để ủng hộ Hong Kong. Vào tháng Tám, chính phủ đã chặn một quảng trường để ngăn người biểu tình xuống đường.

Rồi vào tháng Chín, tòa án tối cao Macau đã bác đơn xin biểu tình của người biểu tình.

Tuy nhiên ông Chao nói “đại đai số dân Macau không ủng hộ biểu tình ở Hong Kong và cũng không có cảm tình với người dân Hong Kong”.

Tương lai nào cho Macau?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Macao hôm thứ Tư để ăn mừng ngày thành phố này được trả về cho Trung Quốc.

Phát biểu tại sân bay, ông Tập nói: “Thành tựu và bước tiến mà Macau đạt được sau khi trở về với đất mẹ khiến người dân tự hào.”

Tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang, cơ quan lập pháp của Trung Quốc, nói rằng người dân Macau có ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc.

Ông Trương cũng khen ngợi Macau vì có những “người yêu nước” trong chính phủ và vì đã ban hành Điều 23 Bộ luật cơ bản, một điều luật về an ninh quốc gia mà trong đó cấm “phản quốc, ly khai và luật đổ” chính quyền trung ương.

Khi Hong Kong cố gắng đưa ra luật tương tự vào 2003, nửa triệu người đã xuống đường biểu tình, buộc chính phủ phải hủy bỏ kế hoạch.

Trong chuyến thăm của ông Tập, ông dự kiến thông báo các chính sách để tích hợp hơn nữa Macau với các thành phố phía nam Trung Quốc đại lục. Macau sẽ được giao thêm đất trên đảo Chu Hải (Hengqin) của đại lục để phát triển các lĩnh vực như giáo dục và sức khỏe.

Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại London nói rằng, không như Hong Kong, không có các phong trào quyết liệt nào ở Macau để đòi dân chủ, và không có “truyền thông tự do, hiếu chiến”.

“Macau không có rắc rối với Trung Quốc. Về cơ bản nó làm mọi điều chính phủ Trung Quốc muốn,” ông nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50862967

 

Trung Quốc

muốn kiểm duyệt tự do ngôn luận của thế giới

Đinh Yên Thảo

Bị Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) xếp vào danh sách những quốc gia có chế độ kiểm duyệt báo chí và internet nghiêm ngặt nhất, không ngạc nhiên gì khi trong báo cáo mới nhất của mình, CPJ đã xếp hạng Trung Cộng đứng đầu danh sách các quốc gia bỏ tù ký giả nhiều nhất, với ít nhất 48 ký giả đã bị bắt và bỏ tù trong năm 2019 này.

Trong vài chục năm qua, chế độ kiểm duyệt và tự kiểm duyệt tại Hoa Lục đã rất nghiêm ngặt. Nguyên tắc “Ba T”, tức Tibet, Tienanmen và Taiwan, liên quan đến Tây Tạng, Thiên An Môn và Đài Loan là những vấn đề cấm kỵ. Thời gian qua, danh sách cấm kỵ này còn thêm vào vô số điều, từ Pháp Luân Công cho đến người Duy Ngô Nhĩ và mới nhất là Hồng Kông. Đưa tin về Hồng Kông là một rủi ro lớn. Hồi tháng Mười vừa qua, Trung Cộng đã bắt giữ một ký giả tự do chuyên viết các phóng sự điều tra là Sophia Xueqin ngay sau khi cô này tường thuật trên blog của mình về cuộc tuần hành của giới trẻ Hồng Kông bằng chính trải nghiệm tham gia cá nhân ngay trên đường phố Hồng Kông .

Những cuộc bắt giữ này đã liên tục gia tăng từ khi Tập Cận Bình thu tóm quyền lực và gia tăng việc kiểm soát truyền thông và internet. Từ sách báo, truyền hình, phim ảnh, âm nhạc cho đến trò chơi điện tử, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Hàng ngàn trang mạng lớn và được đông đảo người khắp thế giới sử dụng như Google, Facebook, YouTube, Twitter… đều bị chặn tại Hoa Lục. Việc kiểm duyệt không chỉ trong mục đích chính trị mà còn để kiểm soát và tuyên truyền những gì nhà cầm quyền muốn người dân nghe-đọc và biết đến.

Không bỏ tù được các ký giả ngoại quốc của các hãng tin quốc tế đang thường trú tại Bắc Kinh, cách Trung Cộng vẫn hay áp dụng là trục xuất hay không tái gia hạn visa với những ký giả vi phạm sự kiểm duyệt. Trong năm nay Bắc Kinh đã không tái cấp visa cho một số ký giả của New York Times, Bloomberg, WSJ… sau khi các tờ báo này đăng vài bài báo liên quan đến sự giàu có của các gia đình lãnh tụ Trung Cộng hay liên quan đến thân nhân, bà con của Tập Cận Bình.

Chế độ kiểm duyệt, trấn áp quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận cùng quyền biểu đạt của người dân của mình vốn được áp dụng khắt khe trong các thể chế cộng sản và độc tài từ lâu. Nhưng không dừng ở đó,  hiện nay Trung Cộng đang đưa chế độ kiểm duyệt này ra tận nước ngoài, đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thế giới trong những năm qua.

Như vài năm trước, Yun Shen – một đoàn ca vũ nhạc thường lưu diễn khắp nước Mỹ và thế giới và bị Trung Cộng xem là thuộc nhóm Pháp Luân Công, đã từng bị một nhà hát của Moldova – một quốc gia Đông Âu thuộc Liên Bang Xô Viết cũ bất ngờ hủy sô không báo trước ngay trước giờ trình diễn. Sự việc tương tự đã xảy ra tại Đan Mạch, điều mà sau đó một ký giả đã điều tra được là chính Đại Sứ Quán Trung Cộng đã làm áp lực với các nhà hát này để hủy bỏ các sô diễn của Yun Shen.

Mới hồi tháng Tám, Bảo Tàng Viện Quốc Gia Victoria tại Úc cũng đã hủy sô diễn của nữ ca sĩ Hồng Kông Denise Hà Vận Thi, một trong những nhà tranh đấu mạnh mẽ tại Hồng Kông hiện nay với “lý do an ninh” được đưa ra.  Denise chỉ trích là bảo tàng viện này đã “tự kiểm duyệt” trước Bắc Kinh. Denise cũng từng bị hãng mỹ phẩm Lancome của Pháp hủy bỏ giao kèo tài trợ sau khi cô bị Bắc Kinh đưa vào danh sách đen.

Việc kiểm duyệt và áp lực này lan sang đến Mỹ cùng các quốc gia tự do. Đầu tháng Mười vừa qua, sau mẩu tweet nhắn hàng chữ ủng hộ người biểu tình Hồng Kông từ tổng quản trị Daryl Morey của đội bóng rổ nhà nghề Houston Rockets, một chiến dịch tấn công Daryl đã được phát động rầm rộ trên các phương tiện truyền thông cùng các trang mạng xã hội tại Hoa Lục. Truyền hình, các liên đoàn thể thao, các nhà tài trợ, quảng cáo tại đây tuyên bố ngưng hợp tác với Houston Rockets và Liên Đoàn Bóng Rổ Quốc Gia Hoa Kỳ (NBA), không phát sóng các trận đấu NBA. Phản ứng này buộc NBA phải ra thông cáo chống chế, xin lỗi vụng về, dẫn đến việc một số nhà lập pháp và cổ động viên thể thao tại Mỹ đã lên tiếng chỉ trích thái độ của NBA.

Và mới trong tuần qua, sự việc đã tái diễn với cầu thủ người Đức Mesut Ozin, vốn là một tuyển thủ Hồi Giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi cho câu lạc bộ ngoại hạng Arsenal của Anh. Sau khi Mesut gởi ra tin nhắn chỉ trích Trung Cộng đã ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, anh đã lại bị cộng đồng mạng và báo chí Hoa Lục tấn công dữ dội, dù Bắc Kinh chưa có thông báo chính thức về việc trả đũa Mesut và CLB Arsenal như thế nào, có giống vụ NBA hay không.

Từ việc kiểm duyệt người dân trong nước, rõ ràng Trung Cộng đang ngày càng muốn kiểm duyệt cả quyền tự do ngôn luận của cộng đồng thế giới. Trung Cộng từng buộc Hollywood cũng như các hãng dĩa âm nhạc phải thay đổi kịch bản, lời thoại, diễn xuất nếu bị xem không đúng theo đường lối của họ để được công chiếu hay trình diễn tại đây.

Trung Quốc đang tái hiện một chủ nghĩa thực dân văn hóa khi áp đặt nền văn hóa kiểm duyệt lên cộng đồng quốc tế, dùng kinh tế như phương tiện kiểm soát và cưỡng chế công dân, doanh nghiệp, truyền thông, kỹ nghệ giải trí của nước khác. Thậm chí ở cấp quốc gia như vụ Moldova, Đan Mạch nói trên hay thái độ “tự kiểm duyệt” của các nước nhỏ, như việc Campuchia từng bắt giữ những người biểu tình chống Trung Cộng xây đập thủy điện hay Việt Nam cấm người dân của mình bày tỏ thái độ chống Trung Cộng.

Không phải cộng đồng quốc tế không nhận biết ý định của Trung Cộng, nhưng nó là bài toán khó cho các doanh nghiệp đơn lẻ. Đôi tháng trước, những nhà sản xuất phim hoạt họa truyền hình nhiều tập South Park đã ra tập phim “Ban Nhạc Trung Hoa” (Band of China) để giễu cợt việc kiểm duyệt truyền thông tại Trung Cộng cũng như chỉ trích thái độ thỏa hiệp của kỹ nghệ giải trí muốn làm hài lòng Bắc Kinh, dù họ biết rằng phải trả giá cho điều này. Trên thực tế, loạt phim truyền hình này đã bị cấm cửa và cái tên South Park đã lập tức bị xóa bỏ trên hầu hết các trang mạng xã hội tại Hoa Lục.

Thái độ ngang ngược của Trung Cộng khi muốn chứng tỏ một dạng “quyền lực mềm” qua việc kiểm duyệt này cần bị lên án và phải có biện pháp ngăn chặn. Bởi đó là hành động sách nhiễu và vi phạm nhân quyền. Nhượng bộ trước sự kiểm duyệt, lấn lướt của Trung Cộng có thể giữ được những mối lợi kinh tế nhất thời nhưng về lâu dài, nó giết chết những giá trị và tinh thần của xã hội dân chủ, tạo ra sự phụ thuộc vào chính sách tuyên truyền của Trung Cộng.

Chính lẽ đó, những chính sách đối ngoại, giao thương với Trung Cộng không chỉ dừng lại ở những thoả thuận trong vấn đề mua bán, đổi chác thương mại mà còn là việc nước Mỹ cùng thế giới tự do sẽ bảo vệ người dân và doanh nghiệp của mình như thế nào trước thái độ kiểm duyệt văn hóa và chính trị của Trung Cộng ngay chính trên lãnh thổ mình.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/china-wants-to-censor-freedom-of-speech-of-the-world-12192019130501.html

 

Tập Cận Bình cảnh cáo: Macao và Hồng Kông

là hai vùng bất khả xâm phạm

Thanh Hà

Trong buổi lễ long trọng ngày 20/12/2019 kỷ niệm 20 năm Macao được trả lại cho Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình hết lời ngợi khen tinh thần yêu nước của Macao. So sánh Macao với Hồng Kông, Bắc Kinh xem vùng lãnh thổ này là “thành công rực rỡ của mô hình một quốc gia hai chế độ”.

Nguyên thủ Trung Quốc cảnh cáo sẽ “không dung thứ cho bất kỳ một lực lượng nước ngoài nào can thiệp vào Hồng Kông hay Macao“.

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, là một trong những quan khách dự lễ kỷ niệm. Ngay từ khi nổ ra các cuộc tuần hành hồi tháng 6/2019, chống dự luật cho dẫn độ, Bắc Kinh luôn quy trách nhiệm cho các lực lượng nước ngoài “giật dây” phong trào dân chủ Hồng Kông và bác bỏ các đòi hỏi chính trị của người dân Hồng Kông. Trong mắt ông Tập Cận Bình, Macao là tấm gương sáng cho Hồng Kông cần noi theo.

Trong bài diễn văn hôm nay chủ tịch Trung Quốc đã ca ngợi Macao “trung thành gắn bó với đất mẹ“. Đặc phái viên đài RFI, Stéphane Lagarde, so sánh khác biệt giữa Hồng Kông và Macao, trong nhãn quan Bắc Kinh:

Không nghi ngờ gì cả, ông Tập Cận Bình thích dự dạ tiệc ở Macao hơn là chứng kiến phong trào phản kháng ở Hồng Kông. Chủ tịch Trung Quốc đã nhắc lại trong bài diễn văn hôm nay, rằng sau 20 năm được trở về với đất mẹ, Macao ổn định và hài hòa. Khi mà một gia đình được êm ấm, đương nhiên cuộc sống sẽ sung túc và thịnh vượng.

Khác biệt thứ nhất giữa Hồng Kông và Macao, là sự trung thành với chính quyền trung ương. Từ năm 1999 khi được Bồ Đào Nha trao trả lại cho Bắc Kinh, Macao luôn là đứa học trò ngoan, chấp nhận tất cả những thay đổi theo chỉ thị đến từ vùng đất mẹ. Thay đổi đầu tiên là việc áp dụng luật an ninh quốc gia. Trên điểm này, cho đến tận ngày hôm nay dân cư Hồng Kông vẫn không chấp nhận.

Khác biệt thứ hai dưới nhãn quan của Bắc Kinh là tinh thần yêu nước tại Macao phù hợp với giấc mơ Trung Hoa. Điều này hoàn toàn trái ngược với trường hợp của Hồng Kông sau sáu tháng biểu tình chống đối Hoa Lục. Tại đây, chính quyền Macao đã kêu gọi dân chúng giương cao những lá cờ của Trung Quốc. Cả một rừng cờ đỏ với 5 sao vàng trải kín trên những lộ trình ông Tập Cận Bình đi qua. Bài quốc ca của Trung Quốc vang lên khắp nẻo đường, ngay từ trong những trường học.

Điểm khác biệt thứ ba giữa Hồng Kông và Macao là cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha này là một vùng lãnh thổ kiểu như Monaco. Về diện tích, Macao chỉ tương đương với một quận của Hồng Kông và dân số cũng chỉ bằng 1/10 so với cựu thuộc địa Anh. Kinh tế Macao xoay quanh các sòng bạc. Trong hai thập niên qua, GDP của Macao đã được nhân lên gấp 6 lần.

Nhưng sự thịnh vượng đó không biến vùng đất này thành một đứa con đầy cá tính trong mắt Bắc Kinh. Đấy chính là khác biệt thứ tư. Macao giờ đây là một trong những thành phố an toàn nhất trên thế giới như ông Tập Cận Bình vừa khen ngợi. Còn đối với công luận Hồng Kông thì Macao là đứa con quá ngoan ngoãn. Hồng Kông tự hào là một trung tâm quốc tế. Quy chế này, Macao, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, chưa có được“.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191220-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%A3nh-c%C3%A1o-macau-v%C3%A0-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-l%C3%A0-v%C3%B9ng-b%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A3-x%C3%A2m-ph%E1%BA%A1m

 

Bước tiến trong công nghệ tên lửa

New Delhi khiến Bắc Kinh lo ngại

Là hai quốc gia láng giềng có vai trò, ảnh hưởng lớn hiện nay trên thế giới và khu vực, những năm qua quan hệ hai nước có nhiều dầu hiệu phát triển tích cực. Tuy nhiên, tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực vẫn là một trong những vấn đề tồn dại dai dẳng và khó có thể giải quyết. Vì vậy, sự phát triển quân sự của Ấn Độ, trong đó các loại vũ khí chiến như tên lửa đạn đạo được xem là mối quan ngại thường trực của Trung Quốc.

Hôm 17/12, Không quân Ấn Độ (IAF) đã phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos tại bang miền Đông Odisha. Theo IAF, đây là loại tên lửa BrahMos phiên bản trên không từ máy bay chiến đấu Su-30 MKI. Vụ phóng diễn ra suôn sẻ. Tên lửa đi theo quỹ đạo mong muốn và đánh trúng trực tiếp mục tiêu trên biển ngoài khơi bờ biển Odisha. Loại tên lửa này do liên doanh BrahMos Aerospace Private Limited (BAPL) của Nga và Ấn Độ hợp tác thiết kế và phát triển.

Tên lửa hành trình không đối đất siêu thanh này nặng 2,5 tấn và có tầm bắn gần 300 km. IAF cho biết việc bắn thử đã được thực hiện thành công với sự hỗ trợ của Hải quân Ấn Độ. Tên lửa này mang lại cho IAF khả năng mong muốn bấy lâu là tấn công từ xa nhằm vào bất cứ mục tiêu nào trên biển hoặc trên đất liền với độ chính xác cao, trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày đêm. IAF khẳng định cuộc thử nghiệm nêu trên là lần thứ ba phóng BrahMos từ chiến đấu cơ Su-30 và như vậy, việc tích hợp tên lửa này trên máy bay Su-30MKI đã hoàn tất.

Khả năng tên lửa BrahMos của Ấn Độ sẽ có mặt ở Đông Nam Á

Báo Ấn Độ và Philippines hôm 9/12 đều dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ chính quyền New Delhi trong vài năm gần đây đang tiếp xúc với một số nước để thảo luận về khả năng chuyển giao các phiên bản tên lửa hành trình siêu thanh trên bộ và biển cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Đối với Philippines, nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, sau nhiều nỗ lực thương thuyết, Manila và New Delhi đang chuyển sang thảo luận giá cả và phương án tài chính cho thương vụ tiềm năng. “Rất nhiều lựa chọn đang được cân nhắc, liệu nó nên là ngân sách nội bộ hay một khoản vay ưu đãi và liệu có nên có các điều khoản ưu đãi nào cho thương vụ này hay không. Chi phí sẽ xác định số lượng tên lửa mà Philippines mua”, nguồn tin cho biết. BrahMos, được sản xuất bởi liên doanh BrahMos Aerospace giữa công ty chế tạo tên lửa NPO Mashinostroyeniya và Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ, là tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới. Theo TASS, tên lửa siêu thanh BrahMos có thể bay với tốc độ Mach 3 (tương đương 3.675 km/giờ). Mẫu nâng cấp bội siêu thanh của tên lửa này đang được thử nghiệm và có thể đạt tốc độ Mach 6. BrahMos được cho có thể giữ tốc độ siêu thanh trong suốt hành trình bay với tầm bắn từ 290 – 300 km, giúp giảm bớt thời gian bay, giảm nguy cơ bị phân tán khỏi mục tiêu, không bị các hệ thống tên lửa đánh chặn khác bắn hạ.

http://biendong.net/bien-dong/32228-buoc-tien-trong-cong-nghe-ten-lua-new-delhi-khien-bac-kinh-lo-ngai.html