Tin Biển Đông – 11/12/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 11/12/2019

Máy bay quân sự Mỹ tuần tra Biển Đông

bất chấp TQ phản đối

Các hoạt động thường xuyên của Không quân Mỹ tại Biển Đông có thể không thu hút sự chú ý của dư luận như Hải quân Mỹ, song vẫn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Tướng Charles Brown, Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết các máy bay quân sự của Mỹ, bao gồm máy bay ném bom, máy bay trinh sát U-2 và máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk, thường xuyên tiến hành các chiến dịch đảm bảo “tự do hàng hải” tại Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc ngang nhiên triển khai các hệ thống phòng không trên các đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép trong khu vực.

“Chúng tôi đã bay tại và xung quanh Biển Đông trong khoảng 15 năm qua, và tôi có thể nói rằng chúng tôi đã thực hiện một số hoạt động như vậy trong tuần này”, Tướng Brown phát biểu tại Hawaii ngày 6/12, sau hội nghị của các tư lệnh không quân tại Thái Bình Dương.

Tướng Brown cho biết các máy bay của Không quân Mỹ được triển khai bên cạnh các máy bay chống ngầm P-3/P-8 của Hải quân Mỹ. Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương thừa nhận, mặc dù các chuyến bay của Không quân Mỹ tại Biển Đông không thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông như các hoạt động của Hải quân Mỹ tại khu vực này, song phía Trung Quốc vẫn phản ứng rất mạnh mẽ.

“Thực ra không có gì đáng chú ý khi nhắc tới tự do hàng hải và môi trường biển, nhưng bây giờ chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ Trung Quốc về vấn đề này”, Tướng Brown cho biết.

Trong những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã tăng cường các cuộc tuần tra thường kỳ gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông để thách thức cái mà Washington gọi là “yêu sách quá đáng” của Bắc Kinh. Bắc Kinh đã ngang nhiên tiến hành các hoạt động quân sự hóa tại các thực thể trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của nước này.

Mặc dù Nhà Trắng đã mô tả Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” và hai nước vẫn đang “xung đột” trên nhiều mặt trận từ thương mại cho tới công nghệ, song Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vẫn so sánh mối quan hệ quân sự giữa hai nước là yếu tố duy trì sự ổn định trong quan hệ song phương.

Tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho biết nhiệm vụ của quân đội Mỹ là tạo điều kiện cho các nhà đàm phán Mỹ trong các cuộc đàm phán với đối phương.

“Nhiệm vụ của chúng tôi sau cùng vẫn là trang bị các phương án cho các nhà ngoại giao của chúng tôi để họ có thể đàm phán ở vị thế tốt hơn, vì chúng tôi đã đưa ra cho họ những phương án quân sự đáng

tin cậy, trong đó không những chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể triển khai những phương án đó, mà bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào cũng sẽ hiểu rằng chúng tôi có thể triển khai chúng một cách hiệu quả. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm rằng họ sẽ có những thứ họ cần để có thể đàm phán cho một nền hòa bình tốt hơn”, Tướng Godlfein nhấn mạnh.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ cho biết mặc dù Không quân Mỹ đã giảm đáng kể số lượng máy bay và chuyến bay tại châu Âu, song việc triển khai các máy bay tại Thái Bình Dương vẫn được duy trì ổn định, chứng tỏ rằng khu vực Thái Bình Dương vẫn là “ưu tiên số một” trong chiến lược quốc phòng của Mỹ.

http://biendong.net/bi-n-nong/32043-may-bay-quan-su-my-tuan-tra-bien-dong-bat-chap-tq-phan-doi.html

 

Các bước đi của TQ nhằm tạo ra

một mạng lưới phòng không, đạn đạo

trên các thực thế chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông

Những năm qua, Trung Quốc đã từ âm thầm đến công khai triển khai, thiết lập các hệ thống, phương tiện, kỹ thuật công nghệ và khí tài quân sự ở Biển Đông nhằm tạo ra một sức răn đe về đạn đạo và phòng không ở Biển Đông, phục vụ cho việc theo đuổi và đạt được các “yêu sách chủ quyền” phí pháp.

Triển khai các hệ thống phóng tên lửa tự hành (TEL) và tên lửa chống tiếp cận ra các thực thể nhân tạo ở Biển Đông

Năm 2019, Bắc Kinh được cho là đã bố trí triển khai các xe phóng tên lửa tự hành (TEL) ra các thực thể nhân tạo bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, cụ thể ở đây có thể là đá Subi. Mục đích của việc đưa các tên lửa lên xe phóng là để sau khi khai hỏa có thể nhanh chóng rời trận địa và ẩn nấp, tăng độ sống sót nếu xảy ra chiến sự. Dù có diện tích lên tới 5,52km2, các phương tiện TEL gần như không có chỗ nấp trên đá Xu Bi và dễ trở thành mục tiêu bị tấn công phủ đầu ngay từ đầu nếu xảy ra chiến sự. Điều này hoàn toàn khác với đất liền, nơi các xe TEL có thể di chuyển trên các con đường và tỏa ra nhiều nơi để nấp trong các hầm ngầm, công sự bí mật.

Hồi năm 2018, các bức ảnh được ImageSat International (ISI) chụp cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt hai bệ phóng tên lửa mới ở bờ phía Bắc đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bên cạnh chúng là một hệ thống radar, tất cả đều được bao phủ bởi lưới ngụy trang. Phân tích của ISI đánh giá rằng nó tương tự hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đã được triển khai tại đảo Phú Lâm vào tháng 2/2016. Hệ thống này có tầm hoạt động khoảng 200 km, đặt ra mối đe dọa cho bất kỳ máy bay dân sự hay quân sự gần đó. Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tên lửa phòng không HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có thể là một bước đi nữa trong kế hoạch dài hơi của Bắc Kinh nhằm triển khai sức mạnh quân sự trên khắp Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Với “trò chơi tên lửa” đó, cuối cùng, các hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát trái phép trên Biển Đông sẽ được dùng cho chiến đấu cơ và các hoạt động trinh sát thường xuyên khác, trong đó có các chuyến tuần tra săn ngầm, đồng thời là nơi tiếp nhận một lượng lớn dân tái định cư, góp phần củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở vùng biển này. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu, khí tài phòng không trên những hòn đảo này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tìm cách thực thi một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, tương tự những gì họ đã làm trên biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013. Trung Quốc cũng được cho là đã triển khai hệ thống tên lửa chống hạm YJ-62 phi pháp tại đảo Phú Lâm. YJ-62 được thiết kế bởi Viện công nghệ cơ điện Haiying thuộc Tổng công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC). Tên lửa dài 6,1 m, đường kính 0,54 m, trọng lượng 1,24 tấn, có thể tấn công cả mục tiêu trên mặt đất lẫn trên biển. Truyền thông Trung Quốc còn khẳng định tên lửa YJ-62 có khả năng tấn công các mục tiêu ở sâu trong đất liền với các đầu đạn được tăng trọng lượng lên 400 kg để nâng cao hiệu quả công phá.

Lần đầu tiên phóng thử tên lửa đất đối hạm ra Biển Đông

Vào tháng 7/2019, Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành bắn thử ít nhất 6 quả tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) từ đất liền ra Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ lúc đó cho biết “điều đáng lo ngại thực sự là hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại chính các cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các thực thể này”. Đài NHK của Nhật Bản sau đó dẫn lời một sĩ quan giấu tên tiết lộ Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa ASBM từ đất liền ra Biển Đông, nhắm trúng hai mục

tiêu giả định trên biển. Mặc dù chi tiết về loại tên lửa được Trung Quốc phóng không được tiết lộ chính thức, song các nhà quan sát phân tích cho rằng đó là loại tên lửa DF-21D. Giới quan sát đồng ý cho rằng động thái của Trung Quốc là sự leo thang căng thẳng và mang tính dằn mặt chưa từng có. Thời điểm diễn ra vụ bắn thử có nhiều tàu chiến của hải quân Mỹ trên Biển Đông nhưng không có tàu nào nằm gần khu vực mục tiêu của Trung Quốc.

Thiết lập các lớp chống tiếp cận từ xa (rada, vệ tinh…) ở Biển Đông

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một trong số các đảo ở khu vực bắc Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và ưu tiên phát triển nhanh, đã được trang bị các tên lửa phòng không HQ-9 và chiến đấu cơ J-11 cũng như tiêm kích bom JH-7. Đây là các động thái đã được nhiều chuyên gia phân tích quốc phòng dự báo nhiều năm trước và có thể là dấu hiệu cho những bước quân sự hóa tiếp theo của Trung Quốc trên các tiền đồn phi pháp ở khắp Biển Đông. Trung Quốc được cho là đã lắp đặt trái phép một trạm radar mảng pha cao tần trên đá Châu Viên, một trong những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp nằm ở khu vực trung tâm phía Nam Biển Đông. Loại radar kiểu này được cho là có thể phát hiện máy bay và tàu thuyền từ khoảng cách xa vượt đường chân trời và trên lý thuyết có khả năng phát hiện một số máy bay tàng hình trong một số trường hợp nhất định. Sự xuất hiện của các loại radar cao tần hiện đại như vậy ngày càng chứng tỏ Trung Quốc đang tích cực triển khai chiến lược A2/AD ở Biển Đông, giới phân tích đánh giá. Các chuyên gia thuộc CSIS gọi những vùng kiểm soát của các vũ khí chống tiếp cận mà Trung Quốc triển khai đến Biển Đông là “các vòng tròn đe dọa”. Bên cạnh đó, Trung Quốc nhiều lần công khai về việc nước này thiết lập mạng lưới Bắc Đẩu Tinh dưới đáy biển hay phủ sóng các mạng 3G, 4G nhằm kết nối các hệ thống với nhau.

Bố trí lực lượng “dân quân biển” quanh các thực thế, núp danh dân sự

Lực lượng dân quân biển đóng vai trò lớn trong những hoạt động cưỡng ép để đạt các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu. Ngụy trang dưới vỏ bọc tàu cá, lực lượng này trở thành yếu tố quan trọng của chiến lược “vùng xám”, là mũi nhọn giúp Trung Quốc kiểm soát thực địa ở Biển Đông, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp và gây lúng túng cho các nước trong việc phản ứng. “Lực lượng này vô cùng nguy hiểm không chỉ vì hành xử hung hăng đối với tàu các nước láng giềng mà còn vì họ không phải lực lượng chuyên nghiệp, không được huấn luyện cũng như không bị chế tài theo các quy định thông thường về va chạm trên biển mà các nước áp dụng cho lực lượng chiến đấu có vũ trang”. Trên lý thuyết, dân quân biển Trung Quốc là những ngư dân đã trải qua các khóa huấn luyện quân sự, vẫn làm công việc đánh bắt hàng ngày nhưng sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ của quân đội. Tuy nhiên, các học giả cho rằng đánh cá chỉ là vỏ bọc. Họ mang vỏ bọc các tàu đánh cá, nhưng các thông tin thu thập được cho thấy những con tàu này chẳng quan tâm gì đến đánh bắt, thậm chí họ còn không mang theo ngư cụ phù hợp. Những con tàu ‘thân xanh’ này chỉ thực hiện nhiệm vụ duy nhất là xâm chiếm các vùng biển đang có tranh chấp trên Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu kêu gọi chú ý đến lực lượng dân quân biển trong báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2017. Theo đó, Bắc Kinh đang sử dụng hạm đội tàu cá thương mại để thực thi áp đặt các yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích theo hướng có tính toán ở dưới ngưỡng khơi mào xung đột quân sự. Đến năm 2019, trong báo cáo được công bố hồi tháng 6, Lầu Năm Góc gọi dân quân biển là “một bộ phận của dân quân toàn quốc Trung Quốc, một lực lượng dự bị vũ trang bao gồm dân thường sẵn sàng được huy động” và nhấn mạnh rằng lực lượng dân quân biển “đóng vai trò lớn trong các hoạt động cưỡng ép để đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu”. Tàu cá “dân quân biển” có nhiệm vụ hỗ trợ phòng không và phỏng thủ đạn đạo. Nhiều vụ việc đã cho thấy ngư dân Trung Quốc được trang bị các loại vũ khí, công nghệ như laser thường chiếu vào máy bay các nước ở Biển Đông, gây nguy hiểm đáng kể.

http://biendong.net/bien-dong/32058-cac-buoc-di-cua-tq-nham-tao-ra-mot-mang-luoi-phong-khong-dan-dao-tren-cac-thuc-the-chiem-dong-phi-phap-o-bien-dong.html

 

Australia – Indonesia cảnh báo

về hoạt động quân sự hóa phi pháp của TQ ở Biển Đông

Tại cuộc họp thường niên 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước Australia và Indonesia ở Bali, Indonesia, hai nước đã ra Tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về diễn biến tình hình Biển Đông.

Tuyên bố nhấn mạnh Australia và Indonesia đã cùng bày tỏ “những quan ngại sâu sắc” về tình trạng Biển Đông, cảnh báo về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này, nhấn mạnh mối lo lắng hiện nay của khu vực về những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của nước này tại Biển Đông, đồng thời hối thúc tôn trọng luật pháp quốc tế.   Tuyên bố nêu rõ các bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến ở Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này.

Tuyên bố cũng đề cập tới “quan ngại đối với hoạt động quân sự hóa liên tục của Trung Quốc tại những thực thể tranh chấp”, đồng thời kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền tránh những hành động có nguy cơ làm leo thang căng thẳng. Các bộ trưởng cũng cho biết một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) phải “thiết thực” và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong những năm gần đây, quan hệ song phương giữa Australia và Indonesia không ngừng được củng cố và cải thiện. Trong năm 2019, hai nước đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện nhằm nâng tầm quan hệ song phương. Thỏa thuận sẽ giúp các nông dân chăn nuôi gia súc Australia có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường 260 triệu dân của Indonesia, trong khi các trường đại học Australia hay các nhà cung cấp y tế cũng sẽ được hưởng lợi nhờ dễ dàng tiếp cận nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. Ở chiều ngược lại, hoạt động của các doanh nghiệp Indonesia trong các ngành dệt may, máy móc tự động, xuất khẩu gỗ, hàng điện tử và dược phẩm dự kiến được thúc đẩy nhờ thị trường Australia rộng mở hơn đối với nước này. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 11,7 tỷ USD năm 2017 và Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Australia.

Sách trắng về Chính sách đối ngoại (Foreign Policy White Paper) Australia năm 2017, được công bố lần đầu tiên sau 14 năm, khẳng định Indonesia là đối tác quan trọng đối với Australia trong tầm nhìn cân bằng lợi ích và ảnh hưởng của Australia tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Indonesia cũng được Australia đánh giá là quốc gia chủ chốt tại Đông Nam Á[2]. Với tư cách là hai trung cường (middle-power) cùng thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), Australia và Indonesia chia sẻ những đường hướng của nền ngoại giao trung cường với sự ưu tiên cho ngoại giao kênh II và (Track II diplomacy) và nền ngoại giao đa phương năng động.

Là một trong những thành viên đầu tiên của ASEAN, Indonesia, với uy tín và tầm nhìn tiến bộ, đã được kiểm nghiệm qua lịch sử. Việc chính quyền mới tiếp tục xem trọng mối quan hệ với Indonesia phản ánh rằng Australia tin tưởng khả năng Indonesia, trong tương lai sẽ hội đủ tiềm năng để đóng vai trò trụ cột và tiền tiêu trong ASEAN, và nhờ đó giúp thúc đẩy sự hiện diện và nâng cao vai trò của Australia tại Đông Nam Á. Trong lịch sử, khu vực địa lý phía Bắc luôn là mối quan tâm thường trực của Australia. Quốc gia láng giềng của Australia là Indonesia cũng từng được xem như một mối đe dọa cho an ninh của Australia.

Quan hệ Australia – Indonesia từng xuống rất thấp khi Australia trong vai trò “tiên phong” đã dẫn đầu lực lượng quân sự của Liên Hợp Quốc can thiệp vào Đông Timor năm 1999. Chỉ đến vụ khủng bố tại Bali năm 2002 thì hai nước mới bước vào kỷ nguyên hợp tác chống khủng bố, vì hòa bình và an ninh khu vực; và những hỗ trợ khẩn cấp của Australia cho tỉnh Aceh (Indonesia), vùng bị thiệt hại nặng nhất trong trận đại sóng thần vào tháng 12/2004 đã giúp cải thiện mạnh mẽ quan hệ ngoại giao. Mặc dù những tranh cãi trong quan hệ hai nước vẫn tồn tại, nổi bật là các vấn đề như người tị nạn qua ngả Indonesia để vào Australia, Australia do thám ở Indonesia qua nghe lén điện thoại (2013), Indonesia chỉ trách chính sách tị nạn của Australia (2016), mâu thuẫn trong hợp tác quân sự (2017), nhưng việc Tổng thống Indonesia Joko Widodo hoan nghênh và khuyến khích Australia gia nhập ASEAN, mặc dù không khả thi vì nhiều lý do, nhưng là động thái quan trọng gửi gắm thông điệp rằng Indonesia đánh giá cao vai trò và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước.

Trong vấn đề Biển Đông, hợp tác quân sự Australia – Indonesia được tăng cường trong những năm gần đây, mà đề xuất tập trận giữa hải quân hai nước và các cuộc đối thoại quốc phòng là nổi bật, cũng giúp thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong hai năm vừa qua (2016 và 2017), phía Indonesia đã đề xuất với Australia về việc cùng tập trận chung ở Biển Đông; dự định này sau đó đã bỏ ngỏ vì phía Australia lo ngại kích động phản ứng từ phía Trung Quốc. Trong các đối thoại 2+2, gồm Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng 2 nước, cũng như tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), lãnh đạo hai nước thường xuyên bàn về nội dung thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Hợp tác

quân sự Australia – Indonesia, được khôi phục vào tháng 2/2017, trải dài trên nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh biển. Đây là chỉ dấu cho những bước phát triển, dẫu rằng hai quốc gia vẫn cần nhiều quyết tâm chính trị và lòng tin trong hợp tác quân sự, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Trong thế kỷ XXI, với tầm nhìn hội nhập vào châu Á, Australia rất cần củng cố và phát triển quan hệ với Indonesia. Tầm quan trọng của Indonesia trong các vấn đề liên quan đến địa chính trị Đông Nam Á càng cung cấp nhiều chỉ dấu cho tầm quan trọng chiến lược trong quan hệ song phương. Trong ASEAN, Indonesia vẫn là quốc gia có quy mô dân số lớn nhất, cung cấp một thị trường rộng khắp và nguồn nhân lực dồi dào cho các công ty Australia. Indonesia nằm giữa hai đại dương lớn là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là vùng đệm chiến lược, có khả năng kết nối với hai cường quốc hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Indonesia còn án ngữ ba eo biển Malacca, Sunda và Lombok – giữ vai trò chi phối các tuyến đường hàng hải và dòng thương mại qua châu Á, đặc biệt là qua Biển Đông. Quan trọng nữa là, tầm nhìn của Indonesia đang phản ánh khát vọng hướng biển mạnh mẽ. Tháng 11-2014, Tổng thống Widodo đã công bố “Học thuyết Trục biển toàn cầu” (World Maritime Axis) như là kim chỉ nam cho chính sách phát triển quốc gia. Tầm nhìn này được phát triển với Chính sách biển (Indonesian Ocean Policy) công bố vào tháng 6/2017.

Tất cả các lợi thế này đã giúp Indonesia giành được sự quan tâm của các cường quốc, trên cơ sở đó, thúc đẩy quan hệ với Indonesia giúp Australia gia tăng sự hiện diện và ưu thế tại khu vực. Trong bối cảnh chính sách biển của Indonesia, về cơ bản là có thể chia sẻ và dung hòa với chính sách phát triển về phía biển của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ thì Australia rất cần tranh thủ quan hệ với Indonesia, một bước đi để chia sẻ tầm nhìn với Indonesia nói riêng và các cường quốc nói chung. Chính sách đối ngoại độc lập, linh hoạt của Indonesia cũng có thể cung cấp nhiều giá trị tham khảo cho Australia.

Trong bối cảnh sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á, với nhiều tranh luận, là mang tính biểu tượng hơn là có tính chất hiệu quả trên thực tế, và quan trọng là, Trung Quốc đang khuếch trương ảnh hưởng tại khu vực, thì Indonesia có thể là quốc gia giúp neo giữ những lợi ích chiến lược của Australia tại khu vực. Trước các áp lực địa chính trị và địa kinh tế, bên cạnh Mỹ thì Australia cần một đồng minh chiến lược tại khu vực, Indonesia – quốc gia được các cường quốc xem trọng và các thành viên ASEAN đánh giá cao là đối tác không chỉ giúp Australia phát triển các liên kết kinh tế mà còn là đòn bẩy giúp Australia gia tăng vị thế tại Đông Nam Á. Xét về cả ba chiều kích là ngoại giao, kinh tế và quốc phòng thì Indonesia đều nổi bật trong số các quốc gia ASEAN, tạo thành lợi thế rất lớn cho chính sách sách đối ngoại của Australia dưới thời Thủ tướng Morrison, mặc dù vẫn cần thời gian để định hình và phát triển.

Quan hệ hai nước, vốn cần nhiều hoạt động cụ thể hơn là những bày tỏ trên phương diện ngoại giao, có thể được củng cố và mở rộng; xa hơn là giúp hàn gắn những tổn thương từng xảy ra, như là hệ quả của những sự cố đã làm căng thẳng quan hệ. Truyền thống của Australia, vốn nổi bật với sự năng động của các Ngoại trưởng, có thể tiếp tục được phát huy. Trong nội các mới, đáng chú ý là bà Marise Payne, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, giữ chức Ngoại trưởng sau khi bà Julie Bishop từ chức ngày 26/8 là nhân tố cần được chú ý. Sự năng động và tầm nhìn châu Á của cựu Ngoại trưởng Julie Bishop trong các hoạt động ngoại giao đa phương tại Đông Nam Á và tầm nhìn xem trọng quan hệ Australia – ASEAN có thể cung cấp nhiều tham chiếu cho Ngoại trưởng mới. Bên cạnh đó, những nhân vật chủ chốt trong nội các mới của Thủ tướng Morrison như Ngoại trưởng Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Pyne, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham đều là những chính trị gia làm việc chăm chỉ và tiết độ. Khi được bổ nhiệm vào năm 2015, bà Marise Payne, nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Australia đã đặt ưu tiên xây dựng quan hệ với Indonesia, để hàn gắn những bất đồng trong quan hệ hai nước. Trong năm 2017, bà đã có chuyến công du đến các quốc gia Đông Nam Á để thúc đẩy các quan hệ quốc phòng. Tại Đối thoại Shangri-La 2018, bà Payne nhấn mạnh lập trường của Australia đối với vấn đề Biển Đông, đó là giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Những kinh nghiệm và thành quả trong quá khứ cho thấy bà Payne đã có những hiểu biết nhất định về quan hệ giữa Australia đối với Indonesia và Đông Nam Á. Trong khi đó, Christopher Pyne, trên cương vị Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng và Simon Birmingham, từng là Bộ trưởng Giáo dục Liên bang Australia dưới thời Thủ tướng Turnbull chưa bộc lộ quan điểm rõ nét đối với Đông Nam Á.

Vấn đề cần chú ý là bên cạnh thúc đẩy lợi ích quốc gia thì Australia cần quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của Indonesia. Các hoạt động giám sát để đảm bảo an ninh hàng hải xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia có thể là nội dung mà Australia cần chung tay để bày tỏ thiện chí và tạo cơ sở để phát triển quan hệ song phương. Giáo dục cũng là kênh mà Australia, vốn nổi bật như là quốc gia phát triển với nền giáo dục đẳng cấp thế giới, có thể phát triển nhân lực cho Indonesia và giúp quốc gia này gia tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng. Australia có thể tạo ra một mối quan hệ đối tác trung và dài hạn với

các trường đại học Indonesia, tạo điều kiện để sinh viên Indonesia sang du học tại Australia và thiết lập các cơ sở giáo dục ở Indonesia. An ninh hàng hải và giáo dục có thể hình thành các yếu tố cốt lõi của quan hệ đối tác. Các nội dung này không chỉ bao hàm ý nghĩa kinh tế mà còn giữ tầm quan trọng chiến lược dài hạn trong quan hệ Australia – Indonesia.

http://biendong.net/bien-dong/32055-australia-indonesia-canh-bao-ve-hoat-dong-quan-su-hoa-phi-phap-cua-tq-o-bien-dong.html

 

Việt Nam tiếp tục nêu quan ngại

về căng thẳng Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc

Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra hôm 10/12, Đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tiếp tục nêu quan ngại về tình hình căng thẳng Biển Đông với những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong thời gian qua.

Đây là lần thứ hai trong năm nay Việt Nam nói đến những hành động xâm phạm của tàu Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam nhưng tránh không nên tên Trung Quốc trực tiếp.

Hôm 28/9, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã đưa vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính giữa Trung Quốc và Việt Nam ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong bài phát biểu của mình nhưng không nêu tên Trung Quốc.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đại diện Việt Nam Phạm Hải Anh bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan không tái diễn các vi phạm và tránh các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Ông Phạm Hải Anh cũng kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời khẳng định lập trường của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cũng tại phiên họp lần này, đại diện một số nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia cũng đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, đề cao vai trò của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến khoảng cuối tháng 10, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và cả tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động này của Bắc Kinh và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu.

Hoa Kỳ và EU cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Bãi Tư Chính mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là hành động bắt nạn Việt Nam của Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi đó khẳng định vùng nước gần Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam ngừng các hoạt động đơn phương tại khu vực này.

Mặc dù có những căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, Hà Nội và Bắc Kinh vẫn duy trì các đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, bao gồm việc tuần tra chung ở vùng Vịnh Bắc Bộ. Đợt tuần tra mới nhất giữa hải quân hai nước vừa diễn ra từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 12.

Biển Đông là vùng nước đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ở khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.

Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển.

Thời gian qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ quyền trên biển với đường đứt khúc này qua các ấn phẩm sách báo, phim ảnh và ứng dụng bản đồ, gây ra các phản ứng gay gắt từ các nước láng giềng.

Hôm 10/12, truyền thông trong nước đưa tin công ty Điện lực Long Thành (Đồng Nai) mới đây đã từ chối mua điện mặt trời áp mái của một khách hàng trên địa bàn vì phần mềm được cài đặt có bản đồ đường lưỡi bò.

Các bộ ngành của Việt Nam thời gian gần đây đã đồng loạt chỉ đạo việc kiểm tra chặt chẽ, cấm nhập những mặt hàng vào Việt Nam có bản đồ lưỡi bò.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-raises-concerns-over-scs-tension-in-un-12112019075359.html