Tin Việt Nam – 17/12/2019
‘Đạo đức Cộng sản’ trước mãnh lực đồng tiền
qua vụ hai cựu bộ trưởng Son-Tuấn
Hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đang phải hầu tòa với cáo buộc nhận hối lộ 3,2 triệu đô la Mỹ (USD) trong Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Để đảm đương vai trò lãnh đạo ngành thông tin- truyền thông, cả hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều phải trải qua một quá trình phấn đấu trong đảng, chứng minh ‘bản lĩnh và đạo đức cách mạng’ Cộng sản.
Thế nhưng sao họ lại bị ‘ngã ngựa’? Và ngay trong ngày đầu của phiên xử, một số bị cáo cho rằng việc họ làm là theo lệnh của cấp trên.
‘Biện bạch’ của ông cựu bộ trưởng
Trong phiên tòa ngày 16/12, ông Trương Minh Tuấn thừa nhận với cương vị là Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT), ông đã ký 5 trong tổng số 53 văn bản của Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; đồng thời khai báo rằng ông được ông Nguyễn Bắc Son, thời điểm đó là Bộ trưởng Bộ TT-TT có bút phê yêu cầu ký, trong đó có Quyết định 236.
Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone được xác định là vi phạm quy định điều 31 Luật số 67/2014/QH13. Bị cáo Trương Minh Tuấn nói trước tòa rằng bản thân nhận thức ký Quyết định 236 là sai vì chưa có sự phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến hậu quả là “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vào tối ngày 16/12, Nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải lên tiếng với RFA rằng ông cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ là ngụy biện qua lời khai tại tòa:
Sức mạnh đồng tiền chiếm toàn bộ lý tưởng của người Cộng sản Việt Nam hiện nay. Nói cho cùng thì cũng toàn là những cách làm việc, những cách mà họ kiếm tiền từ ngân sách nhà nước mà thôi. Hiện nay phải nói rằng lý tưởng của người Cộng sản không có gì ngoài đồng tiền. Đồng tiền giúp cho họ giàu có, đồng tiền giúp cho họ đưa con đi học nước ngoài và đồng tiền giúp cho họ nhiều việc khác
-Blogger Đỗ Ngà
“Về mặt công vụ, ông Trương Minh Tuấn không thể thấy sai mà ký bừa được. Về mặt nguyên tắc luật pháp như thế. Lẽ ra cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thấy sai thì không ký và phản đối ông Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Bản thân một người công chức thấy sai là không làm. Nhưng nếu ông Tuấn bảo trước tòa rằng Bộ trưởng Son nói ký nên ký thì chẳng qua là cách nói ngụy biện thôi.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho RFA biết qua theo dõi phiên tòa diễn ra trong ngày 16/12, ông khẳng định rằng cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đồng tình, ủng hộ cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong thương vụ Mobifone mua AVG nên mới ký. Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhấn mạnh:
“Nếu như ông Tuấn là một người trung thực, là một người tử tế thì phải chống lại chuyện ấy chứ. Thành ra họ là một giuộc cả.”
Bị cáo Trương Minh Tuấn bào chữa cho tội thứ hai bị cáo buộc đã nhận hối lộ số tiền 200 ngàn USD (tương đương 4,45 tỷ đồng) từ bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG rằng ông nghĩ số tiền đó là “quà mừng” khi ông nhận chức Bộ trưởng Bộ TT-TT vào dịp Tết năm 2016.
Sức mạnh đồng tiền!
Blogger Đỗ Ngà, người có nhiều bài viết về tình hình chính trị-xã hội Việt Nam và cũng theo dõi sát sao vụ án liên quan thương vụ Mobifone mua AVG, nêu lên nhận định của ông với RFA rằng qua vụ án liên quan hai ông cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhận hối lộ lên đến 3,2 triệu USD cho thấy:
“Sức mạnh đồng tiền chiếm toàn bộ lý tưởng của người Cộng sản Việt Nam hiện nay. Nói cho cùng thì cũng toàn là những cách làm việc, những cách mà họ kiếm tiền từ ngân sách nhà nước mà thôi. Hiện nay phải nói rằng lý tưởng của người Cộng sản không có gì ngoài đồng tiền. Đồng tiền giúp cho họ giàu có, đồng tiền giúp cho họ đưa con đi học nước ngoài và đồng tiền giúp cho họ nhiều việc khác…”
Nhà báo Chu Vĩnh Hải cũng đăng tải trên trang Facebook cá nhân rằng mô hình “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam gây nên hậu quả là “tư bản thân hữu, nhóm lợi ích mà một trong những biểu hiện là dùng tiền của nhân dân, đất nước để mua đắt tài sản bèo bọt của tư nhân. Vụ Mobifone mua AVG mà hai cựu bộ trưởng ra tòa ngày hôm nay là minh chứng rõ ràng nhất”.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Cống lý giải rằng các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), bao gồm cả hai ông cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn là hệ quả của Đảng Cộng sản Việt Nam càng ngày càng thoái hóa do bởi chủ trương toàn trị của Đảng và gây ra tình trạng mang lại quyền lợi cho người đảng viên. Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói:
“Ngay từ lâu đảng viên Đảng CSVN đã phạm phải tham nhũng quyền lực rồi sau này khi vật chất tăng lên thì người ta tham nhũng cả quyền lực, cả tiền tài. Và vì đảng viên tham nhũng có điều kiện như thế thành thử ra những bọn cơ hội chủ nghĩa, những bọn đểu cáng ở bên ngoài tìm cách để chui vào Đảng CSVN. Khi chui được vào Đảng thì bọn họ tìm cách leo cao và chiếm được nhiều quyền. Bọn người đấy chẳng phải tài giỏi gì cả. Bọn họ chỉ là bọn cơ hội có nhiều mưu ma chước quỷ và đến khi leo lên được chức bộ trưởng, thứ trưởng như ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn thì tha hồ tham nhũng thôi.”
Tham nhũng mà lại rao giảng đạo đức: Vì sao?
Mặc dù bị cáo Trương Minh Tuấn bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền 200 ngàn USD không đáng kể so với số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc nhận hối lộ qua thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, tuy nhiên ông cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt nhắc tên vì ông là tác giả của quyển sách chuyên khảo có tựa đề “Phòng, chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”.
Chúng tôi trích dẫn một ý kiến điển hình của thính giả Nguyễn Quốc Chính chia sẻ trên trang Facebook RFA Việt ngữ rằng “Cuốn sách và ông Trương Minh Tuấn làm lộ ra bằng chứng về sự gian xảo chính trị của CSVN. Vấn đề ở đây là ‘cái máy hệ thống Cộng sản’ đã sản xuất ra 100% sản phẩm đạo đức giả với hành vi tham nhũng từ cấp xã, phường đến đỉnh chóp của hệ thống Cộng sản cầm quyền.”
Trước sự chỉ trích của công luận về “tư tưởng và việc làm” của ông cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng:
Đấy là một cái bệnh cố hữu của Cộng sản, là dối trá. Đạo đức, tính cách chẳng ra gì nhưng lại muốn ra vẻ ta đây là đạo đức, là cách mạng, là giỏi giang rồi giảng dạy cho mọi người. Thành ra quyển sách
của ông Trương Minh Tuấn đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ trong nhân dân, đặc biệt trong giới có hiểu biết nhận thấy rằng ông Tuấn là người đại diện rõ ràng nhất cho sự tha hóa, cho sự đểu cáng, cho sự dối trá của các quan chức Cộng sản
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
“Đấy là một cái bệnh cố hữu của Cộng sản, là dối trá. Đạo đức, tính cách chẳng ra gì nhưng lại muốn ra vẻ ta đây là đạo đức, là cách mạng, là giỏi giang rồi giảng dạy cho mọi người. Thành ra quyển sách của ông Trương Minh Tuấn đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ trong nhân dân, đặc biệt trong giới có hiểu biết nhận thấy rằng ông Tuấn là người đại diện rõ ràng nhất cho sự tha hóa, cho sự đểu cáng, cho sự dối trá của các quan chức Cộng sản.”
Nhà báo Chu Vĩnh Hải lại cho rằng việc rao giảng đạo đức như thế còn mang về thêm lợi ích cho chính những người rao giảng:
“Càng có chức có quyền thì họ càng rao giảng về mặt đạo đức, tức là họ ra giảng để càng nâng cao vị thế của mình và để họ mị dân thế thôi. Họ càng coi như dạy dỗ nhân dân thì biết rằng việc rao giảng đó càng đưa lại cho họ quyền lợi và các mục đích khác. Ai cũng rao giảng hết, chứ không phải mỗi ông Trương Minh Tuấn. Đó là đặc điểm của chế độ độc tài toàn trị.”
Đài RFA ghi nhận trong năm 2019, hàng trăm đảng viên Đảng CSVN bị kỷ luật do liên quan đến tham nhũng, trong đó có đến 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật và xử lý hình sự tính đến cuối tháng 7. Mới đây nhất, Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, thành phố kinh tế-tài chính lớn nhất Việt Nam công bố tội phạm về tham nhũng và lợi dụng chức vụ ở thành phố này tăng 240% về số vụ và tăng 250% về số bị can.
Với những số liệu vừa nêu, các nhà quan sát tình hình Việt Nam như Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Nhà báo Chu Vĩnh Hải hay Blogger Đỗ Ngà đều cho là “bề nổi của tảng băng” vì mục đích cuối cùng của người Cộng sản Việt Nam chỉ nhắm vào “tư lợi và tiền”.
Cựu bộ trưởng Thông tin- Truyền thông
Nguyễn Bắc Son lại thừa nhận ăn hối lộ 3 triệu đô la
Ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông, vào chiều ngày 17 tháng 12, thừa nhận trước tòa về khoản 3 triệu đô la hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch công ty cổ phần nghen nhìn AVG.
Trước đó, vào buổi sáng, ông Son đã phủ nhận việc nhận 3 triệu đô la trước tòa. Ông nói:
“Lời khai của tôi ban đầu là số quy đổi tiền Việt nhưng cơ quan điều tra nói khai thế này không phù hợp với lời khai của “quân anh”. Sức khoẻ tôi lúc đó rất yếu, tâm lý không ổn định, tinh thần hoảng loạn. Tôi đã ngất 2 lần trên bàn làm việc của cơ quan điều tra. Tôi khai vậy vì muốn giữ mạng sống“
Vào buổi chiều, ông Son nói tại tòa: “Trong những ngày này tâm trạng tôi rất căng thẳng, sức khoẻ, thần kinh không vững vàng nên sáng nay đã có những lời khai chưa đúng. Do đó tôi xin rút lại và sửa một số nội dung trong lời khai về khoản tiền đưa cho con gái”.
Trước đây, ông Nguyễn Bắc Son khai đã chuyển chừng 10 lần khoản tiền 3 triệu đô la đó cho con gái; thế nhưng tại tòa, ông Son nói không nhớ đã sử dụng vào việc gì.
Vào chiều ngày 17 tháng 12, ông Nguyễn Bắc Son khi bị Hội đồng Xét xử đề cập đến vai trò cầm đầu, chủ mưu trong vụ Mobifone mua AVG, ông này cho rằng ông chưa từng có một bút phê nào nhắc đến việc chỉ đạo quyết liệt Mobifone phải mua AVG trong năm 2015.
Ông Nguyễn Bắc Son cũng thừa nhận 200 ngàn đô la Mỹ được biếu từ ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội đồng Quản Trị Mobifone; 200 triệu đồng từ ông Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc Mobifone.
Cựu Chủ tịch MobiFone, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty MobiFone, nói trước tòa chiều 16-12-2019 về số tiền 2 triệu USD nhận từ ông Phạm Nhật Vũ sau thương vụ MobiFone mua xong 95% cổ phần AVG, rằng sau tết hơn một tháng, ông Phạm Nhật Vũ gọi điện thoại nói có ít quà, hoa quả ngon. Tối hôm đó có người mang đến biếu hai thùng các tông. Ông Lê Nam Trà nghĩ đó chỉ là hoa quả thôi nhưng mở ra thấy có tiền, 2 triệu USD.
Trước đó, ông Lê Nam Trà khẳng định không đòi hỏi tiền bạc sau thương vụ gần 9000 tỷ đồng (giá trị thực tế chỉ gần 2000 tỷ đồng), tuy nhiên dịp trước Tết 2016, ông Phạm Nhật Vũ đến văn phòng làm việc của ông Trà với lý do biếu quà tết.
Khi ông Vũ về, ông Trà kiểm tra lại thì thấy số tiền 500.000 USD.
Tổng cộng ông Lê Nam Trà được ông Phạm Nhật Vũ (em trai ông Phạm Nhật Vượng- một nhà tài phiệt hàng đầu tại Việt Nam) đưa cho gần 2.5 triệu USD.
Ông Trà cũng lần đầu tiết lộ sau đó biếu quà Tết cho Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông lúc bấy giờ là Nguyễn Bắc Son 500 ngàn USD cùng với 200 ngàn USD tiền tiêu xài cá nhân.
Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG, nói trước tòa về việc trả lại số tiền mua thương vụ MobiFone mua 95% AVG gần 9 ngàn tỷ đồng và số tiền lãi phát sinh là ông này không có ý định chiếm đoạt gì của Nhà nước và nhân dân.
Cũng liên quan phiên xử, trong ngày 17 tháng 12 thẩm định viên phụ trách chi nhánh phía bắc Công ty AMAX, đơn vị được Mobifone chọn để xác định giá trị doanh nghiệp AVG, ông Hòang Duy Quang khai trước tòa rằng không biết thực trạng doanh nghiệp nhưng vẫn ký báo cáo thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá.
Hà Nội công bố thông tin chính thức ban đầu
về việc cắt đôi que thử nhanh HIV
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội hôm 17 tháng 12 chính thức thông tin ban đầu về vụ việc cắt đôi que thử nhanh HIV tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, Hà Nội.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học được truyền thông trong nước dẫn phát biểu tại Hội nghị Giao ban rằng Bệnh viện Saint Paul không mua loại test này, test HIV combo có tại Khoa Vi sinh y học là do bà Chu Thị Loan- Phó khoa, phụ trách khoa nhận và chỉ đạo nhân viên trong khoa nhận test của Công ty Lục Tỉnh có địa chỉ tại Hà Nội. Công ty này đã cung cấp 40 test HIV cho khoa làm 2 lần. Khoa Vi sinh y học không báo cáo việc nhận và sử dụng test HIV với bệnh viện.
Bà Loan chỉ đạo nhân viên cắt dọc gần 40 test HIV combo làm đôi để xét nghiệm kiểm chứng kết quả xét nghiệm bằng test HIV1/2 vì chỉ có 40 test nên không đủ số lượng test cần kiểm chứng. Khoa sử dụng mẫu xét nghiệm bằng test HIV1/2 còn dư để xét nghiệm test HIV combo nên không lấy thêm máu của bệnh nhân. Việc làm này không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không đúng quy chế chuyên môn.
Hành động cắt đôi các que test HIV của nhân viên Bệnh viện Saint Paul khiến dư luận phẫn nộ, bởi những sai số nghiêm trọng có thể xảy ra trong quá trình xét nghiệm các căn bệnh dễ lây nhiễm này.
Ngày 9 tháng 12, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul đã đình chỉ 3 nhân viên có liên quan trong vụ việc gồm ThS. BS Chu Thị Loan, Phó phụ trách khoa Vi sinh y học; bà Trần Thanh Lam – cử nhân xét nghiệm, kỹ thuật viên trưởng khoa Vi sinh y học và bà Phạm Thị Thùy Linh – cử nhân xét nghiệm y học, lao động hợp đồng công tác tại khoa Vi y sinh.
Ngày 12 tháng 12, Công an Hà Nội cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiếp nhận thông tin tội phạm về nhóm nhân viên Bệnh viện Đa khoa Saint Paul gian lận kết quả, bớt xén vật tư y tế trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B tại cơ sở này.
Sự việc vỡ lở qua một phóng sự của VTV24 trước đó.
Hơn 2,200 sinh viên một trường đại học ở Sài Gòn
bỏ học, bỏ thi trong 1 năm
Tin Saigon.- Báo Tuổi trẻ ngày 17 tháng 12 năm 2019 loan tin, trong học kỳ 1 năm học 2019-2020 đã có 2252 sinh viên trường đại học Công nghiệp tại Sài Gòn bị cảnh báo học vụ vì bỏ thi, bỏ học, và kết quả học tập dưới 0,8 điểm.
Ông Lê Văn Tán, phó hiệu trưởng trường đại học Công nghiệp cho biết, quyết định cảnh báo học vụ tức là cảnh báo kết quả học tập, kèm theo danh sách các sinh viên đã được nhà trường công bố. Trong số các sinh viên bị cảnh báo thì có 1,182 sinh viên bậc đại học hệ chính quy ở các khoá khác nhau, 1059 sinh viên còn lại ở bậc cao đẳng chính quy, và 11 sinh viên hệ đại học liên thông vừa học vừa làm. Những sinh viên bị cảnh báo học vụ này chiếm 4% trong tổng số sinh viên của trường đại học Công nghiệp.
Ông Tán cho biết, kết quả cảnh báo được gửi về gia đình cho phụ huynh biết tình hình học tập của con mình, và đồng thời nhắc nhở các sinh viên. Theo ông Tán, có rất nhiều sinh viên đã xin tiền gia đình nộp học phí nhưng không lo học, tham gia bán hàng đa cấp, bỏ bê việc học. Năm học trước, sau khi nhà trưởng cảnh báo học vụ đến sinh viên, và phụ huynh thì có hơn 60% sinh viên đã trở lại trường học, và thi cử đàng hoàng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hon-2200-sinh-vien-mot-truong-dai-hoc-o-sai-gon-bo-hoc-bo-thi-trong-1-nam/
Việt Nam tăng nhập khẩu thịt heo
nhưng vẫn thiếu hụt
Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 100 ngàn tấn thịt heo (thịt lợn) trong 10 tháng năm 2019, tăng hơn 101 về lượng và tăng gần 95% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên mặt hàng này được dự báo có thể sẽ thiếu hụt trong dịp Tết Nguyên đán do Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch tả lợn Châu Phi.
Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Bộ Công thương vào ngày 17/12 như vừa nêu. Theo thông báo của Bộ Công thương thì Tổng Cục thống kê ghi nhận đàn heo trên cả nước Việt Nam trong tháng 11 năm 2019 giảm mạnh 22% so với cùng kỳ năm 2018 do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và do đó giá thịt heo trên thị trường gia tăng.
Bộ Công thương cho biết mặc dù Sở Công thương và Lực lượng Quản lý thị trường ở các địa phương được chỉ đạo có nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung ứng thịt heo cho thị trường, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cho biết Việt Nam hiện nhập khẩu thịt heo chính ngạch từ 24 quốc gia. Riêng trong tháng 10 năm 2019, Việt Nam nhập khẩu thịt heo nhiều nhất từ Ba Lan, Đức, Hoa Kỳ và Hà Lan.
Trong khi đó, tình trạng xuất/nhập lậu thịt heo tiểu ngạch gia tăng do sự chênh lệch giá cả thịt heo ở Campuchia và Thái Lan rẻ hơn, còn ở Trung Quốc cao hơn so với Việt Nam
Cảnh sát Nhật bắt ‘siêu chôm đồ’ Việt Nam
Cảnh sát Nhật điều tra vụ phụ nữ Việt ăn cắp đồ tại nhiều tiệm thuốc trị giá hơn 250 ngàn đôla.
Một phụ nữ Việt Nam, bị bắt hồi tháng Chín vì nghi ngờ trộm cắp, đã chôm đồ trị giá khoảng 28 triệu yên (256.000 đô la) tại nhiều tiệm thuốc ở Tokyo và chín tỉnh khác trong năm qua, cảnh sát Nhật được hãng tin Kyodo đưa tin hôm thứ Ba 17/12.
Cảnh sát nghi Nguyễn Thị Phương Uyên, 21 tuổi, lấy khoảng 8.300 đồ mỹ phẩm và các mặt hàng khác trong 161 vụ trộm cắp kể từ tháng 10 năm ngoái.
Họ tin rằng nghi phạm, sống ở phường Katsushika tại Tokyo, có thể có nhiều đồng phạm trợ giúp.
Nghi phạm nữ này đã bị bắt vào ngày 17/09/2019 vì nghi ngờ lấy cắp 30 món đồ trị giá khoảng 80.000 yên từ một nhà thuốc ở Fujinomiya, tỉnh Shizuoka ở miền trung Nhật Bản vào ngày 20/11/2018.
Cảnh sát nói nghi phạm này chủ yếu lấy cắp đồ tại các tiệm thuốc thuộc cùng một chuỗi cửa hàng.
Hồi tháng 10 năm nay, cảnh sát tỉnh Nara cho biết đã bắt giữ 7 công dân Việt Nam vì tội ăn cắp thực phẩm chức năng và mỹ phẩm và sau đó đêm bán lại tại Việt Nam.
Theo cảnh sát, băng nhóm này do một người đàn ông 37 tuổi cầm đầu đã lấy cắp các mặt hàng từ các nhà thuốc và cửa hàng bán đồ thể thao trong ít nhất 18 tỉnh trong 247 vụ từ tháng 1/2015 đến tháng 2/2019, Báo Sankei đưa tin. Tổng giá trị các sản phẩm bị lấy cắp ước tính là 24,5 triệu yên (223.000 đôla).
Cảnh sát cho biết bảy nghi phạm đã đến Nhật Bản theo diện sinh viên hoặc hoặc là một phần của chương trình đào tạo cho lao động nước ngoài.
Cảnh sát khi đó nói họ đang điều tra cách mà các mặt hàng bị đánh cắp được bán lại ở Việt Nam. Trùm băng nhóm này được cảnh sát dẫn lời nói rằng ông muốn có tiền để sinh sống.
Nhật Bản: Bắt nghi phạm ‘hối lộ’ ngoại giao VN
Nhật Bản: Bắt sư thầy Việt nghi ‘kết hôn giả’
Hãng tin Kyodo hồi tháng 4/2018 dẫn số liệu của Cảnh sát Nhật Bản nói trong năm 2017 người Việt đứng đầu về số vụ phạm pháp ở Nhật Bản.
Cảnh sát ghi nhận 5.140 vụ phạm tội của công dân Việt Nam năm 2017, chiếm hơn 30% tổng số vụ tại Nhật Bản và lần đầu tiên đứng đầu trong số các quốc gia có cư dân cư trú tại đây. Con số này tăng mạnh so với 3.177 trường hợp của năm 2016.
Việc ăn cắp là hành vi phổ biến nhất trong các vụ phạm pháp trong đó nhiều nhất là chôm đồ tại cửa hàng, thứ đến là ăn trộm nhà dân, đánh nhau, buôn bán, trồng cây cần sa trong nhà và cứ trú, lao động bất hợp pháp.
Trong số người Việt phạm tội có số không nhỏ là du học sinh và thực tập sinh (lao động hợp đồng).
Đối với du học sinh và thực tập sinh, nếu phạm tội ở mức độ nhẹ sẽ bị cảnh cáo và phạt hành chính tuy nhiên nếu phạm tội ở mức độ nghiêm trọng như trộm cắp, gây rối trật tự,…có thể bị buộc thôi học, chấm dứt hợp đồng và trục xuất về nước.
Hiện có khoảng trên 350.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50824212
Nhiều phụ nữ Việt Nam phạm pháp
tại Hàn Quốc và Nhật Bản
Hai mươi sáu phụ nữ Việt Nam bị Cảnh sát tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc bắt giữ khi đang làm việc tại các quán karaoke “đèn mờ”. Trong số này có 15 người bị phát hiện cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất về nước.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin hôm 16/12. Theo đó thì qua phản ánh của người dân, cảnh sát tỉnh Gyeongnam tiến hành kiểm tra các nhà hàng karaoke Việt Nam mọc lên tại tỉnh Gyeongnam và bắt giữ tổng cộng 26 người phụ nữ Việt Nam đang làm việc tại các tụ điểm này vì không có giấy khám sức khỏe theo quy định. Trong đó có 15 người được cho là cư trú bất hợp pháp nên đã bị cảnh sát trục xuất về nước vì đã vi phạm luật di trú của nước này.
Theo Đạo luật Phòng chống và Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc, tất cả phụ nữ làm việc tại các tụ điểm giải trí về đêm phải được khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện các bệnh truyền nhiễm như sốt thương hàn, lao phổi, giang mai và HIV/AIDS. Tuy nhiên, người cư trú bất hợp pháp không có quyền được cấp giấy khám sức khỏe.
Thời gian gần đây các quán “karaoke Việt Nam” trở thành tụ điểm giải trí mới ngày càng phổ biến tại tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc. Các tụ điểm giải trí này hoạt động như quán karaoke, quán rượu, dịch vụ massage. Vì lý do thiếu nhân viên nên các tụ điểm này thường thuê nhân viên là người Việt Nam cư trú bất hợp pháp.
Cũng tin liên quan, Kyodo vào ngày 17 tháng 12 loan tin cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ một người phụ nữ Việt Nam có tên là Nguyễn Thị Phương Uyên, 21 tuổi vào hôm 17/9/2019 vừa qua vì nghi ngờ người phụ nữ này có hành vi trộm cắp hàng hóa mỹ phẩm tại các tiệm ở Tokyo và 9 nơi khác trong năm qua. Tổng giá trị các mặt hàng ăn cắp được ước tính khoảng 28 triệu Yên tức khoảng 256.000 USD. Hiện cảnh sát Nhật Bản vẫn đang tiến hành điều tra vì cho rằng chắc chắn vẫn còn nhiều đồng phạm với người phụ nữ này.
Một phụ nữ Việt Nam
bị 6 nghi phạm Trung Cộng bắt cóc, hiếp dâm
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 16 tháng 12 năm 2019 loan tin, Cảnh sát quốc gia Philippines vừa giải cứu 3 phụ nữ ngoại quốc, trong đó có 1 người Việt Nam, 2 người phụ nữ Trung Cộng bị 6 đối tượng người Trung Cộng bắt cóc, hiếp dâm, tống tiền.
Nơi 3 nạn nhân bị bắt nhốt là trong một ngôi nhà ở ngôi làng thuộc thành phố Bacoor, tỉnh Cavite. Đây cũng là nơi nhóm tội phạm sử dụng trong các vụ bắt cóc trước đây. Các nạn nhân đã bị 6 đối tượng bắt cóc đưa đến ngôi nhà trên cưỡng hiếp, gây thương tích, rồi chúng liên hệ với thân nhân các nạn nhân để đòi tiền chuộc.
Trang Manila Bulletin cho biết, nạn nhân đầu tiên bị bắt cóc vào lúc gần 3 giờ chiều ngày 11 tháng 12, sau đó nhóm bắt cóc gọi điện cho anh Du Huafeng, bạn trai của nạn nhân để đòi 200,000 peso tiền chuộc. Mặc dù Huafeng đã gửi trước một khoản tiền nhưng bạn gái anh vẫn không được thả ra.
Nạn nhân thứ 2 bị bắt cóc ngày 10 tháng 12, sau khi cô vừa rời khỏi nhà. Mặc dù bạn trai cô là Chang Hsiang Hao đã chuyển 250,000 peso cho bọn bắt cóc nhưng chúng vẫn không thả bạn gái anh ra, nên anh đã báo cảnh sát.
Nạn nhân thứ 3 bị bắt cóc lúc 10 giờ tối ngày 12 tháng 12. Đến chiều ngày 13 tháng 12, cảnh sát Philippines đã giải cứu được cả 3 nạn nhân, và bắt giữ 6 nghi phạm người Trung cộng.
Cảnh sát cho biết, trong 3 năm qua, các vụ bắt cóc liên quan đến công dân Trung cộng gia tăng ở nước này, tất cả các thủ phạm đều là người Trung cộng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/mot-phu-nu-viet-nam-bi-6-nghi-pham-trung-cong-bat-coc-hiep-dam/
VEC dọa thu hồi tiền tạm ứng
cho nhà thầu Trung Quốc
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – Chủ đầu tư Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thông báo cho Công ty TNHH Tập đoàn công trình GTVT tỉnh Giang Tô – JTEG của Trung Quốc, nhà thầu thực hiện gói thầu A3 tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, về biện pháp sẽ thu hồi tiền tạm ứng nếu JTEG không thực hiện trách nhiệm hoàn trả các tuyến đường theo cam kết với địa phương.
Theo tin từ các báo trong nước loan đi vào ngày 17/12 thì nhà thầu JTEG đã mượn 7 tuyến đường của huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi để vận chuyển vật liệu phục vụ thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Những tuyến đường được nhà thầu mượn để vận chuyển vật liệu xây dựng bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến đời sống và gây bức xúc cho người dân địa phương, làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tuy nhiên JTEG vẫn chưa thực hiện trách nhiệm hoàn trả nguyên trạng các tuyến đường theo cam kết với địa phương dù toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã đưa vào khai thác đã hơn 1 năm, mặc kệ hối thúc từ VEC, Bộ Giao thông – Vận tải và cơ quan chức năng địa phương.
Vì vậy, VEC yêu cầu nhà thầu JTEG phải khẩn trương huy động nguồn lực để thi công hoàn trả 7 tuyến đường địa phương, đảm bảo phải hoàn thành trong tháng 12/2019.
Nếu Công ty JTEG vẫn tiếp tục chậm hoàn trả các tuyến đường, VEC sẽ thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng để chuyển kinh phí cho địa phương tự sửa chữa đường.
Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km, được thông xe kỹ thuật từ ngày 2/8/2017. Đây cũng là dự án gây nhiều tai tiếng về chất lượng, khi một phần dự án mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng.
Hiện tại, Bộ GTVT vẫn chưa cho phép thu phí một phần tuyến đường này do còn một số hạng mục vẫn chưa hoàn thành.
Đại sứ Trung Cộng
tham gia giảng dạy cán bộ chiến lược của CSVN
Tin từ Hà Nội: Theo CRI, Đại sứ Trung Cộng Hùng Ba đã tham gia giảng dạy lớp đào tạo cán bộ quy hoạch cấp chiến lược của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một minh chứng hùng hồn cho sự phụ thuộc về chính trị và tư tưởng của chế độ cộng sản Việt Nam vào Bắc Kinh.
Theo đó, trong bài giảng của Hùng Ba vào ngày 10/12, Phó giám đốc Học viện Nguyễn Ngọc Hà và 100 học viên cán bộ quy hoạch cấp chiến lược đến từ các ban ngành trung ương và các địa phương Việt Nam đã tham dự.
Đại sứ Hùng Ba đã giới thiệu những tinh thần chính của Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Cộng khóa 19, trong đó nhấn mạnh tăng cường sự độc tài chính trị của đảng này kèm theo cố gắng ngăn chặn nạn tham nhũng.
Ông ta cũng kêu gọi tăng cường trao đổi kinh nghiệm cai trị của hai đảng cộng sản.
Sau buổi giảng, đại sứ Trung Cộng tăng phim tài liệu phiên bản tiếng Việt với tựa đề “Chúng ta đi trên con đường thênh thang” có nội dung về cải cách mở cửa của Trung Cộng do Đài phát thanh-truyền hình trung ương Trung Cộng và hy vọng Việt Nam tham khảo.
Thay mặt phía Việt Nam, ông Hà cảm ơn Trung Cộng và nói rằng phía Việt Nam muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Trung Cộng.
Báo chí nhà nước cộng sản nhiều lần đưa tin chế độ ở Hà Nội liên tục cử viên chức của đảng và bộ máy nhà nước sang học chính trị ở Trung Cộng từ nhiều năm nay, và hầu hết viên chức cao cấp đều tham gia ít nhất 1 lớp học ngắn hạn do đảng Cộng sản Trung Cộng tổ chức.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/dai-su-trung-cong-tham-gia-giang-day-can-bo-chien-luoc-cua-csvn/
Những cái chết non
Năm 2016, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn, chủ biên cuốn sách với tên gọi “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Cuốn sách không thấy ai phê bình hay hoặc dở chỉ có điều dưới mắt người dân nó là một cuốn sách chết non bởi người chủ biên của nó đã làm ngược lại những gì được viết trong sách.
Cùng với ông Nguyễn Bắc Son, ông Tuấn bị truy tố về 2 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Nhận định về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) cho rằng, cuốn sách đã bộc lộ bản chất không thật thà và thiếu trung thực của ông Trương Minh Tuấn. Không cần thiết phải thu hồi cuốn sách, cứ để như vậy bởi chẳng có ai đọc làm gì và tự khắc nó sẽ chết”.
Thật ra ông Trương Minh Tuấn từng là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nên lý luận chính trị của ông phải sắc bén và thuyết phục, ít nhất là thuyết phục những đồng chí chung quanh ông nhằm cho họ thấy rằng khả năng biểu đạt về chính trị của ông khó ai qua mặt, và khi làm Bộ trưởng Thông tin Truyền thông ông Tuấn nhiều lần xuất hiện trên báo chí hết lòng lên án những biểu hiện phản động, những manh nha chống lai chủ trương chính sách nhà nước và nhất là tố cáo thế lực thù địch âm mưu diễn biến hòa bình trong đảng. Cho tới khi bị bắt Trương Minh Tuấn vẫn là ngôi sao sáng bảo vệ tư tưởng chính trị cho đảng, và bây giờ thì người dân và cả đảng viên đều nhỉn rõ chân tướng của ông ta cũng như của chính cái Ban Tuyên giáo.
Có một cái chết khác non hơn cái chết của cuốn sách, lần này là của Bộ trưởng Thông tin Truyền thông mới thay cho ông Tuấn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, được xem là ngôi sao sáng trong dàn Bộ trưởng của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Hùng vừa là một tướng lĩnh của Quân Đội Nhân dân vừa là một doanh nhân quốc doanh thành đạt khi điều hành tập đoàn Viettel của quân đội. Ông Hùng không chết như ông Tuấn phải ngồi tù và sự nghiệp chính trị tiêu ma, Ông Hùng không chết nhưng những phát biểu của ông nhằm kêu gọi một cuộc cách mạng thông tin mang tầm thế giới đã chết. Ông mạnh miệng cho rằng chỉ trong vòng vài năm nữa Việt Nam sẽ đánh bại Facebook, Twitter, Google và rằng “Đã đến lúc chúng ta viết một mạng xã hội mới, nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và đưa người dân làm chủ thể tri thức, vì triết học của facebook bây giờ nó thay đổi rồi không phù hợp với thế giời nữa rồi”
Và ông giới thiệu trang mạng xã hội Lotus như một điển hình mà thế giới sau này sẽ lấy đó làm bài học ông phấn khích tuyên bố: “Người Việt có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm”.
Nhưng số phận của Lotus ngắn hơn cuốn sách của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, chì một thời gian chưa tới 6 tháng sau khi vận hành giờ đây Lotus như một bóng ma trên hệ thống mạng xã hội thế giới kể cả Facebook, theo ông Hùng, một công ty mà triết học không phù hợp với thế giới nữa!
Một bài báo của Thanh Niên Online xuất bản ngày 15 tháng 12 có tựa “Thực trạng ảm đạm của các mạng xã hội Việt Nam” miêu tả cái chết của hai trạng mạng Gapo và Lotus có thể minh chứng hùng hồn nhất những gì mà chủ nghĩa “sướng ngôn” vừa ngu dân vừa phá hoại niềm tin của những người còn chút bám víu vào những hứa hẹn mà nhà nước còn can đảm phát ngôn.
Bài báo viết “Không thoát khỏi dự báo của nhiều người, chỉ vài ba tháng sau khi ra mắt, các mạng xã hội đình đám này đều lần lượt chìm vào quên lãng. Thậm chí, trang chủ của Gapo.vn đã báo lỗi “không thể hiển thị”. Còn trang chủ của mạng xã hội Lotus cũng không khá gì hơn, nó gần giống như một mạng xã hội “đã chết” với các bài viết của nhiều tài khoản trên Lotus gần như không có sự tương tác, kể cả đó là những nội dung dễ “câu view” như mảng giải trí.
Một số người của Lotus dùng bình luận trên Google Play rằng, khi họ thử đăng ký tài khoản Lotus thì mạng xã hội này thông báo email của họ đã được dùng để đăng ký cho một tài khoản khác, dù trước đó họ không hề đăng ký. Điều này cho thấy, không loại trừ nhiều tài khoản của Lotus là tài khoản ảo và được đăng ký trái phép thông qua bên thứ ba để “lấy số lượng”.
Đây là câu trả lời cho phát biểu của Bộ trường Nguyễn Mạnh Hùng khi cho rằng mạng xã hội Việt Nam sau khi Lotus trình làng sẽ nâng con số người sử dụng lên tới 65 triệu người, một con số trong mơ cho một doanh nghiệp IT của Việt Nam.
Và cái chết của Lotus có thể xem là cái chết non của những phát biểu từ một bộ trưởng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng chắc cũng không ngờ phát biểu của mình lại chết non như thế, theo tư duy của ông nếu trang mạng Lotus dù không thành công thì cũng không ảnh hưởng tới tên tuổi của ông. Nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng quên một điều hệ trọng: đối với một chính trị gia như ông thì bất cứ phát biểu nào cũng cần chính xác và thuyết phục. Ngay sau khi câu tâng bốc Lotus được in ra trên báo chí dư luận dã phản biện mạnh mẽ và không ai tin Lotus sẽ làm nên kỳ tích. Lotus chết non không phải vì ông Hùng quảng cáo nhưng nó chết vì những xúi dục của những người trong hệ thống đảng như ông Hùng. Nó chết vì tin rằng mạng xã hội dễ lôi kéo những con người nhẹ dạ cả tin và Lotus đã sụp chiếc bẫy thông tin do chính nó và những người như ông Hùng tạo ra.
Cái chết non thứ ba nhanh hơn bất cứ cái chết nào, nó chết từ khi vửa ra đời và cái chết của nó không làm ai ngạc nhiên.
Ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với câu nói “tâm huyết”: “Đảng viên đang là quản lý Nhà nước thì phải chia sẻ bức xúc với người dân, người dân có nhu cầu nhà ở thì phải trăn trở suy nghĩ phải làm sao để có thể đáp ứng”.
Đứng trên mảnh đất thành phố HCM, nhìn sang bên kia sông là Thủ Thiêm, nhìn về Quận Tân Bình là Vườn rau Lộc Hưng, ông Nhân rất “tỉnh táo” khi kêu gọi đảng viên ý thức về một mái ấm của người dân và phải trăn trở suy nghĩ vê những nhu cầu bức thiết ấy.
Chẳng may cho ông, cả nước đã biết thế nào là trăn trở, thế nào là suy nghĩ của tất cả mọi loại cán bộ trên mảnh đất này.
Họ suy nghĩ làm cách nào để người dân Đồng Tâm phải giao đất cho những nhóm lợi ích núp phía sau Bộ quốc phòng mà tới bây giờ sau mọi suy nghĩ ấy vẫn chưa kết quả. Họ suy nghĩ làm cách nào cho dân Dương Nội ngừng tiếp xúc với Văn phòng chính phủ để đất đai mà họ đã cưỡng chiếm trở thành chính danh. Họ suy nghĩ làm cách nào để người dân Cồn Dầu không oán hận sau khi nhà cửa đất đai vào tay bọn mafia đỏ của Đà Nẵng. Họ trăn trở làm cách nào để dân Thủ Thiêm im lặng nhận một số tiền ít ỏi rồi biến mất khỏi cuộc đời họ càng nhanh càng tốt. Họ trăn trở làm cách nào lấy thêm đất chung quanh Vườn rau Lộc Hưng để mảnh đất này lớn hơn hầu có thể kinh doanh bất động sản hiệu quả hơn trong tình hình hiện nay.
Có những trăn trở ngay tại Thủ đô vừa qua nhưng là trăn trở của cán bộ đảng viên nạn nhân khi họ đi biểu tình ở Đông Anh Hà Nội đòi ‘quyền lợi nhà đất”. Họ là công an bị chính các đồng chí công an lửa đảo trong dự án mua đất xây nhà cho cán bộ công an kéo dài 17 năm không giải quyết.
Và đôi khi họ không cần trăn trở hay suy nghĩ mà chiếm đất chiếm nhà ngay lập tức như những điều họ đang làm tại Vũ La, Hải Dương.
Những “suy nghĩ, trăn trở” mà ông Nguyễn Thiện Nhân bày ra thật nham nhở và do đó nó chết ngay sau khi từ miệng của ông “dịch chuyển” sang các tờ báo quốc doanh. Nó chết non và ông Nhân biết nó sẽ chết vì chính ông cũng không tin những điều mình nói.
https://www.voatiengviet.com/a/loc-hung-thu-thiem-lotus/5209256.html
Nguyễn Đức Kiên, nhân tài hay nhân tai?
Một trong những sự kiện đang khuấy động dư luận trong vài ngày vừa qua là việc ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được điều động làm Tổ trưởng Tổ Tư vấn cho Thủ tướng Việt Nam về kinh tế (1).
Theo dõi phản ứng của nhiều giới trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử ắt sẽ thấy hoang mang. Tại sao một nhân vật bị công chúng khinh rẻ, oán giận đến như vậy mà vẫn đắc cử, vẫn trở thành đại biểu cho “nguyện vọng, ý chí” của họ tại Quốc hội suốt 12 năm (từ 2007 đến nay)?
Nếu đặt chuyện ông Kiên là đại biểu Quốc hội suốt ba nhiệm kỳ (12, 13, 14) bên cạnh phản ứng của công chúng về việc ông trở thành “thầy” hướng dẫn người đứng đầu chính phủ về chính sách kinh tế, rõ ràng kết quả lựa chọn và hoạt động của các đại biểu Quốc hội luôn luôn ngược chiều với nhận thức và tình cảm của… nhân dân!
***
Lâu nay, rất nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ học vị “Tiến sĩ” về “kinh tế vĩ mô quy hoạch vùng” của ông Kiên. Bên cạnh thông tin từ một số người, khẳng định họ biết rất rõ ông Kiên ở đâu, làm gì trong sáu năm cư ngụ tại Đức (1991 – 1997) (2), một số người khác nêu ra hàng loạt nghi vấn về con đường học vấn của ông Kiên.
Ông Kiên tốt nghiệp chuyên ngành “Tự động hóa” ở Đại học Giao thông Vận tải. Khi sang Đức, ông chỉ mất hai năm để lấy Thạc sĩ về “Quy hoạch giao thông” và bốn năm sau vừa hoàn tất luận văn Tiến sĩ về “Kinh tế vĩ mô quy hoạch vùng”, vừa tìm được việc làm với mức lương “hàng trăm cây vàng một năm” (3).
Làm sao ông Kiên theo học đại học một ngành, khi theo cao học lại chuyển sang một ngành khác, lúc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tiếp tục chuyển đổi chuyên ngành thêm một lần nữa – nghĩa là phải học bổ sung rất nhiều môn để bảo đảm không có sự hụt hẫng trong kiến thức chuyên ngành, mà chỉ mất chưa tới… sáu năm?
Ông Kiên học tiếng Đức lúc nào mà có thể vượt qua những trở ngại về ngôn ngữ khi du học ở Đức để hoàn tất cả chương trình cao học lẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ chỉ trong vòng chưa đầy sáu năm? Dẫu du học sinh có thể đến Đức học cao học và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ bằng tiếng Anh nhưng khả năng Anh ngữ của ông Kiên có đủ để đạt thành quả đó?
Ông Kiên học cao học, làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở đại học nào tại Đức? Những cơ quan, doanh nghiệp nào của Đức từng trả ông mức lương “hàng trăm cây vàng một năm” như ông từng khoe? Vì sao ông không tiết lộ để đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động không chỉ bôi nhọ ông mà còn bôi nhọ đảng vì đã dùng ông?
***
Tháng 9 vừa qua, khi tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Việt Nam – nhấn mạnh yêu cầu: Chủ động đóng góp ý kiến cho việc hoạch định chính sách, đưa ra những phản biện sắc sảo, chân tình giúp các cơ quan hữu trách tự điều chỉnh, tự hoàn thiện (4).
Sau đó một tháng – vào hạ tuần tháng 10 – khi thảo luận về Dự luật Sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, các đại biểu Quốc hội từng tranh luận tưng bừng về việc có nên đặt định những điều khoản cụ thể về “chiêu hiền đãi sĩ”, tuyển dụng – sử dụng nhân tài (5).
Chỉ thị của Ban Bí thư và quyết định của ông Phúc, bổ nhiệm ông Kiên làm Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Việt Nam sổ toẹt cái mà ông Phúc gọi là “phản biện sắc sảo” và điều mà Quốc hội Việt Nam từng tỏ vẻ bận tâm, bàn thảo tới lui để có thể quy tụ nhân tài, chấn hưng quốc gia.
Công chúng đã thi nhau nhắc lại những ý kiến, nhận định của ông Kiên trong 12 năm ông đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của họ: Chẳng hạn tháng 5 năm 2015, khi họ bất bình vì nợ nần tăng vọt, ông Kiên
bảo rằng, chính phủ phát giác an ninh tài chính quốc gia không an toàn từ trước đó hai năm nhưng không có gì phải sốc, phải hoảng cả (6).
Một tháng sau – tháng 6 năm 2015 – lúc họ sôi lên vì giận trước thực trạng thu không đủ chi, phải vay cả trong lẫn ngoài nhưng mỗi năm, công khố vẫn chi ra 13.000 tỉ đồng cho công xa, ông Kiên lập tức chỉ trích những người tỏ ra nóng ruột rằng, ngoài công xa, các quốc gia còn sắm phi cơ riêng cho lãnh đạo (7).
Thêm bốn tháng nữa – tháng 10 năm 2015 – thường dân, doanh giới, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực phản đối cách điều hành thị trường xăng dầu khiến giá xăng dầu tăng liên tục thì ông Kiên bảo rằng thực trạng tồi tệ đó là một trong những thành công của việc điều hành giá cả – càng ngày càng tiệm cận quy luật của kinh tế thị trường (8).
Tương tự, tháng 9 năm 2017, trước phản ứng dữ dội của công chúng về tác hại đến kinh tế – xã hội của các công trình được đầu tư theo hình thức BOT, ông Kiên cho rằng, người nghèo đi xe gắn máy, được miễn phí khi qua lại nên không bị ảnh hưởng (9). Rồi ông ủng hộ đổi “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” vì phải “sống và làm việc theo pháp luật” (10).
Tháng 10 năm 2018, khi dư luận rúng động vì ông Nguyễn Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng vì đổi… 100 Mỹ kim thành tiền đồng, ông Kiên là viên chức duy nhất cho rằng, hành vi của ông Rê là mua bán ngoại tệ, trái pháp luật và việc UBND thành phố Cần Thơ quyết định phạt ông Rê mức như thế là… đúng (11)!
Cứ thế, nhiều năm nay, ông Kiên dẫn công chúng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về cả tâm lẫn tầm của ông. Đã có rất nhiều người thắc mắc, vì sao một “Tiến sĩ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trong Quốc hội của một quốc gia mà có thể biện minh cho Dự luật Đặc khu bằng những so sánh ngô nghê như: Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu khi Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown? California có Little Saigon toàn người Việt, nói tiếng Việt nhưng họ không lo về an ninh quốc phòng (12)?..
***
Cứ ngẫm cho thật kỹ, việc điều động ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sang làm Tổ trưởng Tổ Tư vấn cho Thủ tướng Việt Nam về kinh tế, không phải là chuyện liên quan tới riêng ông Kiên. Quyết định bổ nhiệm ông Kiên là ví dụ minh họa, giúp nhận ra Thủ tướng Việt Nam và các đồng chí đồng đảng với ông chân thành, trung thực đến mức nào khi yêu cầu “phản biện sâu sắc”, cam kết “chiêu hiền đãi sĩ”… Ít nhất là đến giờ này, đảng vẫn chỉ cần nhân tai, chưa cần nhân tài!
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/quocquan.tran.79069323/posts/239385523693413
(5) https://vnexpress.net/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-tranh-luan-ve-trong-dung-nhan-tai-4001760.html
(6) http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/no-cong-chinh-phu-co-giau-dau-20150805163802885.chn
(9) https://nld.com.vn/thoi-su/bot-khong-anh-huong-den-nguoi-ngheo-20170907221156013.htm
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-duc-kien-co-van-nguyen-xuan-phuc/5208192.html