Tin khắp nơi – 08/12/2019
Lầu Năm Góc muốn phân bổ lực lượng
tới Châu Á – Thái Bình Dương
Lãnh đạo của Lầu Năm Góc muốn ưu tiên việc triển khai lực lượng của Hoa Kỳ đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, theo Bloomberg.
Ông Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết ông muốn chuyển lực lượng Hoa Kỳ đến đây từ vực khác từ các khu, bao gồm Afghanistan,để đối đầu với cuộc cạnh tranh quân sự đang gia tăng với Trung Quốc.
Những gì tôi muốn làm là tái phân bổ lực lượng cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông tuyên bố hôm thứ Bảy tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan, khi được hỏi về việc cắt giảm quân đội ở Afghanistan.
”Đó là sân khấu ưu tiên của tôi,” Mark Esper nói. ”Tôi không chỉ nhìn vào Afghanistan, mà là tất cả những nơi mà tôi có thể rút bớt quân” để đưa họ ”hoặc để đối đầu với Trung Quốc, để trấn an các đồng minh của chúng ta và tiến hành tập trận và huấn luyện.”
Mỹ muốn gì từ Trung Quốc? Và thế cờ chót của Mỹ là gì?
Cạnh tranh Mỹ-Trung đã chia rẽ internet như thế nào?
Thương chiến Mỹ – Trung: Mỹ dừng áp thuế bổ sung sau hai ngày đàm phán
Thái Lan xa Hoa Kỳ và dựa vào TQ như đối tác quân sự?
Chiến lược của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã chuyển sang đối đầu với Trung Quốc và Nga, hiện là những thách thức chính, thay thế cho cuộc chiến chống khủng bố trước đây. Trung Quốc, với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang đầu tư lớn vào khả năng quân sự để thách thức sự thống trị sau chiến tranh của Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện đang và được các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ xem là mối đe dọa ngày càng tăng.
Giải thích quyết định điều quân về Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói từ Simi Valley, tiểu bang California.
”Những lợi thế quân sự của chúng ta đối về mặt cạnh tranh chiến lược đang bị thách thức. Trung Quốc và Nga, các cường quốc đang trở lại của thời đại này, đang tích cực hiện đại hóa quân đội của họ, đồng thời muốn đạt quyền phủ quyết đối với các quyết định kinh tế và an ninh của các quốc gia khác.”
Ngay cả khi Hoa Kỳ tìm cách quay trục chính về châu Á, họ đã bổ sung hàng ngàn binh sĩ đến Trung Đông để bảo vệ các tuyến vận tải dầu và bảo vệ Ả Rập Saudi chống lại Iran. Các nhà máy chế biến dầu khổng lồ của Aramco Saudi tại Abqaiq và Khurais đã bị tấn công ngày 14 tháng 9, một cuộc tấn công mà Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Ú Saudi Arabia cáo buộc Iran. Tehran phủ nhận tin mình đứng đằng sau vụ tấn công.
Khi được hỏi liệu việc chuyển sang châu Á có bị cản trở bởi sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Trung Đông không, Mark Esper nói, ”tôi phải đối mặt với điều đó, nhiều người tiền nhiệm của tôi cũng đã phải đối mặt với điều đó.”
Hoa Kỳ, một lần nữa, cần đảm bảo rằng mình có lực lượng đủ mạnh trên mặt đất, để trấn an các đồng minh của chúng ta, giúp bảo vệ họ, bảo vệ trật tự quốc tế và ngăn chặn hành vi xấu của Iran, ông Esper Esper nói.
”Chúng tacó một chiến lược nhưng bạn phải đối phó với thế giới bạn đang sống chứ không phải thế giới bạn muốn trên giấy.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50703654
Địa chiến lược :
Mỹ muốn tập trung đối đầu với Nga và Trung Quốc
Cho dù tình hình Trung Đông bất an, Washington muốn huy động lực lượng đối phó với hai mối đe dọa lớn hiện nay là Bắc Kinh và Matxcơva. Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong cuộc hội thảo về an ninh quốc phòng tại California hôm thứ Bảy 07/12/2019.
Theo AP, các mục tiêu chiến lược và các ưu tiên trong chính sách an ninh của Mỹ được bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper phác họa trước cử tọa gồm đại diện chính phủ, giới kỹ nghệ quân sự và quốc phòng, sĩ quan cao cấp, trong đó có tướng Jim Mattis, người tiền nhiệm của chủ nhân Lầu Năm Góc.
Trong diễn văn, bộ trưởng Mark Esper chỉ phớt qua hồ sơ Iran để tập trung vào dự án huy động lực lượng đối phó với Nga và Trung Quốc được mô tả là « hai thế lực xét lại ». Ông tố cáo Trung Quốc và Nga chà đạp quyền tự quyết về kinh tế và an ninh quốc phòng của các nước nhỏ.
Phương trình khó giải ?
Tuyên bố trung thành với các ưu tiên quốc phòng đã được người tiền nhiệm Jim Mattis ấn định, Mark Esper cho biết ông ý thức việc chuyển bớt nhân lực, tài lực từ Trung Đông để tập trung nhiều hơn vào Nga và Trung Quốc và điều khó khăn. Tuy nhiên, ông đã xem xét nhu cầu từng khu vực trên thế giới để có thể bố trí lực lượng một cách « cân đối » : hoặc rút bớt lực lượng về Mỹ hoặc đưa quân qua tăng cường ở Châu Á-Thái Bình Dương nhưng cũng đủ sức ổn định vùng Vịnh, tránh không xảy ra chiến tranh với Iran.
Từ tháng 5, Hoa Kỳ đã đưa thêm 14.000 quân sang Trung Đông đề phòng Iran động binh bất ngờ sau khi Donald Trump rút bỏ miền bắc Syria. Có tin đồn Mỹ sẽ tăng cường thêm 14.000 quân nhưng chủ nhân Lầu Năm góc bác bỏ tin đồn này.
http://vi.rfi.fr/quốc-tế/20191208-địa-chiến-lược-mỹ-muốn-tập-trung-đối-đầu-với-nga-và-trung-quốc
Mỹ – Iran trao đổi tù nhân :
Tổng thống Donald Trump cảm ơn Teheran
Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Iran vẫn đang căng thẳng, hôm qua 07/12/2019, trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn chính quyền Iran về những cuộc thương lượng dẫn tới cuộc trao đổi tù nhân giữa hai nước.
Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki cho biết thêm chi tiết:
“Quý vị thấy đấy, chúng ta có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận”. Trong hàng loạt tin nhắn Twitter, tổng thống Mỹ tỏ ra vui mừng về cuộc trao đổi tù nhân. Ông cũng cảm ơn Iran về, xin trích, “những cuộc thương lượng đúng đắn và công bằng”.
Cuộc trao đổi tù nhân liên quan đến một người Mỹ gốc Hoa 38 tuổi bị Teheran tố cáo làm gián điệp. Vương Tập Việt (Xiyu Wang) bị giam giữ từ 3 năm nay tại Teheran. Người thân của Vương Tập Việt và chính quyền Mỹ luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên của Iran. Vương Tập Việt đến Iran vì các hoạt động nghiên cứu trong quá trình làm nghiên cứu sinh ở đại học Princeton.
Hôm qua, một quan chức ngoại giao Mỹ giải thích các cuộc thương lượng để Xiyu Wang được trả tự do đã kéo dài nhiều tháng. Đàm phán đôi khi trở nên khó khăn do quan hệ giữa Washington và Teheran trở nên căng thẳng vì hồ sơ hạt nhân và các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Vụ trao đổi tù nhân diễn ra ở Thụy Sĩ. Chính quyền Teheran đòi Mỹ thả một trong những công dân Iran bị bắt hồi năm ngoái tại Chicago. Trong các tin nhắn trên Twitter, Donald Trump hứa là Washington sẽ làm tất cả để mọi công dân Mỹ vô cớ bị giam giữ tại Iran hoặc ở những nơi khác được trả tự do.
Chủ nhân Nhà Trắng cũng không bỏ lỡ cơ hội để công kích người tiền nhiệm Obama khi nhấn mạnh là Vương Tập Việt đã bị Teheran bắt giam dưới thời Obama làm tổng thống Mỹ. Donald Trump mỉa mai là chính nhờ có Obama mà giờ đây ông đã giải thoát được công dân Mỹ”.
http://vi.rfi.fr/quốc-tế/20191208-mỹ-iran-trao-đổi-tù-nhân-tổng-thống-donald-trump-cảm-ơn-teheran
Hạ viện dùng Hiến pháp
làm nền tảng cho việc luận tội Trump
Nancy Pelosi: “Tổng thống phải chịu trách nhiệm. Không ai ở trên luật pháp”
Đảng Dân chủ tại Hạ viện đưa ra các căn cứ hiến pháp để làm nền tảng cho việc luận tội Tổng thống Donald Trump, khi quá trình này đang tăng tốc.
Một báo cáo của Ủy ban Tư pháp đặt ra cơ sở pháp lý và lịch sử cho việc luận tội được công bố trước phiên điều trần công khai hôm thứ Hai để xét bằng chứng luận tôi ông Trump.
Một cuộc bỏ phiếu về các điều khoản luận tội có thể được tổ chức sớm vào tuần tới.
Hôm thứ Bảy, ông Trump lại được mô tả quá trình này như là một “trò săn phù thủy”.
Quá trình luận tội bắt đầu tháng 9 sau khi một người tố giác nặc danh khiếu nại với Quốc hội về cuộc điện đàm tháng 7 của ông Trump với tổng thống Ukraine, trong đó tổng thống Trump dường như liên kết sự trợ giúp của quân đội Mỹ cho Ukraine vào việc Ukraine phải mở các cuộc điều tra giúp ông về mặt chính trị.
Luận tội một tổng thống có dễ không?
Ý kiến bênh và chống việc luận tội Trump
Hạ viện Mỹ soạn điều khoản luận tội Donald Trump
Chứng cứ luận tội Trump quá choáng ngợp – báo cáo của Hạ viện
Đảng Dân chủ nói rằng đây là hành vi mời một cường quốc nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ để giúp tổng thống giành được một nhiệm kỳ nữa.
Báo cáo mới nói gì?
Báo cáo dài 52 trang của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, được viết bởi các thành viên đảng Dân chủ, đưa ra những gì đảng Dân chủ coi là lập luận của hiến pháp để luận tội tổng thống.
Không giống như báo cáo gần đây từ ủy ban tình báo, báo cáo của Ủy ban Tư pháp không đưa ra bằng chứng và lời khai chống lại ông Trump – mà xây dựng nền tảng là các nhà lập quốc có quan niệm gì về luận tội và khi nào việc luận tội là chính đáng.
Nó cũng nhằm mục đích bác bỏ một số biện pháp bào chữa quan trọng của đảng Cộng hòa và Nhà Trắng về việc quá trình điều tra luận tội đã được tiến hành như thế nào.
“Cơn ác mộng tồi tệ nhất của những người cha sáng lập của nước Mỹ là những gì chúng ta đang phải đối mặt ngay trong thời điểm này”, Jerry Nadler, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện nói.
“Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực, làm nguy hại an ninh quốc gia và làm hỏng cuộc bầu cử của chúng ta, tất cả chỉ vì lợi ích cá nhân. Hiến pháp chỉ nêu ra một biện pháp duy nhát cho hành vi sai trái này: Đó là luận tội.”
Báo cáo trên được đưa ra sau khi ủy ban được ba chuyên gia luật hiến pháp cho biết trong tuần này rằng không có nghi ngờ gì về việc hành động của Tổng thống Trump xứng đáng phải bị cách chức.
Nhưng một chuyên gia khác, người duy nhất được đảng Cộng hòa chọn, không đồng ý rằng hành động của ông Trump đáng bị luận tội, mặc dù
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50703636
Một ông già Noel bí mật tuyển dụng
tài xế xe buýt Milwaukee để tặng hành khách
hàng ngàn Mỹ kim
Tin từ Milwaukee – Đối với các hành khách thường xuyên dùng xe buýt ở Milwaukee gần đây, họ đều chung cảm giác như thể đang đi một chuyến xe đến thị trấn điên rồ. Nhưng mọi thứ không phải là một giấc mơ, khi các tài xế xe buýt thật sự là các con nai của một ông già Noel bí mật.
Ông già Noel bí mật là một thương gia giàu có ẩn danh, hàng năm đi khắp nước để tặng 100, 200 Mỹ kim, và đôi khi là 300 Mỹ kim cho một người lạ bất kỳ. Các đối tượng của ông thường là những người đến các cửa hàng bán đồ cũ. Nhưng năm này thì khác, ông già Noel bí mật đã tuyển dụng một vài “con nai” từ Sở Vận tải quận Milwaukee để thay ông làm việc này. CBS News cho biết ông ấy chọn các tài xế xe buýt Milwaukee vì họ rất tốt bụng, dù là dừng xe buýt lại để nhặt một chiếc giày trẻ em đánh rơi, hay là giúp một con rùa băng qua đường hay cứu một đứa trẻ lạc đường một mình. Sự tốt bụng đã trở thành một nét văn hóa với những người tài xế này, khiến họ trở thành bạn đồng hành tốt nhất của ông già Noel bí mật. Chỉ trong một ngày, 5 tài xế khác nhau đã tặng mỗi lần hàng trăm Mỹ kim, tổng giá trị ước tính hàng ngàn Mỹ kim.
Không cần phải nghi ngờ việc số tiền đó được trân trọng như thế nào. Nhưng chuyện này có ý nghĩa hơn nhiều so với việc tặng tiền. Điều khiến nhiều người vỡ òa chính là lòng tốt không điều kiện. Các tài xế cho biết họ cũng xúc động như các hành khách được tặng tiền.
Mộc Miên
PG&E đạt thỏa thuận bồi thường nạn nhân
của các vụ cháy rừng nghiêm trọng ở California
lên đến 13.5 tỷ Mỹ kim
Tin từ California – Hôm thứ Sáu (06 tháng 12), công ty điện lực Pacific Gas & Electric (PG&E) công bố đạt thỏa thuận bồi thường 13.5 tỷ Mỹ kim cho các vụ cháy rừng ở bắc California, khiến hàng chục người thiệt mạng và thiêu rụi hàng ngàn ngôi nhà và công ty. Thông báo này được đưa ra giữa lúc tương lai của công ty điện lực vẫn vô định.
Mạng điện của PG&E bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ cháy rừng, và công ty điện lực này cũng không phản đối các kết quả về thiệt hại của các cuộc điều tra gần đây. Công ty đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của luật thương nghiệp, nhưng vẫn cố duy trì khả năng tài chính. Họ cho biết việc bồi thường cũng là một phần của nỗ lực giải quyết khủng hoảng. Cac công tố viên đã cáo buộc PG&E không thực hiện kiểm tra mạng điện nhiều năm liền, đặc biệt trong đó có một tháp điện cũ hàng trăm năm tuổi bị hư hỏng, bắn ra tia lửa điện gây chập lửa, nguồn gốc của những thảm họa cháy rừng. Các công tố viên cho biết, nhân viên bảo trì của PG&E vẫn chưa sửa tháp điện đó từ năm 2001 đến nay. Các vụ cháy được bồi thường bao gồm cháy rừng Camp Fire năm 2018 khiến 86 người thiệt mạng và thiêu rụi 13,900 căn nhà, Tubbs Fire năm 2017, Ghost Ship Fire trong một nhà kho ở Oakland năm 2016 và Buttle Fire năm 2015. Điều kiện thời tiết khác nghiệt là điều kiện cần, nhưng sự tách trắc của con người, trong đó có cơ sở hạ tầng xuống cấp của PG&E là điều kiện đủ để thảm họa xảy ra.
Đây là thỏa thuận bồi thường thứ ba của PG&E, lần này là để giúp các nạn nhân không có bảo hiểm hay các nạn nhân có bảo hiểm nhưng không đủ để bù cho tổn thất. 31/12/2019 là hạn chót để các nạn nhân gửi đơn khiếu nại để được hưởng bồi thường từ thỏa thuận. Thỏa thuận này không gồm các vụ cháy gần đây, kể cả vụ cháy Kincade Fire năm nay do chưa có kết luận trách nhiệm pháp lý thuộc về PG&E.
Mộc Miên
6 công dân Saudi Arabia bị bắt giữ để thẩm vấn
sau vụ nổ súng ở căn cứ không quân Pensacola
Hôm thứ Sáu (06 tháng 12), một viên chức cao cấp Hoa Kỳ nói với Fox News rằng 6 công dân Saudi Arabia đã bị bắt giữ để thẩm vấn gần một trạm căn cứ không quân ở Pensacola, sau khi một tay súng người Saudi đã nổ súng giết chết ba người trước khi bị cảnh sát bắn chết. Cơ quan dẫn đầu vụ điều tra, FBI vẫn chưa tiết lộ danh tánh tay súng trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra, nhưng một viên chức nói với Fox News rằng tay súng là một sinh viên không quân trao đổi từ Saudi Arabia, tên là Mohammed Saeed Alshamrani. Alshamrani là sinh viên của chương trình đào tạo quân nhân nước ngoài của của Hải quân Hoa Kỳ.
Nhưng sự kiện hôm thứ Sáu (06 tháng 12) khiến nhiều viên chức và các nhà lập pháp kêu gọi xem xét các biện pháp an ninh kỹ lưỡng hơn và kiểm tra lựa chọn thực tập sinh chặt chẽ hơn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mark Esper nói với các phóng viên rằng ưu tiên hàng đầu của ông là hỗ trợ cuộc điều tra, và xác định động cơ của tay súng. Fox News cho biết hiện trường vụ án là một phòng học thường dùng cho sinh viên bắt đầu chương trình xử dụng trong ba tháng, ám chỉ rằng tay súng là một sinh viên mới tham gia chương trình đào tạo. Hải quân cho biết, phần lớn trong số hàng trăm sinh viên tham gia chương trình đào tạo không quân nước ngoài đều là người Saudi Arabia. Chương trình đạo tạo không quân hiện có tổng cộng khoảng 1,500 phi công. Saudi Arabia đã tham gia chương trình đào tạo ở Pensacola từ những năm 1970s, với khoảng 20 sinh viên từ quốc gia Trung Đông tham gia nhiều lớp đào tạo.
Nhiều sinh viên trong đó thuộc dòng dõi Hoàng Gia Saudi, gây áp lực cho các viên chức để họ chấm đậu các phi công trong chương trình đào tạo, để bảo toàn quan hệ ngoại giao với đồng minh của Hoa Kỳ. Vào sáng thứ Bảy, AP loan tin rằng hồi đầu tuần trước, nghi can Mohammed Saeed Alshamrani đã tổ chức một buổi tiệc để xem video nổ súng hàng loạt.
Mộc Miên
Tổng thống Trump vẫn sử dụng
điện thoại di động cá nhân
bất chấp khuyến cáo từ các cố vấn
Tin từ Washington, D.C. – Theo nhiều viên chức tiết lộ với CNN, tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục sử dụng điện thoại di động cá nhân để thực hiện các cuộc điện đàm, bất chấp những lời khuyến cáo từ các cố vấn rằng hành động này có thể khiến tổng thống dễ bị các nước ngoài giám sát. Hiện nay, cuộc điều tra luận tội đang làm dấy lên mối lo ngại về tính bảo mật, và nguy cơ bị theo dõi từ cách liên lạc của Tổng Thống.
Lời khai của các nhân chứng cho thấy một số viên chức hàng đầu đã nhiều lần không tuân theo các thủ tục nhằm ngăn chặn các cuộc nói chuyện điện thoại chứa thông tin nhạy cảm bị lộ ra cho các cơ quan tình báo ngoại quốc. Đài CNN dẫn lời một số cựu viên chức Hoa Kỳ cho biết rất có khả năng các cuộc điện đàm giữa Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên minh Châu Âu Gordon Sondland và Tong Thống Trump từ một nhà hàng ở Ukraine trong mùa hè vừa qua đã được các cơ quan tình báo từ nhiều nước ngoài, kể cả Nga, ghi âm. Theo một cựu viên chức tình báo, thông thường, những cuộc gọi giữa các đại sứ và Tổng Thống phải được thông qua một đường dây an toàn, và các cuộc điện đàm trên điện thoại dị động rất dễ bị theo dõi. Bên cạnh đó, việc ông Sondland thực hiện cuộc gọi ở nơi công cộng, đặc biệt là ở Ukraine nơi các đối thủ ngoại quốc của Hoa Kỳ nhắm đến, sẽ dễ dàng bị nghe lén. Kể từ khi nhậm chức, Tổng Thống Trump đã được khuyến cáo không nên dùng các đường dây chưa được bảo mật.
Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục gọi cho mọi người bằng số điện thoại mà ông vẫn đang sử dụng từ trước khi trở thành Tổng Thống mặc dù tổng thống có một số điện thoại khác do chính phủ cung cấp. Một viên chức cao cấp cho rằng họ sẽ không thể thuyết phục Tổng Thống Trump từ bỏ việc sử dụng điện thoại di động cá nhân. Trong một thời gian ngắn trong nhiệm kỳ, Tổng Thống đã đồng ý ngừng sử dụng thiết bị cá nhân, nhưng bỏ cuộc sau khi tổng thống nhận ra tất cả các cuộc gọi này có thể được theo dõi.
Mộc Miên
Nato không biết chống Nga, TQ hay ai khác?
Họp ở Anh nhân dịp 70 tuổi, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (Nato) vẫn đang bất đồng nội bộ trước việc định nghĩa kẻ thù.
Nato hiện không rõ cần xem địch thủ là Nga, Trung Quốc hay thách thức nào khác ở Trung Đông sau khi tổ chức xưng danh là Nhà nước Hồi giáo đã bị đánh bại.
1. Nato lo ngại về Nga nhưng không đồng ý về cách ứng phó
Thành lập năm 1949 để chống lại khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo và có đối thủ chính là Khối hiệp ước Warsaw từ 1955, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã hoàn thành nhiệm vụ giữ vùng Tây Âu trong hòa bình suốt Chiến tranh Lạnh.
Nhưng sau khi Liên Xô tan rã (1991), Nato đã bành trướng sang phía Đông, thu nhận một loạt quốc gia từng nằm trong quỹ đạo của Kremlin.
Điều này gây phản ứng mạnh từ Nga, nhất là sau khi một số nước thuộc vùng ảnh hưởng truyền thống của Moscow như Ukraine và Georgia (Gruzia) cũng muốn sát lại gần Nato.
Tuy thế, Nato và Kremlin đã hòa hoãn lại phần nào nhờ hợp tác trong cuộc chiến tại Afghanistan và chống Al Qaeda.
Nga bật đèn xanh cho Hoa Kỳ và Nato dùng căn cứ Karshi-Khanabad ở Uzbekistan (2001-2005) làm nơi chuyển quân để đánh Al Qaeda tại Afghanistan.
Năm 2002, Nga và Nato đã có hội nghị thượng đỉnh, mở rộng hợp tác.
Nhưng gần đây, quan hệ Nga – Nato xấu đi với các vụ tấn công mạng mà một số thành viên Nato vùng Baltic, Đông Âu, và cả Anh cho là do Nga chỉ đạo.
Hoa Kỳ muốn các nước thành viên phải chia sẻ gánh nặng chi tiêu nhưng chỉ có Anh, Ba Lan và một số nước châu Âu chịu chi ra 2% ngân sách quốc gia cho quỹ chung của Nato
Các cuộc tập trận của Nga và Belarus khiến ba quốc gia thuộc Nato ở vùng biển Baltic, Lithuania, Latvia và Estonia lo ngại.
Ba Lan chia sẻ quan tâm này và luôn nêu ra “mối đe dọa Nga” mà Warsaw coi như là vấn đề đã thành truyền thống.
Warsaw tự lo cho bản thân và đã đặt mua dàn chiến đấu cơ F-35, và mời Mỹ tăng số quân luân chuyển sang nước này.
Điều này khiến quan ngại về Nga của các nước vùng Đông Bắc khối Nato không đồng điệu với các thành viên Nam Âu của Nato.
2. Pháp và các nước Nam Âu có lo ngại khác: an ninh biển và bất ổn vùng lân cận
Làn sóng người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi đặt ra thách thức mới cho biên giới phía Nam của EU và Nato.
Các vấn đề của Nato gồm cả chính sách đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ, của Hoa Kỳ, tranh cãi về ngân sách, và sự lớn mạnh của Nga dù mối đe dọa này vẫn chưa được định nghĩa rõ Jonathan Marcus, biên tập viên quốc phòng và ngoại giao của BBC News
Với Ý, Pháp, Hy Lạp (thành viên Nato), và cả Malta, Cyprus (không thuộc Nato nhưng có quan hệ lâu dài với Anh), thì việc bảo vệ vùng biển Địa Trung Hải là tối quan trọng.
Điều này khiến các vấn đề quân sự như cuộc chiến tại Libya, và chiến tranh ở Syra là quan tâm hàng đầu của họ.
Vì các cuộc chiến này, trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra làn sóng cả triệu người tỵ nạn vượt biển vào vùng Nam Âu.
Đức, nước đông dân nhất EU nhưng là thành viên “hiền lành” của Nato, chia sẻ cái nhìn của Pháp về mối nguy cơ mà Berlin cho là từ bất ổn quanh Địa Trung Hải chứ không phải từ Nga.
3. Thổ Nhĩ Kỳ nay tự chơi ở một dàn nhạc khác
Là thành viên Nato nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có các nghị trình riêng, trong quan hệ riêng với Nga và Syria (chính quyền Assad).
Ankara vừa đồng ý triển khai dàn chống hỏa tiễn S-400 mua của Nga, hoàn toàn trái với các chuẩn kỹ thuật của hệ thống phòng thủ Nato.
Vì thế, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, sẽ đến London tuần này dự hội nghị thượng đỉnh Nato để tiếp tục tranh cãi, bất đồng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron”.
Trước khi sang London, ông Erdogan đã không quên lên tiếng nói câu của ông Macron gần đây, rằng “Nato đã chết lâm sàng” (brain dead) là vớ vẩn.
Quân Nga và Nato:
Nga: 1 triệu + 2,57 triệu dự bị Hoa Kỳ: 1,3 triệu+800 nghìn dự bị; 200 nghìn ở châu Âu trong Nato
Quân Nato: 1,9 triệu, gồm 176 nghìn quân Đức, 355 nghìn Thổ Nhĩ Kỳ
Thậm chí ông Erdogan còn cho rằng chính ông Macron “mới là kẻ đã chết lâm sàng”, và “đang hỗ trợ khủng bố”, một phát biểu rất nặng lời về lãnh đạo quốc gia dù sao cũng vẫn trong một khối quân sự chung.
Một báo Israel, nước không thuộc Nato nhưng là đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, gọi chính ông Erdogan mới là “mối đe dọa cho Nato”.
4-Nato nhìn thấy sức mạnh Trung Quốc nhưng mới chỉ băn khoăn
Hồi tháng 7/2019, ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký Nato (2009-2014) đột nhiên lên tiếng rất mạnh về “mối đe dọa Trung Quốc”.
Ông Rasmussen đề xuất EU coi Trung Quốc là kẻ thù chính và cần ủng hộ Hong Kong, và công nhận Đài Loan.
Đây là một xu hướng mới rất mới, mạnh mẽ tại châu Âu, vì ông Rasmussen không phải một chính trị gia trung bình, mà còn là thủ tướng Đan Mạch hai nhiệm kỳ (2001-2009).
Tuy thế, ông không còn giữ chức gì trong Nato và bộ máy EU.
Hiện nay, các giới chức Nato đang nghiên cứu cả về vai trò của khối này trước “đe dọa an ninh mạng” và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Nhưng về đề xuất, như của Fabrice Pothier, nhà nghiên cứu an ninh, quốc phòng, rằng Nato cần can dự cả vào an ninh Biển Đông, thì chưa có phản ứng chính thức nào.
Dù Trung Quốc chưa phải đe dọa sánh ngang với Nga, khả năng của nước đó, từ an ninh mạng, hỏa tiễn hành trình, hải quân, vũ khí hạt nhân, đều đang tăng cả về số lượng và chất lượng Fabrice Pothier
Cần nhắc Nato không có đủ tàu chiến để làm việc đó, và lo ngại về an ninh khu vực gần hơn, cấp bách hơn như Vịnh Aden, cũng chỉ tạo ra được các chuyến tuần tra của hải quân Hà Lan và Anh.
Ngoài Anh, Pháp và Hoa Kỳ, các quốc gia khác trong Nato không có đủ khả năng để vươn sang tận Ấn Độ Dương hay vùng biển Đông Nam Á.
Chưa kể tổng thống Pháp, Emmanuel Macron còn nói thẳng rằng Nato không nên coi Trung Quốc là kẻ thù.
5-Điều 4 và 5 trong Hiến chương Nato về phòng thủ chungCuối cùng, các vấn đề của Nato vẫn mang tính chính trị.
Với sự khác biệt lớn giữa Hoa Kỳ và Pháp về mục tiêu của Nato, và các hoạt động riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, nguy cơ về khả năng khó khởi động cơ chế “phòng thủ chung” (collective defence) là có thật.
Cơ chế này, nói ngắn gọn là “kẻ thù đánh một thành viên Nato bị cho là tấn công cả khối” được ghi trong Điều 5 Hiến chương Nato.
Nhưng với một tổng thống Hoa Kỳ hiện là Donald Trump không mặn mà gì với Nato và tổng thống Pháp hiện nay phê phán Hoa Kỳ rút quân khỏi Syria, việc mà Nato có thể làm tại London tuần này là cố gắng tìm ra đồng thuận nội bộ, trước khi có thể xác định Nato phòng thủ trước kẻ thù nào.
Thách thức với ông Boris Johnson, thủ tướng nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Nato – khai mạc 04/12/2019 ở Watford, gần London – là làm sao tạo ra được ít nhiều đồng thuận cho khối này.
Đây là điều không dễ khi mà Anh sẽ vẫn ở lại Nato nhưng đang ra khỏi EU, quá trình dù muốn hay không cũng khiến London ngày càng xa Paris và Brussels trong định hướng chiến lược cho tương lai, gồm cả mục tiêu quốc phòng.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31977-nato-khong-biet-chong-nga-tq-hay-ai-khac.html
Trung Quốc thay Nga
trở thành thách thức lớn nhất của NATO
Đã 70 năm kể từ khi NATO được thành lập trong thời Chiến tranh Lạnh như một liên minh xuyên Đại Tây Dương nhằm đối chọi với Nga, nay NATO mở rộng tầm nhìn và chuyển hướng sang đối phó với thách thức do Trung Quốc đặt ra khi nước này ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự.
Nhưng hiện vẫn không rõ, ngay cả trong giới các nhà ngoại giao trong liên minh quân sự gồm 29 nước thành viên, liệu NATO có đủ sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ hay không – đặc biệt vào thời điểm có nhiều chia rẽ trong nội bộ và thể hiện rõ thấy trong Hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này, theo Reuters.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi các nước NATO gặp nhau hôm thứ Tư (4/12), các nhà lãnh đạo nói: “Chúng tôi thừa nhận Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng và các chính sách quốc tế vừa mang lại cơ hội cũng như những thách thức mà chúng tôi phải cùng nhau giải quyết trong tư cách một liên minh”.
Hoa Kỳ đang dẫn đầu chiến dịch nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc, đặc biệt là ở những quốc gia châu Âu, giữa lúc lo ngại gia tăng về việc Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế như một đòn bẩy để thực hiện tham vọng của họ.
Hồi đầu năm, Ủy ban châu Âu đã mô tả Trung Quốc là một “đối thủ mang tính hệ thống”, và kêu gọi NATO quyết đoán hơn sau nhiều năm hoan nghênh những khoản tiền đầu tư của Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Châu Âu ngày càng hiểu rõ những thách thức đặt ra bởi sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bao gồm tất cả mọi thứ từ vũ khí siêu âm cho đến hàng không mẫu hạm.
Trung Quốc thay Nga trở thành thách thức lớn nhất của NATO
“Trung Quốc là một thách thức chiến lược đối với chúng tôi và chúng tôi cần phải đón đầu trước điều đó”, ông Esper nói.
“Và chúng ta cần phải chuẩn bị trước trong trường hợp mọi thứ không diễn ra theo mong muốn”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm.
Trước Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg lưu ý rằng Trung Quốc là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
“Điều đó không có nghĩa là chúng ta đưa NATO tham gia vào Biển Đông, nhưng chúng ta phải tính toán để đối phó với sự kiện Trung Quốc đang tiến đến gần chúng ta hơn”, ông Stoltenberg nói, khi viện dẫn các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực, Châu Phi và các khoản đầu tư rất lớn mà Trung Quốc đổ vào cơ sở hạ tầng ở Châu Âu.
Trong hội nghị NATO năm nay, Mỹ muốn các đồng minh châu Âu cấm sử dụng thiết bị từ nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei, bởi các thiết bị của họ có thể được dùng làm công cụ do thám cho chính quyền Bắc Kinh.
Ngân sách quốc phòng của NATO tăng nhiều nhất
từ trước đến nay, lên mức 130 tỷ Đô La Mỹ
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) 2019 đang diễn ta tại London nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập liên minh quân sự này.
Tại một hội nghị vào thứ ba (3/12) tại London, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ca ngợi Tổng thống Trump về những cam kết mạnh mẽ vào sự tiến bộ của liên minh, với chi tiêu của các nước thành viên đã tăng tới 130 tỷ Đô la và sẽ trên đà tăng tới 400 tỷ Đô la vào năm 2024.
Tổng thống Trump công bố trên Twitter, hôm thứ Hai (2/12): “Trong vòng 3 thập kỷ trước cuộc bầu cử của tôi, chi tiêu của NATO đã giảm 2/3 và chỉ có ba thành viên NATO khác đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của họ. Kể từ khi tôi nhậm chức, số lượng đồng minh NATO thực hiện nghĩa vụ của họ nhiều hơn GẤP ĐÔI, và chi tiêu của NATO đã tăng tới 130 tỷ Đô la!”
Chính quyền của Tổng thống Trump đang củng cố liên minh bằng cách làm rõ trách nhiệm của các thành viên thực hiện thỏa thuận với mức cam kết đầu tư 2% của GDP vào quốc phòng, theo tin từ Nhà Trắng.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết trước khi Tổng thống Trump nhậm chức, chỉ có 4 thành viên NATO đã đạt mức chuẩn 2% GDP được thiết lập vào năm 2014. Bây giờ có 9, và sẽ là 18 trong số 29 thành viên dự kiến sẽ đạt mức chuẩn vào năm 2024.
Tổng thư ký Stoltenberg nói với các phóng viên rằng “họ đã đạt được sự tiến bộ thực sự, và quan trọng nhất là chia sẻ gánh nặng.”
“Đây là điều chưa từng có. Điều này đang làm cho NATO mạnh hơn. Nó cho thấy Liên minh này đang thích nghi, đáp ứng khi thế giới thay đổi,” ông nói tiếp.
Tổng thống Trump vẫn đang thúc đẩy các nước thành viên NATO đáp ứng các tiêu chuẩn tài chính. Theo ông Trump, các thành viên NATO đang không đóng góp tương xứng với mức họ nên đóng góp, và điều đó là “thiếu công bằng” đối với người Mỹ.
“Một số quốc gia mới đang chỉ ở mức dưới 1%”, ông Trump đã nói với các phóng viên vào thứ ba (3/12), “Điều đó không thể chấp nhận được. Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ phải bảo vệ họ. Điều này không thực sự công bằng, và chưa bao giờ công bằng.”
Tổng thống Trump cũng nói thêm, các nước vi phạm phải trả tiền nếu họ không muốn đối mặt với chế tài thương mại.
Cải cách hưu bổng : Chính phủ Pháp
và công đoàn chuẩn bị tuần đọ sức mới
Nỗ lực tham vấn vào giờ chót để tìm đồng thuận hay nắn gân nhau trước giờ giao đấu ác liệt? Chính phủ Pháp và các tổ chức nghiệp đoàn chống cải cách hưu bổng khẩn cấp chuẩn bị trong ngày chủ nhật 08/12/2019 trước khi một tuần lễ bất trắc bắt đầu.
Cho đến Chủ Nhật hôm nay, mọi bên đều tỏ ra kiên định. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, trong khúc nhạc dạo đầu hôm thứ Bẩy 07/12 khẳng định « sẽ thực hiện cải cách đến cùng vì nếu không, một chính phủ sau này sẽ phải hành động một cách thô bạo ». Chưa biết chính phủ Pháp sẽ đề nghị gì trong cuộc họp tham vấn với các công đoàn vào trưa nay để xoa dịu các đối tác xã hội đang muốn đấu đến cùng và lên tinh thần sau ngày biểu tình huy động 800.000 người trên toàn quốc hồi tuần trước.
Chiều nay, tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe có một cuộc họp với các bộ trưởng có liên quan tại Điện Elysée. Thứ Hai 09/12, bộ trưởng Lao Động Agnès Buzyn và Thượng ủy viên đặc trách hồ sơ hưu trí Jean Paul Delevoye sẽ trình với các đối tác xã hội các hướng khả thi. Thứ Tư 11/12, đích thân thủ tướng Pháp trình bày toàn bộ các nét chính nhằm thống nhất cách tính điểm hưu bổng thay thế 42 quy chế khác nhau như hiện nay.
Trong khi chờ đợi, cuộc tổng đình công trên toàn quốc tiếp diễn và nước Pháp vẫn bị tê liệt vì hầu hết các phương tiện chuyên chở công cộng đều ngưng họat động. Giới công đoàn huy động lực lượng xuống đường lần hai vào thứ Ba tới. Trong khi đó, ngay từ bây giờ, tổng công đoàn lao động CGT đã kêu gọi « đánh hiệp ba » vào thứ Năm, một ngày sau khi thủ tướng « giải thích chi tiết » dự án cải cách.
http://vi.rfi.fr/pháp/20191208-cải-cách-chế-độ-hưu-bổng-chính-phủ-pháp-và-công-đoàn-chuẩn-bị-thêm-một-tuần-đọ-sức
Ericsson bị Mỹ phạt hơn 1 tỷ đô la
vì hối lộ ở VN và 4 nước khác
Tập đoàn viễn thông khổng lồ của Thụy Điển Ericsson đồng ý nộp phạt hơn 1 tỷ đô la để giải quyết các cáo buộc về tội hối lộ, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo hôm thứ Sáu 6/12.
Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng hãng này “thừa nhận đã thực hiện một chiến dịch hối lộ kéo dài nhiều năm ở 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, để củng cố hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông”.
Bộ nói thêm rằng Ericsson chấp nhận một thỏa thuận hoãn truy tố liên quan đến các cáo buộc hình sự được đệ trình lên tòa án New York.
Hãng này là một trong những nhà sản xuất thiết bị mạng di động lớn nhất thế giới.
Đây được cho là một trong những thỏa thuận có số tiền cao nhất từ trước đến nay theo Đạo luật Xử lý Tham nhũng Nước ngoài (FCPA) của Mỹ.
Số tiền hãng phải nộp bao gồm một khoản tiền phạt hình sự trị giá 520 triệu đô la nộp cho Bộ Tư pháp, và một khoản phạt 540 triệu đô la nộp cho Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC).
Bộ tư pháp Hoa Kỳ nêu tên 5 quốc gia liên quan là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Djibouti và Kuwait.
Hãng Ericsson thừa nhận rằng trong hơn 17 năm, ở Trung Quốc, các công ty con của hãng đã chi hàng chục triệu đô la quà tặng, du lịch và giải trí cho các quan chức; trong khi đó, ở Việt Nam và Indonesia, họ hối lộ hàng triệu đô la thông qua quỹ đen của các công ty tư vấn.
Hãng Ericsson ra tuyên bố nói rằng họ đồng ý trả tiền phạt để “giải quyết cuộc điều tra của chính phủ Mỹ về việc vi phạm Đạo luật Xử lý Tham nhũng Nước ngoài (FCPA) do việc hãng chi và không đưa vào sổ sách hàng chục triệu đô la để thực hiện các khoản thanh toán không đúng đắn trên toàn thế giới”.
“Thông qua các quỹ đen, các khoản hối lộ, và quà tặng, Ericsson đã tiến hành kinh doanh viễn thông với nguyên tắc ‘nén bạc đâm toạc tờ giấy’”, Công tố viên Hoa Kỳ, ông Georffrey S Berman, thuộc quận hạt nam New York, nói.
“Hôm nay, 6/12, việc nhận tội và nộp phạt hơn một tỷ đô la phát đi thông điệp rõ ràng tới tất cả các doanh nghiệp rằng làm kinh doanh theo cách này sẽ không được dung thứ”, ông nói thêm.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Ericsson đã tiến hành chương trình hối lộ của họ “bắt đầu từ năm 2000 và kéo dài cho đến năm 2016”.
(BBC, Financial Times)
Bắc Triều Tiên xúc tiến
cuộc ‘thử nghiệm rất quan trọng’
Bắc Hàn cho biết đã thực hiện một “thử nghiệm rất quan trọng” tại một địa điểm phóng vệ tinh.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết kết quả sẽ được sử dụng để nâng cấp vị thế chiến lược của đất nước, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Các nhà phân tích tin rằng đây có thể là một thử nghiệm trên mặt đất của động cơ dùng để cung cấp năng lượng cho bệ phóng vệ tinh hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Cuôc thử nghiệm xảy ra sau khi Bình Nhưỡng có vẻ khép các cánh cửa đàm phán tiếp theo với Mỹ.
“Chúng tôi không cần phải có các cuộc đàm phán kéo dài với Mỹ bây giờ và phi hạt nhân hóa đã ra khỏi bàn đàm phán”, đặc phái viên của Bắc Hàn tại Liên Hiêp Quốc, Kim Song, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.
Tên lửa của Bắc Hàn và quyết định ‘quà Giáng sinh’ của Kim Jong-un
Mỹ phủ nhận đàm phán hạt nhân với Bắc Hàn thất bại
Trước khi gặp Trump, ông Tập thăm Kim Jong-un
Bắc Hàn đã đưa ra thời hạn cuối năm để Mỹ phải đưa ra một thỏa thuận phi hạt nhân hóa mới, có liên quan đến việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt quan trọng, và nói rằng nếu không Bình Nhưỡng sẽ đi theo một “con đường mới”.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận.
Ông Trump đã biến việc theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên thành một phần chính trong chính sách đối ngoại của mình năm 2018 nhưng đã không đưa ra những nhượng bộ đáng kể về phi hạt nhân hóa, mặc dù đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và thậm chí đặt chân tới Triều Tiên.
Cuộc thử nghiệm mới nhất diễn ra tại địa điểm phóng vệ tinh Sohae mà Mỹ từng nói ông Kim đã hứa sẽ đóng cửa.
“Kết quả của cuộc thử nghiệm quan trọng gần đây sẽ có tác động quan trọng trong việc thay đổi vị trí chiến lược của DPRK [Triều Tiên] một lần nữa trong tương lai gần,” KCNA báo cáo.
Mặc dù phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của Liên Hiêp Quốc và các lệnh trừng phạt khác đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, Triều Tiên đầu năm nay đã bắt đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Và đầu tuần này, họ đã đổi mới các cuộc tấn công bằng lời với ông Trump lần đầu tiên sau hơn một năm, sau khi ông nói rằng Hoa Kỳ bảo lưu quyền sử dụng lực lượng quân sự chống lại đất nước.
Các nhà phân tích tin rằng Triều Tiên có thể phóng một vệ tinh không gian nếu không có được một sự nhượng bộ từ Mỹ.
Điều này sẽ cho phép Bắc Hàn thử nghiệm và phô trương khả năng tên lửa của mình theo cách ít khiêu khích hơn là phóng tên lửa đạn đạo tầm xa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50703649
Đại sứ Triều Tiên tại LHQ:
‘Hiện không cần đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ’
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Bảy 7/12 rằng vấn đề phi hạt nhân hóa giờ không còn nằm trên bàn đàm phán với Hoa Kỳ, và các cuộc đàm phán kéo dài với Washington là không cần thiết.
Phát biểu của Đại sứ Kim Song dường như còn đi xa hơn cả cảnh báo trước đó của Triều Tiên rằng các cuộc thương thảo liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, là trọng tâm trong việc Mỹ can dự với Triều Tiên trong hai năm qua, có thể phải bị đưa ra khỏi bàn đàm phán do Washington từ chối nhân nhượng.
Ông Kim nói trong một tuyên bố rằng “đối thoại bền bỉ và thực chất” mà Hoa Kỳ theo đuổi thực ra chỉ là một mánh khóe “tiết kiệm thời gian” để phù hợp với chương trình nghị sự chính trị trong nước, hàm ý nói đến nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào năm 2020.
“Chúng tôi không cần phải có các cuộc đàm phán kéo dài với Hoa Kỳ, và phi hạt nhân hóa đã ra bị bỏ khỏi bàn đàm phán”, ông Kim nói trong tuyên bố gửi cho Reuters.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị đưa ra bình luận.
Hong Kong:
Phe ủng hộ dân chủ xuống đường rầm rộ
Hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình ở Hong Kong hôm Chủ nhật 8/12.
Lần đầu tiên kể từ tháng Tám, cảnh sát đã cho phép một cuộc tuần hành do một trong những nhóm ủng hộ dân chủ lớn nhất ở Hong Kong, Mặt trận Nhân quyền Dân sự tổ chức.
Những người tổ chức nói khoảng 800.000 người tham gia cuộc biểu tình, trong lúc cảnh sát nói con số là 183.000 người.
Cảnh sát nói 11 người đã bị bắt trước khi cuộc biểu tình bắt đầu và một khẩu súng ngắn bị tịch thu.
Các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng Sáu để phản đối dự luật dẫn độ, và nay đã phát triển thành phong trào phản đối chính phủ rộng rãi hơn.
“Tôi sẽ đấu tranh cho tự do cho tới khi tôi chết,” bà June, một người mẹ 40 tuổi cho biết.
Bầu cử Hong Kong: TQ lặng im, Carrie Lam không nhượng bộ
Hong Kong: Người biểu tình muốn gửi thông điệp đến TQ
Hong Kong: Những gương mặt chính trị trẻ tuổi
Trong một thông cáo hôm Thứ Bảy 8/12, chính phủ kêu gọi người dân hãy bình tĩnh và nói họ đã “học được bài học và sẽ lắng nghe và chấp nhận chỉ trích”.
Vào cuối cuộc biểu tình, chính phủ nói họ muốn tìm “một lối thoát qua đối thoại cho các vấn đề sâu sắc của Hong Kong.”
Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã kéo dài hơn sáu tháng nay.
Nhóm tổ chức cuộc biểu tình, Mặt trận Nhân quyền Dân sự, nói đây là cơ hội cuối cùng của chính phủ để đáp ứng yêu cầu của họ, trong đó có một cuộc điều tra độc lập về cách xử lý các cuộc biểu tình của cảnh sát, ân xá cho những người bị bắt và bầu cử tự do.
Các cuộc đụng độ trở nên ngày một bạo lực trong vài tháng qua, đặt câu hỏi làm thế nào để chấm dứt tình trạng bất ổn.
Từ tháng Sáu, khoảng 6000 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có các nhân viên cảnh sát.
Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật nhìn chung là ôn hòa, với rất ít bạo lực xảy ra dù căng thẳng có lúc dâng cao.
Khi biểu tình sắp kết thúc, người biểu tình giơ cao đèn từ điện thoại và cùng hát những bài hát phản đối chính phủ.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao và Tòa Chung thẩm bị đập phá và có khả năng đã bị tấn công bằng bom xăng, cảnh sát nói.
Các vụ tấn công này bị những người tổ chức xuống đường, cũng như cảnh sát và chính phủ lên án mạnh mẽ. Chính phủ nói nó “làm hủy hoại uy tín của Hong Kong nhưng một thành phố được điều hành bởi pháp trị”.
Trước đó, cảnh sát cho biết một súng ngắn bán tự động loại Glock và 105 viên đạn cùng nhiều dao và pháo được phát hiện trong các cuộc khám nhà. Đây được cho là lần đầu tiên một khẩu súng ngắn được tìm thấy kể từ khi các cuộc biểu tình xảy ra.
Thành phố Hong Kong tương đối yên ả từ khi các cử tri ủng hộ dân chủ thắng lớn trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương hai tuần trước.
Nhưng nỗi bất bình với Trưởng Đặc khu Carrie Lam chưa chấm dứt, và nhiều người biểu tình yêu cầu chính phủ của bà nhượng bộ nhiều hơn.
“Cho dù chúng tôi bày tỏ quan điểm như thế nào, bằng tuần hành hòa bình, bằng bầu cử văn minh, chính phủ vẫn không nghe,” một người biểu tình 50 tuổi tên Wong nói với hãng tin AFP.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50704717
Phe dân chủ Hồng Kông đề xuất
luận tội Đặc khu trưởng Carrie Lam
25 nghị sĩ phe dân chủ Hồng Kông tại Hội đồng lập pháp hôm 4/12 đã đề xuất luận tội Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), cáo buộc bà vi phạm luật pháp và không làm tròn trách nhiệm theo Điều 73, mục 9 của Luật cơ bản Hồng Kông. Tuy nhiên, tờ Hong Kong Free Press hôm 5/12 cho biết, đề xuất này đã không được thông qua do vấp phải sự phản đối của phe thân Bắc Kinh.
Ông Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung), người phát ngôn Đảng Công dân, thay mặt cho phe dân chủ, nói rằng bà Lâm rõ ràng đã vi phạm lời tuyên thệ sẽ phục vụ Hồng Kông khi nhậm chức trưởng đặc khu.
Ông Dương chỉ ra rằng, trong nửa năm qua, bà Lâm đã gây ra nhiều tổn thất cho Hồng Kông, dung túng cho cảnh sát lạm dụng vũ lực chống lại phong trào biểu tình ôn hòa, đưa ra các cáo buộc không đúng cho người dân, vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp của công chúng được đề cập trong Luật Cơ bản.
Các nhà lập pháp lưu ý, nhiều người biểu tình đã bị thương nghiêm trọng, một số người đã bị mất thị lực do trúng đạn của cảnh sát.
Ông Dương nhấn mạnh, bà Lâm đã không thực hiện đúng lời tuyên thệ sẽ phục vụ Hồng Kông khi nhậm chức, và việc luận tội bà là một bước quan trọng để lập lại trật tự. Ông cũng bày tỏ mong muốn phe ủng hộ chính phủ “thiện chí buông tay” để Hồng Kông có cơ hội chuyển biến.
Nhà dân chủ Dương Nhạc Kiều nói thêm, chính phủ Hồng Kông đã phớt lờ yêu cầu của hàng triệu người dân vào tháng Sáu, và viện dẫn luật khẩn cấp để ban hành “Luật cấm che mặt”, phá hoại nền pháp trị ở Hồng Kông, đẩy đặc khu vào tình cảnh hỗn loạn.
Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Dương cho biết mức độ tín nhiệm của bà Lâm hiện rất thấp, chỉ được 19,7 điểm phần trăm. Ông đặt câu hỏi, liệu bà Lâm có xứng đáng để tiếp tục đảm nhận chức vụ đặc khu trưởng không, trong khi ở bất kỳ xã hội dân chủ nào, các quan chức có mức độ kỳ vọng chưa được quá bán đã sớm từ chức.
“Trưởng đặc khu đã mang thảm họa đến cho Hồng Kông, và nên từ chức ngay lập tức”, ông Dương nói.
Ngày 29/11, Sở Nghiên cứu ý kiến dân chúng Hồng Kông đã công bố kết quả của cuộc thăm dò vào giữa tháng 11 cho thấy điểm tín nhiệm mới nhất của bà Lâm là 19,7 điểm phần trăm, trong khi điểm ủng hộ của bà bị âm tới 72 điểm, là mức thấp kỷ lục kể từ khi có chế độ đặc khu trưởng.
TQ yêu cầu dỡ bỏ thuế
nếu đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, thuế quan phải được cắt giảm nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời.
“Phía Trung Quốc tin rằng, nếu 2 bên đạt được thỏa thuận giai đoạn một, thuế quan nên được giảm theo đó”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho hay.
Ban đầu, giai đoạn 1 của thỏa thuận giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có kế hoạch hoàn thành vào tháng 11, trước khi Mỹ có kế hoạch đưa vào hiệu lực gói thuế quan mới từ ngày 15-12 nhằm tới 156 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Đoàn đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang bế tắc trong nhiều vấn đề cốt yếu, ngoài ra, quan hệ 2 nước cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề khác như biểu tình Hong Kong hay cách Bắc Kinh đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Vào hôm 4-12, Tổng thống Donald Trump cho biết, đàm phán với Trung Quốc đang tiến triển rất tốt. Điều này nghe khả quan hơn những gì chính ông từng chia sẻ trước đó rằng, thỏa thuận này có thể phải đợi đến sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Washington đã áp đặt thêm 15% thuế quan lên 125 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1-9 mặc dù trước đó 250 tỉ USD hàng hóa công nghiệp và tiêu dùng của nước này đã nằm trong diện chịu thuế 25%.
Theo các nguồn tin, Tổng thống Donald Trump đang cho rằng, việc loại bỏ thuế quan trong thỏa thuận sẽ không giải quyết được các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, điều vốn được cho là một lợi ích dành cho Mỹ.
Sau tuyên bố của NATO,
TQ nói mình là ‘sức mạnh hòa bình’
Trung Quốc ngày 5-12 tự nhận là “sức mạnh hòa bình”, không phải mối đe dọa với các quốc gia khác như nhìn nhận trong tuyên bố chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong bản tuyên bố chung ngày 4-12, NATO đã “thừa nhận những thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Bản tuyên bố này khẳng định các thành viên NATO đã cùng hợp tác để giải quyết năng lực quân sự ngày một tăng của Trung Quốc, trong đó bao gồm các loại tên lửa có thể phóng tới Mỹ và châu Âu.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, ngày 5-12 cho rằng “sự lớn mạnh của Trung Quốc là sự phát triển của một sức mạnh hòa bình” và “không nhất thiết có mối liên hệ giữa nguy cơ và quy mô của một quốc gia”.
Theo Hãng tin Reuters, bà Hoa cũng “bóng gió” về Mỹ khi phát biểu rằng “nguy cơ lớn nhất đối với thế giới hôm nay là chủ nghĩa đơn phương và các hành vi uy hiếp”.
“Ngay cả đồng minh của Mỹ cũng bị ảnh hưởng”, bà nói thêm.
Ngoài ra, tuyên bố chung của NATO cũng nhấn mạnh đảm bảo tính an ninh của hoạt động thông tin liên lạc, đặc biệt trong cơ sở hạ tầng cho mạng di động 5G.
Giới quan sát nhận định điều này cho thấy nỗi bất an ngày một lớn trong liên minh quân sự này cùng phương Tây nói chung về vai trò của doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là Hãng viễn thông Huawei, trong việc xây dựng mạng lưới mạng 5G.
Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 5-12 tuyên bố Mỹ đã dành những năm vừa qua để đảm bảo đồng minh trên toàn thế giới cảnh giác về nguy cơ khi hợp tác cùng các doanh nghiệp Trung Quốc.
Phát biểu tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ông Pompeo nói: “Nhiệm vụ của Mỹ là chia sẻ những gì chúng tôi biết, chúng tôi hiểu và cách chúng tôi đưa ra quyết định về nơi thông tin của Mỹ sẽ truyền tới”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31968-sau-tuyen-bo-cua-nato-tq-noi-minh-la-suc-manh-hoa-binh.html
Thương chiến Mỹ – Trung
làm xuất khẩu Trung Quốc tụt giảm
Chính quyền Trung Quốc ngày 08/12/2019 công bố các số liệu thống kê cho biết tháng 11/2019 là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của nước này bị sụt giảm.
Cũng theo các số liệu do hải quan Trung Quốc cung cấp, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc so với Hoa Kỳ bị giảm mạnh (-6,9%), trong vòng một tháng từ 26,42 xuống còn 24,61 tỷ đô la.
Gộp chung cả nước, khối lượng hàng hóa Trung Quốc bán ra nước ngoài giảm 1,1% trong tháng 11/2019, sau khi đã bị sụt giảm 0,9% trong tháng 10. Nguyên nhân là nhu cầu thế giới cũng giảm.
Kết quả này trái với dự đoán của hãng tin Bloomberg, dự báo mức tăng xuất khẩu của Trung Quốc là 0,8%. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc lại tăng lên 0,3% sau nhiều tháng suy giảm, ngược với dự báo là giảm 1,4%.
Theo nhận định của kinh tế gia Zhou Hao, ngân hàng Commerzbank ở Singapore với hãng Bloomberg, « những con số này khá gây ngạc nhiên » và cho rằng « tình hình có thể sẽ được cải thiện trong ngành nhập khẩu vào tháng 12/2019 này ».
http://vi.rfi.fr/quốc-tế/20191208-thương-chiến-mỹ-trung-làm-xuất-khẩu-trung-quốc-tụt-giảm
Miến Điện :
Hàng ngàn người ủng hộ Aung San Suu Kyi
Ngày 08/12/2019, lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi lên đường đến La Haye, Hà Lan để bảo vệ đất nước trước Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) vì cáo buộc có những « hành động diệt chủng » nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Rohingya.
Trước đó một ngày, 07/12/2019, hàng ngàn người tụ tập về thủ đô Naypiydaw để ủng hộ bà Aung San Suu Kyi. Cuộc tập hợp diễn ra đúng vào thời điểm ngoại trưởng Trung Quốc đến Miến Điện theo lời mời của bà Aung San Suu Kyi.
Theo phân tích của giới chuyên gia, quyền phủ quyết của Trung Quốc, thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, sẽ là một đồng minh có « trọng lượng » cho Miến Điện, hiện đang phải đối mặt với một áp lực quốc tế ngày càng lớn trong hồ sơ Rohingya.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại là Gambia, được 57 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ủy nhiệm, đã đệ đơn kiện chính quyền Miến Điện trước CIJ vì « tội ác diệt chủng » nhắm vào cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi thiểu số.
Điều nghịch lý là trên trường quốc tế, danh tiếng của bà Aung San Suu Kyi, cựu biểu tượng của phong trào dân chủ, đã bị hoen ố vì các chính sách trấn áp người Rohingya, thế nhưng, ở trong nước, bà vẫn có được một sự ủng hộ của bộ phận đông đảo người dân, vốn dĩ cho rằng những người thiểu số Rohingya là những « kẻ nhập cư bất hợp pháp ».
Tháng 8/2017, hơn 740 ngàn người Rohingya phải bỏ chạy khỏi Miến Điện, sau một đợt tấn công của quân đội nhằm trả đũa vụ nhiều chốt biên phòng bị những người Hồi Giáo Rohingya nổi dậy tấn công. Ấn Độ là đất nước có đa số dân theo Phật giáo.
http://vi.rfi.fr/châu-á/20191208-miến-điện-hàng-ngàn-người-ủng-hộ-aung-san-suu-kyi
Ấn Độ : Biểu tình
chống dự luật cải cách về cấp quốc tịch
Thứ Bảy, 07/12/2019, hàng trăm người đã tụ tập về New Dehli để phản đối dự luật cải cách tư cách công dân. Hôm 04/12/2019, Hội đồng Bộ trưởng đã bật đèn xanh cho dự luật gây tranh cãi này.
Từ New Dehli, thông tín viên đài RFI, Carole Dietrich giải thích :
« ʺẤn Độ là đất nước của chúng tôiʺ, ʺCuộc sống của người Hồi Giáo đang bị định đoạtʺ … Đó là những người ta có thể đọc được trên các tấm biển của những người biểu tình tụ tập phản đối chống dự luật cải cách về quyền công dân, một dự luật dự kiến cấp quốc tịch Ấn Độ cho những người thuộc nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau, trừ người Hồi Giáo, phải trốn chạy khỏi các nước Afghanistan, Pakistan và Bangladesh.
Đây là dự luật mà Kaushik Raj, sinh viên ngành kỹ sư, 21 tuổi cho là vi hiến : ʺDự luật này đi ngược lại với những nguyên tắc biệt lập tôn giáo của Ấn Độ. Sự khác biệt chính giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1974 chính là việc Ấn Độ không dựa trên những nguyên tắc tôn giáo. Tôi là một người theo Ấn Độ giáo có đặc quyền, chính vì điều này mà tôi được hưởng nhiều thứ ở đây một cách công khai, không có chuyện gì xảy ra cho tôi cảʺ.
Kể từ khi phe chủ nghĩa dân tộc theo Ấn Độ giáo lên cầm quyền năm 2014, các tội ác mang tính chất thù hận ngày càng gia tăng tại Ấn Độ, chủ yếu nhắm vào cộng đồng thiểu số Hồi Giáo, chiếm chỉ 14% dân số. Chính phủ của thủ tướng Narendra Modi biện minh khi cho rằng cải cách này chỉ để bảo vệ những cộng đồng tôn giáo bị bức hiếp tại các nước có đa số dân theo đạo Hồi.
Nhưng Mohammed Sadu lại nhìn sự việc theo một cách khác : ʺChính phủ nhắm vào người Hồi Giáo, chúng tôi biết rõ tư tưởng hệ của họ. Những người này nghĩ rằng người Hồi Giáo không phải là một phần văn hóa của họ, của đất nước Ấn Độʺ.
Dự luật cải cách này sẽ phải được trình trước Nghị Viện trong tuần tới. »
http://vi.rfi.fr/châu-á/20191208-ấn-độ-biểu-tình-chống-dự-luật-cải-cách-về-cấp-quốc-tịch