Người Hồng Kông bí mật làm thuốc giải độc hơi cay cho người biểu tình
Vào ban ngày, một nhà bếp nhỏ trong một tòa nhà công nghiệp ở Hồng Kông được sử dụng để nấu đồ ăn nhẹ. Nhưng vào ban đêm, nó trở thành một phòng thí nghiệm bí mật tạo ra thuốc giải độc hơi cay cho người biểu tình.
Các tình nguyện viên ngồi quanh phòng bếp phân loại và cho những viên thuốc nhiều màu vào từng chiếc túi nhỏ.“Cảnh sát đã sử dụng rất nhiều hơi cay và mọi người đang phải chịu đựng”, chủ nhà bếp nói với AP. “Chúng tôi đặc biệt muốn giúp đỡ những người biểu tình ở tuyến đầu, những người đã không tiếc sinh mạng của họ cho tương lai của Hồng Kông”.
Trong 6 tháng qua, cảnh sát Hồng Kông đã bắn hơn 10.000 hộp hơi cay để dập tắt các cuộc biểu tình. Hơi cay được sử dụng nhiều và kéo dài ở Hồng Kông, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới và được ví như một khu rừng bê tông cao tầng. Hơi cay gây ra nỗi sợ hãi về việc nó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Những gì đang diễn ra ở Hồng Kông là chưa từng có”, Alistair Hay, một chuyên gia về các chất độc của Đại học Leeds ở Anh cho biết.
Cảnh sát đã bắn hơi cay vào các khu dân cư chật chội và gần bệnh viện, trung tâm mua sắm, trường học, ảnh hưởng đến không chỉ người biểu tình mà cả trẻ em, người già và người bệnh.
Theo báo cáo của truyền thông Hồng Kông, một cuộc khảo sát vào tháng 8 được thực hiện bởi nhóm các bác sĩ trên khoảng 170 phóng viên đưa tin về các cuộc biểu tình cho thấy, hầu hết họ bị khó thở, ho dai dẳng, ho ra máu, dị ứng da và gặp các triệu chứng như tiêu chảy hoặc nôn mửa.
Một số người dân lo lắng rằng dư lượng hơi cay có thể tồn tại trong nhiều ngày hoặc vài tuần ở nhựa đường, tường, ống thông gió và những nơi khác. Phụ huynh, lãnh đạo trường học và các nhóm cộng đồng đã yêu cầu được biết thành phần các hóa chất trong hơi cay mà cảnh sát sử dụng để họ có thể dọn dẹp đúng cách, nhưng cảnh sát đã không tiết lộ.
Trong trường hợp không có thông tin chính thức, một số phụ huynh đã ngừng đưa con đến công viên và những lời khuyên trực tuyến kêu gọi các bà mẹ không cho con bú trong vài giờ nếu họ tiếp xúc với hơi cay. Nhiều người đã ngừng mua trái cây sau khi một chợ bán buôn, cung cấp một nửa lượng trái cây cho toàn Hồng Kông, bị phun hơi cay vào tháng trước.
Giờ đây, thói quen mới hàng ngày của một số người dân Hồng Kông là sử dụng dung dịch baking soda để tắm, giặt quần áo. Lời khuyên được chia sẻ bởi những người biểu tình là không nên tắm nước nóng sau khi tiếp xúc với hơi cay vì họ cho rằng nước nóng sẽ làm mở lỗ chân lông và hóa chất có thể ngấm vào.Chủ nhà bếp làm thuốc giải độc hơi cay cho biết, cô muốn giúp đỡ những người biểu tình, những người thường tránh tìm cách điều trị tại bệnh viện để che giấu danh tính và tránh bị bắt giữ.
Thuốc giải độc bao gồm các viên nang chứa vitamin và các thành phần tự nhiên khác được cho vào một túi nhỏ, cùng với 10 chai nước có màu caramel, một loại đồ uống có chứa chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Loại thuốc giải này được hướng dẫn là dùng cho quá trình thải độc 10 ngày, cùng với khuyến cáo là không nên uống rượu và hút thuốc.
Ảnh chụp ngày 1/12/2019, đồ uống tăng cường hệ miễn dịch đang được pha chế (ảnh: AP).Thuốc giải chưa được thử nghiệm khoa học nhưng chủ nhà bếp nói rằng phản hồi sau khi phân phát lần đầu cho những người biểu tình tuyến đầu là tích cực.
Ảnh chụp ngày 1/12/2019, các tình nguyện viên đang đóng gói thuốc giải độc hơi cay (ảnh: AP).Một tình nguyện viên 17 tuổi giúp làm thuốc giải độc hơi cay cho biết, anh đã tham gia nhiều cuộc biểu tình và thường xuyên bị đau bụng, buồn nôn và phát ban trong nhiều ngày sau khi hít phải hơi cay. Trong một cuộc biểu tình hồi tháng 6, anh dường như đã không thể thở và nghĩ rằng mình sắp chết.
Một nữ tình nguyện viên làm thuốc giải độc hơi cay cho biết, cô có thể nhìn thấy những đám mây hơi cay trên đường phố ở căn hộ của cô tại Mongkok, một điểm nóng của các cuộc biểu tình và ngửi thấy nó ngay cả khi cửa sổ đã đóng lại.
Cô nói rằng cô không đủ can đảm để tham gia các cuộc biểu tình nhưng cảm thấy mình nên phải đóng góp một cái gì đó.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-hong-kong-bi-mat-lam-thuoc-giai-doc-hoi-cay-cho-nguoi-bieu-tinh.html