Tin khắp nơi – 11/12/2019
Mỹ “dịu giọng” với Triều Tiên
sau màn khẩu chiến căng thẳng
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hy vọng rằng Triều Tiên sẽ không tiến hành thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại.
“Cá nhân Chủ tịch Kim Jong-un đã đưa ra cam kết về việc phi hạt nhân hóa, nói rằng sẽ không thử hạt nhân và tên lửa tầm xa nữa. Tất cả những cam kết đó khiến chúng tôi hy vọng rằng, Triều Tiên sẽ tiếp tục tuân thủ cam kết”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 11/12.
“Chúng tôi sẽ sẽ tiếp tục làm việc để nỗ lực xúc tiến những khía cạnh mà chúng tôi có thể đối thoại, các cơ chế đàm phán mà chúng tôi có thể trao đổi với họ về những chặng đường phía trước nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa, điều mà cả Ngoại trưởng Lavrov và tôi quyết tâm hỗ trợ Triều Tiên đạt được”, ông Pompeo cho biết thêm.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, Tổng thống Donald Trump rất “rõ ràng” về “kỳ vọng” của Mỹ với Triều Tiên sau 3 cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
“Chúng ta cần cùng nhau xây dựng cách thức để hỗ trợ người Triều Tiên đạt được mục tiêu, từ đó giúp người dân Triều Tiên có tương lai tươi sáng hơn như Tổng thống Donald Trump vẫn thường nói”, ông Pompeo nói.
Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi của Nga về những động thái có qua có lại của Mỹ và Triều Tiên.
“Các ông không thể yêu cầu Triều Tiên làm tất cả mọi thứ ngay bây giờ, rồi sau đó mới quay lại bảo đảm an ninh cho họ và dỡ bỏ trừng phạt”, Ngoại trưởng Nga phát biểu.
Ông Lavrov đổ lỗi cho tình trạng bế tắc hiện nay là do cộng đồng quốc tế chưa sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về nhân đạo khẩn cấp của Triều Tiên. Điều này xuất phát từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
“Ngay cả những hàng hóa không nằm trong lệnh trừng phạt, bao gồm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và lệnh trừng phạt của Mỹ, vẫn rất khó để chuyển đến Triều Tiên vì các công ty sản xuất, cũng như các công ty vận tải, đều lo sợ. Họ chỉ đơn giản là cảm thấy lo sợ, mặc dù đó là giao dịch hợp pháp, nhưng giao dịch với Triều Tiên, họ có thể lại bị trừng phạt”, Ngoại trưởng Nga nói thêm.
Ông Lavrov đề nghị Mỹ quay lại đàm phán với Triều Tiên và dỡ bỏ trừng phạt Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để giúp vượt qua tình hình hiện tại. Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên kiềm chế”, Ngoại trưởng Nga nói.
Ngoại trưởng Mỹ đánh giá tốt những nỗ lực của Nga trong việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Ông Pompeo cũng hy vọng Moscow sẽ đưa tất cả các lao động Triều Tiên về nước trước hạn chót của Liên Hợp Quốc.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2017 đã ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, với mục đích cắt đứt mọi nguồn cung tài chính cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nghị quyết yêu cầu các nước phải trục xuất người lao động Triều Tiên về nước trước ngày 22/12.
“Đây đều là những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà chính Nga đã bỏ phiếu thông qua. Có nhiều lao động Triều Tiên vẫn đang làm việc ở Nga. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu họ phải rời đi. Chúng tôi hy vọng rằng Nga có thể hoàn tất việc này và tuân thủ chặt chẽ điều đó”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Hơn 30.000 người Triều Tiên đã đăng ký lưu trú tại Nga tính đến tháng 12/2017. Họ chủ yếu tập trung tại các vùng viễn Đông thưa dân của Nga và làm việc trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, nghề cá.
Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 100.000 người lao động Triều Tiên ở nước ngoài và lực lượng này sẽ gửi khoảng 500 triệu USD về nước mỗi năm. Hai quốc gia có số lượng công dân Triều Tiên làm việc nhiều nhất hiện nay là Nga và Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/32041-my-diu-giong-voi-trieu-tien-sau-man-khau-chien-cang-thang.html
Máy bay trinh sát Mỹ bay qua thủ đô Hàn Quốc
sau khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm mới
Một nhà theo dõi hàng không cho biết hôm thứ Hai (9/12), máy bay trinh sát của Mỹ đã bay trên các khu vực của thủ đô Seoul, Hàn Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Bình Nhưỡng thông báo đã tiến hành một “thử nghiệm rất quan trọng” tại điểm phóng vệ tinh Sohae.
Chiếc U.S. RC-135W Rivet Joint được phát hiện bay trên Bán đảo Triều Tiên ở độ cao 31,000 feet, Aircraft Spots cho biết trên Twitter nhưng không cho biết thời gian chính xác của hoạt động bay.
Chuyến bay mới nhất diễn ra sau khi Triều Tiên nói họ đã thực hiện “một thử nghiệm rất quan trọng” tại địa điểm phóng vệ tinh Sohae vào thứ Bảy (7/12), đề cập đến địa điểm Dongchang-ri tại tỉnh Pyongan phía bắc Triều Tiên.
Mặc dù Bình Nhưỡng không nói chi tiết về những gì mà họ đã thử nghiệm, nhưng các chuyên gia cho biết vụ thử nghiệm dường như có liên quan đến một loại động cơ tên lửa mới có thể được sử dụng cho tên lửa tầm xa mới hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBMs) của Triều Tiên, theo Yonhap.
Khi Triều Tiên gia tăng căng thẳng thông qua các động thái quân sự, Hoa Kỳ đã điều một số loại máy bay giám sát trên Bán đảo Triều Tiên trong những ngày gần đây với nhiệm vụ rõ ràng để theo dõi Triều Tiên. Chỉ trong tháng nay, Rivet Joint đã bay qua Hàn Quốc ba lần.
Những bất đồng
lung lay thỏa thuận hạt nhân Trump – Kim
Trump năm ngoái tự tin khoe sẽ “không còn mối đe dọa hạt nhân” từ Triều Tiên. Giờ đây, ông có nguy cơ nhận “món quà Giáng sinh” từ Bình Nhưỡng.
Mùa hè năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore. Đó là cuộc gặp lịch sử trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng suốt hàng thập kỷ qua đã bất đồng về vũ khí hạt nhân. Hai lãnh đạo cùng ký một tuyên bố chung, đặt ra tầm nhìn đầy tham vọng về tương lai hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
“Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa”, Tổng thống Trump tweet chưa đầy 24 giờ sau cuộc gặp ngày 12/6 với lãnh đạo Triều Tiên.
Một năm rưỡi sau, bầu không khí lạc quan biến mất. Triều Tiên hồi tháng 5 nối lại các vụ thử tên lửa tầm ngắn và hôm 10/12 tuyên bố đã tiến hành một cuộc thử nghiệm “rất quan trọng” tại bãi phóng tên lửa Sohae. Bình Nhưỡng ra hạn chót vào cuối năm nay cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington, đe dọa về một “món quà Giáng sinh” không mong muốn gửi tới Mỹ, đồng thời tiếp tục dùng những lời lẽ nặng nề ám chỉ Tổng thống Mỹ.
Trump, người đang vướng vào cuộc chiến luận tội với phe Dân chủ ở Hạ viện, gần như phớt lờ “hạn chót” của Bình Nhưỡng và không còn đề cập nhiều đến vấn đề Triều Tiên. Nhưng cuối tuần qua, ông quay trở lại tâm bão, đề cao “thỏa thuận phi hạt nhân hóa mạnh mẽ” ở Singapore nhưng cảnh báo Triều Tiên có thể “mất mọi thứ” nếu hành động theo cách thù địch.
Vậy điều gì đã xảy ra với “thỏa thuận phi hạt nhân hóa mạnh mẽ” được Trump và Kim Jong-un cùng đặt bút ký tại Singapore?
Trong năm đầu nhiệm kỳ của Trump, căng thẳng giữa Mỹ và Triều liên tục leo thang, Bình Nhưỡng thực hiện ít nhất 20 vụ thử tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, và thử cả vũ khí hạt nhân mới. Tháng 8/2017, Trump tuyên bố sẽ “trút lửa giận chưa từng thấy” lên Triều Tiên nếu họ tiếp tục đe dọa Mỹ.
Nhưng đến 2018, căng thẳng dần lắng dịu, Triều Tiên thông báo sẽ dừng thử nghiệm vũ khí. Khi Trump và Kim gặp mặt vào tháng 6, họ ký một văn bản đề ra các mục tiêu: Hòa bình, thịnh vượng và phi hạt nhân hóa.
Cuộc gặp Trump – Kim lần đầu tiên là một sự kiện gây chấn động toàn cầu, thu hút truyền thông từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá tác động thực tế của hội nghị ở Singapore. Về mặt công khai, hai bên chỉ đưa ra một tuyên bố với vỏn vẹn 400 từ, đề cập 4 vấn đề mơ hồ: Cam kết thiết lập một mối quan hệ Mỹ – Triều Tiên mới phù hợp với mong muốn của người dân hai nước về hòa bình và thịnh vượng; Cùng nỗ lực xây dựng một bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định lâu dài; Cam kết hợp tác hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; Cam kết tìm kiếm tù binh và hài cốt những người mất tích trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.
Không có bất kỳ lời hứa nào về việc dừng thử nghiệm vũ khí trong tuyên bố chung, dù vào tháng 4/2018, Kim Jong-un tuyên bố sẽ không tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa vì Triều Tiên đã “hoàn thành” quá trình này.
Trong khi hai lãnh đạo hướng tới những mục tiêu lớn, các cuộc gặp cấp làm việc được kỳ vọng sẽ giúp làm rõ thêm mọi chi tiết liên quan. Nhưng trải qua thời gian, chúng lần lượt bị hủy hoặc kết thúc chóng vánh, chẳng hạn như cuộc gặp ở Stockholm, Thụy Điển, mà Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi là “cuộc đàm phán khủng khiếp” bởi “Mỹ không chịu từ bỏ thái độ cũ”.
Những lời lẽ tâng bốc của Trump dành cho Kim Jong-un cũng không thể giúp hai nước rút ngắn khoảng cách. Hồi tháng 2, hai lãnh đạo lại họp thượng đỉnh ở Hà Nội, nhưng cuộc gặp bị cắt ngắn đột ngột khi đôi bên không thể thống nhất về các điều khoản gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Trong cuộc họp báo sau hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui nói Mỹ đã bỏ phí cơ hội “chỉ có một lần trong đời”.
Tới tháng 6, lãnh đạo hai nước tiếp tục gặp mặt lần ba, khi Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước chân sang lãnh thổ Triều Tiên ở Khu Phi quân sự liên Triều. Dù bước chân của ông chủ Nhà Trắng mang ý nghĩa biểu tượng to lớn, nó vẫn không đủ sức phá vỡ thế trì trệ trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Triều Tiên tháng trước khước từ đề xuất của Trump về hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.
Trump – Kim trong cuộc gặp lần ba tại Khu Phi quân sự liên Triều vào tháng 6 năm nay. Ảnh: KCNA.
Trump – Kim trong cuộc gặp lần ba tại Khu Phi quân sự liên Triều vào tháng 6 năm nay. Ảnh: KCNA.
“Vì chúng tôi không nhận được gì đáp lại từ Mỹ, chúng tôi sẽ không tiếp tục trao cho Tổng thống Mỹ món quà để ông ấy khoe khoang”, Kim Kye-gwan, nhà ngoại giao kỳ cựu Triều Tiên, cho biết trong một thông báo được truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải.
Về các mục tiêu mà Trump và Kim đặt ra trong tuyên bố chung Singapore, giới chuyên gia nhận định tác động chúng mang đến là vô cùng hạn chế. Triều Tiên thực tế đã ngừng thử nghiệm vũ khí và phá hủy một phần cơ sở thử nghiệm hạt nhân, nhưng họ đã làm điều này thậm chí trước cả khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Bên cạnh đó, việc phá hủy bãi thử của Triều Tiên không được kiểm chứng quốc tế và về sau, nước này vẫn tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm ngắn.
Mỹ đã hoãn các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc nhưng từ chối gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Triều Tiên cho là chìa khóa giúp mở cánh cửa đàm phán.
Cuối tháng 7/2018, Mỹ nhận 55 hộp được cho là chứa 55 hài cốt binh sĩ nước này thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng từ đó đến nay, nỗ lực hồi hương hài cốt lính Mỹ bị đình trệ. Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc thông báo sẽ đình chỉ hoạt động tìm kiếm hài cốt binh sĩ mất tích trong chiến tranh bởi giới chức Mỹ không thể liên lạc với các đối tác Triều Tiên.
Thỏa thuận hạt nhân Trump – Kim có nguy cơ đổ vỡ còn xuất phát từ việc hai bên có quan điểm khác nhau về lệnh trừng phạt và vũ khí hạt nhân. Quan điểm của Mỹ là sẽ không gỡ bỏ lệnh trừng phạt nếu
Triều Tiên chưa từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi Bình Nhưỡng chỉ đồng ý hủy bỏ chương trình hạt nhân nếu nhìn thấy Washington có thiện chí gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Mọi chuyện thực sự không đơn giản.
Chẳng hạn, Mỹ dường như sẵn sàng gỡ bỏ trong phạm vi hạn chế một số biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, nhưng họ do dự trong việc xóa bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bởi không thể dễ dàng áp đặt chúng trở lại. Triều Tiên đề xuất phá dỡ cơ sở hạt nhân quan trọng Yongbyon nhưng các quan chức Mỹ cho rằng như vậy là chưa đủ.
Suốt nhiều tháng, hai bên không thể giải quyết bất đồng và “buông xuôi” vấn đề khúc mắc. Nhưng truyền thông Triều Tiên mới đây nhắc lại rằng họ cho Mỹ hạn chót vào cuối năm nay và nếu không nhìn thấy sự thay đổi từ phía Washington, Bình Nhưỡng sẽ tặng họ một “món quà Giáng sinh”, dường như ám chỉ một vụ thử tên lửa tầm xa hay vũ khí hạt nhân.
Sự thay đổi lập trường của Triều Tiên có thể bắt nguồn từ việc họ đang phải vật lộn chống đỡ những áp lực kinh tế không nhỏ từ các biện pháp trừng phạt quốc tế, giới quan sát đánh giá. Nhưng cũng có thể Bình Nhưỡng đang chú ý tới “lịch trình chính trị” ở Mỹ, khi Trump chỉ còn cách cuộc bầu cử tổng thống chưa đầy một năm nữa và ông chưa có thành công nổi bật nào về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu tiên.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32034-nhung-bat-dong-lung-lay-thoa-thuan-hat-nhan-trump-kim.html
Liệu Mỹ có thông qua luật xử phạt TQ về nhân quyền?
Trang tin có trụ sở tại New York, hôm 7/12 đã có bài phân tích nhận định rằng Tổng thống Donald Trump khả năng sẽ ký ban hành một dự luật đang được Nghị viện xem xét về việc trừng phạt chính quyền Trung Quốc về nhân quyền.
Bài viết của The BL đề cập đến việc hôm 3/12, Hạ viện đã thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ, trong đó lên án việc chính quyền Trung Quốc giam giữ khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và những người khác trong các trại tập trung ở khu tự trị Tân Cương.
Khi được áp dụng, Đạo luật này sẽ yêu cầu Nhà Trắng liệt kê đích danh các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền và trình Nghị viện Mỹ trong vòng 120 ngày. Đạo luật không chỉ cho phép chính quyền Tổng thống Trump xử phạt các quan chức Trung Quốc, kể cả Bí thư khu tự trị Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), mà còn cho phép Washington cấm hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Macro Rubio, người bảo trợ của Đạo luật Chính sách Nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ ở Thượng viện, bày tỏ sự tin tưởng chắc chắn rằng văn bản này sẽ được áp dụng vào thực tiễn sau khi Hạ viện thông qua Đạo luật với tỷ lệ áp đảo 407 phiếu ủng hộ và 1 phiếu phản đối. Ông Rubio nói: “Cảm nhận của tôi là nếu nó được thông qua với tỷ lệ áp đảo như ở Hạ viện, thì khó có chuyện nó lại không được ký hoặc cho phép trở thành luật”.
Lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện Kevin McCarthy, nói: “Với việc thông qua dự luật này, Nghị viện đang cho thấy Hoa Kỳ sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước sự đau khổ của những người bị áp bức”.
“Chúng tôi đang gửi một thông điệp đơn giản nhưng mạnh mẽ tới Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng: quyền lực không thể được duy trì bằng cái giá là quyền lợi của nhân dân mà không có hậu quả đáng kể nào”.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham bày tỏ niềm vui rằng cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đứng lên chống lại Trung Quốc. Ông nói: “Đây là thế kỷ 21… Chúng ta sẽ không tha thứ cho một chế độ toàn trị vận hành các trại tập trung để giam giữ người dân dựa trên tình trạng tín ngưỡng của họ”.
Giới quan sát nhận định rằng Tổng thống Trump sẽ ký ban hành Dự luật này, như ông đã làm đối với một dự luật khác ủng hộ nhân quyền ở Hồng Kông, theo The BL.
Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc, bà Sophie Richardson cho biết Dự luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ là “cực kỳ quan trọng đối với những người bị tác động bởi cơn ác mộng này” và tất nhiên chính quyền Trung Quốc “sẽ phẫn nộ”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32021-lieu-my-co-thong-qua-luat-xu-phat-tq-ve-nhan-quyen.html
Thay vì triệt hạ, Mỹ nên thích nghi
với sự vươn lên của Trung Quốc?
Thay vì xem Trung Quốc là một đối thủ nguy hiểm mà Mỹ cần phải cắt đứt quan hệ và tìm cách triệt hạ về kinh tế, chính trị và quân sự, Washington nên chấp nhận thực tế là sự vươn lên của Trung Quốc là không cách nào có thể cản lại được và Mỹ và thế giới đều được hưởng lợi từ sự vươn lên đó, một bài viết trên tạp chí chuyên ngành về đối ngoại ‘Foreign Affairs’ nhận định.
Tác giả Fareed Zakaria trong bài phân tích nhan đề ‘Nỗi sợ mới về Trung Quốc: Tại sao Mỹ không nên hoảng sợ về đối thủ mới nhất này?’ đã trình bày cụ thể những lý do mà VOA Việt ngữ xin lược dịch để giới thiệu đến quý độc giả.
Sự đồng thuận mới
Trong cuộc tranh luận hiện nay của Mỹ về Trung Quốc, có sự đồng thuận mới từ phía lưỡng đảng, cánh quân sự và các cơ quan truyền thông chủ chốt cho rằng Trung Quốc hiện là mối đe dọa đối với Mỹ cả về kinh tế và chiến lược, rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã thất bại, và Washington cần một chiến lược mới mẻ và cứng rắn hơn để kiềm chế Bắc Kinh. Sự đồng thuận này đã đẩy lập trường của công chúng Mỹ về phía gần như là thù địch: theo thăm dò dư luận, có 60% người Mỹ hiện có quan điểm tiêu cực về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – mức cao kỷ lục kể từ khi Trung tâm Nghiên cứu Pew bắt đầu cuộc thăm dò này vào năm 2005.
Cần phải nói rõ: Trung Quốc là một chế độ đàn áp với những chính sách hoàn toàn phi tự do, từ cấm đoán tự do ngôn luận cho đến cầm tù các nhóm tôn giáo thiểu số. Trong năm năm qua, họ đã tăng cường kiểm soát chính trị và kinh tế ở trong nước. Còn ở nước ngoài, họ là kẻ ganh đua và trong một số lĩnh vực là đối thủ của Mỹ. Nhưng câu hỏi chiến lược thiết yếu cho người Mỹ ngày nay là, liệu những sự thật này có khiến Trung Quốc trở thành một mối đe dọa lớn và ở mức độ đe dọa như thế, nó cần được xử lý như thế nào?
Hậu quả của việc phóng đại mối đe dọa của Liên Xô là rất lớn: trong nước Mỹ là sự chà đạp nhân quyền trắng trợn trong thời kỳ McCarthy (vị nghị sỹ đề ra dự luật chống Cộng mang tên ông); cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nguy hiểm; một cuộc chiến tranh dài, vô ích và thất bại ở Việt Nam; và vô số các cuộc thiệp quân sự khác ở những nước được gọi là Thế giới thứ Ba. Hậu quả của việc không hiểu đúng thách thức của Trung Quốc ngày hôm nay sẽ còn lớn hơn nữa. Mỹ có nguy cơ phung phí những lợi ích mà khó khăn lắm mới có được từ bốn thập kỷ can dự với Trung Quốc, khuyến khích Bắc Kinh thực hiện chính sách đối đầu, và đưa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuộc xung đột tàn nhẫn với quy mô và mức độ không rõ ràng. Điều này sẽ dẫn đến nhiều thập kỷ bất ổn và bất an. Một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc có thể sẽ kéo dài và tốn kém hơn nhiều so với cuộc chiến với Liên Xô, với kết cục không chắc chắn.
Mỹ nên dành thời gian để xem xét kỹ các giả định đằng sau sự đồng thuận mới về Trung Quốc. Theo nghĩa rộng, sự đồng thuận đó là: thứ nhất, sự can dự đã thất bại vì nó không ‘chuyển hóa sự phát triển bên trong và hành vi bên ngoài của Trung Quốc’; thứ hai, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hiện là mối đe dọa đáng kể nhất đối với lợi ích của Mỹ và, mở rộng ra, đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Mỹ đã gầy dựng sau năm 1945; thứ ba, chính sách đối đầu tích cực với Trung Quốc sẽ giúp đẩy lùi mối đe dọa tốt hơn là tiếp tục cách tiếp cận trước đó.
Sự đồng thuận lưỡng đảng này ra đời để đáp lại những thay đổi đáng kể và đáng lo ngại ở Trung Quốc. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc, quá trình tự do hóa kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại và cải cách chính trị – dù hạn chế – đã bị đảo ngược. Bắc Kinh bây giờ kết hợp đàn áp chính trị với tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa vốn giống như thời đại Mao Trạch Đông. Ở nước ngoài, Trung Quốc có tham vọng và quyết đoán. Những thay đổi này là có thật và đáng lo ngại.
Can dự và phòng ngừa
Xác định phản ứng hiệu quả đòi hỏi phải bắt đầu từ hiểu biết rõ ràng về chiến lược Trung Quốc của Mỹ cho đến thời điểm này. Điều không thấy trong đồng thuận mới là trong gần năm thập kỷ kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon mở cửa cho Bắc Kinh, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc chưa bao giờ hoàn toàn là can dự mà là sự kết hợp của can dự và răn đe. Vào cuối những năm 1970, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã kết luận rằng việc gắn kết Trung Quốc vào hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu sẽ tốt hơn là để họ ngồi ngoài, tức tối và tìm cách cản trở. Nhưng Washington cũng đồng thời hỗ trợ nhất quán cho các cường quốc châu Á khác, bao gồm, tất nhiên là tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Cách tiếp cận đó, đôi khi được mô tả là một ‘chiến lược phòng ngừa’, đảm bảo rằng khi Trung Quốc trỗi dậy, sức mạnh của nó sẽ được kiểm soát và các nước láng giềng của Trung Quốc cảm thấy an toàn.
Vào những năm 1990, khi kẻ thù Liên Xô không còn nữa, Ngũ Giác Đài đã cắt giảm chi tiêu, đóng cửa căn cứ và giảm quân số trên toàn thế giới, ngoại trừ ở châu Á. Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương năm 1995 của Lầu Năm Góc, còn được gọi là Sáng kiến Nye, đã cảnh báo về việc xây dựng quân đội và tham vọng chính sách đối ngoại của Trung Quốc và tuyên bố rằng Mỹ sẽ không giảm sự hiện diện quân sự trong khu vực. Thay vào đó, ít nhất 100.000 lính Mỹ sẽ ở lại châu Á trong tương lai gần. Bán vũ khí cho Đài Loan sẽ tiếp tục vì hòa bình ở Eo biển Đài Loan để răn đe Bắc Kinh đừng sử dụng vũ lực đối với hòn đảo tự trị này.
Cách tiếp cận phòng ngừa này được duy trì bởi tổng thống của cả hai đảng. Chính quyền George W. Bush đã đảo ngược chính sách phi đảng phái của Mỹ trong hàng thập kỷ để công nhận Ấn Độ là cường quốc hạt nhân mà chủ yếu là để thêm một chốt chặn khác về Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã tăng cường răn đe, mở rộng sự hiện diện ở châu Á với các thỏa thuận quân sự mới với Úc và Nhật Bản và nuôi dưỡng mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam. Đó cũng là mục đích của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được ra đời nhằm để tạo cho các nước châu Á một nền tảng kinh tế cho phép họ kháng cự sự thống trị của Trung Quốc. Bản thân ông Obama đã đương đầu với ông Tập về vấn đề không gian mạng và áp thuế nhập khẩu lốp xe Trung Quốc để trả đũa các chính sách thương mại không công bằng của nước này.
Quốc gia có trách nhiệm?
Trung Quốc ngày nay là một quốc gia có trách nhiệm về địa chính trị và quân sự. Họ đã không gây chiến kể từ năm 1979. Họ cũng không sử dụng vũ lực gây chết chóc ở nước ngoài kể từ năm 1988. Bắc Kinh cũng không tài trợ hoặc hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy vũ trang ở bất cứ đâu trên thế giới kể từ đầu những năm 1980. Sự không can thiệp quân sự đó là kỷ lục duy nhất trong số các đại cường. Tất cả các ủy viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã sử dụng vũ lực nhiều lần ở nhiều nơi trong vài thập kỷ qua với Mỹ là nước dẫn đầu.
Bắc Kinh đã đi từ nỗ lực làm suy yếu trật tự quốc tế đến bỏ ra số tiền lớn để củng cố trật tự đó. Bắc Kinh hiện là nước đóng góp lớn thứ hai cho Liên Hiệp Quốc và chương trình gìn giữ hòa bình của cơ quan này. Họ đã triển khai 2.500 nhân viên gìn giữ hòa bình, nhiều hơn tất cả các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an gộp lại. Từ năm 2000 cho đến 2018, Bắc Kinh ủng hộ 182 trong số 190 nghị quyết của Hội đồng Bảo an áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia được coi là đã vi phạm luật pháp hoặc chuẩn mực quốc tế.
Nếu ai đó đã dự đoán vào năm 1972 rằng Trung Quốc sẽ trở thành người bảo vệ nguyên trạng quốc tế, ít ai có thể tin rằng nó sẽ xảy ra.
Chơi xấu về kinh tế?
Sự đồng thuận mới về hành vi kinh tế của Trung Quốc cho rằng nước này đã buộc các công ty đa quốc gia chuyển giao công nghệ của họ, đã trợ cấp cho ‘công ty nhà nước hàng đầu’ và đã dựng lên các rào cản chính thức và không chính thức để chặn đường các công ty nước ngoài đang tìm cách thâm nhập thị trường Trung Quốc. Nói tóm lại, Bắc Kinh đã sử dụng nền kinh tế quốc tế mở để củng cố hệ thống kinh tế đặt dưới sự quản lý Nhà nước của họ.
Đúng là những chính sách không công bằng này cần được phần còn lại của thế giới chú ý và đáp trả. Chính quyền Trump xứng đáng được khen ngợi vì đã giải quyết vấn đề này, đặc biệt là trong bối cảnh ông Tập củng cố sự kiểm soát của Nhà nước sau nhiều thập kỷ tự do hóa. Và một lần nữa, Mỹ cần phải phản ứng như thế nào mới là đúng?
Hầu hết các kinh tế gia đều đồng ý rằng Trung Quốc thành công về kinh tế như vậy nhờ vào ba nhân tố cơ bản: chuyển đổi từ nền kinh tế cộng sản sang cách tiếp cận mang tính thị trường hơn, tỷ lệ tiết kiệm cao giúp họ có thể đầu tư vốn ào ạt và năng suất gia tăng. Trong ba thập kỷ qua, quốc gia này cũng đã mở tiếp nhận đầu tư nước ngoài một cách đáng kể. Trung Quốc là một trong chỉ hai quốc gia đang phát triển có mặt trong 25 thị trường hàng đầu tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 1998. Trong nhóm BRICS các quốc gia mới nổi lớn, Trung Quốc luôn được xếp hạng là nền kinh tế mở và cạnh tranh nhất.
Điều đáng chú ý là hầu hết những cáo buộc nhằm vào Trung Quốc ngày nay như ép buộc chuyển giao công nghệ, thương mại không công bằng, hạn chế tiếp cận đối với các công ty nước ngoài, ưu ái về luật lệ cho các công ty tong nước, cũng từng là những chỉ trích nhằm vào Nhật Bản trong những năm 1980 và 1990.
Vào thời điểm đó, cuốn sách có ảnh hưởng lớn của Clyde Prestowitz với tựa đề: Đổi ngôi: ‘Làm thế nào nước Mỹ đầu hàng tương lai cho Nhật Bản và làm thế nào để giành lại vị thế’ giải thích rằng nước Mỹ chưa bao giờ tưởng tượng phải xử lý một quốc gia mà ‘công nghiệp và thương mại được tổ chức như một phần của nỗ lực đạt được các mục tiêu quốc gia cụ thể.’ Khi tăng trưởng của Nhật Bản giảm dần, những nỗi sợ hãi quá đà này cũng dần biến mất.
Trung Quốc ngày nay đặt ra một số thách thức mới, đặc biệt là quyết tâm của ông Tập để nhà nước đóng vai trò hàng đầu trong việc giúp nước này chiếm ưu thế kinh tế trong các lĩnh vực quan trọng. Nhưng lợi thế lớn nhất của Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu không đến từ việc họ sẵn sàng vi phạm các quy tắc mà từ quy mô quá lớn của nó. Các quốc gia và công ty muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc phải sẵn sàng nhượng bộ để được tiếp cận. Điều này cũng không có gì bất thường. Các quốc gia khác có sức mạnh tương tự thường có cách làm tương tự hoặc thậm chí còn tệ hơn nữa mà cũng chẳng hề hấn gì. Một báo cáo năm 2015 của Credit Suisse tổng kết một loạt các rào cản phi thuế quan mà các nước lớn áp đặt trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2013 với Mỹ gần như đứng một mình không nước nào bằng. Tiếp theo là Ấn Độ, sau đó là Nga. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ năm với số lượng rào cản phi thuế quan chỉ bằng một phần ba của Mỹ. Mọi thứ đã không thay đổi nhiều kể từ đó.
Hầu hết những thay đổi gần đây trong chính sách kinh tế của Bắc Kinh đều tiêu cực, nhưng không phải toàn bộ đều là như vậy. Ngay cả khi ông Tập thiết lập trở lại sự kiểm soát nhà nước chặt chẽ hơn, thị trường tự do đã lớn mạnh trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhà nước hơn so với vài năm trước đây, nhưng Bắc Kinh đã từ bỏ chính sách vốn từng đóng vai trò trung tâm trong chiến lược thương mại của họ: phá giá đồng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Kinh tế gia Nicholas Lardy đã tính toán rằng việc chấm dứt cách làm này ‘chịu trách nhiệm đến phân nửa trong đà suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu’.
Theo ông Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, vấn đề số một trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc là ‘hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ’. Việc Trung Quốc có hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ tràn lan là một thực tế được thừa nhận rộng rãi. Một khảo sát gần đây Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung thực hiện cho thấy bảo vệ sở hữu trí tuệ đứng thứ sáu trong danh sách các mối quan tâm cấp bách của các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, giảm từ vị trí thứ hai năm 2014. Đó chính là năm mà Trung Quốc đã thiết lập các tòa án chuyên môn đầu tiên để thụ lý các vụ án sở hữu trí tuệ. Trong năm 2015, các nguyên đơn nước ngoài đã đưa 63 vụ ra Tòa án Sở hữu trí tuệ Bắc Kinh và tòa đã phán phán quyết phần thắng cho các công ty nước ngoài trong tất cả 63 vụ.
Tất nhiên, những cải cách như thế này thường chỉ được thực hiện khi đối mặt với áp lực của phương Tây và, ngay cả khi đó, chúng phục vụ lợi ích cạnh tranh của chính Trung Quốc -hãng xin bằng sáng chế lớn nhất thế giới năm ngoái là hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei.
Cho Trung Quốc vai trò xứng đáng?
Còn về các diễn biến chính trị, mọi việc là không thể nghi ngờ. Trung Quốc đã không mở cửa chính trị đến mức nhiều người mong đợi; trên thực tế họ tiến tới đàn áp và kiểm soát chặt chẽ hơn. Sự đối xử tàn tệ của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nhà nước cũng đã bắt đầu sử dụng các công nghệ mới, như phần mềm nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo, để tạo ra một hệ thống kiểm soát xã hội toàn diện. Tuy nhiên, sẽ là cường điệu khi cho rằng chúng là bằng chứng cho sự thất bại của chính sách Mỹ. Trên thực tế, rất ít quan chức Mỹ từng lập luận rằng việc can dự sẽ dẫn đến nền dân chủ tự do ở Trung Quốc. Họ chỉ hy vọng rằng nó sẽ xảy ra, nhưng trọng tâm của họ luôn là điều chỉnh hành vi bên ngoài của Trung Quốc, điều mà họ đã thành công.
Dưới thời ông Tập, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trở nên tham vọng và quyết đoán hơn, từ việc theo đuổi vai trò lãnh đạo tại các cơ quan Liên Hợp Quốc đến Sáng kiến Vành đai và Con đường và bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông. Những động thái này đánh dấu sự đoạn tuyệt với chính sách trước đó của Bắc Kinh trên vũ đài quốc tế theo phương châm do cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình để lại là ‘Giấu mình chờ thời’. Đặc biệt, quân đội Trung Quốc được xây dựng với quy mô và được thiết lập theo cách cho thấy họ đang thực hiện một cách có hệ thống kế hoạch dài hạn. Nhưng đối với Mỹ mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc như thế nào là chấp nhận với trọng lượng kinh tế của họ trên thế giới? Nếu trước tiên Washington không đặt ra câu hỏi này, họ không thể đưa ra những tuyên bố nghiêm túc rằng Trung Quốc sử dụng quyền lực nào là vượt qua giới hạn. Trung Quốc, theo một số tiêu chí, đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong vòng mười đến 15 năm tới, nước này có thể sẽ chiếm được vị trí này tính theo tất cả các tiêu chí. Ông Đặng đưa ra lời khuyên ‘giấu mình chờ thời’ khi nền kinh tế Trung Quốc chiếm khoảng 1% GDP toàn cầu. Ngày nay, nó chiếm hơn 15%. Trung Quốc thực sự đã chờ đợi thời cơ của mình, và giờ đây, một Trung Quốc mạnh mẽ hơn tự nhiên sẽ tìm kiếm vai trò lớn hơn ở khu vực và toàn cầu.
Hoa Kỳ vào năm 1823 là được xem là quốc gia đang phát triển theo tiêu chuẩn bây giờ, thậm chí còn không nằm trong số năm nền kinh tế hàng đầu thế giới, và với Học thuyết Monroe, nước này đã tuyên bố toàn bộ bán cầu Tây là ‘không thể đụng đến’ đối với các cường quốc châu Âu. Trường hợp của Mỹ là lời nhắc nhở rằng khi các nước có được sức mạnh kinh tế, họ tìm kiếm sự kiểm soát và ảnh hưởng lớn hơn đối với không gian của họ. Nếu Washington xem nỗ lực tương tự của Trung Quốc là nguy hiểm, thì nước Mỹ sẽ đi ngược lại sự vận động tự nhiên của đời sống quốc tế và rơi vào ‘cái bẫy Thucydides’, tứcnguy cơ chiến tranh giữa một cường quốc mới nổi và cường quốc hiện trạng.
Trung Quốc khó lòng là mối đe dọa mang tính sống còn đối với trật tự quốc tế tự do. Đối với Mỹ, đối phó với một đối thủ như vậy là một thách thức mới. Kể từ năm 1945, các quốc gia mới vươn lên trở thành phồn vinh và có địa vị nổi bật đều là những đồng minh thân cận nhất của Washington như: Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ lớn hơn nhiều so với các nước đó mà nó còn nằm ngoài cấu trúc liên minh và phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Thách thức đối với Hoa Kỳ và phương Tây nói chung là xác định phạm vi có thể chấp nhận được đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và thích nghi với nó.
Cho đến nay, phương Tây đã hành động rất kém để thích nghi với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cả Hoa Kỳ và Châu Âu đều không muốn để mất phần về tay Trung Quốc trong các định chế kinh tế toàn cầu cốt lõi như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm kiếm vai trò lớn hơn trong Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhưng Mỹ đã chống lại. Kết quả là vào năm 2015, Bắc Kinh đã thành lập định chế tài chính đa phương của riêng mình, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á vốn gặp phải sự phản đối của Washington nhưng vô vọng. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã phát biểu một cách kẻ cả rằng Mỹ và các đồng minh phải kiềm giữ Trung Quốc ở ‘nơi thích hợp của họ’. Tội lỗi của Trung Quốc, theo ông Pompeo, là họ chi cho quân đội nhiều hơn cần thiết để phòng thủ. Nhưng Mỹ, Pháp, Nga, Anh và hầu hết các nước lớn khác đều làm như vậy.
Trật tự thế giới cũ mà các nước châu Âu có trọng lượng lớn trên trường quốc tế trong khi những quốc gia khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ bị loại khỏi hàng đầu của các tổ chức toàn cầu là không thể bền vững. Trung Quốc sẽ phải được dành cho vị trí xứng đáng và thực sự được cơ cấu vào các cấu trúc ra quyết định, nếu không họ sẽ tự hành động và đơn phương tạo ra các định chế và trật tự mới của riêng mình. Sự vươn lên của Trung Quốc nắm lấy quyền lực toàn cầu là nhân tố mới quan trọng nhất trong hệ thống quốc tế trong nhiều thế kỷ.
Không đe dọa trật tự thế giới như Nga?
Đối với nhiều người, sự trỗi dậy của Bắc Kinh đã gióng lên hồi chuông báo tử đối với trật tự quốc tế tự do được Mỹ thiết lập sau Đệ nhị Thế chiến, vốn bao gồm hệ thống dựa trên luật pháp giúp giảm bớt nguy cơ chiến tranh và tạo điều kiện cho giao thương và nhân quyền phát triển. Tính chất chính trị của Trung Quốc, một nhà nước độc đảng vốn không dung thứ chống đối hay bất đồng chính kiến và một số hành động của họ trên quốc tế khiến họ trở thành một thành viên không thoải mái trong trật tự này. Tuy nhiên, cần nhớ rằng trật tự quốc tế không bao giờ tự do, hoặc có trật tự thật sự. Bản thân nước Mỹ cũng thường hành động bên ngoài các quy tắc của trật tự này chẳng hạn như họ thường xuyên can thiệp quân sự có hoặc không có sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc; trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến 1989, khi Mỹ được cho là đang xây dựng trật tự quốc tế tự do, họ đã tìm cách thay đổi chế độ 72 lần trên toàn thế giới. Mỹ cũng thực thi chủ nghĩa bảo hộ trong khi sỉ vả các biện pháp thương mại ôn hòa hơn của các nước khác.
So với Nga, vốn tìm cách phá vỡ thế giới dân chủ phương Tây và thường được hưởng lợi trực tiếp từ sự bất ổn vì nó làm tăng giá dầu (nguồn thu nhập lớn nhất của Kremlin), Trung Quốc không có vai trò như vậy. Khi họ thật sự bẻ cong các quy tắc và tham gia vào chiến tranh mạng, họ đánh cắp các bí mật quân sự và kinh tế thay vì tìm cách phá hoại các cuộc bầu cử dân chủ ở Hoa Kỳ hoặc Châu Âu. Bắc Kinh lo ngại bất đồng và chống đối và đặc biệt nhạy cảm về Hong Kong và Đài Loan và sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để kiểm duyệt các công ty phương Tây trừ khi họ đi theo đường lối của đảng. Nhưng Bắc Kinh làm như vậy là để bảo vệ điều mà họ xem là chủ quyền chứ không giống như những nỗ lực có hệ thống của Moscow nhằm phá hoại nền dân chủ phương Tây.
Sự trỗi dậy của một quốc gia độc đảng vốn bác bỏ các khái niệm cốt lõi về nhân quyền là một thách thức. Các chính sách đàn áp của Bắc Kinh đe dọa các yếu tố của trật tự quốc tế tự do, như nỗ lực hạ thấp các chuẩn mực nhân quyền toàn cầu và hành xử của họ ở Biển Đông. Những vấn đề cần được xem xét một cách trung thực. Trung Quốc rất muốn né tránh bị định danh các vi phạm nhân quyền và nghị trình đó cần được vạch trần và chống lại. Tuy nhiên, quyết định của chính quyền Trump rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lại có tác dụng ngược bằng cách nhượng sân chơi lại cho Bắc Kinh.
Giả định cuối cùng trong sự đồng thuận mới là kiên trì đối đầu với Trung Quốc sẽ ngăn hành động phiêu lưu của họ ở nước ngoài và tạo tiền đề cho sự thay đổi bên trong. Tức là lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc sẽ buộc nước này phải biết điều và thậm chí phải cải cách. Trung tâm của chiến lược diều hâu này là quan niệm rằng kiềm chế Trung Quốc sẽ dẫn đến sự sụp đổ chế độ, giống như đã xảy ra với Liên Xô.
Nhưng Trung Quốc không phải là Liên Xô, một đế chế phi tự nhiên được xây dựng trên sự bành trướng tàn bạo và thống trị quân sự. Ở Trung Quốc, Mỹ đối đầu với một nền văn minh, và một quốc gia, với ý thức đoàn kết và niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ. Trung Quốc đang trở thành một đồng đẳng kinh tế của Mỹ và thực sự là nước đi đầu về công nghệ trong một số lĩnh vực. Dân số của họ gấp nhiều lần của Mỹ và là thị trường lớn nhất thế giới cho hầu hết mọi hàng hóa trên thế giới. Nó có trữ lượng ngoại hối lớn nhất trên hành tinh.
Phụ thuộc lẫn nhau
Lầu Năm Góc đã đưa ra khái niệm Trung Quốc là ‘đối thủ chiến lược’ hàng đầu. Nếu xem Trung Quốc là kẻ thù tức là nước Mỹ quay trở lại thời đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, khi mà Lầu Năm Góc có thể tăng ngân sách rất nhiều bằng cách thổi phồng bóng ma của một đối thủ với quân đội rủng rỉnh tiền bạc, tân tiến với công nghệ mũi nhọn. Trong khi đó, khả năng răn đe hạt nhân và sự thận trọng của các cường quốc đảm bảo rằng một cuộc chiến toàn diện giữa hai bên sẽ không bao giờ xảy ra. Chi phí cho một cuộc chiến tranh lạnh như vậy với Trung Quốc sẽ là vô cùng lớn, làm biến dạng nền kinh tế Mỹ.
Ngoài ra Mỹ và Trung Quốc còn có sự phụ thuộc lẫn nhau. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 527% kể từ năm 2001 và trong năm 2018, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ. Hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ, cùng với gần năm triệu công dân Mỹ gốc Hoa. Mỹ đã hưởng lợi rất nhiều từ việc là nơi tập trung những bộ óc thông minh nhất để thực hiện nghiên cứu mũi nhọn nhất và sau đó áp dụng nó vào mục đích thương mại. Nếu Mỹ cấm cửa những tài năng như vậy chỉ vì họ đến từ Trung Quốc, Mỹ sẽ nhanh chóng mất vị thế đặc quyền trong thế giới công nghệ và sáng tạo.
Trong các vấn đề về công nghệ, chiến lược của chính quyền Trump là cắt đứt với Trung Quốc và buộc phần còn lại của thế giới phải làm theo, chẳng hạn trong lệnh cấm tập đoàn viễn thông Huawei. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới không nghe theo vì Mỹ thiếu công nghệ thay thế để cạnh tranh với các sản phẩm 5G của Huawei. Chính quyền Trump đã yêu cầu 61quốc gia cấm cửa Huawei nhưng cho đến nay chỉ có ba nước tham gia và đều là đồng minh thân cận của Mỹ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia ngoài Mỹ, bao gồm các nước lớn ở Tây bán cầu, chẳng hạn như Brazil. Khi được hỏi họ sẽ phản ứng thế nào về việc cắt đứt giữa Mỹ và Trung, các nhà lãnh đạo trên thế giới hầu như đều đưa ra câu trả lời giống nhau là: ‘Đừng yêu cầu chúng tôi chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Quý vị sẽ không thích câu trả lời đâu’. Hơn nữa, nếu Trung Quốc bị cô lập thì họ sẽ xây dựng chuỗi cung ứng và công nghệ nội địa của riêng mình và khi đó áp lực của Mỹ sẽ không làm gì được.
Trung Quốc cũng có thành phần cứng rắn như Mỹ. Những người này đã cảnh báo trong nhiều năm rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đang khiến cho thành phần diều hâu này chứng tỏ tầm ảnh hưởng của họ và từ đó cho họ đòn bẩy để thúc đẩy hành vi quyết đoán và gây bất ổn – chính là điều mà Mỹ muốn tránh.
Vấn đề là liệu Mỹ có nên cạnh tranh trong khuôn khổ quốc tế ổn định hay không và tiếp tục hội nhập Trung Quốc thay vì cố gắng cô lập bằng mọi giá. Một trật tự quốc tế bị phá vỡ, bị rẽ đôi với những hạn chế nhằm vào nahu và thuế vào thương mại, công nghệ và du lịch, sẽ dẫn đến sự giảm sút thịnh vượng, bất ổn dai dẳng và nguy cơ xung đột quân sự trên toàn cầu.
Khó lòng soán ngôi Mỹ?
Nhận định của nhà báo Fareed Zakaria cũng giống như ý kiến của ông Richard Heydarian, phó giáo sư chính trị học thuộc Đại học De La Salle, Philippines, tại một buổi thảo luận bàn tròn mới đây ở Viện Hudson, Washington D.C., với chủ đề ‘Đẩy lùi Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’.
Vị giáo sư này nói rằng việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương ‘không phải là vấn đề đương đầu hay loại bỏ Trung Quốc mà là đảm bảo chúng ta có thể xử lý sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng một cách có thể chấp nhận được và có lợi ích cho cả hai bên’.
Ông dẫn lại nhận định của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người mà ông cho rằng ‘rất am hiểu về Trung Quốc, rằng ‘sự trỗi dậy của Trung Quốc đột biến đến mức nó sẽ thay đổi bản thân trật tự thế giới chỉ vì quy mô, tầm ảnh hưởng và tham vọng của Trung Quốc’.
“Chúng ta cảm thấy điều này rất rõ ở khu vực đông nam Á,” ông nói. “Đây không chỉ là một cường quốc mới nổi khác mà chúng ta phải tìm cách cân bằng mà là cường quốc thay đổi luật lệ của cuộc chơi.”
Tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ và thế giới không nên quá lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc vì theo ông lập luận, dù có trỗi dậy đi nữa, Trung Quốc cũng khó lòng soán ngôi Mỹ.
“Rất nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng Trung Quốc sắp vượt qua Mỹ vì quy mô GDP của họ quá lớn,” ông nói. “Nhưng sức mạnh của một nước không chỉ đơn thuần là quy mô của nền kinh tế mà còn là tài nguyên, là nguồn nhân lực, là mức sống và là khả năng có được công nghệ của nước đó.”
Ông đưa ra dẫn chứng là trong một lĩnh vực mũi nhọn là công nghệ sinh học ‘Mỹ hiện đi trước Trung Quốc khá xa’.
“Nhiều người hoảng sợ vì Trung Quốc đang cho ra lò đến một triệu khoa học gia mỗi năm. Nhưng vấn đề là chất lượng của các khoa học gia này, họ có tỷ lệ trích dẫn và bài báo đăng trên các tạp chí ISI đến đâu,” ông phân tích.
Một lý do nữa mà Trung Quốc khó lòng giành lấy vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ là ‘người dân khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn muốn Mỹ là nước lãnh đạo nhiều hơn Trung Quốc mặc dù đã có những nghi ngờ về chính quyền Trump.
Ông cho biết về mặt chính thức lãnh đạo các nước đông nam Á hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khôn khổ Ý tưởng Vành đai-Con đường nhưng ‘trong hậu trường có rất nhiều nghi ngại từ phía các chuyên gia và các quan chức chính phủ’.
Ông cũng chỉ ra rằng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng mà ông cho là tuyến đầu của cuộc cạnh tranh địa chính trị, ảnh hưởng của Trung Quốc ở đông nam Á không lớn như nhiều người tưởng mà thật ra Nhật Bản mới là người dẫn đầu.
“Nếu nhìn vào đông nam Á thì Nhật có nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hơn Trung Quốc,” ông nói và cho biết ở những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông như Việt Nam và Philippines, Nhật Bản là nước dẫn đầu trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bỏ xa các nước khác.
Ông cho biết ở Việt Nam, Nhật hiện có 74 dự án cơ sở hạ tầng so với chỉ 24 dự án của Trung Quốc.
Hoa Kỳ – Canada – Mexico
đạt được thoả ước thương mại USMCA
Tin từ Washington, D.C. – Các viên chức cao cấp của Hoa Kỳ và Canada sẽ đến Mexico vào thứ ba (ngày 10 tháng 12) để hoàn tất những thay đổi cuối cùng trong thỏa thuận thương mại USMCA, mở đường cho một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Hoa Kỳ trước cuối năm nay.
Vào sáng ngày thứ Ba (10 tháng 12), chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cho biết bà dự kiến sẽ nhận được thỏa thuận USMCA vào chiều nay, và bà đồng ý rằng hiệp ước USMCA tốt hơn NAFTA. Chính quyền Tổng Thống Trump và đảng Dân chủ hiện đang gấp rút hoàn tất thỏa thuận sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng với Mexico về những thay đổi liên quan tới lực lượng lao động, thép và nhôm, ma túy và dịch vụ internet.
Theo Reuters, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và cố vấn Tòa Bạch Ốc Jared Kushner sẽ đến Mexico trong ngày thứ ba để hoàn tất thỏa thuận, và tham gia cùng họ là Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland. USMCA là thỏa thuận mới nhằm thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã 26 năm tuổi. Thỏa thuận này bao gồm 12 triệu việc làm tại Hoa Kỳ và 1/3 lượng nông sản xuất cảng của nước này. USMCA cần phải được sự chấp thuận của các nhà lập pháp ở cả ba quốc gia.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ từ cả hai Đảng cho biết việc bỏ phiếu phê chuẩn USMCA trong năm nay sẽ thuận lợi hơn vì không trùng với các cuộc vận động tranh cử và việc luận tội Tổng thống Trump. Hạ viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu vào tuần tới. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-canada-mexico-dat-duoc-thoa-uoc-thuong-mai-usmca/
Cố vấn TT Trump không dự lễ nhậm chức
tổng thống Argentina vì có quan chức Venezuela
Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư 11/12 không dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Argentina, Alberto Fernandez, và cũng không dự các cuộc họp đã được lên kế hoạch. Vị cố vấn này không hài lòng về sự hiện diện của các quan chức thuộc chính phủ Venezuela dưới quyền ông Nicolas Maduro.
Đặc sứ Mauricio Claver-Carone nói với báo địa phương Clarin rằng ông đã ra về sớm sau khi thấy “ngạc nhiên” trước sự hiện diện của các vị khách trong đó có Bộ trưởng Thông tin Venezuela, ông Rod Rodríguez.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Argentina đã xác nhận về những phát biểu của vị đặc sứ.
Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây đã kêu gọi ông Maduro từ chức, và họ công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela, Juan Guaido, là tổng thống hợp pháp.
Tân Tổng thống Fernandez của Argentina đang phải cố gắng đi dây ngoại giao giữa Hoa Kỳ và các đồng minh cánh tả bao gồm Venezuela. Phó tổng thống của ông, Cristina Fernandez de Kirchner, đã có quan hệ thân thiết với ông Maduro vào cuối nhiệm kỳ 2007-2015 của bà.
Đặc sứ Claver-Carone nói rằng mối quan hệ với ông Maduro không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho Argentina. Ông nói Argentina nên tập trung vào việc làm thế nào họ có thể làm việc song phương với Mỹ và với các đồng minh khác.
Các quan chức khác của Hoa Kỳ vẫn tham dự và gặp gỡ với ông Fernandez, đó là Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar; và Michael Kozak, quyền trợ lý ngoại trưởng chuyên trách Tây bán cầu.
Tổng thống tiền nhiệm của Argentina, Mauricio Macri, người của phe bao thủ và bàn giao quyền lực cho ông Fernandez hôm 10/12, từng là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ về vấn đề Venezuela.
Lục quân Mỹ sẽ tài trợ nhà máy đất hiếm
để phát triển vũ khí
Lục quân Hoa Kỳ có kế hoạch tài trợ cho việc xây dựng các cơ sở chế biến đất hiếm, là một phần trong nỗ lực khẩn cấp của Washington nhằm đảm bảo nguồn cung các khoáng sản trong nước dùng để chế tạo vũ khí và đồ điện tử quân sự, Reuters cho biết trong một bản tin độc quyền, dẫn tài liệu của chính phủ Mỹ mà họ được xem.
Động thái này sẽ là một dấu mốc về việc lần đầu tiên quân đội Hoa Kỳ đầu tư tài chính vào sản xuất đất hiếm có quy mô thương mại kể từ khi Dự án Manhattan thời Thế chiến II chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên.
Chương trình nêu trên ra đời sau khi Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm nay ra lệnh cho quân đội cập nhật chuỗi cung các vật liệu quan trọng, ông cảnh báo rằng sự lệ thuộc vào các quốc gia khác về khoáng sản chiến lược có thể là trở lực đối với hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Trung Quốc, nước tinh chế hầu hết các loại đất hiếm trên thế giới, đã đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu các khoáng sản chuyên dụng sang Hoa Kỳ. Họ sử dụng thế độc quyền như một con bài trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đơn vị của Lục quân Mỹ giám sát về đạn dược hồi tháng trước đã yêu cầu các hãng khai khoáng nộp hồ sơ về chi phí cho một nhà máy thí điểm để sản xuất loại đất hiếm nặng, một loại khoáng sản chuyên dụng khá hiếm được sử dụng trong vũ khí, theo tài liệu của chính phủ Mỹ mà Reuters được xem.
Hạn nộp hồ sơ là ngày 16/12. Một số quan chức của các công ty và các nguồn thạo tin cho Reuters biết là nhiều khả năng UCore, Texas Mineral Resources Corp và một liên doanh giữa Lynas Corp và Blue Line Corp sẽ nộp hồ sơ.
Lục quân Mỹ nói họ sẽ tài trợ tới 2/3 chi phí cho nhà máy tinh chế và họ sẽ tài trợ cho ít nhất một dự án, và có thể sẽ tài trợ nhiều hơn nữa. Các bên nộp hồ sơ phải đưa ra kế hoạch kinh doanh chi tiết và cho biết rõ nguồn quặng của họ ở đâu, bên cạnh các yếu tố khác.
Động thái mới nhất này của Lục quân, một bộ phận của Lầu năm góc, được đưa ra sau một nghiên cứu quân sự hồi đầu năm nay về tình trạng chuỗi cung đất hiếm của Hoa Kỳ.
Căng thẳng về đất hiếm giữa Mỹ và Trung Quốc có nguồn gốc ít nhất là từ năm 2010, khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu sang Nhật Bản sau một tranh chấp ngoại giao, làm cho giá các kim loại cao cấp này tăng vọt và gây lo ngại cho quân đội Hoa Kỳ là Trung Quốc có thể làm điều tương tự với Hoa Kỳ.
Một nhà máy thí điểm xử lý đất hiếm có thể có giá từ 5 triệu đến 20 triệu đô la, tùy thuộc vào vị trí, quy mô và các yếu tố khác; còn một nhà máy quy mô hoàn chỉnh có thể tốn đến hơn 100 triệu đô la để xây dựng, các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành này cho biết.
Hạ viện Mỹ công bố hai điều khoản luận tội Trump
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ, do đảng Dân chủ kiểm soát, đã công bố 2 điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình luận tội.
Điều khoản đầu tiên do người đứng đầu ủy ban, ông Jerry Nadler, cáo buộc ông Trump lạm quyền. Còn điều khoản thứ hai cáo buộc ông cản trở Quốc hội.
Tổng thống Trump được cho là đã từ chối viện trợ cho Ukraine vì lý do chính trị trong nước.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ: “Dư luận ủng hộ điều tra luận tội Trump”
Điều tra luận tội Trump: những ‘kịch bản’ khả dĩ
Ông Trump thúc giục Thượng viện sớm tổ chức phiên xử luận tội.
“Tổng thống muốn được phán xét”, phát ngôn nhân Nhà Trắng Hogan Gidley nói với BBC News.
Ông Trump khẳng định ông “không làm gì sai” và nói rằng quá trình luận tội là “điên rồ.”
Nếu Ủy ban Tư pháp của Hạ viện bỏ phiếu phê chuẩn các điều khoản luận tội vào cuối tuần này thì chúng sẽ được chuyển lên cho toàn thể Hạ viện bỏ phiếu.
Và nếu Hạ viện, hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, thông qua các điều khoản này, thì một phiên luận tội tại Thượng viện, hiện do đảng Cộng hòa nắm giữ, sẽ diễn ra, có thể vào đầu tháng Giêng.
Quá trình luận tội được khởi động sau khi một người nặc danh tố giác trước Quốc hội vào tháng 9 về cuộc điện đàm tháng 7 của ông Trump với tổng thống Ukraine.
Phân tích của Jon Sopel, biên tập viên Bắc Mỹ
Chúng ta biết rằng việc luận tội sẽ xảy ra. Bên cạnh một vài đề tài nhỏ khác, luận tội dường như là chủ đề duy nhất mà tôi viết trong vài tháng qua.
Tuy nhiên, khi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp cáo buộc tổng thống “các tội nặng và nhẹ,” nó vẫn khiến những sợi tóc sau gáy tôi dựng đứng. Dẫu chính trường hiện giờ có đủ những âm thanh và cuồng nộ, đây vẫn không phải là chuyện xảy ra hàng ngày.
Nếu Hạ viện bỏ phiếu luận tội, thì cùng với Andrew Johnson (1868) và Bill Clinton (1998), ông Donald J. Trump sẽ gia nhập danh sách những tổng thống bị trừng phạt theo cách này kể từ khi nước Mỹ độc lập.
Nhưng hãy dành điều đó cho những cuốn sách lịch sử. Còn những gì xảy ra tiếp theo sau chuyện đó mới là vấn đề. Liệu đây có sẽ là đòn đau giáng vào giấc mơ nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, hay dân Mỹ sẽ coi đây là một đón tấn công chính trị chống lại tổng thống của họ?
Nói thì là luận tội để bảo vệ Hiến pháp, nhưng chúng ta cũng không nên ngây thơ dễ tin quá. Rõ ràng cũng có những tính toán chính trị trong việc luận tội nữa.
Chính xác thì ông Trump bị cáo buộc gì?
Biden: ‘Trump đã tự kết án mình’
Luận tội Trump: Đảng Dân chủ chuẩn bị bỏ phiếu chính thức
Trung tá Mỹ khai là đã cảnh báo về cuộc gọi Ukraine
Ông Trump bị cáo buộc đã phạm “high crimes and misdemeanors” (trọng tội và tội nhẹ – một thuật từ của Hiến pháp Hoa Kỳ) với hai tội danh được ông Nadler nêu ra:
-Thứ nhất, ông đã sử dụng quyền lực của cơ quan công quyền để “mưu cầu lợi ích cá nhân không phù hợp, trong khi phớt lờ hoặc làm tổn hại lợi ích quốc gia”, bằng cách gây áp lực buộc Ukraine phải can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
-Thứ hai, “khi bị phát hiện, khi Hạ viện điều tra và mở một cuộc điều tra luận tội, Tổng thống Trump đã nhất quyết và rõ ràng chống lại các thủ tục điều tra luận tội một cách bừa bãi mà trước giờ chưa từng thấy”, và qua đó cản trở Quốc hội.
Các cáo buộc được nêu chi tiết trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp.
Ông Trump cho là ”mình đứng trên luật pháp,” ông Nadler nói. “Chúng ta phải khẳng định rõ rằng, không ai, kể cả tổng thống, đứng trên luật pháp.”
Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Ukraine hồi tháng 7, ông Trump cho thấy đã ràng buộc sự hỗ trợ của quân đội Mỹ cho Ukraine với việc nước này phải tiến hành các cuộc điều tra vốn có thể giúp ông về mặt chính trị.
Để đổi lại cho việc Ukraine tiến hành điều tra, theo đảng Dân chủ, ông Trump đã đưa ra hai thứ để thương lượng – 400 triệu đôla viện trợ quân sự đã được Quốc hội phân bổ và một cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Đảng Dân chủ cho rằng, áp lực này đối với một đồng minh của Hoa Kỳ cấu thành sự lạm quyền.
Cuộc điều tra đầu tiên mà ông Trump muốn từ Ukraine là nhắm vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden – đối thủ chính trị nặng ký của ông Trump thuộc đảng Dân chủ- và con trai ông, Hunter. Hunter Biden tham gia Hội đồng Quản trị một công ty năng lượng Ucraina khi ông Biden còn là đương kim Phó Tổng thống cho ông Barack Obama.
Yêu cầu thứ hai của ông Trump là Ukraine nên cố gắng chứng thực một thuyết âm mưu rằng, Ukraine, chứ không phải là Nga, đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Giả thuyết này vốn đã được đưa bác bỏ rộng rãi và các cơ quan tình báo Hoa Kỳ nhất trí cho rằng, Moscow đứng sau vụ tin tặc xâm nhập vào hệ thống email của Đảng Dân chủ năm 2016.
Hồ sơ luận tội mạnh đến đâu?
Ý kiến bênh và chống việc luận tội Trump
Luận tội và phế truất Tổng thống Trump: Dễ hay khó?
Tổng thống Trump đã tấn công trước thông tin về các cáo buộc, tuyên bố một lần nữa trên Twitter rằng đây là một “cuộc săn phù thủy.”
“Ông Nadler vừa tuyên bố rằng tôi “gây áp lực cho Ukraine can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 của chúng ta,” ông viết.
“Vô lý, và ông ta biết điều rằng chuyện đó không đúng. Cả Tổng thống và Ngoại trưởng Ukraine đã nói, rất nhiều lần, rằng “KHÔNG CÓ ÁP LỰC.” Nadler và phe Dân chủ biết điều này, nhưng lại không thừa nhận!”
Đảng Cộng hòa phản ứng lại với việc luận tội
Giáo sư luật Jonathan Turley, người đã làm chứng cho Đảng Cộng hòa của ông Trump trước Ủy ban Tư pháp của Hạ viện, nói với BBC rằng: “Vấn đề không nằm ở cơ sở pháp lý cho những vi phạm có thể bị buộc tội mà là hồ sơ chứng cứ.
“Hồ sơ này vẫn chưa đầy đủ và còn mâu thuẫn. Đảng Dân chủ cứ khăng khăng luận tội vào dịp Giáng sinh thay vì xây dựng một hồ sơ nhằm hỗ trợ các cáo buộc như vậy. Đây hiện là cuộc điều tra nhanh nhất, với hồ sơ mỏng nhất, ủng hộ cho tiến trình luận tội ngắn nhất trong lịch sử hiện đại.”
Nhưng các chuyên gia về luật hiến pháp khác đã chứng thực cho quá trình luận tội.
Pamela Karlan thuộc Trường Luật Stanford nói: “Quý vị có biết rằng, một vị tổng thống như vậy là lạm dụng chức vụ của mình, phản bội lợi ích quốc gia và cố tình phá huỷ quy trình bầu cử? Tôi tin rằng, hồ sơ đã chứng minh rằng, có những hành vi sai trái ở mức độ như vậy.”
Có bao nhiêu tính toán chính trị?
Quốc hội bị phân rẽ theo đảng phái. Đảng Dân chủ cho rằng ông Trump phải chấm dứt việc tái tranh cử vào năm tới, không phải vì lý do chính trị mà vì ông đã phạm trọng tội và tội nhẹ đáng bị luận tội.
Adam Schiff, người giám sát các phiên điều trần của Quốc hội nói rằng, nếu không có hành động gì để chống lại ông Trump ngay từ bây giờ, điều đó có nghĩa là tạo điều kiện cho ông có thể “gian lận thêm lần nữa” vào năm 2020.
Tuy nhiên, người quản lý chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Trump, Brad Parscale, lại cáo buộc rằng đảng Dân chủ đã cố gắng loại bỏ ứng cử viên của đảng Cộng hòa ngay bây giờ chỉ bởi họ không có đối thủ đủ nặng ký để đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử năm tới.
“Người Mỹ không đồng ý với loại tấn công mang tính đảng phái này, nhưng đảng Dân chủ cứ tạo một sân khấu chính trị bởi họ không có một ứng cử viên đủ nặng ký,” ông nói.
Việc luận tội sẽ diễn tiến tiếp ra sao?
Luận tội là chặng đầu tiên của một tiến trình gồm hai giai đoạn, để từ đó, Quốc hội có thể bãi nhiệm một tổng thống ra khỏi chức vụ.
Nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội, Thượng viện sẽ buộc phải tổ chức một phiên tòa.
Một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện đòi hỏi đa số (2/3 thượng nghị sĩ) phải bỏ phiếu thuận cho việc kết án và bãi nhiệm tổng thống. Nhưng trường hợp này có thể sẽ không xảy ra bởi đảng Cộng hoà của ông Trump đang kiểm soát Thượng viện.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ có hai tổng thống – Bill Clinton và Andrew Johnson – bị luận tội, nhưng cả hai đều không bị kết án.
Tổng thống Richard Nixon đã từ chức trước khi ông có thể bị luận tội.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50739407
Luận tội TT Trump: Hạ viện dấn tới,
Thượng viện cân nhắc hình thức tranh tụng
Các đảng viên Dân chủ kiểm soát Hạ viện Mỹ hôm thứ Ba 10/12 công bố các cáo buộc chính thức cho rằng Tổng thống Trump lạm dụng quyền lực bằng cách ép Ukraine điều tra một đối thủ chính trị và cản trở Quốc hội khi các nhà lập pháp cố gắng tìm hiểu về vấn đề này.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện có kế hoạch bắt đầu xem xét các điều khoản luận tội đó vào lúc 7 giờ tối (giờ Washington) hôm thứ Tư 11/12 (tức 0h GMT ngày 12/12), và dự kiến họ sẽ thông qua các điều khoản vào ngày 12/12. Một cuộc bỏ phiếu của toàn bộ Hạ viện vào tuần tới có nhiều khả năng khiến ông Trump trở thành tổng thống thứ ba của Mỹ bị Hạ viện luận tội.
Các đảng viên Cộng hòa nói phía đảng Dân chủ vẫn chưa chứng minh được rằng ông Trump đã cố ép Tổng thống Ukraine Volodimir Zelenskiy điều tra về ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden trong một cuộc điện đàm hồi tháng 7.
Ông Trump vẫn nhắc đi nhắc lại rằng ông không làm gì sai, còn đảng Dân chủ đang cố đảo ngược chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử năm 2016.
Ông sẽ gặp thuận lợi hơn tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Có phần chắc Thượng viện sẽ xử vụ luận tội vào tháng 1/2020 với một phiên tranh tụng do Chánh án Hoa Kỳ John Roberts chủ trì.
Nhiều khả năng Đảng Dân chủ sẽ không nhận được 20 phiếu bầu của đảng Cộng hòa mà họ cần ở mức tối thiểu tại Thượng viện để bãi chức ông Trump.
Lúc này, đảng Cộng hòa vẫn chưa quyết định về hình thức tranh tụng.
Ông Trump đề nghị một phiên tranh tụng đầy đủ, có lời khai từ các nhân chứng, bao gồm cả ông Biden, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và những người khác, họ sẽ trình bày các lập luận ủng hộ hay chống việc luận tội.
Phiên tranh tụng theo hình thức này sẽ kéo dài hàng tuần ngay trước các cuộc bỏ phiếu đầu tiên bầu chọn ửng cử viên tổng thống bên đảng Dân chủ ở Iowa và New Hampshire.
Nhưng Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell hôm 10/12 cho hay Thượng viện của ông có thể chọn một phiên tranh tụng ngắn hơn, giúp các nhà lập pháp sớm quay trở lại công việc bình thường của họ.
Dù chọn phương án nào, ông McConnell cũng sẽ cần đến sự ủng hộ của đa số trong 100 Thượng nghị sĩ. Như vậy, một số nhân vật ôn hòa của đảng Cộng hòa, như Susan Collins và Lisa Murkowski, sẽ ở vào vị trí quyết định về thời gian mà Thượng viện sẽ sử dụng cho phiên tranh tụng luận tội ông Trump.
Càng tiếp tục thủ tục truất phế,
Donald Trump càng ở thế thượng phong
Ông Donald Trump sắp trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ bị Quốc Hội luận tội. Tuy nhiên, tương lai chính trị của tổng thống Mỹ thứ 45 vẫn không bế tắc như phe đối lập hy vọng. Trái với tiên liệu của đảng Dân Chủ từ nhiều tháng qua, khả năng chủ nhân Nhà Trắng tái đắc cử ngày càng được củng cố.
Với thiểu số tại Thượng Viện, phe Dân Chủ khó có hy vọng truất phế được tổng thống Donald Trump cho dù bản luận tội đưa ra hai cáo buộc rất nghiêm trọng : lạm dụng quyền lực phục vụ quyền lợi cá nhân và cản trở Quốc Hội.
Tổng thống Donald Trump bị tố « đích thân gây áp lực với Ukraina, dùng viện trợ quân sự để buộc Kiev điều tra về cựu phó tổng thống Joe Biden », đối thủ tiềm tàng trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong 11 tháng tới.
Câu hỏi đặt ra là với những cuộc đọ sức nhằm đánh nát uy tín của Donald Trump trong nghị trường, đảng Dân Chủ có thể huy động cử tri để chiến thắng trong thùng phiếu vào cuối năm 2020, hay sẽ bị thua ngược ? Đây không phải là lần đầu tiên giới bình luận nêu lên nghịch lý này, nhưng câu trả lời ngày càng thấy rõ hơn.
Trump khởi sắc
Trong bài phân tích với tựa « Donald Trump khởi sắc trở lại », hãng thống tấn AFP cho rằng lãnh đạo hành pháp Mỹ sẵn sàng « giao đấu », phối hợp chiến lược tự vệ rất dũng mãnh với các chỉ số kinh tế đáng phấn khởi.
Một mặt Donald Trump phủ nhận toàn bộ các cáo cuộc, từ chối tham gia vào tiến trình luận tội và nỗ lực chứng minh ông là nạn nhân của một thủ đoạn chính trị đáng khinh. Chiến lược này tỏ ra hiệu nghiệm.
Tại nước Mỹ mà lập trường chính trị của hai phe đã được phân định rõ nét và gần như bất di bất dịch, thái độ và lập luận của Donald Trump gây bất bình trong công luận ủng hộ đảng Dân Chủ nhưng lại tác động tích cực trong phe Cộng Hòa, theo nghĩa, đoàn kết cử tri cơ sở của đảng thành một khối keo sơn.
Không để mất thời giờ tranh cãi về chi tiết bản luận tội, đảng Cộng Hòa tung ra luận điểm phản kích : đối lập tìm cách phủ nhận quyết định của thùng phiếu.
Luận điểm này bị chuyên gia David Axelrod, nguyên là cố vấn của tổng thống Barack Obama bác bỏ : Nói thủ tục truất phế tổng thống, được ghi trong Hiến Pháp, là vô giá trị vì tổng thống (Trump) là do dân bầu thì thật là phi lý. Bởi vì tất cả tổng thống Mỹ (đâu riêng gì ông Trump) đều do dân bầu.
Trừ một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng, trong vài hôm nữa, Hạ Viện, do phe Dân Chủ kiểm soát sẽ biểu quyết truy tố tổng thống Donald Trump. Rồi vài hôm sau, đến lượt Thượng Viện biểu quyết, và phe đa số Cộng Hòa sẽ không lên án.
Xong cuộc, chiến dịch vận động tranh cử sẽ mở lại với bầu không khí quen thuộc. Mỗi bên lao vào cuộc đua thuyết phục cử tri phe mình.
Theo chủ nhân Nhà Trắng, đảng Dân Chủ càng tấn công, càng bài xích ông thì đảng Cộng Hòa càng đoàn kết sau lưng ứng cử viên duy nhất của đảng và làm lên tinh thần cử tri ở các tiểu bang thiên về phe bảo thủ. Trước khi lên đường đến gặp cử tri ở bang Pennsylvania, hôm thứ Ba, tổng thống Donald Trump tuyên bố là « chưa bao giờ thấy bầu không khí trong đảng Cộng Hòa phấn chấn như hiện nay ».
« Tự kỷ ám thị » hay thật sự có tín hiệu lạc quan ?
Theo AFP, đúng là các chỉ số đều đáng khích lệ cho tổng thống đương nhiệm.
Tuy nhịp độ tăng trưởng kinh tế có giảm đi kể từ đầu năm nay, viễn cảnh suy thoái đã xa dần. Thị trường lao động khởi sắc thấy rõ với kết quả ngoạn mục : tạo ra thêm 266.000 công ăn việc làm trong tháng 11. Tỉ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục : 3,5% thành phần dân chúng ở tuổi lao động. Theo thăm dò của viện Gallup , 55% người được hỏi ý kiến thẩm định tình hình kinh tế Mỹ « tốt » thậm chí « rất tốt ».
Theo nhận định chung từ lâu nay trong giới chính trị Hoa Kỳ, nếu kinh tế đi lên thì tổng thống hết nhiệm kỳ đầu sẽ tái đắc cử. Liệu « quy luật » này cũng sẽ đúng với Donald Trump, một nhân vật phải nói là khác thường ? Không ai dám khẳng định.
Cho đến bây giờ, niềm tin này giúp phe Cộng Hòa kết đoàn sau lưng chủ nhân Nhà Trắng. Trong số các yếu tố có thể làm thay đổi tình huống là những bất trắc trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
Tiền nợ học phí có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ
như cuộc khủng hoảng nợ vay mua nhà
Tin Washington DC – Vào trước khi thị trường nhà đất sụp đổ vào những năm 2007, 2008, ông Mike Calhoun, chủ tịch trung tâm tài chính Responsible Lending, đã khuyến cáo nhiều viên chức tiểu bang và liên bang về nguy cơ vỡ nợ của thị trường nhà đất, khi chứng kiến các khoản nợ xấu gia tăng. Hiện tại, ông Calhoun đang theo dõi tình trạng nợ học phí của người Mỹ, và cho biết số nợ này có nhiều dấu hiệu tương tự như vụ khủng hoảng nợ vay mua nhà trước đây.
Theo ông Calhoun, tiền nợ học phí đang tăng nhanh chóng, từ 300 tỷ Mỹ kim lên 1.6 ngàn tỷ Mỹ kim trong vòng 15 năm, từ 2006 tới 2019. Vị chuyên gia này cho rằng, tiền nợ học phí đang trở nên giống với các khoản nợ xấu trong thời khủng hoảng nhà đất, khi người cho vay và người vay tiền đều không cân nhắc đến khả năng trả nợ. Ông Calhoun nói, có sự chênh lệch rất lớn giữa tiền nợ và thu nhập của người mượn tiền và năng lực trả nợ của họ, và chính phủ là chủ nợ chung. Ngày càng có nhiều người không thể trả nợ, và đến một lúc nào đó, những người mượn nợ học phí sẽ bị vỡ nợ hàng loạt, dẫn đến khủng hoảng. Theo đánh giá của ông Calhoun, nhóm có nguy cơ vỡ nợ cao nhất là người Mỹ gốc Phi Châu, với nguy cơ vỡ nợ là 20.6%, và nhóm có nguy cơ vỡ nợ thấp nhất là người châu Á, với tỷ lệ 1.4%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng nguy cơ về khủng hoảng nợ học phí đã bị thổi phồng quá mức. Ông Michael McPherson, một kinh tế gia và cựu giáo sư đại học về tài chính, cho rằng tỷ lệ mượn nợ học phí đang giảm dần qua từng năm, và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua, do đó, đây không phải là một cuộc khủng hoảng.
Mộc Miên
Các vụ bắt giữ ở biên giới Hoa Kỳ
tiếp tục giảm vào tháng 11
Tin từ WASHINGTON, DC – Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ bắt giữ khoảng 34,000 người di dân tại biên giới Hoa Kỳ – Mexico vào tháng 11, giảm 75% so với mức cao gần đây vào tháng 5, theo dữ kiện thống kê được Cơ quan Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ công bố vào hôm Thứ Hai (9/12).
Theo Reuters, các vụ bắt giữ biên giới ban đầu giảm mạnh sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 năm 2017. Tuy nhiên, con số này tăng vọt vào mùa xuân lên mức cao hơn hàng tháng so với dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama. Chính quyền tổng thống Trump cho rằng sự suy giảm này là nhờ các chính sách tị nạn cứng rắn hơn và việc tăng cường hợp tác với Mexico và các quốc gia Trung Mỹ. Tuy nhiên, mức giảm này chỉ giúp số vụ bắt giữ đạt mức trung bình tháng 11 trong thập niên qua.
Vào hôm thứ Hai (9/12), Quyền Ủy viên Mark Morgan của Cơ quan Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ cho biết rằng Quốc hội cần phải có hành động lập pháp để ngăn chặn tình trạng vượt biên bất hợp pháp trong thời gian dài. Số thành viên gia đình di dân bị bắt tại biên giới giảm xuống còn 9,000 trong tháng 11 so với khoảng 9,700 vào một tháng trước đó, tiếp tục xu hướng giảm.
Ông Morgan ca ngợi một chương trình Giao thức bảo vệ người di dân của chính quyền tổng thống Trump là một phần của một “mạng lưới các sáng kiến” khiến những người di dân không muốn đến Hoa Kỳ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-vu-bat-giu-o-bien-gioi-hoa-ky-tiep-tuc-giam-vao-thang-11/
Cơ quan quan thuế và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ
bắt được 11 di dân Trung Cộng
trốn trong xe vận tải ở biên giới San Diego
Tin từ San Diego – Vào cuối tuần qua, các cảnh sát thuộc Cơ Quan Quan Thuế và Bảo vệ Biên Giới Hoa Kỳ (CBP) đã ngăn chặn một nỗ lực buôn người khi họ tìm thấy 11 người di dân Trung Cộng trốn trong một chiếc xe vận tải ở Cửa nhập cảnh San Ysidro. CBP cho biết vào khoảng 5 giờ 25 phút chiều thứ bảy (ngày 7 tháng 12), các sĩ quan yêu cầu một tài xế 42 tuổi ngừng xe khi chiếc xe tải của ông ta đến biên giới Mexico.
Sau khi kiểm tra chiếc xe, các sĩ quan tìm thấy 11 người quốc tịch Trung Cộng trốn bên trong các đồ nội thất khác nhau, bao gồm máy giặt, rương và tủ quần áo. Cảnh sát đã bắt giữ tài xế và chuyển ông ta đến Trung tâm cải huấn Metropolitan để chờ đợi các thủ tục tố tụng hình sự. Trong khi đó, 11 người di dân Trung Cộng hiện đang bị tạm giam khi CBP tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự và di dân. Ông Pete Flores, giám đốc điều hành hiện trường CBP cho biết việc buôn người là rất nguy hiểm vì những nạn nhân phải đối mặt với những điều kiện vô nhân đạo có thể gây chết người.
Mộc Miên
Mỹ: Nổ súng ở New Jersey, 6 người chết
Ít nhất 6 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát và hai nghi can, trong vụ nổ súng xung quanh một siêu thị ở New Jersey chiều 10/12 khiến các trường học phải đóng cửa, giới hữu trách và truyền thông địa phương cho biết.
Năm người, 3 nạn nhân thường dân và hai nghi can, chết tại hiện trường bên trong siêu thị. Một cảnh sát tử vong trong cuộc chạm súng với hung thủ.
Cảnh sát trưởng, Michael Kelly, nói ông tin là các nạn nhân thiệt mạng do trúng đạn của các nghi can.
Báo chí địa phương tường thuật vụ nổ súng xảy ra ở gần hay ngay siêu thị JC Kosher. Cảnh sát nói chưa có bằng chứng cho thấy vụ thảm sát liên quan tới khủng bố.
Hai cảnh sát và một thường dân bị thương nhưng trong tình trạng ổn định, giới hữu trách cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trên Twitter: “Vừa được tin về vụ nổ súng kinh hoàng ở thành phố Jersey, New Jersey. Chúng tôi hướng tới và cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ trong thời khắc khó khăn, đau thương này.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát tình hình trong lúc hỗ trợ giới chức địa phương và tiểu bang tại thực địa,” ông Trump viết.
Mạnh Vãn Châu nhàn nhã,
hai tù nhân Canada khốn khổ tại Trung Quốc
Tác giả Peter Humphrey trong bài « Số phận tàn khốc của Michael Kovrig và Michael Spavor tại Trung Quốc » đăng trên The Diplomat ngày 10/12/2019 tố cáo các điều kiện giam giữ trong nhà tù Trung Quốc, và việc Bắc Kinh bắt giữ một số người phương Tây gần đây mang động cơ chính trị.
Mạnh Vãn Châu vẽ tranh, hai công dân Canada khốn đốn trong gu-lắc Trung Quốc
Ngày 10/12 này là đúng một năm hai công dân Canada bị bắt giam trong những điều kiện tồi tệ, bị cô lập trước móng vuốt của an ninh Trung Quốc. Michael Kovrig, nhà cựu ngoại giao, và Michael Spavor, một nhà tư vấn chuyên tổ chức các chuyến đi làm ăn với Bắc Triều Tiên, bị bắt với cáo buộc làm gián điệp. Lẽ ra với tội danh này thì sau một năm đã có thể đưa ra tòa, nếu có bằng chứng. Nhưng thực chất, theo tác giả, cả hai là con tin chứ không phải tội phạm, bị bắt để trả đũa vụ Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), phó chủ tịch Hoa Vi (Huawei). Bản thân ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã xác nhận việc này.
Bà Mạnh Vãn Châu đang được thụ hưởng tự do, chỉ phải đeo vòng điện tử. Bà có thể đi dạo trên những con đường xinh đẹp của Vancouver, sống trong tòa biệt thự sang trọng trị giá 15 triệu đô la của bà, trong
một xã hội dân chủ tự do, được pháp luật bảo vệ. Bà nói với AFP : «Thời gian trôi thật chậm. Tôi có thể đọc những cuốn sách từ trang đầu cho đến trang cuối (…) và hoàn tất được một bức tranh sơn dầu».
Một sự tương phản đớn đau, là hai ông Michael đang phải chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt trong « gu-lắc » Trung Quốc vô pháp luật. Tổ chức International Crisis Group (ICG) nơi ông Michael Kovrig làm việc với tư cách chuyên gia, trong lá thư ngỏ đăng trên Washington Post ngày 03/10/2019 kêu gọi trả tự do cho ông. Nhưng lời kêu gọi này rơi vào tai của những người điếc. Cả hai công dân Canada vẫn bị biệt giam.
Trại tạm giam Trung Quốc, nơi đập tan sức kháng cự của con người
Tác giả Peter Humphrey là nhà nghiên cứu về Trung Quốc của King’s College ở Luân Đôn, có 17 năm là thông tín viên của Reuters. Ông Humphrey khẳng định có đủ tư cách để tố cáo nhà tù Trung Quốc, vì ông và người vợ từng bị giam giữ hai năm ở Thượng Hải từ 2013 đến 2015 vì bị cáo buộc sai lạc là « sở hữu thông tin cá nhân bất hợp pháp ».
Theo ông Humprey, việc tạm giam chờ xét xử được Trung Quốc sử dụng như một thứ vũ khí để cưỡng bức. Tù nhân bị nhổt trong những trại giam được thiết kế để đập tan sức kháng cự, đè bẹp tinh thần con người nhằm bức cung.
Để gây sốc, người tù luôn bị tống vào một xà lim đầy chật người lúc nửa đêm, sau ít nhất một ngày bị công an thẩm vấn mà không có mặt luật sư. Phòng giam không có bất kỳ đồ đạc nào, người tù suốt ngày phải ngồi hoặc nằm co trên nền nhà, mùa đông trong tù lạnh hơn bên ngoài nhưng không đủ mền đắp. Tường và trần bị mốc, sơn có chứa chì độc hại tróc lở từng lớp.
Thức ăn nguội ngắt đựng trong những chiếc chén loại cho chó ăn, được đưa qua song sắt. Đồ ăn bẩn thỉu, thiếu những chất dinh dưỡng căn bản như calcium và các loại vitamin chính, không có rau trái. Không có các hoạt động ngoài trời, gây ra chứng thiếu vitamin D, bệnh ngoài da hoành hành. Ngay cả khi tù nhân bệnh nặng, việc trả tự do có điều kiện luôn bị từ chối.
Không có gì là riêng tư, từ việc đi vệ sinh cho đến tắm rửa. Nơi tiêu tiểu chỉ đơn giản là một chiếc lỗ trong một góc xà lim. Những ai bị biệt giam thì bị giám sát suốt ngày bằng camera và các quản giáo hung dữ. Ánh sáng rất mạnh được mở 24/24 giờ mỗi ngày, khiến tù nhân mất ngủ và thị lực giảm.
Không bị kết án nhưng vẫn là « tội phạm »
Người tù không được phép giữ một cây bút nào. Họ phải van nài quản giáo để mượn được bút vài phút mỗi tuần. Không được gọi điện thoại ra ngoài, thân nhân không được vào thăm. Việc liên lạc với luật sư chỉ giới hạn ở một lá thư với đúng một dòng chữ, yêu cầu đến thăm hoặc nhờ người nhà gởi tiền bạc, quần áo vào – viết bằng cây bút hiếm hoi mượn được.
Tù nhân bị thẩm vấn hàng ngày, bị nhốt trong một chiếc lồng đặc biệt khi trả lời những câu hỏi của an ninh hoặc công an. Rất hiếm khi luật sư được vào gặp thân chủ, và mỗi lần gặp đều bị ngăn cách bởi chấn song. Tù nhân không được ghi chép hay mang tài liệu vào phòng giam, nên không thể chuẩn bị cho việc tự biện hộ.
Không có báo chí, trừ một tờ báo Trung Quốc được quản giáo đưa vào để 12 người tù chuyền tay xem trong nửa tiếng đồng hồ. Truyền hình thì toàn tuyên truyền nội bộ, và những chương trình giải trí tệ hại. Tù nhân bị buộc học những bài tuyên truyền nhiều giờ trong ngày, sẽ bị trừng phạt nếu không « chấp hành tốt ».
Nhiều người bị tạm giam trong một thời gian rất dài trước khi bị đưa ra xét xử. Tác giả gặp rất nhiều người bị tạm giam đến hai năm, thậm chí có người năm năm. Khi nghe từ « tội phạm không bị kết án » được dùng thường xuyên để chỉ những người bị tạm giam, ông hỏi một viên chức, tại sao một người không bị kết án lại bị coi là tội phạm, nhưng viên chức này không hiểu !
Tư pháp độc đoán do đảng chỉ đạo
Ông Peter Humphrey nhấn mạnh, việc tạm giam trong các điều kiện như vậy rõ ràng là vi phạm các công ước Liên Hiệp Quốc, kể cả luật pháp và Hiến pháp Trung Quốc. Nhưng tại Trung Quốc, luật lệ chỉ để làm cảnh. Một nền tư pháp độc đoán và tùy tiện, chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của đảng Cộng Sản Trung Quốc và các quan chức đảng.
Tất cả mọi bộ phận của bộ máy – công an, trại giam, viện kiểm sát – đều do đảng chỉ đạo, và đảng đứng trên tất cả. Ngay cả nghề luật sư cũng bị đảng kiếm soát : tất cả các luật sư đều phải tuyên thệ trung thành với đảng Cộng Sản mới được cấp giấy phép hành nghề.
Công an Trung Quốc chẳng cần điều tra thực thụ vì không cần đến bằng chứng xác đáng mới kết án được một nghi can. Họ trọng cung chứ không trọng chứng, và các lời khai thường do bức cung. Các nghi can lên truyền hình thú tội đều do bị cưỡng bức.
Theo ông Peter Humphrey, việc bắt giam người ngoại quốc để gây áp lực vốn là truyền thống, thường được các hoàng đế Trung Hoa thời xưa áp dụng để o ép các nước khác. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012, những vụ bắt người và tự thú trên truyền hình mới xảy ra thường xuyên hơn.
Những nạn nhân phương Tây : Tội phạm hay con tin ?
Đối với Canada, ngoài hai ông Michael nói trên, còn có các nạn nhân khác như cặp vợ chồng Kevin và Julia Garratt, bị bắt vào tù hai năm với cáo buộc gián điệp để trả thù vụ bắt điệp viên Su Bin của Trung Quốc. Trước đó, Kun Huang, một người Canada gốc Hoa cũng bị tạm giam hai năm.
Canada không phải là nạn nhân duy nhất. Úc có 18 nhân viên của Crown Casino, và một số nhà ly khai gốc Hoa bị bắt. Ông Quế Dân Hải (Gui Min Hai), công dân Thụy Điển gốc Hoa, chủ nhà xuất bản sách bị bắt cóc và sau đó lên truyền hình « thú tội ». Còn Anh quốc thì có tác giả Peter Humphrey góp mặt trong nhà tù Trung Quốc.
Công dân Mỹ cũng chẳng được ưu tiên : nữ doanh nhân Sandy Phan-Gillis bị bắt tại Trung Quốc tháng 3/2015 vì cáo buộc gián điệp trong khi bà đi cùng với một đoàn doanh nhân từ Texas. Một giáo viên người Mỹ, bạn tù của tác giả, ông David McMahon bị bắt năm 2013 vì cáo buộc gian dối là tấn công tình dục.
Tác giả tỏ ra bất bình khi các chính quyền phương Tây đặt lợi ích thương mại lên trên. Theo ông, trở lực lớn nhất hiện nay là Tập Cận Bình, khó thể có việc đàn áp dừng lại trước khi ông Tập rời quyền lực. Thứ hai là sự ngần ngại không muốn đối đầu với Trung Quốc của chính phủ các nước. « Bạn không thể thương lượng với một con cọp, khi đầu bạn đang nằm trong mõm của nó » – cố thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói như thế.
Một giáo sư đại học Canada nói với tác giả, là Ottawa cần phải biết gây ảnh hưởng để đưa tất cả con tin về nước. Peter Humphrey nhấn mạnh, Canada không nên tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước các điệp viên Trung Quốc đang hoạt động trên lãnh thổ của mình. Tất cả các xã hội tự do dân chủ, thượng tôn pháp luật đều phải kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh này.
Một phi cơ chở 38 người của không quân Chile
gặp nạn trên đường đến Nam Cực
Các viên chức cho biết, chiều thứ Hai (09 tháng 12), một phi cơ chở 38 người của không quân Chile gặp nạn trên đường đến Nam Cực. Không quân Chile cho biết phi cơ C130 Hercules, cất cánh từ thành phố Punta Arenas, đang bay tới căn cứ Không quân Tổng thống Eduardo Frei Montalva ở Nam Cực trước khi mất liên lạc.
NBC News cho biết chiếc phi cơ đang chuyển nhân sự đường ống cấp nhiên liệu giữa biển thì mất liên lạc vô tuyến ngay sau 6 giờ tối. Sau đó các viên chức cho biết chiếc phi cơ đã bị rơi. Thông báo của không quân cho biết trên phi cơ có 21 hành khách và 17 nhân viên phi hành. Tổng thống Sebastian Pinera cho biết chính quyền đang theo dõi các nỗ lực tìm kiếm và giải cứu.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/mot-phi-co-cho-38-nguoi-cua-khong-quan-chile-gap-nan-tren-duong-den-nam-cuc/
Pháp : Thủ tướng công bố dự luật cải tổ hưu trí
Ngày 11/12/2019, thủ tướng Pháp Edouard Philippe công bố dự thảo luật hưu trí, rất được trông đợi, trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình và đình công rầm rộ diễn ra từ một tuần nay trên khắp nước Pháp. Dự luật sẽ được trình lên Quốc Hội Pháp vào cuối tháng Hai.
Trước thực trạng tuổi thọ dân số tăng, thủ tướng Pháp khẳng định : « Giải pháp duy nhất là làm việc lâu hơn một chút ». Tuổi nghỉ hưu chính thức giữ ở mức 62 tuổi cho đến năm 2027, rồi sẽ tăng thành 64
tuổi. Quá trình chuyển sang hệ thống hưu trí phổ quát duy nhất (hợp nhất 42 quỹ hưu trí khác nhau) sẽ chỉ cho thế hệ sinh từ năm 1975 và sau đó. Như vậy, thế hệ sinh năm 2004, sẽ đủ 18 tuổi vào năm 2022, sẽ trực tiếp được áp dụng vào hệ thống hưu trí mới.
Đối với những ngành nghề nặng, người lao động « có thể nghỉ hưu sớm hơn hai năm » (60 tuổi). Thủ tướng Pháp cam đoan mức lương hưu tối thiểu là 1.000 euro và hứa những người giầu nhất Pháp sẽ đóng góp liên đới nhiều hơn so với hiện nay. Ngoài ra, các gia đình đông con cũng được chú ý trong dự thảo luật hưu trí của chính phủ. Lương của giới giáo viên cũng được điều chỉnh.
Dù không có những giải thích cụ thể, thủ tướng Pháp hy vọng những nhân nhượng của chính phủ sẽ làm giảm sự phẫn nộ của một số bộ phận lao động.
Biểu tình ngày 10/12 : Số người giảm nhưng vẫn quyết tâm
Một ngày trước khi thủ tướng Pháp công bố dự thảo cải cách chế độ hưu trí, khoảng 339.000 người, theo thống kê của bộ Nội Vụ, và 885.000 người theo các nghiệp đoàn, đã xuống đường biểu tình trên khắp nước Pháp.
Theo nghiệp đoàn Force Ouvrière, có khoảng 180.000 biểu tình ở Paris, bắt đầu từ Invalides (quận 7) đến quảng trường Denfert-Rochereau (quận 14). Dù số người tham gia biểu tình giảm một nửa so với cuộc biểu tình ngày 05/12 nhưng đoàn người tỏ ra quyết tâm, đòi chính phủ rút hẳn dự luật vì dự luật không có lợi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên trong lĩnh vực từ hoặc công chức.
Tình trạng giao thông tại Pháp tiếp tục bị xáo trộn ngày 11/12. Chỉ có 1/4 số tầu cao tốc và tầu liên tỉnh hoạt động. Tại vùng Ile-de-France, 9 tuyến tầu điện ngầm trên tổng số 16 tuyến vẫn bị đóng cửa, khoảng 40% các chuyến xe buýt bị hủy.
Tối 10/12, bốn nghiệp đoàn đã kêu gọi tổ chức các hành động ở địa phương trong hai ngày 12 và 14/12, tiếp theo là cuộc tổng tuần hành tại Paris ngày 17/12.
Anh bầu Hạ Viện :
Đảng Bảo Thủ có thể chiếm đa số sát sao
Cử tri Anh Quốc sẽ đi bầu Hạ Viện ngày 12/12/2019. Theo kết quả thăm dò của YouGouv, công bố tối 10/12, đảng Bảo Thủ có thể sẽ chiếm đa số, nhưng chỉ hơn Công Đảng 28 ghế.
Trong số khoảng 100.000 người được thăm dò ý kiến trong vòng 7 ngày vừa qua, khoảng 43% có ý định bỏ phiếu cho đảng Bảo Thủ và 34% cho Công Đảng. Đảng của thủ tướng Boris Johnson có thể sẽ được 339 ghế (tăng thêm 22 ghế so với cuộc bầu cử năm 2017), trong khi Công Đảng có 231 ghế. Theo Viện thăm dò, « đây có thể là kết quả khả quan nhất về số ghế của đảng Bảo Thủ kể từ năm 1987 » và với kết quả này, thủ tướng Johnson có được đa số cần thiết để tiến hành Brexit.
Theo AFP, dù đảng Bảo Thủ được dự đoán chiếm đa số, nhưng thủ tướng Boris Johnson tuyên bố « đấu tranh vì mỗi lá phiếu ». Ông cảnh bảo nguy cơ Hạ Viện không có đa số sẽ cản trở việc bỏ phiếu thỏa thuận Brexit đạt được với Liên Hiệp Châu Âu và như vậy sẽ càng khiến Anh Quốc « bị tê liệt ».
Lá phiếu của giới trẻ, ủng hộ Anh Quốc ở lại Liên Hiệp Châu Âu, cũng có thể đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử ngày 12/12. Trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, nhiều người chưa đủ 18 tuổi để được đi bầu và có thể sẽ bỏ phiếu cho Công Đảng trong cuộc bầu cử Hạ Viện. Theo phong trào sinh viên For our Future’s Sake (FFS), khoảng 1,4 triệu cử tri dưới 25 tuổi đã ghi danh trước hạn chót là ngày 26/11, tăng hơn 55% so với năm 2017.
Nước Đức vẫn im lặng
trước các vi phạm nhân quyền của TQ
Kể từ khi có các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và sự xuất hiện gần đây một ‘tài liệu nội bộ’ xác nhận Bắc Kinh đàn áp nghiêm trọng ở Tân Cương, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc, theo báo DW ngày 5/12.
Ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký Luật dân chủ và nhân quyền Hồng Kông. Tiếp theo, ngày 3/12, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua “Đạo luật chính sách nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ”, kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc có hành vi vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, trong 6 tháng bất ổn ở Hồng Kông và các thông tin liên tục về các cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Thủ tướng Merkel, do lợi ích thương mại với Trung Quốc, đã không lên tiếng một cách rõ ràng ủng hộ phong trào dân chủ, hoặc lên án các trại giam giữ.
“Đã đến lúc bà Angela Merkel cần đưa vấn đề Tân Cương vào chương trình nghị sự của Hội đồng châu Âu sắp tới, để châu Âu khẳng định quan điểm về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt”, Gyde Jensen, người đứng đầu Ủy ban nhân quyền tại Hạ viện Đức nói với DW News Asia.
Trong một bài phát biểu trước Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức vào ngày 27/11, bà Merkel nói rằng Đức và Châu Âu thấy mình đứng giữa một đối kháng toàn cầu: “Một mặt, Mỹ, một thiên đường của tự do kinh tế, và mặt khác, một hệ thống ở Trung Quốc, được tổ chức xã hội theo một cách hoàn toàn khác, với sở hữu nhà nước rõ ràng, và đôi khi đàn áp, đậm nét”.
“Giải pháp hòa bình” cho Hồng Kông?
Phong trào dân chủ của Hồng Kông đòi hỏi một Quyền bầu cử phổ quát, người dân được bầu cả Hội đồng Lập pháp và Đặc khu trưởng, nhưng Bắc Kinh thì muốn đưa một người trung thành với chính quyền vào vị trí này.
Katrin Kinzelbach, giáo sư chính sách nhân quyền quốc tế tại Đại học Erlangen-Nieders của Đức, nói rằng chính phủ Đức nên có “lập trường rõ ràng” đối với Hồng Kông.
“Kết quả bầu cử cấp quận cho thấy người Hồng Kông không muốn bị” trực tiếp “cai trị bởi Bắc Kinh,” bà nói. “Thông điệp này cần được chính phủ Đức ủng hộ một cách công khai.”
Chủ tịch Ủy ban nhân quyền của Nghị viện, Jensen, nói trên phương tiện truyền thông xã hội sau cuộc gặp với Hoàng Chi Phong hồi tháng 9 rằng, Đức cần “đứng sau” những người biểu tình ôn hòa ở Hồng Kông đang đấu tranh cho “quyền tự do và lời hứa của một quốc gia, hai chế độ”.
Lên án Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ?
Mặc dù Đức đã cùng 22 quốc gia trong một sự kiện bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 9 đã ký kết một tuyên bố chính thức lên án các trại giam giữ và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tuy nhiên Berlin và EU vẫn chưa đưa ra một khuôn khổ chung cho hành động.
“Các báo cáo liên tiếp cho thấy hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ tại các trại ở Tân Cương, một điều thật kinh khủng,… Trung Quốc phải thực hiện các bước rõ ràng để cải thiện tình hình nhân quyền ở Tân Cương”, Bärbel Kofler, ủy viên Ủy ban chính sách nhân quyền và hỗ trợ nhân đạo của Đức nói.
Hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục ở Trung Quốc
Sau chuyến thăm Trung Quốc của bà Merkel vào tháng 9, giám đốc của tập đoàn công nghiệp khổng lồ Siemens của Đức, Joe Kaeser, đã nói Đức nên ủng hộ và tôn trọng Trung Quốc.
Siemens, cùng với BASF và VW đều đang có nhà máy sản xuất ở Tân Cương.
Trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Berlin thận trọng hơn và đang cố gắng duy trì mối quan hệ ít biến động hơn với Bắc Kinh, vì Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Đức với thương mại song phương đạt 199,3 tỷ euro (221,2 tỷ USD) trong năm 2018.
“Tất nhiên, chính phủ Đức phải dung hòa các lợi ích khác nhau trong chính sách với Trung Quốc, bao gồm cả lợi ích kinh tế”, học giả nhân quyền Kinzelbach nói.
Vậy Đức có thể làm gì?
“Với sự leo thang ở Hồng Kông, sẽ là chính xác và tương đối dễ dàng để xem xét các quy định xuất khẩu hiện có”, ông Kinzelbach nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt có sẵn để giải quyết các vi phạm nhân quyền, có thể bao gồm cấm vận vũ khí, hạn chế nhập cảnh cho cá nhân và đóng băng tài khoản.
Tuy nhiên, bất kỳ sắc lệnh trừng phạt nào nhắm vào các vi phạm nhân quyền liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ phải được thực hiện trong khuôn khổ của Liên minh châu Âu, và điều này rất phức tạp, do chính sách đối với Trung Quốc của mỗi nước EU là khác nhau.
“Đức có thể là một động lực của EU trong việc thực hiện các bước theo hướng này, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra,” ông Kinzelbach nói.
Trong bối cảnh ông Donald Trump gia tăng sức ép đối với các công ty Mỹ phải đóng cửa các hoạt động của họ tại Trung Quốc và sản xuất nhiều hơn các sản phẩm trong nước, thì bà Merkel lại mong muốn khởi động một giai đoạn mới trong quan hệ giữa EU với Trung Quốc, với mục tiêu đạt được lập trường chung giữa châu Âu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32020-nuoc-duc-van-im-lang-truoc-cac-vi-pham-nhan-quyen-cua-tq.html
Tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN và TQ
Các nước nhấn mạnh vào hoạt động và dự án của Trung tâm ASEAN-Trung Quốc nhằm hiện thực hoá các quyết định của các Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc.
Ngày 8/12, tại Tây An, Trung Quốc, đã diễn ra cuộc họp lần thứ 9 Hội đồng chung của Trung tâm ASEAN – Trung Quốc (ACC). Đây là cuộc họp thường niên nhằm kiểm điểm và đánh giá việc triển khai các hoạt động của Trung tâm ASEAN – Trung Quốc trong năm 2019 và thông qua Chương trình công tác năm 2020 của Trung tâm. Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN, đã tham dự cuộc họp với tư cách Thành viên Hội đồng chung.
Cuộc họp ghi nhận và đánh giá cáo việc Trung tâm đã triển khai thành công hơn 180 hoạt động thuộc 23 dự án trọng điểm nhằm xúc tiến và quảng bá tiềm năng và cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, du lịch, giao lưu văn hoá, giáo dục giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Trong số các hoạt động thiết thực mà Trung tâm đã triển khai tại Việt Nam trong năm 2019 là “Hội nghị ASEAN-Trung Quốc về công nghiệp thông minh” và tổ chức Chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư tới Việt Nam cho các doanh nghiệp Trung Quốc ngày 15-27/07/2019 tại TP Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đề xuất của Ban thư ký Trung tâm, cuộc họp đã thông qua Kế hoạch Công tác năm 2020 với nhiều dự án trọng điểm trong 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Các nước nhấn mạnh các hoạt động và dự án của Trung tâm ASEAN-Trung Quốc trong thời gian tới cần tập trung hỗ trợ việc hiện thực hoá các quyết định của các Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc như Tuyên bố Tầm nhìn năm 2030 về quan hệ đối tác chiến lược, Tuyên bố về hợp tác giữa các thành phố thông minh, Tuyên bố Cấp cao ASEAN+3 về kết nối…
Tại cuộc họp, Đại sứ Trần Đức Bình đã trình bày các trọng tâm và ưu tiên của Việt Nam để thực hiện chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời khẳng định, trong vai trò đồng Chủ tịch Hội đồng chung của Trung tâm trong năm 2020, sẽ hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc, các nước ASEAN và Ban Thư ký Trung tâm để thúc đẩy thực hiện hiệu quả và thành công các hoạt động của Kế hoạch Công tác năm 2020 nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu văn hoá và nhân dân… giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Trung tâm ASEAN-Trung Quốc được Chính phủ các nước ASEAN và Trung Quốc thành lập năm 2009 tại Bắc Kinh và chính thức đi vào hoạt động năm 2011. Mục đích của Trung tâm là nhằm cung cấp thông tin và tổ chức các hoạt động giúp gia tăng hợp tác ASEAN-Trung Quốc về thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, văn hóa, thông tin và truyền thông cùng với sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32038-tang-cuong-hop-tac-giua-cac-nuoc-asean-va-tq.html
Bán đảo Triều Tiên căng thẳng,
Hàn–Nhật–Trung họp thượng đỉnh 3 bên
Dự kiến, lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ nhóm họp tại thành phố Thành Đô của Trung Quốc vào ngày 24/12.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/12 thông báo, Tổng thống Moon Jae-in sẽ tới Trung Quốc vào ngày 23/12 tới, để tham gia hội nghị thượng đỉnh 3 bên Hàn – Nhật – Trung, trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên có nguy cơ căng thẳng trở lại.
Dự kiến, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sẽ nhóm họp thượng đỉnh sau đó 1 ngày, ở thành phố Thành Đô (Chengdu), Tây Nam Trung Quốc.
Theo người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Ko Min-jung, Nhà lãnh đạo 3 nước dự kiến sẽ xem xét các diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy sự phối hợp giữa 3 bên để tiến tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo.
Theo kế hoạch, Tổng thống Hàn Quốc sẽ có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, bàn về cách thức giải quyết các vấn đề căng thẳng giữa hai bên. Ngoài ra, ông cũng sẽ có cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Gần đây, Mỹ và Triều Tiên đều đã lên tiếng cảnh báo lẫn nhau về hậu quả xấu nhất cói thể xảy ra nếu tiến trình đối thoại giữa hai bên về phi hạt nhân hóa đổ vỡ. Hàn Quốc đang mong muốn Trung Quốc thể hiện vai trò tích cực hơn trong vấn đề này.
Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Hàn – Nhật – Trung được tổ chức hàng năm trên cơ sở luân phiên giữa 3 nước từ năm 2008. Hội nghị từng bị hoãn vài lần do căng thẳng quan hệ giữa 3 nước liên quan đến vấn đề tranh cãi lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, cũng như tình hình bất ổn chính trị tại Hàn Quốc. Hội nghị gần nhất diễn ra vào năm 2016
Ngoại giao “đứt gánh”,
Triều Tiên dễ đánh vào “huyệt tử” của ông Trump
Một vụ thử tên lửa ICBM mới của Triều Tiên sẽ là “cú giáng” vào chính sách đối ngoại và vai trò lãnh đạo của Tổng thống Trump.
Triều Tiên vừa tiến hành một vụ thử quan trọng tại một bãi phóng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo là sẽ bị dỡ bỏ từ hồi đầu năm nay. Chưa hết, hai bên tiếp tục leo thang cuộc chiến ngôn từ khi ông Trump gọi ông Kim Jong Un là “người tên lửa”, còn một quan chức Triều Tiên gọi nhà lãnh đạo Mỹ là “ông già lơ đễnh và thất thường”. Tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc dành cho Mỹ “món quà Giáng sinh” không mong muốn có thể được thực hiện trong một vài tuần tới và giới phân tích lo ngại rằng đó có thể là một vụ phóng tên lửa liên lục địa hoặc vụ thử hạt nhân. Nếu điều này xảy ra, quan hệ Mỹ-Triều không những trở lại trạng thái xung đột như trước đây mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Nỗ lực đối thoại “đứt gánh giữa đường”
Tổng thống Trump đã nỗ lực rất nhiều để xúc tiến các cuộc đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhưng ba cuộc gặp “mặt đối mặt” thời gian qua giữa hai nhà lãnh đạo dường như không mấy hiệu quả trong việc giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ thời Chiến tranh Lạnh. Chưa dừng lại ở đó, Triều Tiên cáo buộc ông Trump cố tình “gây dựng quan hệ tốt đẹp” với ông Kim Jong Un để giúp ông thành công trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 tới đây mà không phải “trả giá đắt”. Ông Kim Jong Un muốn Mỹ đưa ra nhiều nhượng bộ trước thời điểm cuối năm nay.
Về phía Mỹ, không có dấu hiệu nào cho thấy nước này đang chuẩn bị một kiểu ngoại giao mang tính chất truyền hình để giữ ông Kim Jong Un trong khuôn khổ nhất định. Nếu Triều Tiên sử dụng lại chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” kinh điển, ông Trump có thể khôn ngoan khi không nhượng bộ trước sự lặp lại chu kỳ đe dọa để thu hút sự chú ý của Bình Nhưỡng.
Nhưng làm như vậy cũng có nghĩa là chấp nhận rủi ro lớn. Bất kỳ bước đi nào nhằm tiến gần hơn đến thế đối đầu giữa hai bên của vĩ tuyến 38 cũng đều nguy hiểm. Ông Trump sẽ khó gánh được hậu quả nếu Triều Tiên quay lại với các vụ phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân mà một số chuyên gia cho rằng đã nằm sẵn trên bệ phóng. Và về mặt chính trị, sự thách đấu mới với một quốc gia còn nhiều bí ẩn sẽ cho thấy cách tiếp cận của ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ là chính sách ngoại giao theo kiểu phô trương hình ảnh và không mang tính thực tế.
“Quà Giáng sinh” không mong muốn từ Triều Tiên
Giới chuyên gia cho rằng, xét theo thông lệ của Triều Tiên suốt nhiều thập kỷ qua, món quà không mong muốn có thể là một vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân hay một hành động khiêu khích tại biên giới liên Triều.
Một vụ thử hạt nhân sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, làm chấm dứt ngay lập tức “quan hệ thân thiện” mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã cố gắng gây dựng trong thời gian qua, thu hút sự chú ý của giới truyền thông và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc buộc phải ra mặt chỉ trích Triều Tiên. Hội đồng
Bảo an Liên Hợp Quốc có thể can thiệp. Tại Quốc hội Mỹ, các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ phản ứng gay gắt. Những nghị sỹ có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng như Lindsey Graham, Tom Cotton hay Marco Rubio sẽ một lần nữa chọn lựa hành động quân sự . Vụ việc dễ vượt khỏi tầm kiểm soát, đi quá xa so với mục tiêu ban đầu của Triều Tiên là gây sức ép buộc Tổng thống Trump quay trở lại bàn đàm phán. Vì thế khả năng này rất khó xảy ra.
Khả năng thứ hai là hành động khiêu khích tại biên giới liên Triều. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được đánh giá là người muốn áp dụng chính sách “Ánh Dương kiểu mới” đối với Triều Tiên. Thời gian qua, ông đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hòa giải, làm cầu nối để hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều ngồi vào bàn đàm phán, xoa dịu sự bất bình của công chúng Hàn Quốc đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Do đó, hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên nếu diễn ra sẽ khiến mọi nỗ lực hàn gắn đổ bể và nếu không có sự phối hợp từ Seoul, Bình Nhưỡng khó có thể tạo ra được bước đột phá trong quan hệ với Washington. Hơn nữa, hiện tại, Triều Tiên dường như không còn để tâm nhiều vào quan hệ với Hàn Quốc, thay vì đó dành hết sự tập trung vào Mỹ. Vì vậy, chiêu bài khiêu khích Seoul sẽ không giúp ích được nhiều cho nước này.
Giới quan sát cho rằng, một vụ thử tên lửa tầm xa chẳng hạn như ICBM sẽ khả thi hơn. Triều Tiên không có thỏa thuận chính thức với Mỹ trong tiến trình hòa bình, vì thế nước này sẽ không vi phạm bất cứ điều khoản gì. Bên cạnh đó, hành động này sẽ được coi là ít rủi ro hơn, không khiến công chúng lo sợ nhiều như một vụ thử hạt nhân và quan trọng hơn, đánh trúng điểm yếu của ông Trump.
“Đòn đau” với ông Trump
Korean Times dẫn nhận định của một số nhà phân tích cho biết, một vụ thử tên lửa CBM mới sẽ là “cú giáng thực sự” vào năng lực ngoại giao và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Ông cũng phải chịu sự lên án gay găt từ bên trong và ngoài nước Mỹ bởi chính sách gây căng thẳng trong quan hệ với các đồng minh, chẳng hạn như buộc các đồng minh tăng cường đóng góp cho quốc phòng.
“Tổng thống Trump đã làm rạn nứt nhiều tổ chức quốc tế, từ bỏ các đồng minh từ Syria đến Bán đảo Triều Tiên”, Ivan Krastev, Chủ tịch Trung tâm Chiến lược Tự do tại Sofia (Bulgaria) nhận xét trong một bài bình luận. Theo nhà phân tích này, khi ông Trump ngày càng làm mất niềm tin của cộng đồng quốc tế với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu, thì ông càng ít có cơ hội đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên. Sự sụp đổ của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ phá hủy đáng kể di sản ngoại giao của ông trước chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Tại thời điểm này, điều mà ông Trump mong muốn là tiếp tục đà đối thoại với ông Kim Jong Un, hoặc ít nhất là duy trì “tình trạng hiện có” với Triều Tiên để tận dụng điểm cộng từ “những thành tựu ngoại giao” trong chiến dịch tranh cử. Giáo sư Kim Dong-yub tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc trường Đại học Kyungnam cho biết: “Sau khi Triều Tiên từ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon, Mỹ vẫn không từ bỏ các lệnh trừng phạt. Nếu chính phủ Mỹ nhượng bộ trong bất cứ thỏa thuận tương lai nào, chắc chắn họ sẽ vấp phải sự chỉ trích trong nước. Ông Trump tốt nhất là duy trì tình trạng như hiện nay mà không cần thêm bất cứ một thỏa thuận nào”.
Một số nhà quan sát lại cho rằng ông Kim Jong Un có thể muốn gây sức ép với ông Trump trước cuộc bầu cử Mỹ những vẫn chưa sẵn sàng với một vụ thử tên lửa ICBM trong tương lai gần.
“Triều Tiên có thể thúc đẩy nới lỏng các biện pháp trừng phạt trước cuộc bầu cử Mỹ. Nhưng không có nhiều khả năng nước này sẽ tiến hành một vụ thử ICBM. Nếu điều đó diễn ra không chỉ quan hệ Mỹ-Triều bị ảnh hưởng mà quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc cũng bị tổn hại”, Cho Seong-ryoul, cố vấn cấp cao tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc nhận xét
Hong Kong: Carrie Lam sắp đi Bắc Kinh,
Tập Cận Bình sẽ nói gì?
Khi bà Carrie Lam tới Bắc Kinh, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Tập Cận Bình để chờ xem ông nói gì về bất ổn ở Hong Kong, theo SCMP.
Một nguồn tin nói với tờ Post rằng bà Lam dự kiến sẽ tới Bắc Kinh thứ Bảy tuần này để tham dự cuộc họp thường niên lần thứ ba ở chức vụ Đặc khu trưởng Hong Kong. Bà dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường vào 16/12.
Nhưng giới phân tích cho rằng ngoài các chào mừng xã giao và các thông điệp công khai, sẽ có các chỉ thị trong phòng kín về việc chính phủ của bà Lam liệu có thay đổi hướng đi hay không và sẽ theo hướng nào.
Nhìn lại 6 tháng biểu tình ở Hong Kong qua hình ảnh
Hong Kong: Giới lập pháp dân chủ đề xuất loại lãnh đạo Carrie Lam
Hong Kong: Phe ủng hộ dân chủ xuống đường rầm rộ
Họ tin rằng lãnh đạo Trung Quốc, gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hàn Chính, sẽ tận dụng cơ hội này để nói với bà Lam về hàng loạt vấn đề, từ an ninh quốc phòng tới xây dựng lại mối quan hệ với phe thân chính phủ, hay việc trừng phạt các cơ quan của Mỹ.
Đây là các cuộc họp đầu tiên của bà Lam với lãnh đạo Bắc Kinh kể từ khi phe thân chính phủ của Hong Kong thất bại thảm hại tại một cuộc bầu cử hội đồng quận. Phe ủng hộ dân chủ đã thắng 392 trong số 452 ghế vào 24/11, kiểm soát 17 trong số 18 ghế của hội đồng quận.
Lau Siu-kai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Hong Kong, Macao của Trung Quốc, nói rằng mặc dù ông Tập và ông Hàn đã gặp bà Lam vào mùng 4/11 và 6/11, chuyến đi lần này của bà Lam không chỉ đơn thuần là có thêm các cuộc họp với các chính trị gia Bắc Kinh.
“Đây là một dịp thường niên khi đặc khu trưởng sẽ nộp báo cáo và các lãnh đạo sẽ đánh giá việc làm của bà ấy trước đây và nhìn về năm tới,” ông Lau Siu-kai nói với SCMP.
“Họ có thể sẽ hối thúc bà Lam làm nhiều điều hơn để chấm dứt bạo lực và bất ổn ở Hong Kong,” ông nói.
Lần gặp vào 4/11, ông Tập đã nói “tin tưởng ở bà Lam”, phủ nhận tin đồn sẽ thay thế bà.
Tuy nhiên sau hai tuần tạm lắng, bất ổn trở lại vào 1/12. Người biểu tình ném gạch đá vào cảnh sát, đập phá các cửa hàng. Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay.
Song Sio-chong, Giáo sư thuộc Trung tâm Luật Cơ bản Hong Kong và Macao cho rằng khi bạo lực quay trở lại, có vẻ như bà Lam sẽ có rất ít điều để báo cáo với ông Tập.
Bruce Lui Ping-kuen, một người quan sát Trung Quốc và giảng viên cao cấp về báo chí tại Đại học Baptist thì cảnh báo rằng với sự thất bại thảm hại của phe ủng hộ chính phủ trong cuộc bầu cử vừa qua, cùng với những bất bình ngày càng tăng đối với bà Lam, có thể lãnh đạo chính phủ sẽ thảo luận việc thay thế bà.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50738893
Hồng Kông: Chuyên gia nước ngoài tẩy chay
ủy ban điều tra của cảnh sát
Các chuyên gia nước ngoài về an ninh công cộng tại Hồng Kông, vào hôm nay 11/12/2019 đã tuyên bố từ nhiệm và rút ra khỏi Ủy Ban Khiếu Nại về Lực Lượng Cảnh Sát Chống Bạo Động. Những người này cho rằng ủy ban giám sát do chính cảnh sát Hồng Kông thành lập, thiếu tính chất độc lập cần thiết vì không đủ quyền tự do hoạt động.
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde, giải thích:
Sự vụ diễn ra sau chuyến đi Bắc Kinh của tân lãnh đạo cảnh sát Hồng Kông. Việc từ nhiệm này không tốt lành gì cho không khí nghi kỵ ngày càng tăng giữa dân chúng và lực lượng an ninh Hồng Kông.
Được Hội Đồng Khiếu Nại Độc Lập về Bạo Lực Cảnh Sát tuyển mộ vào tháng 9 vừa qua, 5 chuyên gia nước ngoài này ngầm cho hiểu là họ không thể hoàn tất nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của họ là xem xét công việc của bộ phận có trách nhiệm giám sát các cảnh sát, thông qua cơ quan đặc trách xem xét những lời tố cáo của một số người biểu tình về các hành vi bạo lực của lực lượng cảnh sát chống bạo động. Thế nhưng, vì chán ngán trước việc bị trói tay, các chuyên gia đã từ chối, không muốn làm người bảo lãnh cho các hành vi của cảnh sát nữa.
Trung Quốc hủy đoàn thương mại
vì Thụy Điển trao giải cho Quế Mẫn Hải
Trung Quốc đã hủy một chuyến công tác của phái đoàn thương mại nước họ dự kiến tới Thuỵ Điển vì giải Văn bút Quốc tế PEN Club trao cho ông Quế Mẫn Hải (Gui Minhai).
Trung Quốc nói đã ‘đuổi’ tàu Mỹ ra khỏi Hoàng Sa
TQ: Hoàn cầu Thời báo công kích Thụy Điển
Cuộc gặp đáng ra phải được tổ chức ở Stockholm hôm 10/12/2019 đã không xảy ra, theo báo Thuỵ Điển Gotenborg-Posten.
Chính phủ Trung Quốc cũng đe doạ “Thuỵ Điển sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng” sau khi bộ trưởng văn hoá Thuỵ Điển trao giải PEN International vắng mặt cho ông Quế Mẫn Hải, người Hong Kong có quốc tịch Thuỵ Điển, hiện bị giam ở Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao TQ đã cảnh báo Thuỵ Điển không được trao giải thưởng này cho ông Quế Mẫn Hải và nói họ sẽ hạn chế các trao đổi văn hoá với quốc gia Bắc Âu nếu sự việc vẫn diễn ra.
Nay khi có vẻ không chỉ giao lưu văn hoá mà trao đổi thương mại đã bị ảnh hưởng.
Con gái ông là Angela Gui đã thay mặt cha nhận giải vào giữa tháng 11 ở Stockholm.
Ông Quế là một trong số nhân viên một hiệu sách tự do ở Hong Kong bị mất tích hồi 2015.
Vụ việc “nhân viên mất tích” từ hiệu sách Causeway Bay Books, Hong Kong có bán các ấn phẩm về lãnh đạo Trung Quốc đã gây tiếng vang quốc tế.
Tháng 6/2016, năm nhân viên nhà sách Causeway Bay Books mất tích từ tháng 10/2015 đã trở về nhà và tố cáo bị chính quyền Trung Quốc bắt cóc.
Sang đầu năm 2018, một trong năm người là ông Quế Mẫn Hải lại bị công an Trung Quốc bắt khi đi tàu tới Bắc Kinh và từ đó đến nay ông bị giam giữ tại Trung Quốc.
Phe dân chủ Hong Kong ngay từ khi đó đã lên tiếng coi vụ “bắt cóc” là dấu hiệu Bắc Kinh can thiệp thô bạo vào tình hình Hong Kong.
Tháng 11 vừa qua Văn bút Thuỵ Điển (Swidish PEN Club) nói họ sẽ trao giải tự do ngôn luận mang tên nhà văn Đức Kurt Tucholsky năm nay cho ông Quế Mẫn Hải.
Tucholsky là nhà văn đã phải bỏ Đức thời phát-xít để sang Thuỵ Điển sống lưu vong.
Giải thưởng cho ông Quế Mẫn Hải được coi là để đề cao vai trò của ông, hiện bị cầm tù ở Trung Quốc.
Đại sứ quán TQ đã nhanh chóng phản bác, coi việc trao giải này “có động cơ chính trị thấp hèn, bôi bác tự do ngôn luận và tát vào mặt Văn bút Thuỵ Điển”.
Quan hệ TQ – Thuỵ Điển xấu đi từ mấy năm qua.
Năm 2010, nước Bắc Âu láng giềng của Thuỵ Điển là Na Uy bị TQ cắt mọi quan hệ thương mại sau lễ trao giải Nobel Hoà bình vắng mặt ở Oslo cho nhà văn Lưu Hiểu Ba, ngồi tù ở Liêu Ninh.
Phải đến năm 2006 quan hệ thương mại Na Uy-TQ mới được nối lại.
Ông Lưu qua đời ở Trung Quốc năm 2017 vì ung thư mà không được Bắc Kinh cho đi nước ngoài chữa trị, bất chấp lời đề nghị từ châu Âu và Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50745233
Công ty TQ xây đảo nhân tạo
Một công ty Trung Quốc đã trúng hợp đồng 1 tỷ USD bồi đắp đảo nhân tạo ở khu vực vịnh Manila. Khi các công trình hoàn tất, những đảo này sẽ nằm bao quanh Đại sứ quán Mỹ tại Philippines.
Công ty Công trình Cảng Trung Quốc (CHEC) đã trúng được hợp đồng 1 tỷ USD xây đảo nhân tạo trong dự án mở rộng khu phức hợp Mall of Asia của tập đoàn SM Prime Holdings tại Manila. Việc xây dựng đã được “bật đèn xanh” vào năm tới.
CHEC là một trong số các công ty xây dựng Trung Quốc đang thực hiện ít nhất 5 dự án xây đảo nhân tạo ở vịnh Manila. Một khi các dự án hoàn tất, toàn bộ khu vực Đại sứ quán Mỹ ở Philippines có mặt giáp vịnh Manila sẽ bị các đảo nhân tạo bao quanh, theo báo Nikkei.
CHEC là công ty có liên quan tới vụ bê bối hối lộ trong dự án đường cao tốc ở Bangladesh năm ngoái. CHEC cũng là công ty con thuộc Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC). CCCC là bên đã biến các bãi đá và bãi san hô ở Biển Đông thành các tiền đồn quân sự và hàng hải phi pháp của Bắc Kinh.
Chủ tịch của SM Prime Jeffrey Lim tuyên bố hôm 6/12 rằng họ đã chọn xong cố vấn và nhà thầu thực hiện kế hoạch.
Các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa trái pháp luật quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông đang gây gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên,Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như đã tạm gác vấn đề này sang một bên và có dấu hiệu xích lại gần Trung Quốc, dù Manila cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Khu vực đảo nhân tạo sắp được xây dựng sẽ là nơi đặt các trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng và cơ sở giải trí. Kế hoạch này nhằm giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất ở Manila cũng như sự gia tăng bùng nổ của du khách Trung Quốc và ngành sòng bài trực tuyến nở rộ thu hút hàng chục nghìn lao động Trung Quốc qua làm việc.
Năm 2009, Ngân hàng Thế giới (WB) từng ra lệnh cấm công ty CCCC và mọi đơn vị thành viên tham gia vào các dự án xây dường do WB cung cấp tài chính trong 8 năm vì cáo buộc có “hành vi gian lận” trong một dự án làm đường ở Philippines. CCCC đã bác bỏ cáo buộc và được cho đang tìm đường để tiếp tục quay trở lại Philippines.
CCCC cũng là một trong những nhà đầu tư đang quan tâm tới dự án sân bay 10 tỷ USD ở phía nam Manila.
Âm mưu và các bước
“độc chiếm” Biển Đông phi pháp của TQ
Bản chất tranh chấp và căng thẳng ở Biển Đông là do tìm mọi cách xâm chiếm biển đảo các nước nhằm từng bước triển khai các ý đồ chiến lược trong vùng biển này. Hành động trên của Bắc Kinh đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả khó lường đối với hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Trung Quốc muốn gì ở Biển Đông
Là một cường quốc về kinh tế, quân sự, song Trung Quốc đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức lớn đe dọa ổn định và phát triển của đất nước. Để tạo bước đột phá chiến lược, vượt qua những khó khăn thách thức trên, Trung Quốc chỉ còn một biện pháp duy nhất là phát triển thành cường quốc biển, tạo đột phá về kinh tế biển. Tuy nhiên, lại không may cho Trung Quốc, tất cả các hướng ra biển của nước này đang bị các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… án ngữ, bao vây. Do đó, để đi ra bên ngoài, Trung Quốc chỉ còn một cách duy nhất là đánh chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Nhìn một cách toàn diện, âm mưu của Trung Quốc đối với Biển Đông có một số điểm sau:
Đầu tiên, Trung Quốc muốn độc chiếm khu vực địa-chiến lược ở Biển Đông. Việc nắm quyền kiểm soát vùng biển này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc phá vỡ thế bao vây của các nước trên biển. Đây là lý do chính của việc Trung Quốc nhất quyết muốn biến Biển Đông thành một khu vực bất khả xâm phạm nhằm thực hiện những mưu đồ chiến lược quân sự của Bắc Kinh. Ngoài ra, thông qua việc kiểm soát khu vực này, Trung Quốc sẽ bố trí tàu ngầm chiến lược đến các vị trí nằm có thể sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tấn công tới Mỹ. Hiện quan hệ giữa hai nước chủ yếu vẫn là ngờ vực ngay cả khi cả hai đang cố gắng hết sức để duy trì đối thoại, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng, nhằm tránh những sự cố có thể biến thành xung đột; Trung Quốc luôn coi Mỹ là một kẻ thù tiềm tàng, ngược lại Mỹ cũng không hề tin tưởng vào những hành xử hòa bình của Trung Quốc trong tương lai.
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi về mặt chiến lược để thống nhất với Đài Loan. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là lợi ích cốt lõi và là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Chính vì vậy, Bắc Kinh đang củng cố và triển khai tổng hợp các biện pháp (từ quân sự, ngoại giao, kinh tế, chính trị…) để có thể thống nhất với Đài Loan khi thời cơ đến. Không những vậy, Đài Loan còn có vị
trí địa chiến lược quan trọng, nó là nới giao nhau giữa Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc muốn rời một trong hai vùng biển này để tiến ra Thái Bình Dương đều phải đi qua các eo biển khác ngang qua các đảo rải rác trong khu vực. Trong số này, một số eo biển khá rộng, như Eo biển Okinawa-Miyako rộng khoảng 150 dặm. Tuy nhiên phần lớn các eo biển đều hẹp. Do đó trong thời gian khủng hoảng hoặc chiến tranh, tất cả các lối đi này đều dễ dàng bị chặn hoặc mai phục nếu có đủ số lượng tàu ngầm và các phương tiện hải quân khác. Đây là vấn đề hải quân Trung Quốc đang phải đối mặt khi muốn tiến ra đại dương. Trong thời bình, lực lượng hải quân Trung Quốc không thể di chuyển mà không bị phát hiện khi đi qua các chuỗi đảo nhỏ này. Trên thực tế, việc thống nhất Đài Loan còn sẽ giúp hải quân Trung Quốc có vùng lãnh hải an toàn thực sự bởi vùng nước của Đài Loan khi đó sẽ thuộc toàn quyền kiểm soát của Bắc Kinh: về phía Bắc Đài Loan vùng nước này kéo dài tới quần đảo Điếu Ngư, về phía Nam vùng nước bao trùm nửa Eo biển Bashi. Nhờ vậy Hải quân Trung Quốc có thể tự do đi lại trên Thái Bình Dương qua những vùng nước nay đã thuộc lãnh hải của Trung Quốc. Nếu những tuyến đường này được lưu thông tự do trong thời bình thì trong bối cảnh chiến tranh sẽ không ngăn được các lực lượng thù địch dùng chiến lược phong tỏa để cấm các phương tiện hải quân Trung Quốc ra vào các vùng nước tự do của Thái Bình Dương.
Thứ ba, âm mưu độc chiếm các nguồn tài nguyên, khoáng sản, hản sản ở Biển Đông cũng là một trong những mục đích quan trọng của Bắc Kinh để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney – Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan … trong đó Indonesia là thành viên của OPEC. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.
Các bước tiến hành của Trung Quốc
Đầu tiên, Trung Quốc cố tình vận dụng sai các quy định của luật pháp quốc tế nhằm tìm cách biện minh, xâm chiếm chủ quyền trên Biển Đông. Bằng cách tuyên bố chủ quyền dựa vào “đường chín đoạn”, Trung Quốc đang dựng lên một lý lẽ để bao biện cho những tham vọng của mình đối với khu vực. Trung Quốc áp dụng sai quy định về vẽ đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Hành động này của Trung Quốc vừa vi phạm các quy định của UNCLOS (Điều 121 về quy chế các đảo) và vừa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Không những vậy, Trung Quốc tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế về yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn”. Trung Quốc coi “đường 9 đoạn” là đường trung tuyến giữa phần lãnh thổ là đảo của Trung Quốc với các quốc gia tiếp giáp trên Biển Đông, coi khu vực trong “đường 9 đoạn” là vùng đặc quyền kinh tế hoặc lãnh hải của Bắc Kinh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng coi khu vực này là “vùng nước lịch sử”, viện cớ rằng “đường 9 đoạn” đã tồn tại hơn sáu mươi năm và không quốc gia nào tỏ ý phản đối sự tồn tại của đường này kể từ khi Cục Địa lý thuộc Bộ Nội vụ, Cộng hòa Trung Hoa sau này, dưới sự lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, in Bản đồ vị trí các đảo Biển Nam Trung Hoa (Nanhai zhudao weizhi tu) vào năm 1947. Trung Quốc cố tình vận dụng sai các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS để diễn giải, lừa bịp cộng đồng quốc tế về cái gọi là “chủ quyền hợp pháp” của Bắc Kinh ở Biển Đông
nhằm: Cho phép Trung Quốc cấm hải quân nước ngoài đi vào khu vực biển này vì, trong trường hợp này phần biển trong “đường 9 đoạn” sẽ được coi là vùng lãnh hải của Trung Quốc; cấm hải quân nước ngoài đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhờ đó tàu ngầm, tàu chiến của Trung Quốc có thể hoạt động tự do ở Biển Đông; gia tăng khả năng kiểm soát tình hình eo biển Đài Loan; ngăn cản Mỹ và các nước đồng minh hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Thứ hai, củng cố cơ sở pháp lý, hoàn thiện các quy định nội luật để tìm cách ngụy biện về chủ quyền. Nhằm phục vụ cho chiến lược “cường quốc biển”, song hành với việc hoàn thiện cơ cấu các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan chấp pháp trên biển, Trung Quốc còn ban hành nhiều chính sách và quy định liên quan đến từng lĩnh vực biển đảo cụ thể. Trong đó, chính sách biển đảo của Trung Quốc được thể hiện chủ yếu thông qua các văn bản sau: Quy hoạch, Cương yếu Quy hoạch; Kế hoạch 5 năm; Sách trắng. Chính sách, chiến lược biển của Trung Quốc sau đó đã được cụ thể hóa và trở thành kim chỉ nam cho các văn bản pháp luật về biển đảo của Trung Quốc trong gần 7 thập kỷ qua với các văn bản chính sau: Hiến pháp nước CHND Trung Hoa năm 1982, sửa đổi, bổ sung năm 1988, 1993, 1999 và 2004; Tuyên bố về lãnh hải của Chính phủ nước CHND Trung Hoa năm 1958; Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992; Quyết định của UBTV Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 1996 về phê chuẩn Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982); Tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải CHND Trung Hoa năm 1996; Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước CHND Trung Hoa năm 1998; Luật Bảo vệ hải đảo nước CHND Trung Hoa năm 2009; Luật về Quản lý các vùng biển của nước CHND Trung Hoa năm 2001; Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm (từ năm 1999 đến nay); Công hàm số CML/17 và CML/18 ngày 7/5/2009 gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc (kèm theo bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp)…
Thứ ba, thực hiện các bước điều chỉnh chiến lược về quốc phòng. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển lực lượng hải quân. Trung Quốc hiện có khoảng 700 tàu chiến các loại, trong đó có 02 tàu sân bay, 29 tàu tuần dương, 49 tàu khu trục, 34 tàu hộ vệ, 68 tàu ngầm tấn công và hơn 100 tàu tên lửa; đáng chú ý các tàu mặt nước lớn của Trung Quốc đều có khả năng triển khai tên lửa tấn công và một số chiếc có còn khả năng chiến khai cả vũ khí hạt nhân chiến thuật; một số tàu chiến của Trung Quốc được đánh giá là có tính năng ưu việt so với mặt bằng chung của các nước, như: Tàu khu trục lớn nhất châu Á Type 055; tàu đổ bộ Type 071 (dài 210 m và độ choán nước 25.000 tấn); 4 tàu ngầm hạt nhân Type 094 lớp Tấn (lượng giãn nước 11.000 tấn) là khả năng tấn công hạt nhân, mỗi tàu được trang bị 12 tên lửa đạn đạo JL-2 và tên lửa chống tàu. Không quân của Hải quân Trung Quốc có 346 máy bay (đứng thứ hai trên thế giới về số lượng, đứng sau Mỹ). Hiện lực lượng này có khoảng 30 máy bay ném bom chiến lược Tây An H-6, có khả năng mang được tên lửa hành trình chống tàu mặt nước tốc độ cận âm; 8 máy bay cảnh báo sớm KJ-200, 5 máy bayY-8 ELINT được trang bị các khí tài trinh sát điện tử, 3 máy bay bay tuần tra chống ngầm tầm xa Y-8MPA trang bị các hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống định vị thủy âm tìm kiếm tàu ngầm, 32 máy bay vận tải hạng trung Y-8 (có thể chở 96 lính thường hoặc 82 lính dù hoặc 20 tấn hàng hóa); 20 máy bay J-15, 20 máy bay chiến đấu J-10, 24 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 24 máy bay chiến đấuJ-11BH,120 máy bay chiến đấu JH-7 và JH-7A; 48 máy bay J-8II, 35 máy bay J-7D/E (loại cũ, tính năng hạn chế, sản xuất từ những năm 1970); 26 trực thăng vận tải kiêm nhiệm vụ tuần tra biển Z-8… Ngoài ra, Trung Quốc hiện có tàu sân bay Liêu Ninh mới được đưa vào sử dụng từ năm 2012 và mới hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên. Hiện nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đang sử dụng một tàu khu trục Type-052D, 2 tàu khu trục Type-052C, 2 tàu hộ vệ tên lửa Type-054, 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, một tàu hộ tống Type-056 và tàu cung cấp Type-903. Tàu Liêu Ninh hiện mới được trang bị phi đội 24 máy bay chiến đấu J-15.
Không những vậy, Trung Quốc tăng cường tập trận, tuần tra phi pháp trong khu vực. Trong những lần tập trận này, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng thấy, huy động các thiết bị điện tử chặn sóng radar, tên lửa hạm đối không HQ-9B, tên lửa chống hạm (ACBM) YJ-12B, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích J-11, pháp cao xạ, radar… đến các đảo đang tranh chấp trong khu vực. Với việc làm này, Trung Quốc bất chấp sự quan ngại, phản đối của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, từng bước thực hiện âm mưu thôn tính Biển Đông.
Thứ tư, cải tạo phi pháp các thực thể chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, biến chúng thành các căn cứ quân sự tiền tiêu. Tại quần đảo Hoàng Sa, lợi dụng tình trạng kiểm soát trên thực tế toàn bộ quần đảo này. Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều hoạt động quân sự phi pháp như xây đường băng trên đảo Phú Lâm có chiều dài 2.000m và sau đó là điều máy bay chiến đấu, bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm; xây dựng trái phép căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa. Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hoạt động đáng chú ý nhất là kể từ năm 2014 Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng
và cải tạo đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Xu Bi. Cụ thể: Đá Tư Nghĩa: Trung Quốc cải tạo Đá Tư Nghĩa thành khu vực rộng 62.710m2; xây dựng kiên cố nhiều công trình như các công sự ven biển, bốn pháo phòng thủ, cầu cảng, cơ sở quân sự đa cấp, trạm radar, bãi đáp trực thăng, hải đăng. Đá Ga Ven: Trung Quốc đã xây dựng tại phía Tây đá Ga Ven một bãi lớn bằng bê tông, một bến tàu cùng nhiều ụ súng, radar và các thiết bị thông tin liên lạc khác. Từ khoảng thời gian giữa tháng 4 và tháng 8/2014, Trung Quốc đã đào một kênh tại trung tâm của đá Ga Ven để lấy đất bồi thành một hòn đảo hình chữ nhật với kích thước xấp xỉ 300m x 250m. Phần mở rộng có diện tích 114.000m2, tính đến ngày 19/3/2015. Trên đá này, Trung Quốc xây dựng kênh tiếp cận, bệ súng phòng không, thiết bị liên lạc, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng. Đá Gạc Ma: Ban đầu, các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Gạc Ma chỉ là vài kết cấu hình “bát giác” xây trên cọc gỗ. Đến năm 1989, tại đây đã xuất hiện thêm hai tháp xi măng tròn, một ngôi nhà hai tầng cũng bằng xi măng, một ăng ten liên lạc vệ tinh cao 2,5m và liền kế bên một cột ăng-ten cao 2,4m. Đến thời điểm đầu năm 2013, các công trình nhân tạo trên đá Gạc Ma chỉ là một bãi nhỏ bằng bê tông được trang bị một số phương tiện thông tin liên lạc UHF/VHF, trạm radar, súng phòng không cùng với một bến tàu. Từ cuối năm 2013, các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy sự hiện diện của tàu Tian Jing Hao tại khu vực đá Gạc Ma, mở đầu cho các hoạt động biến đá Gạc Ma này thành đảo nhân tạo. Đá Gạc Ma có diện tích xây dựng năm 2012 khoảng 4.128m2, nay Trung Quốc đã xây dựng lên 10,9ha (109.000m2), bao gồm sáu công trình khác nhau với một khu vực cảng. Đảo này sẽ trở thành khu căn cứ quân sự tổng hợp, có thể đốn các tàu tải trọng lên tới trên 5.000 tấn, có đường băng dài 1,6km đủ cất và hạ cánh các loại máy bay chiến đầu. Đá Chữ Thập: Trước năm 2014, trên đá Chữ Thập chỉ có một trạm đồn trú của lính thủy đánh bộ của Trung Quốc, cũng với một số thiết bị radar giám sát, một nhà trồng rau, một sân bay trực thăng, một số bệ súng và pháo cùng hệ thống súng phóng lựu chống biệt kích DP-65. Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động cải tạo đảo tại đây từ tháng 8/2014. Ảnh vệ tinh tháng 6/2015 cho thấy, phần diện tích được Trung Quốc cải tạo trên đá Chữ Thập đã lên tới 2,79km2 (2.790.000m2), trở thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa. Nơi đây, sẽ trở thành một căn cứ hải lục, không quân hoàn chỉnh của Trung Quốc. Đá Châu Viên: Trước năm 2013, các công trình nhân tạo được Trung Quốc xây dựng trên đá Châu Viên chỉ bao gồm căn cứ và một hệ thống khí tài được gia cố có khả năng chịu được sức gió lên đến 130 km/giờ. Căn cứ này có thể sử dụng làm nơi neo đậu cho các tàu tuần tra cỡ nhỏ của Trung Quốc. Ngày 13/9/2014, truyền thông nhà nước của Trung Quốc công bố hình ảnh chụp các công trình được xây dựng trên đá Châu Viên tương tự như những gì Trung Quốc xây dựng trên đá Gạc Ma. Diện tích phần cải tạo trên đá Châu Viên được mở rộng tới 119.711m2, tính đến ngày 14/3/2015. Những công trình xuất hiện tại đây gồm kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng-ten liên lạc vệ tinh, radar. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, nhiều công trình vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Đá Xu Bi: Trước đây, Trung Quốc đã cho xây dựng một bãi đáp trực thăng, một đồn gác nhỏ làm bằng bê tông để quân đội luân phiên đóng dân tàu hải quân tiến vào vùng biển bên trong. Đến tháng 5/2012, Trung Quốc cho xây thêm một radar hình vòm đặt trên đỉnh của tòa nhà bốn tầng được xây kiên cố tại đây. Phần đất cải tạo trên đảo được mở rộng đáng kể từ tháng 7/2014. Tới ngày 17/4/2015, hoạt động bồi đắp ở đá Xu Bi đã mở rộng lên tới 2,27km2 (2.270.000m2); truyền thông Trung Quốc đã khẳng định, kích thước của đá Xu Bi đã tăng thêm 1,8km2 (1.800.000m2). Trung Quốc hiện đã xây dựng trên đá Xu Bi các công trình gồm có: kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quân sự và có khả năng Trung Quốc sẽ xây một đường băng dài khoảng 3.300m, có thể tiếp nhận được hầu hết các loại máy bay chiến đấu của lực lượng Trung Quốc. Đá Vành Khăn: Cho tới cuối năm 2014, các công trình nhân tạo duy nhất tại bãi đá này chỉ gồm một trạm gác, một đồn quân sự với các tàu chiến và các tàu tuần tra biển của Trung Quốc. Ngày 05/02/2015, Trung Quốc bắt đầu cho tàu nạo vét các đảo. Chỉ sau vài tháng, Trung Quốc đã biến đá Vành Khăn trở thành một đảo nhân tạo có diện tích 2,42 km2 (2.420.000m2), tính đến ngày 13/4/2015. Hiện Trung Quốc vẫn đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng đảo nhân tạo trên đá Vành Khăn, với sự hiện diện của tàu chiến đổ bộ, có khả năng chứa 500-800 quân tuần tra quanh đó.
Thứ năm, đưa ra Chiến lược “cường quốc biển” với nội đam bao phủ toàn bộ các lĩnh vực liên quan biển, nhằm tạo cơ sở, hành lang để Trung Quốc thôn tính Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng Chiến lược biển với bốn yếu tố cơ bản là: xác định việc mở rộng quản lý biển là hạt nhân của chiến lược chính trị biển; khẳng định việc xây dựng chiến lược cường quốc biển là hạt nhân của chiến lược phát triển kinh tế biển; xác định an ninh biển và an ninh quốc gia là vấn đề trọng tâm trong chiến lược phòng vệ biển; khẳng định và coi trọng việc sử dụng kỹ thuật cao kết hợp với kỹ thuật thông thường trong chiến lược khoa học – kỹ thuật biển. Trong đó có một số nét nổi bật: (1) Mục tiêu của Trung Quốc là phấn đấu đến năm 2050 vươn lên trở thành siêu cường thế giới ngang hàng với Mỹ trên cơ sở ‘cải cách, mở cửa’ và ‘trỗi dậy hòa bình’. Trung Quốc cho rằng thời gian từ nay đến năm 2020 là cơ hội tốt nhất cho Trung Quốc phát triển. Vì vậy, xu thế chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm tới là cố gắng giải quyết các mâu thuẫn bên trong và bên ngoài một cách hài hòa, tránh các biện pháp cực đoan, không đối đầu với Mỹ, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, duy trì môi trường hòa bình, hữu nghị. (2) Trung Quốc bắt đầu xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương. (3) Trung Quốc chủ trương “khai thác biển xa trước, biển gần sau, biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau”, “ngoại giao đi trước, hải quân đi sau”; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủ và hạn chế Mỹ, Nhật Bản. (4) Trung Quốc chủ trương lấy giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương trực tiếp với các nước liên quan, tập trung đẩy mạnh khai thác cạn kiệt tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông.
Nhìn chung, về bản chất, Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông nhằm chiếm trọn khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú phục vụ phát triển trong nước. Để đạt được âm mưu trên, Trung Quốc đã, đang và sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào, dù cho thủ đoạn đó vi phạm luật pháp quốc tế và bị cộng đồng quốc tế lên án. Hành động này của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả các nước có lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, cần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ ngăn chặn các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/32059-am-muu-va-cac-buoc-doc-chiem-bien-dong-phi-phap-cua-tq.html
Luật sư Trung Quốc hy vọng
phong trào dân chủ Hồng Kông có thể thay đổi đại lục
Trong khi những người biểu tình ở Hồng Kông tổ chức một cuộc tuần hành vào ngày 1/12 để cảm ơn chính phủ Mỹ vì đã hỗ trợ phong trào dân chủ, một luật sư đến từ Trung Quốc nói rằng, ông hy vọng việc người dân thành phố Hương Cảng đấu tranh cho tự do sẽ mang đến sự thay đổi cho đại lục, theo The Epoch Times (3/12).
Hôm 27/11, Tổng thống Donald Trump ban hành hai đạo luật về Hồng Kông. Trong đó có đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ hàng năm đánh giá đặc khu có duy trì được đủ mức tự quản để được hưởng đặc quyền kinh tế theo quy định trong Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992 hay không. Đạo luật cũng quy định các biện pháp trừng phạt với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông vi phạm nhân quyền ở thành phố Hương Cảng.
Khoảng 6.000 người đã tập hợp tại vườn Chater ở khu Trung Hoàn hôm 1/12, tham gia cuộc tuần hành đến Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông để cảm ơn chính quyền Tổng thống Trump.
Những lá cờ Mỹ, các khẩu hiệu ủng hộ dân chủ và hàng ngàn người hào hứng tham gia cuộc biểu tình đã tạo ra một cảnh tượng ngạc nhiên cho bất kỳ công dân nào đến từ Trung Quốc, nơi các cuộc diễu hành do các nhà tổ chức phi chính phủ khởi xướng chỉ được quy định trong hiến pháp nhưng không bao giờ diễn ra trên thực tế.
Một luật sư Trung Quốc đã mang theo người con nhỏ của mình tới Hồng Kông để tiêm chủng, đã vô cùng ấn tượng sau khi xem cuộc diễu hành. Trả lời phỏng vấn với điều kiện giấu tên, ông nói với The Epoch Times rằng ông không bị đánh lạc hướng bởi tin tức giả của chính quyền Trung Quốc về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Vị luật sư cho biết, nhiều người bạn của ông đồng ý với việc truyền thông nhà nước Trung Quốc dán nhãn những người biểu tình ở Hồng Kông là “kẻ bạo loạn”. Tuy nhiên, ông đã nhận ra rằng những phát ngôn trong các bản tin của chính quyền Trung Quốc không khách quan, bởi vì ông thường đọc tin tức nước ngoài bằng cách sử dụng phần mềm đặc biệt để vượt hệ thống tường lửa kiểm duyệt Internet của Trung Quốc.
“Hầu hết người dân Trung Quốc thiếu tư duy hợp lý vì có nhiều điều họ không được học trong chương trình giáo dục kể từ khi còn nhỏ”, vị luật sư nói. “Hãy nghĩ về điều này, nếu hơn 2 triệu người tham gia vào một phong trào, làm sao mà tất cả số đó đều là những kẻ bạo loạn được? Hơn nữa, đã hơn 5 tháng kể từ khi người biểu tình Hồng Kông bắt đầu phong trào này. Rất khó có khả năng để một nhóm những
kẻ bạo loạn tồn tại lâu như vậy. Do đó, tôi biết rằng tuyên truyền từ các kênh thông tin của Trung Quốc thiếu hợp lý”.
Ông nói thêm, hệ thống giáo dục của Trung Quốc đã cố tình biến dân chúng thành những cá nhân mơ hồ, thiếu khả năng suy luận hợp lý. “Trong hệ thống giáo dục đó, rất khó để một người lớn lên với những suy nghĩ và quan điểm bình thường”.
Người luật sư suy đoán hơn 90% người Trung Quốc không thể biết được sự thật đằng sau những tuyên truyền giả dối. “Họ thực sự không có khả năng nhìn ra sự thật. Nhiều người tin rằng những người biểu tình thực sự là những kẻ bạo loạn, và đó là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng”, ông nói.
“Ngay cả khi tôi nói chuyện với một số người quen đã trải qua bậc đại học và có bằng cấp cao, thì cũng rất khó để giúp họ hiểu rằng tuyên truyền của Trung Quốc về tất cả các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là lừa dối. Có thể mất rất nhiều thời gian và cần sự kiên nhẫn để thay đổi quan điểm của họ. Hoặc khi họ có cơ hội đi du lịch nước ngoài, họ có thể dần nhận ra truyền thông của Trung Quốc luôn rất khác biệt với thế giới bên ngoài”, người luật sư đến từ đại lục cho hay.
Mặc dù người Trung Quốc là nạn nhân của việc kiểm duyệt truyền thông, tẩy não và thông tin sai sự thật, nhưng vị luật sư này vẫn hy vọng phong trào dân chủ ở Hồng Kông sẽ lan tỏa đến đại lục và mang lại một số thay đổi.
Ông nói thêm, các cuộc tuần hành ở Hồng Kông mà ông chứng kiến không thể có ở đại lục. Mặc dù hiến pháp Trung Quốc quy định công dân có quyền tổ chức diễu hành, nhưng cơ quan thực thi pháp luật địa phương luôn áp dụng luật hình sự và hành chính để từ chối những ai có quyền bày tỏ sự bất bình theo cách này.
Trung Quốc: Vận động viên nước ngoài thi đấu thuê
bị phạt vì không chào cờ
Tại Trung Quốc, khi tinh thần dân tộc chủ nghĩa lên đến mức cực đoan thì hệ quả ra sao ? Một vận động viên bóng rổ Pháp đấu thuê cho một câu lạc bộ ở Nam Kinh (Trung Quốc) vừa cảm nhận được điều này một cách cay đắng : Bị phạt chỉ vì chào cờ không chuẩn trước một trận đấu.
Hôm thứ Bảy 07/12/2019, Liên Đoàn Bóng Rổ Trung Quốc đã ra quyết định phạt tuyển thủ người Pháp Guerschon Yabusele (từng đấu thuê cho câu lạc bộ Mỹ Boston Celtics) một khoản tiền 10.000 nhân dân tệ (tương đương với gần 1300 €) chỉ vì không nhìn về phía quốc kỳ Trung Quốc nhân thủ tục chào cờ trước một trận đấu của giải vô địch quốc gia.
Giống như ở Hoa Kỳ, các sự kiện thể thao tại Trung Quốc thường được bắt đầu bằng một lễ chào cờ với việc phát quốc ca. Tại Trung Quốc, các tuyển thủ trên nguyên tắc phải đứng nghiêm và nhìn về phía lá cờ. Thế nhưng Guerschon Yabusele, đấu thủ trước đây cũng đã chơi cho hai câu lạc bộ Pháp Roanne và Rouen, nhưng đang đấu thuê cho câu lạc bộ Hầu Vương Nam Kinh, đã bị phát hiện là chỉ cúi đầu mà thôi.
Liên đoàn bóng rổ Trung Quốc ngay hôm sau đã ra quyết định phạt tiền cầu thủ Pháp, kèm theo một lời « cảnh báo nghiêm trọng » vì đã không tuân thủ quy định « chào cờ bằng ánh mắt ».
Trên mạng xã hội Vi Bác, những lời đả kích vận động viên Pháp không thiếu. Một người giận dữ : « Anh ta rất vui khi nhận tiền của Trung Quốc, nhưng lại không tôn trọng Trung Quốc ». Một người khác thì cho rằng : « Cầu thủ này phải bị trục xuất ngay lập tức và câu lạc bộ của anh ta phải bị loại khỏi ra khỏi giải vô địch! ».
Tuy nhiên, cũng có người rất ngạc nhiên trước cách xử phạt quá năng dành cho Guerschon Yabusele. Một cư dân mạng viết : « Quả là vớ vẩn ! Anh ta đâu phải là người Trung Quốc ! Hơn nữa, anh ta cũng đứng dậy khi chào cờ và không hề có những cử chỉ xúc phạm. Anh ta đã cúi đầu khi chào cờ. Liên Đoàn Bóng Rổ Trung Quốc đang sống vào thời kỳ nào vậy ? Đã lạc hậu 50 năm rồi ! ».
Theo hãng tin Pháp AFP, đây không phải là lần đầu tiên ở Trung Quốc mà một vận động viên thể thao nước ngoài bị phạt như vậy.
Vào năm 2018, Liên Đoàn Bóng Đá Trung Quốc đã treo giò trong một trận cựu tuyển thủ quốc tế người Brazil Diego Tardelli, chơi cho câu lạc bộ hạng nhất Sơn Đông Lỗ Năng của Trung Quốc vì đã nhìn xuống đất và đưa tay lên mặt trong lúc phát quốc ca.
Bỏ tù nhà báo : Trung Quốc nhất thế giới,
Việt Nam hạng nhì châu Á
Ít nhất 250 nhà báo đang bị cầm tù trên thế giới. Trung Quốc đứng đầu các chế độ độc đoán không chấp nhận truyền thông độc lập, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Erythrea, Iran. Tại châu Á, Việt Nam chiếm huy chương bạc trong danh sách không vẻ vang này, theo bản báo cáo thường niên của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ), công bố ngày 11/12/2019 từ NewYork.
Trong năm 2019, số nhà báo bị giam trên thế giới vì nhiệm vụ thông tin độc lập tiếp tục chiếm mức độ gần như kỷ lục : ít nhất 250 người, giảm được 5 người so với năm trước, theo phối kiểm của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ).
Tại châu Á, Việt Nam tiếp tục đứng hạng nhì sau Trung Quốc trong danh sách chế độ nhà tù khắc nghiệt chống báo chí với 12 nhà báo bị giam hay đang chờ lãnh án. Nạn nhân mới nhất là ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam.
Các nhà tù Trung Quốc giam giữ ít nhất 48 phóng viên, nhiều hơn năm 2018 một người. Trong bối cảnh đàn áp tại Tân Cương và phong trào dân chủ tại Hồng Kông, hàng chục phóng viên Trung Quốc bị bắt vì các bài phóng sự. CPJ đặt biệt chú ý trường hợp nữ phóng viên độc lập Sophia Hoàng Tuyết Cần (Huang Xue Qin), bị bắt vào tháng 10/2019 sau khi kể lại câu chuyện cô tham gia tuần hành dân chủ tại Hồng Kông trên blog cá nhân.
Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau Trung Quốc với 47 người tù vốn là phóng viên, ít hơn năm trước 11 người nhưng không có nghĩa là có tiến bộ. Sau khi triệt hạ gần 100 cơ quan truyền thông độc lập, chính quyền Erdogan tạm thả hàng chục nhà báo trong khi chờ xử phúc thẩm.
Trong khu vực vùng Vịnh, Ả Rập Xê Út và Ai Cập chiếm quán quân với 26 tù nhân báo giới ở mỗi nước. Tại Iran, trong bối cảnh biểu tình chống vật giá leo thang, số nhà báo bị bắt lên đến 11 người.